top of page
hmpg.jpg
Titlej (1).jpg

THƠ - VĂN

BS PHAN THƯỢNG HẢI (II)

Nam California

THƠ VỀ NGÀY 30-4-75         

thơ tiếp vận và họa nghịch vận để nói tiếp ý:

 

NGƯỜI DI TẢN NGÀY 30-4-75 

Từ cuối tháng tư một hải trình

Bao năm thỏa ý chí phù sinh

An cư viễn xứ an cường thọ

Lạc nghiệp tha hương lạc thái bình

Sĩ tử chính danh nhìn chính trị

Trượng phu văn hóa hợp văn minh

Vô thường ý kiến dù thay đổi 

Hoài niệm ngày xưa đẹp cựu tình.

(Phan Thượng Hải)

4/27/24 

 

NGƯỜI VƯỢT BIÊN TỴ NẠN SAU NGÀY 30-4-75

Hoài niệm ngày xưa đẹp cựu tình

Thoát qua lạc hậu thấy văn minh

Vượt biên thành đạt đời sung túc

Tỵ nạn thành công mộng thái bình

Quá khứ cảm thương đường khốn khổ

Tha hương thanh nghị ý phù sinh

Ơn trên cứu độ ban ơn phước

Nối nghiệp tự do một hải trình.

(Phan Thượng Hải) 

4/30/24 

NGUỒN GỐC GIÁO HỘI CÔNG GIÁO 

 

                                 Bs Phan Thượng Hải biên soạn  

 

Từ Jesus (Giê-su / Gia tô) có một tôn giáo là Christianity.  

         Là người Do Thái, Jesus được các Tông đồ, cũng là người Do Thái, gọi là "Đấng cứu thế" (savior) mà tiếng Do thái là Messiah.  Messiah dịch ra tiếng Hy Lạp là Christo và tiếng La Tinh là Christus, chuyển thành tiếng Anh là Christ.  

         Christianity là từ Christ (Christo và Christus), có nghĩa là: Tôn giáo của Christ, Đấng cứu rỗi thế gian. Dịch âm thành tiếng Việt của Christo là Kitô và của Christus là Cơ Đốc.  

Do đó Christianity được dịch ra tiếng Việt là Kitô giáo hay Cơ Đốc giáo.  Theo hiện đại, tác giả dùng từ ngữ "Kitô giáo".

 

Đến năm 1054, khi Kitô giáo chia ra 2 Giáo hội (Churches) thì 2 Giáo hội chọn 2 tên khác nhau:

         Công giáo (Catholicism) và Giáo hội Công giáo (Catholic Church) 

         Chính Thống giáo (Orthodoxy) và Giáo hội Chính Thống giáo (Orthodox Church).

Lịch sử Công giáo (Catholicism) bắt đầu khi nó còn là Kitô giáo (chung với Chính Thống giáo).

Từ ngữ Đạo Thiên Chúa có được dùng để dịch ra từ Catholicism hay Christianity nhưng đều không chính xác.  

 

Vào thế kỷ thứ 16, sau phong trào Cải Cách (Reformation), có những Giáo phái Kháng Cách (Protestant) tách ra từ Giáo hội Công giáo.  Những giáo phái Kháng Cách nầy đã được gọi chung là Đạo Tin Lành vì các giáo phái nầy căn cứ chính trên Phúc Âm (Gospels), dịch Nôm là "Tin Lành" (Good News).  Theo hiện đại, tác giả dùng từ ngữ "Kháng Cách".

 

Thời Cận Đại (Modern Time) bắt đầu từ thời Phục Hưng (Renaissance) và Khám Phá (Ages of Discovery) vào khoảng gần cuối thế kỷ thứ 15 cho tới trước Đệ nhất Thế chiến (1914).

 

A. Nguồn gốc của Kitô Giáo 

 

* Jesus Christ

 

Kitô giáo bắt đầu bởi Jesus trong thời gian Hòa Bình La Mã (Pax Romana) từ Hoàng đế Augustus.

Jesus sinh ra trong một gia đình người Do Thái ở Nazareth, một làng nhỏ thuộc tỉnh Galilee của Đế quốc La Mã (Roman Empire).  Khi vào khoảng 30 tuổi, ngài bắt đầu rao giảng cho mọi người là Nước Trời (Kingdom of God) gần xuất hiện trên Địa cầu.  Muốn được cứu rổi (saved), ngài nói, con người cần có thay đổi về đạo đức (moral transformation), về ăn năn (repentance), sống cho phải đạo (right living) và có lòng thương người (loving heart).  Ngài rao giảng Đức tin (faith), Hy vọng (hope) và Tình thương (love).

Mặc dù Jesus là người Do Thái truyền thống (Hebrew), có người Do Thái đương thời không bằng lòng vì cho rằng Jesus không nhìn nhận luật Do Thái truyền thống (Hebrew law).  Nhà cầm quyền của Đế quốc La Mã coi Jesus là một đe dọa (threat), có thể nghi ngài là một "Người cuồng tín" (Zealot), một trong tông phái của Do Thái giáo thúc đẩy dân chúng dùng vũ khí nổi loạn chống Hoàng đế và Đế quốc.  Một tông phái (sect) là một nhóm hay tổ chức bên trong một tôn giáo.  Jesus bị bắt xử tại tòa án của Đế quốc La Mã ở Jerusalem và xử tử bằng đóng đinh trên cây Thập tự (Crucifixion), một phương tiện tàn bạo để xử tử thường dùng bởi người La Mã.

 

Những đệ tử (disciples or followers) của Jesus tin rằng vào ngày thứ ba sau khi chết và để trong mộ đá, Jesus sống lên từ cái chết.  Họ giải nghĩa biến cố nầy như là chứng cớ là Jesus là Con của Thiên Chúa (Son of God), người đã xuống Địa cầu để cứu tất cả nhân loại.  Họ tin rằng Jesus là Messiah (tiếng Do Thái), hay theo tiếng Hy Lạp là Christos và dịch ra tiếng Anh là Christ.  Messiah dịch nghĩa là "Đấng cứu thế" (the Savior) đã được hứa hẹn theo các nhà Tiên tri (prophets) trong kinh thánh của Do Thái giáo (Judaism). Những đệ tử của Jesus cho rằng họ phải có bổn phận là rao giảng khắp nơi Tin Lành (good news), hay là Phúc Âm (Gospel) nầy cho những người khác ở khắp nơi.  

 

* 12 Thánh Tông đồ

 

Jesus cỏ 12 đệ tử thân cận nhất trước khi ngài chịu nạn gọi là Tông đồ.  Tông đồ cuối cùng qua đời là John, hay John the Apostle, ở Anatolia (vào năm 100).

Do đó giai đoạn đầu của Kitô giáo từ 1-100 gọi là Giai đoạn Tông đồ (Apostolic period).

 

12 Tông đồ gồm có:

 

         1. Simon hay Simon Peter.  Thường được biết là Peter, thánh Peter; theo lịch sử là Giáo hoàng đầu tiên.

         2. Andrew: em của Simon Peter.  Trước là môn đồ của John the Baptist.  Tông đồ trước tiên của Jesus.

         3. James: anh của John, con của Zebedee.

         4. John: em của James, con của Zebedee.  Người viết Phúc Âm.

         5. Philip

         6. Thaddeus: em của Simon

         7. Bartholomew

         8. Thomas

         9. James: thường gọi là James the Less, anh của Matthew

         10. Matthew: người Thu thuế; em của James the Less.  Người viết Phúc Âm.

         11. Simon the Zealot or Simon the Canaanites

         12. Judas Iscariot: người bán Jesus.  Được thay thế bởi Matthias.

Judas Iscariot sau khi bán Jesus thì hối hận nên tự tử trước khi Jesus sống lại (trong ngày thứ ba).

 

Tương truyền tất cả 12 Tông đồ đều tuẫn đạo trừ John, chết già vào năm 100 ở Anatolia.  Chỉ có sự tuẫn đạo của James of Zebedee được ghi trong Tân Ước.  Ngoài ra chỉ có ghi nhận trong lịch sử sự tuẫn đạo của Peter (cùng với Paul) ở Rome dưới thời Hoàng đế Nero (năm 64).  Do đó sử gia cận đại nghi ngờ sự tuẫn đạo của các Tông đồ khác là có thiệt.

2 Tông đồ viết Phúc Âm: Matthew và John.

 

* Thánh Paul

 

Đáng kể nhất trong những nhà truyền giáo lúc đầu là Paul, người khác những Tông đồ, là biến Kitô giáo (Christianity) từ một tông phái của Do Thái Giáo (Jewish sect) thành ra một tôn giáo độc lập của toàn thế giới.  

Là một người Do Thái nói được tiếng Hy Lạp từ Tarsus của Asia Minor, Paul tin rằng tất cả mọi người (là người Do Thái hay không phải là người là Do Thái) đều có thể có đời sống vĩnh cửu (eternal life) trong Nước Trời (kingdom of God).  Người không phải là người Do Thái (Non-Jews) được gọi là Gentile, dịch là người "ngoại đạo".  Nước Trời là chữ dịch lúc đầu của "Kingdom of God" nhưng sau nầy có thể dịch là "Thiên Đàng" (Heaven).  

Cho những "Người ngoại đạo" (Gentiles) nào chấp nhận khái niệm của người Do Thái về Một Thiên Chúa (single God) nhưng ngại về vài luật lệ của Do Thái về cách cư xử (rules of behavior), Paul tuyên bố rằng Luật Do Thái đã được thay thế bằng Giáo điều của Jesus (Teachings of Jesus).  

 

Paul trước là người ngược đãi người Kitô giáo.  Theo Tân Ước, ngài trên đường đi tới Damascus thì gặp Jesus hiện lên nên chuyển theo Kitô giáo.  

Trong thời gian truyền đạo  của Paul (34-64), Kitô Giáo (Christianity) thu được nhiều tín đồ Hy Lạp và La Mã trong Đế quốc La Mã.

 

* Cộng đồng Kitô Giáo

 

Cơ cấu của sự cai quản nhà thờ và tòa Giám mục (Structure of Episcopacy) và Hàng giáo phẩm (Hierarchy of clergy) còn sơ lược trong thời Cổ Đại.

 

Cộng đồng (community) của những tín đồ Kitô giáo tập hợp thành hội đoàn (congregation) ở từng địa phương để hội họp tham dự lễ và nghe giảng dạy đạo.  Người hành lễ, giảng dạy giáo lý và truyền đạo là Linh mục (priest) thường được gọi vào thời kỳ nầy là Thầy Tư tế (presbyter) hay Đàn anh (Elder).  Có Thầy Trợ tế phụ tá cho Linh mục (= Thầy Tư tế).  Chỉ có Linh mục được thi hành những phép Bí Tích trong khi hành lễ. 

5 Cộng đồng Kitô giáo lớn (ở những thành phố lớn lúc bấy giờ) thì được quản trị bởi Tòa Giám mục (See) có Giám mục (Bishop) cầm đầu.  Giám mục có nhiều giáo sĩ (Linh mục và Thầy Trợ tế) phụ giúp và còn quản trị những cộng đồng địa phương chung quanh do Linh mục trông coi. Giám mục trong thời kỳ nầy gọi là "Giám thị Tòa Giám mục" (Overseer) hay theo tiếng Hy Lạp là Episkopos.  Những Tòa Giám mục thành hình trong thời kỳ nầy là: Rome, Antioch, Alexandria và Jerusalem.  Về sau Constantinople mới tách ra khỏi Antioch mà thành Tòa Giám mục thứ 5.

 

Tín ngưỡng (worship) chỉ diễn ra trong những căn nhà của tín đồ được chỉ định, có khi trong vòng bí mật (khi Kitô giáo bị chính quyền của Đế quốc La Mã ngược đãi).  Lúc đầu những nơi hội họp tín ngưỡng nầy gọi là Nhà Thờ (church).  Đó là nguồn gốc của từ ngữ "Nhà thờ". 

 

* Thánh Kinh (Bible = Biblical Canon)

 

Giáo lý của Kitô giáo nằm trong Thánh Kinh.  Thánh kinh của Kitô giáo gồm có Cựu Ước (Old Testament) và Tân Ước (New Testament).  Tân Ước thêm vào theo thời gian, viết về các Tông đồ trong Cộng đồng sớm nhất của Kitô giáo.  

Cựu Ước đã có sẵn, là thánh kinh (scripture) của người Do Thái và Do Thái giáo.

 

Tân ước gồm có Sách Phúc Âm và những Lá thư, đa số là của Paul (tới hết thế kỷ thứ 1) 

Sách Phúc Âm (Gospels) là  những Truyền ký (memoirs) của Tông đồ (Matthew, Luke, Mark và John). Sách Phúc Âm có 4 thánh thư (canons) gọi là Tetramorph, thành hình hoàn toàn vào thời của Irenaeus (khoảng 160).  

Đến đầu thế kỷ thứ 3, Origen of Alexandria dùng 27 quyển (books) giống như là Tân Ước bây giờ.  27 quyển nầy cũng được ghi trong Lá thư Phục sinh (Easter letter) của Athanasius vào năm 367.  Tân Ước thánh thư được công nhận hoàn toàn bởi St Augustine trong Hội nghị Phi châu (African Synod) vào năm 393 và trong Hội nghị Carthage (Council of Carthage) vào năm 419.

Tân Ước được chính thức công nhận ở Đế quốc Tây La Mã vào thế kỷ thứ 4 và ở Đế quốc Đông La Mã vào thế kỷ thứ 5.

Sau nầy Công đồng Trent (1546) của phong trào Chống Cải Cách lập lại sự công nhận Tân Ước là thánh thư.

 

B. Giáo Hội Kitô giáo

 

* Cơ cấu Giáo Hội 

 

Sau Công đồng Nicaea, Giáo hội Kitô giáo chính thức thành lập.  Giáo hội gồm có những Giáo phận (Diocese) chia theo hệ thống hành chánh của Đế quốc La Mã (Roman empire).  Một Tỉnh  (Province) có một Giáo phận quản trị bởi một Tòa Giám mục (Bishopric/See) của một Giám mục (Bishop).  Như vậy một Giám mục có cơ quan quản trị của mình là Tòa Giám mục, trông coi toàn giáo phận.  Trong một Giáo phận có những Giáo khu (parish) có Linh mục (Priest) trông coi.

Có 5 Tòa Giám mục tối cao gọi là Tòa Giám mục của Thủ phủ (Metropolis) hay Tổng Giám mục là: Rome, Constantinople, Jerusalem, Antioch và Alexandria.  Chỉ có Tòa Giám mục ở Rome là thuộc Đế quốc Tây La Mã.  Các Giám mục ở 5 Giáo phận nầy gọi là Giám mục của Thủ phủ (Metropolitan Bishop) hay Tổng Giám mục (Archbishop) có quyền hạn cao hơn những Giám mục khác, thường ở thành thị, gọi là Giám mục Thành thị (Urban Bishop).  Ở thôn quê (rural) thì chỉ có Giáo khu và Linh mục.

 

* Nhà Thờ (church)

 

Tình trạng mới của Kitô giáo được hiện thực khi bắt đầu có ngôi nhà công cộng đầu tiên cho Nhà Thờ (1st church building).  Sự thay đổi nầy thấy rõ ràng ở Rome, cộng đồng Kitô giáo mạnh nhất.  Cho tới lúc đó, mặc dù kích thước to lớn của hội (congregation) người Kitô giáo ở Rome, tín ngưỡng (worship) chỉ được diễn ra bí mật trong những căn nhà tư nhân.  Đột nhiên "nhà thờ" trở thành ngôi nhà công cộng (public building) ngay cả là trọng điểm (landmark) của thành phố, cũng nổi bật như những đền thờ của Đa Thần giáo (pagan cult).

Riêng Hoàng đế Constantine tạo nên 3 nhà thờ quan trọng ở Rome.  

         Một, dự định là nhà thờ chánh hay Giáo đường (cathedral) của thành phố Rome, ở chỗ cạnh bên lâu đài riêng Lateran của Constantine, đã trình diện cho người Kitô giáo như là chỗ của Giáo hoàng.  Đó là nhà thờ St John Lateran.  

         Hai nhà thờ khác từ Hoàng đế Constantine được xây để danh dự 2 thánh tuẫn đạo là Peter và Paul, trên chỗ theo giả thuyết là nơi mộ của 2 ông.  Một ở ngoài thành phố cũ gọi là S. Paolo fuori le Mura (St Paul ngoài những bức tường).  Cái kia, ở Vatican, là nhà thờ St Peter.  Cả hai sau nầy được xây lại. 

 

Trong Anh ngữ thường dễ lẫn lộn:

         Church (viết chữ hoa) = Giáo hội

         church (viết chữ thường) = Nhà thờ

 

C. Giáo Hoàng và Tòa Thánh ở Rome

 

Từ năm 312, Giám mục (và Tòa Giám mục) của Rome lần lần trở thành Giáo hoàng (và Tòa Thánh), nắm quyền tối cao của Giáo hội Kitô giáo và quyền tâm linh đối với toàn thể giáo dân.

 

* Tòa Giám Mục của Rome 

 

Trong 5 Giám mục của Thủ phủ (metropolitan bishops) của 5 Tòa Giám mục (Rome, Constantinople, Antioch, Alexandria và Jerusalem); Tổng Giám mục của Rome (kinh đô cổ truyền của Đế quốc La Mã) luôn rất tận tâm và nhiệt thành mộ đạo và không ngần ngại yêu cầu quyền tối cao (supremacy) trên toàn Giáo hội, trên cả 4 Giám mục kia nhất là Constantinople.

 

Ngoài Rome, 4 thủ phủ kia có lý do cạnh tranh với Rome về quyền tối cao:

         Jerusalem là nơi Jesus chết và sống lại

         Antioch là nơi người theo đạo (follower) đầu tiên được gọi là Người Kitô giáo (Christian).

         Alexandria là trung tâm tư tưởng của Kitô giáo.

         Constantinople là kinh đô mới khi Hoàng đế Constantine dời đô từ Rome về đây.

 

Hành động của Hoàng đế Constantine I vô tình hay cố ý nâng cao uy tín của Constantinople.

         Năm 325, Constantine triệu tập và chủ tịch Council of Nicaea (hội nghị thứ nhất trong 7 hội nghị toàn thế giới, ecunemical).  Giám mục của Rome không có dự.

         Năm 324-330, sau khi đánh bại Hoàng đế Licinius của Đông La Mã, Hoàng đế Constantine thống nhất Đế quốc La Mã và dời đô về Byzantium ở Bophorus, một thành phố trước thuộc Hy Lạp.  Byzantium đổi tên là Constantinople theo tên của Constantine.

         Vào thế kỷ thứ 8, có chuyện "Tặng vật của Constantine" (Donation of Constantine) cho rằng Constantine đã muốn nhường ngôi cho Giám mục của Rome là Syvester I (314-335).  Nhưng sự thật là ngay trước khi chết, Constantine được rửa tội bởi một Giám mục theo Arianism tên là Eusebius of Nicomedia.

 

Trong 3 thế kỷ đầu, Giám mục của Rome là những nhân vật trong bóng tối (obscured).  Có vài người tuẫn đạo, có vài người còn tranh luận về Thần học với các Giám mục khác.  Tuy nhiên chỉ có Rome (khác với các Tòa Giám mục khác) là có danh sách tuần tự của các Giám mục từ thánh Peter.

Từ thế kỷ thứ 4, Giám mục của Rome bắt đầu tự nhận mình tối cao hơn các Giám mục, kể cả 4 Giám mục kia.  Có những "Cha của Giáo hội" (Church Father) yêu cầu như vậy.

Theo lý do Thần học (theological), Rome có liên hệ với Thánh Peter, người cầm đầu 12 Tông đồ của Jesus.  Truyền thống cho rằng Thánh Peter (và thánh Paul) tuẫn đạo ở Rome.  

Theo lý do chính trị, Rome là kinh đô chính trị quan trọng theo lịch sử của Đế quốc La Mã và sau khi kinh đô dời về Constantinople, Giám mục ở Rome là khuôn mặt chính trị quan trọng nhất còn lại ở Rome.  

         Năm 453, Giám mục Leo I gặp Attila the Hun và thuyết phục Attila không tấn công Rome.

         Năm 455, Rome bị chiếm.  Leo I thuyết phục người Vandals không đốt phá Rome.

         Tòa Giám mục ở Rome thành nơi bảo vệ Công lý cho người dân ở Rome.

         Hoàng đế ở Constantinople nên Giám mục ở đây không có vai trò chính trị quan trọng.  

Các Giám mục của Rome lại rất tận tâm và nhiệt thành mộ đạo và không ngần ngại thỉnh cầu quyền tối cao (supremacy).

 

* Giáo hoàng Damasus (366-384)

 

Giáo hoàng là người Spain, được bầu Giáo hoàng vào năm 366.  Nhóm Arianism tôn Ursinus làm Giáo hoàng.  Hoàng đế Valentinian nhận Damascus và đày Ursinus ra khỏi Rome.

 

Giáo hoàng Damasus chủ tịch 2 Hội nghị tôn giáo (synod) ở Rome (368 và 369) tranh đấu chống lại Tà giáo là Arianism và Apollinarism và gởi sứ thần của Giáo hoàng (legate) tới dự Công đồng Constantinople (381) kết tội Arianism và Apollinarism là Tà giáo.  

Khi Công đồng Constantinople thừa nhận Giám mục của Constantinople danh dự Giáo trưởng (primacy of honor) chỉ kế sau Giám mục của Rome, Giáo hoàng Damasus cực lực phản đối.

Giáo hoàng Damasus còn ủy nhiệm Latin Vulgaty dịch Thánh kinh, đây là bản dịch tiêu chuẩn trong suốt thời Trung Cổ và ngài cho xây tượng của Thánh Peter và thánh Paul bằng cẩm thạch (marble).

 

Lịch sử cho rằng Giám mục của Rome đầu tiên tự xưng là Giáo hoàng chính là Damasus.

 

* Giáo hoàng Siricius (384-399)

 

Kế vị Giáo hoàng Damasus, Giáo hoàng Siricius là:        

         Người đầu tiên dùng danh hiệu Giáo hoàng trên văn kiện.

         Người đầu tiên ra sắc lệnh chính thức (formal decree): lệnh của Giáo hoàng là thẩm quyền tối cao của giáo sĩ và là thánh thư bảo vệ trên tất cả Giáo hội.

 

* Giáo hoàng Innocent I (402-416)

 

Khi Hoàng đế Honorius dời đô về Ravena (Bắc Ý) trong thời của Giáo hoàng Innocent I thì phải tới khi có Lãnh địa Giáo hoàng (Papal States) vào thế kỷ thứ 8 Rome mới trở lại là trung tâm chính trị.

Năm 410, Vua Alaric của người Visigoths cướp phá Rome trong 3 ngày nhưng không làm hư hại Rome nhiều.  Trong khi đó Hoàng đế Honorius và Giáo hoàng Innocent I tránh ra ở bờ biển thuộc Ravena.  Hai người trở về sau khi người Visigoths rút đi.

Về tôn giáo, Tòa thánh Rome của Giáo hoàng Innocent I tiến tới ý niệm "Quyền tối cao của Giáo hoàng" (Supremacy of Pope) bằng cách giới thiệu ý niệm "Thẩm quyền của Giáo trưởng" (Primacy of Jurisdiction).  

 

* Giáo hoàng Leo I the Great (440-461)

 

Giáo hoàng đầu tiên có danh hiệu "the great" tức là Đại Giáo hoàng.  Giáo hoàng Leo the Great chính thức thực hành Thẩm quyền tối cao (supremacy of jurisdiction) và dùng danh hiệu Pontifex maximus, có nghĩa là Giáo chủ (Chief Priest).

Giáo hoàng Leo I biện minh quyền của Giáo hoàng trên tất cả Giáo hội bằng cách công bố chuyện "Chìa khóa của thánh Peter" 

 

"Chìa khóa của Thánh Peter"

Giám mục của Rome lả Giáo hoàng và Tòa Giám mục của Rome là Tòa Thánh (Holy See) vì 2 sự kiện.  Đó là câu hỏi "Tại sao là Rome?" (Why Rome).

1. Giám mục của Rome là người nối nghiệp (successor) của Thánh Peter.

2. Jesus ban cho Thánh Peter quyền hành (authority) trên toàn Giáo hội.

 

Phúc âm của Matthew đoạn 16 viết:

         Jesus hỏi các môn đồ nghĩ ngài là ai.  Peter trả lời:  "Ngài là Đấng Kitô (the Christ), con của Thiên Chúa hằng sống (Son of the Living God)".

         Jesus nói: "Phước cho ngươi, Simon con của Jonah, vì sự việc nầy không khải thị (phát lộ=reveal) từ ngươi nhưng từ Cha của ta ở trên Trời (heaven).  Và ta nói cho ngươi biết rằng ngươi là Đá (peter) và trên Đá nầy (this rock) ta sẽ xây Giáo hội, và cánh cổng của Hades (the gate of Hades) sẽ không hơn được nó.  Ta sẽ ban cho ngươi những chìa khóa của Nước Trời (the kinhdom of heaven), cái gì ngươi buộc (bind) hay cấm (forbid) trên trái đất sẽ được buộc trên Trời và những gì ngươi mở ra hay cho phép (allow) trên trái đất (earth) sẽ được mở trên Trời".

Peter là tên của Thánh Peter (cũng có tên là Simon) nhưng nếu là danh từ chung thì có nghĩa là Đá (stone).  Do đó Giáo hội Công Giáo giải thích Jesus đã dạy rằng Peter là cơ sở (foundation) và Peter có quyền hành tinh thần (spiritual authority).

 

Phúc Âm của John viết: 

         Sau khi sống lại (resurrect), Jesus ra lệnh cho Peter rằng: "nuôi con chiên của ta" (feed my sheep).

 

Những biến cố trong thời Giáo hoàng Leo the Great:

         Năm 445 Hoàng đế Valentinian tuyên bố Giám mục của Rome là Luật của tất cả (Law of all).

         Năm 451, Giáo hoàng triệu tập (convene) Công đồng Chalcedon, thường là từ Hoàng đế.

         Năm 452, Attila the Hun của người Huns định tấn công Rome.  Giáo hoàng Leo I tới gặp Attila.  Không ai biết chi tiết về cuộc gặp gỡ nầy nhưng sau đó Attila không đánh Rome mà đi về hướng Bắc và tử trận một thời gian ngắn sau đó.

         Năm 455, Gaiseric of Vandals dẫn người Vandals chiếm Rome.  Nhờ Giáo hoàng Leo điều đình nên Rome không bị đốt phá.

Những hành động nầy tiên đoán vai trò rộng hơn của Giáo hoàng, liên quan tới quyền hành thế tục (bên cạnh quyền tâm linh).

 

Để chế ngự Tà giáo, Giáo hoàng Leo I định nghĩa Chính thống của Công giáo (Catholic Orthodoxy) trong những lá thơ gọi là Tome.  Có lẽ đây là nguồn gốc của ý niệm "Công", chung cho mọi người, bên cạnh ý niệm "Chính thống", không Tà giáo, của Kitô giáo.  Ý niệm "Chính thống" có từ Hoàng đế Constantine và có lẽ theo Hoàng đế sang Constantinople và Giáo hoàng Leo I the Great của Rome tạo thêm ý niệm "Công" làm riêng biệt cho Rome.

Có thể nói Kitô giáo là "Công và Chính thống" nên khi có Ly Giáo giữa Rome và Constantinople thì tạo ra Công giáo và Chính thống giáo từ Kitô giáo vậy.

 

Năm 476 (15 năm sau khi Giáo hoàng Leo the Great qua đời), Đế quốc Tây La Mã sụp đổ và lịch sử nhân loại chuyển từ thời Cổ Đại sang thời Trung Cổ. 

 

Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền

 

Bài viết nầy là những trích đoạn trong bài "Lịch Sử Kitô Giáo Trong Thời Cổ Đại" (Bs Phan Thượng Hải) đăng lần đầu trong phanthuonghai.com mục Văn Hóa phần Công Giáo.

TL_hoa dào.jpg

ĐÀO MÃN KHAI (Nguyên bản) 


Hoa Thịnh Đốn, Đào đang mãn khai
Báo tin vui giã biệt đông dài
Chim hòa reo hót mừng ngày mới
Hoa rộ nở chào đón nắng mai
Khắp phố thắm hồng nhìn đắm đuối
Mặt hồ xanh biếc ngắm mê say
Khách du tứ xứ về chiêm ngưỡng
Cảnh sắc thanh bình buổi thới lai.

(Nhất Hùng)

 

ĐÀO HOA THỊNH ĐỐN (Họa)

Đào Hoa Thịnh Đốn mãn xuân khai

Cám cảnh thủ đô cảm động dài

Bá chủ dưới trời tàn đóa cúc 

Độc quyền trên nước cỗi cành mai 

Hoa danh truyền thống người mê mẫn

Hoa mỹ truyền thông chúng đắm say

Lãnh đạo quốc gia vào nắng hạ...  

Chạnh lòng lo nghĩ đến tương lai.

(Phan Thượng Hải)

3/25/24 

__________________

NHẤT TỰ VI SƯ, BÁN TỰ VI SƯ

 

TỰ VI SƯ (*)

 

Nhớ lời xưa: "Nhất tự vi sư" (*)

Tội nghiệp quý Thầy nghiệp quả dư

Bảo thủ uy linh, nơi tín ngưỡng

Bảo trì tráng lệ, chốn đầu tư

Kinh tài sinh hoạt nguồn kinh tế

Định giới tu hành kiếp định cư

Mong ước quý Thầy mau giác ngộ

Mới khuyên rằng: "Bán tự vi sư". (*)

 

(Tự họa) 

Bởi nhờ từ: "Bán tự vi sư"

Danh lợi khỏi lo, lại có dư

Chính trực nhân tâm thông Phật tánh 

Chân tu hành kiến tuệ tâm tư

Sắc không vô ngã, vui tòng đạo

Sắc dục vô thường, sống tịnh cư

Tụng niệm tham thiền như bá tánh 

Thanh từ nhất hạnh tự vi sư. (*)

 

(Phan Thượng Hải)

12/16/19 

 

(*) Chú thích: 

"Tự vi sư" = Tự mình làm Thầy.

"Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" có nhiều nghĩa: 

         - Theo nghĩa Phật giáo:

                  = (có) một ngôi chùa (cũng) làm Thầy; (có) nửa ngôi chùa (cũng) làm Thầy.  (Thầy = sư, sư phụ = Monk).

                  = (có) một ngôi chùa (cũng) làm Thầy; bán ngôi chùa (cũng) làm Thầy.  (Thầy = sư, sư phụ = monk).

         - Theo nghĩa Nho giáo và giáo dục:

                  = (dạy) Một chữ (cũng) làm Thầy; (dạy) nửa chữ (cũng) làm Thầy.  (Thầy = thầy giáo = teacher).

___________________

VIỆT LONG

Con cháu Rồng Tiên tự Lạc Long

Hùng cường một nước có Thăng Long

Biên cương bảo vệ ngăn Trung Quốc 

Lãnh thổ triển khai đến Cửu Long

Nam bắc phân tranh, thời Trịnh Nguyễn

Sơn hà thống nhất, lực Gia Long

Bốn ngàn năm sử đà từng trải 

Nước Việt trường tồn với Hạ Long.

(Phan Thượng Hải)

2/9/24 

 

CHÚC TẾT ĐƯỢC NHƯ RỒNG

Năm Thìn chúc Tết được như Rồng:

Lượn giữa trời không giác ngộ Không

Sung sướng cận kề Tiên nữ giới

Hào hùng giống tựa tổ thần Long

Lộc cao chín bệ, ngôi Hoàng đế 

Thọ quá trăm năm, tộc Lạc Hồng

Tài vượt vũ môn thông vũ lộ 

Phước như Đông hải sánh vua Rồng... 

(Phan Thượng Hải)

2/9/24

 

(*) Chú thích: 

         Người Việt có tổ Tiên Long và dòng giống Lạc Hồng với chuyện Lạc Long Quân của họ Hồng Bàng và Âu Cơ. 

         Bệ rồng của Hoàng đế có 9 bệ.  

         Sự tích "Cá vượt vũ môn hóa Rồng". 

         Đông hải Long vương của Đạo Giáo (Lão Giáo).  Từ câu: Phước như Đông hải, thọ tỷ Nam sơn. 

CÂY NÊU

 

Cu kêu ba tiếng cu kêu

Cho mau đến Tết dựng Nêu ăn chè.

(Ca dao)

 

Sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, Tập Hạ chép rằng: "Bữa Trừ tịch (tức ngày cuối năm) mọi nhà ở trước cửa lớn đều dựng một cây tre, trên buộc cái giỏ bằng tre, trong giỏ đựng trầu cau vôi, ở bên giỏ có treo giấy vàng bạc, gọi là "Lên Nêu"... có ý nghĩa là để làm tiêu biểu cho năm mới mà tảo trừ những xấu xa trong năm cũ".

 

Cây Nêu là 1 cây tre cao khoảng 5, 6 m.  Ở ngọn thường treo nhiều thứ (tùy theo địa phương) như vàng mã, bùa trừ tà, cành xương rồng, bầu rượu bện bằng rơm, hình cá chép bằng giấy (cho ông Táo cỡi về Trời), giải cờ bằng vải điều màu đỏ, những chiếc khánh nhỏ (va chạm nhau kêu leng keng) ...  Vào buổi tối, đèn lồng được treo trên cây Nêu để tổ tiên thấy đường về nhà ăn Tết với con cháu.  

Từ Giao Thừa có đốt pháo treo trên cây Nêu để xua đuổi ma quỷ.   

 

Thực ra Cây Nêu thường được dựng vào ngày 23 tháng chạp, là ngày Táo Quân về trời chính vì từ ngày này cho tới đêm Giao thừa vắng mặt Táo công, ma quỷ thường nhân cơ hội này lẻn về quấy nhiễu, nên phải trồng cây nêu để trừ tà.  Ngày 7 tháng Giêng triệt hạ, gọi là "hạ nêu" phàm những khoản vay mượn thiếu thốn trong tiết ấy không được đòi hỏi, đợi ngày hạ nêu rồi mới được đòi hỏi.

 

Khi đứng giữa sân ngày Tết nhìn Cây Nêu, một Thi sĩ có làm bài thơ đăng trong Nam Phong tạp chí (đầu thế kỷ 20):

 

VUI TẾT TỨC CẢNH

Ta đã vui xuân gác nỗi buồn

Mong cho được gặp Tết luôn luôn

Kìa đàn chó giãy hương thơm ngát

Mà chiếc sân vôi pháo nổ dồn

Ví chẳng cành Nêu giồng trước ngõ

Còn đâu cá khánh chói nhà thôn

Ai đi nhắn lũ văn minh giả

Cố quốc còn đây gọi chút hồn.

(Mân Châu)

 

Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn

 

Bài này là trích đoạn từ bài "Chuyện Tết và Thơ Tết" đăng lần đầu trong phanthuonghai.com mục Văn Hóa phần Học Thức và Đời Sống.  

NGÀY TẾT 

(Bs Phan Thượng Hải)

 

Theo nhà văn Sơn Nam

         Ngày đầu năm rất quan trọng vì chẳng lẽ con người cứ sống qua thời gian mà chẳng biết lấy gì để đo lường thời gian.  Thời xưa lấy năm âm lịch làm chuẩn dựa vào thời tiết mưa nắng hay xuân hạ thu đông để tính tuổi tác con người, để qui định thời điểm đóng thuế và đồng thời chọn thời điểm để gieo giống thu hoạch mùa màng nông nghiệp, tạo niềm hy vọng.  Trong bốn mùa chỉ có mùa Xuân là tươi đẹp nhất, khí trời mát mẻ nên Vua chúa Trung Hoa (từ thời Tam Hoàng) dùng ngày đầu mùa Xuân cho ngày Tết (ngày đầu năm mới). 

 

Ngày đầu tháng Giêng được dùng làm ngày Tết từ Hán Vũ Đế (từ năm 140 tr CN) của Trung Quốc.  Theo lịch xưa, tháng Giêng là tháng Dần.

(Từ thời Bắc Thuộc Trung Quốc, bắt đầu vào năm 111 tr CN, cũng là ngày Tết của người Việt).

 

Ngày Tất Niên là ngày cuối của năm cũ: 29 tháng Chạp hoặc 30 tháng Chạp (nếu là năm nhuần).  Nhà nhà đều có Lễ cúng rước Ông Bà tổ tiên về ăn Tết vào buổi chiều.  Thường là có cỗ linh đình toàn gia đình với nhiều món ăn và thức uống.  Đến đúng Giao Thừa thì cúng nhẹ và bắt đầu đốt Pháo ở nhà và ngoài đường (tiễn năm cũ và rước năm mới).  Từ đó Pháo đốt vui Chơi trong suốt những ngày Tân Niên.

Đêm của ngày Tất Niên cho đến sáng hôm sau gọi là "đêm Trừ Tịch".  Trừ là đổi, bỏ đi.  Tịch là đêm hay ban đêm.  Do đó Trừ Tịch có nghĩa là Đêm đổi bỏ từ năm cũ sang năm mới.  Nói cho gọn thì Trừ Tịch là Đêm cuối năm.

Đứng giữa đêm 29 (hay 30) và bắt đầu ngày Mùng 1 Tết gọi là Giao Thừa hay "đêm Giao Thừa".  Theo nghĩa đen thì Giao Thừa là "cũ giao lại, mới tiếp qua".  Đúng giữa đêm Trừ Tịch (12 AM), "lúc năm cũ qua, năm mới" đến gọi là Giao Thừa.  

 

Sau ngày Tất Niên là Tân Niên (Năm Mới).  

Ngày đầu của Năm Mới, ngày mùng 1 tháng Giêng Âm Lịch, có nhiều tên gọi: Ngày Tết, Ngày Mùng Một Tết, Ngày Nguyên Đán hay Tết Nguyên Đán.  

 

Hán ngữ của Ngày Tết

Nguyên Đán

         Nguyên = bắt đầu, đứng đầu, thứ nhất.

         Đán = nghĩa gốc là buổi sáng, bắt đầu cho ngày; nên cũng có nghĩa là ngày.

                  Hán tự "Đán" gồm chữ "Nhật" đứng trên chữ "Nhất" với hàm ý là mặt trời mọc lên khỏi mặt đất nên nghĩa gốc của chữ "Đán" là Buổi sáng, bắt đầu cho một ngày do đó Đán cũng có nghĩa là Ngày.  

 

Nguyên Đán

         = ngày đầu hay ngày thứ nhất. 

         = ngày đầu của một tháng = ngày mùng một của một tháng.

         = ngày đầu của một năm = ngày mùng một của tháng giêng.  Nghĩa này được dùng cho Tết Nguyên Đán (hay Lễ Tết Nguyên Đán). 

 

Nguyên Nhật

         Nguyên = bắt đầu, đứng đầu, thứ nhất.

         Nhật = ngày.  

         Nguyên Nhật = Nguyên Đán (thường dùng cho ngày đầu năm).

 

Chí Nhật

         Chí = cuối.

         Nhật = ngày.

         Chí Nhật 

                  = ngày cuối.

                  = ngày cuối của một tháng hay một năm.

 

Thường dùng Nguyên Nhật hay Nguyên Đán là ngày đầu năm (ngày mùng một tháng giêng) và Chí Nhật là ngày cuối năm (ngày 29 hay 30 tháng chạp).

 

Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn 

 

Bài viết này là trích đoạn từ bài "Món Ăn Ngày Tết" (Bs Phan Thượng Hải) đăng lần đầu trong phanthuonghai.com 

  CON RỒNG CHÁU TIÊN VÀ VUA HÙNG VƯƠNG 

 

                                       Bs Phan Thượng Hải biên soạn

 

Sự tích "Con Rồng Cháu Tiên" của người Việt chúng ta xuất xứ từ lịch sử về nguồn gốc của vua Hùng Vương và nước Văn Lang (của vua Hùng Vương).  Sử gia của nước Việt, nhất là sử gia hiện đại trong nước, chủ trương rằng người Việt chúng ta có "ông Tổ" là vua Hùng Vương.  Vì vua Hùng Vương bắt đầu từ vua Hùng Vương thứ nhất là dòng dõi của Rồng (Long) và dòng dõi Tiên nên người Việt chúng ta là "Con Rồng Cháu Tiên".

 

Trong Phần I, Bài viết này nhận thức quan niệm Tổ Hùng Vương thuộc dòng dõi Rồng Tiên (Tiên Long) phát xuất từ đâu và dùng lý trí để có ý kiến đúng hay sai về nhận thức này?

 

Tuy nhiên Hùng Vương không có thể là Tổ của người Việt theo đúng căn bản lịch sử.

Một quốc gia (một nước) phải hội đủ 3 thành phần là dân tộc, lãnh thổ và chánh quyền.  

     Lãnh thổ thiên nhiên đầu tiên của nước Việt chúng ta là Miền Bắc của nước Việt Nam ngày nay với ranh giới ở phía nam có thể là Hoành Sơn và đèo Ngang (hay đèo Hải Vân).  Từ nhiều thế kỷ trước Công Nguyên (CN), đã có Dân tộc sống ở lãnh thổ này tạo thành một xã hội nhưng chưa có chính quyền chính thức nên chưa gọi được là một quốc gia (hay một nước).  Ở một thời điểm nào đó xã hội này có một vị Vua (monarch) lập chính quyền thống trị dân tộc và lãnh thổ thì lập nên một quốc gia (hay một nước).  

     Nước Văn Lang, quốc gia đầu tiên của người Việt chúng ta, được thành lập bởi vua Hùng Vương đầu tiên (vua Hùng Vương thứ nhất) với Chính quyền quân chủ và được thống trị bởi nhiều vua Hùng Vương nối tiếp nhau với cùng một dòng họ.  Dân tộc của nước Văn Lang là người Lạc Việt (1 trong những người Bách Việt) đã có trước nước Văn Lang. 

 

Người Việt chúng ta thường hãnh diện là con cháu của vua Hùng Vương và gọi là Tổ Hùng Vương.  Tuy nhiên thiển nghĩ người Lạc Việt phải có trước vua Hùng Vương và vua Hùng Vương chỉ là một người Lạc Việt và có tổ tiên là người Lạc Việt như vậy Hùng Vương không có thể là Tổ của người Lạc Việt và không là Tổ của người Việt Nam chúng ta ngày nay.  Thiển nghĩ tổ tiên của người Việt chúng ta sau khi dành lại độc lập từ Trung Quốc vào năm 938 cho đến ngày nay phải là người Lạc Việt.  

 

Trong Phần II, Bài viết này nghiên cứu những sự vô lý của sử cũ cũng như sự hợp lý của sử mới về vua Hùng Vương và nước Văn Lang, nhất là trong sử mới không có ghi Hùng Vương thuộc dòng dõi Rồng Tiên. 

Sử cũ: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư và Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục.

Sử mới: Đại Việt Sử Lược, Sử liệu từ sử gia Trung Quốc (trong Thời đại Bắc Thuộc) và chương trình khảo cổ văn hóa Đông Sơn. 


I. TỔ HÙNG VƯƠNG

  

Sự tích "Con Rồng Cháu Tiên" của người Việt chúng ta xuất xứ từ lịch sử về nguồn gốc của vua Hùng Vương và nước Văn Lang (của vua Hùng Vương).  Sử gia của nước Việt, nhất là sử gia hiện đại trong nước, chủ trương rằng người Việt chúng ta có "ông Tổ" là vua Hùng Vương.  Vì vua Hùng Vương bắt đầu từ vua Hùng Vương thứ nhất là dòng dõi của Rồng (Long) và dòng dõi Tiên nên người Việt chúng ta là "Con Rồng Cháu Tiên".

 

Thật ra lịch sử về nguồn gốc của vua Hùng Vương và nước Văn Lang bắt đầu "Kỷ Hồng Bàng Thị" trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của tác giả là ông Ngô Sĩ Liên viết vào đời vua Lê Thánh Tông của nhà Lê.  Từ "Kỷ Hồng Bàng Thị" này của ông Ngô Sĩ Liên và Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, các sử gia sau đó chép lại cho tới ngày nay.  

Nếu đọc kỹ lại "Kỷ Hồng Bàng Thị" thì chúng ta thấy có rất nhiều điều không hợp lý về lịch sử và xuất xứ gần như nguyên văn từ một tài liệu không phải là sách sử, đó là truyện "Lĩnh Nam Trích Quái" của Trần Thế Pháp, viết vào đời nhà Trần.  

Truyện "Lĩnh Nam Trích Quái" (= Trích những truyện quái dị ở đất Lĩnh Nam) là truyện giả tưởng phản khoa học vì ảnh hưởng Đạo Giáo của người Trung Hoa với những quan niệm hoang đường về Tiên và Rồng (Long).  

 

Thiển nghĩ những sự kiện lịch sử trong "Kỷ Hồng Bàng thị" của người Việt xảy ra hàng chục thế kỷ trước Công Nguyên trong thời Tiền Sử được tường thuật theo quan niệm của Đạo Giáo của người Trung Hoa (bắt đầu thành hình sớm nhất ở Trung Quốc vào thế kỷ thứ 3 tr CN) là điều giả tưởng?  Do đó Tổ Hùng Vương cũng là Con người bình thường chứ không có là thuộc dòng dõi Rồng Tiên và người Việt chúng ta không phải là "Con Rồng Cháu Tiên". 


A. Kỷ Hồng Bàng Thị của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư

 

a) Nguyên văn

 

* Kinh Dương Vương

 

Nhâm tuất, năm thứ 1 (2879 tr CN)

     Xưa cháu 3 đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, sau Đế Minh nhân đi tuần phương Nam, đến Ngũ Lĩnh, lấy con gái Vụ Tiên, sinh ra vua (Kinh Dương Vương).  Vua là bậc thánh trí thông minh, Đế Minh rất yêu quý, muốn cho nối ngôi.  Vua cố nhường cho anh, không dám vâng mệnh.  Đế Minh mới lập Đế Nghi là con nối ngôi, cai quản phương Bắc, phong cho vua làm Kinh Dương Vương cai quản phương Nam, gọi là nước Xích Quỷ.

