About Us
.jpg)


TIẾNG HÁN CỔ với Ông Đồ ĐỖ CHIÊU ĐỨC
CHS Phan Thanh Giản (Cần Thơ), Cựu GS Trung Học Tân Hưng (Cái Răng)
Cựu Giảng Viên ĐH Xã Hội - Nhân Văn (Sài Gòn)
Houston,Texas________
Trân trọng giới thiệu TRANG NHÀ ĐỖ CHIÊU ĐỨC:
https://sites.google.com/view/dochieuduc5/startseite?authuser=0

Đó là câu lẫy của ông Tú Vị Xuyên : Trần Tế Xương, một "Tú Tài Rớt" khi đi thi Cử nhân mà ... Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy ! TÚ TÀI RỚT chữ Nho gọi là " LẠC ĐỆ TÚ TÀI " !
LẠC ĐỆ TÚ TÀI 落第秀才 là Tú Tài Thi Rớt. Ngày xưa, các thư sinh lưng dài vai rộng chỉ có nước chờ đợi thi đậu để được phát tích mà thôi :
Thập niên song hạ vô nhân vấn, 十年窗下無人問,
Nhất cử thành danh thiên hạ tri. 一舉成名天下知。
Có nghĩa :
Mười năm vùi mài kinh sử dưới song cửa sổ, không ai thèm hỏi tới, nhưng...
Hễ thi đậu nổi danh một cái là cả thiên hạ đều biết đến tên tuổi..
Nhưng, lại nhưng, số sĩ tử đi thi thì nhiều, mà số người đậu đạt lại rất ít. Khoa thi thì không phải năm nào cũng có, chỉ ba năm mới có một lần, nên số sĩ tử thi rớt thật nhiều. Ở cấp cao hơn, thì các sĩ tử nầy đều là những Tú Tài thi rớt mà người đời thường gọi là Lạc Đệ Tú Tài, kể cả Thi Tiên Lý Bạch đời Đường cũng đã từng là Tú Tài thi rớt. Ta hãy nghe ông than thở bằng bài thơ ngũ ngôn sau đây :
黃河三尺鯉, Hoàng Hà tam xích lý,
本在孟津居。 Bổn tại Mạnh Tân cư.
點額不成龍, Điểm ngạch bất thành long,
歸來伴凡魚。 Quy lai bạn phàm ngư !
Có nghĩa :
- Con cá chép ba thước của sông Hoàng Hà,
- Vốn dĩ ở đất Mạnh Tân (là nơi nổi tiếng về cá chép ngon). Nhưng vì...
- Nhảy không qua cửa Vũ Môn để thành rồng, nên đầu đập xuống dập trán (ĐIỂM NGẠCH 點額 là Cái chấm trên trán khi bị... té xuống !). Thôi thì ...
- Đành trở về làm bạn với những con cá bình thường của phàm trần vậy !.
Diễn Nôm :
Tấm thân ba thước sông Hoàng,
Mạnh Tân vốn dĩ thôn trang quê nhà.
Dập đầu cửa Vũ không qua ...
Thì thôi về với bạn già phàm phu !
Thi rớt nhưng vẫn còn cái ngông, cái ... cao ngạo hão của kẻ sĩ ngày xưa. Đáng lẽ ta đã thành RỒNG rồi, nhưng vì không qua được Vũ Môn bị... té xuống, nên đành phải mang đầu máu về đây để sống chung với lũ tầm thường các ngươi nữa mà thôi !
Sau đây, ta hãy nghe Bạch Cư Dị đời Đường cảm khái khi thi rớt :
把酒思閒事, Bả tửu tư nhàn sự,
春愁誰最深? Xuân sầu thùy tối thâm ?
乞錢羈客面, Khất tiền ký khách diên,
落第舉人心。 Lạc đệ cử nhân tâm !
月下低眉立, Nguyệt hạ đê mi lập,
燈前抱膝吟。 Đăng tiền bão tất ngâm.
憑君勸一醉, Bằng quân khuyến nhất túy,
勝與萬黃金。 Thắng dữ vạn hoàng câm !
Có nghĩa :
Chuốc rượu để xem như là không có chuyện gì cả (nhàn sự); Nỗi sầu của buổi tàn xuân và thi rớt, cái nào sầu hơn cái nào ? Thể diện nào còn dám mở miệng xin tiền giúp đỡ của bạn bè nơi đất khách (để có lộ phí về quê). Nỗi buồn thi rớt là nỗi lòng của kẻ hụt làm Cử nhân. Thường đứng chau mày lặng lẽ dưới trăng, hay ngồi bó gối trầm ngâm trước ngọn đèn khuya. May nhờ có bạn bè mời uống rượu để giải sầu, tình bạn nầy thật còn xứng đáng hơn là muôn vạn lượng vàng ròng nữa !
Diễn Nôm :
Lòng sầu nâng chén như không,
Buồn nầy so với tàn xuân ai sầu ?
Xin tiền mặt mũi để đâu,
Cử Nhân lạc đệ còn sầu nào hơn ?
Dưới trăng mày ủ mặt hờn,
Bên đèn bó gối chập chờn đêm thâu,
Bạn bè chuốc chén giải sầu,
Ngàn vàng khó được tìm đâu kim bằng ?!
Thật cảm khái ! Thi rớt thẹn cả với trăng với đèn với bạn bè trong buổi tàn xuân nơi đất khách. May mà còn có những người bạn tốt chuốc chén mời rượu để giải sầu.. Kể ra Bạch Cư Dị cũng còn may mắn chán, trong khi Đỗ Mục thi rớt lại than rằng :
何人更憔悴, Hà nhân cánh tiều tụy,
落第泣秦京。 Lạc đệ khấp Tần Kinh.
Có nghĩa :
Còn ai tiều tụy võ vàng hơn là người thi rớt, vì ...
Khóc suốt trong kinh thành trong suốt thời gian thi rớt đó !
Tình cảnh quả thật xót xa thương cảm :
Còn ai tiều tụy võ vàng,
Trường An khóc suốt trên đàng về quê !...
Còn Cố Phi Hùng 顾非熊, con của Cố Huống, người nổi tiếng với "Lá đỏ đề thơ"; lăn lộn trong trường thi suốt 30 năm mà vẫn phải :
白首青衫猶未換, Bạch thủ thanh sam do vị hoán,
又騎羸馬出函關。 Hựu kỵ luy mã xuất Hàm Quan.
Có nghĩa :
- Đầu đã bạc cả rồi mà chiếc áo xanh của thư sinh vẫn chưa thay đổi (chưa thi đậu)..
- Lại vẫn phải cởi con ngựa ốm đói mà đi ra ải Hàm Quan.
Tuy thi rớt, nhưng văn tài của Cố Phi Hùng vang vội khắp kinh thành. Ông là bạn thơ của Giả Đảo, Vương Kiện, Chu Khánh Dư, Ung Đào ... Nên khoa thi năm Hội Xương thứ 5, đời vua Đường Võ Tông, nhà vua thấy bảng vàng không có tên ông, mới lệnh cho quan chủ khảo nộp bài thi của ông lên cho vua xét duyệt và đặc cách cho ông được đỗ Tiến Sĩ Cập Đệ ngoại bảng. Để lại một giai thoại lý thú cho các sĩ tử đời sau.
Còn LA NGHIỆP 羅鄴 trong bài Lạc Đệ Đông Quy 落第東歸 (Thi rớt về đông) thì la cà chần chừ không muốn về nhà chút nào cả ! Ta hãy nghe ông than thở giải bày :
年年春色獨懷羞, Niên niên xuân sắc độc hoài tu,
強向東歸懶舉頭。 Cưởng hướng đông quy lãn cử đầu.
莫道還家便容易, Mạc đạo hoàn gia tiện dung dị,
人間多少事堪愁。 Nhân gian đa thiểu sự kham sầu !
Có nghĩa :
- Năm năm màu xuân lại trở về, riêng ta luôn ôm ấp nỗi thẹn thùa.
- Gắng gượng đi về hướng đông nơi quê nhà mà biếng ngẩn đầu (chỉ cuối mặt, không dám nhìn ai vì thi rớt).
- Đừng bảo là đi về nhà thì rất dễ dàng ...
- Trên đời nầy có biết bao nhiêu chuyện khiến cho con người ta phải buồn rầu !
Diễn Nôm :
Mỗi năm xuân đến thẹn riêng ta,
Cuối mặt về đông hướng nẽo xa.
Chớ bảo hồi quê là chuyện dễ,
Việc đời buồn nản biết bao là !...
Đó là đời Đường, còn Lục Thế Minh 陸世明 của đời Minh thi rớt trở về, trên đường đi ngang qua một trạm kiểm soát, bị quan sở tại chận lại xét, nghi là thương buôn bắt đóng thuế. Lục Thế Minh tức cảnh làm một bài thơ tặng cho vị quan địa phương đó như sau :
獻策金門苦未收, Hiến sách kim môn khổ vị thâu,
歸心日夜水東流。 Quy tâm nhật dạ thủy đông lưu.
扁舟載得愁千斛, Biển chu tải đắc sầu thiên đẩu,
聞說君王不稅愁! Văn thuyết quân vương bất thuế sầu !
Có nghĩa :
- Ta đi hiến kế sách ở cung vàng của nhà vua (đi thi), khổ nỗi nhà vua không nhận.(ý nói thi rớt).
- Nên lòng trở về quê của ta ngày đêm đều theo dòng nước chảy về đông.
- Chiếc thuyền nhỏ chở nặng mối sầu của ta như chở nặng cả ngàn đấu.
- Ta nghe nói là nhà vua đâu có thu Thuế SẦU bao giờ đâu !( Mặc dù mối sầu thi rớt nặng như cả ngàn đấu làm khẳm cả ghe ).
Diễn Nôm :
Hiến kế kim môn khổ chẳng thâu,
Ngày đêm theo nước chảy về mau.
Thuyền con chở nặng sầu ngàn đấu,
Nghe nói quân vương chẳng thuế sầu !
Người thi rớt thì thẹn thùa sầu thảm buồn khổ là thế, còn người thi đậu thì Tiền Khởi 錢起 trong Đại Lịch Thập Tài Tử 大曆十才 đã viết hai câu tặng một người bạn thi đậu như sau :
借問還家何處好, Tá vấn hoàn gia hà xứ hảo,
玉人含笑下機迎。 Ngọc nhân hàm tiếu hạ cơ nghinh.
Có nghĩa :
Dám hỏi về nhà chuyện gì là vui nhất đây, đó là ...
Người ngọc (bà xã) mĩm cười bước xuống khung dệt mà mừng đón !
Không như ...
ĐƯỜNG THANH THẦN 唐青臣 trong TÙY VIÊN THI THOẠI 隨園詩話 của Viên Mai 袁枚(1716-1797)đời nhà Thanh khi thi rớt về nhà :
不第遠歸來, Bất đệ viễn quy lai,
妻子色不喜。 Thê tử sắc bất hỉ.
黃犬恰有情, Hoàng khuyển kháp hữu tình,
當門臥搖尾。 Đương môn ngọa dao vĩ.
* Chú thích :
- LẠC ĐỆ 落第 : LẠC là Rơi, Rụng, Rớt... Nên LẠC ĐỆ là Thi Rớt.
- BẤT ĐỆ 不第 : ĐỆ là Thứ Bậc, là Xếp hạng. Nên Bất Đệ là Không được Xếp Hạng là KHÔNG ĐẬU. (Cũng như thi rớt!)
- THÊ TỬ 妻子 : là Vợ Con, nhưng chỉ có nghĩa là CON VỢ mà thôi. Vì THÊ TỬ là từ Kép dùng để chỉ Con Vợ, Bà Vợ, Bà Xã...
- KHÁP 恰 : là Phó từ có nghĩa :Vừa vặn, Đúng lúc. Nhưng ở đây KHÁP là Liên Từ là từ Nối dùng để nối một ý bất ngờ hoặc ngược lại, có nghĩa như là LẠI của ta, nên câu thơ "黃犬恰有情 Hoàng khuyển KHÁP hữu tình" có nghĩa : Con chó vàng LẠI có tình cảm (như con người).
- ĐƯƠNG MÔN 當門 : là Ngay trước cửa. Nên câu "當門臥搖尾 Đương môn ngọa dao vĩ. Có nghĩa : " Nằm vẫy đuôi ngay trước cửa !" (để mừng chủ về).
* Diễn Nôm :
Không đậu từ xa về,
Sắc mặt vợ ủ ê.
Con phèn tình vẫn thế,
Vẫy đuôi đón chủ về !
Đường Thanh Thần kể ra cũng còn sướng chán, vì còn có con chó vàng vẫy đuôi mừng rỡ, chớ Đỗ Cao 杜羔 thì còn tệ hại hơn nhiều. Năm Trinh Nguyên đời Đường Đức Tông, sau mấy lần thi rớt, năm nay lại lạc đệ trở về. Vợ của Đỗ Cao nghe tin bèn gởi cho chồng một bài thơ như sau :
良人的的有奇才, Lương nhân đích đích hữu kỳ tài,
何事年年被放回? Hà sự niên niên bị phóng hồi ?
如今妾面羞君面, Như kim thiếp diện tu quân diên,
君若來時近夜來。 Quân nhược lai thì cận dạ lai !
Có nghĩa :
- Chàng của em (lương nhân) đích thực là có kỳ tài ! Nhưng ...
- Vì việc gì mà năm nào cũng bị nhà vua "cho về vườn" ?
- Nay thì mặt thiếp cũng đã thẹn vì mặt chàng rồi, nên ...
- Chàng có về thì hãy đợi đến gần đêm hãy về (cho đỡ mắc cở với bà con lối xóm !).
Diễn Nôm :
Chồng em đích thực có kỳ tài,
Sao lại năm nào cũng rớt đài ?
Mặt thiếp thẹn chai vì mặt ấy,
Có về xin hãy đợi đêm dài !
Về ban đêm cho "đỡ quê" với bà con lối xóm. Vừa mĩa mai lại vừa chua xót biết bao nhiêu !
Cùng ở chung một làng một xóm, nhưng người thi đậu kẻ thi rớt, hai thái cực đối chọi nhau một cách mĩa mai. Hãy nghe lời thơ của Cố Phi Hùng :
寂寞正相對, Tịch mịch chính tương đối,
笙歌滿四鄰。 Sanh ca mãn tứ lân.
Có nghĩa :
Yên lặng buồn hiu ngồi nhìn nhau, trong khi...
lối xóm bốn bề vang dội tiếng sanh ca ăn mừng.
Đúng là :
Buồn thiu lặng lẽ nhìn nhau,
Sanh ca bốn phía khác nào trêu ngươi !
và...
傍人賀及第, Bàng nhân hạ cập đệ,
獨自卻沾襟。 Độc tự khước triêm khâm.
Có nghĩa :
Người bên cạnh ăn mừng thi đậu, còn ta thì...
Tự mình ngồi đây mà lệ nhỏ ướt cả vạt áo.
Quả là :
Người đậu mừng chúc vui ca,
Riêng ta sầu thảm ướt tà áo xanh !
Nhưng mĩa mai chua xót và đau khổ nhứt là trường hợp của Lưu Hư Bạch 劉虛白 đời Đường. Hai mươi năm xưa, Bạch cùng với Bùi Viên 裴垣 là bạn đồng song cùng vùi mài kinh sử, nhưng khi ứng thí thì Viên chiếm ngao đầu, sau khi đậu Tiến sĩ thì đường công danh thẳng tiến, đến khoa thi năm nay, Bùi Viên được nhà vua chỉ định làm quan chủ khảo, trong khi Lưu Hư Bạch vẫn còn là một sĩ tử đi ứng thi. Đến ngày thi, Bạch làm một bài thơ gởi cho bạn đồng song ngày xưa và là quan chủ khảo ngày nay là :
二十年前此夜中, Nhị thập niên tiền thử dạ trung,
一般燈燭一般風。 Nhất ban đăng chúc nhất ban phong.
不知歲月能多少, Bất tri tuế nguyệt năng đa thiểu,
猶著麻衣待至公! Do chước ma y đãi chí công !
Có nghĩa :
- Hai mươi năm trước cũng trong một đêm như đêm nay,
- Ta đã cùng chung đèn sách và cùng chung phong độ như nhau.
- Không biết là ngày tháng đã tiêu hao hết bao nhiêu rồi, mà...
- Ta vẫn còn mặc áo gai mà đối mặt với ông đây !
Diễn Nôm :
Hai mươi năm trước cũng đêm này,
Cùng sách cùng đèn đó với đây.
Ngày tháng vô tình đà biến đổi,
Aó gai ta thẹn với ông nay !
Trở lại với Vị Xuyên Tú Xương, ông cũng đã rất xót xa khi cứ thi rớt mãi, buồn bực nản chí đến đòi cả tự vẫn trong ngày thi rớt. Ta hãy nghe tâm sự chua cay của ông qua bài thơ "Hễ Mai Tớ Hỏng" sau đây :
Hễ mai tớ hỏng, tớ đi ngay!
Giỗ tết từ đây nhớ lấy ngày!
Học đã sôi cơm nhưng chửa chín
Thi không ăn ớt thế mà cay!
Sách đèn phó mặc đàn con trẻ
Thưng đấu nhờ trông một mẹ mày.
"Cống hỉ", "mét xì" thông mọi tiếng,
Chẳng sang Tầu cũng tếch sang Tây...
Nhớ ...
Ngày xưa, khoảng thập niên sáu mươi bảy mươi của thế kỷ trước, rất nhiều bạn bè của lớp Đệ Nhị cùng nhau học thi Tú Tài Phần Thứ Nhất (Tú tài 1). Ai đậu thì tiếp tục học thi Tú Tài Đôi, lên Đại Học. Còn bạn nào rớt thì phải xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ tòng chinh. Một anh bạn thi rớt đã cảm khái mà làm bài thơ sau đây :
Rớt Tú Tài anh đi Trung sĩ,
Em ở nhà lấy Mỹ nuôi con.
Hòa bình trở lại nước non,
Anh về anh có Mỹ con anh bồng !
Nghe như là hài hước, nhưng thực ra lại vừa đắng cay vừa chua xót lẫy hờn !
Xin được khép lại LẠC ĐỆ TÚ TÀI là "Tú Tài rớt" ở đây. Hẹn bài viết tới !
杜紹德
Đỗ Chiêu Đức.



