top of page
hmpg.jpg
TL_blinkingsquareblock.gif
Titlej (1).jpg

BIÊN KHẢO - THƠ - VĂN

BS Phan Thượng Hải

California__________ 

BBT: BS Phan Thượng Hải (CHS PTG 61-64) cùng với người em là LS Winston Phan Đào Nguyên là con của 1 công chức cao cấp của tòa án Cần Thơ, cũng là nhà thơ nổi tiếng của đất Cần Thơ thập niên 40, 50: Thi Sĩ LÃNG BA Phan Văn Bộ

____________________________________

  CHUYỆN THẦN THOẠI VỀ MẶT TRĂNG

 

                                         Bs Phan Thượng Hải biên soạn


 

Những chuyện thần thoại về Trăng (Mặt Trăng) đều do Con người ở thế gian trên địa cầu đặt ra chứ không hề có thật.  Người Việt chúng ta thường biết những câu chuyện thần thoại tưởng tượng dựa trên Đạo Giáo từ người Trung Hoa.  

 

Trăng, Mặt Trăng {Tiếng Nôm} = Nguyệt {Hán ngữ}.

 

Con người ở thế gian (= Người Trung Hoa) nhìn lên Trăng (Mặt Trăng) thì thấy giống như hay có hình thể: 

      Cây Quế: có những vùng tranh tối tranh sáng gọi là Quế phách.

      Con Thiềm thừ (= Con Cóc có 3 chân): có những hố thiên thạch trên bề mặt của Mặt Trăng giống như hoa văn (= chữ Tàu) trên thân con Thiềm thừ.

      Con Thỏ: nhất là vào đêm Rằm.

PTH_mattrang_2.JPG

Từ những nhận thức này và tiền sử Trung Quốc về Hậu Nghệ bắn Mặt Trời, người Trung Hoa sáng tạo ra những câu chuyện thần thoại về Mặt Trăng (Trăng).  

 

Cung Quảng Hàn, Cung Quảng

 

Chuyện đầu tiên bắt đầu từ Hậu Nghệ tạo ra vợ của Hậu Nghệ là Hằng Nga.  

 

Theo Tiền Sử của Trung Quốc, triều đại của nhà Hạ là triều đại đầu tiên.  Vua Hạ Vũ lập ra triều đại nhà Hạ truyền ngôi cho con là vua Khải và Khải truyền cho Thái Khang đều cai trị người Hạ (sau này gọi là người Hoa Hạ).  Thủ lãnh của người Di là Hậu Nghệ đuổi Thái Khang đi và lập em của Thái Khang là Trọng Khang làm vua.  Sau khi Trọng Khang chết, Hậu Nghệ chiếm ngôi vua cai trị người Hạ và người Di.  Hậu Nghệ là một người xạ thủ giỏi thường đi săn bắn không lo triều chính nên Hậu Nghệ bị người thân tín là Hàn Tróc giết đi và cướp ngôi.  Sau này cháu nội của Trọng Khang là Thiếu Khang đánh bại Hàn Tróc và chiếm lại ngôi vua cho nhà Hạ.  Triều đại nhà Hạ từ Thái Khang cho đến Thiếu Khang trải qua 100 năm hỗn chiến mới khôi phục lại được. Lịch sử gọi là Thời "Thiếu Khang trung hưng".  Từ vua Thiếu Khang truyền qua nhiều đời vua cho đến vua Kiệt mới mất thiên hạ về triều đại nhà Thương.  Triều đại Nhà Hạ ước lượng từ thế kỷ 21 tr CN cho đến thế kỷ 16 tr CN. 

 

Như vậy Hậu Nghệ là nhà thiện xạ.  Tương truyền rằng lúc đầu Thế gian (địa cầu) bị 10 Mặt Trời chiếu nên quá nóng bị thiêu đốt.  Hậu Nghệ mới bắn rơi 9 Mặt Trời chỉ còn lại 1 Mặt Trời nên Thế gian mới tồn tại được nhờ khí hậu ôn hòa hơn nhiều.

Từ chuyện Hậu Nghệ có liên quan đến Mặt Trời, Con người mới tạo ra chuyện "Hằng Nga bôn nguyệt" (Bôn = trốn chồng.  Bôn Nguyệt = trốn chồng tới ở Mặt Trăng) có liên quan đến Mặt Trăng.   

 

Chuyện "Hằng Nga bôn nguyệt"

Hằng Nga là vợ của anh hùng xạ nhựt Hậu Nghệ, người đã bắn rơi 9 cái mặt trời là 9 con quạ lửa thiêu đốt trần gian (nên chỉ còn 1 cái mặt trời cho tới bây giờ).  Do đó Hậu Nghệ được bà Tây Vương Mẫu tặng cho thuốc trường sanh bất tử.  Hằng Nga lén trộm thuốc của chồng uống vào nên thân hình nhẹ nhõm bay lên trời và bay tuốt đến Mặt Trăng lạnh lẽo.  Hằng Nga làm chủ (hay được Ngọc Hoàng Thượng Đế cho) cung Quảng Hàn và có con Thỏ ngọc (= Ngọc Thố) giả thuốc trường sinh.  

 

Quảng = rộng lớn.  Hàn = lạnh lẽo.  Mặt Trăng rộng lớn và phải "lạnh" (= hàn) để đối lại với Mặt Trăng "nóng" (= nhiệt).  Đó là lý do có tên "Quảng Hàn" được Con người đặt ra. 

 

Như vậy vì có chuyện Chồng (là Hậu Nghệ) có liên quan đến Mặt Trời nên có chuyện Vợ (là Hằng Nga) có liên quan đến Mặt Trăng.

 

Câu chuyện "Hằng Nga bôn nguyệt" cũng có thêm Con Thỏ (Thố) vì Trăng nhìn giống như Con Thỏ và câu chuyện dùng "thuốc tiên trường sinh" để gắn Con Thỏ vào: Con Thỏ là Thỏ giả thuốc.  "Hằng Nga ăn cắp thuốc thì Con Thỏ giả thuốc"?

Để câu chuyện có vẻ "quý phái", Hằng Nga là Tiên và ở "Cung" hay "Cung điện" và Thỏ phải là "Thỏ Ngọc" (= Ngọc Thố) hay "Thỏ Trắng" (Bạch Thố). 

 

Từ đó:

      Trăng (Mặt Trăng) còn được gọi là Cung Trăng (Nguyệt được gọi là Nguyệt Cung hay Nguyệt Điện).

      Cung Quảng Hàn (= Cung Quảng) = cung Trăng = Nguyệt cung.  Ngụ ý là Mặt Trăng. 

      Hằng Nga còn được thi văn gọi là Thường Nga hay Chị Hằng.  Mặt Trăng cũng được gọi là Gương Nga, Bóng Nga như trong Truyện Kiều. 

      Thỏ hay Ngọc Thố (hay Bạch Thố) cũng đồng nghĩa với Mặt Trăng.  

 

Thơ nước Việt có ghi:

 

HẰNG NGA NGUYỆT

Từ ngày gặp được thuốc đan sa
Chiếm
Quảng Hàn cung làm cửa nhà
Lầu ngọc cao hòa thế giới
Mày ngài rạng khắp sơn hà.
Năm hồ những lấy làm song viết
Bốn bể đều thìn thấy nết na
Thượng đế tuy hay nghiêm cấm đoán
Có đêm lởm thởm đến phòng ta.

(Thi nhân đời Hồng Đức)

 

VẤN NGUYỆT 

Trải mấy thu nay vẫn hãy còn
Cớ sao khi khuyết lại khi tròn?
Hỏi con
Bạch Thố đà bao tuổi?
Hỏi chị
Hằng Nga đã mấy con?
Đêm tối cớ sao soi gác tía?
Ngày xanh còn thẹn mấy vầng tròn
Năm canh lơ lửng chờ ai đó?
Hay có tình riêng mấy nước non?

(Hồ Xuân Hương)

 

Cung Quế

 

Vì có Trăng nhìn giống như cây Quế nên có chuyện Ngô Cương đốn Cây Quế do Con người đặt ra.  Thật ra có 3 câu chuyện. 

1. Có Ngô Cương ở Mặt Trăng bị Ngọc Hoàng phạt là có phận sự phải đốn cây Quế ở cung Quảng Hàn.  Ngô Cương lười biếng, mỗi ngày chỉ đốn có một nửa.  Qua đến ngày sau thì cây Quế lại mọc lại như cũ.  Do đó Ngô Cương cứ đốn hoài mà cây Quế vẫn còn hoài và Ngô Cương phải cứ đốn hoài mỗi ngày.  

2. Có chuyện khác cho rằng cây Quế rất cao và to, Ngô Cương không thể nào đốn hết trong một ngày và ngày hôm sau cây Quế lại mọc lại như cũ.  Cây Quế này thường được tả là cây Quế màu đỏ và cao 500 trượng.

3. Một câu chuyện khác kể rõ hơn: Ngô Cương là người đất Tây Hà đời nhà Hán, học phép Tiên nhưng vì phạm lầm lỗi nên bị thiên đình phạt làm công việc chặt cây Quế ở cung Trăng; Ngô Cương chém được nhát nào thì nhát búa lại liền ngay lát đó chứ cây Quế không bị đứt.

 

Con người lại đặt thêm chuyện để gắn liền Ngô Cương với Hằng Nga:

Ngô Cương là thiên binh (= lính trời) gát ở Nam Thiên môn tình cờ gặp Hằng Nga vì thế trốn làm việc tới cung Quảng Hàn chơi một ngày. Ngọc Hoàng phạt phải làm lính ở cung Quảng Hàn luôn.  

 

Cung Thiềm

 

Vì Trăng nhìn giống như con Thiềm thừ (= Cóc ba chân) nên có Con người gọi Nguyệt Cung (= Cung Trăng) là Thiềm Cung và giới thiệu từ ngữ này nhờ Ngô Cương.  Đó là Chuyện hay Thành ngữ "Thiềm cung chiết quế".  Theo đó, Ngô Cương ban cành Quế cho ai ở trần gian thì người đó thi đậu, danh đề bảng vàng hoặc đặc biệt hơn nữa là đậu Trạng nguyên!

Có thuyết khác cho rằng: Hằng Nga ban đầu vốn xinh đẹp nhưng sau khi bay lên Mặt Trăng thì bị Trời phạt nên biến thành con Thiềm thừ xấu xí.

 

Như vậy "Chuyện Ngô Cương" của người Trung Hoa có 2 phần: liên quan tới Hằng Nga và liên quan với con Thiềm thừ.

Chuyện Cung Quảng và Hằng Nga cũng có liên quan đến con Thiềm thừ.

 

Thơ nước Việt có ghi: 

 

CÂY QUẾ TRONG TRĂNG

Ấy chẳng thiềm cung đan quế vay?
Thế gian ít kẻ biết mùi cay
Thu thanh bóng tỏ mười phần sáng
Hồ sạch hương đong mấy hộc đầy
Củi hát tư mùa
Ngô dõi búa (*)
Thuốc đâm một chén
thỏ vung chày
Từ khi mình nhẹ nên bay cánh
Chiếm được ngôi cao bốn bể hay.

(Thi nhân đời Hồng Đức)

 

(*) Chú thích: Ngô là Ngô Cương.


 

Cuội và Cây Đa

 

Sang Nước Việt, Ngô Cương được người Việt biến thành "Cuội, Chú Cuội hay Thằng Cuội" và Cây Quế thành ra Cây Đa.  Hình như theo người Việt thì Cuội chỉ ngồi dưới gốc cây Đa chứ không phải đốn cây Đa.

 

Thơ nước Việt có ghi:   

 

MUỐN LÀM THẰNG CUỘ

Đêm thu buồn lắm! Chị Hằng ơi!
Trần thế em nay chán nửa rồi

Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi.
Có bầu, có bạn, can chi tủi
Cùng gió, cùng mây, thế mới vui
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám
Tựa nhau trông xuống thế gian cười.

(Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu)


 

Cung Nghê

 

Trăng còn có tên là Nghê Cung hay Cung Nghê là do sự tích của Đường Minh Hoàng lên Cung Trăng.  Có 2 tài liệu về sự tích này.

 

Theo truyền thuyết (sách Dị Văn Lục), nhân một đêm Trung Thu đang ngắm trăng vua Đường Minh Hoàng muốn lên cung Trăng chơi (Đường Minh Hoàng du nguyệt điện).  Đạo sĩ La Công Viễn (có sách chép là Diệp Pháp Thiện) là người có phép Tiên mới biến một dãi lụa trắng thành một chiếc cầu đưa nhà vua lên cung Trăng.  Tại Nguyệt điện, Đường Minh Hoàng thấy các tiên nữ múa hát cảm thấy say mê mà quên về nhưng nhà Đạo sĩ La Công Viễn nhắc nên vua mới trở về trần thế.

Nhờ ghi nhớ nên Đường Minh Hoàng chế ra khúc "Nghê thường vũ y" để tập cung nữ múa hát.  Rồi cứ mỗi đêm Trung Thu sau đó Đường Minh Hoàng cùng với Dương Quí Phi uống rượu dưới trăng ngắm đoàn cung nữ xiêm y rực rỡ uyển chuyển múa hát khúc Ngê thường để tưởng như đang sống ở cung Trăng (Nguyệt điện).

Truyền thuyết này có tính cách thần thoại.  

 

Sách Đường Thư chép:

Đường Minh Hoàng lên chơi nguyệt điện thấy các tiên nữ mặc áo cánh chim xiêm y ngũ sắc múa hát bài "Tây Thiên điệu khúc", đến khi trở về trần chỉ còn nhớ mang máng.  Nhằm lúc có Tiết độ sứ đất Tây Lương là Trương Kính Thuật từ đó trở về triều đem 1 khúc hát Bà La Môn đến hiến cho Đường Minh Hoàng.  Vua mới truyền đem san định lại và đổi tên là khúc "Nghê Thường Vũ Y".

Tài liệu này có phần đúng với thực tế hơn.

       Nghê là "cầu vồng" (tiếng miền Nam là "cái móng") do ánh nắng xuyên qua hơi nước trong mây mà phản chiếu thành bảy màu.  Sách Trung Hoa ngày xưa chỉ nhận định được có năm màu (ngũ sắc).

      Thường là "xiêm" để che hạ thân của người.

      Nghê Thường có nghĩa là xiêm có năm màu.

      Vũ Y là áo dệt bằng lông chim; hay có thể hiểu là kiểu áo theo hình cánh chim.

Ta có thể tưởng tượng rằng Nghê Thường vũ y là những vũ nữ mặc áo hình cánh chim còn quần thì phất phới ngũ sắc.

Tây Lương là ở phía cực Tây Bắc của Trung Quốc lúc bấy giờ giáp giới với Tây Vực (vùng Tân Cương bây giờ).  Tây Vực là con đường "Tơ lụa" (Silk road) mà người Trung Quốc sang Ấn Độ và các nước Trung Á.  Bà La Môn là người Ấn Độ.  Như vậy khúc hát Bà La Môn, tiền thân của khúc Nghê Thường Vũ Y, là của người Ấn Độ.

 

Thơ nước Việt có ghi:

 

VỊNH HẰNG NGA

Hỡi chị Hằng Nga náu Quảng Hàn
Bốn mùa trăng gió mấy giang san
Áo tiên tuy nhuộm màu Vương Mẫu
Hương tục còn nồng lửa Hậu Lang
Mắt phượng nhớ say mùi ngọc thố

Cung Nghê sao thẹn khúc cầm loan
Nẻo không duyên nợ người cùng thế
Xin chớ dầm mình nước hợp hoan.

(Hồ Xuân Hương)

*

Từ những Chuyện như trên có những từ ngữ dùng cho Trăng (Mặt Trăng) hay Nguyệt.

{Hán ngữ} - {Việt ngữ}

Nguyệt  (Trăng, Mặt Trăng, Gương Trăng)

Nguyệt Cung  (Cung Trăng)

Nguyệt Điện

Quảng Hàn Cung, Quảng Cung (Cung Quảng Hàn, Cung Quảng)

Quế Cung   (Cung Quế)

Thiềm Cung   (Cung Thiềm)

Nghê Cung     (Cung Nghê)

Thố, Ngọc Thố, Bạch Thố  (Thỏ, Thỏ Ngọc, Thỏ Trắng

Hằng Nga, Thường Nga  (Chị Hằng)     Gương Nga, Bóng Nga

Chiếc Bích và Vành Cung

 

Thơ của Hồ Xuân Hương có 2 câu nhắc thêm sự tích liên quan tới Mặt Trăng:

 

Giữa in chiếc bích khuôn còn méo

Ngoài khép đôi cung cánh vẫn khòm.

 

Chiếc bích = chiếc ngọc bích hình tròn có lỗ ở giữa.  Mặt Trăng "Tròn" (trong những Ngày Rằm) còn được gọi là Bích Nguyệt.

Đường cong của Mặt Trăng thường được ví như tráng sĩ giương cây cung.  Do đó Nguyệt Cung hay Cung Trăng là từ "Cung Quảng Hàn" nhưng từ ngữ "Cung" có thể cũng có từ sự tích này. 

 

Đây là nguyên văn bài thơ có 2 câu thơ như trên:

 

HỎI TRĂNG 

Một trái trăng thu chín mõm mòm
Nảy vừng
quế đỏ đỏ lòm lom!
Giữa in
chiếc bích khuôn còn méo
Ngoài khép đôi
cung cánh vẫn khòm
Ghét mặt kẻ trần đua xói móc
Ngứa gan
thằng Cuội đứng lom khom
Hỡi người
bẻ quế rằng ai đó
Đó có
Hằng Nga ghé mắt dòm.

(Hồ Xuân Hương)

 

 Như vậy, Con người ở thế gian nhìn lên Mặt Trăng (Trăng) thì còn thấy giống như hình thể:

       1. Chiếc bích (= chiếc ngọc bích hình tròn có lỗ ở giữa) nhất là trong những Ngày Rằm.  Mặt Trăng "Tròn" (trong những Ngày Rằm) còn được gọi là Bích Nguyệt.

       2. Vành cung của cây cung đang được xạ thủ giương lên. 

Tổng kết

 

Đây là bài thơ kết luận những danh tánh của Trăng (Mặt Trăng) từ những câu chuyện thần thoại của người Trung Hoa và người Việt.

 

TRĂNG 

Mặt Trăng thần thoại thú văn chương

Chiếc bích Trăng rằm Ngọc thố trương

Cung Quế liên quan hình Quế phách

Cung Nghê liên hệ vũ Nghê thường

Cung Thiềm con cóc ngồi ba cẳng

Cung Quảng Hằng Nga ẩn một phương

Trăng khuyết vành cung phô Nguyệt ảnh 

Cây Đa thằng Cuội gợi niềm thương. 

(Phan Thượng Hải)

10/2/23 

 

*

Theo tôn thờ của Đạo Giáo, trên Trăng còn có thêm một Tiên nữ khác là Tố Nga, ngoài Hẳng Nga và Trăng là một tinh tú của Thái Âm Tinh Quân.

 

Tây Du Ký của Đạo Giáo Trung Hoa viết:

Khi ấy Hộ Quốc Thiên vương nghe kêu, liền dẫn Tứ Ngươn soái (Bàng Ngươn soái, Lưu Ngươn soái, Tuân Ngươn soái, Tất Ngươn soái) đem binh cản lại.  Con tinh đi tới không đặng, tức mình trở lại đánh liều mạng với Hành Giả.  Tôn Hành Giả coi lại thấy đoản côn của con yêu, một đầu lớn một đầu nhỏ, coi như cái chày đâm thuốc.  Con tinh nghiến răng trẹo trẹo mà nói rằng: "Ngươi không biết binh khí của ta, hãy nghe cho rõ, vốn nó bằng ngọc, ở tại thiềm cung, quết thuốc trường sanh; không biết mấy ngàn năm mà kể, có sợ chi thiết bảng của ngươi, đánh nhằm một chày thì hồn về chín suối".  

