top of page
hmpg.jpg
Titlej (1).jpg
TL_Butmuc.png

VIẾT CHUNG

Chúng ta cùng viết - Chúng ta cùng đọc              

Triệu Huỳnh Võ

CẦN THƠ

TRONG KÝ ỨC TÔI

  • Triệu Huỳnh Võ. Ông sinh năm 1937 ở Cần Thơ. Tốt nghiệp Thủ Khoa khóa 6 Học Viện Quốc Gia Hành Chánh Sài Gòn năm 1962. Chức vụ sau cùng trước năm 1975 là Phụ Tá Đặc Biệt Tổng Trưởng Bộ Dân Vận-Chiêu Hồi Việt Nam Cộng Hòa (tương đương Thứ Trưởng). Đã từng bị giam cầm chung với GS. Nguyễn Duy Xuân trên 12 năm qua các trại Cải Tạo Long Thành, Thủ Đức, Hà Tây, và Nam Hà. (From Google)

      ___________________

 

Tôi sinh và lớn lên ở Cần Thơ cho tới lúc tôi học hết chương trình Trung Học Đệ Nhất Cấp tại Lycée Phan Thanh Giản (PTG) nhưng tôi không biết nhiều lắm về Cần Thơ. Rồi sau biến cố 1975, biết bao sự đổi thay đã xảy ra cho đất nước và dân tộc nhưng những hình ảnh thân yêu của quê tôi, Cần Thơ, trong những tháng năm trước 1975, không bao giờ xóa mờ trong ký ức tôi. Vì là ký ức nên không thể không có những sai sót, xin được niệm tình bỏ qua.

Ngược thời gian về thập niên 50, nếu đi từ Sài Gòn xuống tỉnh Cần Thơ, trên Quốc lộ số 4, thì phải đi qua phà Cần Thơ, xuyên qua sông Hậu Giang. Đứng trên phà, nhìn về phía bên kia sông là địa phận của quận Cái Vồn, nay là quận Bình Minh, người ta có thể nhìn thấy một ngôi nhà khá đồ sộ nằm ven con sông Hậu Giang. Đó là ngôi nhà của ông Năm Lửa, tức Trung Tướng Trần Văn Soái, Tư Lệnh Lực Lượng Phật Giáo Hòa Hảo. Trước khi nền Đệ Nhất Cộng Hòa ra đời, ông Năm Lửa đã đặt bản doanh tại đây.

Sở dĩ ông có tên gọi là Năm Lửa vì ông đã từng lái xe hủ lô dùng để cán đường chạy bằng củi đốt lò. Rời phà Cần Thơ, trực chỉ về thành phố Cần Thơ, phải đi qua cây cầu sắt ngắn có tên là cầu Sáu Thanh. Gọi là cầu Sáu Thanh vì phía trong đất liền là một ngôi nhà khá lớn của một nhân vật có tên là Sáu Thanh. Hiện nay, cầu nầy không còn nữa. Qua khỏi cầu Sáu Thanh một đoạn là tới Ngã Ba Lộ Tẻ. Từ đây nếu rẽ về tay trái sẽ đi vào trung tâm thành phố Cần Thơ; nếu rẽ về tay phải sẽ đi vào liên tỉnh lộ dẫn đến các tỉnh Long Xuyên, Rạch Giá và Hà Tiên.

Khoảng thập niên 60, Ngã Ba Lộ Tẻ được cải biến thành khu Bến Xe mới. Bến Xe mới là nơi xuất phát các đoàn xe đi các tỉnh Long Xuyên, Rạch Giá, Hà Tiên; hoặc lên Sàigòn; hoặc đi xuống các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau trên con đường chạy thẳng tắp từ đây về đến tận quận Cái Răng mà không phải đi qua trung tâm thành phố Cần Thơ.

Đường đi vào tỉnh lỵ Cần Thơ phải qua cây Cầu Đôi sắt kiểu Eiffel, bắc ngang qua rạch Cái Khế. Bên hông đầu cầu là nhà lồng chợ Cái Khế. Bên kia cầu là một ngôi biệt thự xinh đẹp nằm cạnh bờ rạch Cái Khế. Biệt thự này có thời đã được sử dụng làm nơi cư ngụ cho các vị chỉ huy quân sự cao cấp người Pháp, và sau nầy là căn cứ của Bộ Tư Lệnh Vùng 4 Chiến Thuật, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).

