top of page
hmpg.jpg
Titlej (1).jpg
Titlej (1).jpg

Cần xem tiết mục nào xin click vào Trang bài / webpage trong MENU dưới đây:

TRANG CHÍNH / HOME  . BÀI MỚI ĐĂNG SINH HOẠT HOUSTON, TX ĐH XXIV-BOSTON 2022  . ĐH XXIII-MARYLAND 2019  .  ĐH XXII-SAN JOSE 2018  .  ĐH XXI-HOUSTON 2017   .  SINH HOẠT CANADA  .  SINH HOẠT ÚC CHÂU  CÁC ĐẶC SAN ĐH  .  SINH HOẠT BẮC - NAM CALI  - SINH HOẠT VÙNG NEW ENGLAND -  SINH HOẠT VIỆT NAM - TIN SINH HOẠT CÁC NƠI  GÓC SÂN TRƯỜNG NHÀ  .  VĂN HỌC - NGHỆ THUẬT  .  VÒNG TAY NGHĨA TÌNH  .  CHIA BUỒN - CHUNG VUI  TÌM NGƯỜI - NHẮN TIN

TÁC GIẢ: Anh Tú, Cao Vị KhanhChân Diện MụcDương Hồng ThủyĐan Quế PhongĐoàn Xuân ThuĐỗ Chiêu ĐứcĐỗ Mỹ ThuậtHoàng Thị Tố LangHồ NguyễnHồ Trung ThànhHương Sơn Lê Khánh DuệKim Quang, La Thanh Khải, La Tuấn DzũngLê Cần ThơLê Dung, Lê Trúc KhanhLương Liên HoaLương Ngọc Thành, MailocMỹ Trinh, Ngô Thị Trường XuânNguyên Nhung, Nguyễn An BìnhNguyễn Đấu Lộc, Nguyễn Hồng Tuyền, Nguyễn Như HùngNguyễn Ngọc Tuyết, Nguyễn Thanh BìnhNguyễn Thiên Long, Nguyễn Thị Thanh Dương, Nguyễn Trung Nam, Nguyễn Văn TrườngNguyễn Vĩnh LongNgười Ô MônPhan Thượng Hải, Phạm Khắc Trí, Phạm Khắc Trí & Các Thi Hữu, Phạm Trinh CátPhương Hà, Phượng TrắngSongquang, Thái Vĩnh Thụy Biên, Thanh VũTrầm Vân, Trần Bang ThạchTrần Bá Xử, Trần Cẩm Quỳnh NhưTrần Phù Thế, Trương Nhị Kiều, Võ Thị Bạch Nữ

TL_blinkingsquareblock.gif
nguyenanbinh_portrait_2.JPG

THƠVĂN

Nguyễn An Bình

Sài Gòn

CHS Phan Thanh Giản - CGV Đoàn Thị Điểm

MÙA THU, VỀ TRƯỜNG CŨ

                * Gởi những ai đã từng học hai ngôi trường Phan Thanh Giản, Đoàn Thị Điểm - Cần Thơ

 

Tháng tám, lá vàng – em còn nhớ

Tôi về trường cũ một chiều mưa

Ve ngủ từ lâu trong lòng đất

Đâu đợi em về đón thu xưa.

 

Áo trắng em bay ngoài cửa lớp

Một góc Ngô Quyền tôi ngẩn ngơ

Cầu gỗ bắc ngang - ngôi trường nữ

Nhìn sang – ai đó lại làm thơ.

 

Tháng tám, những ngày mưa không dứt

Đâu thấy em tôi trở lại trường

Đời như sông nhánh đi biền biệt

Tóc người sương điểm – đóa phù dung.

 

Bụi đỏ theo chân người xa quá

Mắt biếc buồn vương – thuở hẹn hò

Năm tháng trôi theo đời cơm áo

Em đâu còn nhớ mối tình thơ.

 

Tháng tám, phượng hồng còn sót lại

Trầm ngâm tôi đứng dưới sân trường

Thấy đàn em nhỏ vui chân sáo

Cành bàng còn thắm lá xanh non.

 

Ai hẹn mùa sau còn trở lại

Tường vôi ngói cũ chạm rêu xanh

Tôi nhớ cầu thang vang tiếng guốc

Tiếng cười ríu rít mãi không tan.

Nguyễn An Bình

15/8/2019

ĐI TRONG MƯA SÀI GÒN

 

Mưa trong phố - một ngày thôi

Xin san sẻ nửa cho tôi với người

Mặc tình theo lá rong chơi

Tôi lang thang giữa quán đời phù hư.

 

Mưa trong nắng – một mình ư

Nên không chấm đất tạ từ cũng không

Quanh co hết mấy góc đường

Trong từng sọi tóc chợt buồn vu vơ.

 

Mưa trong gió – thật dại khờ

Vì tôi cứ ngỡ em vừa qua đây

Tóc thơm xỏa kín bờ vai

Trong tôi có nửa hình hài của em.

 

Mưa trong quán – một mình quên

Biết treo nỗi nhớ hằn lên góc nào

Ghế long bàn gảy chực nhào

Tình xa lắc đã chìm vào bóng mưa.

 

Mưa trong mắt – một ngày xưa

Ước chi dâu bể dư thừa quên tôi

Để trong veo tiếng em cười

Để tôi vẫn mãi là người…mộng du.

 

NGUYỄN AN BÌNH

_________________________

HOA THUỘC BÀI


Hoa thuộc bài, có phải tôi nằm mơ
Khi thấy nụ vàng nở trên kẻ lá
Lần đầu tiên cứ ngỡ là chuyện lạ
Chỉ giữ cho nhau chiếc lá xanh màu.


Em ép vào tim chiếc lá nhiệm mầu
Để mơ ước thêm xanh màu hy vọng
Để tôi ươm tình một thời hóa bướm
Theo tóc người bay trên mọi nẻo đường.


Nụ tình si nào rực rỡ mùi hương
Khi cô bé trầm tư mùa thi tới
Chiếc lá thuộc bài ngập ngừng muốn gởi
Có mấy vần thơ sao lại bỏ quên.


Chiếc lá bây giờ chắc đã nằm yên
Trong ngăn đời chia đôi của hai đứa
Đâu ai nhớ tiếng chim ngoài khung cửa
Đôi mắt trong veo của thuở ban đầu.


Khi bàn tay không còn thuộc về nhau
Chiếc lá nhiệm mầu héo khô trong cặp
Dấu chân son qua cuối đường bụi lấp
Hoa thuộc bài chỉ nở trong chiêm bao.


CÓ MỘT MÙA TRĂNG VỠ TRÊN SÔNG


Người ôm đàn ngồi hát bên dòng sông
Hát khúc tình ca trong mùa trăng cũ
Con nước vẫn trôi qua ghềnh thác lũ
Cuốn hạt phù sa thương nhớ vơi đầy.


Áo tím lục bình, tím mãi không phai

Vạt áo dài xưa bay mềm dãy lụa
Đôi bờ cỏ lau chia nhau một nửa
Màu trăng non vẫn tím ngát câu thề.


Chiếc lá rong chơi nào nhớ được nẻo về
Cành trơ ngọn rưng rưng chờ mục rã
Thầm lặng chia tay chim kêu rất lạ
Đêm đã sâu khắc khoải một đời nhau.


Mưa trên sông tìm môi ấm thật lâu
Chỉ thấy sóng cuốn trôi ngàn cánh hạc
Mắt thời gian giấu tình vào nước bạc
Nên nỗi sầu quay quắt mãi lang thang.


Người ôm đàn ngồi hát dưới trăng tan
Đời hoang phế cũng đành thôi áo cũ
Người đã đi theo mùa chim di trú
Trăng vỡ rồi sao lạc mất đường bay.

Nguyễn An Bình

______________________

______________________

Những ngày đại dịch bùng phát lần thứ tư, thành phố nơi tôi đang sống trở thành tâm dịch của cả nước. Mỗi ngày được thông báo có trên 5000 ca nhiễm bệnh mới và hơn 300 bệnh nhân FO tử vong, niềm đau tựa như chòm mây trắng kết thành những vòng tang đưa người về chốn vĩnh hằng, có nỗi buồn nào lớn hơn nỗi buồn nầy không?(NAB)


NHỮNG VÒNG TANG MÂY TRẮNG


Những vòng tang mây trắng
Trôi giữa trời thinh không
Tan vào trong tĩnh lặng
Trong nỗi buồn mênh mông.


Mới nhận tin hôm qua
Bạn, bảo còn rất khỏe
Sáng nay bỗng đi xa
Bài thơ còn viết dở.


Phút cuối không người thân
Không ai chào tiễn biệt
Không ai làm dấu thánh
Đưa người về hư không.


Phút cuối không người thân
Xe tang đi ảm đạm
Không dúm đầt mộ phần
Tàn tro một màu xám.


Đài hóa thân rực lửa
Cháy suốt cả ngày đêm
Đâu phải là đất hứa
Hồn về có bình yên?


Những vòng tang mây trắng
Bay về chốn khôn cùng
Ngàn năm sau sắc nắng
Tạc vào đá vô chung.

11/9/2021

NAB

____________________

CHÙM THƠ NGUYỄN AN BÌNH

 

NHỮNG CÁNH CHIM BAY VÀO TÂM BÃO

 

Em như cánh chim xanh bay vào tâm bão

Như hoa hướng dương nở dưới ánh mặt trời

Nét hồn nhiên của thiên thần áo trắng

Vì cuộc đời em dâng hiến tuổi hai mươi.

 

Trong bão dịch em là chiến binh dũng cảm

Sống nghĩa là cho đi sao ta lại bận lòng

bệnh viện dã chiến trong những đêm thức trắng

Xin làm ngọn gió lành xoa dịu những bão dông.

 

Em mang đến cho người niềm tin và hy vọng

Sống nghĩa tình bằng tất cả trái tim

Dòng máu nóng em yêu thương đồng loại

Xung phong lên tuyến đầu chẳng quản ngại hy sinh.

 

Em như cánh chim xanh bay vào tâm bão

Hạnh phúc sẻ chia em đem lại cho đời

Xin cám ơn em những điều anh chưa kịp nói

Cuộc sống đời thường phơi phới tuổi thanh xuân.