     Vua lấy con gái Động Đình Quân gọi là Thần Long sinh ra Lạc Long Quân.


* Lạc Long Quân

Tên húy là Sùng Lãm, con của Kinh Dương Vương.

Vua lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm con trai (tục truyền sinh trăm trứng), là tổ của Bách Việt.  

Một hôm vua bảo Âu Cơ rằng: "Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khác nhau, chung hợp thật khó".  Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về miền Nam (có bản chép là về Nam Hải), phong con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi vua.


* Hùng Vương

     Con Lạc Long Quân (không rõ tên húy), đóng đô ở Phong Châu (nay là huyện Bạch Hạc).

     Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là Văn Lang (nước này đông giáp biển Nam Hải, tây đến Ba Thục, bắc đến hồ Động Đình, nam giáp nước Hồ Tôn, tức nước Chiêm Thành, nay là Quảng Nam); chia nước làm 15 Bộ là: Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Vũ Định, Hoài Hoan, Cửu Châu, Bình Văn, Tân Hưng, Cửu Đức; đều là đất thần thuộc của Hùng Vương; còn Bộ gọi là Văn Lang là nơi vua đóng đô.  

Đặt tướng văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc Tướng.  Con trai vua gọi là Quan lang, con gái vua gọi là Mị nương.  Quan coi việc gọi là Bố chính, đời đời cha truyền con nối gọi là phụ đạo.  Vua các đời đều gọi là Hùng Vương.  

     Bấy giờ dân ở rừng núi thấy ở sông ngòi khe suối đều có tôm cá, nên rủ nhau đi bắt cá để ăn, thường bị thuồng luồng làm hại, đến thưa với vua.  Vua nói: "Người man ở núi khác với loài thủy tộc; các thủy tộc ấy ưa cùng loài mà ghét khác loài, cho nên mới bị chúng làm hại".  Rồi vua bảo mọi người lấy mực vẽ hình thủy quái ở mình.  Từ đấy thuồng luồng trông thấy không cắn hại nữa.  Tục vẽ mình của người Bách Việt có lẽ bắt đầu từ đấy.

 

*

Từ Kinh Dương Vương được phong năm Nhâm Tuất, cùng thời với Đế Nghi, truyền đến cuối thời Hùng Vương, ngang với thời Noãn Vương nhà Chu, năm thứ 57 (258 tr CN) là năm Quý Mão thì hết; tất cả là 2622 năm (2878 tr CN - 258 tr CN).  


b) Không có sử liệu tham khảo

 

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư dựa vào đâu mà cho rằng họ Hồng Bàng bắt đầu từ Đế Minh (cháu 4 đời của Thần Nông) sinh ra Kinh Dương Vương và Kinh Dương Vương là thủy tổ của họ Hồng Bàng.  

 

Thần Nông là vị lãnh tụ huyền thoại của lịch sử Trung Quốc vào thời Tiền sử.   

Tổ tiên của người Trung Quốc là những người sống ở lưu vực sông Hoàng Hà trong thời Tiền Sử (tự gọi là người Hoa Hạ).  

Thời Tiền sử này có những lãnh tụ:

     Tam Hoàng gồm Phục Hy, Toại Nhân và Thần Nông

     Ngũ Đế 

     Các vị Vua của Nhà Hạ (khoảng 2070 tr CN - 1600 tr CN)

Tam Hoàng là 3 vị "bán thần" giúp người dân sinh sống; lần lượt gồm có Phục Hy (Phục Hi), Toại Nhân (hay Nữ Oa) và Thần Nông.  Tương truyền gọi là Thần Nông vì là vị Thần sáng tạo ra nghề nông và biết dùng cây cỏ để chữa bệnh.

Ngũ Đế là 5 vị quân chủ (monarch) không cùng huyết thống truyền ngôi cho nhau theo thứ tự là: Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Cốc, Đế Nghiêu và Đế Thuấn.

Đế Thuấn truyền ngôi cho Hạ Vũ.  Hạ Vũ truyền ngôi cho con cháu cùng huyết thống lập ra nhà Hạ.

 

Thời Tiền Sử của Trung Quốc chấm dứt vào khoảng năm 1600 tr CN hay trễ hơn (bắt đầu thế kỷ thứ 16) với khi bắt đầu của nhà Thương.  Gọi là Thời Tiền Sử vì không có Chữ viết và Lịch sử chỉ bắt đầu khi có chữ viết.  Trong thời Tiền Sử nầy người Tàu đã biết dùng lửa, cất nhà, trồng ngũ cốc, làm quần áo, chài lưới, có lễ nghi...

Lịch sử Trung Quốc chỉ chính thức bắt đầu với nhà Thương (sau 1600 tr CN) dựa trên Giáp Cốt Văn tự trên các mu rùa.  Giáp Cốt văn tự là chữ viết đầu tiên của Trung Quốc.  Khi có Chữ viết tự tạo hay du nhập từ nơi khác thì một địa phương bắt đầu có lịch sử (của nó): chữ viết ghi lại lịch sử.  Nhà Thương theo thời gian là nối tiếp của nhà Hạ với cùng một lãnh thổ nhưng điều lạ là Giáp Cốt Văn của nhà Thương không có viết gì về thời Tam Hoàng, Ngũ Đế và nhà Hạ.  Thời Tiền Sử nầy chỉ được viết từ những thời đại khác hàng mấy ngàn năm sau đó nên không thể có thật mà chỉ là hoang đường tưởng tượng?

 

Thần Nông cũng như Tam Hoàng và Ngũ Đế không biết sống vào thời gian nào.  Sử Trung Hoa về thời Tiền sử không hề có nhân vật Đế Minh làm vua phương Nam và phương Bắc.  

     Phương Bắc là Miền Bắc của Trung Quốc ngày nay.  

     Phương Nam là Miền Nam của nước Trung Quốc và Miền Bắc nước Việt Nam ngày nay.  

     Ranh giới thiên nhiên giữa Phương Bắc và Phương Nam là sông Trường Giang (sông Dương Tử), hồ Động Đình và dãy núi Ngũ Lĩnh. 

Đã không có Đế Minh thì khó có thể có Kinh Dương Vương và Hồng Bàng thị. 

Hơn nữa Đại Việt Sử Ký lấy sử liệu ở đâu mà định năm cho Hồng Bàng thị và Kinh Dương Vương bắt đầu từ năm 2879 tr CN? Ngay cả Sử Trung Quốc chỉ đoán là các Vua của nhà Hạ trong thời Tiền sử bắt đầu từ khoảng năm 2070 tr CN. 

 

c) Ảnh hưởng của Đạo Giáo 

 

*

Cũng như nghi vấn về Đế Minh và Kinh Dương Vương, lai lịch của Lạc Long Quân có từ tài liệu nào?

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, con trai của Kinh Dương Vương là Lạc Long Quân nối ngôi Kinh Dương Vương.  

Đại Việt Sử Ký không giải thích rõ ràng tại sao Lạc Long Quân cũng là vua (= vương) nhưng không có tước Vương như cha của mình là Kinh Dương Vương và như con cháu của mình là các vua Hùng Vương mà có tước hiệu là Long Quân (= vua rồng)?

Long Quân là "Vua Rồng".  Theo Đạo Giáo (có từ thế kỷ thứ 3 tr CN), mỗi biển (như biển Nam Hải), mỗi con sông và mỗi hồ lớn (như hồ Động Đình) đều được thống trị bởi một "Vua Rồng" (= Long Vương, Long Quân).  Long Quân hay Long Vương có lâu đài ở sâu dưới nước gọi là "thủy phủ".  Như vậy Lạc Long Quân là một "Vua Rồng", thống trị một biển hoặc một con sông hoặc một cái hồ lớn nào đó?  Động Đình Quân là Long Quân ("Vua Rồng") của hồ Động Đình.  Do đó con gái của Động Đình Quân gọi là Thần Long ("Rồng làm Thần").   

 

Nguồn gốc "Con Rồng Cháu Tiên" thường dẫn từ câu của nói của Lạc Long Quân với Âu Cơ.

     "Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khác nhau, chung hợp thật khó" (trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)

 

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Lai lịch của Lạc Long Quân 

     là giống Tiên vì bà nội là Tiên (con gái Vụ Tiên): Đế Minh lấy con gái Vụ Tiên mà sinh ra Kinh Dương Vương.

     là giống Rồng vì mẹ là Thần Long: Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Quân gọi là Thần Long sinh ra Lạc Long Quân.

Từ Lĩnh Nam Trích Quái, Lạc Long Quân vừa là Vua của nước Xích Quỷ và vừa là Rồng hay vua Rồng của hồ Động Đình. 

 

Như vậy từ Lạc Long Quân nên người Việt chúng ta là "dòng giống Lạc Hồng" và "con rồng cháu tiên".  Họ Hồng Bàng bắt đầu từ Kinh Dương Vương, cha của Lạc Long Quân.   

 

*

Đạo Giáo có nguồn gốc từ 1 học phái triết học là Đạo Gia và 1 triết gia của Đạo Gia là Lão Tử nên có tên là Đạo Giáo (từ Đạo Gia) hay còn gọi là Lão Giáo (từ Lão Tử).  

 

Đạo Gia (cùng với Nho Gia trong Lục Gia) là một học phái triết học trong cuối thời Xuân Thu và thời Chiến Quốc ở Trung Quốc xuất hiện từ triết gia là Lão Tử với sách Đạo Đức Kinh của ông.  Đạo Gia trước tiên có tên là Đạo Đức Gia dựa trên Đạo Đức Kinh rồi được gọi tắt thành Đạo Gia.  Theo Đạo Đức Kinh, Đạo là cái bởi đó mọi vật sinh ra.  Khi sinh ra, riêng mỗi vật đều nhận từ cái phổ biến một phần từ Đạo gọi là Đức, do đó Đức có nghĩa là "tiềm thể" hay "đức tính" của riêng mỗi vật.  Từ ngữ "Đạo Đức" từ Đạo Đức Kinh của Nho Gia có nghĩa hoàn toàn khác với từ ngữ "Đạo Đức" (hay Luân Lý) của Nho Gia và Nho Giáo.  

 

Lão Tử và những triết gia của Đạo Gia chủ trương xuất thế không liên quan đến chính trị, ngoại giao và quân sự như những triết gia khác của Nho Gia (và những Gia khác trong Lục Gia).  Họ chính là những Ẩn sĩ lánh xã hội con người mà sống với thiên nhiên trong rừng núi vắng vẻ.  Lần lần, theo truyền thuyết, những Ẩn sĩ này tu mà trường sanh không chết và thành Tiên như trường hợp của Quỷ Cốc Tiên sanh trong thời Chiến Quốc.  Sau khi nhà Tần thống nhất Trung Quốc (221 tr CN) rồi đến nhà Hán cai trị Trung Quốc (từ thế kỷ thứ 3 tr CN), lịch sử có ghi rằng một khai quốc công thần của nhà Hán là Trương Lương có gặp một ông Tiên là Huỳnh Thạch Công khi còn trẻ rồi sau khi thành công ông từ quan tại triều đình mà đi tu Tiên với một ông Tiên là Xích Tòng Tử. 

 

Nhà Hán (từ thế kỷ thứ 3 tr CN) dùng triết lý của Nho Gia, gọi là Nho Giáo, cho chế độ quân chủ.  Các Nho Sĩ thi đậu và làm quan trong guồng máy hành chánh của vua nhà Hán.  Trong khi đó trong dân gian có xuất hiện những Đạo Sĩ.  Đạo Sĩ dùng phương thuật, tế lễ, bùa chú, kinh kệ, thờ cúng, trị bệnh... như là những phép lạ thần thông và đưa ra những giáo lý về sinh mạng siêu hình như Tiên, Thần, Rồng (Long), Ma, Quỷ, Yêu... cũng như về thế giới siêu hình như Thiên Giới (có Thiên Đình), Địa Ngục... để dùng cho sự tôn thờ tín ngưỡng.  Từ những Đạo Sĩ này có Đạo Giáo và Đạo Sĩ nổi tiếng được biết đầu tiên trong lịch sử vào cuối đời nhà Hán là Trương Đạo Lăng, cháu 8 đời của Trương Lương.  

Đạo Giáo lấy Tiên và Tu Tiên làm tôn chỉ căn bản, tôn Lão Tử là Tiên và là giáo chủ (gọi là Thái Thượng Lão Quân), và giáo pháp tu thành Tiên dựa trên Đạo Đức Kinh của Đạo Gia (từ triết gia Lão Tử sống vào thời Xuân Thu!).  Do đó nó có tên là Đạo Giáo hay Lão Giáo. 

 

Từ đó cho đến khi Trung Quốc tiếp xúc với khoa học của Tây Phương vào thế kỷ 19; Đạo Giáo (Lão Giáo) là tín ngưỡng tôn thờ thịnh hành nhất trong xã hội của người Trung Hoa dưới chính thể quân chủ, song song với một tôn giáo khác là Phật Giáo.  Đạo Giáo cũng có tôn thờ một số Phật và Bồ Tát của Phật Giáo. 

Thực tế, trong thời quân chủ từ đời nhà Hán (thế kỷ thứ 3 tr CN) cho đến đầu thế kỷ 20 trước thời Dân Quốc (hơn 2000 năm); nhân sinh quan hữu hình của người Trung Hoa dựa theo Nho Giáo và tín ngưỡng tôn thờ siêu hình của người Trung Hoa dựa theo Đạo Giáo (Lão Giáo).  Tuy nhiên từ sự du nhập của khoa học Tây phương; Đạo Giáo trở thành "mê tín dị đoan"! 

 

Theo Đạo Giáo, Tiên được nghĩ là Con người tu thành Tiên mà không phải Chết do đó không phải xuống Địa Ngục do đó không phải vướng Luân Hồi.

Tiên (= hoàn toàn thành Tiên) có thể: 

    ở Trần gian hữu hình (= Địa Tiên)

    ở Tiên cảnh siêu hình của Trần Gian (= Thần Tiên) 

    ở Thiên Giới siêu hình, thường là ở Thiên Đình (= Thiên Tiên).  

Nhơn Tiên là Con người tu chưa được hoàn toàn thành 3 bậc Tiên (Địa Tiên, Thần Tiên và Thiên Tiên), vẫn phải chết xuống Địa Ngục và Đầu thai theo Lục Đạo.  Thực tế có thể đó là Đạo Sĩ của Đạo Giáo. 

Quỷ Tiên thật ra là Thần ở địa phương của Hạ Giới (Trần Gian).

 

Đạo Giáo của người Trung Hoa quan niệm rằng Hạ Giới là Mặt Đất và bao quanh 4 phía là Bốn Biển (Tứ Hải).  Mặt Đất có những Sông và Hồ.  

Thủy Giới siêu hình của Biển, Sông và Hồ có những vị Thần là Rồng (Long) cai quản, gọi là Long Thần ở Thủy phủ.  Rồng (Long, Long Thần) cũng siêu hình như Thủy Giới của Đạo Giáo. 

Mỗi một Biển (của 4 Biển) cũng như mỗi một Sông hay Hồ có 1 vua Rồng gọi là Long Vương.  Long Vương, cũng là Thần, nhưng là vua của những Long Thần khác.  (Có khi Long Vương ở Sông Hồ được gọi là Long Quân).

Ở Thủy Giới siêu hình của Đạo Giáo, 

    Tứ Hải Long Vương ngang hàng với Diêm Vương của Địa Ngục.  

    Long Vương (Long Quân) ở Sông Hồ hay các Long Thần khác ngang hàng với Thần ở địa phương ở Hạ Giới (như Thổ Địa). 

 

d) Tài liệu tham khảo = sách "Lĩnh Nam Trích Quái"

 

Quan niệm Rồng Tiên và phản khoa học hiện đại là ảnh hưởng từ Đạo Giáo của người Trung Hoa và "Kỷ Hồng Bàng Thị" của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư lấy gần như nguyên văn từ "Truyện Hồng Bàng" của Lĩnh Nam Trích Quái, quyển sách của người Việt trích những chuyện quái dị hoang đường theo Đạo Giáo của người Trung Hoa.  

Kể cả những chi tiết "sử liệu" từ Đế Minh (và Thần Nông) của Kỷ Hồng Bàng Thị cũng chép từ "Truyện Hồng Bàng" của sách Lĩnh Nam Trích Quái!


 

B. Truyện Hồng Bàng của Lĩnh Nam Trích Quái

 

a) Nguyên văn

 

1. 

Cháu ba đời Viêm Đế họ Thần Nông tên là Đế Minh, sinh ra Đế Nghi, rồi đi nam tuần đến Ngũ Lĩnh, gặp được nàng con gái Vụ Tiên đem lòng yêu mến mới cưới về, sinh ra Lộc Tục, dung mạo đoan chính, thông minh túc thành; Đế Minh lấy làm lạ, cho nối ngôi vua.  Lộc Tục cố nhường cho anh.  Đế Minh lập Đế Nghi làm tự quân cai trị phương Bắc, phong Lộc Tục làm Kinh Dương Vương cai trị phương Nam, đặt quốc hiệu là Xích Quỷ Quốc (Nước Xích Quỷ).

2. 

Kinh Dương Vương xuống Thủy phủ, cưới con gái vua Động Đình là Long Nữ sinh ra Sùng Lãm tức là Lạc Long Quân; Lạc Long Quân thay cha để trị nước, còn Kinh Dương Vương thì không biết đi đâu.  Lạc Long Quân dạy dân ăn mặc, bắt đầu có trật tự về quần thần, tôn ty, có luân thường về phụ tử, phu phụ; hoặc có lúc đi về Thủy phủ nhưng trăm họ vẫn được yên ổn.  Dân lúc nào có việc thời kêu Lạc Long Quân: "Bố đi đàng nào, không đến mà cứu chúng ta" (Người phương Nam gọi Cha bằng Bố, gọi Quân bằng Vua là tự đấy), thì Lạc Long Quân lập tức đến ngay, uy linh cảm ứng không ai có thể trắc lượng được.

3. 

Đế Nghi truyền ngôi cho Đế Lai cai trị phương Bắc; nhân khi thiên hạ vô sự, sực nhớ đến chuyện ông nội là Đế Minh nam tuần gặp được tiên nữ, Đế Lai bèn khiến Xi Vưu tác chủ quốc sự mà nam tuần qua nước Xích Quỷ, thấy Lạc Long Quân đã về Thủy phủ, trong nước không vua, mới lưu ái thê là Âu Cơ cùng với bộ chúng thị thiếp ở lại hành tại.  Đế Lai chu du khắp thiên hạ, trải xem tất cả hình thể, trông thấy kỳ hoa dị thảo, trân cầm dị thú, tê tượng, đồi mồi, kim ngân, châu ngọc, hồ tiêu, nhũ hương, trầm đàn, các loại sơn hào hải vị không thứ nào là không có; khí hậu bốn mùa lại không nóng không lạnh; Đế Lai ái mộ quá quên cả ngày về.

4. 

Nhân dân nước Nam (nước Xích Quỷ) khổ về sự phiền nhiễu, không yên ổn như xưa, đêm ngày mong đợi Lạc Long Quân về nên mới đem nhau kêu rằng:

     Bố ở phương nào, nên mau về cứu nhân dân.

Lạc Long Quân bỗng nhiên lại về, thấy nàng Âu Cơ ở một mình, dung mạo đẹp lạ lùng, yêu quá, mới hóa ra một chàng nhi lang phong tú mỹ lệ, tả hữu thị tùng đông đảo, tiếng đàn ca vang tới hành tại.  Âu Cơ trong thấy mà lòng cũng ưng theo; Lạc Long Quân bèn rước nàng về núi Long Trang.  

Đế Lai về không thấy Âu Cơ bèn sai quần thần tìm khắp thiên hạ.  Lạc Long Quân có thần thuật, biến hiện trăm cách, nào là yêu tinh quỷ mị, nào là long xà hổ tượng, kẻ đi tìm úy cụ, không dám lục đảo tận cù     ng.  Đế Lai trở về phương Bắc truyền ngôi cho Đế Du Võng.  Đế Du Võng truyền lại cho Xi Vưu cùng với Hoàng Đế đánh nhau ở Bản Tuyền và Trác Lộc không hơn nên tử trận.  Họ Thần Nông bèn mất.

5. 

Âu Cơ ở với Lạc Long Quân giáp một năm, sinh ra một bọc trứng, cho là điềm không hay nên đem bỏ ngoài đồng nội, hơn bảy ngày, trong bọc nở ra một trăm trứng, mỗi trứng là một con trai; bà đem về nuôi nấng, không cho ăn, cho bú mà tự nhiên trường đại, trí dõng song toàn, ai cũng úy phục, bảo nhau đó là những anh em phi thường.

Lạc Long Quân ở lâu dưới Thủy phủ; mẹ con ở một mình, nhớ về nước ở phương Bắc liền đi lên biên cảnh; Hoàng Đế nghe tin lấy làm sợ mới phân binh trấn ngự quan tái; mẹ con không về Bắc được, đêm ngày gọi Lạc Long Quân:

     Bố ở phương nào làm cho mẹ con ta thương nhớ!

Lạc Long Quân hốt nhiên lại đến, gặp mẹ con ở Tương Dã; Âu Cơ nói:

     Thiếp vốn người phương Bắc, cùng ở một nơi với Quân, sinh được một trăm trai mà không có gì cúc dưỡng, xin cùng theo nhau chớ nên xa bỏ, khiến cho ta là người không chồng không vợ một mình vò võ.

 

Lạc Long Quân bảo:

Ta là loài Rồng sinh trưởng ở thủy tộc, nàng là giống Tiên, người ở trên đất, vốn chẳng như nhau, tuy rằng lấy khí âm dương hợp lại mà có con, nhưng phương viên bất đồng, thủy hỏa tương khắc, khó mà ở cùng nhau trường cửu.  Bây giờ phải ly biệt, ta đem năm mươi trai về Thủy phủ phân trị các xứ; năm mươi trai theo nàng ở trên đất, chia nước mà cai trị, dù lên núi xuống nước nhưng có việc thì cùng nghe, không được bỏ nhau.

6. 

Trăm trai đều nghe mệnh, rồi mới từ giả ra đi.  Âu Cơ cùng với năm mươi người con trai ở tại Phong Châu (bây giờ là huyện Bạch Hạc), tự suy tôn người hùng trưởng lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, quốc hiệu là Văn Lang; về bờ cõi của nước thì Đông giáp Nam Hải, Tây đến Ba Thục, Bắc đến Động Đình Hồ, Nam đến nước Hồ Tôn (bây giờ là nước Chiêm Thành), chia trong nước ra làm mười lăm Bộ là: Giao Chỉ, Chu Diên, Ninh Sơn, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Quế Dương, Vũ Ninh, Hoài Hoan, Cửu Châu, Nhật Nam, Quế Lâm, Tượng Quận, sai các em phân trị, đặt em thứ là tướng võ tướng văn; tướng văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc Tướng, con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mỵ Nương, quan Hữu ty gọi là Bố Chính, thần bộc nô lệ gọi là nô tỳ, xưng thần là khôi, đời đời cha truyền con nối gọi là Phụ đạo, thay đời truyền cho nhau đều hiệu là Hùng Vương không đổi.

7. 

Dân ở rừng núi xuống sông ngòi đánh cá thường bị giao long làm hại nên bạch với vua (Hùng Vương).  Vua bảo rằng:

Ở núi là loài Rồng cùng với thủy tộc có khác, bọn chúng ưa đồng mà ghét dị cho nên mới xâm hại.

Bèn khiến lấy mực châm hình trạng thủy quái ở thân thể, từ đó tránh được nạn giao long cầm hại; cái tục văn thân của Bách Việt thực khởi thủy từ đấy.

8. 

Ban đầu quốc dân ăn mặc chưa đủ phải lấy vỏ cây làm áo mặc, dệt cỏ ống làm chiếu nằm, lấy cốt gạo làm rượu, lấy cây quang lang cây soa đồng làm bánh; lấy cầm thú, cá tôm làm nước mắm, lấy rễ gừng làm muối; lấy dao cầy, lấy nước cấy; đất trồng nhiều gạo nếp, lấy ống tre thổi cơm, gác cây làm nhà để tránh nạn hổ lang, cắt ngắn đầu tóc để tiện vào rừng núi; con đẻ ra lót lá chuối cho nằm; nhà có người chết thì giã cối gạo để cho hàng xóm nghe mà chạy đến cứu giúp; trai gái cưới nhau trước hết lấy muối làm lễ hỏi; rồi sau mới giết trâu để làm lễ thành hôn, đem cơm nếp vào trong phòng cùng ăn với nhau cho hết, rồi sau mới tương thông; lúc bấy giờ chưa có trầu cau nên phải thế.

9. 

Bách Nam là thủy tổ của Bách Việt vậy. 


b) Nguồn gốc "Con Rồng Cháu Tiên"

 

Nguồn gốc "Con Rồng Cháu Tiên" thường dẫn từ câu của nói của Lạc Long Quân với Âu Cơ.

     "Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khác nhau, chung hợp thật khó" (trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)

     "Ta là loài Rồng sinh trưởng ở thủy tộc, nàng là giống Tiên, người ở trên đất, vốn chẳng như nhau, tuy rằng lấy khí âm dương hợp lại mà có con, nhưng phương viên bất đồng, thủy hỏa tương khắc, khó mà ở cùng nhau trường cửu" (trong Lĩnh Nam Trích Quái)

 

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư không giải thích tại sao Âu Cơ là giống Tiên vì Lĩnh Nam Trích Quái không giải thích.

Tuy nhiên nguồn gốc "Con Rồng Cháu Tiên" của người Việt thật sự là từ Lạc Long Quân.

Theo Lĩnh Nam Trích Quái và Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Lạc Long Quân: 

     là dòng giống Tiên vì bà nội là Tiên (con gái Vụ Tiên): Đế Minh lấy con gái Vụ Tiên mà sinh ra Kinh Dương Vương.

     là dòng giống Rồng vì mẹ là Thần Long: Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Quân gọi là Thần Long sinh ra Lạc Long Quân.


 

c) Sự khác biệt giữa Đại Việt Sử Ký Toàn Thư và Lĩnh Nam Trích Quái

 

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép lại từ Lĩnh Nam Trích Quái nhưng có sửa đổi tạo nên vài chi tiết khác biệt 

 

*

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Âu Cơ là con gái của Đế Lai nhưng không nói rõ Đế Lai là ai?

Thật ra Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép lại từ Lĩnh Nam Trích Quái nhưng có tự thay đổi:

     Thay vì viết Âu Cơ là vợ trước của Đế Lai như Lĩnh Nam Trích Quái thì Đại Việt Sử Ký Toàn Thư lại viết Âu Cơ là con của Đế Lai và không giải thích Đế Lai là ai.

 

Theo Lĩnh Nam Trích Quái, 

     Đế Lai là con của Đế Nghi, nối ngôi làm vua Phương Bắc.  Lạc Long Quân là con của Kinh Dương Vương Lộc Tục, nối ngôi làm vua Phương Nam.  

     Đế Nghi và Kinh Dương Vương là hai anh em cùng cha khác mẹ.  Mẹ của Kinh Dương Vương là con của Vụ Tiên.  

     Cha của Kinh Dương Vương và Đế Nghi là Đế Minh.  Đế Nghi và Đế Minh không có thuộc dòng dõi Tiên hay Rồng (Long). 

 

Như vậy, Lạc Long Quân lấy Âu Cơ đã là vợ của người anh bà con chú bác với mình là Đế Lai.  Lĩnh Nam Trích Quái theo Đạo Giáo nên không bị bó buộc bởi "luân thường" của Nho Giáo.  Đại Việt Sử Ký Toàn Thư còn có theo Nho Giáo nên phải sửa lại là "Âu Cơ là con của Đế Lai" và không dám viết lai lịch của Đế Lai vì nếu thố lộ ra thì Lạc Long Quân lấy cháu của mình là Âu Cơ làm vợ!  Điều này lại không đúng với luân thường đạo lý của Nho Giáo. 

 

*

Lĩnh Nam Trích Quái viết rõ ràng về chuyện sinh 100 con trai của Âu Cơ:

Âu Cơ ở với Lạc Long Quân giáp một năm, sinh ra một bọc trứng, cho là điềm không hay nên đem bỏ ngoài đồng nội, hơn bảy ngày, trong bọc nở ra một trăm trứng, mỗi trứng là một con trai; bà đem về nuôi nấng, không cho ăn, cho bú mà tự nhiên trường đại, trí dõng song toàn, ai cũng úy phục, bảo nhau đó là những anh em phi thường.

 

Đại Việt Sử Ký chép lại nhưng chỉ viết vắn tắt là "sinh ra trăm con trai (tục truyền sinh trăm trứng)".  Như vậy Đại Việt Sử Ký cũng không tin câu chuyện "phản khoa học tự nhiên" này của Lĩnh Nam Trích Quái. 

 

*

Về nguồn gốc của Hùng Vương và nước Văn Lang có sự khác biệt khi Đại Việt Sử Ký chép lại từ Lĩnh Nam Trích Quái.

 

- Theo Lĩnh Nam Trích Quái, Hùng Vương và nước Văn Lang có từ Âu Cơ.

Lĩnh Nam Trích Quái viết:

     Lạc Long Quân bảo:

- Ta là loài Rồng sinh trưởng ở thủy tộc, nàng là giống Tiên, người ở trên đất, vốn chẳng như nhau, tuy rằng lấy khí âm dương hợp lại mà có con, nhưng phương viên bất đồng, thủy hỏa tương khắc, khó mà ở cùng nhau trường cửu.  Bây giờ phải ly biệt, ta đem năm mươi trai về Thủy phủ phân trị các xứ; năm mươi trai theo nàng ở trên đất, chia nước mà cai trị, dù lên núi xuống nước nhưng có việc thì cùng nghe, không được bỏ nhau.

Trăm trai đều nghe mệnh, rồi mới từ giả ra đi.  Âu Cơ cùng với năm mươi người con trai ở tại Phong Châu (bây giờ là huyện Bạch Hạc), tự suy tôn người hùng trưởng lên làm vua, hiệu là Hùng Vương.

 

- Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Hùng Vương và nước Văn Lang có từ Lạc Long Quân.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư viết: 

     Một hôm vua (Lạc Long Quân) bảo Âu Cơ rằng: "Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khác nhau, chung hợp thật khó".  Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha (Lạc Long Quân) về miền Nam (có bản chép là về Nam Hải), phong con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi vua.   

 

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của nhà Lê theo Nho Giáo nên Hùng Vương là người con trai trưởng phải làm vua từ người Cha là Lạc Long Quân.

Lĩnh Nam Trích Quái của nhà Trần lúc chưa có trọng Nho Giáo nên viết theo địa lý và Đạo Giáo.  Rồng (Lạc Long Quân) phải ở dưới nước còn Tiên hoặc con người (Âu Cơ) ở trên đất nước.


 

II. VUA HÙNG VƯƠNG VÀ NƯỚC VĂN LANG 

 

Một quốc gia (một nước) phải hội đủ 3 thành phần là dân tộc, lãnh thổ và chánh quyền.  

     Lãnh thổ thiên nhiên đầu tiên của nước Việt chúng ta là Miền Bắc của nước Việt Nam ngày nay với ranh giới ở phía nam có thể là đèo Ngang hay đèo Hải Vân.  Từ nhiều thế kỷ trước Công Nguyên (CN), đã có Dân tộc sống ở lãnh thổ này tạo thành một xã hội nhưng chưa có chính quyền chính thức nên chưa gọi được là một quốc gia (hay một nước).  Ở một thời điểm nào đó xã hội này có một vị Vua (monarch) lập chính quyền thống trị dân tộc và lãnh thổ thì lập nên một quốc gia (hay một nước).  

     Nước Văn Lang, quốc gia đầu tiên của người Việt chúng ta, được thành lập bởi vua Hùng Vương đầu tiên (vua Hùng Vương thứ nhất) với Chính quyền quân chủ và được thống trị bởi nhiều vua Hùng Vương nối tiếp nhau với cùng một dòng họ.  Dân tộc của nước Văn Lang là người Lạc Việt (1 trong những người Bách Việt) đã có trước nước Văn Lang. 

 

Người Việt chúng ta thường hãnh diện là con cháu của vua Hùng Vương và gọi là Tổ Hùng Vương.  Tuy nhiên thiển nghĩ người Lạc Việt phải có trước vua Hùng Vương và vua Hùng Vương chỉ là một người Lạc Việt và có tổ tiên là người Lạc Việt như vậy Hùng Vương không có thể là Tổ của người Lạc Việt và không là Tổ của người Việt Nam chúng ta ngày nay.  Thiển nghĩ tổ tiên của người Việt chúng ta sau khi dành lại độc lập từ Trung Quốc vào năm 938 cho đến ngày nay phải là người Lạc Việt.  

 

Sau Lĩnh Nam Trích Quái vài trăm năm, lấy tài liệu không phải là sử liệu trung thực của Lĩnh Nam Trích Quái, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của nhà Hậu Lê đem vào chính sử lịch sử vua Hùng Vương và nước Văn Lang!

Sau Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nhiều thế kỷ, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục với thêm sử liệu của người Trung Hoa viết lại cho đúng được phần nào sử địa của nước Văn Lang và vua Hùng Vương.  Tuy nhiên Cương Mục cũng không thể nào chứng minh câu chuyện về nguồn gốc "rồng tiên" của vua Hùng Vương theo Lĩnh Nam Trích Quái (và Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép lại) là có thật được.  

 

Gần đây, sách Đại Việt Sử Lược, một sách sử khuyết danh, được tìm thấy ở Trung Quốc.  Sách được viết vào thời nhà Trần và không có đề cập đến nguồn gốc "rồng tiên" của Hùng Vương.  Sách Đại Việt Sử Lược cũng giúp viết cho đúng thêm lịch sử của nước Văn Lang và vua Hùng Vương về những chi tiết mà Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục không làm được.  Mặc dù có nhiều tranh cãi về giá trị chân thực của Đại Việt Sử Lược, tuy nhiên so với Lĩnh Nam Trích Quái thì Đại Việt Sử Lược hợp lý với khoa học và giáo khoa sử địa hơn nhiều.


 

A. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư

 

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, nước Văn Lang do vua Hùng Vương (đầu tiên) thành lập.  Nước Văn Lang có cùng lãnh thổ và dân tộc với nước Xích Quỷ.  

     Nước Xích Quỷ do ông nội của vua Hùng Vương đầu tiên là vua Kinh Dương Vương Lộc Tục lập ra và truyền ngôi cho cha của vua Hùng Vương đầu tiên là vua Lạc Long Quân.  (Lạc Long Quân là con của Kinh Dương Vương).   

     Lạc Long Quân và vợ là Âu Cơ có 100 người con trai và Lạc Long Quân truyền ngôi cho người con trưởng làm vua là vua Hùng Vương đầu tiên.  Vua Hùng Vương đầu tiên đặt tên mới cho nước là Văn Lang (đổi quốc hiệu từ Xích Quỷ thành ra Văn Lang).  

     Vua của nước Văn Lang đều gọi là Hùng Vương và cha truyền con nối cùng một dòng họ là họ Hồng Bàng (Hồng Bàng thị). Họ Hồng Bàng bắt đầu từ Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân.

 

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, 

     Lịch sử của nước Xích Quỷ và nước Văn Lang kéo dài 2622 năm (2878 tr CN - 258 tr CN) bắt đầu từ vua Kinh Dương Vương (năm 2879 tr CN), vua Lạc Long Quân, vua Hùng Vương đầu tiên cho đến vua Hùng Vương cuối cùng.  Vua Hùng Vương cuối cùng thua vua An Dương Vương Thục Phán và mất nước Văn Lang.  An Dương Vương lập nước mới bao gồm nước Văn Lang và đặt tên nước là Âu Lạc (năm 257 tr CN). 

     Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (và Lĩnh Nam Trích Quái) không có cho biết có bao nhiêu vua Hùng Vương trị vì nước Văn Lang trong lịch sử của nước Văn Lang.  Đại Việt Sử Ký Toàn Thư không có viết là 18 Hùng Vương.  Do đó trong hơn 2000 năm lịch sử, nước Văn Lang không giới hạn với 18 vua Hùng Vương như mọi người chỉ trích Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.

 

Lúc bắt đầu của nước Xích Quỷ (2878 tr CN) và nước Văn Lang có cùng một lãnh thổ , theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư:

     Lãnh thổ đông giáp biển Nam Hải, tây đến Ba Thục, bắc đến hồ Động Đình, nam giáp nước Hồ Tôn, tức nước Chiêm Thành, nay là Quảng Nam.  Lãnh thổ này gồm miền Nam của Trung Quốc (trừ tỉnh Tứ Xuyên = Ba Thục) và miền Bắc của Việt Nam ngày nay.  Biên giới phương Bắc là sông Trường Giang (Dương Tử), Động Đình Hồ và dãy núi Ngũ Lĩnh của Trung Quốc và biên giới phương Nam là đèo Ngang hay đèo Hải Vân của Việt Nam.  Nước Xích Quỷ và nước Văn Lang có cùng một lãnh thổ.  

     Dân tộc có lẽ là những giống người Bách Việt.

 

Lúc chấm dứt của nước Văn Lang, theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư:

Lãnh thổ lại chỉ là miền Bắc của Việt Nam ngày nay, trong đời vua Hùng Vương cuối cùng.  

Sử Ký không có viết chi tiết về dân tộc và không hề nói đến dân tộc Lạc Việt, một giống người trong những giống người Bách Việt.  

 

Bách Việt là những giống người gọi chung là Việt sống (trong thời của nước Xích Quỷ và nước Văn Lang) ở miền Nam của nước Trung Quốc và ở miền Bắc của nước Việt Nam ngày nay.  Vì có nhiều giống người cho nên sử gia Trung Hoa gọi tổng quát là Bách Việt chứ không có nghĩa là 100 Việt.  Bách = 100.  Danh hiệu Bách Việt thật ra phải là Chư Việt (như Chư Hầu). 

 

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, nước Văn Lang ngay từ lúc đầu chia ra làm mười lăm (15) Bộ là: Giao Chỉ, Chu Diên, Ninh Sơn, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Quế Dương, Vũ Ninh, Hoài Hoan, Cửu Châu, Nhật Nam, Quế Lâm, Tượng Quận, 

pth_nuocvanlang.JPG

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư không viết tại sao có sự thay đổi của lãnh thổ: từ bao gồm miền Nam của Trung Quốc và miền Bắc của Việt Nam ngay lúc đầu cho đến chỉ còn gồm có miền Bắc của Việt Nam trong đời Hùng Vương cuối cùng. Đây là điều thiếu sót của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.

B. Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục


Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục:
   
Không công nhận có nước Xích Quỷ. Kinh Dương Vương thống trị ở phương Nam truyền cho con là Lạc Long Quân, vùng Đất của những người Việt gọi chung là người Bách Việt.
   Lạc Long Quân (con của Kinh Dương Vương) và vợ là Âu Cơ có 100 người con trai.
Lạc Long Quân cho người con trưởng nối ngôi là vua Hùng Vương dựng nước tên gọi là
Văn Lang. Các vua đều cha truyền con nối và xưng là Hùng Vương.
Tuy nhiên nếu Đại Việt Sử Ký Toàn Thư không viết là có bao nhiêu vua Hùng Vương trong lịch sử của nước Văn Lang thì Cương Mục mượn tài liệu từ sử gia Trung Hoa cho rằng có tất cả
18 vua Hùng Vương. 18 vua Hùng Vương đều thuộc dòng họ Hồng Bàng (Hồng Bàng thị) của Kinh Dương Vương.
Khâm Định Việt Sử có đưa ra sử liệu của các sử gia Trung Quốc viết về nước Văn Lang.
Theo tài liệu của Sử Trung Quốc (trong Cương Mục), vua nước Văn Lang còn có tên là
Lạc Vương hay Lạc Hầu (thay vì là Hùng Vương).


Sách An Nam Chí Nguyên của Cao Hùng chép:


   Giao Chỉ khi chưa đặt làm quận huyện, bấy giờ có ruộng Lạc (Lạc điền) theo nước triều lên xuống mà làm ruộng, khai khẩn ruộng ấy là Lạc dân, thống trị dân ấy là Lạc Vương, người giúp việc này là Lạc Tướng: đều dùng ấn đồng thao xanh. Nước gọi là Văn Lang. Phong tục thuần hậu mộc mạc, chưa có chữ, còn dùng lối thắt nút dây làm dấu ghi nhớ; truyền được mười tám đời.
Theo Giao Quảng Ký của Hoàng Sâm,

    Giao Chỉ có ruộng Lạc Điền, khai khẩn theo nước triều lên xuống. Người "ăn" hoa lợi ruộng ấy là Lạc Hầu. Các huyện (các vùng địa phương) tự gọi là Lạc Tướng. Sau này con Thục Vương đem quân đánh Lạc Hầu, tự xưng là An Dương Vương, trị sở ở Phong Khê.


Tước "Vương" hay "Hầu" có thể dùng lẫn lộn theo các sử gia Trung Quốc nhưng danh hiệu "Lạc" và "Hùng" thì có nghĩa khác nhau. Điều quang trọng là theo Hán tự (phồn thể), chữ "Hùng" và chữ "Lạc" viết gần giống nhau.
Chữ Lạc: 雒
Chữ Hùng: 雄
Tuy có ghi nhận điều này nhưng Khâm Định Việt Sử Thông Giám
Cương Mục dùng danh hiệu Hùng Vương chứ không dùng danh hiệu Lạc Vương cho vua của nước Văn Lang.


Theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục,
     Trong 2622 năm (2878 tr CN - 258 tr CN) mà chỉ có vua Kinh Dương Vương, vua Lạc Long Quân và 18 vua Hùng Vương thì là điều không thể xảy ra được.
     Do đó Cương Mục
nghi ngờ lịch sử 2622 năm bắt đầu từ năm 2878 tr CN của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư là không đúng mặc dù Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cũng không sai vì không hề viết là có bao nhiêu vua Hùng Vương trong thời gian này.

     Tuy nhiên Cương Mục đồng ý với Đại Việt Sử Ký Toàn Thư là nước Văn Lang và vua Hùng Vương chấm dứt vào năm 258 tr CN. Sau đó có An Dương Vương và nước Âu Lạc từ năm 257 tr CN.


Đại Việt Sử Ký Toàn Thư dựa vào đâu mà cho rằng họ Hồng Bàng bắt đầu từ Đế Minh (cháu 4 đời của Thần Nông) sinh ra Kinh Dương Vương vào năm 2879 tr CN. Kinh Dương Vương là thủy tổ của họ Hồng Bàng.


Thần Nông là vị vua huyền thoại của lịch sử Trung Quốc vào thời Tiền sử.
Tổ tiên của người Tàu (gọi là người Hoa Hạ) là những người sống ở lưu vực sông Hoàng Hà trong thời Tiền Sử. Thời Tiền sử này có những lãnh tụ:
     Tam Hoàng gồm Phục Hy, Toại Nhân và Thần Nông
     Ngũ Đế
     Các vị Vua của Nhà Hạ (khoảng 2070 tr CN - 1600 tr CN)
Tam Hoàng là 3 vị "bán thần" giúp người dân sinh sống; lần lượt gồm có Phục Hy, Toại Nhân (hay Nữ Oa) và Thần Nông. Tương truyền gọi là Thần Nông vì là vị Thần sáng tạo ra nghề nông và biết dùng cây cỏ để chữa bệnh.
Ngũ Đế là 5 vị quân chủ (monarch) không cùng huyết thống truyền ngôi cho nhau theo thứ tự là: Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Cốc, Đế Nghiêu và Đế Thuấn.
Đế Thuấn truyền ngôi cho Hạ Vũ. Hạ Vũ truyền ngôi cho con cháu cùng huyết thống lập ra nhà Hạ.
Thời Tiền Sử của Trung Quốc chấm dứt vào năm 1600 tr CN (bắt đầu thế kỷ thứ 16) với bắt đầu của nhà Thương. Gọi là Thời Tiền Sử vì không có Chữ viết. Trong thời Tiền Sử nầy người Tàu biết dùng lửa, cất nhà, trồng ngũ cốc, làm quần áo, chài lưới, có lễ nghi...
Lịch sử Trung Quốc chỉ chính thức bắt đầu với nhà Thương (từ sớm nhất là 1600 tr CN) dựa trên Giáp Cốt Văn tự trên các mu rùa. Giáp Cốt văn tự là chữ viết đầu tiên của Trung Quốc. Khi có Chữ viết tự tạo hay du nhập từ nơi khác thì một địa phương bắt đầu có lịch sử (của nó): chữ viết ghi lại lịch sử. Nhà Thương theo thời gian là nối tiếp của nhà Hạ với cùng một lãnh thổ nhưng điều lạ là Giáp Cốt Văn của nhà Thương không có viết gì về thời Tam Hoàng, Ngũ Đế và nhà Hạ. Thời Tiền Sử nầy chỉ được viết từ những thời đại khác hàng mấy ngàn năm sau đó nên không thể có thật mà chỉ là hoang đường tưởng tượng?
Thần Nông cũng như Tam Hoàng và Ngũ Đế không biết sống vào thời gian nào. Sử Tàu không hề có nhân vật Đế Minh làm vua phương Nam và phương Bắc (cả nước Trung Quốc và Miền Bắc nước Việt Nam bây giờ). Hơn nữa Đại Việt Sử Ký lấy tài liệu ở đâu mà định năm cho Hồng Bàng thị bắt đầu từ năm 2879 tr CN? Sử Trung Quốc chỉ đoán là các Vua của nhà Hạ bắt đầu từ khoảng năm 2070 tr CN.
Như vậy cho dù có không biết bao nhiêu vua Hùng Vương (theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư) hay có 18 vua Hùng Vương (theo Cương Mục) trong lịch sử của nước Văn Lang, họ Hồng Bàng không thể nào bắt đầu từ năm 2879 tr CN với Kinh Dương Vương. Câu chuyện của Đế Minh, Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân cũng hoang đường và không có thật của thời Tiền sử so so với thời Lịch sử có sử liệu đàng hoàng.

