TIẾNG HÁN CỔ (II)
với Ông Đồ ĐỖ CHIÊU ĐỨC
CHS Phan Thanh Giản (Cần Thơ)
Cựu GS Trung Học Tân Hưng (Cái Răng)
Cựu Giảng Viên ĐH Xã Hội - Nhân Văn (Sài Gòn)
Houston,Texas________
Trân trọng giới thiệu TRANG NHÀ ĐỖ CHIÊU ĐỨC:
https://sites.google.com/view/dochieuduc5/startseite?authuser=0
Theo tất cả các từ điển, tự điển được xuất bản từ xưa đến nay, ta tìm thấy có 31 chữ QUÁN, bao gồm tất cả những chữ cổ và chữ ít thông dụng nhất. Trong phạm vi bài viết nầy, ta chỉ đề cập đến 5 chữ QUÁN thông dụng nhất mà thôi : QUÁN 冠 là Bao trùm; QUÁN 貫 là Xuyên suốt; QUÁN 慣 là Thói quen; QUÁN 舘 là Nhà trọ và QUÁN 觀 là Đạo Quán, là nơi tu tập của các Đạo sĩ. Ta bắt đầu với...
* QUÁN 冠 là BAO TRÙM. Tiêu biểu nhất là từ QUÁN QUÂN 冠軍 là "Bao trùm cả Tam quân là Bộ binh, Kỵ binh và Thủy binh", là Hạng nhất trong quân ngũ. Ngày xưa chỉ có các cuộc thi tài được diễn ra trong quân đội để chọn ra các dũng sĩ dũng tướng tài giỏi để cầm quân đánh giặc. Các cuộc thi tài trong quân đội được xếp hạng như sau :
1. QUÁN QUÂN 冠軍 : Hạng Nhất trong tam quân.
2. Á QUÂN 亞軍 : Hạng Nhì trong tam quân.
3. QUÝ QUÂN 季軍 : Hạng Ba trong tam quân.
4. ĐIỆN QUÂN 殿軍 : Hạng Tư trong tam quân.
Sau nầy các phong trào thể dục thể thao phát triển rộng rãi, nên mới có các cuộc thi tài được tổ chức, như Á Vận Hội, Thế Vận Hội... và theo thói quen, người ta vẫn sử dụng các từ QUÁN QUÂN, Á QUÂN để chỉ Hạng Nhất và Hạng Nhì; Còn từ QÚY QUÂN và ĐIỆN QUÂN thì bị đào thải lãng quên đến... không còn ai biết tới nữa !(Ngoại trừ người Hoa vẫn còn sử dụng). Trước mắt các cuộc thi tài được xếp hạng như sau :
1. 冠軍 Quán Quân với Huy chương Vàng = champion.
2. 亞軍 Á Quân với Huy chương Bạc = first runner up / 1 st runner up.
3. 季軍 Qúy Quân với Huy chương Đồng = second runner up / 2 nd runner up.
Đúng ra, đây là chữ 冠 QUAN (không có dấu Sắc); đọc là QUÁN là theo phép Giả Tá mà thôi. Theo "CHỮ NHO... DỄ HỌC" chữ QUAN có diễn tiến chữ viết như sau :
Ta thấy :
QUAN 冠 là chữ Hội Ý, gồm có bộ MỊCH 冖 ở trên chụp xuống, có nghĩa là Đậy lại; phần dưới bên trái là chữ NGUYÊN 元 có nghĩa là ĐẦU, bên phải là chữ THỐN 寸 là hình tượng của cái TAY Co lại. Hội Ý là : "Co tay lại để vật gì đó đậy lên đầu". Nên QUAN là Cái Mão, bây giờ ta gọi là cái Nón, cái Mũ.
Y QUAN 衣冠 : là Áo Mão. Bây giờ ta gọi là Y PHỤC 衣服 : là Quần Áo. Ta có Thành ngữ : "Y QUAN CẦM THÚ 衣冠禽獸", có nghĩa : Cầm thú mặc áo đội mão như người, để chỉ những kẻ tán tận lương tâm, mất hết nhân tính, như là thú vật được cho mặc quần áo giống như người mà thôi ! Nên...
QUAN 冠 là Danh từ, có nghĩa là Cái Mão, cái mũ, cái nón. Khi được mượn làm Động từ theo phép Giả Tá thì đọc là QUÁN 冠, có nghĩa là Đội mão, đội mũ, đội nón.
Ngày xưa có lệ hễ con trai đến 20 tuổi thì được làm lễ đội mão, gọi là GIA QUAN 加冠 và được lấy Tự hiệu cho mình theo như một câu trong sách Lễ Ký 禮記 : Nam tử nhị thập QUÁN nhi TỰ 男子二十冠而字. Nên QUÁN GIẢ 冠者 là chỉ người đã thành niên, đã là người lớn rồi. Theo như một câu trong sách Luận Ngữ mà Kim Dung đã đưa vào truyện "Anh Hùng Xạ Điêu" với nhân vật Hoàng Dung rất lý thú như sau :
... Thấy Hoàng Dung giỏi văn thơ và đã lên tiếng chê trách là ông chỉ đọc sách như vẹt, chứ không hiểu hết ý nghĩa của Thánh hiền, qua câu chuyện : Khi nghe ông Độc đọc một câu trong sách Luận ngữ là :"Mạc xuân dã, xuân phục ký thành, QUÁN GIẢ ngũ lục nhân, đồng tử lục thất nhân, dục hồ Nghi, phong hồ Vũ Vu, vịnh nhi qui...末春也,春服既成,冠者五六人,童子六七人,浴乎宜,風乎宇于,咏而歸...". Có nghĩa ; Vào cuối xuân, quần áo mùa xuân đã may xong, năm sáu người lớn, sáu bảy trẻ nhỏ, tắm ở dòng sông Nghi, hứng gió ở đền Vũ Vu, rồi hát mà về...(tả cảnh sống thanh bình vui vẻ, tự do tự tại của dân chúng trong buổi đầu xuân)... mà hỏi ông rằng : "Ông đọc sách Thánh hiền, mà có biết Bảy Mươi Hai người thành đạt 七十二賢 (thất thập nhị hiền) trong số 3 ngàn học trò của Không Tử, là : Có bao nhiêu người già, bao nhiêu người trẻ không ? Ông Độc suy nghĩ mãi không ra , sách chỉ nói Thất thập nhị Hiền, chứ đâu có nói gì đến già trẻ đâu. Hoàng Dung mới cười ông , và đem câu Luận ngữ mà ông vừa đọc ở trên để giải thích như thế nầy : QUÁN GIẢ 冠者 là người đội mũ, là người lớn, ngũ lục nhân, năm sáu người, 5 lần 6 là 30 người. Đồng tử 童子 là con nít là người trẻ, lục thất nhân, sáu bảy người, 6 lần 7 là 42 người. 30 cộng với 42, chẳng phải 72 là gì ? Cho nên tôi nói ông chỉ đọc sách như vẹt, chứ không hiểu hết ý nghĩa sâu xa ở bên trong là vậy đó !". Thấy Hoàng Dung mặc dù ngụy biện, lấy câu sách mình vừa đọc để mắng mình, nhưng cũng phải phục tài thông minh, cơ trí của cô ta..
QUÁN còn có nghĩa phát sinh là "Bao trùm từ trên xuống dưới", như ta đã biết người chiếm giải nhất trong các cuộc thi tài được gọi là :
QUÁN QUÂN 冠軍 là Hạng Nhất, là bao trùm tất cả chẳng ai hơn.
* QUÁN 貫 là Xuyên suốt; là dạng chữ Hội Ý, theo diễn tiến của chữ viết trong "CHỮ NHO... DỄ HỌC" như sau :
Ta thấy :
QUÁN 貫 phần trên là do hình tượng của những đồng tiền có lổ vuông được xỏ xâu lại 毌 ; phần dưới là chữ BỐI 貝 là hình tượng của vỏ sò mở ra (BẢO BỐI 寶貝 là đồ Qúy giá). Vì thế, QUÁN là sưu tập xỏ xâu lại các tiền của qúy giá. Nên...
QUÁN 貫 Danh từ là một xâu. NHẤT QUÁN TIỀN 一貫錢 là Một Xâu Tiền gồm có 1.000 đồng điếu; nên ta có thành ngữ VẠN QUÁN GIA TƯ 萬貫家私 để chỉ những nhà Triệu Phú (Vạn là 10.000 X Quán là 1.000 = 10.000.000).
QUÁN 貫 Động từ là Xỏ xâu; còn XUYẾN 串 là Kết nối lại thành chuổi. Nên QUÁN XUYẾN 貫串 là Xuyên suốt từ đầu đến cuối; Nghĩa phát sinh là Lo toan tất cả mọi việc. Người Vợ Quán Xuyến là "Người vợ đãm đang, ôm đồm lo toan cho tất cả mọi việc lớn nhỏ trong nhà". Các từ thường gặp, như :
QUÁN THÔNG 貫通 là Thông suốt một cách suông sẻ không có gì trở ngại.Ta có thành ngữ QUÁN THÔNG KIM CỔ 貫通今古 là Hiểu biết rành mạch suông sẻ tất cả các việc từ xưa tới nạy.
QUÁN TRIỆT 貫徹 là Thông suốt rành mạch từ đầu đến cuối. Tương tự ta cũng có thành ngữ QUÁN TRIỆT CỔ KIM 貫徹古今.
HƯƠNG QUÁN 鄉貫 là Quê hương mà ta sống xuyên suốt từ nhỏ đến lớn. Từ nầy được ta nói Nôm na thành QUÊ QUÁN.
Trong sách Luận Ngữ 論語 của Khổng Tử có câu: "Ngô đạo nhất dĩ QUÁN chi 吾道一以貫之" Có nghĩa : Đạo của ta chỉ có một mối mà thông suốt gồm thâu tất cả.(Ý của Khổng Tử muốn chỉ về cái đạo NHÂN của mình). Do câu nói nầy mà cụ ĐÀO TRINH NHẤT, một nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu của ta ở thế kỹ trước, vì ông tên NHẤT nên đã lấy bút hiệu QUÁN CHI là vì thế.
Nếu thêm bộ TÂM 忄đứng vào bên trái của chữ QUÁN 貫 ta cũng có chữ...
* QUÁN 慣 là Thói quen (một biểu hiện của tâm tính). Ta có từ TẬP QUÁN 習慣 là Làm theo thói quen, như đến Tiết Thanh Minh thì mọi người đều đi tảo mộ; Ngày ba mươi Tết thì đều làm lễ rước ông bà... Ta có các tục ngữ như :
PHONG TỤC TẬP QUÁN 風俗習慣 là Những tục lệ được thực hành theo thói quen của một địa phương, một dân tộc hay một nước... Như Tết Trung Thu thì phải rước đèn, cúng trăng; Tết Nguyên Đán thì phải nói những lời tốt đẹp với nhau, như chúc nhau An khang Thịnh vượng, Mua may bán đắc...
TẬP QUÁN NGÔN NGỮ 語言習慣 là những nghĩa phát sinh theo thói quen của tiếng nói, như từ CHẮC mà có nghĩa KHÔNG CHẮC chút nào cả trong các câu sau :
- Chiều nay CHẮC mưa.
- Đừng đợi nữa, CHẮC nó không đến đâu !
- Anh có CHẮC nó là thủ phạm không ?
Một ví dụ cụ thể nữa là : Ta gọi PHI TRƯỜNG 飛場 nghĩa là Sân bay, Sân để cho máy bay cất cánh bay đi. Còn người Hoa gọi là CƠ TRƯỜNG 機場 là Sân để cho máy bay đậu. Đây cũng là TẬP QUÁN NGÔN NGỮ và là cái khác nhau giữa tiếng Việt và tiếng Hoa. Nếu ta nói :"Chiều nay tôi phải ra CƠ TRƯỜNG" thì nghe rất lạ tai vì người ta sẽ không biết là mình muốn đi đâu ?! Cũng như âm Quan Thoại từ PHI TRƯỜNG 飛場 được phát âm giống như PHI THƯỜNG 非常, nên người nghe cũng sẽ không hiểu mình muốn nói gì ?! Một ví dụ nữa như : Ta gọi Người Xem là Khán Giả 看者, còn người Hoa gọi là Quan Chúng 觀眾... Đó chính là TẬP QUÁN NGÔN NGỮ !
QUÁN TÍNH 慣性 là Cái tính chất theo thói quen, như sợi dây thun hay cái lò-xo khi ta kéo giãn rồi buông ra, nó sẽ trở lại trạng thái lúc ban đầu. Đó chính là QUÁN TÍNH, ta còn gọi là tính ĐÀN HỒI.
KIẾN QUÁN 見慣 là Trông thấy nhiều lần đã quen với việc gì đó rồi, nên không còn lấy làm lạ nữa. Ta có thành ngữ TƯ KHÔNG KIẾN QUÁN 司空見慣 để chỉ "Chuyện thường ngày ở huyện" không có gì là lạ cả ! Theo như tích sau đây :
Thi hào LƯU VŨ TÍCH 劉禹錫(772—842)khi bị biếm làm Thứ Sử đất Tô Châu (833). Quan Tư Không là Lý Thân nghe tiếng và cũng mến mộ tài văn thơ của ông, bèn mời ông đến và thiết tiệc khoản đãi. Buổi tiệc thật xa hoa với đầy đủ các sơn hào hải vị, mỹ tửu quỳnh tương, dưa ngon trái ngọt. Có một nàng ca kỹ thật đẹp ăn mặc như các cung nữ trong cung vua và lại ca múa hát khúc "Đỗ Vi Nương" trong cung đình. Lưu Vũ Tích đã choáng ngợp trước buổi tiệc qúa cao sang xa hoa nầy và bàng hoàng trước vẻ đẹp sắc nước hương trời của nàng ca kỹ, nên Ông đã xúc động mà viết bài thơ tứ tuyêt "Tặng Lý Tư Không Kỹ 贈李司空妓" (Tặng nàng ca kỹ của ông Tư Không họ Lý) với những lời lẽ ngưỡng mộ như sau :
高髻雲鬟宮樣妝, Cao kế vân hoàn cung dạng trang,
春風一曲杜韋娘。 Xuân phong nhất khúc Đỗ Vi Nương.
司空見慣渾閒事, TƯ KHÔNG KIẾN QUÁN hồn nhàn sự,
斷盡蘇州刺史腸。 Đoạn tận Tô Châu Thứ Sử trường !
Có nghĩa :
Tóc kết cung đình mây lướt trôi,
"Đỗ Vi Nương" khúc hát chơi vơi.
Tư Không quen mắt không cho lạ,
Thứ Sử Tô Châu ruột đứt rồi !
Ông là quan lớn Tư Không, đã quen sống xa hoa và nhìn ngắm các giai nhân đẹp như tiên nga, hát hay múa giỏi như thế nầy quen rồi, nên cho là chuyện bình thường không có gì là lạ cả. Nhưng đối với chức quan nhỏ nhoi Thứ Sử Tô Châu như tôi, thì đối diện với bửa tiệc cao sang và nhất là đối diện với giai nhân tuyệt sắc như thế nầy, làm cho tôi xúc cảm rung động đến như đứt từng đoạn ruột ra hết vậy (Đoạn Tận 斷盡 là Đứt hết. Đoạn tận Tô Châu Thứ Sử trường : là "Đứt hết ruột gan của Thứ Sử Tô Châu rồi!) Cho nên, sau buổi tiệc, Lý Thân cũng rất điệu nghệ và hào phóng cho kiệu hoa đưa nàng ca kỹ với "cung dạng trang"(là Trang điểm như là các cung nhân trong cung vua vậy) về với Thứ Sử Tô Châu Lưu Vũ Tích để cho ông khỏi phải đứt từng đoạn ruột nữa !
Qủa là một giai thoại tuyệt vời của các thi nhân hào phóng ngày xưa !
* QUÁN 舘 là Nhà Trọ. Thuộc dạng chữ Hài Thanh, theo "CHỮ NHO... DỄ HỌC" có diễn tiến chữ viết như sau :
Ta thấy :
Chữ QUÁN 舘 nầy phần bên trái là chữ XÁ 舍 là Nhà Trọ chỉ Ý; Phần bên phải là chữ QUAN 官 dùng để chỉ ÂM. Ghép cả hai phần lại ta có chữ QUÁN 舘 có nghĩa là Nhà Trọ, là Phòng Ốc. Như : LỮ QUÁN 旅舘 là nhà trọ cho khách lữ hành; THƯ QUÁN 書舘 là Phòng chứa sách, là Hiệu Sách còn gọi là Nhà Sách, là Cái quán bán sách. Vì còn dùng để chỉ các hàng quán, nên dị thể của chữ QUÁN 館 còn được ghép bởi Bộ THỰC 食 là Ăn với chữ QUAN 官 chỉ Âm như sau :
Ta thấy :
Hai chữ QUÁN tạo hình tuy có khác, nhưng tựu trung thì ý nghĩa và cách sử dụng thì cũng giống như nhau. Như :
- Dịch Quán 驛館 là nơi tiếp đãi các sứ thần và quan viên vãng lai.
- Học Quán 學舘 là Nhà Học, từ dùng để gọi Trường học ngày xưa.
- Tửu Quán 酒館, Trà Quán 茶館 là Quán Rượu, Quán Trà...
- Đại Sứ Quán 大使館, Lãnh Sự Quán 領事館 là các tòa nhà dành cho Đại Sứ và Lãnh sự của các nước ở và làm việc.
- TĂNG NGHI QUÁN 殯儀舘 là nơi để quàng quan tài và điếu tang người chết. Đúng ra phải đọc là TẪN NGHI QUÁN (TẪN là TẪN LIỆM 殯殮) Nhưng không biết "ông nào đó" ở Chợ Lớn lúc ban đầu đã dịch nhầm là TĂNG NGHI QUÁN, nên sau nầy theo thói quen mọi người đành chấp nhận và gọi theo mà thôi.
Còn có nhiều cái QUÁN được ta gọi khác đi do TẬP QUÁN NGÔN NGỮ, như :
- BÁO QUÁN 報館 ta gọi là Nhà Báo, là Tòa Soạn Báo.
- VĂN HÓA QUÁN 文化館 ta gọi là Nhà Văn Hóa hay Viện Văn Hóa.
- ĐỒ THƯ QUÁN 圖書舘 ta gọi là Thư Viện hay Phòng Đọc Sách.
- BÁC VẬT QUÁN 博物舘 ta gọi là Viện Bảo Tàng...
Từ được Nôm hóa trở nên thông dụng nhất là từ QUÁN XÁ 館舍, HÀNG QUÁN 行館 được sử dụng rộng rãi trong quần chúng như là những tiếng Nôm thuần túy. Như trong truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên, khi Vân Tiên từ biệt Võ công, Thể Loan. Lên đường ra kinh thi, gặp Vương Tử Trực, Trịnh Hâm, Bùi Kiệm trong QUÁN rượu, cụ Nguyễn Đình Chiểu cũng đã viết :
QUÁN rằng: “Thịt cá ê hề,
“Khô lân chả phụng bộn bề thiếu đâu..
* QUÁN 觀 là Đạo Quán 道觀, là nơi tu tập của các Đạo sĩ theo Đạo giáo. QUÁN nầy vốn đọc là QUAN (không có dấu Sắc) có nghĩa là nhìn ngắm xem xét, theo diễn tiến hình thành của chữ Nho như sau :
Ta thấy :
Từ Chung đĩnh văn đến Đại triện, Tiểu triện diễn tiến cho đến Lệ Thư đều do chữ QUÁN 雚 (một loại Lát để dệt chiếu, đệm) dùng làm ÂM kết hợp với Bộ KIẾN 見 là Thấy, là Gặp để chỉ Ý, đúng theo phép tạo chữ của HÀI THANH 諧聲(còn gọi là HÌNH THANH 形聲). Nên chữ 觀 khi được đọc là :
* QUAN thì có nghĩa là Nhìn Ngắm, Xem Xét, như Tham quan 參觀, Quan sát 觀察... là Cách nhìn, như Quan Niệm 觀念, Quan Điểm 觀點...
Còn nếu đọc là :
* QUÁN thì có nghĩa là Cái chùa của các đạo sĩ ở và tu, như Bạch Vân Quán 白雲觀, Hoàng Hạc Quán 黃鶴觀, Tử Dương Quán 紫陽觀...
Một nghĩa nữa của Âm QUÁN 觀 là Xét thấu, nghĩ kỹ thấu đáo tới đạo chính gọi là QUÁN. Như CHỈ QUÁN 止觀 yên định rồi xét thấu chân tâm, như Kinh Dịch 易經 có câu "Quán ngã sinh vô cữu 觀我生無咎" là Xét thấu cái nghĩa vụ của đời ta mới không mắc vào tội lỗi. Đạo Phật có phép tu dùng tai mà xem xét cõi lòng, trừ tiệt cái mầm ác trở nên bậc Vô thượng, nên gọi là phép QUÁN 觀. Như Quan Âm Bồ Tát 觀音菩薩, vì ngài tu bằng phép này, nên sáu căn dùng lẫn với nhau được, mắt có thể nghe được, tai có thể thấy được, nên gọi là QUÁN THẾ ÂM 觀世音. Như trong Bát-nhã ba-la mật-đa tâm kinh 般若波羅密多心經 có câu : “Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách 觀自在菩薩行深般若波羅蜜多時, 照見五蘊皆空度一切苦厄". Có nghĩa : Bồ Tát Quán Tự Tại, khi tiến sâu vào Tuệ Giác Siêu Việt, nhận chân ra năm hợp thể Sắc, Thụ, Tưởng, Hành, Thức đều là Không, liền độ thoát mọi khổ ách.
À, thì ra QUÁN là một phép tu tập của QUAN THẾ ÂM BỒ TÁT, nên các Ma tăng, Sàm tăng, Dâm tăng... trước mắt (2024) như Thích Chân Quang, Thích Nhuận Đức, Thích Thanh Toàn... Sợ Phật tử chê mình dốt, không biết con đường tu tập của MẸ HIỀN QUAN ÂM, nên mới cùng đồng lòng thêm một dấu sắc vào Phật hiệu của Ngài thành QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT nghe trúc trắc và chói tai muốn chết !
Nếu bảo là gọi cho đúng cái con đường tu tập của Bồ Tát thì càng sai hơn, vì PHẬT HIỆU là cái TÊN GỌI, còn CON ĐƯỜNG TU TẬP là cái VIỆC LÀM. Hơn nữa cái Phật hiệu "Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn QUAN THẾ ÂM Bồ Tát" mà mọi người còn gọi một cách thân mật gần gũi với cuộc sống hơn là "MẸ HIỀN QUAN ÂM" đã có từ hơn một ngàn năm trăm năm nay, từ thời Bắc Chu của Nam Bắc Triều (420-589) đời vua Diệu Trang Vương với QUAN ÂM DIỆU THIỆN và trên hai trăm năm với truyện nôm QUAN ÂM THỊ KÍNH của ta dưới triều nhà Nguyễn (1802---). Phật hiệu QUAN ÂM BỒ TÁT đã đi sâu vào lòng quần chúng nhân dân, đã ăn sâu vào tâm khảm của muôn vạn tín đồ Phật tử, thì tại sao lại phải vì một lý do nào đó mà thêm vào "Dấu Sắc" cho trúc trắc khó đọc và nghe không êm ái chút nào cả !
Nhưng gần đây, chẳng những các ma tăng sàm tăng... mà cả tín đồ Phật tử, cư sĩ tăng ni đến cả các Tỳ kheo Đại đức, Thượng tọa Cao tăng khi tụng kinh hay đăng đàn thuyết giảng, hễ có dịp nhắc đến QUAN ÂM Bồ Tát thì đều đọc là QUÁN ÂM Bồ Tát cả ! Như khu du lịch Mẹ Nam Hải ở Bạc Liêu Cà Mau : Trong khi các quảng cáo, cổng tam quan... đều ghi là QUAN ÂM NAM HẢI, QUAN ÂM PHẬT ĐÀI, nhưng loa phát thanh thì cứ oang oang "QUÁN ÂM BỒ TÁT " !?