Còn Tôn Hành Giả ráng sức bình sanh, đánh con yêu ấy trở tay không kịp, nó và đánh và thối lui cho tới trời tối.  Xảy nghe trên mây có tiếng kêu lớn: "Đại Thánh khoan đánh đã".  Tôn Hành Giả ngó ngoái lên, thấy Thái Âm Tinh Quân (là Nguyệt Quang Hoàng hậu, Bà Trăng) đi với Hằng Nga Tiên nữ, đã bay xuống trước mặt.  Thái Âm Tinh Quân nói: "Con yêu đánh với ngươi đó, là con Ngọc Thố của ta, nó thuở nay ở tại cung Quảng Hàn đâm thuốc huyền sương là trường sanh dược.  Bởi nó ăn cắp chìa khóa mở cửa cung mà trốn, đã một năm nay.  Ta đánh tay biết bữa nay nó bị nạn mà chết, nên xuống đây cứu nó.  Xin Đại Thánh vị mặt ta, tha nó làm ơn".  Tôn hành Giả nói rằng: "Bởi bà không rõ, ngỡ nó là hiền, chớ nó xuống phàm bắt Công chúa nước Thiên Trúc mà hưởng phú quí, nay nó gieo cầu nhằm thầy tôi, quyết chấm làm phò mã, thiệt là hai ba án không thể thứ tay".  Thái Âm Tinh Quân nói: "Đại Thánh không rõ chớ Công chúa không phải người phàm, nguyên trước là Tố Nga ở tại cung Quảng Hàn; cách 20 năm trước có đánh Ngọc Thố một vã.  Sau lại sanh tâm muốn việc trần tục, mới lén xuống đầu thai làm Công chúa nước Thiên Trúc.  Còn Ngọc Thố oán Tố Nga vã nó một cái, nên sau lén xuống báo cừu, mới bắt Tố Nga quăng ra ngoài đồng cho bỏ ghét, rồi hiện hình ở thế trong cung, tội ấy đáng giết.  Song sanh sự chấm Đường tăng làm phò mã, tội ấy không dung.  Tuy vậy mà chưa động chạm tới Đường tăng, xin Đại Thánh vị tình ta mà tha tội cho nó, ta sẽ đem nó về cung Quảng Hàn.

Thái Âm Tinh Quân liền chỉ con yêu mà nạt rằng: "Sao ngươi chưa hiện nguyên hình, còn đợi chừng nào nữa".  Con yêu ấy liền nhào xuống, hiện nguyên hình là con thỏ ngọc, lông trắng như sương.  Thái Âm Tinh Quân lấy dây cột cổ nó mà dắt.

 

Như vậy Cung Quảng Hàn của Trăng có Thái Âm Tinh Quân là chủ; có 2 Tiên nữ là Hằng Nga và Tố Nga; và có Ngọc Thố (con Thỏ ngọc) có lông màu trắng với phận sự giả thuốc trường sanh.   


 

Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền

 

Bài này đăng lần đầu tiên trong phanthuonghai.com mục Văn Hóa phần Tôn Giáo và Triết Học. 

 

Tài liệu tham khảo:

1) Google Wikipedia

2) Google Thi Viện Net

3) Tây Du Ký


 

Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền

  THƠ VÀ SỬ VIỆT - ANH HÙNG VIỄN DU

 

                                        Bs Phan Thượng Hải biên soạn


Thơ và Sử Việt có ghi lại 2 vị anh hùng viễn du vì đất nước.  Đó là ông Bùi Viện và ông Nguyễn Quang Diêu.


Bùi Viện

 

Vua Tự Đức và triều đình lại dùng ông Bùi Viện (1839-1878) đi sang Mỹ để xin cầu viện.  Ông Bùi Viện là người Nam Định, đậu Cử Nhân năm 1868, nguyên là một người giỏi về hải quân.  Ông vừa xây dựng xong cảng Hải Phòng và lập Tuần Dương Quân gồm có 200 chiến thuyền và 2000 (hải) quân.

 

Theo "Đất Việt Trời Nam" của Thái Văn Kiểm, ông Bùi Viện được vua Tự Đức cử ra ngoại quốc để tìm các cường quốc khác cầu cứu.  

Năm 1873, ông Bùi Viện đi tàu tới Hương Cảng giao du với các yếu nhân Trung Quốc.  Ông sáng suốt thấy là chỉ có nước Hoa Kỳ là có thể nhờ được và không hy vọng vào các nước Âu Châu (đều có chính sách thuộc địa).  

PTH_BuiVien_Grant.JPG

Được sự chỉ dẫn và giúp đỡ của Lãnh sự Hoa Kỳ tại Hương Cảng (Hongkong), ông Bùi Viện đáp tàu đi Hoành Tân (Yokohama) rồi vượt Thái Bình Dương sang Cựu Kim Sơn (San Francisco).  Từ Cựu Kim Sơn theo đường xe lửa, ông tới thủ đô Hoa Thịnh Đốn (Washington DC).  Sau một thời gian chờ đợi, ông Bùi Viện gặp được Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Ulysse S. Grant.  Tổng thống Grant từ chối không giúp được (về quân sự hay ngoại giao) vì ông Bùi Viện không có quốc thư chính thức của nước Việt Nam.  Ông Bùi Viện đành theo đường cũ trở về nước Việt.  

 

Khi trở về qua Hoành Tân, ông gặp người bạn cũ là quan Lãnh sự Hoa Kỳ tại Hương Cảng năm trước.  Ông có làm thơ từ giả xướng họa với mẹ của ông nầy vì bà là một người gốc Tàu.

 

(Xướng)

Ly chước Hoành Tân cửu nguyệt thu        Tháng chín Hoành Tân nhấp chén chơi

Nam vân hồi thủ chính du du                     Trời Nam ngoảnh lại dạ khôn nguôi

Ba đào mộng tỉnh sinh tân hứng                 Ba đào hứng mới tan hồn mộng

Thủy thổ hoài thâm ức cựu du                    Đất nước tình xưa tít dậm khơi

Ca vũ tăng đài kim hải quốc                        Lầu các coi chừng nay đổi mới

Phồn hoa nhân vật cổ bồng châu                 Bồng hồ riêng thú đã bao đời

Vi hoan tự tích hoàn vi biệt                         Vui vầy ngại nỗi khi chia rẽ

Tiên lữ hà niên cộng phiếm chu.                 Thuyền đó bây giờ lại thả bơi.

(Bùi Viện)                                                    (Phan Trần Chúc dịch)

 

(Họa)

Hoành kiều liễu sắc tiệm ly thu                   Sắc liễu cầu Hoành sắp hết thu (*)

Ác thủ phân trình vạn lý du                         Cầm tay chia ngả dậm xa sầu

Cựu ước Hoa thành ưng viễn phỏng            Hoa thành ước cũ nên thăm hỏi (*)

Kỳ phùng tiên đảo cánh huề du.                  Tiên đảo tình nay hết bạn bầu

Nguyệt lương khách ý phi tam nhật.            Ý khách vẩn vơ từ mấy độ

Hồ hải quân tâm hữu tứ châu.                      Lòng người man mác đã bao lâu

Liệu đắc minh triêu tương ức xứ                  Sáng mai nhớ chỗ xa nhau nhỉ

Trùng dương vân thủy các cô chu.               Riêng lá thuyền con vượt bể sâu.

(Mẹ của quan Lãnh sự)                                 (Phan Trần Chúc dịch)

 

(*) Chú thích:

Cầu Hoành là cầu ở Hoành Tân (Yokohama) của Nhật Bản. 

Hoa thành là Hoa Thịnh Đốn (Washington DC), thủ đô của Hoa Kỳ.


 

Có thuyết cho rằng ông Bùi Viện đi lần thứ nhì (cuối năm 1875) với quốc thư chính thức của vua Tự Đức và triều đình nhưng bấy giờ Mỹ lại thân với Pháp nên lại bị từ chối nên ông phải trở về nước (1877). 

 

Ông Bùi Viện cư tang mẹ và qua đời vào năm 1878.  Vua Tự Đức có lời khen

Trẫm ư tử, vị hữu thân ân nghĩa.  Tử nãi vị quốc an, nãi bảo gia an.  Thâm đồ viễn lự, quỷ thần đương diệc giám chi.

Dịch: 

Trẫm với người chưa có ân nghĩa gì.  Mà (người) đã coi việc nước như việc nhà.  Thân không quản xa xôi lo lắng, quỷ thần ắt cũng chứng giám cho vậy.

 

Năm 1873 là năm ông Jules Verne xuất bản “80 ngày vòng quanh thế giới”.  Ông Bùi Viện vừa đi vừa về thì cũng “vòng quanh thế giới” rồi, nhứt là băng qua Thái Bình Dương và đi xuyên qua nước Mỹ từ Tây sang Đông.  Và có thể ông Bùi Viện đã có tới 2 chuyến đi (1873 và 1875).

 

Qua những biến cố lịch sử, vua Tự Đức tự thán trước tình thế của đất nước

 

ĐÊM ĐÔNG TRÊN SÔNG HƯƠNG

Dạo cảnh đêm đông gió rét vừa

Sông Hương làn sóng gợn lưa thưa

Thuyền êm gió thoảng sao vừa sáng

Ai thấu tâm can của vị vua

Xã tắc lòng ta đau khổ mãi

Ví chăng tìm được kẻ tài ba

Tay chèo lái giỏi con thuyền vững

Thanh thản qua sông ắt dễ mà.

(Vua Tự Đức / Ưng Bình Thúc Giạ Thị dịch)


 

Nguyễn Quang Diêu

 

Phong trào Đông Du của ông Phan Bội Châu rất được người Nam Kỳ hưởng ứng vì năm 1904, ông Phan Bội Châu có đến Nam Kỳ vận động trước khi xuất dương sang Nhật.  

 

Ông Nguyễn Thần Hiến (1857-1914) là người Hà Tiên nhưng sống ở Cần Thơ.  Ông đem hết tài sản trong nhà ra ủng hộ (20,000 đồng lúc đó vào khoảng mất trăm cây vàng bây giờ) lập “Quỹ Khuyến Du Học Hội".  Bị Pháp tìm bắt, ông phải trốn sang Xiêm (1908) rồi đến năm 1910 sang Tàu gia nhập VN Quang Phục Hội làm Trưởng Chi bộ Nam Kỳ.  Ông Nguyễn Thần Hiến bị bắt ở Hương Cảng (1913) giải về Hà Nội (1914) sắp phải đày đi French Guiana (Nam Mỹ) nhưng ông tuyệt thực và chết trong tù Hỏa Lò ở Hà Nội (1914).  

Bạn tù là ông Nguyễn Quang Diêu có bài thơ tiếc:

 

NGUYỄN THẦN HIẾN

Bấy lâu bay bổng cánh chim hồng

Lạc lối giờ ra phải máy cung

Chín suối có thiêng hồn tổ quốc

Trăm năm còn tạc gánh tang bồng

Đổi dời nghĩ gớm câu dâu bể

Thổ lộ cùng ai chuyện núi sông

Thôi để làm gương cho sắp bé

Ngàn năm trong nước dấu anh hùng.

(Nguyễn Quang Diêu)

 

Ông Nguyễn Quang Diêu (1880-1936) là người Cao Lãnh.  Năm 1913, ông cùng một số người Nam Kỳ sang Hương Cảng để gia nhập cách mạng theo ông Phan Bội Châu và ông Nguyễn Thần Hiến nhưng chẳng may bị Pháp bắt cùng lúc với ông Nguyễn Thần Hiến ở Hương Cảng và giải về Hà Nội.  

PTH_NgQDieu.JPG

Sau đó ông Nguyễn Quang Diêu bị đày đi French Guiana (1914).  Bị giải lên tàu ở Hà Nội, ông và các bạn tù Việt Nam qua Ấn Độ Dương, kênh Suez và Địa Trung Hải tới Marseille.  Sau 1 thời gian ngắn bị tạm giam ở Marseille, ông Nguyễn Quang Diêu và các bạn lại bị giải lên tàu xuyên qua Đại Tây Dương tới French Guiana (1914). 

Năm 1917, ông Nguyễn Quang Diêu cùng 2 bạn là ông Đinh Hữu Thuật và ông Lý Liễu vượt ngục trốn sang Trinidad (Trung Mỹ).  Papillon Henri Charrière phải mất 11 năm mới trốn khỏi French Guiana (1941) trong khi đó ông Nguyễn Quang Diêu chỉ cần 3 năm.

Sau 3 năm sống ở Trinidad, vào năm 1920, ông Nguyễn Quang Diêu lên Washington DC đi tàu của lái buôn Trung Quốc vượt biển tới Hương Cảng (Hongkong).  Chuyến đi nầy qua kênh đào Panama và Thái Bình Dương.  

Từ khi bị bắt ở Hương Cảng (1913) cho tới khi trở lại Hương Cảng (1920) ông Nguyễn Quang Diêu đã đi vòng quanh thế giới, và chắc chắn là người Việt đầu tiên hoàn thành công trình nầy.  Jules Verne tả chuyện đi vòng quanh thế giới trong 80 ngày nhưng ông Nguyễn Quang Diêu đi mất 8 năm và đi ngược đường với câu chuyện của Jules Verne. 

 

Từ Hương Cảng (1920), ông Nguyễn Quang Diêu tới Quảng Châu tìm ông Phan Bội Châu và Kỳ Ngoại hầu Cường Để nhưng chỉ gặp được ông Nguyễn Hải Thần.  Do đó, ông tới sống ở Tứ Xuyên.  Năm 1926, ông Nguyễn Quang Diêu trốn về Nam Kỳ, đổi tên là Trần Văn Vẹn, tiếp tục đi khắp nơi bí mật hoạt động chống Pháp cho đến khi mất vì bệnh ở Tân An (1936).  

 

Cuộc đời hy sinh vì cách mạng của ông Nguyễn Quang Diêu là một thiên hùng ca.  Ông lại là một thi sĩ đại tài đã để lại những bài thơ tuyệt tác.

 

Tinh thần ái quốc trước khi sang Trung Quốc:

 

TỰ THUẬT

Nghĩ mình mang lấy tiếng nam nhi

Cái nợ cung dâu gánh nặng trì

Tuổi tác đã vừa ba chục chẵn

Công danh chưa có ít nhiều chi!

Rừng cao yến đổ yên nhờ chỗ

Gió thuận hồng mong gặp gỡ khi

Xem khắp thế tình rồi nghĩ nghị

Muốn noi Thánh trước cỡi bè đi. (*)

(Nguyễn Quang Diêu) 1910

 

(*) Chú thích: 

Tương truyền Tổ Thiền Tông là Bồ Đề Đạt Ma cỡi bè đi đường biển từ Ấn Độ tới Trung Quốc.  (Chuyện nầy được truyền bá ở Nam Kỳ trong thời Pháp Thuộc).

 

Khi xuất dương đi Trung Quốc theo cách mạng không kịp giã từ vợ, ông viết bài thơ nhờ bạn chuyển cho vợ:

 

GIÃ VỢ ĐI LÀM CÁCH MẠNG

Sông cũng khi khô, đá cũng mòn

Cùng ai tạc một tấm lòng son

Trăm năm ngồi đứng trong trời đất

Một kiếp thề ghi với nước non

Hương hỏa trước mong duyên mãi mãi (*)

Tang bồng nay há nợ con con (*)

Ai ơi ! hãy nếm mùi ly biệt

Có nếm rồi ra mới biết ngon!

(Nguyễn Quang Diêu) 1913

 

(*) Chú thích

Hương hỏa: do câu "Tam sinh hương hỏa", dùng để chỉ việc nhơn duyên có con cháu nối dõi.  Sách Quỳnh Ngọc Chú chép: có người con trai tên là Tỉnh Lang chiêm bao thấy đi chơi non Bồng, gặp một nhà sư tụng niệm, trước mặt có hương thắp khói bay (Hương hỏa) nên hỏi; nhà sư trả lời "khi cắm hương khấn nguyện, hương còn cháy mà đã sinh ra 3 kiếp người rồi (Tam sinh).

Tang bồng: (Cái cung bằng) cây dâu, (cái tên bằng) cỏ bồng.  Nói đủ câu là "Tang bồng hồ thỉ".  Tục lệ người Tàu xưa khi sanh con trai thì dùng cung bằng cây dâu và tên bằng cỏ bồng mà bắn ra 4 phương và trên trời dưới đất để cầu cho đứa bé lớn lên được thỏa chí khí dọc ngang khắp sông hồ.   


 

Những bài thơ lúc bị tù đày:

 

TẾT TÂY TRONG ĐỀ LAO

Vừa khỏi Du dê đến Tết Tây (*)

Gớm ghê máy tạo lẹ làng xây

Nom ra thành phố cây cờ phất

Ngảnh lại non sông nước mắt đầy

Vui sướng thiếu gì ai nấy đó

Đắng cay chỉ có lũ mình đây!

Rau xanh vài dĩa cơm vài bát

Cũng gọi là vui cái tiệc nầy.

(Nguyễn Quang Diêu) 1914

 

(*) Chú thích:

Tết Tây đầu năm 1914 ở nhà ngục Hỏa lò, Hà Nội.  Du dê = (tháng) Juillet, ý nói ngày lễ Độc lập của Pháp (14 Juillet)


 

BỊ GIAM Ở MARSEILLE CẢM TÁC

Chẳng biết rằng mình có tội chi

Tội chi nào có, có nao gì!

Phép thần công lý đành không hiệu

Luật nước văn minh gẫm cũng kỳ

Nếm mật nằm gai đành tạm lúc

Sổ lồng tháo cũi hẳn chờ khi

Làm sao cũng chẳng làm sao vậy

Thương nước gan ông nó đã lỳ.

(Nguyễn Quang Diêu) 1914

 

CẢM TÁC KHI ĐI ĐÀY ĐẾN CAI DANH (*)

Bấy chầy mong mỏi xứ Cai Danh

Phong cảnh xem qua bắt động tình

Bể rộng mênh mông dòng nước biếc

Nội bằng mờ mịt mạn rừng xanh

Dã man thảm hại cho người đó

Tân khổ nài bao cái lũ mình!

Tuyệt chủng rõ ràng gương dưới mắt

Trông người, ta lại ngẫm mà kinh.

(Nguyễn Quang Diêu) 1914

 

(*) Chú thích: 

Guiana có 3 phần: thuộc Pháp, Anh và Hà Lan.  Ông Nguyễn Quang Diêu bị đày ở Guiana thuộc Pháp.  Thị trấn của Guyenne (French Guiana) là Cayenne, đọc âm tiếng Việt thành ra Cai Danh.

 

Tương truyền bài dưới đây (gồm 10 bài theo thể Liên Hườn) làm ở Quảng Châu sau khi từ Guiana trở về (1920) và ông Nguyễn Hải Thần có họa lại nhưng bài họa bị thất lạc không tìm được.


 

SẦU NON NƯỚC

 

Hỏi tôi buồn những sự gì đây

Mượn rượu làm khuây cũng chẳng khuây?

Mắt mãi chứa chan cơ hội trước

Lòng hằng chua xót nước non nầy

Hồn khôn vấn vít thân còn dở

Phách dại mơ màng kiếp sống say (1)

Bĩ thái then trời đâu dễ chắc (2)

Lẽ nào có rủi lại không may.