Như ta đã biết, trong bài trước《TẾ TÁO DỮ LÂN KHÚC TÁN PHÚC 祭灶與鄰曲散福》của Lục Du 陸游. Sau khi tế Táo thì Tán Phúc là mời bà con chòm xóm đến để cùng ăn, cùng chia sẻ phát tán những cái phúc do Táo quân mang đến. Điều nầy giống như là những người nghèo ở nước Mỹ nầy, hằng năm cứ đợi đến ngày lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) để được những hàng xóm khá giả làm tiệc Tạ Ơn bằng Gà Tây và các nông phẩm thu hoạch được, mời đến để cho ăn uống một bửa thật no nê. Không ngờ vào đời Tống, một trong Đường Tống Bát Đại Gia 唐宋八大家 (Tám người giỏi văn học nhất đời Đường và đời Tống) là Tô Đông Pha lúc về già với cuộc sống khó khăn, lại gặp năm thất mùa, củi quế gạo châu. Ông cũng đợi đến ngày tế Táo cuối năm để được hàng xóm đãi cho một bửa no say. Ta hãy cùng đọc bài thơ thất ngôn tứ tuyệt của ông sau đây sẽ rõ :
北船不到米如珠, Bắc thuyền bất đáo mễ như châu,
醉飽蕭條半月無。 Túy bão tiêu điều bán nguyệt vô.
明日東家知祀灶, Minh nhựt đông gia tri tự Táo,
只雞斗酒定膰吾。 Chỉ kê đấu tửu định phần ngô.
蘇東坡 Tô Đông Pha
* Chú thích :
- Túy Bão 醉飽 : TÚY là Say; BÃO là No; TÚY BÃO là No say.
- Tiêu Điều 蕭條 : xơ xác, ít ỏi, buồn vắng, lạnh lùng.
- Đông Gia 東家 : là Ông hàng xóm.
- Tự 祀 : là Tế tự, cúng bái. TỰ TÁO 祀灶 : là cúng đưa ông Táo về Trời.
- Định 定 : là NHẤT ĐỊNH 一定 là Chắc chắn !
- Phần 膰 : Còn đọc là PHIỀN, là Chia phần những đồ cúng tế. Nên ĐỊNH PHẦN NGÔ 定膰吾. Có nghĩa : Chắc chắn sẽ có chia phần thịt cúng cho ta !
* Nghĩa bài thơ :
- Thuyền buôn ở xứ bắc không tới, nên giá gạo mắc như là châu báu vậy !
- Chuyện được ăn uống no say đã vắng vẻ hơn nửa tháng nay rồi.
- Ngày mai biết được ông hàng xóm sẽ cúng tiễn Táo quân, nên...
- Chắc chắn sẽ chia phần cho ta được con gà và đấu rượu ! (Mặc sức mà no say một bửa cho thỏa thuê !...)
Tội nghiệp ! Tuổi già bị biếm về phương nam, hết Huệ Châu tới Đam Châu (vùng sông nước của Quảng Đông), lại nhằm lúc hạn hán bệnh tật, không thuốc men, không bạn bè... chỉ sống trông nhờ vào hàng xóm !
* Diễn Nôm :
Bắc thuyền không đến gạo như châu,
Rượu thịt xác xơ nửa tháng sầu.
Hàng xóm ngày mai cùng tế Táo,
Đãi ta gà với rượu đầy bầu !
Lục bát :
Thuyền buôn không đến gạo châu,
Lạnh lùng rượu thịt đã sầu nửa trăng.
Mai ngày tế Táo cuối năm,
Có gà có rượu ân cần đãi ta !
Còn...
Tế tiễn Táo Quân trong nghèo khó, không phải chỉ có Lữ Mông Chính của đời Tống, mà còn có Lỗ Tấn của cuối đời Thanh, đầu đời Dân Quốc.
LỖ TẤN 魯迅 ( 25-9-1881--19-10-1936 ), người huyện Thiệu Hưng, Tỉnh Chiết Giang. Vốn tên là Châu Thọ Nhân, tự là Dự Sơn, Dự Đình, Sau đổi thành Dự Tài. Ông thường mặc một chiếc áo dài giản dị theo truyền thống Trung Hoa. Đầu để trần tóc dựng đứng như bàn chải, râu mép đậm như hình chữ NHẤT viết theo kiểu Lệ Thư. Ông là nhà Văn học, nhà Tư Tưởng vĩ đại và là chủ tướng của nền văn hóa Trung Hoa cận đại.
Sau đây là bài Tống Táo Thi ông làm năm Canh Tí 1901 lúc gia cảnh đang sa sút phải cầm cố đồ đạc để sống qua ngày.
庚子送灶即事 CANH TÝ TỐNG TÁO TỨC SỰ
只雞膠牙糖, Chỉ kê giao nha đường,
典衣供瓣香。 Điển y cung biện hương.
家中無長物, Gia trung vô trưởng vật,
豈獨少黃羊。 Khởi độc thiểu hoàng dương.
魯迅 Lỗ Tấn
*CHÚ THÍCH :
* GIAO 膠 là chất Keo, chất Nhựa. nên...
Giao Nha Đường là Kẹo Mạch Nha.
* ĐIỂN 典 là Cầm Cố. Điển Y là Cầm cái Áo.
* TRƯỞNG VẬT 長物 : Đồ vật có giá trị, Đồ Quý giá !
* HOÀNG DƯƠNG 黃羊 : là con Dê màu Vàng. Theo sách " Hậu Hán Thư " quyển 62 có " Âm Thức Truyện《後漢書》卷62《陰識傳》kể rằng : Đời Tuyên Đế, có người tên Âm Tử Phương, rất có hiếu lại có lòng nhân từ. Tháng Chạp hăm ba, nhà chỉ có một con dê màu vàng cũng làm thịt để cúng Táo. Từ đó về sau bỗng phát tích thành cự phú. Vì thế sau này đến ngày tế Táo, mọi người đều làm dê vàng để cúng theo, lâu dần thành lệ.
* NGHĨA BÀI THƠ :
BÀI THƠ LÀM LÚC CÚNG ÔNG TÁO NĂM CANH TÝ 1901
Chỉ vỏn vẹn có một con gà và chút đỉnh kẹo mạch nha, đó là do vừa đi cầm cái áo mà mua nhang về để cúng đó. Nhà đã không còn vật gì đáng giá nữa, chẳng phải chỉ thiếu có con dê vàng thôi không đâu ! ( Ý muốn nói là còn thiếu nhiều món để cúng nữa ! )
Chắc vì không có được dê vàng để cúng, nên Lỗ Tấn chịu nghèo suốt cuộc đời mình chăng ?
* DIỄN NÔM :
TIỄN TÁO NĂM CANH TÝ 1901
Mạch nha kẹo với gà,
Cầm áo cúng hoa loa.
Nhà không còn gì quý,
Lấy đâu chú dê già !?
Lục bát :
Con gà với kẹo mạch nha,
Nén nhang cầm áo hoa loa cúng Ngài,
Hết đồ quý giá trong ngoài,
Dê vàng đừng nhắc thêm hoài công thôi !
Nhớ lúc nhỏ, khi gần Tết, tôi đã đọc được một bài thơ "Tống Táo Thi" 送 竈 詩 trên báo để tiễn đưa ông Táo như sau :
送 竈 詩 TỐNG TÁO THI
麥芽糖餅餞行蹤, Mạch nha đường bỉnh tiễn hành tung,
拜祝佯癡且作聾。 Bái chúc dương si thả tác lung.
只有一般應開口, Chỉ hữu nhất ban ưng khai khẩu,
煩君報我一年窮。 Phiền quân báo ngã nhất niên cùng !
* CHÚ THÍCH :
1. Đường Bỉnh : là Kẹo bánh. Đường là Đường, mà cũng có
nghĩa là Kẹo nữa.
2. Dương : là Giả đò.Tác : là Làm, ở đây có nghĩa là Làm bộ.
3. Si : là Ngây, là Dại. Lung : là Điếc.
4. Nhất ban : là Mạo từ ( Article )chỉ : Một Điều, Một Cái.
5. Nhất niên : là Cả năm, suốt năm, chớ không phải MỘT
NĂM.
* DỊCH NGHĨA :
Mạch nha, Kẹo, bánh... đưa tiễn bước chân ông đi. Khi bái kiến và chúc tụng Thượng Đế xin ông giả ngây giả điếc dùm cho ( đừng nói lung tung những chuyện không tốt của tôi ). Chỉ có một điều ông nên mở miệng nói là.... Cảm phiền ông báo với Ngọc Hoàng là sao tôi lại nghèo suốt cả năm vậy ?!
* DIỄN NÔM :
THƠ TIỄN ÔNG TÁO
Mạch nha kẹo bánh tiễn chân ông,
Lên đó giả ngây giả điếc dùm.
Chỉ có một điều nên mở miệng,
Rằng ta nghèo suốt một năm ròng !
Hằng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp, thì dân Việt Nam ta có tục lệ cúng tiễn đưa Ông Táo về trời, người Hoa thì cúng vào đêm 24. Theo câu nói của dân gian là " Quan tam, dân tứ, thuyền gia ngũ ", có nghĩa là : Làm quan thì đưa ông Táo ngày 23, dân thì đưa ngày 24, còn những người đi ghe theo cuộc sống thương hồ thì đưa ông Táo ngày 25.
Bỏ qua về xuất xứ của tục lệ nầy, chỉ xét về phần cúng tế. Người Việt và người Hoa ở Việt Nam thường cúng tiễn Táo Quân bằng " thèo lèo ", bánh mức, chè Ỷ... hương hoa trà nước... và giấy tiền vàng bạc kèm theo các hình cò bay ngựa chạy. Ý là để cho ông Táo cởi ngựa cởi cò về trời ( trong văn học thì cho là cởi cá Chép ), còn "thèo lèo" bánh mức... là để ăn cho ngọt miệng đặng báo cáo cho ngọt cho tốt với Ngọc Hoàng Thượng Đế về tình trạng gia đình nơi mà ông Táo đang cư ngụ....
Xin được nói thêm về 2 chữ THÈO LÈO.
THÈO LÈO là phát theo âm Triều Châu của 2 chữ TRÀ LIỆU 茶料 : là Những Vật Liệu dùng để Uống Trà. VẬT LIỆU ở đây là chỉ những món đồ ngọt như : Kẹo Đậu Phọng, Kẹo mè đen, mè trắng, cốm, và những viên đậu phọng được áo một lớp đường màu trắng mà ta quen gọi là "Cứt Chuột".
"Thèo Lèo Cứt Chuột" là món ngon dùng để uống trà và là món không thể thiếu khi cúng ông Táo ở quê tôi : Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xán, Phong Điền...
杜紹德
Đỗ Chiêu Đức.





