top of page
hmpg.jpg
Titlej (1).jpg

             TRUYỆN

                 Đan Quế Phong

                   Ngọc Nhãn Dương Trần

 

East Brunswick, New Jersey ________

NhanTran_self.JPG

Từng bước từng bước thầm


Hai năm trôi đi, những bước chân âm thầm từ đại hội 2022 ở Boston. Bao nhiêu đổi thay cho từng cá nhân chúng ta, cho cộng đồng Phan Thanh và Đoàn Thị. Thầy cô bạn bè thân thương của tôi cứ lần lượt ra đi. Tôi nhớ thầy Phan Thanh Thư trong chuyến du lịch trên du thuyền 2017 ở Texas vẫn hét vang vang: "Các anh chị đứng vô hàng, trật tự và yên lặng khi đi xuống tàu", Thầy Tứ đẹp trai vang bóng một thời quý nữ sinh trầm trồ từ xa.

 

Gần đây và mới nhất thầy Phan Khắc Trí cũng đã rời xa chúng ta.

Hình dưới: Thầy Trần Văn Nhơn, Thầy Đào Ngọc Tứ & Thầy Phan Thanh Thư

NhanTran_GS.JPG

  Hình trên: Thầy Phạm Khắc Trí đã cỡi hạc về trời 11 tháng 7, 2024

Rồi bạn cùng lớp cùng khóa sư phạm ở đại học anh Huỳnh công Tâm, vợ chồng anh Bùi hữu Trạng.

NhanTran_BHT.JPG

Ở ngay tiểu bang New Jersey của tôi, người đàn anh Trần Hoài Thư đã giúp đỡ tôi thật nhiều trong việc in ấn quyển hồi ký viết về cuộc vượt biển của gia đình tôi và vợ anh, chị Nguyễn ngọc Yến người ngày xưa ở cùng quê Cần Thơ bây giờ sang Mỹ, ở cùng làng (cách nhà 30 phút lái xe).

NhanTran_THT.JPG

Ôi biết bao là kỷ niệm! Trước Covid tôi đến thăm chị hàng tuần trong nhà dưỡng lão, nấu cho chị vài món ăn Việt, cùng cười với anh Thư khi chị Yến đòi ăn con chim "Chằng Nghịch" mà anh hỏi tôi có biết nó là con chim gì hay không? Tôi vào thăm chị và nhấp nháy mắt đùa chút với chị rằng:
- Sao chị thích ăn chim Chằng Nghịch vậy? Em còn nhớ vào tháng giêng mùa ruộng lúa chín vàng ở miền nam, trong các loài chim ăn lúa người ta bắt đem bán, Chằng Nghịch có thể hơi lớn, mập mạp có nhiều thịt hơn, chân màu xanh, xương hơi cứng và dữ  lắm! Thò tay vô lồng bắt là nó mổ cho mà chảy máu. Chim Óc
Cao chân màu đỏ, nhiều người thích. Chim Vỏ Vẻ, khi rô ti lên thịt giòn khướu ănngang xương luôn. 
-Chị thích cái kiểu Chằng Nghịch đá dữ! Có lẽ nó giống như tên gọi "chằng" lắm mà lại "nghịch" nữa.
- Chị đâu phải là chim Chàng nghịch. Chị hiền thấy mồ nên anh Thư  mới nhào vô. Người miền Trung dù gì cũng không rành đặc sản trù phú của đồng ruộng cò bay thẳng cánh miền Nam đâu!
- Em cũng rành ghê nha.
-Hồi nhỏ em ở nhà quê mà. Em nhớ chú em hay đi đuổi chim vào mùa khô và đuổi chuột sau những cơn mưa đầu mùa! Em thì chỉ thích xin chú  con "chim sâu" nhỏ tí tị không ai ăn , cột chân nó bằng sợi chỉ cho nó bay vòng vòng, chơi chán rồi thì thả đi. Chị  ráng mạnh lên rồi cùng anh về thăm lại quê hương. Bắc Mỹ Thuận họ bán thiếu gì, chị có thể ăn cả Gà Nước. Le Le chặt ra xào cùng bún nấm củ hành, thịt rất ngọt. 

Tôi nhớ nụ cười thật tươi và hiền của chị dù nằm trên giường bệnh, mắt mơ màng trôi về miền quê VN xa..

 

Nhưng mà chị và anh đã cùng nắm tay nhau đi vào cõi vĩnh hằng chỉ trong vòng một tháng, 27 tháng 6 đến 27 tháng 5 năm nay!. 


Mùa thu lá từng từng chiếc là là bay, chiếc còn bám víu trên cành nhỏ giọt sầu nhìn anh lá đỏ, chị lá vàng: Lá tự hỏi cơn gió nào nó sẽ đưa ta vào cánh đồng sầu miên miên lạnh ướt và mục rả. 

Cuộc đời: sinh lão bệnh rồi tử, không ai tránh khỏi. Lòng dặn lòng là hãy chấp nhận nó hãy ung dung đừng lo lắng, sống thật tốt hôm nay, ngày mai có thế nào thì có lo cũng không thay đổi gì, nhưng mấy ai làm được. Tôi sợ!
Một số đông những người lớn tuổi trong nước nghèo, đi bán từng rổ rau, từng tờ giấy số nếu không bán hết con dâu sẽ cằn nhằn trách cứ, nhìn con cháu, đau khổ mà không có khả năng giúp đỡ. Ở đây, chúng ta tự sống biệt lập không cần nhờ cậy con về tiền nông, không chung đụng bọn chúng nếu không muốn, các con đều ăn nên làm ra nhưng mà: cô đơn, bệnh tật và đi nhà dưỡng lão, là cái hiện tại tuổi thất thập nầy ai cũng đối diện với.


Nhìn cái ổ chim trống không, con chim cuối cùng đã vững vàng lướt một vòng không ngoái đầu nhìn lại. Ba đứa con tôi có đứa nào buồn trở về sống ở nhà khi xong đại học đâu. Căn nhà thì lớn, vật tư của chúng vẫn đâu đó trên kệ, trên tường mà không đứa nào buồn mang theo. Đồ vật ngổn ngang, không làm bớt trống trảimà chỉ làm nhớ thêm. Cũng có một thời bà ngoại khệ nệ đi bán "Girl scout". Dang nắng trên sân đá banh mỗi cuối tuần.  Chở cậu út đi đấu Taekwondo trên khắp các tiểu bang của nước Mỹ mà một kệ trophies vẫn bày đầy lăn lóc trên tủ nhà bếp vì không còn chỗ để trưng bày!

NhanTran_trophies.JPG

Ông xã tôi biểu nó mang về nhà riêng của nó thì nó nói không còn chỗ! Ông đòi vứt đi tôi lại không đành! Mỗi cái trophy là một kỷ niệm là một cái giá chúng tôi đã trả - mừng, giận, gian khổ cùng thời gian và tiền bạc gia đình sẻ chia cùng nhau. Con gái lớn lấy chồng sau bốn ngày nó tốt nghiệp trường thuốc, trong một đám cưới nhanh, gọn. Đơn giản là vì tôi không chấp nhận cho nó ở cùng bạn trai nếu không cưới xin hẳn hòi!
Con gái thứ lấy chồng chậm hơn một chút nhưng thời gian đó nó cũng đi thực tập rồi làm việc ở tít mù xa, gọi điện thoại về mỗi tuần một lần là may lắm rồi. Những ngày lễ lớn, con bé lần lượt dẫn về giới thiệu với ba mẹ một anh Ấn Độ, rồi một anh Đại Hàn! Đứa nào ba nó cũng lắc đầu. "Sao không giới thiêu cho ba đứa nào biết ăn canh chua cá kho tộ hết vậy, cho ba khỏi nói tiếng anh bằng tay". Tôi buồn bã than thầm "Hai mươi chín tuổi rồi không khéo ế tới nơi cho xem, chị nó đã hai con rôi". Và cuối cùng chúng tôi cũng chấp nhận một anh Do Thái gốc Nga đã chịu mặc áo dài khăn đóng theo đúng thủ tục, mang con "trừu quay" tới lễ bàn thờ xin cưới đứa con gái rượu của chồng tôi!  "Con gái là con người ta, con dâu mới thật con bà bà ơi". Chúng tôi vẫn còn thằng con trai nhỏ "đẻ mót" trên xứ cờ hoa nầy, cách chị lớn nó tới 11 tuổi. Thằng bé nói nhiều, thích chơi thể thao, thích ăn mặc đẹp. Dù sinh ra và lớn lên ở đây nhưng 
chúng tôi cũng có dạy cho nó nói tiếng Việt thỉnh thoảng cũng ngô nghê một chút "trái bắp chạy, rửa quần áo". Chồng tôi đã cố gắng nhiều lắm khi dẫn nó về VN, giới thiệu nó với con gái của bạn trong vùng nhưng mà ngay những năm còn ở trung học anh chàng cũng chỉ cặp bồ với các nàng kiều nữ mắt xanh tóc vàng con bản xứ mà thôi! Chúng tôi không chịu thua. tôi nói: "Lễ tạ ơn năm nay mẹ làm toàn món VN thôi, chả giò, cá nướng, thịt quay, gỏi tôm thịt.. Món nào cũng ăn với nước mắm, con trai có dự định giới thiệu với nhà mình cô bạn gái dòng giống rồng tiên nào không? Ba mẹ nghe nói các kiều nữ Việt Nam bây giờ cũng sang đây học nhiều lắm.  Có một cô dâu hát ru con bằng ca dao hay hò lý con sáo chắc ba sẽ sẵn lòng lui về là Thái thượng Hoàng!"
-  Mẹ ơi, cả lớp của con không có một cô nào người Á Đông cả. Trường Y không cần vốn liếng tiếng Anh nhiều nên sinh viên ngoại quốc khá đông, ba còn chưa chọn được một chàng rể quý. Sinh viên Luật cần đọc nhanh, hiểu lẹ, mỗi đêm phải đọc vài chục trang là chuyện bình thường, dân bản xứ còn khó khăn nữa là dân
ngoại quốc. Tìm không ra mẹ ơi, con xin lỗi.


Thế là lại mừng ngày Tết với nàng dâu Mỹ mặc áo dài ngủn ngẳn vì mua cỡ lớnnhất vẫn không có áo nào dài hơn!
Anh ơi, có phải vì dâu rể hết Mỹ, Tàu rồi Nga nên vợ chồng chúng ta đành cô đơn một mình ăn bún mắm!
Sống khỏe mạnh thì hưởng thọ. Sự thật không chối cãi là tuổi hơn bảy bó rồi còn sống ngày nào là do ân sủng của Thượng Đế ngày đó. Mỗi ngày khi thức dậy chúng ta đều thầm cảm ơn là "còn một ngày nữa để yêu thương" nhưng bị "Bệnh" nằm một chỗ thì có còn cảm ơn không! Con nó có nhà của nó. Các con tôi ở gần nhất là 1.30 phút lái xe, một tháng chưa gặp một lần. Bạn muốn sống chung với chúng không? "May mắn ghê" mỗi đứa đều soạn cho chúng tôi một căn phòng riêng tại nhà của chúng, trữ một số vật tư để phòng khi sau một cú phone mà ba mẹ cần có mặt trong 2 tiếng đồng hồ là "xách đít" chạy liền.


Kinh nghiệm của bạn thì thế nào, riêng tôi thì: Khó lắm bạn ơi! Còn khỏe mạnh à nhen. Giữ cháu không công ông bà nào cũng vui vì còn là người hữu dụng, Ở chung mới biết:  ông rể bắt cháu ngủ riêng khi chưa đầy tháng tuổi, khóc đến khàn tiếng cũng không cho bồng, đói thì cũng đến giờ mới được cho bú; tôi đứng ngoài cửa phòng cháu  nát lòng mà không được quyền vỗ về thương mến. Con gái nói nócó cách dạy con riêng của nó! Rồi tới con dâu.. Thỉnh thoảng tôi cũng nấu tí thức ăn Việt Nam cho cháu của mình. Từ chối thì nó  không dám nhưng con trai chỉ nhỏ nhẹ bảo tôi: "Các con của con hơi tròn trịa rồi, mẹ đừng nấu cho cháu thức ăn nhiều dầu mỡ quá".

Nếu tôi ở với chúng, ngay cả nhà con gái, làm sao kho cá, nấu mắm mà nhà nó không nặng mùi! Chưa kể thằng rể thứ là Do Thái không cho phép có thịt heo trong nhà. 
Ở chơi vài ngày thì được nhưng chúng ta sang đây là vì tự do mà. Nhà của tôi dù là nhỏ bé thì cũng là gian san đượm mùi hành tỏi mà tôi là nữ vương. Thời gian đâu có dừng nơi đây.  
Thầy Pháp Hòa thật chí lý khi nói: Có bao nhiêu tiền, đi xe đẹp mấy rồi cái xe tốt nhất của chúng ta vẫn là xe hiệu "hăng cải" hay tệ hơn là "săn le". 
Nhà tôi bán rồi, tôi thu gọn chỉ là vài bộ quần áo trong chiếc vali. Tôi đang đi vào nhà dưỡng lão cho an toàn trong những ngày cuối của cuộc đời... 


Tôi thấy chung quanh tôi rất vắng không ai chào tôi. Tôi đang tiến vào từ từ và đưa mắt nhìn dãy hành lang không dài lắm,  có một bà y tá đang đẩy chiếc xe chở đầy ga trắng và nhiều khăn lông sắp quẹo vào ngõ rẻ. Tôi tiếp tục di chuyển khi đingang những cánh cửa mở cho người dọn phòng lau chùi. Tôi liếc nhìn n ững sự sắp xếp gọn sạch, vô cảm và mùi thuốc, mùi bệnh viện. Trên gương mặt họ, trong mắt họ tôi như đọc thấy: 
Buồn lắm thay thêm một ngày trống vắng. 
Chẳng bóng ma nào lãng vãng lướt ngang đây.


Nhìn họ già nua, già hơn tôi. Cố nhìn xem có ai quen. Đầu óc tôi lang mang trông họ giống hệt nhau tôi không còn phân biệt  được Mỹ hay Tàu, đen hay trắng? Sống lâu trăm tuổi để làm gì? Tôi quẹo sang phài, tôi thấy chiếc giường của chị Yến nằm cạnh cửa sổ. Bốn bức tường, khung cửa hep, cô y tá và những người già. Tiếng tít tắc, tít tắc, thời gian đi chậm quá!
 
- Mẹ, mẹ thay áo nhanh lên. Mọi người đang chờ mẹ quá chừng. Nhà ba mẹ bán rồi thì về căn nhà mới đừng có buồn nữa, QC nói.
- Sao mẹ thấy sao?  Tụi con chọn căn nhà nầy cho ba mẹ: một tầng thôi, nhỏ và gọn, có tí vườn nho nhỏ cho mẹ trồng rau, cho ba trồng hoa trái và quan trọng nhất là ở rất gần chị hai chỉ cần 8 
phút thôi là chị có thể xuất hiện nếu mẹ ba bị té ngã..P nói

NhanTran_5.JPG

-ĐT nói: Không lo đi nhà dưỡng lão nữa nha. QC là bác sĩ cho người già, sẽ chẩn đoán cho ba mẹ khi cần. Chúng ta sẽ mướn y tá riêng chăm sóc tại nhà nếu đến lúc ba mẹ không tự lo vệ sinh cá nhân được. Ba đứa con nuôi ba mẹ nỗi mà.  
-?? 

Đan Quế Phong
7/23/2024

ĐUA THUYỀN

 

       Đêm mùa thu vào tháng 9 dương lịch trăng tròn, sáng vằng vặc treo chênh chếch đang lên cao dần.  Phía đối diện xa xa chiếc cầu bắt ngang, tòa nhà trắng, trụ cầu màu vàng nâu, rung nhẹ, in bóng xuống mặt hồ, dàn chào cô trăng thẹn thùng ngần ngại như nàng dâu mới lần đầu xuất hiên. Những rặng cây  mầu đen hai bên bờ im lìm say trăng. Hai chiếc thuyền rồng của nhóm chúng tôi thả trôi trên đoạn giữa của dòng Coorper River, mái dầm hờ hững chấm vào nước nhẹ nhàng, thỏai mái. Hít nhè nhẹ mùi thoang thoảng của nước hình như đang pha cùng hương hoa trăng, ngọt và mát. Mọi người yên lặng sợ khuấy động, sợ làm tan loãng không gian sánh đặc, cô đọng. Bơi thuyền đêm rằm trên đất Mỹ. Tôi nhắm mắt tưởng tượng đang trôi theo mặt hồ, lá sen màu xanh ngọc đùa cùng gió thu rung nhẹ, cánh sen hồng và tiếng cá vẫy đuôi bên mạn con thuyền gỗ. 