HÃY BÌNH YÊN EM NHÉ

 

Chia tay nhau em lên đường chống dịch

Mắt nhìn theo lòng xúc động nghẹn ngào

Cuộc chiến tử sinh nào ai biết trước

Anh tự hào có em lên trước tuyến đầu

 

Chia sẻ yêu thương cùng bao mất mác

Nỗi đau gia đình lòng muối xát vết thương

Giúp bệnh nhân từng giờ giành quyền được sống

Bàn tay nhân từ luôn lan tỏa yêu thương

 

Anh nhớ em giữa trùng trùng bão dịch

Đang ngày đêm cùng đồng đội hy sinh

Thức trắng từng đêm trong nỗi lo phơi nhiễm

 Đem lại cho mọi người cuộc sống bình yên

 

Xin được ngợi ca những thiên thần áo trắng

Nỗi đau nầy không phải chỉ riêng ai

Ta gặp lại nhau khi ngày mai hết dịch

Hoa trên môi lại nở thăm những nụ cười 

 

Rồi nắng sẽ lên ngày mới thắp tương lai

Bình minh đón chào trong niềm vui chiến thắng

Em trở về như nụ hồng ban mai rực rỡ

Hạnh phúc ngọt ngào ta lại tay trong tay

3/9/2021


KHI ĐẠI DỊCH ĐI QUA


Chưa bao giờ em nói cùng anh

Cơn lốc đại dịch sắp làm ta ngã quỵ

Thành phố rơi vào cơn trầm cảm không lối thoát

Từng đêm thức trắng cùng đồng đội

Ngọn đèn vàng đứng cô đơn như hóa thạch

Thèm bữa cơm ngon bên cạnh người thân

Thèm ly cà phê ngọt ngào và tiếng cười hồn nhiên bè bạn

Khi lòng người chợt hoang hoải

Trong nỗi sợ hãi vô hình.

 

Chưa bao giờ anh nói cùng em

Khi nhìn các chuyến xe hồi hương tiếp nối nhau trên các nẻo đường thiên lý

Ánh mắt đỏ hoe thắt lòng người ở lại

Đâu rồi san sẻ yêu thương

Sao ai cầm lòng không nói

Tiếng kèn Sắc-xô-phôn vang lên ở bệnh viện dã chiến

Có đánh tan u ám muộn phiền?

 

Ngày mai, ngày kia và có thể kéo dài hơn thế nữa

Anh và em đều có quyền hy vọng

Khi đại dịch đi qua

Cây đời xanh tươi mãi

Khi đại dịch đi qua

Tình yêu sẽ ở lại.

14/08/2021

Nguyễn An Bình

_________________

TIẾNG ĐÀN KÌM TRÊN SÔNG

 

Khúc nguyệt cầm thả vào đêm thao thức

Trăng cù lao sũng nước tự bao giờ

Sợi tơ lòng thăng trầm trôi âm vực

Thắp tình người sóng sánh giữa cơn mơ.

 

Tiếng đàn lướt qua sông thành đóm lửa

Nhen vào lòng thương khách nỗi hoài hương

Người châu thổ cố mời nhau chén rượu

Nghe ấm lòng người giữa chốn nhiễu nhương.

 

Khúc nam xuân chảy tràn đêm nguyệt bạch

Nước sông hồ có gạn đục khơi trong

Ai nhã chữ gieo câu hò bát ngát

Để dạt dào điệu lưu thủy hành vân.

 

Tiếng đàn trôi trong nỗi buồn xa xứ

Khơi niềm đau chốn thủy tận sơn cùng

Nhịp song loan như khắc sâu vào đá

Quyện vào nhau lời hẹn ước thủy chung.

 

Câu vọng cổ mang mang tình đất nước

Ngược vào tim trăn trở một kiếp người

Chiều phương Nam khói cơm cay nước mắt

Ai nỡ phụ tình để nước cuốn hoa trôi.

Nguyễn An Bình

7/7/2019

__________________

CHÙM THƠ NGUYỄN AN BÌNH


                      VIẾT THÊM MỘT TRANG CỔ TÍCH


Những ngày nầy cả nước cùng nhau ra trận
Một trận chiến không hề cân sức
Một trận chiến không bom đạn, không vũ khí sát thương cũng không tàu bay hỏa tiển
Nhưng lại có độ sát thương rất cao
Kẻ thù luôn giấu mặt, một con biến hình trùng đầy gian ngoa xảo quyệt
Không ai đoán trước đường đi, bước tiến công của nó.


Đất nước ta từ hàng ngàn năm trước
Đã viết bằng những trang cổ tích đầy huyền thoại
Trang cổ tích cha đưa 50 con xuống biển, mẹ đưa 50 con lên rừng
Trang cổ tích cậu bé làng Gióng
Trang cổ tích chiến thắng bọn giặc ngoại xâm một cách thần kỳ
Trang cổ tích chống đói nghèo lạc hậu, tham nhũng cửa quyền


Giờ đây chúng ta lại bắt đầu
Viết về những người chiến binh mặc áo blouse trắng
Đang ngày đêm trên trận tuyến chống kẻ thù vô hình
Giành lấy từng số phận con người, từng vùng xanh yêu thương
Sự hy sinh thầm lặng, đầy gian khổ nhưng vô cùng quyết liệt
Bằng câu thơ viết bằng nước mắt
Bằng câu thơ thấm đẩm tình người
Bằng câu thơ của niềm tin và hy vọng
Anh và em, chúng ta hãy viết thêm
Một trang cổ tích của đất nước thời hiện đại.


14/8/2021


                      KHI TRÚ DƯỚI HIÊN MƯA


Phải chăng suối tóc mềm hơn lụa
Nên giấu tình tôi tận cuối ngày
Đi suốt dốc tình chân đã mỏi
Hạnh phúc chia lìa em có hay.

Những cây dù tím bên thủy tạ
Nhớ dáng ai ngồi in bóng gương
Long lanh hạt lệ mùi sương sớm
Se bàn tay lạnh để nhớ thương.


Trại Mát em về hay Đức Trọng
Vườn hồng bói quả có biết chăng
Thơm ngực thanh tân vừa chín mọng
Cắn ngập môi người nhựa sắp căng.


Vạt nắng chiều buông làn khói mỏng
Liểu rũ mềm vai xuống mặt hồ
Rơi theo những mùa hoa phố núi
Lời hẹn nào đẹp giấc mơ hoa.


Những câu chuyện kể còn chưa hết
Chuyến xe thổ mộ đã về chưa
Rong ruổi một đời sao quá mệt
Thôi đành ngồi ngắm dưới hiên mưa.


Lạc bước tôi về quên quán trọ
Buông tay nhau dốc núi sương mù
Suối tóc mượt mà chưa kịp nhớ
Đã bay vèo vào cõi thiên thu.


NGUYỄN AN BÌNH

TRÊN ĐỒI SƯƠNG

                 Truyện ngắn *NGUYỄN AN BÌNH

Bước thong thả ra khỏi phòng tranh đặt ở trung tâm triển lãm Hòa Bình, Miên đến hành lang bên ngoài phòng triển lãm đốt một điếu thuốc gắn lên môi, rít một hơi dài rồi nhả ra mấy vòng khói trắng bay lên không. Anh tì tay lên lan can, dựa vào cột tường ngã người ra phía sau một chút và cảm thấy khoan khoái khi thưởng thức mùi thuốc lá thơm tỏa nhẹ nhàng trong không khí khô ráo trong lành của phố núi. Mùa đông ở cao nguyên năm nay không lạnh lắm, có lẽ cái không khí ồn ào, nhộn nhịp của thành phố càng ngày càng đông đúc làm cho anh có cảm giác không khí ấm áp lên hơn chăng? Nhìn vào phòng tranh còn lác đác vài vị khách đến thưởng ngoạn tranh. Họ dừng lại ở bức tranh nầy một chút rồi bước sang bức tranh khác săm soi ngắm nghía. Một vài bạn trẻ tụ lại ở bức tranh trừu tượng của một họa sĩ trẻ tranh luận với nhau một điều gì đó có vẻ thú vị lắm, cả nhóm bạn chợt phá lên cười rồi bước sang chiêm ngưỡng bức tranh khác. Miên chợt mỉm cười một mình, tuổi trẻ đáng yêu thật. Chắc họ đang tranh luận một đề tài nào đó mà bức tranh đã đem lại những hứng khởi bộc phát chăng? Ở thành phố nầy anh nhận thấy nhiều người trẻ vẫn còn giữ được cái không khí lãng mạn, yêu nghệ thuật dù đã mai một đi ít nhiều do sự phát triển nhiều mặt của xã hội và các thú vui khác về phim ảnh, ca hát hay các loại hình nghệ thuật khác nhưng họ vẫn dành cho hội họa một cảm tình, sự trân trọng nào đó, điều nầy làm cho Miên thích thú, có cảm tình với thành phố đáng yêu nầy. Đây là lần thứ hai Miên tham gia triển lãm tranh theo lời mời của nhóm họa sĩ trẻ Đà Lạt “Những người bạn”, “Sắc màu tháng mười” của thành phố ngàn hoa, lần trước cách đây đã hai năm rồi còn gì. Mới đây mà mau thật, anh tưởng như ngày hôm qua. 

Trong đợt triển lảm nầy còn có ba người bạn họa sĩ trẻ của Đà Lạt cùng triển lãm chung: Trong ba người, anh thích nét cọ của anh bạn Đặng Hiền hơn cả. Tuy sống bằng nghề vẽ áp phích, tranh cổ động cho phòng văn hóa thông tin, Đặng Hiền lại rất say mê hội họa, các tác phẩm của anh tuyệt nhiên không có người chỉ có cỏ cây hoa lá, rừng núi sông hồ,  nhưng dưới nét cọ của anh những đường nét, màu sắc của những vật thể vô tri đó trở nên có hồn, lung linh tươi đẹp và sống động vô cùng. Tranh phong cảnh của anh là màu hoa dã quỳ vàng mênh mông mờ ảo trong sương sớm, những góc núi mù sương lãng đãng dưới bóng chiều, những ngôi nhà mái ngói đỏ ao chập chùng  mây khói, một xóm nhỏ miền sơn cước in bóng dưới hồ nước trong xanh, những vạt đồi xanh thẩm, rừng cây buổi hoàng hôn, màu sương tím bên hồ bên cạnh những con thuyền đang yên nghỉ… tất cả gợi lên cho người xem một sự suy ngẫm về cái đẹp tĩnh lặng của phố núi mù sương.

 Hôm nay đã là ngày cuối của đợt triển lãm tranh rồi, tranh của Miên cũng đã bán được một số bức, anh thầm nghĩ cũng không đến nỗi uổng phí thời gian mà mình bỏ ra. Ngoài việc trở lại triển lãm tranh của thành phố nầy anh còn được trao đổi kinh nghiệm sáng tác với các bạn họa sĩ khắp nơi tụ họp về đây. Tham gia triển lãm lần nầy, anh còn có một mục đích khác, mong tìm được cô gái mà anh tình cờ gặp trên đồi sương dạo nọ nói một lời xin lỗi vì không giữ được lời hứa nhưng biết có tìm được không. Đà Lạt tuy nhỏ nhưng không phải muốn tìm người cần gặp là chuyện không thật dễ dàng chút nào.