Thiết nghĩ giới Phật tử và quần chúng bình dân đã quen miệng với các cách gọi thân thương là :
- Quan Âm Bồt Tát,
- Phật Bà Quan Âm,
- Mẹ Hiền Quan Âm....
đã thành một TẬP QUÁN NGÔN NGỮ rồi, nếu bây giờ phải gọi Bà QUAN ÂM là Bà QUÁN ÂM thì nghe rất chướng tai và... không giống ai cả ! Nên, theo thiển ý thì...
Khi tu tập hay khi nghiên cứu về giáo lý cao siêu của Phật Giáo thông qua các phép, các cách hay các con đường tu tập thì qúy Tỳ Kheo Đại Đức Thượng Tọa hay Hòa Thượng ... muốn gọi sao thì gọi, nhưng khi thuyết giảng giáo pháp trước quần chúng nhân dân thì nên giữ theo lối gọi truyền thống trước đây là QUAN THẾ ÂM BỒ TÁT, chứ đừng cho máy phóng thanh cứ oang oang là " QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT" như chọc vào tai của muôn vạn người nghe một cách bá đạo và khó chịu vô cùng !
Trên đây chỉ là những suy nghĩ cá nhân của người viết thông qua những phản ánh của bạn bè thân hữu chung quanh, xin chân thành gởi đến các vị chức sắc trong Giáo Hội Phật Giáo và quảng đại thiện nam tín nữ trong và ngoài nước để cùng nhau trao đổi và góp ý về tên gọi của một vị Bồ Tát rất gần gũi thân thương với tất cả chúng sinh còn chìm đắm trong biển khổ !
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn QUAN THẾ ÂM Bồ Tát Ma Ha Tát !
Phật hiệu trên thay cho lời kết của bài Phiếm luận nầy !
杜紹德
Đỗ Chiêu Đức
Hái dâu chăn tằm, hái sen hái súng để cải thiện cuộc sống... đều là những công việc lao động đẹp đẽ của phụ nữ từ thời thượng cổ đến nay. Nhưng do hoàn cảnh lao động nên các nàng hái lá dâu trong những rừng dâu râm rạp mát mẻ nên thơ lại có dịp hẹn hò với các chàng nên thường bị mang tiếng là "Trên Bộc Trong Dâu", chữ Nho là TANG TRUNG BỘC THƯỢNG 桑中濮上. Theo sách Lễ Ký 禮記, chỉ các trai gái của nước Vệ thời Chiến Quốc thường hò hẹn nhau đến rừng dâu trên sông Bộc để hát hò rồi xảy ra chuyện dâm loạn với nhau. Không thanh cao trong sáng như các cô gái hái sen thả một chiếc xuồng con trên sông nước. Có gặp được các chàng ý trung nhân thì cũng chỉ liếc mắt đưa tình hay cúi đầu cười e thẹn, họa hoằn lắm, gan dạ lắm thì cũng chỉ cặp đôi hai thuyền lại để thăm hỏi vài lời và ngắm nhìn nhau cho mãn nhãn là cùng...
Sau đây, ta hãy đọc những bài thơ THÁI LIÊN KHÚC diễn tả lại cuộc sống lao động lành mạnh và lại rất nên thơ của các cô gái hái sen lớn lên trong vùng sông nước Giang Nam với bạt ngàn sen súng...
10. Bài thơ THÁI LIÊN KHÚC của Lưu Phương Bình đời Đường :
採蓮曲 THÁI LIÊN KHÚC
落日清江裏, Lạc nhật thanh giang lý,
荊歌豔楚腰。 Kinh ca diễm Sở yêu.
採蓮從小慣, Thái liên tòng tiểu quán,
十五即乘潮。 Thập ngũ tức thừa triều !
劉方平 Lưu Phương Bình
* Chú thích :
- THÁI LIÊN KHÚC 採蓮曲 còn có tên là "THÁI LIÊN NỮ 採蓮女" là một trong bảy khúc hát của GIANG NAM LỘNG 江南弄 là những điệu hát hò trên sông nước của xứ Giang Nam.
- KINH CA 荊歌 : là những khúc hát hò trên sông nước của đất Kinh Sở thời Chiến Quốc ngày xưa (thuộc tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc hiện nay).
- SỞ YÊU 楚腰 : là Eo của con gái nước Sở. Tương truyền Sở Linh Vương thích các cô gái có eo thon, nên các người đẹp trong nước "thi nhau nhịn ăn" để có được cáo eo thon đẹp. Nên SỞ YÊU là cái EO vừa Thon vừa Đẹp.
- TÒNG TIỂU QUÁN 從小慣 : QUÁN là Tập Quán, là Thói quen. Nên TÒNG TIỂU QUÁN là Từ nhỏ đã quen rồi.
- THỪA TRIỀU 乘潮 : là Cởi sóng; là Chèo thuyền lướt trên sóng mà đi.
* Nghĩa bài thơ :
Mặt trời chen lặn trên dòng nước trong xanh, tiếng hát hò điệu Kinh Sở vang vang trên sông nước bởi những cô gái yểu điệu với chiếc eo Sở thon đẹp. Từ lúc còn nhỏ các cô đã dần quen với công việc hái sen, nên khi mới mười lăm tuổi thì đã dám một mình chèo thuyền cởi sóng lướt trên sông nước để đi hái sen rồi !
* Diễn Nôm :
THÁI LIÊN KHÚC
Chiều xuống nước trong veo,
Tiếng ca nàng nhỏ eo.
Hái sen từ tấm bé,
Mười lăm vượt sóng chèo !
Luc bát :
Nắng chiều buông, nước sông trong,
Tiếng ca Kinh Sở đẹp lòng eo thon.
Hái sen từ nhỏ đã lờn,
Mười lăm vượt sóng há sờn lòng đây !
Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
11. Bài thơ THÁI LIÊN KHÚC của Thôi Quốc Phụ đời Đường :
採蓮曲 THÁI LIÊN KHÚC
玉漵花爭發, Ngọc tự hoa tranh phát,
金塘水亂流。 Kim đường thủy loạn lưu.
相逢畏相失, Tương phùng uý tương thất,
並著木蘭舟。 Tịnh chước Mộc Lan chu.
崔國輔 Thôi Quốc Phụ
* Chú thích :
- NGỌC TỰ 玉漵 : TỰ là Bờ nước, bến nước. Nên NGỌC TỰ có nghĩa là Bến nước có làn nước trong như ngọc.
- HOA TRANH PHÁT 花爭發 : là Hoa đua nhau nở rộ.
- KIM ĐƯỜNG 金塘 : ĐƯỜNG là Bờ đê chạy dọc theo ven sông. Nên KIM ĐƯỜNG là Bờ đê rực rỡ vàng lên trong ánh nắng.
- THỦY LOẠN LƯU 水亂流 : Chỉ làn nước cuồn cuộn chảy cuốn theo bờ đê.
- TỊNH CHƯỚC 並著 : TỊNH 並 là chữ Hội Ý, do hai chữ LẬP 立 là Đứng ghép sát vào nhau mà thành. Nên TỊNH là Song song, là Ngang bằng nhau. Nên TỊNH CHƯỚC là Làm cho ngang bằng nhau; ghép lại cho song song.
- MỘC LAN CHU 木蘭舟 : Thuyền làm bằng cây Mộc Lan. Theo "THUẬT DỊ KÝ 述異記" ghi lại : Trên bến sông Tầm Dương có trồng nhiều cây Mộc Lan. Xưa Ngô vương Hạp Lư dùng cây nầy để cất cung điện; còn ở bãi Thất Lý trong sông thì Lỗ Ban đã đóng cây Mộc Lan làm thuyền, gọi là Mộc Lan Chu.
* Nghĩa bài thơ :
Làn nước trong lắp lánh như ngọc bên bến nước, các đóa hoa sen tranh nhau đua nở; Những chiếc thuyền hái sen qua lại bên bờ đê rực lên dưới ánh nắng vàng và dòng nước cuồn cuộn chảy. Nên khi hai thuyền gặp nhau sợ bị dòng nước cuốn cho xa nhau, (chàng với nàng) mới buộc cho hai chiếc thuyền bằng Mộc Lan lại cho đi song song với nhau.
Câu "Tương phùng uý tương thất, 相逢畏相失" là "Gặp nhau rồi lại sợ phải mất nhau" mới ý vị làm sao ấy ! Sợ hai chiếc thuyền bị nước cuốn cho xa nhau thì ít; Sợ gặp nhau mà chẳng nói được câu nào với nhau mới là điều cùng lo lắng. "Úy tương thất 畏相失" Sợ mất nhau, đã nói lên cái tâm lý yêu thương nhau thắm thiết của đôi lứa ngày xưa rất hiếm khi có dịp cùng nhau gặp gỡ để giải bày nỗi lòng tâm sự..
* Diễn Nôm :
Bờ nước hoa đua nở,
Bờ đê nước cuộn trôi.
Gặp nhau sợ chia cắt,
Thuyền lan buộc song đôi !
Lục bát :
Nước trong như ngọc đầy hoa,
Đê vàng nước cuốn thuyền qua lại nhiều.
Gặp nhau sợ mất người yêu,
Mộc Lan thuyền buộc cùng chiều song song.
Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
12. Bài thơ THÁI LIÊN KHÚC của Bồ Tùng Linh đời Thanh :
採蓮曲 THÁI LIÊN KHÚC
兩船相望隔菱茭, Lưỡng thuyền tương vọng cách lăng giao,
一笑低頭眼暗拋; Nhất tiếu đê đầu nhỡn ám phao.
他日人知與郎遇, Tha nhật nhân tri dữ lang ng
片言誰信不曾交? Phiến ngôn thùy tín bất tằng giao?
蒲松齡 Bồ Tùng Linh
* Chú thích :
- TƯƠNG VỌNG 相望 : là Nhìn nhau; là Đối diện, là Ngang mặt nhau.
- LĂNG GIAO 菱茭 : LĂNG là củ Ấu; GIAO là Bồn bồn. Nói chung là các loại thủy tảo sống trong ao hồ, như bài trước ta đã gặp từ BẠCH TẦN 白蘋 là Bông súng trắng vậy... Tất cả các loại nầy đều mọc lẫn với hoa sen, nhưng thường thì bị sen che khuất.
- NHỠN ÁM PHAO 眼暗拋 : PHAO là Ném; ÁM là Len lén; NHỠN là Mắt. Nên NHỠN ÁM PHAO là "Len lén ném con mắt". Có nghĩa là : Trộm nhìn nhau, Len lén nhìn nhau, liếc nhìn nhau...
- THA NHẬT 他日 : Một ngày nào đó (trong tương lai).
- PHIẾN NGÔN 片言 : là Lời nói phiến diện; Lời nói chỉ của một bên.
- BẤT TẰNG 不曾 : là Không từng; là Không hề, Chưa hề...
* Nghĩa bài thơ :
Hai chiếc thuyền hái sen xa xa đối diện nhau được ngăn cách bởi hoa sen hoa ấu hoa bồn bồn. Chỉ dám cúi đầu cười e thẹn và len lén nhìn chàng mà thôi. Rồi một ngày nào đó người ta biết được em đã gặp chàng trong lúc hái sen, với lời nói phiến diện của em, đâu có ai tin là mình không từng giao tiếp trao đổi gì nhau cả đâu ?... Đã vậy thì...
... Sao ta không nhân dịp nầy mà tỏ bày nỗi niềm tâm sự với nhau cho thỏa lòng mong ước. Chỉ biết liếc mắt trộm nhìn nhau thì có uổng phí đi cái thời gian và cái cơ hội ngàn năm một thuở nầy đi chăng ? Trước sau gì cũng "mang tiếng" là đã gặp mặt nhau khi hái sen rồi, thôi thì ta cứ cặp thuyền lại mà cùng nhau giải bày tâm sự, cùng nhau thổ lộ tâm tình cho... thỏa lòng mong ước để vơi đi niềm tâm sự !...
* Diễn Nôm :
Hai thuyền ngang mặt ấu sen rào,
Cười thẹn cúi đầu ánh mắt trao.
Hôm khác người hay ta gặp gỡ,
Ai tin ta chẳng nói lời nào ?
Lục bát :
Hai thuyền cách bởi ấu sen,
Cúi đầu cười mĩm mắt len lén nhìn.
Ngày sau người biết chuyện mình...
Ai tin ta chỉ ngắm nhìn nhau thôi ?!
Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
13. Bài thơ THÁI LIÊN KHÚC của Lý Trung đời Đường :
採蓮女 THÁI LIÊN NỮ
晚凉含笑上蘭舟, Vãn lương hàm tiếu thướng lan chu,
波底紅妝影欲浮。 Ba để hồng trang ảnh dục phù.
陌上少年休植足, Mạch thượng thiếu niên hưu thực túc,
香深處不回頭。 Hà hương thâm xứ bất hồi đầu !
李中 Lý Trung
* Chú thích :
- THÁI LIÊN NỮ 採蓮女 : "Cô gái hái sen" cũng là tên của một khúc hát trong Nhạc Phủ của thời Nam Bắc Triều.
- VÃN LƯƠNG 晚凉 : là Buổi chiều mát mẻ.
- THƯỚNG LAN CHU 上蘭舟 : là "Lên thuyền lan"; Ta nói là "Xuống thuyền lan".
- BA ĐỂ 波底 : Ở dưới làn sóng; ở đáy sóng.
- ẢNH DỤC PHÙ 影欲浮 : Cái bóng dưới nước như muốn nổi lên trên mặt nước vậy.
- MẠCH THƯỢNG 陌上 : Đường đi trên bờ ruộng; ở đây chỉ đường trên bờ sông.
- HƯU 休 : là nghĩ ngơi; nhưng ở đây có nghĩa là ĐỪNG, là ChỚ...
- THỰC TÚC 植足 : Đứng chôn chân một chỗ (để mong đợi...)
- THÂM XỨ 深處 : Chỉ Chỗ sâu trong cùng của rừng sen rậm rạp.
- BẤT HỒI ĐẦU 不回頭 : là "Không quay đầu nhìn lại"; cũng có nghĩa là "Không quay đầu trở ra".
* Nghĩa bài thơ :
CÔ GÁI HÁI SEN
Trong buổi chiều trời mát mẻ, nàng mỉm cười bước xuống chiếc thuyền lan. Dưới làn sóng gợn lăn tăn, cái bóng hồng vừa trang điểm của nàng như muốn nổi lên trên mặt nước. Chàng thiếu niên trên bờ đê ơi đừng đứng chôn chân ở đó nữa, vì hương thơm của hoa sen đã lôi cuốn nàng đi sâu vào trong rừng sen nên sẽ không quay đầu lại nữa đâu.
* Diễn Nôm :
Chiều trời mát mẻ xuống thuyền lan,
Sóng nước chập chờn dáng điểm trang.
Trên bến chàng ơi đừng đứng đợi,
Hương sen dẫn thiếp ngút trong ngàn !
Lục bát :
Mỉm cười chiều mát xuống thuyền,
Bóng hồng như nổi giữa miền sóng xô.
Trên bờ chàng trẻ ngẩn ngơ...
Hương sen sâu thẳm bao giờ trở ra !
Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
14. Bài thơ THÁI LIÊN KHÚC của Hạ Tri Chương đời Đường :
採蓮曲 THÁI LIÊN KHÚC
稽山罷霧鬱嵯峨, Kê sơn bãi vụ uất tha nga,
鏡水無風也自波。 Kính thủy vô phong dã tự ba.
莫言春度芳菲盡, Mạc ngôn xuân độ phương phi tận,
別有中流採芰荷。 Biệt hữu trung lưu thái kỵ hà.
賀知章 Hạ Tri Chương
* Chú thích :
- KÊ SƠN 稽山 : là núi Cối Kê, còn có tên là Mao Sơn 茅山, nằm ở phía bắc của huyện Thiệu Hưng thuộc tỉnh Chiết Giang ngày nay.
- BÃI VỤ 罷霧 : VỤ là Sương mù. Bãi Vụ là Sương mù tan đi.
- UẤT 鬱 : là Rậm rạp xanh om.
- TA NGA 嵯峨 : chỉ Núi cao chớm chở, nhấp nhô hết ngọn nầy đến ngọn khác.
- KÍNH THỦY 鏡水 : là Gương nước, chỉ Nước trong như gương, như 2 câu thơ trong bài "Nhớ con sông quê hương" của Tế Hanh, một thi sĩ thời Tiền Chiến :
Quê hương tôi có con sông xanh biếc,
NƯỚC GƯƠNG trong soi tóc những hàng tre...
- TỰ BA 自波 : là Tự mình gợn sóng.
- MẠC NGÔN 莫言 : Đừng bảo rằng; Đừng nói là...
- XUÂN ĐỘ 春度 : là Mùa xuân đã độ qua, là mùa xuân đã đi qua rồi.
- PHƯƠNG PHI 芳菲 : PHƯƠNG là Thơm tho; PHI là Tươi tốt; nên PHƯƠNG PHI là chỉ chung hoa cỏ thơm tho tươi tốt của mùa xuân.
- BIỆT HỮU 別有 : Đặc biệt còn có; Ngoài ra còn có...
- KỴ HÀ 芰荷 : KỴ là loại củ ấu có 4 cạnh (Ấu 2 cạnh gọi là LĂNG 菱). HÀ là Sen. KỴ HÀ trong câu thơ cuối nầy chỉ chung HOA SEN và HOA ẤU.
* Nghĩa bài thơ :
KHÚC HÁT HÁI SEN
Dãy núi Cối Kê sau lúc sương mù tan biến thì hiện ra chập chùng nhấp nhô chững ngọn núi cao chớm chở. Soi bóng xuống làn nước trong như gương, tuy không có gió nhưng cũng tự gợn sóng lăn tăn. Đừng bảo rằng mùa xuân đã qua đi nên hương thơm và vẻ xanh tốt của lá hoa đều chấm hết. Đặc biệt trong mùa hè còn có thú thả thuyền theo dòng nước để hái hoa ấu, hoa sen, hoa súng...
* Diễn Nôm :
Kê Sơn sương tạnh lô nhô núi,
Gợn sóng nước trong chẳng gió len,
Đừng bảo xuân qua hoa lá tận,
Theo dòng ta hái ấu cùng sen !
Lục bát :
Cối Kê sương tạnh núi xinh,
Nước gương không gió tự mình long lanh.
Xuân qua hoa cỏ hết xanh,
Theo dòng ta hái mấy cành ấu sen !
Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
Hẹn bài dịch tới !
杜紹德
Đỗ Chiêu Đức
THAM SÂN SI 貪嗔痴 tiếng Phạn(梵)là Rāga Dveṣa Moha. Hiểu một cách đại thể thì : THAM là Tham ái ngũ dục, chỉ lòng ham muốn vô tận của con người; SÂN là Sân hận vô nhẫn, chỉ sự tức giận đến không biết nhẫn nhịn; SI là Ngu si vô minh, chỉ sự Mê muội mù quáng thiếu sáng suốt. Vì THAM SÂN SI có thể làm nhơ nhuốc, độc hại, tiêu diệt cả thân tâm và trí tuệ, tức thể xác và tinh thần của con người; nên trong kinh Phật gọi là TAM ĐỘC 三毒 là Ba điều độc hại, hay TAM CẤU 三垢 là ba điều nhơ nhớp, hoặc TAM HỎA 三火 là ba ngọn lửa ở trong lòng như quan niệm của Phật gia : Cơ thể con người ta là do TỨ ĐẠI 四大, tức PHONG THỦY HỎA THỔ là ĐẤt NƯỚC GIÓ LỬA kết hợp lại mà thành.
Chính ba ngọn lửa THAM SÂN SI nầy cứ âm ỉ cháy mãi trong lòng con người tạo nên biết bao là dục vọng ham muốn, hờn oán ghen tuông và si ngây mê muội... làm cho con người cứ mãi luôn trầm luân ngụp lặn trong cõi luân hồi; Chỉ có nước cam lồ và cành dương liễu trong tịnh bình của Quan Thế Âm Bồ Tát mới dập tắt được những ngọn lửa tàn độc nầy mà thôi. Như cụ Nguyễn Du đã viết trong Truyện Kiều khi Hoạn Thư cho Thúy Kiều vào tu ở Quan Âm Các :
Cho hay giọt nước cành dương,
Lửa Lòng tưới tắt mọi đường trần duyên.
LỬA LÒNG là lửa trong tim là TÂM HỎA như trong Cung Oán Ngâm Khúc, Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã viết :
Ngọn Tâm Hỏa đốt dàu nét liễu,
Giọt hồng băng thấm ráo làn son.
Lại buồn đến cảnh con con,
Trà chuyên nước nhất, hương dồn khói đôi.
THAM SÂN SI còn là nguồn gốc nguyên nhân đưa đến muôn điều tham lam ham muốn, giận dữ hung ác và si mê ngu muội của con người, nên còn được gọi là TAM BẤT THIỆN CĂN 三不善根 là ba cái nguồn cội nảy sinh của những điều bất thiện.
THAM 貪 là chữ Hội Ý, theo "CHỮ NHO... DỄ HỌC" được hình thành theo diễn tiến của chữ viết như sau :
Ta thấy :
Chữ THAM 貪 có phần trên là chữ KIM 今 là Hiện nay, là Trước mắt; Phần bên dưới là bộ BỐI 貝 là Bảo Bối, chỉ các đồ vật qúy giá. Với Hội Ý là : Lòng dạ trước mắt của con người nghĩ đến là những vật qúy giá, nên bản thân chữ THAM đã có hàm ý là "Ham hố những tài vật tiền của qúy giá" rồi. Sau dùng rộng ra để chỉ tất cả sự ham muốn yêu thích của lòng dạ con người đối với tất cả những đồ vật, sự vật và con người chung quanh.
Đã nảy sinh lòng Tham rồi thì muốn có cho bằng được, muốn sở hữu bằng mọi giá nhiều khi bất chấp cả thủ đoạn; Nếu không chiếm hữu được thì chẳng cam tâm và cứ ấm ức mãi trong lòng. Vậy thì...
Lòng Tham của con người tự đâu mà có ?! Theo Phật giáo thì quan niệm rằng : Vì con người có NGŨ CĂN 五根 tức là ngũ giác quan là Thính giác (tai), Thị giác (mắt), Khứu giác (mũi), Vị giác (lưỡi) và Xúc giác (da), nên luôn bị cám dỗ bởi NGŨ CẢNH 五境 là những thanh âm quyến rủ, lời ngon tiếng ngọt (tai), nhìn thấy những cảnh giàu sang phú quý hay sắc đẹp khuynh quốc khuynh thành (mắt), rồi lại bị mê hoặc bởi những mùi hương lôi cuốn của các quốc sắc thiên hương (mũi), nhất là được thưởng thức những món ngon vật lạ, sơn hào hải vị (lưỡi) và sau cùng là chết mê chết mệt vì sự cọ xác tiếp xúc của da thịt của nhục dục (da)... Từ đó mới nảy sinh ra các lòng tham tài, tham sắc, tham đủ thứ... như ông Sãi của Nguyễn Cư Trinh đã nói trong tác phẫm SÃI VÃI là :
Tiểu nhơn thói tục, tu những tánh phàm.
Tu những lòng bạc ác gian tham;
tu những dạ hung hoang tàn bạo.
Nuôi cho lớn mà tu lòng bất hiếu;
ăn cho no mà tu dạ bất trung.
Tu sắc lành để mà a ý khúc tùng;
tu lời khéo để mà sức phi văn quá.
Người hiền ngõ, tu ghét ghen ngăn trở;
kẻ lỗi lầm, tu tìm kiếm đon ren.
Tu lưỡi mềm để lấy của cho đầy then;
tu mưu độc để hại người cho đã giận...
Và như mụ Tú Bà trong Truyện Kiều khi đem Thúy Kiều ra làm mồi nhử để làm tiền chàng Thúc Sinh vậy :
Mụ càng tô lục chuốc hồng,
Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê !
Còn chàng Thúc khi đã si mê Thúy Kiều rồi thì chẳng còn lý trí gì nữa, để cho mụ Tú bà mặc sức mà chặt chém :
Thúc Sinh quen thói bốc rời,
Trăm nghìn đổ một trận cười như không !