      Hồi tưởng lại. Tôi đã 72 tuổi, mệt mỏi thích nằm nhiều hơn đứng, chỉ đi không thể chạy cho nên môn thể thao duy nhất à tôi có thể chọn là ngồi mà quơ tay. BƠI THUYỀN, con gái giới thiệu với tôi. Thế là mình cũng bơi mà không cần nhúng mình trong nước nồng nặc mùi thuốc tẩy. Kể ra thì lúc bắt đầu tôi cũng hơi khi dễ. Tôi nói với nó:

- Dân vườn mà ai không biết bơi xuồng chèo ghe. Hồi xưa mẹ chẳng từng tự mình ngồi chơi vơi trên mũi chiếc xuồng ba lá bơi trên con kinh Cái Tắc chở ông cốc của con đi thăm ruộng hay sao. 

- Sao gọi là “xuồng ba lá”?

-Chiếc xuồng nhỏ như chiếc canoe chỉ ghép bằng ba mảnh ván nên gọi là ba lá, thường đi tối đa là ba người, nhỏ con như dân VN ta. Người bơi đằng mũi người bơi đằng lái và một người ngồi giữa là khẳm đừ, lé đé nước, tuy nhiên thường chỉ có một người với một mái dầm nếu muốn chở đồ vật, rau quả. Con cũng biết VN sông ngòi chằng chịt nên cách giao thông nầy tiện lợi nhất.

- Mẹ cũng biết chèo thì mẹ có thể điều khiển con thuyền phải không? Ở đây cần steerman ( ngưởi cầm lái) lắm đó.

Tôi cười.

- Steerman chứ không phải “steer-oldwoman”. Thuyền nầy một chèo còn miền nam Việt Nam chèo ghe, chèo xuồng bằng hai chèo con à.

Vào cuộc thì mới nhận thức cái biết của mình còn hạn hẹp.  Nguyên thủy lễ hội đua thuyền nầy đã có từ Trung Hoa 2,300 năm trươc vào mỗi mùng 5 tháng 5 âm lịch dưới thời nhà Chu. Thuyền hẹp, càng nhẹ càng tốt, cất cao, mũi chạm đầu rồng, thân tô thêm vảy lấp lánh màu mè cho giống con vật huyền thoại nầy. 

        Vùng đông bắc Mỹ, chúng tôi chỉ bơi được từ tháng tư đến tháng mười. Mùa ấm, thuyền bắt đầu được hạ thủy, chúng tôi sẽ làm một it thủ tục khai quang, điểm nhãn (mở mắt) v.v Khi đua, nó được gắn thêm bộ trống, người điều khiển đánh nhịp cho tay bơi để thúc giục hào khí cho đội tiếp tục, nhanh lên, lướt mau về điểm cuối cùng.                                                                                     

 

       Thuyền lớn 20 người, thuyền nhỏ 10 người ngồi từng cặp khít khao, mắt nhìn theo nhịp bơi của hai người ngồi hàng đầu (stroke) để mái dầm của mình nhúng xuống mặt nước hai bên mạn thuyền cùng một lúc với họ. Tay trống hay huấn luyện viên ngồi trên chiếc ghế cao chót vót đằng mũi quay mặt đối diện với các tay bơi ra lệnh. Người lái chỉ dùng một mái chèo. Mỗi đội có đồng phục riêng cũng in hình, uốn éo, vằn vện.

     Trước nhất là học cách cầm cây dầm. Sau ngày đầu tiên về nhà, con gái (Quế Chi nó đã vào đội năm vừa qua) đề nghị tôi ngồi lên một cái băng ghế dài điều chỉnh lại kỹ thuật cho đúng.

- Biết bơi xuồng thì không lẽ không biết cầm cây dầm, chỉ là mẹ nhỏ xíu, sức chỉ có vậy làm sao so bằng sức của bà Mỹ 200 pounds tuy nhiên bà ta cũng làm nặng thuyền lắm đó nha. Mọi người phải bơi cái trọng lượng bà ấy cộng vào với trọng lượng con thuyền, không biết bà ta có dai sức không nhưng cản gió, và thở hổn hển thổi ngược cánh bườm người là cái chắc.

- “ Mom! “ Bơi không phải bằng lực của cánh tay thôi mà chủ là cả sức mạnh của cơ thể từ đôi chân chịu vô sàn, xoay mình lấy sức, chân khóa chặt không làm lắc lư con thuyền, mái dầm phải nhúng sâu 45 độ, không tóe nước v.v và v.v 

- Mẹ chỉ nghĩ là bơi thoải mái cho vui như thả thuyền ngắm trăng thu thôi mà. Ê! Mẹ già nhất trong đội đó nha, đòi hỏi nhiều quá không chơi nữa.

- Con không nghĩ là mẹ chịu thua, điều nầy không phải bà Trần đâu. Mấy đứa nhỏ nó luôn khen bà ngoại, tập thể dục cùng chúng nó 45 phút mà không bỏ cuộc,

- Khích tướng hả!?  Ừ thì nói tiếp đi.

- Nếu bơi không đúng cách nhiều khi xương và dây chằng ở vai bị dãn, con không muốn chuyện ấy xãy ra cho mẹ, vì con biết mẹ cố gắng hơn cả sức của mình.

- Okay hiểu rồi!

- Điều quan trọng, thuyền tiến lên nhanh hay chậm còn do kết quả là sức mạnh của toàn đội, bơi cùng một nhịp. Tất cả các cây dầm xắn xuống nước thẳng đứng từ trên xuống như cắt tảng băng không tóe nước, rút lên cùng lúc không va vào cây dầm của đồng đội hay chặn lại sức tiến của con thuyền.

Nhiều kỹ thuật lắm mà khi tôi vào đội mới biết. Lý thuyết là một lẽ và khi thực hành thì lóng cóng, tuy nhiên mình có chịu nghe theo để sửa đổi dần trong những lần thực tập hay không mà thôi.

      Cooper River là đội thuyền của phụ nữ nếu đội có nhiều người thì sẽ được chia theo tuổi. Toàn đội chỉ có gần 60 quý bà chơi tài tử. Người nhỏ nhất là Quế, con gái tôi, 46 và một đứa bạn 49 và tôi cao tuổi nhất là 72 nên đội không chia nhỏ được. Tôi không muốn đi sâu vào lịch sử của môn chơi nầy nhưng chỉ muốn kể lại một vài kinh nghiệm vui hiếm hoi, nhiều khi tình cờ rút tỉa, nhắc nhở mình những điều căn bản nhất, đơn giản nhất mà mình quên áp dụng vào cuộc sống hàng ngày.

 

       Kể một chuyện không thể bơi theo kiểu mạnh ai và cái ốm nhỏ của tôi cũng hữu ích trong vài trường hợp nào đó:

Mỗi năm một lần chúng tôi làm chủ con sông để mời các đội thuyền bạn tới tham dự. Ít nhất phải 15 thuyền để đủ chi phí, và càng nhiều thì tiền quỹ năm đó càng dồi dào, dùng chi tiêu trong năm: bảo hiểm, trả tiền bến, tu sửa bảo vệ tàu v.v.. dư ra thì vài năm phải mua tàu mới.                                                                                                                  

       Sau đại dịch, số tham dự ít. Chúng tôi muốn có nhiều tàu và nhiều mạnh thường quân để không phí công sức một lần tổ chức. Thông lệ, đội chúng tôi không đua với các đội bạn trong dịp nầy chỉ lo tổ chức cho chuyện cấm lều, cứu thương, lịch trình, điều hợp thuyền và người, theo dõi kết quả, phát huy chương cho đội thắng cuộc. v.v. Toàn cảnh giống như một hội chợ cũng bán áo bán quà lưu niệm, thức ăn.                                                                  

      Ngoài những đội thuyền bạn đến từ vùng lân cận, bất cứ ai cũng có thể đứng ra mua cho mình một thuyền, có cung cấp người lái, để tham dự vào cuộc vui cuối tuần cho 21 người (20 bơi, 1 đánh trống). Mỗi người trên thuyền trả 65$ biết bơi hay chưa từng bơi, không phân biệt nam nữ 12 tuổi trở lên. Chúng tôi bán được cho các nhóm bơi tài tử như đội của Hồng thập tự, đội của cảnh sát, ung thư, và 2 tàu gia đình của thành viên đội chúng tôi. Đây là cơ hội cho họ phô trương sức mạnh, mặc tình uốn éo, bay lượn trên sóng nước biến thành một cái chân của con vật huyền thoại, mà ngày thường họ chỉ đứng nhìn vợ mình, bà má, bà ngoại toát mồ hôi mà tặc lưỡi: “yếu xìu” hà!                                                         

 

      Quý phu nhân cũng nhập cuộc với gia đình họ, bơi trong vai trò cố vấn kỹ thuật và đặt niềm tin vào sức trẻ của bầy con cháu và sức mạnh của các đức lang quân. Tối đa là 8 chàng trên một con tàu. Chồng của Quế Chi, thằng con trai tôi, chồng của bốn người bạn, cùng con trai của họ, chúng tôi chỉ mời được có bảy chàng còn lại là các cô nữ sinh trung học đồng trạc với cháu gái tôi 13 tới 16, (chẳng có cô nào 17 bẻ gãy xừng trâu cả). Để cho đủ túc số 21 người bà ngoại 72 tuổi sẽ ngồi bơi ở băng thứ nhì làm cảnh cho các tay “amateur” nhìn theo bơi cho đúng nhip                     .                       

 

      Đua cùng các tàu Hồng Thập Tự hay hội chống Ung Thư thì không sao. Đối thủ cạnh tranh duy nhất mà chúng tôi muốn thắng là chiếc tàu gia đình số II của nhóm mà bà hướng dẫn viên  đang dẫn đầu vì gia đình bà nằm trong đó. Họ trông rất hùng hậu, ưu thế vì có đủ túc số 8 đàn ông lực lưỡng, 3 ông bố cùng 5 cậu thanh niên Mỹ cao to, trấn áp, đầy tự tin. Chỉ cần nhìn thôi là tôi thấy cái cơ hội mong manh của chúng tôi. 

       

      Quế Chi đang đứng điều khiển giữa vòng tròn để đội tập họp làm vài động tác cho nóng người, 5’ trước mổi hiệp bơi, tôi thẩm nghĩ “ Tại sao Quế Chi chia đội không cân sức. Nếu đổi bốn tên trẻ bên đó sang tàu I, chuyển bốn ông chồng cao tuổi nầy sang tàu II thì hy vọng hơn? Tuy nhiên tôi tự an ủi; “đua chơi cho vui thôi mà”. Tôi nhìn mấy ông hổ tướng cao to, cơ thể xâm vằn vện, đứng khoanh tay ở ngoài vòng, khinh khỉnh như muốn nói, tụi nầy “ không cần tập luyện cũng ăn chắc”!

Quế lần đầu tiên đánh trống ngồi chót vót trên mũi tàu, hò hét, đôn đốc dẫn tàu I. Có ba hiệp tranh tài, 4 thuyền bơi một lần. Hiệp đầu bơi theo kiểu “mạnh ai”.  Muốn đoạt 200 mét, thuyền I (của chúng tôi): mất 1’ 36” giây hạng ba. Thuyền II : mất 1’33” giây hạng nhì. Lượng định tình hình. Họp lại rút tỉa kinh nghiệm Quế nói:

- Tôi biết ai cũng cố gắng. Nhìn theo sức thì chúng ta dù nhỏ con nhưng thể thao hàng ngày, mạnh chẳng thua họ đâu. Mọi người phải tự tin, nhất là các cô gái ngồi phía sau phải nhìn xéo để theo đúng nhịp dầm của người (stroke), hàng đầu tiên. Không ai có thể một mình làm thuyền tiến mà 20 mái dầm phải là “một sức” xuống, lên cùng một lúc. Nhiều khi bơi không cùng nhịp lại làm thuyền chậm đi.

Hiệp thứ hai chúng tôi nhanh hơn, mất 1’ 32” .Thuyền II tụt xuống 1’34” vì họ đang tăng tốc cho lý thuyết “mạnh ai nấy bơi”. Bà hướng dẫn viên đang phân tích và chỉnh chu đội.Tôi nghe đứa con trai của một người bạn trên thuyền nầy đòi đổi chổ, vì anh chàng ngồi trước cậu ấy cứ ngang nhiên, thút cùi chỏ về phía sau, cậu bị bật móng tay chảy máu nhưng bà mẹ nói không thể đổi chổ được. “Đã sắp xếp hết rồi, sức nặng hai bên phải cân thì thuyền mới không lật”.                                                 

 

       Tới hiệp ăn thua cuối cùng. Quế Chi khen đội đã làm tốt, tuy nhiên lần nầy cần phải cố dùng sức của cả cơ thể, cấm dầm cho sâu hơn, kéo nước nhiều hơn. Quế đề nghị tôi lên ngồi vị trí đánh trống nếu tôi không sợ té. Tôi nhẹ cân nhất, mũi thuyền sẽ cất cao, đi nhanh hơn. Quế Chi mạnh sức hơn tôi, trở thành một tay bơi.                                        

 

       Hiệp cuối, thuyền I chỉ mất 1’29”, thuyền II mất 1’30” Lấy được huy chương vàng nhờ đoàn kết thành một khối họp nhất và nhờ bà ngoại già nhẹ nhất trong đội, ngồi trên mũi tàu. 

        Cuối ngày chúng tôi ngồi ăn cùng nhau Quế nói:

- Khi con phân đội cho tàu gia đình mình con đâu thể để cho mọi người trách con chọn toàn là nhóm lực lưỡng. Tuy nhiên con cũng nghĩ điều khiển nhóm con trai18 đến 20 tuổi đầy “tự tin” nầy  không dễ chút nào, nên thà chọn chỉ có 7 người nam hơi lớn tuổi nhưng họ tuân kỹ luật, học nhanh. Mỗi một hiệp bơi là chúng ta rút ngắn thời gian hơn. Mình chỉ thắng họ có 1” thôi. Ha ha!! Chúng ta thắng nhờ khối óc, kiện toàn, tự tin, và đoàn kết  thành một sức dù mình yếu.

- Con bé nầy. Hôm nay mẹ thật “đánh trống ngực”!

8/15/ 2021

Ngọc Nhãn D Trần

Mời xem vài hình ảnh Đua Thuyền tác giả tham dự:

NhanTran_Đua thuyen_1.JPG
NhanTran_Đua thuyen_2.JPG

TÔI NHỚ MÁ

NhanTran_newPic.jpg.w180h230.jpg
NhanTran_pelican.png

 

    Hôm nay tôi nghe lời thuyết giảng của linh mục Nguyến Tiến Lộc về hình ảnh những con Bồ Nông (Pelecnus) người ta hay tạc bên vách thờ của những ngôi giáo đường. Chuyện kể Bồ Nông mẹ những ngày không tìm được thức ăn cho con mình đã tự mỗ vào ngực mình tạo thành một  lổ hủng sâu để các con rút mỏ vào đó hút máu mà sống. Chưa bằng chuyện kể về đoàn thám hiểm vào một hang núi nọ tìm bắt Dơi về làm thí nghiệm sinh học. Vì những con Dơi cha, Dơi mẹ bay đi tìm mồi chỉ còn đàn Dơi con treo lũng lẵng trong hang. Cơ hội bằng vàng, họ tóm hết các con Dơi em bé nầy đem đi. Ngày hôm sau họ ghé lại hang Dơi và ngạc nhiên tìm thấy xác Dơi chết nằm la liệt. Một điều lạ lùng là toàn những con Dơi mẹ. Mổ ra tìm nguyên nhân, họ thấy chúng đứt ruột đau đớn vì mất con mà chết. Nghe chuyện kể tôi thấy mắt mình cay cay.