      Đưa mắt nhìn nhóm tranh của mình được treo ở một góc phòng, đứng vị trí nầy ngoài hành lang Miên có thể bao quát được cả phòng tranh nhất là góc trưng bày tranh của anh, anh để ý đến người đàn ông đang đứng trước bức tranh “Trên Đồi Sương” của mình. Ông ta đứng nhìn thật lâu như đang suy nghĩ điều gì đó. Miên nhớ không lầm hình như người đàn ông đến thăm phòng tranh lần nầy là lần thứ ba rồi thì phải. Những lần trước anh không thật chú ý lắm, một phần vì cuộc triển lãm mấy ngày đầu còn đông khách, phần trao đổi thông tin với các bạn đồng nghiệp, các bạn họa sĩ trẻ, tiếp các khách thân hữu, người hỏi mua tranh nên anh không để ý lắm nhưng biết người đàn ông nầy dừng lại khá lâu ở các bức tranh của anh nhất là ở bức “Trên Đồi Sương”. Bức tranh vẽ một cô gái có mái tóc dài óng ả thả trôi theo bờ vai nhỏ được gió thổi tung về phía sau trên một nền đồi đầy màu vàng hoa dã quỳ chạy dài tít tắp tận phía chân trời trong một ánh sáng chiếu ngược từ phía sau làm nổi bật lên từng sợi tóc trong sương sớm. Đôi mắt mở to có vẻ ngạc nhiên như vừa khám phá ra điều gì mới mẻ làm gương mặt vừa lộ vẻ thơ ngây nhưng đầy thánh thiện.

    Miên dụi tắt điếu thuốc, thong thả bước tới gần người đàn ông, nhã nhặn hỏi:

- Thưa ông, hình như ông rất thích bức tranh nầy thì phải.

      Người đàn ông quay lại nhìn chàng như dò hỏi. Miên thấy gương mặt ông ta  khá phúc hậu, nét mặt hơi khắc khổ, tóc đã có nhiều đốm bạc, ăn mặc gọn gàng thanh lịch, nhìn bề ngoài chắc có lẽ không dưới sáu mươi. Tự nhiên anh có cảm tình và hơi lúng túng mất tự nhiên trước người đàn ông đứng tuổi không quen biết:

- Thưa ông, cháu là người vẽ bức tranh nầy.

- Thế à. Tôi vô cùng vui sướng khi gặp được chủ nhân của bức tranh. Tôi tên Phúc, anh gọi tôi là ông Phúc được chứ? Điều làm tôi ngạc nhiên vì sao bức tranh không để giá bán trong khi các bức tranh khác đều có giá.

     Miên không trả lời thẳng vào câu hỏi, anh nói hình như có ý thăm dò:

- Hình như ông có ý định mua bức tranh?

     Ông Phúc nhìn anh gật đầu:

- Anh đoán đúng. Không phải là có ý định mà thực sự tôi muốn mua bức tranh nầy. Tôi đến đây là lần thứ ba rồi cũng chỉ để ngắm bức tranh nầy mà thôi.

- Ông có thể nói rõ nguyên nhân được không?

- Tôi muốn tặng cho cháu gái tôi nhân ngày sinh nhật của nó.

- Nhưng bức tranh nầy không bán được thưa ông.

     Người đàn ông có vẻ thất vọng, giọng nói có vẻ hơi buồn:

- Anh có thể nói cho tôi biết vì sao anh không thể bán?

- Bức tranh tôi vẽ tặng một cô gái nhưng cô ấy không có mặt ở đây nên tôi chưa thể tặng được, có vậy thôi thưa ông.

- Nhưng bức tranh nầy tôi rất thích, tôi nghĩ cháu gái tôi cũng thích nó.

- Nó cũng như bao bức tranh vẽ thiếu nữ khác, chẳng hạn như bức tranh phía bên kia – vừa nói Miên vừa đưa tay chỉ về bức tranh đang treo về bên tay phải mấy bước – theo cháu nghĩ nó cũng đẹp như bức tranh ông đang cần.

- Ồ không. Tôi vẫn thích bức nầy hơn.

   Miên tỏ vẻ bất lực:

- Nếu thế cháu chẳng giúp được gì cho ông hơn.

Đột nhiên Miên hỏi:

- Sao ông không mời cô cháu gái đến phòng triển lãm xem tranh cùng ông để xem ý kiến của cô ấy thế nào?

    Ông Phúc lắc đầu tỏ vẻ không vui:

-  Cám ơn anh đã nhắc tôi điều đó. Nhưng cháu tôi không thể đến đây được.

      Miên im lặng tỏ vẻ không hiểu câu trả lời của ông. Như hiểu được thắc mắc trong đầu của chàng họa sĩ, ông già nói:

- Nó đang bị bệnh anh ạ.

- Thế thì đành chịu thưa ông.

     Ông già im lặng giây lát rồi đột nhiên mở lời:

- Tôi có thể trả giá bức tranh cao hơn theo ý anh muốn, anh nghĩ thế nào về đề nghị nầy?

       Miên nhìn người đàn ông tóc bạc đang đứng trước mặt mình nhẹ nhàng lắc đầu từ chối:

-  Thưa ông,vấn để ở đây không phải là tiền bạc mà là một lời hứa, như cháu đã nói cùng ông đây là món quà cháu dành tặng cho người con gái trong tranh hai năm trước khi tôi tình cờ quen và vẽ bức tranh cho cô ấy.

- Hai năm trước?

- Phải! Hai năm trước cháu tình cờ gặp cô gái khi cháu đang tìm phong cảnh vẽ trên đồi mọc đầy dã quỳ trong một ngày đầy sương sớm. Cô gái ấy tình cờ có mặt ở đấy, cháu nhìn thấy ở cô gái một sự hồn nhiên, ánh mắt trong sáng như một thiên thần, một người mẫu tuyệt hảo của tuổi thanh xuân nên cháu  đã đề nghị cô ấy làm mẫu cho cháu vẽ và cháu đồng ý với yêu cầu sẽ tặng lại cô ấy sau khi vẽ xong.

     Ông Phúc có vẻ ngạc nhiên:

- Bức tranh đã vẽ xong rồi sao nó vẫn ở đây?

- Cháu không gặp lại cô gái sau khi hoàn thành tác phẩm.

- Có chuyện gì đã xảy ra vậy?

     Miên lắc đầu:

- Cháu không biết thưa ông. Hôm vẽ gần xong bức tranh thì trời lại đổ mưa. Cháu hẹn cô gái sáng hôm sau đến địa điểm cũ sẽ tặng tranh nhưng không thấy cô gái đến.

- Anh không tìm cô ấy à?

- Cháu quên hỏi nhà cô ấy.

- Thế thì tiếc thật. À! Mà anh có thể cho tôi biết tên cô gái ấy được không?

- Cháu chỉ biết cô gái tên Hạnh Dung và chỉ biết có vậy.

    Ông già có vẻ thất vọng, giọng hơi nhỏ lại như nói với chính mình:

- Thế thì không phải rồi.

    Miên tỏ vẻ không hiểu:

- Ông nói gì ạ.

    Ông già vội vã lắc đầu;

- Ổ! Không có chuyện gì đâu anh.

    Rồi ông già hỏi Miên:

- Chắc anh vẫn còn ý định tặng cô gái ấy khi gặp lại.

- Đúng thế. Cháu phải giữ lời hứa của mình.

- Tiếc quá. Tôi nghĩ nếu cháu gái tôi nếu nó thấy bức tranh chắc sẽ thích lắm, không chừng sẽ có kỳ tích cũng nên.

    Miên lấy làm lạ trước câu nói của ông già nên cũng hơi tò mò, anh hỏi:

- Cháu hơi tò mò trước câu nói của ông, ông có thể nói rõ hơn một chút được không?

    Ông Phúc nhìn Miên, giọng trầm buồn:

- Không biết tôi có lầm lẫn không nhưng bức tranh anh vẽ nhiều nét thấy giống cháu gái tôi quá. Cũng gương mặt nầy, mái tóc dài hơi ngã vàng, cái đầm màu ngọc thạch điểm xuyến những bông hoa tường vy đỏ, tất cả đều giống như thật nhưng lại không phải là nó. Cô gái trong tranh tên Hạnh Dung còn cháu gái tôi tên Nguyệt Cầm, có lẽ chỉ là sự giống nhau trùng hợp thôi. Nhưng dù sao tôi vẫn thích bức tranh nầy, không chừng khi nhìn nó cháu gái tôi có thể nhớ được điều gì đó trước khi gặp tai nạn hay không?

    Miên an ủi ông già:

- Chắc người giống người thôi ông ạ, cách ăn mặc cũng là cái gu chung của các cô gái trẻ mà, nhưng chuyện gì đã xảy ra với cháu gái ông thế?

    Giọng ông Phúc có vẻ đau khổ:

- Chuyện buồn tôi cũng không muốn nhắc lại, nhưng để anh hiểu vì sao tôi muốn mua bức tranh nầy vì nó có nhiều nét giống cháu gái tôi. Nó tên Nguyệt Cầm, ba mẹ và mấy anh em nó đều định cư ở Pháp cả, tôi không có ý định sống ở nước ngoài, thành phố nầy nơi tôi sinh ra lớn lên và làm việc cả cuộc đời, tôi yêu quí nó biết bao, hơn nữa bà nhà tôi cũng nằm lại nơi nầy tôi không muốn bỏ đi sợ bà ấy cô đơn lạnh lẽo một mình, ba mẹ Nguyệt Cầm thấy vậy nên không nài ép tôi đi nữa và sợ tôi tuổi già không ai chăm sóc nên để Nguyệt Cầm ở lại với tôi, được cái con bé rất yêu quí tôi nên tôi cũng được an ủi phần nào. Cách đây hai năm, một buổi sáng  nó xin phép tôi ra ngoài gặp người bạn. Trên đường đi không may nó gặp tai nạn, một anh bạn trẻ chạy xe mô tô quá nhanh va phải nó. Nó té xuống đường bất tỉnh. Khi đưa vào bệnh viện chẩn đoán nó bị xuất huyết nảo. Cú va đập khá nặng nên mặc dù gia đình tôi tích cực điều trị nhưng trí nhớ của nó không được  như xưa, lúc nhớ lúc quên. Đôi lúc tỉnh táo nó thường lẩm bẩm mấy tiếng bức tranh, họa sĩ gì đó. Tôi không biết nó đang nói đến bức tranh, ông họa sĩ nào nhưng chắc với nó mấy từ đó có ý nghĩa quan trọng lắm, nên tôi thường đến các gallery và các buổi triển lãm tranh để tìm xem có mối liên hệ nào đó có thể làm phục hồi trí nhớ của con bé hay không nhưng vẫn không thấy được mối liên hệ nào, cho đến hôm nay thấy bức tranh nầy tôi chợt nghĩ nếu nó nhìn thấy chắc vui lắm đây, còn việc phục hồi trí nhớ thì tôi không hy vọng lắm. Làm được điều gì cho đứa cháu tội nghiệp của tôi vui là tôi mừng rồi.

