
Cần xem tiết mục nào xin click vào Trang bài / webpage trong MENU dưới đây:
TRANG CHÍNH / HOME . BÀI MỚI ĐĂNG . SINH HOẠT HOUSTON, TX . ĐH XXIII-MARYLAND 2019 . ĐH XXII-SAN JOSE 2018 . ĐH XXI-HOUSTON 2017 . SINH HOẠT CANADA . SINH HOẠT ÚC CHÂU . CÁC ĐẶC SAN ĐH . SINH HOẠT BẮC - NAM CALI . SINH HOẠT VÙNG NEW ENGLAND . TIN SINH HOẠT CÁC NƠI . GÓC SÂN TRƯỜNG NHÀ . VĂN HỌC - NGHỆ THUẬT . VÒNG TAY NGHĨA TÌNH . CHIA BUỒN - CHUNG VUI . TÌM NGƯỜI - NHẮN TIN

HƯƠNG VỊ NGÀY XƯA
Người Đồng Bằng
Sưu tầm
__________________________
HƯƠNG VỊ NGÀY XƯA là một chuyên mục mới, nhằm sưu tầm giới thiệu một số bài thơ trích trong nguyệt san TRIỀU SỐNG XANH của trường Phan Thanh Giản và một số khuôn mặt THƠ của nhóm Văn Nghệ VỀ NGUỒN, hoạt động nổi bật nhất trong trường qua các THI TUYỂN đã phát hành và qua các chương trình THƠ trên đài phát thanh Cần Thơ, mà thời đó các bạn đều là học sinh của trường Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm như Huyền Vân Thanh, Lê Trúc Khanh, Hà Huy Thanh, Nguyễn Hoài Vọng, Lăng Cảnh Huy, Siêu, Trân Khanh, Kiều Diễm Phượng, Kiều Mộng Hà, Lệ Thy, Thanh Trân, Nguyễn Hồng, Trúc Thanh Phương Thảo, Phạm Quyên Linh, Trang Yến Linh, Hồng Phượng, Phạm Trường Giang, Hứa Vĩnh Phúc, Đỗ Thanh Hoàng, Đặng Minh Phương, Châu Kim Phụng, Thanh Điệp, Tuấn Nghi, Hoài Trần My, Tường Lê, Dạ Lý, Hàn Nguyên, Sa Thoại Uyên,..., lan rộng ra ngoài như Thu Trúc (Sài Gòn), Mây Hồng (Sài Gòn), Hoài Xuân Mai (Phú Nhuận), Vũ Thy Lãng Tưởng - Hoàng Dung - Thanh Phương (Sa Đéc), Sao Ngân Hà (An Giang - Bộ Binh), và phát triển trong các quân binh chủng như Linh Hùng (Hải Quân), Phương Giang (Truyền Tin), Nguyễn Hữu Phương (Quân Cụ), v.v... Nhà sưu khảo văn học Nguyễn Bá Thế (Nhất Tâm, Nam Xuân Thọ) nhận làm cố vấn cho thi văn đoàn; hai giáo sư đang dạy trong trường cũng nhận làm cố vấn [(GS Lê Văn Quới (Lê Hà Uyên), GS Lai Thanh Tòng (Thông Xanh)]. Tính đến giữa năm 1967, đã có 52 khuôn mặt hiện diện, thi văn đoàn VỀ NGUỒN đang cứu xét hơn 80 đơn xin gia nhập nhóm.
Thời đó, một số nhà văn nhà thơ nhà báo Sài Gòn đã viết như sau: "... Thi văn đoàn VỀ NGUỒN đã khai sáng việc ấn hành loại thi tuyển đặc biệt ở Miền Tây"(SĨ TRUNG - nhật báo Tia Sáng); "... VỀ NGUỒN là một thi văn đoàn lớn nhất Hậu Giang" (KIÊN GIANG - ban thi văn Mây Tần); "... thi văn đoàn VỀ NGUỒN, một thi văn đoàn có phong thái và thanh khí đặc biệt... VỀ NGUỒN đừng bỏ nguồn nhé" (Cô MINH VĂN - nhật báo Sáng); "... Những khuôn mặt VỀ NGUỒN đã không phản bội chủ đề mà họ đã dựng lên. Từ hình thức cấu tạo thơ đến nội dung đều thể hiện được con đường đã khai phóng của họ: VỀ NGUỒN. Giữa lúc mà tình trạng Văn Nghệ TRẻ xô bồ như hiện nay có nhóm giữ được lập trường duy nhất và vững chắc như vậy là một việc làm đáng được lưu ý..." (TRÚC QUÂN - Tinh Hoa Nữ Sinh, số 4).