Tham tài tham sắc là tật chung của người đời từ ngàn xưa đến nay. Từ bạch diện thư sinh, cùng đinh mạt vận cho đến những kẻ giàu sang phú qúy, quyền cao chức trọng đều mê tiền cả, khiến cho cụ Tam Nguyện Yên Đỗ phải lên tiếng mỉa rằng :
Có TIỀN việc ấy mà xong nhỉ,
Ngày trước làm quan cũng thế a ?!
Đạo Giáo cũng có một câu truyện nói về Lòng Tham không đáy của con người như sau :
Xưa có một người rất nghèo khổ, nhưng lại rất tin tưởng và thờ phượng Lữ Tổ 呂祖, tức là Lữ Thuần Dương Tổ Sư 呂純陽祖師 Lữ Động Tân 呂洞賓, là một trong những tổ sư của Đạo Giáo. Cảm vì lòng thành của anh ta, nên một hôm, Lữ Tổ hiện ra, thấy cảnh nhà tiêu điều nghèo khổ, động lòng thương xót, mới chỉ vào tảng đá trước sân nhà, trong một thoáng, tảng đá bỗng hóa thành vàng rực rỡ, đoạn quay sang hỏi anh ta : "Cho anh tảng vàng này, anh có thích không ?". Người kia lạy phục dưới đất đáp rằng :"Không thích !". Lữ Tổ rất cảm động bảo rằng :"Khá lắm, anh không có lòng tham lam, thật qúy hóa vô cùng, ta sẽ truyền đạo pháp cho anh tu tập !" Người kia đáp : "Không phải thế, tôi chỉ muốn xin ông cho tôi cái ngón tay chỉ đá hoá vàng của ông mà thôi !". Lữ Tổ nghe xong, giật mình biến mất.
Lòng tham của con người qủa là không đáy, khiến thần tiên cũng phải hoảng sợ. Tảng vàng tuy to lớn nhưng xài lâu thì cũng hết, chỉ có "ngón tay chỉ đá hóa vàng" là không bao giờ hết vàng được mà thôi ! Vì tích nầy mà ngạn ngữ lại có câu : Chỉ thạch hóa vi kim, nhân tâm do vị túc 指石化為金,人心猶未足. Có nghĩa : Chỉ đá hóa ra vàng mà lòng người còn chưa thấy đủ !".
Trái ngược với lòng tham lam và sự chiếm hữu của THAM là SÂN 嗔. SÂN là SÂN HẬN 嗔恨 là sự tức giận ghét bỏ; là nóng giận trách mắng, là nổi cơn tam bành, muốn tiêu diệt đối phương, như khi Tú Bà nghe Thúy Kiều kể là Mã Giám Sinh đã ăn nằm với nàng rồi vậy :
Mụ nghe nàng mới hay tình,
Bấy giờ mới nổi tam bành mụ lên !
SÂN 嗔 thuộc dạng chữ Hài Thanh trong "Chữ Nho... Dễ Học". Có diễn tiến chữ viết như sau :
Ta thấy :
Chữ SÂN gồm có 2 phần : Phần trái là bộ KHẨU 口 chỉ Ý, Phần bên phải là chữ CHÂN 真 là Thật chỉ Âm. Phiếm theo Hội Ý là : Những lời giận dữ chân thật được phát ra bằng cửa miệng. nên SÂN 嗔 là nổi giận, là hờn oán, là ghen tức có lòng muốn phỉ báng tiêu diệt đối phương. Nên SÂN là sự nóng giận đến mất bình tĩnh, giận mất khôn theo bản tính cố hữu của con người.
Sự giận hờn ghen ghét như ngọn lửa cứ âm ỉ mãi trong lòng, như Hoạn Thư khi biết chồng có vợ bé ở bên ngoài mà vẫn một mực dấu diếm, nên "Lửa tâm càng dập càng nồng, Trách người đen bạc ra lòng trăng hoa" và muốn...
Làm cho nhìn chẳng được nhau,
Làm cho đày đọa cất đầu chẳng lên !
Còn nàng cung phi của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều giận nhà vua lợt lạt với mình nhưng không làm gì được nhà vua, nên giận cá chém thớt :
Đang tay muốn dứt tơ hồng,
Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra !
Phần ông Sãi của Nguyễn Cư Trinh thì giận bản thân mình rồi lại giận bao đồng cả thiên hạ :
Sãi giận Sãi kinh luân chẳng biết;
Sãi giận Sãi thao lược không hay.
Sãi giận Sãi: thờ quân vương chẳng hết lòng ngay;
Sãi giận Sãi: ơn phụ mẫu chưa đền nghĩa thảo.
Tưởng trong nhơn đạo; Sãi một giận căm;
Suy nghiệp cổ câm, Sãi thêm giận lắm.
Khi Đổng Trác lung lăng nhà Hán, Sãi giận chàng Hà Tấn vô mưu.
Lúc Khuyển Nhung phá phách nhà Chu, Sãi giận gã Thân Hầu thất kế.
Máu sục sục sôi dòng Vị Thuỷ, giận Thương quân hành chánh chẳng lành.
Thây chan chan lấp nội Trường Bình, giận Bạch Khởi ra oai rất dữ.
Rồi lại ghét cả những nhân vật lịch sử xa xưa :
Ghét Kiệt, ghét Trụ; ghét Lệ, ghét U
Ghét nhân chánh chẳng tu, ghét cang thường nỡ bỏ...
Luận như ghét cho đủ, Sãi ghét đứa bất hiếu, bất trung;
Luận như ghét cho cùng, Sãi ghét đứa đại gian đại ác...
Trong Bách Dụ Kinh《百喻經》có kể một câu truyện như sau : Có một người kết thù kết oán với người khác, nhưng vì yếu thế hay bị hiếp đáp sỉ nhục, nên suốt ngày cứ canh cánh bên lòng tìm cách trả thù và hạ nhục đối phương. Một hôm có người bạn đến thăm, trông thấy anh ta ốm o gầy mòn mặt ủ mày chau, nên mới hỏi rõ duyên cớ tại sao. Khi người bạn nghe xong chuyện của anh ta bèn mách rằng : "Tôi có bài "Tì Đà La Chú" đọc lên có thể làm cho kẻ thù sống dở chết dở trông rất khó coi, nhưng trước khi làm cho đối phương sống dở chết dở thì mình cũng phải chịu qua một trận như vậy trước". Anh ta nghe xong mặt mày hớn hở cầu xin người bạn rằng :"Xin Anh hãy dạy cho tôi bài chú đó đi, dù cho tôi có ra sao cũng mặc, phải làm cho kẻ thù sống dở chết dở một trận mới hả lòng tôi !".
Ta thấy lòng SÂN HẬN của con người qủa nhiên đáng sợ, bất chấp mọi thủ đoạn kể cả có hại cho mình miễn sao kẻ thù phải bầm dập đau khổ là được rồi ! Lời kệ của Tinh Vân Đại Sư ở cuối truyện như sau :
一念瞋心起, Nhất niệm SÂN tâm khởi,
百萬障門開. Bách vạn chướng môn khai.
Có nghĩa :
- Một ý niệm giận dữ vừa nổi lên ở trong lòng, thì cũng chính là lúc...
- Trăm vạn cánh cửa của nghiệp chướng cũng đã mở theo ra !
SI 癡(痴) : là Dại, Ngây, là Trạng thái tinh thần không ổn định bình thường như những người bình thường khác. Trong Phât giáo SI là Mê muội, không phân biệt được thị phi cái nào đúng cái nào sai mà dễ lầm đường lạc lối.
Trong "Chữ Nho... Dễ Học" SI thuộc dạng chữ Hình thanh, có diễn tiến chữ viết như sau :
Ta thấy :
Hai hình thức của chữ SI 癡(痴) một phồn thể, một giản thể đều có bộ TẬT 疒 là Bệnh tật bao trùm bên ngoài để chỉ Ý; Bên trong của chữ phồn thể là chữ NGHI 疑 là Nghi ngờ, chữ giản thể là chữ TRI 知 là Tri Thức, là sự hiểu biết dùng để chỉ Âm. Nếu giảng theo Hội Ý để góp 2 ý nghĩa của 2 phần lại với nhau thì SI là "Một hình thức bệnh tật về tri thức vì còn trong trạng thái nghi ngờ"; Nên SI có nghĩa Mê muội, Ngây dại, Ngu ngơ... là vì thế.
Ngây dại, Ngu ngơ, mê muội trong tình yêu thì gọi là SI TÌNH 癡情, như chàng Thúc Sinh si mê tài sắc của Thúy Kiều vậy :
Lạ cho cái sóng khuynh thành,
Làm cho đổ quán xiêu đình như chơi.
Thúc sinh quen thói bốc rời,
Trăm nghìn đổ một trận cười như không !
... và :
Sinh càng một tỉnh mười mê,
Ngày xuân lắm lúc đi về với xuân...
Còn nàng cung phi của Ôn Như Hầu nguyễn Gia Thiều thì si mê những ngày được vua sủng ái đã nũng nịu một cách qúa đáng :
Thôi cười nọ lại nhăn mày liễu,
Ghẹo hoa kia lại diễu gót sen.
Thân này uốn éo vì duyên,
Cũng cam một tiếng thuyền quyên với đời.
... rồi si mê trong nhục dục :
Càng lâu, càng lắm mùi hay,
Cho cam công kẻ nhúng tay thùng chàm.
... đến khi thất sủng thì lại ngơ ngẩn sầu thương si mê hờn oán :
Buồn một nỗi hồn đà khắc khoải,
Ngán trăm chiều bước lại ngẩn ngơ.
Hoa này bướm nỡ thờ ơ,
Để gầy bông thắm, để xơ nhuỵ vàng.
Sự tác hại của SI NGÂY đến người khác tiêu biểu nhất là nhân vật Du Thản Chi 游坦之 trong Truyện võ hiệp mang triết lý Phật giáo "Thiên Long Bát Bộ 天龍八部" của nhà văn Kim Dung 金庸. DU THẢN CHI 游坦之 theo dõi Kiều Phong để tìm cách trả thù cho cha và chú đã bị Kiều Phong giết chết ở Tụ Hiền Trang, nhưng khi được Kiều Phong tha cho không giết thì Du Thản Chi lại si mê sắc đẹp của A Tử, rồi để cho nàng ta hành hạ và chồng cả cái đầu sắt lên trên mặt, bắt phải cho độc tằm cắn để cho nàng luyện công. Trong vô ý Du Thản Chi đã kết hợp được Dịch Cân Kinh và chất kịch độc của Băng Tầm luyện thành thần công cái thế. Nhưng trong si mê ngây dại đã mất phương hướng của bản thân mà chỉ làm theo những lời của A Tử một cách mù quáng giết người không còn biết phân biệt phải trái nữa. Cuối cùng cũng thân bại danh liệt mà nhảy xuống vực sâu kết liễu cuộc đời.
Nói chung, trong THAM SÂN SI thì SÂN HẬN tạo nghiệp mạnh nhất, vì có thể tiêu diệt đối phương. THAM chỉ ham hố và muốn chiếm hữu tất cả, còn SI thì ngu ngơ ngờ nghệch làm theo cảm tính hay tác động của ngoại lai mà không biết phân biệt tốt xấu đúng sai. THAM SÂN SI là TAM ĐỘC, mà cũng là TAM HỎA, ba ngọn lửa nầy cứ cháy âm ỉ mãi trong lòng thôi thúc các ước vọng ham muốn của con người và tạo nên vô số ác nghiệp khiến con người cứ mãi chìm trong bể khổ trầm luân và ngụp lặn mãi trong sáu cõi luân hồi. Nên...
Phật viết : Cần tu GiỚI ĐỊNH TUỆ, Tức diệt THAM SÂN SI 佛曰:“勤修戒定慧,熄滅貪嗔痴”。Có nghĩa : Phật dạy rằng :"Phải siêng năng tu tập GIỚI ĐỊNH TUỆ, có thể làm tắt được lửa THAM SÂN SI ở trong lòng".
GIỚI là GIỚI LUẬT THANH QUY 戒律清規 là những điều lệ quy định về những cấm kỵ trong tôn giáo nói chung, đạo Phật nói riêng; bắt buộc các tín đồ Phật tử phải tuân thủ để tu tập cho lòng thanh tịnh và sớm giác ngộ. Cụ thể như NGŨ GIỚI CẤM là một quy phạm đạo đức với tiêu chuẩn không làm hại hay tổn thương đến người, vật, sự vật chung quanh ta, cắt đứt đi lòng ham muốn yêu thích với mọi người, vật chung quanh; Từ đó dập tắt đi lòng THAM LAM cứ âm ỉ mãi ở trong lòng. GIỚI diệt THAM !
ĐỊNH là ĐỊNH TĨNH 定靜 là làm cho lòng được ổn định và bình tĩnh lại. Tập tánh nhẫn nại dằn nén, bồi dưỡng cho sự chịu đựng của bản thân để khỏi bộc phát sự giận dữ đến tha nhân và đòi hỏi người khác một cách khắt khe theo yêu cầu của mình. Lòng có ĐỊNH thì Ý mới TỈNH mà không để xảy ra những sự việc đáng tiếc. ĐINH diệt SÂN là thế !
TUỆ là TRÍ TUỆ 智慧, là có sự hiểu biết thấu đáo về thực tế của các đời sống trong trời đất và trong cuộc đời này, hài hòa viên mãn kiến thức, thoát khỏi si mê tăm tối chìm đắm trong nhân quả tử sinh. Lòng đã hết lo sơ nghi ngại đắn đo gì nữa cả. TUỆ thoát SI là thế !
Tiêu biểu nhất cho THAM SÂN SI là ba đồ đệ của Đường Tăng trong truyện "Tây Du Ký" của Ngô Thừa Ân. Đó chính là Tề Thiên Đại Thánh, Trư Bát Giới và Sa Tăng :
- Trư Bát Giới tiêu biểu cho lòng tham lam ham muốn vô độ của con người : Tham ăn, tham sắc, tham tài...
- Tề Thiên tiêu biểu cho sự sân hận giận dữ đối với những ai cản trở bước chân trên đường đi của mình, muốn tiêu diệt tất cả.
- Sa Tăng tiêu biểu cho sự vô minh, không hiểu biết, ngây ngô chậm chạp, gặp việc không biết phải giải quyết như thế nào.
THAM SÂN SI cũng chính là TAM ĐỘC luôn hiện hữu trong con người để tạo ra mọi phiền não, cho nên Đường Tăng mới phải mất công lặn lội xa xôi suốt mười mấy năm trời qua đến Tây Thiên để tìm về ba tạng kinh GIỚI ĐỊNH TUỆ trong Kinh Luật Luận để khắc chế hóa giải ba ngọn lửa Tham Sân Si luôn âm ỉ hành hạ đốt cháy con người. Nên Đường Tăng còn được gọi là ĐƯỜNG TAM TẠNG.
Trước tiên là TRÌ GiỚI 持戒 là giữ vững giới luật của tam quy ngũ giới sẽ giải trừ được lòng ham muốn tham lam; mà TRỪ được THAM thì lòng sẽ ổn định; nên giữ GIỚI được sẽ sinh ra ĐỊNH. Khi Định Lực đã thâm hậu thì lòng THAM không còn hiện hữu nữa. Và khi Định Lực càng ổn định tiến xa hơn thì có thể đoạn tuyệt và xóa đi cả lòng SÂN HẬN. Khi Sân Hận đã tận diệt thì TRÍ TUỆ sẽ phát sinh và Trí Tuệ phát sinh thì sự NGU SI của vô minh sẽ được tiêu trừ. Có nghĩa :
GIỚI trừ THAM và sinh ra ĐỊNH; ĐỊNH diệt SÂN sinh ra TUỆ để xóa trừ SI.
Qúa trình diễn tiến hệ thống tu tập nêu trên cũng gần giống như cái quá trình tu thân của người quân tử trong đạo Nho của Đức Khổng Phu Tử. Theo Đại Học Thiên trong sách Lễ Ký thời Chiến Quốc như sau :"Tri chỉ nhi hậu ĐỊNH, Định nhi hậu năng TĨNH, Tĩnh nhi hậu năng AN, An nhi hậu năng LỰ, Lự nhi hậu năng ĐẮC. Vật hữu bổn mạc, sự hữu thủy chung, tri sở tiên hậu, tắc cận đạo hĩ. 知止而後有定;定而後能靜;靜而後能安;安而後能慮;慮而後能得。物有本末,事有終始,知所先後,則近道矣。Có nghĩa :"Biết dừng lại đúng lúc thì sẽ ổn định, có ổn định thì mới đủ bình tĩnh, có bình tĩnh thì mới cảm thấy yên ổn, có yên ổn thì mới mưu tính được sự việc, có mưu tính được sự việc thì mới đắc thủ thành công. Vật thì có gốc có ngọn, việc thì có đầu có đuôi, biết được sự trước sau đó là đã gần với đạo làm người rồi đó".
Ta thấy, sự tu thân của người quân tử trong đạo Nho là cách vật, trí tri để thành ý chánh tâm đặng tề gia, trị quốc rồi bình thiên hạ; còn người con Phật thì cốt ở Tam quy Ngũ giới, cần mẫn tu tập theo GIỚI ĐỊNH TUỆ tận diệt THAM SÂN SI để cho thân tâm thường an lạc và có cuộc sống từ bi bác ái hòa đồng hỉ xả với tất cả mọi người.
Phải luôn nhớ lời Phật dạy :
Cần tu GiỚI ĐỊNH TUỆ, Tức diệt THAM SÂN SI !
Nam mô A Di Đà Phật !
杜紹德
Đỗ Chiêu Đức
Ta thường nghe câu QUY Y TAM BẢO 皈依三寶. Vậy TAM BẢO là gì ? Thưa, TAM BẢO là : PHẬT BẢO 佛寶, PHÁP BẢO 法寶 và TĂNG BẢO 僧寶. Nên QUY Y TAM BẢO còn được nói thành : QUY Y PHẬT, QUY Y PHÁP và QUY Y TĂNG. Nói cho gọn lại là TAM QUY Y 三皈依. Vậy thì QUY Y 皈依 là gì ? Ta sẽ lần lượt tìm hiểu sau đây.
Theo "Chữ Nho... Dễ Học" thì QUY 歸 có nghĩa là VỀ, là THEO VỀ. Theo qúa trình diễn tiến hình thành của chữ viết như sau :
Ta thấy :
Từ Giáp Cốt Văn, Tiểu Triện cho đến Lệ Thư, chữ QUY 歸 gồm : Bên trái phía trên là bộ Phụ 阜 : là làng xóm chợ búa dựa theo ven sông. Phía dưới là chữ Chỉ 止 : là dừng lại. Bên phải là chữ Trửu 帚 : là cây chổi. Hàm ý là... Người du tử ngày xưa khi dừng chân trên một làng mạc ven sông nào đó, chợt thấy người đàn bà cầm cây chổi quét nhà, mà chạnh lòng muốn quay trở lại quê nhà, như nhà thơ Thế Lữ đã viết trong bài thơ "Giây Phút Chạnh Lòng"...
Rồi có khi nào ngắm bóng mây,
Chiều thu se lạnh gió heo may.
Dừng chân trên bến sông xa vắng,
Chạnh nhớ tình tôi trong phút giây !
nên...
QUY có nghĩa VỀ là vậy. Ta có những từ thường gặp như :
- VU QUY 于歸 : là về nhà chồng. Có nghĩa là Lấy chồng.
- QUY NINH 歸寧 : là Gái có chồng về nhà thăm cha mẹ ruột gọi là Quy Ninh. Khi Thúc Sinh vừa lên đường về Lâm Truy với Thúy Kiều thì Hoạn Thư cũng đi về nhà "mét má" ngay :
Gió câu vừa gióng dặm trường,
Xe hương nàng cũng thuận đường QUY NINH.
Còn...
QUY PHỤC 歸服, QUY THUẬN 歸順 : đều có nghĩa là Ngoan ngoãn mà về theo ai đó.... Còn....
Chữ QUY 皈 trong Kinh Phật thì có Bộ Bạch 白 là Trắng, sáng ở bên trái, còn bên phải là Chữ Phản 反: là Ngược lại, QUY 皈 nầy là một dị bản, một cách viết khác của chữ QUY 歸 nêu trên. Nếu chiết tự thì có nghĩa : Đang trong chỗ tối, đi ngược lại để trở về với chỗ sáng. Đặc biệt là chữ QUY 皈 nầy CHỈ DÙNG TRONG KINH PHẬT chứ không được dùng rộng rãi như chữ QUY 歸 trên.
Chữ Y 依 là chữ Hình Thanh, có diễn tiến chữ viết như sau :
Ta thấy :
Chữ Y 依 bên trái có bộ NHÂN 亻là Người chỉ Ý; bên phải là bộ Y 衣 là Áo chỉ ÂM. Nên Y 依 có nghĩa là Dựa, là Tựa vào ai đó; Nghĩa rộng là Nương Theo, là Nhờ vào, là theo về. Nên...
QUY Y 皈依 : là Về để nương tựa theo, là Dốc lòng về với ... Hiểu rộng ra là Bỏ chỗ tối về với chỗ sáng; Bỏ nơi mê muội mà về nơi bến giác; Vượt qua bể khổ để đến với niết bàn... Nhưng,...
Trên đây chỉ là chiết tự theo chữ Nho để phiếm cho vui và để dễ nhớ mà thôi, chứ nếu muốn tìm hiểu ý nghĩa của của nhóm từ QUY Y TAM BẢO hay TAM QUY Y 三皈依 thì phải theo nghĩa của các chữ Phạn trong kinh Phật thì mới thấu đáo rõ ràng được.
Theo Phạn ngữ thì TAM QUY Y là "Tisarana", "Ti" là Tam, và "sarana" là Nơi Phù hộ che chở, ý muốn nói là do Phật Pháp Tăng ba ngôi hình thành nơi che chở phù hộ cho những ai theo về. Trong chương thứ 14 của kinh "A tỳ Đạt ma câu xá luận 阿毘達磨俱舍論" (Phạn ngữ là Abhidharmakośabhāṣya) thì giải thích...
QUY Y là "Saranam gacchami". Gacchami là Động từ chỉ sự thẳng tiến, đến nơi, và Saranam là Danh từ chỉ sự che chở phù hộ. Như vậy, thì QUY Y là "Thẳng tiến đến nơi mà ta sẽ được sự che chở phù hộ", nói cách khác là "Về với Phật Pháp Tăng để hưởng được sự phù hộ và che chở". Cũng theo Kinh trên, Saranam gacchami còn có nghĩa là Cứu tế và Nương tựa, nên mới được các nhà dịch thuât Trung Hoa dịch là QUY Y : là Về để nương tựa vào Tam Bảo là PHẬT PHÁP TĂNG.
Chữ PHẬT 佛 gồm có chữ NHÂN 亻là Người ở bên trái và chữ PHẤT 弗 là Không, là Chẳng ở bên phải. Đây là chữ vừa được ghép theo Hài Thanh, lấy âm PHẤT để đọc là PHẬT; vừa ghép chữ theo Hội Ý là gom nghĩa của 2 phần phải trái lại là PHẤT NHÂN 弗人, có nghĩa là : Chẳng phải người tầm thường. Vâng PHẬT 佛 là người chẳng tầm thường chút nào cả !
Trong tác phẩm SÃI VÃI của cụ Nguyễn Cư Trinh, một trọng thần và là một võ tướng giỏi Nho học trấn giữ biên cương mở mang bờ cõi về phía Nam cho Chúa Nguyễn, có một câu như sau :
Nghiệm chữ kia cho xác, chữ TIÊN 仙 là Nhất Cá Sơn Nhân 一個山人,
Suy chữ nọ cho chơn, chữ PHẬT 佛 là Phất Tri Nhân Sự 弗知人事.
Có nghĩa :
- Chữ TIÊN 仙 được ghép bởi bộ NHÂN 亻 là Người và bộ SƠN 山 là Núi."Nhất Cá Sơn Nhân 一個山人" là một con người ở trên núi. Có ý mĩa mai là Tiên ở trên núi thì cũng chỉ lo sung sướng cho bản thân mình thôi chứ không có ích gì cho đời cả.