Qua khỏi cầu Cái Khế một khoảng ngắn thì tới khu Nhà Đèn, tên gọi nhà máy nhiệt điện của tỉnh. Đi tới là dinh Tỉnh Trưởng nằm về phía tay mặt, phía trái là một công viên nhỏ. Trước mặt dinh Tỉnh Trưởng là một bùng binh khá lớn, nơi xuất phát nhiều con đường. Một đường đâm thẳng ra Bungalow về hướng bờ sông Cần Thơ; bên trái đi ngang qua khám lớn Cẩn Thơ; bên phải là trụ sở Tòa Hành Chánh tỉnh.

Một đường khác mang tên là De Lanoue, sau được đổi tên là đường Phan Đình Phùng, chạy dài từ dinh Tỉnh Trưởng xuống tận khu Cầu Xéo. Nơi đây có một nhà thờ họ đạo Thiên Chúa nằm ngay trong khu Xóm Cao Đài, nơi cư ngụ của những người theo đạo Cao Đài. Đường Phan Đình Phùng được coi như xương sống của thành phố chạy ngang qua Hãng bia BGI, Ty Bưu Điện, Tòa án, Tòa Thị Chính, Ty Cảnh Sát, Trường Tư thục Nam Hưng v.v.

Một đường khác phát xuất từ dinh Tỉnh Trưởng hướng về Cầu Tham Tướng. Đoạn đầu, từ dinh Tỉnh Trưởng tới khu Đất Thánh Tây, cạnh chùa Cao Đài Một Mắt, có tên là đường Hòa Bình. Mọi người ở đây vẫn quen gọi là đường Hàng Xoài vì dọc theo đường có các hàng cây xoài cao, rợp bóng mát. Đoạn đường nầy chạy ngang qua doanh trại Bộ Tư Lệnh Vùng 4 Chiến Thuật của Quân đội VNCH và dẫn đến chùa Miên Theravada, trường học Thọ Nhơn của người Hoa, rồi tới chùa Cao Đài Một Mắt. Gọi là chùa Một Mắt vì trên tiền đình chùa có vẽ hình một con mắt thật to. Tiếp nối bên cạnh là khu Đất Thánh Tây, nghĩa trang cũ của người Pháp.

Bắt đầu từ đây đường Hòa Bình đổi tên thành đường Lý Thái Tổ, chạy ngang qua Nhà Mổ. Nhà Mổ, tên gọi lúc đó của Nhà xác, nơi quàng những ngưòi vừa mới chết được chuyển đến từ bịnh viện của tỉnh để chờ được mai táng. Đường Lý Thái Tổ chạy dài tới cầu đúc Tham Tướng. Trước khi tới cầu đúc Tham Tướng khoảng vài trăm thước có một ngã ba, nếu rẽ về bên trái sẽ dẫn tới sân đá banh của tỉnh.

Ở lề đường trên đầu cầu và bên dưới đầu cầu Tham Tuớng là chợ chồm hỏm. Chợ chỉ nhóm vào buổi sáng, khá sung túc và tấp nập quanh năm. Nhà của tôi lúc bấy giờ nằm trên đường Lý Thái Tổ, cách Nhà Mổ chừng vài trăm thước, nên từ nhà nhìn qua khu đất trống tôi có thể nhìn thấy Nhà Mổ và khu đất Thánh Tây. Chính vì được ở vị thế này nên tôi đã có dịp chứng kiến một số các sự kiện khá đặc biệt mà tôi sẽ kể sau.

Cần Thơ có nhiều địa danh bắt đầu bằng chữ Cái, như quận Cái Răng. Xung quanh quận Cái Răng còn có những điạ danh khác mang tên Cái Tắc, Cái Nay, Cái Gia, Cái Chanh, Cái Muồng. Riêng quận Ô Môn thì trong điạ phương chí của tỉnh ghi rõ đó là nguyên văn của tiếng Cămpuchia có nghiã là Người Con Gái Đẹp. Quận Ô Môn, cách tỉnh Cần Thơ khoảng 21 cây số, nằm trên tỉnh lộ nối liền các tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc, Rạch Giá và Hà Tiên.

Nói về thắng cảnh của Cần Thơ, người ta không thể không nhắc tới Bến Ninh Kiều, Đàn Tiên và Vườn Thầy Cầu.