 

Bà mẹ nào cũng thương con và biểu lộ theo cách của họ không phân biệt màu da chủng tộc. Có lần tôi tranh luận với một người bạn cứ khẳng định người mình mới lo cho con vì người Mỹ họ không thể chờ để đã đá con ra khỏi nhà lúc tròn 18 tuổi. Tôi nói:

- Mày có nghe chuyện kể của bà Sunama Petrosyan trong trận động đất năm 1988 ở Armenia không? Giống hệt hình ảnh con chim bồ nông khi bà cắt máu đầu ngón tay cho đứa con gái lên 4 tuổi mút cho qua cơn khát đói lúc hai mẹ con bị tráp dưới chân cầu thang của tầng tầng gạch vụn phủ trên đầu. Tất cả các bà mẹ trên thế gian nầy đều có thể hy sinh cho con mình khi cần.

Ba năm trước má đau nặng, tôi về Việt Nam, ở với má ba tuần lễ, lần đầu tiên tôi móm cơm cho bà, lần đầu tiên tôi ngủ bên giường má, nhìn thật kỷ sự tàn phá của thời gian và nghĩ về mình. 20 năm sau tôi cũng nằm một chỗ như thế, mà chưa chắc được một bầy con cháu quây quần thăm hỏi (hay dò xét xem túi bà có còn tiền, tay, cổ bà có còn nữ trang)! Thì cũng vậy thôi, lúc đó má không còn răng để ăn món cá lóc nướng trui quấn bánh tráng mà má ưa thích, và tôi cũng sẽ không còn có thể ăn món bánh xèo với rau mới lên đầu mùa. Đã là giỗ thứ ba của má. 

Gần 70 năm trước. Trời nóng và oi suốt tuần. Từ 4 giờ sáng gió nổi lên, giật từng cơn. Ba hé cửa nhìn ra sân sau, ngọn cây xoay ba bốn chiều, ba nói đó là gió của bão. Gần sáng cây xoài tượng trái sai quằn trốc gốc, đổ xuống, nằm vắt ngang con lạch sau hè, đánh rắc một tiếng, tôi co rúm người sợ hãi ngồi phụp xuống tay ôm đầu nhắm mắt lại không biết núp vào đâu. Có ai đó kéo tôi lùi về bên trái nhà. Cây Vú Sữa duy nhất trước nhà, nhánh quặc òa quặc oại, quét trên mái làm mấy miếng gạch ngói dằn dọc theo cây đòn tay rơi lạch ạch, mái lá rách lỗ chỗ, mưa  lọt vào và ánh trời ảm đạm đã khẽ khàng len theo cùng hơi lạnh. Tôi giật mình chờ nghe tiếng rổn rảng của gạch rớt, tiếng đánh xoạt của mái ton bay.

- Bão thật rồi! Thảo ở đây giúp ba má, Hà trông em - má nói.

-Mấy mẹ con núp bên gian sau nầy thấp hơn, mái lá, vật nặng không rơi trúng đầu. Tôi phải cố chống mấy cây cột, nhà kha khá chắc, hy vọng không đến nổi xụm. Chúng ta may lắm, phố chợ liền vách nương vào nhau, chỉ mong cái nhánh vú sữa đẹp đẻ của chúng ta thương tình đừng có gảy, nếu nó đập vô mái nhà thì hết phương chống đỡ - ba nói. 

Ông chống gậy đi loanh quanh, ông bị thương hôm đi lên bờ cho ruộng mía. Sau khi nhìn vị thế của cây cột cái ông quyết định nhờ má è ạch giúp ông lôi tấm ván bộ ngựa nhỏ ở nhà sau, dựng xiêng xiêng chống hai bên.

-Không biết ở Cái Tắc nhà nội có sao không? 

Ba nhìn tôi, ông biết tôi thương nội, và nội cũng rất thương tôi. Nội mới hồi cư một năm nay, ba nói:

- Bão thường đi đôi với nước dâng cao, tuy nhiên ở miền nam nầy thiên nhiên ưu đãi trừ cơn lụt năm Thìn 1904, lúc đó ba còn nhỏ quá chỉ nghe kể lại. Cần Thơ khá an toàn, dù bị ảnh hưởng từ nước sông, không như miền Trung họ ở rất gần biển.

- Con thích nhà nội, rất đẹp.

-Nhà ông bà nội là nhà ngói ẩn dưới tàng cây to khó trốc gốc chỉ sợ cành gảy. Khu đó không ở gần sông lớn, nước cũng không ngập cao được. Ở đây thì khác,  khu chợ tân lập, phố chợ mái lá, cột kèo gỗ tạp hy vọng cùng nương vào nhau mà không đổ hàng loạt. 

-  Lo cho cái bao tử của các con trước nhất. Bão chưa có ngừng đâu -Má hí hoáy nhóm bếp

-Không được! Đã trốc nóc nhà ngay chỗ bồ lúa. Nước làm ẩm mốc, lúa sẽ lên mọng (mầm) cả 200 giạ như thế nầy thì làm sao trả lời với cậu (1) đây.

Ba tôi thấy dòng nước vô tội vạ, chảy vào từ một lỗ tan hoác trên trần, vòm trời đen ngòm đe dọa, lá bay không vẫy biệt, trần trụi mấy cây đòn tay, nước lạnh lùng lác đác như tiếng đàn buông dài lê thê!

-Ở đâu cũng ướt, mình không có đủ nilon để che mọi thứ nhưng nếu tui leo lên nóc nhà chèn lại chỗ lá bị bay mất thì nước sẽ không chảy vô những chỗ quan trọng, mình nghĩ sao?

- Chân tôi không thể leo được, tôi lo ngại cho mình. Chỉ mong trời quang mây tạnh sớm thôi.

- Mưa to gió lớn, với cái mửng này chắc kéo dài qua đêm luôn, khó mà dứt sớm được. Làm sao bảo vệ kho thóc mà cậu giao cho mình giữ đây. 

Má vừa nói vừa nhìn ra đường, gió không lạnh nhưng khá mạnh, xoay ngang, thổi dọc, ngưng lấy sức rồi kéo sầm sập như đang đùa cợt cùng nỗi lo của mọi người. Nước trên con kênh Búng Tàu trước mặt khu chợ,  đã bò lé đé mặt đường.

- Anh trông con, tui sẽ leo lên nóc nhà. Mình dùng mấy miếng đệm phất lên trên hàng rui, cột vô cây đòn tay, nước sẽ tạt ít hơn. Nếu chỉ trên mặt bồ thôi thì mình xúc ra phơi, chừng vài chục giạ thì còn được chứ nếu cả 200 giạ thì có nước xay bột khuấy hồ. Làm sao có tiền đền cho cậu mợ. Tiền đâu đi cưới vợ cho chú Út! 

- Làm sao mà mình leo lên nóc nhà được, lại giông lớn nữa..

- Mình không thấy gió từng cơn sao. Nó gầm rú, kéo qua xong rồi nghỉ xả hơi, tôi sẽ làm thật lẹ. Đừng có khi dễ đàn bà à nhen. Hồi nhỏ tôi ngồi vắt vẻo trên cây me, cây cóc suốt ngày.

- Tôi bị xui quá nên đạp nhằm hầm chông hôm đó, nếu không, trèo lên nóc nhà là nghề của đàn ông mà.

Má tôi lẹ làng sợ ba lại đổi ý, săn quần gọn, cuộc lại cái khăn thật chặt quanh cổ kỷ càng cho đầu tóc không bung ra. Bà nhìn ngắm vị thế cái bồ lúa để tìm cách nào trèo lên từ bên trong. Những mãng lá lợp nhà cứ vẫy bay không lưu luyến. Tôi thật hồi hôp theo dõi bà, với một đống đệm nặng nề trên tay, không ai giúp đỡ làm sao mang số đệm nầy lên nóc?

- Cái thang! Trèo lên bồ lúa rồi đánh đeo theo cây đòn dong mà đu lên, còn phải có sẵn dây lạt tre mới xuyên qua lớp đệm được. 

Thật nhanh má tôi ngoai ngoai bó lạt giắt vào lưng chiếc quần dây lưng cuộc mà chiếc áo mưa mỏng dính, má trang bị thêm cây búa đóng đinh nhỏ lũng lẵng như dao găm của mấy ông lính bên đồn và mớ đinh 2 phân trong túi. Đệm đã được di chuyển từng chiếc một cho nằm sát nóc; nhờ bồ lúa còn đầy, cao gần tới mái lá, bà chuẩn bị sẵn sàng để có thể với tay kéo nó lên từ bên trên.

Với một vài thao tác sơ đẳng cái thân hình nhỏ thó, ốm nhom dù đã bốn con của bà đã ra ẩn hiện nhoè nhoẹt trong chiếc áo mưa xanh lơ phần phật căng gió. Bóng râm từ từ khép lại sau tiếng búa đóng, nốt dây cột, đồng nghĩa với nước đã hết tự tung tự tác xâm thực. Tôi không còn thấy má tôi đâu nữa, bà bị tráp ở bên ngoài.

 Làm sao má leo xuống. Nóc nhà cao, tiếng gió giật, tôi lo sợ mà không dám hỏi, chợt nghe tiếng bà.

- Thảo, Thảo, kéo chiếc ghế đến đây cho má con..

Trong nhà bếp. Một vùng ánh sáng mờ mờ xuyên qua cái lỗ hõng má đang treo tòn ten tuột theo vách  xuống. Cây cột sua đũa ốm yếu đong đưa chuyển răn rắc vì sức nặng của thân hình bà, với một tay còn nắm cây xà ngang.

Ba hớt hãi, lê lết vừa chống gậy, vừa lôi chiếc ghế đẩu. Tôi vận dụng mười phần công lực của một con bé 6 tuổi, giúp ông. Má tôi một chân chấm mặt ghế, tay vuốt làn nước lạnh buốt nói:

- Xong.. 

Rầm! Cây cột sau khi làm tròn cái phận sự cho má leo xuống, bèn rời thanh ngang đập thẳng vô chiếc cà ràng (2) làm gảy một đầu ông táo, bễ ơ cá kho đang bắt trên đó. Tôi tái mặt nhìn nồi cơm trên cái cà ràng kế bên đang sôi sùng sục, may mắn lửa chỉ khè khè õng ẹo cùng gió quấn quýt như bảo nhau “Chuyện nhỏ!”.

- Hú vía, trời phật che chở cho má nó; ba tự trấn tỉnh.

 

Má thay quần áo, ba cò cò kéo tấm mặt bàn nilon màu xanh phủ lại bàn thờ, sợ tấm ảnh bà nội bị ướt. Tôi lấy chậu, thao tất cả những gì có được trong nhà mang ra hứng dài dài những sợi nước còn chưa chịu ngừng xâm thực.

Cơn giông giật mái tôn (corrugated iron sheet) nhà chợ Búng Tàu như một cánh diều đứt dây, gom hết tàn hơi, bay cao lần cuối, rồi rơi đánh soạt xuống thềm chợ. Bảng hiệu nhà may Mỹ Nghệ nhà tôi bị treo lủng lẳng trên một cái đinh ốc, đong đưa cánh tay hâm dọa có thể rơi xuống đầu người ngang qua bất cứ lúc nào. Nhiều mãng lá không rõ nguồn gốc lã lướt bay tự do. 

Cũng may, trời không lạnh. Bọn con nít lúc đầu rụt rè  xòe tay ra hứng những giọt nước và  nếm một cách thú vị. Với chúng lâu lắm rồi mới lại được mưa! Thấy không một ai phản đối, vì người lớn đang khốn khổ vật vã, chúng dè dặt nháy nhó ra hiệu cho những đứa bạn cùng phố từ từ tiến ra nhà chợ. Trò chơi trẻ con thật là nhiều lắm, đuổi bắt ngay trước thềm và nhiều nhiều trò mới hấp dẫn chợt xuất hiện trong các bộ óc tí hon khi nhìn thấy mặt nước loang loáng liếm dần những đôi chân trần lủm chủm mầu nâu sạm. 

- Cậu sáu ơi, bớt gió rồi, chỉ còn mưa thôi nhưng nước dâng cao. Ba má con biểu chạy lại xem cậu mợ thế nào? -Tiếng chị Thúy con cô ba tôi, nhà ở cách vài căn gần đó.

- Cũng tạm ổn, nhà con thế nào?

- Cũng trốc nóc, cũng dột, À, con thấy bé Thục chơi ngoài sân. Nó đang ướt loi ngoi hết,.. 

- Ba con Thảo! Mấy đứa nhỏ anh trông chừng mà, Hà và Lâm đâu?

- Hà giữ Lâm, còn Thục mới than đói nên tôi biểu con Thảo xem cơm chín chưa thì cho nó ăn.

- Thúy, con chỉ mợ xem tụi nó đâu rồi. Thảo bỏ hết đó đi, cùng má chạy tìm em. 

Tôi và má tuôn ra sân, quan cảnh phải nói sao đây: náo loạn, ồn ào mà vui nhộn với cả chợ con nít gọi nhau ơi ới, òm tỏi.

Nhóm lớn hai ba đứa đang kéo sềnh sệch một nhánh cây gãy, hình như là nhánh điệp nhà bác bảy. Chúng lôi xuống cầu tàu vừa chạy vừa hét.

-  “Chiếc ghe” nầy lớn hơn. Tao sẽ đua với tụi bây.

Mặt chợ nước lên hơn một tấc, cao đến nửa cổ chân, tôi không thể đi nhanh được. Màu nước đục ngầu nhưng ấm. Con kinh Búng Tàu cũng hùa theo chãy mạnh dập vào bờ mớ bọt bong bóng bập bềnh. Tôi không còn thấy được lằn ranh giữa bờ kinh và  bến sông. Đi dần ra chỗ cầu tàu nơi rất đông bọn trẻ đang tựu họp. Tay vịnh của cái lan can vẫn còn trụ, dù hụp hưởi run rẩy dưới dòng chảy và sức trì kéo của mấy chiếc ghe xuồng vẫn đang cột vào đó và bầy con nít đeo nhùn nhằn, hét òm tỏi, đập tóe nước. Vài đứa lớn hơn tôi, đang muốn mở dây, chở nhau ngồi lên, bơi viếng ngôi nhà chợ lạ lùng đứng chơ vơ giữa biển nước. 

- Hình như Hà với Lâm ở đằng kia phải không Thảo?

-Đúng rồi má ơi. Nó mặc áo xanh mới thay chiều hôm qua. À mà sao nó ở gần cầu tàu dữ vậy! Hinh như nó cõng thằng Lâm trên lưng nó. 

- Hà, Thục ơi; chúng tôi cố chạy về hướng đó.

Rất hổn độn, rất nguy hiểm. Hà mới 5 tuổi cũng dạt theo nhóm bạn cùng xóm. Người lớn ở đâu mà bọn trẻ đang tự do đùa với tử thần. Nước dâng theo thủy triều lên, gió chưa ngừng mà, nó quật từng hồi, ngừng lấy sức rồi rít mạnh như lực sĩ chạy đua. Một chiếc tam bản được tách ra khỏi cầu tàu trên đó là đứa con trai khá cao, quần cụt cởi trần đang hí hoáy điều khiển bằng một cây sào, gió thổi bạt đi.

- Ghe của tao sao mày lấy? Tiếng của Hà

- Leo lên đi tao chở mày đi chợ; thằng con trai hét

 Hà cố trèo lên ghe, đong đưa một lúc rồi nó cũng lên được với cả bé Lâm tòn ten trên lưng, Thục cũng cố chạy theo, 

 - Cho em lên ghe đi chợ với..

- Hà, Thục, ba má kêu đi về nhà, lên bờ ngay! Ôm chặc em coi chừng té…

Má cũng chạy xuống gần tới bến, tóc xõa bê bết, quần áo ướt đẫm, mặt tái xanh vì sợ.

Tiếng gió tru rợn người từ hàng điệp ven sông, rừng mía gãy rạp kêu răng rắc, rồi thịnh nộ đốn đổ hàng loạt mấy cây dừa khẳng khiu đầy vết đạn, ngã đập vào hàng rào dây chì gai của cái đồn lính khốn khổ. Chiếc ghe gió bạt ra xa chòng chành, lắc lư. Thằng Bốn, đứa con trai cố chống cho ghe vào bờ, con Hà bám vào thành ghe, gió dập chao đảo, Lâm khóc thét lên.

Một cơn sóng, ghe nghiêng. Ùm, con Hà ngả, Lâm vuột tay rơi tọt vào dòng nước đục đầy rác. Thằng Bốn chỉ kịp níu con Hà rồi cả hai nằm sóng soài trên lườn ghe

- Trời ơi. Con tôi! 