Miên thật sự xúc động trước tâm trạng của ông Phúc, hoàn cảnh của ông đáng thương thật, nếu giúp được gì cho ông chắn anh sẵn lòng giúp ngay, còn chuyện bức tranh làm anh khó nghĩ quá. Hai năm nay anh đã cố công tìm Hạnh Dung, nhờ bạn bè trong giới họa sĩ ở Đà Lạt, xem ai có đến tìm anh và hỏi họ về bức tranh nhờ họ báo về cho anh nhưng không hề có tin tức phản hồi, cô gái trong tranh biệt vô âm tín, giống như sương như khói, cô gái ấy nhất định không phải là cháu gái của ông già rồi. Cô gái tên Hạnh Dung còn cháu gái ông già tên Nguyệt Cầm làm sao là một người được. Nếu trao bức tranh cho ông già nếu sau nầy gặp lại Hạnh Dung anh biết ăn nói với nàng thế nào đây. Hai năm một khoảng thời gian khá dài để tìm và chờ đợi nhau, nhưng bóng chim tăm cá biền biệt biết làm thế nào. Đành vậy. Miên đột ngột đi đến quyết định:

- Thưa ông, nếu ông cho  phép cháu xin được đến thăm cháu gái của ông, cô Nguyệt Cầm, cháu xin tặng bức tranh Trên Đồi Sương cho cô ấy. Hy vọng nó đem lại niềm vui nào đó cho Nguyệt Cầm trong những ngày còn bệnh.

- Ồ không! Tôi không thể nào nhận món quà quí báu của anh mà không trả tiền được đâu, hơn nữa nếu cô gái trong tranh xuất hiện thì anh tính thế nào?

    Miên trả lời:

- Không sao, ông đừng lo nghĩ chuyện của cháu làm gì, cháu có cách giải quyết mà. Đã hai năm rồi, thời gian cũng vừa đủ cho sự chờ đợi. Được giúp ông, giúp cháu gái ông có niềm vui trong cuộc đời họa sĩ của mình.

  Lộ vẻ vui mừng, ông già gật đầu:

- Thế thì còn gì bằng, anh ghi địa chỉ nhé.

      Miên lấy sổ tay ghi lại địa chỉ và số điện thoại của ông Phúc. Ông già bắt tay anh lắc nhẹ mấy cái như thầm cám ơn sự tốt bụng của anh trước khi ra về.

      Người khách rời phòng triển lãm, Miên nhìn theo vừa cảm thấy tội nghiệp hoàn cảnh ông già vừa bâng khuâng trăn trở không biết quyết định của mình đúng hay sai, vừa lúc anh chàng họa sĩ  Đặng Hiền thân quen đi ngang qua , nhìn Miên vui vẻ nói:

- Chiều nay xong buổi triền lãm, nhóm có tổ chức liên hoan ăn mừng, ông đi nhé.

     Miên cũng vui vẻ vỗ vai, xiết tay bạn:

- Tất nhiên rồi, phải ăn mừng chứ.

     Đặng Hiền nheo nheo mắt nhìn bạn:

- Hình như ông đang có niềm vui?

- Ai nói vậy?

- Tôi trông sắc mặt là biết ngay thôi.

- Ông chỉ đoán mò.

     Đoạn cả hai cùng cười một cách sảng khoái.

*

        Đúng hẹn, sáng hôm sau Miên đón taxi đến địa chỉ đã được ghi trong giấy sau khi gói bức tranh Trên Đồi Sương lại cẩn thận đem theo để làm quà. Đêm qua anh đã đem bức tranh Trên Đồi Sương về để trên bàn và nhìn thật lâu, hai năm nó ở gần anh, hai năm hình ảnh Hạnh Dung vẫn sống trong lòng anh, có lẽ vừa đủ để giữ nó trong một ký ức nhỏ nhoi trong lòng, một kỷ niệm đáng yêu. Đã đến lúc phải chia tay với nhau rồi. Anh bọc gói cẩn thận bức tranh. Đây là bức tranh mà anh nguyện với lòng sẽ không bán cho ai dù họ trả giá cao đến đâu đi nữa vì đó là lời hứa với cô gái trẻ mà anh đến giờ vẫn chưa biết đang ở đâu, có lẽ bây giờ anh thất hứa với Hạnh Dung rồi – người bạn gái trẻ mà anh mới gặp lần đầu, ít ra sự thất hứa đó cũng mang lại niềm vui cho một người khác hay to tát hơn là mang lại một kỳ tích nào đó như lời ông Phúc nói. Nghĩ đến đó tâm hồn anh bỗng trở nên thanh thản.

       Chiếc taxi dừng lại trước cửa một ngôi biệt thự nhỏ xinh xắn ở đường Hai Bà Trưng.  Ở cổng rào màu đỏ của hoa tường vy được trồng hai bên tường làm nổi bật màu sơn trắng của cổng rào. Miên tần ngần trước cửa một hồi lâu rồi bấm chuông. Ông Phúc xuất hiện ở cửa nhà nhanh nhẹn bước ra cổng đón anh như đã chờ đợi cú bấm chuông từ rất lâu rồi vậy. Anh khẽ chào người đàn ông và theo ông ta bước qua cái sân rộng vào phòng khách. Phòng khách trang trí cổ kính giản dị nhưng không kém phần sang trọng chứng tỏ chủ nhân là người có khiếu thẩm mĩ. Ông Phúc nhìn anh khẽ nói:

- Chào cháu, cháu thật đúng hẹn. Hôm qua về tôi sợ cháu sẽ đổi ý. Như vậy thì tốt rồi.

     Miên cười nhẹ:

- Ổ! Thưa ông, cháu chưa hề thất hứa với ai bao giờ.

    Ông già cười cởi mở:

- Cám ơn cháu rất nhiều. Nguyệt Cầm đang ở trên lầu cháu ạ. Mời cháu đi theo tôi.

      Miên đi theo ông già. Phòng của Nguyệt Cầm ngay trên tầng một. Phòng của cô còn có cửa mở ra lan can bên ngoài. Từ nơi đây cô có thể ngắm nhìn bao quát cả cái sân rộng bên dưới trồng đầy hoa và cảnh sinh hoạt ở phía ngoài đường phổ, chắc ông già cũng cố tình bố trí như thế để Nguyệt Cầm không nghĩ rằng cô bị tách biệt với thế giới bên ngoài và có thể lúc nào đó cô sẽ nhớ được tất cả nhưng hy vọng đó theo thời gian càng tỏ ra mỏng manh đối với người đàn ông tội nghiệp. Miên nhìn thấy cô gái đang đứng dựa vào vách tường nhìn xuống cái sân bên dưới. Màu nắng sớm chiếu vào làm ửng mái tóc dài của cô gái trông thật dễ thương. Miên không thấy được mặt nhưng nghĩ cô gái chắc đẹp lắm và cảm thấy tội nghiệp cho cô gái, tuổi đôi mươi trôi qua những ngày buồn bã lặng lẽ như thế. Anh quay lại ông Phúc hỏi ông già xem treo bức tranh chỗ nào cho phù hợp, ông chỉ cho anh chổ cần treo rồi ông bước đến gần cô gái ân cần nói:

 - Nguyệt Cầm, cháu xem ông tặng con món quà gì nè.

       Cô gái quay lưng lại nhìn ông nở nụ cười, theo ông bước vào phòng. Miên đang lúi húi chỉnh sửa lại bức tranh cho ngay ngắn không để ý đến cô gái đang đến gần. Cô gái nhìn bức tranh hồi lâu, chớp chớp mắt tỏ vẻ xúc động sững sờ. Ông Phúc lên tiếng trước:

- Anh họa sĩ, đây là Nguyệt Cầm cháu gái của tôi.

    Miên nghe ông Phúc nói, anh quay mặt lại nhìn cô gái:

- Chào cô Nguyệt…

    Anh chợt ngẩn người, sự ngạc nhiên làm cho anh không nói hết câu. Người con gái mà anh gặp trên đồi sương năm nào đang hiển hiện trước mắt anh, không lẽ nào Nguyệt Cầm lại là Hạnh Dung?

- Hạnh Dung, có phải em không?

    Cô gái cũng ngẩn người giây lát rồi khe khẽ gật đầu.

- Em cũng là Nguyệt Cầm?

    Lại gật đầu. Miên không giữ được bình tĩnh nắm tay cô gái:

- Hạnh Dung có biết anh tìm em hai năm nay rồi không? Em hãy nhìn lên bức tranh nầy, đây là bức tranh anh hứa tặng Hạnh Dung hai năm trước đó, Em nhớ không?

      Nguyệt Cầm chăm chú nhìn bức tranh, hình như bức tranh đã gợi cho cô những cảm xúc nào đó, mảng ký ức xa xăm hai năm về trước như một tia chớp chợt ùa về, cô khẽ nói:

- Đẹp và giống em lắm.

     Ông Phúc đi từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác. Nhưng rồi ông chợt hiểu ra. Con bé Nguyệt Cầm của ông thật quá quắc lắm, tánh tinh nghịch lúc nào cũng ăn sâu vào đầu óc con bé. Hẳn con bé nghĩ ra cái tên Hạnh Dung bất chợt nào đó để đánh tráo cái tên cúng cơm của mình khi anh chàng họa sĩ hỏi tên làm quen nên khi ông nói cháu gái ông là Nguyệt Cầm anh chàng họa sĩ nầy không có một ấn tượng nào cả, suýt chút đánh mất cơ hội không dễ gì có được. Từ đầu sao mình không nghĩ đến điều ấy nhỉ, ngay từ nhỏ con bé đã nhiều lần làm cả nhà nháo nhào lên vì những trò chơi nghịch ngợm, chọc phá của nó rồi mà, giấu cái nầy, phá cái kia không để ai trong nhà yên một giây phút nào. Âu là một dịp may, trời phật phù hộ độ trì. Hai bạn trẻ gặp nhau trong một hoàn cảnh bất ngờ, kỳ lạ cũng là duyên phận, ông nhẹ nhàng bước ra khỏi phòng, bên tai ông còn nghe tiếng của chàng họa sĩ:

- Nguyệt Cầm có cho phép anh luôn ở gần bên em, chăm sóc em được không?

    Gian phòng chỉ còn lại sự im lặng đáng yêu.

    Ngoài sân hình như có tiếng hót của đôi chim nào đó đang gọi nhau.

 

NGUYỄN AN BÌNH

RỒNG ĐÁ THÀNH NHÀ HỒ

                                Truyện * NGUYỄN AN BÌNH


 

        Ánh trăng hạ huyền đã lên cao từ lâu và đang chếch về phía tây như một cái 

móc câu vàng vành vạch treo trên vòm trời thàng tám, mùa thu với tiếng gió thổi vi vu nhè nhẹ xen lẩn với tiếng rên rỉ của côn trùng càng làm cho không gian chìm đắm trong thê lương tĩnh mịch. Đêm đã về khuya, trời càng thêm lạnh, ngọn gió phất phơ lay động  những tấm rèm nhung treo trên lầu vọng nguyệt, ngọn đèn trong phòng hắt dáng một bóng một người đang đứng yên hình gần như bất động. Hồ Quý Ly đứng yên như thế đã lâu, nhiều đêm ông vẫn đứng lặng im như pho tượng, thao thức không ngủ được, tâm trạng rối bời trước tình thế của đất nước. Ông nhìn vào đêm đen, trầm tư. Tin tức cấp báo từ phương bắc qua  những hỏa hiệu  được bắn lên từ các phong hỏa đài đặt từ biên cương Cao Bằng, Lạng Sơn kéo dài đến thànhTây Đô cho thấy tình hình chiến sự đã cấp bách lắm rồi. Các thám mã cũng lần lượt phi nhanh báo tin về sự chuyển động của quân địch. Kẻ thù phương Bắc đã bộc lộ ý đồ xâm lược rõ rệt, đã chuyển quân sát tận biên giới với danh nghĩa phù Trần diệt Hồ thế mạnh như nước vỡ bờ. 