Nhóm VỀ NGUỒN chánh thức hoạt động từ mùa hè năm 1964 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 mới kết thúc, mọi thành viên trong nhóm đã tản mạn khắp nơi, có người đã vĩnh viễn nằm xuống trong cuộc chiến đầy đau thương và nước mắt; một số được ra nước ngoài tìm tự do, một số còn lại ở quê nhà sống với nhiều ngành nghề khác nhau.
NGƯỜI ĐỒNG BẰNG
sưu tầm & giới thiệu
TIẾNG HÁT QUÊ HƯƠNG
LÝ THỊ KIM XƯƠNG
Nhiều lần tôi hỏi tại sao anh hát mà tôi khóc
Tôi yêu giọng ca của anh sao?
Tôi không biết
Nhiều lần tôi hỏi sao anh hát mà tôi khóc
Sao anh ru mà tôi không ngủ
Tôi trăn trở bởi tôi đến mỏi lưng
Tôi khóc.
Mắt thì nhỏ nhưng nước mắt chảy nhiều
Tôi nhận cho môi những cảm giác cay cay
Và tôi thì xót xa
Anh hát nữa đi! Anh hát nữa đi!
Tôi còn khóc được
Anh hát nữa đi cho thần xác tôi rưng rỉ
đến thành cẩm thạch
Và đá cẩm thạch hoá mầu đen
Anh hát nữa đi.
Tiếng hát anh mang điệu nhạc rừng rú,
Mang hơi thở đồng bằng tanh mùi máu đỏ
Nghe anh hát tôi nhớ quê hương
Tôi thương tổ quốc
Có lẽ tại anh là lính...
Nghe anh hát tôi nghĩ nhiều đến người trai 20
mang cuộc sống loang lở
Nghe anh hát tôi xót thương tôi
18 năm sinh ra mang căn phần ốc biển
18 năm sinh ra mang mặc cảm tật nguyền
Tôi chưa làm gì được cho nhân loại
Anh hát nữa đi
Thân thể tôi bây giờ lạnh buốt
Sắp sửa biến thành đá đó anh.
Anh hát nữa đi
Tiếng hát anh thơm mùi thuốc súng,
thoảng mùi mồ hôi
và nồng mùi sình ướt
Có lẽ tại anh là lính phải không anh?
Anh hát nữa đi
Sao tiếng hát anh buồn đến khổ sở
Sao tiếng hát anh như đốt cháy tim tôi
Sao linh hồn tôi bỗng dưng nóng bỏng
Nghe anh hát tôi muốn được họp mặt
với những người anh em còn sống
Để nói với họ về giọng ca người lính Việt Nam
Hát nữa đi anh
Quê hương mình đó.
(Trích TRIỀU SỐNG XANH, nguyệt san học tập văn nghệ trung học Phan Thanh Giản - số 1 tháng ba năm 1966 - tr 48 & 49)
Ghi thêm: Tác giả đã về miền Vĩnh Cửu từ thời còn trẻ. Bài thơ nầy viết lúc tuổi 18.
LỜI TỎ BÀY CỦA NHÂN CHỨNG
PHƯƠNG MAI YÊN
Tôi là người cảnh binh gác bến phà
Sài Gòn - Lục Tỉnh
Sối tối trưa chiều chạm mặt bạn bè
Những mùa xuân trôi qua lạnh lùng tẻ ngắt
Với ngôn từ khách sáo chua ngoa
Tôi đứng giữa nhìn hai miền mút mắt
Chuyến đi nào vội vã có mang em?
Những người ngược xuôi thường xuyên
mang nhiều hối hận
Hành lý trên vai, dăm món quà con trên tay
Dõi mắt về miền quê hương ngổn ngang trong dạ
Tội lỗi lưu đày kiếp sống ngựa xe
Rát cổ bỏng hơi mà đường còn dài
Chuyến đi nào vội vã có mang em?