Bà nhảy ùm xuống nước, Thục bươn theo, tôi ôm nó run vì sợ nhìn quanh quất tôi hét lên.

- Ba ơi, Lâm bị rớt xuống sông, Có ai không? Cứu em tôi với..Ba ơi, má ơi!

- Ở đâu? Ở đâu? 

Có một số đàn bà chạy xuống, má lặn quờ quạng, trồi lên rồi lại lặn xuống, mắt đỏ hoe, không kết quả gì. Nhiều người đàn ông nhãy ùm theo. Cả bến nước nhốn nháo lên. Họ lặn, nước đục, bọt bông bóng, làm tôi nhớ hình ảnh bầy tôm không đủ dưỡng khí, nổi lên lố nhố một ngày mưa dầm năm ngoái, má và tôi đi vớt trong kinh ngang. Tôi bắt đầu run!  

- Không, con Hà dại dột,  thằng Lâm té sông, cơn bão tàn khốc, khổ nạn! 

-Nam mô a di đà phật!  ;Có tiếng ai cầu nguyện.

Má  trồi lên khỏi nước, cố bắt kịp hơi thở, tay chỉ nắm được cành gảy, rác rưới, đờ đẩn tuyệt vọng rồi buông cho nó trôi lềnh bềnh. Bà nghẹn ngào. 

- Chỉ mới trong nháy mắt đây thôi, bà con tiếp tục mò dùm thằng con tôi.

- Chổ nầy nước sâu lắm vì tàu ghé hàng ngày, nó làm thành một cái vực sát chân cầu, tôi phải nhảy xuống thôi. Mình chờ tôi; Tiếng của ba,

Tôi nhìn xuống thấy máu chảy từ vết thương bàn chân, lê lết miếng băng đầy sình bùn. Ông cuối xuông cuộc nhanh vết thương! 

Má tôi như con Ráy cá, ôm cột cầu tàu lặn thật sâu xuống đáy vực chổ ba tôi chỉ. Một hơi thật dài như bất tận, tôi nín thở theo má.

Cánh tay vươn lên, cái áo xanh của thằng Lâm. Má ơi, ba ơi.. Một người nào xớt lấy bé Lâm tái xanh nhảy lên bờ, trút đầu nó xuống xốc nước. Đám đông bu quanh “làm hô hấp, tiếp hơi, nó ngưng thở rôi! Đem lên trạm cấp cứu,” 

Ba hóp hóp lấy hơi, lếch theo đoàn người. Tôi cũng chạy theo dù cố ngoái cổ lại nhìn. Má ngồi bêt xuống gục đầu lên thành ghe chòng chành nghiêng ngã ói thốc, ói tháo mắt dõi theo đám đông. Tôi nghe má nức nở

- Má chỉ tới đây thôi. Má đã cố hết sức. Mọi thứ xin nhờ ơn trên! 

 

Ba ngày sau cái ngày không thể quên đó, nội xuống nhà ba má tôi. Cái giải quyết không cần tòa án, hết sức võ đoán không biết đã ảnh hưởng thế nào tới má chỉ biết là tôi bị bắt đem về ở cùng nội để gọi là giảm áp lực cho cha mẹ tôi, đông con quá lo không xuể. (Tại sao lại là tôi, đứa lớn nhất, tôi đã gần 6 tuổi đã biết chụm lửa nấu cơm và giữ em giúp má?) 

Thủơ bé, tôi giận sự bất công, tôi mặc cảm: “Cũng là con mẹ con cha. Cành cao vun xới, cành xa bỏ liều” Từ đó tôi lớn lên là cây bonsai bị cắt  rời thân cây mẹ. tôi có biết đâu rằng: ngày má tôi bị chia cắt với đứa con đầu lòng là tôi sau cái biến động của cơn bão, bà cũng đau như mẹ Dơi đoạn trường trong hang sâu.

 

April 17 2021

NGỌC NHÃN DƯƠNG TRẦN

 

  1. Cậu là cha, người Nam gọi cha mẹ là “cậu mợ”

  2. Cà ràng ông táo: bếp tự đắp bằng đất sét trộn với trấu như máng đựng, hình nửa trái bầu hồ lô cắt dọc, ruột rỗng, đáy bằng. Đầu gò lên ba đỉnh cao để bắt nồi, củi đốt được gát lên thành lò, đuôi bếp phình hơi to chứa tro, gạt than ra nếu cần, rất tiện lợi không tốn tiền mua.

                         CHẠY MÀ KHÔNG CHẠY

 

Sau khi đọc một câu chuyện của Tuệ Tâm,"Ngôi nhà cuối cùng của tôi" kể chuyện  một người già ngày mai sẽ từ bỏ tất cả để đi vào nhà thương dưỡng lão. Chuyện kể cái tâm trạng xót xa khi biết rằng cái gia tài cả đời vợ chồng bà tạo dựng giờ chỉ được ém trong một gian phòng. Bà phải chọn, tất cả mọi thứ cho gọn, nhỏ và chỉ MỘT: bàn, ghế , tủ lạnh,  giừơng đơn, vi tính, microwave, và "một mình".  Quần áo đủ dùng vì mặc cho ai xem mà có còn đi đâu nữa đâu!.. Bà phải từ bỏ căn nhà to đẹp với hầu hết những thứ mà bà đã lựa chọn, trân quý.  

Nghĩ gì ? Có phải đây là hình ảnh của bạn của tôi đã, đang, hay sẽ xảy ra. Từ câu chuyện trên tôi học được rằng  sau sáu bảy chục năm của đời người, tất cả chỉ là một cuộc rong chơi, nhìn mọi thứ cho đã mắt, ngắm thật chán chê, sờ mó vuốt ve, mân mê thỏa thích rồi cũng bỏ lại thế gian nầy. Người thân ư? Hết rồi thời con rồi cháu quấn quýt bên chúng ta, hò hét, chạy đuổi, lật tung căn nhà làm mình mệt nhoài, cò cò chạy theo mà cười híp mắt. Những bữa cơm đoàn tụ bà mẹ lo cuống cuồng trổ tài nấu nướng sắp xếp hoàn chỉnh, ông cha cố chen vào những chiếc ghế trong phòng ăn vì số con cháu ngày một tăng. Giờ đây bọn chúng đã lớn có bạn bè, đi đại học, chim con đủ lông đủ cánh chúng phải bay đi tìm tổ riêng tư. Chúng ta mừng cho con thành nhân, cũng đồng lúc đối diện với cái tổ trống vắng trần trụi xơ xác mòn cũ như sự tàn héo của tuổi già. Chiếc lá mùa thu chín đỏ, ông hay bà lìa cành đi trước và người còn lại tự hỏi bao giờ sẽ tới phiên ta?!.  

Có chọn lựa hay sao từ khi mới sanh khóc oa oa mở mắt. À đây là cha kia là mẹ. Lăn vào đời mổi người một hoàn cảnh. Nhìn một vòng những bạn bè thân quen chưa biết rằng ai nghiệt ngã hơn ai? Giờ đây nhìn bạn hay tôi đã đến thất thập, hay bát tuần, mình nên chua xót chấp nhận hay thanh thản đối diện. 

Sáng Chủ Nhật tuyết lất phất rơi nhẹ nhàng. Dù chỉ mới bước vào giữa tháng 11 mà vùng Bắc Mỹ đã nhận hai trận tuyết. Tuần trước ngay cả các tiểu bang phía Đông Nam tuyết cũng trãi dầy xa lộ chào đón lễ Tạ Ơn. Bao nhiêu căn hộ mất điện, trường học đóng cửa hay mở trể và trên tin tức một chuyên buồn cười và dễ thương là sau khi thiếu chuẩn bị cho đợt tuyết đầu tiên (vì tiên đoán thời tiết sai) nhiều tai nạn xãy ra bị dân chúng phàn nàn, ông Thống Đốc của tiểu bang sợ quá, chuyến nầy nhiệt độ mới 40 F mà bốn chiếc truck chở đầy muối đã khởi hành đi rãi trước?  Có vừa lòng dân cái xứ Cờ Hoa nầy đâu. Có người gọi vào bình phẩm, "tiền của dân đống thuế đó nghe cha nội, sao mà hành xử ngu quá vậy" Ở đây làm tôi mọi cho dân không dễ chút nào. Chả bù chế độ Cộng Sản dân khóc dân than là đã bị "An Ninh Mạng" chăm xóc sức khỏe.                                                                                                     

Tôi phải gọi điện thoại kể chuyện nầy cho vợ chồng Tín nghe mới được. Cũng đã hơn tháng nay tôi chưa liên lạc em.

Sau vài hồi chuông ren vợ Tín trên phôn

 - Hương đó hả, vợ chồng em khỏe không?

 - Dạ tụi em thì khỏe nhưng Lợi đang bệnh, ảnh đang đi ra nhà thuốc lấy trụ sinh cho nó, còn Nhiệm đang tắm sau khi chất hết mớ gạo người ta phân phối cho tiệm. Xin lỗi chị cũng không biết chừng nào ảnh mới về tới.

 - Không sao nói chuyện với em cũng được. Chuyến nầy Lợi bị sao vậy em.

 - Cũng là vấn đề bao tử, sau khi ăn dĩa cơm tấm sáng hôm kia thì nó bị nôn hết và nóng sốt nữa!

 - Thức ăn có vấn đề gì không? -Lại đụng thịt heo chết tẩm hóa chất chứ gì, tôi tự nghĩ--

 - Hàng cơm nầy quen. Chị ơi, ngay cả đôi khi ăn cơm nhà nó vẫn.. À em đã bị về hưu non 55 tuổi nhưng em cũng chẳng khỏe khoắn gì hơn. Mong được đi du lịch cho biết đây biết đó như người ta nhưng hoàn cảnh thằng con em chị cũng biết, nói mãi cũng vậy thôi, chỉ có một thay đổi là thu nhập thì ít mà tóc bạc thì nhiều..

_ Em đã về hưu rồi?  Nhớ em nhỏ hơn chị cả một con giáp thế mà thời gian quả là nhanh, chạy cũng không kịp.

Xem chừng như tôi đã gọi không đúng lúc để nói chuyện thời tiết, trăng mây. Lợi đứa cháu tôi, đã bệnh đang bệnh, và gần như luôn luôn bệnh.  Lúc Lợi sanh ra bà mụ vô trách nhiệm không móc sạch đờm rãi, nó bị ngạt tới xanh tím đi. Kết quả là óc bị hư khi thiếu oxy cho nên bây giờ cơ thể thì lớn nhưng mãi mãi là em bé, Thằng bé nầy là cái sản phẩm của chế độ trì trệ, làm việc chiếu lệ, Lợi nghe mà không thể nói, ăn nhưng không thể tự vệ sinh, (đúng như họ mong muốn), đặt lên đầu vợ chồng Tín một cái khổ nạn. Tín nói đó là số mệnh của em, Hương nói đó là vì kiếp trước em đã làm điều ác!. Khi nghe tôi lại có thêm cháu nội Tín chúc mừng nhưng tôi cũng hiểu khổ tâm của vợ chồng nó, đứa trai nhỏ thì như đã kể trên còn đứa lớn thi gần 30 mươi rồi mà không chịu cưới vợ. Thật không biết Nhiệm có bình thường, khi tuổi đó mà vẫn chưa có bạn gái, dù cũng cao lớn khỏe mạnh đẹp trai?  Mổi lần lên face book nhìn những hình gia đình tôi vợ chồng Tín đều khen, và thỉnh thoảng kèm theo câu " không biết bao giờ em mới được bồng cháu"  

Tôi chỉ nói thêm vài câu bâng quơ rồi cúp phôn Thêm một người "bất như ý".

Chán nản tôi trở lại với ly café của tôi. hương thơm quen thuộc. Lò sưởi làm ấm dần căn phòng lạnh ngắt buổi sáng sớm, lửa bắt đầu dè dặt le lưỡi thăm dò tâm trạng ưu tư của nữ chủ nhân.  Tôi mở vi tính ra xem điện thư và tin tức như thường lệ thì điện thoại reo. Ai mà gọi sớm như nầy trong ngày cuối tuần?

 - Ồ chị Thúy. Đi làm về tới rồi sao?

 - Chủ Nhật xong phiên trực ở 5 giờ, sẽ đi ngủ sau. Chị ơi, về tới ăn xong muốn chuyện trò với chị một chút vì tâm tư dường như nặng nề quá.

Tự nhiên tim tôi đập mạnh lo sợ không biết Quỳnh có sao không?; Thúy là em họ của Quỳnh; cô bạn thân từ thời Trung học đang ở trong dưỡng trí viên. Tôi yên lặng,

 - Tôi không đánh thức chị chứ?

 - Dĩ nhiên là không, già rồi chị biết tôi ngủ như "gà" mà. Tin gì vậy, chị làm tôi lo quá. Quỳnh có khỏe không?

 - Quỳnh không sao nhưng chị Bảo thì đang đương đầu với sự tái phát của bệnh ung thư ngực cách đây hơn 10 năm.

 - Chị Bảo? Mình mới gặp chị, ồ cũng đến mấy tháng trước ở Wallmart. Hôm ấy vì gấp rút mình cũng không nói chuyện nhiều. Khổ thật, kể mình nghe rõ hơn tí đi.

 - Anh của mình đã bị tai biến 4 năm nay, chị Bảo thì vẫn đi làm vừa lo cho chồng, cũng may anh ấy tự lo vệ sinh cá nhân và từ từ nói chuyện được khá hơn .Thật mệt cho bà chị dâu của tôi, không trách là vừa 65 tuổi có được Medicare, chị nghỉ làm ngay cũng gần 6 tháng rồi. Tuấn sanh đứa con trai thứ hai và Tú thì có bồ sắp tiến tới hôn nhân, nó dẫn về giới thiệu với mọi người trong ngày hội Tết năm rồi, anh chị cũng có mặt phải không?

 - Mỗi năm không có chị Bảo làm sao có Tết. Hân hạnh cho chúng tôi đã được chia xẻ bầu không khí gia đình nầy.Tôi thật là bàng hoàng khi nghe được tin dữ chị Thúy ạ. Chị Bảo lận đận thật, mới về hưu chưa nghỉ ngơi, chưa đi chơi đây đó, chưa có giờ nựng nịu cháu nội.

 

 Đúng 40 năm trước, căn nhà đầu tiên của tôi ở gần nhà anh chị, là gia đình Việt Nam gần nhất trên bước đường luân lạc tha hương. Chúng tôi trở thành bạn, thường giúp đỡ lẫn nhau, Trân Bích từng giữ Tuấn Tú khi chị bị bận.                                                                                              

Ai cũng gặp khó khăn nhưng trong số đó chắc cũng phải cộng thêm anh chị ấy vào danh sách. Nhà chị và một đàn em chen chúc nhau trong một cái town house 3 phòng ngủ. Họ ra đi từ những ngày tháng đen tối 1975. Anh là con lớn và cha mẹ kẹt lại Việt Nam trong cuộc xô lấn của chuyến bay định mệnh. Anh dắt díu một bầy em 8 đứa sang đây lúc mới 24 tuổi. Anh đã gặp chị sau đó, cả hai lo cho từng đứa một đi học, dựng vợ gã chồng. -Chị cũng có hai cô em gái và đứa nhỏ nhất là bạn cùng lớp với em tôi-. Sau bao nhiêu năm, bạn có thể tưởng được là gia đình nầy đã lớn lên bao nhiêu. Có một lần ngay ngày Mother day tôi ghé nhà chị tình cờ tôi thấy bình hoa với thiệp đề _happy sister day- Chị nói ngày Father day anh cũng nhận được chay rượu, gói quà -happy brother day- từ các em mình.

 Tết, dù cho có nhiều đứa đi tiểu bang khác chúng cũng ráng tề tựu về với anh chị như cái tổ mà chúng quần thảo nhau mà lớn lên. Những đứa em chia nhau, mổi người mổi thứ từ bánh chưng, bánh tét, giò chả, bào ngư cho đến phong pháo hiếm hoi, cành đào rực rỡ hay chậu mai mùa xuân và tiếng cười dòn thổi tan những lớp tuyết dầy của cuối tháng giêng dương lịch lạnh giá New Jersey.