Tuy nhiên nước Văn Lang và các vua Hùng Vương tồn tại và có thật cho đến năm 258 tr CN.
Điều nghi vấn là vua Hùng Vương đầu tiên và nước Văn Lang bắt đầu từ năm nào. Đại
Việt Sử Lược tìm được gần đây ở bên Trung Quốc giúp trả lời nghi vấn này một cách hợp lý.
*
Khác với Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Cương Mục không chấp nhận có nước Xích Quỹ. không chấp nhận lãnh thổ của nước Văn Lang vào lúc đầu là Miền Nam của Trung Quốc ngày nay (trừ Ba Thục, tỉnh Tứ Xuyên ngày nay) và Miền Bắc của nước Việt Nam ngày nay.
Theo Cương Mục, từ lúc thành lập cho đến lúc mất:
Lãnh thổ của nước Văn Lang chỉ là Miền Bắc của nước Việt Nam ngày nay và lãnh thổ của nước Văn Lang chính là đất Giao Chỉ trong thời Bắc Thuộc Trung Quốc.
Dân tộc là người Lạc hay người Lạc Việt, một trong Bách Việt.
Bách Việt là những giống người gọi chung là Việt sống ở miền Nam của nước Trung Quốc và ở miền Bắc của nước Việt Nam ngày nay. Vì có nhiều giống người cho nên sử gia Trung Hoa gọi tổng quát là Bách Việt chứ không có nghĩa là 100 Việt. Bách = 100. Danh hiệu Bách Việt thật ra phải là Chư Việt (như Chư Hầu).
Nước Xích Quỷ của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chỉ là vùng đất của những người Bách Việt mà thôi.
Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục lại dẫn sử liệu của Trung Quốc về Giao Chỉ nhưng có chi tiết về lãnh thổ và dân tộc của nước Văn Lang:
Theo Dư Địa Chí của Cổ Hi Phùng, Giao Chỉ vào đời Chu gọi là Lạc Việt, về đời Tần gọi là Tây Âu, thế thì đất Tây Âu ở về phía Tây của Phiên Ngu (Phiên Ngung).
An Nam Chí Nguyên của Cao Hùng chép: "Giao Chỉ khi chưa đặt làm quận huyện, bấy giờ có ruộng Lạc (Lạc điền) theo nước triều lên xuống mà làm ruộng, khai khẩn ruộng ấy là Lạc dân, thống trị dân ấy là Lạc Vương, người giúp việc này là Lạc Tướng: đều dùng ấn đồng thao xanh. Nước gọi là Văn Lang. Phong tục thuần hậu mộc mạc, chưa có chữ, còn dùng lối thắt nút dây làm dấu ghi nhớ; truyền được mười tám đời".
Cương Mục cũng dẫn từ danh hiệu 15 Bộ của nước Văn Lang theo Dư Địa Chí của nhà Lê thì 15 Bộ đều nằm trong Miền Bắc của nước Việt Nam ngày nay, có thể đến tận đèo Hải Vân.
(Danh hiệu của 15 Bộ của Cương Mục có khác của Sử Ký một chút).

C. Đại Việt Sử Lược


Đại Việt Sử Lược (của tác giả vô danh) viết vào thời nhà Trần được tìm ra gần đây trả lời được những nghi vấn về thời điểm bắt đầu của vua Hùng Vương và nước Văn Lang một cách hợp lý.
Đại Việt Sử Lược viết:
Đến đời Trang Vương nhà Chu (696-682 tr CN) ở bộ Gia Ninh có người lạ dùng ảo thuậtqui phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Phong Châu, đặt quốc hiệu là Văn Lang, phong tục thuần lương chơn chất, chính sự dùng lối thắt gút.
Truyền được 18 đời đều xưng là Hùng Vương.

Một quốc gia (một nước) gồm có dân tộc, lãnh thổ và chính quyền. Một xã hội của dân tộc sống trên một lãnh thổ nào đó chỉ có thể trở thành một nước hay một quốc gia khi có một chính quyền.
Do đó nước Văn Lang chỉ chính thức được thành lập khi có vua (lập một chính quyền quân chủ), đó là vua Hùng Vương.
Như vậy trong khoảng 696-682 tr CN, bắt đầu có vua Hùng Vương và có nước Văn Lang.
Đó là thời điểm bắt đầu có nước Văn Lang và vua Hùng Vương.
Từ Đại Việt Sử Ký đến Cương Mục rồi cuối cùng đến Việt Sử Lược, vua Hùng Vương bắt đầu từ khoảng năm 696-682 tr CN và chấm dứt vào 258 tr CN. Trong tối đa là 338 năm (từ 696 tr CN cho đến 258 tr CN) có tất cả 18 vua Hùng Vương thống trị nước Văn Lang là điều hợp lý.
Một đời vua Hùng Vương trị vì trung bình 18-19 năm là điểu không phản khoa học.
Đại Việt Sử Lược không hề đề cập đến nguồn gốc Hùng Vương là dòng dõi của Đế Minh, Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân (và Âu Cơ) cũng như không nói đến họ Hồng Bàng của các vua Hùng Vương. Điều này tránh được cái vô lý hoang đường của nguồn gốc của các vua Hùng Vương xuất phát từ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.
Nhờ Đại Việt Sử Lược, nguồn gốc hoang đường của họ Hồng Bàng từ Đế Minh, Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân (và Âu Cơ) được thấy rõ ràng là hoàn toàn không có thật trong lịch sử. Nó chỉ là giả tưởng bắt nguồn từ 1 sách thần thoại hoang đường theo Đạo Giáo là Lĩnh Nam Trích Quái (Lĩnh Nam Chích Quái) viết vào thời nhà Trần rồi sau đó được sử gia Ngô Sĩ Liên mượn và tự sáng tạo thêm để viết trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Điều đáng tiếc là Đại Việt Sử Ký Toàn Thư là chính sử đầu tiên của nước Việt ta viết vào thời vua Lê Thánh Tông, viết từ một
sử gia lạc hậu và không có tinh thần khoa học!
Như vậy, nguồn gốc "dòng giống Lạc Hồng" và "con rồng cháu tiên" của người Việt chúng ta là không có thật. Hơn nữa khái niệm thần thoại "Rồng và Tiên" trong Lĩnh Nam Trích Quái là có từ Đạo Giáo và Đạo Giáo bắt đầu có ở Trung Quốc vào thời nhà Hán (sớm nhất là thế kỷ thứ 3 tr CN). Khái niệm này không phải của người Việt chúng ta mà của người Trung Quốc và bắt đầu hiện hữu nhiều thế kỷ sau khi có nước Văn Lang và vua Hùng Vương.
Người Việt chúng ta chỉ cần tự hãnh diện là dòng giống của Người Lạc Việt và vua Hùng Vương là đủ rồi cần gì phải là "con Rồng cháu Tiên"?


Từ Đại Việt Sử Lược, các sử gia hiện đại viết lại Lịch sử của vua Hùng Vương và nước Văn Lang một cách hợp lý.

D. Lịch Sử theo Sử gia hiện đại Quốc gia gồm có Lãnh thổ (Territory), Dân tộc (People) và Chính quyền (Government).
Muốn tìm nguồn gốc lịch sử người Việt và nước Việt của chúng ta thì phải bắt đầu bằng Lãnh thổ. Miền Bắc Việt Nam ngày nay là lãnh thổ đầu tiên. Các Sử gia ngày nay đều đồng ý nó gồm có Bắc Kỳ và bắc Trung Kỳ (Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh) với biên giới phía nam là Hoành Sơn và Đèo Ngang. Lãnh thổ có thể có thêm Quảng Bình và Quảng Trị (cho đến Thừa Thiên) nhưng không có gì chắc chắn.

Theo Văn Hóa Đông Sơn, từ khoảng 1000 năm tr CN (thế kỷ thứ 11 tr CN) đã có người sinh sống trước đó và gây dựng một nền văn hóa ở đây. Đó là dân tộc Lạc Việt, đã được sử gia hiện đại công nhận là một trong các dân tộc Việt trong nhóm Bách Việt. Dần dần người dân Lạc Việt có nhiều bộ tộc hay bộ lạc. Người Lạc Việt cũng được biết có sinh sống ở những vùng thuộc Tây Nam Quảng Đông và Đông Nam Quảng Tây của Trung Quốc ngày nay.
Theo Đại Việt Sử Lược, cùng thời với vua Chu Trang Vương trong thời Xuân Thu bên Tàu vào thế kỷ thứ 7 tr CN, bắt đầu có chính quyền quân chủ của người Lạc Việt dưới sự lãnh đạo của vua Hùng Vương đóng đô ở Phong Châu (thuộc huyện Bạch Hạc, tỉnh Phú Thọ ngày nay). Đó là nơi có Đền Hùng Vương. Có tất cả 18 đời Hùng Vương từ khoảng 696-682 tr CN (đời Chu Trang Vương) cho tới 258 tr CN (trong hơn 400 năm). Sử Tàu gọi Hùng Vương là Lạc Vương và danh hiệu Hùng Vương là từ sử liệu của người Việt (từ Việt Sử Lược vào thế kỷ 14).
Hùng Vương có quan lại phụ tá ở trung ương là những (quan) Lạc Hầu. Địa phương có những Bộ cai quản bởi quan Lạc Tướng. Dưới Lạc Tướng là các quan Bố Chính cai quản từng khu vực nhỏ (làng xã).

pth_mapVN.JPG

Nước có tên là Văn Lang và chia ra 15 Bộ. Nước Văn Lang là Miền Bắc Việt Nam ngày nay (cho đến Hoành Sơn và Đèo Ngang).
Địa điểm và tên của 15 Bộ được sử gia ngày nay ấn định:
     Văn Lang: kinh đô Phong Châu (h. Bạch Hạc, tỉnh Phú Thọ ngày nay)
    Châu Diên (vùng Sơn Tây ngày nay)
    Phúc Lộc (vùng Sơn Tây ngày nay)
    Tân Hưng (vùng Tuyên Quang và Hưng Hóa ngày nay)
    Vũ Định (vùng Thái Nguyên và Cao Bằng ngày nay)

    Vũ Ninh (vùng Bắc Ninh ngày nay)
    Lục Hải (vùng Lạng Sơn ngày nay)
    Ninh Hải (vùng Quảng Yên ngày nay)
    Dương Tuyền (vùng Hải Dương ngày nay)
    Giao Chỉ (vùng Hà Nội, Nam Định và Ninh Bình ngày nay)
    Cửu Chân (vùng Thanh Hóa ngày nay)
    Hoài Hoan (vùng Nghệ An ngày nay)
    Cửu Đức, Bình Văn và Việt Thường (vùng Hà Tĩnh, và bắc Hoành Sơn ngày nay)


Dân Lạc Việt sống bằng nông nghiệp với những ruộng lúa cạnh sông, cày cấy theo thủy triều lên xuống. Phong tục thuần hậu nhưng không có Chữ viết. Ngôn ngữ của dân Lạc Việt trước thời Bắc Thuộc chưa được hiểu biết tường tận. Sử gia thường gọi là "Tiếng Việt cổ".


Năm 258 tr CN, Thục Phán nối nghiệp làm vua, thủ lãnh của các bộ tộc người Âu Việt hay Tây Âu ở Đông Nam Quảng Tây ngày nay, rồi đánh bại Hùng Vương thứ 18 và chiếm chính quyền trung ương của nước Văn Lang. Thục Phán xưng là An Dương Vương và đổi tên nước là Âu Lạc (257 tr CN). Nước Âu Lạc gồm có lãnh thổ nước Văn Lang cũ và thêm phần đất của người Âu Việt (Đông Nam Quảng Tây ngày nay).


Năm 208 tr CN, quan Úy quận Nam Hải của nhà Tần là Triệu Đà đánh bại An Dương Vương Thục Phán và thôn tính nước Âu Lạc. Triệu Đà xưng là Triệu Vũ Vương và lập nước Nam Việt. Nước Nam Việt gồm có 2 tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây và Miền Bắc Việt Nam ngàynay. Triệu Đà chia nước Văn Lang cũ (Miền Bắc Việt Nam ngày nay) thành 2 quận Giao Chỉ vàCửu Chân. Quận Giao Chỉ là Bắc Kỳ ngày nay và quận Cửu Chân là bắc Trung Kỳ ngày nay
(Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh). Về sau (trong thời nhà Triệu) một phần đất phía nam củaquận Cửu Chân tách ra thành quận Nhật Nam.


Năm 111 tr CN, nhà Hán của Trung Quốc chiếm và tiêu diệt nước Nam Việt. Miền Bắc Việt Nam ngày nay là 3 quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam trở thành quận của Trung Quốc. Bắc Thuộc thời đại bắt đầu từ năm 111 tr CN cho đến năm 938 người Việt dành lại độc lập.

Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
 

Bài viết này là những trích đoạn của những bài trong phanthuonghai.com
1) Sử Việt - Thời Thượng Cổ (Bs Phan Thượng Hải)
2) Sử Việt - Vua Hùng Vương và Nước Văn Lang (Bs Phan Thượng Hải)


Tài liệu tham khảo:


1) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của ông Ngô Sĩ Liên phát hành vào năm 1479 đời vua Lê Thánh
Tông (Hồng Đức thứ 10) theo thể biên niên từ Kinh Dương Vương (2879 tr CN) cho đến nhà
Hậu Lê bắt đầu (1427) gồm có 15 quyển. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư dùng Việt ngữ và viết bằng
chữ Hán và chữ Nôm.

2) Lĩnh Nam Trích Quái (Lĩnh Nam Chích Quái) của Trần Thế Pháp viết bằng chữ Hán vào
thế kỷ 14 trong thời nhà Trần. Lĩnh Nam Trích Quái có tất cả 4 bản. Bản đầu tiên thường được
dùng, được xuất bản bằng chữ Quốc ngữ: tác giả là Trần Thế Pháp, Vũ Quỳnh hiệu đính (vào
năm 1492, Hồng Đức thứ 23) và dịch giả là Kiều Phú. Bản dịch này lấy ấn bản chữ Hán vào
năm 1697. Lĩnh Nam Trích Quái = Trích ra những câu chuyện quái dị ở đất Lĩnh Nam. Đất
Lĩnh Nam là vùng đất ở phía Nam của dãy núi Ngũ Lĩnh (thuộc Trung Quốc).

3) Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục là chính sử của Quốc Sử Quán của nhà
Nguyễn do ông Phan Thanh Giản làm Tổng Tài (chủ biên) hoàn thành vào năm 1859 và được
chính thức ban hành vào đời vua Kiến Phúc (1884). Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương
Mục gọi tắt là Cương Mục viết bằng chữ Hán đa số theo lối biên niên gồm có Tiền Biên (từ thời
Hồng Bàng đến khi Đinh Bộ Lĩnh gồm thâu 12 Sứ Quân vào năm 968) và Chính Biên (từ thời
vua Đinh Bộ Lĩnh đến khi vua Lê Chiêu Thống mất ngôi vào năm 1789). Cương Mục được dịch
ra chữ Quốc Ngữ vào năm 1960 ở Hà Nội và ấn hành vào năm 1998.

4) Đại Việt Sử Lược hay Việt Sử Lược của tác giả khuyết danh viết bằng chữ Hán vào thế kỷ
14 trong thời nhà Trần. Sách sử này được tìm thấy ở Trung Quốc trong thời vua Càn Long
(1736-1795) và được một sử quan của triều đình nhà Thanh là Tiền Hy Tộ hiệu đính.

Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền


Tài liệu tham khảo:
1) Sử Việt - Hùng Vương và Văn Lang (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
2) Sử Việt - Thời Thượng Cổ (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com

THƠ XUÂN:

 

1. XUÂN SẦU 

Hồi Xuân ảo vọng kiếp nhân sinh

Sầu não tâm tư cảm giác tình

Phước lộc thọ trường tòng chúc Tết

Ly tan bệnh lão khẩn cầu kinh

Thảm thương nhân loại còn đau khổ

Thảm cảnh nhân gian chẳng thái bình

Quá khứ thời gian là tử lộ

Hồi Xuân nào có được hồi sinh. 

(Phan Thượng Hải)

1/18/24 

 

Nghĩ lại thì 1 tháng trước làm bài thơ thì có khác: 

 

2. XUÂN CẢM 

Lan đào mai liễu đón chào Xuân

Xuân cảm tràn dâng khắp cõi trần

Cảnh sắc xinh tươi, chân phú mỹ

Tiết trời mát mẻ, thiện minh tân

Hân hoan hy vọng trong đời sống

Linh động giao hòa giữa thế nhân

Xuân cảm giác tình người hạnh phúc

Ngắm hoa an định tuệ tâm thần.

(Phan Thượng Hải)

12/26/23

 

___________________

NGÔN NGỮ VÀ VĂN TỰ CỦA KINH ĐIỂN PHẬT GIÁO TỪ ẤN ĐỘ

(Bs Phan Thượng Hải) 

 

* Ngôn ngữ Magadhi (Ma Kiệt Đà)

 

Phật Thích Ca truyền đạo trong 45 năm rồi các La Hán từ kỳ Kiết Tập lần thứ nhất đều dùng thổ ngữ Magadhi của người nước Magadha (Ma Kiệt Đà).  Phật Pháp (Kinh Tạng và Luật Tạng) được truyền khẩu bằng Tụng (recitation) cho đến một thời gian lâu sau mới ghi lại bằng chữ viết (văn tự).  Khi đó mới bắt đầu có tác giả trong các Bộ phái viết Luận Tạng vào khoảng năm 350 tr CN, khoảng 100 năm sau kỳ Kết Tập lần thứ nhất, kỳ Kết Tập ngay sau khi Phật Thích Ca nhập diệt.  Luận Tạng lấy phải lấy tài liệu tham khảo từ Kinh Tạng (và Luật Tạng) do đó phải đọc Kinh Tạng rõ ràng rồi mới viết Luận Tạng được.  (Tam Tạng = Kinh Tạng, Luật Tạng và Luận Tạng = Kinh Điển của Phật Giáo Nguyên Thủy). 

 

* Ngôn ngữ và Văn tự Pàli 

 

Trưởng Lão Bộ và Thượng Tọa Bộ (và các Bộ phái khác của Phật Giáo Nguyên Thủy, thành lập sau kỳ Kết Tập lần thứ nhất) được biết dùng ngôn ngữ Pàli vào khoảng thời gian trị vì của vua Asoka (268-232 tr CN) để truyền đạo và viết Tam Tạng bằng văn tự (chữ) Pàli. 

Ngôn ngữ "Pàli" nguồn gốc từ "Paisàci", một thổ ngữ của vùng đông bắc Ấn Độ lúc bấy giờ.  Thật ra ngôn ngữ Pàli kết hợp nhiều thổ ngữ trong đó có thổ ngữ Magadhi (được Phật Thích Ca và các đệ tử xử dụng).  Kinh điển bằng văn tự (chữ) Pàli truyền sang Tích Lan (Srilanka) cũng vào thế kỷ thứ 3 và lưu giữ cho tới ngày nay.  

 

Nam Phương Phật Giáo dùng kinh điển viết bằng chữ Pàli nên còn được gọi là Phật Giáo Pàli (Pàli Buddhism).  (Thổ ngữ = Venacular = Prakrit).  Nam Phương Phật Giáo chỉ có Phật Giáo Nguyên Thủy. 

 

* Ngôn ngữ và Văn tự Sanskrit (Phạn ngữ và Phạn tự)

 

Cũng từ thời vua Asoka (thế kỷ thứ 3 tr CN), Phật Giáo từ miền Đông Bắc Ấn Độ ở vùng Bihar, Uttar và Pradesh lan rộng sang miền Tây Bắc Ấn Độ ở vùng Kashmir và Gandhara.  Trong 2 thế kỷ sau đó, Phật Giáo Ấn Độ thịnh hành và tiếp theo đó Phật Giáo Đại Thừa thành lập và bành trướng song song với Phật Giáo Nguyên Thủy.  

Phật Giáo cũng bắt đầu dùng ngôn ngữ "Phạn Ngữ Tạp của Phật Giáo"  hay "Sanskrit tạp của Phật Giáo" (Buddhist Hybrid Sanskrit) trong truyền đạo và viết kinh điển.  Ngôn ngữ "Sanskrit tạp của Phật Giáo" nầy là tổng hợp của ngôn ngữ Sanskrit cổ điển (Classical Sanskrit) và thổ ngữ của vùng Gandhara (Gandhari Prakrit).  Sanskrit cổ điển đã được dùng từ lâu trong Kinh Vedas (Vệ Đà) của đạo Bà La Môn (Ấn Độ Giáo = Hinduism).  

Phật Giáo Đại Thừa có thêm kinh điển Đại Thừa như các kinh Bát Nhã, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, các kinh Tịnh Độ... được viết từ nhiều tác giả vô danh.  Từ thế kỷ thứ nhất, kinh điển Phật Giáo (Nguyên Thủy và Đại Thừa) bằng chữ Sanskrit Tạp của Phật Giáo được các nước khác dịch ra và viết theo ngôn ngữ của nước mình (như Trung Hoa, Tây Tạng, Nhật Bản...).  

 

Bắc Phương Phật Giáo dùng kinh điển Sanskrit (Phạn) nên được gọi là Phật Giáo Phạn Ngữ (Sanskrit Buddhism). (Sanskrit = Phạn, Phạn ngữ).  Bắc Phương Phật Giáo có Phật Giáo Đại Thừa và Phật Giáo Nguyên Thủy (Tiểu Thừa). 

 

* Kinh điển Pàli và Sanskrit của Phật Giáo Nguyên Thủy

 

Lúc đầu Phật Giáo Nguyên Thủy ở Ấn Độ chia ra làm Thượng Tọa Bộ và Đại Chúng Bộ.  Từ Đại Chúng Bộ sinh khởi ra Phật Giáo Đại Thừa.  Thượng Tọa Bộ và các Bộ Phái (từ nó) giữ truyền thống của Phật Giáo Nguyên Thủy.  

         Theo lịch sử của Phật Giáo Pàli của Nam Phương Phật Giáo, Thượng Tọa Bộ là Trưởng Lão Bộ (Theravàda) vì Thượng Tọa Bộ là Bộ Phái của những vị Trưởng Lão trong Tăng Già.  Từ Thượng Tọa Bộ mới có Hữu Bộ (Sarvàstivàda).  

         Theo lịch sử của Phật Giáo Sanskrit (Phật Giáo Phạn Ngữ) của Bắc Phương Phật Giáo, từ Thượng Tọa Bộ có Tỳ Sa Bộ và Hữu Bộ (Sarvàstivàda); rồi từ Tỳ Sa Bộ mới có Trưởng Lão Bộ (Theravàda).

 

Hữu Bộ và Trưởng Lão Bộ là nguồn gốc của Phật Giáo Nguyên Thủy ngoài Ấn Độ:

         Giáo lý Phật Giáo Nguyên Thủy của Nam Phương Phật Giáo (Nam Tông) là Phật Giáo Pàli (dùng kinh điển chữ Pàli) dựa trên giáo lý của Trưởng Lão Bộ.  Do đó còn được gọi là Phật Giáo Theravàda (Theravada Buddhism, Theravada).  (Trưởng Lão = Elders = Theravàda).  Nam Phương Phật Giáo (Southern Buddhism) ở Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Ai Lao, Cao Miên và Nam Phần Việt Nam.

         Giáo lý Phật Giáo Nguyên Thủy (Tiểu Thừa) của Bắc Phương Phật Giáo (Bắc Tông) là Phật Giáo Phạn Ngữ (dùng kinh điển chữ Phạn) dựa trên giáo lý của Hữu Bộ (Sarvàstivàda).  Bắc Phương Phật Giáo (Northern Buddhism) ở Trung Quốc, Tây Tạng, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và toàn thể Việt Nam.  Ngày nay hình như Phật Giáo Nguyên Thủy (Tiểu Thừa) không còn tồn tại ở các nước Bắc Phương nầy.  Tuy nhiên kinh điển Sanskrit (Phạn) của Phật Giáo Nguyên Thủy vẫn còn tồn tại trong kho tàng kinh điển của Phật Giáo Đại Thừa (Đại Tạng Kinh) và của Phật Giáo Tây Tạng Kim Cang Thừa.

 

Dĩ nhiên kinh điển của Phật Giáo Đại Thừa đều viết bằng chữ Phạn (Sanskrit).

 

Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền

 

Bài này là trích đoạn trong bài "Lịch Sử và Kinh Điển Phật Giáo" đăng trong phanthuonghai.com 

      THƠ PHỔ NHẠC TRONG TÂN NHẠC MIỀN NAM

 

                                       Bs Phan Thượng Hải biên soạn


 

Lời của một nhạc phẩm chính là lời thơ vì gồm có những câu có vần.  Nhạc sĩ đã là thi sĩ tuy nhiên đôi khi nhạc sĩ dùng một bài thơ hay mượn ý của một bài thơ (của một thi sĩ) làm lời (lyric) cho một nhạc phẩm của mình.  Điều này thường được gọi là "thơ phổ nhạc".  Có nhiều cách dùng một bài thơ làm lời cho một nhạc phẩm từ những kỹ thuật khác nhau của những nhạc sĩ. 

 

Tân Nhạc Tiền Chiến (trước hiệp định Genève) có trước Tân Nhạc Miền Nam (là Tân Nhạc của Miền Nam sau hiệp định Genève).  Có nhiều nhạc sĩ của Tân Nhạc Miền Nam áp dụng "thơ phổ nhạc", và bốn nhạc sĩ hàng đầu là Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Ngô Thụy Miên và Anh Bằng.  Tân Nhạc Tiền Chiến chỉ có một nhạc phẩm phổ thông của nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc dùng bài thơ "Cô Lái Đò" của thi sĩ Nguyễn Bính.  Tân Nhạc Miền Nam cũng dùng thơ của nhiều Thi Nhân Tiền Chiến cho nhạc phẩm.

 

Dàn bài

Nhạc sĩ

   Tân Nhạc Miền Nam (trang 1)

   Tân Nhạc Tiền Chiến (trang 8)

Thi sĩ

   Thi sĩ Tiền Chiến (trang 8)

   Thi sĩ Miền Nam (trang 11)

   Chinh Phụ Ngâm (trang 13)


 

A. Những nhạc sĩ phổ nhạc từ thơ của thi sĩ thành nhạc phẩm

 

a) Nhạc sĩ của Tân Nhạc Miền Nam ở Miền Nam 

 

Danh sách:

Anh Bằng*, Cung Tiến, Dương Thiệu Tước, Đan Thọ, Đinh Việt Lang, Dzũng Chinh, Đức Quỳnh, Hà Phương, Huỳnh Anh*, 

Lan Đài, Lê Thương, Ngô Thụy Miên*, Nguyễn Ánh 9, Nguyễn Đức Quang, Nguyễn Hiền, Phạm Duy*, Phạm Đình Chương*, Phạm Thế Mỹ, Quốc Dũng, 

Thục Vũ, Trần Thiện Thanh, Trần Trịnh, Trọng Khương, Từ Công Phụng, Từ Vũ, Văn Phụng, Vũ Thành An và Y Vân.


 

* Nhạc phẩm phổ thông của nhạc sĩ Anh Bằng

 

Anh Còn Nợ Em (+ thơ: Phan Thành Tài) - Điệu Boston

Anh còn nợ Em công viên ghế đá, công viên ghế đá.  Lá đổ chiều êm

 

Chuyện Hoa Sim (mượn ý bài thơ của Hữu Loan) - Điệu Bolero

Rừng hoang đẹp nhất màu hoa tím.  Chuyện tình thương nhất chuyện hoa sim

 

Người Hàng Xóm (+ thơ: Nguyễn Bính.  nhạc: + Tô Thanh Tùng) - Điệu Bolero

Nhà nàng ở cạnh nhà tôi.  Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn

 

Chuyện Hoa Ti Gôn (+ thơ: TTKH)

Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn.  Nhặt cánh hoa rơi chẳng biết buồn

 

Chuyện Tình Hoa Trắng (+ thơ: Kiên Giang)

Lâu quá không về thăm xóm đạo.  Từ ngày binh lửa cháy quê hương

 

Khúc Thụy Du (+ thơ: Du Tử Lê)

Hãy nói về cuộc đời.  Khi tôi không còn nữa

 

Tím Cả Chiều Hoang (+ thơ: Hữu Loan) - Điệu Bolero.

Nàng có ba người anh đi nhập ngũ (bộ đội).  Những đứa Em nàng có Em chưa biết nói

 

Trúc Đào (+ thơ: Nguyễn Tất Nhiên) - Điệu Bolero.

Chiều xưa có ngọn trúc đào.  Mùa thu lá rụng bay vào sân em


 

* Nhạc Phẩm phổ thông của nhạc sĩ Cung Tiến

 

Đôi Bờ (+ thơ: Quang Dũng) - Điệu Moderato, simplice.

Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai.  Sông xa từng lớp lớp mưa dài

 

* Nhạc Phẩm phổ thông của ca nhạc sĩ Duy Khánh

 

Màu Tím Hoa Sim (+ thơ: Hữu Loan, nhạc: + Trọng Khương) - Điệu Lento.

Nàng có 3 bgười anh đi quân đội.  Những em nàng, có em chưa biết nói

 

* Nhạc Phẩm phổ thông của nhạc sĩ Dzũng Chinh

 

Những Đồi Hoa Sim (theo ý bài thơ của Hữu Loan) - Điệu Slow Rumba - 1965.

Những đồi hoa sim ôi những đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt.  Vào chuyện ngày xưa nàng yêu hoa sim tím

 

Tha La Xóm Đạo (phóng tác theo bài thơ "Tha La" của Vũ Anh Khanh) - Điệu Slow Rumba.

Đây suối rừng xanh đồn quanh.  Đây mây trắng nghìn hoa với cây lành

 

* Nhạc Phẩm phổ thông của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước

 

Chiều (+ thơ: Hồ Dzếnh) - Điệu Tango.

Trên đường về nhớ đầy.  Chiều chậm đưa chân ngày.  Tiếng buồn vang trong mây

 

* Nhạc Phẩm phổ thông của nhạc sĩ Đan Thọ

 

Chiều Tím (+ thơ: Đinh Hùng) - Điệu Valse Lente - 1968.

Chiều tím chiều nhớ thương ai, người Em tóc dài ngồi bên phím đàn

 

Tình Quê Hương (+ thơ: Phan Lạc Tuyên) - Điệu Tango Habanera - 1956.

Anh về quê qua xóm nhỏ.  Anh chờ dưới bóng dừa.  Nắng chiều lên mái tóc, tình quê hương đơn sơ

 

* Nhạc Phẩm phổ thông của nhạc sĩ Đinh Việt Lang

 

Lạnh Lùng (+ thơ: Vạn Tuyết Linh) - Điệu Tango Habanera - 1970.

Em nỡ lạnh lùng đến thế sao.  Tim anh tan nát tự hôm nào

 

* Nhạc Phẩm phổ thông của nhạc sĩ Đức Quỳnh

 

Thoi Tơ (+ thơ: Nguyễn Bính) - Điệu Valse - 1951.

Em lo gì trời gió.  Em lo gì trời mưa. Em lo gì mùa hè.  Em tiếc gì mùa thu

 

* Nhạc Phẩm phổ thông của nhạc sĩ Hà Phương

 

Hai Sắc Hoa Ti Gôn (phóng tác theo bài thơ của TTKH) - Điệu Slow Rumba - 1965.

Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn.  Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn

 

* Nhạc Phẩm phổ thông của nhạc sĩ Huỳnh Anh

 

Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím (ý thơ: Kiên Giang) - Điệu Habanera - 1962.

Hoa trắng thôi cài trên áo tím.  Từ ngày binh lửa ngập quê hương

 

Mừng Nắng Xuân Về (+ thơ: Thanh Sơn) - Điệu Chachacha.

Nắng xuân về trên muôn hoa.  Nắng xuân về tươi thắm mọi nhà

 

Rừng Chưa Thay Lá (+ thơ: Hoàng Ngọc Ẩn) - Điệu Bolero.

Anh đi rừng chưa thay lá.  Anh về rừng lá thay chưa.  Phố cũ bây chừ xa lạ

 

* Nhạc phẩm phổ thông của nhạc sĩ Lan Đài 

 

Chiều Tưởng Nhớ (+ thơ: Hoàng Hương Trang)

Chiều đi lặng lẽ.  Tưởng nhớ muôn bề.  Khi người yêu đã chết.  Nhạc thu chưa thấy về

 

* Nhạc Phẩm phổ thông của nhạc sĩ Lê Thương

 

Hòn Vọng Phu 1 (Mượn từ thơ Chinh Phụ Ngâm) - Điệu "Nhịp Đi" (March).

Lệnh vua hành quân trống kêu dồn.  Quan với quân lên đường


 

* Nhạc Phẩm phổ thông của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên

 

Áo Lụa Hà Đông (+ thơ: Nguyên Sa) - Điệu "tha thiết"; Điệu Slow Rock - 1975.

Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát.  Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông

 

Bản Tình Cuối (+ thơ: Nguyên Sa) - Điệu "chậm buồn"; Điệu Slow Rock.

Mưa có rơi và nắng có phai.  Trên cuộc tình yêu em ngày nào

 

Niệm Khúc Cuối (+ thơ: Nguyên Sa) - Điệu Boston.

Dù cho mưa tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời.  Dù cho mây hay cho bão tố có kéo qua đây

 

Paris Có Gì Lạ Không Em (+ thơ: Nguyên Sa) - Điệu "nuối tiếc"; Điệu Boston - 1975.

Paris có gì lạ không em? Mai anh về em có còn ngoan

 

Tình Khúc Buồn (+ thơ: Phạm Duy Quang) - Điệu Andante; Điệu Boston.

Em như một nụ hồng cầu mong chẳng lạnh lùng.  Em như một ngày mộng mà ta hằng lạnh lùng

 

Tình Khúc Tháng Sáu (Ý thơ: Nguyên Sa) - Điệu "tha thiết"; Điệu Boston.

Tháng sáu nhạt mưa, mưa ướt mềm vai em.  Trời mênh mang xỏa kín bờ mi ngoan

 

* Nhạc Phẩm phổ thông của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9

 

Mẹ Việt Nam Ơi Chúng Con Vẫn Còn Đây (+ thơ: Hoàng Phong Linh) - Điệu Moderato - 1975.

Mẹ Việt Nam ơi chúng con vẫn còn đây.  Mẹ Việt Nam ơi chúng con vẫn còn đây

 

* Nhạc Phẩm phổ thông của ca nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang

 

Xin Chọn Nơi Này Làm Quê Hương (+ thơ: Nguyễn Ngọc Thạch)

Ta còn những người ngồi quanh đây, trán in vết nhăn.  Đêm nằm nghe lòng quặc sôi lên giữa cơn mộng lành

 

* Nhạc Phẩm phổ thông của ca nhạc sĩ Nguyễn Hiền

 

Anh Cho Em Mùa Xuân (+ thơ: Kim Tuấn) - Điệu Tango Habanera - 1972.

Anh cho Em mùa xuân.  Nụ hoa vàng mới nở, chiều đông nào nhung nhớ

 

* Nhạc Phẩm phổ thông của nhạc sĩ Phạm Duy

 

Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà (+ thơ: Hữu Loan) - Điệu March.

Nàng có 3 người anh đi bộ đội lâu rồi.  Nàng có đôi người em, có em chưa biết nói.

 

Chuyện Tình Buồn (+ thơ: Phan Văn Bình) - Điệu Rumba.

Năm năm rồi không gặp.  Từ khi Em lấy chồng

 

Còn Chút Gì Để Nhớ (+ thơ: Vũ Hữu Định) - Điệu Boston.

Phố núi cao phố núi đầy sương.  Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn

 

Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng (+ thơ: Phạm Thiên Thư) - Điệu Boston.

Rằng xưa có gả từ quan.  Lên non tìm động hoa vàng ngủ say

 

Đừng Bỏ Em Một Mình (+ thơ: Minh Đức Hoài Trinh) - Điệu Slow.

Đừng bỏ Em một mình, đừng bỏ Em một mình.  Trời lạnh quá, trời lạnh quá

 

Em Hiền Như Ma Soeur (+ thơ: Nguyễn Tất Nhiên) - Điệu Valse.

Đưa Em về dưới mưa.  Nói năng chi cũng thừa

 

Hai Năm Tình Lận Đận (+ thơ: Nguyễn Tất Nhiên) - Điệu Moderato; Điệu Valse.

Hai năm tình lận đận.  Hai đứa cùng xanh xao

 

Hoa Rụng Ven Sông (+ thơ: Lưu Trọng Lư) - Điệu Valse.

Giờ đây trên sông hoa rụng tơi bời.  Giờ đây Em ơi cơn mộng tan rồi

 

Kiếp Nào Có Yêu Nhau (+ thơ: Minh Đức Hoài Trinh) - Điệu Andante Rubito; Điệu Boston.

Đừng nhìn Em nữa Anh ơi.  Hoa xanh đã phai rồi

 

Kỷ Vật Cho Em (+ thơ: Linh Phương) - Điệu Slow - 1968.

Em hỏi Anh Em hỏi Anh bao giờ trở lại.  Xin trả lời xin trả lời mai mốt Anh về

 

Mùa Thu Paris (+ thơ: Cung Trầm Tưởng) - Điệu Valse - 1958.

Mùa thu Paris.  Trời bước ra đi.  Hẹn nhau quán nhỏ

 

Ngậm Ngùi (+ thơ: Huy Cận) - Điệu Boston.

Nắng chia nửa bãi chiều rồi.  Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá sầu

 

Ngày Xưa Hoàng Thị (+ thơ: Phạm Thiên Thư) - Điệu Valse.

Em tan trường về.  Đường mưa nho nhỏ

 

Nụ Tầm Xuân (+ thơ: Bình Dân) - Điệu Adagio - 1954.

Trèo lên lên trèo lên.  Trèo lên lên trèo lên.  Lên cây bưởi hái hoa

 

Thà Như Giọt Mưa (+ thơ: Nguyễn Tất Nhiên) - Điệu Moderato; Điệu Slow Rock.

Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá

 

Thuyền Viễn Xứ (+ thơ: Huyền Chi) - Điệu Boston - 1952.

Chiều nay sương khói lên khơi.  Thùy dương rũ bến tơi bời

 

Tiễn Em (+ thơ: Cung Trầm Tưởng) - Điệu Boston.

Lên xe tiễn Em đi.  Chưa bao giờ buồn thế.  Trời mùa đông Paris

 

Tiếng Sáo Thiên Thai (+ thơ: Thế Lữ) - Điệu Tango Habanera; Điệu Rumba.

Xuân tươi.  Êm êm ánh xuân nồng.  Nâng niu sáo bên rừng

 

Tiếng Thu (+ thơ: Lưu Trọng Lư) - Điệu Boston.

Em không nghe mùa thu.  Dưới trăng mờ thổn thức

 

Tình Khúc Chiến Trường (+ thơ: Ngô Đình Vận) - Điệu Slow - 1960.

Gửi tới Em gửi tới Em gửi tới Em, một hạt mưa lẻ loi, một hạt mưa trong đêm tối, mưa bay dài

 

Tình Nghèo (+ thơ: Hồng Nam) - Điệu Allegro - 1954.

Nhớ nhớ thuở nào.  Anh (lơ) cày thuê, Em (lơ) dắt trâu

 

Tôi Ước Mơ (+ thơ: Thích Nhất Hạnh).

Sáng nay vừa thức dậy.  Nghe tin Em gục ngã nơi chiến trường

 

Tưởng Như Còn Người Yêu (+ thơ: Lê Thị Ý).

Ngày mai đi nhận xác chồng.  Say đi để thấy mình không là mình

 

Vần Thơ Sầu Rụng (+ thơ: Lưu Trọng Lư) - 1958.

Vần trăng từ độ lên ngôi.  Năm năm bến cũ Em ngồi quay tơ

 

* Nhạc Phẩm phổ thông của nhạc sĩ Phạm Đình Chương

 

Dạ Tâm Khúc (+ thơ: Thanh Tâm Tuyền) - Điệu Lento; Điệu Ballade.

Đi đi chúng ta đến công viên, nơi Anh sẽ hôn Em đắm đuối

 

Mắt Buồn (+ thơ: Lưu Trọng Lư) - Điệu Slow.

Đôi mắt Em lặng buồn.  Nhìn thôi mà chẳng nói.  Tình đôi ta vời vợi.  Có nói cũng không cùng

 

Màu Kỷ Niệm (Ý thơ của Nguyên Sa) - Điệu Moderato; Điệu Slow Rock.

Nhớ ngày nào tan trường về chung lối.  Mắt thuyền sương nghiêng nón ngất ngây đời

 

Mộng Dưới Hoa (trích thơ của Đinh Hùng) - Điệu Slow - 1957.

Chưa gặp Em tôi vẫn nghĩ rằng.  Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng

 

Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội (+ thơ: Hoàng Anh Tuấn) - Điệu Chachacha.

Mưa hoàng hôn.  Trên thành phố buồn gió heo may vào hồn

 

* Nhạc Phẩm phổ thông của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ

 

Bông Hồng Cài Áo (+ thơ: Thích Nhất Hạnh) - Điệu Slow Rock - 1972.

Một bông hồng cho Em.  Một bông hồng cho Anh.  Và một bông hồng cho những ai cho những ai đang còn mẹ

 

* Nhạc Phẩm phổ thông của ca nhạc sĩ Quốc Dũng

 

Chuyện Ba Người (+ thơ: Xuân Kỳ) - Điệu Rumba; Điệu Bolero.

Một người đi với một người.  Một người đi với nụ cười hắt hiu

 

* Nhạc Phẩm phổ thông của ca nhạc sĩ Song Ngọc

 

Màu Tím Hoa Sim (+ thơ: Hữu Loan) - Điệu Bolero.

Nàng có 3 người anh đi quân đội.  Những đứa em nàng có em chưa biết nói

 

* Nhạc Phẩm phổ thông của nhạc sĩ Thục Vũ

 

Tình Mùa Chinh Chiến (+ thơ: Vũ Hoài)

Người ơi, tôi lắng dòng tâm tư.  Nghe chuyện tình người em gái mắt vương khói lam chiều

 

* Nhạc Phẩm phổ thông của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh

 

Hai Sắc Hoa Tigôn (Ý từ thơ của TTKH) - Điệu Bolero Lente.

Một mùa thu trước khi nắng chiều nhuộm vàng tóc ai

 

* Nhạc Phẩm phổ thông của nhạc sĩ Trần Trịnh

 

Lệ Đá (+ thơ: Hà Huyền Chi) - Điệu Slow Rock - 1968.

Hỏi đá xanh rêu bao nhiêu tuổi đời.  Hỏi gió phiêu du qua bao đỉnh trời.

 

* Nhạc Phẩm phổ thông của nhạc sĩ Trọng Khương

 

Ghen (+ thơ: Nguyễn Bính)

Hỡi cô nhân tình bé của tôi ơi.  Tôi muốn môi cô chỉ mỉm cười

 

Màu Tím Hoa Sim (+ thơ: Hữu Loan, nhạc: + Duy Khánh) - Điệu Lento.

Nàng có 3 bgười anh đi quân đội.  Những em nàng, có em chưa biết nói

 

* Nhạc Phẩm phổ thông của nhạc sĩ Từ Công Phụng

 

Giữ Đời Cho Nhau (+ thơ: Du Tử Lê) - Điệu Lento Espressivo; Điệu Boston - 1970.

Ơn Em thơ dại từ trời.  Theo ta xuống biển vớt đời ta trôi


 

* Nhạc Phẩm phổ thông của nhạc sĩ Từ Vũ

 

Gái Xuân (+ thơ: Nguyễn Bính) - Điệu Habanera; Điệu Rumba.

Em như cô gái hãy còn xuân.  Trong trắng thân chưa lắm bụi trần


 

* Nhạc Phẩm phổ thông của nhạc sĩ Văn Phụng

 

Các Anh Đi (+ thơ: khuyết danh) - Điệu Rumba Bolero - 1954.

Các Anh đi ngày ấy đã lâu rồi.  Các Anh đi đến bao giờ trở lại

 

Hôn Nhau Lần Cuối (+ thơ: Nguyễn Bính) - Điệu Slow.

Cầm tay Anh khẻ nói.  Khóc lóc mà làm chi.  Hôn nhau một lần cuối

 

* Nhạc Phẩm phổ thông của nhạc sĩ Vũ Thành An

 

Em Đến Thăm Anh Đêm Ba Mươi (+ thơ: Nguyễn Đình Toàn) - Điệu Slow.

Em đến thăm anh đêm ba mươi.  Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi

 

Tình Khúc Thứ Nhất (+ thơ: Nguyễn Đình Toàn) - Điệu Boston - 1966.

Tình vui theo gió mây trôi.  Ý sầu mưa xuống đời.

 

* Nhạc Phẩm phổ thông của nhạc sĩ Y Vân

 

Những Bước Chân Âm Thầm (+ thơ: Kim Tuấn) - Điệu "chậm buồn"; Điệu Rumba.

Từng bước từng bước thầm.  Hoa vòng rừng tuyết trắng.  Rặng thông già lặng câm

 

Về Miền Tây (+ thơ: Văn Thế Bảo) - Điệu Rumba Lente.