Thôi tạ từ tất cả, những khuôn mặt chán chường,
kiêu sa, bội bạc
Ước vọng thì nhiều vòng tay thì hẹp
Bươn bả đi hoài nhưng chẳng tới đâu
Khoảng trống hai miền
Sài Gòn - Lục Tỉnh bằng nhau
Ngày xưa em yêu em hứa rất nhiều
Chuyến đi nào vội vã có mang em?
Bây giờ còn lại mình anh như thân củi mục
Ôn lại cuộc đời hai mươi mấy năm
lận đận, chua cay
Tôi là người cảnh binh gác bến phà
nối liền Sài Gòn - Lục Tỉnh
Sớm tối trưa chiều chạm mặt bạn bè
Làm nhân chứng mà không có lương tâm:
Chuyến đi nào vội vã có mang em?
(Trích TSX số 1, tr 44-45)
Ghi thêm: Tác giả bây giờ có bút hiệu khác là HÀN VĂN (Lâm Văn Yến) đang định cư ở Union City, California.
NÉT ĐẸP BÂY GIỜ
(cho Trúc Việt)
DY TRANG
1. Nét đẹp bây giờ,
mắt không là trăng sao
mà như trái hoả châu trong đêm tối
răng không đều và trắng như hạt bắp
mà phải như kẽm gai đẹp lạnh lùng
tiếng nói không như chim hót buổi sáng
mà là tiếng đại bác khai hoả
như mìn châm ngòi.
2. Nét đẹp bây giờ,
không là cánh rừng đầy kỳ hoa dị thảo
mà đầy hầm hố, chông gai, địa đạo,
giao thông hào
mà là vùng đất lở lói do trái phá in hình
không là buổi sáng chói rạng ánh mặt trời
mà là bóng tối đầy nước mắt mồ hôi
là yêu thương giữa những người lính khác mầu da
là sự gắn liền họ cùng nhìn về một đối tượng
là những chiến tích oai hùng có được.
3. Nét đẹp bây giờ,
không là nụ cười bụ bẩm của em bé trong nôi
mà là tiếng khóc khi không còn một giọt sữa
trong người mẹ
là tiếng chó sủa trong đêm tối kinh hoàng
không là phố phường chiều thứ bảy
mà là sự đổ nát sau vụ nổ phá hoại
mà là đồng quê điêu tàn hiện tại.
4. Nét đẹp bây giờ,
là tất cả sinh hoạt của cuộc chiến hôm nay.
(Nhóm Mầu Tuổi Ngọc)
(Trích TSX số 1 - tr 13)
Ghi thêm: Tác giả tên thật Nguyễn Thanh Liêm, hiện là thương phế binh VNCH định cư tại Houston, TX. Trưởng nhóm Mầu Tuổi Ngọc là đồng môn Lê Tịnh Giác (bút hiệu Lưu Ngọc) định cư ở Virginia - USA).
CƯỚI EM MÙA MƯA
PHƯỢNG HỒNG
Bây giờ mùa mưa bắt đầu rồi đó em.
tiếng mưa rơi tiếng mưa rơi
âm vang nức nở kêu thương
nước mắt trời hay nước mắt loài người!
mưa sáng mưa trưa mưa chiều mưa tối
mưa hôm qua mưa hôm nay mưa ngày mai
mưa tháng năm dài.
Bây giờ mùa mưa bắt đầu rồi đó em.
em có nghe
tiếng nước rơi từ tim anh
tiếng nức nở trong lòng
và tiếng khóc đâu đây
con chó buồn nằm bên kẹt vách
ngoe nguẩy đuôi
mưa rơi! mưa rơi!
con gà ủ rủ nghe mưa
khóc than chi chít.
Bây giờ mùa mưa bắt đầu rồi đó em
con đường qua nhà em lầy lội
đầy chông gai cạm bẫy
người ta dừng bước ngại ngùng!
anh không sợ đó em
anh sẽ vượt qua - anh sẽ chiến thắng tình địch
anh sẽ mang về cho em trọn vẹn tình yêu.
Bây giờ là mùa mưa
sắp đến ngày cưới rồi đó em
em sẽ khoác lên mình áo cưới đỏ
màu máu màu lửa đó em
anh sẽ cưới em
đám cưới khởi hành vào buổi tối
không có người xem
chỉ có người bắn nhau giết nhau
tiếng súng tiếng bom là pháo
đàng gái khóc than vì mất em
máu - thây - thịt - xương lăn lóc
anh đưa em đi xa
đi thật xa
từ Nam Quan đến Cà Mau
xây lâu đài hạnh phúc
anh - em - một - nhà.