       Thật ra Hồ Quý Ly cũng dự đoán trước diễn biến tình hình sự việc nhưng không ngờ chiến sự lại diễn ra nhanh như thế. Các vì vua cuối đời nhà Trần chỉ biết ăn chơi hưởng lạc, phế mặc triều chính, còn quan lại, con cháu nhà Trần cũng chỉ mong giữ lấy quyền cao chức trọng tận hưởng phú qui sợ gian khổ nên những đề xuất cải cách mạnh mẽ của ông về chính trị, quân sự thường bị quan lại cựu triều dèm pha phản đối, chính vì thế nhiều lần những đề xuất cải cách ấy không thực hiện được. Biên cương phía nam thì Chiêm Thành dưới sự chỉ huy của Chế Bồng nga nhiều lần đánh tới Thanh Hóa, thậm chí đem quân ra tới Thăng Long để quấy nhiễu, cướp nhiều tài vật làm cho cuộc sống của người dân bao lần khốn đốn, phương bắc thì triều Minh chờ cơ hội nước ta suy yếu để xâm lược. Là người có tầm nhìn xa trông rộng ông thấy rõ được điều đó nên càng nung nấu quyết tâm thực hiện hành động cải cách của mình.

      Chính vì thế ông đã hối thúc vua Trần Thuận Tông dời đô về Tây Đô để khi có biến dễ bề chống đở, tránh áp lực nặng nề của giặc khi đánh vào Thăng Long nhưng cũng đồng thời mưu tính một kế sách lâu dài: nếu triều Trần không còn phù hợp nữa thì phải thay thế đi để xây dựng một vương triều hùng mạnh khác mới có thể chống đở thế lưỡng đầu thọ địch được. Kế sách dời đô của ông lần nầy cũng vấp phải phản ứng dữ dội của bọn quan lại triều Trần nhưng thế lực của ông lúc nầy đã đủ mạnh để xoay chuyển tình hình. Thế là một cuộc thanh trừng đẩm máu xảy ra, những người không theo ý hướng của ông đều nhận lấy những hậu quả khủng khiếp: kẻ thì chết người bị tù đày, gia sản bị tịch biên. Ngay cả các quan chỉ vì can gián Hồ Quý Ly không nên dời đô gây xáo trộn tình hình mà nên ở lại Thăng Long, nơi có núi cao, sông sâu án ngữ, Họ còn cho rằng”Cốt ở đức, không cốt ở hiểm” nhưng Hồ Quý Ly gạt ngang: : Ý ta đã quyết, không được can gián nữa nếu không muốn lãnh lấy cái chết”. Thế là tất cả phải im lặng nếu không muốn chọn lấy cái chết.

      Để xây thành Tây Đô, Hồ Quý Ly phải huy động toàn bộ sức người sức của rất lớn, phu phen tạp dịch rất nặng nề. Người già, đàn bà, trẻ em đều phải tham gia phục vụ công trình. Ngày ngày, tháng tháng, dân phu binh lính mệt mõi vào các dãy Tượng Sơn, Hang Ma, Đồi Cốc, Dọc Khoai chặt cây, đốn củi về đốt lò nung vôi, Lò nung vôi, nung gạch mọc lên nhiều vô kể cũng không đáp ứng đủ vật liệu để xây thành. Dân công phải bạt đồi, xẻ núi lấy đá phục vụ công trình, những phiến đá to lớn nặng hàng tấn được khai thác chuyển về xây thành, công việc vô cùng nặng nhọc, nguy hiểm. Các thợ kỹ thuật, nghệ nhân cũng phải làm việc suốt ngày đêm, lương thực cung cấp không đủ, đói ăn, ốm đau, lại nửa vùng đất xây thành nước tù đọng quanh năm nên bệnh dịch tràn lan làm phu phen chết dần, chết mòn không kể xiết.  Đặc biệt là việc chế tác đôi rồng đá đòi hỏi những nghệ nhân lành nghề trong chạm khắc. Có người đã phải chết vì lỡ chạm sai một chi tiết không vừa ý với nhãn quan của họ Hồ. Hồ Quí ly đã tuyển chọn từ các nghệ nhân có tiếng tăm khắp các vùng về để chạm khắc. Tượng rồng được tạc bằng đá xanh. nguyên khối, khi tạc xong có chiều dài 3 thước 8. Thân rồng thon nhỏ dài về phía đuôi, uốn bảy khúc, vẩy phủ kín cả thân. Rồng có 4 chi, mỗi chi có 3 móng ẩn hiện trong các vân mây mềm mại trông rất huyền ảo, sống động vô cùng. Các khoảng trống dưới bụng và các ô tam giác ghép thành các bậc đều được chạm những đóa hoa cúc và móc hoa lại thật lượn mềm, tỉ mỉ đến từng chi tiết một. Đôi rồng khi chế tác xong được đặt nằm song song hai bên đường ngay trung tâm của tòa thành từ cổng nam đi sang cổng phía bắc của thành Tây Đô tạo một cảnh quan thật trang nghiêm, hùng tráng. Cứ thế tòa thành xây ròng rã suốt hơn 3 tháng trời mới hoàn thành(1).

                   Thành xây xong, việc dời đô đã ổ định, dưới sự ủng hộ của các quan Trần Thiếu Đế là cháu ngoại của ông phải thoái vị và ra chiếu nhường ngôi cho ông, Hồ Quí Ly yên tâm có thời gian hoạch định kế sách lâu dài cải cách đất nước theo ý định mình đã vạch ra từ trước, ông thực hiện một loạt những cải cách có lợi cho đất nước như: Phát hành tiền giấy “Thông bảo hội sao” thay thế tiền đồng thuận tiện cho việc cất giữ thông thương mua bán, quan tâm đến giáo dục, sửa chữa chế độ thi cử cho phù hợp, đưa toán học vào thi cử để tìm người tài. Về quân sự, Hồ Quý Ly ý thức rất rõ ý đồ xâm lược của nhà Minh phương bắc, ông càng ra sức tập trung xây dựng lực lượng quân sự hùng mạnh, chú trọng cải tiến kỹ thuật vũ khí, mở xưởng đúc vũ khí, tuyển thợ giỏi vào làm việc trong các công xưởng quân sự, Hồ Nguyên Trừng đã chế được loại súng thần cơ có sức công phá mạnh mẽ, thủy binh cũng được trang bị những chiến thuyến lớn hơn. Bên cạnh đó, ông chủ trương xây dựng các hệ thống phòng tuyến trên mặt đất để phòng thủ quốc gia như thành Tây Đô, thành Đa Bang và cả một hệ thống công trình phòng thủ có quy mô lớn, dài gần 400 km kéo dài từ núi Tản Viên, men theo sông Đà, sông Hồng, sông Luộc đến cửa sông Thái Bình. Nhưng những điều thực hiện được chỉ là bước ban đầu, thời gian còn quá ngắn, công việc không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái theo ý Hồ Quý Ly, lòng dân còn bất ổn chưa nguôi hướng về triều cũ, tướng tài lác đác như lá rụng mùa thu, quân lính tập luyện chưa thuần thục, quân lương còn thiếu thốn nhiều liệu có thể chống đở thế giặc hùng mạnh được chăng, bao nhiêu mối lo như hằn sâu lên nét mặt của thái thượng hoàng Hồ Quý Ly. Trong không gian im vắng của đêm khuya như thế, bỗng ông nghe đâu đây có tiếng đàn tỳ bà vang lên lúc khoan lúc nhặt, lúc xa lúc gần đưa đẩy theo chiều gió như mang một nỗi sầu vạn cổ, lông mày ông chợt nhíu lại tỏ vẻ không vui. Từ chổ khó chịu ông lại ngạc nhiên tự hỏi: Tiếng đàn phát ra từ đâu vậy, sao tiếng đàn như mang một nổi u hoài uất hận khôn nguôi như thế. Ông cố gắng lắng nghe, hình như tiếng vang lên từ vườn thượng uyển thì phải. Tò mò Hồ Quý Ly khẻ bước xuống lẩu, chậm rải chân bước theo tiếng đàn đang bay trong gió. Dưới liềm trăng vàng treo trên ngọn liễu, ông thấy thấp thoáng bóng dáng một thiếu phụ với y phục trắng tinh đang ngồi trên băng đá cạnh khóm bông hải đường, người thiếu phụ có mái tóc đen mượt mà óng ả dưới ánh trăng chảy dài xuống bờ vai thon nhỏ, bàn tay mềm mại đang lướt nhẹ trên từng phím đàn. Dưới bàn tay tài hoa ấy, cây đàn  vang lên những âm thanh trầm bổng, dìu dặt lúc thì trầm mặc u buồn, lúc thì như thở than ai oán thê lương vô cùng. 

     Trong không gian khuya khoắt tĩnh mịch  làm cho Hồ Quý Ly như lạc vào một nơi đầy ma mị, liêu trai. Ông tự hỏi mình đang ở đâu đây và bất giác chợt rùng mình, cái lạnh như len vào từng đốt sống lưng. Người thiếu phụ nầy là ai? Ma quỷ, tiên nương hay là hồ ly? sao lại xuất hiện trong đêm hôm khuya khoắt như thế nầy, ngay trong vườn thượng uyển của ta? Tuy có phần sợ hải nhưng không kiềm chế nổi sự tò mò, Hồ Quý Ly bước tới gần thêm một chút nữa để nhìn cho rõ mặt người đàn bà. Dưới vòm trăng hạ huyền, gương mặt thiếu phụ hiện lên thật vô cùng diễm lệ mà hình như trong đời ông chưa từng thấy vẻ đẹp tự nhiên nhưng lại lôi cuốn như thế. Trên nét mặt yêu kiều đó lại thoảng lên nét buồn muôn thuở. Ông thử lục tìm trong trí nhớ xem thiếu phụ nầy có phải người ở trong cung không nhưng không tài nào nhớ được. Hồ Quý Ly lên tiếng:

- Nàng là ai? Tại sao đêm hôm khuya khoắt lại đàn một khúc cầm nghe buồn thảm thế? Ta nhớ như chưa từng gặp nàng trong cung của ta lần nào thì phải?

         Người thiếu phụ đang chìm đắm trong cung đàn, thả hồn mình vào những phím tơ lòng, không biết có người bên cạnh đang lắng nghe tiếng đàn của mình tự nảy giờ. Nàng chợt giật mình thoát khỏi trạng thái mơ hồ lãng đãng như khói sương ấy, nhẹ nhàng đặt chiếc đàn lên chiếc bàn cẩm thạch kề bên, đứng lên vòng tay cúi đầu đáp:

    - Tiện thiếp xin ra mắt thượng hoàng.