 

Không may sá quản chút thân này

Thượng Đế ngồi cao lẽ cũng hay!

Đường lắm chông gai chơn ngại bước

Trời chưa mưa gió cánh không bay

Tấm lòng hồ thỉ còn mong mãi (3)

Món nợ san hà muốn trả ngay

Vẫn tính vẫy vùng cho phỉ chí

Ngặt vì còn thiếu cả chân tay.

 

Chân tay thiếu cả liệu sao mà

Biết ngỏ cùng ai tâm sự ta?

Tủi phận vẩn vơ hùm lạc núi

Xót thân dật bạ chó không nhà (4)

Bệnh nghèo vắng thấy tay trừ quỉ

Cơn ngặt ầm nghe tiếng nhát ma!

Mùi có nếm rồi, rồi mới biết

Càng cay đắng lắm chí càng già.

 

Chí càng già dặn lúc truân chuyên

Có đẩy xô gì chẳng đổ nghiêng

Dầu tớ chạy nam dầu chạy bắc

Mặc ai rằng nghịch mặc rằng điên!

Rừng nhiều beo hạm tay không súng

Đường lắm tàu xe túi chẳng tiền

Mưa nắng chi chi đâu dám nại

Ấy là trách nhiệm giống Rồng Tiên.

 

Giống Rồng Tiên trước kém gì ai

Mày mặt giờ ra thẹn với đời

Toan cắp Thái Sơn sang bể cả 

Rắp đem tinh vệ lấp miền khơi (5)

Vai hằng gánh nặng thù non nước

Lòng mãi vương mang nghĩa đất trời

Thành bại lẽ thường đâu sá quản

Gọi là trả chút nợ làm trai.

 

Làm trai nay gặp hội tân trào

Ngồi đấy khoanh tay nỡ bụng nào!

Ách thảm nặng quằn vai nghĩa liệt

Lửa thù đốt cháy ruột anh hào

Trông về non nước lòng thêm bận

Đoái lại mày râu tuổi đã cao

Thời đại thế mà dân tộc thế

Không cùng khóc ngất lại cười nhào. (6)

 

Cười nhào những đứa giả văn minh

Mượn lối thương dân tính lợi mình

Gạt chúng khua rầm mồm nhiệt huyết

Dối đời lơ láo mắt vô tình

Bộ tuồng công đức trông ra dáng

Cái lốt nô nhan lộ cả hình (7)

Huyết tánh con người ai lại chẳng

Dại gì không tưởng đến sanh linh.

 

Sanh linh rủi gặp lúc phong trần (8)

Nước chẳng ra gì lựa đến thân!

Ngoài cuộc điên ba trông vắng bặt (9)

Trong vòng nô lệ đứng chần ngần

Sóng tràn chán mắt làng phi cựu (10)

Sấm nổ ầm tai tiếng cách tân (11)

Ai cũng anh em Hồng Lạc cả

Ai ơi phải biết phận làm dân!

 

Phận làm dân tộc nước Nam ta

Hơn bốn nghìn năm nối nghiệp nhà

Mở rộng gian san cho cháu chắt

Hao bao huyết hãn của ông bà (12)

Máu thù nô lệ sôi lòng trẻ

Cuộc biến tang thương chán mắt già (13)

Tình cảnh thế nầy không thể chịu

Bút linh đành mượn đánh đàn ma.

 

Đàn ma hút cả máu dân gầy

Bảy tám mươi năm trải đến rày

Mưa gió Mỹ Âu mòi đã trổ

Anh em Hồng Lạc giấc còn say!

Biển trần chưa định thân chìm nổi (14)

Cuộc biến còn nhiều lúc rủi may

Nỗi nước nỗi nhà còn lắm nỗi

Hỏi tôi buồn những sự gì đây?

 

(Nguyễn Quang Diêu) 1920

 

Chú thích:

(1) Sống say: do câu "Túy sinh mộng tử" (Sống giữa cơn say, chết trong chiêm bao, trong mộng mị)

(2) Bĩ thái = suy và thịnh.  Then trời: ý nói "cơ trời", có khi "máy trời"

(3) Hồ thỉ: từ câu "Tang bồng hồ thỉ", sự tích như "Tang bồng".

(4) Dật bạ = trôi nổi lông bông tạm bợ không chắc vào đâu.  Tiếng thông dụng ở Nam kỳ vào thời đó.  Đó là chữ đôi: Dật = thất lạc; Bạ đi đôi với Dật, không có nghĩa gì hết.

(5) Tân trào = Trào lưu mới

(5) Tinh vệ: tên một loại chim nhỏ ở ngoài biển.  Tục truyền con gái vua Viêm Đế vì chết chìm nên căm tức hóa thành chim ngậm đá để lấp biển.  Nghĩa bóng: người có một mối thù thâm sâu, quyết trả cho được.

(6) Cười nhào = cười dữ lắm đến lộn nhào người ra

(7) Nô nhan = mặt (người) đày tớ.  Do câu "Nô nhan tỳ tất" (Mặt đày tớ, gối con hầu).  Ngụ ý khinh khi.

(8) Sanh linh = con người

(9) Điên ba = sóng dữ.  Có bản chép "phong ba" (sóng gió)

(10) Cách  cựu = trái với "cựu"; không thủ cựu (=không giữ cái cũ)

(11) Cách tân = làm ra cho mới

(12) Huyết hãn = máu và mồ hôi

(13) Tang thương: do câu "Thương hải biến vi tang điền" (Bể xanh hóa thành ruộng dâu); ý nói cuộc thay đổi lớn.  Từ ngữ "Bể dâu" cũng cùng một nghĩa.

(14) Biển trần = cõi trần thế rộng như biển cả


 

Năm 1926, ông Nguyễn Quang Diêu đến viếng mộ của ông Phạm Hồng Thái ở Hoàng Hoa Cương và có làm nhiều bài thơ, nay chí còn truyền lại 1 bài:

 

HOÀNG HOA CƯƠNG (*)

Mồ bảy mươi hai liệt sĩ đây

Hoàng Hoa Cương hẹn đã bao ngày

Liễn nêu dũng cảm đời roi dấu

Bia tạc anh hùng địch khiếp oai

Ngắm cảnh riêng mừng non nước đấy

Trông gương như đốt ruột gan nầy

Kèn khi khởi nghĩa dường nghe giục

Gánh nợ quê hương nặng lại đầy

(Nguyễn Quang Diêu) 1926

 

(*) Chú thích:

Hoàng Hoa Cương (ngọn đồi Hoàng Hoa) là nơi dành chôn 72 liệt sĩ Quốc Dân đảng Trung Hoa tử trận trong cuộc khởi nghĩa ở Quảng Châu ngày 29-3-1911 (trước cách mạng Tân Hợi tháng 10, 1911).  Sau khi Liệt sĩ Phạm Hồng Thái chết ở sông Tây giang, Quảng Châu; Tổng đốc Hồ Hán Dân cho cải táng từ chân đồi Bạch Vân về Hoàng Hoa Cương (tháng 3, 1925).


 

Những bài thơ sau khi về nước cho đến khi qua đời (1926-1936).  Ông Nguyễn Quang Diêu phải hoạt động bí mật, trốn tránh chính quyền thuộc địa:

 

KHÔNG NHÀ KHÔNG NƯỚC

Chẳng phải tiên cũng chẳng phải thần

Không nhà  không nước khổng ra thân

Trời cao lồng lộng ê da óc

Đất rộng mênh mông sợ sẩy chân

Tím ruột bầm gan nhìn võ trụ

Châu mày sốt mắt ngó đay cân

Thôi liều nhắm mắt đưa chơn vậy

Một kiếp phù sinh dễ mấy lần.

(Nguyễn Quang Diêu)

 

THƯƠNG ... TRÁCH

Thương ai ai nỡ chẳng thương mình

Tưởng lúc gian truân chán thế tình

Nhớ đến thề lòng non với nước

Trông sao bền dạ sắt cùng đinh

Đợi cơn mây kịt trời dông dữ

Chờ hội trời nghiêng đất hết chinh

Than phận thuyền con mà bể cả

Trách vì chưa phỉ chí bình sinh.

(Nguyễn Quang Diêu)

 

KHÔNG NHÀ

Thiên hạ bao nhiêu bợm chẳng nhà

Hỏi coi ai có cảnh như ta ?

Phôi pha tình tứ thơ và rượu

Chầu chực hôm mai chó với gà

Thấy khách toan mời e khách lạ

Trông trời muốn hỏi ngại trời xa

Thôi ôm cầm đợi tri âm đã

Sẽ ngỏ cùng nhau chuyện ruột rà.

(Nguyễn Quang Diêu)

 

NƯƠNG MÌNH CỬA PHẬT

Trải nếm mùi trần chán đắng chua

Tương rau đạm bạc bữa cơm chùa

Răng lòng cửa Phật cơn sa sút

Nóng ruột đường đời nỗi được thua

Tủi kiếp trầm luân làn sóng dập

Tỉnh hồn đọa lạc tiếng chuông khua !

Co tay tính lại mười năm lẻ

Trải lắm mùi trần chán đắng chua ?

(Nguyễn Quang Diêu)

 

PHẬN BÈO

Liều lĩnh gì hơn cái phận bèo

Mặc dầu sóng gió nổi phêu phêu

Ngảnh tai phiêu bạc chầm theo nước

Gởi dấu đông tây cứ chực dèo (*)

Tầm khách tha hương đoàn tụ mãi

Báo phương ngư phủ thảm sầu đeo

Trông vời bể cả bườn men tớt

Liều lĩnh gì hơn cái phận bèo !

(Nguyễn Quang Diêu)

 

(*) Chú thích: Chực dèo = chờ mòi = chờ đợi và coi mòi.  Từ ngữ miền Nam lúc bấy giờ.


 

Chí khí của ông Nguyễn Quang Diêu không thay đổi:

 

NGÀY TẾT THẤY CỜ CẢM TÁC

Dọc ngang cờ Pháp với cờ Tàu

Ủa lá cờ ta hẳn ở đâu?

Trông thế lực người sôi máu sắt

Nghĩ danh giá nước thẹn mày râu

Non sông vì nợ xưng Hồng Lạc

Mặt mũi nào còn ngó Mỹ Âu

Vinh nhục chung nhau ai cũng thế

Thương nhau ta phải liệu sao nhau?

(Nguyễn Quang Diêu)


 

So với ông Phan Bội Châu cũng vào lúc cuối đời:

 

CÂY CỜ

Ai ơi xin thử ngó cây cờ

Một lá kia kìa dáng phất phơ

Cao thấp quyền về tay kẻ múa

Trắng vàng màu lựa mặt người ưa

Trên cao mấy cửa chiêu bài hão

Xoay đủ tứ bề ngọn gió đưa

Rồi cũng về tay ai nấy phất

Xôn xao dưới bóng bọn vây hùa.

(Phan Bội Châu)


 

Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền

 

Bài viết này là trích đoạn trong 2 bài đăng trong phanthuonghai.com mục Lịch Sử và Thơ Văn phần Thời Pháp Thuộc

Thơ và Sử Việt - Thời Pháp Thuộc (Thế kỷ 19) (Bs Phan Thượng Hải)

Thơ và Sử Việt - Thời Pháp Thuộc (Thế kỷ 20) (Bs Phan Thượng Hải)

Xin gửi bài đọc nhân dịp Rằm Tháng Bảy.

Từ sự tích của Vu Lan đến Trung Nguyên; và ý nghĩa thay đổi từ Ấn Độ đến Trung Quốc cũng như thay đổi theo thời gian từ xưa đến nay! 

Sống phải theo thời chứ không thì là "lạc hậu"?

Hải _________________

 

 

SỰ TÍCH TẾT TRUNG NGUYÊN VÀ LỄ VU LAN 

(Bs Phan Thượng Hải biên soạn)  

 

Tết Trung Nguyên đúng vào ngày Rằm tháng bảy.  Sự tích bắt đầu từ kinh Vu Lan Bồn của Phật Giáo và ngày Tự Tứ của Phật Giáo Ấn Độ là ngày Rằm tháng bảy của Trung Quốc.

 

* Mục Kiền Liên (Moggallàna) và kinh Vu Lan Bồn 

 

Kinh Vu Lan Bồn viết:

Một thời, Đức Phật trú tại khu vườn Kỳ Đà Cấp Cô Độc.  Trưởng giả Đại Mục Kiền Liên chứng đắc sáu thứ Thần thông dùng đạo nhãn quán sát khắp thế giới, thấy người mẹ đã qua đời của mình bị đọa trong loài Ngạ quỷ, không được ăn uống nên thân hình chỉ còn da bọc xương.  Tôn giả Mục Kiền Liên thấy vậy vô cùng xót thương buồn bã, liền lấy bát đựng đầy cơm và vận dụng thần thông đem hiến dâng cho mẹ.  Bà mẹ vừa nhận được bát cơm , liền dùng tay trái che đậy, tay phải bốc ăn, cơm chưa vào miệng đã hóa thành than hồng nên không thể ăn được.  Tôn giả Mục Kiền Liên lớn tiếng than khóc trở về bạch với đức Phật, thuật lại đầy đủ mọi sự việc như vậy.

Đức Phật bảo:

         Thân mẫu của ông tội chướng sâu dày.  Tuy lòng hiếu thảo của ông vang động trời đất nhưng cũng không ai có thể làm gì được.  Nay ông phải nhờ oai lực của Tăng chúng ở mười phương thì mới có thể thoát được.

         Này Mục Kiền Liên!  Ngày rằm tháng bảy là ngày Tự tứ của mười phương Tăng chúng, nên vì cha mẹ 7 đời, cha mẹ hiện tại và những người đang ở trong vòng khổ nạn luân hồi mà sắm sửa đầy đủ cơm nước thức ăn và giường nằm đầy đủ để dâng chúng đại đức Tăng chúng khắp mười phương.  Vì giới pháp thanh tịnh đầy đủ nên đạo đức của Tăng chúng sâu rộng mênh mông.  Nếu có người dâng cúng Tăng chúng Tự tứ như vậy thì tất cả cha mẹ bà con quyến thuộc trong đời hiện tại đã quá vãng sẽ được siêu sinh trong 3 đường khổ liền được đầy đủ áo cơm.  Nếu cha mẹ lục thân quyến thuộc còn sống thì được hưởng phước lạc sống lâu trăm tuổi, còn cha mẹ già quá khứ 7 đời thì được sinh lên cõi Trời Tự Tại hóa sinh trong cõi Trời, hoa lệ chói sáng, hưởng vô lượng phước lạc.

Bấy giờ Đức Phật bảo Tăng chúng mười phương hoặc ở nơi Tăng chúng hoặc ở chùa tháp phải chú nguyện như vậy rồi sau mới thọ thực (ăn).

Khi ấy Tôn giả Mục Kiền Liên cùng với chư vị Đại sĩ Bồ tát đều rất hoan hỷ, tiếng than khóc bi thương của ngài Mục Kiền Liên cũng tan biến.  Thân mẫu của ngài cũng trong ngày ấy được thoát khổ trong loài Ngạ quỉ.

Khi ấy ngài Mục Kiền Liên lại bạch:

         Bạch Thế tôn!  Thân mẫu của con đã được siêu thoát, đó là nhờ năng lực công đức Tam Bảo, trong đó có uy lực của Tăng chúng.  Nếu đời vị lai, tất cả đệ tử của Đức Phật muốn hiếu thuận phụng dưỡng cha mẹ thì kinh Vu Lan Bồn nầy có thể cứu độ cha mẹ hiện tại cho đến cha mẹ 7 đời chăng?

Đức Phật nói:

         Nầy Mục Kiền Liên! Điều mà Như Lai muốn nói, Tôn giả đã hỏi.

         Nếu có Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, quốc vương, vương tử, đại thần, tể tướng, tam công, bách quan cùng cả thảy dân chúng muốn thực hành đức từ hiếu, trước nên vì cha mẹ hiện tiền, kế đó cha mẹ 7 đời trong quá khứ là cứ đến Rằm tháng Bảy, ngày chư Phật hoan hỷ, ngày chư Tăng tự tứ, nên sắp đặt đủ các loại trái cây thức ăn nước uống vào bồn Vu Lan để dâng cúng chư Tăng ở mười phương.  Ngày chư Tăng Tự tứ câu nguyện cha mẹ hiện còn sống lâu trăm tuổi, không bệnh tật.  Cha mẹ trong 7 đời quá khứ thoát khỏi khổ đau trong loài Ngạ quỉ, được sinh trong cõi Trời, người phước lạc an vui.

         Thiện nam tín nữ là đệ tử của Đức Như Lai phải nên thực hành chữ hiếu, trong mỗi niệm thường thương tưởng đến cha mẹ hiện tại, cho đến cha mẹ 7 đời trong quá khứ.  Hằng năm đến ngày Rằm tháng Bảy, đem lòng từ hiếu thương tưởng song thân cha mẹ hiện tiền, cha mẹ 7 đời quá khứ, sắm sửa bồn Vu Lan, hiến cúng Phật đà, dâng cúng Tăng chúng để đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ.  Nếu là đệ tử của Đức Phật thì phải tuân giữ điều ấy.

Lúc ấy, Tôn giả Mục Kiền Liên cùng với chúng đệ tử nghe Phật giảng dạy đều rất hoan hỷ tín thọ phụng hành.  

 

Vu Lan Bồn Kinh (Ullambana sùtra) được Trúc Pháp Hộ dịch ra Hán ngữ và từ đó chuyển âm sang Việt ngữ.  Vu Lan Bồn Kinh dịch đầy đủ ra Hán ngữ là "Phật Thuyết Vu Lan Bồn Kinh".

Trúc Pháp Hộ là tên Hán ngữ của nhà sư người Thiên Trúc (Ấn Độ) tên là Dharmaraksa (239-316).

"Vu Lan Bồn" là dịch âm từ Phạn ngữ "Ullambana".  Ullambana có nghĩa đen là "Cứu đảo huyền".  "Đảo huyền" là "treo ngược".  "Cứu đảo huyền" (Ullambana) có nghĩa là cứu những ai bị treo ngược (bị khốn khổ).  Trúc Pháp Hộ dùng nghĩa đen của "Vu Lan bồn" là "bồn Vu Lan" trong kinh là không đúng.   (Bồn = basin).

 

Kinh Vu Lan Bồn như trên đã kể lại câu chuyện Moggallàna (Mục Kiền Liên) cứu giúp Mẹ mình đang khốn Khổ trong cõi Ngạ quỉ nhờ lời dạy của Phật Thích Ca.  Tuy nhiên ý nghĩa của Kinh Vu Lan Bồn còn rộng hơn.

Theo kinh Vu Lan Bồn, dâng cúng ăn ở cho Tăng chúng trong ngày Tự tứ (ngày Rằm tháng 7, ngày 15 tháng 7) thì nhờ Đạo Đức (morality) "sâu rộng mênh mông" của Tăng chúng (monks and nuns) mà Cha Mẹ và thân quyến của mình được những phước:

         Cha mẹ và thân quyến đã chết bị siêu sinh trong 3 đường Khổ (3 Khổ đạo) liền được đầy đủ áo cơm.  (3 Khổ Đạo trong Lục Đạo Luân Hồi là: Địa ngục, Ngạ quỉ và Súc sinh).

         Cha mẹ và thân quyến đang sống sẽ được hưởng phước lạc mạnh khoẻ sống lâu trăm tuổi.

         Cha mẹ và thân quyến trong quá khứ 7 đời sẽ được tái sinh lên cõi Trời.