- Chữ PHẬT cũng được ghép bởi bộ NHÂN 亻 và chữ PHẤT 弗. Nên Nguyễn Cư Trinh lại mĩa là "Phất Tri Nhân Sự 弗知人事" là "Chẳng cần biết đến chuyện của người đời", chỉ cần mình giác ngộ siêu thoát thành Phật là được rồi.
Vì cụ Nguyễn Cư Trinh là một nhà Nho nhập thế, nên tích cực trong việc giúp Chúa giúp đời, an bang tế thế, nên ông có ý mĩa mai những người theo Đạo Lão, Đạo Phật, tu thành Tiên thành Phật để giải thoát cho bản thân mình mà thôi chứ không có ích gì cho xã hội người đời cả.
Thực ra từ PHẬT đầu tiên là từ dùng để chỉ những bậc chính giác, tu hành đắc đạo như là Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật vậy. Phật cũng chỉ chung cho nhất thiết chư Phật của mười phương tam thế và tất cả chúng sinh giác ngộ trong tu tập đều có thể thành Phật cả. Thập Bát La Hán ngày xưa chẳng phải là mười tám tên cường đạo đó sao ?! Nên ta lại có thành ngữ :
Phóng hạ đồ đao, lập địa thành Phật.
放 下 屠 刀, 立 地 成 佛。
Có nghĩa :
Vừa bỏ con dao đồ tể giết người xuống thì sẽ thành Phật ngay tức thì !
Đây cũng là phép Đốn Ngộ 頓悟 cuả Lục Tổ Huệ Năng đó.
Nói chung, PHẬT là những bậc đại giác ngộ, tu hành đắc đạo, đạt thành chánh qủa trong đạo Phật.
Còn PHÁP là Giáo Pháp của nhà Phật, bao gồm Tam quy Ngũ giới, mười hai bộ kinh Tam Tạng và Tám vạn bốn ngàn Pháp môn của nhà Phật. Tóm lại, PHÁP là cái phương pháp, cái phép tu tập để giúp cho con người được giác ngộ sớm thành chánh qủa.
Còn TĂNG là những Sa Môn (Thầy Chùa), người chấp hành đạo pháp, tu tập theo các pháp nôn của nhà Phật, vừa tu tập để chuyển hóa cho mình, lại vừa phải hoằng dương Phật pháp, tức là phổ biến Phật pháp đến với mọi nhà, mọi người và độ hóa tất cả chúng sinh được thoát nơi bể khổ để về với niết bàn.
Trong qúa trình tu tập để hoằng dương Phật Pháp và để Phổ độ Chúng sinh cũng cần phải có những phương tiện hỗ trợ cho các Sa môn, các Tăng nhân hành đạo như : Phải có chùa chiềng miếu mạo, hương hoa trà qủa... Ta hãy nghe ông SÃI của Nguyễn Cư Trinh kể lể :
... Sãi cũng muốn tu trì, ngặt thiếu đồ khí dụng.
Thiếu chuông thiếu trống; thiếu kệ thiếu kinh.
Thiếu sứa thiếu sinh; thiếu tiêu thiếu bạt;
Thiếu bình thiếu bát; thiếu đậu thiếu tương;
Thiếu bình bông lư hương; thiếu tiền bàn lá phủ;
Thiếu hài thiếu mũ; thiếu hậu thiếu y;
Thiếu tiền đường sơ ly; thiếu thượng phương liễn đối;
Thiếu bê son bình sái; thiếu tích trượng ca sa;
Thiếu hương thiếu hoa; thiếu xôi thiếu Phật...
Chính vì tu hành để hoằng dương Phật Pháp mà đòi hỏi đủ thứ đủ điều như ông SÃI của Nguyễn Cư Trinh, nên mới có những SÀM TĂNG 讒僧 như ngày hôm nay mà ta đã biết...
* SÀM 讒 : là nói xấu, gièm pha, là thêu dệt những điều không có thật; Nên...
* SÀM NGÔN 讒言: là Những lời nói bá láp bá sàm những điều không thực tế. Và...
* SÀM TĂNG 讒僧 : là những ông thầy chùa xưng là Đại Đức Thượng Tọa mà không biết thuyết pháp chỉ biết kêu gọi Phật tử cúng dường và phải cúng dường bằng những giấy bạc có mệnh giá lớn, nếu cúng bằng tiền mệnh giá nhỏ thì sẽ bị "xúi quẩy" quanh năm. Nằm võng sẽ bị mất phúc, hát Kara-OK sẽ bị câm... như là Sàm Tăng Thích Chân Quang vậy.
MA TĂNG 魔僧 : là những ông thầy chùa "Ma giáo". Đúc tượng phật giống như là hình tượng của mình để cho Phật Tử chiêm bái. Lợi dụng nhà chùa để bán thuốc dược thảo, mở quán kinh doanh bán đồ chay để moi tiền của Phật tử. Một số lại hút thuốc uống rượu và ăn cả thịt chó... vi phạm ngũ giới cấm một cách trắng trơn thô bạo, như Trụ trì Thích Tuệ Hải của chùa Long Hương, Thích Tâm Phúc, Thích Minh Phượng...
DÂM TĂNG 淫僧 : Tu hành mà còn thuyết giảng về những điều dâm dục và hay lân lê la cà gạ tình với các giới nữ, và rất nhiều Đại Đức, Thượng Tọa... và còn phạm cả cái sắc giới nầy nữa, như Thích Nhuận Đức, Thích Chân Quang, Thích Thanh Toàn, Thích Nguyện Đạo, Thích Đạo Huấn... và như ông Sãi của Nguyễn Cư Trinh đã nói :
Chợ nào nhiều bạn hàng các ả,
Xóm nào đông bổn đạo các dì,
Sãi một tu lại tu đi,
Sãi một tu lên tu xuống...
Và...
... Sãi lại sắm một cái vườn nho nhỏ,
Ở cho cách xóm xa xa.
Đề phòng khi bổn đạo chửa nghén ra,
Dễ khiến Sãi khoanh tay mà ngồi vậy...
Không ngờ những cái xấu xa của cái ông Tống Nho Nguyễn Cư Trinh viết để mỉa mai Đạo Phật đều đã được các Đại Đức, Thượng Tọa... thể hiện hết một cách thật trắng trợn và xấu xa trong thời buổi MẠT PHÁP nầy !
Cũng may là Việt Nam ta cũng đã từng có những Cao Tăng, Thần Tăng, Thiền Tăng... nổi tiếng trong lịch sử, như Thiền sư Vạn Hạnh 萬行禪師 (?-1018), Mãn Giác Thiền Sư 滿覺禪師 (1052-1096), Huyền Quang thiền sư 玄光禪師 (Huyền Quang tôn giả 1254-1334), Hương Hải Thiền Sư 香海禪師 (1628 - 1715)... Nhất là ta lại có cả một Phật Hoàng là ông Vua Trần Nhân Tông (1258 - 1308) để thấy rằng Thiền hay không thiền, tu hay không tu gì... cũng không thể không nhận chân cuộc sống thực tế trước mắt : Cha Mẹ, Anh em, Bè bạn... Nhất là đối với Cha Mẹ, phải sống sao cho tròn ĐẠO CON rồi mới nói đến những tu tập khác được! Nào, ta hãy cùng đọc bài "Cư Trần Lạc Đạo 居塵樂道" của nhà vua sau đây sẽ rõ :
居塵樂道且隨緣, Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,
饑則餐兮困則眠. Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.
家中有寶休尋覓, Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch,
對景無心莫問禪! Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền !
* Chú Thích :
- CƯ TRẦN 居塵 : là Sống ở trên cõi trần nầy, trên đời nầy.
- LẠC ĐẠO 樂道 : là Vui với Đạo. Đạo gì cũng được. Đạo làm người, đạo Phật, đạo Khổng, đạo Thiên Chúa... cũng được !
- THẢ TÙY DUYÊN 且隨緣 : Nên tùy theo duyên phận. Tức là phải biết sống theo hoàn cảnh của mình, không cầu kỳ đòi hỏi quá đáng.
- CƠ 饑 là Đói, SAN 餐 là bữa Ăn, KHỖN 困 là Mệt mỏi, buồn ngủ. MIÊN 眠 là ngủ.
- GIA TRUNG HỮU BẢO 家中有寶 : là Trong nhà đã có sẵn bảo vật rồi. Ý nói : Khỏi phải Quy Y Tam Bảo, vì trong nhà đã có sẵn Nhị Bảo là Cha và Mẹ đó.
- HƯU TẦM MỊCH 休尋覓 : TẦM MỊCH là Tìm Kiếm. HƯU là Đừng, nên "Hưu Tầm Mịch" là Khỏi phải tìm kiếm.
- ĐỐI CẢNH VÔ TÂM 對景無心 : Đối diện với cảnh trí, hoặc Hoàn cảnh mà lòng không bị lay động ảnh hưởng.
- MẠC VẤN THIỀN 莫問禪: Đừng hỏi tới thiền nữa, Khỏi phải hỏi tới thiền nữa.
* Dịch nghĩa :
Sống Đời Vui Đạo
- Sống trong cõi trần thế này, hãy tùy duyên mà vui với đạo đời với đạo,
- Đói thì hãy ăn cơm, còn mệt, buồn ngủ thì hãy đi ngủ.
- Bảo vật đã có ở trong nhà rồi, đừng tìm ở đâu khác nữa,
- Đối diện với ngoại cảnh đổi thay mà vẫn giữ được cái tâm không động thì còn cần chi hỏi đến thiền nữa !
* Diễn Nôm :
Cõi trần vui đạo hãy tùy duyên,
Buồn ngủ, đói ăn, cứ thế liền.
Bảo vật trong nhà, tìm đâu nữa?!
An nhiên tự tại, hỏi chi thiền!?
Hai câu thơ cuối trong bài "Cư Trần Lạc Đạo" là :
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền !
...làm cho ta nhớ đến hai câu thơ trong bài thơ "Khuyến hiếu ca 勸孝歌" của dân gian là :
家中自有堂前佛, Gia trung tự hữu đường tiền Phật
何必靈山見世尊? Hà tất Linh sơn kiến Thế Tôn ?
* Có nghĩa :
- Trong phòng khách trong nhà, đã có sẵn Phật ở đó rồi !(chỉ Cha Mẹ hằng ngày ngồi ở đó!).
- Sao lại còn phải đến Linh sơn để gặp đức Thế Tôn mà chi ? (Đức Thế Tôn : Chỉ Phật Thích Ca.).
Nếu ở nhà không có hiếu với Cha Mẹ, không chăm sóc phụng dưỡng Cha Mẹ cho đàng hoàng, thì dù cho có vượt đường xa muôn dặm đến tận Linh Sơn để cầu lạy đức Thế Tôn, thì chắc Ngài cũng không chứng cho đâu !
* Diễn nôm :
Trên kham có sẵn Phật nhà ,
Sao còn diệu vợi đường xa đi tìm ?
...và hai câu thơ trên lại nhắc ta nhớ đến bài kệ, là một bài thơ Thất ngôn tứ tuyệt sau đây :
佛在靈山莫遠求, Phật tại Linh Sơn mạc viễn cầu,
靈山只在汝心頭。 Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu.
人人有個靈山塔, Nhơn nhơn hữu cá Linh sơn tháp,
好向靈山塔下修。 Hảo hướng Linh Sơn tháp hạ tu.
* Dịch nghĩa :
- Phật ở tại Linh Sơn, khỏi phải cầu cạnh đâu cho xa xôi. Nhưng Linh Sơn ở đâu ?
- Linh Sơn ở ngay trong trái tim của ta đây. Tâm tức Phật, Phật tức tâm mà. Nên...
- Mỗi người đều có một cái Tháp Linh Sơn ở trong tim cả !
- Hãy cố gắng mà tu dưới cái tháp Linh Sơn của chính mình (là đủ rồi!).
* Diễn nôm :
Phật ở Linh Sơn chẳng đâu xa,
Linh Sơn ở tại trái tim ta !
Mỗi người đều có Linh Sơn Tháp,
Cứ gắng mà tu dưới tháp nhà !
Cũng như nhà sư Thích Minh Tuệ trước khi đi tu đã xin phép và đã được cha mẹ cho phép đi tu hẵn hoi. Ông cũng đã từ chối thừa kế và biết là mình còn anh em để chăm sóc cho cha mẹ lúc tuổi già, nên mới yên tâm xuất gia mà tu hành theo con đường mà mình đã chọn. Nếu như ai đó còn có Cha Mẹ cần phải phụng dưỡng thì không nên bỏ nhà để đi tu như là nhà sư Thích Minh Tuệ vậy.
Trong bài ca 6 câu vọng cổ "Tu là cõi phúc" của soạn giả Viễn Châu, mà nghệ sĩ Minh Cảnh hát sau khi đã xuống Xề là :
... "Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ Cha kính Mẹ... còn hơn là... đi tu !".
Mong rằng tất cả mọi người đừng qúa mê muội, mà hãy tùy cơ, tùy duyên, tùy hoàn cảnh của mình để mà tu tập thì mới có thể mong sớm được giác ngộ và giải thoát !
Mong lắm thay !
杜紹德
Đỗ Chiêu Đức
Đọc bài "SƯ MINH TUỆ" của Đỗ Duy Ngọc do Mai Lộc Mai chuyển, làm cho Đỗ Chiêu Đức tôi không khỏi bâng khuâng cảm xúc. Vâng, "... sự kiện Sư Minh Tuệ không chỉ là hiện tượng tôn giáo mà còn là một hiện tượng xã hội và đã bắt đầu mang màu sắc chính trị". Ở đây, tôi chỉ triển khai lạm bàn và phiếm luận rộng thêm về "Hiện tượng Xã hội" thông qua văn học cổ và đời sống dân gian mà thôi.
Một cư dân trên mạng đã nhận xét "Sư Minh Tuệ là kính chiếu yêu làm cho các ma tăng, xàm tăng phải hiện nguyên hình...". Một dân mạng khác nói :"Sư Minh Tuệ là giọt nước làm tràn ly...". Nói theo cụ Nguyễn Du lý luận trong câu mở đầu của Truyện Kiều :"Lạ gì BỈ SẮC TƯ PHONG 彼嗇斯豐", Có nghĩa : Cái kia cạn kiệt thì cái nầy sẽ đầy lên. Nói theo Đạo Đức Kinh của Lão Tử là VẬT CỰC TẤT PHẢN 物極必反, Có nghĩa : Sự việc gì đó đến mức cùng cực tôt độ thì sẽ trở ngược lại. Nói theo Dịch Lý của Kinh Dịch thì là ÂM CỰC DƯƠNG HỒI 陰極陽回 Có nghĩa : Đến tận cùng của âm thì dương sẽ trở về. Trong Truyện Kiều cũng có câu :"Trong cơ ÂM CỰC DƯƠNG HỒI khôn hay.
Nên...
Trong khi khắp cả nước các chùa chiền lộng lẫy với các kiến trúc "Trăm tỉ ngàn tỉ trở lên" như Chùa Ba Vàng, chùa Phật Quang và các Trúc Lâm Thiền Viện... với các Đại Đức Thượng Tọa có phục sức như vua quan và lối sống xa hoa lên xe xuống ngựa như các bậc quyền qúy lại luôn miệng kêu gọi Phật tử phải "Cúng dường, cúng dường và cúng dường để tạo phước"... thì nhà sư Minh Tuệ chỉ với một chiếc áo phấn tảo, một lõi của nồi cơm điện, với đầu trần chân đất đi khất thực khắp nơi, xuyên suốt bắc nam, chỉ ăn ngày một buổi, không nhận tiền, không nhận cả thức ăn khi đã ăn xong trong ngày hôm đó... Với hình ảnh của hai lối sống, hai lối tu tập khác nhau một trời một vực trong cùng một Đạo Phật, đã làm cho Phật tử, nói chung là làm cho mọi người không so sánh cũng phải so sánh, mà đã so sánh thì sẽ có sự lựa chọn; nên mọi người càng sùng bái ngưỡng mộ sư Minh Tuệ bao nhiêu thì lại càng khinh miệt căm ghét những người đi tu mà chỉ muốn làm giàu cho gia đình, hưởng thụ cho bản thân... bấy nhiêu.
Sự thật thì tu theo lối khổ hạnh của Hạnh đầu đà cũng không phải mới mẻ xa lạ gì, vì lối tu tập nầy đã có từ thời của đức Phật đang tu và cũng đã có những người nổi tiếng theo đường lối tu tập nầy, không kể A Nan và Ca Diếp là hai trong mười đệ tử của Phật Thích Ca. Đầu đời Ngũ Đại bên Trung Hoa đã có Bố Đại Hòa Thượng 布袋和尚 (Hòa Thượng Túi Vải) với bài kệ :
一鉢千家飯, Nhất bát thiên gia phạn,
孤身萬里遊; Cô thân vạn lý du;
青目睹人少, Thanh mục đổ nhân thiểu,
問路白雲頭。 Vấn lộ bạch vân đầu !
Có nghĩa :
Một bát, cơm của ngàn nhà,
Chiếc thân, muôn dặm đi qua.
Mắt xanh, nhìn người qúa ít,
Hỏi đường, mây trắng ngang đầu !
Còn ở Việt Nam ta thì thời cận đại có sư Minh Đăng Quang (1923-1954) là Tổ sư khai sơn hệ phái Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam. Về mục đích của sự tu tập theo lối "khất sĩ", Sư giải thích đại ý như sau: "Sự xin ăn không phải là hèn kém, chẳng qua việc ấy nhắc nhở người tu hành phải biết nhẫn nhục và chịu đựng những thử thách, để lòng tự ái, dục vọng...chóng tiêu dần. Đồng thời qua đó, nó còn giúp người tu luyện trí, tạo cho mình những niềm lạc quan siêu thoát hơn. Về phần người bố thí, qua hình ảnh của người "khất sĩ", họ sẽ hiểu được phần nào là "an vui thanh sạch", là "trầm luân khổ ải" để sớm thức tỉnh, tìm đến con đường giải thoát phiền muộn. Tóm lại, đối với người tu, nếu không làm "khất sĩ" để vừa hóa trai, vừa tu học thì không dễ gì đạt được đạo quả vô thượng".
Nên như một dân mạng đã nói, hình ảnh khất thực của sư MINH TUỆ chỉ là giọt nước làm tràn ly... Bản thân sư Minh Tuệ cũng nói mình chưa phải là một nhà sư mà mình vẫn còn đang trên đường tu tập... Không phải như những người tự xưng là Đại Đức, Thượng Tọa, Hòa Thượng... mà lòng còn đầy rẫy THAM, SÂN, SI chỉ biết có TIỀN nên thay vì thuyết giảng đạo pháp cho mọi người tĩnh tâm tu tập thì lại toàn kêu gọi hô hào phải CÚNG DƯỜNG, CÚNG DƯỜNG và CÚNG DƯỜNG !... Cúng cả cái nhà mình đang ở, rồi che chòi mà ở tạm để con cháu được hưởng PHƯỚC. Rõ ràng là lòng THAM vô độ nên xúi dại người ta thả Hình bắt Bóng ! Như thế mà gọi là giảng giải về thuyết NHÂN QỦA hay sao ? Lại nói những người thích đi du lịch nhiều không để tiền để cúng dường cho chùa thì tương lai sẽ bị bại liệt, người thích hát Ca-ra-OK sẽ bị câm... Thầy Chùa gì mà không thuộc một chút kinh Phật nào hết! Trong Truyện Kiều cụ Nguyễn Du đã viết khi Thúy Kiều bị gạt vào lầu xanh là :
Kiếp xưa đã vụng đường tu,
Kiếp nầy chẳng kẻo đền bù mới xuôi.
... được cụ Lệ Thần Trần Trọng Kim giải thích bằng bài kệ trong kinh Phật sau đây :
欲知前世因, Dục tri tiền thế nhân,
今生受者是; Kim sinh thụ giả thị;
欲知来世果, Dục tri lai thế qủa,
今生作者是。 Kim sinh tác giả thị.
Có nghĩa :
- Muốn biết cái NHÂN của kiếp trước, thì hãy...
xem sự thụ hưởng của ta trong kiếp nầy;
- Muốn biết cái QỦA của kiếp sau, thì hãy...
xem việc làm của ta trong kiếp nầy !
Ý là :
- Nếu kiếp nầy ta được sống giàu sang phú qúy, có nghĩa là kiếp trước ta đã tu nhân tích đức, còn nếu kiếp nầy ta nghèo khổ vất vả là do kiếp trước ta sống phóng túng hoang phí...
- Nếu muốn biết kiếp sau của mình như thế nào thì hãy xem việc làm của mình làm trong kiếp nầy. Nếu kiếp nầy mình biết tu nhân tích đức thì kiếp sau của mình sẽ chắc chắn được hiễn vinh, còn như nếu kiếp nầy mà mình làm những điều ác đức hại người thì kiếp sau có thể sẽ đầu thai làm súc sinh mà không được làm người nữa...
Diễn giải bài kệ trên cốt để khuyến thiện, khuyên người ta làm lành lánh dữ, chứ không phải để hù dọa người ta đừng tiêu xài để đem tiền đi cúng dường cho chùa và đừng bỏ vào thùng Phước Sương mà phải trao tận tay cho Thầy thì mới linh ứng, vì Thầy mới biết cách van vái cho ta. Thiệt là hết nói nỗi !
Đạo Giáo cũng khuyên người ta hướng thiện tích đức vì tin rằng có Ngọc Hoàng Thượng Đế và Thần Tiên luôn luôn theo dõi để giám sát từng hành vi và cử động của con người, như các câu sau đây :
人 間 私 語, 天 聞 若 雷;
Nhân gian tư ngữ, Thiên văn nhược lôi;
暗 室 虧 心, 神 目 如 電.
Ám thất khuy tâm, thần mục như điện.
Có nghĩa :
- Những chuyện nói lén riêng tư với nhau ở nhân gian, thì...
Ông trời ổng nghe như là tiếng sấm sét vậy (có nghĩa là Nghe rất rõ).
- Làm chuyện mờ ám trong phòng kín tối tăm tưởng không ai thấy, thì
con mắt của các thần linh nhìn rõ như là có điện chớp vậy !
... và một câu nói rất phổ thông nữa là :
種 瓜 得 瓜 , 種 豆 得 豆 。
Chủng qua đắc qua, Chủng đậu đắc đậu.
天 網 恢 恢 , 疏 而 不 漏 。
Thiên võng khôi khôi, Sơ nhi bất lậu.
Inline image
Có nghĩa :
- Trồng dưa thì được dưa, trồng đậu thì được đậu;
- Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà không để lọt gì cả !
Còn Nho Giáo thì không tin có Trời Phật Thần Thánh, nhưng tin có Thiên Lý 天理 là Cái Lý của Trời, tức là "Cái lẽ phải ở trên đời nầy", nên cũng khuyên ta nên hướng thiện, như :
善惡到頭終有報, Thiện ác đáo đầu chung hữu báo,
高飛遠走也難逃! Cao phi viễn tẩu dã nan đào !
Có nghĩa :
- Thiện hay ác gì thì rốt cuộc vẫn có báo ứng. Dẫu cho...
- Bay có cao chạy có xa thì cũng khó mà thoát khỏi !
Có bản viết là :
Cao phi viễn tẩu dã nan TÀNG. 高飛遠走也難藏.
Có nghĩa :
- Cao chạy xa bay cũng khó TRỐN (thoát).
... và câu :
善 有 善 報 , 惡 有 惡 報 。
Thiện hữu thiện báo, Ác hữu ác báo.
不 是 不 報 , 日 子 未 到 。
Bất thị bất báo, Nhựt tử vị đáo.
Có Nghĩa :
- Làm lành thì có báo ứng lành, làm ác thì sẽ bị báo ứng ác.
- Không phải là không báo ứng, vì ngày tháng chưa tới mà thôi.
Nên...
Các yêu tăng, tà tăng, xàm tăng... đã đến ngày bị báo ứng bởi các việc làm tà ác của mình mà phải lộ nguyên hình với đầy đủ THAM SÂN SI của chính mình, còn sư Minh Tuệ chỉ tu tập một cách thuần thành chớ không phải là "Kính Chiếu Yêu" gì cả. Chỉ có lũ yêu ma mới phải hiện nguyên hình trước các bậc chân tu mà thôi !
