top of page
hmpg.jpg
TL_blinkingsquareblock.gif
Titlej (1).jpg

 

 

              NGƯỜI Ô MÔN

Durham, NC 

___________________________________________

NguoiOMon_self.jpg
TL_hoaPhuong.jpg

CỔNG TRƯỜNG

THỜI CON GÁI

NguoiOMon_congtruongthoicongai.png

                 Mỗi năm cứ vào mùa tựu trường là quê tôi bắt đầu có những cơn mưa sớm. Những cơn mưa bất chợt, tình cờ như mang hơi thở cho hai hàng bạch đàn dẫn vào sân trường trổ hoa. Hoa bạch đàn từng chùm tủa trắng trinh nguyên treo hai bên đường vào lớp học. Ngôi trường huyện nhỏ nhắn, nằm khuất phía sau cánh cổng mùa xanh như khoắc lên chiếc áo mới thật đơn sơ, dịu dàng của người con gái mới lớn. Trường có nam có nữ, nhưng chừng như thấy toàn là con gái. Giờ chơi, giờ về lúc nào cũng vậy, toàn là đám con gái bọn tôi chiếm ngự cả trường. Có lẽ đám con trai thường lẽo đẽo phía sau, nên lúc nào cũng lép vế, đếm hoài hổng thấy được bao nhiêu. Lại thêm tóc dài, cao lén đám con gái bọn tôi lấn lướt cũng là chuyện thường tình. Mà cũng ngộ, bọn họ lúc nào cũng chơi mạnh bạo, ăn nói lớn tiếng nhưng khi đối diện với đám “liễu yếu đào tơ” thì cứ thộn mặt ra, lúng ta lúng túng nói chẳng thành lời. 

Nhưng hề gì, chẳng bận lòng chi chuyện đám con trai nắng mưa hoa nở, “nắng mưa là bệnh của trời…”. Bận lòng chăng là mấy hàng quán phía bên kia cổng trường có những món ăn nào cho buổi học sớm, những buổi trưa ở lại học thêm hoặc hôm chiều “lao động”. Phải ăn lắt nhắt, ăn ngon và ăn hạp số tiền ít ỏi của má cho trong thời kỳ “thắt lưng buột bụng” này. Không nhiều hàng quán để đến nổi quên, nhưng cũng không ít để có thể nhớ hết. Thôi thì nhớ gì ghi lại trong bài viết như những hồi ức, những kỷ niệm đẹp khó quên một thời trước cổng trường con gái…

 

Chuối Nếp Nướng

NguoiOMon_chuoinepnuong.png

Không biết tự bao giờ, hàng chuối nếp nướng và xôi bắp của bà Tư đã có trước cổng trường. Nằm hơi khuất bên hông con ngõ nhỏ, hàng chuối nếp nướng của bà Tư lúc nào cũng được đám học trò chiếu cố nhiều nhất, nhất là chị em bạn gái chúng tôi. Từ lớn đến nhỏ, lớp 10 đến lớp đàn chị 12, đều là khách hàng trung thành của nó. Sáng sớm, từ xa đã nghe mùi khen khét của lá chuối, mùi nếp nướng bay loáng thoáng một góc đường. Tôi vẫn còn nhớ như in, trái chuối xiêm chín tới, sau khi lột vỏ sẽ được áo một lớp nếp vừa phải, bọc trong lá chuối xanh rồi nướng trên vĩ than đỏ hồng. Nhờ có lớp lá chuối này mà bên trong nếp và chuối không bị khét nhẹt. Vị ngọt lịm của chuối chín quyện với độ dẻo thơm của nếp nướng thơm ngon từng miếng nhai nóng ơi là nóng trong miệng. Rồi thêm vị béo ngậy của cốt dừa được chan dọc theo viền võ bọc nếp bên ngoài, có chàng nào lở liếc mắt đưa tình cũng phải đành lòng mà nuốt nước miếng. Mỗi buổi sáng, chỉ cần một trái chuối nếp nướng chan nước cốt dừa là tôi có thể cầm cự hết cả bốn giờ học chẳng hề hấn gì! Buổi sáng thì mua vội mang vào lớp, vừa ăn vừa ôn sơ bài vỡ hay tán chuyện hôm qua. Buổi trưa thì ngồi ăn tại chỗ, vừa ăn vừa đưa mắt nhìn mấy đứa con trai đi qua đi lại, mắt liếc ghẹo tình.  