Bến Ninh Kiều, được xây cất từ thời Đệ Nhất Cộng Hòa, nằm dọc từ đầu bờ sông Cần Thơ và đối diện với khu Xóm Chài, chạy dài tới cây cầu tàu tỉnh tại đầu đường Saintenoy. Cảnh trí xinh đẹp, nên thơ của Bến Ninh Kiều đã được mô tả qua câu:

‘Cần Thơ có Bến Ninh Kiều

Trời chiều lộng gió dập dìu người đi’

Trước khi có Bến Ninh Kiều, Cần Thơ đã có hai thắng cảnh rất được các giới thanh thiếu niên tại địa phương cũng như du khách hâm mộ. Đó là Đàn Tiên và Vườn Thầy Cầu, nằm trong khoảng giữa con đường trải đá, bắt đầu từ Cầu Đôi Cái Khế chạy dọc theo rạch Cái Khế tới cầu Rạch Ngỗng. Đường nầy chạy vòng ra sẽ gặp Quốc Lộ số 4 ở cầu Tham Tướng.

Từ trên dốc Cầu Đôi Cái Khế, đi dọc theo bờ rạch Cái Khế về hướng Rạch Ngỗng, truớc khi tới khu Đàn Tiên, du khách sẽ gặp một ngôi nhà đúc mang tên Bót Thầy Phận. Đây là tư gia của thầy giáo Lâm Văn Phận. Tư gia này bị người Pháp trưng dụng làm đồn bót. Sau này, tuy nhà được Pháp trả lại nhưng dân địa phương vẫn quen goi là Bót Thầy Phận. Qua khỏi Bót Thầy Phận là tới chùa Hiệp Minh, dân địa phương quen gọi là Đàn Tiên. Đàn Tiên là một khu vườn cây cảnh, có cổng vào bằng cửa song sắt rất đồ sộ và chỉ mở cửa vào các ngày lễ hội cho công chúng vào xem.

Đàng sau vườn là những mộ phần thuộc dòng họ Phan Thông. Trong vườn trồng đủ các loại hoa và cây cảnh được chăm sóc rất công phu, chen lẫn với nhiều hòn non bộ mà mỗi hòn non bộ là một mô hình thu hẹp của một điển tích trong thơ phú. Chính giữa vườn Đàn Tiên có một cây phướng bằng bê tông thật cao. Vào các ngày rằm hay lễ tiết, trên thượng đỉnh cây phướng phất phới những lá cờ đủ màu sắc. Dưới đất, gần bên cây phướng có một bàn đá và hai băng ghế ngồi cũng bằng đá. Trên bàn đá có xếp một bàn cờ tướng cũng bằng đá.

Từ lâu, dân địa phương tin tưởng là vào các đêm trăng sáng các vị tiên thường hạ giáng xuống đây để đánh cờ tướng và tên Đàn Tiên có lẽ đã xuất phát từ đó. Sau năm 1975, trong thời gian bị tù cải tạo cộng sản tại trại Hà Tây, miền Bắc, tôi đã có dip gặp một vị trưởng thượng của dòng họ Phan Thông, cụ Phan Thông Thảo. Cụ Thảo là kỹ sư hoá học tốt nghiệp ở Pháp về. Cụ bị cộng sản bắt đi tù cải tạo vì cụ là Chủ Tịch Đảng Tân Đại Việt.

Từ Đàn Tiên nếu tiếp tục đi thêm một đoạn khoảng 800 thước sẽ tới Vườn Thầy Cầu. Đây là một ngôi vườn hoa và cây cảnh rất rộng lớn, mang tên của chủ nhân, Luật Sư Đoàn Hữu Cầu. Luật Sư Cầu làm việc ở toà án Cần Thơ. Ông cho xây khu vườn và căn nhà nền cao ở phía sau để làm nơi vui thú điền viên khi về hưu. Khác với Đàn Tiên, Vườn Thầy Cầu luôn mở cửa cho mọi người vào xem tự do.

Và cũng chính do sự bình dị và nếp sống hòa đồng của gia chủ nên mới được dân địa phương thân mật gọi là Vườn Thầy Cầu. Trong vườn, ngoài các luống hoa đủ loại, đủ màu sắc cùng các cây cảnh và cây ăn trái tươi mát quanh năm, còn có ao sen và ao nuôi cá. Lúc còn sinh thời, chiều chiều Thầy Cầu hay đi bộ đến ao nuôi cá để rải cám cho cá ăn. Thầy Cầu qua đời vào khoảng năm 1960, thọ 73 tuổi.