Bài viết của Đỗ Duy Ngọc còn có phần kết rất hay như sau :
"Hãy xem Sư là bậc chân tu. Bậc chân tu đó như luồng ánh sáng soi rõ đám tà tăng, xàm tăng, ác tăng ở trong các chùa to, tượng lớn đang làm mê muội nhiều người. Ánh sáng của bậc chân tu Minh Tuệ cũng đã khiến nhiều người tỉnh thức, thay đổi tư duy, hiểu ra thế nào là chánh pháp, giác ngộ được thế nào là một cuộc sống an lạc và hạnh phúc. Nó không phải là tiền tài, danh vọng, cũng chẳng phải cứ cầu, cúng dường nhiều là được phước. Ánh sáng của Sư Minh Tuệ đã giúp người đời hiểu rõ hơn về Phật pháp. Đó là điều lớn nhất Sư Minh Tuệ đã mang đến cho đời".
Khi Ngũ tổ Hoằng Nhẫn 五祖弘忍 muốn truyền y bát cho cho đời sau đã bảo các đệ tử mỗi người làm một bài kệ cho ngài xem. Đại đệ tử là Thần Tú 神秀 rất uyên thâm về Phật pháp đã viết bài kệ như sau :
身是菩提樹, Thân thị Bồ đề thọ,
心如明鏡台, Tâm như minh kính đài,
時時勤拂拭, Thời thời cần phất thức,
莫使惹塵埃。 Mạc sử nhạ trần ai !
Có nghĩa :
Thân là cây Bồ đề,
Lòng như đài gương sáng.
Luôn siêng năng lau phủi,
Đừng để nhuốm bụi trần.
Mọi người đọc xong đều trầm trồ khen hay. Lúc đó có một nhà sư đen đúa là một hỏa đầu đà nên không biết chữ đã nhờ một đồng đạo viết lại bài kệ đó như sau :
菩提本無樹, Bồ đề bổn vô thọ,
明鏡亦非臺, Minh kính diệc phi đài,
本來無一物, Bổn lai vô nhất vật,
何處惹塵埃? Hà xứ nhạ trần ai ?!
Có nghĩa :
Vốn không có cây Bồ đề nào cả,
Cũng không có đài gương sáng nào hết,
Vốn dĩ không có một vật nào cả, thì...
Lấy chỗ nào đâu mà để cho nhuốm bụi trần ai ?!
Tất cả mọi người đọc xong đều ồ lên một cách kinh ngạc. Nhà sư hỏa đầu đen đúa đó chính là Lục Tổ Huệ Năng 惠能 đó !
"Bổn lai vô nhất vật, Hà xứ nhạ trần ai ?" Mong rằng sư Minh Tuệ cũng sẽ đốn ngộ một cách tuyệt đĩnh như là Lục Tổ Huệ Năng vậy :
Vốn không cây Bồ đề,
Cũng chẳng có đài gương,
Vốn dĩ không một vật,
Lấy đâu nhuốm bụi đường ?!
Inline image
Nam Mô A Di Đà Phật !
杜紹德
Đỗ Chiêu Đức
Rồi chiều nay Hè trở lại đây
Phượng thắm rơi Phượng thắm rơi đầy
Lại cách xa nhau chín mươi ngày
Hay là một thế kỷ dài
Mà lòng ai đang khóc ai...
Tiếng hát cao vút như réo gọi, như nhắc nhở, như nức nở của ca sĩ Hoàng Oanh với lời ca bản nhạc Mùa Chia Tay của nhạc sĩ Duy Khánh như làm sống lại những mùa hè của năm mươi năm trước. Tội nghiệp cho tuổi trẻ của các thập niên 60-70 của Thế kỷ trước, học hành dang dở vì bị lôi cuốn một cách bất đắc dĩ vào vòng chiến tranh ý thức hệ giữa Nam Bắc Việt Nam. Những mùa hè là những "Mùa Chia Tay" có khi không bao giờ còn gặp lại, vì...
Đời trai chinh chiến ngang trời,
Súng gươm là bạn... và...
Bút nghiên là... cố nhân thôi !
Giọng hát lanh lảnh làm xao xuyến lòng người của nữ ca sĩ Thanh Tuyền lại như réo gọi ta trở về với quá vãng xa xưa :
Người ơi, thắm thoát niên học hết rồi
Chúc đi cạn lời giây phút ly bôi.
Ngày mai tan trường mình không chung lối,
Thương nhau nhiều biết gởi về mô,
Kỷ niệm cũ tan vào hư vô...
"Ba Tháng Tạ Từ" của nhạc sĩ Thanh Sơn đã âm thầm nói lên sự "Tạ Từ" không phải là "Ba Tháng" mà có khi mãi mãi sẽ không còn gặp lại nhau nữa :
Rồi đây có những khi buồn não lòng,
Cố nhân biền biệt có nhớ nhau không ?
Ngoài kia, hoa phượng rụng rơi tơi tả,
Dư âm làm sống lại đời ta...
Dù ngăn cách nhớ hoài ngày qua !...
Nhắc đến nhạc sĩ Thanh Sơn cũng không thể không nhắc đến "Nỗi Buồn Hoa Phượng". Một bài ca nói lên mỗi niềm chung của lứa tuổi học sinh trong ba tháng nghỉ hè, lại vừa là tâm sự thật của nhạc sĩ với cô bạn cùng lớp có tên là "Nguyễn thị HOA PHƯỢNG", là một "Tiểu Thư" con nhà công chức ở chốn thành đô theo cha về học ở vùng lục tỉnh Sóc Trăng xa xôi, làm cho chàng thư sinh tỉnh nhỏ nghe xao xuyến tâm hồn như những vầng thơ rất nên thơ của nhà thơ Huy Cận thời Tiền Chiến :
Vậy đó bỗng nhiên mà họ lớn
Tuổi hai mươi đến có ai ngờ
Một hôm trận gió tình yêu lại
Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư
Đến khi nàng tiểu thư con công chức về lại xứ thành đô hoa lệ, bỏ lại chàng thư sinh nhạc sĩ miền quê, lúc chia tay chàng hỏi "Nếu mình nhớ nhau thì làm cách nào?". Nàng đã trả lời rằng : "Mỗi năm đến mùa hoa phượng nở, anh nhìn hoa phượng anh sẽ nhớ tới em! Bởi tên em là Hoa Phượng mà!". Nhưng từ đó hai người không còn gặp lại nhau nữa.
Mười năm sau ngày chia tay cô gái mang tên Hoa Phượng, vào mùa hè năm 1963 tại Sài Gòn, một lần tình cờ đi ngang qua một ngôi trường học và nhìn thấy hoa phượng nở đỏ rực, ông bỗng nhớ lại người xưa, cảm xúc ùa về để ông hoàn thành ca khúc "Nỗi Buồn Hoa Phượng", trong tên bài hát có tên của người xưa để cho...
Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn !...
Khi biết rằng :
... Ta từ là hết người ơi !
Càng thổn thức hơn với :
... Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng,
Biết ai còn nhớ đến ân tình không ?!...
Đường xưa in bóng hai đứa nay đâu,
Những chiều hẹn nhau lúc đầu...
Giờ như nước trôi qua cầu !...
Và nhạc sĩ Thanh Sơn cũng cho biết thêm rằng nhờ sáng tác bản nhạc "Nỗi Buồn Hoa Phượng" mà mỗi tháng ông nhận được sáu ngàn đồng tiền tác quyền (năm 1963 với hối đoái 1 đô la Mỹ bằng 60 đồng VN lúc bấy giờ) Vừa thoát được cảnh nghèo túng, ông còn mua được nhà, xe để đi lại. Tất cả cuộc sống ấm no sung túc đều nhờ vào "Nỗi Buồn Hoa Phượng" mà có cả ! Nhưng người xưa thì vẫn biền biệt phương trời, để cho...
Màu hoa phượng thắm như máu con tim,
Mỗi lần hè sang kỷ niệm,
Người xưa biết đâu mà tìm !...
Không tìm được người xưa, nên đến năm 1967 Thanh Sơn lại cùng nhạc sĩ Song Ngọc sáng tác nhạc phẩm "Phượng Buồn" để hoài niệm đến người xưa. Lời ca da diết u buồn trong tiếng hát lanh lảnh cao vút của nữ ca sĩ Thanh Tuyền như xoáy vào lòng người nghe :
Nếu ai một lần trong cuộc vui
Xa vắng người thương nghe mặn môi
Trách gì loài hoa kia còn rơi
Tôi đi người về hai lối
Ngậm ngùi ai nói không nên lời !...
Đến năm 1974, nhạc sĩ Tuấn Hải cũng cho ra đời một bản "Phượng Buồn" rất được giới mộ điệu ưa thích, do nữ ca sĩ Hoàng Oanh thu thanh đầu tiên vào dĩa nhựa nhạc Ngày Xanh. Nhưng trong tất cả các băng nhạc và đĩa nhạc của khoảng thập niên 1990 - 2000, đều ghi tên tác giả của Phượng Buồn là nhạc sĩ Thanh Sơn. Vì sao lại có sự nhầm lẫn trái khoái nầy ? Sau đây là lời giải thích của nhạc sĩ Tuấn Hải được tìm thấy trên mạng :
Bài này tôi viết năm 1974 tại Sài Gòn và đã sắp xếp Hoàng Oanh hát đầu tiên vào dĩa nhựa nhạc Ngày Xanh tại phòng thu của một người Hoa ở số 13 đường Bùi Hữu Nghĩa (trước cửa chợ cá Hòa Bình, quận 5 Chợ Lớn cùng trong năm ấy). Đến năm 2004 tôi về Sài Gòn gặp lại một số bạn cũ trong đó có các nhạc sĩ: Ngọc Sơn, Đài Phương Trang, Dzoãn Bình và Vinh Sử. Rồi chúng tôi có cuộc hẹn đi uống bia tại quán Hội Nghệ Sĩ...
Sau khi tặng Vinh Sử một CD Phượng Buồn thì người bạn này nói liền: "Xin lỗi anh, em có làm một chương trình có bài Phượng Buồn nhưng gặp khó khăn về việc kiểm duyệt tác giả ở nước ngoài nên đã để tên anh Thanh Sơn cho dễ dàng và tiện việc thanh toán bản quyền..." Ngay lúc đó tôi không thấy gì phiền hà vì việc đã rồi. Hơn nữa Thanh Sơn sau này có chút gì vui vui... Thế là vấn đề thông qua.
Sau đó bài Phượng Buồn lần lượt được nhiều trung tâm sử dụng nên việc " tam sao thất bản" càng lan tràn theo tỉ lệ thuận...
Phượng Buồn của Thanh Sơn, Thanh Tuyền hát:
Phượng Buồn (Thanh Sơn-Song Ngọc) - Thanh Tuyền
"Phượng Buồn" của nhạc sĩ Tuấn Hải gần đây được rất nhiều ca sĩ hát và được nhiều người yêu thích, với âm điệu du dương và lời ca gợi cảm, chân thật, nhẹ nhàng đánh động lòng người nghe :
Trong tiếng hát ve phượng hồng là hoàng hậu đó
Phượng buồn vì tình ta tan theo sóng biển nổi trôi
Ngàn năm trong tôi, tình này không phai phôi
Xuân qua hè tới ta nhớ nhau luôn phượng ơi!...
Dù sao thì sự nhầm lẫn giữa tên của hai tác giả đều có sáng tác bản nhạc "Phượng Buồn" cũng tạo nên một giai thoại trong làng tân nhạc cận đại một cách rất nên thơ và không kém phần thú vị ! Điều đáng nói là cả hai bản nhạc đều hay, đều gợi cảm, đều du dương và đều làm cho người nghe không khỏi bâng khuâng nhớ về thời áo trắng với hoa phượng đỏ thắm trong sân trường mỗi độ hè về.
Bây giờ tóc đã bạc, mắt đã mờ, răng đã... giả hết rồi, nhưng "Mỗi năm đến hè, vẫn thấy Lòng man mác buồn", khi nghe lại "Lưu Bút Ngày Xanh" với lời ca réo rắc...
Lòng xao xuyến mỗi khi hoa phượng rơi
Nhắc lại câu chuyện buồn...
Trường còn kia ôi mái đổ tường rêu
Nơi kỷ niệm êm ái...
Lớn lên trong mùa ly loạn, xếp bút xếp nghiên, hổ lều hổ chỏng, học hành dang dở... Kỷ niệm thời tuổi trẻ chỉ còn lại nuối tiếc của những mùa hè với hoa phượng đỏ thắm sân trường; Rồi lại phải lao vào vòng chiến tranh ý thức hệ một cách oan uổng. Chiến tranh chấm dứt thì lại phải làm thân lưu vong nơi xứ lạ quê người. Những "Mùa Chia Tay" cứ mãi tiếp nối nhau, biết đến bao giờ mới tìm lại được "Những Này Xưa Thân Ái" cũ ?! Vì...
Một ngày biệt ly trăm ngày nhớ nhau
Nuối tiếc cuộc vui ân tình phút đầu
Nếu ai đã từng rung cảm
Đôi lần nhặt màu hoa thắm
Lòng bâng khuâng biết mình đã yêu ...
Tuổi trẻ là tình yêu của lứa tuổi học trò, vào đời với tình yêu gia đình, yêu cuộc sống, yêu non sông, yêu Tổ quốc... Giờ lại phải đành gởi thân nơi chân trời góc bể nầy để ngậm ngùi nhớ tiếc cho những tháng ngày hoa mộng đã qua. Cám ơn nhạc sĩ Thanh Sơn với Nỗi Buồn Hoa Phượng, với Ba Tháng Tạ Từ, với Thương Ca Mùa Hạ, với Lưu Bút Ngày Xanh... Cám ơn nhạc sĩ Tuấn Hải với Phượng Buồn, Cám ơn nhạc sĩ Duy Khánh với Mùa Chia Tay...
Những ca khúc bất hủ, sống mãi và theo mãi gót chân lưu vong của người Việt đi khắp năm châu bốn bể...
Hẹn bài viết tới !
Đỗ Chiêu Đức
TÂM 心 là Trái Tim, mà trái tim nằm ở trong lòng ngực của cơ thể, nên TÂM còn có nghĩa là Lòng Dạ con người. TÂM là một Bộ 4 nét trong 214 Bộ Thủ của "CHỮ NHO... DỄ HỌC" theo diễn tiến chữ viết Tượng Hình như sau :
Ta thấy :
Hình Trái Tim được vẽ có 4 ngăn hẵn hoi, lần lần chuyển biến như hình cái bụng nhọn bên dưới, qua chữ Triện thì thành những nét cong queo chỉ cuốn tim ở bên trên, đến Lệ Thư thì lại được kéo thẳng thành một nét dài và 3 chấm, và kịp đến chữ Khải như hiện nay (心) thì mới giống như là cụ Nguyễn Du đã diễn tả khi cho Thúy Kiều nhớ đến Thúc Kỳ TÂM, tức là chàng Thúc Sinh khi đang về thăm vợ cả là Hoạn Thư, như sau :
Đêm thu gió lọt song đào,
Nửa vành trăng khuyết ba sao giữa trời !
Cụ Nguyễn Du đã thi vị hóa chữ TÂM 心 giống như là "Nửa vành trăng khuyết và ba sao giữa trời !". Rõ khéo ví von chữ TÂM 心 một cách vô cùng nên thơ thi vị !
Chữ TÂM tuy chỉ đơn giản có 4 nét, nhưng lại hàm chứa rất nhiều ý nghĩa đối với con người và cuộc sống. Trước tiên...
- TÂM 心 là Trái Tim, là một trong Ngũ tạng 五臟 : Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận 心,肝,脾,肺,腎 của con người, tương ứng với Ngũ hành 五行 là Hoả, Mộc, Thổ, Kim, Thuỷ 火,木,土,金,水, và lại ứng với Ngũ thanh 五聲 là Năm thanh sắc của con người. Đó là Tiếu, Hô, Ca, Khốc, Thân 笑, 呼, 歌, 哭, 呻 (là Cười, Hét, Hát, Khóc, Rên). TÂM ứng với hành Hỏa và thanh Tiếu là Cười, nên trong truyện võ hiệp của nhà văn Kim Dung, những người bị trúng phải Thôi Tâm Chưởng 推心掌, tuy trái tim bị dập nát mà chết nhưng trên gương mặt co rúm lại như đang nở một nụ cười. Sự thật khi tim bị nhói đau thì nét mặt lộ những vết nhăn như đang cười chứ không phải là cười thật.
- TÂM 心 là Lòng Dạ của con người và của cả những động vật sống chung quanh con người, nên ta lại có các thành ngữ như : Lang Tâm Cẩu Phế 狼心狗肺 là "Tim của con sói, phổi của con chó". Ta dịch Nôm na là "Lòng Lang Dạ Sói"; và Xà Hiết Tâm Trường 蛇蝎心腸 là "Tim và ruột của rắn và bọ cạp". Ta thường nói là "Lòng Dạ Rắn Rết".
- TÂM 心 là phần giữa của sự vật và thực vật, như : Giang Tâm 江心 là Giữa lòng sông; Địa Tâm 地心 là Giữa lòng đất; Chưởng Tâm 掌心 là lòng bàn tay; Hoa Tâm 花心 là giữa lòng hoa, là Nhụy hoa...
Nhắc đến HOA TÂM 花心 là Trong Lòng Hoa, ta lại nhớ về một giai thoại điển tích rất thú vị giữa Tô Đông Pha và Vương An Thạch như sau...
Vương An Thạch 王安石(1021—1086,tự là Giới Phủ 介甫,hiệu là Bán Sơn 半山 là Tể Tướng đương triều thời Bắc Tống, chẳng những giỏi văn thơ mà còn giỏi về chính trị nữa (Vương An Thạch Tân Pháp, là cải cách chính trị nổi tiếng của ông lúc bấy giờ, ở đây, ta chỉ nói về văn thơ của ông mà thôi). còn Tô Đông Pha tên thực là Tô Thức 蘇軾(1037—1101)tự là Tử Chiêm 子瞻, là một quan Hàn Lâm, rất giỏi văn thơ.(Trong Đường Tống Bát Đại Gia thì cha con Tô Đông Pha chiếm hết 3 ghế rồi). Có lẽ vì thế mà ông cũng có hơi hợm mình, nên mới dám cả gan sửa thơ của Tể Tướng, vì ông cho là Vương An Thạch đã nhầm lẫn khi viết 2 câu thơ sau đây :
明月當頭叫, Minh nguyệt đương đầu KHIẾU,
黄狗卧花心. Hoàng cẩu ngọa HOA TÂM .
Có nghĩa :
Trăng sáng KÊU ngay ở trên đĩnh đầu, và...
Con chó vàng nằm ở giữa LÒNG HOA.
Ông cho là Tể Tướng đã lẫm cẫm nên nhầm, mới sửa lại thành :
明月當頭照, Minh nguyệt đương đầu CHIẾU,
黄狗卧花陰. Hoàng cẩu ngọa hoa ÂM.
Có nghĩa :
Trăng sáng SOI ngay trên đĩnh đầu, và...
Con chó vàng nằm DƯỚI BÓNG HOA.
Vương giận, cho là ông làm tài khôn sửa bậy thơ của người khác, mới đày ông xuống miền Mân Nam (Vùng Phúc Kiến, Quảng Đông ngày nay).
Một hôm, Tô Đông Pha đi dạo trong vùng Hợp Phố để thăm hỏi dân tình thì thấy một con chim lạ rất đẹp, mới hỏi thăm dân làng đó là con chim gì ? Dân làng đáp rằng : Đó là con chim Minh Nguyệt !. Tô nghe nói giật mình. Dân lại nói tiếp là, loài chim nầy chuyên tìm ăn loại sâu bọ màu vàng nằm giữa lòng hoa. Tô hỏi là loại sâu gì ?. Dân bèn tìm ngắt một đóa hoa thật đẹp, nhưng ở giữa nhụy hoa có một con sâu màu vàng nằm cuốn tròn, mõm dài và mình đầy lông trông như một con chó con bé xíu, dân bảo con sâu đó tên là Hoàng Cẩu !. Tô bèn thở dài và chép miệng : "Thật đáng kiếp !". Ông trách cho sự dốt nát và hợm hĩnh của mình. Từ đó, mới chịu phục Tể Tướng Vương An Thạch là giỏi....
Thì ra hai câu thơ của Tể Tướng là để nói về 2 loài vật nầy :
Con CHIM Minh Nguyệt đang hót ở trên đĩnh đầu, và...
Con SÂU Hoàng Cẩu nằm rút mình trong lòng hoa.
Cho hay kiến thức ở trên đời là bao la, nếu cứ chấp nê bất ngộ tưởng mình là tài giỏi nhất thiên hạ, thì có ngày cũng phải hối tiếc cho sự hợm hĩnh của mình như là Tô Đông Pha vậy !
- TÂM 心 còn là cái tư tưởng ý niệm trong lòng con người, như : Nội Tâm 内心 là những suy nghĩ và ẩn ức sâu kín ở trong lòng; Động Tâm 動心 là Lòng bị lay động nên chú ý đến việc gì đó; Từ Tâm 慈心 là Lòng nhân từ, hiền lành; Ác Tâm 惡心 là Lòng dạ nham hiễm độc ác...
- ĐỘNG TÂM 動心 ta nói là ĐỘNG LÒNG trước một việc gì đó. Như khi biết Thúc Sinh chuộc Thúy Kiều từ lầu xanh về, Thúc Ông đã thưa lên quan Phủ để bắt Thúy Kiều về lại lầu xanh. Quan phủ cũng đã phán :" Một là cứ phép gia hình, Một là lại cứ lầi xanh phó về". Nhưng Thúy Kiều thà chịu "gia hình" chứ không chịu về lại lầu xanh, nên bị gia hình đến nỗi "Đào hoen hoẹn má liễu tan tác mày", làm cho chàng Thúc "Đứng xa trông thấy lòng càng xót xa" vừa khóc vừa tự trách mình :
Cạn lòng chẳng biết nghĩ sâu.
Để ai trăng tủi hoa sầu vì ai.
... khóc than đến nỗi :
Phủ đường nghe thoảng vào tai,
ĐỘNG LÒNG lại gạn đến lời riêng tây.
Nhờ Quan Phủ ĐỘNG LÒNG mà Thuý Kiều được tha, lại còn được quan đứng ra làm chủ hôn để kết hợp cho đôi lứa nữa.
- TÂM là Tim, nên TÂM SỰ 心事 : là Chuyện của Trái Tim, là chuyện chất chứa ở trong lòng : Chuyện về tình yêu, công danh, sự nghiệp... đang ấp ủ trong lòng. Nên Thổ Lộ Tâm Sự 吐露心事 là bày tỏ nỗi lòng của mình với ai đó.
- TÂM PHÚC 心腹 : Tâm là Lòng, Phúc là Bụng. Nên TÂM PHÚC là Bụng Dạ, là Lòng Dạ. Người Tâm Phúc là Người mà ta hết lòng hết dạ tin tưởng. Nỗi lo Tâm Phúc là Nỗi lo cứ canh cánh mãi bên lòng.
Nói chung, TÂM là trái tim, là chủ tễ của sinh mạng. Không có tim thì con người sẽ chết. TÂM còn là Lòng dạ và Tư duy của con người. Cái Tâm làm nên con người tốt hay xấu, phải hay trái, đúng hay sai và làm nên tất cả đời sống yên vui hạnh phúc hay trắc trở lầm than của con người... Tất cả đều là do cái TÂM mà ra cả ! Cụ thể như...
Đối với cha mẹ thì phải có Hiếu Tâm 孝心 là Lòng hiếu thảo; Làm việc thì phải Tận Tâm 盡心 là hết lòng hết dạ; Làm thuộc cấp của người khác thì phải Trung Tâm 忠心 là phải có lòng trung thành; Làm xếp làm lãnh đạo thì phải có Nhân Tâm 仁心 là lòng nhân từ, không qúa hà khắc với nhân viên; Học hành hay làm việc gì đó thì phải có Quyết Tâm 決心; Tìm hiểu một ngành nghề nào đó thì phải Chuyên Tâm 專心; Giao tiếp ngoài xã hội thì luôn luôn phải Lưu Tâm 留心 để ý học tập và phòng ngừa bất trắc; Đối nhân xử thế thì luôn phải Tiểu Tâm 小心 Cẩn thận; Sửa sai việc gì đó thì phải có Thành Tâm 誠心 và cả Dũng Tâm 勇心 nữa; Đối diện với cuộc sống luôn luôn phải Tín Tâm 信心 là có Lòng tin về cuộc sống trước mắt; và nhất là phải luôn giữ cho mình cái Lạc Quan Tâm 樂觀心, là giữ được cái lòng luôn vui vẻ để đối mặt với cuộc sống !