Tất cả cũng là thể hiện của lòng Hiếu của Phật tử. 

 

Nhưng tại sao lại dâng cúng vào ngày Tự tứ (ngày Rằm tháng 7, 15 tháng 7)?  Ngày Tự tứ là ngày gì?  Ngày Tự tứ là ngày cuối của 3 tháng Vũ Kỳ An Cư của Tăng Già.  Nó có lịch sử từ Luật Tạng của Phật Giáo Nguyên Thủy:

         Vũ Kỳ An Cư (Residence during the rainy season Reyreat = Varsavasana): Vì mỗi năm cứ vào mùa mưa (Vũ Kỳ), nước lũ dâng lên tràn ngập cả đường lối làm sự đi lại giáo hóa, truyền đạo và khất thực không thuận tiện, hơn nữa lại là mùa côn trùng sinh ra đầy đường, đi lại sợ tổn hại tới sinh mạng các loài côn trùng nên Phật Thích Ca cùng các Đệ tử phải tụ họp tại một nơi nào thuận tiện để chuyên việc tu hành trong 3 tháng mưa nầy (từ ngày 16-4 cho tới 15-7)

         Ngày Lễ Tự Tứ (Pavàranà): Trong 3 tháng tu trì của Vũ Kỳ An Cư, nếu đại chúng có ai phạm vào tội lỗi mà đại chúng ngờ vực thì được tự do cử tội trong ngày lễ Tự Tứ (ngày 15-7, ngày cuối cùng của Vũ Kỳ An Cư).

 

* Lễ Vu Lan và Tết Trung Nguyên 

 

Nhân sự tích nầy nên có hội lễ Vu Lan trong nhân gian vào ngày Rằm (15) tháng 7 hằng năm.

Lễ Vu Lan bắt đầu ở Trung Quốc từ thời Lương Võ Đế (464-549), một vị vua rất sùng Phật Giáo.  Ngày Rằm (15) tháng Bảy gọi là ngày (Tết) Trung Nguyên có mở hội Vu Lan (Vu Lan Bồn) ở khắp chùa chiền tu viện và trong toàn dân chúng kỷ niệm sự tích Mục Kiền Liên cứu Mẹ nói riêng và thể hiện lòng hiếu thảo của Chúng sanh nói chung.  Dân chúng làm đúng như trong Kinh Vu Lan Bồn đã dạy: cúng dường thực phẩm cho Tăng chúng.  Tuy nhiên còn có mở thêm hội Hoa đăng (cúng rước đèn hoa) và bá tánh còn cúng thêm (trên bàn thờ) cho "Cô Hồn" (tức là Quỉ đói = Ngạ quỉ).

Phong tục nầy được truyền sang các nước khác của Bắc Tông như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Việt Nam... 

 

Chuyện Mục Kiền Liên (Moggallàna) cứu mẹ được người Tàu viết thành nhiều tuồng hát và tiểu thuyết diễn tả Mục Kiền Liên xuống Địa ngục cứu mẹ, đơn giản tên Mục Kiền Liên thành Mục Liên và đặt tên cho mẹ của ngài là Thanh Đề.  Đó là những chuyện mang tựa đề: Mục Liên Cứu Mẫu Biến Văn, Mục Liên Cứu Mẫu Bản Quyển, Mục Liên Tam Thế Bản Quyển...  Theo truyện Tàu, tuy được cứu thoát nhưng bà Thanh Đề phải tái sinh làm một con chó đen ở thành Vương Xá (Rajagrha) và Mục Liên phải trổ thần thông một lần nữa cứu bà Thanh Đề tái sinh thành người.  Dĩ nhiên cõi Địa ngục trong những truyện nầy khác cõi Ngạ quỉ trong kinh Vu Lan Bồn.

Theo Phật Giáo từ Nguyên Thủy, cõi Địa ngục và cõi Ngạ quỉ là 2 cõi khác nhau! 

 

* Từ những sự tích trên, Phật tử ngày nay có cảm  nghĩ về lễ Vu Lan và rằm Trung Nguyên:

 

VU LAN

Tự lòng hiếu thảo có người hiền

Sự tích Vu Lan dạy trước tiên

Thân mẹ xấu xa hồn giải thoát

Tâm con thương xót dạ bình yên

Chúng sanh quả nghiệp thêm đau khổ

Phật Giáo từ bi hết muộn phiền

Trăng sáng Trung Nguyên soi chánh đạo 

Thiện lương bản tánh bước an nhiên.

(Phan Thượng Hải)

9/4/17

 

VU LAN NHỚ SONG THÂN

Tuổi già thấm hiểu nghĩa thần hôn (*)

Rất tiếc ngày nay chẳng bảo tồn

Báo trả công cha chưa trọn vẹn 

Đáp ₫ền nghĩa mẹ chửa vuông tròn

Chở che con cái khi thơ dại

Dạy dỗ nên người lúc lớn khôn

Mỗi tiết Vu Lan về lại nhớ

Song thân khuất bóng, tánh hòa ôn.

(Chánh Minh Nguyễn Văn Minh)

6/11/21

 

(*) Chú thích: "Nghĩa thần hôn" = thần hôn là sớm chiều, ý nó́i nghĩa con cái sớm chiều săn sóc cha mẹ.

 

 

Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền

 

Bài văn này là trích đoạn của bài "Sự Tích Những Ngày Lễ Tết Trong Niên Lịch" (Bs Phan Thượng Hải) đăng trong phanthuonghai.com 

Hai bài thơ có trong bài "Thơ Phan Thượng Hải - Tôn Giáo" (Bs Phan Thượng Hải). 

Thất Tịch - Đêm Mùng 7 Tháng 7

Theo sách Tục Tề Hài Ký, ở bờ phía Đông (tức là phía tả) sông Thiên Hà (còn gọi là Ngân Hà) có Chức Nữ, tức là sao Nữ là cháu gọi Ngọc Hoàng Thượng Đế bằng ông nội, đêm ngày dệt cửi chăm chỉ quá, không có lúc nào nhàn rỗi để rửa mặt quấn tóc điểm trang.  Ngọc Hoàng Thượng Đế thấy vậy động lòng thương cảnh cô độc bèn gả Chức Nữ cho Ngưu Lang (tức là sao Ngưu) ở bờ sông phía Tây (tức là phía hữu) sông Thiên Hà, là một chàng chăn trâu ngoan ngoãn.

Từ khi lấy và về ở với chồng (là Ngưu Lang) đâm ra lười biếng bỏ cả việc canh cửi.  Ngọc Hoàng nổi giận lại bắt Chức Nữ về ở bờ phía Đông trở lại và mỗi năm chỉ cho vợ chồng xum họp với nhau trong một đêm là đêm mồng 7 tháng 7 (Thất Tịch).

Đêm ấy có ô thước (chim thước đen, một giống quạ có đuôi dài) đậu nối cánh vào nhau thành một cái cầu bằng cánh chim, bắc qua sông Thiên Hà (Ngân Hà), để vợ chồng Ngưu Lang và Chức Nữ qua sông đi lại với nhau.  Ngưu ta đọc trại là Ngâu.  Đêm (hoặc ngày) mồng 7 tháng 7 thường có mưa rào, ta gọi là Mưa Ngâu, tức là mưa do vợ chồng Ngâu gặp nhau mừng tủi khóc mà nhỏ lệ thành mưa.

 

Trong Cung Oán Ngâm Khúc có câu:

         Sinh ly đòi rất thì Ngâu

         Một năm còn thấy mặt nhau một lần.

 

Do điển tích này, nói đến việc lấy vợ lấy chồng, ta thường nói "(nối) cầu ô thước", là cái cầu bằng chim thước để vợ chồng Ngâu qua sông Thiên Hà (Ngân Hà). 

 

Thật ra sao Nữ và sao Ngưu là 2 vì sao trong Nhị Thập Bát Tú (28 vì sao).  

Thiên Văn học của Trung Hoa và Âu Tây đều có nói đến nhóm 28 vì sao này.  28 vị sao nầy (mỗi vì sao ứng với một con vật) cũng giống với những vì sao của Thiên Văn học Âu Mỹ.

Nhị Thập Bát Tú gồm có:

 

         1. Giác Mộc Giao: sao Giác (Spica).  Giao=Cá Sấu

         2. Càng Kim Long: sao Càng (Virgo).  Long=con Rồng

         3. Đê Thổ Lạc: sao Đê (Libra).  Lạc=con Lạc Đà

         4. Phòng Nhật Thố: sao Phòng (Libra).  Thố=con Thỏ

         5. Tâm Nguyệt Hồ: sao Hồ (Antares).  Hồ=con Chồn Cáo

         6. Vĩ Hỏa Hổ: sao Vĩ (Scorpius).  Hổ=con Cọp

         7. Cơ Thủy Báo: sao Cơ (Sagittarius).  Báo=con Beo

         8. Đẩu Mộc Giải: sao Đẩu (Sagittarius).  Giải=con Cua

         9. Ngưu Kim Ngưu: sao Ngưu (Capricormus).  Ngưu=con Trâu

         10. Nữ Thổ Bức: sao Nữ (Aquarius).  Bức=con Dơi

         11. Hư Nhật Thử: sao Hư (Aquarius).  Thử=con Chuột

         12. Nguy Nguyệt Yến: sao Nguy (Aquarius/Pegasus).  Yến=con Én (Nhạn) 

         13. Thất Hỏa Trư: sao Thất (Pegasus).  Trư=con Heo

         14. Bích Thủy Dư: sao Bích (Algenib).  Dư=con Cừu (Trừu)

         15. Khuê Mộc Lang: sao Khuê (Andromeda).  Lang=con Chó Sói xám

         16. Lâu Kim Cẩu: sao Lâu (Aries).  Cẩu=con Chó

         17. Vị Thổ Trĩ: sao Vị (Aries).  Trĩ=con Chim Trĩ

         18. Mão Nhật Kê: sao Mão (Pleiades).  Kê=con Gà

         19. Tất Nguyệt Ô: sao Tất (Taurus).  Ô=con Quạ

         20. Chủy Hỏa Hầu: sao Chủy (Orion).  Hầu=con Khỉ

         21. Sâm Thủy Viên: sao Sâm (Orion).  Viên=con Vượn

         22. Tỉnh Mộc Hãn (Ngạn): sao Tỉnh (Gemini).  Hãn (Ngạn) = con Bò

         23. Quỷ Kim Dương: sao Quỷ (Cancer).  Dương=con Dê

         24. Liễu Thổ Chương: sao Liễu (Hydra).  Chương=con Cheo (=Mouse-Deer)

         25. Tinh Nhật Mã: sao Tinh (Alphard).  Mã=con Ngựa

         26. Trương Nguyệt Lộc: sao Trương (Crater).  Lộc=con Hưu/Nai

         27. Dực Hỏa Xà: sao Dực (Corvus).  Xà=con Rắn

         28. Chẩn Thủy Dẫn: sao Chẩn (Corvus).  Dẫn=con Giun/Trùng

 

Sao Ngưu (= Ngưu Kim Ngưu) và sao Nữ (= Nữ Thổ Bức) thuộc Nhị Thập Bát Tú.

 

Bs Phan Thượng Hải biên soạn 

 

Tài liệu tham khảo:

      1) Điển Hay Tích Lạ (Nguyễn Tử Quang)

      2) Tầm Nguyên Tự Điển (Lê Văn Hoè)

      3) Wikipedia Google 

 

Bài này là 1 trích đoạn từ bài "Sự Tích Những Ngày Lễ Tết trong Niên Lịch" (Bs Phan Thượng Hải) đăng trong phanthuonghai.com 

 "NHƯ THỊ" TRONG PHẬT GIÁO 

  Bs Phan Thượng Hải biên soạn 

 

*

"Như Thị" có nghĩa là gì? 

Như thị (Hán ngữ) = Như vậy, như thế (Việt ngữ).

 

Nguồn gốc của "Như Thị" từ trong Kinh của Phật Giáo.

Một Công án của Thiền Tông trích từ Thiền Luận của Suzuki (trang 117, quyển Trung):

         Tuệ Trung hỏi: “Công việc của Thầy là gì?”

         Sư trả lời: “Tôi giảng kinh Kim Cương”

         Hỏi: “Thầy nói cho hay 2 chữ đầu tiên của Kinh là gì?”

         Trả lời: “Như Thị”

         Hỏi “Thế là nghĩa gì?”

         Nhà Sư không đáp. 

 

Như vậy, "Như Thị" là 2 chữ đầu tiên của Kinh (Kinh của Phật Giáo).  

Do đó ngày nay thường dùng từ ngữ "Pháp Như Thị".

 

Nguồn gốc của "Như Thị" trong Kinh của Phật Giáo (Pháp Như Thị) từ Tôn giả A Nan Đà (Ànanda).  Nguyên văn là "Như Thị Ngã Văn".

Ngã Văn = Tôi nghe.  Ngã = Tôi. Văn = Nghe.

Như Thị Ngã Văn = Tôi nghe như vậy, Tôi nghe như thế, Tôi nghe như thế nầy.  

 

*

Thật ra nguồn gốc đều từ Tôn giả Ànanda (A Nan Đà, A Nan). 

 

Phật Thích Ca sáng lập Phật Giáo.  Ngài giảng dạy truyền khẩu Giáo lý của Phật Giáo gọi là Pháp (Doctrine) hay Phật Pháp và mở Tăng Già.  Tăng Già là cộng đồng của những người xuất gia gồm Tăng (và Ni).

Tăng Già = Sangha = Communities of Budhist monks and nuns. 

"Phật, Pháp, Tăng" là Tam Bảo của Phật Giáo.

 

Pháp hay Phật Pháp bắt đầu có từ Tôn giả Ànanda (A Nan Đà, A Nan), một trong 10 đại đệ tử của Phật Thích Ca. 

 

Trong thời gian của Phật Thích Ca tại thế (khoảng trên 40 năm), giáo lý Phật Giáo Nguyên Thủy chỉ đơn giản gồm có Pháp (Dharma) và Luật (Vinaya).  

         Pháp gồm những lời giảng dạy của Đức Phật hay các Đệ tử của ngài (xuất gia hay không xuất gia) hoặc đôi khi của những vị Thần của Ấn Độ Giáo như Đại Phạm Thiên (Brahmà) và Đế Thích (Indra) đã được Đức Phật nghe và chấp nhận. 

         Luật là những Điều luật (Rules) và Qui lệ (Regulations) hằng ngày của Tăng Già do Phật Thích Ca lập ra và giảng dạy.

Pháp và Luật sau nầy được viết thành Kinh Tạng (Sùtra-pitaka) và Luật Tạng (Vinaya-pitaka) của Tam Tạng (Tripitaka).

 

Ngay sau khi Phật Thích Ca nhập diệt ở Kusinara, Đệ tử cao quí nhất của ngài là Tôn giả MahaKàsyapa (Ma Ha Ca Diếp) triệu tập một Hội đồng (Council) gồm các Đệ tử chánh trong Tăng Già.  Mục đích của Hội đồng là làm chắc chắn tất cả những giáo điều của Phật Thích Ca, giảng dạy trong khi tại thế được thống nhất và chính thức truyền bá cho những thế hệ về sau.

Trong suốt 3 tháng của mùa mưa (vũ kỳ), 500 Đệ tử đã thành đạo, gọi là La Hán, họp ở hang Thất Diệp (The cave of the seven leaves) thuộc ngoại ô Ràjagrha (Vương Xá), kinh đô của vương quốc Magadha (Ma Kiệt Đà), cách Kusinara nhiều ngày đi bộ (về hướng Đông Bắc).  Đó là kỳ Kết Tập lần thứ nhất, còn gọi là Kết Tập Vương Xá hay Kết Tập (của) 500 La Hán.

 

Theo Hán ngữ, từ ngữ "Kết Tập" đồng nghĩa với "Hội Đồng" (Council).  Tuy nhiên theo tiếng Phạn gọi là "Samgìti", còn có nghĩa là "cùng tụng (hát hay đọc) với nhau".  (Tụng= Recitation, to Recite).  Mặc dù đã có chữ viết (văn tự) dùng trong thương mại vào thời đó, truyền thống cổ điển của Ấn Độ chỉ truyền khẩu những gì liên quan tới Tôn giáo chứ không muốn ghi lại bằng chữ viết.  Như vậy trong kỳ Kết Tập lần thứ nhất nầy, 500 La Hán tụng lại những gì họ biết và ghi nhớ về Pháp và Luật để chắc chắn là không có những khác biệt cũng như để chứng thật cái gì là từ Phật Thích Ca và cái gì là không phải (từ Phật Thích Ca). 

 

Tôn giả MahaKàsyapa (Ma Ha Ca Diếp) chủ tọa của kỳ Kết Tập lần thứ nhất nầy.  Hai đại Đệ tử khác của Phật Thích Ca là Tôn giả Ànanda (A Nan Đà) và Tôn giả Upàli (Ưu Bà Li) lần lượt khởi tụng Pháp (Dharma) và Luật (Vinaya).

         Tôn giả Ànanda, một người em chú bác của Phật Thích Ca, từng là người hầu cận (thị giả) của Đức Phật trong hơn 25 năm cho tới khi Đức Phật nhập diệt.  Tôn giả Ànanda đã còn nghe và ghi nhớ tất cả giáo huấn của Phật Thích Ca và những Đệ tử khác trước khi làm thị giả cho Đức Phật.  Do đó Ànanda khởi tụng những giảng dạy trong kỳ Kết Tập.  Tôn giả Ànanda nổi tiếng là Đệ tử "Đa Văn Đệ Nhất", đệ tử hiểu biết giáo điều nhiều nhất.  Không có công lao của Ànanda, những giảng dạy của Phật Thích Ca khó có thể kết hợp lại được trong kỳ Kết Tập nầy.  Pháp (Dharma) của Phật Thích Ca được bắt đầu truyền khẩu cho hậu thế từ Tôn giả Ànanda.

         Tôn giả Upàli trước khi xuất gia là nô lệ của thị tộc Sàkya (Thích Ca).  Ngài nhập Tăng Già và được Phật Thích Ca cho coi giữ Giới Luật trong Tăng Già.  Upàli nổi tiếng là Đệ tử "Giới Luật Đệ Nhất".  Upàli khởi tụng Giới Luật (precepts) và Qui Định (regulations) trong kỳ Kết Tập nầy.  Luật (Vinaya) của Phật Thích Ca dùng cho Tăng Già bắt đầu truyền khẩu cho hậu thế từ Tôn giả Upàli.

Tiếp theo đó, Pháp (từ Ànanda) và Luật (từ Upàli) được 500 La Hán ghi nhớ và hợp tụng trong kỳ Kết Tập lần thứ nhất; và từ đó truyền khẩu cho những thế hệ sau bằng Tụng (Recitation).

 

Về sau Pháp (Dharma) và Luật (Vinaya) được viết thành Kinh Tạng (Dharma-pitaka) và Luật Tạng (Vinaya-pitaka) ngay trước khi hay cùng thời với khi bắt đầu có các Bộ Phái và Luận Tạng (Abhidharma-pitaka) của các Bộ Phái.  Các Bộ Phái thành hình vào khoảng năm 350 tr CN, khoảng 100 năm sau kỳ Kết Tập lần thứ nhất.  Kinh Tạng, Luật Tạng và Luận Tạng gọi chung là Tam Tạng (Tri-pitaka) của Phật Giáo Nguyên Thủy. 