Có thể nói, Vườn Thầy Cầu đúng là một cảnh trí tĩnh mịch, thanh nhã để du khách đến thưỏng ngoạn, ngắm cảnh, nghe chim hót, và nhất là để các nam thanh nữ tú có thể dùng làm nơi hò hẹn. Trong những ngày trời nắng oi bức, Vườn Thầy Cầu là nơi lý tưởng để các học sinh ‘học gạo’ thường hay vào đây để đọc sách hay học bài thi.

Nói đến Cần Thơ thì phải nói tới ngôi trường PTG, một trường Trung Học công lập lớn nhất ở miền Tây được thành lập vào đầu thế kỷ 20, sau trường Nữ Trung Học Gia Long (1913) nhưng trước trường Trung Học Petrus Ký (1925). Đã có một thời, học sinh ở các tỉnh lân cận phải khăn gói đến trường PTG để học tiếp bậc Trung Học Đệ Nhất Cấp, hoặc bậc Trung Học Đệ Nhị Cấp khi mà các tỉnh chung quanh chưa có trường Trung Học hoặc chỉ có tới bậc Đệ Nhất Cấp. Từ tên Collège de Can Tho, thời Pháp thuộc, trường được đổi tên thành Lycée PTG vào tháng 8 năm 1945.

Trường có kiến trúc kiên cố theo đúng nghĩa kín cổng cao tường với cửa trước và cửa sau của trường nhìn ra hai mặt đường Capitaine d’Hers (sau đổi thành đường Phan Thanh Giản) và đường Saintenoy (sau có tên là đường Ngô Quyền). Một phần của trường, và lại là phần lớn nhất, đã bị trưng dụng làm doanh trại cho quân đội từ sau thế chiến lần thứ hai, nên có lúc trường chỉ gồm hai dãy lầu nằm đối diện với Ty Cảnh Sát Quốc Gia (CSQG) trên đường Ngô Quyền. Toàn bộ cơ sở bị quân đội trưng dụng đã được hoàn trả cho trường sử dụng làm lớp học vào khoảng năm 1956.

Tới năm 1964, chính hai dãy lầu nằm đối diện với Ty CSQG nầy lại được tách ra để thành lập một trường mới, trường Nữ Trung Học Đoàn Thị Điểm (ĐTĐ). Trường Nữ Trung Học ĐTĐ ngăn cách với Trường PTG bằng đường Pasteur. Môt chiếc cầu gỗ nối liền trường Trung Học PTG với trường Nữ Trung Học ĐTĐ được dùng làm lối di chuyển cho quý vị giáo sư khi đổi giờ dạy.

Cây cầu này còn được các học sinh trường ĐTĐ dùng để đi qua thực tập tại phòng thí nghiệm trường PTG. Tới năm 1975, tức trải qua hơn một nửa thế kỷ, kề từ ngày thành lập, ngôi trường kỳ cựu ở Miền Tây nầy đã được xem như là cái nôi sản xuất ra bao lớp người có khả năng phục vụ trong mọi lãnh vực của đất nước. Có nhiều người đã từng giữ vai trò lãnh đạo hoặc chỉ huy trong guồng máy quốc gia trong các thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa.

Cần Thơ, cũng như một số địa phương khác, đều có những sự việc đặc thù xảy ra do hoàn cảnh hay tình hình riêng rẽ ở trong vùng tạo nên. Vào các thập niên 40 và 50, tôi đã có dịp chứng kiến một vài sự kiện có phần khá đặc biệt ở Cần Thơ nên xin được kể lại sau đây.

Vào một đêm, trước năm 1945, khi mọi người trong tỉnh đang an giấc thì bỗng bị đánh thức bởi từng hồi chuông đổ vang lên từ nhà thờ Thiên Chúa ở Cầu Xéo. Sáng hôm sau, mọi người loan tin cho nhau là Cha Sở người Pháp của nhà thờ nửa đêm hôm qua đã bị kẻ lạ mặt đột nhập uy hiếp và dùng dao xẻo mất một lỗ tai. Nhà chức trách sau đó có điều tra nhưng không thấy công bố kết quả.

Vào đầu tháng 9 năm 1945, tức khoảng một tháng sau ngày Việt Minh lên cầm quyền ở Cần Thơ thì xảy ra cuộc xung đột giữa những người theo Việt Minh và các thành phần thuộc tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo của Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ. Từ tờ mờ sáng, khúc đường Lý Thái Tổ từ Cầu Tham Tướng tới khu bệnh viện Cần Thơ, chật ních những tín đồ Hòa Hảo. Với y phục màu đen, đầu quấn khăn màu dà, tay cầm gươm, dao rất thô sơ, họ rầm rộ tiến về hướng tòa Hành Chánh tỉnh. Việt Minh, trang bị súng trường, dàn lực lượng phong tỏa đầu đường Lý Thái Tổ.