Ngoài NHÂN TÂM 仁心 là lòng nhân từ ra; ta còn có NHÂN TÂM 人心 là Trái tim của người ta, cũng là Lòng Dạ của con người; mà lòng dạ con người thì vô chừng : Khi tốt khi xấu, khi thì nhân từ, lúc lại nhẫn tâm; có lúc thánh thiện từ ái như lòng Bồ tát, khi lại nhẫn tâm hiễm độc tựa ác ma. Nên ta có thành ngữ là Nhân Tâm Nan Trắc 人心難測, có nghĩa : Lòng người khó mà đoán biết được. Cụ Nguyễn Du khi diễn tả sự nham hiễm của Hoan Thư cũng đã hạ câu :
Bề ngoài thơn thớt nói cười,
Mà trong nham hiễm giết người không dao.
Không làm gì được trước cô vợ qúa quắc, Thúc Sinh đành phải khuyên Kiều bỏ trốn "Liệu mà xa chạy cao bay, Ái ân ta có ngần này mà thôi !". Chàng đã nhận xét :
Sinh rằng: Riêng tưởng bấy lâu,
Lòng Người nham hiểm biết đâu mà lường.
"Lòng Người nham hiểm biết đâu mà lường" là nói theo câu chữ Nho "Thâm uyên chung hữu đễ, Nhân tâm bất khả trắc 深淵終有底, 人心不可測" Có nghĩa : Vực sâu còn có đáy, chớ lòng người thì không thể đo lường được".
Trong Bi Thiếp Văn 碑帖文 đời nhà Minh có mấy câu viết về nhân tình thế thái rất hay, rất sâu sắc như sau :
登天難,求人更難; Đăng thiên nan, cầu nhân cánh nan;
黃連苦,窮人更苦; Huỳnh liên khổ, cùng nhân cánh khổ;
春冰薄,人情更薄; Xuân băng bạc, nhân tình cánh bạc;
江湖險,人心更險; Giang hồ hiễm, nhân tâm cánh hiễm.
知其難,食其苦, Tri kỳ nan, thực kỳ khổ,
耐其薄,驗其險; nại kỳ bạc, nghiệm kỳ hiễm,
可以應變而處世為人也! Khả dĩ ứng biến nhi xử thế vi nhân dã !
Có nghĩa :
- Lên trời đã khó, cầu cạnh người ta càng khó khăn hơn;
- Huỳnh liên đắng, người nghèo khổ càng cay đắng hơn;
- Băng sáng xuân rất mỏng, tình người càng mỏng hơn nữa;
- Giang hồ hiễm ác, lòng người càng hiễm ác hơn;
- Biết được cái khó khi cầu cạnh người khác; Nếm trải được cay đắng của sự nghèo khổ; Từng chịu đựng qua sự bạc bẽo của tình người; Có thể trải nghiệm được sự hiễm ác của lòng người là như thế nào...
- thì ta đã có thể ứng biến để đối phó với mọi tình huống trong việc xử thế và làm người rồi đó !
Nghe có vẻ bi quan nhưng lại rất thực tế trong đời sống của con người.
Ông bà ta xưa cũng thường hay nhắc câu :
長途知馬力, Trường đồ tri mã lực,
事久見人心 ! Sự cửu kiến Nhân Tâm !
Có nghĩa :
- Đường dài mới biết được sức ngựa (bền hay không bền),
- Chuyện gì đó lâu dần mới thấy được lòng người (tốt hay không tốt).
Trong Tăng Quảng Hiền Văn thì lại ghi là :
路遥知馬力, Lộ diêu tri mã lực,
日久見人心 ! Nhựt cửu kiến Nhân Tâm !
Có nghĩa :
- Đường có xa xôi mới biết được sức ngựa (hay hay không hay),
- Ngày tháng lâu dần mới thấy được lòng người (tốt hay không tốt).
Nghĩa cũng tương đương như câu nói trên mà thôi !
TÂM còn là TÂM Ý 心意, mà Tâm Ý là lòng dạ, là ý nghĩ, ý định ở trong lòng ai đó. Đôi khi Tâm Ý còn chỉ những mong mỏi ước muốn ở trong lòng. Ta có thành ngữ "Tâm Ý Hợp Nhất 心意合一" để chỉ những ý nghĩ và mong muốn đều giống như nhau của hai người hoặc của một nhóm người nào đó. Để chỉ những người cùng chung chí hướng với nhau, ta có thành ngữ "Tâm Ý Tương Đồng 心意相同". Còn thành ngữ "Tâm Ý Tương Thông 心意相通" thì thường dùng để chỉ hai người bạn thân hoặc hai kẻ yêu nhau cùng đoán và hiểu được ý nghĩ và ước muốn của nhau.
TÂM TÌNH 心情 là Tâm Tư Tình Cảm. Nói chuyện Tâm Tình là bày tỏ với đối phương về tâm tư và tình cảm của mình. Tôi lớn lên trong xóm bình dân ở Đồng bằng sông Cửu Long, nên hồi nhỏ thường nghe bà con lối xóm hát nghêu ngao :
... Bà già "lấy le" ông già, chiều chiều dắt ra bờ sông...
Hai người nói chuyện "Tâm Tình", ôm nhau... lọt xuống xình!...
Còn người Hoa hiện nay thì dùng từ TÂM TÌNH 心情 để chỉ cái Trạng Thái tâm tư tình cảm vui buồn của con người, như "Hôm nay Tâm Tình không tốt(心情不好)nên nó hay nổi giận với mọi người !". Cụ thể nhất để chỉ trạng thái tâm lý của con người là từ...
TÂM THẦN 心神 : là Tâm tư và Tinh thần, thường chỉ cái dáng vẻ và thần thái bên ngoài của con người. Ta có thành ngữ TÂM THẦN BẤT ĐỊNH 心神不定 để chỉ cái dáng vẻ bồn chồn lo lắng hay ưu tư hoảng hốt của ai đó.
TÂM HỎA 心火 là Lửa ở trong tim, lửa ở trong lòng. Theo Phật giáo, cơ thể con người là do Tứ Đại : Phong Thủy Hỏa Thổ 風水火土, tức là Đất Nước Gió Lửa kết hợp lại mà thành, nên bản thân con người đã có một phần tư là lửa ở trong đó rồi, ngọn lửa đó cứ âm ỉ mãi trong tim tạo nên sự ham muốn mãnh liệt mà ta gọi là Lửa Dục Vọng. Trong văn chương Phật giáo thì gọi nhẹ nhàng hơn : Lửa Lòng. Như cụ Nguyễn Du đã diễn tả tâm trạng của Thúy Kiều khi tu ở Quan Âm Các :
Cho hay giọt nước cành dương
Lửa Lòng tưới tắt mọi đường trần duyên …
... và như lời của Thúy Kiều đã phân bua với Vương Viên Ngoại khi ông muốn nàng từ giả sư Giác Duyên để theo mọi người về nhà đoàn tụ :
Sự đời đã tắt Lửa Lòng,
Còn chen vào chốn bụi hồng mà chi ?!
Trong Cung Oán Ngâm Khúc Nguyễn Gia Thiều cũng đã gọi ngọn lửa âm ỉ đốt trong lòng người cung nữ là TÂM HỎA với các câu :
Ngọn TÂM HỎA đốt dàu nét liễu,
Giọt hồng băng thấm ráo làn son.
Lại buồn đến cảnh con con,
Trà chuyên nước nhất, hương đùn khói đôi !
Còn trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du cũng mượn chữ TÂM HỎA nói thành “LỬA TÂM” để tả ngọn lửa ghen tuông trong lòng của Hoạn Thư là:
LỬA TÂM càng dập càng nồng,
Trách người đen bạc ra lòng trăng hoa.
Ví bằng thú thật cùng ta,
Cũng dung kẻ dưới mới là lượng trên !
TÂM HUYẾT 心血 : Không phải là từ dùng để chỉ trái tim và máu, hai thực thể sống còn không thể thiếu của cơ thể con người, mà là dùng để chỉ những gì được ấp ủ trong tim trong lòng được hình thành bằng bầu nhiệt huyết qua bao gian lao khổ nhọc trắc trở, qua bao thời gian vật vả mới hình thành làm nên một kế hoạch, một dự án, một công trình nào đó... Như : Cơ ngơi đồ sộ nầy là Tâm Huyết suốt cả đời của ông ta đó ! Nhưng...
Khi là Tính từ, thì Tâm Huyết cũng có nghĩa như là Nhiệt Huyết. Con người Tâm Huyết là con người rất nhiệt tình với chức trách của mình. Lời Tâm Huyết là lời nói rất thực tình từ trong lòng mà ra.
TÂM là Trái Tim, là Tấm Lòng, là Lòng Dạ... Câu đầu tiên của Huấn Mông Tam Tự Kinh đã dạy ta : Nhân chi sơ, Tính bổn thiện 人之出,性本善. Cái "Tính bổn Thiện" đó là "Cái trái tim liền lành của con người, là cái LƯƠNG TÂM 良心 mà khi cha sanh mẹ đẻ ra thì Trời đã phú sẵn cho mỗi con người rồi ! Nếu ai không khéo giữ, làm trái với Lương Tâm, làm những điều thương luân bại lý hay ác đức sát nhân thì sẽ bị "Cái Lương Tâm" đó theo đuổi cắn rứt và dằn dật suốt cả cuộc đời, không sao sống yên ổn được. Nên...
Nho Giáo thì dạy ta phải có NHÂN TÂM 仁心 là lòng nhân từ khoan dung, như trong Tăng Quảng Hiền Văn đã khuyên :
責人之心責己, Trách nhân chi tâm trách kỷ,
恕己之心恕人。 Thứ kỷ chi tâm thứ nhân.
Có nghĩa :
- Lấy cái lòng mình trách người ta để trách mình, và...
- Lấy cái lòng mình tha thứ mình để tha thứ cho người khác !
Phật Giáo thì khuyên ta phải có TỪ TÂM 慈心 là lòng từ bi hỉ xả. Vì Từ Bi Tâm 慈悲心 tức là Phật Tâm 佛心 đó. Phật dạy là chúng sinh đều có sinh mạng nên đều được xem bình đẵng như nhau; Vì thế mà ta không được sát sinh, mà còn phải cứu sinh, phóng sinh nữa, và cũng vì thế mà ta phải ăn chay ăn lạt. Làm được ba điều trên thì tự nhiên "Từ Bi Tâm" sẽ phát sinh.
TỪ 慈 là Nhân từ; BI 悲 là Thương xót; HỈ 喜 là Vui vẻ; XẢ 捨 là buông bỏ, là thả ra; Nên TỪ BI HỈ XẢ 慈悲喜捨, nói một cách Nôm na dễ hiểu là : Vì lòng nhân từ xót thương mà vui vẻ buông bỏ thả ra; chớ không phải hối tiếc con gà giò không "xé phai" được vì hôm nay phải ăn chay, nếu không thì đã cho nó vô nồi với bó rau răm rồi !
Công Giáo thì đề cao THIỆN TÂM 善心. Thiện Tâm là lòng hướng thiện một cách thuần thành. Người Thiện Tâm là người có đạo đức, có lý tưởng, sống để phụng sự Thiên Chúa và yêu thương con người. Trong các ngày lễ Chúa Nhật và trong các ngày lễ Trọng, lễ Kính, nhất là trong đêm Chúa giáng sinh nơi máng cỏ lừa trong hang đá ở xứ Bê-lem ta thường nghe câu hát ngợi ca :
Vinh Danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho người Thiện Tâm.
Như trên đã nói, bản thân chữ TÂM đã lương thiện rồi, nên từ HỮU TÂM 有心 là Có Lòng, cũng có nghĩa là "Có Lòng Tốt" đó ! Trong bài thơ Tặng Biệt 贈別 nổi tiếng của thi nhân Đỗ Mục ở buổi Tàn Đường, có hai câu thơ rất hay như sau :
蠟燭有心還惜別, Lạp chúc HỮU TÂM hoàn tích biệt,
替人垂淚到天明。 Thế nhân thùy lệ đáo thiên minh !
Có nghĩa :
- Ngọn nến như cũng CÓ LÒNG (tốt), nên cũng tiếc cho sự biệt ly, mà...
- Thay thế người cứ nhỏ lệ nến mãi cho đến tận trời sáng tỏ !
Nến cũng CÓ LÒNG thương ly biệt,
Thay người nhỏ lệ suốt canh thâu !
Ta thấy, bản thân chữ LÒNG đã có hàm ý là "LÒNG TỐT" rồi. Nên CÓ LÒNG là "Có Lòng Tốt" đó. Trong rất nhiều ngữ cảnh, như :"Cám ơn bác đã CÓ LÒNG đến thăm tôi"."CÓ LÒNG" ở đây cũng có nghĩa là "CÓ LÒNG TỐT" đó. Khi Từ Hải giúp Thúy Kiều Báo ân báo oán; Thúy Kiều đã nói với Thúc Sinh rằng :
... Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng,
Tại ai, há dám PHỤ LÒNG cố nhân ?
Gấm trăm cuốn bạc nghìn cân,
TẠ LÒNG dễ xứng, báo ân gọi là !
"Tại ai, há dám PHỤ LÒNG cố nhân ?". "PHỤ LÒNG cố nhân" là "PHỤ LÒNG TỐT của cố nhân" đó; hay như câu :" TẠ LÒNG dễ xứng, báo ân gọi là". "TẠ LÒNG" là "Cảm tạ Lòng Tốt của Thúc Sinh đó"...
THỐNG TÂM 痛心 hay THƯƠNG TÂM 傷心 đều chỉ Đau Lòng, nhưng THỐNG TÂM hay TÂM THỐNG 心痛 thì thường chỉ đau về thể xác, về những việc cụ thể như bị mất người thân chẳng hạn; còn THƯƠNG TÂM hay TÂM THƯƠNG 心傷 là đau về mặt tinh thần, là nỗi đau của tâm hồn vì tâm lý bị tổn thương. Như Thúy Kiều gặp gia biến phải bán mình chuộc tội cho cha, phải đau lòng mà lìa nhà lìa cửa lìa bỏ người yêu để đi theo Mã Giám Sinh :
Đau Lòng tử biệt sinh ly,
Thân còn chẳng tiếc, tiếc gì đến duyên !
Đó là nỗi đau cụ thể hiễn hiện trước mắt, còn khi ở lầu xanh "Mặc người mưa Sở mây Tần, nhưng mình nào biết có xuân là gì" mới là nỗi Thương Tâm đáng thương của đời kỹ nữ :
Nỗi lòng đòi đoạn xa gần,
Chẳng vò mà rối, chẳng dần mà đau !
Như ta đã biết, TÂM vốn Thiện, nên rất dễ bị mê hoặc, gọi là MÊ TÂM 迷心, mà Tâm Mê thì Ý Loạn, không còn tỉnh táo để phân biệt phải trái, thị phi trắng đen gì nữa cả, nên cần phải làm cho TÂM sáng lên để biết phán đoán phân biệt cái nào đúng cái nào sai, cái nào nên theo, cái nào không nên làm... Vì thế mà tiền nhân đã soạn ra quyển "Minh Tâm Bửu Giám 明心寶鑑" gom góp những lời vàng tiếng ngọc của các bậc Thánh nhân Hiền triết hoặc Danh Nho thời xưa đã nói trong các kinh điển hay sách vở, ngõ hầu để cho người đời sau học lấy và xem đó như là tấm gương báu để soi sáng lòng người.
MINH TÂM 明心 có chữ MINH 明 được ghép theo phép Hội Ý, gồm có bộ NHẬT 日 bên trái là nguồn sáng ban ngày, ghép với bộ NGUYỆT 月 bên phải là nguồn sáng ban đêm, nên MINH 明 là Sáng sủa, khi là Động từ thì có nghĩa là Làm cho Sáng Tỏ. BỬU GIÁM hay BẢO GIÁM 寶鑑 có chữ BẢO 寶 là Báu vật quý giá; GIÁM 鑑 có bộ KIM 金 là Kim loại bên trái và chữ GIÁM 監 là Giám sát bên phải, nên có nghĩa là Tấm gương soi (Ngày xưa chưa có pha lê, nên người ta mài kim loại cho sáng bóng lên để làm gương soi). Vì thế MINH TÂM BỬU GIÁM 明心寶鑑 có nghĩa là Tấm gương soi quý báu để cho người ta soi sáng lòng dạ của mình.
Ta còn có một từ MINH TÂM nữa...
MINH TÂM 銘心: chữ MINH 銘 nầy được ghép theo phép Hài thanh, gồm có bô KIM 金 là kim loại bên trái chỉ ý, bên phải là chữ DANH 名 chỉ âm (Vì âm Quan thoại DANH được đọc như MINH:"míng"); Nên MINH 銘 nầy có nghĩa Khắc, là Trạm, là Tạc. Vì vậy mà MINH TÂM 銘心 có nghĩa là "Tạc vào trong tim, khắc vào trong lòng". Ta có thành ngữ MINH TÂM KHẮC CỐT 銘心刻骨 là Tạc vào trong tim, khắc vào trong xương, mà tiếng Nôm ta nói thành "Ghi Lòng Tạc Dạ". Trong Truyện Kiều cụ Nguyễn Du nói là "Chạm Xương Chép Dạ" khi cho Thúy Kiều ngỏ lời cám ơn Từ Hải đã giúp mình trả ân trả oán :
... Trộm nhờ sấm sét ra oai,
Tấc riêng như cất gánh đầy đổ đi.
CHẠM XƯƠNG CHÉP DẠ xiết chi,
Dễ đem gan óc đền nghì trời mây !
Khi chàng Kim trở về vườn Thúy để tìm Kiều, thì mới biết Thúy Kiều đã bán mình cho Mã Giám Sinh. Vương viên ngoại đã kể lể với Kim Trọng rằng : "Trót lời hẹn với lang quân, Cậy con em nó Thúy Vân thay lời" và sau :
Mấy lời ký chú đinh ninh,
GHI LÒNG ĐỂ DẠ cất mình ra đi !...
Trong đời sống con người, có rất nhiều điều ta phải Khắc Cốt Ghi Tâm, dù cho có tài cao bát đấu cũng phải biết hồi tâm chuyển ý, khiêm tốn đối nhân, không làm tổn thương lòng tự trọng của người chung quanh mà phải biết trân trọng tâm ý của tất cả mọi người, như cụ Nguyễn Du đã từng khuyên răn :"Có TÀI mà cậy chi TÀI, Chữ TÀI liền với chữ TAI một vần". Và cụ đã kết thúc Truyện Kiều bằng lời khích lệ nhắc nhở :
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ TÂM kia mới bằng ba chữ TÀI!
Mong rằng tất cả mọi người đều biết trân trọng cái TÂM của mình và cả cái TÂM của người khác nữa !
Hẹn bài viết tới !
杜紹德
Đỗ Chiêu Đức
Sơn cùng thuỷ tận nghi vô lộ, 山窮水盡疑無路,
Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn ! 柳暗花明又一村!
Có nghĩa :
Núi đã cùng, nước đã tận, ngỡ là đã cùng đường rồi, không ngờ phía trước lại có ... Liễu xanh om hoa rực rỡ lại đưa ta đến một thôn làng khác nữa !
Câu nầy còn dùng để chỉ : Những việc tưởng đâu đã hết hi vọng rồi, nào ngờ lại mở ra được hướng giải quyết mới còn tốt hơn là cơ hội cũ nữa ! Ta hay đọc thấy câu nầy trong các truyện xưa, nhất là trong các truyện võ hiệp kỳ tình Trung Hoa :
Non cùng nước cạn ngờ vô lối,
Liễu biếc hoa hương lại một thôn !
Thực ra đó là 2 câu Thực trong bài Du Sơn Tây Thôn của Lục Du đời Tống. Hai câu thơ đó nguyên là :
山重水復疑無路, Sơn trùng thuỷ phục nghi vô lộ,
柳暗花明又一村。 Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn.
Nhưng trong THIÊN GIA THI 千家詩 đã chép sai "Sơn Trùng Thủy Phục 山重水復 " thành " Sơn Cùng Thủy Tận 山窮水盡 " là câu nói quen miệng của dân gian. Hai cách nói nầy khác nhau rất xa, nếu ta phân tích theo văn chương, còn đối với giới bình dân thì cho là " Ý nghĩa của NÓ cũng tương đương với nhau " mà thôi !
* SƠN TRÙNG THUỶ PHỤC 山 重 水 復 : SƠN TRÙNG là Núi trùng trùng điệp điệp, hết núi nầy đến núi khác, nên ở xa nhìn thì thấy toàn núi là núi. THỦY PHỤC là Hết dòng nước nầy đến dòng nước khác, nên nhìn thấy toàn nước là nước.
Vì NÚI và NƯỚC trùng phục ở trước mặt, cho nên mới NGHI VÔ LỘ 疑 無 路 : là " Ngỡ là đã hết đường đi rồi ". Nên mở ra câu sau rất thú vị không ngờ là :
Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn ! 柳暗花明又一村!
Còn nếu là ...
* SƠN CÙNG THỦY TẬN 山窮水盡 : là Núi đã Cùng đường rồi, Nước cũng đã tận cùng rồi, là ở nơi Cuối Đất Cùng Trời rồi, thì đâu có NGHI VÔ LỘ nữa, mà là CHUNG VÔ LỘ 終無路 là Rốt cuộc đã " Hết Đường Đi Thật rồi !" thì làm sao còn có câu sau là : Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn 柳暗花明又一村 cho được !
Bây giờ thì ta hãy đọc toàn bài thơ của bài Du Sơn Tây Thôn này nhé :
遊 山 西 村 Du Sơn Tây Thôn
莫 笑 農 家 臘 酒 渾, Mạc tiếu nông gia lạp tửu hồn,
豐 年 留 客 足 雞 豚。 Phong niên lưu khách túc kê đồn
山 重 水 復 疑 無 路, Sơn trùng thuỷ phục nghi vô lộ
柳 暗 花 明 又 一 村。 Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn
簫 鼓 追 隨 春 社 近, Tiêu cổ truy tuỳ xuân xã cận
衣 冠 簡 樸 古 風 存。 Y quan giản phác cổ phong tồn
從 今 若 許 閑 乘 月, Tòng kim nhược hứa nhàn thừa nguyệt
拄 杖 無 時 夜 叩 門。 Trụ trượng vô thì dạ khấu môn.
陸 游 Lục Du
CHÚ THÍCH :
* LẠP TỬU : Lạp là Tháng Mười Hai Âm Lịch, ta đọc trại thành Thánh CHẠP, nên Lạp Tửu là rượu của tháng Chạp, rượu được ủ để uống vào dịp Tết Âm Lịch.
* PHONG NIÊN 豐 年 : là Năm Được Mùa.
* KÊ ĐỒN : Kê là Gà, Đồn là Heo.
* XUÂN XÃ 春 社 : là Ngày Mậu Nhựt thứ 5 sau tiết Lập Xuân làm ngày XUÂN XÃ để cúng tế Thần Làng, như ta cúng Đình Làng vậy, để cầu cho sang năm lại được trúng mùa. Vì thế mà có thổi tiêu đánh trống ...
* 從 今 若 許 閑 乘 月 Tòng kim nhược hứa nhàn thừa nguyệt : là Từ nay về sau nếu như có rảnh rổi thì hay thừa lúc trăng sáng ...
* 拄 杖 無 時 夜 叩 門 Trụ trượng vô thì dạ khấu môn : là Hãy chống gậy mà đến gỏ cửa nhà ta bất cứ lúc nào trong đêm ( cũng hổng sao !). VÔ THÌ : là Bất cứ lúc nào.