Hồ Quý Ly ngạc nhiên:

    - Nàng biết ta ư?

     - Ngài là đấng quân vương, cả đất nước nầy đều biết chẳng lẽ thiếp lại không biết người ư?

    - Nàng chưa trả lời câu hỏi của ta.

    - Thiếp không phải là người trong cung. Nhà thiếp ở dưới chân thành đông của tòa thành nầy.

Hồ Quý Ly lại càng ngạc nhiên:

    - Dưới chân thành đông ư? Nàng làm sao vào đây được?

    - Không có nơi nào thiếp không thể đến được thưa thượng hoàng.

        Không để cho Hồ Quý Ly hết ngạc nhiên, người thiếu phụ tiếp lời:

    - Tên thiếp là Bình Khương, là vợ của chàng cống sinh Trần Công Sỹ được thượng hoàng tin tưởng giao việc giám sát, đốc thúc phu phen xây bức tường thành phía đông. 

       Hồ Quý Ly nhíu mày suy nghĩ trong giây lát, chợt ông nhớ ra điều gì đó. Thì ra người thiếu phụ đứng trước mắt mình là vợ của Trần Công Sỹ người được ông giao phó xây dựng đoạn thành phía đông. Ông nhớ lại tất cả rồi. Để gấp rút dời đô từ Thăng Long về Tây Đô, Hồ Quý Ly đã huy động một số lượng lớn dân quân ngày đêm xây thành, đắp lũy, phu phen làm việc cực nhọc vô cùng, ngày đêm không nghỉ để đảm bảo tiến độ nội trong 3 tháng phải hoàn thành “kinh đô bất khả chiến bại”, Trong tình thế dầu sôi lửa bỏng lúc ấy, các tường thanh các mặt khác tới kỳ đã từng bước hoàn thiện công trình thì đoạn thành phía đông do Trần Công Sỹ phụ trách xây vừa xong lại đổ sập xuống không rõ nguyên nhân khiến cho Hồ Quý Ly vô cùng tức giận. Ông nghi ngờ Trần Công Sỹ có ý đồ phản nghịch nên cố ý làm chậm trể công việc xây thành làm lỡ việc lớn. Trong cơn giận dữ, Hồ Quý Ly đã ra lịnh cho quân sĩ chôn sống chàng vào vị trí bức tường thành vừa bị đổ để làm gương răn đe tất cả những ai bất tuân thượng lệnh và giao phó trọng trách xây tường thành tiếp tục lại cho viên quan khác. Sau nầy ông còn nghe quần thần kể lại, vợ Trần Cống Sỹ tên là Bình Khương nghe tin đã chạy đến ngự sử đài than khóc kêu oan cho chồng, nhưng ai nấy đều sợ uy của Hồ Quý Ly không dám vào bẩm báo lại. Vì quá tức giận, nàng chạy đến nơi chồng bị chôn sống, dùng toàn bộ sức lực để xô ngả bức tường dầy định mệnh ấy mong tìm thấy xác của chồng trong đó nhưng bức tường không hề lay chuyển. Vô cùng tuyệt vọng, nàng liều mạng đập đầu vào bức tường thành để tự vẫn theo chồng. Phiến đá nơi nàng tuẩn tiết in sâu dấu vết đầu người và đôi bàn tay cào cấu của nàng. Cảm thương trước tấm lòng chung thủy sắt son của người thiếu phụ, người dân nơi đây đã lập đền thờ nàng ở sát vách tường cửa phia đông thành Tây Đô. Sự việc xảy ra đã lâu Hồ Quý Ly hầu như không còn nhớ nếu người thiếu phụ không nhắc đến tên chồng mình. Hồ Quý ly nghĩ đến đây đã thấy rờn rợn vì biết người đang đối diện với mình chỉ là hồn ma bóng quế mà thôi, chẳng lẽ nàng ta hiện hình về đòi đền mạng ta chăng?(2)

     Hồ Quý Ly cố giữ bình tĩnh, nhưng câu hỏi có vẻ hơi gượng gạo::

    - Ta nghe người báo là nàng đã tự vẫn chết rồi kia mà.

     Nàng Bình Khương nhìn nhà vua, giọng nói u buồn xen lẫn oán trách:

     - Người nói không sai. Thiếp đã không còn sống trên cõi đời nầy, thân xác vùi chôn dưới ba tất đất từ lâu, mồ chắc đã xanh cỏ, nhưng linh hồn còn mang nhiều nỗi u uất, phảng phất trên trần gian chưa thể siêu thoát được.

     Hồ Quý Ly có vẻ giận dữ, gằn giọng:

     - Điều gì làm cho linh hồn nàng không tan? Chẳng lẽ với cái tội làm hỏng việc lớn của ta chồng nàng bị giết oan khuất lắm sao?

     - Thưa thượng hoàng , đối với người cái chết của một chàng cống sỹ chẳng qua chỉ là con giun cái kiến mà thôi. Hơn nữa trong cơn thịnh nộ quyết định tàn bạo ấy cũng để thỏa mãn quyền uy tối thượng của mình mà thôi thì còn suy xét làm gì nỗi oan khuất của người dân chứ. Thượng hoàng có biết tường thành phía đông nơi chồng thiếp phụ trách xây dựng trên một nền đất yếu, phía dưới có mạch nước ngầm ăn thông ra Lỗi Giang nên không thể chịu đựng sức nặng hàng ngàn tấn của tường thành được, đổ sập là điều không thể tránh khỏi được. Thiếp đã đến ngự sử đài kêu oan nhưng không ai chú ý nghe lời giải trình của thiếp.

      Hồ Quý Ly tỏ vẻ nghi ngờ:

      - Làm sao nàng biết tường thành xây trên đất yếu? Phải chăng nàng nói để chạy tội khi quân của Trần Công Sỹ chăng?

      Bình Khương có vẻ không vui:

      - Người trần không thể biết được điều bí mật nằm trong lòng đất thưa thượng hoàng. Hình như trong xử lý công việc người chưa bao giờ tin tưởng một ai. Thiếp biết thượng hoàng là người có chí lớn, người dời đô về đất nầy để mưu đồ đại sự, xây dựng một vương triều hùng mạng để lưu danh muôn đời. Nhưng dục tốc bất đạt, xây thành một công trình to lớn như thế chỉ trong vòng 3 tháng chỉ bằng sức lao động tay chân cua con người là một việc làm kinh khiềp chẳng khác gì việc dời non lầp biển, đã làm tài nguyên đất nước kiệt quệ, sinh linh dân đen bị nướng vào lửa đỏ. Làm vua chỉ muốn người ta phục tùng mệnh lệnh, chỉ xem chung quanh mình thấy ai cũng có thể đồ phản nghịch, nghi ngờ tất cả mọi thứ dù sự thật hiện ra trước mắt và luôn dùng quyền uy để bức hại người khác thì không thể là một đấng minh quân được.

       Nếu như bình thường, chắc chắn Hồ Quý Ly sẽ nổi cơn lôi đình thịnh nộ, người dám nói ra câu phạm thượng đó thế nào cũng thịt nát xương tan, nhưng biết Bình Khương là người đàn bà khác thường, chỉ là hồn ma bóng quế, vất vưỡng trên đầu cây ngọn cỏ thì cơn giận cũng nguôi đi, giận dữ  cũng chẳng có ích gì, Hồ Quý Ly kìm nén cơn giận trong lòng nói:

       - Ta tạm tin lời nàng vậy nhưng nàng nói ta dùng bạo quyền để cai trị dân chẳng phải quá đáng sao?

       - Đây không phải là lời nói của thiếp mà đó là lời truyền tụng trong dân gian. Người ở trong cung cấm cách ly với đời thường, mắt không được thấy tai không được nghe, làm sao hoàng thượng có thể thấu hiểu được nỗi khổ của dân đen kia chứ? Bài đồng dao mà bọn trẻ con nghêu ngao hát khắp kẻ chợ ai mà không hay không biết.

      Hồ Quý Ly lộ vẻ ngạc nhiên:

      - Bài hát đồng dao ư? Bài hát nói điều gì thế?

      - Thiếp xin đọc hầu hoàng thượng xin trước hết xin người không được giận dữ

     Hồ Quý Ly gật đầu:

      - Được. Ta hứa. Nàng đọc ta đi

     Bình Khương bắt đầu đọc:

                            Bạt núi để xây thành

                            Phu phen nhiều lao khổ

                            Vợ con lìa cha anh

                            Thành xây xong lại sập

                            Xương chất đầy kè đá

                            Hào sâu đỏ máu dân

                            Thân gầy còm đói rách

                            Ai oán thấu trời xanh.

                            Những tưởng lục thập ký

                            Nào ngờ chỉ sáu năm

                            Thành cao dù muôn trượng

                            Không lớn bằng lòng dân.

      Dứt lời, Bình Khương nói như nói chính mình:

    - Long xà ẩm thủy lục niên ký chủ. Số trời đã định không thể cải mệnh được. Tiếc thay tích củi ba năm đốt cháy một giờ

 

       Hồ Quý Ly nghe những lời nói của Bình Khương như từ cỏi âm vọng về. Ông chợt biến sắc không hiểu vì sao người thiếu phụ nầy lại biết điều bí mật mà chỉ hai cha con ông biết mà thôi. Trong đầu ông miên man suy nghĩ về điều nàng ta vừa nói. Mưu đồ xây kinh đô mới để thừa dịp truất ngôi nhà Trần đã manh nha từ lâu trong đầu của Hồ Quý Ly, mặc dù nắm giữ quyền cao chức trọng, dưới một người trên vạn người, nhưng Hồ Quý Ly nhận thấy các ông vua nhà Trần đã quá bạc nhược, u mê nên muốn tự mình thành lập một vương triều mới. Ông tin rằng với tài năng của mình sẽ xây dựng một đất nước hùng mạnh, phía nam có thể đè bẹp Chiêm Thành, phía bắc có thể dựa vào thành cao hào rộng thế núi hiểm trở có thể chống lại kẻ thù phương Bắc. Để thực hiện việc dời đô, xây dựng một vương triều vững mạnh cho riêng mình, Hồ Quý Ly đã bí mật cùng một vài cận thần tâm phúc của mình đi tìm thế đất tốt để xây thành. Khi thuyền xuôi dọc theo sông Mã đến động An Tôn ông thấy nơi đây thế núi hiểm trở, đất đai trù phú, hình thù như hình quả ấn của trời, sông Mã như long mạch dài hàng ngàn dặm, xung quanh còn có nhiều phụ lưu  bắt nguồn từ Trường Sơn như sông Luồng, sông Âm, sông Chu, sông Bưởi giống như những chi long mạch chầu vào long mạch chủ ông rất vừa lòng, ưng ý.