 Hội Tết nhà anh chị cộng thêm vài cặp bạn thân trong phòng khách trang trí kiểu Việt Nam với tranh lụa thiếu nữ mặc áo dài, nhâm nhi ly rượu vang nóng - Mulled wine-  và kể chuyện ngày xưa.Tết năm nào cũng thế, các cháu xung xăng trong bộ y phục cổ truyền, với con Lân nho nhỏ nhảy lon ton theo tiếng pháo nổ dòn, các phong lì xì màu đỏ xinh xinh được trao tay nếu chúng nói được câu chúc bằng tiếng Việt. Tôi nhớ năm Vũ con trai tôi 5, 6 tuổi gì đó, khoanh tay ngọng nghịu "Chúc bác mạnh khỏe vui vẻ và không có ghẻ."!

 - Vũ, bậy bạ cái gì mà "không có ghẻ!' Ai dạy con vậy?- Tôi nói-

 - Chị ba dạy. - nó trả lời chắc nịt rồi biến mất, để lại một tràng cười-

Cháu ngoại tôi mê được tới nhà chị Bảo để trình diễn bài đàn dương cầm mới học, nhận tiền tết mới toan, ăn thức ăn ngon qua tài nấu tuyệt vời của chị. Nhưng mà với chừng ấy sức sống cùng sự hoạt náo ấm áp thân yêu, làm sao mà cơn bệnh quái ác nầy có thể lạnh lùng ghé lại !..Không thể chấp nhận được. Tôi nghẹn ở cổ..

 - Chị biết, những người bị bệnh dù đã dứt nhưng họ phải được theo dõi hàng năm, mình bây giờ cũng đi Mammogram test mổi 2 năm chứ gì. Vấn đề là khi nó trở lại, nó đã lan qua nhiều cơ phận khác nữa không biết có chặn nổi không, chưa kể người già sức đề kháng không cao lắm đâu

Tôi yên lặng. Sao lại mới vừa nghỉ chưa được bao lâu thì lại đương đầu với bệnh, Anh Bảo còn khắc khoải với nửa người không di động dễ dàng, chị lo cho anh bao lâu khổ sở thế mà chị cũng không bao giờ than van. Thật bất công! Tôi cũng từng nghe Ellen, người làm chung cùng tôi, kể về chị chồng của bà ấy vừa nghỉ làm là bị ung thư tử cung rồi mất sau một năm. (Nếu vẫn đi cày thì bệnh không đến sao, tàn nhẩn quá!)

 - Cám ơn chị Thúy nghe, mình sẽ liên lạc chị Bảo    

Nói về Quỳnh bạn tôi trong nhóm Ngủ hổ Chi Hoa của trường Đoàn năm xưa đang chết buồn trong dưỡng trí viện. Năm đứa con gái học cùng một lớp, cùng dễ thương như "mèo" nhưng cô em chồng tôi cho rằng vì sanh năm cọp nên người gãy gánh giữa đường, người thì lận đận tình duyên, người thì lỡ làng duyên số. Không biết lâm vào trường hợp nào thì khá hơn.

Tuy nhiên Quỳnh cô bé đẹp nhất, giàu nhất, dễ thương nhất nhưng yếu đuối nhất nên không chịu nổi đã buông xuôi trước khổ nạn của cuộc sống.

Lần tôi đi thăm Quỳnh nhìn cái đầu be bé có mái tóc dài sợi trắng như màu khói, lì lợm trơ cứng theo tuổi đời, đang chạy trốn hiện tại. Sinh ngữ chính của Quỳnh là Pháp văn nên nàng có thể nói tiếng Pháp,lại không thể học tiếng Anh dù đang ở Mỹ. Nàng nhớ rõ tôi và cứ rũ tôi ra vườn hái trái, nhớ những bài thơ nàng ngâm và bài đàn piano nàng dạo. Ngồi với tôi Quỳnh tưởng mình đang ở căn nhà to ở gần cầu củi bên cửa sỗ có cội Hoàng Lan hương thơm dìu dịu trong những đêm hè, chùm mận đỏ chia cùng các bạn, ly nước đá mít tố nữ từ vườn hái vô. Nàng nói đến những lần ngâm thơ văn nghệ, phát thưởng, họp đoàn, tiếng vổ tay, và tiếng cười trong veo. Nàng chon lựa chạy trốn hiện tai, chỉ muốn giữ cho mình những hình ảnh cũ, hiền hòa dễ thương của ngày xưa.

1975, nhà giàu thì đi kinh tế mới, căn nhà bị lấy, Quỳnh giã biệt mọi thứ ở cái tuổi 25, bị  mất ngay cả chính mình. Dù sao người đàn bà của Tuệ Tâm cũng còn lại một căn phòng tiện nghi, một tủ lạnh nhỏ nhưng bao giờ cũng đầy và nhất là tấm thẻ nhà bank.

Quản đời tươi đẹp đã qua. Người yêu đã bỏ em đi, Quỳnh cố gắng trở lại nhờ vã người anh lớn khác mẹ với Quỳnh ở Cần Thơ. Cơm  không lành canh không ngọt, Quỳnh nhận đi dạy học trong Rạch Gòi một xã điêu hiu..  và nhan sắc ấy đã quyến rũ bọn ruồi nhặng nham nhỡ của cái quầng thể bát nháo vô luân nên thân gái không áo giáp đã bị vỡ vụng, dùi nát. Đúng ra Hoa Quỳnh nở cho tao nhân mặc khách thưởng ngoạn với, rượu quý trà thơm nhưng than ôi" nước mất nhà tan sói lang rời hang động!" Người con gái ấy đã mất tất cả trước khi cái tuổi mà bạn và tôi sắp mất và sẽ mất.Thế thì thế nào?

Chúng ta đều phải đứng dậy sau khi té. Quỳnh theo cha mẹ định cư, cũng đi làm cũng có thiện chí dựng lại đời mình nhưng bản chất yếu đuối và sự tổn thương nặng nề làm cho Quỳnh chao đảo. Những cuộc tình sau đó không đi đến đâu, Quỳnh đã luôn hoãng sợ vì gợi nhớ thảm kịch ngày nào nên, đôi khi bất ngờ chạy trốn, dấu 

mặt và khóc nức nở. Sau nầy Quỳnh từ chối hẹn hò, tự nói chuyện một mình và không còn phân biệt điểm thời gian.

_________________________________________

 

Chuyện người già trên quê hương tôi 

Nguồn: Kết nối miền Tây

Đâu đó trên báo Nguồn Kết Nối Miền Tây có video clip ngắn quay cảnh của đôi vợ chồng già vì nhìn ra hoàn cảnh con mình nghèo quá nên lặng lẻ dắt díu nhau ra sống trên một chiếc ghe bỏ hoang. Bà đã 89ông 99 tuổi, ngay ngày đi bán vé số kiềm chút tiền còm đem về lo rau cháo cho ông. Có lẽ người làm phim đem thịt gà quay xà lách tới nên cụ bà xé thịt gà đút cho cụ ông ăn. Cụ ngọt ngào hỏi:  "Ông ăn  ngon không? Lâu lắm mới có được bữa ăn ngon!" Cụ ông móm mém gật đầu. Sau miếng thứ hai, cụ ông nói với cụ bà: ăn đi!" Nhưng cụ bà lắc đầu. Khi cụ ông ra dấu không muốn ăn  nữa, cụ bà dỗ dành: "Không ăn thịt gà thì ăn cháo nha''.

                           

Nghe đoạn Video, nhìn hình ảnh bà đi bán vé số ông nằm chờ trên chiếc võng, như nói hết đâu đó cái tình mộc mạc, cái nghĩa vợ chồng thật thà, trìu mến thâm sâu không tính toán cân đo. Sống nghèo khó mà vẫn vui vẻ không than van, chấp nhận rồi sẽ tới cái ngày bà nằm xuống, chỉ sợ ông bơ vơ!  Bất chợt tôi nhớ tới hình ảnh bà Trần Tế Xương. Quý lắm, thương lắm cái đặc thù dân tộc Việt nói chung và nét đẹp thuần khiết hiền hòa đôn hậu của người đàn bà Việt Nam nói riêng làm xao xuyến xúc động lòng người.  

Má tôi cũng rất già nhưng mai mắn hơn. Bà có tám đứa con, tôi bay mất đã gần 40 năm, làm "khúc ruột ngàn dặm" thì không kể rồi. Con gái thứ tám mất lúc mới hơn ba mươi, làm bà khóc đến mờ mắt. Sáu đứa ở VN xem ra rất có hiếu, thay phiên chăm xóc bà những ngày bóng xế tà dương. Lúc còn khỏe mạnh với sự chu cấp vật chất của đứa con Việt Kiều thì bà cũng rủng rỉnh chút tiền còm trong túi, có đủ uy quyền của một bà mẹ tự lập, vui với tình thương sự tôn kính và đôi khi vòi vĩnh của bầy cháu.                 

Cả cuộc đời tôi lần đầu vê Việt Nam sau 15 năm, cha mất đã 21 ngày, thăm mẹ như thăm bẫy ngỡ ngàng nhìn "bãi biền biến thành ruộng dâu" chị em, bè bạn nói năng giữ kẻ. Tự biết mình đã không còn thuộc nơi nầy. 

     

Rồi tới phiên mẹ bệnh, lần đó, ngồi cùng mẹ suốt ba tuần lễ, nói những lời thương yêu có thể là lần cuối. Nhìn làn da nhăn nheo như  trái nho khô, đôi tay cành củi trơ xương và mái tóc trắng, tôi bất giác lo sợ và biết rằng thời gian còn lại với mẹ đếm bằng ngày bằng giờ!.Tôi phải tận dụng nó không rời nửa bước.Tôi tận tụy đút cho bà miếng cháo lõng, củ khoai nghiền, dẫn bà tập tểnh đi lại sau cuộc giải phẩu giành giật cùng thần chết chờ tôi về. Tôi cố nói những lời an ủi trấn an bà hay cũng trấn an chính tôi. Anh chị em thay phiên nhau làm y tá. Mẹ không bị đi nhà thương dưỡng lão, không phải tập dần sự chia cắt, bà được vây quanh cùng con cháu nhưng dường như bà cũng chẳng cần. Cổ máy từ từ chậm cho dù mình cố thay bao nhiêu cơ phận thì một lúc nào đó nó cũng sẽ èn ẹt  từ chối chuyển động. Bà đã mệt  mỏi như ngọn đèn cạn dầu, không thiết ăn, muốn ngủ sâu và từ từ không biết gì!  Tôi sắp bảy bó, bà hơn tôi 20 tuổi. Đây có phải là hình ảnh của tôi 20 năm sau.                                                                           

Tuổi già ai cũng sẽ đối diện phải xót xa chối bỏ, chạy trốn hay mĩm cười chấp nhận. Làm sao ngăn được dòng sông sắp đổ ra cửa khẩu, gập ghềnh xao động hay êm ã, an bình, tự tâm chúng ta chọn lựa mà thôi.

Một nhà văn nào đó đã nói tuổi về hưu là" tuổi vàng" .Còn khỏe mạnh đi lại được thì làm sao mà cô đơn với hội đoàn, chùa, nhà thờ, và các chương trình thiện nguyện. Tôi còn mai mắn hơn vì có Thầy, có Bạn có mổi năm một lần họp mặt trường xưa cùng trao đổi thư từ trên mạng và còn cùng các cô cậu học trò từ nơi xa xôi vẫn theo đuổi lý tưởng của mình mong góp một tay làm điều tốt cho xã hội. Cám ơn các em giúp tôi tin yêu và quên hết tuổi đời.

Xin mượn bài thơ sau đây của YOUTH để làm câu kết luận 

"Không một ai lại già cỗi đi vì những năm tháng trôi qua. Chúng ta già nua bởi vì ruồng bỏ lý tưởng của mình. Năm tháng có thể làm nhăn nhúm làn da của chúng ta, nhưng sự từ bỏ tinh thần hăng say, phấn khởi mới làm tâm hồn chúng ta héo hắt.'


By Samuel Ullman (1840-1925)

ĐAN QUẾ PHONG   1-11-2019

 

 

 

THẾ NÀO LÀ HẠNH PHÚC

 

 

 -Ngày mai em có thể ném chiếc đồng hồ báo thức vào sọt rát rồi anh ạ. Không cần thức đúng giờ nữa. Thế là "Thênh thang thơ túi rượu bầu" anh xem mình sẽ dự kiến đi chơi đâu bây giờ.

-Chúc mừng em được nghỉ hưu, anh đã chờ cho em cũng được ở nhà, vì thật bất công nếu anh có thể ngủ nướng mà em thì không.

-Em đã đọc đâu đó rằng 65 tuổi chỉ là mới bắt đầu cho cuộc rong chơi. Anh nghỉ trước em vậy anh thấy như thế nào?

-Hãy tự mình chiêm nghiệm vì có thể anh khác hơn em, chưa kể không ai giống ai về sở thích, mong rằng sức khỏe chúng ta vẫn ổn để làm mọi việc mà em gọi là 65 tuổi chỉ mới bắt đầu.

-Mình đi Việt Nam đi. Trước là thăm má em sau là chu du hết một vòng từ Nam ra Bắc, thăm Bến Hải đến Cà Mau, lên cao nguyên nhìn những cô gái Thái Trắng mà anh thường ca tụng. Đến cột mốc Lao Cai Sa Pa nhìn sang biên giới Việt Trung để ngậm ngùi  đâu rồi thác Bản Dốc, ải Nam Quan!!..

 

  • Và chúng tôi đi VN, đó là chỗ duy nhất ông xã tôi muốn đi. Thế là trãi nghiệm dài dài từ tô phở be bé Hà Nội, bánh tôm chiên đượm dầu Hồ Tây, và oằn oại đau bụng vì mắm tôm Đà Nẵng. Thật buồn vì tôi đã không còn quen nổi với thức ăn lạ..

-Chắc rau quả tôm cá lóc nướng trui, rau tươi miền Nam sẽ dễ chịu hơn hả anh.

-Anh cũng nghĩ vậy. Có một điều anh muốn thú thật với em là đôi chân anh nó đòi nghỉ ngơi,  lúc leo lên chùa Yên Tử ở Bà Nà hay xuống động Thiên Đường ở Quảng Bình nó kêu lên răn rắc đó em.

-Anh vẫn còn khỏe lắm mà, anh ráng lên nếu không vài năm nữa ai có thể nói trước được. Giang san Nam Việt đẹp vô ngần, em vẫn còn mê đắm và mơ ước đi nhiều nơi khác nữa, nhưng nếu chỉ có mình em đi thôi không thể vui. 

  • Và chúng tôi thăm Châu Đốc, Hà Tiên, Thái Lan, xứ chùa Tháp Angkor wat. Đi Bạc Liêu ra tới tận bờ biển mặn đục mùi bùn, ăn cua biền, ba khía, cá kèo tươi. Về quê Bún Tàu xứ cá rô đồng biết nói, ăn lẫu với rau đắng mọc sau hè và một tháng trôi qua. Nguyên không nói gì nhưng tôi bắt đầu buồn chán... Nhớ nhà, nhớ chiếc bếp tiện nghi theo ý mình, nhớ chiếc giường có thật nhiều gối sạch và êm, nhớ mấy chậu Lan bên cửa sỗ chẳng biết có còn tươi, nhớ con cháu ngoại ngày tôi đi ôm chân khóc đòi theo, và bây giờ không biết có còn nhỏng nhẻo đòi tôi đắp chăn mỗi đêm mới chịu lên giường. Và đám cưới cho thằng Út, áo dài cho cô dâu, chú rễ đang đặt may, nữ trang, xính lễ, ôi thôi sao mà lắm chuyện...Hình như dưỡng già cơ thể mà bộ óc chưa chịu nằm yên.

 

  • Năm đầu đi hai ba nơi, sau đó từ từ mỗi năm môt chỗ. Đi chơi Úc Châu, đi Yellow Stone Park rồi đi Cruise. Dù sao thì thời gian cũng rất thừa thải, tôi làm bếp tự thử thách mình. Đi chợ thứ gì cũng mua. Lên mạng học nấu những món lạ. Ông xã lúc đầu còn hoan hô hết mình và cảm thấy sung sướng vì cứ được đổi món dù ngon hay dở nhưng từ từ tôi thấy Nguyên chỉ im lặng và thức ăn cứ tiếp tục chồng chất vào hộp mà không ai buồn nhìn lần thứ hai. Tôi hỏi:

-Món Bún Gỏi Già nầy như thế nào, có ngon không?

-Thì anh đang ăn nè...