 

Bánh Lá Dừa

NguoiOMon_banhladua.png

Đây là món bánh thân thương suốt một thời đi học của tôi. Không nhiều chất liệu bên ngoài như chuối nếp nướng chan nước cốt dừa, bánh lá dừa cũng không kém phần ngon tươi, hấp dẫn. Bánh nhỏ, quấn lá dừa gọn nhẹ nên ăn dễ dàng không sợ “bầy hầy”, dính tay. Sau khi mở lớp lá dừa đã được nấu chin, bên trong là lớp nếp trộn dừa và chen lẫn đậu đen vừa béo lại vừa bùi. Chính giữa bánh lá dừa có hai loại: nhân đậu xanh và nhân chuối được phân biệt bằng màu dây buột bên ngoài. Bánh có thể ăn nóng hay nguội, phần lớn là ăn nguội và có thể để dành một thời gian nhất định. Bánh bán không cần gian hàng riêng, treo đâu bán cũng được, tiện lợi vô cùng. Ngoài hương vị tuổi thơ, bánh lá dừa cũng đã vượt thời gian trải dài một thời con gái mới lớn, một món ăn đặc trưng của miền tây sông nước:

“Mời anh mua bánh lá dừa

“Bánh này em gói nếp mùa thiệt ngon

“Anh mua về đãi bà con

“Bánh em nóng hổi ngọt ngon hơn đường

Quả thật không quá đáng khi nói bánh lá dừa “gói” nhiều mối tình của một thời mới lớn. Là những món “quà” tặng cho ai đó trong buổi ăn trưa phải ở lại trường cho lớp học thêm buổi chiều. Kín đáo, không quá sỗ sàng để có thể bị người ấy từ chối ngượng ngùng. Vừa có bánh ăn ngon ngọt béo, no lâu chắc bụng, lại làm cho người kia cũng có nhiều cơ hội nhớ mong! Vẫn cứ như hôm qua, tôi không thể quên món bánh lá dừa một cặp hai chiếc, của bao mối tình học trò ngày đó đã tặng trao. 

  

Bánh Tầm Bì

NguoiOMon_banhtam.png

Gánh bánh tầm bì bà Sáu nằm xeo xéo và hơi xa cổng trường. Đây là món ăn “truyền thống” của đám con gái bọn tôi, tuy có hơi xa xỉ và tốn chút thời gian thưởng thức. Thường thì tôi và đám bạn chỉ ăn sau buổi chiều lao động ở trường thắm đói, trước khi lấy sức đạp xe về nhà. Những cọng bánh tầm tươi còn thơm mùi bột, phía dưới là rau thơm và dưa leo bầm nhỏ, trải lớp bì hương vị thím, chan nước cốt dừa và nước mắn ớt là cả một trời ký ức. Ăn bánh tầm bì không được ăn nhanh, mà phải gắp từng đũa, từng đũa. Phải thưởng thức vị béo mặn đầu lưỡi, phải hít hà với vị cay xè của nước mắn ớt và nhai từng cọng bánh tầm, bì trong mọi kẻ răng. Món ăn thành quen, quen thành ghiền. Con gái có thể trễ một buổi hẹn, nhưng không thể  lướt qua gánh bánh tầm bì mà không ngồi xuống kêu cho mình một dĩa! 

 

Đậu Đỏ Bánh Lọt

NguoiOMon_daudobanhlot.png

Quán cà-phê dì Năm là một chái lợp lá che dài phía trước hiên nhà. Chia làm hai phần: phía trong là hàng cà-phê dành cho đàn ông con trai, phía lấn ra ngoài mặt đường là hàng bán món chè đậu đỏ bánh lọt cho bọn học trò nữ. Đây là điểm nhân chứng biết bao lá thư tình trao tay và những hẹn hò một thời mới lớn của tuổi học trò, trong đó có cả tôi. Còn nhớ rất rõ, đậu đỏ nấu mềm với những cọng bánh lọt mà xanh mùi lá dứa, hoặc màu trắng thêm nước cốt dừa béo ngọt. Tất cả trộn lẫn hòa tan với nhau, vừa thơm vừa ngọt béo bùi, có chút đá bào để phía trên thì mọi trưa nắng nóng hay chiều đổ mưa đều đậm đà bên bạn bè, hay anh chàng nào đó mà “mắt chớp”, môi tươi từng muỗng! Không hiểu sao, ở tuổi học trò thuở nọ, đám con gái bọn tôi ăn uống thứ gì cũng ngon, cũng một đời để nhớ. 