    Đứng trên núi cao, có thể ngắm nhìn kỷ lưỡng địa thế xung quanh vùng động An Tôn. Cảnh quan thật hùng vĩ, địa thế vô cùng hiểm trở. Phía đông nam có núi Đốn làm tiền án, tây bắc có núi Song Tượng. Một con voi chầu về hướng bắc, một con khác lại quay đầu về hướng nam canh giữ núi Mâm Xôi. Phía Tây Nam có 5 ngọn núi đá vôi: 3 ngọn gọi là Kim Ngọ(ngựa vàng), 2 ngọn khác gọi là Kim Ngưu(trâu vàng). Đây là một mỏ đá vô cùng to lớn có thể sử dụng để xây thành vững chắc. Thời bình với đồng ruộng phì nhiêu có thể cày cấy tích lũy lương thực, thời chiến có thể dựa vào thế núi hiểm trở tự nhiên, với thành cao hào sâu cự địch được.

         Bên ngoài có nhiều dãy núi vòng cung bao bọc vây kín bốn phương tám hướng. Vòng trong là sông Mã, sông Bưởi lượn tròn như những chiến hào tự nhiên vây quanh. Ở trong cùng, một khu đất nổi lên như một cái ấn của trời, Bên trên là vòm trời xanh như chiếc lọng che cho cái ấn thật huyền ảo. Từ ngã ba Bông nối vài ngã ba Đầu là một nhánh chảy vào đền Hàn, Châu Tử xuống bến Lèn ra cửa Lạch Trường. Một nhánh qua đất Hàm Rồng đổ ra cửa Hới tạo thành thể lưỡng long chầu nguyệt. Thành xây trên động An Tôn nên gọi là thành An Tôn, còn gọi là thành Tây Đô(3)

         Là người am hiểu phong thủy, Hồ Quý Ly khi chọn thế đất nầy để xây thành ông rất lấy làm tâm đắc, nói với các con mình: Đất nầy là đất Thạch bàn long xà lục thập niên ký(có nghĩa thế đất như rồng chầu rắn cuốn nầy vững như bàn thạch có thể trụ được ít nhất 60 năm) nhưng Hồ Hán Thương, người con trai thứ của Hồ Quý Ly, am hiểu phong thủy sau khi xem kỷ thế đất đã nói với ông: “Con lấy làm lạ, như phụ hoàng nói: đất nầy đúng là đất rồng chầu rắn cuốn có thể phát tích đế vương nhưng con xem đi xem lại có lúc lại giống thế Long xà ẩm thủy lục niên ký chủ, chỉ phát được 6 năm thôi. Hồ Quý Ly cho rằng kiến thức phong thủy của Hồ Hán Thương chưa tinh tường nên cũng không chú ý lắm vào nhận định của con. 

     Câu chuyện phong thủy nầy chỉ có cha con ông biết mà thôi, tại sao dân gian lại biết được mà truyền tụng qua bài đồng dao nầy? Có thật không chuyên gì cũng không thể qua mắt thế gian chăng? Bài hát đồng dao thật sự làm cho ông bối rối, lo ngại. Hồ Quý Ly cũng biết những hành động quyết liệt của mình tranh đoạt ngôi vị nhà Trần cũng là một điều mà nhiều người không phục, nên khi đã cũng cố được ngôi vị, chỉ sau 7 tháng làm vua ông đã nhường ngôi lại cho Hồ Hán Thương để làm thái thượng hoàng cũng nằm trong mưu tình của ông. Lẽ ra theo lễ tục, ông phải nhường ngôi cho người con cả là Hồ Nguyên Trừng. Hồ Nguyên Trừng là một người rất giỏi võ nghệ, lại là người có tài thiết kế vũ khí lợi hại rất xứng đáng được ông truyền ngôi nhưmg lại là con của người vợ cả, không có quan hệ huyết thống với dòng tộc họ Trần , nếu lập Trừng lên làm vua, chẳng khác gì như đổ thêm dầu vào lửa, khiêu khích sự chống đối của đám quan lại, giới sĩ phu và một bộ phận lớn nhân dân trong nước, đồng thời cũng tạo thêm lí do cho giặc Minh dễ bề thực hiện ý đồ xâm lược nước ta với chiêu bài “phù Trần diệt Hồ”, vì thế Hồ Quý Ly quyết định chọn người con thứ là Hồ Hán Thương lên giữ ngôi vua, Một điều dêc hiểu Hồ Hán Thương là con của công chúa Huy Ninh, vợ lẽ của Hồ Quý Ly, đồng thời cũng là con ruột của Thượng hoàng Trần Nghệ Tông, Hán Thương gọi Nghệ Tông bằng bác, gọi vua Thuận Tông(con Nghệ Tông) bằng anh và gọi vua Kiến Tân(con Thuận Tông) bằng cháu, nên việc lập Hồ Hán Thương làm vua cũng nằm trong tính toán, trù liệu của Hồ Quý Ly cả nhằm lôi kéo những người còn lưu luyến với triều đại cũ. 

      Như  đoán được sự băn khoăn trong lòng Hồ Quý Ly, Bình Khương nói nhẹ nhàng:

      - Câu chuyện đối đáp giữa người và thế tử Hán Thương về long mạch, cũng như việc lập thế tử Hán Thương lên làm vua thay vì Nguyên Trừng thượng hoàng có thể giấu giếm được dân đen con đỏ chứ làm sao che mắt được trời phật thánh thần ma quỷ, xin người chớ lấy làm ngạc nhiên như thế.

     Hồ Quý Ly nghe nàng nói hình như tỉnh ngộ. Thì ra những mưu tính của ông dù ngấm ngầm bí mật hay công khai cũng không qua khỏi thiên cơ. Có điều mưu sự tại nhân, thành sự tài thiên mà thôi. Chẳng lẽ bao công sức ông đổ ra với hy vọng tạo dựng một vương triều hùng mạnh với những cải cách lớn lao, lưu danh cho muôn đời sau lại thất bại thế nầy ư?

     Hồ Quý Ly thở hắt một hơi dài buồn bã, ngước nhìn bầu trời đêm, những ngôi sao lấp lánh, xa tít trên bầu trời kia có hiểu được tâm trạng ngổn ngang của ông lúc nầy không? Ông đang suy nghĩ gì trong đầu không ai có thể đoán được. Vài tiếng chim đêm đập cánh bay đi để lại tiếng kêu nghe não nuột, mấy cành liễu lay động tạo thành những bóng đen lăn quăn trên mặt đất như mấy con rắn đang trườn mình quăng tới tìm mồi, vài chiếc lá rơi, tiếng gió thổi lạo xạo cũng không làm cho ông thoát khỏi nỗi trầm tư, muộn phiền. Ánh trăng hạ huyền đã dần dấn mờ nhạt. Phía chân trời bắt đầu xuất hiện một quầng sáng báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Một ngôi sao lẻ loi, muộn màng băng ngang qua vườn thượng uyển mất hút về phìa bầu trời xa xôi đầy bí ẩn. Trong thời khắc ấy, tiếng Bình Khương hình như thoảng bay đi trong gió:

       - Âm đức của hoàng thượng không dầy, chính chính sách hà khắc, coi sinh mạng dân đen như ngọn cỏ, bao nhiêu xương máu người dân vô tội đã đổ xuống để xây thành đắp lũy, tiếng than oán ngút trời cao đã làm cho long mạch bị đứt đoạn không phát triển được. Thời cuộc sẽ có nhiều biến chuyển khôn lường, lòng người lại đang ly tán, không thể quy về một mối. Chỉ mong hoàng thượng sáng suốt mới mong tình thế thay đổi phần nào, cục diện may ra sáng sủa hơn. Không một triều đại nào có thể thống trị thiên hạ bằng bạo quyền được, muôn đời phải biết lấy dân làm gốc thiên hạ mới thái bình, đất nước mới không rơi vào ách thống trị của ngoại bang. Người đã tạo ra được một cái cớ có một không hai để kẻ thù xâm lăng nước ta với danh nghĩa phù Trần diệt Hồ, rồi sau đó đất nước sẽ ra sao chắc người cũng đoán được. Mấy lời khẩn thiết tự đáy lòng xin hoàng thượng nhớ lấy.

     Khi Hồ Quý Ly ngước lên muốn hỏi Bình Khương điều gì đó thì không thấy nàng đâu nữa, xa xa chỉ thấy một bóng trắng lướt qua hàng cây rồi mờ dần mất hẳn. Hồ Quý Ly nhìn theo, lẩm bẩm như nói với chính mình:

     - Nàng đã theo ngọn gió bay đi rồi về nơi mà nàng cần đến, phải chi ta nghe được những lời nói của nàng sớm hơn, có lẽ cuộc đời ta mắc nợ với nàng, với chồng nàng với cả dân tộc nầy. Cuộc đời ta chấm hết ta không hề hối tiếc, chỉ tiếc sự nghiệp lớn chưa hoàn thành, người đời sau có hiểu được chí lớn của ta chăng?

    Lần đầu tiên trong cuộc đời mình, Hồ Quý Ly không còn tin vào những quyết đoán táo bạo của mình nữa, chắc ta đã già rồi. Ông chợt thở dài buồn bã.

 

*

      Quả đúng như lời nàng Bình Khương nói, Tháng 9 năm 1406 quân Minh phát động chiến tranh xâm lược nước ta với chiêu bài phù Trần diệt Hồ, mặc dù đã tích cực phòng bị, xây dựng thành lũy kiên cố và huy động quân binh cao nhất, đặt quân phòng ngự giữ những nơi hiểm yếu quan trọng nhất nhưng quân nhà Hồ liên tiếp thua nhiều trận liền. Đúng như lời Hồ Nguyên Trừng (con trai Hồ Quý Ly) từng nói với cha mình “thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”. Cuộc chiến tranh đã thu hút được một số lực lượng lớn người dân trong nước đứng lên chống lại nhà Hồ, ngay cả trong quân binh nhà Hồ cũng có nhiều người quay đầu chống lệnh. Chiến tranh giữa hai bên nhanh chóng ngã ngũ, quân binh nhà Hồ liên tiếp thua các trận đánh lớn ở thành Đa Bang, Hàm Tử. Tháng 4/1407 quân Minh đánh tới thànhTây Đô. Cầm cự chẳng bao lâu thì thành vỡ, cha con Hồ Quý Ly kéo tàn binh chạy về cửa biển Kỳ La-Hà Tỉnh thì quân Minh đuổi theo rất gấp. Đến ngày 11,12 thì lần lượt Hồ Quý Ly, Hồ Nguyên Trừng và Hồ Hán Thương đều bị giặc bắt. Nếu tính từ năm 1400, khi Hồ Quý Ly truất ngôi nhà Trần, tự lập làm vua, đóng đô ở Tây Đô cho đến tháng 4 năm1407 khi cha con Hồ Quý Ly bỏ thành chạy về Kỳ La lánh nạn và bị giặc bắt thời gian chỉ hơn 6 năm, phải chăng ứng với lời tiên đoàn nhà Hồ chỉ tồn tại được 6 năm của Hồ Hán Thương hay là ý trời trong bài đồng dao mà nàng Bình Khương đã đợc cho Hồ Quý Ly nghe?