Sau các lời cảnh cáo buộc phe Hòa Hảo phải rút lui và giải tán không có kết quả, Việt Minh cho nổ súng. Tín đồ Hòa Hảo tan hàng. Mạnh ai nấy chạy thoát thân. Sự việc nầy xảy ra ngay trưóc nhà tôi nên tôi được dịp chứng kiến từ đầu đến cuối. Có nhiều người chết và bị thương nằm sòng soải trên mặt đường. Người còn sống khiêng, cõng người chết và bị thương, bỏ chạy thoát thân.

Cũng cùng trong ngày hôm đó, ngày 9 tháng 9, năm 1945, một nhóm khác của tín đồ Hòa Hảo lũ lượt kéo về Cần Thơ từ hướng Cái Vồn qua ngã Cầu bắc Cần Thơ nhưng cũng bị Việt Minh truy cản và giải tán. Việt Minh cáo buộc những phần tử Hòa Hảo âm mưu cướp chính quyền tỉnh Cần Thơ trong khi tín đồ Hòa Hảo nói là họ chỉ tổ chức đi đón Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ. Theo Việt Minh cộng sản thì những người bị tử thương trong cuộc xô xát là do chính gươm dao của họ mang theo gây nên trong lúc bỏ chạy.

Vào một buổi chiều, vài tuần sau, người dân trong tỉnh Cần Thơ lại rầm rộ kéo nhau đi vào khu sân banh khi nghe tin Việt Minh sẽ xử bắn tội phạm ở tại đây. Vì sân banh nằm gần nhà nên tôi đã có dịp len lỏi đi theo để xem cảnh xử bắn. Hôm đó, sân banh từ trên khán đài xuống tới hai cánh sân cỏ hai bên khán đài, chật ních những người đi xem. Giữa sân có ba người bị trói đứng vào ba trụ gỗ cao hơn đầu người và hướng về phía khán đài. Cả ba đều bị bịt mắt bằng vải đen. Đội hành quyết có sáu người lính mặc quân phục bằng vải ka ki màu vàng, mang súng trường.

Qua lời của những người đứng xem xung quanh, tôi được biết các tử tội gồm có em của Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ, con trai của ông Năm Lửa, và người thơ ký ghi chép thi phú của Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ. Thủ tục hành quyết bắt đầu bằng việc đọc bản án nhưng vì đứng xa nên tôi không nghe rõ. Trưởng đội hành quyết ra lệnh chuẩn bị cho sáu xạ thủ, trong tư thế bắn đứng, hướng họng súng thẳng về các tử tội. Từ sáu nòng súng trường, tôi thấy lóe ra những tia lửa vàng chói. Các tử tội gục đầu trên các trụ gỗ. Một người mang súng lục đi tới từng tử tội để bắn thêm một phát ân huệ vào màng tang của họ.

Về sau, được biết ba người bị hành quyết là ông Huỳnh Công Mậu, em của Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ; ông Trần Văn Hoành, con trai của ông Trần Văn Soái; và ông Nguyễn Xuân Thiệp, thơ ký riêng chuyên biên soạn thi phú, sấm giảng của Đức Thầy. Tất cả ba bị Việt Minh bắt sau cuộc xung đột ngày 9 tháng 9 năm 1945 tại Cần Thơ và đã bị toà án Nhân Dân của Việt Minh kết án tử hình. Thi thể các tử tội được đưa về nhà xác, nằm ngang bịnh viện Cần Thơ và được chôn cất trong khu đất nằm phiá sau nhà xác. Từ thời Đệ Nhất Cộng Hòa, ba ngôi mộ trên đã được các tín đồ Hòa Hảo tu bổ lại và được tôn vinh là mộ phần của ba liệt sĩ Hòa Hảo.

Vào năm 1956, tức cách lần xử bắn ba nhân vật Hòa Hảo trước đây hơn mười năm, tại Cần Thơ lại có thêm một cuộc xử tử một nhân vật khác, ông Lê Quang Vinh, cũng thuộc giáo phái Hòa Hảo. Ông Lê Quang Vinh, nổi tiếng với tên Ba Cụt, Chủ Tịch Dân Xã Đảng, đã từng điều khiển một lực lượng võ trang, toàn người Hòa Hảo, khét tiếng chống lại Việt Minh cộng sản trong các vùng Long Xuyên và Châu Đốc.