-Còn món Bánh Tráng Trộn hôm qua anh cất lại sao không thấy anh đụng tới, còn ề Bánh Canh và Bánh Xèo nữa..

Nguyên nhìn tôi một lúc rồi nói:

-Ngày nào cũng có món mới tội gì ăn món cũ, em nhìn xem những cái quần không còn gài nút được, còn em  thì ăn như mèo...

Tôi cúi mặt biết mình phải làm gì!

 

 

Hạnh phúc là đây. 

Thì đổi bài bản, không đi chợ thức ăn, tôi đi chợ gia dụng. Biết bao nhiêu đồ hạ giá lúc còn đi làm đâu có giờ nhìn qua, rẻ quá chừng. Mua thêm thì Nguyên không nói gì nhưng ném đi thì anh không nỡ, kết quả đến chính tôi cũng thấy cần suy nghĩ cho cái chỗ chứa như lớp học không đủ bàn cho học trò. Ví dụ như tôi mua thêm bốn cái tô Oneida xong khi chất vô tủ thì thấy mình quên là đã có bốn bộ tô Lenox có luôn cả dĩa Trân mới tặng hôm Chistmas, và hai thùng quà tặng cho công nhân làm việc 25 năm, 30 năm từ Dow Jones. Nguyên chọn bộ dao J. A. Henckels ba thằng hình của Đức, tôi chọn bộ nồi Calphalon 8 cái còn mới toanh. Lấy ra dùng ngay, lại nấu ăn ư?  Thôi thì tấn công phòng ngủ vậy. Tôi thay bộ đồ trãi giường, màn, gối...Tối đó Nguyên than khổ vì chẳng còn đủ chỗ nằm... Với 8 cái gối và hai gối ôm dài tôi biện hộ:

-Khi đọc sách ta dùng chêm lưng, gác chân mệt nghỉ chẳng thích sao, từ nhỏ em đã cần gối ôm. 

     Nguyên yên lặng, tôi đảo mắt nhìn. Giường để nằm hay để chứa gối? Vứt bỏ chăng? Cái nào cũng mới. Không cần phải tiêu tiền ở đây nữa.

 

  • "Nhàn cư vi bất thiện" tôi lại quay sang mua sắm cho bản thân. Cuối tuần là đi một vòng Macy's, Outlet toàn là hàng hiệu. Tôi có bệnh mê giày và xách tay... Tôi chưa đến nổi mua LV, Gucci hai ba ngàn nhưng dạo nầy tôi đã có gần 10 cái Coach, tự nhiên tôi nhớ đến một cô gái làm việc cùng tôi ở nhà báo The Wall Street Journal vì mê xách tay Coach mà biển thủ mấy ngàn đồng tiền của hãng bị đuổi việc. Họ xét nhà cô có 7 cái xách tay Coach! Một công việc tốt bị mất với cái giá quá rẻ.

 

 Thương cho bọn trẻ, nhiều nhu cầu mà không tiền, thật bất công thay khi đến lúc già thế nầy thì, hết đi giày cao, hết mặc đầm đẹp để đi làm mỗi ngày thì trang phục đẹp dùng vào chỗ nào đây? Tại sao người già được trúng số mà người trẻ thì rất ít khi. Cứ mỗi lần Sinh Nhât, Noel, lễ Mẹ là các con tôi lại tặng thêm áo, khăn, giày. Mặc đi đâu? Chỉ dùng ngày Chủ Nhật đi nhà thờ. Ngày thường lấy một cái đầm ra mặc thì ông xã hỏi

 -Bà định đi đâu vậy? !..

À hà, đi ra đi vô! Có phi lý không?  Tôi soạn áo quần thời đi làm loại ra từ từ cho cơ quan từ thiện. Nữ trang ư. Tôi đang phải suy nghĩ xem thứ nào cho đứa nào một khi trăm tuổi.  Chưa kể sau vụ trộm vào nhà tôi thấy sắm vàng ngọc chi cho bận tâm, mọi người chỉ khen đẹp chứ đâu hỏi xem thật hay giả. Bọn trẻ bây giờ phải đeo sao cho thích hợp với xiêm y nên đổi mỗi ngày và ném lăn lóc sau vài tháng vì cho là đã lỗi thời; không như má tôi vừa giải phẫu xong là hỏi "đôi bông cẩm thạch của mẹ đâu rồi?" (Đôi bông cưới của ba tôi cho). Nguyên hay nói: "ngày xưa thèm ăn không có mà ăn, bây giờ thực phẩm đầy dẫy thì sợ cao máu, cao mỡ tiểu đường."

 

Có nhiều người số cực nên nhàn quá sẽ sanh bệnh. Chắc tôi ở trong số đó.  Tôi sợ ăn ngon vì quá béo, đang khỏe mạnh thì phải giữ gìn trọng lượng, đi chơi toàn ăn ngoài, hàng quán chỉ chủ động vừa miệng, biết trong đó có gì, nhất là Việt Nam, thực phẩm nghi ngờ quá, còn thức ăn Tây cũng tàm tạm không hợp khẩu vị  trừ một vài món.. Canh chua cá kho tộ vẫn đứng hàng đầu. 

     Còn một vấn đề nữa. Đi chơi đương nhiên cần có bạn đồng hành, cá nhân tôi, Ông Xã cặp chân không tốt lắm chỉ muốn nằm nhà. Tìm được một bạn đi cùng thật khó khan, kết quả chỉ có những chuyến đi dài cùng con cháu là tôi vui, hay những lần họp mặt bạn bè cùng trường, nhưng một năm mới có một lần, kéo dài tối đa là mười hôm. Tôi sẽ dùng thời gian còn lại như thế nào đây?                                                                      

 

Căn nhà hai vơ chồng già, mọi thứ đâu vào đấy không cần dọn dẹp như ngày xưa. Làm vườn trồng tỉa chỉ có được mấy tháng hè. Vùng tôi ở không có nhiều bạn Việt Nam để quần tụ cuối tuần. Lướt qua mạng chuyện trò cùng các bạn từ mọi nơi, người thì ông nội tại gia người thì mới lên chức bà ngoại. Mấy cô em họ thấy tấm ảnh tôi cùng các cháu vây quanh đều bảo vui quá, chị có phước quá, cháu ngoại chị xinh đẹp làm sao!! Tôi nhìn lại bức hình giống phật Di Lặc và đàn trẻ của tranh Tàu phong sắc hồng vàng tươi thắm mà lúc trẻ tôi cứ tự hỏi: "làm sao có trẻ bụ bẫm phương phi tươi như những đóa hoa thế ấy, chắc là tiền thân của Tiên Đồng Ngọc Nữ trên trời?"  Cháu tôi cũng đẹp lắm, con lai mà,  trẻ ở Tây phương tròn lẳn, trắng trẻo không bị ràng buộc, hiếu động, trần trùng trục trong mùa hè, không sợ nắng, sợ gió bao che quá độ, trùm kín như người mình. Tự nhiên tôi muốn tiếp tục làm bà ngoại bà nội để nghe chí chóe tiếng trẻ thơ cho thấy mình còn hữu ích.

 

Khương bước ra cửa sau khi hôn Tuyết Dung trên má và hôn tôi trên tóc.

-Con thương mẹ. Nếu mệt thì nói với con.

Khương không quên nói với đứa con 5 tháng của mình đại khái như:

-Dung không được làm khó bà nội nghe chưa, ngoan nghe chưa, Nội thương con lắm đó biết không..

Tôi nhìn thằng bé ra xe, sơ mi trắng kẻ xọc nhỏ màu xanh lơ tay cầm chiếc túi da đen đựng giấy tờ, móc thêm trên khuỷu tay chiếc veston cùng màu với quần nó đang mặc, không có cravat, chứng tỏ hôm nay nó không ra toà. Khương đứng lại trước khi mở cửa xe, nó soi mặt và sửa lại mái tóc bằng kiến chiếu hậu, thằng con nầy thà chọn nghề thầy cãi bấp bênh mà được mặc áo đẹp, nói chuyện trước đám đông. Loay hoay nó cũng đã làm việc ở văn phòng nầy gần 5 năm rồi.

...và hạnh Phúc cũng là đây! 

     Khương, con trai út của tôi đáng lẽ phải được đặt tên là "út Ráng" vì 36 tuổi tôi mới ráng ra được một cậu con trai trong khi chị lớn nó đã 11 tuổi chị kế 9 tuổi. Nó nói nhờ nó mà tôi trẻ ra hay nhờ nó mà đến tuổi nầy tôi vẫn xông pha lái xe mỗi tuần hàng trăm cây số xuống đây, đẩy cháu đi vòng vòng, pha sữa, thay tả và hát ầu ơ ví dầu.

 

Trước tháng 7 tôi  vẫn ở nhà Bích, lo cho Hồng và Trang từ thứ hai tới thứ sáu Nhà Bích chỉ cách nhà tôi 15 phút lái xe, công việc nhẹ nhàng hơn: cho hai đứa cháu lên xe bus lúc 6 giờ 50 và lo cho chúng ăn uống ở 4 giờ 30, cộng với đi học bơi thứ hai; học võ thứ ba, thứ tư; học đàn thứ năm...Thời biểu mỗi ngày: Sáng 6 giờ đèn bật sang, vệ sinh thông thường xong là bọn trè ngồi vào tập đàn 15 phút, làm bài tập toán 10 phút, ăn sáng thật nhanh là bước ra cửa lên xe bus lúc 6 giờ 50, không quên hôn tôi một cái và nói: "Con thương bà ngoại rất nhiều, con nghe lời bà ngoại.." Chúng nó nói như con cưỡng thay cho câu "bye bye", câu nầy cũng được nói trước khi đi ngủ. Thật không biết chúng thương tôi được bao nhiêu nhưng nghe cũng vui vui, mỗi lần đi hè hay nghỉ lễ phài xa nhau hàng tuần là Trang khóc xước mước... "Một tuần lâu lắm, con nhớ bà ngoại" thế là đủ cho ngoại nầy phải bỏ hết mọi thứ mà đến với chúng; tôi cũng nhớ thương chúng. Trang là con bé nói nhiều giống mẹ Bích như in tới mức trong lớp học võ nhiều khi tôi đã gọi nó là Bích. Tôi bơi trong ánh mắt thiên thần và thích thú lắng nghe những suy luận, hồn nhiên trẻ trung đến ngỡ ngàng.                                                                                                                                  

  • Thiên Trang giận mẹ vì ngày lễ Do Thái giáo tuần nầy nó không thể đi lớp toán được nó tuyên bố không nói chuyện với mẹ. Đến trưa đói bụng không biết làm sao nó nghĩ ra rằng: Không nói nhưng viết lên giấy thì được thế là Trang viết: "con đói bụng" và trao cho cha nó chuyền đến mẹ nó. Trên giấy còn nói thêm: "có thể ngày mai nó sẽ nói chuyện lại, cũng có thể là tới tháng giêng mới nói...". Giáo dục tự do bình đẳng ở Mỹ là như thế mà trẻ con lớn lên với mọi hình vóc, kỳ hoa dị thảo, không theo khuôn khổ nào.

 

Bây giờ thì tôi bị "đổi nhiệm sở", công việc thì cũng như thế nhưng 4 ngày cho Khương, 1 ngày cho Bích và ông ngoại tiếp1 ngày, còn lại thì Henry gánh lấy. Bích biết Khương cần tôi hơn và tôi cũng đã giúp nó 10 năm rồi.

Trang mê em bé Tuyết Dung của Khương, không biết có ganh tị không nhưng chị nàng nói với tôi trước khi tôi ra cửa :

-"Ngoại thật may mắn được chơi với T. Dung bốn ngày một tuần, cậu Khương và mợ Janet thì sống với em bé suốt ngày đêm".

-Trang nên biết là nhiều khi em bé khóc, ì ra thúi ùm phài thay tã, dỗ dành, tắm, rửa cực khổ lắm chứ nó đâu có cười suốt ngày đâu.

-Con chịu săn sóc nó mà.

    Con gái trời sinh là như vậy??

 

Một chút khác một chút lo. Con dâu chứ không phải con gái. Mà con dâu Mỹ nữa, tôi và thằng con chỉ nói tiếng Việt với nhau, tôi cố tình như thế, thỉnh thoảng Khương cũng dịch ra cho vợ nhưng nó nói với vợ là cần kiện toàn tiếng Việt của nó, mà thật sự khi ở cùng tôi mới thấy tại sao Khương từng nói với tôi là  những thân chủ người Việt của nó nói với nó là nó nói tiếng Việt "buồn cười", tôi bắt đầu chú ý và bắt được ngay. Cái lối dịch từ tiếng Anh ví như:

  • "Dạo nầy Xuân Hồng "mọc" (grow up) lên nhanh quá hết còn là con nít ... hay là con "cầm" (hold ) con của con chỉ một tay thôi giống như ba hay nhắc lại là ngày xưa "cầm" mỗi chị trên một tay.

 

Vào nhà Khương tôi học thêm cái lịch sự hơi nhiều của chúng, ngay cả con trai tôi: cám ơn cho mỗi một việc tôi làm: Cám ơn mẹ lo cho Tuyết Dung, Cám ơn mẹ chất dùm con máy rửa chén. Cám ơn mẹ, cám ơn mẹ nhiều đến nổi tôi phải nói:

-Có phải người ngoài đâu mà phải cám ơn, hãy giữ ở trong lòng.

-Không sao, nói để nhớ mẹ tốt như thế nào,và nhắc cho Janet biết gia đình mình khác hơn gia đình kiểu Mỹ bao nhiêu.

 

Thời biểu của một người gẩn 70, đã về hưu như thế nầy chắc ai cũng ngao ngán: "Chèn ơi còn cực hơn thời đi làm". Tôi lại được nghe nhiều lời khuyên của bạn bè, đồng tình cũng có mà phản bác thì nhiều hơn:

  • " - Mình đã nuôi nó, con nó thì nó tự mà nuôi- Nào là - Đừng có dại dột bán hết nhà cửa mà về ở chung mất hết tự do: kho cá thì hôi nhà, chưa kể nếu bạn xào mắm ruốc thì nó tưởng là xì ống gas - và tệ hơn nữa nhiều người cảnh báo chúng tôi -Tại sao phải nô lệ cho dâu rễ, khi già nó cũng đẩy vô nhà thương dưỡng lão thôi"

 

Tôi cũng như bạn. Đã ý thức cuộc đời phù du, qua nhanh, sợ hết còn đi nổi cần phải hưởng thụ, đi chơi thật nhiều ngay bây giờ, ăn thứ gì thích dù cho đắt bao nhiêu, mua thứ gì ngày xưa mơ ước không nệ giá cả... Lợi dụng đúng cái tâm lý đó nên bao nhiêu dịch vụ cho người già sinh ra kể cả làm đẹp cho các bà và "dung dăng dung dẻ" cho các ông. Họ làm giàu từ chúng ta.

Tôi không phê phán chọn lựa của mỗi người nhưng cá nhân tôi dạo mới nghỉ việc tôi đã thử sống du hí như đã kể trên. Bạn bè thân quen thương thì mới truyền kinh nghiệm cho nhau, nhưng đúng như Nguyên nói mình hãy tự chiêm nghiệm. Tôi đã mua sắm, du ngoạn nhưng dường như tôi đang chạy trốn cái hiện tại vô dụng khi tôi vẫn hữu dụng, sợ hãi sắp chết tới nơi rồi dù chưa chết nên tiêu hoang oan uổng những đồng tiền một thời chắt chiu dành dụm, và đổ tiền vô các dịch vụ hưởng lạc mà tôi chẳng thấy vui bao nhiêu. Tại sao lại hối hả lo già khi chưa thật già. Cố trèo núi băng sông khi cơ thể mệt nhoài chỉ muốn ngồi nhà ngắm mấy chậu hồng, nhìn vườn rau xanh mướt. 

Với tôi làm những việc mình thích là hạnh phúc. Tôi giúp con nuôi cháu vì tôi muốn làm, không vì nhu cầu cơm áo, muốn nghỉ thì nghỉ.

Tiền hưu liểm rủng rỉnh già rồi ăn bao nhiêu. Không như thời nhìn sắc mặt cấp trên và lo lắng phải bị sa thải. Bọn con cháu thừa thông minh để hiểu, nếu muốn mẹ mình ở trong nhà. Phải nói là tôi được khá nuông chìu - tôi vui với không khí gia đình và tình yêu thương, hiện nay phải nói là "chơi" chứ không phải công việc. Đọc tới đây nhiều người sẽ phản đối hay nói:

  • -Vì tôi có phước có con có hiếu nên mọi sự dễ dàng, nếu gặp đứa con không ra gì thì sao?