Người miền Bắc bảo là PHÚC 福, còn người miền Nam thì nói là PHƯỚC. Hữu Phúc 有福 là Có Phước, mà Có Phước là có Tất cả ! Theo "CHỮ NHO... DỄ HỌC" chữ PHÚC thuộc dạng chữ Hình Thanh, có diễn tiến chữ viết như sau :
Ta thấy :
Chữ PHÚC 福 là do bộ THỊ 礻= 示 là Biểu Thị 表示 có nghĩa là "Bày tỏ, là Tỏ ra"; và chữ PHÚC 畐 có nghĩa là "Đầy đủ, Sung túc". Nên chữ PHÚC 福 được đọc theo âm chữ PHÚC 畐 là Đầy đủ, nên gọi là chữ Hình Thanh. PHÚC 福 còn có nghĩa Hội Ý là : "Tỏ ra đầy đủ sung túc". Vâng, "Tỏ ra đầy đủ sung túc" là "Có Phước" rồi !
Đó là nói theo sách giáo khoa và tự điển giảng về chữ PHÚC 福, còn đối với dân gian thì bà con ta nhìn Bộ THỊ 礻 thành Bộ Y 衤= 衣 là Y PHỤC 衣服 có nghĩa là "Áo Quần". Còn chữ PHÚC 畐 nhìn từ trên xuống là : Chữ NHẤT 一 chữ KHẨU 口 rồi chữ ĐIỀN 田. NHẤT KHẨU ĐIỀN 一口田 có nghĩa là :"Một thửa Ruộng". Nên mới chiết tự chữ PHÚC 福 thành : NHẤT BÁN Y SAM NHẤT KHẨU ĐIỀN 一半衣衫一口田. Có nghĩa là : Một nửa là ÁO XỐNG (Y sam), nửa kia là MỘT THỬA RUỘNG. Với hàm ý là : Có quần áo để mặc, có ruộng để cày; Cũng có nghĩa là "Có cơm ăn áo mặc là đã CÓ PHƯỚC rồi !". Nên ...
CÓ PHÚC là CÓ PHƯỚC, là có cuộc sống sung túc đầy đủ cơm ăn áo mặc; Nhưng dần dà theo nhu cầu đòi hỏi của cuộc sống, nên chữ PHÚC cũng được nhân rộng ra thành nhiều mặt để đáp ứng lòng tham không đáy của con người. Như trong ngày Tết âm lịch, ta thường thấy người ta hay dán bốn chữ NGŨ PHÚC LÂM MÔN 五福臨門 lên ngay trước cửa ra vào và thường hay chưng một cành hoa mai, vì hoa mai nở ra năm cánh tượng trưng cho năm điều Phước, gọi là MAI KHAI NGŨ PHÚC 梅開五福. Năm điều PHƯỚC mà mọi người hằng mơ ước đó là :
Thọ, Phú, Khang ninh, Du hảo đức và Khảo chung mệnh.
寿, 富, 康寜, 攸好德, 考终命。
Có nghĩa :
Sống lâu, giàu có, mạnh khỏe, được tiếng có đức tốt và chết an lành, là thiện chung. Nói cho gọn lại là : Thọ 壽, Phú 富, Khang 康, Đức 德 và Thiện 善. Đó là 5 cái phước mà mọi người thời xưa đều mong mỏi. Còn bây giờ thì sao ? Xã hội ngày một thay đổi và tiến hóa, nên mơ ước và mong mỏi của con người cũng có khác. Theo như sưu tầm tìm thấy trên mạng thì NGŨ PHÚC của hiện nay là : Hòa hài 和諧,Hưng vượng 興旺,Phú qúy 富貴,Bình an 平安,Kiện khang 健康。Có nghĩa là : Gia đình hòa thuận, Làm ăn phát đạt, Trở nên giàu sang, Gia đình bình an và Mọi người đều khỏe mạnh. Rất thực tế và rất phù hợp với cuộc sống của xã hội trước mắt.
CÓ PHƯỚC còn có nghĩa là "Tránh khỏi được những xui xẻo tai nạn làm thương tổn đến bản thân hay gia đình" Nên ông bà xưa thường nói là :
有福傷財, Hữu PHÚC thương tài,
無福傷己。 Vô PHÚC thương kỷ.
Có nghĩa :
- CÓ PHƯỚC thì chỉ bị thương tổn mất mát về tiền của tài sản mà thôi, Còn...
- Không CÓ PHƯỚC thì sẽ bị thương tổn đến bản thân, sức khỏe, thậm chí đến cả tính mạng của mình nữa.
Ông bà ta thường nói : Của đi thay ngưởi mà!
PHÚC 福 còn có nghĩa là May Mắn. Như PHÚC TINH 福星 là Ngôi sao may mắn. Ta có thành ngữ PHÚC TINH CAO CHIẾU 福星高照 để chỉ những người thật may mắn, luôn luôn có một ngôi sao may mắn từ trên cao chiếu xuống, nên làm việc gì cũng thuận lợi suông sẻ, kể cả đầu tư, kinh doanh, cờ bạc... Còn ...
NHẤT LỘ PHÚC TINH 一路福星. Thành ngữ nầy vốn dĩ dùng để chỉ một ông quan tốt, như là một ngôi sao may mắn đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Có xuất xứ từ bài viết《Tiên Vu Tử Tuấn hành trạng 鲜于子骏行状》 của Tần Quan đời Tống 宋·秦觀 như sau :
TẦN QUAN 秦觀 tự là Thiếu Du 少游, danh sĩ đời nhà Tống, kể lại chuyện Tiên Vu Tử Tuấn được bổ nhiệm đi làm Chuyển Vân sứ lộ Kinh Đông; Vì là một vị quan thanh liêm hết lòng lo cho dân, nên trước khi đi Tư Mã Quang đã than rằng :" PHƯỚC TINH đã đi rồi ! Nếu như triều đình có được một trăm người như Tử Tuấn thì các nơi sẽ tốt biết mấy !" Vì thế mà mọi người đều gọi Tử Tuấn là NHẤT LỘ PHÚC TINH và làm thơ ca ngợi như sau :
福星一路之歌謠, PHÚC TINH NHẤT LỘ chi ca dao,
生佛萬家之香火。 Sanh Phật vạn gia chi hương hỏa.
Có nghĩa :
PHÚC TINH NHẤT LỘ ngợi ca,
Là thân Phật sống vạn nhà khói hương.
Trong tác phẩm "SÃI VÃI", cụ Nguyễn Cư Trinh đã cho bà VÃI khen ông SÃI như sau :
Ông nầy tu luyện, có chí anh hùng:
Thuộc sử kinh chứa để đầy lòng;
Mang y bát chơn truyền phải mặt.
Dầu chẳng “VẠN GIA SANH PHẬT”,
Cũng là “NHẤT LỘ PHÚC TINH”...
Nhưng sau nầy dùng rộng ra thì NHẤT LỘ PHÚC TINH còn dùng để người ở lại chúc cho người đi xa được "May mắn suốt cuộc hành trình".
Còn...
PHƯỚC TƯỚNG 福將 là chỉ các Tướng lãnh may mắn, hễ ra trận là đánh thắng, gặp nguy hiễm cũng thoát nạn không chết. Tiêu biểu như 3 ông tướng sau đây :
* Triệu Vân 趙雲(?—229)là Thường Sơn Triệu Tử Long 常山趙子龍, một trong Ngũ Hổ Tướng của Lưu Bị thời Tam Quốc. Ông là vị tướng trăm trận trăm thắng và chưa hề bị thương lần nào kể cả trận chiến ở Đương Dương Trường Bản, ra vào bảy lần trong vòng vây mấy vạn quân của Tào Tháo lại phải phò ấu chúa, nhưng vẫn an toàn về đến trại mà không hề có thương tích gì cả ! Trên 70 tuổi mới mất vì bệnh.
* Trình Giảo Kim 程咬金(589-665)trong Tùy Đường Diễn Nghĩa gia nhập Ngõa Cang Trại, Ba búa cướp hoàng cống (tiền thuế cống nạp cho vua) làm phản ở Sơn đông, xưng là Hỗn Thế Ma Vương... Sau theo Tần Vương Lý Thế Dân lần lượt đánh bại Tống Kim Cương, Đậu Kiến Đức, Vương Thế Sung... lập được nhiều công trạng, được phong làm Lỗ Quốc Công khi Đường Thái Tông lên ngôi. Qua sự kiện Võ Hậu soán ngôi, Tiết Cương làm phản, mãi cho đến khi Lý Đán đăng cơ là Đường Tuấn Tông (662) Trình Giảo Kim mới cười chết ở tuổi 148 (Theo chính sử thì Trình Giảo Kim chỉ sống đến 76 tuổi mà thôi).
* NGƯU CAO 牛皋(1087—1147): Cũng là một PHÚC TƯỚNG truyền kỳ có nhiều thành tích giống như là Trình Giảo Kim vậy. Ngưu Cao là bạn kết nghĩa của danh tướng Nhạc Phi. Khi Nhạc Phi mất, Ngưu Cao theo giúp con của Nhạc Phi là Nhạc Lôi đi bắc chinh để đánh Kim Ngột Truật. Cao đã mấy lần giúp cho đoàn quân gặp dữ hóa lành, cuối cùng đại phá Ô Long Trận, cởi trên mình Kim Ngột Truật làm cho Kim Ngột Truật giận qúa mà tức chết và bản thân Ngưu Cao đắc ý nên cũng phá lên cười lớn rồi cũng... chết luôn !
Đó là ba PHƯỚC TƯỚNG tiêu biểu của 52 bộ Truyện Tàu ngày xưa do nhà xuất bản Tín Đức Thư Xã khoảng thập niên 1950 đã xuất bản và bán đầy cả Sài Gòn Chợ Lớn và Nam Kỳ Lục Tỉnh. Còn...
PHÚC TƯỚNG 福相 : Chữ TƯỚNG nầy là TƯỚNG MẠO 相貌; nên PHÚC TƯỚNG có nghĩa là :"Người có tướng mạo phúc hậu, hiền lành, dễ thương"...
* ĐÀN ÔNG có PHÚC TƯỚNG là người có khuôn mặt đầy đặn nhân từ, tánh tình hòa hoãn đôn hậu trầm tĩnh, dễ thân cận.
* ĐÀN BÀ có PHÚC TƯỚNG là Đàn bà có khuôn mặt dễ nhìn, "khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang" là người có tính tình nhân hậu hòa ái, vượng phu ích tử.
Nói thực tế một chút, người có PHÚC TƯỚNG phải là người có gia thế hơn người, tài mạo hơn người một chút, thì mới thể hiện được cái PHÚC của TƯỚNG MẠO. Chớ nghèo khổ bửa đói bửa no, nợ đòi con khóc, chạy gạo hằng ngày, mặt ủ mày chau, thì làm sao có PHÚC của TƯỚNG cho được ! Trong Truyện Kiều, khi Kim Kiều mới lần đầu tiên hẹn ước, vừa gặp gỡ nhau Thúy Kiều đã đánh giá Kim Trọng là :
Nàng rằng : Trộm liếc dung quang,
Chẳng sân Ngọc Bội, cũng phường Kim Môn.
Rồi khi Kim Trọng nhờ Thúy Kiều đề thơ lên trên bức họa của mình, Thúy Kiều đã rất tài hoa thiện nghệ với "Tay tiên gió táp mưa sa, khoản trên dừng bút thảo và bốn câu" khiến cho Kim Trọng phục sát đất và thốt ra lời khen rất thành thực là :
Khen tài nhả ngọc phun châu,
Nàng Ban ả Tạ cũng đâu thế nầy.
Kiếp xưa tu ví chưa dầy,
PHÚC nào bắt được giá nầy cho ngang ?!
Nên PHÚC còn là việc làm tốt, là cái âm đức, cái PHƯỚC PHẦN 福分 của con người do hành vi việc làm của mình hay của cha ông dòng họ mình làm, tạo nên cái Phần Phước mà mình được hưởng hay phải chịu hưởng. Khi nhảy xuống sông Tiền Đường để quyên sinh, thì hồn ma của Đạm Tiên lại hiện ra báo mộng nói với Thúy Kiều là :
Chị sao PHẬN MỎNG PHÚC DẦY,
Kiếp xưa đã vậy, lòng này dễ ai ?
Tâm thành đã thấu đến trời,
Bán mình là hiếu, cứu người là nhân...
PHÚC DẦY là do biết bán mình để trả hiếu cho cha mẹ và do khuyên Từ Hải quy hàng triều đình để tránh cảnh chiến tranh làm cho dân lành phải lầm than chết chóc . Nên chi ...
Đoạn trường sổ rút tên ra,
Đoạn trường thơ phải đưa mà trả nhau.
Còn nhiều hưởng thụ về lâu,
Duyên xưa đầy đặn, PHÚC SAU dồi dào !
Và cũng giống như lời Tam Hợp đạo cô tiên đoán với sư Giác Duyên về thân phận của Thúy Kiều :
Sư rằng :"PHÚC HỌA đạo trời,
Cỗi nguồn cũng bởi lòng người mà ra.
Có trời mà cũng tại ta,
Tu là CỖI PHÚC, tình là dây oan !
PHÚC còn là cái điềm báo trước về những điều may mắn sắp xảy ra, như câu thành ngữ PHÚC CHÍ TÂM LINH 福至心靈 là khi điều Phước sắp đến tự nhiên lòng con người cảm thấy linh động, thoải mái hơn, nên quyết định chuyện gì cũng nhanh nhạy sáng suốt và đúng đắn hơn. Câu nói nầy có xuất xứ từ《Tư Trị Thông Giám 資治通鑑· Ngũ Đại hậu Hán Cao Tổ Thập nhị niên 五代後漢高祖天福十二年》: "Bỉ ngữ hữu chi : Phúc chí quy linh, họa lai thần mị 鄙語有之:福至歸靈;禍來神昧"。Có nghĩa : "Tục ngữ có câu rằng : Hễ phước đến thì sự linh động sẽ trở về, và hễ họa đến thì tâm thần bị ám muội u mê". Nên...
PHÚC CHÍ TÂM LINH 福至心靈 là khi cái điềm may mắn đã đến thì nghĩ gì sẽ được nấy, làm gì cũng sẽ thành công, toan tính làm sao thì sẽ được làm vậy !
Nhớ hồi nhỏ, khi mới vừa lỏm bỏm học được vài chữ Nho, thì một hôm ông Sáu hàng xóm đã chặn lại hỏi rằng : Mầy học chữ Nho chứ có biết câu "Cuốc đất trồng khoai, Quạ vô ăn bí" không ? Tôi rất ngạc nhiên và không hiểu gì cả, bèn chạy đi hỏi thầy. Thầy cười và bảo rằng : Ông Sáu chỉ hỏi cho vui thôi, đó chính là câu :
福不重來, Phúc bất trùng lai,
禍無單至。 Họa vô đơn chí.
Có nghĩa :
- PHƯỚC chẳng đến rồi lại đến nữa, còn...
- HỌA thì không đến đơn độc một mình.
Ý là :
Chuyện PHƯỚC là chuyện may mắn, chuyện tốt, ít khi đến hai ba lần cùng một lúc; còn chuyện xui chuyện rủi thì cũng ít khi xảy ra đơn độc mà thường thì hết chuyện xui nầy đến chuyện xui khác xảy ra liên tục luôn.
Đây là kinh nghiệm đã từng trải trong cuộc sống hằng ngày của ông bà để lại, để khuyên răn và cảnh giác con cháu đừng qúa vui vẻ khi đắc ý mà quên mất hiện tại; cũng như phải luôn luôn đề phòng sẵn sàng đón nhận những chuyện xui rủi không may thường xảy ra một cách liên tục !
Cũng câu nói trên, nhưng người Hoa thì nói thành :
福無雙至, PHÚC vô song chí,
禍不單行。 HỌA bất đơn hành.
Có nghĩa :
- PHƯỚC không đến một đôi (hai lần), còn...
- HỌA thì không đi đơn độc.
Nói cách nào thì cũng diễn cùng một ý như trên mà thôi. Thường thì PHÚC HỌA, HỌA PHÚC hay đi liền với nhau và nhất là hay xảy ra một cách bất chợt khiến cho người ta đôi lúc không kịp trở tay. Nên ông bà lại cảnh giác :
天有不測風雨, Thiên hữu bất trắc phong vũ,
人有旦夕禍福。 Nhân hữu đản tịch họa phúc.
Có nghĩa :
- Trời thì có mưa gió thất thường, còn...
- Người thì có họa phước sớm chiều.
Nhiều lúc vừa thấy nắng ráo đó, bỗng nhiên nổi gió và đổ mưa ngay; Cũng như niềm vui mới đến từ buổi sáng đó thì buổi chiều đã có chuyện buồn rầu lo lắng ập đến ngay rồi. Sự BẤT TRẮC của Gió Mưa và Họa Phước là không thể lường trước được. Như gia đình của Vương Viên Ngoại trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, mới vừa vui vẻ, khi ...
Một đoàn mừng thọ ngoại hương mới về,
và...
Hàn huyên chưa kịp giãi giề,
thì...
Sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao
Người nách thước kẻ tay đao,
Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi.
rồi...
Già giang một lão một trai,
Một dây vô lại buộc hai thâm tình !
Ta thấy, mới dự tiệc vui vẻ về đó, vừa tới nhà đã bị sai nha trói gô lại ngay. Quả là HỌA PHÚC BẤT THƯỜNG 禍福不常. Còn trong Cung Oán Ngâm Khúc thì Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều lý luận một cách cao xa hơn theo thuyết của Lão Trang là :
Quyền HỌA PHÚC trời tranh mất cả,
Chút tiện nghi chẳng trả phần ai,
Cái quay búng sẵn trên trời,
Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm !
PHÚC 福 còn đi với LỘC 祿 thành PHÚC LỘC 福祿, là vừa có Phước vừa có Lộc. Thực ra trong chữ PHÚC đã có sẵn chữ LỘC trong đó rồi. Vì LỘC 祿 là Bổng Lộc 俸祿, mà Bổng Lộc ngày xưa là Lương Thực, còn Bổng Lộc ngày nay là Tiền Lương. Chức vụ càng cao thì Bổng lộc càng nhiều. Nên "Có phước" mới "có Lộc" và ngược lại "Có lộc" tức là đã "Có phước" rồi đó. Nên ta lại có thành ngữ...
PHÚC LỘC SONG TOÀN 福祿雙全 là Phước và Lộc đều đầy đủ cả, có nghĩa tiền tài danh vọng, của cải vật chất và tiếng tăm đều đầy đủ. Trong Truyện Kiều để kết thúc câu chuyện cho có hậu, cụ Nguyễn Du đã viết về gia đình Kim Trọng như sau :
Một nhà PHÚC LỘC gồm hai,
Nghìn năm vằng vặc quan giai lần lần.
Thừa gia chẳng hết nàng Vân,
Một cây cù mộc một sân quế hòe.
Ông bà ta thường nói "Có PHƯỚC làm quan, có GAN làm giàu". Nhưng trong thời buổi hiện nay, chỉ cần có PHƯỚC để làm quan thôi. Làm quan rồi không có GAN vẫn làm giàu được như thường ! Như tất cả các quan lớn quan nhỏ hiện nay ở Việt Nam đều cất biệt phủ hoặc lâu đài, chứ không ông quan nào thèm cất "nhà" nữa cả !
Có PHƯỚC có LỘC rồi, nghĩa là có giàu sang phú qúy danh vọng rồi, thì con người ta lại muốn sống lâu để hưởng thụ; tức là muốn có thêm THỌ 壽 nữa cho đủ bộ TAM VỊ CÁT TINH 三位吉星 là PHÚC LỘC THỌ 福祿壽 như câu đối Tết ngày xưa ở quê tôi : Cái Răng, Ba láng, Vàm Xáng, Phong Điền... của vùng Nam Kỳ Lục Tỉnh là :
福祿壽三星拱照, PHÚC LỘC THỌ tam tinh củng chiếu,
天地人四海同春。 Thiên Địa Nhân tứ hải đồng xuân.
Có nghĩa :
- Ba sao Phước Lộc Thọ cùng chiếu về nơi đây,
- Trời Đất Người bốn biển cùng đón xuân sang.
nên...
PHÚC 福 cũng đi đôi với THỌ 壽 thành cặp đôi PHÚC THỌ SONG TOÀN 福壽雙全 là Có đầy đủ cả PHƯỚC và THỌ. Như ta đã biết ở phần đầu của bài viết là trong NGŨ PHÚC 五福 đã có cả LỘC 祿 và THỌ 壽 trong đó rồi; Nên HỮU PHÚC HỮU THỌ 有福有壽 Có Phước Có Thọ chỉ là một lời chúc nói cho tròn trịa đầy đủ êm tai cho dễ nghe mà thôi. Lời chúc nầy lại làm cho ta nhớ lại giai thoại giữa Tô Tiểu Muội 蘇小妹 và Tần Thiếu Du 秦少游 như sau :
Tô Tiểu Muội 蘇小妹 tên thật là Tô Chẩn 蘇軫, em gái của Tô Đông Pha 蘇東坡, tuy mang tiếng là xấu gái, nhưng văn tài thì vang vội khắp nơi. Rất nhiều vương tôn công tử ngắm nghé cầu hôn. Tô Tiểu Muội có định lệ là hễ ai muốn cầu hôn thì phải nạp văn bài của mình cho nàng xem trước.
Lúc bấy giờ, có một thư sinh họ Tần 秦 tên Thiếu Du 少游, cũng thuộc gia đình thế phiệt trâm anh, cũng nổi tiếng văn hay chữ tốt. Thiếu Du cũng định nộp bài của mình cho Tiểu Muội, nhưng nghe đồn nàng ta trán vồ, mặt dài, xấu gái, nên còn do dự.
Một hôm, dọ biết tin là Tô Tiểu Muội sẽ đi lễ chùa vào ngày rằm sắp tới. Thiếu Du bèn quyết định cải trang thành một đạo sĩ, để tận mắt xem nàng ta xấu đẹp ra sao.
Hôm đó, đứng xa xa nhìn thấy Tiểu Muội từ trên kiệu bước xuống, dáng người yểu điệu thướt tha, tuy trán có hơi vồ, mặt có hơi dài, nhưng rất thanh tú, tuy không gọi được là giai nhân, nhưng trông cũng trang nhã, tươi trẻ, thanh thoát khác thường. Nhan sắc thì cho qua rồi, còn văn tài thì sao ?. Phải đích thân thử một chuyến mới được.
Quyết định xong, chàng bèn đợi khi Tiểu Muội vừa lễ Phật xong bước ra khỏi chánh điện, thì chàng cũng bất thần bước tới, những người tùy tùng chưa kịp cản ngăn, thì chàng đã chấp tay xá dài, miệng thì đọc :
"Tiểu thư hữu phúc hữu thọ, nguyện phát từ bi"
小 姐 有 福 有 壽 , 愿 发 慈 悲 。
Có nghĩa :
- Tiểu thơ ơi, cô có phước có thọ, mong cô mở lòng từ bi.
Tô Tiểu Muội nhìn thấy một ông đạo sĩ non choẹt, da mặt hồng hào, không có vẻ khắc khổ của một nhà tu hành gì cả, thì biết ngay là có ý trêu mình, bèn đáp :
"Đạo nhân hà đức hà năng, cảm cầu bố thí "
道 人 何 德 何 能, 敢 求 布 施。
Có nghĩa :
- Ông đạo có tài gì, đức gì, mà dám xin ta bố thí.
Đáp xong, Tiểu Muội bèn bước xuống bậc tam cấp. Thiếu Du vội vàng bước theo đọc tiếp :
"Nguyện tiểu thư thân như dược thọ, bách bệnh bất sinh,"
愿 小 姐 身 如 藥 樹, 百 病 不 生 。
Có nghĩa :
- Mong tiểu thơ mình như cây thuốc, trăm bệnh không sanh.
Đây là câu nói nịnh để tán tỉnh tiểu thơ . Tô Tiểu Muội bèn đáp rằng :
"Tùy đạo nhân khẩu xuất liên hoa, bán văn bất xả."
随 道 人 口 出 蓮 花, 半 文 不 捨 。
Có nghĩa :
- Cho dù đạo nhân có nói ra được bông sen, thì nửa đồng điếu cũng không cho nữa. (Khỏi mắc công phải nói nhiều!).
Đáp xong bèn quay mình đi thẳng ra kiệu, Thiếu Du lại vội vàng bước theo vớt một cú chót :
"Tiểu nương tử nhất thiên hoan hỉ, như hà triệt thủ bảo sơn?"
小 娘 子 一 天 歡 喜, 如 何 撤 手 寶 山 。
Có nghĩa :
- Này cái nàng nho nhỏ kia ơi, hôm nay được một ngày vui vẻ, sao lại nở giữ chặc hầu bao thế kia ? (Triệt Thủ 撤手 là Giữ chặc tay. Bảo Sơn 寶 山 là Núi châu báo, ở đây chỉ Túi tiền).
Tô Tiểu Muội vừa bước lên kiệu vừa mắng vọng xuống :
"Phong đạo nhân nhậm địa tham si, na đắc tùy thân kim huyệt."
瘋 道 人 恁 地 貪 痴, 哪 得 随 身 金 穴。
Có nghĩa :
- Ông đạo nhân khùng kia, ông còn tham sân si như thế, thì làm sao mà thành chánh quả cho được. (kim Huyệt 金 穴 là Huyệt Vàng nơi để chôn những người tu hành đắc đạo).
Tần Thiếu Du đứng nhìn theo sau kiệu, cởi áo mão đạo sĩ đưa cho tiểu đồng đứng bên cạnh, cười rằng : "Phong đạo nhân" mà đối được với "Tiểu nương tử" thì cũng vinh hạnh lắm thay.!
Sau khi đã biết được tài sắc của Tô Tiểu Muội rồi, Tần Thiếu Du quyết định nộp quyển văn bài của mình cho nhà họ Tô để cầu hôn. Khoa thi năm đó, chàng lại đậu Tiến sĩ, và Tô Tiểu Muội cũng chọn đúng quyển văn bài của chàng, mặc dù khi đưa các quyển văn bài cho con gái, Tô Lão Tuyền đều gỡ đi trang bìa có tên họ của người cầu hôn. Đại đăng khoa rồi tiểu đăng khoa, chàng Thiếu Du nhà ta phen nầy một bước lên mây nhé.
Do câu chúc "HỮU PHÚC HỮU THỌ 有福有壽" mà làm nên mối lương duyên giữa tài tử và giai nhân, âu cũng là một giai thoại đáng được để đời.
Trở lại với chữ...
PHÚC 福 là PHƯỚC, ta lại có chữ CHỈ 祉 cũng là PHƯỚC, nên từ kép PHÚC CHỈ 福祉 ngày xưa thường dùng để chỉ những điều may mắn, ân huệ, hạnh phúc do Vua Chúa, Thượng Đế, Thần Thánh, Tiên Phật ban cho con người. Có xuất xứ từ bài thơ Lục Nguyệt, chương Tiểu Nhã trong Kinh Thi《詩·小雅·六月》:Tả lại hiền thần Doãn Cát Phủ dẫn quân bắc phạt chiến thắng rợ Hiểm Duẫn 玁狁, là bộ tộc Hung Nô thời thượng cổ, nên mở tiệc ăn mừng, tất cả các tướng sĩ đều được hưởng cái PHÚC CHỈ, tức cái ân huệ nầy của vua ban. Trong bài thơ có câu “Cát Phủ yến hỉ, Ký đa thụ CHỈ 吉甫燕喜,既多受祉。” Có nghĩa :
Cát Phủ mở tiệc ăn mừng,
Tất cả tướng sĩ đều cùng hưởng ơn.
Trong tác phẩm SÃI VÃI của cụ Nguyễn Cư Trinh, ông đã cho ông SÃI luận về chữ TU như sau :
... Tu cung, tu kính; tu tín, tu thành.
Đã phải đạo tu hành, lại thêm nền PHƯỚC CHỈ.
Tự nhiên: đắc lộc, đắc vị; đắc thọ, đắc danh.
Đắc phú quý hiển vinh. Ấy Thiên đàng là đó...
Còn PHƯỚC CHỈ của ngày nay tức là chính sách về chương trình của AN SINH XÃ HỘI. Có xuất xứ từ "Tuyên Ngôn Đồng Minh Hội" của Tôn Trung Sơn tiên sinh 孫中山先生《同盟會宣言》là :“Phục tứ thiên niên chi Tổ quốc, Mưu tứ vạn vạn nhân chi PHÚC CHỈ 復四千年之祖國,謀四万万人之福祉”. Có nghĩa : "Phục hồi lại Tổ quốc của bốn ngàn năm và Mưu cầu HẠNH PHÚC cho bốn trăm triệu dân". (Đầu thế kỷ 20 khoảng thập niên 1900-1910 dân số Trung Hoa chỉ khoảng bốn trăm triệu mà thôi).
Trước mắt, Đài Loan và Nhật Bản vẫn còn sử dụng bốn chữ XÃ HỘI PHÚC CHỈ 社會福祉 để chỉ chương trình AN SINH XÃ HỘI của dân chúng trong nước. Mưu cầu PHÚC LỢI 福利 cho trẻ em, người già và người tàn tật nghèo khổ có hoàn cảnh khó khăn
PHÚC 福 là PHƯỚC, Phước Lớn không gọi là ĐẠI PHÚC 大福 (vì ĐẠI PHÚC 大腹 theo Tập Quán Ngôn Ngữ của chữ NHO có nghĩa là BỤNG BỰ), Phước Lớn phải gọi là HỒNG PHÚC 洪福 . Chữ HỒNG 洪 nầy có ba chấm thủy ở bên trái là Hồng Thủy 洪水, là nước lụt mênh mông, Nên HỒNG PHÚC là PHƯỚC nhiều mênh mông như là một cơn Hồng Thủy vậy. Thế nhưng lòng tham của con người thấy còn chưa đủ, nên lại phát sinh thêm thành ngữ HỒNG PHÚC TỀ THIÊN 洪福齊天. Có nghĩa : PHƯỚC đã như nước đại hồng thủy mênh mông rồi, bây giờ lại muốn lên ngang bằng với TRỜI luôn; là PHƯỚC LỚN BẰNG TRỜI ! Qủa là lòng tham không đáy.
PHÚC ÂM 福音 là "The Gospel". Từ Phúc Âm bắt nguồn từ một danh từ Tiếng Hy-lạp là εὐαγγέλιον euangelion (Có nghĩa : Tin tức vui mừng hay tốt lành) và động từ euaggelizo (loan báo tin mừng/tin lành). Đây là từ chuyên dùng của Thiên Chúa Giáo, là thông điệp về Nước Trời (Vương quốc của Thiên Chúa), và về sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, cũng như về sự hòa giải của loài người với Thiên Chúa
Theo thực tế địa lý của Trung Hoa và Việt Nam thì hướng đông của hai nước đều tiếp giáp với Thái Bình Dương mênh mông vô tận. Vì thế mà người Hoa và người Việt đều cho Biển Đông là biển lớn nhất trên đời, nên lại chúc nhau bằng câu : PHÚC NHƯ ĐÔNG HẢI 福如東海 ! Và những người sống được MỘT HOA GIÁP (60 năm) trở lên thì lại được mừng THỌ bằng đôi câu đối sau đây :
PHÚC như Đông Hải, 福如東海,
THỌ tỉ Nam Sơn. 壽比南山。
Có nghĩa :
- PHƯỚC lớn như Biển Đông mênh mông, và...
- THỌ thì cao bằng với Núi Nam ngất ngưỡn
Ai cũng mong mỏi cho CÓ PHƯỚC, ĐƯỢC PHƯỚC, làm sao cho PHƯỚC đến nhà, nên tìm hết cách nầy cách kia để thể hiện là PHƯỚC đang đến nhà mình, đang ở nhà mình . Ngoài việc viết chữ PHƯỚC 福 thật to dán ở ngay trước hai cánh cửa hay viết bốn chữ NGŨ PHÚC LÂM MÔN 五福臨門 dán ngang trước cửa nhà ra, một số người còn DÁN NGƯỢC chữ PHƯỚC ngay cửa ra vào. Vì âm Quan Thoại của tiếng Hoa chữ ĐÁO 到 là ĐẾN với chữ ĐÃO 倒 là NGƯỢC đọc cùng một thanh sắc với nhau là ĐÁO (dào), nên PHÚC ĐẢO của chữ Nho thì Âm Quan Thoại đọc là PHÚC ĐÁO. Có nghĩa là PHƯỚC đã ĐẾN rồi ! Nên rất nhiều nhà đã cố ý dán ngược chữ PHƯỚC để cho mọi người đều đọc là :"PHÚC ĐÁO RỒI 福到了!"
Với Chương trình An Sinh Xã Hội trước mắt ở nước Mỹ, những người cao niên già cả đều có tiền SSI, tiền Food stamps, tiền yễm trợ y phí... nên đều có thể nói rằng vừa có PHƯỚC, vừa có LỘC nên đều sống THỌ cả ! Mong rằng tất cả các bạn già đều sống vui, sống khỏe, sống THỌ để mà hưởng hết cái PHƯỚC cái LỘC của nước MỸ nầy !
Năm hết Tết đến, cầu chúc cho tất cả mọi người, mọi nhà đều có được cuộc sống ấm no hạnh phúc và đón về đầy đủ PHÚC LỘC THỌ trong năm nầy.
Mong lắm thay!
杜紹德
Đỗ Chiêu Đức
_______________________________