 

Thấm thoát 40 năm trôi qua. Tất cả chợt xa rồi những ngày xưa một thời con gái. Mái tóc ngày nào đã rụng dần, ngả trắng màu thời gian. Ký ức vẫn nguyên vẹn với trái chuối nếp nướng, chiếc bánh lá dừa, dĩa bánh tầm bì và ly chè đâu đỏ bánh lọt đã theo tôi đi qua bao miền đất lạ, bao nhiêu năm tháng quê người. Người ta có thể trở lại nơi chốn, tìm về góc phố cổng trường ngày xưa, dù biết bao vật đổi sao dời. Nhưng không ai, không ai trong chúng ta có thể mang trở lại dòng thời gian đã vĩnh viễn trôi xa. Nhớ về một hàng quán bên đường, một gánh chuối nếp nướng trước cổng trường thời con gái năm nào, là nhớ đến những khuôn mặt, những nụ cười mà nay có người còn và có người đã vĩnh viễn đi xa:

“Tìm đâu những ngày thơ ấu qua?

“Tìm đâu những ngày xinh như mộng?

“Tìm đâu những ngày thơ?

“Tìm đâu những chiều mơ?

“Tìm đâu, biết tìm đâu, đâu giờ?    (Những Ngày Thơ Mộng – Hoàng Thi Thơ)

 

Durham, North Carolina

Người Ô Môn

__________________________________________

Những Tiếng Rao Khuya

NguoiOMon_Ganhhangrong.jpg

Biến cố Tết Mậu Thân 1968, tôi được mười tuổi và đang học lớp năm. Khuya ngày mồng Một sau tiếng nổ rền vang đánh thức cả nhà thì đám cháy bắt đầu từ cuối dãy khu trại nhà tôi đang ở. “Tụi bây thức dậy, nhớ gom đồ chạy nhanh đi!”, tiếng má tôi la hoảng. Đã được sắp xếp, tôi và đứa em trai chạy theo anh Hai về phía chợ Vị Thanh; anh Ba và đứa em gái theo má tôi chạy bọc về phía bến xe gần đồn cảnh sát. Tiếng súng nhỏ, lớn vẫn nổ cùng khắp thị xã. Khi tôi và anh Hai đến chợ thì đã thấy xe cảnh sát, quân lính tiểu khu bao vây và kiểm soát người dân chạy dồn về lánh nạn. Tiếng gọi nhau, tiếng con nít khóc, tiếng xe cứu thương… thật hỗn loạn. Hai anh em theo sự hướng dẫn của cảnh sát vào khu tạm trú trong lồng chợ thì chẳng thấy má tôi cùng anh Ba và đứa em gái đâu cả. Sáng hôm sau, cả nhà tôi may mắn gặp lại trong nhiều tiếng kêu gào khóc lóc của những gia đình nạn nhân khác không có sự may mắn này. Mười tuổi tôi đã nếm mùi của chiến tranh, đã nhìn thấy xác người và muôn vàn tiếng khóc.

Nhà tôi trong khu gia binh cháy rụi, đồ đạc, quần áo, tập vỡ học hành… chỉ còn lại là đám tro tàn và cái nền nhà còn hơi nóng của lửa. Năm đó tôi ở lại lớp năm vì không có tập vỡ, quần áo… để đi học trở lại. Cũng may má tôi chôn một số vàng, tiền mặt bọc kỷ sâu dưới mặt đất để lấy tiền mướn nhà ở tạm chờ chính quyền tỉnh và viện trợ của quân đội Hoa Kỳ xây lại nhà trong tiểu khu.