Sở dĩ ông Lê Quang Vinh còn có tên là ông Ba Cụt vì ông bị cụt ngón trỏ ở bàn tay phải. Lực lượng võ trang của ông Ba Cụt rút vào bưng sau khi chính phủ của ông Ngô Đình Diệm cho giải thể các đơn vị võ trang thuộc hai giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo và cho sáp nhập vào Quân Đội Quốc Gia Việt Nam.

Theo tin chính phủ thì ông Ba Cụt bị lực lượng Quân Đội Quốc Gia đồn trú ở Chắc Cà Đao bắt khi ông đang di chuyển bằng xuồng ngang qua vùng này. Nhưng có dư luận cho rằng ông Ba Cụt bị ông Nguyễn Ngọc Thơ, sứ giả của ông Ngô Đình Diệm, đánh tiếng mời ra thương lượng việc hợp tác, rồi cho bố trí mai phục bắt sống ông ta. Ông Ba Cụt bị đưa ra Tòa và được xét xử tại Tòa án Cần Thơ. Toà đã tuyên án tử hình ông ta. Tài liệu về sau xác nhận ông Nguyễn Ngọc Thơ có gặp ông Ba Cụt để thương lượng việc hợp tác.

Lần tiếp xúc đầu xảy ra vào ngày 29 tháng 2 năm 1956 tại Tân Châu, Châu Đốc và lần thứ hai vào ngày 4 tháng 4 năm 1956. Cả hai lần thương thuyết đều không có kết quả vì ông Ba Cụt khăng khăng giữ lập trường một quân đội trong một quân đội. Quân Đội VNCH sau đó đã mở cuộc hành quân trong vùng Long Xuyên và đã bắt được ông Ba Cụt ngày 13 tháng 4 năm 1956 tại Chắc Cà Đao, cách tỉnh Long Xuyên khoảng 7 cây số.

Một lần nữa, vì nhà tôi ở sát hiện trường xử tử Ba Cụt, nên tôi lại được chứng kiến cảnh tượng xử tử hình lần thứ hai trong đời. Lần nầy, việc hành quyết tử tội được thực hiện bằng máy chém.

Từ chạng vạng đêm trước, tại khu Đất Thánh Tây, ở phía góc trái Chùa Cao Đài Một Mắt, trên đường Lý Thái Tổ, bỗng có nhiều ngọn đèn điện được thắp lên một cách bất thường. Nếu không có hiện tượng nầy thì không ai biết sẽ có việc xử tử vào ngày hôm sau. Khi đến gần hiện trường, từ ngoài đường nhìn vào, khoảng 50 thước, không biết từ lúc nào, một máy chém đã được dựng lên. Chiều cao của máy chém khoảng 3 thước. Máy chém được đặt hướng về phía ngoài đường. Không thấy rõ lắm lưỡi máy chém. Chung quanh hiện trường có người canh giữ và đèn được thắp sáng suốt đêm.

Rạng sáng ngày hôm sau, vào khoảng 7 đến 8 giờ sáng, một chiếc xe nhà binh loại mui bít bùng chạy đến và ngừng ở ngoài cổng. Sau đó, người ta thấy nhiều lính Hiến Binh (sau này là Quân Cảnh) áp giải ông Ba Cụt từ trên xe đi vào trong.

Hôm đó ông Ba Cụt mặc bộ quần áo bà ba đen, dáng người ốm, nhỏ và thấp. Từ ngoài đường nhìn vào, những gì xảy ra bên trong không còn thấy được một cách chính xác lắm. Tôi chỉ thấy được lúc ông Ba Cụt bị áp giải tới máy chém rồi bị ngã xấp xuống trước máy chém, chớ không thấy được lúc máy chém rơi xuống. Được biết người đọc bản án tử hình ông Ba Cụt là ông Phan Văn Bộ, Chánh Lục Sự Tòa án Cần Thơ.

Và cũng theo lời của ông Phan Văn Bộ kể lại thì, sau khi vừa nghe xong bản án hành quyết, ông Ba Cụt đã bị ngất xỉu rồi. Như thông lệ, xác của ông Ba Cụt được đưa về quàng tại nhà xác bịnh viện Cần Thơ. Theo các tin tức mới đây thì thi thể của ông Ba Cụt không được chôn cất một cách bình thường mà bị chặt ra làm ba khúc, sau đó đem thả trôi sông cốt không cho lực lượng trung thành với ông Ba Cụt có cớ để tiếp tục chống lại chính phủ.