Như ta đã biết, để chuẩn bị "Ăn Tết" theo tục lệ của đời Đường Tống dân chúng đã chuẩn bị bắt đầu từ đầu Tháng Chạp rồi. Như trong truyện võ hiệp HIỆP KHÁCH HÀNH của nhà văn Kim Dung, hai sứ giả Thưởng Thiện Phạt Ác đã phát lệnh bài để mời các chưởng môn hay người cầm đầu bang hội đi đến Đảo Hiệp Khách để ăn "Cháo LẠP BÁT".
LẠP 臘 là LẠP NGUYỆT 臘月, ta gọi trại đi là Tháng CHẠP, là tháng 12 Âm lịch, tháng cuối cùng trong năm. BÁT 八 là số Tám, là ngày Mùng Tám; nên LẠP BÁT 臘八 là ngày "Mùng Tám Tháng Chạp". CHÁO LẠP BÁT là Cháo được nấu vào ngày mùng tám tháng chạp. Đó là loại cháo được nấu bằng tất cả nông phẩm mà cuối năm thu hoạch được, như các loại gạo, các loại đậu, cải khô, nho khô...
Sau lễ Lạp Bát thì bắt đầu quét dọn nhà cửa từ trước tới sau cho sạch sẽ ngay ngắn để chuẩn bị "Quá Tiểu Niên" là "Ăn Tết Sớm" vào ngày 23 và 24 tháng Chạp, cũng là ngày cúng tế đưa tiễn Táo Quân lên Trời. Nên sau ngày đưa ông Táo về Trời thì không còn quét dọn gì nữa cả và tất cả các bàn thờ cũng khỏi thắp nhang, cho đến ngày 30 Tết cúng Rước Ông Bà về Ăn Tết mới thắp nhang trở lại.
Vì cúng tế Táo Quân là "Ăn Tết Sớm" nên những nhà khá giả cúng rất long trọng, và khi cúng xong thì mời cả bà con lối xóm đến cùng Ăn Tết cho vui. Ta đọc bài thơ 《TẾ TÁO DỮ LÂN KHÚC TÁN PHÚC 祭灶與鄰曲散福》của Lục Du 陸游 (Lục Phóng Ông 陸放翁) đời Nam Tống dưới đây thì sẽ rõ :
祭灶與鄰曲散福 TẾ TÁO DỮ LÂN KHÚC TÁN PHÚC
已幸懸車示子孫, Dĩ hạnh huyền xa thị tử tôn,
正須祭灶請比鄰。 Chính tu tế Táo thỉnh tỉ lân.
歲時風俗相傳久, Tuế thời phong tục tương truyền cửu,
賓主歡娛一笑新。 Tân chủ hoan ngu nhất tiếu tân.
雪鬢坐深知敬老, Tuyết mấn tọa thâm tri kính lão,
瓦盆酌滿不羞貧。 Ngõa bồn chước mãn bất tu bần.
問君此夕茅檐底, Vấn quân thử tịch mao thiềm đễ,
何似原頭樂社神. Hà tự nguyên đầu lạc xã thần ?
Lục Du thi nhân đời Tống
*Chú thích :
- Lân Khúc 鄰曲 : là Lối xóm, là Bà con hàng xóm như từ Tỉ Lân 比鄰 bên dưới.
- Tán Phúc 散福 : là Cúng xong rồi chia đồ ăn hay mời mọi người cùng ăn, gọi là Tán Phúc, là phát tán cái phước cho tất cả mọi người.
- Huyền Xa 懸車 : là Treo cái xe lên (không đi nữa); ý mói đã Về hưu.
- Hoan Ngu 歡娛 : là Vui chơi giải trí.
- Tọa Thâm 坐深 : là Ngồi sâu, ngồi sát vào lưng ghế có dựa.
- Ngõa Bồn 瓦盆 : là Cái chậu sành, chậu bằng đồ gốm.
- Lạc Xã Thần 樂社神 : Cái niềm vui khi cúng thần làng, đình thần.
* Nghĩa bài thơ :
CÚNG TÁO QUÂN CÙNG ĂN TẾT VỚI CHÒM XÓM
May mà ta đã về hưu rồi nên mới có dịp để tỏ bày cùng con cháu. Vừa đúng lúc phải cúng tế Táo Quân và mời chòm xóm cùng Ăn Tết. Đây là cái phong tục của cuối năm đã được truyền tụng lâu đời rồi. Chủ khách cùng vui chơi với nhau trong tiếng cười của năm mới. Những người tóc mai trắng như tuyết được mời ngồi một cách trịnh trọng để tỏ lòng kính trọng người già. Bồn chậu đựng đồ ăn và rượu đều được châm đầy nên cũng không thẹn vì nghèo túng. Thử hỏi bạn rằng đêm nay ngồi dưới mái hiên của căn nhà cỏ nầy, có được vui như lúc ban đầu khi ta cúng tế đình làng hay không ?
* Diễn Nôm :
TẾ TÁO DỮ LÂN KHÚC TÁN PHÚC
Ăn Tết Sớm
May đã hồi hưu với cháu con,
Đúng khi tế Táo đãi cùng thôn.
Cuối năm phong tục xưa truyền lại,
Chủ khách cười vui mới hãy còn...
Kính lão tóc mai đà bạc trắng,
Không hiềm rượu thịt mãi đầy luôn.
Dưới hiên mái lá đêm nay nhậu,
Vui có như khi cúng Xã Thần ?
Lục bát :
Về hưu tỏ với cháu con,
Nhằm khi tế Táo xóm thôn đãi đằng.
Cuối năm phong tục đã hằng,
Cùng nhau chủ khách bao lần cười vui.
Tóc mây kính lão mời ngồi,
Đầy mâm rượu thịt đãi người chung quanh.
Đêm nay mái lá nhà tranh,
Có vui như lúc tế đình khi nao ?
Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
Tôn Tung 孫嵩
Trong khi Lục Du tế Táo với cháu con và hàng xóm một cách vui vẻ trong tuổi già khi đã hồi hưu, thì TÔN TUNG cũng là một thi nhân đời Tống vì chữ công danh mà còn kẹt lại ở kinh thành không thể về quê để tống tiễn Táo Quân và đón Tết được. Ta cùng đọc bài thơ "Hành Đô Tiền Tuế 行都錢歲" của Tôn Tung 孫嵩 sau đây :
插架餘殘曆, Tháp giá dư tàn lịch,
挑燈憶故鄉。 Khiêu đăng ức cố hương.
年光蛇赴壑, Niên quang xà phó hác,
羈旅雁随陽。 Ký lữ nhạn tùy dương.
禁闕迎儺鼓, Cấm khuyết nghinh na cổ,
鄰街祭灶香。 Lân giai tế táo hương.
英雄須自力, Anh hùng tu tự lực,
容易鬓毛蒼。 Dung dị mấn mao thương !
Nhìn lên trên giá chỉ thấy tấm lịch sắp tàn tạ. Khêu đèn lên cho sáng lại càng thấy nhớ cố hương. Thiều quang của một năm giống như con rắn đang bò vào hang hốc, chỉ phút chốc là mất tăm. Người lữ hành đang ở xa quê hương muốn được như con chim nhạn bay về nam theo ánh mặt trời ấm áp. Trong cung cấm đang vang lên tiếng trống xua đuổi tà ma xui xẻo để đón mừng năm mới, con đường kế bên lại thoang thoảng mùi hương đưa tiễn Táo quân. Anh hùng vốn phải tự lực cánh sinh, nhưng trước cảnh Tết phải xa nhà nầy cũng dễ khiến cho con người ta bạc đầu lắm lắm !
Càng già, con người ta càng cảm thấy rằng không phải thời gian qua quá mau, mà thời gian càng ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với con người !
* Diễn Nôm :
HÀNH ĐÔ TIỀN TUẾ
Lịch tàn trên giá sách,
Khêu đèn nhớ cố hương.
Thiều quang như rắn lượn,
Lòng quê tợ nhạn sương.
Cung cấm vang tiếng trống,
Ngoài phố thoảng Táo hương.
Anh hùng nên tự lực,
Tóc mai tựa tuyết sương !
Lục bát :
Trên tường giá lịch sắp tàn,
Khêu đền lòng nhớ ngút ngàn quê xa.
Thiều quang như rắn lượn qua,
Theo hơi nắng ấm nhạn xà về nam.
Trong cung trống tế vang vang,
Bên đường tống Táo hương nhang ngạt ngào.
Anh hùng tự lực tự cao,
Tóc mai dễ bạc khác nào tuyết sương.
Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
Nói đến thơ đưa Ông Táo, ta cũng không thể không nhắc đến bài "Tống Táo Thi" của Lữ Mông Chính, người mà trong "Hàn Nho Phong Vị Phú" Nguyễn Công Trứ đã viết như thế nầy :
.... Khó ai bằng Mãi Thần, Mông Chính, cũng có khi ngựa
cởi dù che. ...
Sau đây, ta thử tìm hiểu cuộc đời nghèo khó và bài thơ đưa ông Táo nổi tiếng của ông nhé !...
LỮ MÔNG CHÍNH 呂蒙正 (944-1011), Tự là Thánh Công 聖功, người đất Lạc Dương tỉnh Hà Nam, đậu Trạng Nguyên năm Đinh Sửu đời Tống Thế Tôn năm 977. Sau khi đỗ Trạng, Lữ Mông Chính đã từng giữ các chức vụ Giám Thừa, Thông Phán, Trứ Tác Lang, Tả Bổ Khuyết, Tham Tri Chính Sự. Năm 988, Lữ nhậm chức Tể Tướng. Bệnh mất năm Đại Trung Tường Phù thứ 4 (1011), hưởng thọ 67 tuổi. Truyện kể...
Lữ Mông Chính tế Táo trong phim ảnh
Sau khi cha mất, gia cảnh ngày một suy vi. Lữ Mông Chính cùng mẹ phải tạm trú ngụ trong một lò gạch cũ, làm nghề ăn xin độ nhật.
Một hôm, thấy trước cửa quan Tể Tướng đông nghịt những người, chen chút nhau rất náo nhiệt. Lữ cũng chen vào để xem, tình cờ một vật gì đó từ trên trời bay xuống rớt đúng vào lòng. Thì ra, thiên kim tiểu thơ của quan Tể Tướng là Lưu Nguyệt Nga 劉月娥 đang gieo tú cầu để tìm người hôn phối. Vật bay vào lòng Lữ là trái tú cầu được Lưu tiểu thơ ném từ trên lầu xuống....
Dĩ nhiên là ông bà Tể Tướng không chịu chấp nhận hôn sự nầy, nhưng tiểu thơ Nguyệt Nga thì lại kiên trì chấp nhận từ bỏ tất cả để đi theo Lữ về sống ở lò gạch bể, vì nàng cho đây là duyên trời định và hơn nữa không thể bội tín được.
Cuối năm đó, đến ngày đưa ông Táo, không hiểu là Lữ Mông Chính đã năn nỉ như thế nào mà ông hàng thịt bán chịu cho một miếng thịt đem về luộc để cúng ông Táo. Nhưng khi bà hàng thịt biết được việc nầy bèn mắng cho ông chồng một trận nên thân :"Nó nghèo kiết xác, làm sao có tiền trả mà bán chịu ?!". Bà ta tức tốc chạy đến lò gạch, thấy miếng thịt đang luộc dở dang trên bếp, bèn hứ một tiếng rồi vớt lấy miếng thịt đem về !. Đến nước nầy, Lữ chỉ còn biết đổ nước luộc thịt vào tô mà đưa tiễn ông Táo về trời thôi.
Trong khi thắp hương để cúng ông Táo, vì cảm khái trước cái nghèo khó của mình và cũng cảm khái trước cái nhân tình thế thái, Lữ Mông Chính đã làm bài thơ tiễn Ông Táo sau đây :
一碗清湯詩一篇, Nhất oản thanh thang thi nhất thiên,
灶君今日上朝天; Táo Quân kim nhật thướng triều thiên.
玉皇若問人間事, Ngọc Hoàng nhược vấn nhân gian sự,
為道文章不值錢。 Vị đạo văn chương bất trị tiền !
* Có nghĩa :
Một bát canh trong cùng một bài thơ, hôm nay ta đưa tiễn Táo Quân về để chầu Trời. Nếu như Ngọc Hoàng có hỏi đến chuyện của dân gian, thì xin ông hãy vì ta mà đáp rằng, văn chương không đáng giá đồng xu cắc bạc nào cả !
* Diễn Nôm :
Một bát nước canh thơ một liên,
Chầu Trời tiễn Táo đến cửa thiên.
Ngọc Hoàng nếu hỏi nhơn gian sự,
Hãy đáp văn chương chẳng đáng tiền !
Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
Câu chót của bài thơ làm ta nhớ đến câu thơ lên Hầu Trời của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu :
Văn chương hạ giới rẻ như bèo !....
Trở lại chuyện của Lữ Mông Chính, theo truyền thuyết dân gian thì....
....Năm đó, sau khi Táo của các nhà đã báo cáo xong, mà đợi mãi vẫn không thấy Táo của lò gạch nơi Lữ cư ngụ. Mọi người đang nóng ruột, thì thấy Táo của Lữ Mông Chính mặt mà xanh lè, đi cà lếch cà lếch vào chầu. Ngọc Hoàng phán hỏi tại sao, thì được trả lời rằng : " Thần chỉ uống có một tô nước thịt luộc dở dang chưa chín, đã đói lại còn bị... chột bụng nên đi không nổi. ", đoạn trình bài thơ của Lữ lên cho Ngọc Hoàng xem. Ngọc Hoàng phán rằng, số của Lữ sẽ đậu Trạng Nguyên vào khoa sau, đừng lo lắng quá ! Thần Táo mới năn nỉ rằng : " Anh ta đói quá, sợ sống không nổi đến khoa sau đâu, thôi thì trước sau gì cũng đậu, xin Ngọc Hoàng thương tình. Ngọc Hoàng bèn sai Nam Tào đem sổ sửa lại cho Lữ đậu ngay khoa nầy, vì thế mà Lữ Mông Chính mới đậu được Trạng Nguyên của khoa Đinh Sửu 977 là vậy !
Lữ Mông Chính và bài thơ Tế Táo
Trên đây là theo truyền Thuyết dân gian, chớ thực sự thì... Đằng sau sự thành công của người đàn ông, thường có bóng dáng của một người đàn bà, còn ở đây, đằng sau sự đậu đạt của Lữ Mông Chính, có tới bóng dáng của 2 người đàn bà lận : Một là Lưu tiểu thơ; Hai là bà Tể Tướng phu nhân, vì thương con mà lén chu cấp đầy đủ vật chất cho con gái và rể sinh sống, vì vậy Lữ mới yên tâm mà dùi mài kinh sử... chứ đói meo thì làm sao đủ sức mà học hành để đậu Trạng Nguyên cho được !
Đây là ông Tể Tướng xuất thân từ khất cái (Ăn mày) duy nhất của lịch sử Trung Hoa trong đời nhà Tống : Lữ Mông Chính.
Cầu chúc cho tất cả mọi người đưa tiễn Táo Quân và Ăn Tết Sớm (Quá Tiểu niên) Vui Vẻ trước khi ĂN TẾT THẬT (Quá Tân niên) vào ngày Nguyên Đán sắp tới !
杜紹德
Đỗ Chiêu Đức