  • -Hay tại bà còn dùng được nên bọn nó ân cần, khi bà nằm một chỗ xem có đứa nào nó muốn bà nữa hay không?

 

       Vâng, sự thật, mặt trái của cuộc sống luôn có chỗ xấu xí. Bạn mặc áo bạn đâu có lộn bề trái ra ngoài; bức ảnh nào khó coi bạn đâu muốn ai nhìn thấy. Tôi chỉ muốn nhìn cái đẹp của một dòng sông thì tôi cũng chỉ muốn nhớ cái dễ thương, câu nói ngọt ngào của đàn cháu con thân yêu hiện tại. Hãy sống ngay hôm nay, hớp lấy, uống những lời mật ngọt của đàn cháu thân yêu, đừng lo đừng sợ mà phí uổng tuổi vàng đang được nuông chìu. Chuyện bạn già, da nhăn nheo, đi ba chân rồi bốn chân rồi nằm một chỗ như trẻ sơ sinh xấu xí, trần trụi rồi sẽ tới một cách tự nhiên không ai có thể chọn lựa thì lo làm gì cho đời mất vui. Tất cả là do ta gieo hạt nào thì gặt quả nấy tôi tin như thế. Con tôi nó sẽ hành xử thế nào là chuyện của chúng nó, là không đúng khi phê phán ngay bây giờ và tôi cũng tự mình chọn lựa thế nào cho những ngày cuối của cuộc đời mình chứ không đổ lên trách nhiệm nặng nề nầy cho những đứa con thân yêu của tôi.

 

            Xã hội chúng ta sống không giống xã hội Việt Nam ngày nay. Tôi đã cho các con không tính toán hiện tại và không đòi trả gì ở tương lai. Khi đã nghỉ dưỡng cũng có tiền hàng tháng, dù không dành dụm được nhiều thì tối thiểu, đủ chi phí đi hè hàng năm, không ăn bám đứa nào, phải hay không phải thì về lại cái nôi của thuở chân ướt chân ráo, cái nhà mà lần lượt từng đứa, từng đứa bước qua, với biết bao kỷ niệm thân thương.

Lạc quan một chút, bao dung là thanh thản, vì biết đâu chúng ta ngủ qua đêm sẽ bay thẳng lên thiên đàng, chết khỏe re. Nếu vô nhà thương dưỡng lão thì hãy tìm bạn, tìm sách để đọc để nghe. Nếu bị lẫn lộn quên hết thì đâu còn biết vui hay buồn...số bạn thế nào bạn cũng cám ơn là nhất định trên đất Mỹ nầy chúng ta còn một mái che, con cháu chúng ta sẽ sống tốt nếu chúng làm việc.

 

Tôi sẽ tiêu tiền khi cần tiêu chứ không vì phải tiêu.

Tôi sẽ đi du ngoạn nếu tôi muốn đi.

Tôi sẽ nói không nếu tôi không thích.

Tôi đã cho con và không cần đòi lại.

Chúng có thể lợi dụng tôi, dù đó là sai trái nhưng cũng là trách nhiệm dạy dỗ của tôi.

Tôi sẽ tha thứ mọi lỗi lầm của chúng, để chúng tự học một mình.

Hạnh phúc ngay trong tầm tay.

 

Đan Quế Phong

 

MỘT CỌNG GIÁ MỘT LÁ RONG

 

 

Anh Điền mình có biết gì về anh ta đâu.  Ảnh có thương mình không? Nhớ đêm Tân Hôn ảnh nhậu tới say mèm rồi nhào lên giường lăn ra ngủ, hai đêm sau cũng đến khuya mới về. Một tuần lấy chồng mà mình vẫn còn trinh!!!  Mệt mỏi, mình cần chút không gian riêng tư để chìm lắng, suy nghĩ và thở.                                                                                                                                                                            

Điền và bà Hoàng đã bay về Mỹ, không biết bao giờ trở qua, mình về lại căn nhà ở trên triền của bãi Sao, mình nghĩ là vẫn nên đi dạy ở An Thới ít lắm cho tới hết năm. Xem ra chưa biết bao giờ xong thủ tục giấy tờ nếu họ thật sự xúc tiến, mình tin bà Hoàng và Bi thương mình. Ngày đi, chắc cũng còn lâu.

     Mùa hè năm trước, một bước ngoặc của đời cô. Năm nào ngày giỗ mẹ cậu mợ út cũng nấu một mâm cơm dù đơn sơ nhưng thân mật trong gia đình để nhớ chị mình, cũng là ngày cô chào biệt Phú Quốc về nương náo cậu mợ. Đã đi dạy hai năm nay, có thể tự bày cỗ cúng mẹ mình nhưng Hiếm cũng muốn ít lắm mổi năm một lần về thăm cậu mợ không kể dịp Tết. Đi dạy tằn tiện, dành bao nhiêu tiền ngoài chút y phục đơn sơ hàng ngày, dịp Hiếm tiêu dùng chỉ là Tết hay Giỗ mẹ. Sau khi trả tiền anh xe ôm cô tự mở cửa vào thẳng nhà bếp. Mọi người đang bận rộn nhặt lông vịt rửa rau, tay xách giỏ cua biển hơn hai chục con, thứ nầy cả nhà ai cũng mê, tay kia nặng trĩu chiếc thùng lạnh chứa cá tươi, tôm, mực khô đủ loại đủ dùng vài tháng. Cô đặt hàng ch ỗ quen, ngon và rẻ mang về làm quà.

-Chèn ơi, tính dọn nhà hay sao mà gồng gánh dữ vậy cháu; mợ Tú nói

-Thưa mợ, em Thiên Vân.. và.. - có một bà trông cở tuổi mợ Tú nhưng trắng và có da thịt hơn, cô chưa gặp bao giờ, đang ngồi ôm cậu bé , khoảng ba bốn tuối -

-Kim Hoàng, em của mợ ở Mỹ mới về, con gọi là cô Tư đi con. Bi cháu nội của cô đang hơi nhõng nhẽo.. và đây là Hiếm cháu của anh Tú chị từng kể với em..hiền hậu dễ thương lắm, cháu ấy đang nghỉ hè, nếu chị cần và Hiếm nó đồng ý thì cháu nó có thể bầu bạn cùng chị lúc chị ở Việt Nam -Mợ Út giới thiệu-.

-Cô giáo phải không? Tôi có nghe chị Diệu Lan-mợ Út- nói về cô.                                                                                  

Bà nhanh miệng nhìn lướt qua tôi, tôi gật đầu lí nhí chào bà với cái mặc cảm chắc mình không giống ai. Tóc thì quấn cao lòa xòa lết bết mồ hôi, áo sơ mi màu xám tro cuộc ngang lưng, tay áo xăng cao, quần kaki đen bạc màu..

-Thưa cô Tư, cháu là Hiếm - Tôi liếc nhìn cậu bé ốm xanh xao, mũi cao, da thật trắng, hình như là con lai dù tóc dầy đen tuyền, cặp mắt nâu ngơ ngác. -Chào Bi.

Đặt mọi thứ xuống, tôi hơi ngơ ngác vì người khách lạ dù cũng có được nghe mợ út kể qua về gia đình nầy, Thiên Vân đứng lên gỡ nhẹ bị quần áo trên vai tôi và nói.

-Chị sẽ ngủ ở phòng em.

-Ồ, cám ơn em, chị sẽ làm gì đây? - vừa nói tôi vừa trút mấy con cua ra một cái thao nhựa, chúng sột soạt quơ mấy cái càng quờ quạng trong không gian tìm đường thoát. Bi hơi ngẩn đầu lên nhìn, tôi quay lại.

-Bi muốn xem cua biển không? Nó đang vật lộn với nhau đó.

-Vật lôn?  Nó nói tiếng Việt lơ lớ như Mỹ, măt không rời nhìn Hiếm rồi  nhìn bà Hoàng.

-Là đánh nhau hay giởn với nhau như con và ba con vậy..- Bi nằm xuống không thèm nói năng gì, bà Hoàng cười phân bua.

-Nó giận ba mẹ nó nên không muốn nhắc tới... Bà muốn nói thêm nhưng có lẻ thấy có tôi thì lại thôi.

Chợt nhìn thấy lẫn giữa đám cua biển, e lệ một con cua đá nhỏ nhắn màu đen, đang co ro nép bên gia đình "ghẹ" họ hàng xa đồng chủng nhưng khác màu với nó... Sao mà giống Bi! Tôi ngần ngại mang lại chỉ cho Bi cái mui trên lưng mờ mờ hình trái tim, đôi mắt như hai hạt cườm láo liên sợ sệt đáng tội nghiệp ấy. Bi tuột khỏi tay bà nội ngồi bẹp xuống để nhìn cho rõ, nó hỏi.

-Con có thể sờ nó không cô, nó đang bị ăn hiếp đó, nó nhỏ quá!

             "Bị ăn hiếp". Bà Hoàng đột nhiên nhớ đến hình ảnh của Điền ngày bà mới đặt chân lên xứ Cờ Hoa. Năm 1994 theo diện HO dẫn theo Điền lên 6 tuổi về N.J sống cùng người chị chồng trong cái nhà xe cho tới khi ông Hoàng tìm được việc gác cỗng cho Dow Jones và vợ chồng bà ra mướn một căn hộ riêng sao cho vừa túi tiền ở New Brunswick, nơi mà hệ thống trường học không nơi nào tệ hơn.                                                            

Bà đi làm lau dọn cho h ãng xưởng từ 5-11 giờ đêm (lúc nhân viên ban ngày ra về). Bà nhớ chuyện cậu con trai duy nhất của bà bắt đầu nằm mơ la hét, ú ớ, tè ra quần ban đêm dầu cậu đã 6 tuổi. Điền lén dấu bà thay ra và vụng về đứng giặt trên cái bồn rửa mặt, nước vung vãi.  Bà lo lắng theo dọ hỏi mãi cậu cũng không nói thét rồi cậu trả lời:

-Con không sao, con là con trai mà, con không sợ "thằng đen" đó và con không khóc đâu...-nhưng cậu không nhìn vào mắt mẹ mình.

-Thằng Đen nào, đừng gọi ai đó là "thằng", con có bạn ở trường không?

-Có chứ... Ai cũng là bạn mà, cùng lớp là bạn Ba nói như thế... nhưng...con cũng có nghe Ba chưởi mấy "thằng" Cộng sản đốn mạt...

-Nhưng.. .,ba không gọi bạn ba như thế. Lớn lên con sẽ hiểu.  Bà Hoàng nói lãng đi và Điền cũng muốn đổi sang chuyện khác.

-À mà Mẹ có thích tất cả bạn của mẹ không?

-Dĩ nhiên là thích như cô Hoa cô Nguyệt hay tới nhà mình hồi ở Việt Nam tuy nhiên không phải tất cả. Bạn cùng lớp là bạn học, mình biết mặt, học cùng và từ đó mình chỉ thấy thích một vài người nào đó và người đó có thể trở thành bạn thân.

-Ồ.. ; và Điền nín lặng, nghĩa là mình phải tìm cho ra người mà mình thích;  

Và một ngày nọ, cái ngày đen tối, xấu hỗ, đầm nước mắt, "thằng đen" nhéo tai cậu, tụt cái quần kaki rộng rinh của cậu và chế nhạo chiếc kết lính mà cha cậu đã tặng cậu trong ngày sinh nhật 7 tuổi. Macherla cô bé nhỏ xíu cùng lớp, hiên ngang, nói tiếng Mỹ cao tít trên mây, dằn Bob ra, đứng chống nạnh hai quai quắc mắt, thách Bob.

-Hey, tại sao mầy bắt nạt con nít- làm như chị ta người lớn lắm vậy- dám đánh con gái không, chị thách mày ngon thì nhào vô, báo trước là chị có võ đó.                                                                                                           

 

Điền run quá, Bob cao hơn Macherla một cái đầu. Không biết Bà Trưng, bà Triệu chống quân Tàu mà ba hay kể có oai phong hơn không nhưng cái cô bé dám đứng ra mắng Bob, cứu một nạn nhân đáng thương mất ‘tự do ngôn luận, tay không vũ khí" như Điền thì đúng là nữ anh thư trong đầu anh.               

Sau đó đương nhiên họ đã trở thành đôi bạn thân, Điền học cái ngôn ngữ xa lạ, học nếp sống mới, cách tiêu xài hơi lãng phí và cách kiện toàn thể lực để hành xử tự tín hơn phần lớn từ cô ta...

 

Mãi đến ba năm sau bà Hoàng biết thêm rằng mình phải đổi nhà vì tương lai của đứa con. Ông bà mua nhà ở South Brunswick, bà trở lại Đại học, Điền vào trường tốt. Ở Trung học cậu nằm trong đội bóng đá- Soccer- đay đen võ Đại Hàn- Taekwondo- tuy nhiên chưa bao giờ đánh nhau, vẫn trầm lặng khép kín suốt ngày đối diện với người tình "mặt vuông"; Computer; và cuối cùng cậu tốt nghiệp ở đại học Rutger về Vi Tính. Cậu chẳng thích ai nhất là các cô gái Việt Nam rụt rè e-lệ, có phải từ cái ngày đẫm lệ xa xưa đó Điền đã từ thán phục đến thầm yêu cái cô bé tính thẳng đuồn đuột, không bao giờ chịu ghép mình, lạ lùng kiêu ngạo rất Mỹ kia.                                                                                                                                                    

Điền đã gặp lại Macherla nay là Luật Sư làm cho tòa án địa phương. Cả hai thật khác nhau nhưng cả hai đã cưới nhau. Xung đột nho nhỏ không thể tránh và rồi sau khi sanh Bi 6 tháng thì Macherla bỏ mặc con, về nhà cha mình.                                                                                                                                                         

Điền chạy theo Macherla, cố kéo lại cuộc tình, dằn dai khá lâu nhưng không xong, họ đã ly dị. Ông bà Hoàng ôm nuôi cháu nội, một năm sau đó ông qua đời... Bi èo uột, lười ăn, tiếp tục gầy ốm mà bác sĩ không tìm thấy bệnh gì. Điền bỏ mặc công việc, la cà chè chén. Một đêm tỉnh lại sau cơn say Điền hốt hoảng nhìn đôi mắt trõm sâu ngơ ngác không hồn của Bi. Lo sợ cho sức khỏe của con nên cậu đồng ý cho mẹ mang Bi đi, khi bà Hoàng được chị đề nghị thử về Việt Nam thay đổi khí hậu.