(cơn mưa đầu mùa - hai sáu sáu)
(Trích TSX số 1 - tr 29)
Ghi thêm: Tác giả tên thật Nguyễn Văn Xi, hiện nay là thương phế binh VNCH, được biết anh đang sinh sống tại Long Khánh - Việt Nam.
GIẤC NGỦ MÙA XUÂN
LÊ TRÚC KHANH
Như tuổi thơ còn trên áo em
Mùa Xuân sương khói lạnh đường chim
Bình minh đáy mắt đầy như biển
Anh bỗng nghe Cần Thơ nắng lên.
Xin ngủ ngoan hiền - loài cỏ dại
Ai làm chim biển hót đầu cây?
Giấc miên du có về quê mẹ
Cho gửi hồn qua bến mộng nầy.
Ngồi xuống đi em - ngồi bên anh
Dòng sông vương tiếng thở trường canh
Nghe anh kể chuyện ngày xưa ấy:
Chuyện nước non mình không chiến tranh.
Anh kể em nghe thời trẻ dại
(hôm nay và quá khứ lưu đày)
Tựa màu xanh - đỏ: màu bông bóng
Bong bóng lên trời - bong bóng bay...
Chờ tết Ngoại trồng bông vạn thọ
Cháu con về tảo mộ người thân
Đèn nhang ươm sáng trời tinh tú
Thương nhớ nào rơi kín mộ phần?
Nêu mới vươn trời ru gió bấc
Mười lăm tháng Chạp đã vào Xuân
Bỏ manh áo vá từ năm ngoái
Khua guốc đường mơ pháo lại gần.
Rồi tháng năm dài anh ngó theo
Nửa vùng ngây dại cũng buồn hiu
Mấy Xuân là mấy lần thêm tuổi
Xa lắm - nầy em - phố chợ nghèo.
Sao mắt em buồn hơn tháng Chạp?
Vòng tay thân ái lạnh quê hương
Buồn em nào hoá thành cơm áo
Khi máu xương còn pha máu xương??
những ngày áp tết
(Trích thi tuyển VỀ NGUỒN số 5 chủ đề Xuân Quê Huơng)
Ghi thêm: Tác giả tên thật Lê Phước Nghiệp, sinh ngày 28-5-1950 tại Tân Thạch - Bến Tre, giữ chức vụ Thư Ký văn phòng thường trực của Văn Đoàn Về Nguồn. Tốt nghiệp Đại Học Cần Thơ, ra trường dạy Văn trường Phan Thanh Giản...
VỀ SÔNG ĂN CÁ
HUYỀN VÂN THANH
* kính dâng BA MÁ và quê hương
* để tặng LÊ TRÚC KHANH
* trọn vẹn cho em KIỀU DIỄM PHƯỢNG
Dòng nước theo về ngang xóm nội
Phù sa từng lớp ngập lòng sông
Phần ba sản nghiệp: ghe đăng cá
Ngày tháng cùng đi họp chợ đồng.
Ba đem hơi thở nuôi con trẻ
Lặn ngụp bên dòng rạch nước sâu
Từng bát cơm mua bằng khổ cực
Vì con - ba chất nặng ưu sầu.
Con nhớ những năm lo chạy giặc
Nhà nghèo - ba má nhịn phần ăn
Củ co bông súng miền kinh ruộng
Thay gạo đồng quê... sống nhục nhằn.
Từ đó nhà mình xuôi chợ tỉnh
Trốn bom, tránh đạn chín mười năm
Chiến tranh dày xéo quê hương cũ
Giờ nhớ thương thêm - tiếc nuối thầm.
Ba già, không tiếp nghề đăng cá
Làm thợ qua ngày đổi bát cơm
Vẫn hạt ngọc bàng - cơm đất Việt
Nhưng hương vị ngọt chẳng còn thơm!
Ngày xưa gạo giã xông mùi cám
(Mộc mạc mà thương mến đậm đà...)
Ăn với cá đồng ba kiếm được
Đơn sơ... vẫn đẹp, phải không ba?
Tết nầy ba có về quê cũ
Thăm mả mồ xưa, viếng xóm làng?