 

 

Căn nhà mướn nằm dọc bờ và xây mặt ra phía kinh xáng Xà-No. Phía trước có chiếc cỗng thấp bằng loại thân tràm với vài bụi bông giấy màu đỏ thẵm. Mặc dù căn nhà mướn nằm trong xóm lao động nghèo, nhưng lại thông thoáng và luôn có những cơn gió mát thổi lên từ bờ kinh xáng. Sau này kể cả khi khu gia binh tiểu khu xây xong, cấp lại căn nhà mới má tôi vẫn mướn căn nhà bên ngoài để phòng khi xảy ra trường hợp cháy nhà Tết Mậu Thân. Mấy anh em chúng tôi thích ở nhà bên ngoài, tự do hơn và nhất là cổng trại đóng lại mỗi tối lúc mười một giờ hằng đêm. “Ngoại bất nhập, nội bất xuất” đến năm giờ sáng ngày hôm sau. Nên ban đêm rất im lặng và buồn vô cùng. Vậy là từ khi dọn căn nhà mướn, tôi khám phá ra một điều thật thú vị: những tiếng rao bán hàng rong. Buổi sáng sớm và tuyệt vời nhất là những tiếng rao đêm!

“Bánh mì nóng dòn đây. Ai mua bánh mì nóng dòn hông?”, năm giờ sáng tôi chợt giấc với tiếng rao hàng vang vọng cả xóm. Cùng với tiếng rao là cả một không gian chợt mở, là sự cộng hưởng của tiếng người, tiếng xe cộ, tiếng những cánh cửa mở ra chào đón ngày mới. Tiếng rao hàng lớn, hối hả như thúc dục cái xóm lao động của tôi phải ngồi dậy, phải chuẩn bị đến trường, phải chuẩn bị cuộc mưu sinh. Và mọi người sẽ quên ngay tiếng rao đó để lao vào bao ngả đường bình thường chông gai trước mặt.

 

*** *** *** *** ***

 

“Xin quý vị điều chỉnh âm thanh vừa đủ nghe, để không làm phiền người hàng xóm”, tiếng người xướng ngôn viên đài truyền hình nhắc nhở, cũng là lúc đêm mới bắt đầu. Đêm tỉnh nhỏ đã yên tĩnh lại càng lặng lẽ chìm khuất hơn. Thỉnh thoảng đâu đó vọng lại là những tiếng súng đì đùng hay vụt sáng lên vài tiếng bắn hỏa châu lơ lững trên vòm trời chiến tranh cùng khắp. Hai ông anh tôi không coi ti-vi, ôn bài xong thì cũng rủ nhau đánh cờ tướng. Còn tôi thì thường ngồi trên căn gác xếp, nhìn những trái hỏa châu chiếu sáng len lỏi qua khung cửa sổ nhỏ. Chừng như tuổi thơ tôi cũng từng đêm lớn theo với những âm thanh và hình ảnh đó.

NguoiOMon_hoachau.jpg

“Chè đậu xanh bột báng đây”, tiếng rao không lớn chỉ vừa đủ nghe để mời gọi người chưa kịp đi vào giấc ngủ đầu đêm. Tôi cúi nhìn xuống con hẽm đèn lờ mờ tối, vẫn chưa thấy người bán hàng đâu?  “Cháo đậu xanh, đậu đen nóng đây”, tiếng rao gần hơn và phía bên ngoài là bóng người phụ nữ gánh hàng trĩu nặng hiện rõ dần hơn. Gánh hàng nặng nhưng chừng như chị không dám đi mạnh bước mà cố gắng bước gượng để không gây nhiều tiếng động trong đêm. Rồi tiếng rao xa dần, chìm vào cuối ngõ. Tôi nằm nghiêng đầu lắng nghe đêm nhè nhẹ rơi và đâu đó có tiếng mèo đuổi nhau trên mái nhà ai vọng lại. Mười bốn tuổi, ngưỡng cửa của bước chân đầu đời con gái, tôi ít ăn ít ngủ hơn. Ngày thì ăn hàng vặt nhiều hơn ăn bữa và đêm thì trằn trọc nằm nghĩ chuyện bâng quơ. “Bánh bao nóng hổi đây”, thêm một tiếng rao nhỏ dài kéo theo tiếng cộc-cạch của chiếc xe đạp. Không rướn người nhìn qua cửa sổ nhưng tôi đoán là một người đàn ông gầy gò đứng tuổi đang gò lưng đạp chiếc xe đạp chở nặng phía sau thúng đựng bánh bao nóng được giữ kín. Đêm yên lành giấc ngủ của người này là “ngày” lặn lội mưu sinh của người khác. Tôi thắc mắc vô cùng, không hiểu sao tôi là con của má tôi mà không là người khác?  Và ngược lại, tại sao đứa con gái bán khoai đầu xóm không phải là con của má tôi? Tôi hỏi, “Tại kiếp trước tao mắc nợ nên kiếp này đầu thai làm má bây”, má tôi vừa nói vừa cười. Nghe vậy thôi, chớ tôi cũng bán tín bán nghi, ai đời mắc nợ mà được làm má bao giờ?