 

Như vậy, từ 500 La Hán và Tăng Già tiếp tục "tụng" theo đúng như vậy, truyền khẩu cho tới khoảng hơn 100 năm sau thì Pháp mới viết thành kinh điển giáo lý (scripture) gọi là Kinh Tạng.  Mỗi phần của Kinh Tạng khởi đầu bằng câu "Như Thị Ngã Văn".  "Như Thị" dịch nghĩa là "như thế nầy" hay "như vậy".  "Ngã Văn" dịch nghĩa là "tôi được nghe".  "Như Thị Ngã Văn" dịch nghĩa là "Tôi nghe như vậy, Tôi nghe như thế nầy".  Tôi (Ngã) ở đây là "Ànanda" (A Nan Đà).

 

*

Như vậy, Pháp hay Phật Pháp gồm những Kinh và Luận.

Thiền Tông Công Án trích từ Thiền Luận của Suzuki (trang 82, quyển Hạ) về "Đọc Kinh"

         Tăng hỏi: “Tại sao sư không chịu cho đọc kinh, coi như là những lời phụ thuộc ?”

         Sư Huệ Hải đáp: “Như con vẹt học tiếng người mà lại không hiểu ý nghĩa.  Kinh truyền ý Phật, nếu không lãnh hội ý Phật thì việc tụng đọc chỉ là học nói, do đó (ta) không chịu cho đọc kinh”

         Hỏi: “Ngoài ngôn ngữ văn tự còn phương tiện nào để diễn ý nữa chăng ?”

         Đáp: “Những lời ông vừa nói lại cũng là học nói mà thôi”

         Hỏi: “Cũng là như nhau sao Sư lại thiên lệch chống đối ?”

         Đáp: “Trong Kinh có nói rõ rằng: Những gì ta nói đều là nghĩa chứ không phải chỉ có văn; còn những gì mà chúng sinh nói chỉ là văn chứ không có nghĩa.  Ai hỏi ý sẽ vượt lên những văn tự hời hợt, ai ngộ Lý sẽ vượt qua những văn tự.  Giáo pháp siêu việt (trên) ngôn ngữ văn tự, tại sao lại tìm tòi trong những số câu ?  Bởi vậy kẻ phát Bồ Đề thì được ý mà quên lời, ngộ Lý mà ảo giáo, như người được cá thì quên nơm”. 

 

Công án này chỉ dẫn rõ ràng, rõ hơn là từ ngữ "Kinh Vô Tự"! 

 

Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền

 

Tài liệu tham khảo:

    1) Thiền Luận (Suzuki, bản dịch của Tuệ Sỹ)

    2) Lịch sử và Kinh điển Phật Giáo (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com

    3) Thập Đại Đệ Tử của Phật Thích Ca (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com 

Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền

_____________________

THIỀN ĐỊNH 

                           (Bs Phan Thượng Hải biên soạn) 

 

Hành giả Tu Thiền định sẽ đạt được Thiền Định, hay đúng hơn là "Tâm Thiền Định".  

Tâm Thiền Định (hay Thiền Định) là trạng thái của Tâm có 8 bậc gọi chung là Bát Định.  Bốn bậc đầu còn gọi là Tứ Thiền (hay Tứ Thiền Na).  Phật Giáo chỉ cần hành giả (practitioner) đạt đến bậc thứ 4, bậc cuối cùng của Tứ Thiền thì Tâm An (= Niết bàn hữu dư).  (An, an tịnh = Tranquil, Calm).

 

Phật Thích Ca đã học Tu Thiền Định và đạt được Thiền Định từ Ấn Độ Giáo (Hinduism) và đem vào Phật Giáo.  Trước khi Ngài nhập diệt, Ngài đã Tu Thiền Định và đạt được đến Cửu Định (bậc Thiền Định thứ 9), trên Bát Định.  

 

Niết Bàn kinh thứ 16 của Trường Bộ Kinh (Digha-Nikàya) trong Kinh Tạng của Phật Giáo Nguyên Thủy kể lại sự tích nhập diệt của Phật Thích Ca.  Đây là nguyên văn với Bản dịch của Thượng tọa Thích Minh Châu.

 

Rồi Đức Thế tôn cùng đại chúng tỳ kheo đi đến bờ bên kia sông Hirannavati tại Kusinàrà và dừng lại ở rừng Sàlà của dòng họ Mallà.  Ànanda trải chỗ nằm.  Đức Thế tôn nằm về phía hông bên phải đầu về hướng bắc giữa 2 cây Sàlà song thụ như dáng nằm của con sư tử, hai chân để trên nhau; chánh niệm và tỉnh giác.  Sau khi giảng dạy, Đức Thế tôn nói: "Này các tỳ kheo, nay ta khuyên dạy các ngươi: Tất cả các Pháp Hữu Vi là vô thường biến hoại, hãy tinh tấn chớ có phóng dật".  Đó là lời cuối cùng của Đức Phật.

         (1) Rồi Đức Thế tôn nhập Định Sơ Thiền, xuất Định Sơ Thiền; nhập Định Nhị Thiền, xuất Định Nhị Thiền; ngài nhập Định Tam Thiền, xuất Định Tam Thiền; ngài nhập Định Tứ Thiền, xuất Định Tứ Thiền.  Ngài nhập Định Không Vô Biên Xứ, xuất Định Không Vô Biên Xứ; ngài nhập Định Thức Vô Biên Xứ, xuất Định Thức Vô Biên Xứ; ngài nhập Định Vô Sở Hữu Xứ, xuất Định Vô Sở Hữu Xứ; ngài nhập Định Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, xuất Định Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ.  Ngài nhập Diệt Tưởng Định.

         Khi ấy Đại đức Ànanda nói với Đại đức Anuruddha (A Na Luật): "Thưa Tôn giả, Thế tôn đã nhập diệt".  Đại đức Anuruddha nói: "Này Hiền giả Ànanda, Thế tôn chưa diệt độ, ngài mới nhập Diệt Tưởng Định".

         (2) Rồi Đức Thế tôn xuất Diệt Tưởng Định; ngài nhập Định Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, xuất Định Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ; ngài nhập Định Vô Sở Hữu Xứ, xuất Định Vô Sở Hữu Xứ; ngài nhập Định Thức Vô Biên Xứ, xuất Định Thức Vô Biên Xứ; ngài nhập Định Không Vô Biên Xứ, xuất Định Không Vô Biên Xứ.  Ngài nhập Định Tứ Thiền, xuất Định Tứ Thiền; ngài nhập Định Tam Thiền, xuất Định Tam Thiền; ngài nhập Định Nhị Thiền, xuất Định Nhị Thiền; ngài nhập Định Sơ Thiền, xuất Định Sơ Thiền.  

         (3) Ngài nhập Định Nhị Thiền, xuất Định Nhị Thiền; ngài nhập Định Tam Thiền, xuất Định Tam Thiền; ngài nhập Định Tứ Thiền, xuất Định Tứ Thiền.  Ngài lập tức diệt độ.

         Khi Đức Thế tôn diệt độ (chết), cùng với sự diệt độ, đại địa chấn động khủng khiếp, râu tóc dựng ngược (?), sấm trời vang động.

 

Đây là chi tiết về Thiền Định.

Dàn bài

         a) Tứ Thiền (Tứ Thiền Na) 

         b) Bát Định

         c) Thành quả của Tứ Thiền và Bát Định

 

a) Tứ Thiền (Tứ Thiền Na)

 

Tâm An có được từ Tâm Giác ngộ hoặc Tâm Thiền định:

         Tâm Giác ngộ giáo lý (giác ngộ): sáng suốt trong nhận thức được giáo lý giác ngộ này (Kiến = Kiến đạo = Giải ngộ) và sáng suốt trong thi hành trong đời sống hằng ngày (Hành = Tu hành đạo = Chứng ngộ) qua tư tưởng, ngôn ngữ, hành động và sinh hoạt.

         Tâm Thiền định đạt được từ Tu Thiền Định, không cần Giác ngộ. 

(Một ngành thứ 3 của Phật Giáo là Trì giới của "Tâm và Thân" từ Phật Giáo Nguyên Thủy không có đem lại Tâm An).

 

Từ Phật Giáo Nguyên Thủy cho tới Thiền tông, với phương pháp Tu Thiền định, Tâm (Tâm thức) của hành giả lần lượt vượt qua 4 trạng thái gọi là Tứ Thiền hay Tứ Thiền Na.

 

Tứ Thiền = Tứ Thiền Na (4 Dhyàna) = Tứ Định của Sắc Giới 

         1. Định Sơ Thiền (1st Dhyàna): sung sướng (lạc = pleasure) và vui mừng (hỉ = delight), tâm thoát khỏi nhục dục (sensuous desire) và ác độc (evil). 

         2. Định Nhị Thiền (2nd Dhyàna): vẫn vui mừng và sung sướng, thoát khỏi suy luận (discursion) và tìm hiểu (investigation).

         3. Định Tam Thiền (3rd Dhyàna): sung sướng nhưng bình tỉnh (equanimity), lìa khỏi vui mừng và than thở

         4. Định Tứ Thiền (4th Dhyàna): an (tranquil), lìa khỏi sung sướng và đau khổ.

 

Dhyàna (Phạn ngữ, Anh ngữ) = Thiền, Thiền Na (Hán Việt ngữ) = Jhàna.

 

Tâm Thiền Định của Phật Giáo để có được Tâm an là Tâm (Tâm thức) đạt đến bậc Định Tứ Thiền.  Thường được gọi là Chánh Định của Bát Chánh Đạo (Phật Giáo Nguyên Thủy) và Thiền Định Ba La Mật Đa của Lục Độ hay Thập Độ (Phật Giáo Đại Thừa). 

 

Lời dạy của Phật Thích Ca về Chánh Định (= Tứ Thiền):

         Và này các Tỳ kheo, thế nào là Chánh Định? Ở đây, này các Tỳ kheo

                  Tỳ kheo ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú "Định Sơ Thiền", một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ

                  Làm cho tịnh chỉ tầm và tứ, chứng và trú "Định Nhị Thiền", một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh, nhất tâm

                  Vị ấy ly hỷ trú xả, chánh niệm, tỉnh giác, thân cảm sự lạc thú mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú "Định Tam Thiền"

                  Xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thụ trước, chứng và trú "Định Tứ Thiền", không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.

         Này các Tỳ kheo, đây gọi là Chánh Định.  

 

Tâm Thiền Định hay Tứ Thiền (Tứ Thiền Na) đạt được từ Tu Thiền Định.

Tại sao Tu Thiền Định đạt được Tứ Thiền (4 Dhyàna) thì không giải thích được nhưng có xảy ra. Điều này có từ Ấn Độ Giáo rồi Phật Thích Ca đem Tu Thiền Định vào Phật Giáo và thịnh hành trong Thiền Tông cho đến ngày nay.

 

Phật Giáo còn tin rằng Con người có Tâm Giác ngộ, gọi là La Hán (Phật Giáo Nguyên Thủy) hay là Phật (Phật Giáo Đại Thừa) thì sau khi hết sinh kiếp (chết = tử) sẽ không phải tái sinh luân hồi trong tam giới.  Phật Giáo Đại Thừa còn cho rằng có những cõi riêng cho Phật ở gọi là Phật độ hay Tịnh độ, khác với Tam giới (3 thế giới) của chúng sanh là cõi Ta Bà.  (Độ = thổ = land).

Như vậy, Giác Ngộ còn giúp cho không tái sinh còn Thiền Định cũng giúp cho Tâm An nhưng không giúp cho Con người tránh khỏi tái sinh luân hồi.

 

 

b) Bát Định

 

Ngoài Tứ Thiền (hay Tứ Thiền Na) như kể trên gọi là Tứ Định của Sắc Giới; Tu Thiền Định còn đạt thêm 4 bậc cao hơn gọi là Tứ Định của Vô Sắc Giới.  Tứ Định của Sắc Giới (Tứ Thiền) và Tứ Định của Vô Sắc Giới gọi chung là Bát Định.

 

* Tứ Định của Vô Sắc Giới

 

Khi Tâm đạt tới Tâm An hay Tâm An tịnh (calm, tranquil) qua Tứ Thiền hay Tứ Định của Sắc Giới tức là sẵn sàng tiến tới Tứ Định của Vô Sắc Giới gồm có 4 bậc hay giai đoạn để Tâm "An" hơn nữa, tới Tâm An bình (peaceful).  Tại điểm nầy thì không còn nghĩ (tư tưởng) tới vật chất, tới thân thể hay chung quanh mình nữa.

         Thật ra tên của 4 bậc Tứ Định của Vô Sắc Giới có nguồn gốc thần thoại từ Ấn Độ Giáo: Tên của mỗi bậc đặt theo tên của một cõi trong Vô Sắc Giới (của Tam Giới = 3 world) và thiền gia đạt đến bậc mang tên của cõi nào thì sẽ tái sinh vào cõi đó của Vô Sắc Giới.  Đó là quan niệm của Ấn Độ Giáo và 4 cõi (realm) của Vô Sắc Giới lần lượt là: Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ.

         Theo Phật Giáo, Tứ Định của Vô Sắc Giới rất khó hiểu kể cả trên lý thuyết, chỉ có Phật Thích Ca mới đạt tới mà thôi, vì Phật Thích Ca đã tu theo Ấn Độ Giáo trước khi ngày sáng lập Phật Giáo và Phật Giáo Nguyên Thủy và ngài đem Thiền Định và Tu Thiền Định vào Phật Giáo.  Tên của Bát Định có nguồn gốc từ Ấn Độ Giáo. Bỏ qua nguồn gốc thần thoại tái sinh của Vô Sắc Giới từ Ấn Độ Giáo, Phật Thích Ca và Phật Giáo định nghĩa Tứ Định của Vô Sắc Giới trên căn bản tâm thức. 

 

Tứ Định của Vô Sắc Giới (4 formless Concentration = 4 formless Samàpatti)

         Định Không Vô Biên Xứ (Samàpatti of the realm of the infiniti of space = Àkà-sànantyàyatana): Thiền gia vượt qua Tứ Thiền Định của Sắc Giới, và với sự đoạn diệt tất cả những đối tượng vật chất và tư tưởng không còn tùy thuộc ý thức (no conscious thought).  Tức là: không có vật chất, không có khái niệm về vật chất và không có tư tưởng thiện ác.

         Định Thức Vô Biên Xứ (Samàpatti of the realm of infinity of consciousness = vijnà-nànantyàyatana): Thiền gia chỉ tập trung riêng về cái không biên giới của ý thức.  Tức là: không có tư tưởng về không gian bên ngoài mà chỉ tập trung về không biên giới của ý thức.

         Định Vô Sở Hữu Xứ (Samàpatti of the realm of nothingness): Thiền gia chỉ tập trung riêng về hư không (nothingness).  Tức là: không có tư tưởng về ý thức mà chỉ tập trung về hư không (nothingness) hay Không (Emptiness).

         Định Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ (Samàpatti of neither perception nor nonperception = Naivasamjnànàsamjnàyatana): Thiền gia ở trạng thái Phi Tưởng (không có tư tưởng) và Phi Phi Tưởng (không có phi tưởng).  Tức là: không có tư tưởng, trong trạng thái hoàn toàn yên bình, có nhận thức nhưng không có tư tưởng (thought).

 

 

Muốn hiểu rõ Tứ Định của Vô Sắc Giới, ta phải mượn giáo lý của phái Đại thừa là Duy Thức Tánh tông về Tâm.  

Tánh tông phân biệt Tâm của con người gồm có Tâm thức và Bản Tâm. Theo Phật Thích Ca và Phật Giáo Nguyên Thủy, Tâm của sanh mạng hay con người chỉ là Tâm thức (Conscious mind); Khác với Đại Thừa Tánh Tông và Thiền Tông, Phật Giáo Nguyên Thủy không nói tới Bản Tâm (Nature mind).  

Theo Tánh tông, Tâm thức là hoạt động của tâm đối với đối tượng là thế giới sự vật hiện tượng bên ngoài.  Tâm thức gồm có:

         Tâm thức hoạt động từ hiện tượng của sự vật: từ cảm giác (sensation), tri giác (perception) cho đến cuối cùng là nhận thức (cognition) để có ý thức (consciousness).

         Tâm thức hoạt động về hiện tượng của sự vật tư tưởng hay tư duy (thought) gồm có lý trí và tình cảm (affection, sentiment).  Lý trí gồm có suy nghĩ (thinking) và suy luận (reason).  Từ ý thức hiểu biết về sự vật tâm thức mới có tư tưởng về sự vật, đó là ý kiến (view, idea).

 

Từ đó, Tứ Định của Vô Sắc Giới được giải thích như sau:

         Bậc thứ nhất (Định Không Vô Biên Xứ): Ý kiến của thiền gia vượt qua khỏi vật chất (Sắc) của không gian bằng cách tập trung vào sự vô biên của không gian (= vô biên xứ = infinity of space).  Nhờ đó thiền gia không còn tư tưởng (để phân biệt) thiện ác. 

         Bậc thứ nhì (Định Thức Vô Biên Xứ): Tư tưởng của thiền gia vượt qua khỏi không gian bên ngoài bằng cách tập trung vào sự vô biên của ý thức (= thức vô biên xứ = infinity of consciousness).

         Bậc thứ ba (Định Vô Sở Hữu Xứ): Tư tưởng của tâm thức của thiền gia chỉ tập trung vào hư không (nothingness or emptiness) vì không còn dựa trên ý thức.

         Bậc thứ tư (Định Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ): Không còn tư tưởng mặc dầu vẫn còn ý thức.  Tuy nhiên mặc dù có hay không có nhận thức hay ý thức thì cũng hoàn toàn không có tư tưởng hay ý kiến.  Do đó gọi là "phi tưởng phi phi tưởng".  Đó là bậc cao nhất.

 

Ý thức = Hoạt động của Tâm thức từ Sự vật.

Tư tưởng = Hoạt động của Tâm thức về Sự vật.  Tư tưởng hay Tư duy gồm có Lý trí và Tình cảm.

 

*

Bát Định (= Tứ Thiền hay Tứ Định của Sắc Giới và Tứ Định của Vô Sắc Giới) đạt được từ Tu Thiền Định.

Tại sao Tu Thiền Định đạt được Bát Định thì không giải thích được nhưng có xảy ra.  Điều này có từ Ấn Độ Giáo rồi Phật Thích Ca đem Tu Thiền Định vào Phật Giáo và thịnh hành trong Thiền Tông cho đến ngày nay.

 

Tu Thiền định = Meditation for concentration

Thiền định = Dhyàna (= Meditation) = Dhyàna

Thiền định Ba la mật đa = Perfection of meditation = Dhyàna paramita

Chánh Định = Right Concentration = Samyag-Samàdhi

Bát Định = 8 Samàpattis (= 8 Concentrations) = 8 Samàpatti

Tứ Thiền (= Tứ Thiền na) = 4 Dhyànas (= 4 Meditational states) = 4 Dhyàna

Tứ Định của Sắc Giới = 4 Formed Concentrations = 4 Rùpya-samàpatti

Tứ Định của Vô Sắc Giới = 4 Formless Concentrations = 4 Àrùpya-samàpatti 

Cửu Định = 9th Samàpatti (9th Concentration) = Nirodha-samàpatti 

Định Sơ Thiền = 1st Dhyàna = Pathamajjhàna

Định Nhị Thiền = 2nd Dhyàna = Dutiyajhàna

Định Tam Thiền = 3rd Dhyàna = Tatiyajhàna

Định Tứ Thiền = 4th Dhyàna = Cathujjhàna

Tịnh = an tịnh, an tĩnh, tịch tĩnh = tranquil, calm = Samatha

Dhyàna = Jhàna = Thiền, Thiền Na (Hán Việt ngữ).