Về Miền Tây.  Có ai về miền Tây.  Lúa mùa thơm thơm mãi


 

b) Nhạc sĩ tiền chiến ở Miền Bắc

 

* Nhạc Phẩm phổ thông của nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc

 

Cô Lái Đò (+ thơ: Nguyễn Bính)

Xuân đã mang mong nhớ trở về.  Lòng cô lái ở bến sông kia


 

B. Những thi sĩ có thơ được phổ nhạc thành nhạc phẩm

 

Đây là danh sách những thi sĩ nổi tiếng có bài thơ được phổ nhạc hay mượn ý để phổ nhạc: thi sĩ tiền chiến và thi sĩ Miền Nam sau hiệp định Genève.

Đậc biệt là có Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

  

- Thi nhân Tiền Chiến: 

Hồ Dzếnh, Huy Cận, Hữu Loan, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Quốc Dũng, Thế Lữ, TTKH và Đinh Hùng.

 

- Thi sĩ Miền Nam:

Du Tử Lê, Kiên Giang, Kim Tuấn, Nguyên Sa, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Tất Nhiên, Phạm Thiên Thư, Thanh Tâm Tuyền, 

Minh Đức Hoài Trinh, Cung Trầm Tưởng,

Thiền sư Thích Nhất Hạnh,

 

Nhạc sĩ Thanh Sơn cũng có bài thơ được phổ nhạc.  Nhạc sĩ Lê Thương mượn rất nhiều từ thi phẩm Chinh Phụ Ngâm cho lời của nhạc phẩm "Hòn Vọng Phu 1". 


 

a) Thi sĩ Tiền Chiến (trước hiệp định Genève 1954)

 

* Nhạc phẩm phổ thông từ thơ của Thi sĩ Hồ Dzếnh

 

Chiều (nhạc: Dương Thiệu Tước) - Điệu Tango.

Trên đường về nhớ đầy.  Chiều chậm đưa chân ngày.  Tiếng buồn vang trong mây

 

* Nhạc phẩm phổ thông từ thơ của Thi sĩ Huy Cận

 

Ngậm Ngùi (nhạc: Phạm Duy) - Điệu Boston.

Nắng chia nửa bãi chiều rồi.  Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá sầu

 

* Nhạc phẩm phổ thông từ thơ của Thi sĩ Hữu Loan 

 

Tím Cả Chiều Hoang (nhạc: Anh Bằng) - Điệu Bolero.

Nàng có ba người anh đi nhập ngũ (bộ đội).  Những đứa Em nàng có Em chưa biết nói

 

Màu Tím Hoa Sim (nhạc: Duy Khánh + Trọng Khương) - Điệu Lento.

Nàng có 3 bgười anh đi quân đội.  Những em nàng, có em chưa biết nói

 

Màu Tím Hoa Sim (nhạc: Song Ngọc) - Điệu Bolero.

Nàng có 3 người anh đi quân đội.  Những đứa em nàng có em chưa biết nói

 

Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà (nhạc: Phạm Duy) - Điệu March.

Nàng có 3 người anh đi bộ đội lâu rồi.  Nàng có đôi người em, có em chưa biết nói.

 

(Mượn ý thơ)

Chuyện Hoa Sim (nhạc và lời: Anh Bằng) - Điệu Bolero

Rừng hoang đẹp nhất màu hoa tím.  Chuyện tình thương nhất chuyện hoa sim

 

(Mượn ý thơ)

Những Đồi Hoa Sim (nhạc và lời: Dzũng Chinh) - Điệu Slow Rumba - 1965.

Những đồi hoa sim ôi những đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt.  Vào chuyện ngày xưa nàng yêu hoa sim tím

 

* Nhạc phẩm phổ thông từ thơ của Thi sĩ Lưu Trọng Lư

 

Hoa Rụng Ven Sông (nhạc: Phạm Duy) - Điệu Valse.

Giờ đây trên sông hoa rụng tơi bời.  Giờ đây Em ơi cơn mộng tan rồi

 

Tiếng Thu (nhạc: Phạm Duy) - Điệu Boston.

Em không nghe mùa thu.  Dưới trăng mờ thổn thức

 

Vần Thơ Sầu Rụng (nhạc: Phạm Duy) - 1958.

Vần trăng từ độ lên ngôi.  Năm năm bến cũ Em ngồi quay tơ

 

Mắt Buồn (nhạc: Phạm Đình Chương) - Điệu Slow.

Đôi mắt Em lặng buồn.  Nhìn thôi mà chẳng nói.  Tình đôi ta vời vợi.  Có nói cũng không cùng

 

* Nhạc phẩm phổ thông từ thơ của Thi sĩ Nguyễn Bính

 

Cô Lái Đò (nhạc: Nguyễn Đình Phúc)

Xuân đã mang mong nhớ trở về.  Lòng cô lái ở bến sông kia

 

Người Hàng Xóm (nhạc: Anh Bằng) - Điệu Bolero

Nhà nàng ở cạnh nhà tôi.  Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn

 

Thoi Tơ (nhạc: Đức Quỳnh) - Điệu Valse - 1951.

Em lo gì trời gió.  Em lo gì trời mưa. Em lo gì mùa hè.  Em tiếc gì mùa thu

 

Ghen (nhạc: Trọng Khương)

Hỡi cô nhân tình bé của tôi ơi.  Tôi muốn môi cô chỉ mỉm cười

 

Gái Xuân (nhạc: Từ Vũ) - Điệu Habanera; Điệu Rumba.

Em như cô gái hãy còn xuân.  Trong trắng thân chưa lắm bụi trần

 

Hôn Nhau Lần Cuối (nhạc: Văn Phụng) - Điệu Slow.

Cầm tay Anh khẻ nói.  Khóc lóc mà làm chi.  Hôn nhau một lần cuối

 

* Nhạc phẩm phổ thông từ thơ của Thi sĩ Quang Dũng

 

Đôi Bờ (nhạc: Cung Tiến) - Điệu Moderato, simplice.

Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai.  Sông xa từng lớp lớp mưa dài

 

* Nhạc phẩm phổ thông từ thơ của Thi sĩ Thế Lữ

 

Tiếng Sáo Thiên Thai (nhạc: Phạm Duy) - Điệu Tango Habanera; Điệu Rumba.

Xuân tươi.  Êm êm ánh xuân nồng.  Nâng niu sáo bên rừng

 

* Nhạc phẩm phổ thông từ thơ của Thi sĩ TTKH

 

Chuyện Hoa Ti Gôn (nhạc: Anh Bằng)

Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn.  Nhặt cánh hoa rơi chẳng biết buồn

 

Hai Sắc Hoa Ti Gôn (nhạc: Hà Phương) - Điệu Slow Rumba - 1965.

Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn.  Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn

 

(Mượn ý thơ)

Hai Sắc Hoa Tigôn (nhạc và lời: Trần Thiện Thanh) - Điệu Bolero Lente.

Một mùa thu trước khi nắng chiều nhuộm vàng tóc ai

 

* Nhạc phẩm phổ thông từ thơ của Thi sĩ Đinh Hùng

 

Chiều Tím (nhạc: Đan Thọ) - Điệu Valse Lente - 1968.

Chiều tím chiều nhớ thương ai, người Em tóc dài ngồi bên phím đàn

 

(Trích thơ)

Mộng Dưới Hoa (nhạc và lời: Phạm Đình Chương) - Điệu Slow - 1957.

Chưa gặp Em tôi vẫn nghĩ rằng.  Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng

 

b) Thi sĩ Miền Nam (sau hiệp định Genève 1954)

 

* Nhạc phẩm phổ thông từ thơ của Thi sĩ Du Tử Lê

 

Khúc Thụy Du (nhạc: Anh Bằng)

Hãy nói về cuộc đời.  Khi tôi không còn nữa

 

Giữ Đời Cho Nhau (nhạc: Từ Công Phụng) - Điệu Lento Espressivo; Điệu Boston - 1970.

Ơn Em thơ dại từ trời.  Theo ta xuống biển vớt đời ta trôi

 

* Nhạc phẩm phổ thông từ thơ của Thi sĩ Kiên Giang

 

Chuyện Tình Hoa Trắng (nhạc: Anh Bằng)

Lâu quá không về thăm xóm đạo.  Từ ngày binh lửa cháy quê hương

 

Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím (nhạc: Huỳnh Anh) - Điệu Habanera - 1962.

Hoa trắng thôi cài trên áo tím.  Từ ngày binh lửa ngập quê hương

 

* Nhạc phẩm phổ thông từ thơ của Thi sĩ Kim Tuấn

 

Anh Cho Em Mùa Xuân (nhạc: Nguyễn Hiền) - Điệu Tango Habanera - 1972.

Anh cho Em mùa xuân.  Nụ hoa vàng mới nở, chiều đông nào nhung nhớ

 

Những Bước Chân Âm Thầm (nhạc: Y Vân) - Điệu "chậm buồn"; Điệu Rumba.

Từng bước từng bước thầm.  Hoa vòng rừng tuyết trắng.  Rặng thông già lặng câm

 

* Nhạc phẩm phổ thông từ thơ của Thi sĩ Nguyên Sa

 

Áo Lụa Hà Đông (nhạc: Ngô Thụy Miên) - Điệu "tha thiết"; Điệu Slow Rock - 1975.

Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát.  Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông

 

Bản Tình Cuối (nhạc: Ngô Thụy Miên) - Điệu "chậm buồn"; Điệu Slow Rock.

Mưa có rơi và nắng có phai.  Trên cuộc tình yêu em ngày nào

 

Niệm Khúc Cuối (nhạc: Ngô Thụy Miên) - Điệu Boston.

Dù cho mưa tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời.  Dù cho mây hay cho bão tố có kéo qua đây

 

Paris Có Gì Lạ Không Em (nhạc: Ngô Thụy Miên) - Điệu "nuối tiếc"; Điệu Boston - 1975.

Paris có gì lạ không em? Mai anh về em có còn ngoan

 

(Mượn ý thơ)

Màu Kỷ Niệm (nhạc và lời: Phạm Đình Chương) - Điệu Moderato; Điệu Slow Rock.

Nhớ ngày nào tan trường về chung lối.  Mắt thuyền sương nghiêng nón ngất ngây đời

 

(Mượn ý thơ) 

Tình Khúc Tháng Sáu (nhạc và lời: Ngô Thụy Miên) - Điệu "tha thiết"; Điệu Boston.

Tháng sáu nhạt mưa, mưa ướt mềm vai em.  Trời mênh mang xỏa kín bờ mi ngoan

 

* Nhạc phẩm phổ thông từ thơ của Thi sĩ Nguyễn Đình Toàn

 

Em Đến Thăm Anh Đêm Ba Mươi (nhạc: Vũ Thành An) - Điệu Slow.

Em đến thăm anh đêm ba mươi.  Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi

 

Tình Khúc Thứ Nhất (nhạc: Vũ Thành An) - Điệu Boston - 1966.

Tình vui theo gió mây trôi.  Ý sầu mưa xuống đời.

 

* Nhạc phẩm phổ thông từ thơ của Thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên

 

Trúc Đào (nhạc: Anh Bằng) - Điệu Bolero.

Chiều xưa có ngọn trúc đào.  Mùa thu lá rụng bay vào sân em

 

Em Hiền Như Ma Soeur (nhạc: Phạm Duy) - Điệu Valse.

Đưa Em về dưới mưa.  Nói năng chi cũng thừa

 

Hai Năm Tình Lận Đận (nhạc: Phạm Duy) - Điệu Moderato; Điệu Valse.

Hai năm tình lận đận.  Hai đứa cùng xanh xao

 

Thà Như Giọt Mưa (nhạc: Phạm Duy) - Điệu Moderato; Điệu Slow Rock.

Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá

 

* Nhạc phẩm phổ thông từ thơ của Thi sĩ Phạm Thiên Thư

 

Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng (nhạc: Phạm Duy) - Điệu Boston.

Rằng xưa có gả từ quan.  Lên non tìm động hoa vàng ngủ say

 

Ngày Xưa Hoàng Thị (nhạc: Phạm Duy) - Điệu Valse.

Em tan trường về.  Đường mưa nho nhỏ

 

* Nhạc phẩm phổ thông từ thơ của Thi sĩ Thanh Tâm Tuyền

 

Dạ Tâm Khúc (nhạc: Phạm Đình Chương) - Điệu Lento; Điệu Ballade.

Đi đi chúng ta đến công viên, nơi Anh sẽ hôn Em đắm đuối

 

* Nhạc phẩm phổ thông từ thơ của Nữ thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh

 

Đừng Bỏ Em Một Mình (nhạc: Phạm Duy) - Điệu Slow.

Đừng bỏ Em một mình, đừng bỏ Em một mình.  Trời lạnh quá, trời lạnh quá

 

Kiếp Nào Có Yêu Nhau (nhạc: Phạm Duy) - Điệu Andante Rubito; Điệu Boston.

Đừng nhìn Em nữa Anh ơi.  Hoa xanh đã phai rồi

 

* Nhạc phẩm phổ thông từ thơ của Thi sĩ Cung Trầm Tưởng

 

Mùa Thu Paris (nhạc: Phạm Duy) - Điệu Valse - 1958.

Mùa thu Paris.  Trời bước ra đi.  Hẹn nhau quán nhỏ

 

Tiễn Em (nhạc: Phạm Duy) - Điệu Boston.

Lên xe tiễn Em đi.  Chưa bao giờ buồn thế.  Trời mùa đông Paris

 

* Nhạc phẩm phổ thông từ thơ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

 

Tôi Ước Mơ (nhạc: Phạm Duy).

Sáng nay vừa thức dậy.  Nghe tin Em gục ngã nơi chiến trường

 

Bông Hồng Cài Áo (nhạc: Phạm Thế Mỹ) - Điệu Slow Rock - 1972.

Một bông hồng cho Em.  Một bông hồng cho Anh.  Và một bông hồng cho những ai cho những ai đang còn mẹ

 

* Nhạc phẩm phổ thông từ thơ của Ca nhạc sĩ Thanh Sơn

 

Mừng Nắng Xuân Về (nhạc: Huỳnh Anh) - Điệu Chachacha.

Nắng xuân về trên muôn hoa.  Nắng xuân về tươi thắm mọi nhà

 

c) Thi phẩm Chinh Phụ Ngâm

 

(Mượn thơ)

Hòn Vọng Phu 1 (nhạc và lời: Lê Thương) - Điệu "Nhịp Đi" (March).

Lệnh vua hành quân trống kêu dồn.  Quan với quân lên đường


 

Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền

 

Bài viết này đăng lần đầu trong phanthuonghai.com mục Văn Hóa phần Nghệ Thuật và Tiêu Khiển. 

 

Tài liệu tham khảo: 

1) "Tân Nhạc Miền Nam - Nhạc Sĩ và Nhạc Phẩm" (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com

2) Music Sheets từ Google. 


Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền

______________________________

TL_chucTetGiapThin2024.png

CHÚC TẾT GIÁP THÌN (Nguyên bản)

Giáp Thìn kính chúc Tộc Tiên Rồng 

Năm mới khó khăn biến tất thông

Kinh tế bội phần thêm phát triển

Người dân nhanh chóng đạt hoài mong

Dâng hương đình đám vinh danh Tổ

Xương máu bao đời dệt núi sông

Lễ hội Tây Sơn Xuân chiến thắng

Đống Đa quân sử rạng trời Đông.

(Trần cẩm Thành)  

Xuân 2024

 

CHÚC TẾT NĂM THÌN (Họa)

Năm Thìn dân Việt tự con Rồng

Kính chúc cho nhau mọi sự thông

Được có yên lành theo ước muốn

Được nhiều tốt đẹp thỏa chờ mong

Mọi người giàu mạnh, già hay trẻ

Khắp chốn hòa bình, biển với sông

Hoan hỉ chào Xuân mừng Tết đến

Chúc thêm ơn phước đẻ thêm đông.

(Phan Thượng Hải)

1/11/24

BÀN VỀ NGHIỆP TRONG PHẬT GIÁO

(Bs Phan Thượng Hải)

 

* Nghiệp và Khổ Nghiệp

 

Phật Giáo theo thuyết Nhân Quả của mọi Sự vật có từ Ấn Độ Giáo và chú trọng đến Nghiệp (Karma). 

Từ Nhân Duyên và Sinh Khởi của mọi Sự vật có Nhân Quả. 

Nhân Quả gồm có 4 phần: Nhân, Quả, Duyên, Nghiệp.  

         Nhân (Cause) là nguyên nhân sinh ra Quả.  

         Quả (Effect, Retribution) là kết quả hay hậu quả.  

         Duyên (Sub-cause) là dây nối liền Nhân Quả.  

         Nghiệp (Effect-causing Action) là lực từ Nhân thành Quả.  Nghiệp thường là hiển hiện ra lời nói, hành vi hay ý định.  Nhưng nếu (năng lực của nó) tiềm tàng (nonmanifest) thì gọi là Nghiệp Cảm.

 

Nhân Duyên (Causation, Causality = Hetu-pratyaya)

Duyên Khởi (Dependent Origination = Pratitya-samutpàda)

Nhân = Nguyên nhân (Cause, Chief Cause = Hetu)

Quả = Hậu quả, Kết quả (Effect, Retribution, Condition = Vipàka)

Duyên (Sub-cause = Pratyaya)

Nghiệp (Effect-causing Action, Action = Karma)

Nghiệp lực hiển hiện (Action-manifest = Vijnapti-Karma)

Nghiệp lực tiềm tàng (Action-nonmanifest = Avijnapti-Karma)

         = Nghiệp Cảm (Action-influenced)

 

Trong tất các Nghiệp, 

         Phật Pháp chỉ dựa trên Khổ Nghiệp (= Nghiệp sinh ra Khổ của Phật Giáo) cho giáo lý Giác ngộ và dựa trên 10 Ác Nghiệp cho Trì Giới.  

         Thiền định của Phật Pháp không có dựa trên Nghiệp.  

         Phật Pháp không đặt căn bản trên Thiện Nghiệp.

 

Điều này rất hợp lý vì Phật Pháp (và Giáo lý Giác ngộ) không thể nào hiểu biết rõ tất cả Nghiệp trong Nhân Quả Nghiệp Duyên của thuyết Nhân Quả.  Do đó Phật Pháp chỉ giới hạn trên Khổ Nghiệp và 10 Ác Nghiệp mà thôi. 

Từ trước đến nay, kinh sách của Phật Giáo thường dùng từ ngữ "Nghiệp" mà không phân biệt rõ ràng, nhất là khi dùng cho Khổ Nghiệp!  

 

Khổ Nghiệp = Suffering-caused Karma = Nghiệp sinh ra Khổ.

Ác Nghiệp = Evil Karma.

Thiện Nghiệp = Good Karma.

 

* Thiện Nghiệp và Khổ Nghiệp

 

Phật Pháp nhất là Thiền Tông không đặt căn bản trên Thiện Nghiệp.

Thiền Luận quyển Hạ, trang 547 viết:

 

Lương Vũ Đế hỏi Đạt Ma (Tổ Bồ Đề Đạt Ma):

         “Từ khi Trẫm lên ngôi đến nay, đã xây dựng biết bao nhiêu chùa chiền, sao chép biết bao kinh điển và độ vô số tăng ni.  Ngài nghĩ công đức của Trẫm như thế nào?”.

Đạt Ma đáp (cộc lốc):

         “Tâu Bệ hạ, chẳng công đức gì hết”

Vũ Đế ngạc nhiên hỏi:

         “Tại sao thế?”

Đạt Ma mới nói như vầy:

         “Đó chỉ là những việc làm hạ đẳng, chỉ khiến cho người ta thác sinh vào các cõi trời, rồi cũng sẽ trở lại trần gian nầy nữa.  Chúng vẫn còn mang những dấu vết của thế tục, như bóng theo hình.  Dù chúng có vẻ thực, thì cũng chỉ là những pháp phi hữu.  Đối với công đức chân thật (thì) đầy đủ trí tuệ thanh tịnh (= trong sạch), viên mãn vi diệu, và bản tính chân thật của nó vượt ngoài sở tri (= cái hiểu biết) của người.  Do vậy đừng tìm cầu nó trong các công trình thế gian”.

 

Theo Công án này, Tổ Bồ Đề Đạt Ma (người sáng lập Thiền Tông Trung Hoa) ngụ ý rằng:

         Thiện Nghiệp có thể làm Con người tái sinh trong kiếp sau ở Cõi Thiên (được sung sướng) nhưng vẫn còn trong Luân hồi. (Cõi Thiên thuộc Tam Giới).   

         Ngài không chú ý đến Thiện Nghiệp mà nhấn mạnh đến Khổ Nghiệp.

         Không Khổ Nghiệp (= Phật tánh hay Bản tâm Từ Bi, mà Bồ Đề Đạt Ma gọi là "bản tính chân thật") làm cho Con người thoát khỏi Tái sinh trong Tam Giới (= Niết bàn Vô dư).  Đó là điều Thiền Tông tin như vậy, ngoài sự hiểu biết (= sở tri) của Con người.

 

(Theo Phật Pháp, Khổ Nghiệp làm cho Con người "Khổ".  Khổ Đế của Phật Giáo là:

         Tâm phiền não trong sinh kiếp đang sống 

         Phải tái sinh luân hồi theo lục đạo trong tam giới sau khi chết).  

 

Do đó theo Phật Pháp khi đã Giác ngộ "Không có Khổ Nghiệp" thì không cần đến Thiện Nghiệp và những Nghiệp khác để Giải thoát Khổ (= không Tái sinh).

Điều này rất hợp lý vì "ai" quyết định cũng như "không ai" biết chắc chắn và rõ ràng Nhân Quả của Thiện Nghiệp nếu chỉ dựa trên Giáo lý (Pháp, doctrine) mà thôi?  Tuy nhiên trên phương diện tôn thờ tín ngưỡng, Phật Giáo cũng như nhiều Tôn giáo khác có tin vào Thiện Nghiệp (và Ác Nghiệp). 

 

 

Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn

 

Bài này là trích đoạn từ bài "Căn Bản Phật Pháp - Giác Ngộ và Thiền Định" (Bs Phan Thượng Hải) đăng trong phanthuonghai.com

NGUYỄN DU KHÔNG CÓ HOÀI LÊ

 

                                     Bs Phan Thượng Hải biên soạn

 

Trong sách Việt Nam Văn Học Sử Yếu, ông Dương Quảng Hàm và sau đó nhiều học giả của thế kỷ 20 cho là Nguyễn Du "hoài Lê" (trung với vua Lê) dựa trên Truyện Kiều của ông.  Tuy nhiên đó là điều không đúng.  Qua tiểu sử và các thi phẩm Hán ngữ của Nguyễn Du tìm được sau này, ông Nguyễn Du tự nguyện theo phò và trung thành với vua Gia Long của Nhà Nguyễn và không hề tự nhận là tôi thần của Vua Lê và Chúa Trịnh.  Ông không thể nào là một con người "hai mặt"!  Truyện Kiều chỉ là câu chuyện của một "hồng nhan bạc mệnh" và theo triết lý của Phật Giáo (chứ không phải theo Nho Giáo). 

 

 a) Truyện Kiều 

 

Từ Truyện Kiều, các học giả ở thế kỷ 20 nghĩ là ông “hoài Lê” trong lịch sử chính trị qua nhân vật chánh của Truyện Kiều là Thúy Kiều.

 

Ông Dương Quảng Hàm có bàn về Truyện Kiều trong Việt Nam Văn Học Sử Yếu:

         Ông Nguyễn Du ký thác tâm sự Hoài Lê của mình trong Truyện Kiều.  Cái tâm sự ấy là tâm sự của một người tôi trung vì cảnh ngộ không giữ trọn được chữ trung với cựu chủ.  Ông Nguyễn Du vẫn tự coi mình là một cựu thần của nhà Lê, mà gặp lúc quốc biến không thể trọn chữ trung với vua Lê, lại phải ra thờ nhà Nguyễn.  Tâm sự thật không khác gì Thúy Kiều đã đính ước với Kim Trọng mà gia biến phải bán mình cho người khác, không giữ được chữ trinh với tình quân.  Bởi vậy tác giả mượn truyện Kiều để ký thác tâm sự của mình.

 

Ý kiến của Dương Quảng Hàm được các học giả của thế kỷ 20 chấp nhận và tuân theo.  Nguyễn Du trở thành một nhân vật lịch sử được tôn kính và vinh danh trong Việt sử từ đó cho đến ngày nay vì tấm lòng trung quân và ái quốc của ông.

 

NGUYỄN DU

Tố Như u uẩn khối tình con

Tam bách niên dư tiếng vẫn còn? 

Nhớ đến non Hồng, nơi bất khuất

Thương cho cụ Nguyễn, chí chưa tròn

Du dương phong nguyệt tìm an ủi                                                        

Kiều ẩn thi văn chịu héo hon

Trọn nghĩa hoài Lê, buồn ảm đạm

Bắc Hà danh sĩ tấm lòng son.

(Phan Thượng Hải)

11/4/13

 

Dương Quảng Hàm cho rằng tâm sự “Hoài Lê” của ông Nguyễn Du là “Trung quân với nhà Lê”, hay rõ hơn là trung với vua Lê như một Nho gia chân chính.

Nếu đem cái “trung quân với vua nhà Lê” của ông Nguyễn Du trong cuộc đời của ông so sánh với cái “chung tình với Kim Trọng” của Thúy Kiều trong truyện Kiều thì hoàn toàn khác nhau.

         Nguyễn Du chỉ có và trung thành với một vua nhà Nguyễn (là vua Gia Long) và không hề coi vua nhà Lê là chủ của ông.

         Thúy Kiều đã có hứa trung thành với Kim Trọng nhưng cô đã có biết bao nhiêu người chủ khác.

 

KIỀU NƯƠNG TÌNH SỬ

Tấm lòng trong trắng gởi chàng Kim

Yêu trước, mại sau, mới tìm

Sở lắm gian tà chê tận mặt 

Thúc bao âu yếm để vào tim

Lại vì thói Bạc, ngơ hồn bướm

Rồi đội ơn Từ, khoẻ cánh chim

Trổi khúc hồ cầm, Hồ dở giọng…

Dứt tình chú Thổ nhạc tình im. (*)

(Lãng Ba Phan Văn Bộ)

 

(*) Chú thích: Bài thơ kể ra tất cả tình sử đi qua của Thúy Kiều: Kim Trọng, Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Thúc Sinh, Bạc Hạnh, Từ Hải, Hồ Tôn Hiến và Thổ Quan.

 

Truyện Kiều (Đoạn Trường Tân Thanh) không có phản ảnh ý kiến chính trị như là Hoài Lê (trung với Nhà Lê) của ông Nguyễn Du.  Truyện Kiều và nhân vật Thúy Kiều biểu lộ tâm trạng buồn rầu trong hoàn cảnh như của Nguyễn Du nhưng không có phản ảnh ý kiến chính trị của Nguyễn Du.  

Muốn hiểu biết ý kiến chính trị (chánh kiến) của Nguyễn Du, chúng ta phải tìm hiểu trong những thi phẩm Hán tự (chữ Hán) của Nguyễn Du và trong những giai đoạn trong tiểu sử cuộc đời của ông.

 

b) Tiểu Sử và Thi Phẩm Hán Ngữ của Nguyễn Du

 

Cuộc đời và thơ Hán ngữ của Nguyễn Du trong lịch sử chính trị khi ông còn sống đã chứng minh lý thuyết "Nguyễn Du hoài Lê" (trung với vua nhà Lê) của Dương Quảng Hàm từ Truyện Kiều là không đúng. 

Chánh kiến của Nguyễn Du đã rõ ràng minh bạch qua cuộc đời và những bài thơ Hán ngữ của ông:

         1. Ông không luyến tiếc chính quyền chúa Trịnh (và nhà Lê) đã mất.  Gia đình ông là tôi thần của chúa Trịnh chứ không phải của vua Lê (và nhà Lê).

         2. Ông không phò chính quyền nhà Tây Sơn.

         3. Ông quyết theo phò và trung thành với vua nhà Nguyễn (Gia Long).  Ông qua đời ngay sau khi vua Gia Long mất.

 

1.      

Nguyễn Du không luyến tiếc chính quyền chúa Trịnh (và nhà Lê) đã mất.  Gia đình ông là tôi thần của chúa Trịnh chứ không phải của vua Lê (và nhà Lê).

 

Tiểu sử:

         Năm 1783, Nguyễn Du thi Hương ở trường Sơn Nam, đậu Tam trường (Sinh đồ) lúc 18 tuổi.  Nguyễn Du lấy vợ là con gái của ông Đoàn Nguyễn Thục (cha Đoàn Nguyễn Tuấn).

Nguyễn Du được tập ấm chức Chánh Thủ hiệu quân hùng hậu hiệu, một chỉ huy trong đội quân hùng mạnh nhất Thái Nguyên của cha nuôi họ Hà ở Thái Nguyên cùng Nguyễn Đăng Tiến (Nguyễn Đại Lang), làm quyền Trấn thủ Thái Nguyên thay mặt Nguyễn Khản (anh của Nguyễn Du).  Cũng trong năm này (1783), anh cùng mẹ của Nguyễn Du là Nguyễn Đề (sinh 1761) đỗ Giải nguyên khoa thi Hương ở điện Phụng Thiên, và Nguyễn Khản đầu năm thăng chức Thiếu bảo, cuối năm thăng chức Tham tụng.

         Tháng 2 năm 1784, Kiêu Binh nổi dậy đưa hoàng tôn Lê Duy Kỳ lên làm Thái tử. Dinh thự gia đình họ Nguyễn ở phường Bích Câu, Thăng Long bị Kiêu binh phá sạch, Nguyễn Khản phải trốn lên ở với em là Nguyễn Điều đang là trấn thủ Sơn Tây.  Năm 1786 thì Nguyễn Khản bị mắc bệnh rồi chết ở Thăng Long. 

         Năm 1786, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ của Tây Sơn ra Bắc Hà đánh bại chúa Trịnh Tông.  Sau khi Tây Sơn rút quân về, Nguyễn Hữu Chỉnh cầm quyền ở Bắc Hà.

         Năm 1787, Nguyễn Du sau bốn năm trấn đóng Thái Nguyên (1783-1787) đi giang hồ không nhà không cửa cùng Nguyễn Đại Lang (Nguyễn Đăng Tiến).  Nguyễn Quýnh (anh cùng cha khác mẹ với Nguyễn Du) theo phò chúa Trịnh Bồng nhưng chúa Trịnh Bồng bị Nguyễn Hữu Chỉnh (phe vua Lê Chiêu Thống) đánh bại.  Sau đó, cùng năm 1787, tướng Tây Sơn Vũ Văn Nhậm ra Bắc diệtNguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Đại Lang (Nguyễn Đăng Tiến) khởi nghĩa tại Tư Nông chống Tây Sơn, bị chỉ huy Giáo (của Tây Sơn) bắt được cùng Nguyễn Quýnh (anh cùng cha khác mẹ với Nguyễn Du) giải về cho Vũ Văn Nhậm. Vũ Văn Nhậm trọng khí khái, tha chết và cho tùy ý muốn đi đâu thì đi.  (Lịch sử không ghi Nguyễn Du có tham gia trong cuộc khởi nghĩa nầy).

 

Thật ra Bắc Hà dưới quyền cai trị của chúa Trịnh từ Thái sư Trịnh Kiểm cho tới chúa Trịnh Tông trong 254 năm (1533-1787).  Tất cả quan lại của triều đình Bắc Hà đều là tôi thần của chúa Trịnh.  Vua nhà Lê tuy có danh vị nhưng chỉ là bù nhìn.  Gia đình của Nguyễn Du là tôi thần của chúa Trịnh.  Khi có chiến tranh giữa Nguyễn Hữu Chỉnh và vua Lê Chiêu Thống chống lại chúa Trịnh Bồng, anh của Nguyễn Du là Nguyễn Quýnh theo phò chúa Trịnh Bồng còn Nguyễn Du thì không có tham gia cuộc chiến.  Như vậy nếu nói Nguyễn Du trung với vua Lê thì hoàn toàn không đúng theo lịch sử.

 

Ý kiến chính trị của Nguyễn Du là không tiếc triều đại của chúa Trịnh (và vua Lê).  Sau khi nhà Lê trung hưng, Bắc Hà thật sự dưới chính quyền của chúa Trịnh và vua Lê chỉ là hình thức mà thôi.  Các đại thần của triều đình đều là thuộc hạ của chúa Trịnh.  

Câu thơ "Cổ kim vị kiến thiên niên quốc" trong bài thơ "Vị Hoàng doanh" dưới đây nói lên điều nầy.

VỊ HOÀNG DOANH                                              

Vị Hoàng giang thượng Vị Hoàng doanh                 
Lâu lỗ sâm si tiếp thái thanh                                     
Cổ độ tà dương khan ẩm mã                                     
Hoang giao tĩnh dạ loạn phi huỳnh                           

Cổ kim vị kiến thiên niên quốc (*)                         
Hình thế không lưu bách chiến danh                         
Mạc hướng Phù Hoa thôn khẩu vọng (*)                  
Điệp Sơn bất cải cựu thì thanh. (*)                            

(Nguyễn Du) 

Bản dịch:  

QUÂN DOANH VỊ HOÀNG

Bờ sông Vị có quân doanh
Gác chòi cao thấp trời xanh soi hình
Bến chiều ngựa uống nước sông
Đêm khuya đồng vắng chập chờn đóm bay

Nghìn năm triều cũ đổi thay
Chiến trường mấy độ nơi đây lưu truyền
Phù Hoa vẻ cũ còn nguyên 
Điệp sơn biếc sắc xanh in thuở nào.

(Trương Việt Linh dịch)

(*) Chú thích: 

         "Cổ kim vị kiến thiên niên quốc" = Xưa nay chưa thấy nước nào tồn tại đến 1000 năm.

         Phù Hoa = thôn Phù Nghĩa, ngoại thành Nam Định.  Có bản viết là Thanh Hoa và cắt nghĩa là Thanh Hóa nhưng thiết nghĩ Phù Hoa hợp lý hơn.  Điệp sơn = núi Tam Điệp.

 

2.      

Nguyễn Du không phò chính quyền nhà Tây Sơn.

 

Tiểu sử:

         Cuối năm 1787, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lại ra Bắc Hà giết Vũ Văn Nhậm.  Bắc Hà hoàn toàn dưới quyền của nhà Tây Sơn và Nguyễn Huệ trở thành vua Quang Trung.  Đầu năm 1788, Lê Chiêu Thống viện quân nhà Thanh do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu sang chiếm Bắc Hà nhưng bị vua Quang Trung đánh đuổi về Trung Quốc. Lê Chiêu Thống sống lưu vong và về sau chết ở Trung Quốc. 

         Từ cuối năm 1787, Nguyễn Đại Lang (Nguyễn Đăng Tiến) cùng Nguyễn Du và Nguyễn Quýnh sang Vân Nam, Trung Quốc.  Đến nơi Nguyễn Du bị bệnh ba tháng xuân (1788), hết bệnh Nguyễn Du muốn thoát vòng trần tục thành nhà sư Chí Hiên đi chu du Trung Quốc theo gương thi hào Lý Bạch. Họ chia tay tại Liễu Châu, Nguyễn Đại Lang về thăm quê cũ ở Quế Lâm, hẹn gặp nhau tại Trung Châu (Hàng Châu).  Nguyễn Du đi chu du muôn dặm tại Trung Quốc, khoảng 5.000 km trong 3 năm (1788-1790) từ Liễu Châu qua Quảng Tây đi đường Trường Sa đến Hán Dương, qua sông Giang Hán đi Trường An và sau đó xuống Hàng Châu.  Tại Hàng Châu, Nguyễn Du ngụ tại Hồ Bào tự, nơi nhân vật lịch sử Từ Hải, tức Minh Sơn Hòa thượng, từng tu hành. Nơi đây Nguyễn Du có được quyển Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Nguyễn Du và Cai Gia Nguyễn Đại Lang gặp lại nơi miếu Nhạc Phi, sau đó cùng đi Yên Kinh. 

         Đầu năm 1788, Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh, Đoàn Nguyễn Tuấn (con Đoàn Nguyễn Thục, anh vợ của Nguyễn Du) đã ra hợp tác với Tây Sơn, giữ chức Thị lang bộ Lại.  Năm 1790,Đoàn Nguyễn Tuấn cùng Phan Huy Ích và Vũ Huy Tấn được cử vào sứ bộ của vua Quang Trung giả, sang Trung Quốc triều kiến vua Càn Long.  Nguyễn Du trở về Hoàng Châu thì gặp Đoàn Nguyễn Tuấn trong sứ đoàn Tây Sơn trên đường đi Nhiệt Hà. Nguyễn Du về trước và hẹn gặp nhau lại tại Thăng Long. 

 

Ý kiến chính trị của Nguyễn Du khi lưu lạc ở Trung Quốc 

         Ý kiến của Nguyễn Du về nhà Tây Sơn chỉ là hư danh, không phải chính danh qua câu "Báo bì nhưng lụy cựu phù danh" trong bài họa bài thơ Đoàn Nguyễn Tuấn ra làm quan với Tây Sơn.

 

HỌA HẢI ÔNG ĐOÀN NGUYỄN TUẤN "GIÁP DẦN PHỤNG MỆNH NHẬP PHÚ XUÂN ĐĂNG TRÌNH LƯU BIỆT BẮC THÀNH CHƯ HỮU" CHI TÁC.

Hoành Sơn sơn ngoại lĩnh nam trình                  

Cầm kiếm tương tùy thướng ngọc kinh              

Thố tủy vị hoàn tân đại dược                              

Báo bì nhưng lụy cựu phù danh                       

Thương minh thủy dẫn bôi trung lục                   

Cố quốc thiềm tùy mã hậu minh                         

Thử khứ gia huynh như kiến vấn                         

Cùng đồ bạch phát chí tinh tinh.                          

(Nguyễn Du)   

Lĩnh Nam lối ấy vượt non Hoành
Quẩy kiếm ôm đàn thẳng tới kinh
Tủy thỏ chưa thành thang thuốc lớn

Da beo phải lụy cái hư danh (*)
Màu xanh nước biển hòa trong chén
Quê cũ trăng thanh vó ngựa hành
Đến gặp nếu anh tôi có hỏi (*)
Cùng đồ bạch phát chí tinh tinh. (*)

(Đào Nghi dịch)

 

(*) Chú thích: 

         Phù danh = tiếng trống không = hư danh.

         "Gia huynh" là Nguyễn Nễ (Nguyễn Đề), đang làm quan với nhà Tây Sơn.

         Tác giả dùng câu 8 như câu trả lời cho câu 7.  Câu 8 khó dịch thành câu thơ.  Tinh tinh bạch phát = Tóc trắng toát gọi là tinh tinh.  Cùng đồ = cùng đường, cảnh ngộ cùng quẫn.  Bạch phát = tóc bạc.  (TĐ Đào Duy Anh).  Chí = phần thấp sau xe. (TĐ Trần Trọng San). 

 

Tiểu sử:

         Cuối năm 1790, Nguyễn Du trở về nước tới ở Thăng Long sau 3 năm ở Trung Quốc (1788-1790).  Tháng mười, năm 1791, anh thứ tư cùng cha khác mẹ với Nguyễn Du là Nguyễn Quýnh do chống Tây Sơn nên bị bắt và bị giết. Dinh cơ, từ đường họ Nguyễn ở Tiên Điền, Hà Tĩnh bị tướng Tây Sơn Lê Văn Dụ đốt phá; làng Tiên Điền bị làm cỏ vì cuộc khởi nghĩa Nguyễn Quýnh.

         Năm 1793, Nguyễn Du về thăm quê Hồng Lĩnh Tiên Điền và đến cuối năm ông vào kinh đôPhú Xuân thăm anh là Nguyễn Đề đang làm thái sử ở Viện Cơ mật và anh vợ là Đoàn Nguyễn Tuấn.  Cả hai người đều làm quan với nhà Tây Sơn.

         Năm 1794, Nguyễn Đề được thăng Tả phụng nghi bộ Binh và vào Qui Nhơn giữ chức Hiệp tán nhung vụ. Nguyễn Du và Nguyễn Ức được Nguyễn Đề giao cho việc về Hồng Lĩnh xây dựng lại từ đường và làng Tiên Điền mà ông bận việc quan không thể trực tiếp trông coi.  Nguyễn Ức là em Nguyễn Du (không biết có cùng hay khác mẹ với Nguyễn Du).  Năm 1795, Nguyễn Đề đi sứ sang Yên Kinh dự lễ nhường ngôi của vua Càn Long nhà Thanh, đến năm 1796, trở về được thăng chức Tả đồng nghị Trung thư sảnh.

 

3. 

Nguyễn Du quyết theo phò và trung thành với vua nhà Nguyễn (Gia Long).  Ông qua đời ngay sau khi vua Gia Long mất.

 

- Mùa đông năm 1796, Nguyễn Du vừa trốn vào Nam Hà (Đàng Trong) theo chúa Nguyễn Phúc Ánh nhưng bị Quận công Nguyễn Thận bắt giam ba tháng ở Nghệ An. Sau khi được tha ông về sống ở Tiên Điền Hồng Lĩnh.  

 

- Năm 1803, sau khi đánh bại nhà Tây Sơn và thống nhất đất nước, vua Gia Long Nguyễn Phúc Ánh ra Bắc Hà, Nguyễn Du từ Quỳnh Hải đem quân lương đi đón vua Gia Long, đến Phù Dung, trấnSơn Nam Thượng thì gặp vua Gia Long, vua phong ngay tri huyện Phù Dung, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam (nay là huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên). Sự kiện này giống như Phi Tử dâng ngựa cho vuaChu Hiếu Vương (nhà Tây Chu) mà được chức Phụ Dung, nên Nguyễn Du có danh hiệu là Phi Tử.

 

- Năm 1809, ông được bổ chức Cai bạ (hàm Tứ phẩm) ở Quảng Bình.

Ý kiến chính trị của Nguyễn Du thể hiện qua bài thơ:

ĐẠI TÁC CỬU THÚ TƯ QUY          

Quan ngoại thu phong tống địch xuy        

Ban Siêu đầu bạch vị thành quy (*)           

Thập niên hứa quốc quân ân trọng            

Thiên lý ly gia lữ mộng trì                         

Dạ tú vinh hoa thân ngoại huyễn               

Triêu vân danh lợi nhãn tiền phi                

Lũng thiên tuế tuế qua điền thục (*)          

Khổ tận cam lai thượng hữu kỳ. (*)           

(Nguyễn Du)   

                                            

(Làm thay người đi thú lâu năm mong được về)

Tiếng sáo gió thu lộng ải ngoài

Siêu chưa về được tóc đà phai

Mười năm hiến nước ơn vua nặng
Ngàn dặm xa quê mộng lữ dài

Phú quý ngoài thân đêm gấm ảo

Lợi danh trước mắt sáng mây bay

Năm qua năm lại mùa dưa chín
Khổ tận cam lai sẽ đến ngày.

(Đông A dịch)

(*) Chú thích:

         Ban Siêu thời Đông Hán đi đánh với các nước Tây Vực hơn 30 năm, đến già đầu bạc mới về nghỉ ở quê nhà.

         Lũng thiên: Thiên = đường ở nơi bờ ruộng hay ở nơi bãi tha ma. Lũng = đất Lũng, nơi đồn trú của quân đội chống ngoại xâm từ người Rợ ở tây bắc.

         Qua Điền Thục: sự tích Liêm Xưng và Quản Chí Phủ dẫn quân đi đồn trú ở Quý Châu ở biên giới để bảo vệ nước Tề, khi đi thì nhằm lúc mùa dưa chín nên vua Tề hẹn là đến mùa dưa chín trong năm sau thì được về; tuy nhiên qua 9 mùa dưa chín mà không được về nên 2 người đem quân về phế vua Tề Tương công.  Nguyễn Du có thể chỉ ngụ ý phần đầu của câu chuyện vì không biết phần sau của câu chuyện?  Nếu bài thơ nầy mà triều đình biết và hiểu được thì Nguyễn Du có thể bị buộc tội dự định soán nghịch. (Qua điền thục = đi thú lúc mùa dưa).

         Khổ tận cam lai = hết đắng đến ngọt hay hết khổ đến sướng.

 

Từ câu "Thập niên hứa quốc quân ơn trọng" trong bài thơ trên cho thấy sau 10 năm làm quan từ 1803 cho tới 1813, Nguyễn Du vẫn trung thành và chịu ơn vua Gia Long.

Việc ông đã không thành công khi làm quan ở Huế (1805-1809) là vì kỳ thị của quan ở triều đình mà đại đa số là những công thần của vua Gia Long.

 

Đây cũng là thời gian Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều (Đoạn Trường Tân Thanh), khi ông làm Cai bạ ở Quảng Bình. 

 

- Năm 1813, ông được vời về kinh đô Huế, thăng làm Cần Chánh điện học sĩ (hàm chính Tam phẩm) và được cử làm chánh sứ sang nhà Thanh.  

 

Ý kiến chính trị của Nguyễn Du bộc lộ trong những bải thơ:

         Nam Quan Đạo Trung

         Á Phụ Mộ 

 

Qua bài thơ Nam Quan Đạo Trung, chữ trung của tôi thần Nguyễn Du với vua nhà Nguyễn (Gia Long) càng rõ ràng như câu thơ "Quân ân tự hải hào vô báo".

NAM QUAN ĐẠO TRUNG                        

Ngọc thư phủng há ngũ vân đoan                  

Vạn lý đan xa độ Hán Quan                           

Nhất lộ giai lai duy bạch phát                        

Nhị tuần sở kiến đãn thanh san                      

Quân ân tự hải hào vô báo                          

Xuân vũ như cao cốt tự hàn                           

Vương đạo đãng bình hưu vấn tấn                 

Minh Giang bắc thướng thị Trường An.        