Hưu chiến đôi ngày... ôi ngắn ngủi
Làm sao níu lại được thời gian?
Ví dầu về rẫy ăn còng sữa
Ăn cá về sông... thương tuổi thơ!
Ba hỡi, điêu tàn vương xóm nội
Tìm đâu đường nét đẹp bây giờ!?
10-12-1967
(Trích thi tuyển VỀ NGUỒN số 5 - chủ đề Xuân Quê Hương)
Ghi thêm: Tác giả trong Ban Thường Trực Văn Đoàn VỀ NGUỒN, bị Tổng động viên, vào học trường Thủ Đức khoá 5/68, ra trường phục vụ các đơn vị tác chiến thuộc địa phận tỉnh Phong Dinh. Tháng 10/1971 biệt phái về ngành NDTV tỉnh trực thuộc bộ Nội Vụ. Sau 30 tháng 4 năm 1975 đi tù cải tạo tập trung 6 năm. Định cư tại Houston TX Hoa Kỳ từ năm 1993 theo diện HO.
EM MUỐN VỀ THĂM
THÔN XÓM ANH
KIỀU DIỄM PHƯỢNG
* trọn vẹn cho Anh
Em muốn về thăm thôn xóm anh
Nguyện cầu đất nước chóng yên lành
Trường Long bom đạn không còn nữa
Chấm dứt hận thù - lửa chiến tranh
Cho mắt anh thôi vướng nỗi buồn
Cho tình mình đẹp tuổi yêu thương
Gần nhau hết kể hờn binh biến
Hạnh phúc ngời lên ánh thái dương.
Nhưng biết bao giờ được hở anh!
Ước mơ em thấy quá mong manh
Đêm về giấc ngủ còn nghe súng
Đại bác liên thanh bắn giật mình.
Nửa sáng mơ màng hôn tóc rối
Niềm đau sâu kín lịm quê hương
Người yêu chạy trốn từng bom đạn
Giấc ngủ anh nằm lạnh dưới mương.
"Nhà cửa bây giờ tan nát hết
Làm sao có thể dẫn em về
Bên kia hàng giậu từng xiêu đổ
Ngõ hẹp vào thôn nhuộm tái tê!!"
Anh kể chuyện buồn - rưng nước mắt
Em nghe mằn mặn vướng trên môi
Quê hương lửa loạn - buồn hoang vắng
Tuổi trẻ hôm nay tắt nụ cười.
Em muốn về thăm thôn xóm anh
Một ngày nào đó được yên lành
Trường Long tươi đẹp thơm mùi lúa
Bát ngát tình quê vương tuổi xanh...
(Trích thi tuyển VỀ NGUỒN số 2 - chủ đề Khuôn Mặt Quê Hương)
Ghi thêm: Tác giả liên tục giữ vai trò THỦ QUỸ của thi văn đoàn VỀ NGUỒN từ khi thành lập đến năm 1968. Định cư tại Hoa Kỳ với phu quân theo diện HO.
VỀ NGUỒN
LĂNG CẢNH HUY
Về nghe đá thốt nên lời
Máu xương đỏ dựng một trời buồn tênh
Phận người ngày tháng chênh vênh
Giòng con nước lụt buồn thêm nỗi buồn
Thương người đâu phải thương suông
Chán chê tim lạnh phố phường từ khi
Tàn thiu rồi giấc xuân thì
Quê hương bom đạn mòn ghi từng giờ.
(Trích thi tuyển VỀ NGỒN số 1 - chủ đề Tình Yêu Quê Hương)
THỰC TẠI QUÊ HƯƠNG
ĐỖ THANH HOÀNG
Nửa đêm thức giấc kinh hoàng
Tiếng bom đạn nổ reo vang trên đầu
Hoả châu bừng mắt đêm sâu
Gió thương đau lộng tung sầu giữa khuya.
Quê hương nước mắt đầm đìa
Tự tình sông núi về khuya tỏ bày
Bao năm chinh chiến đắng cay
Tình yêu đất nước tháng ngày cao thêm.
(Trích thi tuyển VỀ NGUỒN số 3 - chủ đề Nói Với Quê Hương)
TIẾNG HÁT VÀO ĐỜI
NGUYỄN HOÀI VỌNG
* viết theo một tâm sự
E ấp nghiêng nghiêng vành nón lá
Tuổi học trò áo trắng đẹp trinh nguyên
Từng khép nép nắng mai hồng lên má
Suối tóc mùa thu buông chảy dịu hiền.