NGHĨA BÀI THƠ :
Dạo Chơi Thôn Xóm Núi Tây
Xin đừng cười chê thứ rượu tế lễ không được trong của nhà nông trong tháng Chạp. Năm nay được mùa, nên giữ khách lại, đủ cả heo gà để đãi khách. Đừng vì núi liền với núi sông liền với sông mà ngỡ rằng đã không còn đường để đi tới, vì thấp thoáng trong bóng râm rặng liễu và khóm hoa tươi đẹp rực rỡ phía trước sẽ lại mở ra một thôn làng mới. Trống tiêu như giục giã vì ngày tế lễ đầu xuân đang gần kề. Áo mũ giản dị nhưng vẫn theo tục lệ cũ còn giữ lại. Từ nay về sau nếu như có rảnh rổi thì cứ thừa lúc trăng sáng ... Hãy chống gậy mà đến gỏ cửa nhà ta bất cứ lúc nào trong đêm ( cũng hổng sao, vì ta luôn luôn sẵn sàng đón tiếp ! )
Đây là cảnh nông dân ăn Tết ở Tây Thôn là một làng miền núi của một năm được mùa, chất phác chân thật mà nhiệt tình của đời sống thôn dã sau một năm cày sâu cuốc bẫm.
DIỄN NÔM :
DẠO NÚI XÓM TÂY
Thôn dã chớ cười rượu nhạt phèo,
Cuối năm đãi khách sẵn gà heo.
Núi liền sông nước ngờ vô lối,
Liễu rũ đường hoa đến xóm nghèo.
Tiêu trống rộn ràng Xuân Xã đến,
Áo xiêm giản dị cổ phong theo.
Từ nay nếu rảnh đêm trăng sáng,
Gỏ cửa cùng vui gậy khẳng kheo.
Lục bát :
Chớ cười rượu lễ nhạt phèo,
Được mùa đãi khách gà heo sẵn sàng.
Non liền nước ngỡ hết đàng,
Hoa chào liễu đón thôn làng lại sang.
Trống tiêu xuân xã rộn ràng,
Tục xưa áo mão nghiêm trang chỉnh tề.
Từ nay trăng sáng đi về,
Thăm nhau gỏ cửa chẳng nề đêm thâu.
Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
Hẹn bài dịch tới !
杜紹德
Đỗ Chiêu Đức
______________________
ĐỖ CHIÊU ĐỨC: Thơ Chúc Tết - Câu đối Tết Giáp Thìn 2024
* Bài thơ Chúc Tết:
XUÂN GIÁP THÌN 2024
Giáp Thìn chính hiệu chú Rồng Xanh,
Giáng thế mang theo lắm chuyện lành.
"Long Phụng Trình Tường" vui hỉ hạ,
"Long Phi Phụng Vũ" đón thanh bình.
Thầy Cô, Bạn Học đều an lạc,
Thân Hữu, Đồng Hương thảy rạng danh.
Cầu chúc Xuân nay toàn thế giới,
Hòa Bình Hạnh Phúc đón Rồng Xanh !
Đỗ Chiêu Đức
01-28-2024
* Câu đối:
Câu đối Tống Cựu Nghinh Tân:
卯去留瑞氣, Mão khứ lưu thuỵ khí,
辰來送吉祥。 Thìn lai tống cát tường.
Có nghĩa :
- Năm Mão qua đi nhưng còn lưu cái vận khí may mắn ở lại;
- Năm Thìn đến lại đưa điềm tốt lành đến theo. (TỐNG 送 là Đưa đến).
Thật là :
Mèo đi may mắn còn đây,
Thìn rồng vận tốt đến đầy khắp nơi.
MAO BÀNG 毛滂(1056—1124)tự là Trạch Dân 澤民. Người đất Thạch Môn Cù Châu (thuộc tỉnh Chiết Giang ngày nay). Thi nhân đời Bắc Tống. Lớm lên trong một gia đình Nho gia thế tộc, cha là Duy Chiêm, Bác là Duy Phiên, chú là Duy Phủ đều đậu Tiến sĩ. Từ nhỏ Mao Bàng đã thích thi từ ca phú. Năm Nguyên Phong thứ 2 đời Bắc Tống kết duyên cùng Triệu Anh ở Tây An. Mất vào cuối năm Tuyên Hòa, để lại 10 quyển Đông Đường Tập. Dưới đây là bài thơ Tết của ông.
玉樓春。 Ngọc Lâu Xuân.
己卯歲元日。 KỶ MÃO TUẾ NGUYÊN NHẬT
一年滴盡蓮花漏。 Nhất niên trích tận liên hoa lậu,
碧井酴酥沉凍酒。 Bích tỉnh Đồ Tô trầm đống tửu.
曉寒料峭尚欺人, Hiểu hàn liệu tiễu thượng khi nhân,
春態苗條先到柳。 Xuân thái miêu điều tiên đáo liễu.
佳人重勸千長壽。 Giai nhân trùng khuyến thiên trường thọ,
柏葉椒花芬翠袖。 Bách diệp tiêu hoa phân thúy tụ.
醉鄉深處少相知, Túy hương thâm xứ thiểu tương tri,
只與東君偏故舊。 Chỉ dữ đông quân thiên cố cựu.
宋.毛滂 Tống. Mao Bàng
* Chú thích :
- Ngọc Lâu Xuân 玉樓春 : là tên một loại Tống Từ. Ngọc Lâu Xuân còn có tên là Trình Tiêm Thủ 呈纖手, Xuân Hiểu Khúc 春嘵曲, Tích Xuân Dung 惜春容, Quy Triều Hoan Lệnh 歸朝歡令... Ngọc Lâu Xuân song điệu gồm có 56 chữ. Bốn câu trước và bốn câu sau đều gieo ba vần trắc. Biến điệu thì bốn câu sau chỉ gieo hai vần trắc mà thôi.
- KỶ MÃO TUẾ NGUYÊN NHẬT 己卯歲元日 : là Tựa chính của bài Từ nầy : NGÀY ĐẦU CỦA NĂM KỶ MÃO.
- Liệu Tiễu 料峭 : Bén nhọn; 曉寒料峭 Hiểu Hàn Liệu Tiễu : chỉ Cái lạnh của buổi sáng còn se sắt, buốc giá.
- Miêu Điều 苗條 : là Ẻo lả, mảnh khảnh; 春態苗條 Xuân Thái Miêu Điều : là Cái Dáng vẻ ẻo lả yểu điệu của mùa xuân.
- Bách Diệp Hoa Tiêu 柏葉椒花 : Lá của cây Bách, hoa của cây tiêu, 2 chất dùng để ủ rượu uống cho ấm những ngày Tết.
- Thúy Tụ 翠袖 : Tay áo màu xanh biếc của các nữ nhân ngày xưa; nên THÚY TỤ cũng có nghĩa là người đẹp.
- Túy Hương 醉鄉 : là Làng say, là Quê hương của những người say, chỉ chung các tay bơm nhậu với nhau.
- Đông Quân 東君 : là Ông vua ở hướng Đông, là Chúa Xuân đó.
* Nghĩa bài thơ :
- Cái đồng hồ có hình hoa sen đã nhỏ hết nước của một năm.
- Rượu Đồ Tô ngâm trong giếng biếc cho đong lại.
- Cái lạnh da diếc của buổi sáng còn ập vào người.
- Vẻ yểu điệu của mùa xuân thấm vào cây liễu trước tiên.
- Người đẹp cứ mời rồi lại mời rượu uống cho trường thọ.
- Mùi lá bách, hoa tiêu ướp trong rượu lẫn với mùi tay áo xanh của người đẹp (dễ làm say lòng người).
- Sâu thẩm trong làng say, người say chung thì nhiều mà người tri kỷ thì có được mấy ai đâu ! Thôi thì đành phải...
- Cùng với Chúa Xuân mà nhận tình cố cựu. Chúa Xuân mới là người bạn tri kỷ vì mỗi năm cứ đúng hẹn lại về, không sai chạy bao giờ !
Suốt năm dài đồng hồ sen nhễu,
Rượu Đồ Tô giếng ngâm không thiếu.
Sáng xuân hơi lạnh buốt lòng người,
Dáng xuân yểu điệu như nhành liễu !
Người đẹp mời ngàn ly trường thọ,
Tay áo xanh bách tiêu hương lạ.
Làng say sâu thẳm thiếu tri âm,
Chúa xuân tri kỷ đà bao nả !
* Song thất Lục bát :
Đồng hồ sen một năm nhỏ suốt,
Giếng nước ngâm lạnh buốt Đồ Tô.
Sáng xuân hơi lạnh đổ xô,
Vẻ xuân yểu điệu như bờ liễu xanh.
Rượu trường thọ khuyên anh uống cạn,
Bách tiêu hoa thoang thoảng hương xanh,
Làng say tri kỷ mong manh,
Đông Quân đúng hẹn đành rành cố nhân !
Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
Hẹn bài dịch tới !
杜紹德
Đỗ Chiêu Đức
Đầu những năm Thịnh Đường, hậu cung của nhà vua tuyển rất nhiều cung nữ, nhất là ở Thượng Dương Cung, là một cung lớn và đẹp lúc bấy giờ, phía nam cung giáp với dòng Lạc Thủy, phía bắc nối liền với Bắc Uyển của Ngự Hoa Viên, hoa lá cỏ cây xinh tươi, chim muông ca hót, nhã nhạc vang lừng, khiến cho Tiến sĩ Vương Kiến 王建(767—830)một thi nhân đời Đường đi ngang qua phía ngoài cung đã cảm tác bài thơ tứ tuyệt sau đây :
上陽花木不曾秋, Thượng Dương hoa mộc bất tằng thu,
洛水穿宮處處流。 Lạc Thủy xuyên cung xứ xứ lưu.
畫閣紅樓宮女笑, Họa các hồng lâu cung nữ tiếu,
玉簫金管路人愁。 Ngọc tiêu kim quản lộ nhân sầu !
Có nghĩa :
- Hoa cỏ trong cung Thượng Dương như chẳng từng có mùa thu.
- Dòng Lạc Thủy chảy xuyên qua cung rồi chảy đi khắp nơi.
- Trong lầu son gác tía vẳng ra tiếng nói cười của các cung nữ...
- Hoà với tiếng tiêu ngọc sáo vàng làm cho người qua đường buồn muốn đứt ruột !...
Thượng Dương hoa cỏ vẫn xinh tươi,
Lạc Thủy xuyên cung chảy khắp nơi.
Gác tía lầu son cung nữ hát...
Tiêu vàng sáo ngọc xót lòng người !
Lòng người xót xa vì thương cho thân phận của những cung nhân trong lầu son gác tía kia như những con chim oanh bị nhốt trong lòng son, suốt đời lắm người còn chưa từng trông thấy mặt vua ra sao cả !
Theo sách "Cựu Đường Thư 舊唐書" tiết lộ cho ta một con số vô cùng kinh hãi : Những năm Khai Nguyên và Thiên Bảo của buổi Thịnh Đường, kể cả hậu cung và hành cung ở khắp nơi trên đất nước, tổng số cung nhân lên đến trên bốn vạn (40.000) người. Đây là con số không tiền khoáng hậu của các triều đại Trung Hoa và cả khắp các nơi trên thế giới nữa; chưa có ông vua nào, triều đại nào có số cung nhân cao đến như thế cả ! Theo Đào Cốc 陶谷 của đời Bắc Tống ghi lại trong "Thanh Dị Lục 清異錄" : Những năm Khai Nguyên, mỗi đêm vì cung nhân qúa đông, không biết chọn ai để thị tẩm, Thái giám Tổng quản phải cho các người đẹp thi đổ xúc xắc, ai thắng cuối cùng thì sẽ được độc quyền thị tẩm với Đường Huyền Tông đêm hôm đó. Đó là những phi tần ở gần vua còn những cô khác ở xa hơn, nhất là các cô ở các hành cung xa xôi hơn thì đành chịu suốt đời phòng không chiếc bóng như trong bài "Hành Cung 行宮" của Nguyên Chẩn vậy :
寥落古行宮, Liêu lạc cổ hành cung,
宮花寂寞紅。 Cung hoa tịch mịch hồng.
白頭宮女在, Bạch đầu cung nữ tại,
閒坐說玄宗。 Nhàn tọa thuyết Huyền Tông.
Có nghĩa :
Lơ thơ lạnh lẽo hành cung,
Cung hoa đỏ thắm lạnh lùng lặng yên.
Bạc đầu cung nữ huyên thuyên,
Ngồi buồn nhắc những chuyện Huyền Tông xưa.
Cuộc đời của những người đẹp trong cung, đến khi đầu bạc chỉ còn lại những hoài niệm và nuối tiếc mà thôi ! Nên chi, ba ngàn giai lệ với cuộc sống xa hoa nhàn hạ suốt ngày bị giam hãm trong cung sâu, rất nhiều người đẹp đã nhặt những chiếc lá vàng lá đỏ rơi rụng trong cung đề thơ để giải tỏa nỗi lòng u ẩn, để bày tỏ những ước vọng sâu kín trong lòng, rồi thả theo dòng nước ngự câu cho trôi ra ngoài đến chốn nhân gian tự do tự tại.
Theo "Bổn Sự Thi 本事詩" cuả Mạnh Khải 孟棨, có 2 nguồn chính về "Hồng Diệp Đề Thi 紅葉題詩" là đề thơ lên lá đỏ như sau :
Lá đỏ đề thơ ở Thượng Dương Cung
* CỐ HUỐNG 顧況(725—814)tự là Bô Ông 逋翁, hiệu là Hoa Dương Chân Dật 華陽真逸. Đậu Tiến sĩ năm Chí Đức thứ 2 đời Đường Túc Tông. Khi ở Lạc Dương, lúc rảnh rỗi cùng ba người bạn dạo chơi bên ngoài Thượng Dương Cung. Bỗng nhìn thấy một chiếc lá ngô đồng màu đỏ từ trong cung trôi ra trên đó thấp thoáng có chữ viết, bèn vớt lên thì thấy có bài thơ :
一入深宮裏, Nhất nhập thâm cung lý,
年年不見春。 Niên niên bất kiến xuân.
聊題一片葉, Liêu đề nhất phiến diệp,
寄與有情人。 Ký dữ hữu tình nhân !
Có nghĩa :
Đã vào cung cấm thâm sâu,
Năm năm chẳng thấy xuân đâu bao giờ.
Buồn đề trên lá bài thơ,
Gởi cho ai đó đợi chờ hữu duyên.
Hôm sau, Cố Huống lên phía trên dòng nước, nhặt một lá đỏ đề bài thơ tứ tuyệt sau đây gởi ngươc vào trong cung :
花落深宮鶯亦悲, Hoa lạc thâm cung oanh diệc bi,
上陽宮女斷腸時。 Thượng Dương cung nữ đoạn trường thì.
君恩不閉東流水, Quân ân bất bế đông lưu thủy,
葉上題詩寄與誰? Diệp thượng đề thi ký dữ thuỳ ?
Có nghĩa :
Hoa rụng cung sâu oanh cũng sầu,
Thượng Dương cung nữ quặn lòng đau.
Ơn vua chẳng bế dòng lưu thủy,
Trên lá đề thơ gởi đến đâu
Qua mấy hôm sau, có người bạn biết chuyện Cố Huống đề thơ gởi vào cung, khi đi dạo chơi bên bờ Ngự câu, lại nhặt được một bài thơ từ trong cung trôi ra, đem đến cho Cố Huống xem :
一葉題詩出禁城, Nhất diệp đề thi xuất cấm thành,
誰人酬和獨含情。 Thùy nhân thù họa độc hàm tình.
自嗟不及波中葉, Tự ta bất cập ba trung diệp,
盪漾乘春取次行。 Đảng dạng thừa xuân thủ thứ hành !
Có nghĩa :
Một lá đề thơ ra cấm thành,
Ai người họa vận thật chân tình.
Thân ta tiếc chẳng trôi như lá,
Theo sóng chập chờn xuân vẫn xanh !
* Một nguồn khác về cung nữ đề thơ là vào những năm Khai Nguyên, vua Đường Huyền Tông hạ chiếu cho hơn chục ngàn cung nhân ở hậu cung, mỗi người may vài bộ quân bào (áo của lính mặc) để gởi ra ngoài biên ải cho các quân nhân đang trấn thủ lưu đồn không về ăn Tết được. Một quân nhân ở vùng biên tái đã phát hiện ra trong đoản bào (áo lót ngắn) có một bài thơ như sau :
沙場征戍客, Sa trường chinh thú khách,
寒苦若為眠。 Hàn khổ nhược vi miên.
戰袍經手作, Chiến bào kinh thủ tác,
知落阿誰邊。 Tri lạc a thùy biên.
畜意多添線, Súc ý đa thiêm tuyến,
含情更著綿。 Hàm tình cánh chước miên.
今生已過也, Kim sanh dĩ quá dã,
重結後生緣。 Trùng kết hậu sanh duyên.
Có nghĩa :
Lính thú sa trường khách,
Lạnh khổ bởi vì đâu.
Chiến bào may cho chắc,
Biết lọt vào tay nào.
Có ý thêm làn chỉ,
Hàm tình bông ấm sao.
Kiếp nầy thôi đà lở,
Đành hẹn đến kiếp sau
Không dám che dấu, người binh sĩ trình chiếc áo có bài thơ lên cho tướng soái. Nguyên soái trấn thủ biên ải lại trình về kinh thành. Vua Huyền Tông cho triệu tập hết lục cung phi tần lại, đưa bài thơ ra và phán rằng : Ai đã làm bài thơ nầy, nếu nói thật thì sẽ không bị giáng tôi. Một cung nhân trẻ đẹp đã bật khóc và bước ra nhận tội chết. Đường Huyền Tông đã rất cảm động và đồng tình, bèn hạ chiếu tha tội và cho triệu người binh sĩ đó về và ban hôn cho hai người được đoàn tụ ở kiếp nầy, chớ không cần phải đợi đến kiếp sau.
THƠ ĐỀ LÁ ĐỎ hay HỒNG DIỆP ĐỀ THI còn có 3 xuất xứ như sau :
1. Theo THỊ NHI TIỂU DANH LỤC 侍兒小名錄 :
Con gái nuôi của tài nhân nhà Phụng Ân Vương 奉恩王 đời Đường là Phượng Nhi 鳳兒 thường đề thơ trên lá đỏ, rồi thả trên dòng nước từ cung vua trôi ra ngoài. Tiến sĩ Giả Toàn Hư 賈全虛 bắt được lá. Quan Kim Ngô tâu việc ấy lên vua. Nhà vua bèn gả Phượng Nhi cho Giả Toàn Hư và phong cho chức Kim Ngô.
2. Theo sách VĂN KHÊ HỮU NGHỊ 云溪友議 :
Thư sinh Lư Ốc 盧渥 đi ngang qua ngự câu (dòng nước chảy từ cung vua ra ngoài), Ngẫu nhiên vớt được một chiếc lá đỏ trên đó có đề một bài thơ. Ốc nâng niu và cất vào trong tráp. Khi vua Đường thải cung nữ cho đi lấy chồng. Lư Ốc lấy được một cô, lại đúng là người thả chiếc lá kia. Lúc trông thấy chiếc lá đỏ trong trap, người vợ nói :” Khi ấy thiếp chỉ ngẫu nhiên đề thơ, không ngờ chàng lại chính là người đã bắt được !”.
3. Theo THANH TỎA CAO NGHỊ 青瑣高議 :
Cung nhân Hàn Thị 韓氏 đề một bài thơ trên lá đỏ, thả trên dòng nước từ cung vua trôi ra ngoài. Thư sinh Vu Hựu 于佑 nhặt được đem cất đi. Hựu lại viết hai câu thơ, rồi đợi nước lớn thả ngược vào trong cung. Hàn Thị bắt được lá cũng cất vào trong rương. Sau vua Đường cho thải ba ngàn cung nhân, Hàn Thị được thải ra và rất tình cờ lấy được Vu Hựu làm chồng. Khi phát hiện ra lá đỏ của nhau, vợ cùng cùng cảm động mà nói với nhau rằng :”Chúng ta phải tạ ơn cho hai người mai mối, chính là hai cái lá đỏ nầy đây“.
Cả ba xuất xứ trên của điển tích Lá Thắm đều có nội dung tương tự như nhau. Nhưng truyền tụng rộng rãi trong dân gian và được mọi người yêu thích nhất là Xuất Xứ Thứ 3 : Truyện của chàng thư sinh Vu Hựu 于佑 và cung nhân Hàn Thị 韓氏. Truyện được kể như sau :
Đời vua Đường Hi Tông 唐僖宗 (874-888). Thiên hạ loạn lạc. Giặc giã nổi lên khắp nơi, vì thế mà kẻ sĩ là những người chân yếu tay mềm đều nhập kinh lánh nạn, một số cũng nhân cơ hội nầy đợi kỳ ứng thí để tìm chút công danh. Trong số đó có chàng nho sinh Vu Hựu 于佑.
Sau khi lưu lạc ở đất Trường An, Vu Hựu cũng không tìm được việc làm thích hợp. Chàng hay lang thang đi về những nơi hẻo lánh của chốn kinh thành. Một buổi chiều thu, khi thả bộ bên dòng Ngự câu từ trong cung chảy ra, ngắm những lá phong vàng bị gió thu cuốn rơi lả tả trôi theo dòng nước. Cảm khái với thân phận của mình cũng giống như những chiếc lá vàng kia. Chàng bèn ngồi xuống một tảng đá bên bờ ngự câu mà nhìn lá rơi nước cuốn. Những chiếc lá phong đỏ rực lắp lánh bên dòng nước thu hút sự chú ý của chàng. Chàng chợt thấy thắp thoáng trên một chiếc lá phong ẩn hiện như có dòng chữ viết, bèn vội vả vớt lên xem, thì thấy có bốn câu Ngũ ngôn Tứ tuyệt sau đây :
Lưu thuỷ hà thái cấp ? 流水何太急 ?
Thâm cung tận nhật nhàn. 深宮盡日閒。
Ân cần tạ hồng diệp, 殷勤謝紅葉,
Hảo khứ đáo nhân gian ! 好去到人間!
Có nghĩa :
Nước chảy sao vội thế ?
Trong cung suốt buổi nhàn.
Ân cần nhờ là đỏ,
Đưa đến chốn nhơn gian !
Lời thơ thanh tân mà chất chứa bao nỗi u ẩn ở trong lòng : Nước ơi, sao mà chảy vội vả thế, trong cung cấm ta nhàn rỗi suốt cả ngày, nên mới ân cần nhờ chiếc lá đỏ gởi những dòng tâm sự nầy ra đến cỏi dân gian ! Vu Hựu cảm thương cho người cung nữ tài hoa, nàng đã gọi thế giới bên ngoài là " Nhơn Gian ", thế thì ở trong cung cấm là gì ?" Địa Ngục " sao ?. Chàng cứ ray rức ngẩn ngơ thương cho nàng cung nữ bất hạnh, bèn lên phía thượng lưu của ngự câu, chọn một chiếc lá thật đẹp, rồi thả trở vào cung hai câu thơ thất ngôn sau đây :
Tằng văn diệp thượng đề hồng oán, 曾聞葉上題紅怨
Diệp thượng đề thi ký A thùy ? 葉上題詩寄阿誰?
Có nghĩa :
Từng nghe lá đỏ đề thơ oán,
Lá đỏ đề thơ gởi đến ai ?
Bạn bè biết được sự si tình của Vu Hựu, lại chế giễu chàng bằng hai câu thơ sau đây :
Quân ân bất cấm đông lưu thủy, 君恩不禁東流水
Lưu xuất cung tình thị thử câu. 流出宮情是此溝.
Có nghĩa :
Vua không ngăn nước về đông,
Thả tình cung cấm theo dòng chảy ra !
Mặc cho bạn bè cười cợt, Vu Hựu vẫn mang chiếc lá về cất kỹ trong rương. Rồi từ đó về sau chàng đi thi mãi mà vẫn không đậu đạt gì cả. Vì cuộc sống khó khăn nên chàng mới xin vào làm gia khách, gia sư cho một qúy nhân ở Hà Trung là Hàn Vĩnh 韓泳. Hàn rất kính trọng về nhân phẩm và học vấn của Vu Hựu nên đối với chàng rất tốt.