(Nguyễn Du
TRÊN ĐƯỜNG QUA NAM QUAN

Tầng mây năm sắc chiếu vua ban

Muôn dặm xe đơn vượt Hán Quan

Một mạch đường dài trơ tóc bạc

Hai mươi này mỏi rặt non xanh

Mưa xuân như mỡ, xương thêm buốt 

Ơn chúa bằng trời nợ nặng mang

Rộng phẳng đường vua thôi thắc mắc

Minh Giang lên bắc ấy Trường An.

(Đặng Thế Kiệt dịch)

(*) Chú thích:

         Ngọc thư = sắc chiếu của vua

         Ngũ vân đoan = mây năm sắc

         Đan xa = xe ngồi 1 mình dành cho sứ giả

         Hán Quan = cửa (Nam) quan của người Hán*

         Xuân vũ = mưa xuân ý nói ơn vua như mưa móc

         Minh Giang = con sông phát nguyên từ núi Phân Mao ở tỉnh Quảng Đông chia ranh giới Việt Nam và Trung Quốc.

         Trường An: là tiếng nói chung ám chỉ cho kinh đô, ở đây là Yên Kinh của Tàu (Bắc Kinh hiện nay)  

 

Trong bài "Á Phụ mộ", Nguyễn Du nhấn mạnh đến Thiên mệnh.  Ông cười Phạm Tăng (Á phụ) không biết thiên mệnh trong câu "Bất tri Thiên mệnh dĩ quy Lưu" mà cứ trung với Hạng Võ không biết theo Lưu Bang là người được thiên mệnh.  

Như vậy, Nguyễn Du ngụ ý là ông theo thiên mệnh mà phò Gia Long Nguyễn Phúc Ánh mà không theo nhà Tây Sơn vì nhà Tây Sơn không có thiên mệnh.  (Chúa Trịnh và nhà Lê giống như nhà Tần, đã hoàn toàn chấm dứt trong lịch sử).

Á PHỤ MỘ                                                        

Nhãn khan Bá Thượng ngũ vân phù               

Cấp cấp phương đồ nhất kích mưu                 

Đãn đắc thử tâm vô phụ Sở                             

Bất tri thiên mệnh dĩ quy Lưu                         

Bá đồ mẫn diệt thiên niên hậu                         

Cổ mộ hoang lương tam xích thu                    

Đa thiểu nhất tâm trung sở sự                          

Mỗi vi thiên hạ tiếu kỳ ngu.                             

(Nguyễn Du)                                                     

MỒ Á PHỤ

Mây lồng Bá Thượng ửng năm màu (*)
Quyết diệt thù lo gấp lập mưu
Dạ đá miễn sao không phụ Sở
Mệnh Trời chi sá đã về Lưu
Tan tành nghiệp bá nghìn năm cũ
Lạnh lẽo mồ hoang một nắm thu
Bao kẻ một lòng trung với chủ
Thường khi thiên hạ giễu rằng ngu.

(Quách Tấn dịch)

(*) Chú thích:

         Á Phụ: dưới cha một bậc, cũng như chú, tiếng tôn xưng Phạm Tăng. Phạm Tăng giúp Hạng Võdựng nghiệp bá. Hạng Vũ kính trọng như cha chú, thường gọi là Á Phụ. Trong bữa yến tại Hồng Môn, Phạm Tăng khuyên Hạng Vũ giết Lưu Bang 劉邦 để trừ hậu hoạ. Hạng Vũ không nghe, sau lại nghe bọn phản gián, đem lòng nghi kỵ, tước bỏ hết quyền hành của Phạm Tăng. Phạm Tăng giận bỏ về, đến Bành Thành bị ưng thư nơi hậu bối, không chữa khỏi phải chết.

         Bá Thượng = nơi Lưu Bang đóng quân (nay ở phía đông h. Tràng An, t. Thiểm Tây) có vầng mây năm sắc.  Phạm Tăng bảo Hạng Võ là điềm báo trước Lưu Bang sẽ thắng và được thiên hạ. Hạng Võ và Lưu Bang khởi nghĩa diệt nhà Tần, sau đó 2 người tranh nhau để được thiên hạ.  Hạng Võ là Sở Bá Vương.

 

- Tiểu sử

         Năm 1814, Nguyễn Du đi sứ về, được thăng Lễ bộ hữu Tham tri (hàm tòng Nhị phẩm).Thượng thơ thuộc hàm chính Nhị phẩm).

         Năm 1816, anh rể Nguyễn Du là Vũ Trinh vì liên quan đến vụ án cha con Tổng trấn Nguyễn Văn Thành nên bị đày vào Quảng Nam. 

         Năm 1820, vua Gia Long qua đời, Hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm nối ngôi, tức vua Minh Mạng.Lúc này Nguyễn Du lại được cử đi làm chánh sứ sang nhà Thanh báo tang và cầu phong nhưng ông bị bệnh dịch tả chết ngày mồng 10 tháng 8 năm Canh Thìn (16-9-1820) lúc 54 tuổi.

         Năm 1824, di cốt của ông được cải táng về quê nhà là làng Tiên Điền, Hà Tĩnh. 

 

Nguyễn Du là một văn thần trung với vua và giúp nước theo đúng bổn phận, khả năng và đạo đức của mình.  Ông không phải là một anh hùng hay hào kiệt cũng như không có lập công to lớn cho triều đình và quốc gia.  Công nghiệp của ông không có gì nổi bậc hơn các văn thần của những triều đại trước hay của nhà Nguyễn.  Nguyễn Du cũng không có những sứ mệnh hay trọng trách nặng nề cho một văn thần như Nguyễn Công Trứ, Phan Thanh Giản hay Hoàng Diệu.

 

Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền

 

Tài Liệu Tham Khảo:

- Cùng một tác giả (Bs Phan Thượng Hải) đăng trong phanthuonghai.com  

         Nguyễn Du và Truyện Kiều trong Lịch sử Thi văn (Bs Phan Thượng Hải)

         Thơ và Sử Việt - Nhà Nguyễn (Bs Phan Thượng Hải)

         Thơ và Sử Việt - Nguyễn Du và Truyện Kiều (Bs Phan Thượng Hải) 

         Nghi Vấn trong Lịch Sử Thi Văn (Bs Phan Thượng Hải) 

         Miền Nam Nước Việt và Thơ Lãng Ba (Bs Phan Thượng Hải) 

         Thơ Quốc Ngữ Nam Kỳ Lục Tỉnh (Bs Phan Thượng Hải)

- Từ các tác giả khác:      

         Việt Nam Văn Học Sử Yếu (Dương Quảng Hàm)

         Văn Đàn Bảo Giám (Trần Trung Viên)

         Văn Uyển (Lãng Ba Phan Văn Bộ)

         Chơi Chữ (Lãng Nhân)

         Nam Phong Tạp Chí

         Trang Thơ Nguyễn Du - Thi Viện Net

         Nguyễn Du - Wikipedia

 

Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền

LỊCH SỬ CẢI CÁCH CỦA KITÔ GIÁO VÀ CÔNG GIÁO

 

                                         Bs Phan Thượng Hải biên soạn

 

1. Chúa Jesus 

 

* Hoàng đế Constantine

 

Hoàng đế Constantine I có mẹ, Helena, là người Kitô Giáo.  Trong trận chiến Milvian Bridge (312), ông ra lệnh cho quân sĩ dùng khiên (shields) có biểu tượng Kitô Giáo giống như ông nằm chiêm bao trong đêm trước.  Sau khi thắng trận, Hoàng đế Constantine I (Hoàng đế của Tây Đế quốc) cùng với Hoàng đế Licinius I (của Đông Đế quốc) ra Sắc lệnh Milan (Edict of Milan) vào năm 313, bảo đảm sự khoan dung cho những người Kitô Giáo.  Sự ngược đãi người Kitô Giáo hoàn toàn chấm dứt và theo Kitô Giáo là hợp pháp.  

Hoàng đế Constantine I giúp Kitô Giáo: xây nhà thờ, đặc cách (priviledge) cho tu sĩ và hàng giáo phẩm, dùng những người Kitô Giáo trong chính quyền, trả lại tài sản trước đã bị sung công...

Năm 324, Hoàng đế Constantine I đánh bại Hoàng đế Licinius I (trị vì: 308-324) và làm Hoàng đế cả Đông và Tây Đế quốc La Mã.

 

Mặc dù giúp đỡ Kitô giáo, Hoàng đế Constantine I chỉ chịu lễ Rửa tội (baptized) ngay trước khi qua đời vào năm 337.

 

* Công Đồng Nicaea và Arianism 

 

Năm 325 Constantine I triệu tập Công đồng Nicaea (Council of Nicacea), Công đồng Kitô giáo toàn cầu lần thứ nhất (1st ecumenial council): tôn trọng giáo lý, diệt tà giáo (heresy) và duy trì thống nhất thành một Giáo hội (ecclesiastical unity).

 

Công đồng Nicaea tạo ra Kinh Tin Kính Nicene (Nicene Creed) bắt đầu bằng câu "Tôi tin kính" (I believe) thay vì "Chúng tôi tin kính" (We believe) đã dùng từ trước.  Về sau Giáo hội Anh (Aglican Church) và đa số các Giáo phái Kháng Cách (Protestant) cũng bất đầu như vậy.

 

Công đồng Nicaea chấp nhận Trinitarianism và kết án Arianism là Tà giáo (Heresy).

Có 2 giáo thuyết trong Thần học về Đấng Kitô (Christology) lúc bấy giờ cũng đề cập tới trong Công đồng Nicaea: Trinitarianism (Homoousanism) và Arianism

Christology: lý thuyết về Bản thể của "Godhead" của Kitô Giáo, đó là bản thể của sự liên quan giữa Thiên Chúa (God) và Jesus.

Trinitarianism từ Giám mục Athanasius của Alexandria (Ai Cập) cho rằng: 

         Thiên Chúa, Đức Chúa Cha và Đấng Giê-su Kitô, Đức Chúa Con là một bản thể và cùng hằng sống vĩnh viễn (God, the Father and Jesus Christ, the Son as one of essence or co-substantial and co-eternal).  Có nghĩa là Thiên Chúa (Đức Chúa Cha) và Đấng Giê-su Kitô (Đức Chúa Con) có cùng một Thần tính (Divinity).

Arianism từ Arius, một giáo sĩ ở Alexandria (Ai Cập)

         từ chối Thần tính của Đấng Giê-su Kitô (Divinity of Jesus Christ).  Thần tính của Đức Chúa Cha ngự trên Đức Chúa Con (The Father's divinity over the Son).

 

Công đồng Nicaea (325) và sau nầy Công đồng Constantinople (381) kết tội Arianism là Tà giáo (heresy) nhưng vẫn có giáo sĩ và tín đồ Kitô Giáo theo Arianism cho đến thế kỷ thứ 5 và thứ 6.  Ulfilas, giám mục đầu tiên của người Goths theo Arianism.  Hoàng đế Constantine I được rửa tội (baptised) trước khi chết bởi một giám mục theo Arianism.

 

* Hoàng đế Theodosius I

 

Năm 380, Sắc lệnh Thessalonica (Edict of Thessalonica) từ Hoàng đế Theodosius I chính thức dùng Kitô Giáo (Christianity) với giáo lý Trinitarianism là tôn giáo của Đế quốc La Mã.  Không tin theo Trinity là Tà giáo (Heresy).

Năm 392, Hoàng đế Theodosius I chấp nhận Kitô Giáo là quốc giáo của Đế quốc La Mã và sự thờ phượng những vị thần Hy Lạp La Mã là bất hợp pháp.

 

* Nestorianism

 

Từ Trường phái Edessa: Hai bản thể (nature) của Jesus Christ, thần tính và nhân tính (divine and human), là 2 cá nhân khác nhau (distinct person).  Hậu quả là Mary không thể được gọi là Mẹ Thiên Chúa (Mother of God) mà chỉ được gọi là Mẹ của Đấng Kitô (Mother of Christ).  Người ủng hộ giáo thuyết nầy là Nestorius, Giám mục của Constantinople do đó giáo thuyết có tên là Nestorianism.  

 

Hoàng đế Theodosius II triệu tập Hội nghị Ephesus (Council of Ephesus) vào năm 431 bác bỏ Nestorianism và ngược đãi (persecuted) những người Kitô Giáo theo Nestorianism.  

Họ trốn sang Đế quốc Sasanium (Persia).  Lúc đó tôn giáo chánh của Persia là Hỏa giáo (Zoroastrianism) nhưng họ vẫn tồn tại tới ngày nay dưới Giáo hội của họ ở đây là Đông Giáo hội (Church of the East).

 

* Miaphysitism

 

Năm 451, Công đồng Chalcedon kết luận: Hai bản thể của Christ, thần tính và nhân tính (divine and human), chia ra hai phần của một thực thể (were separated both part of a single entity).

 

Những người Kitô Giáo bác bỏ giáo lý nầy tự gọi là những người Miaphysites.  Ly Giáo (Schism) từ những người nầy tạo ra Giáo hội Cộng đồng (Communion of Church) gồm có Armenia, Syria và Ai Cập gọi chung là Chính Thống giáo Miền Đông (Oriental Orthodoxy).

 

 

2. Thánh Lễ và Giáo Sĩ 

 

* Công Đồng Trent (1545-1563)

 

Giáo hoàng Paul III (đăng quang năm 1534) đã đề cử (vào năm 1536) một hội đồng cứu xét những vấn đề nêu lên bởi những nhà Cải cách Kháng cách (Protestant Reform).  Giáo hoàng cũng lập ra một ủy ban gồm các Hồng y để báo cáo những lạm dụng bên trong Giáo hội.  Các Hồng y tìm ra chứng cớ những lầm lỗi do Luther điềm chỉ, gồm có: huấn luyện giáo sĩ không đầy đủ, nhiều Giám mục không đủ tài đức, sự dễ dãi trong các tu viện và các dòng khất sĩ (mendicant orders) và tai tiếng của Giám mục giữ nhiều chức vụ.

 

Cuối cùng tới 9 năm sau Giáo hoàng Paul III tụ họp Công đồng của Giáo hội Công giáo ở Trent (1545).  Sở dĩ có sự chậm trễ nầy là vì một phần Hoàng đế Charles V của Đức muốn tổ chức trên lãnh thổ của mình và vua Francis I của Pháp thì không muốn Charles có ơn huệ đó.

Từ lúc đầu không tốt (chỉ có 3 sứ thần của Giáo hoàng và 31 Giám mục trong buổi họp đầu tiên), Hội đồng tăng trưởng dần trong vòng 18 năm.  Có những khoảng thời gian hội đồng không được triệu tập.  Hội đồng họp trong những năm 1545-47 dưới thời Giáo hoàng Paul III; 1551-52 dưởi thời Giáo hoàng Julius III và 1562-63 dưới thời Giáo hoàng Pius IX.

 

Nghị quyết của Giáo hội Công giáo ở Công đồng Trent.

Về vấn đề những lạm dụng bên trong Giáo hội, Công đồng công nhận giá trị của những chỉ trích (như Giám mục và linh mục thối nát, bán đặc quyền và những lạm dụng khác về tài chánh) và đặt ra những phương cách sửa đổi: 

         những Chủng viện (seminars) để giáo dục giáo sĩ tốt hơn, 

         luật chặc chẽ cho giám mục ở giáo khu của mình, 

         cải cách trong những dòng tu viện.

Với những bước thực hành trên được áp dụng, Hội nghị từ chối không nhượng bộ trong những vấn đề về giáo lý (doctrine), về Dòng tu và về phép Bí tích: 

         vẫn giữ 7 phép Bí Tích (Sacraments) và vẫn giữ "Hóa thể" (Transubtantiation): bánh và rượu thánh là thân thể và máu của Đấng Kitô (Christ).

         chối bỏ  (reject) sự kết hôn của linh mục 

         chấp nhận (endorse) cả 2 biện minh bằng việc làm và đức tin (justification by works or faith).  Tín điều Cứu rổi (dogma of salvation) thích đáng từ Đấng Kitô (Christ) bằng cách sống theo đức tin và việc làm (works) 

         tái xác định sự hiệu nghiệm (efficacy) của đồ nhà thờ (relics) và đặc quyền (indulgences) có nghĩa là không bãi bỏ việc bán đặc quyền bằng đồ nhà thờ của Giáo hội. 

         tái xác định sự sùng bái thờ phượng (cult) trinh nữ Mary và chư thánh, và hành hương.

Hội nghị cũng cải thiện (improve) kỹ luật và quản trị của Giáo hội trong giáo khu và tu viện.

         Không khoan dung việc bổ nhiệm Giám mục vì lý do chính trị.  

         Bãi bỏ sự khiếm diện của Giám mục trong giáo phận (diocese) của mình (Absenteeism).  (Lúc trước, có Giám mục thường ở Rome hay ở bất động sản riêng).  

         Giám mục có quyền lực nhiều hơn giám sát tất cả mọi phương diện thuộc về tôn giáo.  Có Giám mục đi tới các giáo khu (parish) xa xôi để nâng cao tiêu chuẩn.  

         Trong Giáo khu, tăng lữ trong suốt thế kỷ thứ 17 đều hoàn toàn tuân giữ luật độc thân của Giáo hội. 

 

Tuy Công đồng Trent không chính thức bãi bỏ việc "Bán đặc quyền" nhưng sau đó vào năm 1567, Giáo hoàng Clement VIII bãi bỏ tất cả những Trợ cấp (grant) từ đặc quyền gồm tất cả lệ phí và những khoảng tiền chuyển giao bằng những cách khác.  

 

* Pháp lễ Bí Tích

 

Số lượng và bản thể của pháp lễ Bí Tích (Sacraments) của Kitô giáo là 1 trong những vấn đề tranh cãi trong phong trào Cải cách.  

Trong 1000 năm đầu của Kitô giáo Bí Tích dần dần được chấp nhận trong cả 2: Chính Thống giáo Hy Lạp (Greek Orthodoxy) và Công giáo La Mã (Roman Catholicism) là có 7 phép Bí Tích (có nghĩa là những Lễ trong đó có hiện diện của sự tha thứ của Thiên Chúa).

7 phép Bí Tích (Sacraments): 

         Lễ Rửa Tội (Baptism), 

         Lễ làm Phép Thêm Sức (Confirmation), 

         Lễ nhận Thánh thể (the Eucharist), 

         Lễ Giải Tội (Penance), 

         Lễ xức dầu thánh cho người sắp chết (Extreme Unction of the dying), 

         Lễ phong Chức Linh mục (Ordination of Priests), 

         Lễ Hôn phối (Matrimony)

 

Trong phong trào Cải Cách (Reformation), với các nhà Kháng Cách tự giới hạn chân lý chỉ được tìm thấy trong Kinh Thánh, thì rõ ràng chỉ có 2 trong 7 phép Bí Tích được Jesus nhận là pháp Lễ (rituals):

         Lễ Rửa Tội (baptism): Jesus nhận từ John the Baptist, và 

         Lễ nhận Thánh thể (the Eucharist): Jesus ra lệnh (enjoin) trên các môn đồ trong Bữa tiệc cuối cùng (the Last Supper).

Các Giáo hội Protestant (Kháng Cách) giảm Bí Tích còn 2 lễ nầy mà thôi, rồi không đồng ý về căn bản (nature) của chúng.  Trong những năm đầu, Zwingli gây chiến với các người Cấp Tiến ở Zurich về Lễ Rửa Tội cho trẻ con và người lớn và không đồng ý với Luther, ở Marburg, về Lễ nhận Thánh thể (the Eucharist) có phải là ẩn dụ hay thể hiện bề ngoài thân thể và máu của Đấng Kitô (Christ). 

 

 

3. Truyền Giáo toàn Thế Giới trong thời Cận Đại

 

* Lan tràn của Công giáo

 

Nhờ Thời đại Khám phá (Age of Discovery) rồi từ thế kỷ thứ 17, các Đế quốc Công Giáo như Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha mở rộng thuộc địa, Giáo hội Công giáo lập những phái đoàn truyền giáo (missions) đi khắp nơi trên thế giới: Bắc và Nam Mỹ châu; Á châu kể cả vùng Viễn Đông; và Phi châu.  Các đoàn truyền giáo thuộc những dòng Jesuits, Franciscans (có Francisco Xavier), Dominicans và Augustinians.  Họ thu phục được nhiều người bản xứ theo đạo: người Aztecs (Bắc Mỹ), người Incas (Nam Mỹ), người Phi Luật Tân (Á châu)...

Phong trào truyền giáo của Giáo hội Công giáo La Mã tiếp tục cho tới đầu thế kỷ 20. 

 

* Truyền giáo ở Phi châu

 

Vì truyền giáo Công giáo nên Ethiopia ở Phi châu có nội chiến.  Năm 1622, vua Susenyos theo đạo.  Nội chiến bùng nổ năm 1626, vua phải thoái vị.  Người con và kế nghiệp là Facilides đuổi Tổng Giám mục Afonso Mendes và dòng Jesuits ra khỏi nước (năm 1633).  Năm 1665, chính quyền Ethiopia đốt tất cả kinh sách Công giáo trong nước.

Cho đến cuối thế kỷ 19, nhờ kỹ thuật và vũ khí tân thời, quyền lực của Âu châu mới kiểm soát được nội địa Phi châu.  Các nhà lãnh đạo mới giới thiệu nền kinh tế dủng tiền mặt nên cần người Phi châu phải biết đọc và biết viết, như vậy cần có trường học.  Chuyện đó chỉ có thể thực hiện nhờ các nhà truyền giáo của Công giáo.  Các nhà truyền giáo theo chánh quyền thuộc địa vào Phi châu và xây trường học, tu viện và nhà thờ.

 

* Truyền giáo ở Trung Quốc

 

Truyền giáo ở Trung Quốc không có trở ngại ngay từ đầu.  Nhà thờ Công giáo đầu tiên lập ở Bắc Kinh (1650).  Hoàng đế và triều đình Trung Quốc không hề cấm đạo.  Lãnh tụ truyền giáo ở Trung Quốc là Matteo Ricci cho phép người Công giáo Trung Quốc được thờ người chết như theo truyền thống (veneration of the dead).  

 

Giáo hội La Mã không đồng ý việc làm thích nghi nầy và ra lệnh cấm 2 lần (1692 và 1742).  Đó là "Sự bàn cãi về lễ nghi" (Rites controversy).

Ở Trung Quốc, Giáo hoàng Benedict XIV ra sắc lệnh "Ex Quo Singulari" (1742) lập lại ngôn từ của sắc lệnh cũ của Giáo hoàng Clement XI (1692) và nhấn mạnh sự trong sạch trong giáo điều và truyền thống Kitô giáo, phải được tuân giữ chống lại Tà giáo.  Nhà truyền giáo bị cấm không được tham gia vào thờ kính tổ tiên, vào Nho giáo và Hoàng đế Trung Quốc.  Sắc lệnh (Bull) nầy tiêu diệt mục tiêu truyền giáo của dòng Jesuits vào tầng lớp thượng lưu ở Trung Quốc.  Chính sách của Tòa Thánh là bản tử hình của việc truyền giáo ở Trung Quốc.  

Sau đó việc "Sự bàn cãi về Lễ nghi" (Rite Controversy) đưa tới Hoàng đế Khang Hi nên Hoàng đế ra lệnh việc truyền giáo là phạm luật.  Hoàng đế cảm thấy bị lừa (duped) và từ chối cho phép những thay đổi trong việc thực hành Kitô giáo vào lúc đó.

Vấn đề nầy kéo dài hàng trăm năm cho mãi tới năm 1939, Giáo hoàng Pius XII ra sắc lệnh cho phép người Công giáo được thờ cúng và sùng bái người chết (như tổ tiên của mình)

 

* Truyền giáo ở Mỹ châu

 

Vào thế kỷ 18, Dòng Jesuits ủng hộ người bản xứ ở Nam Mỹ chống lại quyền lực thuộc địa của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.  Tuy nhiên Giáo hoàng Clement XIII vẫn cố duy trì dòng Jesuits mặc cho áp lực chính trị ở Âu châu.  Năm 1713, các nhà lãnh đạo ở Âu châu hợp lại và chính thức bắt buộc Giáo hoàng đóng Dòng Jesuits.  Từ đó Dòng phần lớn ngưng hoạt động ở Âu châu.  

Năm 1814, Giáo hoàng Pius VII ra sắc lệnh Sollicituddo Omnium Ecclesiamrum phục hồi dòng Jesuits. 

 

Ở Nam Mỹ và Mexico, các nhà truyền đạo tiếp tục dưới quyền của chính phủ thuộc địa (Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha) cho tới thế kỷ thứ 19.  Junipero Serra (1713-1784), giáo sĩ dòng Franciscans người Tây Ban Nha lập ra hàng loạt những hội truyền giáo mà sau nầy trở thành những cơ quan quan trọng về kinh tế, chính trị và tôn giáo.  Đó là những hội truyền giáo ở Baja California và Alta California (ngày nay từ San Diego tới San Francisco).

 

Trong thế kỷ 19, ở các thuộc địa của mình ở Mỹ châu, chính quyền của 2 nước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha lạm dụng quyền lực của mình không những đối với dân bản xứ mà còn đối với các hội truyền giáo (thường đứng cùng phe với người bản xứ).  

Ở Nam Mỹ, Dòng Jesuits bảo vệ dân bản xứ không bị buôn bán như nô lệ bằng cách lập ra những chỗ định cư bán độc lập gọi là "Reductions".  Giáo hoàng Gregory XVI tranh đấu với quyền lãnh đạo của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha bằng cách bổ nhiệm Giám mục của mình, kết tội chế độ nô lệ và buôn bán nô lệ trong năm 1839 (papal bull In supremo apostalatus), và chấp nhận thụ phong người bản xứ vào Tăng lữ mặc cho sự kỳ thị của chính quyền thuộc địa. 

Chỉ có sau khi chế độ thuộc địa của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha bị đổ bể (vào giữa thế kỷ 19), Giáo hội Công giáo LaMã mới lãnh đạo hoàn toàn hoạt động truyền giáo qua tổ chức truyền giáo "Propaganda Fide" của Giáo hội.

 

 

4. Đức Mẹ Mary

 

* Sùng bái Mary (Devotion to Mary)

 

Giáo hoàng Paul V (năm 1617) và Giáo hoàng Gregory XV (năm 1622) công bố: Tình trạng " Mary đã thụ thai không tinh khiết (non-immaculate)" là vô giá trị (invalid).  Có nghĩa là Sự thụ thai của Mary (sinh ra Jesus) là tinh khiết (Immaculate Conception).

Giáo hoàng Alexander VII tuyên bố (năm 1661) là Linh hồn của Mary không phạm tội từ nguyên thủy (free of original sin). 

Lòng thành kính Mary trong dân chúng tăng lên qua hành hương, sùng bái, kịch nghệ, thánh ca (hym), đám rước (procession) và giáo đoàn (fraternity).

 

* Tôn sùng Mary (Veneration of Mary)

 

Các Giáo hoàng từ xưa luôn muốn làm sáng tỏ sợi dây nối liền bên trong giữa Trinh nử Mary như là Mẹ của Thiên Chúa (Mother of God) và sự chấp nhận hoàn toàn của Giê-su Kitô (Jesus Christ) như là Con của Thiên Chúa (Son of God). 

Từ thế kỷ thứ 19, có môn học về Maria (Mariology) mở mang ra để giải thích sự tôn sùng Mary không những trong lãnh vực Đức tin vào Mary mà còn việc tôn thờ và sùng bái.  Giáo hoàng bắt đầu dùng sắc lệnh của mình (encyclicals) thường hơn.

         Giáo hoàng Leo XIII (the Rosary Pope), ra tất cả 11 sắc lệnh về Mary.

         Sùng bái "Đức Mẹ đồng trinh đầy ơn phước" (Blessed Virgin Mary) với 2 tín điều: Pius IX với Sự Thụ thai tinh khiết (Immaculate Conception) (1854) và Pius XII với Lễ Thăng thiên của Thánh mẫu đồng trinh Mary (Assumption of Mary).

         Các Giáo hoàng Pius IX, Pius XI và Pius XII chấp thuận sự sùng bái Mary hiện ra ở trần gian như ở Lourdes và Fatima.

Hội đồng Vatican lần thứ nhì làm sáng tỏ sự quan trọng của sùng bái Mary trong sắc lệnh Lumen gentium.  Trong khi Hội đồng nhóm họp, Giáo hoàng Paul VI công bố Mary là Mẹ của Giáo hội (Mother of the Church).

 

Như vậy trước Hội đồng Vatican thứ nhất, Giáo hoàng Pius IX được đại đa số các Giám mục ủng hộ, công bố tín điều của sự Thụ thai Tinh khiết (Immaculate Conception).

 

 

5. Giáo Hoàng

 

* Công  Đồng Vatican thứ nhất (1st Vatican Council)

 

Ngày 7-2-1862, Giáo hoàng Pius IX ra Hiến pháp của Giáo hoàng (Papal Constitution = Ad Universalis Ecclesiae) liên quan tới điều kiện gia nhập những Dòng Công giáo của giáo dân trong đó có viết ra nghi thức "Khấn Hứa Trang Nghiêm" (Solemn Vows).

 

Giáo lý về quyền Giáo trưởng của Giáo hoàng (papal primacy) mở mang thêm vào năm 1870 trong Hội Đồng Vatican, tuyên bố rằng "Trong sự xếp đặt của Thiên Chúa, Tòa Thánh La Mã giữ sự hoàn toàn siêu việt (preeminence) của quyền lực thông thường trên tất cả những Giáo hội khác".

Cộng đồng cũng xác nhận giáo lý tín điều (dogma) 

        của Đặc quyền tối cao của Giáo hoàng (papal infallibility).  Tuyên bố rằng Đặc quyền tối cao của cộng đồng Kitô giáo trải rộng tới chính Giáo hoàng, khi Giáo hoàng diễn nghĩa giáo lý về Đức tin hay Đạo đức (faith or Morals) cần phải tuân giữ trong toàn Giáo hội).

         của Quyền lực tối cao của Giáo hoàng).  Thẩm quyền (jurisdiction) tối cao (supreme), đầy đủ (full), ngay tức khắc (immediate) và phổ thông toàn thế giới (universal) của Giáo hoàng.

 

Hội Đồng định nghĩa "lưỡng quyền" giáo trưởng của Giáo hoàng: một là đặc quyền tối cao trong giảng dạy về đức tin và đạo đức và hai là thẩm quyền giáo trưởng liên quan tới chính quyền và kỹ luật của Giáo hội.  Sự phục tùng (submission) cho cả "lưỡng quyền" là cần thiết cho đức tin và sự cứu rỗi của Công giáo. (faith and salvation).  Nó chối bỏ ý tưởng là lệnh của Giáo hoàng không có "giá trị sức mạnh trừ khi được xác nhận bởi lệnh của một quyền lực thế tục" và ý tưởng là quyết định của Giáo hoàng có thể được kháng cáo (appealed) lên một hội đồng toàn thế giới (ecumenical) "như là quyền cao hơn Giáo hoàng ở La Mã (Roman pontiff)".

 

 

6. Vatican City 

 

* Vấn Đề của Rome (1870-1929)

 

Năm 1870, một vương quốc mới được thành lập ở toàn bán đảo Ý và đóng đô ở Rome, đó là vương quốc Ý (kingdom of Italy).  Giáo hoàng Pius IX từ chối không tùy thuộc dưới quyền của chính phủ quân chủ và ở Vatican City (trong thành phố Rome) như một tù nhân.  Người Công giáo bị kỳ thị ở Ý như không được đi bầu chính quyền quốc gia (chỉ được bầu chính quyền địa phương)...

Tiếp theo, Giáo hoàng Leo XIII phải bảo vệ tự do tín ngưỡng của Giáo hội Công giáo chống lại sự ngược đãi và tấn công trong lãnh vực giáo dục, trưng dụng và sung công (expropriation) và xâm phạm những  nhà thờ Công giáo, những âm mưu luật pháp chống lại Giáo hội và những tấn công dã man cuối cùng dẫn đến những nhóm chống lại giáo sĩ toan tính liệng thi thể của Giáo hoàng Pius IX xuống sông Tiber (7/13/1881).

Giáo hoàng Leo XIII tính dời Tòa Thánh từ Rome về Trieste hay Salzburg nhưng bị Hoàng đế Áo-Hung từ chối khéo léo.

Sự mất quyền thế tục của Giáo hoàng đem trở lại uy tín (prestige) cho Giáo hoàng.  Các nhà quân chủ của các nước Công giáo ở Âu châu phục hồi vào thế kỷ thử 19 xem Giáo hoàng như đồng minh hơn là đối đầu về quản trị.  Sau đó nhưng chính phủ lập hiến không có ràng buộc giáo sĩ vào chính sách của hoàng gia, người Công giáo được tự do theo quyền lãnh đạo tâm linh của Giáo hoàng.  Giáo hoàng của thế kỷ 19 và 20 xử dụng quyền tâm linh với lòng sốt sắng và trong mọi phương diện của đời sống tôn giáo.  Thí dụ như từ thời Giáo hoàng Pius IX (1846-1878) Tòa Thánh lần đầu tiên trong lịch sử kiểm soát hoạt động truyền giáo khắp toàn thế giới.

 

* Thành hình của Vatican (1929)

 

Điều đình về "Vấn đề Rome" bắt đầu từ 1926.  Năm 1929, 3 Hiệp ước Lanteran (Lanteran pacts) ký giữa Thủ tướng Benito Mussolini đại diện cho vua Victor Emanuel III và Hồng y Bộ trưởng Nội vụ Pietro Gaspani đại diện cho Giáo hoàng tại lâu đài Lanteran.

         Tạo ra Vatican City là một quốc gia được bảo đảm hoàn toàn quyền độc lập với quyền tối cao của Tòa Thánh.

         Công Giáo (Catholicism) là tôn giáo của nước Ý

         Giáo hoàng được yêu cầu giữ trung lập trong các liên hệ quốc tế (neutrality in international relations).

         Hiệp ước (agreement) về tài chánh được chấp nhận như là giải pháp cho yêu cầu của Tòa Thánh đối với nước Ý khởi từ việc mất quyền thế tục vào năm 1870.

 

 

* Đệ Nhị thế chiến (1939-1945)

 

Vatican giữ trung lập trong suốt Đệ nhị Thế chiến.  Năm 1944, Hitler đem quân Đức chiếm nước Ý và Rome nhưng chừa Vatican.  Vì Tòa Thánh bí mật cứu giúp quân nhày dù Đồng Minh bị bắn rơi nên Hitler gần muốn đánh Vatican.  May mắn là Rome được chiếm lại trước khi sự kiện nầy xảy ra.

Giáo hoàng Pius XII giúp 15 triệu người bị mất chỗ ở và tỵ nạn, mở rộng Hội đồng Hồng y (College of Cardinal), không còn đa số là người Ý nữa.

 

Sau 1945, người Công Giáo bị ngược đãi ở Liên Xô và các nước Cộng sản: 60 triệu người Công giáo ở Liên Xô với 10 ngàn giáo sĩ và tín đồ bị giết, và hàng triệu bị tù đày vào trong những Gulags ở Liên Xô (và Trung Cộng).  Chế độ Cộng sản ở Albania, Bulgaria, Romania và Trung Quốc thực hành tiêu diệt Giáo hội Công giáo trong nước.  

 

 

Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền

 

Bài viết này là trích đoạn từ 2 bài đăng trong phanthuonghai.com

         1) Lịch Sử Kitô Giáo Thời Cổ Đại (Bs Phan Thượng Hải)

         2) Lịch Sử Công Giáo Thời Cận Đại (Bs Phan Thượng Hải)

 PHẬT PHÁP DẠY TÂM ĐỘNG HAY TÂM TỊNH 

 

                                      Bs Phan Thượng Hải biên soạn

 

Từ giáo lý Giác ngộ (Tập Đế và Diệt Đế), Tâm thức Giác ngộ là Tâm thức Đoạn Hoặc và Từ Bi

Đoạn Hoặc = Đoạn diệt Mê hoặc.  Có 3 Mê hoặc (Hoặc) là Tham dục (Tham muốn), Sân và Mạn.

Giác ngộ tức là không còn hay "đoạn diệt" Vô minh (= Si).  Tâm thức Giác ngộ đồng nghĩa với Tâm thức đoạn diệt Si (= đoạn diệt Vô minh).  Do đó đoạn diệt Si là Giác ngộ (là Đoạn Hoặc gồm Tham Sân Mạn và Từ Bi).  

Khi Tâm (Tâm thức) Giác ngộ thì Tâm An (tranquil) mà không phiền não.  Khổ của triết lý Phật Giáo mà Phật Giáo muốn tiêu diệt chính là Tâm phiền não (sorrow).

(Si = Vô minh = Ignorance)   

  

Theo Thiền Tông, Tâm thức là hoạt động của Tâm gồm có:

         Tâm thức hoạt động từ hiện tượng của sự vật từ cảm giác (sensation), tri giác (perception) cho đến cuối cùng là nhận thức (cognition) để có ý thức (consciousness).  

         Tâm thức hoạt động về hiện tượng của sự vật là tư tưởng hay tư duy (thought) gồm có lý trí và tình cảm (affection, sentiment).  Lý trí gồm có suy nghĩ (thinking) và suy luận (reason).  Từ ý thức hiểu biết về sự vật tâm thức mới có tư tưởng về sự vật, đó là ý kiến (view, idea).  

 

Pháp Bảo Đàn kinh viết về tâm thức (hoạt động của tâm) và sự vật:  

         Một ngày kia (Lục tổ Huệ Năng) ra chùa Pháp Tánh (ở Quảng Châu) gặp Pháp sư Ấn Tông.  Có hai vị tăng tranh luận về nghĩa “gió và phướn (một loại cờ)”; kẻ nói gió động người nói phướn động, tranh cãi không ngừng.  Huệ Năng chen vào nói: “Chẳng phải gió động, chẳng phải phướn động, mà tâm các ông động”.  Cả chúng (= mọi người) đều ngạc nhiên.

 

Do đó:

         Tâm thức là hoạt động của Tâm đối với Sự vật do đó Tâm thức thì "động" (moving) là điều thông thường và tự nhiên chứ không bắt buộc phải "tịnh" hay "tĩnh" (not moving) cho dù Tâm thức Giác ngộ hay vô minh.  Tâm thức không bám chặt và ràng buộc (không sở trụ) vào Sự vật nhưng Tâm thức của Con người vẫn luôn ở trạng thái hoạt động (= trạng thái "động") đối với Sự vật bên ngoài.  Từ ngữ "Tịnh" trong Tâm "An tịnh" có nghĩa là "trong sạch" (pure).

         Không có đoạn diệt tất cả Tư tưởng (gồm Tình cảm và Lý trí).  Thiền Tông không đồng ý với đoạn diệt tư tưởng như Duy Thức Phái; vì Duy Thức Phái cho rằng Tư tưởng (Mạt Na thức) là nguồn gốc của chấp ngã và tự ngã nên phải đoạn diệt.

         Đoạn Hoặc và Từ Bi chỉ thuộc về Tình cảm trong Tâm thức của Con người mà thôi.  Tâm thức của Con người tự do trong các hoạt động khác của Tâm thức như cảm giác (sensation), tri giác (perception), nhận thức (cognition), lý trí và kể cả những hoạt động khác của tình cảm.  Con người vẫn có Tình cảm chứ không Vô tình (và Diệt dục).

 

Pháp Bảo Đàn kinh viết (trang 88-89) về "Không đoạn diệt Tư tưởng":

Có vị Tăng đem bài Kệ của Ngọa Luân Thiền sư lập lại với Sư (Huệ Năng):

 

         Ngọa Luân hữu kỹ lưỡng            

         Năng đoạn tưởng              

         Đối cảnh Tâm bất khởi                

         Bồ Đề nhựt nhựt trưởng              

         (Ngọa Luân)  

        

         Ngọa Luân có kỹ lưỡng

         Dứt được trăm tư tưởng

         Đối cảnh Tâm chẳng khởi

         Bồ Đề ngày ngày (tăng) trưởng (*)

        (Dịch)

 

Sư (Huệ Năng) nghe xong nói: “Bài Kệ nầy chưa rõ Tâm địa, nếu theo đó mà tu hành thì lại thêm trói buộc”.  Do đó Sư khai thị một bài Kệ:

 

         Huệ Năng một kỹ lưỡng                 

         Bất đoạntư tưởng                    

         Đối cảnh Tâm sổ khởi                    

         Bồ Đề tác ma trưởng.                    

         (Huệ Năng)

 

          Huệ Năng không kỹ lưỡng                            

         Chẳng dứt trăm tư tưởng

         Đối cảnh Tâm cứ khởi

        Bồ Đề làm sao (tăng) trưởng. (*)

        (Dịch)

 

Chú thích: Bồ đề đồng nghĩa với giác ngộ.  Tư tưởng gồm có lý trí và tình cảm.

 

Một công án trong Thiền Luận (quyển Trung, trang 118) viết về "Vô tình":

         Một giảng sư kinh Hoa Nghiêm đến tìm Huệ Hải và hỏi: “Bẩm, Thầy tin rằng hết thảy các loài Vô Tình đều là Phật?”

         Đáp: “Không, tôi không tin vậy.  Nếu các loài vô tình đều là Phật, các loài đang sống khác nào đã chết.  Khỉ chết, chó chết còn hơn loài người đang sống.  Chúng ta đọc Kinh thấy nói Phật thân không khác Pháp thân (Dharmakàya) vốn do Giới (Sila), Định (Dhyàna) và Tuệ (Prajna) mà sinh; do các phước đức mà sinh.  Nếu các loài vô tình đều là Phật, thưa Đại Đức, ngay lúc nầy tốt hơn hãy chết đi mà thành Phật”.

 

Từ giáo lý Giác ngộ, Tâm thức Giác ngộ là Tâm thức Đoạn Hoặc và Từ Bi

Đoạn Hoặc = Đoạn diệt Mê hoặc.  Có 3 Mê hoặc (Hoặc) là Tham dục (Tham muốn), Sân và Mạn.

Theo đúng từ ngữ, Đoạn diệt Tham dục (Tham muốn) chứ không Đoạn diệt Dục (= diệt dục).  

Đoạn diệt Tham dục = không tham lam ích kỷ (self-centered greed): 

         = không "tham dục" (tham muốn) riêng cho mình 

         = có "dục" (muốn hay ham muốn) nhưng không "tham" cái "dục" (muốn hay ham muốn) cho riêng mình

         = không "dục" (muốn hay ham muốn) cho riêng mình; một cách vô độ hay quá khao khát mãnh liệt không cưỡng lại được hay trói buộc ham muốn (= dục) lâu dài vào một đối tượng.

 

Đó là điều hợp lý vì nếu mọi người đều "không muốn" gì hết (và tâm thức không hoạt động gì hết) thì làm sao nhân loại có văn minh tiến bộ được. 

         

Dục = Muốn, ham = Desire

Tham dục = Tham muốn = Craving, Strong desire.

Tham = Greed = Tham dục.

 

THAM MUỐN

Sống đời có muốn chớ đừng tham

Tham muốn nghĩa là có ý tham

Muốn hợp theo tài nên lập chí

Muốn thành quá độ cứ còn tham

Muốn tâm sân mạn, tâm không chánh

Muốn dạ từ bi, dạ chẳng tham

Muốn được tồn sinh khi tuyệt vọng

Nguyện cầu, tận lực, há là tham?

(Phan Thượng Hải)

4/18/22

  

Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn 

 

Bài này là trích đoạn từ bài "Căn Bản Phật Pháp - Giác Ngộ và Thiền Định của Thiền Tông" (Bs Phan Thượng Hải) đăng trong phanthuonghai.com

 

TB. 

Tóm lại có những điều hiểu biết sai lầm về Phật Pháp của Phật Giáo cần phải được đính chính như sau:

1. Chỉ đoạn diệt Tham Sân Mạn trong tình cảm (= Đoạn Hoặc).  Những phần khác của Tâm thức vẫn hoạt động như thường kể cả những tình cảm khác.  Những phần khác là cảm giác, tri giác, nhận thức và lý trí. 

2. Không có Diệt Dục mà chỉ có Diệt Tham Dục (= Tham).  Cái "Dục" (Muốn) cũng là điều thông thường nhưng đừng tham cái dục của mình.

3. Giác Ngộ không những chỉ có Đoạn Hoặc mà phải có Từ Bi.  

4. Giác Ngộ là phần chánh của tất cả tông thừa của Phật Giáo kể cả Thiền Tông chứ không phải Tu Thiền và Thiền Định.

5. Si = (= Vô minh, không Giác ngộ) = Mê Hoặc (= Tham, Sân Mạn) + không có Từ Bi.  

Do đó nói diệt "Tham Sân Si" là không đúng mà phải nói diệt "Tham Sân Mạn" (thì là diệt "Si").

Lịch sử vua Hùng Vương của nước Văn Lang theo Sử Việt cũ 

                                                 (Bs Phan Thượng Hải)

 

Sử Việt cũ:

         Đại Việt Sử Ký Toàn Thư

         Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục

         Đại Việt Sử Lược 

 

Một quốc gia (một nước) phải hội đủ 3 thành phần là dân tộc, lãnh thổ và chánh quyền.  

         Lãnh thổ thiên nhiên đầu tiên của nước Việt chúng ta là Miền Bắc của nước Việt Nam ngày nay với ranh giới ở phía nam có thể là đèo Hải Vân.  Từ nhiều thế kỷ trước Công Nguyên (CN), đã có Dân tộc sống ở lãnh thổ này tạo thành một xã hội nhưng chưa có chính quyền chính thức nên chưa gọi được là một quốc gia (hay một nước).  Ở một thời điểm nào đó xã hội này có một vị Vua (monarch) lập chính quyền thống trị dân tộc và lãnh thổ thì lập nên một quốc gia (hay một nước).  