 

 

c) Thành Quả của Tứ Thiền và Bát Định

 

*

Bát Định của Phật Thích Ca là tâm an tịnh hoặc an bình mà không phiền não (không Khổ).  Tâm (hay Tâm thức) không Phiền não từ Thiền định:

         Tâm hay Tâm thức (gồm có nhận thức và tư tưởng) đến bậc Định Tứ Thiền (bậc cao nhất của Tứ Thiền) thì Tâm An hay an tịnh (tranquil, calm) mà không phiền não nhưng vẫn còn đối tượng là thế giới sự vật bên ngoài.

         Tâm hay Tâm thức đến bậc cuối cùng của Tứ Định của Vô Sắc Giới (hay Bát Định) thì còn nhận thức hay ý thức nhưng đoạn diệt tư tưởng đối với thế giới sự vật bên ngoài.  Như vậy, Tâm an bình (peaceful) và hoàn toàn không phiền não (vì không còn tư tưởng nữa).

 

Tương truyền rằng trước khi nhập diệt, Phật Thích Ca Tu Thiền Định vượt quá Bát Định đến bậc Cửu Định. 

Cửu định hay Diệt Tưởng Định của Phật Thích Ca khi nhập diệt (trên cả Bát Định) chính là trạng thái không còn nhận thức hay ý thức nữa.  Tâm thức hoàn toàn không có ý thức và tư tưởng về sự vật nữa.

 

*

Tuy nhiên Thiền Định hay Tâm Thiền Định của Phật Giáo chỉ cần để có được Tâm an hay an tịnh (tranquil) là Tâm đạt đến bậc Định Tứ Thiền, bậc cuối của của Tứ Thiền (Tứ Định của Sắc Giới) là đủ rồi.  Thường được gọi là Chánh Định của Bát Chánh Đạo (Phật Giáo Nguyên Thủy) và Thiền Định Ba La Mật Đa của Lục Độ hay Thập Độ (Phật Giáo Đại Thừa).  

Thiền Định của Phật Giáo không cần đến Tứ Định của Vô Sắc Giới và Cửu Định.  Trong lịch sử chỉ có Phật Thích Ca đạt được Bát Định và Cửu Định như câu chuyện trước khi ngài nhập diệt.

 

Sau này, Thiền Mặc Chiếu của chi phái Tào Động của Thiền Tông đạt được bậc cuối cùng của Bát Định (từ Tu Thiền Định bí truyền của phái Tào Động?) để Tâm của Con người đoạn diệt tư tưởng đối với Sự vật nên không còn chấp ngã và tự ngã cho nên Tâm Giác ngộ!  Phái Tào Động dựa trên quan niệm của Duy Thức Phái cho rằng Tư tưởng (từ Mạt Na thức) là chấp ngã và tự ngã.  Mục đích đạt đến Bát Định của Thiền Mặc Chiếu là Giác ngộ chứ không phải là Thiền Định.

 

Sở dĩ Phật Giáo nhất là Thiền Tông không muốn người Tu Thiền Định đạt đến bậc cuối cùng của Bát Định là nhiều lý do:

         Tu Thiền Định để đạt đến Định Tứ Thiền là đã khó khăn lắm rồi.

         Tâm An hay An tịnh (tranquil) là đủ, không cần phải hơn nữa đến mức An bình (peaceful) mà phải đoạn diệt tất cả Tư tưởng.  Lục tổ Huệ Năng của Thiền Tông hoàn toàn chống lại Đoạn diệt Tư tưởng (trong Pháp Bảo Đàn Kinh trang 88-89).

         Thiền Tông chú trọng đến Giác ngộ nhiều hơn là Thiền Định vì Giác Ngộ là chủ yếu của Thiền Tông chứ không phải là Thiền Định.  Hơn nữa, Bát Định của Thiền Mặc Chiếu chỉ giúp cho Đoạn Hoặc chứ không tạo ra Từ Bi (phần chính yếu của Giác ngộ).

Đối với Phật Giáo, đạt tới Định Tứ Thiền, bậc cuối cùng của Tứ Thiền (Tứ Thiền Na) hay Tứ Định của Sắc Giới, là Thiền Định rồi, không cần đến Tứ Định của Vô Sắc Giới.

 

 

Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền

 

Bài viết này là trích đoạn từ 2 bài đăng trong phanthuonghai.com

         1) Hành Hương và Huyền Thoại Phật Thích Ca (Bs Phan Thượng Hải)

         2) Căn Bản Phật Pháp - Giác Ngộ và Thiền Định của Thiền Tông (Bs Phan Thượng Hải)

pth_CanThoKyNiem_BenNK.jpg

CẦN THƠ KỶ NIỆM (Nguyên bản)

Bắc qua sông Hậu đến Cần Thơ 

Kỷ niệm êm đềm thú tuổi thơ

Từ những học đường gìn lễ giáo

Tự bao phố xá đẹp tình thơ

Trường Phan Thanh Giản, buồn thương tiếc

Giang cảng Ninh Kiều, nhớ thẩn thơ

Đại lộ Hòa Bình, cầu Cái Khế ... 

Chung cùng Tham Tướng kết hồn thơ.

(Phan Thượng Hải)

7/28/23 

 

CẦN THƠ HOÀI NIỆM (Họa)

Nhớ mãi Cần Thơ lúc tuổi thơ 

Dân tình thong thả, thả hồn thơ 

Cà phê Bưu Điện ngồi thơ thẩn 

Đại lộ Hòa Bình đạp thẩn thơ 

Chợ Cổ người đông vui tấp nập (*)

Ninh Kiều nước lớn đẹp nên thơ 

Xem hình ảnh cũ càng hoài niệm 

Thuở ấy sao mà nó rất thơ!

(Phan Kim Thành)

7/29/23

 

(*) Chợ Cổ: Tên gọi chợ Cần Thơ đầu tiên (ở nam của bến Ninh Kiều), khi sau này có nhiều chợ mới mở ra ở chỗ khác trong thành phố (lúc thành phố Cần Thơ đã mở rộng ra). 

 

XỨ CẦN THƠ

Một thời thơ ấu: xứ Cần thơ 

Từ giã ra đi, lúc tuổi … khờ 

Đến ở Sài thành lo học vấn 

Dọn về Chợ Quán vẫn nằm mơ

Nhớ ngôi nhà cũ lòng lưu luyến  

Nhớ buổi trường tan dạ ngẩn ngơ

Mấy chục năm qua, nhiều biến đổi 

Thủy chung mãi đẹp, mãi nên thơ.

(Phan Huệ Lan) 

7/29/23 

3 tác giả Thơ Xướng họa trên nguyên quán Cần Thơ, con cháu của Thi Sĩ Lãng Ba Phan Văn Bộ

__________________________

  ĐỊA DANH THÀNH PHỐ CẦN THƠ và TỈNH HẬU GIANG

 

   Bs Phan Thượng Hải biên soạn 


 

Thành phố Cần Thơ

Quận Bình Thủy, Quận Cái Răng, Quận Ninh Kiều, Quận Ô Môn và Quận Thốt Nốt.

Huyện Cờ Đỏ: Thị trấn Cờ Đỏ

Huyện Thới Lai: Thị trấn Thới Lai.  (Lúc trước là phần đất của huyện Cờ Đỏ)   

Huyện Phong Điền: Thị trấn Phong Điền

Huyện Vĩnh Thạnh:  Thị trấn Vĩnh Thạnh và Thị trấn Thạnh An

 

Tỉnh Hậu Giang

Thành phố Vị Thanh 

Huyện Châu Thành: Thị trấn Ngã Sáu và Thị trấn Mái Dầm

Huyện Châu Thành A: Thị trấn Một Ngàn

Huyện Long Mỹ: Thị xã Long Mỹ và Thị trấn Trà Lồng

Huyện Phụng Hiệp: Thị xã Ngã Bảy

Huyện Vị Thủy: lúc trước là phần đất của Huyện Long Mỹ.  Thị trấn Nàng Mau. 

 

Thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang là địa phận của tỉnh Phong Dinh và tỉnh Chương Thiện thời VNCH.


Ca Dao:

 

Xoài nào ngon bằng xoài Cao Lãnh

Vú sữa nào ngọt bằng vú sữa Cần Thơ

 

Xứ Cần Thơ nam thanh nữ tú

Xứ Rạch Giá vượn hú chim kêu

 

Xứ Thủ Đức năm canh thức đủ

Kẻ cơ thần trở lại Cần Thơ

(*) Thủ Đức nói lái là thức đủ.  Cơ thần nói lái là Cần Thơ.

 

Đất Cần Thơ nam thanh nữ tú

Đất Rạch Giá vượn hú chim kêu

Quản chi nắng sớm mưa chiều

Lên doi xuống vịnh cũng chèo theo em

 

Đất Châu Thành anh ở (*)

Xứ Cần Thơ anh trở lộn về

Bấy lâu sông cạn biển kề

Phân chia mai trúc dầm dề giọt châu

(*) Ý nói ở Sài Gòn

 

Đèn nào cao bằng đèn chợ Mỹ

Lộ nào kỹ bằng lộ Cần Thơ

Em thương anh lững thững lờ thờ

Giả như Tôn Các ngồi chờ Bạch Viên

 

Tàu số một chạy lên Vàm Tấn (*)

Tàu số hai chạy xuống Cần Thơ

Tuổi ba mươi em cũng ở vậy mà chờ

Lỡ duyên chịu lỡ cũng chờ được anh.

(*) Vàm Tấn là vàm Đại Ngãi thuộc Sóc Trăng.


 

Cần Thơ:  

      là vùng đất Chân Lạp khi xưa có tên là Prek Rusey nghĩa là Sông Tre.  Prek=sông, rạch và Rusey=cây tre.  Tên nầy không có liên quan gì với tên Cần Thơ.

      là dịch âm từ tên tiếng Miên là Srôk Kìn Tho có nghĩa là Xứ Cá Sặc Rằn.  Cá nầy lúc trước có nhiều ở vùng nầy.        Cần Thơ là đọc trại từ Kìn Tho.  

      Có thuyết cho rằng có tên Cần Thơ là vì ngày xưa ở đây có trồng và bán nhiều "rau cần và rau thơm" nên có người "lẩn thẩn" gọi là "xứ Cần Thơ".

 

Cần Thơ có tên cũ là Phong Dinh vào thời VNCH (tỉnh Phong Dinh).  

Cần Thơ cũng được gọi là Tây Đô.  Từ ngữ Tây Đô có được là từ Học giả Phạm Quỳnh.  Trong ký sự "Một Tháng Nam Kỳ" viết trên Nam Phong tạp chí năm 1919, ông Phạm Quỳnh khen tặng Cần Thơ là "Thủ đô miền Tây".

 

Quận Ninh Kiều là trung tâm của Thành phố Cần Thơ có Bến Ninh Kiều.  Tên Ninh Kiều đầu tiên đặt cho bến Ninh Kiều rồi từ đó mới đặt tên cho Quận Ninh Kiều.

Dự án thành lập Bến nầy được Tỉnh trưởng lúc bấy giờ thời VNCH là ông Đỗ Văn Chước đệ trình lên chính quyền Ngô Đình Diệm và xin đặt tên là Ninh Kiều để kỷ niệm trận đánh chiến thắng quân Minh của Lê Lợi ngày 13-9-1426 tại Ninh Kiều.  Bến Ninh Kiều được Bộ trưởng Nội Vụ đương thời là Lâm Lễ Trinh cắt băng khánh thành ngày 4-8-1958.  Ông Lâm Lễ Trinh là người Cái Răng, Cần Thơ.  Lúc đó con đường dọc theo sông Cần Thơ mang tên là (đường) Lê Lợi.  Do đó cái tên của bến phải có liên quan tới Lê Lợi.  Tên Ninh Kiều vừa hợp với lịch sử của Lê Lợi vừa hợp cho bến sông (bến của sông Cần Thơ).

 

Quận Ninh Kiều còn có cầu Tham Tướng lấy theo tên của quan Tham Tướng của Nguyễn Vương Phúc Ánh là Mạc Tử Sanh, con trai của quan Trấn Thủ Hà Tiên là Mạc Thiên Tứ.  Mạc Tử Sanh tử trận tại đây trong chiến tranh với Tây Sơn.  Quận Ninh Kiều cũng có rạch, cầu và chợ Cái Khế.  Từ bến bắc Cần Thơ qua cầu Vị Thanh rồi cầu Cái Khế là vào trung tâm Thành phố Cần Thơ.

 

Bắc (Phà) Cần Thơ: bờ bên tỉnh Vĩnh Long thuộc Thị trấn Cái Vồn (huyện Bình Minh) và bờ bên Tp Cần Thơ thuộc phường Cái Khế, quận Ninh Kiều.  Khoảng cách giữa 2 bến tàu là 1840m.  Bắc được thay thế bằng cầu Cần Thơ, khánh thành năm 2010.

pth_CTMap.JPG

Thơ:

 

TÂY ĐÔ (*)

Noi theo hoạn lộ, ngẫu nhiên vào

Vào cảnh Phong Dinh, thích biết bao! (*)

Bến Bắc trang hoàng nhiều thục nữ

Thành Tây lịch sự lắm thân hào

Mặt tiền vui vẻ đoàn xe chạy

Sông Hậu mênh mang lượng sóng xao

Tao ngộ rừng hàn, quen mặc khách

Rượu bầu thơ túi mặc tiêu dao.

(Lãng Ba Phan Văn Bộ) 

 

(*) Tây Đô và tỉnh Phong Dinh là tên gọi của Cần Thơ vào thời VNCH.

 

BẾN NINH KIỀU 

Chước hay sáng lập bến Ninh Kiều (*)

Kiều diễm bao nhiêu thú bấy nhiêu

Lộ rộng lầu cao xe ngựa lắm

Sông xinh bờ đẹp cỏ hoa nhiều

Du dương nhạc cổ, người thêm thích

Rực rỡ đèn màu, cảnh dễ yêu

Man mác nước trôi, thuyền đủng đỉnh

Trăng chờ gió đón mặc tiêu diêu.

(Lãng Ba Phan Văn Bộ) 

 

(*) Bến Ninh Kiều ở Cần Thơ lúc mới thành lập dưới thời ô. Tỉnh trưởng tên là Chước.  Chữ Chước ở đây có 2 nghĩa (danh từ riêng và danh từ chung).

Bài thơ nầy đọc trong tiệc khánh thành bến Ninh Kiều ở dinh Tỉnh trưởng Cần Thơ.

 

CẦN THƠ KỶ NIỆM

Cái gì kỷ niệm xứ Cần Thơ?

Cái bến Ninh Kiều đẹp mộng mơ

Cái Tắc xe đi đường tẽ lối

Cái Răng ghe nhóm chợ gần bờ

Cái Vồn qua bắc, tàu xuôi ngược

Cái Khế ngang sông, nước lặng lờ

Cái Sắn theo kinh, người giữ đạo

Cái tình luyến nhớ thuở còn thơ.

(Phan Thượng Hải)

1/21/19

 

Ca Dao:

 

Bánh canh cọng vắn cọng dài

Bánh tằm xe cọng dài cọng vắn

Xứ Cần Thơ gạo trắng nước trong

Ai về xứ bạc thong dong cuộc đời

 

Cần Thơ gạo trắng nước trong

Ai đi đến đó thời không muốn về

 

Cần Thơ gạo trắng nước trong

Đậm tình non nước gợi lòng khách du

 

Nước biếc non xanh 

Người bạn lành khó kiếm

Đây em cũng hiếm

Chẳng (Chưa) lựa đặng chỗ nào

Mảng lo buôn bán ra vào Cần Thơ

 

Phong Dinh đẹp lắm ai ơi 

Bậu về bên đó cho tôi cùng về

 

Quận Bình Thủy ở làng Long Tuyền.  Hai địa danh nầy hay đi đôi với nhau.

Long Tuyền là rạch chảy vào sông Cần Thơ.  Gọi là Long Tuyền vì ở đúng "long mạch" theo phong thủy.  Hình cái đầu vàm Long Tuyền giống như miệng con rồng và rạch Long Tuyền giống như thân con rồng.  Năm 1852, quan Khâm sai Huỳnh Mẫn Đạt đi tới đây thì gặp sóng gió lớn nên thuyền ẩn vào rạch nầy được thoát nạn.  Từ đó Huỳnh Mẫn Đạt đặt tên là Bình Thủy (=nước yên lặng, không sóng gió).  Vào đầu thế kỷ 20, thường được gọi là làng Long Tuyền còn chợ và đình Bình Thủy.

 

Quận Ô Môn có tên Ô Môn là vì nơi đây trước kia là một vũng có cây môn nước.  Ô Môn là vũng hay bàu có cây môn nước.  Ô là vũng hay bàu.  Ngọn=dòng nước nhỏ ở đầu sông rạch.  Nổng=Gò.  

Quận Ô Môn có Kênh Ô Môn, dài 14 km được đào năm 1894-1895.  Nó được gọi là kênh Bà Đầm vì trong khi đào kênh thì Đốc công Pháp có đem theo vợ con sống trên cái nhà bè coi công nhân làm việc.  Vợ ông Tây thường được gọi là bà Đầm.  

Kênh Ô Môn nối tiếp theo có Kênh Thị Đội chảy về hướng tỉnh Kiên Giang.

pth_kenhOMon.JPG

Huyện Phong Điền lấy tên theo huyện Phong Điền gần kinh đô Huế vì từ lúc đầu di dân người Phong Điền (Huế) vào ở đây lấy tên nầy để ghi nhớ gốc gác của mình.
Huyện Cờ Đỏ có tên như vậy là vì hồi thời Pháp thuộc ở đây là 1 đồn điền lớn nhứt có cắm cờ màu đỏ (để phân biệt với màu cờ của những đồn điền khác). Huyện có nhiều kênh: kênh Thị Đội, kênh Thốt Nốt, kênh Đứng...
Thốt Nốt là dịch âm từ tiếng Miên Thnot có nghĩa Cây Dừa đường (Borassus flabellifer). Nơi đây lúc trước có trồng nhiều cây loại nầy. Thốt Nốt là đọc trại từ Thnot.

Huyện Thốt Nốt có kênh Thốt Nốt thông với kênh Ô Môn bằng Kênh Đứng. Kênh Thốt Nốt hợp với Kênh Thị Đội ở tỉnh Kiên Giang.
Cái Sắn là vùng dọc theo 2 bên bờ kênh Rạch Sỏi và lộ 80 từ sông Hậu Giang qua huyện Vĩnh Thạnh (thuộc Cần Thơ) và Thị trấn Thạnh An tới huyện Tân Hiệp (thuộc tỉnh Kiên Giang) và Thị trấn Tân Hiệp. Kênh Rạch Sỏi ở khúc này gọi là kênh hay "sông" Cái Sắn. Nằm 2 bên bkênh Cái Sắn và quốc lộ 80 (như tủy sống và cột sống) trong khoảng 12km có nhiều kênh đào ngắn như những cái xương sườn dài 1, 2km.
Cái Sắn có những người di cư đạo Công Giáo từ Bắc vào định cư ở đây vào năm 1956. Như vậy Cái Sắn ở phía Bắc Thành phố Cần Thơ, nằm trong 3 tỉnh: Cần Thơ-Hậu Giang, Kiên Giang và An Giang. Cái Sắn không hề là một địa danh hành chánh nhưng trên giấy tờ là thuộc xã Vĩnh Trinh, huyện Thốt Nốt.