Bên bè bạn em vui cùng sách vở
Với cô thầy em gắng sức học ngoan
Em vẫn tưởng đời êm đềm muôn thuở
Dưới mái trường yêu trải mộng huy hoàng.
Bàn chân nhỏ dẫm bừa lên gai góc
Em vào đời ngơ ngác mắt nai tơ
Thời sách vở ôi thiên đường tuổi ngọc
Nuối tiếc làm sao màu áo học trò.
Cô gái nhỏ giờ ôm sầu kỷ niệm
Chớm ưu tư thương nhớ những bạn hiền
Phượng đã tàn sân trường Đoàn Thị Điểm
Em cúi đầu nghe xao xuyến vô biên.
(trong tập Hoa Nắng)
(Trích thi tuyển VỀ NGUỒN số 4 - chủ đề Tình Thu Quê Hương)
CẢNH HUỐNG SANG THU
VŨ THY LÃNG TƯỞNG
* mến tặng Tuyết
Khai thu súng nổ trên đầu
Trăm hơi thở nặng đọng sau tiếng cười
Niềm đau hung hãn chưa nguôi
Ta từ phận nhớ buông xuôi về rừng
Trông ra rồi cũng dửng dưng
Mặc bom đạn vọng trên lưng thật giòn
Bạn thân thiết mấy kẻ còn
Thằng say chiến tuyến thằng yên mả mồ
Riêng tôi ôm nước mắt khô
Lạc trong giọng nói, ngoài khờ bước chân.
(Trích thi tuyển VỀ NGUỒN số 4 - chủ đề Tình Thu Quâ Hương)
XA LẠ
HÀ HUY THANH
1.
Đến nhìn lại mặt mày
Vẫn đục ngầu lửa đỏ
Đến nhìn lại tháng ngày
Vẫn một bè lũ nó.
2.
Mùa xuân về bên đây
Mùa xuân về bên nầy
Tìm đâu nguồn hạnh phúc
Tìm đâu vùng tương lai.
3.
Anh ôm hoài lửa máu
Ve vuốt hoài nỗi buồn
Tuổi đời xưa ẩn náu
Cuộc chiến và quê hương.
4.
Trôi trên dòng trí nhớ
Xác pháo nổ tan giòn
Đêm giao thừa bỡ ngỡ
Ôi mùa xuân đâu còn.
5.
Tuổi nầy dành cho em
Tuổi kia dành cho mình
Lớn thêm mà đau khổ
Nhận diện loài chiến tranh.
(Trích thi tuyển VỀ NGUỒN số 5 - chủ đề Xuân Quê Hương)
TỰ TÌNH XUÂN
PHẠM QUYÊN LINH
Ai có mua mùa hoa nở không ?
Về đây tôi bán rượu xuân nồng
Bán đôi cánh én lưng trời mộng
Ai có mua mùa hoa nở không?
Tôi bán lời ca, tiếng hát xuân
Bán trời hương sắc, bán linh hồn
Bán loài hoa dại mùa xuân nở
Ai có mua mùa hoa nở không?
Tôi bán tiếng lòng khắp thế gian
Bằng thơ sầu mộng dệt âm thầm
Lặng im nghe tiếng xuân mừng tuổi
Ai có mua mùa hoa nở không?
Tôi bán cho đời đó, kiếp xuân
Còn ai bán lại máu tươi hồng
Để tôi nhỏ xuống lòng quê mẹ
Cầu nguyện hoa đời trổ đất xuân.
Đã mấy năm rồi non nước tôi
Nghiêng nghiêng lửa máu đổ bên trời
Tháng năm réo gọi hồn bi sử
Với mảnh khăn tang mãi sụt sùi.
Và quê hương đó vẫn thương đau
Vẫn đắm lòng xuân với nghẹn ngào
Hồn bi ca cũng sầu luân điệu
Nên cả trời xuân lệ vẫn trào.
Hàng nắng lên dựng trời suy tư
Mây xa lớp lớp chở hoang vu
Có ai mua hết mùa hoa nở
Và bán cho tôi chút lệ sầu...