            “Cháo đậu xanh nước cốt dừa nóng đây”, tiếng rao trong đêm lần này dù nhỏ đến đâu cũng đánh thức cái bao tử ăn hàng vặt của tôi. Chui ra khỏi mùng, tôi lần mò xuống nhà dưới. “Mày chưa ngủ sao Nga?”, anh Ba tôi gằn giọng. “Em đói bụng, muốn ăn cháo đậu xanh”.

            

NguoiOMon_ganhhangrong_2.jpg

           Bà đặt chiếc gánh sát cửa nhà tôi. Hai đầu gánh được che bởi hai miếng ny-lon phủ ba

góc chừa phía trong là nồi cháo đậu xanh đang bốc khói. “Anh Hai anh Ba ăn em mua luôn nghen”. Dĩ nhiên là hai ông gật đầu, vì đây là tiền để dành của tôi mà. Chưa bao giờ tôi ăn tô cháo đậu xanh chan nước cốt dừa với tép rang và dưa cải mặn ngon đến như vậy.  Trong ánh đèn vàng lờ mờ và dưới vành chiếc nón lá tôi thấy đó là người đàn bà có khuôn mặt chịu đựng, dãi dầu. “Ăn ngon hông em”, bà khẻ hỏi tôi với nụ cười khó khăn. “Cháo nóng, béo ngon lắm. Cô bán được nhiều chưa?”, tôi làm quen. “Cũng kha khá rồi em. Sợ trời lại mưa nữa thì chết”, bà vừa nói vừa ngước lên bầu trời đêm bắt đầu có gió.

            Gánh cháo đậu xanh rời nhà tôi, bóng người đàn bà cũng khuất dần cuối ngõ. Tiếng rao vọng lại xa xa như gánh nặng trên vai người đàn bà một cuộc đời, một số phận nhọc nhằn. Trên căn gác xếp, no bụng tôi chợt thấy buồn ngủ và hai ông anh đã tắt đèn đi ngủ phía dưới. Gió thổi thốc lên như đang chuyển cơn mưa.  

            “Bánh bò bánh tiêu nóng hổi đây”, tiếng rao khuya như xói vào lòng người. Đêm càng khuya tiếng rao càng nhỏ dần và vang xa từ đầu xóm đến cuối xóm nhà tôi. Tiếng rao trong đêm làm khu xóm lặng yên càng hun hút bóng đèn khuya và đêm chìm khuất sâu hơn. Giấc ngủ chợt đến cho người trong giường ấm là cuộc sống mưu sinh ngoài kia cho bao con người lam lũ phận đời… Hồ như mỗi tiếng rao là một nỗi buồn man mác, là nỗi niềm của phận đời phiêu bạt, nổi trôi. Đêm mưa, tiếng rao nghe như buồn hơn và trở nên lạc lõng, lọt thỏm vào màn đêm tĩnh mịch. 

 

 

*** *** *** *** ***

 

         Tôi nằm nghiêng người, lắng nghe tiếng đêm trôi trong bao nỗi nhớ.  Bốn mươi năm nỗi “nhớ nhà” không còn nguyên vẹn ý nghĩa của nó nữa. Nỗi nhớ nhà bây giờ là những hình ảnh của một quê hương trong ký ức, một tuổi thơ vời vợi lúc nhớ lúc không. Quê hương thứ hai đã trở thành một vùng đất “quê tôi” cho dù chúng ta có nhận lấy hay khước từ; đã trở thành mọi nề nếp của thói quen, của sự có mặt và cả cuối cùng cho sự buông tay về cát bụi mai này.