Đông phương Giáp ẤT thuộc hành Mộc, chủ màu xanh của cây cỏ. Nên năm GIÁP THÌN là con rồng có màu xanh, là THANH LONG. Tiễn Thanh Long của 2024 đi đón về con Ất Tỵ là THANH XÀ của 2025. Màu xanh của hoa lá cỏ cây là tượng trưng cho sức sống mới đang lên của các loài thảo mộc sau những ngày buốt giá rét mướt của mùa đông, nên hy vọng rằng năm ẤT TỴ 2025 nầy thế giới nhân loại sẽ trở mình vươn lên
một cách phồn vinh thịnh vượng hơn năm đã qua; Mặc dù :
龍去神威在, Long khứ thần uy tại,
蛇来瑞氣生。 Xà lai thoại khí sanh.
Có nghĩa :
Rồng đã đi nhưng thần uy vẫn còn đó,
Rắn lại về điềm tốt lành cũng sẽ về theo.
Nên có nghĩa...
Rồng đi uy lực hãy còn,
Rắn về điềm tốt lon ton theo về !
Chỉ cần "Hoa lá nở thắm đẹp làn môi hồng" như trong bài hát "Cánh Thiệp Đầu Xuân" của Minh Kỳ & Lê Dinh thì mọi chiến tranh tàn khốc, khủng bố xâm lăng đều ngưng đọng lại để chào đón chúa xuân và để ngắm hoa xuân đang nở rộ :
花放山河麗, Hoa phóng sơn hà lệ,
蛇迎世界春。 Xà nghinh thế giới xuân.
Có nghĩa :
- Hoa nở rộ cho núi sông đẹp đẽ,
- Rắn đón về để thế giới vào xuân.

Mong rằng mỗi năm mỗi tuổi, mọi người mọi việc đều được KHAI TÂM là mở lòng ra một cách thoải mái vui vẻ và luôn luôn được mọi điều ĐẮC Ý trong ba tháng mùa xuân, như câu đối 6 chữ sau đây :
歲歲三春得意,Tuế tuế tam xuân đắc ý,
年年萬事開心。Niên niên vạn sự khai tâm.
Có nghĩa :
- Ba tháng xuân luôn đắc ý,
- Năm năm muôn việc thỏa lòng.
Trước cảnh gió xuân ấm áp trong mưa xuân phơi phới với muôn vàn hương sắc của nàng xuân, mọi người đều hân hoan đón thêm tuổi mới trong năm mới để vun đắp cho cuộc sống mới trong năm mới đang về :
春風春雨春色,Xuân phong xuân vũ xuân sắc,
新歲新年新生。Tân tuế tân niên tân sinh.*
Có nghĩa :
Sắc xuân trong gió mưa xuân,
Năm mới tuổi mới đón mừng tân sinh.
* TÂN SINH 新生 là Cuộc sống mới.