(Trích thi tuyển VỀ NGUỒN số 5 - chủ đề Xuân Quê Hương)
LẠC LẠC CUỒNG CA
LÊ HÀ UYÊN
* để ru người yêu vào mùa-xuân-mai-xanh
* để tặng những ai chưa quên hồn chim lạc
Tuổi bốn ngàn năm hề ta tỉnh ta say?
Cành Nam khô héo lạnh đôi mày
Từ ta không trở về Dương Tử
Trời bỗng mang mang hề gió nổi cát bay!
Đã mỏi mòn hề trời lưu lạc
Ta thoát hình - cánh rũ gió Giao Châu
Ngàn năm Bắc thuộc ta không nhớ
Trưng - Triệu - Ngô - Trần - bao nhiêu bể dâu!
Ta nhập hồn Trần Quốc Tuấn
Gối sóng Bạch Đằng - giăng mây cao
Loài Mông-hôi-hám chồn chân ngựa
Xương máu tham tàn hề chôn dòng sâu.
Rồi ta cúi mặt thở dài
Nhìn cha con Quý Ly về phương Bắc
Hào khí Giao Châu vùi đất giặc
Mồ Yên Kinh - bao sách vở tro bay.
Ta uất ức nhưng loài chim không nước mắt
Giận Thiêm Bình - thương dân Việt đọa đày!
Màu trắng thân ta là màu-tóc-Diên Hồng
Lời ta thành ước vọng toàn dân
"Bình Ngô"khúc hát rền sông núi
Lê Lợi-mười-năm hề - hùng khí dậy Lam Sơn...
Rồi sững sờ ta nhìn sông Gianh ô nhục
Giống Lạc Hồng hề bày trò giết nhau!
Năm mươi năm đó hờn Nam Bắc
Trịnh - Nguyễn còn nghe tiếng nghẹn ngào!
Và ta không thể làm ngơ được
Tung cánh ba nghìn dặm hề trời Hồng nhoà mây
Ta vì dân Nam hề giúp Quang Trung
thành đại nghiệp
Tây Sơn áo vải dựng cơ đồ
Mãn Thanh - lũ chuột trôi dòng Nhị
Năm mươi năm nhục nhằn hề giờ
lá xanh cành khô...
Ta muốn về Lưỡng Quảng
Tô lại bức dư đồ
Nhưng trời không tựa lòng dân Việt
Anh hùng mệnh đoản hề - tan một giấc hồ!
Từ ta cao tiếng hát
Đoạn Trường Tân Thanh hề - Hồng Lam
nhập điệu
Xuân-ca-dao hề - Nguyễn Du đăng quang
Ta say nghiêng ngửa bên bầu rượu
Gõ nhịp ca hề - "Văn Hiến chi bang".
Điệu hát ngân dài - trường ca Nam Tiến
Chiêm Quốc ngậm hờn hề Chân Lạp ngẩn ngơ!
Cánh ta vẫy rộng trời Nam Bắc
Giấc mộng về Nam máu dựng cờ.
Rồi loài bạch quỷ say cuồng mộng
Ta tám mươi năm cũng ngậm ngùi
Đất Việt vang ca bài-ca-bất-khuất
Lớp lớp thây ngã hề không lui.
Nguyễn Thái Học hề - mây tang mờ Yên Bái
Lương Ngọc Quyến hề - máu nhuộm cờ
Thái Nguyên
Sa Diện một tiếng bom hề - Hoàng Hoa Cương sử
Nguyễn Trung Trực hề - kiếm bạc
khấp Kiên Giang.
Thực dân mộng vỡ hề - loài sài lang rước nhục!
Giọng hát xưa hề ta cũng vùi đại dương!
Ta say - say đến bao giờ nữa
Cho quên hờn Bến Hải - Hiền Lương?
Ta thương dân Nam hề trọn kiếp lầm than
Ta thương Cà Mau - ta thương Nam Quan!
"Bạng duật tương trì hề ngư ông đắc lợi"
Ta giận ta hề - nghiệp dĩ mang mang!
Ta làm sao được - người không thương nhau!
Ta làm sao được - xương máu dâng sầu!
Cành Nam rồi cũng đành lưu lạc
Thất thểu đêm gào - mà trời cao - trời cao!
Ta buồn không nhớ say hay tỉnh
Từ những mùa-xuân-không-ca-dao.