            Đêm càng chìm sâu càng yên tĩnh, càng mênh mông nỗi nhớ chập chùng. Tôi chợt thèm, thèm da diết một tiếng rao đêm. Thèm nghe đâu đó một tiếng rao nhỏ kéo dài theo tiếng cộc-cạch của chiếc xe đạp, của những bước chân lẹp-xẹp mặt đường quằng gánh trên vai. “Bánh bao nóng hổi đây”, “chè đậu xanh bột báng đây”… như vẫn còn văng vẵng đâu đây hình dáng một con xóm trong đêm, một huyện lỵ nằm dọc theo bờ sông nhỏ. Quê hương tôi như chợt thu gọn lại trong những tiếng rao khuya với bao số phận đời người. Hay bây giờ, trong cuộc công nghiệp hóa hiện đại đã không còn nữa nét văn hóa đêm thâu của một thời ký ức. Họ đã về đâu, cuộc sống khốn khó, nhọc nhằn đó ra sao trên mọi nẽo đường đời nghiệt ngã? Nhưng đêm nay, nằm bâng khuâng nơi một quê người xa lắt, tôi tương tư vô cùng một tiếng rao khuya…

 

Durham, North Carolina

Người Ô môn   

_______________________________

GÓC CỦA TRÁI TIM

NguoiOMon_Goccuatraitim.jpg

1.

Nhớ khi trao đóa hoa tặng con gái tôi ngày cháu hoàn thành chương trình sau đại học ở Maryland, con nhỏ cười rạng rỡ đưa tôi tấm bằng cuộn tròn thắt chiếc nơ màu xanh nước biển. Tôi cầm nâng niu trên tay rồi hỏi con:

-“Bây giờ, con còn mơ ước gì nữa?”

-“Con ước mơ được đi vòng quanh thế giới !”, con nhỏ ngước nhìn bầu trời bao la đáp lời mẹ.

Rồi con nhỏ chợt quay qua tôi hỏi:

-“Còn mẹ. Mẹ ước mơ gì sau khi con đã xong đại học ?”.

 Tôi nhìn con thật lâu rồi ôm chặc vào đôi tay:

-“Ước mơ của mẹ là được mãi vòng quanh đời con”!

Con nhỏ cười ngất, tưởng tôi nói đùa. “Con sẽ đem mẹ theo trong một góc của trái tim con”, con gái nắm bàn tay tôi đặt vào lồng ngực mình. Bây giờ con chim nhỏ của tôi đã có đôi cánh lớn để bay thật xa, thật cao vào khung trời của đời sống. Người mẹ như tôi chỉ nhìn theo và mong rằng con nhỏ sẽ giữ lời hứa “cho tôi một góc của trái tim”!

 

2.

            Sau cuộc ly dị nhiều buồn bã, lụy phiền con trai về giải thích cho mẹ lý do. Rằng cả hai không cùng ý hướng, rằng cả hai không còn chia sẻ nhau niềm vui, nỗi buồn, rằng tình yêu đã hết chỉ còn sự chịu đựng và rằng… nhiều, nhiều lý do khác. Tôi hỏi con trai:

-“Khi con nghiên cứu thuốc có nghĩ hết tất cả phản ứng phụ không?”, thằng nhỏ là bác sĩ dược khoa. “Dĩ nhiên, con phải nghĩ tới. Nhưng không thể dự trù cho tất cả những trường hợp cá biệt khác. Còn tùy vào mỗi phản ứng cá nhân, vào mỗi môi trường địa lý thổ nhưỡng khác nhau”, nó trả lời rất chân thành, khoa học.  

-“Đúng vậy con à. Hôn nhân của con không khác viên thuốc, nó đem lại hạnh phúc nhưng cũng đầy những phản ứng phụ mà con không thể đoán trước”, tôi nói nối lời theo con.

-“Nhưng tình yêu đã khiến cho con mất mát quá nhiều, tinh thần lẫn vật chất”, con trai tôi thở dài. “Căn nhà xây dựng bao năm, tiền bạc dành dụm bấy lâu, tình yêu và niềm tin dành cho người con gái đó… tất cả đều mất”, con trai tôi ngậm ngùi nói tiếp.