 

Ca Dao:
Anh đây lên thác xuống ghềnh
Đá mòn sông cạn quyết chung tình với em


Bình Thủy lưu linh đáo lại Long Tuyền
Cảm thương ông Cử bỏ thiềng An Giang. (*)


(*) Ông Cử là ông Ngô Văn Định và ông Phạm Hữu Danh mộ nghĩa binh chống Pháp đánh đồn Săng Đá (ở Cần Thơ) đều bị giặc giết. Thiềng là Thành (đọc trại âm)


Ô Môn lúa tốt đầy đồng
Vàm Nhon, Ba Mít, đượm nồng ý thơ
Anh về Tân Thới bơ vơ
Ba Se em ở bao giờ thăm anh. (*)
(*) Ba Se là thuộc Cờ đỏ


Chiều chiều ra đứng cửa sau
Ngó về Thị Đội ruột đau như dần


Kênh Xáng mới đào, tàu Tây mới chạy
Thương thì thương đại bớ điệu chung tình


Con nhạn bay cao khó bắn
Con cá dưới ao quỳnh khó câu.


Trường Long nước trong con gái đẹp
Rạch Ông Hào cảnh lịch người xinh. (*)


(*) Rạch Ông Hào và làng Trường Long ở quận Phong Điền. Rạch lấy theo tên 1 người dân cố cựu ở đây (là ông tên Hào).


Chợ Thốt Nốt lập đài khán võ
Chợ Cờ Đỏ tuy nhỏ mà đông
Thấy em buôn bán anh chẳng vừa lòng
Để anh làm mướn kiếm từng đồng nuôi em

Cái Răng là dịch âm từ tiếng Miên là Kran có nghĩa là "Cà Ràn". Cà Ràn là một loại bếp lò có 3 chấu. Nơi đây khi xưa có bán loại bếp nầy. Cái Răng là đọc trại từ Kran và "Cà Ràn".
Huyện Châu Thành A có Cái Tắc thường gọi là Ngã Ba Cái Tắc vì nó nằm ngay quốc lộ 1 có ngã ba tẽ ra lộ 61 đi Vị Thanh (và Long Mỹ).


Châu thành dùng như một danh từ chung để chỉ: phố phường, thành thị, nơi dân cư đông đúc khu vực chính của một xứ hay một tỉnh vùng đất bao quanh ở cạnh, ở cạnh thành phố, thị xã, đơn vị hành chánh cấp huyện.
 

Sau khi chiếm toàn bộ Nam Kỳ vào năm 1867, Pháp chia 6 tỉnh Nam Kỳ ra 24 Hạt Tham Biện (Arondissement). Viên quan cai trị là Tham Biện (Inspecteur, sau là Administrateur). Lỵ sở của Hạt gọi là "Châu Thành" có chức vụ như "Trung tâm hành chánh" của Hạt. Bắt đầu từ năm 1912, địa danh Châu Thành chánh thức được đặt tên cho nhiều đơn vị hành chánh cấp quận ở các tỉnh Nam Kỳ. Nam Kỳ có tất cả 11 huyện Châu Thành.


Thị xã Vị Thanh thành lập từ Khu trù mật Vị Thanh thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Thị xã Vị Thanh có kênh Xà No chảy qua. Kênh Xà No dài 34km nối từ Vàm Xáng của sông Cần Thơ (1 nhánh của sông Hậu Giang) tới rạch Cái Tư (1 nhánh sông Cái Lớn của tỉnh Kiên Giang).
Xà No:
   là dịch âm từ tên của người Pháp chỉ huy đào kênh nầy tên là Saint Tanoir. Xà No là đọc trại từ Tanoir.
   (theo Sơn Nam) là dịch âm từ tiếng Miên Srok Snor có nghĩa là "Xóm có cây điên điển". Xà No là đọc trại từ Snor. Kênh đào qua vùng có nhiều cây điên điển?


Ca Dao:
Có ai qua chợ Lê Bình (*)
Xin cho tôi gởi chút tình nước non
(*) Là chợ Cái Răng (ở phường Lê Bình)


Cái Răng Ba Láng Vàm Xáng Phong Điền
Anh có thương thì cho bạc cho tiền
Đừng cho lúa gạo xóm giềng cười chê.


Cái Răng Ba Láng Vàm Xáng Phong Điền (*)
Anh thương em thì đừng cho bạc cho tiền
Cho nhơn cho nghĩa kẻo xóm giềng cười chê


Cái Răng Ba Láng Vàm Xáng Xà No (*)
Anh thương em thì mua cho một chiếc đò
Để em lên xuống thăm dò ý anh
(*) Sông Ba Láng ở huyện Châu Thành A

Chợ Cái Răng xứ hào hoa
Phố lầu hai dãy xinh đà hóa xinh
Có trường hát cất rộng thênh
Để khi hứng cảnh thích tình hát ca.


Trai nào khôn bằng trai Long Mỹ
Gái nào mủ mỉ bằng gái Hà Tiên

pth_haugiangmap.JPG

Thị xã Ngã Bảy (huyện Phụng Hiệp) cách Thành phố Cần Thơ 30 km. Gọi là Ngã Bảy vì đây là ngã bảy tụ họp của 7 con kênh.
Người Pháp lần lượt đào những kênh nầy vào đầu thế kỷ 20:
Năm 1901, đào kênh Mương Lộ dài 20 km nối liền Sóc Trăng và Phụng Hiệp. Gọi là "mương lộ" vì đất đào mương đưa lên đắp đường chạy song song
Năm 1908, đào mở rộng rạch Xẻo Vông chạy thẳng về sông Ba Láng nối với Cần Thơ.
Năm 1908, đào kênh Cái Côn dài 16 km nối liền Phụng Hiệp với sông Hậu Giang. Kênh rộng cả trăm thước nên được gọi là sông Cái Côn.
Khi tới gần mang cá của cầu Phụng Hiệp, kênh Cái Côn xẻ một nhánh nhỏ về huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) gọi là kênh Mang Cá.

Năm 1914, đào kênh Quản Lộ-Phụng Hiệp từ Cà Mau qua Bạc Liêu tới Phụng Hiệp nối với kênh Cái Côn dài 140 km. Từ Cà Mau lên tới đây, theo kênh Cái Côn tới sông Hậu Giang rồi qua Trà Ôn đi về Sài Gòn. Thật ra kênh đào từ Phụng Hiệp qua tỉnh Bạc Liêu (qua 3 huyện Giá Rai, Phước Long và Hồng Dân) và nối với rạch Quản Lợi của tỉnh Cà Mau. Rạch mang tên theo ông Hương quản tên Lợi ở vùng nầy. Hương Quản là một chức quan trong làng. Ngày xưa sách Pháp không bỏ dấu hỏi nên có tên là Kênh Quan Lộ-Phụng Hiệp.
Năm 1914, đào kênh Lái Hiếu dài 25 km từ Phụng Hiệp vào Long Mỹ (thuộc tỉnh Hậu Giang) nối với sông Cái Lớn của tỉnh Kiên Giang, xuyên qua vùng đất hoang vu toàn là lau sậy. Kênh mang tên của một lái buôn tên là Hiếu.
Năm 1914, đào kênh Xẻo Môn sâu vào cánh đồng thuộc xã Hòa Mỹ (huyện Phụng Hiệp). Môn là cây môn nước có ở đây.

pth_CTY_nga7.JPG

Thơ:


ĐI TÀU QUA NGÃ BẢY (PHỤNG HIỆP)
Đèn trơ lửa đóm nháng ngời ngời
Nhen nhúm đòi nơi chẳng thấy người
Leo lét trăng soi muôn nệm cỏ
Mịt mù sương tỏa mấy nhà trôi
Trông sao nghĩ nỗi hồi lưu lạc
Nghe nước riêng buồn lúc lộng khơi
Châu võ đêm nay may có gặp
Bốn dân nghèo khó đặng ăn chơi.

(Bá Du Lê Đình Diễm)


Ca Dao:
Sông Ngã Bảy chảy về bảy ngả
Thuyền tới đây về ngả nào đây
Buồn không theo kịp chim bay
Xa nhau biết hẹn ngày nào gặp nhau.

Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền


Bài viết này là trích đoạn trong bài "Địa Danh Miền Hậu Giang"; (Bs Phan Thượng Hải) đăng
trong
phanthuonghai.com mục Lịch Sử và Thơ Văn phần Địa Lý Nước Việt.

pth_noibuonhoaphuong.JPG

    NHẠC PHẨM MÙA HÈ của TÂN NHẠC MIỀN NAM

    (Bs Phan Thượng Hải)

 

A. Cảnh Tình Mùa Hè

 

Khúc Ca Mùa Hè - Điệu Fox Trot - 1950.

         Về đây ta lắng nghe muôn cung đàn.  Đường tơ tha thiết vương hương nồng nàn

(Canh Thân)

 

Hè Về - Điệu Moderato.

         Trời hồng hồng sáng trong trong.  Ngàn phượng nắng rung ngoài song

(Hùng Lân)

 

 Nhạt Nắng - Điệu very Slow; Điệu Slow Surf - 1958.

         Tôi thương miền quê nhớ hoàng hôn trên đất xưa.  Nghe tiếng tiêu mơ màng chiều hè

(Lời: Y Vân - Nhạc: Xuân Lôi)

 

Nắng Hạ - Điệu Slow Rock.

         Bên nhau nắng hạ rộn ràng.  Cho nhau thoáng rượu nồng nàn

(Nguyễn Trung Cang)

 

 B. Tình Yêu trong Mùa Hè

 

Tóc Em Chưa Úa Nắng Hè - Điệu Boston.

         Rồi nắng hạ tàn phai.  Cơn mê tình ái.  Rã rời lạc lối

(Phạm Mạnh Cương)

 

Đưa Em Vào Hạ - Điệu Ballade - 1968.

         Mùa hè năm nay anh sẽ đưa em rời phố chợ đôi ngày.  Qua miền xa mà nghe rừng thiêng gọi lá

(Trầm Tử Thiêng)

 

Hạ Trắng - Điệu Lente Expressivo; Điệu Slow Rock.

         Gọi nắng! Trên vai em gầy.  Đường xa áo bay.  Nắng qua mắt buồn.  Lòng hoa bướm say

(Trịnh Công Sơn)

 

Hoa Vàng Mấy Độ - Điệu Boston.

         Em đến bên đời hoa vàng một đóa.  Một thoáng hương bay bên trời phố Hạ

(Trịnh Công Sơn)

 

 

C. Tình Học Trò trong Mùa Hè 

 

Lưu Bút Ngày Xanh - Điệu Bolero - 1964.

         Lòng xao xuyến mỗi khi hoa phượng rơi.  Nhắc lại câu chuyện buồn

(Thanh Sơn)

 

Nỗi Buồn Hoa Phượng - Điệu Habanera - 1966.

         Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn.  Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương

(Thanh Sơn và Lê Dinh)

 

Thương Ca Mùa Hạ - Điệu Tango Habanera - 1967 - Đức Minh hát đầu tiên.

         Hè về rồi đây tâm hồn xuyến xao.  Nhắc đến biệt ly thương cảm nỗi sầu

(Thanh Sơn và Bảo Thu)

 

 Mùa Hoa Giã Biệt - Điệu Bolero - 1966

         Mùa phượng vỹ gieo chi từ sầu biệt ly.  Nhìn hoa nắng rơi rơi nghe lòng chơi vơi

(Thy Linh Trương Hoàng Xuân) 

_____________

THƠ VÀ SỬ VIỆT - TỰ LỰC VĂN ĐOÀN
 

Bs Phan Thượng Hải biên soạn
 

Được thành lập từ năm 1932 trong thời Pháp Thuộc, Tự Lực Văn Đoàn đã có công sáng tạo phong trào Thơ Mới. Thi nhân và văn nhân của Tự Lực Văn Đoàn cũng có liên quan đến lịch sử chính trị ở Miền Bắc và Miền Nam sau năm 1945.


Bố cục
     Tự Lực Văn Đoàn (trang 1)
     Tự Lực Văn Đoàn và Thơ Mới (trang 2)
     Thi Nhân Miền Bắc từ Tự Lực Văn Đoàn (trang 15)
     Văn Nhân Miền Nam từ Tự Lực Văn Đoàn (trang 30)

 

TỰ LỰC VĂN ĐOÀN


Tự Lực Văn Đoàn (1932-1942) được thành lập bởi ông Nhất Linh Nguyễn Tường Tam với 2 tờ báo Phong Hóa và Ngày Nay và xuất bản nhiều sách. Nó chính thức có 4 Văn sĩ là Khái Hưng với 3 anh em Nhất Linh, Hoàng Đạo và Thạch Lam và 3 Thi sĩ là Thế Lữ, Tú Mỡ và Xuân Diệu.

Những sách nổi tiếng của Tự Lực Văn Đoàn:
Tiểu thuyết của Nhất Linh: Đoạn Tuyệt (1934), Lạnh Lùng (1936) và Đôi Bạn (1937)
Tiểu thuyết của Khái Hưng: Hồn Bướm Mơ Tiên (1933), Nửa Chừng Xuân (1934) và Thừa Tự (1937)
Tiểu thuyết của Hoàng Đạo: Con Đường Sáng (1940)
Tập Truyện ngắn của Thạch Lam: Gió Đầu Mùa (1937)
Tập Thơ của Thế Lữ: Mấy Vần Thơ (1935)Tập Thơ của Tú Mỡ: Dòng Nước Ngược (1943)
Tập Thơ của Xuân Diệu: Thơ Thơ (1938)
Ngoài 7 người nồng cốt (Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Thế Lữ, Tú Mỡ và Xuân Diệu); Tự Lực Văn Đoàn có nhiều cộng tác viên khác:

Văn sĩ: Trần Tiêu (em Khái Hưng), Thanh Tịnh, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Phạm Cao Củng, Nguyễn Công Hoan, Vi Huyền Đắc, Nguyễn Tường Bách...
Thi sĩ: Huy Cận, Đinh Hùng, Tản Đà...
Họa sĩ: Nguyễn Cát Tường, Lê Minh Đức, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân...


Tuyên ngôn của Tự Lực Văn Đoàn
Tự lực văn đoàn họp những người đồng chí trong văn giới; người trong đoàn đối với nhau cốt có liên lạc về tinh thần, cùng nhau theo đuổi một tôn chỉ, hết sức giúp nhau để đạt được mục đích chung, hết sức che chở nhau trong những công cuộc có tính cách văn chương.
Người trong Văn đoàn có quyền để dưới tên mình chữ Tự Lực văn đoàn và bao nhiêu tác phẩm của mình đều được Văn đoàn nhận và đặt dấu hiệu.
Những sách của người ngoài, hoặc đã xuất bản, hoặc còn bản thảo, gửi đến Văn đoàn xét, nếu hai phần ba người trong Văn đoàn có mặt ở Hội đồng xét là có giá trị và hợp với tôn chỉ thì sẽ nhận đặt dấu hiệu của Đoàn và sẽ tùy sứ cổ động giúp. Tự Lực văn đoàn không phải là một hội buôn xuất bản sách.
Sau này nếu có thể được, Văn đoàn sẽ đặt giải thưởng gọi là giải thưởng Tự Lực văn đoàn để thưởng những tác phẩm có giá trị và hợp với tôn chỉ của Đoàn.


Tôn chỉ của Tự Lực Văn Đoàn
1. Tự sức mình làm ra những sách có giá trị về văn chương chứ không phiên dịch sách nước ngoài nếu những sách này chỉ có tính cách văn chương thôi: mục đích là để làm giàu thêm văn sản trong nước.
2. Soạn hay dịch những cuốn sách có tư tưởng xã hội. Chú ý làm cho người và xã hội ngày một hay hơn.
3. Theo chủ nghĩa bình dân, soạn những sách có tính cách bình dân và cổ động cho người khác yêu chủ nghĩa bình dân.
4. Dùng một lối văn giản dị, dễ hiểu, ít chữ nho, một lối văn thật có tính cách An Nam.
5. Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời, có chí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ.
6. Ca tụng những nết hay vẻ đẹp của nước mà có tính cách bình dân, khiến cho người khác đem lòng yêu nước một cách bình dân. Không có tính cách trưởng giả quý phái.
7. Trọng tự do cá nhân.
8. Làm cho người ta biết rằng đạo Khổng không hợp thời nữa.
9. Đem phương pháp khoa học thái tây ứng dụng vào văn chương Việt Nam.
10. Theo một trong 9 điều này cũng được miễn là đừng trái ngược với những điều khác.

 

TỰ LỰC VĂN ĐOÀN VÀ THƠ MỚI


a) Đại Cương về Thơ Mới
Danh từ "Thơ Mới" bắt đầu xuất hiện cùng lúc với phong trào "Thi Nhân Tiền Chiến". Vào đầuthập niên 1930s cho đến lúc bắt đằu cuộc chiến tranh 1945-1954 (thời kỳ Tiền Chiến), có xuất hiện nhiều thi nhân làm những Bài Thơ Mới và sáng tạo để áp dụng thêm những Thể Thơ Mới.
Do đó đề tài Thơ Mới gồm có Bài Thơ Mới và Thể Thơ Mới. Thơ Mới luôn dùng chữ Quốc ngữ.
Một Bài Thơ trong lịch sử thi văn nước Việt có 3 loại:
        Bài Thơ Cổ Điển
        Bài Thơ Mới Có Vần
        Bài Thơ Mới Không Có Vần
* Bài Thơ Cổ Điển (Luôn Có Vần)
Thi nhân nước Việt sau khi dành độc lập nhất từ thời nhà Lý (thế kỷ thứ 10) đã có làm Thơ Cổ Điển với những Bài Thơ Cổ Điển dùng chữ Hán và chữ Nôm theo những Thể Thơ Cổ Điển.
Đường Luật Bát Cú (Bát Cú = 8 câu)
Đường Luật Tứ Tuyệt (Tứ Tuyệt = 4 câu)
Cổ Phong Tràng Thiên: Liên Tục hay gồm nhiều đoạn Tứ Cú
Lục Bát Đoản Thiên hoặc Tràng Thiên
Song Thất Lục Bát Đoản Thiên hoặc Tràng Thiên
(Bài Thơ Đoản Thiên có từ 8 câu trở xuống. Bài Thơ Tràng Thiên có nhiều hơn 8 câu).
Một Bài Thơ Cổ Điển chỉ dùng một Thể Thơ Cổ Điển mà thôi. Một Bài Thơ Cổ Điển Tràng Thiên thì luôn luôn liên tục.
Từ thế kỷ thứ 19, thi nhân của Thơ Cổ Điển dùng chữ Quốc ngữ.
* Bài Thơ Mới Có Vần
Thi nhân nước Việt dùng chữ Quốc ngữ (nhất là từ đầu thập niên 1930s) bắt đầu sáng tạo thêm những Thể Thơ Mới và làm những Bài Thơ Mới.
Những Thể Thơ Mới được sắp loại tùy theo cách gieo Vần:
Thể Thơ Mới Vần Liên Tiếp
Thể Thơ Mới Vần Ôm
Thể Thơ Mới Vần Gián Cách
Thể Thơ Mới Vần Hỗn Tạp
Thể Thơ Mới không có gì là sáng tạo mà chỉ bắt chước những Thể Thơ của Âu châu.
Vần trong các Thể Thơ Mới có những đặc tính:
Có nhiều Vần Trắc cũng như Vần Bằng
Có nhiều Vần Lơi cũng như Vần Chánh
Có thể có Lạc Vận
Một Bài Thơ Mới Có Vần Tràng Thiên có thể:
gồm những câu liên tục
gồm những đoạn tứ cú (4 câu)
Một Bài Thơ Mới Có Vần có thể:
chỉ áp dụng một Thể Thơ Mới hay Cổ Điển cho toàn bài thơ.
áp dụng nhiều Thể Thơ Mới hoặc Cổ Điển cho bài thơ (mỗi Đoạn của Bài Thơ có Thể Thơ khác nhau).
Câu thơ của Bài Thơ Mới Có Vần dùng Thể Thơ Mới có theo Luật Bằng Trắc gọi là Luật Đổi Thanh. Các thi sĩ giỏi của Thơ Mới đều dùng Luật Đổi Thanh mặc dù luật nầy không bắt buộc cho thi nhân phải dùng như luật Bằng Trắc của những Thể Thơ Cổ Điển và Bài Thơ Cổ Điển.