      Có một điều cần phải nói thêm với bạn đọc, cùng thời gian khi cha con Hồ Quý Ly bị giặc bắt giải về Tàu, Thành Tây Đô cũng xảy ra một câu chuyện lạ lùng: Trời đất đang quang đãng, trong vắt bỗng sấm chớp từ đâu nổi lên đùng đùng, từng trận mưa lớn đổ xuống như trút nước, lũ từ thượng nguồn sông Mã, sông Bưởi, sông Chu kéo về ồ ạt như một trận đại hồng thủy. Trời tối mịt mùng, sấm chớp rền vang khắp nơi, nước sôi réo ùng ục như thiên binh vạn mã rầm rập từ đâu kéo về, lẫn trong tiếng gió hú, tiếng sấm vang như còn có tiếng những oan hồn uổng tử cất lên tiếng kêu bi thương, ai oán như đòi mạng,  nhà nào nhà nấy đều hoảng sợ xanh cả mặt mày, ôm chặt lấy nhau mà khóc, người bình tĩnh hơn cuốn vội vài vật dụng cần thiết rồi bồng bế nhau kéo lên đồi cao, núi sâu lánh nạn. Mãi đến ba bốn hôm sau trời mới quang, mưa mới tạnh, mọi người mới lũ lượt nhau kéo về quê cũ. Trong thành Tây Đô thật tiêu điều xơ xác, một phần bị giặc Minh cướp bóc tàn phá, một phần do tác hại khủng khiếp của cơn lũ vừa tràn qua. Rác rến, bùn xình, xác súc vật chết vương vãi khắp nơi, điều đặc biệt đôi rồng đá được chế tác tuyệt mỹ, tượng trưng cho sức mạnh vương triều nhà Hồ tự nhiên biến mất không còn để lại một chút dấu vết nào, không ai hiểu vì sao?(4)

Tháng 1/2018

NGUYỄN AN BÌNH

______________________________________________________________

(1) Theo truyền thuyết: Thành Tây Đô được xây trong 3 tháng thì xong nhưng xét về khối lượng công trình có người cho rằng xây trong 3 năm hay nhiều năm mới xong.

 (2) Hiện nay đền thờ nàng Bình Khương vẫn còn tồn tại sau hơn 600 năm với nhiều lần trùng tu. Ngôi đền tọa lạc dưới chân bờ thành phía đông thuộc làng Đông Môn, xã Vĩnh long huyên Vĩnh lộc tỉnh Thanh Hóa. Trong đền còn lưu giữ một phiến đá kỳ lạ có in hình giống như đôi bàn tay và chiếc đầu người phụ nữ, người dân cho rằng đó là vết tích đập đầu tự tử kêu oan cho chồng của nàng Bình Khương.

(3) Theo sách “Thành nhà Hồ và những câu chuyện xây thành”  của tác giả Phạm Văn Chấy

(4) Theo ông Nguyễn Xuân Toán, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản thành nhà Hồ thì đôi rồng đá trên được người Pháp phát hiện lại vào năm 1938 khi họ làm một con đường nội địa trong thành nhưng cả hai đều bị mất đầu. nguyên nhân của việc đôi rồng mất cả đầu có nhiều giả thuyết được đặt ra, nhưng chưa giả thuyết nào thuyết phục vì chưa trưng ra được những chứng cứ rõ ràng có thể chấp

____________________

NguyenAnBinh_Diquamuabaodich.jpg

Đăng lại một bài thơ viết năm trước vẫn còn tính thời sự cho cơn bão dịch năm nay để bao giờ cũng thấy mối hiểm họa của dịch cô vít luôn quanh quẩn bên ta.

https://luongmanh08.blogspot.com/.../i-qua-mua-bao-dich.html

 

ĐI QUA MÙA BÃO DỊCH

Trời vẫn xanh và phố vẫn xanh

Dọc theo hàng cây, ghế đá, góc phố ven đường

Tôi vẫn nghe tiếng gió rì rào gọi nhau

Hôm nay nắng cũng chưa bao giờ đẹp và vàng đến thế

Đâu đó tiếng dương cầm trong starbucks

Dạo bản serenade của Schubert

Nhẹ nhàng và quyến rũ

Tôi hình dung đôi cánh trắng thiên nga

Đang hồn nhiên đùa trên sóng

Thật bình yên an lành.

.

Sáng nay không còn nghe tiếng rao thân quen

Cùa người bán bánh giò, xôi khúc

Chị đã về quê từ chiều hôm qua

Tránh mùa dịch đang tràn vào thành phố

Sống ở đâu bây giò cũng quá khó khăn

Chẳng nơi nào bình yên chị nhỉ?

.

Ký túc xá đóng cửa biến thành khu cách ly

Bạn đã đi và chưa biết bao giờ trở lại

Thành phố tạm dừng mọi hoạt động

Nhiều kịch bản được đặt ra

Khó có kịch bản nào hoàn chỉnh cho điều bất ngờ sẽ đến

Nó bí hiểm như đường sin gợn sóng

Và người bạn văn của tôi đã bay vào tâm bão*

San sẻ niềm khổ hạnh

Bên người tình của mình thật quyết đoán.

.

Thành phố chưa bao giờ

Có kỳ nghỉ tết lại dài đến thế

Người nghèo lo toan những ngày thất nghiệp

Xin đừng mặc cả với thời gian

Tất cả còn ở phía trước

Tất cả còn là mật ngữ

Người nói chuyện với nhau bằng mắt

Chuyện gì đang xảy ra

Rồi tự nhủ - tất cả sẽ ổn thôi mà.

.

Nắng vẫn ấm bên hiên mùa đại dịch

Lòng chợt nhớ đến người bạn gái đang ở xa

Bỗng cuồng chân đến phát điên lên được

Chưa bao giờ tôi khát khao dữ dội như lúc nầy

Được quẩy ba lô lên đi

Và đi...

_________________________________________

*Nhà văn Trương Văn Dân đã bay trở lại Ý khi vợ anh còn mắc kẹt bên đó khi dịch Covid 19 đang bùng phát dữ dội.

TRUNG HỌC PHAN THANH GIẢN,

ngôi trường mãi còn trong ký ức

PTGSchool_old.JPG

Ngôi trường trăm tuổ​i............

PTG_ngói 100 tuổi.JPG
PTG_gạch vụn.JPG

.... bỗng trở thành 0 tuổi dưới lớp phế hưng!

những người muôn năm cũ,

hồn ở đâu bây giờ?!

2 miếng ngói trăm năm lượm từ đống gạch vụn, do CHS-GS LTK từ quê nhà đích thân đem đến trưng bày trong ĐH Thế Giới PTGĐTĐ lần thứ XXI ngày 5, 6, 7 tháng 5/2017 tại Houston, Texas

Chủ đề ĐH XXI:Trở về Mái Nhà Xưa-Kỷ Niệm 100 Năm Trường Ta (1917-2017)

Nguyễn An Bình

3 BÀI THƠ VỀ MỘT NGÔI TRƯỜNG ĐÃ MẤT

Ngôi trường cũ của tôi và nhiều bạn đồng môn khác- Trường Phan Thanh Giản-Cần Thơ (sau nầy đổi tên thành Châu Văn Liêm đã tồn tại hơn trăm năm nay chính thức đã bị đập bỏ nên xây trường mới vào ngày 13/2/2017, nhưng đối với chúng tôi ngôi trường ấy vẫn tồn tại trong ký ức và chỉ còn biết bùi ngùi nhìn nhau: Những người muôn năm cũ, Hồn ở đâu bây giờ.

NGUYỄN AN BÌNH

TRƯỜNG CŨ

*Nhớ ngôi trường cũ trăm năm Phan Thanh Giản-Cần Thơ

(nay là Châu Văn Liêm) vừa mới bị đập bỏ.

  

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ngôi trường cũ tôi về không kịp nữa

Nhớ mái vòm rêu phủ bóng thời gian

Bầy sẻ nâu thôi không còn ríu rít

Trường trăm năm trơ gạch ngói hoang tàn.

 

Tàn lim xanh đâu còn nghe chim hót

Rải hoa vàng cho sắc nhớ thêm tươi

Trái phượng già cuối mùa chưa kịp rụng

Em có về thương nhớ tiếng ve rơi.

 

Từng viên gạch vẫn đỏ tươi màu đất

Dẫu trăm năm luôn giữ mãi tình hồng

Bao vôi vửa đâu chôn vùi ký ức

Trong dòng đời chìm nổi bến đục trong.

 

Cầu thang gỗ em nhẹ nhàng tiếng guốc

Ấm chân người một thuở dõi theo sau

Khung cửa lớp cứa tim thành vết xước

Tôi bâng khuâng giữ mãi một niềm đau.

 

Dãy hành lang như trải dài hun hút

Tiếng thầy cô ngày ấy đã xa rồi

Người lỗi hẹn qua sông mùa xuân trước

Tôi ngậm ngùi đành bỏ lại cuộc chơi.

22/02/2017

EM VỀ TRƯỜNG CŨ SÁNG NAY

    *Tặng sư muội Trường Xuân 

       Và các bạn đồng môn của tôi.


Em về trường cũ sáng nay

Giữa bao gạch ngói phơi bày nắng mưa

Lặng nhìn lớp học ngày xưa

Hình như còn đợi ai chưa kịp về.

 

Chút lòng thơm thảo hương quê

Gọi hồn phách cũ trở về quanh đây

Chập chờn nắng rớt trên tay

Tiếng chim lạ quá thương ai ngậm ngùi. 

 

Tôi giờ phiêu bạt xứ người

Tình nương sợi khói theo người qua sông

Cuối trời mây trắng mênh mông

Tìm đâu ngày cũ sách hồng của tôi?

25/02/2017

TIẾNG DẾ TRONG SÂN TRƯỜNG

           *Nhớ về Trường Phan Thanh Giản-Cần Thơ

 

Còn đâu nữa hình hài ngôi trường cũ

Tuổi trăm năm thôi những bước đi về

Bao vạt nắng in trên màu rêu phủ

Tiếng thở dài chạy trong gió lê thê.

 

Bạn ra đi vào mùa hè đỏ lửa

Không hẹn về trong khói lửa chiến tranh

Tôi rời trường vào mùa thu năm ấy

Thả một đời trong vây khổn áo cơm.

 

Em cánh én bay qua mùa dông bão

Vẫn thơm hoài màu áo lụa hoàng hoa

Nghe nỗi buồn rớt trên tàn phượng cũ

Vòm mái cong loang loáng bóng chiều pha.

 

Đường Ngô Quyền lá bay giờ tan học 

Tóc hoàng kim thơm áo trắng ngày xưa

Bao dâu bể  hằn lên bờ tóc rối

Có tìm nhau qua năm tháng nắng mưa.

 

Tôi tiếng dế trong sân trường lạc lõng

Tìm hương yêu dưới gạch vỡ điêu tàn

Từng miếng ngói ôm vào lòng thấy ấm

Nhớ vô cùng bóng nhỏ cuối hành lang.

4/3/2017

Nguyễn An Bình

__________________________

NguyenAnBinh_TruongCu_nhạcLời.jpg
bottom of page