-“ Sự yếu hèn của người đàn ông là nói xấu người khác. Đó không phải là tình yêu đâu con! Tình yêu không phải là sự được mất, có không, vốn lời và cả oán hờn, trách cứ. Còn nghĩ đến những điều đó, con chưa thật sự yêu người ta. Con chỉ yêu chính bản thân mình mà thôi!”, tôi nói với con trai.

Đứa con trai giận mẹ, không gọi phone, không về thăm mấy tuần lễ. “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, tôi thấy mình cũng có ít nhiều trách nhiệm trong sự đổ vỡ của con.

 

                                                      Mãi đến một hôm, con trai chạy về ôm lấy mẹ                                                            “Con xin lỗi mẹ. Bây giờ con đã hiểu những gì                                                            mẹ nói”. Tôi yên lặng nhìn con trai, chờ đợi.                                                                “Con đã gọi phone cho Kay. Dù không còn gì, hai                                                          đứa đã nói chuyện lại mẹ à. Tất cả sẽ giữ mọi                                                            quan hệ tốt đẹp cho nhau. Con cám ơn mẹ”. Kay                                                          là tên người vợ cũ của con trai tôi.

                                                     

 

-“Không. Mẹ phải cám ơn con, vì đã cho mẹ có một góc trong trái tim con!”, tôi đã thật sự nhìn thấy mình trong ánh mắt của đứa con trai.

 

3.

            “Đâu là quê hương của con hở mẹ? Viêt Nam hay nước Mỹ?”, con gái tôi hỏi sau chuyến về Việt Nam thăm gia đình. Khác với anh trai nó có khai sinh ở Việt Nam, con gái tôi sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Câu hỏi thật đơn giản mà nghe sao nhói lòng.

            “… Quê hương là chùm khế ngọt

            “Cho con trèo hái mỗi ngày

            “Quê hương là đường đi học

            “Con về rợp bướm vàng bay

            “Quê hương là con diều biếc

            “Tuổi thơ con thả trên đồng

            “Quê hương là con đò nhỏ

            “Êm đềm khua nước ven sông…  

(Quê Hương – thơ Đỗ Trung Quân, nhạc Giáp Văn Thạch)

NguoiOMon_heartreattached.jpg
TL_cautre.jpg

Lời hát ngọt ngào, thiết tha đó bao giờ cũng khiến nước mắt tôi lưng tròng. Đó là quê hương của tôi và cũng “chỉ có một”. Nhưng trong ý niệm, hình ảnh này thì chắc gì đã là quê hương của con gái tôi? Như bao nhiêu đứa trẻ khác, con gái tôi không có sự lựa chọn cha mẹ là ai và nơi chốn chúng “chào đời”.  Bằng tất cả tình yêu có được, tôi chỉ có thể cho con gái thấy được hình ảnh quê hương tôi qua trái tim của mình. Tôi dạy ba món ăn Việt Nam mà con gái thích nhất: nấu phở, đổ bánh xèo và làm gỏi cuốn tôm thịt. Dĩ nhiên là phải thêm “tay nghề” làm nước mắn tỏi ớt miền tây nam bộ để thưởng thức món bánh xèo và gỏi cuốn. Con nhỏ học nhanh và nấu ngon hơn tôi tưởng. Có lẽ ẩm thực là chiếc cầu văn hóa ngắn nhất nối liền con gái với hình bóng quê nhà trong tôi?

“Dù bây giờ quê hương của con là đất nước Mỹ, nhưng Việt Nam mãi mãi là miền đất quê mẹ tự hào trong trái tim con”, đứa gái nhỏ của tôi đã nói lên điều chân thành nhất trong tận lòng. Chúng đã trưởng thành và tôi cũng không “lột da” sống đời. Rồi chúng ta kẻ trước người sau vĩnh viễn rời bỏ đời này, không phải những gì mang theo mà những gì tôi muốn để lại trong góc trái tim của con gái mình.

 

Mùa Vu Lan 2019,

Durham, North Carolina

Người Ô Môn             

bottom of page