Bây giờ thì ta trở lại với hình thức câu đối mà bàng dân thiên hạ đều thích với truyền thống cố hữu : Câu đối 7 chữ. Ta đổi câu đối 6 chữ trên đây thành câu đối 7 chữ như sau :
春雨春風迎春色,Xuân vũ xuân phong nghinh xuân sắc,
新年新歲慶新春。Tân niên tân tuế khánh tân xuân.
Có nghĩa :
- Mưa xuân gió xuân cùng đón hương sắc của mùa xuân,
- Năm mới tuổi mới cùng chúc mừng cho mùa xuân mới.

và...
Câu đối thất ngôn cho năm Ất Tỵ 2025 là :
甲辰舊歲千憂去,Giáp Thìn cựu tuế thiên ưu khứ,
乙巳芳春萬喜來。Ất Tỵ phương xuân vạn hỉ lai.
Có nghĩa :
- Giáp Thìn năm cũ đi qua, trăm ngàn mối lo đà đi mất,
- Ất Tỵ xuân thơm lại đến, muôn vạn niềm vui cũng đến theo.
Qủa là :
Lo đi năm cũ Giáp Thìn,
Xuân hồng Ất Tỵ ta mình đều vui !
Hay như :
龍騰大地江山麗,Long đằng đại địa giang sơn lệ,
蛇舞陽春世界新。Xà vũ dương xuân thế giới tân.
Có nghĩa :
- Rồng bay lộn đầy mặt đất, núi sông thêm tráng lệ,
- Rắn lộn múa trong nắng xuân, thế giới đổi mới hơn.

Rồng rồng rắn rắn, hết rồng tới rắn; Hình tượng của rồng rắn bay lượn tuy có sinh động hoạt náo, nhưng long xà vẫn luôn tiềm ẩn một nguy cơ nào đó mà ta không thể nào đoán trước được. Chỉ mong ước rồng đi rắn đến một cách tự nhiên yên bình cho mọi người cùng mừng tuổi mới và năm châu bốn bể cùng chào đón xuân về :
龍騰四海,人間改歲; Long đằng tứ hải, nhân gian cải tuế;
蛇舞五洲,大地皆春。 Xà vũ ngũ châu, đại địa giai xuân !
Có nghĩa :
- Rồng bay bốn biển, người đời thêm tuổi;
- Rắn lộn năm châu, mặt đất đón xuân !

và...
Mong ước sao cho :
龍去留祥,招財進寶; Long khứ lưu tường, chiêu tài tấn bảo;
蛇來獻瑞,納福迎春。 Xà lai hiến thoại, nạp phước nghinh xuân.
Có nghĩa :
- Rồng đi điềm lành còn ở lại, tài vào lộc đến;
- Rắn đến vận tốt cũng theo về, đón phước chào xuân.
Để kết thúc cho bài viết nầy, xin kính chúc cho tất cả mọi người, mọi nhà ở khắp nơi khắp chốn trên qủa đất nầy trong mùa xuân mới Ất Tỵ của năm 2025 tất cả đều được :
合家安樂財源進, Hợp gia an lạc tài nguyên tấn,
內外平安好運來! Nội ngoại bình an hảo vận lai !
Có nghĩa :
- Cả nhà vui vẻ tiền tài đến,
- Nội ngoại bình an vận tốt về !

và...
Câu đối Nôm tiển Giáp Thìn 2024 để đón Ất Tỵ 2025 như sau :
Giáp Thìn rồng cuốn mây trôi, sau cơn mưa trời lại sáng, thế giới thái bình;
Ất Tỵ rắn đem lành đến, hết bỉ cực đến thái lai, năm châu an lạc !

Bấm vào link dưới đây để nghe nhạc chúc xuân!

杜紹德
Đỗ Chiêu Đức

GIÓ chữ Nho gọi là PHONG 風, Phong thuộc dạng chữ Tượng Hình chuyển sang Hình Thanh, gồm có chữ PHÀM 凡 ở phía trên và bên ngoài chỉ ÂM, bộ TRÙNG 虫 là Sâu Bọ ở dưới bên trong chỉ Ý, theo diễn tiến hình thành của chữ viết như sau đây :

Ta thấy :
Giáp Cốt Văn là chữ Tượng Hình, hình của một người đội mão cao, xoay mặt về phía bên phải, mình cong về phía sau, hai tay đưa ra phía trước như để cản gió, các ngón chân như cố bám díu lại vì bị gió thổi. Nhưng đến Đại Triện thì chuyển thành Hình Thanh, gồm chữ PHÀM 凡 ở phía trên và bên ngoài chỉ ÂM, bộ TRÙNG 虫 là Sâu Bọ ở dưới bên trong chỉ Ý, với hàm ý là : Phong động Trùng sinh 風動蟲生 ( Gió chuyển động thì côn trùng sinh sôi nẩy nở) nên PHONG là GIÓ, mà...
GIÓ là Hiện tượng tự nhiên của không khí lưu thông từ chỗ nầy sang chỗ khác, từ cao xuống thấp, từ lạnh sang nóng, từ đông sang tây... là sự vận động tự nhiên của bề mặt Trái Đất.
PHONG chỉ sự di chuyển, thay đổi, lan truyền nhanh chóng, như : Phong Ba 風波 (sóng gió), Phong Vũ 風雨 (gió mưa), Phong Trào 風潮 ( Gió đưa nước thủy triều mà cũng có nghĩa là một hiện tượng phát sinh và lan truyền trong xã hội con người ) ...
PHONG chỉ những thói quen được hình thành trong đời sống xã hội, như : Phong Tục 風俗, Phong hóa 風化, Phong dao 風謠 ...
PHONG chỉ sự lan truyền tin tức, như : Phong thanh 風聲 (Ta hay nói trại thành "Phong Phanh "), Phong Truyền 風傳 ...
PHONG chỉ cảnh trí, thái độ, cử chỉ, như : Phong Cảnh 風景, Phong độ 風度, Phong cách 風格, Tác Phong 作風 ...
PHONG LƯU 風流 là chỉ sự lưu chuyển như dòng chảy của gió, nên rất thoải mái dễ chịu. Cuộc sống Phong Lưu là cuộc sống dư dã giàu có. Con người Phong Lưu là con người Phóng khoáng Rộng rãi... chịu chơi ! Nên PHONG LƯU hay bị hiểu lầm là ăn chơi trác táng, có cuộc sống buông thả. Thực ra người tài tử phong lưu là người tài tử đa tình như trong Thôi Nương Thi của Dương Cự Nguyên đời Đường như sau :
風流才子多春思, Phong Lưu Tài Tử đa xuân tứ,
腸斷蕭娘一紙書. Trường đoạn Tiêu nương nhất chỉ thư.
Có nghĩa :
Chàng tài tử phong lưu hay nghĩ ngợi về những tình xuân êm ái,
Chàng đã rất dễ đau lòng xót dạ khi nhận được thư của một nàng nào đó !...

PHONG 風 là Động từ thì có nghĩa là Hóng Gió, người miền Nam gọi là Hứng Gió. Trong sách Luận Ngữ, chương Tiên Tấn, tả cảnh thái bình thịnh trị có câu :" 莫春者,春服既成。冠者五六人,童子六七人,浴乎沂,風乎舞雩,詠而歸。Mạc xuân giả, xuân phục ký thành, quan giả ngũ lục nhân, đồng tử lục thất nhân, dục hồ nghi, PHONG hồ vũ vu, vịnh nhi quy ". Có nghĩa :
" Lúc cuối xuân, khi quần áo xuân đã may xong. Năm sáu người lớn, sáu bảy trẻ em, tắm ở sông Nghi, HÓNG GIÓ ở đền Vũ Vu, rồi ca hát mà về.".
Phong Thấp 風濕 là bệnh thấp khớp, nhức xương.
Phong Tình. Trong tiếng Việt ta có 2 từ Phong Tình cần phân biệt cho rõ ràng :
* Từ Hán Việt : Phong Tình 風情 là Tình cảm dồi dào ướt át, nên Chuyện Phong Tình là chuyện Tình yêu lãng mạn, ủy mị, thậm chí khiêu dâm tục tiểu..... Mở đầu Truyện Kiều, Cụ Nguyễn Du viết :
Cảo thơm lần giở trước đèn,
PHONG TÌNH cổ lục còn truyền sử xanh.
Chuyện PHONG TÌNH 風情 ở đây là Chuyện tình trai gái của cuộc đời Thúy Kiều với các chàng trai Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải... thì làm sao mà truyền SỬ XANH cho được ?! Nên có Ý kiến cho là chữ "CỔ LỤC 古籙" (Ghi chép từ xưa để lại, chỉ Sách Xưa) của bản Nôm có thể đọc thành " CÓ LÚC ", và câu thơ sẽ là :
PHONG TÌNH CÓ LÚC còn truyền sử xanh.
chỉ CÓ LÚC mà thôi, phải đặc biệt như nàng Kiều mới được truyền sử xanh, chớ không phải chuyện Phong Tình nào cũng được truyền sử xanh cả !
* Từ thuần Nôm : PHONG TÌNH 瘋情 là Bệnh Phong do bẩm sinh di truyền hay do quan hệ tình dục, chơi bời phóng đảng gây ra. Nói theo bình dân : Bệnh Phong Tình tức là Bệnh Cùi, bệnh Mắc Tiêm La đó vậy ! Người Hoa thì không gọi thế, họ gọi bệnh Cùi bằng từ MA PHONG 痲瘋, còn người miền Bắc thì gọi là Bệnh Hủi !
PHONG là gió, GIÓ là phong, Gió thổi suốt ngày, từ sáng tới tối, từ ngày này qua ngày khác, từ tháng này qua tháng nọ, từ năm nọ tới năm kia, nên...
Mùa Xuân thì ta có gió từ hướng Đông thổi đến. Đông phương Giáp Ất thuộc Mộc, nên cây cỏ đâm chồi nẩy lộc, trăm hoa đua nở, muôn hồng ngàn tía. Nhắc đến gió Đông làm ta nhớ đến giai thoại văn chương sau đây :
THÔI HỘ là một thi nhân đời Đường, chưa rõ ngày sinh ngày mất, sống vào khoảng niên đại Đường Đức Tông (742 – 805). Ông đẹp trai, ít giao du, một ngày trong tiết Thanh minh, đi chơi ngoài thành, thấy một nhà có vườn đào đương trổ hoa rất đẹp, bèn gõ cửa xin nước uống. Một người con gái đẹp nghiêm trang ra hỏi rồi đem nước mời uống. Đến tiết thanh minh năm sau, Thôi Hộ nhớ cảnh cũ, lại thăm thì cửa đóng then gài. Chàng để bài thơ này ở trên cửa rồi đi.
題昔所見處 Đề Tích Sở Kiến Xứ
去年今日此門中, Khứ niên kim nhật thử môn trung,
人面桃花相映紅。 Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.
人面不知何處去, Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
桃花依舊笑東風。 Đào hoa y cựu tiếu đông phong.
Diễn Nôm :
Năm ngoái hôm nay cũng cửa nầy,
Hoa đào người đẹp má hây hây.
Biết nay người đẹp về đâu nhỉ ?
Như trước hoa đào vẫn nở đây !
Mấy hôm sau nhân có việc lại đi ngang qua, chợt nghe tiếng khóc trong nhà. Gỏ cửa hỏi thăm. Một ông lão bước ra thấy chàng bèn hỏi: “Cậu có phải là Thôi Hộ không? Con gái tôi đọc thơ cậu xong, tương tư rồi nhịn ăn mà chết”. Thôi Hộ vào khấn, chợt cô gái ấy sống lại, bèn cưới làm vợ. Mãi đến năm 796, niên hiệu Trinh Nguyên, Thôi Hộ mới đậu tiến sĩ, làm tiết độ sứ ở Lĩnh Nam.
Bài thơ này còn có tên tựa khác là: “ ĐỀ ĐÔ THÀNH NAM TRANG 題都城南莊 ” (Ghi lại chuyện ở thôn trang phía nam của Đô thành). Đô Thành tức là kinh đô Trường An của nhà Đường, nay là thành phố Tây An tỉnh Thiểm Tây, một trong 4 cố đô xưa của Trung Hoa.

Hai câu cuối của bài thơ là :
Nhân diện bất tri hà xứ khứ, 人面不知何處去,
Đào hoa y cựu tiếu ĐÔNG PHONG. 桃花依舊笑東風。
đã được cụ Nguyễn Du mượn ý khi Kim Trọng trở lại vườn Thúy tìm Thúy Kiều, cụ đã thoát dịch trong Truyện Kiều rất hay như sau :
Trước sau nào thấy mặt người,
Hoa đào năm ngoái còn cười GIÓ ĐÔNG.
Gió Đông là Đông Phong 東風, là gió của mùa Xuân từ hướng Đông thổi tới, nên cũng còn được gọi là Xuân Phong 春風.
Rất nhiều người cứ lầm tưởng Đông Phong là gió của mùa Đông, kể cả người Hoa ở Chợ Lớn hồi xưa, nên đã sửa câu thơ của Thôi Hộ thành :
Đào hoa y cựu tiếu XUÂN PHONG.
桃 花 依 舊 笑 春 風。
mà không biết rằng mình đã làm tài khôn sửa bậy thơ của cổ nhân !
Bấm vào link dưới đây để nghe bài hát HOA ĐÀO NĂM TRƯỚC của nhạc sĩ Lê Dinh phổ nhạc điển tích trên đây.
Hoa Đào Năm Trước | Thúy Huyền - Nhạc Xuân Bolero Trữ Tình (MV Sân Khấu Hoành Tráng)
Trở lại phong trào Thơ Mới thời Tiền chiến của Việt Nam ta với bài thơ MAI RỤNG của thi sĩ Jean Leiba (Lê Văn Bái) có các câu :
Yêu chàng em cố chuốc hình dong,
Tô cặp môi son điểm má hồng.
Em thấy xuân nay hoa nở đẹp,
Cảm tình Thanh Đế tạ ĐÔNG PHONG !
Thanh Đế 青帝 là ông vua của mùa xuân, là Chúa Xuân, còn Đông Phong là Gió Xuân ấm áp thổi đến cho muôn hoa nở rộ !
ĐÔNG PHONG là gió của Mùa XUÂN, còn gió của mùa Đông thì phải gọi là BẮC PHONG 北風, Bắc Phương Nhâm Quí thuộc Thủy, Thủy ở đây là băng giá của vùng Bắc Cực, là gió từ phương Bắc khô khan lạnh lẽo thổi đến. Gió Bắc được bà con ta gọi trại thành Gió Bấc, nên có những câu Ca Dao trong dân gian Nam Bộ như sau :
Gió Bấc non thổi lòn hang chuột,
Thấy chị hai mầy tao đứt ruột đứt gan !
hoặc ...
Gió bấc non thổi lòn hang dế,
Thấy chị hai mầy tao bế hế băng hăng !
Hướng Bắc còn gọi là hướng Sóc, nên Bắc Phong còn gọi là Sóc Phong 朔風, như trong bài Tòng Quân Hành 從軍行 của Lệnh Hồ Sở 令狐楚 đời Đường :
Sóc phong thiên lý kinh, 朔風千里驚,
Hán nguyệt ngũ canh thanh. 漢月五更清。
Túng hữu hoàn gia mộng, 縱有還家夢,
Do văn xuất tái thanh ! 猶聞出塞聲。
Tạm dịch :
Ngàn dặm gió bấc thổi,
Năm canh trăng quê nhà.
Dẫu có mộng hoàn gia,
Còn nghe lời xuất tái !
Song thất Lục bát :
Gió bấc thổi làm kinh lính thú,
Trăng Hán gia vằng vặc canh tà.
Dẫu cho mộng được về nhà,
Bên tai còn vẳng tiếng ra ải ngoài !
Ngược với gió Bắc là gió Nam, luôn luôn dịu dàng mát mẻ ấm áp. Nam Phương Bính Đinh hỏa. Gió Nam là gió của mùa hè oi bức, xoa dịu cái nóng hừng hực của lửa hạ cho vạn vật chúng sinh được mát mẻ.
Trong Khổng Tử Gia Ngữ, có dẫn bài ca của Đế Thuấn là : "Nam phong chi huân hề, khả dĩ giải ngô dân chi uẩn hề. 南風之薰兮,可以解吾民之愠兮 "... Có nghĩa : Cái mát mẻ ấm áp của gió Nam, có thể giải tỏa được nỗi lòng u uẩn ẩn ức của dân Nam ta ! Và... với thâm Ý nầy, ông Phạm Quỳnh đã lập ra "Nam Phong Tạp Chí" với ý đồ sâu xa là để mở mang dân trí và xoa dịu lòng dân để ẩn nhẫn đợi thời !
Gió Nam thường hây hẩy vào các buổi trưa hè oi bức làm dịu đi cái nắng hạ chói chang gay gắt, nên theo các thầy Phong Thủy thì nhà nên cất xây mặt về hướng Đông Nam, để buổi sáng hứng lấy ánh mặt trời và buổi trưa thì đón gió Nam cho mát mẻ ! Điều nầy cũng hợp với sự tự nhiên của cuộc sống mà không cần đến thầy Địa Lý chỉ vẻ ta vẫn có thể thấy được !
Gió Nam dễ chịu là thế, cho nên dân Nam Bộ hay mượn gió Nam để chỉ những việc vui vẻ hoặc để nói chơi : " Thằng đó nó đi hứng gió Nam rồi !. "Cái con nhỏ đó không chồng mà có chửa, bộ hứng gió Nam sao vậy ?!...."
Nói đến cái mát mẻ của gió, ta nhớ đến câu " Khoái tai phong dã ! 快哉風也 ! trong bài Hát Nói của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu :
HỎI GIÓ
Cát đâu ai bốc tung trời ?
Sóng sông ai vỗ ? Cây đồi ai rung ?
Phải rằng Dì Gió hay không ?
Phong tình đem thói lạ lùng trêu ai ?