         Nước Văn Lang, quốc gia đầu tiên của người Việt chúng ta, được thành lập bởi vua Hùng Vương đầu tiên (vua Hùng Vương thứ nhất) với Chính quyền quân chủ và được thống trị bởi nhiều vua Hùng Vương nối tiếp nhau với cùng một dòng họ.  Dân tộc của nước Văn Lang là người Lạc Việt (1 trong những người Bách Việt) đã có trước nước Văn Lang. 

 

Người Việt chúng ta thường hãnh diện là con cháu của vua Hùng Vương và gọi là Tổ Hùng Vương.  Tuy nhiên thiển nghĩ người Lạc Việt phải có trước vua Hùng Vương và vua Hùng Vương chỉ là một người Lạc Việt và có tổ tiên là người Lạc Việt như vậy Hùng Vương không có thể là Tổ của người Lạc Việt và không là Tổ của người Việt Nam chúng ta ngày nay.  Thiển nghĩ tổ tiên của người Việt chúng ta sau khi dành lại độc lập từ Trung Quốc vào năm 938 cho đến ngày nay phải là người Lạc Việt.  

 

Sau Lĩnh Nam Trích Quái vài trăm năm, lấy tài liệu không phải là sử liệu trung thực của Lĩnh Nam Trích Quái, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của nhà Hậu Lê đem vào chính sử lịch sử vua Hùng Vương và nước Văn Lang!

Sau Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nhiều thế kỷ, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (Cương Mục) của nhà Nguyễn với thêm sử liệu của người Trung Hoa viết lại cho đúng được phần nào sử địa của nước Văn Lang và vua Hùng Vương.  Tuy nhiên Cương Mục cũng không thể nào chứng minh câu chuyện về nguồn gốc "rồng tiên" của vua Hùng Vương theo Lĩnh Nam Trích Quái (và Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép lại) là có thật được.  

 

Gần đây, sách Đại Việt Sử Lược, một sách sử khuyết danh, được tìm thấy ở Trung Quốc.  Sách được viết vào thời nhà Trần và không có đề cập đến nguồn gốc "rồng tiên" của Hùng Vương.  Sách Đại Việt Sử Lược cũng giúp viết cho đúng thêm lịch sử của nước Văn Lang và vua Hùng Vương về những chi tiết mà Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục không làm được.  Mặc dù có nhiều tranh cãi về giá trị chân thực của Đại Việt Sử Lược, tuy nhiên so với Lĩnh Nam Trích Quái thì Đại Việt Sử Lược hợp lý với khoa học và giáo khoa sử địa hơn nhiều.

 

 

a) Lịch sử nước Văn Lang và các vị vua Hùng Vương 

 

* Đại Việt Sử Ký Toàn Thư

 

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, nước Văn Lang do vua Hùng Vương (đầu tiên) thành lập.  Nước Văn Lang có cùng lãnh thổ và dân tộc với nước Xích Quỷ.  

         Nước Xích Quỷ do ông nội của vua Hùng Vương đầu tiên là vua Kinh Dương Vương Lộc Tục lập ra và truyền ngôi cho cha của vua Hùng Vương đầu tiên là vua Lạc Long Quân.  (Lạc Long Quân là con của Kinh Dương Vương).   

         Lạc Long Quân và vợ là Âu Cơ có 100 người con trai và Lạc Long Quân truyền ngôi cho người con trưởng làm vua là vua Hùng Vương đầu tiên.  Vua Hùng Vương đầu tiên đặt tên mới cho nước là Văn Lang (đổi quốc hiệu từ Xích Quỷ thành ra Văn Lang).  

         Vua của nước Văn Lang đều gọi là Hùng Vương và cha truyền con nối cùng một dòng họ là họ Hồng Bàng (Hồng Bàng thị). Họ Hồng Bàng bắt đầu từ Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân.

 

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, 

         Lịch sử của nước Xích Quỷ và nước Văn Lang kéo dài 2622 năm (2878 tr CN - 258 tr CN) bắt đầu từ vua Kinh Dương Vương (năm 2879 tr CN), vua Lạc Long Quân, vua Hùng Vương đầu tiên cho đến vua Hùng Vương cuối cùng.  Vua Hùng Vương cuối cùng thua vua An Dương Vương Thục Phán và mất nước Văn Lang.  An Dương Vương lập nước mới bao gồm nước Văn Lang và đặt tên nước là Âu Lạc (năm 257 tr CN). 

         Đại Việt Sử Ký Toàn Thư không có cho biết có bao nhiêu vua Hùng Vương trị vì nước Văn Lang trong lịch sử của nước Văn Lang.  Đại Việt Sử Ký Toàn Thư không có viết là 18 Hùng Vương.  Do đó trong hơn 2000 năm lịch sử, nước Văn Lang không giới hạn với 18 vua Hùng Vương như mọi người chỉ trích Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.

 

* Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục 

 

Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục:

         Không công nhận có nước Xích Quỷ.  Kinh Dương Vương thống trị ở phương Nam truyền cho con là Lạc Long Quân, vùng Đất của những người Việt gọi chung là người Bách Việt.  

         Lạc Long Quân (con của Kinh Dương Vương) và vợ là Âu Cơ có 100 người con trai.  Lạc Long Quân cho người con trưởng nối ngôi là vua Hùng Vương dựng nước tên gọi là Văn Lang.  Các vua đều cha truyền con nối và xưng là Hùng Vương.  

         Tuy nhiên nếu Đại Việt Sử Ký Toàn Thư không viết là có bao nhiêu vua Hùng Vương trong lịch sử của nước Văn Lang thì Cương Mục mượn tài liệu từ sử gia Trung Hoa cho rằng có tất cả 18 vua Hùng Vương.  18 vua Hùng Vương đều thuộc dòng họ Hồng Bàng (Hồng Bàng thị) của Kinh Dương Vương. 

 

Khâm Định Việt Sử có đưa ra sử liệu của các sử gia Trung Quốc viết về nước Văn Lang.

Theo tài liệu của Sử Trung Quốc (trong Cương Mục), vua nước Văn Lang còn có tên là Lạc Vương hay Lạc Hầu (thay vì là Hùng Vương).

 

Sách An Nam Chí Nguyên của Cao Hùng chép: 

         Giao Chỉ khi chưa đặt làm quận huyện, bấy giờ có ruộng Lạc (Lạc điền) theo nước triều lên xuống mà làm ruộng, khai khẩn ruộng ấy là Lạc dân, thống trị dân ấy là Lạc Vương, người giúp việc này là Lạc Tướng: đều dùng ấn đồng thao xanh.  Nước gọi là Văn Lang.  Phong tục thuần hậu mộc mạc, chưa có chữ, còn dùng lối thắt nút dây làm dấu ghi nhớ; truyền được mười tám đời

Theo Giao Quảng Ký của Hoàng Sâm, 

         Giao Chỉ có ruộng Lạc Điền, khai khẩn theo nước triều lên xuống.  Người "ăn" hoa lợi ruộng ấy là Lạc Hầu.  Các huyện (các vùng địa phương) tự gọi là Lạc Tướng.  Sau này con Thục Vương đem quân đánh Lạc Hầu, tự xưng là An Dương Vương, trị sở ở Phong Khê. 

 

Tước "Vương" hay "Hầu" có thể dùng lẫn lộn theo các sử gia Trung Quốc nhưng danh hiệu "Lạc" và "Hùng" thì có nghĩa khác nhau.  Điều quang trọng là theo Hán tự (phồn thể), chữ "Hùng" và chữ "Lạc" viết gần giống nhau.  

 

Chữ Lạc: 雒

Chữ Hùng: 雄

 

Tuy có ghi nhận điều này nhưng Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục dùng danh hiệu Hùng Vương chứ không dùng danh hiệu Lạc Vương cho vua của nước Văn Lang.

 

Theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, 

         Trong 2622 năm (2878 tr CN - 258 tr CN) mà chỉ có vua Kinh Dương Vương, vua Lạc Long Quân và 18 vua Hùng Vương thì là điều không thể xảy ra được.  

         Do đó Cương Mục nghi ngờ lịch sử 2622 năm bắt đầu từ năm 2878 tr CN của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư là không đúng mặc dù Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cũng không sai vì không hề viết là có bao nhiêu vua Hùng Vương trong thời gian này.  

         Tuy nhiên Cương Mục đồng ý với Đại Việt Sử Ký Toàn Thư là nước Văn Lang và vua Hùng Vương chấm dứt vào năm 258 tr CN.  Sau đó có An Dương Vương và nước Âu Lạc từ năm 257 tr CN. 

 

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư dựa vào đâu mà cho rằng họ Hồng Bàng bắt đầu từ Đế Minh (cháu 4 đời của Thần Nông) sinh ra Kinh Dương Vương vào năm 2879 tr CN.  Kinh Dương Vương là thủy tổ của họ Hồng Bàng.  

 

Thần Nông là vị vua huyền thoại của lịch sử Trung Quốc vào thời Tiền sử.  

Tổ tiên của người Tàu (gọi là người Hoa Hạ) là những người sống ở lưu vực sông Hoàng Hà trong thời Tiền Sử.  Thời Tiền sử này có những lãnh tụ:

         Tam Hoàng gồm Phục Hy, Toại Nhân và Thần Nông

         Ngũ Đế 

         Các vị Vua của Nhà Hạ (khoảng 2070 tr CN - 1600 tr CN)

Tam Hoàng là 3 vị "bán thần" giúp người dân sinh sống; lần lượt gồm có Phục Hy, Toại Nhân (hay Nữ Oa) và Thần Nông.  Tương truyền gọi là Thần Nông vì là vị Thần sáng tạo ra nghề nông và biết dùng cây cỏ để chữa bệnh.

Ngũ Đế là 5 vị quân chủ (monarch) không cùng huyết thống truyền ngôi cho nhau theo thứ tự là: Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Cốc, Đế Nghiêu và Đế Thuấn.

Đế Thuấn truyền ngôi cho Hạ Vũ.  Hạ Vũ truyền ngôi cho con cháu cùng huyết thống lập ra nhà Hạ.

Thời Tiền Sử của Trung Quốc chấm dứt vào năm 1600 tr CN (bắt đầu thế kỷ thứ 16) với bắt đầu của nhà Thương.  Gọi là Thời Tiền Sử vì không có Chữ viết.  Trong thời Tiền Sử nầy người Tàu biết dùng lửa, cất nhà, trồng ngũ cốc, làm quần áo, chài lưới, có lễ nghi...

 

Lịch sử Trung Quốc chỉ chính thức bắt đầu với nhà Thương (từ sớm nhất là 1600 tr CN) dựa trên Giáp Cốt Văn tự trên các mu rùa.  Giáp Cốt văn tự là chữ viết chính thức đầu tiên có liên quan đến chính trị của Trung Quốc.  Khi có Chữ viết tự tạo hay du nhập từ nơi khác thì một địa phương bắt đầu có lịch sử (của nó): chữ viết ghi lại lịch sử.  Nhà Thương theo thời gian là nối tiếp của nhà Hạ với cùng một lãnh thổ nhưng điều lạ là Giáp Cốt Văn của nhà Thương không có viết gì về thời Tam Hoàng, Ngũ Đế và nhà Hạ.  Thời Tiền Sử nầy chỉ được viết từ những thời đại khác hàng mấy ngàn năm sau đó nên không thể có thật mà chỉ là hoang đường tưởng tượng?

 

Thần Nông cũng như Tam Hoàng và Ngũ Đế không biết sống vào thời gian nào.  Sử Tàu không hề có nhân vật Đế Minh làm vua phương Nam và phương Bắc (cả nước Trung Quốc và Miền Bắc nước Việt Nam bây giờ).  Hơn nữa Đại Việt Sử Ký lấy tài liệu ở đâu mà định năm cho Hồng Bàng thị bắt đầu từ năm 2879 tr CN?  Sử gia hiện đại quốc tế về Trung Quốc chỉ đoán là các Vua của nhà Hạ bắt đầu từ khoảng năm 2070 tr CN (nếu có thật).  

 

Như vậy cho dù có không biết bao nhiêu vua Hùng Vương (theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư) hay có 18 vua Hùng Vương (theo Cương Mục) trong lịch sử của nước Văn Lang, họ Hồng Bàng không thể nào bắt đầu từ năm 2879 tr CN với Kinh Dương Vương.  Câu chuyện của Đế Minh, Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân cũng hoang đường và không có thật của thời Tiền sử so so với thời Lịch sử có sử liệu đàng hoàng.  

Tuy nhiên nước Văn Lang và các vua Hùng Vương tồn tại và có thật cho đến năm 258 tr CN.  Điều nghi vấn là vua Hùng Vương đầu tiên và nước Văn Lang bắt đầu từ năm nào.  Đại Việt Sử Lược tìm được gần đây ở bên Trung Quốc giúp trả lời nghi vấn này một cách hợp lý. 

 

* Đại Việt Sử Lược

 

Đại Việt Sử Lược (của tác giả vô danh) viết vào thời nhà Trần được tìm ra gần đây trả lời được những nghi vấn về thời điểm bắt đầu của vua Hùng Vương và nước Văn Lang một cách hợp lý.

Đại Việt Sử Lược viết:

         Đến đời Trang Vương nhà Chu (696-682 tr CN) ở bộ Gia Ninh có người lạ dùng ảo thuật qui phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Phong Châu, đặt quốc hiệu là Văn Lang, phong tục thuần lương chơn chất, chính sự dùng lối thắt gút.

         Truyền được 18 đời đều xưng là Hùng Vương.

 

Một quốc gia (một nước) gồm có dân tộc, lãnh thổ và chính quyền.  Một xã hội của dân tộc sống trên một lãnh thổ nào đó chỉ có thể trở thành một nước hay một quốc gia khi có một chính quyền.  Do đó nước Văn Lang chỉ chính thức được thành lập khi có vua (lập một chính quyền quân chủ), đó là vua Hùng Vương.  

Như vậy trong khoảng 696-682 tr CN, bắt đầu có vua Hùng Vương và có nước Văn Lang.  Đó là thời điểm bắt đầu có nước Văn Lang và vua Hùng Vương. 

 

Từ Đại Việt Sử Ký đến Cương Mục rồi cuối cùng đến Việt Sử Lược, vua Hùng Vương bắt đầu từ khoảng năm 696-682 tr CN và chấm dứt vào 258 tr CN.  Trong tối đa là 338 năm (từ 696 tr CN cho đến 258 tr CN) có tất cả 18 vua Hùng Vương thống trị nước Văn Lang là điều hợp lý.  Một đời vua Hùng Vương trị vì trung bình 18-19 năm là điểu không phản khoa học. 

 

Đại Việt Sử Lược không hề đề cập đến nguồn gốc Hùng Vương là dòng dõi của Đế Minh, Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân (và Âu Cơ) cũng như không nói đến họ Hồng Bàng của các vua Hùng Vương. Điều này tránh được cái vô lý hoang đường của nguồn gốc của các vua Hùng Vương xuất phát từ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. 

Nhờ Đại Việt Sử Lược, nguồn gốc hoang đường của họ Hồng Bàng từ Đế Minh, Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân (và Âu Cơ) được thấy rõ ràng là hoàn toàn không có thật trong lịch sử.  Nó chỉ là giả tưởng bắt nguồn từ 1 sách thần thoại hoang đường theo Đạo Giáo là Lĩnh Nam Trích Quái (Lĩnh Nam Chích Quái) viết vào thời nhà Trần rồi sau đó được sử gia Ngô Sĩ Liên mượn và tự sáng tạo thêm để viết trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.  Điều đáng tiếc là Đại Việt Sử Ký Toàn Thư là chính sử đầu tiên của nước Việt ta viết vào thời vua Lê Thánh Tông, viết từ một sử gia lạc hậu và không có tinh thần khoa học!

Như vậy, nguồn gốc "dòng giống Lạc Hồng" và "con rồng cháu tiên" của người Việt chúng ta là không có thật.  Hơn nữa khái niệm thần thoại "Rồng và Tiên" trong Lĩnh Nam Trích Quái là có từ Đạo Giáo và Đạo Giáo bắt đầu có ở Trung Quốc vào thời nhà Hán (sớm nhất là thế kỷ thứ 3 tr CN).  Khái niệm này không phải của người Việt chúng ta mà của người Trung Quốc và bắt đầu hiện hữu nhiều thế kỷ sau khi có nước Văn Lang và vua Hùng Vương.

Người Việt chúng ta chỉ cần tự hãnh diện là dòng giống của Người Lạc Việt và vua Hùng Vương là đủ rồi cần gì phải là "con Rồng cháu Tiên"?    

 

 

b) Cơ cấu chính quyền của nước Văn Lang

 

2 cơ cấu chính quyền của nước Văn Lang, dưới quyền của vua Hùng Vương.  Khâm Định Việt Sử chỉ công nhận cơ cấu chính quyền của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư mặc dù có dẫn ra sử liệu của các sử gia Trung Quốc. 

 

* Cơ cấu chính quyền từ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư

 

Cho tới ngày nay, các sử gia đều theo cơ cấu chính quyền của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư viết:

         Đặt tướng văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc Tướng.  Con trai vua gọi là Quan lang, con gái vua gọi là Mị nương.  Quan coi việc gọi là Bố chính, đời đời cha truyền con nối gọi là phụ đạo.  Vua các đời đều gọi là Hùng Vương.

Chép từ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Khâm Định Việt Sử viết

         Bắt  đầu đặt quan chức: Tướng văn gọi là Lạc Hầu, Tướng võ gọi là Lạc Tướng, hữu tư (= quan chức nói chung) gọi là Bố Chính; con trai của vua gọi là Quan Lang, con gái của vua gọi là Mị Nương.  Cứ đời nọ đến đời kia cha truyền con nối gọi là phu đạo. 

 

Thật ra Đại Việt Sử Ký chép từ Lĩnh Nam Trích Quái.  

Lĩnh Nam Trích Quái viết:

         (Hùng Vương) sai các em phân trị, đặt em thứ là tướng võ tướng văn; tướng văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc Tướng, con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mỵ Nương, quan Hữu ty gọi là Bố Chính, thần bộc nô lệ gọi là nô tỳ, xưng thần là khôi, đời đời cha truyền con nối gọi là Phụ đạo, thay đời truyền cho nhau đều hiệu là Hùng Vương không đổi.

 

 

* Cơ cấu chính quyền từ các sử gia Trung Quốc

 

Sử gia Trung Quốc viết có hơi khác.

 

- An Nam Chí Nguyên của Cao Hùng chép: 

         "Giao Chỉ khi chưa đặt làm quận huyện, bấy giờ có ruộng Lạc (Lạc điền) theo nước triều lên xuống mà làm ruộng, khai khẩn ruộng ấy là Lạc dân, thống trị dân ấy là Lạc Vương, người giúp việc này là Lạc Tướng: đều dùng ấn đồng thao xanh.  Nước gọi là Văn Lang.  Phong tục thuần hậu mộc mạc, chưa có chữ, còn dùng lối thắt nút dây làm dấu ghi nhớ; truyền được mười tám đời. 

Như vậy, chính quyền ở trung ương có vua là Lạc Vương (thay vì là Hùng Vương) và có quan là Lạc Tướng.  Chính quyền không có Lạc Hầu.

 

- Theo Giao Quảng Ký của Hoàng Sâm, 

         Giao Chỉ có ruộng Lạc Điền, khai khẩn theo nước triều lên xuống.  Người "ăn" hoa lợi ruộng ấy là Lạc Hầu.  Các huyện (các vùng địa phương) tự gọi là Lạc Tướng.  Sau này con Thục Vương đem quân đánh Lạc Hầu, tự xưng là An Dương Vương, trị sở ở Phong Khê. 

 

Như vậy chính quyền ở trung ương có vua là Lạc Hầu (thay vì là Hùng Vương hay Lạc Vương) và chính quyền ở địa phương có quan cai trị là Lạc Tướng như chế độ Phong Kiến vào thời đó.  Chính quyền không có Hùng Vương và Lạc Vương.  Điều này cũng không vô lý vì Sử có chép Hai Bà Trưng là con quan Lạc Tướng huyện Mê Linh.  Như thế Lạc Tướng là quan cai trị ở địa phương chứ không phải chỉ là "quan võ ở trung ương". 

 

 

Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền 

 

Bài viết này là trích đoạn từ bài "Sử Việt - Nước Văn Lang và Vua Hùng Vương" (Bs Phan Thượng Hải) đăng trong phanthuonghai.com

____________________

 KẾT CUỘC CỦA VUA QUANG TRUNG

                                         (Bs Phan Thượng Hải)

 

Bốn năm sau khi thắng quân nhà Thanh (1792), vua Quang Trung bành trướng quân đội (cứ 3 người đàn ông thì tuyển 1 người làm lính!).  Chính sử cho rằng nhà vua muốn đánh Trung Quốc (hay chiếm Lưỡng Quảng).  Vua Quang Trung chuẩn bị sai sứ giả là ông Vũ Văn Dũng sang Tàu cầu hôn và đòi đất Lưỡng Quảng (của Triệu Đà ngày xưa) để thử triều đình nhà Thanh.  Nhưng sứ thần là ông Vũ Văn Dũng chưa khởi hành thì chẳng may vua Quang Trung bất ngờ bị bệnh và qua đời.  Vua thọ 40 tuổi.   

 

Bác sĩ Tây Y hiện đại trong nước chẩn đoán vua Quang Trung bị "Tai biến Mạch máu não" (Stroke) với “Xuất huyết não dưới màng nhện” (Subarachnoid Hemorrhage) và chết vì “Viêm phổi sặc” (Aspiration Pneumonia).  Như vậy vua Quang Trung chết vì bệnh cấp tính (acute).

Chẩn đoán trên dựa vào câu chuyện theo Ngụy Tây Liệt Truyện của Sử Quán Triều Nguyễn:

         Một hôm về chiều, Quang Trung đang ngồi bỗng xây xẩm thấy 1 ông già đầu bạc từ trên trời xuống mặc áo trắng cầm gậy sắt mắng rằng: "Ông cha ngươi sống ở đất Chúa (Nguyễn) đời đời làm dân Chúa (Nguyễn), sao phạm đến lăng tẩm".  Rồi lấy gậy đánh vào trán Quang Trung, (Quang Trung) mê man ngã xuống bất tỉnh nhân sự lâu lắm, từ đó bệnh chuyển nặng.  

Câu chuyện nầy từ tử thù của Vua Quang Trung là nhà Nguyễn nên cũng khó tin.

 

Tài liệu trung thực là từ Bà Ngọc Hân Công Chúa (vợ vua Quang Trung) trong Ai Tư Vãn.

 

         Từ nắng hạ mưa thu trái tiết

         Xót mình rồng mỏi mệt chẳng yên

         Xiết bao kinh sợ lo phiền

         Miếu thần đả đảo thuốc tiên lại cầu

         Khắp mọi chốn đâu đâu tìm rước

         Phương pháp nào đổi được cùng chăng?

         Ngán thay con Tạo bất bằng

         Bóng mây thoắt đã ngắt chừng xe loan.

         (Ngọc Hân công chúa / Ai Tư Vãn)

 

Vua Quang Trung mất vào gần giữa mùa thu (ngày 29-7 âm lịch, năm Nhâm Tý).  Tháng 7, 8 và 9 âm lịch là mùa thu.  Đọc bài trên thì Vua bắt đầu bệnh mỏi mệt (chứ không mê man) từ mùa hạ đến mùa thu (trong mấy tháng), chạy chữa không bớt rồi qua đời.  Có nhiều bệnh nội khoa kinh niên (chronic) hay bán cấp tính (subacute) đưa đến cái chết của vua Quang Trung.  Với phương tiện eo hẹp của Y khoa vào thời đó thì không thể chẩn đoán bệnh được nhưng vua Quang Trung chắc chắn là không có chết vì bệnh cấp tính (acute). 

 

Ngoài 164 câu thơ theo thể Song Thất Lục Bát trong thi phẩm Ai Tư Vãn của Ngọc Hân công chúa, ông Vũ Văn Dũng cũng có bài thơ thương tiếc vua Quang Trung:

 

KHẤP QUANG TRUNG                           KHÓC VUA QUANG TRUNG

Bố y phân tích ngũ niên trung              Năm năm dấy nghiệp tự thân nông

Mai cố thi vi tự bất đồng                     Thời trước thời sau khó sánh cùng

Thiên vị ngô hoàng tăng nhất kỷ          Trời để vua ta thêm chục tuổi

Bất y Đường Tống thuyết anh hùng.     Anh hùng Đường Tống hết khoe hùng.

(Vũ Văn Dũng)                                     (? Dịch)

 

Phan Huy Ích có làm bài thơ tả cảm nghĩ của mình:

 

THU PHỤNG QUỐC TANG CẢM THUẬT 

(Mùa Thu Gặp Quốc Tang Thuật Lại)

Hồng thiên thủy dự đăng luân các           Tung mây hồng mới lên hoàng các

Long khứ hà kham vọng Đỉnh Hồ             Lánh tục rồng bay ngó Đỉnh Hồ
Tao tế cơ duyên nan tái đắc                    Duyên phận gặp người khôn thấy nữa
Tòng kim cơ lữ nhạn thần cô.                  Đời thần giống chiếc nhạn đơn cô!

(Phan Huy Ích)                                       (Đào Phương Bình dịch)

 

 

Con trai vua Quang Trung là Nguyễn Quang Toản mới có 10 tuổi lên nối ngôi tức là vua Cảnh Thịnh.  Nhờ đó Nguyễn Vương Phúc Ánh thuộc dòng dõi chú Nguyễn đánh bại nhà Tây Sơn, thống nhất lãnh thổ, lên ngôi là vua Gia Long, lập ra nhà Nguyễn (truyền đến vua Bảo Đại).  Điều rất lạ là trong 4 năm (1788-1792), thay vì chuẩn bị đánh nhà Thanh bên Tàu, vua Quang Trung lại không tấn công Nguyễn Vương Phúc Ánh ở Nam Kỳ (đã chiếm Nam Kỳ từ năm 1788)?

 

Lịch sử vua Quang Trung và vua Cảnh Thịnh theo đúng như trong Sấm Trạng Trình:

 

Bao giờ trúc mọc qua sông

Mặt trời sẽ lại đỏ hồng non tây (*)

Đoài cung một sớm đổi thay

Chấn cung sao cũng sa ngay chẳng còn (*)

Đầu cha lộn xuống chân con

Mười bốn năm tròn hết số thì thôi. (*)

 

(*) Chú thích:

         Hai câu đầu: Tôn Sĩ Nghị đóng quân ở Thăng Long thật sự có bắc 1 cầu nổi bằng tre qua sông Hồng Hà.  Quang = ánh sáng mặt trời, ý nói vua Quang Trung của Tây Sơn chiến thắng quân Thanh.

         Hai câu giữa: Cung Chấn ám chỉ người trên là Nguyễn Nhạc.  Cung Đoài ám chỉ người sau (đuôi) tức là Nguyễn Huệ.  Ý nói em rồi anh sẽ qua đời. 

         Hai câu cuối: Theo Hán tự, trong chữ Quang có chữ Tiểu ở trên đầu và trong chữ Cảnh có chữ Tiểu ở dưới chân. Từ khi Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi thành vua Quang Trung (1788) cho đến khi con của ông là vua Cảnh Thịnh bị thua và bị vua Gia Long giết chết (1802) là đúng 14 năm.

 

Từ chiết tự nầy cũng có 2 câu đồng dao:

 

         Cha nhỏ đầu, con nhỏ chân

         Đến năm Nhâm Tuất thì thân chẳng còn.

 

Như vậy nếu chúng ta không tin sự tiên đoán về lịch sử của Sấm Trạng Trình thì nó cũng là một tài liệu ghi chép lịch sử viết vào thời nhà Nguyễn (thế kỷ 19) chứ không phải viết từ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trong thời nhà Mạc (thế kỷ 16). 

 

Vua Gia Long đào mộ ông Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc, tán hài cốt thành bột nhồi thành thuốc súng (đem) bắn và bỏ xương sọ vào vò giam trong ngục tối.  Lăng mộ sau đó bị san phẳng.  Một văn thần của nhà Nguyễn làm thơ ví vua Quang Trung với Tần Thủy Hoàng Đế.  

 

KIẾN QUANG TRUNG LINH CỮU

Trấp niên sắt sá tẩu phong vân              Bao năm thét mắng át phong vân

Như thử anh hùng cổ hãn văn                Đủ thấy anh hùng? khó luận văn!

Hàm dã độc lưu thiên vạn cốt                 Hàm dã hận vùi muôn vạn xác (*)

Khuân sơn họa tại bách niên phần          Khuân sơn phần mộ họa trăm năm (*)

Không hàm chỉ chỉ thiên thu hận             Ngậm ngùi chỉ trích ngàn thu hận

Cô phụ đường đường bát xích thân         Nỡ phụ đương đường tám thước thân

Quang cảnh nhất ban thành phấn mỵ      Quang cảnh thảy đều thành cát bụi

Linh nhân chung cổ tiếu Doanh Tần.         Khiến đời muôn thuở cợt Doanh Tần. (*)

(Lê Triệu) 1771-1846                                (? Dịch)

 

(*) Chú thích:

         Khuân Sơn là nơi mộ của vua Quang Trung (nay ở huyện Phong Điền, Thừa Thiên). 

         Hàm Đan là kinh đô của nước Triệu.

         Tần Thủy Hoàng tên là Doanh Chính tàn ác đã chôn sống hàng vạn hàng quân Triệu. 

 

Lịch sử huy hoàng của nhà Tây Sơn và vua Quang Trung cho đến gần hơn 150 năm bị mai một dưới thời nhà Nguyễn.  Đến thời VNCH, sử gia mới nói tốt về nhà Nguyễn Tây Sơn và mới có thi sĩ làm thơ ca tụng ông Nguyễn Huệ:

 

NGUYỄN HUỆ

Từ đất Tây Sơn cánh hộc tung

Ôm tài hào kiệt chí anh hùng

Đánh tan Trịnh Nguyễn, người kinh ngạc

Phá vỡ Tàu Xiêm, chúng phục tùng

Lợi dụng võ công hay tuyệt đối

Chỉnh tu văn nghiệp đẹp vô cùng (*)

Quan Trung hoàng đế oai lừng lẫy

Ai dám lăm le cõi Nhị Nùng? (*)

(Lãng Ba Phan Văn Bộ) 

1959

 

(*) Chú thích:

         Vua Quang Trung muốn chữ Hán Nôm thay thế cho chữ Hán (Nho).

         Núi Nùng và sông Nhị là 2 địa danh tiêu biểu của Thăng Long (Hà Nội).

 

Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn

 

Bài viết này là trích đoạn của bài "Thơ và Sử Việt - Nhà Nguyễn" (Bs Phan Thượng Hải) đăng trong phanthuonghai.com 

CHU VĂN AN

(Bs Phan Thượng Hải) 

 

*

Nhà Trần thịnh trị nhất vào đời Trần Anh Tông và Minh Tông và bắt đầu suy yếu ngay sau đời Trần Minh Tông.  

Ông Chu An (1292-1370), một nhà tiền phong của thơ Hán Nôm, có một cuộc đời giống như của đức Khổng Tử của Nho Giáo, là điển hình của thời kỳ nầy.    

Tước phong của ông Chu An là Văn Trinh Công nên còn được gọi là Chu Văn An (đáng lẽ phải gọi là Chu Văn Trinh?).  

 

Ông đậu Thái Học Sinh nhưng không ra làm quan chỉ mở trường dạy học.  Học trò như các ông Lê (Bá) Quát, Phạm Sư Mạnh… đều thi đậu và làm quan lớn.  Cuối cùng Vua Trần Minh Tông mời được ông ra dạy ở Quốc Tử Giám và làm quan.  Đến đời Trần Dụ Tông ông dâng “Thất Trảm Sớ” khuyên vua nên giết 7 gian thần nhưng không được chấp thuận.  Do đó ông từ quan về ở ẩn ở núi Phượng Hoàng (nay thuộc Chí Linh, Hải Dương).  

Sau khi qua đời ông Chu Văn An được thờ trong Văn Miếu ở Thăng Long.  

 

 

*

Các thi sĩ nổi danh của nhà Trần (Trần Nguyên Đán), nhà Lê (Nguyễn Du) và nhà Nguyễn (Cao Bá Quát) đều có thơ về ông.

 

HẠ TIỀU ẨN CHU AN BÁI QUỐC TỬ GIÁM TU NGHIỆP

(Mừng Chu An Tiều Ẩn được trao chức Tư Nghiệp Quốc Tử Giám)

 

Học hải hồi lan tục tái thuần                    Thói thuần biển học sóng tài xoay

Thượng trường Sơn Đẩu đắc tư nhân      Sơn, Đẩu trường cao được đón thầy (*)

Cùng kinh bác sử công phu đại                Rộng sử thông Kinh công dụng lớn

Kính Lão sùng Nho chính hóa tân           Sùng Nho kính Lão kỷ cương hay

Bố miệt mang hài quy vĩnh nhật              Ngày về núi cũ hài rơm bước

Thanh đầu bạch phát dục Nghi xuân        Xuân tắm giòng Nghi tóc trắng bay

Huân Hoa chỉ thị hoàng trường thị           Nghiêu Thuấn rủ xiêm thời thịnh trị (*)

Tranh đắc Sào Do tác nội thần.                Sào Do đâu có chịu ra tay (*)

 

(Trần Nguyên Đán)                                 (Duy Phi dịch)

 

(*) Chú thích:

         Sơn, Đẩu = sao Thái Sơn và sao Bắc Đẩu là hai vì sao chánh.

         Vua Nghiêu tên là Phóng Huân, vua Thuấn tên là Trọng Hoa (2 vị Vua Thánh của Nho Giáo).

         Sào, Do = Hứa Do và Sào Phủ (2 ẩn sĩ).  Hứa Do nghe vua Nghiêu muốn truyền ngôi cho mình thì ra suối rửa tai (cho sạch).  Sào Phủ thấy vậy không cho con trâu của mình uống nước suối (sợ uống nước dơ).

 

PHƯỢNG HOÀNG SAN                               PHƯỢNG HOÀNG SAN

Phượng Hoàng sơn thượng tịch thôn khư      Trên núi Phượng Hoàng thôn vắng thưa

Tiều Ẩn tiên sinh cổ bích dư                          Tiên sinh Tiều Ẩn chốn tiêu sơ (*)

Phiến thạch quang mang minh nguyệt phủ     Đá nhô lưỡi búa trăng ngời chiếu

Bản tường phiêu diểu bạch vân lư                  Tường lửng lư hương mây trắng lùa

Phương tông tự tích bi vô tác                         Bia mất, tích thơm đâu dấu cũ

Thắng cảnh vu kim tận bất như                      Núi còn, cảnh thấy khác ngày xưa

Lẫm liệt anh phong thiên cổ tại                      Anh linh lẫm liệt còn muôn thuở

Trùng san dung bộ phỏng u cư.                      Lần bước núi non hỏi ẩn cư.

(Nguyễn Du)                                                  (Duy Phi dịch)

 

(*) Chú thích: Tiều Ẩn là tên hiệu của ông Chu Văn An

 

VỊNH CHU AN

Kính tiết thanh tu khí phách đương            Tiết cứng lòng trong khí phách hùng

Dục tương chích thủ vãn đồi dương            Một tay muốn kéo lại vừng hồng

Lôi đình bất tỏa cô trung phẫn                    Cô trung sấm sét không sờn chí

Quỷ mỵ do kinh thất trảm chương              Thất trảm yêu ma phải rộn lòng

Hạo khí dĩ bằng thiên địa bạch                   Trời đất soi chung vầng hạo khí

Cao phong do đối dĩ sơn trường                  Nước non còn mãi nếp cao phong

Lâm toàn cực ẩn kim hà tại                         Suối rừng nơi ẩn nay đâu tá  

Văn Miếu duy dư tính tự lương.                 Văn Miếu còn tên hương khói nồng. (*)

(Cao Bá Quát)                                            (Vũ Mộng Hùng dịch)

 

(*) Chú thích:

         Văn Miếu thở Khổng Tử và môn đệ, lập năm 1070 (Lý Thánh Tông).  Quốc Tử Giám, lập năm 1076 (Lý Nhân Tông), để dạy con hoàng tộc và những người dân học giỏi (Coi như là trường Đại Học đầu tiên của nước ta).

 

Hậu thế cũng có thơ vịnh ông Chu Văn An:

 

VỊNH CHU VĂN AN

Sĩ phu đào tạo giúp Trần Gia

Nho Giáo khai thông ở nước ta

Lễ phép nghiêm minh, người đức độ

Thư Kinh truyền đạt, bậc tài ba

Đã tri thiên mệnh sao ngần ngại?

Chẳng gặp thánh vương phải lánh xa?

Chính trị vị thành thân tự thoái

Chu an tiều ẩn tỵ vinh hoa. (*)

(Phan Thượng Hải)

3/19/17

 

(*) Chú thích: Chu an và tiều ẩn cũng là 2 danh từ riêng: Chu Văn An tên thật là Chu An hiệu là Tiều Ẩn.

 

Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn 

 

Bài viết này là trích đoạn từ bài "Thơ và Sử Việt - Nhà Trần" (Bs Phan Thượng Hải) đã đăng trong phanthuonghai.com 

DỊCH GIẢ CỦA CHINH PHỤ NGÂM KHÚC

 

Bs Phan Thượng Hải biên soạn 

 

 

Thi phẩm "Chinh Phụ Ngâm Khúc" có liên quan đến 3 thi nhân:

         Đặng Trần Côn: có lẽ sanh vào khoảng 1710-1720 và chết vào năm 1745.

         Đoàn Thị Điểm (1705-1748)

         Phan Huy Ích (1751-1822)

 

1 Bản Hán ngữ của Đặng Trần Côn được mọi người thống nhất về tác giả và văn chương.  Ông Đặng Trần Côn chắc chắn là tác giả của Chinh Phụ Ngâm (sáng tác bằng Hán ngữ).

 

2 Bản dịch Việt ngữ (trong số tất cả 7 bản dịch) được nói đến nhiều nhất và có giá trị nhất trong Văn học sử, từ Bản Hán ngữ của Đặng Trần Côn và theo thứ tự thời gian:

         Bản dịch "Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm Tân Khúc" = Bản dịch Việt ngữ A (xuất bản lần đầu vào năm 1815, có 408 câu theo thể Song Thất Lục Bát).  Bản dịch này không được phổ thông và hiếm có được người biết đến.  Nó được bắt đầu phổ biến rộng rãi từ ông Nguyễn Văn Xuân (và nhà xuất bản Lá Bối) từ năm 1972 và được ghi tác giả là ông Phan Huy Ích.     

         Bản dịch "Chinh Phụ Ngâm Bị Lục" = Bản dịch Việt ngữ B (xuất bản lần đầu vào năm 1902, có 412 câu theo thể Song Thất Lục Bát).  Đây là Bản dịch chính thức và độc quyền phổ thông từ trước đến giờ.  Sự hiện hữu của Bản dịch Việt ngữ này song song với sự hiện hữu trong văn học sử của Bản nguyên tác Hán ngữ (của Đặng Trần Côn) và thường được mọi người mặc nhiên cho là của bà Đoàn Thị Điểm.

 

Dựa trên nguyên văn và lịch sử của 2 Bản dịch này, chúng ta phải kiểm chứng lại ai là tác giả (dịch giả) của 2 Bản dịch Việt ngữ này nhất là bà Đoàn Thị Điểm có phải là dịch giả của Chinh Phụ Ngâm (hay đúng hơn là của Chinh Phụ Ngâm Bị Lục) hay không?

 

A. Dịch giả của Bản dịch "Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm Tân Khúc"

 

Bản dịch Việt ngữ "Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm Tân Khúc" chắc chắn có tác giả là Phan Huy Ích căn cứ trên Bài thơ và Lời tựa cho Bản dịch này của ông Phan Huy Ích và thời điểm xuất bản.

 

- Bài thơ của Phan Huy Ích, phổ biến từ gia tộc của ông và đăng lần đầu trong Nam Phong Tạp Chí:

 

"TÂN DIỄN CHINH PHỤ NGÂM KHÚC" THÀNH NGẪU THUẬT

 

Nhân Mục tiên sinh “Chinh phụ ngâm” 
Cao tình dật điệu bá từ lâm                    (Từ điệu cao kỳ đã truyền bá ở chốn từ lâm)
Cận lai khoái trá tương truyền tụng       (Ai cũng truyền tụng lấy làm khoái trá lắm)
Đa hữu thôi xao vi diễn âm                    (Có nhiều người suy nghĩ và sắp đặt việc diễn Nôm)
Vận luật hạt cùng văn mạch túy             (Theo luật vận thì không được tinh túy trong mạch văn)
Thiên chương tu hướng nhạc thanh tầm (Phải theo thiên chương hiệp với nhạc thanh)
Nhàn trung phiên dịch thành tân khúc    (Nay nhân buổi nhàn đã dịch ra thành khúc mới)
Tự tín suy minh tác giả tâm.                    (Tự tin là suy minh được tâm tư của tác giả).

(Phan Huy Ích)

 

(*) Chú thích: Nhân Mục tiên sinh lả Đặng Trần Côn, người làng Nhân Mục.

 

Nhận xét:

         Bài thơ này chứng minh là ông Phan Huy Ích có dịch bản Hán ngữ Chinh Phụ Ngâm.        

         Tên của Bài thơ "Tân Diễn Chinh Phụ Ngâm Khúc Thành Ngẫu Thuật" trùng hợp với Tên của Bản dịch là "Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm Tân Khúc", tức là ông Phan Huy Ích có thể là tác giả (dịch giả) của Bản dịch này. 

 

- Lời tựa cho Bản dịch: 

 

Trích từ ông Nguyễn Duy Chính:

Câu cuối trong bài Tựa (trang 4) của bản nôm Chinh Phụ Ngâm diễn âm tân khúc có một

chi tiết:

         …甲子初春予奉應候使事在北城。閒悶中歷閱舊解輙復技癢。爰將原吟。細加註釋。惑約其辭。惑申其意。凡用詞曲該二百四聫。務使原作之精神理脈。讀之愈覺敷暢。 8

         …Giáp Tí sơ xuân dư phụng ứng hậu sứ sự tại Bắc thành. Nhàn muộn trung lịch duyệt cựu giải triếp phục kỹ dưỡng. Viên tương nguyên ngâm. Tế gia chú thích. Hoặc ước kỳ từ. Hoặc thân kỳ ý. Phàm dụng từ khúc cai nhị bách tứ liên. Vụ sử nguyên tác chi tinh thần lý mạch. Độc chi dũ giác phu sướng …

Dịch: 

         Đầu mùa Xuân năm Giáp Tí (1804) ta phụng mệnh lo việc đón tiếp sứ thần ở Bắc thành. Khi nhàn rỗi đem các sách cũ ra đọc và ngứa tay thi thố chút tài mọn. Ta mới lấy bản ngâm gốc chú thích cho kỹ lưỡng, hoặc là giảm bớt chữ, hoặc là diễn ý dài thêm, dùng từ khúc mà diễn 204 câu đôi, cốt lấy tinh thần mạch văn của nguyên tác, để người đọc càng thêm thoải mái …

 

Nhận xét:

         Bản dịch "Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm Tân Khúc" chắc chắn là của ông Phan Huy Ích vì Bản dịch thực sự có 204 "câu đôi" như theo bài Tựa của ông Phan Huy Ích đã viết "Cai nhị bách tứ liên" (= Bao quát 204 câu đôi).  Một câu đôi của ông Phan Huy Ích gồm có 2 câu Song Thất hoặc 2 câu Lục Bát.  Do đó nếu tính từng câu như bây giờ thì tương đương với 408 câu (= 204 X 2) theo thể thơ Song Thất Lục Bát.  Quả thật là nguyên văn Bản dịch Việt ngữ "Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm Tân Khúc" gồm có tất cả 408 theo thể Song Thất Lục Bát.  Do đó, ông Phan Huy Ích chắc chắn là tác giả của Bản dịch "Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm Tân Khúc".  Bản dịch này không được phổ thông và hiếm có được người biết đến.         

 

- Thời điểm xuất bản

 

Trích từ ông Nguyễn Duy Chính:

         Bản gốc này do Chính Trực Đường khắc bản ấn hành tháng Ba (AL) năm Gia Long 14 (Ất Hợi, 1815) tức là khi Phan Huy Ích còn sống và cũng mới diễn âm chưa lâu.

 

Nhận xét:

         Bản dịch Việt ngữ "Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm Tân Khúc" được in và xuất bản dưới tên tác giả là Phan Huy Ích và ngay khi ông Phan Huy Ích (1751-1822) còn sống thì làm sao là giả mạo được.  Chúng ta càng chắc chắn tác giả là ông Phan Huy Ích.

         Bà Đoàn Thị Điểm (1705-1748) không thể nào là dịch giả sáng tác Bản "Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm Tân Khúc" này trừ trường hợp ông Phan Huy Ích (1751-1822) "đạo văn" của Bà (một người đã chết trước khi mình sinh ra đời) và xuất bản trong khi ông còn sống (1815).   Điều này không thể xảy ra ở một danh nhân như Phan Huy Ích được.  

 

 

B. Dịch giả của Bản dịch "Chinh Phụ Ngâm Bị Lục"

 

a) Lịch sử của Bản dịch và Dịch giả

 

"Chinh Phụ Ngâm Khúc" nguyên tác bằng Hán ngữ viết bằng Hán tự, chắc chắn có tác giả là ông Đặng Trần Côn (chết vào năm 1745?).

Từ đầu thế kỷ thứ 20, quần chúng chỉ biết và mặc nhiên cho rằng chỉ có một Bản dịch Việt ngữ đầu tiên (412 câu theo Thể Song Thất Lục Bát), chính thức và độc quyền phổ thông từ tác giả được cho là bà Đoàn Thị Điểm mà không có giải thích lý do. 