Mười năm sau, trong cung vua thải ra ba ngàn cung nhân, cho về quê lấy chồng sinh sống. Trong số đó có Hàn Thị 韓氏 là em họ của Hàn Vĩnh. Vĩnh biết Hựu chưa lập gia đình nên mới làm mai Hàn Thị cho chàng. Hàn Thị ở trong cung lâu ngày nên cũng tích lũy được một ít tài vật, lại có nhan sắc. Vu Hựu vốn là thư sinh cùng đồ mạt vận, nay bỗng được vợ đẹp lại có của thì còn gì sung sướng cho bằng. Còn Hàn Thị thì ngoài ba mươi mới lấy chồng, nên hết lòng thương yêu chăm sóc cho Vu Hựu. Sau tân hôn họ sống với nhau rất là hạnh phúc.
Một hôm, Hàn Thị sắp xếp lại sách vở cho chồng, bỗng phát hiện ra chiếc lá đỏ có đề thơ của mình được kẹp trong một quyển sách. Nàng rất ngạc nhiên mà hỏi chàng về lai lịch của chiếc lá. Vu Hựu bèn kể lại đầu đuôi câu chuyện ngày xưa. Hàn Thị bèn cho chàng biết đó là bài thơ của mình, đồng thời cũng lấy từ trong trap ra chiếc lá có hai câu thơ của Vu Hựu mà nàng đã vớt được sau đó. Cả hai đều rất kinh ngạc và cảm khái cho duyên số đã an bài. Hàn Thị bèn từ trong trap lấy ra thêm một bài thơ nữa và nói với chồng rằng : “Đây là bài thơ của thiếp làm sau khi vớt được chiếc lá của chàng!”. Vu Hựu bèn đọc bài thơ như sau :
Độc bộ thiên câu ngạn, 獨步天溝岸,
Lâm lưu đắc diệp thì. 臨流得葉時.
Thử tình thùy khả đắc, 此情誰可得
Trường đoản nhất liên thi ! 腸斷一聯詩 !
Có nghĩa :
Lẻ loi bước giữa dòng câu,
Bên bờ vớt lá nghe sầu mênh mang.
Tình nầy ai thấu can tràng,
Đau lòng cung nữ đôi hàng thơ ai !
Hôm sau, vợ chồng Vu Hựu bèn đem chuyện Lá Đỏ Đề Thơ nói cho Hàn Vĩnh biết. Nghe xong Hàn Vĩnh cả cười, cầm bút lên viết ngay một bài thất ngôn tuyệt cú như sau :
Nhất liên giai cú tùy lưu thủy, 一聯佳句隨流水,
Thập tải u tư mãn tố hoài. 十載幽思滿素懷.
Kim nhật khước thành loan phượng hữu, 今日卻成鸞鳳友,
Phương tri hồng diệp thị lương mai. 方知紅葉是良媒.
Có nghĩa :
Đôi câu thơ đẹp chảy theo dòng,
Ấp ủ lòng son suốt chục năm.
May mắn hôm nay loan phụng hợp,
Mới hay lá đỏ chính mai dong !
Sau đó, Hàn Vĩnh còn cho tổ chức một Hồng Diệp Hội (một Party về Lá Đỏ) cho hai vợ chồng Vu Hựu và còn công khai chuyện Lá Đỏ Đề Thơ ra ngoài. Các văn nhân thi sĩ ở Trường An lúc bấy giờ hưởng ứng rất đông.
Chẳng bao lâu sau, gặp loạn Hoàng Sào. Đường Hi Tông cùng bá quan văn võ lià bỏ kinh thành chạy loạn vào đất Thục. Vợ chồng Vu Hựu cũng cùng với Hàn Vĩnh theo phò giá. Vì trước kia từng ở trong cung nên rất am tường về nề nếp sinh hoạt của hoàng gia, vì thế Hàn Thị được vua triệu kiến. Nhà vua bèn hỏi nàng về chuyện đề thơ trên lá. Hàn Thị bèn kể lại chuyện mình. Vua lại triệu kiến Vu Hựu. Thấy chàng ăn nói chửng chạc đối đáp lưu loát, có văn tài, bèn cho theo làm tùy tùng bên cạnh vua.
Khi loạn Hoàng Sào được dẹp yên. Vu Hựu vì theo phò giá có công, nên được phong làm Thần Sách Quân Ngu Hầu. Mặc dù quan chức không lớn, nhưng khi trở lại trường an, vợ chồng Vu Hựu nổi tiếng với câu chuyện Lá Đỏ Đề Thơ của mình. Họ sống với nhau rất hạnh phúc trong cảnh phú qúy vinh hoa và mặc dù đã trên ba mươi mới lấy chồng, Hàn Thị vẫn sinh được năm trai hai gái. Đến khi con cái lớn lên và đã thành đạt cả rồi mà câu chuyện Lá Đỏ Đề Thơ vẫn còn được dân gian nhắc mãi.
Tương truyền là Hàn Thị mất trước. Trước lúc lâm chung, bà còn yêu cầu chồng cho chôn chung chiếc lá đỏ với mình. Lá đỏ giờ đã phai màu, nhưng câu chuyện " Hồng Diệp Đề Thi " của họ vẫn thắm đượm mãi trong dân gian…
Lúc bấy giờ, Thừa Tướng đương triều là Trương Tuấn 張濬 biết được việc nầy đã cảm khái mà viết nên bài ca sau đây :
Trường an bách vạn hộ, 長安百萬戶,
Ngự thủy nhật đông chú. 御水日東注。
Thủy thượng hữu hồng diệp, 水上有紅葉,
Tử độc đắc giai cú. 子獨得佳句。
Tử phục đề thoát diệp, 子復題脫葉,
Lưu nhập cung trung khứ. 流入宮中去。
Hán cung thiên vạn nhân, 漢宮千萬人,
Diệp quy Hàn Thị xứ. 葉歸韓氏處.
Xuất cung tam thiên nhân, 出宮三千人,
Hàn Thị tịch trung số. 韓氏藉中數。
Hồi thủ tạ quân ân, 回首謝君恩,
Lệ sái yên chi vũ. 淚灑胭脂雨。
Ngụ cư qúy nhân gia, 寓居貴人家,
Phương dữ tử tương ngộ, 方與子相遇。
Thông môi lục lễ cụ, 通媒六禮俱。
Bách tuế vi phu phụ. 百歲為夫婦。
Nhi nữ mãn nhản tiền, 兒女滿眼前,
Thanh tử doanh môn hộ. 青紫盈門戶。
Tư sự tự tiền vô, 茲事自前無,
Khả dĩ truyền thiên cổ ! 可以傳千古!
* DIỄN NÔM :
Thành Trường An dân đông bách hộ,
Dòng ngự câu vẫn đổ về đông.
Chảy xuôi lá đỏ theo dòng,
Chàng Vu bắt được bâng khuâng sớm chiều.
Viết đôi câu đánh liều thả ngược,
Trôi vào cung theo nước phản hồi.
Lãnh cung nhan nhản những người,
Lá về Hàn Thị tìm vui cung buồn.
Thải về nguồn ba ngàn cung nữ,
Hàn Thị về vui chữ đoàn viên.
Cúi đầu lạy tạ ơn trên,
Lệ rơi ướt má hết phiền hết lo.
Đem thân trọ nhà anh Hàn Vĩnh,
Gặp chàng Vu định mối lương duyên.
Mối mai sáu lễ đã yên,
Trăm năm chồng vợ phỉ nguyền sánh đôi.
Con đàn cháu đống thảnh thơi,
Nên danh áo tía lộc trời vinh hoa.
Duyên lành LÁ ĐỎ đồn xa,
Lưu danh thiên cổ ai mà chẳng khen !
Sau bài ca nầy, câu chuyện “Hồng Diệp Nhân Duyên"(Nhân duyên nhờ vào lá đỏ) của Vu Hựu và Hàn Thị được loan truyền khắp cả nước và … mãi mãi cho đến ngày nay !
Trong văn chương Việt Nam ta gọi lá đỏ là LÁ THẮM, như trong phần đầu Truyện Kiều, khi dò la chỗ ở của Thúy Kiều, Kim Trọng đã đụng phải :
Thăm nghiêm kín cổng cao tường,
Cạn dòng LÁ THẮM dứt đường chim xanh !
Lá Thắm là từ Nôm của từ “Hồng Diệp 紅葉” là Lá đỏ thắm; mà Hồng Diệp lại là từ nói gọn lại của nhóm từ “Hồng Diệp Đề Thi 紅葉題詩” là “Lá Đỏ Đề Thơ”, hay là “Thơ Bài Lá Đỏ” như trong thơ của Hoàng Sĩ Khải :
Thực nhân tình THƠ BÀI LÁ ĐỎ,
Mạch sầu kia hầu tỏ cùng ai.
Vì lá đỏ đề thơ rồi thả trôi theo dòng nước, nên còn được nói trại đi thành “Thả Lá Doành Câu” như trong Bích Câu Kỳ Ngộ là :
Trông hoa lặng ngắt giờ lâu,
Ấy ai THẢ LÁ DOÀNH CÂU ghẹo người ?!
Hồng Diệp đôi khi còn được nói thành nửa Hán nửa Nôm là “Lá Hồng”, như trong Hoa Tiên Truyện của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện :
Gớm nơi ngôi bảng duềnh khơi,
LÁ HỒNG bỗng đến chi nơi nổi chìm.
Hồng Diệp còn thường đi chung với Xích Thằng, thành “Hồng Diệp Xích Thằng 紅葉赤繩”, như lời của Thúy Kiều nói với Kim Trọng :
Nàng rằng HỒNG DIỆP Xích Thằng,
Một lời cũng đã tiếng rằng tương tri !
Và như trong Tây Sương Ký :
Sự đâu nói gió bàn trăng,
Mà nghe HỒNG DIỆP Xích Thằng như chơi !
Hồng Diệp Xích Thằng nói Nôm na thành ra “Lá Thắm Chỉ Hồng”, cũng lời của Thúy Kiều nói với Kim Trọng khi Kim tỏ tình :
Dù cho LÁ THẮM Chỉ Hồng,
Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha.
Ta thấy, điển tích HỒNG DIỆP ĐỀ THI 紅葉題詩 được sử dụng hết sức rộng rãi trong văn học cổ Việt Nam ta, và được biến thể rất đa dạng từ Hồng Diệp đến Lá Thắm, Lá Hồng, Hồng Diệp Đề Thi, Thư Bài Lá Đỏ, Hồng Diệp Xích Thằng … Nên muốn hiểu hết, cảm nhận hết ý nghĩa của các câu thơ trên, ta phải tìm hiểu xuất xứ của điển tích này để thấy được hết cái hay ho, ý vị hàm chứa trong các câu thơ đó...
Hẹn bài viết tới
杜紹德
Đỗ Chiêu Đức
TÝ, SỬU, DẦN, MÃO, THÌN... THÌN 辰 là ngôi thứ 5 trong Thập Nhị Địa Chi 十二地支, cầm tinh con RỒNG; Chữ Nho gọi Rồng là LONG 龍, là con thú đứng đầu trong Tứ Linh 四靈 : LONG LÂN QUY PHƯỢNG 龍麟龜鳳. Chữ LONG 龍 là tượng hình của một con vật thần thoại và cũng là một trong 214 bộ của "CHỮ NHO...DỄ HỌC" theo diễn tiến của chữ viết như sau :
Ta thấy :
Giáp Cốt Văn và Kim Văn là hình tượng của một loài thú bò sát như rắn ngẩn cao đầu, trên đầu có sừng, đang há miệng và trong miệng có răng, trông rất hung ác. Đến Đại Triện thì phần đầu được viết to ra và phần mình và đuôi được rút ngắn lên bên phải, kịp đến Tiểu Triện thì lại thêm vài nét trên lưng tượng trưng cho kì vi, đến Lệ Thư thì các nét được kéo thẳng như chữ viết hiện nay LONG 龍 là RỒNG.
RỒNG là con vật thần thoại trong truyền thuyết Trung Hoa từ đời thượng cổ; có sừng, có vảy, có móng vuốt, có râu ria, Có thể ngắn có thể dài, có thể lớn có thể nhỏ, khi mờ khi tỏ, biết kéo mây làm mưa; mùa xuân thì bay lên trời, mùa thu thì lặn xuống vực sâu, biến hóa vô cùng.
Năm 2024 là năm GIÁP THÌN 甲辰. GIÁP là ngôi đầu của Thập vị Thiên Can là : GIÁP, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Qúy. THÌN là ngôi thứ năm của Thập nhị Địa Chi là "Mười hai con giáp : Tý, Sửu, Dần, Mão, THÌN, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dẫu, Tuất, Hợi". GIÁP theo Dịch lý ngũ hành thì Đông phương Giáp Ất thuộc Mộc, là mùa Xuân, cây cỏ đâm chồi nẩy lộc, chủ màu Xanh. THÌN là Rồng, nên GIÁP THÌN là con rồng mang màu sắc của cây cỏ, là con Rồng Xanh, chữ Nho gọi là Thanh Long 靑龍 hay Thương Long 蒼龍 gì cũng được. Lạm bàn về chữ THANH và THƯƠNG như sau :
* THANH 靑 : là chữ Hội Ý. Có phần trên là bộ SANH 生 chỉ thực vật cây trái còn sống (chưa chín); Phần dưới là chữ ĐAN 丹 chỉ động vật còn đỏ hỏn khi mới được sanh ra. Nên THANH là Màu xanh nói chung, chỉ còn tươi còn trẻ còn non, như THANH SƠN 靑山 là Núi Xanh; THANH MAI 靑梅 là Mai còn xanh non; THANH NIÊN 靑年 là Tuổi Xanh, tuổi còn trẻ...
* THƯƠNG 蒼 : là chữ Hài Thanh. Có phần trên là bộ THẢO 艹 chỉ Hoa cỏ; Phần dưới là chữ THƯƠNG 倉 (là Bồ lúa) chỉ Âm. Nên THƯƠNG là màu xanh lá cây, là màu xanh tươi của hoa cỏ; như THƯƠNG THÚY 蒼翠 là Xanh biếc; THƯƠNG ĐÀI 蒼苔 là Rêu xanh; THƯƠNG THIÊN 蒼天 là Trời xanh...
Nên...
Năm GIÁP THÌN 2024 là năm của con Rồng Xanh, của Thương Long hay Thanh Long; mà THANH LONG 靑龍 là một trong Tứ Linh 四靈 của Thiên Tượng 天象 trên trời, nên là một trong Tứ Tượng 四象. Căn cứ theo âm dương ngũ hành THANH LONG là con linh thú ở phương đông, thuộc hành Mộc nên có màu Xanh, đại biểu cho mùa Xuân và thuộc quẻ Chấn trong Bát quái.
THANH LONG hay THƯƠNG LONG còn là một nhóm Bảy vì sao ở hướng đông trong Nhị Thập Bát Tú. Bảy sao đó là :
1. Sao GIÁC là GIÁC MỘC GIAO 角木蛟 : là con Giao long.
2. Sao CANG là CANG KIM LONG 亢金龍 : là con Rồng vàng.
3. Sao ĐÊ là ĐÊ THỔ LẠC 氐土貉 : là con Cáo.
4. Sao PHÒNG là PHÒNG NHẬT THỐ 房日兔 : là con Thỏ.
5. Sao TÂM là TÂM NGUYỆT HỒ 心月狐 : là con Chồn.
6. Sao VĨ là VĨ HỎA HỔ 尾火虎 : là con Cọp.
7. Sao CƠ là CƠ THỦY BÁO 箕水豹 : là con Beo.
Bảy sao đó hình thành hình tượng của một con Rồng Xanh trên bầu trời Đông : GIÁC là hai sừng của rồng, CANG là cổ của rồng, ĐÊ là móng vuốt trước của rồng, PHÒNG là bụng của rồng, TÂM là tim của rồng, VĨ là đuôi của rồng, CƠ là móng vuốt sau của rồng. Bảy chòm sao này xuất hiện giữa trời tương ứng với mùa Xuân.
Hai sao PHÒNG và TÂM gần nhau nhất trong nhóm Thanh Long, có nhiều đặc điểm tương đồng về độ sáng, cấu tạo, chu kỳ,... nên thường được ví như là hai chị em sinh đôi. Còn trong đời nhà Minh, Chỉ Huy Sứ Cẩm Y Vệ được gọi là THANH LONG.
NĂM THÌN là năm đứng sau năm Mão, là năm của con RỒNG, con vật thần thoại không có thật. GIỜ THÌN là từ 7 - 9 giờ sáng, là giờ mặt trời bắt đầu chiếu ánh sáng rưc rỡ lên vạn vật. THÁNG THÌN là Tháng Ba Âm lịch trong năm với tiết Thanh Minh và Cốc Vũ, cây lúa đã bắt đầu xanh tốt để trổ bông. Theo Tử Vi Đẩu Số thì người tuổi Thìn sẽ hợp với người tuổi Tý và tuổi Thân, cách nhau 4 tuổi; Thân Tý Thìn TAM HẠP mà ! Còn TỨ HÀNH XUNG là Thìn, Tuất, Sửu, Mùi, cách nhau 3 tuổi; trong đó THÌN-TUẤT là 2 tuổi chánh xung với nhau, cách nhau 6 tuổi. Nên ngày xưa trai gái muốn kết hôn thì các ông bà hay coi tuổi. Hễ cách nhau 2 tuổi, 4 tuổi hoặc 8 tuổi thì TỐT, còn cách nhau 3, 6 hoặc 9 tuổi thì rất XẤU, vì sẽ lọt ngay vào Tứ Hành Xung của 3 nhóm : Tý Ngọ Mẹo Dậu hay Dần Thân Tỵ Hợi hoặc Thìn Tuất Sửu Mùi. Chạy trời cũng không khỏi nắng !
THÌN là RỒNG, là con vật thần thoại sống ở trên trời như câu hát dân gian ở đầu bài viết :
Tuổi Thìn Rồng ở thiên đình,
Làm mưa làm gió ẩn mình trong mây.
Theo Hào Cửu Ngũ của quẻ Càn trong Kinh Dịch《易經.乾卦》中,解説「九五爻」có câu :... Vân tòng long, phong tòng hổ 雲從龍,風從虎... Có nghĩa : Mây theo rồng, gió theo cọp, và chính xác hơn là "Long ngâm vân xuất, Hổ khiếu phong sanh 龍吟雲出, 虎嘯風生" Có nghĩa : Rồng rống thì mây sanh, Cọp gầm thì gió nổi. Nên Rồng và Mây thường hòa quyện vào nhau tạo nên một bức tranh thật đẹp thật hùng vĩ trên bầu trời, nên cổ nhân mới ví những người quan trường đắc chí hay thi đậu ngày xưa như là "Rồng Mây gặp hội". Trong bài hát nói Kẻ Sĩ của cụ Nguyễn Công Trứ có câu :
RỒNG MÂY khi gặp hội ưa duyên,
Mang quách cả sở tồn làm sở dụng.
RỒNG MÂY hay MÂY RỒNG còn dùng để chỉ các bậc vua chúa ngày xưa, như khi gặp gỡ Thúy Kiều, Từ Hải đã bảo nàng :"Lại đây xem lại cho gần, Phỏng tin được một vài phần hay chăng ?" Thúy Kiều "ngắm" Từ Hải xong bèn đáp :
Thưa rằng : Lượng cả bao dong,
Tấn Dương được thấy MÂY RỒNG có phen!
Rộng thương cỏ nội hoa hèn.
Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau...
Ý của Thúy Kiều là : Tôi biết là ông có chí lớn rồi, có ngày ông sẽ khởi binh như Đường Cao Tổ đã khởi binh ở Tấn Dương để gầy dựng nên nhà Đường vậy! Có ngày ông sẽ thấy Mây Rồng, tức là có ngày ông sẽ xưng hùng xưng bá hay làm vua gì đó. Chừng đó ông đừng có quên thân "cỏ nội hoa hèn" là tôi đây nghen, thân bèo bọt của tôi còn chờ để trông cậy vào ông đó ! Thấy Thúy Kiều nói trúng tim đen của mình, làm cho Từ Hải cũng cảm thấy sướng rơn và cũng rất tự hào mà hứa hẹn :
Một lời đã biết đến ta,
Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau!
RỒNG vừa bay trên trời lại vừa lội dưới nước; Bay trên trời là THIÊN LONG 天龍, còn lội dưới nước là THỦY LONG 水龍. Theo truyền thuyết dân gian cổ xưa ảnh hưởng bởi Đạo Giáo, RỒNG còn là vua ở dưới nước, được xưng tụng là LONG VƯƠNG 龍王, quản về thời tiết mưa gió của dân gian, nên những năm thiên tai hạn hán là phải cúng bái cầu đảo xin Long Vương ban cho mưa xuống. Vì khoa Địa Lý Học ngày xưa chưa phát triển, nên dân chúng cứ lầm tưởng là chung quanh đất liền mà ta ở gồm có bốn biển lớn, nên mới có câu "Tứ hải giai huynh đệ 四海皆兄弟", có nghĩa : Bốn biển đều là anh em với nhau cả; và cũng vì thế mà ta cũng có TỨ HẢI LONG VƯƠNG 四海龍王, là Bốn ông vua Rồng của Bốn biển.
Năm Thiên Bảo thứ 10 đời Đường Huyền Tông (751), nhà vua đã ban chỉ sắc phong xưng hiệu của Tứ Hải Long Vương như sau :
1. Đông Hải Long Vương phong hiệu là : Quảng Đức Vương 廣德王.
2. Nam Hải Long Vương phong hiệu là : Quảng Lợi Vương 廣利王.
3. Tây Hải Long Vương phong hiệu là : Quảng Nhuận Vương 廣潤王.
4. Bắc Hải Long Vương phong hiệu là : Quảng Trạch Vương 廣澤王.
Theo truyện "Phong Thần Diễn Nghĩa" và "Tây Du Ký" thì Tứ Hải Long Vương có tên gọi như sau :
1. Đông Hải Long Vương tên là : Ngao Quảng 東海龍王:敖廣。
2. Nam Hải Long Vương tên là : Ngao Khâm 南海龍王:敖欽。
3. Tây Hải Long Vương tên là : Ngao Nhuận 西海龍王:敖潤。
4. Bắc Hải Long Vương tên là : Ngao Thuận 北海龍王:敖順。
Đó là theo Đạo Giáo, còn trong Phật Giáo thì có đến Bát Bộ Thiên Long, thường được gọi là THIÊN LONG BÁT BỘ 天龍八部, bao gồm 8 loại thiên thần, chúng sinh, qủy quái, nhưng vì lấy "Thiên Chúng 天眾" và "Long Chúng 龍眾" làm đầu nên mới gọi là "Thiên Long Bát Bộ". Gồm có 8 bộ sau đây :
1. THIÊN CHÚNG 天眾 : là thiên thần (Deva), đứng đầu bởi Đế Thích 帝釋. Thiên chúng trong Phật giáo là con người vẫn còn trong Tam giới 三界 (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới 欲界、色界、無色界)và Lục Đạo 六道(Thiên, Nhân, A Tu La, Súc sinh, Ngạ qủy, Địa ngục 天、人、阿修羅、畜生、餓鬼、地獄).
2. LONG CHÚNG 龍眾 : là rồng (Naga) nhưng không có chân, trông giống như một con mãng xà lớn, là chúa tể các loài trong nước. Kinh Phật kể rằng một con rắn tên là Mucilinda đã cuộn thành một cái tàn che cho đức Phật nhập định trong một cơn giông bão.
3. DẠ XOA 夜叉 : (Yaksha) là Qủy thần (là thần ăn được quỷ) có thể tốt có thể xấu. Rất nhiều Dạ Xoa đã được Phật chuyển hóa thành Thần Hộ Pháp. Đứng đầu có "Dạ Xoa Bát Đại Tướng" có nhiệm vụ bảo hộ chúng sinh.
4.CÀN THÁT BÀ 乾達婆 : (Gandharva) Còn gọi là "Thần Thơm", không ăn thịt, không uống rượu, chỉ ngửi mùi thơm, nên thân thể t