Nhân đề cập đến việc ông Ba Cụt bị bắt tại Chắc Cà Đao và bị xử chặt đầu, tôi còn nhớ Giáo Sư Nguyễn Tri Hựu của trường PTG đã đưa ra một nhận xét nửa chua chát nửa dí dõm là “vì ông Ba Cụt bị bắt tại Chắc Cà Đao, nên hậu quả đương nhiên là ông phải bị Chặt Cái Đầu ”.

Là một tỉnh lớn ở trong Nam Kỳ Lục Tỉnh trước kia, và với danh tiếng của ngôi trường PTG lúc đó, Cần Thơ đã thu hút được các tinh hoa hiếu học từ các tỉnh Miền Tây. Và cũng chính vì thế Cần Thơ đã sản sinh ra không ít những người có tên tuổi lớn cho đất nước.

Trong lãnh vực văn nghệ. Về cổ nhạc, có nữ nghê sĩ nổi tiếng, Cô Năm Cần Thơ. Cô Năm Cần Thơ sống cùng một thời với nam nữ nghệ sĩ cổ nhạc ở Bến Tre, Út Trà Ôn và Cô Ba Bến Tre. Về tân nhạc, có nhạc sĩ Trần Văn Trọng, bút hiệu Anh Việt; và nhạc sĩ Lê Thọ Trung. Cả hai nhạc sĩ này là Đại Tá trong Quân Lực VNCH. Về môn bóng tròn có các cầu thủ Há của đội Tổng Tham Mưu, cầu thủ Sự và cầu thủ Quang của Đội Quan Thuế Sài Gòn. Tất cả đều xuất thân từ Đội bóng tròn tỉnh Cần Thơ.

Trong lãnh vực văn hóa giáo dục. Qúy ông Phạm Hoàng Hộ, Nguyễn Văn Trường, và Nguyễn Duy Xuân, đã từng là Tổng Trưởng Bộ Văn Hóa Giáo Dục trong thời Đệ Nhị Cộng Hòa.

Trong lãnh vực chính trị. Cần Thơ có nhiều khuôn mặt lớn trong chính phủ. Bác Sĩ chuyên khoa về mắt, Lê Văn Hoạch từng là Thủ Tướng trong thời Nam Kỳ Tự Trị. Tưởng cũng nên nhắc là vào ngày 1 tháng 6 năm 1946, ông Nguyễn Văn Thinh, Thủ Tướng Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Nam Kỳ, được một Hội Đồng Tư Vấn bầu lên, đã tuyên bố thành lập một nước Nam Kỳ Tự Trị. Khi Bác Sĩ Hoạch nhận ra làm Thủ Tướng, một nhật báo hồi đó có bài vè chế diễu ông như sau: “ Te te hoành hoạch / sao không ở nhà coi mạch / kẻo trèo cao rồi té cái ạch.”.

Trong thời Đệ Nhất Cộng Hòa có ông Lâm Lễ Trinh làm Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ. Ông Trinh là người quê ở Quận Cái Răng. Thời Đệ Nhị Cộng Hòa có ông Nguyễn Bá Cẩn làm Thủ Tướng Chính Phủ. Ông Cẩn sinh quán ở làng Phú Hữu, Cần Thơ và nguyên là học sinh trường Collège de Can Tho, tiền thân của trường Trung Học PTG.

Trong lãnh vực quân sự. Cũng có rất nhiều người xuất thân từ Cần Thơ và đã từng nắm giữ nhiều chức vụ chỉ huy trong Quân Lực VNCH như Trung Tướng Trần Văn Minh, Tư Lệnh Không Quân; Thiếu Tướng Lâm Văn Phát, Tổng Trưởng Bộ Nội Vụ (Thiếu Tướng Lâm Văn Phát là con thầy Lâm Văn Phận); Trung Tướng Lâm Quang Thi, Tư Lệnh Phó Quân Đoàn I.

Có hai nhân vật, tuy sanh quán không phải ở Cần Thơ nhưng có vợ là người Cần Thơ. Đó là ông Phan Khắc Sửu và Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Khương. Ông Phan Khắc Sửu, tốt nghiệp kỹ sư Canh Nông ở Pháp, kết hôn với người con thứ bảy của ông Lê Đình Thống. Dòng họ Lê Đình được coi là rất phong lưu tại vùng Cầu Tham Tướng. Ông Phan Khắc Sửu, quê quán ở Quận Cái Vồn, đã có thời làm Quốc Trưởng VNCH.