À, Thì ra Thần Gió là phái nữ, là DÌ GIÓ, là PHONG DI 風姨. Thảo nào, khi thì mát mẻ, dịu dàng, mơn trớn êm ái hết chỗ chê, khi thì nổi tam bành cuồng nộ, xô sập nhà cửa, làm gãy đổ cây cối, nhấn chìm thuyền bè cũng... hết chỗ nói ! Đúng ra thì ....
Theo truyền thuyết cổ đại Trung Hoa xưa, sách " Bắc Đường Thư Sao ", quyển 144 ghi : " 風伯 名 姨 .此“風姨”之所本. Phong Bá danh Di. Thử Phong Di chi sở bổn ". Có nghĩa : Ông thần gió tên là DI, đó là cái lý do tại sao gọi là PHONG DI 風姨. Nhưng vì chữ DI 姨 có nghĩa là DÌ (chị em gái của mẹ) nên mọi người cứ lầm tưởng PHONG DI là DÌ GIÓ, hay cố ý tưởng là DÌ GIÓ cho nó... thi vị hơn ! Không phải chỉ riêng Tản Đà mà trong Liêu Trai Chí Dị Bồ Tùng Linh cũng có hẳn một bài viết về câu truyện giữa Dì Gió và các loại hoa hẳn hoi!
Bây giờ thì đến 4 chữ " Khoái tai phong dã 快哉風也 !"
KHOÁI 快 : Chữ có bộ Tâm đứng 忄bên trái, nên nghĩa gốc là Vui Vẻ (trong lòng), như Khoái Lạc, Khoái cảm.
Nghĩa phát sinh là Nhanh nhẹn, mau mắn, như Khoái Mã 快馬.
Chỉ Mát Mẻ như Lương Khoái 涼快.
Chỉ tánh tình thoải mái, dễ chịu, như Sảng Khoái 爽快, Thống Khoái 痛快... Nên ...
Khoái tai Phong Dã 快哉風也 ! có nghĩa :
* Nhanh thay là gió !
* Mát mẻ thay là gió !
* Vui vẻ thay là gió !
* Sảng khoái thay là gió ! ....
Bây giờ thì ta đọc phần còn lại của bài " Hỏi Gió " nhé !
Khoái tai phong dã !
快 哉 風 也 !
Giống vô tình cây đá cũng mê tơi
Gặp gió đây hỏi một đôi lời
Ta hỏi gió quen ai mà phảng phất?
Thử thị Đà Giang, phi Xích Bích,
此 是 沱 江 非 赤 壁,
Dã vô Gia Cát dữ Chu Lang.
也 無 諸 葛 與 周 郎。
Ai cầu phong mà gió tự đâu sang!
Hay mải khách văn chương tìm kết bạn?
Gió hỡi gió, phong trần ta đã chán
Cánh chim bằng chín vạn những chờ mong
Nên chăng gió cũng chiều lòng !
Nghĩa của 2 câu thơ chữ Hán :
* Nơi đây là sông Đà Giang chớ không phải sông Xích Bích,
* Chẳng có Gia Các Lượng mà cũng chẳng có Chu Du !
Ý muốn nói : Ở đây không có ai đánh nhau và cũng không có ai cầu phong cầu gió gì cả !
Còn ...
Gió Tây là gió thổi đến từ hướng Tây. Tây phương Canh Tân thuộc Kim, nên gió Tây còn gọi là Gió Vàng là Kim Phong 金風, là ngọn gió thổi se sắt lạnh lùng như Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã mở đầu Cung Oán Ngâm Khúc bằng câu :
Trải vách quế GIÓ VÀNG hiu hắt,
Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng !
Gió Tây, gió Vàng hay Kim phong 金風 là gió của mùa Thu, ta thường gọi là Thu Phong như bài thơ nổi tiếng của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu :

Trận gió THU PHONG cuốn lá vàng,
Lá bay hàng xóm lá bay sang,
Vàng bay mấy lá năm già nữa,
Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng !
***
Trận gió THU PHONG rụng lá hồng,
Lá bay tường bắc lá sang đông.
Hồng bay mấy lá năm hồ hết,
Thơ thẩn kìa ai vẫn đứng trông !
Gió Thu hiu hắt, se sắt, lạnh lùng cộng với bầu trời thu bao la xanh biếc với :
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
và ...
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo !
của Tam nguyên Yên Đỗ làm cho ta lại nhớ đến Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu với bài thơ Cảm Thu, Tiễn Thu làm hồi tháng chín năm Canh Thân - 1920 :
Từ vào thu đến nay,
Gió thu hiu hắt,
Sương thu lạnh,
Trăng thu bạch,
Khói thu xây thành.
Lá thu rơi rụng đầu nghềnh
Sông thu đưa lá bao ngành biệt ly.
..............................
Gió thu hiu hắt luôn là nguyên nhân khơi dậy "bao ngành biệt ly", khơi dậy mối sầu cô đơn của người lữ khách xa nhà như bài Thu Phong Dẫn 秋風引 của Lưu Vũ Tích 劉禹錫 đời Đường :
何處秋風至? Hà xứ thu phong chí ?
蕭蕭送雁群。 Tiêu tiêu tống nhạn quần.
朝來入庭樹, Triêu lai nhập đình thọ,
孤客最先聞。 Cô khách tối tiên văn.

Có nghĩa :
Gió thu từ đâu thổi đến ?
Hắt hiu đưa tiễn nhạn bầy,
Sáng nay luồn vào cây lá,
Lữ khách hay trước hơn ai !
Lục bát :
Từ đâu thổi đến gió thu ?
Hắt hiu đưa nhạn mịt mù bay cao.
Sáng nay cây lá lao xao,
Cô đơn lòng khách nao nao trước người !
Ở gần đường Xích Đạo, vùng Nhiệt Đới như Miền Nam của đất Nam Kỳ Lục Tỉnh, khi gió Tây thổi cũng vẫn cảm nhận được cái hiu hắt lạnh lùng, nên trong Ca dao Dân gian vẫn có câu hát :
Anh về để áo lại đây,
Để khuya em đắp Gió Tây lạnh lùng !
- Có lạnh lùng lấy mùng mà đắp,
Trả áo anh về đi học kẻo trưa !
Nhớ hồi còn nhỏ, trong giờ học môn Khoa Học Thường Thức trên lớp, thầy giáo giảng rằng : " Gió là sự chuyển động của không khí trên bề mặt trái đất, không màu sắc, không mùi vị .... " Một anh bạn giơ tay phát biểu : " Thưa thầy, gió có màu chứ thầy." Thầy hỏi : " Màu gì ? "- " Thưa thầy, màu đỏ bầm. Hôm qua anh của em trúng gió, má em cạo trên lưng 2 đường đỏ bầm và nói là : Gió nhiều quá ! " . Cả lớp cười ồ, có tiếng ai đó nói : " Đồ trúng gió !".
Đó là cách ăn nói lịch sự, còn bình thường mắng nhau thì là " Đồ Khỉ Gió !", " Đồ... Cái thằng mắc gió !"... Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến " Thằng Phải Gió " của Miền Bắc, xin được nhắc lại để đoc chơi tiêu khiển !
Về cô gái hái chè gặp " Thằng Phải Gió " dưới đây, diễn tả một câu chuyện xảy ra trên một đồi chè ngoài ý muốn của cô gái, thế nhưng cô ta lại tỏ ra rất... hài lòng. Đây là cái hay của đoạn ca dao đã lột trần được cái tương phản của tâm lý con người !

CÔ GÁI HÁI CHÈ - Chính Bản
Hôm qua em đi hái chè
Gặp thằng phải gió nó đè em ra
Em lạy mà nó chẳng tha
Nó đem đút cái mả cha nó vào
Bấy giờ em biết làm sao ?
Nếu em càng giẫy nó vào thêm sâu
Cái gì như thể củ nâu
Cái gì như cái cần câu vật vờ
Đọc bài thơ, ta thấy được sự phản kháng yếu ớt, chiếu lệ của cô gái, và cuối cùng thì ... nằm im chịu trận, vì ...
Nếu em càng giẫy nó vào thêm sâu !
Chính vì cái tâm lý tương phản của cô gái mà ta còn tìm thấy thêm được ở trên mạng nhiều Hậu Bản của bài thơ nữa. Mời đọc một Hậu Bản sau đây :
Cô Gái Hái Chè - Hậu Bản
Mấy hôm sau đến vườn chè,
Kiếm thằng phải gió em đè nó ra.
Nó lạy em, nó xin tha,
Nhưng em cứ đút mả cha nó vào.
Bây giờ mới sướng làm sao,
Nên em càng giẫy cho vào thêm sâu.
Giẫy sao cho dập củ nâu,
Giẫy sao cho gẫy cần câu vật vờ !
Vô danh
Lại một Hậu Bản nữa !
Cô Gái Hái Chè - Mười Năm Tái Ngộ
Mười năm thắm thoát trôi qua
Gặp lại phải gió nó già hơn xưa
Mừng như nắng hạn gặp mưa
Em đè nó xuống em lùa chim ra
Nó nằm nó khóc xin tha
Em ngồi em bóp mả cha ngày nào
Khi xưa củ cứng cần cao
Ngày nay củ xẹp cần dâu cần xìu
Vô danh
Để viết tiếp đoạn kết cho có hậu, Ông ccNN trên mạng đã cho “Thằng Phải Gió” vượt biên, vinh quy bái tổ về làng, tay lủng lẳng bị đô-la, túi đầy thuốc Viagra...
Thằng Phải Gió là Việt Kiều
“Phải Gió” mang mã Việt kiều,
Viagra đầy túi làm liều kiếm em.
Tủm tỉm nó nốc hai viên,
Mả cha nó đứng chỉ thiên lên liền.
Cả giờ nó lắc như điên,
Ối giời ! sao sướng như tiên thế này
Mười năm nắn bóp rã tay
Nó lắc cho bỏ những ngày xụi lơ ! ccNN
Chuyện "Thằng Phải Gió" khép lại để kết thúc cho bài phiếm luận "Phải Gió" này .
Hẹn bài viết tới :
VÂN là MÂY
杜紹德
Đỗ Chiêu Đức


LIỄU VĨNH 柳永 (984—1053)vốn tên là Tam Biến 三變, tự là Cảnh Trang 景粧; Sau đổi tên là VĨNH, tự là KỲ KHANH 耆卿; Vì đứng hàng thứ bảy trong anh em, nên còn được gọi là LIỄU THẤT 柳七. Ông người đất Sùng An thuộc tỉnh Phúc Kiến, là Từ nhân nổi tiếng thời Bắc Tống của hệ phái trữ tình lãng mạn. Xuất thân từ gia đình quyền qúy, từ nhỏ đã trao dồi kinh sử thi thư. Năm Hàm Bình thứ 5 (1002) Liễu Vĩnh rời bỏ quê hương lưu ngụ Hàng Châu, Tô Châu. Năm Đại trung nguyên niên (1008) trở về kinh ứng thí, nhưng mấy khoa đều thi rớt, bèn quyết chí một lòng chuyên sáng tác từ. Cảnh Hựu nguyên niên (1034) mới đậu Tiến sĩ khi tuổi đã 50. Từng giữ các chức Mục Châu Đoàn Luyện Thôi Quan, Dư Hàng Huyện Lệnh, Hiểu Phong Diêm Giám, Tứ Châu Phán Quan, cuối cùng là Đôn Điền Viên Ngoại Lang, nên người đời còn gọi ông là Liễu Đôn Điền. Năm Hoàng Hựu thứ 5 (1053) ông tạ thế ở Nhuận Châu.
Hễ nhắc đến Liễu Vĩnh là mọi người đều nghĩ ngay đến câu từ nổi tiếng bất hủ của ông là :
今宵酒醒何處, Kim tiêu tửu tỉnh hà xứ,
楊柳岸曉風殘月. Dương liễu ngạn hiểu phong tàn nguyệt.
Có nghĩa :
Đêm nay say tỉnh nơi nao,
Bên bờ liễu rủ gió rao trăng tàn !

Có người thích lời thơ trữ tình gợi cảm một cách uyển chuyển nầy, cũng có người cho là lời thơ qúa mền yếu ủy mị. Nhưng dù nhận xét như thế nào thì cũng không phủ nhận được sức ảnh hưởng mạnh mẽ to lớn của các bài từ của Liễu Vĩnh đối với phong hóa xã hội lúc bấy giờ. Một học giả đời Nam Tống đã từng nhận xét :"Hễ nơi nào có giếng nước là nơi đó có ca từ của Liễu Vĩnh". cho thấy sự truyền tải các bài từ của Liễu Vĩnh thâm nhập một cách rộng rải vào đời sống của quảng đại quần chúng nhân dân như một nhân vật truyền kỳ.
Thời gian sống ở Tô Châu và Hàng Châu, Liễu Vĩnh thường lăn lóc trong các xóm yên hoa và nổi tiếng ở các lầu xanh về tài điền từ 填詞, tức là chuyên viết ca từ cho các cô kỹ nữ hát khi các nhạc sư soạn được ca khúc mới. Nói cũng lạ, khi các cô hát những khúc hát do Liễu Vĩnh viết ca từ thì luôn luôn được mọi người tán thưởng và bản thân cô kỹ nữ đó cũng được nâng cấp lên mấy bậc và được thưởng thật nhiều tiền. Vì thế mà các cô cũng rất hậu đãi và chào đón Liễu Vĩnh một cách thật niềm nở nhiệt tình, lắm cô lại mê mệt vì vẻ trẻ trung tuấn tú và tài hoa của chàng thanh niên công tử sống lăn lộn từ kỹ viện nầy đến thanh lâu khác một cách hồn nhiên.
Khi trở về kinh ứng thí với rên ban đầu là Liễu Tam Biến, rớt liền mấy khoa, Liễu Vĩnh buồn lòng viết nên bài từ "Hạc Xung Thiên 鹤冲天" với các câu sau :
黄金榜上,偶失龍頭望。 Hoàng kim bảng thượng, ngẫu thất long đầu vọng.
明代暂遗賢,如何向... Minh đại tạm di hiền, như hà hướng...
才子詞人,自是白衣卿相. Tài tử từ nhân, tự thị bạch y khanh tướng !
烟花巷陌,依约丹青屏障。 Yên hoa hạng mâch, y ước đan thanh bình chướng.
幸有意中人,堪尋訪... Hạnh hữu ý trung nhân, kham tầm phưởng...
忍把浮名,換了淺斟低唱! Nhẫn bả phù danh, hoán liễu thiển châm đê xướng !
Có nghĩa :
Bảng vàng đã chẳng có tên,
Vua chưa tuyển dụng biết nên sao nào ?
Điền từ tài tử tự hào,
"Bạch y khanh tướng" chẳng nao lòng này !
Yên hoa trong xóm vui vầy,
Ý trung nhân khắp bạn bầy tìm đâu ?
Phù danh thôi chớ âu sầu,
Đổi thành rượu nhạt hát câu chung tình !