 

           Hiếm và Bi thân nhau thật dễ dàng... Ngồi trên hòn đá cheo leo quen thuộc cuối bãi nhìn xa về bờ nước xanh màu lá uốn cong hình nửa vầng trăng viền màu cát trắng quen thuộc. Đã ba tháng nay bà Hoàng dẫn cháu theo Hiếm ra đảo tu sửa lại căn chòi của Hiếm sau rặng dừa ở bãi Sao cho tiện nghi hơn rồi ngày ngày tắm nắng vàng, ăn cá tươi, uống nước dừa. Cô chơi với Bi thật vui, và với sự chỉ dạy nấu nướng như một bà mẹ mà cô khao khát của bà Hoàng, họ đã biến những rau quả đạm bạc ở địa phương thành cao lương. Bi đã quên xứ Mỹ xa xôi lạnh lẽo mà đùa giỡn hồn nhiên, khỏe mạnh hồng hào như những đứa trẻ bản xứ quần cụt, áo thun, chân trần, tóc cháy nắng. Cô thấy cảm kích lòng tốt của bà Hoàng, thương yêu Bi và cám ơn họ đã cho cô biết thế nào là không khí gia đình. Cho tới những ngày cuối trước khi về Mỹ bà tỏ ý với cậu mợ Tú là muốn cưới Hiếm cho con trai bà. Ngạc nhiên một chút nhưng không hiểu sao Hiếm lại cuối đầu hứa suy ngh ĩ nếu con trai bà cũng đồng ý dù chỉ thấy ảnh của Điền.                                                                                                                                                                                            

"Phận bèo bao quản nước sa, Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh" Có lẽ vâng lời cậu mợ cũng là một cách đền ơn đã cưu mang cô. Nhìn lại cuộc đời ba chìm bảy nổi chín long đong trong mấy năm qua, Hiếm tự nghĩ: Có gì để mất đâu? Dù sao cũng phải chạy ra khỏi cái tầm ảnh hưởng của tên dê chúa khóm trưởng vô sỉ đang ve vãn mình, dầu gì Điền cũng dễ coi hơn nhưng nghe đâu anh ta có cái tật say sưa, dĩ nhiên không thể dựa vào Điền rồi!  Ai cũng muốn được đi Mỹ, nhưng sang đó rồi thì làm gì ăn đây. Thôi phú mặc cho số phận. Ngày mai sẽ tính.                                                                                            

 

Mùa nầy du khách thưa thớt dần, nhưng trời hôm nay tự nhiên nóng oi bức lạ. Biển thật im ẳng xa xa trong nắng sớm, những cây dừa nghiêng bóng trãi xuống tới bờ nước, mình ngẫng cao. Ôi nhỏ bé làm sao giữa biển trời bao la mà cỏ cây, con người bị trùm phủ bởi vòm cao úp trên đầu, cũng màu xanh lơ rồi thẩm đậm u hoài, huyền bí. Cô nhìn cảnh vật rồi tư nhủ: Đừng bao giờ bị đánh lừa bởi cảnh trời tô khéo, mỹ miều như một bức tranh thủy mạc với những tãng bông mây vô tư trôi, để rồi ùn ùn vần vũ, đồng lõa với gió, vồ vập, bay lượn cuốn mọi thứ vào lãnh địa của qu ỹ, bán bổ thánh thần!  Giông bão là một sự nổi giận vô cớ của thiên nhiên, mà cô không hiểu nổi, nó đánh mất niềm tin trong tuổi thơ thuần khiết của cô.                                                                                                                                                                                   

Nếu không ở bên lằn ranh sống còn, một đêm mất cả như "Một con cá trích cắn ngang, Mắm tôm quyệt ngược tan hoang cửa nhà" thì cô cũng mê lắm những con sóng bạc đầu tỉ tê đập vào cồn đá và vui đùa dẫm chân trên bờ cát mịn, hụp lặn đi tìm thạch thảo muôn màu, sống cuộc đời cô gái quê miền biển.                                                                                                                                                                                  

Đã lớn rồi, hiểu nhiều hơn để chấp nhận nghịch cảnh, hôm nay cô lại về đây. Bể vắng lặng gió gọi mời, cô có thể thấy những con cá nhỏ, rằn ri muôn màu luyến thoắng vui đùa trong làn nước xanh. Trời nóng bất chợt tại sao cô không dầm mình xuống nước cho mát. Tuy nhiên cô lại chẳng mang khăn hay bộ quần áo nào nữa để thay, hay là cứ nhảy ùm xuống nước như vậy cũng ổn thôi. Nắng Phú Quốc tôm cá còn khô nữa là chiếc áo bộ bà ba vải phin mỏng dính nầy.                                                                                                                                    

Nghĩ là làm, Hiếm dò dẫm cẩn thận tuột xuống cạnh phiến đá, nhè nhẹ trôi từ từ ra chổ nước sâu hơn. Lâu quá rồi cô không bơi, nhưng là dân biển cô như mỹ nhân ngư, mái tóc dài như lá rong bập bềnh, Cô nhởn nhơ bình thản đùa với mấy con cá Diều, cá Chim, sờ mấy con Lương biển dị dạng hiền từ, và bơi cạnh đàn Sứa trắng tinh nhởn nhơ uốn lượn theo từng cơn sóng. Xa một chút, điểm xuyết mấy chị sứa lửa màu hồng, màu tím đẹp mỹ miều vẽ vời lên cái phông thạch thảo vàng trắng muôn màu rung rinh theo sóng. Ôi quyến rũ, ôi đam mê nhưng thừa biết không thể dạy dột sờ vào những "lằn điện đại dương" đó, cô bơi trở lại.                                                                                                                                          

Mới vào tháng chín, còn lâu mới ăn Tết, thứ hai nầy học sinh trở lại đi học. Hiếm rùng mình đứng lên, chiếc áo màu m ỡ gà dán sát vào thân hình cô, lồ lộ những đường cong, cặp đùi chắc nịch của tuổi 25, không thể dục thẩm mỹ nhưng là kết quả dễ thương của mổi ngày phải đạp xe hơn 10 cây sổ đi dạy học. Gương mặt trái xoan, da nâu hồng mịn màng nhờ uống biển mặn, tưới nắng vàng, mắt sáng ngời lân tinh của tuổi mới lớn như lửa nhiệt đới bập bềnh ầm ỉ làm ấm cái lạnh của gió se phe phẩy.                                                                                                                                                                             

Phía khe đá đằng xa, có nhiều đốm đen xám, lấp lánh di chuyển qua lại, cô vén mấy bệt tóc dán vào má, đứng lên tay che ánh nắng chói chan, nhìn thật kỹ: "Cua đá". Trời ấm chúng ra khỏi hang rồi, hay là mình nên bắt về một ít cho món canh cua, nhưng nhốt chúng vào đâu? Cô thấy chiếc giỏ đệm đang đựng quyển sách, có dây buột túm miệng. Tốt lắm, dùng nó để đựng thì còn gì tốt hơn, nếu bị dơ thì mình sẽ giặt lại. Cô xách giỏ vừa rượt đuổi bọn cua vừa nghĩ thầm một cách hãnh diện về Miền Nam của cô, tiền rừng bạc biển, dưới sông cá lội từng đàn tung tăng.. Yêu lắm thay quê hương Phú Quốc thân yêu.                                                                                                                                                                             

Sau khi bắt được kha khá, Hiếm hý hoáy bươi một trũng chừng bằng miệng thúng định cho nước vào để ngâm chúng và cô sẽ nằm sưởi nắng. Cô hát nho nhỏ: "Nước non, đã bao phen đớn đau ưu phiền. Ta như dân phiêu lưu.."

-Cô định trốn tôi hả?                                                                                                                                                 

Hiếm giật nẩy mình, quay người lại xem là ai.                                                                                                              

Tên Công hô khóm trưởng bên An Thới đang áp mặt gần sát cổ, cô có thể cám giác hơi thở nóng dồn dập. Cô xoay người né sang bên. Hắn cũng lùi lại một chút nhưng hai cánh tay dang rộng mời gọi cùng giọng cười hô hố...  Cô nhìn gương mặt thỏn dài rổ chằn chịt, tóc cắt thật ngắn lồ lộ hai hóc mắt sâu trắng dờ, dát lệch dưới đôi mày thưa vô trật tự trên cái trán vồ và, hàm răng hô tranh đi trước chiếc mũi hỉnh phập ph ồng của ác ma!.. Cảm thấy mình như bị lột trần trước cái nhìn thô bạo ấy, hốt hoảng cô đưa tay che ngực.

-Cô hấp dẫn thế nầy mà lại đi lấy thằng Việt Kiều nào vậy. Định rời nơi nầy không một lời từ giã sao em Hiếm của anh.

-Tôi đã làm đơn xin từ chức rồi..

-Ai cho phép em. Em biết anh yêu em mà.

-Ông đã có vợ tôi đã có chồng. Xin ông...

-Đúng đúng cho nên bây giờ mình rất xứng đôi, anh không để mất cơ hội nữa đâu... Quên chồng em, vợ anh đi, mình hãy vui vẻ nào ...Và hắn đã nhào tới thật.

 Sẵn đang nắm giỏ cua trong tay cô ném nào mặt hắn và chạy bằng tất cả sức nhanh có thể về hướng nhà mình... Tới đoạn dừa ba ngọn, tóc cô bay phất phới, cô thở hụt hư ỡi. Cô đã kiệt sức còn hắn dường như ngày một hăng hơn. Một cái với tay hắn tóm được áo Cô rách toạt.

-Không;  cô hét to;  ai đó cứu tôi với..

Một cái bóng thoáng qua, một cú đá trời giáng..

-Hịch, ối da.!! . -Hắn ôm ngực-

-Tên vô loại, mầy muốn gì mà sỗ sàng với vợ tao như thế hả, tao giết mầy..

-Anh, anh Điền,-

               Mắt tôi tóe lửa nhập nhòe cảnh hai người đàn ông quầng thảo trên cát. Hiếm xỉu xuống bên cội dừa ba ngọn sắp đổ ụp xuống vịnh, cô cũng đổ ụp... Và sau đó như thế nào mà cô về được túp lều của mình, hình như Điền cõng cô, chỉ biết khi tỉnh lại thì thấy anh ngồi đó, lau mặt cho cô bằng chiếc khăn duy nhất trong nhà, được nhúng vào lu nước mưa trước hiên, cặp mắt hiền từ. Hiếm đã được thay áo, nhưng chiếc quần thì vẫn bám đầy cát, vẫn chưa được khô. Mặt Điền đỏ vì nắng cháy, cũng bị xướt vì đá cụi, chiếc áo đứt nút xốc xếch, chỏ tay rướm máu. Cô gượng ngồi dậy, anh ra dấu hãy nằm xuống Hiếm nói.

-Sao anh tới đây, sao anh biết nơi khỉ ho cò gáy nầy? Ồ anh trở lại Việt Nam khi nào?

-Muốn biết thì tìm biết thôi. Có gì khó, chỉ có một con đường làng quê và một cô giáo Hiếm dạy học trò ở An Thới.. -Mặt Điền trở nên ởm ờ, lém lĩnh-.

-Cũng đâu có cần xuống đây, giấy tờ chưa xong, em phải trở lại dạy lớp. Mùa hè đã đi qua...                            

 

Dụ dự một chốc Điền nói nhanh

-Anh cũng..có nhiều câu hỏi trong đầu mình: Ví dụ như sao em chịu ưng anh thằng đàn ông say sưa, có con mọn, lêu lõng như anh đây? Có phải em cũng đang dùng anh như một cái vé sang sông trên con đò mà dòng nước chãy xiết nghiệt ngã. Phải thôi, đời là một chuổi lợi dụng, anh không nên kỳ vọng gì nhiều! Nhưng anh có bổn phận nói cho em biết rằng tấm vé nầy có thể không có giá trị vì anh đang thất nghiệp.

-Ưng anh đã là đánh liều, anh biết em lợi dụng anh sao anh chịu cưới em?

-Anh cũng không biết, cho nên.. cho nên anh tôn trọng đời con gái của em. Anh xin lỗi, anh đang cố tìm hiểu lòng mình..

-Anh không có lỗi gì, đâu có ai bắt buộc con tim mình được khi anh đâu biết gì về em. Anh đã nghe theo má anh, và vì Bi rất thương em đúng không? Em săn sóc má anh bà gợi nhớ hình ảnh má em, và lo cho Bi là bằng tấm lòng chân thật. Anh nói đúng, em cũng muốn chạy trốn ra khỏi cái quá khứ buồn thảm, "cá chọn nơi sâu, người tìm chỗ tốt"  thử làm lại cuộc đời.; Hiếm nhắm mắt mệt mỏi lần về quá khứ..

Một năm trước, sau khi ra trường khóa Sư Phạm mình nhận đi dạy nơi đèo heo hút gió nầy, nơi mà không một đứa bạn nào muốn, chúng nó thà lo tiền chạy cho được một ch ỗ tốt. Thân côi cút như mình thì làm sao có bao thư dù cậu Tú đề nghị mình gọi cho dì Kim ở Mỹ nhờ giúp đ ỡ, cậu nói: "Về đó không có tương lai, làm sao kiếm chồng, cậu biết con nhớ căn nhà thuở ấu thơ, nhưng con à. Đó là cơn ác mộng, con nên quên nó đi".                                                                                                                    

Hiếm biết cậu đúng nhưng cô cũng nên tự lực sinh tồn. Đã nhờ cậu và dì Kim lo cho ăn học đến ngày nay, là quá lắm rồi. Họ cũng trả lương đủ và nếu ở căn nhà ngày xưa thì chi phí sẽ không đến nhiều như ở thành phố.

Cậu ơi làm sao mà quên cái đêm giông bão.  Đêm ba mươi. Cậu kêu cứu, con gào khóc, chạy ùa ra bờ đá, mưa rát mặt, sấm chớp gầm thét loáng thoáng cái bóng mẹ bị đốn gục như một mảnh vỡ, như một chiếc lá tả tơi tiếp tục bị nghiền, bị dập bởi những con sóng đen dữ dằn nhô những chiếc răng cong vút sắt nhọn tàn bạo. Nếu đêm đó không có cậu xuống thăm thì con sẽ ra sao?  Cậu nói dường như mẹ đã chuẩn bị nên thư bảo cậu xuống dẫn con lên Cần Thơ cho con đi học. Cậu không ngờ mẹ lại muốn đi tìm cha. Tại sao mẹ đành... tại sao? Những câu hỏi ray rức đầu óc con bé mới 9 tuổi đầu ...                        

Đêm đó cậu cháu ôm nhau trong căn nhà lớn ở Dương Đông, cũng như 4 năm về trước mẹ và cô lo lắng nghe tiếng gió, lo cho ba ngàn trùng ngoài khơi mà thuyền thì mong manh. Ba đi đánh cá theo thói quen cổ xưa, đánh hơi muối mặn: xem "Cá ngoi mặt nước là trời đổ mưa" để mà đi biển thì cũng đâu có gì lạ khi bị vướng vào cơn bão, không ai tiên đoán trước. Ba cô không về, ông bị chôn theo con thuyền đánh cá nhỏ nhoi sâu hút của nơi nào đó trên mũi Gành Dầu hay gần hải giới của Campuchia. Lúc đó cô còn khá nhỏ, ấn tượng mất mát chưa sâu lắm nhưng với mẹ, với thời gian lớn lên nghèo khó, một chiếc xe đạp cũ kỷ cọc cạch trên đoạn đường rừng cong queo từ nhà lên An Thới ngày ngày làm nghề vá lưới độ nhật, khi cuối ngày mang về một ít cá mua rẻ từ đó cho bữa cơm của hai mẹ con, lao tâm lao lực, mẹ đã đổ bệnh.                                                                                                                                                                            

Lúc ba còn sống, mẹ chỉ đợi cha về, sau vài ngày hay lâu lắm là một tuần... Ba lúc nào cũng lo bảo vệ thương yêu mẹ con nên muốn mẹ chỉ ở nhà vung trồng, chăn nuôi chút chút, mẹ đở cực, con bình yên, ba yên tâm. Nhưng biển đã cướp ba đi. Lây lất qua ngày, mẹ đến thời kỳ chót của bệnh phổi mà lúc đó, thuốc thang ở VN hoàn toàn khan hiếm...Mẹ quá nghèo không muốn kéo dài làm khổ mọi người.

Như đọc được tâm tư của người con gái côi cúc, một mình bơ vơ, mới vừa bị ức hiếp tự nhiên Điền nhớ cái thuở mình bị bắt chẹt ở trường và được Macherla bênh vực. Mình thán phục và "yêu" cô ấy. Nực cười thay bây giờ mình đang bênh vực Hiếm. Hiếm cũng có thán phục và yêu mình không? Hoàn cảnh giống nhau nhưng tại sao mình và Macherla lại có cái kết cục như thế nầy, vậy đi với Hiếm thì tới một ngày nào đó mình lại bỏ Hiếm hay ngược lại. Không "cọng giá" trắng trẻo một thời ngày xưa đã thành cây đậu xanh biếc vươn cao tầng trời, nghiêng mắt nhìn nhân thế, vâng vê một lá rong mỹ miều mong manh mềm như lụa, sắp tan tác bởi triều cường. Điền rung động chân thành nói:

-Xin lỗi em vì anh muốn có một chút thời gian. Nhưng tại sao em về đây một mình, nếu không có anh can thiệp kịp thời thì chuyện gì sẽ xãy ra. Em đã bị hắn ức hiếp bao lâu rồi hay đây là lần đầu tiên em gặp hắn?                                                                                                                                                                              

Tôi đỏ mặt xấu hỗ:

-Hắn là khóm trưởng An Thới, hắn có ve vãn em nhưng không hiểu sao lần nầy hắn làm hỗn, cám ơn anh... Nhưng sao anh có mặt hôm nay.

-Ờ thì.. thì anh đi tìm em sau khi cậu Quân báo cho anh hay là em bỏ về đây và bức thư!.                             

Tôi rơm rớm nước mắt quay vào trong vách.

 

Đan- Quế Phong

7-3-2018

bottom of page