Trong tiền bán thế kỷ thứ 20, một Bản dịch Việt ngữ quan trọng khác được đưa ra và cho rằng tác giả là ông Phan Huy Ích. Tuy nhiên sự truyền bá không được dư luận của quần chúng để ý đến.

 

Đến đầu thế kỷ thứ 21, ông Nguyễn Duy Chính chính thức tổng hợp lại mà đưa ra chi tiết về 2 Bản dịch Việt ngữ này (dựa theo tài liệu của ông Hoàng Xuân Hãn và của ông Nguyễn Văn Xuân).  

Hai Bản dịch đều theo thể thơ Song Thất Lục Bát được xuất bản theo thứ tự thời gian:

         Bản dịch Việt ngữ "Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm Tân Khúc" (có 408 câu), xuất bản lần đầu vào năm 1815.  Đây là Bản dịch đã được đưa ra từ năm 1972 với nguyên văn (Nguyễn Văn Xuân, nhà xuất bản Lá Bối) và tác giả được cho là ông Phan Huy Ích.

         Bản dịch Việt ngữ "Chinh Phụ Ngâm Bị Lục" (có 412 câu), xuất bản lần đầu vào năm 1902.  Đây là Bản dịch đã được dùng chính thức độc quyền phổ thông cho đến bây giờ và được biết là từ bà Đoàn Thị Điểm. 

Bản dịch Việt ngữ được biết đầu tiên (412 câu theo Thể Song Thất Lục Bát), chính thức và độc quyền phổ thông từ tác giả được cho là bà Đoàn Thị Điểm chính là Bản dịch "Chinh Phụ Ngâm Bị Lục".  Cả hai là một nên có một dịch giả là bà Đoàn Thị Điểm.  

 

Bản dịch "Chinh Phụ Ngâm Bị Lục" tuy được biết đầu tiên từ đầu thế kỷ 20 nhưng thật ra xuất bản lần đầu (năm 1902) gần 100 năm sau Bản dịch "Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm Tân Khúc", xuất bản lần đầu vào năm 1815.   

 

Như vậy, Bản dịch "Chinh Phụ Ngâm Bị Lục" chính là Bản dịch đã được công bố và chính thức truyền tụng phổ thông độc quyền cho đến nay có 412 câu thơ theo Thể Song Thất Lục Bát.  Theo ông Nguyễn Duy Chính (lấy nguồn từ ông Hoàng Xuân Hãn), Bản dịch này từ trước đến giờ được cho là từ bà Đoàn Thị Điểm chỉ dựa trên lời tựa của nhà xuất bản lần đầu mà thôi (năm 1902), và từ một người không phải là học giả văn học (một ông chánh tổng).  Không có chứng cớ nào khác chứng minh bà Đoàn Thị Điểm là tác giả của Bản dịch Việt ngữ chính thức độc quyền phổ thông này.

Đây là ông Nguyễn Duy Chính đã viết:

Tài liệu từ ông Hoàng Xuân Hãn: 

         Đến năm 1953, lần đầu tiên một tác phẩm tương đối đầy đủ và kỹ lưỡng đã được giáo sư Hoàng Xuân Hãn công bố và xuất bản. Ông cũng đi tới tận cùng để tìm hiểu việc coi nữ sĩ họ Đoàn là tác giả phát nguồn từ đâu? Trong lời Dẫn “Chinh-Phụ-Ngâm bị-khảo” (Paris: Minh Tân, 1953) trang 24 thì việc ghi nhận Đoàn Thị Điểm là tác giả bản dịch được công bố từ năm 1902 do một viên chánh tổng là ông Vũ Hoạt khắc in:

         … Kể về bút-chứng, thì nay chỉ có bản “Chinh-phụ-ngâm bị-lục” khắc bởi hiệu Long-hoà, năm 1902. Trong đó, có bài mở đầu của Vũ Hoạt nói: “Nhớ xưa, Đặng tiên-sinh làm sách ấy, Đoàn phu-nhân diễn ra quốc-âm”.  Ở đầu sách lại có đề rõ hơn: “Thanh-trì Nhân-mục tiên sinh Đặng Trần-Côn làm. Văn-giang Trang-phủ phu-nhân Đoàn Thị-Điểm diễn-âm”. 

 

Như vậy tác giả của Bản dịch phổ thông độc quyền "Chinh Phụ Ngâm Bị Lục" này không chắc chắn là bà Đoàn Thị Điểm và vấn đề cần được xét lại.

Chúng ta sẽ có câu trả lời sau khi nghiên cứu kỹ văn chương và thời gian xuất bản của 2 Bản dịch Việt ngữ "Chinh Phụ Ngâm Bị Lục" và "Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm Tân Khúc" cũng như tiểu sử của bà Đoàn Thị Điểm và ông Phan Huy Ích. 

 

 

b) Nhận xét về Bản dịch và Dịch giả

 

Bản dịch "Chinh Phụ Ngâm Bị Lục" tuy được biết đầu tiên từ đầu thế kỷ 20 nhưng thật ra xuất bản lần đầu (năm 1902) gần 100 năm sau Bản dịch "Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm Tân Khúc", xuất bản lần đầu vào năm 1815.  Bản dịch "Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm Tân Khúc" chắc chắn có tác giả (dịch giả) ông Phan Huy Ích.   

 

So sánh nguyên bản văn chương của 2 Bản dịch Việt ngữ "Chinh Phụ Ngâm Bị Lục" (Bản B) và "Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm Tân Khúc" (Bản A) thì tìm thấy có những sự kiện chính:

         Bản dịch Việt ngữ B (Bản "Chinh Phụ Ngâm Bị Lục") giống nguyên văn Bản dịch Việt ngữ A (Bản "Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm Tân Khúc").  Tuy nhiên, Bản B có canh tân và bổ túc Bản A. 

         Do đó Bản "Chinh Phụ Ngâm Bị Lục" (Bản B) phải viết sau Bản "Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm Tân Khúc" (Bản A).  Điều này cũng hợp lý theo thực tế vì Bản "Chinh Phụ Bị Lục" xuất bản (lần đầu vào năm 1902) sau Bản "Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm Tân Khúc" (xuất bản lần đầu vào năm 1815). 

         Tác giả của Bản "Chinh Phụ Ngâm Bị Lục" (Bản B) đã biết và dùng nguyên văn 408 câu của Bản "Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm Tân Khúc" (Bản A), tức là đạo văn (của "Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm Tân Khúc"), rồi canh tân và bổ túc thành 412 câu của "Chinh Phụ Ngâm Bị Lục".  Tác giả của "Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm Tân Khúc" (Bản A), ông Phan Huy Ích, tự sáng tác bản dịch của mình, viết trước và không hề biết bản "Chinh Phụ Ngâm Bị Lục" (Bản B).  

 

Đây là chi tiết về sự canh tân và bổ túc của Bản B (Chinh Phụ Ngâm Bị Lục) sau khi lấy nguyên văn (đạo văn) từ Bản A (Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm Tân Khúc):

- Bản dịch B ( Chinh Phụ Ngâm Bị Lục) canh tân Bản dịch A (Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm Tân Khúc):

         Sửa một hay hai từ ngữ trong mỗi câu (của tất cả khoảng 1/4 tổng số 408 câu của Bản A), dùng từ ngữ mới hơn hoặc rõ nghĩa hơn nhưng không thay đổi nội dung của mỗi câu.  Bản A có dùng phương ngữ Bắc Hà cổ trong thời của ông Phan Huy Ích, vào thế kỷ thứ 18.

         Dùng câu thơ có khác câu thơ tương ứng của Bản A về hình thức (có khác hay không khác về nội dung).

Những câu thơ của Bản A khác với Bản B về hình thức nhưng không khác về nội dung: 

         Câu 35

         Câu 203-204

         Câu 219

         Câu 221-223

         Câu 243

         Câu 249-252

         Câu 265

         Câu 350

         Câu 353-356

Những câu thơ của Bản A khác với Bản B về hình thức và có khác chút đỉnh về nội dung mặc dù từ những câu Hán ngữ như nhau.

         Câu 273-284 

- Bản dịch B (Chinh Phụ Ngâm Bị Lục) bổ túc Bản dịch A (Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm Tân Khúc):

         Đến sau câu 316 của Bản A, Bản B có thêm 4 câu thơ.  Lý do là 4 câu này dùng để dịch 2 câu trong Bản Hán ngữ (mà Bản A sơ sót đã không có dịch).  

Do đó Bản B (Chinh Phụ Ngâm Bị Lục) có 412 câu và Bản A (Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm Tân Khúc) có 408 câu. 

  

Nhìn lại lịch sử của Hai Bản dịch Việt ngữ, chúng ta chắc chắn là bà Đoàn Thị Điểm không phải là dịch giả (tác giả) của Bản dịch "Chinh Phụ Ngâm Bị Lục", Bản dịch được biết đầu tiên, chính thức và độc quyền phổ thông cho đến bây giờ (gồm có 412 câu theo thể Song Thất Lục Bát). 

         Bà Đoàn Thị Điểm (1705-1748) cùng thời với ông Đặng Trần Côn (chết vào khoảng năm 1745), tác giả của Bản Hán ngữ "Chinh Phụ Ngâm".

         Ông Phan Huy Ích (1751-1822) dịch bản Hán ngữ "Chinh Phụ Ngâm" của ông Đặng Trần Côn và xuất bản vào năm 1815 (lúc ông còn sống) Bản dịch "Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm Tân Khúc" (gồm có 408 câu theo thể Song Thất Lục Bát).  Giả thuyết cho là ông Phan Huy Ích, một thi nhân thành danh, mà lấy từ hay "đạo văn" của bà Đoàn Thị Điểm để viết Bản dịch này thì không thể xảy ra được. 

         Đến cuối thế kỷ 19 hay bắt đầu của thế kỷ 20, một hay một nhóm thi nhân nào đó "đạo văn" của "Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm Tân Khúc" (của ông Phan Huy Ích, đã chết 80 năm về trước) mà viết Bản dịch "Chinh Phụ Ngâm Bị Lục" (gồm có 412 câu theo thể Song Thất Lục Bát) và xuất bản vào năm 1902.  Bà Đoàn Thị Điểm không thể là dịch giả (tác giả) của Bản "Chinh Phụ Ngâm Bị Lục" như đã lầm tưởng từ trước đến giờ vì bà Đoàn Thị Điểm đã chết trước khi ông Phan Huy Ích sinh ra đời nên không thể "đạo văn" của ông Phan Huy Ích được! 

 

Bà Đoàn Thị Điểm chỉ là "quá khứ" trong với lịch sử thành hình của 2 Bản dịch quan trọng "Chinh Phụ Ngâm Bị Lục và Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm Tân Khúc" do đó chắc chắn không là dịch giả của 2 Bản dịch chính yếu trong văn học sử này nhất là Bản dịch Việt ngữ "Chinh Phụ Ngâm Bị Lục".

 

Bản dịch "Chinh Phụ Ngâm Bị Lục" có từ một tác giả hay một nhóm tác giả (dịch giả) vô danh nào đó sống vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, sáng tác bằng cách "đạo văn" từ Bản dịch "Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm Tân Khúc" của ông Phan Huy Ích.   

 

Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền

 

Bài viết này là trích đoạn của bài "Bản Dịch và Dịch Giả của Chinh Phụ Ngâm" (Bs Phan Thượng Hải) đăng lần đầu trong phanthuonghai.com mục Thơ Văn phần Đọc Thơ (Cổ Văn).

 

Tài liệu tham khảo:

         1) Tác Giả Bản Dịch Chinh Phụ Ngâm (Nguyễn Duy Chính)

         2) Thơ và Sử Việt - Phan Huy Ích (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com

         3) Đoàn Thị Điểm và Chinh Phụ Ngâm (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com

         4) Trang thơ Phan Huy Ích và Đoàn Thị Điểm (Google)

 

 Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền

Tết Trùng Cửu hay Trùng Dương - Mùng Chín Tháng Chín

(Bs Phan Thượng Hải)

 

Lễ Tết Trùng Cửu (hay Trùng Dương) thành Lệ từ sách Phong Thổ Ký. 

Theo sách này, vua Kiệt của nhà Hạ (2205-1818 tr CN) là người dâm bạo tàn ác.  Thượng Đế muốn răn nhà vua nên làm một trận thủy tai rất lớn giết hại rất nhiều người dân.  Trận thủy tai này vào ngày 9 tháng 9 (Trùng Cửu).  Vì vậy cứ mỗi năm đến ngày này dân chúng đua nhau đem thực phẩm đi lên núi cao để lánh nạn vì sợ thủy tai sẽ đến.

Hán Văn Đế (176-156 tr CN) của nhà Tiền Hán cất một đài cao 30 trượng ở trong cung để nhà vua cùng cung phi lên để tránh thủy tai trong ngày 9 tháng 9 này.

 

Lễ Tết Trùng Cửu (hay Trùng Dương) thành ra Tục khác một chút từ câu chuyện của Hoàng Cảnh đời Hậu Hán.  Hoàng Cảnh theo học đạo tiên (Đạo Giáo) với một ông Tiên tên là Phi Trường Phong (Phi Trường Phòng).  Một hôm Phi Trường Phong bảo Hoàng Cảnh dắt gia đình lên núi cao vào ngày 9 tháng 9 để tránh tai nạn cho cả gia đình.  Phi Trường Phong khuyên Hoàng Bảo và gia đình đeo túi đỏ đựng hột thù du rồi uống rượu hoa cúc trên núi cho đến tối trở về thì thoát nạn.  Hoàng Cảnh làm theo lời và quả thực khi đến tối từ núi cao trở về nhà thì thấy gà vịt heo chó trong nhà đều bị dịch chết hết. 

Vì tích của Hoàng Cảnh như trên, thiên hạ đến ngày Trùng Cửu mùng 9 tháng 9 thì cùng bỏ nhà lên núi lánh nạn.  Lâu ngày thành Tục gọi là Tết Trùng Cửu.  

 

Sau dần tính chất cũng thay đổi, Tết Trùng Cửu lại dành riêng cho tao nhân mặc khách lên núi uống rượu làm thơ.  Đến đời nhà Đường (618-907), các văn nhân thi sĩ kéo nhau lên núi cao say sưa ngâm vịnh.  Ngày nay có để lại những bài thơ của Lý Bạch, Vương Duy, Vương Xương Linh...

 

Thi văn nước Việt có những bài thơ về Ngày Tết Trùng Cửu:

 

TIẾT TRÙNG DƯƠNG UỐNG RƯỢU CÚC

Gặp tiết trùng dương rượu cúc vây
Bao nhiêu tri kỉ mấy hàng cây
Ngàn nhàn dầm chén hoa vàng luột
Thẻ diễn nghiêng hồ tiệc ngọc chầy
Kẻ hái giậu đông chân bén tuyết
Người lên lầu bắc mặt trông mây
Thù du cài tóc càng yêu nữa
Lọ hỏi tiên ông đến cõi Tây.

(Thi nhân thời Hồng Đức)
 

Chú thích:
        Trùng dương: Mồng 9 tháng 9 âm lịch. Theo thuyết âm dương đời cổ, thì số 9 thuộc về dương, hôm ấy ngày và tháng đều số 9, nên gọi là tiết trùng dương.

         Vây = họp.  Luột = thắm.  Chầy = muộn, chậm. 

         Thẻ = cái cột nhỏ trong cái hồ bằng đồng khắc vạch chỉ giờ; Ý câu thơ: mực nước trong cái hồ đã dời xa độ số ghi trên cột.

         Kẻ hái giậu đông là Đào Tiềm.  Đào Tiềm có câu thơ "Thái cúc đông ly hạ" (= Hái hoa cúc ở chân giậu phía đông).

         Người lên lầu bắc là Vương Xương Linh.  Nhân ngày Trùng Cửu gặp cảnh đẹp, Vương Xương Linh lên chơi lầu bắc.

         Thù du cài tóc: từ sự tích Tiên ông Phi Trường Phòng bảo Hoàn Cảnh trong ngày Trùng Cửu "bảo người nhà cầm cây thù du, lên chỗ cao và uống rượu cúc để tránh nạn".

         Tiên ông là Phi Trường Phòng.

         Cõi Tây = Tây thiên, Thiên trúc, nơi của Phật. 

TRÙNG DƯƠNG BẤT VŨ                   

Trùng dương bất vũ vị tư ta                    
Sắt sắt tây phong nại nhĩ hà                     
Hữu khách tống lai hoàng cúc tửu (*)     
Vô nhân khai đắc đỗ quyên hoa (*)         
Bán sơn đảo ảnh tần di hạm                     
Vạn lý minh hồng vị định gia                  
Bệnh nhãn kiêm chi trần nhiễu thậm       
Bế môn bất xuất diệc hàm ca.                  

(Nguyễn Khuyến)  

 

Thơ dịch:

NGÀY TRÙNG DƯƠNG KHÔNG MƯA

Trùng Dương chẳng giọt mưa sa

Gió tây hiu hắt biết mà làm sao

Cúc vàng có khách mang trao

Đỗ quyên như đợi chờ người trỗ hoa

Nửa chừng bóng núi vương xa

Chim hồng muôn dặm biết nhà nơi đâu

Mắt đau nhiều bụi ngán rồi

Đóng bưng cửa lại nghiêng bầu rượu thơ

(Trương Việt Linh dịch)

(*) Chú thích:

         Hoàng hoa tửu = Rượu hoa cúc vàng, uống trong ngày Trùng Dương.  Theo Tấn Thư, Đào Tiềm không có rượu uống trong ngày Trùng Cửu, ra ngồi bên giậu hái hoa cúc thì chợt có người đến bảo là người nhà của Vương Hoàng đem rượu đến cho.

         Đỗ quyên hoa = Hoa Đỗ quyên, nở trong ngày Trùng Dương.  Tích chùa Hạc Lâm ở Nhuận Châu có cây hoa Đỗ quyên cao hơn một trượng.  Châu Bảo bảo An Thất rằng: Ông có thể làm hoa nở trong ngày Trùng Cửu không?  An Thất nhận lời.  Hai ngày trước ngày Trùng Cửu, An Thất vào chùa ăn chay niệm Phật, nằm mộng thấy một người con gái đến bảo rằng: Tôi vì ông mà làm cho hoa nở.  Đúng ngày Trùng Cửu thì hoa Đỗ quyên nở rực rỡ như ngày xuân.

 

 

Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn 

 

Tài liệu tham khảo

         1) Điển Hay Tích Lạ (Nguyễn Tử Quang)

         2) Trang Thơ Thi Viện

         3) Sự Tích Những Ngày Lễ Tết Trong Niên Lịch (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com

  CHUYỆN THẦN THOẠI VỀ MẶT TRĂNG

 

                                         Bs Phan Thượng Hải biên soạn


 

Những chuyện thần thoại về Trăng (Mặt Trăng) đều do Con người ở thế gian trên địa cầu đặt ra chứ không hề có thật.  Người Việt chúng ta thường biết những câu chuyện thần thoại tưởng tượng dựa trên Đạo Giáo từ người Trung Hoa.  

 

Trăng, Mặt Trăng {Tiếng Nôm} = Nguyệt {Hán ngữ}.

 

Con người ở thế gian (= Người Trung Hoa) nhìn lên Trăng (Mặt Trăng) thì thấy giống như hay có hình thể: 

      Cây Quế: có những vùng tranh tối tranh sáng gọi là Quế phách.

      Con Thiềm thừ (= Con Cóc có 3 chân): có những hố thiên thạch trên bề mặt của Mặt Trăng giống như hoa văn (= chữ Tàu) trên thân con Thiềm thừ.

      Con Thỏ: nhất là vào đêm Rằm.

Từ những nhận thức này và tiền sử Trung Quốc về Hậu Nghệ bắn Mặt Trời, người Trung Hoa sáng tạo ra những câu chuyện thần thoại về Mặt Trăng (Trăng).  

 

Cung Quảng Hàn, Cung Quảng

 

Chuyện đầu tiên bắt đầu từ Hậu Nghệ tạo ra vợ của Hậu Nghệ là Hằng Nga.  

 

Theo Tiền Sử của Trung Quốc, triều đại của nhà Hạ là triều đại đầu tiên.  Vua Hạ Vũ lập ra triều đại nhà Hạ truyền ngôi cho con là vua Khải và Khải truyền cho Thái Khang đều cai trị người Hạ (sau này gọi là người Hoa Hạ).  Thủ lãnh của người Di là Hậu Nghệ đuổi Thái Khang đi và lập em của Thái Khang là Trọng Khang làm vua.  Sau khi Trọng Khang chết, Hậu Nghệ chiếm ngôi vua cai trị người Hạ và người Di.  Hậu Nghệ là một người xạ thủ giỏi thường đi săn bắn không lo triều chính nên Hậu Nghệ bị người thân tín là Hàn Tróc giết đi và cướp ngôi.  Sau này cháu nội của Trọng Khang là Thiếu Khang đánh bại Hàn Tróc và chiếm lại ngôi vua cho nhà Hạ.  Triều đại nhà Hạ từ Thái Khang cho đến Thiếu Khang trải qua 100 năm hỗn chiến mới khôi phục lại được. Lịch sử gọi là Thời "Thiếu Khang trung hưng".  Từ vua Thiếu Khang truyền qua nhiều đời vua cho đến vua Kiệt mới mất thiên hạ về triều đại nhà Thương.  Triều đại Nhà Hạ ước lượng từ thế kỷ 21 tr CN cho đến thế kỷ 16 tr CN. 

 

Như vậy Hậu Nghệ là nhà thiện xạ.  Tương truyền rằng lúc đầu Thế gian (địa cầu) bị 10 Mặt Trời chiếu nên quá nóng bị thiêu đốt.  Hậu Nghệ mới bắn rơi 9 Mặt Trời chỉ còn lại 1 Mặt Trời nên Thế gian mới tồn tại được nhờ khí hậu ôn hòa hơn nhiều.

Từ chuyện Hậu Nghệ có liên quan đến Mặt Trời, Con người mới tạo ra chuyện "Hằng Nga bôn nguyệt" (Bôn = trốn chồng.  Bôn Nguyệt = trốn chồng tới ở Mặt Trăng) có liên quan đến Mặt Trăng.   

 

Chuyện "Hằng Nga bôn nguyệt"

Hằng Nga là vợ của anh hùng xạ nhựt Hậu Nghệ, người đã bắn rơi 9 cái mặt trời là 9 con quạ lửa thiêu đốt trần gian (nên chỉ còn 1 cái mặt trời cho tới bây giờ).  Do đó Hậu Nghệ được bà Tây Vương Mẫu tặng cho thuốc trường sanh bất tử.  Hằng Nga lén trộm thuốc của chồng uống vào nên thân hình nhẹ nhõm bay lên trời và bay tuốt đến Mặt Trăng lạnh lẽo.  Hằng Nga làm chủ (hay được Ngọc Hoàng Thượng Đế cho) cung Quảng Hàn và có con Thỏ ngọc (= Ngọc Thố) giả thuốc trường sinh.  

 

Quảng = rộng lớn.  Hàn = lạnh lẽo.  Mặt Trăng rộng lớn và phải "lạnh" (= hàn) để đối lại với Mặt Trăng "nóng" (= nhiệt).  Đó là lý do có tên "Quảng Hàn" được Con người đặt ra. 

 

Như vậy vì có chuyện Chồng (là Hậu Nghệ) có liên quan đến Mặt Trời nên có chuyện Vợ (là Hằng Nga) có liên quan đến Mặt Trăng.

 

Câu chuyện "Hằng Nga bôn nguyệt" cũng có thêm Con Thỏ (Thố) vì Trăng nhìn giống như Con Thỏ và câu chuyện dùng "thuốc tiên trường sinh" để gắn Con Thỏ vào: Con Thỏ là Thỏ giả thuốc.  "Hằng Nga ăn cắp thuốc thì Con Thỏ giả thuốc"?

Để câu chuyện có vẻ "quý phái", Hằng Nga là Tiên và ở "Cung" hay "Cung điện" và Thỏ phải là "Thỏ Ngọc" (= Ngọc Thố) hay "Thỏ Trắng" (Bạch Thố). 

 

Từ đó:

      Trăng (Mặt Trăng) còn được gọi là Cung Trăng (Nguyệt được gọi là Nguyệt Cung hay Nguyệt Điện).

      Cung Quảng Hàn (= Cung Quảng) = cung Trăng = Nguyệt cung.  Ngụ ý là Mặt Trăng. 

      Hằng Nga còn được thi văn gọi là Thường Nga hay Chị Hằng.  Mặt Trăng cũng được gọi là Gương Nga, Bóng Nga như trong Truyện Kiều. 

      Thỏ hay Ngọc Thố (hay Bạch Thố) cũng đồng nghĩa với Mặt Trăng.  

 

Thơ nước Việt có ghi:

 

HẰNG NGA NGUYỆT

Từ ngày gặp được thuốc đan sa
Chiếm
Quảng Hàn cung làm cửa nhà
Lầu ngọc cao hòa thế giới
Mày ngài rạng khắp sơn hà.
Năm hồ những lấy làm song viết
Bốn bể đều thìn thấy nết na
Thượng đế tuy hay nghiêm cấm đoán
Có đêm lởm thởm đến phòng ta.

(Thi nhân đời Hồng Đức)

 

VẤN NGUYỆT 

Trải mấy thu nay vẫn hãy còn
Cớ sao khi khuyết lại khi tròn?
Hỏi con
Bạch Thố đà bao tuổi?
Hỏi chị
Hằng Nga đã mấy con?
Đêm tối cớ sao soi gác tía?
Ngày xanh còn thẹn mấy vầng tròn
Năm canh lơ lửng chờ ai đó?
Hay có tình riêng mấy nước non?

(Hồ Xuân Hương)

 

Cung Quế

 

Vì có Trăng nhìn giống như cây Quế nên có chuyện Ngô Cương đốn Cây Quế do Con người đặt ra.  Thật ra có 3 câu chuyện. 

1. Có Ngô Cương ở Mặt Trăng bị Ngọc Hoàng phạt là có phận sự phải đốn cây Quế ở cung Quảng Hàn.  Ngô Cương lười biếng, mỗi ngày chỉ đốn có một nửa.  Qua đến ngày sau thì cây Quế lại mọc lại như cũ.  Do đó Ngô Cương cứ đốn hoài mà cây Quế vẫn còn hoài và Ngô Cương phải cứ đốn hoài mỗi ngày.  

2. Có chuyện khác cho rằng cây Quế rất cao và to, Ngô Cương không thể nào đốn hết trong một ngày và ngày hôm sau cây Quế lại mọc lại như cũ.  Cây Quế này thường được tả là cây Quế màu đỏ và cao 500 trượng.

3. Một câu chuyện khác kể rõ hơn: Ngô Cương là người đất Tây Hà đời nhà Hán, học phép Tiên nhưng vì phạm lầm lỗi nên bị thiên đình phạt làm công việc chặt cây Quế ở cung Trăng; Ngô Cương chém được nhát nào thì nhát búa lại liền ngay lát đó chứ cây Quế không bị đứt.

 

Con người lại đặt thêm chuyện để gắn liền Ngô Cương với Hằng Nga:

Ngô Cương là thiên binh (= lính trời) gát ở Nam Thiên môn tình cờ gặp Hằng Nga vì thế trốn làm việc tới cung Quảng Hàn chơi một ngày. Ngọc Hoàng phạt phải làm lính ở cung Quảng Hàn luôn.  

 

Cung Thiềm

 

Vì Trăng nhìn giống như con Thiềm thừ (= Cóc ba chân) nên có Con người gọi Nguyệt Cung (= Cung Trăng) là Thiềm Cung và giới thiệu từ ngữ này nhờ Ngô Cương.  Đó là Chuyện hay Thành ngữ "Thiềm cung chiết quế".  Theo đó, Ngô Cương ban cành Quế cho ai ở trần gian thì người đó thi đậu, danh đề bảng vàng hoặc đặc biệt hơn nữa là đậu Trạng nguyên!

Có thuyết khác cho rằng: Hằng Nga ban đầu vốn xinh đẹp nhưng sau khi bay lên Mặt Trăng thì bị Trời phạt nên biến thành con Thiềm thừ xấu xí.

 

Như vậy "Chuyện Ngô Cương" của người Trung Hoa có 2 phần: liên quan tới Hằng Nga và liên quan với con Thiềm thừ.

Chuyện Cung Quảng và Hằng Nga cũng có liên quan đến con Thiềm thừ.

 

Thơ nước Việt có ghi: 

 

CÂY QUẾ TRONG TRĂNG

Ấy chẳng thiềm cung đan quế vay?
Thế gian ít kẻ biết mùi cay
Thu thanh bóng tỏ mười phần sáng
Hồ sạch hương đong mấy hộc đầy
Củi hát tư mùa
Ngô dõi búa (*)
Thuốc đâm một chén
thỏ vung chày
Từ khi mình nhẹ nên bay cánh
Chiếm được ngôi cao bốn bể hay.

(Thi nhân đời Hồng Đức)

 

(*) Chú thích: Ngô là Ngô Cương.


 

Cuội và Cây Đa

 

Sang Nước Việt, Ngô Cương được người Việt biến thành "Cuội, Chú Cuội hay Thằng Cuội" và Cây Quế thành ra Cây Đa.  Hình như theo người Việt thì Cuội chỉ ngồi dưới gốc cây Đa chứ không phải đốn cây Đa.

 

Thơ nước Việt có ghi:   

 

MUỐN LÀM THẰNG CUỘ

Đêm thu buồn lắm! Chị Hằng ơi!
Trần thế em nay chán nửa rồi

Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi.
Có bầu, có bạn, can chi tủi
Cùng gió, cùng mây, thế mới vui
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám
Tựa nhau trông xuống thế gian cười.

(Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu)


 

Cung Nghê

 

Trăng còn có tên là Nghê Cung hay Cung Nghê là do sự tích của Đường Minh Hoàng lên Cung Trăng.  Có 2 tài liệu về sự tích này.

 

Theo truyền thuyết (sách Dị Văn Lục), nhân một đêm Trung Thu đang ngắm trăng vua Đường Minh Hoàng muốn lên cung Trăng chơi (Đường Minh Hoàng du nguyệt điện).  Đạo sĩ La Công Viễn (có sách chép là Diệp Pháp Thiện) là người có phép Tiên mới biến một dãi lụa trắng thành một chiếc cầu đưa nhà vua lên cung Trăng.  Tại Nguyệt điện, Đường Minh Hoàng thấy các tiên nữ múa hát cảm thấy say mê mà quên về nhưng nhà Đạo sĩ La Công Viễn nhắc nên vua mới trở về trần thế.

Nhờ ghi nhớ nên Đường Minh Hoàng chế ra khúc "Nghê thường vũ y" để tập cung nữ múa hát.  Rồi cứ mỗi đêm Trung Thu sau đó Đường Minh Hoàng cùng với Dương Quí Phi uống rượu dưới trăng ngắm đoàn cung nữ xiêm y rực rỡ uyển chuyển múa hát khúc Ngê thường để tưởng như đang sống ở cung Trăng (Nguyệt điện).

Truyền thuyết này có tính cách thần thoại.  

 

Sách Đường Thư chép:

Đường Minh Hoàng lên chơi nguyệt điện thấy các tiên nữ mặc áo cánh chim xiêm y ngũ sắc múa hát bài "Tây Thiên điệu khúc", đến khi trở về trần chỉ còn nhớ mang máng.  Nhằm lúc có Tiết độ sứ đất Tây Lương là Trương Kính Thuật từ đó trở về triều đem 1 khúc hát Bà La Môn đến hiến cho Đường Minh Hoàng.  Vua mới truyền đem san định lại và đổi tên là khúc "Nghê Thường Vũ Y".

Tài liệu này có phần đúng với thực tế hơn.

       Nghê là "cầu vồng" (tiếng miền Nam là "cái móng") do ánh nắng xuyên qua hơi nước trong mây mà phản chiếu thành bảy màu.  Sách Trung Hoa ngày xưa chỉ nhận định được có năm màu (ngũ sắc).

      Thường là "xiêm" để che hạ thân của người.

      Nghê Thường có nghĩa là xiêm có năm màu.

      Vũ Y là áo dệt bằng lông chim; hay có thể hiểu là kiểu áo theo hình cánh chim.

Ta có thể tưởng tượng rằng Nghê Thường vũ y là những vũ nữ mặc áo hình cánh chim còn quần thì phất phới ngũ sắc.

Tây Lương là ở phía cực Tây Bắc của Trung Quốc lúc bấy giờ giáp giới với Tây Vực (vùng Tân Cương bây giờ).  Tây Vực là con đường "Tơ lụa" (Silk road) mà người Trung Quốc sang Ấn Độ và các nước Trung Á.  Bà La Môn là người Ấn Độ.  Như vậy khúc hát Bà La Môn, tiền thân của khúc Nghê Thường Vũ Y, là của người Ấn Độ.

 

Thơ nước Việt có ghi:

 

VỊNH HẰNG NGA

Hỡi chị Hằng Nga náu Quảng Hàn
Bốn mùa trăng gió mấy giang san
Áo tiên tuy nhuộm màu Vương Mẫu
Hương tục còn nồng lửa Hậu Lang
Mắt phượng nhớ say mùi ngọc thố

Cung Nghê sao thẹn khúc cầm loan
Nẻo không duyên nợ người cùng thế
Xin chớ dầm mình nước hợp hoan.

(Hồ Xuân Hương)

*

Từ những Chuyện như trên có những từ ngữ dùng cho Trăng (Mặt Trăng) hay Nguyệt.

{Hán ngữ} - {Việt ngữ}

Nguyệt  (Trăng, Mặt Trăng, Gương Trăng)

Nguyệt Cung  (Cung Trăng)

Nguyệt Điện

Quảng Hàn Cung, Quảng Cung (Cung Quảng Hàn, Cung Quảng)

Quế Cung   (Cung Quế)

Thiềm Cung   (Cung Thiềm)

Nghê Cung     (Cung Nghê)

Thố, Ngọc Thố, Bạch Thố  (Thỏ, Thỏ Ngọc, Thỏ Trắng

Hằng Nga, Thường Nga  (Chị Hằng)     Gương Nga, Bóng Nga

Chiếc Bích và Vành Cung

 

Thơ của Hồ Xuân Hương có 2 câu nhắc thêm sự tích liên quan tới Mặt Trăng:

 

Giữa in chiếc bích khuôn còn méo

Ngoài khép đôi cung cánh vẫn khòm.

 

Chiếc bích = chiếc ngọc bích hình tròn có lỗ ở giữa.  Mặt Trăng "Tròn" (trong những Ngày Rằm) còn được gọi là Bích Nguyệt.

Đường cong của Mặt Trăng thường được ví như tráng sĩ giương cây cung.  Do đó Nguyệt Cung hay Cung Trăng là từ "Cung Quảng Hàn" nhưng từ ngữ "Cung" có thể cũng có từ sự tích này. 

 

Đây là nguyên văn bài thơ có 2 câu thơ như trên:

 

HỎI TRĂNG 

Một trái trăng thu chín mõm mòm
Nảy vừng
quế đỏ đỏ lòm lom!
Giữa in
chiếc bích khuôn còn méo
Ngoài khép đôi
cung cánh vẫn khòm
Ghét mặt kẻ trần đua xói móc
Ngứa gan
thằng Cuội đứng lom khom
Hỡi người
bẻ quế rằng ai đó
Đó có
Hằng Nga ghé mắt dòm.

(Hồ Xuân Hương)

 

 Như vậy, Con người ở thế gian nhìn lên Mặt Trăng (Trăng) thì còn thấy giống như hình thể:

       1. Chiếc bích (= chiếc ngọc bích hình tròn có lỗ ở giữa) nhất là trong những Ngày Rằm.  Mặt Trăng "Tròn" (trong những Ngày Rằm) còn được gọi là Bích Nguyệt.

       2. Vành cung của cây cung đang được xạ thủ giương lên. 

Tổng kết

 

Đây là bài thơ kết luận những danh tánh của Trăng (Mặt Trăng) từ những câu chuyện thần thoại của người Trung Hoa và người Việt.

 

TRĂNG 

Mặt Trăng thần thoại thú văn chương

Chiếc bích Trăng rằm Ngọc thố trương

Cung Quế liên quan hình Quế phách

Cung Nghê liên hệ vũ Nghê thường

Cung Thiềm con cóc ngồi ba cẳng

Cung Quảng Hằng Nga ẩn một phương

Trăng khuyết vành cung phô Nguyệt ảnh 

Cây Đa thằng Cuội gợi niềm thương. 

(Phan Thượng Hải)

10/2/23 

 

*

Theo tôn thờ của Đạo Giáo, trên Trăng còn có thêm một Tiên nữ khác là Tố Nga, ngoài Hẳng Nga và Trăng là một tinh tú của Thái Âm Tinh Quân.

 

Tây Du Ký của Đạo Giáo Trung Hoa viết:

Khi ấy Hộ Quốc Thiên vương nghe kêu, liền dẫn Tứ Ngươn soái (Bàng Ngươn soái, Lưu Ngươn soái, Tuân Ngươn soái, Tất Ngươn soái) đem binh cản lại.  Con tinh đi tới không đặng, tức mình trở lại đánh liều mạng với Hành Giả.  Tôn Hành Giả coi lại thấy đoản côn của con yêu, một đầu lớn một đầu nhỏ, coi như cái chày đâm thuốc.  Con tinh nghiến răng trẹo trẹo mà nói rằng: "Ngươi không biết binh khí của ta, hãy nghe cho rõ, vốn nó bằng ngọc, ở tại thiềm cung, quết thuốc trường sanh; không biết mấy ngàn năm mà kể, có sợ chi thiết bảng của ngươi, đánh nhằm một chày thì hồn về chín suối".  

Còn Tôn Hành Giả ráng sức bình sanh, đánh con yêu ấy trở tay không kịp, nó và đánh và thối lui cho tới trời tối.  Xảy nghe trên mây có tiếng kêu lớn: "Đại Thánh khoan đánh đã".  Tôn Hành Giả ngó ngoái lên, thấy Thái Âm Tinh Quân (là Nguyệt Quang Hoàng hậu, Bà Trăng) đi với Hằng Nga Tiên nữ, đã bay xuống trước mặt.  Thái Âm Tinh Quân nói: "Con yêu đánh với ngươi đó, là con Ngọc Thố của ta, nó thuở nay ở tại cung Quảng Hàn đâm thuốc huyền sương là trường sanh dược.  Bởi nó ăn cắp chìa khóa mở cửa cung mà trốn, đã một năm nay.  Ta đánh tay biết bữa nay nó bị nạn mà chết, nên xuống đây cứu nó.  Xin Đại Thánh vị mặt ta, tha nó làm ơn".  Tôn hành Giả nói rằng: "Bởi bà không rõ, ngỡ nó là hiền, chớ nó xuống phàm bắt Công chúa nước Thiên Trúc mà hưởng phú quí, nay nó gieo cầu nhằm thầy tôi, quyết chấm làm phò mã, thiệt là hai ba án không thể thứ tay".  Thái Âm Tinh Quân nói: "Đại Thánh không rõ chớ Công chúa không phải người phàm, nguyên trước là Tố Nga ở tại cung Quảng Hàn; cách 20 năm trước có đánh Ngọc Thố một vã.  Sau lại sanh tâm muốn việc trần tục, mới lén xuống đầu thai làm Công chúa nước Thiên Trúc.  Còn Ngọc Thố oán Tố Nga vã nó một cái, nên sau lén xuống báo cừu, mới bắt Tố Nga quăng ra ngoài đồng cho bỏ ghét, rồi hiện hình ở thế trong cung, tội ấy đáng giết.  Song sanh sự chấm Đường tăng làm phò mã, tội ấy không dung.  Tuy vậy mà chưa động chạm tới Đường tăng, xin Đại Thánh vị tình ta mà tha tội cho nó, ta sẽ đem nó về cung Quảng Hàn.

Thái Âm Tinh Quân liền chỉ con yêu mà nạt rằng: "Sao ngươi chưa hiện nguyên hình, còn đợi chừng nào nữa".  Con yêu ấy liền nhào xuống, hiện nguyên hình là con thỏ ngọc, lông trắng như sương.  Thái Âm Tinh Quân lấy dây cột cổ nó mà dắt.

 

Như vậy Cung Quảng Hàn của Trăng có Thái Âm Tinh Quân là chủ; có 2 Tiên nữ là Hằng Nga và Tố Nga; và có Ngọc Thố (con Thỏ ngọc) có lông màu trắng với phận sự giả thuốc trường sanh.   


 

Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền

 

Bài này đăng lần đầu tiên trong phanthuonghai.com mục Văn Hóa phần Tôn Giáo và Triết Học. 

 

Tài liệu tham khảo:

1) Google Wikipedia

2) Google Thi Viện Net

3) Tây Du Ký


 

Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền

THANH BÌNH ĐIỆU CỦA LÝ BẠCH

(Bs Phan Thượng Hải)

 

Thanh Bình Điệu: là một điệu hát đời xưa.  

Năm Khai Nguyên đời Đường trong cung mở hội hoa mẫu đơn, vua Đường Minh Hoàng (Huyền Tông) và Dương Quí phi ra xem hoa.  Vua bảo rằng: Đối với phi tử thường phải là danh hoa, sao lại dùng những lời hát cũ.  Vua bèn sai nhạc công là Lý Qui Niên cầm Kim hoa bài đi triệu Lý Bạch.  Lúc ấy Lý Bạch đang say rượu, được chỉ vua đòi, đến cầm bút viết 3 bài nầy gọi là Thanh Bình Điệu dâng cho vua.

 

THANH BÌNH ĐIỆU

Vân tưởng y thường hoa tưởng dung

Xuân phong phất hạm lộ hoa nồng

Nhược phi Quần ngọc sơn đầu kiến

Hội hướng dao đài nguyệt hạ phùng

 

Nhất chi hồng diễm lộ ngưng hương

Vân vũ Vu Sơn uổng đoạn trường

Tá vấn Hán cung thùy đắc tự

Khả liên Phi Yến ỷ tân trang

 

Danh hoa khuynh quốc lưỡng tương hoan

Thường đắc quân vương đái tiếu khan

Giải thức xuân phong vô hạn hận

Trầm hương đình bắc ỷ lan can.

(Lý Bạch)

 

         THANH BÌNH ĐIỆU

         Mây tưởng áo xiêm hoa tưởng mặt

         Được gió xuân khí chất tốt bừng

         Trên Quần ngọc đã thấy chăng

         Hoặc dao đài gặp dưới trăng ngày nào

 

         Một cành đỏ tốt hương một khối

         Buồn mây mưa trên núi Vu Sơn

         Hỏi Hán cung đã ai hơn

         Tân trang Phi Yến mới toan sánh cùng

 

         Khuynh quốc với danh hoa vừa thích

         Đấng quân vương khúc khích vui cười

         Gió xuân xót nỗi bùi ngùi

         Trầm hương đình bắc dựa ngoài lan can.

         (Trần Trọng Kim dịch)

 

Chú Thích:

Quần Ngọc sơn: là núi Tây Vương Mẫu ở.  Tây Vương Mẫu là lãnh tụ của những Tiên Nữ.

Dao Đài: là đền Ngọc Dao, chỗ thần tiên ở. 

Phi Yến là Triệu Phi Yến, hoàng hậu của Hán Thành Đế của nhà Đông Hán.  Bà là một mỹ nhân nổi tiếng của nhà Hán sánh với Vương Chiêu Quân.  Triệu Phi Yến và em là Triệu Chiêu nghi đều lấy Hán Thành Đế và xuất thân là ca kỹ.  

Vu Sơn: là núi thuộc dãy núi Ba Sơn của tỉnh Tứ Xuyên nằm bên bờ sông Trường Giang.  

Vu Sơn thuộc Quỳ châu, tỉnh Tứ Xuyên.

Trong bài phú Cao Đường của Tống Ngọc thời Chiến Quốc có nói rằng: Vua Tương Vương nước Sở cùng với Tống Ngọc đi chơi ở đầm Vân Mộng trông thấy ở trên đền Cao Đường có nhiều vân khí.  Vua hỏi Tống Ngọc rằng vân khí là gì?  Tống Ngọc nói đó là triêu vân.  Thế nào là triêu văn? - Ngày xưa tiên vương lên chơi ở Cao Đường, rồi mệt đi ngủ, nằm mộng thấy một người thiếu nữ đến nói rằng: Thiếp là con gái ở Vu Sơn làm người khách ở Cao Đường, nghe ngài về chơi ở đây, xin dâng gối và chiếu.  Vua bèn cùng người ấy giao hoan.  Đến lúc đi, người thiếu nữ ấy nói với vua rằng: Thiếp ở phía Nam núi Vu Sơn, trên đá Cao Khâu, buổi sớm làm mây, buổi chiều làm mưa; sớm chiều ở dưới Dương Đài.  Cao Khâu còn gọi là Cao Đô Sơn.  

Do chuyện ấy mà người đời sau gọi chỗ trai gái hoan hợp với nhau là Vu Sơn, là Cao Đường, là Dương Đài và gọi sự hoan hợp là mây mưa (vân vũ). 

 

Lý Bạch còn có thêm 2 bài thơ về Vu Sơn và chuyện mây mưa:

 

TÚC VU SƠN HẠ

Tạc dạ Vu Sơn hạ

Viên thanh mộng lý trường

Đào hoa phi lục thủy

Tam nguyệt há Cù Đường

Vũ sắc phong xuy khứ

Nam hành phất Sở vương

Cao Khâu hoài Tống Ngọc

Phỏng cổ nhất triêm thường.

(Lý Bạch)

 

         NGHỈ ĐÊM DƯỚI NÚI VU SƠN

         Đêm ngủ dưới Vu Sơn

         Vượn hú mộng chập chờn

         Cù Đường tháng ba đẹp

         Suối lục hoa đào vờn

         Gió thổi mưa về Nam

         Phẩy ướt áo vua Sở

         Cao Khâu nhớ Tống Ngọc

         Khóc chuyện xưa dang dở.