"Bạch Y Khanh Tướng" như ta nói là "Thượng Thư Áo Vải" vậy. Thi rớt nói nghe cho đỡ ngượng và tự hào dù có chút mỉa mai; Thi rớt nhưng ta vẫn là "Tể Tướng" điền ca từ cho xóm yên hoa. Công danh chỉ là phù du tạm bợ, thôi thì cứ gát bỏ một bên để đêm đêm cứ rót ly rượu nhạt nghe giọng hát tỉ tê của các nàng ý trung nhân trong ca lâu là qúa đủ rồi !
Bài từ trên được phổ biến khắp kinh thành, mọi người đều tán thưởng, cả hoàng đế Tống Nhân Tông cũng có đọc qua. Nên lần thi sau, triều thần đều tiến cử Liễu Vĩnh lên cho nhà vua. Vua Tống Nhân Tông là người am tường về âm luật, nên trước đây cũng rất thích những lời từ hoa mỹ diễm lệ của Liễu Vĩnh. Nhưng sau khi lên ngôi nhà vua lại chú trọng đến nho nhả chính phái mà không thích lối phóng đãng bất chấp của Liễu Vĩnh, nên mới gạch bỏ tên của Liễu Vĩnh trên bảng vàng và dùng lời từ của chính Liễu Vĩnh phê rằng :"Cho về viết ca từ để đêm đêm rót ly rượu nhạt hát câu chung tình tỉ tê cùng các ý trung nhân". Thật mỉa mai chua xót ! Đã vậy, Liễu Vĩnh nhân đó lại nghiêm chỉnh chấp hành lời phê của vua mà bố cáo với thiên hạ rằng "Mình phụng chỉ nhà vua về chốn yên hoa điền từ cho các ca nương" với chiếu dụ : "Phụng Thánh Chỉ Điền Từ Liễu Tam Biến 奉聖旨填詞柳三變" Từ đó, các bài từ của Liễu Vĩnh viết ra càng nổi tiếng và càng cao giá hơn nữa.
Thật ra nhờ thi rớt, nhờ bất đắc chí, nhờ thất tình với các ca nương trong chốn yên hoa, nhờ sống lây lất bất cần đời trong chốn ăn chơi trác táng mà thơ và ca từ của Liễu Vĩnh mới gợi tình gợi ý và mới đánh động được lòng người với những cảm xúc rất chân thật như đời thường, rất thấm thía với cuộc sống nhân sinh. Ông lấy vợ từ năm 17 tuổi, vợ là Thiến Nương 倩娘 tuổi mới 15, là một tiểu mỹ nhân eo thon xinh xắn, ngây thơ đáng yêu như lời từ của ông miêu tả trong bài "Đấu Bách Hoa 鬥百花" :
满搦宫腰纖细, Mãn nhược cung yêu tiêm tế,
年纪方當笄歲。 Niên kỷ phương đang kê tuế.
剛被風流沾惹, Cương bị phong lưu triêm nhạ,
与合垂楊双髻。 Dữ hợp thùy dương song kế.
初學嚴妝, Sơ học nghiêm trang,
如描似削身材, Như miêu tự tước thân tài,
怯雨羞雲情意。 Khước vũ tu vân tình ý,
舉措多嬌媚。 Cử thố đa kiều mỵ !
Có nghĩa :
Eo thon còn lỏng vòng tay,
Cập kê tuổi mới biết cài trâm hoa.
Phong lưu e ấp dáng ngà,
Tóc mây tựa liễu bím xòa hai mang.
Lần đầu mới biết điểm trang,
Thân thon mình nhẹ miên man ý tình.
Mây mưa e thẹn chưa rành,
Yêu kiều diễm lệ cho đành lòng nhau.

Vừa ngây thơ vừa đáng yêu Thiến Nương lại vừa chu đáo, biết Liễu Vĩnh khi điền từ ít khi chừa nháp, nên mới âm thầm thu nhặt hết những bài từ của chồng, gom góp lại thành một "Nhạc Chương Tập 樂章集" với lời đề tựa rất dễ thương :"Phu quân Kỳ Khanh 耆卿 của tôi rất giỏi về từ. Người không biết thì cho đó chỉ là những lời ướt át ủy mị, còn người thông hiểu thì cho đó là những tâm huyết đóng góp cho từ đàn...". Có được người vợ như thế còn gì qúy giá và hạnh phúc hơn nữa. Đáng tiếc là người tốt lại vắn số, nên khi tuổi còn rất trẻ nàng đã bỏ Liễu Vĩnh mà về cỏi vĩnh hằng. Ông lại vì người vợ thân yêu mà viết bài "Phụng Thê Ngô 鳳棲梧" với những lời thương nhớ rất não lòng như sau :
佇倚危樓風細細, Trữ ỷ nguy lâu phong tế tế,
望極春愁,黯黯生天際。 Vọng cực xuân sầu, ảm ảm sinh thiên tế.
草色煙光殘照里, Thảo sắc yên quang tàn chiếu lý,
無言誰會憑闌意。 Vô ngôn thùy hội bằng lan ý.
擬把疏狂圖一醉, Nghĩ bả sơ cuồng đồ nhất túy,
對酒當歌,強樂還無味。 Đối tửu đương ca, cưởng lạc hoàn vô vị !
衣帶漸寬終不悔, Y đới tạm khoan chung bất hối,
為伊消得人憔悴。 Vị y tiêu đắc nhân tiều tụy !
Có nghĩa :
Lầu cao gió nhẹ một thân,
Xuân sầu mút mắt tần ngần riêng ta.
Nắng tàn cỏ úa nẻo xa,
Âm thầm lặng lẽ nhạt nhòa lan can.
Muốn say một trận cho cam...
Rượu, ca vô vị vui làm sao đây !?
Lỏng vòng xiêm áo ai hay...
Vì ai tiều tụy hao gầy vì ai ?!

Quả là một tấm lòng chân thành của một người chồng khóc thương vợ. Nhưng song song với cuộc sống trong chốn yên hoa, Liễu Vĩnh cũng rất chân tình rất thật lòng với tất cả những ca nhi kỹ nữ, các người đẹp ca nương nổi tiếng ở chốn thanh lâu... Sau khi liên tục thi rớt, ông gần như sống hẵn ở các xóm yên hoa như một thành viên bao cấp không thể thiếu. Ông vừa dạy nhạc lý vừa điền từ cho các nhạc công và ca kỹ ở giáo phường, khiến cho các nàng luôn luôn được tán thưởng và bội thu, nên việc cơm áo cũng khỏi phải lo toan.
Năm Thiên Thánh thứ hai (1024), lần thứ tư thi rớt, rời kinh sư trong nỗi phẫn hận buồn thương lại bị người tình lúc bấy giờ là Trùng Nương ruồng rẫy, Liễu Vĩnh đã làm bài từ nổi tiếng tiêu biểu cho thể từ ủy mỵ ướt át của ông là 《Vũ Lâm Linh. Hàn Thiềm Thê Thiết 雨霖鈴·寒蝉凄切》sau đây :
多情自古傷離别, Đa tình tự cổ thương ly biệt,
更那堪,冷落清秋節! Cánh na kham, Lãnh lạc thanh thu tiết !
今宵酒醒何處? Kim tiêu tửu tỉnh hà xứ
楊柳岸, 曉風殘月。 Dương liễu ngạn, hiểu phong tàn nguyệt.
此去经年, Thử khứ kinh niên,
應是良辰好景虚設。 Ưng thị lương thần hảo cảnh hư thiết.
便縱有千种風情, Tiện túng hữu thiên chủng phong tình,
更与何人說 ? Cánh dữ hà nhân thuyết ?!
Có nghĩa
Đa tình vốn khổ xưa nay,
Huống trong hiu hắt ai hoài tàn thu.
Đêm nay rượu tỉnh nơi mô ?
Bên bờ liễu rủ trăng mờ gió lay.
Biệt ly đã suốt năm nay,
Đoàn viên cảnh đẹp chỉ hoài công thôi.
Cho dù tình có ngất trời,
Nỗi lòng biết tỏ với ngưới nào đây
Trở về với cuộc sống trong xóm yên hoa, khi điền ca từ cho hoa khôi nổi tiếng ở Hàng Châu lúc bấy giờ là Tạ Thiên Hương 謝天香 ông bắt gặp một tập "Liễu Thất Tân Từ 柳七新词" là Các bài từ mới sáng tác của Liễu Thất với nét chữ chép tay thanh tú của người đep. À, thì ra hoa khôi tài sắc song toàn nầy đã cảm mến ông từ lâu. Từ đó hai người gắn bó lấy nhau không rời xa nhau nửa bước và cùng hẹn ước tiến đến hôn nhân. Liễu Vĩnh có người bạn thân là Tiền Khả là quan Phủ Doãn nơi đó; Khả khuyến khích Vĩnh lai kinh ứng thí, mình sẽ thay Vĩnh mà chiếu cố cho Thiên Hương. Qủa nhiên, sau khi Vĩnh lai kinh, Khả đã chuộc Thiên Hương về phủ với danh nghĩa là Thiếu phu nhân; Nhưng suốt thời gian ba năm trường Khả không hề thân cận, Thiên Hương rất lấy làm lạ. Mãi đến năm Cảnh Hựu Nguyên niên 景祐元年(1034)Liễu Vĩnh đậu Tiến sĩ vinh quy trở về, Tiền Khả mới mời bạn đến nhà trao trả lại Thiên Hương cho chàng và nói cho Vĩnh biết là mình giữ Thiên Hương trong phủ chỉ là để thay cho Liễu Vĩnh chiếu cố nàng mà thôi. Bấy giờ Thiên Hương mới vỡ lẽ ra, hai người rất cảm động và cùng tạ ơn cho tấm lòng tốt có một không hai của Tiền Phủ Doãn. Trong niềm cảm khái Liễu Vĩnh đã viết nên bài từ《Hợp Hoan Đới 合歡帶》sau đây :
桃花零落,溪水潺湲, Đào hoa linh lạc, khê thủy sàn viên,
重尋仙徑非遙。 Trùng tầm tiên kính phi diêu.
莫道千金酬一笑, Mạc đạo thiên kim thù nhất tiếu,
便明珠、萬斛須邀。 Tiện minh châu, vạn đấu tu yêu.
檀郎幸有,凌雲詞賦, Đàn lang hạnh hữu, lăng vân từ phú,
擲果風標。 Trịch qủa phong tiêu.
況當年,便好相攜, Huống đương niên, tiện hảo tương huề,
鳳樓深處吹簫。 Phụng lâu thâm xứ xuy tiêu !
Có nghĩa :
Hoa đào rơi, nước chảy xuôi,
Đường về tiên cảnh núi đồi là đây.
Ngàn vàng cười nói vui vầy,
Nâng ly vạn chén cùng mời nhau say.
Đàn lang Phan Nhạc xưa nay,
Bài từ cao vút ngàn mây lưng chừng.
Như nay tay bắt mặt mừng,
Thổi tiêu lầu phụng riêng lòng ngẩn ngơ !

Con đường hoạn lộ của Liễu Vĩnh qủa cam go trắc trở trăm bề. Tục ngữ có câu "Thi nhân bất hạnh thi gia hạnh 詩人不幸詩家幸" Có nghĩa : "Sự bất hạnh của nhà thơ là cái may mắn cho gia đình thơ". Ý muốn nói : Nhờ sự bất hạnh gian nan trắc trở, trải qua trăm cay ngàn đắng của nhà thơ, vì nghèo khổ, vì bất đắc chí, vì thất tình... ta mới có được những vần thơ tuyệt diệu thắm thía về cuộc sống nhân sinh. Và cũng nhờ vậy mà thi đàn mới có được những vần thơ hay, những bài thơ bất hủ để tryền lại cho đời sau và để cho mọi người cùng ngâm nga tán thưởng.
Theo "Lịch Đại Thi Dư 歷代詩餘" của Du Văn Báo 俞文豹 ghi lại trong "Xuy Kiếm Lục 吹劍錄" : Tô Thức tức Tô Đông Pha khi đang là Hàn Lâm Học Sĩ ở Hàn Lâm Viện đã hỏi một môn khách rất giỏi về ca hát rằng :"Từ của ta và từ của Liễu Vĩnh được so sánh nhau như thế nào ?". Người môn khách đáp rằng :"Từ của Liễu Lang Trung chỉ hợp với các cô gái mười bảy mười tám tuổi tay cầm thẻ ngà gỏ nhịp hát câu "Dương liễu ngạn, hiểu phong tàn nguyệt 楊柳岸曉風殘月". Còn từ của Học sĩ (chỉ Tô Đông Pha) thì thích hợp với các đại hán vùng Quan tây, tay ôm đàn tì bà gỏ nhịp sắt hát câu "Đại Giang Đông Khứ 大江東去 !".
Trong xóm yên hoa các cô đều gọi Liễu Vĩnh bằng một tên rất thân thương gần gũi là Liễu Thất. Cô nào không biết Liễu Thất là ai thì cô đó thuộc hàng "hạ phẩm", đến nỗi hình thành các câu khẩu hiệu như sau :
不願穿綾羅,願依柳七哥;Bất nguyện xuyên lăng la, nguyện y Liễu Thất ca;
不願君王召,願得柳七叫;Bất nguyện quân vương triệu, nguyện đắc Liễu Thất khiếu;
不願千黃金,願中柳七心;Bất nguyện thiên hoàng câm, nguyện trúng Liễu Thất tâm;
不願神仙見,願識柳七面。Bất nguyện thần tiên kiến, nguyện thức Liễu Thất diện.
Có nghĩa :
- Không cần ăn mặc lụa là, chỉ cần Liễu Thất ca ca;
- Không cần quân vương chiếu triệu, chỉ cần Liễu Thất kêu ta;
- Không cần ngàn lượng hoàng kim, chỉ cần Liễu Thất gởi tim.
- Không cần gặp được thần tiên, , chỉ cần gặp mặt Liễu Thất thật hiền mà thôi !

Theo "Dụ Thế Minh Ngôn 喻世明言" của Phùng Mộng Long 馮夢龍 đời Minh, thiên《Chúng Danh Cơ Xuân Phong Điếu Liễu Thất 众名姬春风吊柳七》ghi : Khi Liễu Vĩnh chết, tất cả kỹ viện của cả thành Biện Lương đều cùng nhau đến chung tiền và tổ chức tang lễ cho Liễu Vĩnh. Ngày động quan tất cả kỹ nữ ca nương đều đến đưa tang, tiếng thương khóc ngất trời vang động cả một góc thành và vang xa đến mấy dặm. Sau đó mỗi năm đến ngày Thanh Minh tất cả các cô đều chẳng hẹn mà cùng đến tảo mộ cúng bái liễu Vĩnh thật đông.

Hẹn bài viết tới!
杜紹德
Đỗ Chiêu Đức
Meet The Team
Our Clients