 

b) Thơ Mới và Tự Lực Văn Đoàn
Tự Lực Văn Đoàn dẫn đầu phong trào Thơ Mới bắt đầu từ đầu thập niên 1930s. Các thi nhâncủa Tự Lực Văn Đoàn áp dụng tất cả mọi Thể thơ Mới (với Luật Đổi Thanh) và mọi Thể thơ Cổ điển kể cả Thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú.
Theo "thái tây", đề tài của tất cả thi nhân Tự Lực Văn Đoàn (dẫn đầu là Xuân Diệu và Huy Cận) là tình yêu và tình thương nhớ, với tính cách sầu buồn, lãng mạn nhưng cũng đầy lý tưởng.
Thế Lữ và nhất là Tú Mỡ còn có nhiều đề tài rộng rãi hơn về nhân sinh trong xã hội đương thời Pháp thuộc cũng như cảnh vật.
Tú Mỡ dùng thể Thơ Cổ điển để chọc ghẹo các thi nhân và văn nhân theo "thái tây" dùng chữ Quốc ngữ nhưng họ vẫn còn ảnh hưởng đạo Khổng và còn có tính cách trưởng giả. Đặc biệt là Tú Mỡ nhắm vảo Tản Đà và Nam Phong tạp chí...
Đây là Thơ về 2 ông Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh:
Nước Nam có hai người tài
Thứ nhất xừ Ĩnh thứ hai xừ Uỳnh
Một xừ béo núng rung rinh
Một xừ lều dều như hình cò hương
Không vốn liếng chẳng ruộng nương
Chỉ đem dư luận bán buôn làm giàu.
(Báo Phong Hóa) 22-7-32


Các thi nhân của Tự Lực Văn Đoàn trong thời Pháp Thuộc đã để lại nhiều bài thơ tuyệt tác và tạo ảnh hưởng sâu đậm đến những thi nhân Thơ Mới sau nầy trong sáng tác những đề tài tình yêu.
* Thơ Tình
YÊU
Yêu, là chết ở trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà chẳng được yêu?
Cho rất nhiều, song chẳng nhận bao nhiêu
Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết.
Phút gần gũi cũng như giờ chia biệt
Tưởng trăng tàn, hoa tạ với hồn tiêu
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu!
- Yêu là chết ở trong lòng một ít
Họ lạc lối giữa u sầu mù mịt
Những người si theo dõi dấu chân yêu
Và cảnh đời là sa mạc cô liêu
Và tình ái là sợi dây vướn vít
Yêu, là chết ở trong lòng một ít.
(Xuân Diệu)


MỘT TÌNH YÊU
Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất,
Đem cho em kèm với một lá thư.
Em không lấy là tình anh đã mất
Tình đã cho không lấy lại bao giờ
Thực thì mỏng như suốt đời mộng ảo,
Tình thì buồn như tất cả chia li,
Xếp khuôn giấy để hoài trong túi áo,
Mãi trăm lần mới gấp lại đưa đi.
Em xé như lòng non cùng giấy mới
Mây dần trôi hôm ấy phủ sơn khê
Thôi thôi nhé! Hoa đã sầu dưới đất
Cười trên cành sao được nữa em ơi!
Anh chỉ còn một tình yêu thứ nhất
Đem cho em là đã mất đi rồi!
(Xuân Diệu)


CHIỀU
Hôm nay, trời nhẹ lên cao,
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn...
Lá hồng rơi lặng ngõ thuôn,
Sương trinh rơi kín từ nguồn yêu thương.
Phất phơ hồn của bông hường,
Trong hơi phiêu bạt còn vương máu hồng.
Nghe chừng gió nhớ qua sông,
E bên lau lách thuyền không vắng bờ.
- Không gian như có dây tơ,
Bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu.
Êm êm chiều ngẩn ngơ chiều,
Lòng không sao cả, hiu hiu khẽ buồn...
(Xuân Diệu)


TRÀNG GIANG
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy giòng
Lơ thơ cồn cỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống trời lên sầu chót vót
Sông dài trời rộng bến cô liêu
Bèo dạt về đâu hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa
Lòng quê rờn rợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
(Huy Cận)
NGẬM NGÙI
Nắng chia nửa bãi; chiều rồi...
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu.
Sợi buồn con nhện giăng mau;
Em ơi! hãy ngủ... anh hầu quạt đây.
Lòng anh mở với quạt này;
Trăm con chim mộng về bay đầu giường.
Ngủ đi em, mộng bình thường!
Ru em sẵn tiếng thuỳ dương mấy bờ...
Cây dài bóng xế ngẩn ngơ...
- Hồn em đã chín mấy mùa thương đau?
Tay anh em hãy tựa đầu,
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi...
(Huy Cận)


CÂY ĐÀN MUÔN ĐIỆU
Tôi là người bộ hành phiêu lãng
Đường trần gian xuôi ngược để vui chơi:
Tìm cảm giác hay trong tiếng khóc, câu cười,
Trong lúc gian lao, trong giờ sung sướng,
Khi phấn đấu cũng như hồi mơ tưởng.
Tôi yêu đời cùng với cảnh lầm than,
Cảnh thương tâm, ghê gớm, hay dịu đàng.
Cảnh rực rỡ, ái ân hay dữ dội.
Anh dù bảo: tính tình tôi hay đổi,
Không chuyên tâm, không chủ nghĩa: nhưng cần chi?
Tôi chỉ là một khách tình si
Ham vẻ Đẹp có muôn hình, muôn thể.
Mượn lấy bút nàng Ly Tao, tôi vẽ,
Và mượn cây đàn ngàn phím, tôi ca
Vẻ đẹp u trầm, đắm đuối, hay ngây thơ,
Cũng như vẻ Đẹp cao siêu, hùng tráng
Của non nước, của thi văn, tư tưởng.
Dáng yêu kiều tha thướt khách giai nhân;
Ánh tưng bừng linh hoạt nắng trời xuân;
Vẻ sầu muộn âm thầm ngày mưa gió;
Cảnh vĩ đại, sóng nghiêng trời, thác ngàn đổ;
Nét mong manh, thấp thoáng cánh hoa bay;
Cảnh cơ hàn nơi nước đọng bùn lầy;
Thú sán lạn mơ hồ trong ảo mộng;
Chí hăng hái đua ganh đời náo động:
Tôi đều yêu, đều kiếm, đều say mê.
Tôi sẵn lòng đau vì tiếng ai bi,
Và tôi cảm khái bởi những lời hăng hái.
Tôi ngợi ca với tiếng lòng phấn khởi,
Tôi thở than cùng thiếu nữ bâng khuâng,
Tôi véo von theo tiếng sáo lưng chừng,
Tôi yên ủi với tiếng chuông huyền diệu,
Với Nàng Thơ, tôi có đàn muôn điệu;
Với Nàng Thơ, tôi có bút muôn màu;
Tôi muốn làm nhà nghệ sĩ nhiệm mầu;
Lấy Thanh Sắc trần gian làm tài liệu.
(Thế Lữ)


NHỚ RỪNG
Gậm một khối căm hờn trong củi sắt
Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua
Khing lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,
Giương mắt bé riễu oai linh rừng thẵm,
Nay sa cơ, bị nhọc nhằn tù hãm,
Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi
Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi,
Với cặp báo chuồng bên vô tư lự.
Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ
Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa.
Nhớ cõi sơn lâm, bóng cả, cây già,
Tiếng gió gào ngàn, giọng nguồn hét núi,
Với khi thét khúc trường ca dữ dội,
Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng
Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc.
Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc
Là khiến cho mọi vật đều im hơi,
Ta biết ta chúa tể của muôn loài,
Trong chốn thảo hoa, không tên, không tuổi
Nào những đêm vàng bên bờ suối,
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn,
Ta lặn ngắm giang sơn ta đổi mới
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng.
Ta đợi tắt mảnh mặt trời gay gắt,
Để chiếm lấy riêng ta vùng bí mật?
Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?
Nay ta ôm bầu uất hận ngàn thâu,
Ghét những cảnh không đời nào thay đổi,
Những cảnh sửa sang, tầm thường, giả dối.
Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng;
Giải nước đen giả suối, chẳng thông dòng
Len dưới nách những mô gò thấp kém;
Dăm vừng lá hiền lành, không bí hiểm,
Cũng học đòi bắt chước vẽ hoang vu
Của chốn ngàn năm cao cả, âm u.
Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ!
Là nơi giống hùm thiêng ta ngự trị,
Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa,
Nơi chẳng mong còn thấy lại bao giờ
Có biết chăng trong những ngày ngao ngán,
Ta đang theo giấc mộng ngàn to lớn
Để hồn ta phảng phất được gần ngươi,
- Hỡi cảnh rừng kiêu hãnh của ta ơi!
(Thế Lữ)


MƯỜI THƯƠNG
Một thương tóc lệch đường ngôi,
Hai thương quần trắng, áo mùi, khăn san.
Ba thương hôm sớm điểm trang,
Bốn thương răng ngọc hai hàng trắng phau.
Năm thương lược Huế cài đầu,
Sáu thương ô lục ngả màu thanh thiên.
Bảy thương lắm bạc nhiều tiền,
Tám thương động tí nữ quyền giở ra.
Chín thương cô vẫn ở nhà,
Mười thương... thôi để mình ta thương mình...
(Tú Mỡ)


TƯƠNG TƯ
Vì ai nên nỗi nhớ cùng thương
Một mối tơ tình dạ vấn vương
Sáu khắc mơ màng hình bạn ngọc
Năm canh nhớ tưởng bóng người vàng
Ruột tằm chín khúc vò tơ rối
Giấc điệp năm canh diễn khắc trường
Muốn nhắn cùng ai, ai nhắn hộ
Mòn đuôi con mắt giải sông Tương.
(Tú Mỡ)


Le Sonnet d'Arvers, paru en 1833 dans le recueil poétique “Mes heures perdues” de Felix Arvers,
est l'un des sonnets les plus populaires du XIXe siècle.
LE SONNET
« Mon âme a son secret, ma vie a son mystère:
Un amour éternel en un moment conçu.
Le mal est sans espoir, aussi j'ai dû le taire,
Et celle qui l'a fait n'en a jamais rien su.
Hélas! j'aurai passé près d'elle inaperçu,
Toujours à ses côtés, et pourtant solitaire,
Et j'aurai jusqu'au bout fait mon temps sur la terre,
N'osant rien demander et n'ayant rien reçu.
Pour elle, quoique Dieu l'ait faite douce et tendre,
Elle ira son chemin, distraite, et sans entendre
Ce murmure d'amour élevé sur ses pas;
À l'austère devoir pieusement fidèle,
Elle dira, lisant ces vers tout remplis d'elle:
« Quelle est donc cette femme? » et ne comprendra pas. »
(Felix Arvers)


TÌNH TUYỆT VỌNG
Lòng ta chôn một khối tình,
Tình trong giây phút mà thành thiên thâu.
Tình tuyệt vọng, nỗi thảm sầu,
Mà người gieo thảm như hầu không hay.
Hỡi ơi, người đó ta đây,
Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân?
Dẫu ta đi trọn đường trần,
Chuyện riêng dễ dám một lần hé môi?
Người dù ngọc nói hoa cười,
Nhìn ta như thể nhìn người không quen.
Đường đời lặng lẽ bước tiên,
Ngờ đâu chân đạp lên trên khối tình.
Một niềm tiết liệt đoan trinh,
Xem thơ nào biết có mình ở trong.
Lạnh lùng lòng sẽ hỏi lòng:
"Người đâu ta ở mấy dòng thơ đây?"
(Khái Hưng Trần Khánh Giư dịch)


* Thơ về Nhân sinh trong xã hội Pháp Thuộc
TRỤY LẠC
Rượu ân ái đắm ngây lòng chán nản
Rót tràn đi, rót nữa, tình nhân ơi!
Ta lắng nghe gió thoảng ở bên tai
Có phải chăng vẫn réo lời thống khổ?
Cứ rót nữa! Bao giờ mê quá độ
Vơ tóc em lau cặp mắt đờ say
Rồi trông ra màu khói thuốc mù bay
Ta chỉ thấy những màu tươi sặc sỡ.
Ồ những tấm thân nõn nà nghiêng ngửa!
Những tràng cười khoái lạc, giọng dòn tan!
Những điệu lẳng lơ, khiêu khích, nồng nàn!
Những khúc hát lả lơi hay uỷ mị!
Hỡi gái giang hồ! Bạn tình ô uế!
Biết chăng em, đó là thú mê tơi,
Để cho ta không thiết đến ngày mai.
Đời ta nữa. - Ngày mai là lúc tỉnh.
Cũng như em, tâm hồn ta đã lạnh
Tự lâu rồi, từ cái thuở xa xăm
Mà ánh sáng chim ca, mà bóng gió âm thầm.
Hay nét hoa tươi hay màu lá rụng
Cũng đủ khiến cho lòng ta rung động.
- Ta ngây thơ như cô gái đương xuân,
Nhưng đến nay, cô ấy trải phong trần
Đã dày dạn, thấy đời thô rõ quá!
Lòng đã tắt không còn tin tưởng nữa,
Thì quên đi, quên hết để say sưa,
Để mê ly trong thú ái ân vờ
Để trốn tránh những ngày giờ trống trải.
Em ơi, ta không dám để lòng ta nhớ lại
Vì đôi phen trong những lúc điên cuồng
Mảnh hồn thơ còn thoi thóp giữa đêm suông
Bắt ta tiếc quãng đời trong trắng mãi.
(Thế Lữ)


BÚT SẮT CƯỚI BÚT LÔNG
Anh sắt mà cưới chị Lông
Mối manh ai mách? Tơ hồng nào se?
Khi xưa mới cưới nhau về
Chồng yêu vồn vã, vợ e sượng sùng
Đông Tây buổi mới lạ lùng
Bởi chưng ngôn ngữ bất đồng chán nhau
Sì sồ anh nói làu làu
Ngẩn ngơ chị cứ lắc đầu rằng "không"...!
Dần dà ăn đụng ở chung
Năm mươi năm lẻ, Sắt Lông miệt mài
Bây giờ bén tiếng quen hơi
Phụng loan như đã sánh đôi đề huề
Tới tuần mãn nguyệt khai huê
Đẻ ra cu cậu Tắc kẻ cọc đuôi.
(Tú Mỡ
)

BỐN CÁI MONG CỦA THẦY PHÁN
Làm nghề thầy ký với thầy thông
Sống ở trên đời có bốn mong:
Mong tháng chóng qua, tiền chóng lĩnh
Mong giờ mau hết, việc mau xong
Mề đay mong được dăm mười chiếc
Lương bổng mong tăng sáu bẩy đồng
Hãy tạm thời nay mong thế thế
Còn bao mong nữa xếp bên lòng.
(Tú Mỡ)


KHUYÊN AI KÉN VỢ
Lấy vợ khuyên ai kén vợ hiền
Kén người đức hạnh, bậc chân chuyên
Tốt duyên gặp được người như nguyện
Giá nọ nhà vàng đúc cũng nên
Lấy vợ khuyên ai kén vợ xoàng
Cần chi giàu có với quan sang
Quí hồ nội trợ tề gia giỏi
Cái cảnh gia đình mới vẻ vang
Lấy vợ khuyên ai cốt chữ tình
Xin dừng vụ lợi với ham danh
Mấy người tiểu kỷ vì danh lợi
Khó trọn cùng nhau nghĩa tử sinh
Lấy vợ không nên kén vợ giàu
E rằng ỷ của lại khinh nhau
Hổ thay ! Cái tiếng nhờ lưng vợ !
Tiếng ấy anh hùng há chịu đâu !
Lấy vợ không nên lấy ả đầu
Hoa tàn, nhị rữa, tiết còn đâu
Chỉ quen nghề nghiệp nhà son phấn
Chẳng trách phương ngôn đã có câu (*)
Lấy vợ không nên lấy vợ nhiều
Một bà thôi cũng đủ thương yêu
Ai về nhắn nhủ phường tham thịt
Cả lẻ làm chi, tổ ỷ eo…!
(Tú Mỡ)
(*) Chú thích: Phương ngôn rằng: “Lấy quan, quan cách, lấy khách, khách về Tàu, lấy nhà giàu,
nhà giàu hết của”.


* Thơ Xướng Họa giữa Tú Mỡ và Tản Đà
GỬI ĐÙA BÁC TÚ MỠ
(Xướng)
Tôi, bác, sao mà bác Tú ơi,
Cùng tên, ta lại ở đôi nơi!
Khói mây non Tản tôi gầy lắm
Bơ sữa thành Long bác béo hoài
Cốt có rượu thơ người sống nổi
Quản chi mưa gió cuộc đời trôi
Thơ này Hiếu gửi đăng “Phong hoá”
Hiếu có thanh nhàn thử hoạ chơi.
(Tản Đà)


(Họa)
Kể chi xa cách, bạn thơ ơi,
Lời gửi thăm nhau miễn tới nơi.
Đủ mỡ, tôi không phì nộn lắm,
Tăng sương! Bác chớ quở quang hoài!
Rượu chè, tiên vẫn say sưa khướt?
Thơ phú người thuê, viết lách trôi?
Nghe nói Hiếu gầy hay Hiếu ốm?
Hôm nào thư thả Hiếu lên chơi.
(Tú Mỡ)
(*) Chú thích: Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu và Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu có cùng tên Hiếu.


TẢN ĐÀ CỐC TỬ
(Xướng)
Nghe đồn bác Hiếu, Tản Đà
Mở hàng lý số tỉnh Hà nay mai
Chừng bác thấy lắm ngài “Lốc Cốc”
Chỉ chuyên môn nói róc ăn tiền
Tán hưu tán vượn huyên thiên
Nói thánh nói tướng như tiên như thần
Nghề bẽm mép kiếm ăn cũng dễ
Chẳng khổ như cái nghệ làm văn
Lao tâm trí, tổn tinh thần
Nhà thơ vắt óc tìm vần gọt câu
Lắm lúc bí gan rầu ruột thắt
Thức đêm thâu mỏi mắt phờ râu !
Nhọc nhằn ai biết công đâu
Để cho thiên hạ giải sầu mua vui
Nghề thơ chẳng đủ nuôi thi sĩ
Nên bạn tôi phải nghĩ đường xoay
Nhà Nho chữ tốt văn hay
Thời khoa lý số hẳn tay cũng tái
Vả xưa đã dùi mài Kinh Dịch
Báo An Nam chú thích tinh tường
Ngày nay đoán việc âm dương
Hẳn không bổ phượu như phường ba hoa
Nào hãy đến Tản Đà Cốc Tử
Quẻ Càn Khôn hỏi thử xem sao
Xem tài thầy thấp hay cao
Mười câu họa có câu nào sai chằng ?
Dù thầy có tán trăng tán cuội
Nghe nhà thơ lời nói văn hoa
Nhất khi rượu đã khề khà
Tán đâu ra đấy đậm đà có duyên
Thời khách mất đồng tiền đặt quẻ