         (Phan Lang dịch)

 

Cù Đường: 1 trong 3 giáp của Trường giang (chảy qua) là Cù Đường giáp (Quỳ giáp), Vu giáp và Tây Lăng giáp.  Giáp=hẽm núi.  Khi đi du ngoạn sông Trường Giang thì qua 3 giáp này. 

 

TƯƠNG DƯƠNG CA

.........

Tương vương vân vũ kim an tại

Giang thủy đông lưu viên hạ thanh

(Lý Bạch)

 

         BÀI CA TƯƠNG DƯƠNG

         ........

         Tương vương mây mưa giờ đâu nhỉ?

         Sông chảy về Đông, tiếng vượn buồn.

         (Ngô Văn Phú dịch)

 

Từ những bài thơ trên, văn học Việt Nam có thêm những câu thơ:

 

         Bâng khuâng đỉnh Giáp non thần

         Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng

         (Đoạn Trường Tân Thanh)

 

         Mây mưa đánh đổ đá vàng

         Quá chiều nên đã chán chường yến anh

         (Đoạn Trường Tân Thanh) 

 

Ba bài Thanh Bình Điệu của Lý Bạch bao gồm tất cả đặc tính của một sắc đẹp tuyệt vời: đẹp như tiên (giáng trần), đẹp như hoa, khuynh quốc (và dĩ nhiên khuynh thành), rất quyến rũ (với nhục dục của người đàn ông) và có tình (của vua) yêu mến. 

Như vậy người đọc kỹ bài thơ mới thấy Lý Bạch rất cẩn thận suy nghĩ khi làm bài Thanh Bình Điệu này vì ông vướng vào tình thế khó khăn "bút sa gà chết".  Tuy biết rằng "xuất khẩu thành thi" nhưng cũng phải "uốn lưỡi bảy lần".  Ông dùng ngôn ngữ bậy thì có thể bị vua làm tội hay mất đầu?  Dã sử viết rằng ông bắt Cao Lực sĩ phải cởi giày rồi mài mực cho ông viết.  Tất cả những điều này chỉ là Lý Bạch câu giờ để suy nghĩ chín chắn bài thơ của mình.  Ông còn làm 3 bài Đường Luật Tứ Tuyệt thay vì 1 bài ĐL Bát Cú để khỏi phải suy nghĩ về Đối và khỏi phải bó buộc theo bố cục.  Lý Bạch "ngà ngà" nhưng chưa thật sự "túy lúy"?

  

Thi văn Việt Nam cũng cố tả như vậy:

 

         Tài hoa quốc sắc khuynh thành

         Cầm kỳ thi tửu đủ vành trần duyên

         Người tao nhã khách thuyền quyên

         Phong hoa tuyết nguyệt là tiên trên đời

         (Bích Câu Kỳ Ngộ)

 

         Làn thu thủy nét xuân sơn

         Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh

         Một hai nghiêng nước nghiêng thành

         Sắc đành đòi một tài đành họa hai

         (Đoạn Trường Tân Thanh)

 

         Áng đào kiển đâm bông não chúng

         Khóe thu ba dợn sóng khuynh thành

         Bóng gương lấp loáng bên mành

         Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa

         (Cung Oán Ngâm Khúc)

 

Chuyện tình của Đường Minh Hoàng (Đường Huyền Tông) và Dương Quý Phi không tốt.  

       Năm 733, Dương Ngọc Hoàn, 14 tuổi, (sau này là Dương Quý Phi của Đường Huyền Tông) lấy Thọ Vương tên là Lý Mạo.  Thọ Vương Lý Mạo là con trai của Đường Huyền Tông Lý Long Cơ.  

       Năm 740, Dương Ngọc Hoàn được đem vào cung vua làm Đạo sĩ hiệu là Thái Chân.  

       Năm 745, Thọ Vương lấy một vợ khác là Vi thị và Dương Thái Chân trở thành Phi của Đường Huyền Tông (thành Dương Quý Phi).  Như vậy Đường Huyền Tông (Minh Hoàng) lấy vợ của con mình là Quý Phi Dương Ngọc Hoàn!

 

Lịch sử cũng không tốt đẹp sau bài thơ:

       Lý Bạch so sánh sắc đẹp của Dương Quý Phi, còn đẹp hơn Triệu Phi Yến, hoàng hậu của Hán Thành Đế.  Tuy nhiên cuộc đời của bà Triệu Phi Yến và nhất là em của bà là Triệu Chiêu nghi (đều là vợ của Hán Thành Đế) không tốt: xuất thân là ca kỹ và làm nhiều điều bậy bạ trong cung vua.  Do đó Dương Quý Phi và thuộc hạ đều ghét Lý Bạch qua bài thơ này.  Đường hoạn lộ của ông rất lận đận sau bài thơ này.

       Lý Bạch tả sắc đẹp "khuynh quốc" của Dương Quý Phi như là một "khẩu khí".  Sau này, An Lộc Sơn nổi loạn "khuynh quốc", chiếm kinh đô Tràng An.  Sử gia cho rằng sắc đẹp của Dương Quý Phi cũng là 1 trong những nguyên nhân của Loạn An Lộc Sơn.  Đường Huyền Tông phải chạy vào đất Thục.  Vì quân đội nổi loạn đòi giết Dương Quý Phi mới chịu đánh giặc nên Đường Huyền Tông (Minh Hoàng) phải ra lệnh cho Cao Lực sĩ thắt cổ bà chết (ở Mã Ngôi).  Dương Quý Phi thọ 38 tuổi. 

 

Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn 

PTH_TonThoTuong.JPG

 Bút chiến giữa Tôn Thọ Tường và Phan Văn Trị

                    (Bs Phan Thượng Hải)

                     Tôn Thọ Tường              Phan Văn Trị  

 

Sau khi Pháp chiếm 6 tỉnh Nam Kỳ, một số nhỏ sĩ phu ra làm quan với Pháp như ông Tôn Thọ Tường (1825-1877). Những người khác không thích như ông Phan Văn Trị (1830-1910).  Do đó mới có những “bút chiến” giữa hai bên.  

Dưới đây là bút chiến nổi danh giữ 2 ông Tôn Thọ Tường và Phan Văn Trị mượn những chuyện trong Tam Quốc Chí bên Tàu.

 

* Chuyện Tôn Phu Nhơn qui Hớn:

         Dòng dõi nhà Hớn (Hán) là Lưu Bị làm Chúa của đất Kinh Châu (tỉnh Hồ Bắc và Hồ Nam bây giờ).  Tôn Quyền là Chúa của nước Đông Ngô, phía đông của Kinh Châu (miền duyên hải phía đông nam của hạ lưu sông Trường Giang thường gọi là Giang Đông hay Giang Tả) với kinh đô là Mạt Lăng (thuộc Nam Kinh bây giờ).  Theo kế của Đô Đốc Chu Du (tự là Công Cẩn), Tôn Quyền dụ Lưu Bị (vừa mới góa vợ) qua nước Ngô để gả em gái (cùng cha khác mẹ) là “Tôn Phu Nhơn” (không biết tên gì và chưa hề có chồng) để giết đi.  (Mẹ ruột của Tôn Phu Nhơn gọi là Ngô Quốc Thái lại là em ruột của người mẹ quá cố của Tôn Quyền, hai chị em là vợ của cha Tôn Quyền là Tôn Kiên).  

         Khi Lưu Bị qua thì bà Ngô Quốc Thái thấy “tướng tốt” quá nên cho cưới con gái mình và giữ ở nước Ngô.  Lúc đó Lưu Bị cũng trên dưới 55 tuổi, còn bà Tôn Phu Nhơn chừng 20 tuổi!  Chuyện “lộng giả thành chơn” nên Tôn Quyền không làm gì được chỉ còn cách yến tiệc tối ngày để cầm chân Lưu Bị ở lại nước Ngô.  Vài tháng sau Lưu Bị yêu cầu Tôn Phu Nhơn bỏ anh và Đông Ngô theo mình về Kinh Châu thì bà đồng ý.  Hai người được Tướng Triệu Tử Long phò tá, dùng kế của Khổng Minh và trốn về được.  

 

Ông Tôn Thọ Tường theo Pháp tự ví mình như “Tôn Phu Nhơn qui Hớn”.  Ông Phan Văn Trị làm thơ họa để phê bình và chỉ trích:

 

TÔN PHU NHƠN QUY HỚN (Nguyên bản)

Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng

Ngàn năm rạng tiết gái Giang Đông

Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc

Về Hớn trao tria mảnh má hồng

Son phấn thà cam dày gió bụi

Đá vàng chi để thẹn non sông

Ai về nhắn với Châu Công Cẩn

Thà mất lòng anh đặng bụng chồng.

(Tôn Thọ Tường)

 

TÔN PHU NHƠN QUY THỤC (Họa)

Cài trâm sửa áo vẹn câu tòng

Mặt giã trời chiều biệt cõi đông

Ngút tỏa trời Ngô un sắc trắng

Duyên về đất Thục đượm màu hồng

Hai vai tơ tóc bền trời đất

Một gánh cang thường nặng núi sông

Anh hỡi Tôn Quyền anh có biết

Trai ngay thờ chúa gái thờ chồng.

(Phan Văn Trị)

 

Có những chi tiết không đúng hay không biết trong 2 bài thơ:

         Lúc đó Lưu Bị chưa vào đất Thục (tỉnh Tứ Xuyên bây giờ) và chưa lập nên nước Thục, do đó phải nói là “Tôn Phu Nhơn qui Hớn” thì mới đúng.  Dùng tựa “Tôn Phu Nhơn qui Thục” như ông Dương Quảng Hàm trong Việt Nam Văn Học Sử Yếu và câu thơ “Duyên về đất Thục đượm màu hồng” của ông Phan Văn Trị đều là không đúng với truyện Tam Quốc.

         Hai ông Tôn Thọ Tường và Phan Văn Trị quên là vài năm sau đó, Lưu Bị vào đất Thục.  Bà Tôn Phu Nhơn không theo vào Thục mà lấy cớ mẹ mình bệnh, bỏ Kinh Châu về Ngô và không trở lại!  

 

* Chuyện Từ Thứ qui Tào:

         Trong Tam Quốc Chí, câu chuyện “Từ Thứ qui Tào” xảy ra trước câu chuyện “Tôn Phu Nhơn qui Hớn”.  Khi Lưu Bị còn lận đận nương nhờ người anh họ là Lưu Biểu, làm chúa Kinh Châu lúc bấy giờ và đóng quân ở Tân Dã, gần thành Tương Dương (ở miền bắc Kinh Châu) thì có được một mưu sĩ giỏi là Từ Thứ (tự là Nguyên Trực).  Ngụy Vương Tào Tháo lúc đó đang cầm quyền khống chế vua bù nhìn nhà Hán ở kinh đô Hứa Xương (thuộc tỉnh Hà Nam bây giờ), bắt mẹ của Từ Thứ và bảo bà phải dụ Từ Thứ bỏ Lưu Bị về theo với mình.  Bà mẹ (Từ mẫu) không chịu.  Tào Tháo giả giống tuồng chữ của Bà viết thơ cho Từ Thức để dụ hàng.  Từ Thứ tin thiệt (là thơ của mẹ mình) nên phải vâng lời và từ giả Lưu Bị mà về với Tào Tháo.  Trước khi đi ông nói là sẽ không hết lòng giúp Tào và tiến cử Khổng Minh cho Lưu Bị.  Khi ông về với Tào Tháo thì Từ mẫu mắng con và tự tử chết.

 

Ông Tôn Thọ Tường theo Pháp tự ví mình như “Từ Thứ qui Tào”.   Ông Phan Văn Trị làm thơ họa để phê bình và chỉ trích.

 

TỪ THỨ QUY TÀO (Nguyên bản)

Thảo đâu dám sánh kẻ cày voi

Muối xát lòng ai nấy mặn mòi

Giúp Hớn hãy nhiều trang cột cả

Về Tào chi sá một cây còi

Bâng khuâng nhớ mẹ khôn nâng chén

Bát ngát thương vua biếng giở roi

Chẳng đặng khôn Lưu thà dạy Ngụy (*)

Thân nầy chi sá ngoại vòng thoi.

(Tôn Thọ Tường) 

 

TỪ THỨ QUI TÀO (Họa)

Quá bị trên đầu nhát búa voi

Kinh luân đâu nữa để khoe mòi

Xăn văn ruổi Ngụy mây ùm đám (*)

Dáo dát xa Lưu gió thổi còi

Đất Hứa nhớ thân sa giọt tủi (*)

Thành Tương mến chúa nhẹ tay roi (*)

Về Tào miệng ngậm như bình kín

Trân trọng lời vàng đáng mấy thoi.

(Phan Văm Trị)

 

(*) Chú thích:

         Lưu là Lưu Bị. Tào là Tào Tháo. Ngụy là Ngụy vương Tào Tháo.

         Hứa là Hứa Xương.  Tương là Tương Dương.

 

Có chi tiết cần biết thêm:

         Hai ông Tôn Thọ Tường và Phan Văn Trị cũng không biết là một thời gian ngắn sau đó khi Tào Tháo đánh trận Xích Bích, Từ Thứ biết là quân Ngụy (của Tào Tháo) sẽ thua nên xin đi trấn nhậm ở Tây Lương (vùng biên giới xa xôi thuộc tỉnh Cam Túc, tiếp giáp với Tây Vực, Tây Vực là Tân Cương bây giờ), không phụng sự gần Tào Tháo nữa. 

 

Ông Tôn Thọ Tường cố tình dùng vần “voi, mòi, còi, roi. thoi” vì biết là rất khó họa.  Thi sĩ về sau quen gọi là “Vận Từ Thứ”, gần như là một loại Tử Vận.  Tuy nhiên ông Phan Văn Trị làm đến 3 bài họa: bài 1 cùng tựa đề và 2 bài sau khác tựa đề nhưng cả 3 cùng một ý.  Ông mở đầu cách họa thơ rộng rãi, không cần giống tựa đề.

 

HÁT BỘI (Họa 2)

Đứa mắc ghẻ ruồi đứa lác voi

Bao nhiêu xiêm áo cũng trơ mòi

Người trung mặt đỏ đôi tròng bạc

Đứa nịnh râu đen mấy sợi còi

Trên trính có nhà còn lợp lọng

Dưới chân không ngựa lại giơ roi

Hèn chi chúng nói bội là bạc

Bôi mặt đánh nhau cú lại thoi.

(Phan Văn Trị)

 

ĐỒN LÍNH TRONG LÀNG (Họa 3)

Quan truyền tập thú tại mô Voi

Lòng nhắm chỗ mi đã phát mòi

Sớm đón ghe lên xin quít núm

Chiều ngăn thuyền xuống kiếm đưa còi

Tả biên nghiêm chỉnh chiêng cùng trống

Hữu dực phò trì giáo với roi

Dọa hẩm đàn bà nên quá giỏi

Nghe hơi ăn cướp chạy dường thoi.

(Phan Văn Trị) 

 

Dùng hai bài thơ họa sau, ông Phan Văn Trị tỏ ý chê bai những người ra làm quan hay lính cho Pháp.

 

*

Tử vận làm cho bài thơ không những khó họa còn làm câu thơ bớt hoa mỹ.  Thi sĩ Nam Kỳ Đông Hồ có trích một người Nam Kỳ đổi bài thơ của ông Tôn Thọ Tường bằng tử vận khác:

(Sửa bản)                                                 (Nguyên bản = Từ Thứ quy Tào)

Thảo đâu dám sánh kẻ cày mèo (*)                 Thảo đâu dám sánh kẻ cày voi

Muối xát lòng ai nấy mặn queo                      Muối xát lòng ai nấy mặn mòi

Ở Hán còn nhiều trang cột cả                        Ở Hán còn nhiều trang cột cả

Về Tào chi sá một cây đèo                             Về Tào chi sá một cây còi

Bâng khuâng nhớ mẹ khôn nâng nưng chén     Bâng khuâng nhớ mẹ khôn nưng chén

Bịn rịn vì vua biếng dở hèo                           Bịn rịn vì vua biếng dở roi

Chẳng được khôn Lưu thà dại Ngụy                Chẳng được khôn Lưu thà dại Ngụy

Thân nầy gác để ngoại chuồng heo. (*)             Thân nầy gác để ngoại vòng thoi.

(Vô Danh thị)                                                    (Tôn Thọ Tường)

(*) Chú thích:

         Bài thơ tả người chồng có “mèo”.

         Từ câu: 1 vợ ngủ (nằm) giường Lèo, 2 vợ ngủ (nằm) chèo queo, 3 vợ ngủ (nằm) chuồng heo.  (Tục ngữ)

 

 

Trong thời đại phong phú của chữ Quốc Ngữ, có người còn sửa vận của bài giới thiệu Truyện Kiều rất nổi danh của ông Phạm Quý Thích là “Đoạn Trường Tân Thanh Đề Từ”, đổi từ đề tài "Sắc" ra “Phiến” (Thuốc phiện = Opium).  Đây là bài thơ từ ông Đông Hồ:

 

(Sửa bản)                                                (Nguyên bản = Đoạn Trường Tân Thanh Đề Từ)

Giai nhân bất thị đáo bàn đèn                    Giai nhân bất thị đáo Tiền Đường              

Bán thế yêu hoa trái vị ghiền                     Bán thế yên hoa trái vị thường                   

Ngọc diện khởi ưng mai vị móc (*)             Ngọc diện khởi ưng mai thủy quốc            

Băng tâm tự khả đối kim tiên (*)                Băng tâm tự khả đối Kim Lang                  

Đoạn trường mộng lý căn duyên xái (*)      Đoạn Trường mộng lý căn do liễu             

Bạc mệnh cầm chung oán hận tiền            Bạc mệnh cầm chung oán hận trường         

Nhất phiến tài tình thiên cổ lọ                   Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy                   

Tân thanh đáo để vị thùy yên.                    Tân Thanh đáo để vị thùy thương.             

(Vô  Danh thị / bản chữ Quốc Ngữ)             (Phạm Quý Thích / bản chữ Hán)                 

 

(*) Chú thích:

         Móc: ý chỉ ống hút.  Tiên là Phù Dung Tiên nữ (ám chỉ thuốc phiện).  

         Xái = bã thuốc phiện sau khi hút rồi; người ghiền không có tiền mua thuốc phiện phải hút “xái”.  

         “Bàn đèn”, “Móc”, “Xái” và “Lọ” là những danh từ về Hút thuốc phiện. 

 

 

Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn

 

Bài này là trích đoạn trong bài "Thơ và Sử Việt - Thời Pháp Thuộc Thế kỷ 1 ̣" (Bs Phan Thượng Hải) đăng lần đầu trong phanthuonghai.com

 

 

 

 

  THƠ VÀ SỬ VIỆT - ANH HÙNG VIỄN DU

 

                                        Bs Phan Thượng Hải biên soạn


Thơ và Sử Việt có ghi lại 2 vị anh hùng viễn du vì đất nước.  Đó là ông Bùi Viện và ông Nguyễn Quang Diêu.


Bùi Viện

 

Vua Tự Đức và triều đình lại dùng ông Bùi Viện (1839-1878) đi sang Mỹ để xin cầu viện.  Ông Bùi Viện là người Nam Định, đậu Cử Nhân năm 1868, nguyên là một người giỏi về hải quân.  Ông vừa xây dựng xong cảng Hải Phòng và lập Tuần Dương Quân gồm có 200 chiến thuyền và 2000 (hải) quân.

 

Theo "Đất Việt Trời Nam" của Thái Văn Kiểm, ông Bùi Viện được vua Tự Đức cử ra ngoại quốc để tìm các cường quốc khác cầu cứu.  

Năm 1873, ông Bùi Viện đi tàu tới Hương Cảng giao du với các yếu nhân Trung Quốc.  Ông sáng suốt thấy là chỉ có nước Hoa Kỳ là có thể nhờ được và không hy vọng vào các nước Âu Châu (đều có chính sách thuộc địa).  

PTH_BuiVien_Grant.JPG

Được sự chỉ dẫn và giúp đỡ của Lãnh sự Hoa Kỳ tại Hương Cảng (Hongkong), ông Bùi Viện đáp tàu đi Hoành Tân (Yokohama) rồi vượt Thái Bình Dương sang Cựu Kim Sơn (San Francisco).  Từ Cựu Kim Sơn theo đường xe lửa, ông tới thủ đô Hoa Thịnh Đốn (Washington DC).  Sau một thời gian chờ đợi, ông Bùi Viện gặp được Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Ulysse S. Grant.  Tổng thống Grant từ chối không giúp được (về quân sự hay ngoại giao) vì ông Bùi Viện không có quốc thư chính thức của nước Việt Nam.  Ông Bùi Viện đành theo đường cũ trở về nước Việt.  

 

Khi trở về qua Hoành Tân, ông gặp người bạn cũ là quan Lãnh sự Hoa Kỳ tại Hương Cảng năm trước.  Ông có làm thơ từ giả xướng họa với mẹ của ông nầy vì bà là một người gốc Tàu.

 

(Xướng)

Ly chước Hoành Tân cửu nguyệt thu        Tháng chín Hoành Tân nhấp chén chơi

Nam vân hồi thủ chính du du                     Trời Nam ngoảnh lại dạ khôn nguôi

Ba đào mộng tỉnh sinh tân hứng                 Ba đào hứng mới tan hồn mộng

Thủy thổ hoài thâm ức cựu du                    Đất nước tình xưa tít dậm khơi

Ca vũ tăng đài kim hải quốc                        Lầu các coi chừng nay đổi mới

Phồn hoa nhân vật cổ bồng châu                 Bồng hồ riêng thú đã bao đời

Vi hoan tự tích hoàn vi biệt                         Vui vầy ngại nỗi khi chia rẽ

Tiên lữ hà niên cộng phiếm chu.                 Thuyền đó bây giờ lại thả bơi.

(Bùi Viện)                                                    (Phan Trần Chúc dịch)

 

(Họa)

Hoành kiều liễu sắc tiệm ly thu                   Sắc liễu cầu Hoành sắp hết thu (*)

Ác thủ phân trình vạn lý du                         Cầm tay chia ngả dậm xa sầu

Cựu ước Hoa thành ưng viễn phỏng            Hoa thành ước cũ nên thăm hỏi (*)

Kỳ phùng tiên đảo cánh huề du.                  Tiên đảo tình nay hết bạn bầu

Nguyệt lương khách ý phi tam nhật.            Ý khách vẩn vơ từ mấy độ

Hồ hải quân tâm hữu tứ châu.                      Lòng người man mác đã bao lâu

Liệu đắc minh triêu tương ức xứ                  Sáng mai nhớ chỗ xa nhau nhỉ

Trùng dương vân thủy các cô chu.               Riêng lá thuyền con vượt bể sâu.

(Mẹ của quan Lãnh sự)                                 (Phan Trần Chúc dịch)

 

(*) Chú thích:

Cầu Hoành là cầu ở Hoành Tân (Yokohama) của Nhật Bản. 

Hoa thành là Hoa Thịnh Đốn (Washington DC), thủ đô của Hoa Kỳ.


 

Có thuyết cho rằng ông Bùi Viện đi lần thứ nhì (cuối năm 1875) với quốc thư chính thức của vua Tự Đức và triều đình nhưng bấy giờ Mỹ lại thân với Pháp nên lại bị từ chối nên ông phải trở về nước (1877). 

 

Ông Bùi Viện cư tang mẹ và qua đời vào năm 1878.  Vua Tự Đức có lời khen

Trẫm ư tử, vị hữu thân ân nghĩa.  Tử nãi vị quốc an, nãi bảo gia an.  Thâm đồ viễn lự, quỷ thần đương diệc giám chi.

Dịch: 

Trẫm với người chưa có ân nghĩa gì.  Mà (người) đã coi việc nước như việc nhà.  Thân không quản xa xôi lo lắng, quỷ thần ắt cũng chứng giám cho vậy.

 

Năm 1873 là năm ông Jules Verne xuất bản “80 ngày vòng quanh thế giới”.  Ông Bùi Viện vừa đi vừa về thì cũng “vòng quanh thế giới” rồi, nhứt là băng qua Thái Bình Dương và đi xuyên qua nước Mỹ từ Tây sang Đông.  Và có thể ông Bùi Viện đã có tới 2 chuyến đi (1873 và 1875).

 

Qua những biến cố lịch sử, vua Tự Đức tự thán trước tình thế của đất nước

 

ĐÊM ĐÔNG TRÊN SÔNG HƯƠNG

Dạo cảnh đêm đông gió rét vừa

Sông Hương làn sóng gợn lưa thưa

Thuyền êm gió thoảng sao vừa sáng

Ai thấu tâm can của vị vua

Xã tắc lòng ta đau khổ mãi

Ví chăng tìm được kẻ tài ba

Tay chèo lái giỏi con thuyền vững

Thanh thản qua sông ắt dễ mà.

(Vua Tự Đức / Ưng Bình Thúc Giạ Thị dịch)


 

Nguyễn Quang Diêu

 

Phong trào Đông Du của ông Phan Bội Châu rất được người Nam Kỳ hưởng ứng vì năm 1904, ông Phan Bội Châu có đến Nam Kỳ vận động trước khi xuất dương sang Nhật.  

 

Ông Nguyễn Thần Hiến (1857-1914) là người Hà Tiên nhưng sống ở Cần Thơ.  Ông đem hết tài sản trong nhà ra ủng hộ (20,000 đồng lúc đó vào khoảng mất trăm cây vàng bây giờ) lập “Quỹ Khuyến Du Học Hội".  Bị Pháp tìm bắt, ông phải trốn sang Xiêm (1908) rồi đến năm 1910 sang Tàu gia nhập VN Quang Phục Hội làm Trưởng Chi bộ Nam Kỳ.  Ông Nguyễn Thần Hiến bị bắt ở Hương Cảng (1913) giải về Hà Nội (1914) sắp phải đày đi French Guiana (Nam Mỹ) nhưng ông tuyệt thực và chết trong tù Hỏa Lò ở Hà Nội (1914).  

Bạn tù là ông Nguyễn Quang Diêu có bài thơ tiếc:

 

NGUYỄN THẦN HIẾN

Bấy lâu bay bổng cánh chim hồng

Lạc lối giờ ra phải máy cung

Chín suối có thiêng hồn tổ quốc

Trăm năm còn tạc gánh tang bồng

Đổi dời nghĩ gớm câu dâu bể

Thổ lộ cùng ai chuyện núi sông

Thôi để làm gương cho sắp bé

Ngàn năm trong nước dấu anh hùng.

(Nguyễn Quang Diêu)

 

Ông Nguyễn Quang Diêu (1880-1936) là người Cao Lãnh.  Năm 1913, ông cùng một số người Nam Kỳ sang Hương Cảng để gia nhập cách mạng theo ông Phan Bội Châu và ông Nguyễn Thần Hiến nhưng chẳng may bị Pháp bắt cùng lúc với ông Nguyễn Thần Hiến ở Hương Cảng và giải về Hà Nội.  

Sau đó ông Nguyễn Quang Diêu bị đày đi French Guiana (1914).  Bị giải lên tàu ở Hà Nội, ông và các bạn tù Việt Nam qua Ấn Độ Dương, kênh Suez và Địa Trung Hải tới Marseille.  Sau 1 thời gian ngắn bị tạm giam ở Marseille, ông Nguyễn Quang Diêu và các bạn lại bị giải lên tàu xuyên qua Đại Tây Dương tới French Guiana (1914). 

Năm 1917, ông Nguyễn Quang Diêu cùng 2 bạn là ông Đinh Hữu Thuật và ông Lý Liễu vượt ngục trốn sang Trinidad (Trung Mỹ).  Papillon Henri Charrière phải mất 11 năm mới trốn khỏi French Guiana (1941) trong khi đó ông Nguyễn Quang Diêu chỉ cần 3 năm.

Sau 3 năm sống ở Trinidad, vào năm 1920, ông Nguyễn Quang Diêu lên Washington DC đi tàu của lái buôn Trung Quốc vượt biển tới Hương Cảng (Hongkong).  Chuyến đi nầy qua kênh đào Panama và Thái Bình Dương.  

Từ khi bị bắt ở Hương Cảng (1913) cho tới khi trở lại Hương Cảng (1920) ông Nguyễn Quang Diêu đã đi vòng quanh thế giới, và chắc chắn là người Việt đầu tiên hoàn thành công trình nầy.  Jules Verne tả chuyện đi vòng quanh thế giới trong 80 ngày nhưng ông Nguyễn Quang Diêu đi mất 8 năm và đi ngược đường với câu chuyện của Jules Verne. 

 

Từ Hương Cảng (1920), ông Nguyễn Quang Diêu tới Quảng Châu tìm ông Phan Bội Châu và Kỳ Ngoại hầu Cường Để nhưng chỉ gặp được ông Nguyễn Hải Thần.  Do đó, ông tới sống ở Tứ Xuyên.  Năm 1926, ông Nguyễn Quang Diêu trốn về Nam Kỳ, đổi tên là Trần Văn Vẹn, tiếp tục đi khắp nơi bí mật hoạt động chống Pháp cho đến khi mất vì bệnh ở Tân An (1936).  

 

Cuộc đời hy sinh vì cách mạng của ông Nguyễn Quang Diêu là một thiên hùng ca.  Ông lại là một thi sĩ đại tài đã để lại những bài thơ tuyệt tác.

 

Tinh thần ái quốc trước khi sang Trung Quốc:

 

TỰ THUẬT

Nghĩ mình mang lấy tiếng nam nhi

Cái nợ cung dâu gánh nặng trì

Tuổi tác đã vừa ba chục chẵn

Công danh chưa có ít nhiều chi!

Rừng cao yến đổ yên nhờ chỗ

Gió thuận hồng mong gặp gỡ khi

Xem khắp thế tình rồi nghĩ nghị

Muốn noi Thánh trước cỡi bè đi. (*)

(Nguyễn Quang Diêu) 1910

 

(*) Chú thích: 

Tương truyền Tổ Thiền Tông là Bồ Đề Đạt Ma cỡi bè đi đường biển từ Ấn Độ tới Trung Quốc.  (Chuyện nầy được truyền bá ở Nam Kỳ trong thời Pháp Thuộc).

 

Khi xuất dương đi Trung Quốc theo cách mạng không kịp giã từ vợ, ông viết bài thơ nhờ bạn chuyển cho vợ:

 

GIÃ VỢ ĐI LÀM CÁCH MẠNG

Sông cũng khi khô, đá cũng mòn

Cùng ai tạc một tấm lòng son

Trăm năm ngồi đứng trong trời đất

Một kiếp thề ghi với nước non

Hương hỏa trước mong duyên mãi mãi (*)

Tang bồng nay há nợ con con (*)

Ai ơi ! hãy nếm mùi ly biệt

Có nếm rồi ra mới biết ngon!

(Nguyễn Quang Diêu) 1913

 

(*) Chú thích

Hương hỏa: do câu "Tam sinh hương hỏa", dùng để chỉ việc nhơn duyên có con cháu nối dõi.  Sách Quỳnh Ngọc Chú chép: có người con trai tên là Tỉnh Lang chiêm bao thấy đi chơi non Bồng, gặp một nhà sư tụng niệm, trước mặt có hương thắp khói bay (Hương hỏa) nên hỏi; nhà sư trả lời "khi cắm hương khấn nguyện, hương còn cháy mà đã sinh ra 3 kiếp người rồi (Tam sinh).

Tang bồng: (Cái cung bằng) cây dâu, (cái tên bằng) cỏ bồng.  Nói đủ câu là "Tang bồng hồ thỉ".  Tục lệ người Tàu xưa khi sanh con trai thì dùng cung bằng cây dâu và tên bằng cỏ bồng mà bắn ra 4 phương và trên trời dưới đất để cầu cho đứa bé lớn lên được thỏa chí khí dọc ngang khắp sông hồ.   


 

Những bài thơ lúc bị tù đày:

 

TẾT TÂY TRONG ĐỀ LAO

Vừa khỏi Du dê đến Tết Tây (*)

Gớm ghê máy tạo lẹ làng xây

Nom ra thành phố cây cờ phất

Ngảnh lại non sông nước mắt đầy

Vui sướng thiếu gì ai nấy đó

Đắng cay chỉ có lũ mình đây!

Rau xanh vài dĩa cơm vài bát

Cũng gọi là vui cái tiệc nầy.

(Nguyễn Quang Diêu) 1914

 

(*) Chú thích:

Tết Tây đầu năm 1914 ở nhà ngục Hỏa lò, Hà Nội.  Du dê = (tháng) Juillet, ý nói ngày lễ Độc lập của Pháp (14 Juillet)


 

BỊ GIAM Ở MARSEILLE CẢM TÁC

Chẳng biết rằng mình có tội chi

Tội chi nào có, có nao gì!

Phép thần công lý đành không hiệu

Luật nước văn minh gẫm cũng kỳ

Nếm mật nằm gai đành tạm lúc

Sổ lồng tháo cũi hẳn chờ khi

Làm sao cũng chẳng làm sao vậy

Thương nước gan ông nó đã lỳ.

(Nguyễn Quang Diêu) 1914

 

CẢM TÁC KHI ĐI ĐÀY ĐẾN CAI DANH (*)

Bấy chầy mong mỏi xứ Cai Danh

Phong cảnh xem qua bắt động tình

Bể rộng mênh mông dòng nước biếc

Nội bằng mờ mịt mạn rừng xanh

Dã man thảm hại cho người đó

Tân khổ nài bao cái lũ mình!

Tuyệt chủng rõ ràng gương dưới mắt

Trông người, ta lại ngẫm mà kinh.

(Nguyễn Quang Diêu) 1914

 

(*) Chú thích: 

Guiana có 3 phần: thuộc Pháp, Anh và Hà Lan.  Ông Nguyễn Quang Diêu bị đày ở Guiana thuộc Pháp.  Thị trấn của Guyenne (French Guiana) là Cayenne, đọc âm tiếng Việt thành ra Cai Danh.

 

Tương truyền bài dưới đây (gồm 10 bài theo thể Liên Hườn) làm ở Quảng Châu sau khi từ Guiana trở về (1920) và ông Nguyễn Hải Thần có họa lại nhưng bài họa bị thất lạc không tìm được.


 

SẦU NON NƯỚC

 

Hỏi tôi buồn những sự gì đây

Mượn rượu làm khuây cũng chẳng khuây?

Mắt mãi chứa chan cơ hội trước

Lòng hằng chua xót nước non nầy

Hồn khôn vấn vít thân còn dở

Phách dại mơ màng kiếp sống say (1)

Bĩ thái then trời đâu dễ chắc (2)

Lẽ nào có rủi lại không may.

 

Không may sá quản chút thân này

Thượng Đế ngồi cao lẽ cũng hay!

Đường lắm chông gai chơn ngại bước

Trời chưa mưa gió cánh không bay

Tấm lòng hồ thỉ còn mong mãi (3)

Món nợ san hà muốn trả ngay

Vẫn tính vẫy vùng cho phỉ chí

Ngặt vì còn thiếu cả chân tay.

 

Chân tay thiếu cả liệu sao mà

Biết ngỏ cùng ai tâm sự ta?

Tủi phận vẩn vơ hùm lạc núi

Xót thân dật bạ chó không nhà (4)

Bệnh nghèo vắng thấy tay trừ quỉ

Cơn ngặt ầm nghe tiếng nhát ma!

Mùi có nếm rồi, rồi mới biết

Càng cay đắng lắm chí càng già.

 

Chí càng già dặn lúc truân chuyên

Có đẩy xô gì chẳng đổ nghiêng

Dầu tớ chạy nam dầu chạy bắc

Mặc ai rằng nghịch mặc rằng điên!

Rừng nhiều beo hạm tay không súng

Đường lắm tàu xe túi chẳng tiền

Mưa nắng chi chi đâu dám nại

Ấy là trách nhiệm giống Rồng Tiên.

 

Giống Rồng Tiên trước kém gì ai

Mày mặt giờ ra thẹn với đời

Toan cắp Thái Sơn sang bể cả 

Rắp đem tinh vệ lấp miền khơi (5)

Vai hằng gánh nặng thù non nước

Lòng mãi vương mang nghĩa đất trời

Thành bại lẽ thường đâu sá quản

Gọi là trả chút nợ làm trai.

 

Làm trai nay gặp hội tân trào

Ngồi đấy khoanh tay nỡ bụng nào!

Ách thảm nặng quằn vai nghĩa liệt

Lửa thù đốt cháy ruột anh hào

Trông về non nước lòng thêm bận

Đoái lại mày râu tuổi đã cao

Thời đại thế mà dân tộc thế

Không cùng khóc ngất lại cười nhào. (6)

 

Cười nhào những đứa giả văn minh

Mượn lối thương dân tính lợi mình

Gạt chúng khua rầm mồm nhiệt huyết

Dối đời lơ láo mắt vô tình

Bộ tuồng công đức trông ra dáng

Cái lốt nô nhan lộ cả hình (7)

Huyết tánh con người ai lại chẳng

Dại gì không tưởng đến sanh linh.

 

Sanh linh rủi gặp lúc phong trần (8)

Nước chẳng ra gì lựa đến thân!

Ngoài cuộc điên ba trông vắng bặt (9)

Trong vòng nô lệ đứng chần ngần

Sóng tràn chán mắt làng phi cựu (10)

Sấm nổ ầm tai tiếng cách tân (11)

Ai cũng anh em Hồng Lạc cả

Ai ơi phải biết phận làm dân!

 

Phận làm dân tộc nước Nam ta

Hơn bốn nghìn năm nối nghiệp nhà

Mở rộng gian san cho cháu chắt

Hao bao huyết hãn của ông bà (12)

Máu thù nô lệ sôi lòng trẻ

Cuộc biến tang thương chán mắt già (13)

Tình cảnh thế nầy không thể chịu

Bút linh đành mượn đánh đàn ma.

 

Đàn ma hút cả máu dân gầy

Bảy tám mươi năm trải đến rày

Mưa gió Mỹ Âu mòi đã trổ

Anh em Hồng Lạc giấc còn say!

Biển trần chưa định thân chìm nổi (14)

Cuộc biến còn nhiều lúc rủi may

Nỗi nước nỗi nhà còn lắm nỗi

Hỏi tôi buồn những sự gì đây?

 

(Nguyễn Quang Diêu) 1920

 

Chú thích:

(1) Sống say: do câu "Túy sinh mộng tử" (Sống giữa cơn say, chết trong chiêm bao, trong mộng mị)

(2) Bĩ thái = suy và thịnh.  Then trời: ý nói "cơ trời", có khi "máy trời"

(3) Hồ thỉ: từ câu "Tang bồng hồ thỉ", sự tích như "Tang bồng".

(4) Dật bạ = trôi nổi lông bông tạm bợ không chắc vào đâu.  Tiếng thông dụng ở Nam kỳ vào thời đó.  Đó là chữ đôi: Dật = thất lạc; Bạ đi đôi với Dật, không có nghĩa gì hết.

(5) Tân trào = Trào lưu mới

(5) Tinh vệ: tên một loại chim nhỏ ở ngoài biển.  Tục truyền con gái vua Viêm Đế vì chết chìm nên căm tức hóa thành chim ngậm đá để lấp biển.  Nghĩa bóng: người có một mối thù thâm sâu, quyết trả cho được.

(6) Cười nhào = cười dữ lắm đến lộn nhào người ra

(7) Nô nhan = mặt (người) đày tớ.  Do câu "Nô nhan tỳ tất" (Mặt đày tớ, gối con hầu).  Ngụ ý khinh khi.

(8) Sanh linh = con người

(9) Điên ba = sóng dữ.  Có bản chép "phong ba" (sóng gió)

(10) Cách  cựu = trái với "cựu"; không thủ cựu (=không giữ cái cũ)

(11) Cách tân = làm ra cho mới

(12) Huyết hãn = máu và mồ hôi

(13) Tang thương: do câu "Thương hải biến vi tang điền" (Bể xanh hóa thành ruộng dâu); ý nói cuộc thay đổi lớn.  Từ ngữ "Bể dâu" cũng cùng một nghĩa.

(14) Biển trần = cõi trần thế rộng như biển cả


 

Năm 1926, ông Nguyễn Quang Diêu đến viếng mộ của ông Phạm Hồng Thái ở Hoàng Hoa Cương và có làm nhiều bài thơ, nay chí còn truyền lại 1 bài:

 

HOÀNG HOA CƯƠNG (*)

Mồ bảy mươi hai liệt sĩ đây

Hoàng Hoa Cương hẹn đã bao ngày

Liễn nêu dũng cảm đời roi dấu

Bia tạc anh hùng địch khiếp oai

Ngắm cảnh riêng mừng non nước đấy

Trông gương như đốt ruột gan nầy

Kèn khi khởi nghĩa dường nghe giục

Gánh nợ quê hương nặng lại đầy

(Nguyễn Quang Diêu) 1926

 

(*) Chú thích:

Hoàng Hoa Cương (ngọn đồi Hoàng Hoa) là nơi dành chôn 72 liệt sĩ Quốc Dân đảng Trung Hoa tử trận trong cuộc khởi nghĩa ở Quảng Châu ngày 29-3-1911 (trước cách mạng Tân Hợi tháng 10, 1911).  Sau khi Liệt sĩ Phạm Hồng Thái chết ở sông Tây giang, Quảng Châu; Tổng đốc Hồ Hán Dân cho cải táng từ chân đồi Bạch Vân về Hoàng Hoa Cương (tháng 3, 1925).


 

Những bài thơ sau khi về nước cho đến khi qua đời (1926-1936).  Ông Nguyễn Quang Diêu phải hoạt động bí mật, trốn tránh chính quyền thuộc địa:

 

KHÔNG NHÀ KHÔNG NƯỚC

Chẳng phải tiên cũng chẳng phải thần

Không nhà  không nước khổng ra thân

Trời cao lồng lộng ê da óc

Đất rộng mênh mông sợ sẩy chân

Tím ruột bầm gan nhìn võ trụ

Châu mày sốt mắt ngó đay cân

Thôi liều nhắm mắt đưa chơn vậy

Một kiếp phù sinh dễ mấy lần.

(Nguyễn Quang Diêu)

 

THƯƠNG ... TRÁCH

Thương ai ai nỡ chẳng thương mình

Tưởng lúc gian truân chán thế tình

Nhớ đến thề lòng non với nước

Trông sao bền dạ sắt cùng đinh

Đợi cơn mây kịt trời dông dữ

Chờ hội trời nghiêng đất hết chinh

Than phận thuyền con mà bể cả

Trách vì chưa phỉ chí bình sinh.

(Nguyễn Quang Diêu)

 

KHÔNG NHÀ

Thiên hạ bao nhiêu bợm chẳng nhà

Hỏi coi ai có cảnh như ta ?

Phôi pha tình tứ thơ và rượu

Chầu chực hôm mai chó với gà

Thấy khách toan mời e khách lạ

Trông trời muốn hỏi ngại trời xa

Thôi ôm cầm đợi tri âm đã

Sẽ ngỏ cùng nhau chuyện ruột rà.

(Nguyễn Quang Diêu)

 

NƯƠNG MÌNH CỬA PHẬT

Trải nếm mùi trần chán đắng chua

Tương rau đạm bạc bữa cơm chùa

Răng lòng cửa Phật cơn sa sút

Nóng ruột đường đời nỗi được thua

Tủi kiếp trầm luân làn sóng dập

Tỉnh hồn đọa lạc tiếng chuông khua !

Co tay tính lại mười năm lẻ

Trải lắm mùi trần chán đắng chua ?

(Nguyễn Quang Diêu)

 

PHẬN BÈO

Liều lĩnh gì hơn cái phận bèo

Mặc dầu sóng gió nổi phêu phêu

Ngảnh tai phiêu bạc chầm theo nước

Gởi dấu đông tây cứ chực dèo (*)

Tầm khách tha hương đoàn tụ mãi

Báo phương ngư phủ thảm sầu đeo

Trông vời bể cả bườn men tớt

Liều lĩnh gì hơn cái phận bèo !

(Nguyễn Quang Diêu)

 

(*) Chú thích: Chực dèo = chờ mòi = chờ đợi và coi mòi.  Từ ngữ miền Nam lúc bấy giờ.


 

Chí khí của ông Nguyễn Quang Diêu không thay đổi:

 

NGÀY TẾT THẤY CỜ CẢM TÁC

Dọc ngang cờ Pháp với cờ Tàu

Ủa lá cờ ta hẳn ở đâu?

Trông thế lực người sôi máu sắt

Nghĩ danh giá nước thẹn mày râu

Non sông vì nợ xưng Hồng Lạc

Mặt mũi nào còn ngó Mỹ Âu

Vinh nhục chung nhau ai cũng thế

Thương nhau ta phải liệu sao nhau?

(Nguyễn Quang Diêu)


 

So với ông Phan Bội Châu cũng vào lúc cuối đời:

 

CÂY CỜ

Ai ơi xin thử ngó cây cờ

Một lá kia kìa dáng phất phơ

Cao thấp quyền về tay kẻ múa

Trắng vàng màu lựa mặt người ưa

Trên cao mấy cửa chiêu bài hão

Xoay đủ tứ bề ngọn gió đưa

Rồi cũng về tay ai nấy phất

Xôn xao dưới bóng bọn vây hùa.

(Phan Bội Châu)


 

Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền

 

Bài viết này là trích đoạn trong 2 bài đăng trong phanthuonghai.com mục Lịch Sử và Thơ Văn phần Thời Pháp Thuộc

Thơ và Sử Việt - Thời Pháp Thuộc (Thế kỷ 19) (Bs Phan Thượng Hải)

Thơ và Sử Việt - Thời Pháp Thuộc (Thế kỷ 20) (Bs Phan Thượng Hải)

bottom of page