(Trích thi tuyển VỀ NGUỒN số 5 - chủ đề Xuân Quê Hương)
Ghi thêm: Tác giả là GS Lê Văn Quới, dạy Quốc Văn - Giám học trường Phan Thanh Giản, cố vấn cho nhóm Về Nguồn từ khi thành lập. Nay đã nghỉ hưu.
Trong thi tuyển VỀ NGUỒN số 5 dầy 20 trang có giới thiệu nơi trang 16 tập thơ với những dòng chữ như sau:
Đón đọc DI CHÚC
Tập thơ cho những người còn ở lại
những dòng chân thành vắt từ óc, từ tim, từ nước mắt
- của một người cha nói với những đứa con trong hoài bão
- của một người thầy nói với đám học sinh thân yêu
- của một người yêu nói với người yêu
- của một người anh nói với các em
- và của một người thơ nói với những người thơ.
Một ngày quê hương còn lửa khói - một ngày không thể không đọc tập DI CHÚC của LÊ HÀ UYÊN và
THÔNG XANH - tập thơ nói lên những niềm đau
không nói hết của quê hương.
do Thi Văn Đoàn VỀ NGUỒN ấn hành.
Nhưng tiếng súng tấn công Tết Mậu Thân 1968 vào khắp các tỉnh thành VNCH của CS đã phần nào ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhóm Về Nguồn. Vì sau Tết Mậu Thân, đồng loạt lệnh gọi Tổng động viên đã có nhiều thành viên của nhóm phải khăn gói lên đường để vào quân đội bảo vệ tổ quốc, số còn lại tiếp tục học và sau đó vào các ngành nghề để sinh sống. In thi tập cho các tác giả tạm ngưng, nên DI CHÚC cùng chung số phận. Hoạt động văn nghệ của nhóm Về Nguồn chuyển sang phát Tiếng Thơ VỀ NGUỒN trên đài phát thanh Cần Thơ mãi cho đến năm 30 tháng 4-1975 mới ngưng tiếng nói. Trực tiếp chăm lo chương trình tiếng thơ là nhà thơ - nhà giáo LÊ TRÚC KHANH, Thư ký thường trực của thi văn đoàn, với sự tiếp sức của tất cả anh chị em trong nhóm dù tản mác khắp bốn phương trời.
Qua gợi ý của bạn Lý Tòng Tôn, tôi xin sưu tầm và ghi lại một chặng đường thơ của các bạn, trong Nguyệt san TRIỂU SỐNG XANH (chỉ còn được số 1, còn hai số 2 và 3 không còn lưu giữ); các bạn trong nhóm văn nghệ VÊ NGUỒN mà tuyệt đại đa số là học sinh Phan Thanh Giản & Đoàn Thị Điểm, còn có nhà sưu khảo văn học tên tuổi Nguyễn Bá Thế và hai vị Giáo sư làm cố vấn nên hướng đi của nhóm khá rõ nét qua các thi tuyển đã ấn hành (từ số 1 đến số 5). Riêng số đặc biệt tăng thêm độ dầy (6 và 7 in chung) dự trù phát hành hạ tuần tháng 2/1968 "mang chủ đề độc đáo để bắt đầu cho loạt thi tuyển năm thứ hai của thi văn đoàn" thì phải bỏ dở dang. Đó là điều đáng tiếc cho nhóm VỀ NGUỒN bởi cuộc chiến tàn khốc gây nên trên quê hương đất nước. Bây giờ nhớ lại chỉ còn như chút HƯƠNG VỊ NGÀY XƯA mà thôi. Nhưng đặc san 14 PTG & ĐTĐ Cần Thơ năm 2009 tại Nam California không đăng (và bạn Lý Tòng Tôn không nói rõ lý do vì sao không đăng, dù bạn gợi ý). Nhận thấy đây là tài liệu cần lưu giữ nên xin gởi cộng tác trên trang nhà ptgdtdusa.com, với mục đích gởi đến quý Thầy Cô và quý đồng môn nhớ lại một thời gian có sinh hoạt thơ văn của trường chúng ta.
NGƯỜI ĐỒNG BẰNG
sưu tầm & giới thiệu


Sinh Hoạt Nam, Bắc Cali
Sinh Hoạt New England
Góc sân Trường Nhà - Sinh hoạt
TÁC GIẢ:
Hồ Trung Thành
Lê Trúc Khanh
Nguyễn Trung Nam