Ông Nguyễn Văn Khương thì kết hôn với người con út của ông Phạm Thành Đài, một vị Hương Cả. Ông Hương Cả Đài có một tòa nhà lầu khá rộng nằm trên đường Ngô Quyền nối dài thẳng đến Chùa Cây Bàng. Khu nhà chung quanh được mọi người biết đến dưới cái tên Xóm ông Cả Đài. Ông Khương, mang cấp bậc Đại Tá, được bổ nhiệm giữ chức vụ Tỉnh Trưởng tỉnh Phong Dinh (Cần Thơ) khoảng vài năm trước 1975. Đại Tá Nguyễn Văn Khương bị Việt Cộng phục kích chết khi đi dự lễ khánh thành một trường học trong tỉnh và được vinh thăng Chuẩn Tướng.

Sau biến cố 30 tháng Tư năm 1975, tuy không bị mất tên như Sài Gòn, nhưng Cần Thơ cũng đã mất đi một di sản văn hóa lớn không những cho người dân sở tại mà còn cho toàn thể mọi người trong các tỉnh ở Miền Tây. Đó là việc Trường Trung Học Phan Thanh Giản đã bị xóa tên, và được thay bằng tên Trung Học Châu Văn Liêm.

Những thắng cảnh đẹp ngày nào của Cần Thơ như Đàn Tiên và Vườn Thầy Cầu, tuy không bị xoá tên như trường Trung Học Phan Thanh Giản, nhưng giờ đây đã trở thành hoang vắng, điêu tàn; bởi lẽ vùng đất mặt tiền hai nơi trên đã bị lấn chiếm đề xây cất mới và thiếu sự chăm sóc của các gia chủ sau cuộc đổi đời năm 1975.

Tất cả sự thay đổi do nhu cầu mở mang hay chỉnh trang ở tỉnh Cần Thơ sau năm 1975, ngay cả việc hoàn thành cây cầu bắc ngang qua sông Hậu Giang trong năm 2010, không sao có thể bù đắp được sự mất mát những di sản văn hóa nêu trên. Những di sản nầy vốn đã in sâu trong ký ức người Cần Thơ và không bao giờ nhạt phai trong lòng cư dân các tỉnh Miền Tây.

Triệu Huỳnh Võ

Lưu Khôn _______

Câu Chuyện Một Cuộc Tình

 

“Anh Khôn, Anh Khôn” 

Tiếng gọi của cô bạn khiến tôi như chợt tỉnh cơn mê. Tôi vừa nằm mơ và đang ngủ một mình trong căn phòng vắng vẻ.

 

Chúng tôi cùng học tại trường Cao Đẳng Sư Phạm Sài Gòn. Cô bạn học lớp Sinh Ngữ Pháp Văn, còn tôi thì học lớp Việt Hán. Tuy không cùng một ban, nhưng chúng tôi có những giờ học chung với nhau, như giờ Văn chương Việt Nam của thầy Nghiêm Toản. Đây là lúc chúng tôi được chuyện trò vui vẻ với nhau. Riêng tôi, đây chính là lúc mà tâm hồn tôi được vuốt ve mơn trớn bởi những tiếng gọi “Anh Khôn, Anh Khôn” trìu mến của cô bạn. 

 

Cô vốn là một nữ sinh của trường Marie Curie còn tôi thì cũng đã từng học tại trường Chasseloup Laubat. Không rõ giữa ông tây bà đầm chúng tôi, có duyên nợ gì không?

 

Ngày trước, một ông thầy bói từng bảo tôi có số đào hoa, không biết đây có phải là lúc vận số của tôi đã đến rồi chăng.

 

Một hôm cô bạn mời tôi đến nhà cô chơi. Nhà cô là một căn phố trên đường Phan Thanh Giản. Không thấy buôn bán gì cả. Khi đến nơi, tôi cũng không được gặp ba má hoặc anh chị em gì của cô. Tôi hoàn toàn không nhớ suốt mấy tiếng đồng hồ chúng tôi đã chuyện trò gì với nhau. Chỉ biết, mặc dù “tình trong như đã” nhưng chúng tôi vẫn giữ lễ với nhau.

 

Cho đến một ngày kia…

 

Như thường lệ, mỗi buổi trưa sau khi học xong, tôi đều đạp xe ra đường Duy Tân để thăm một đứa em họ đang nằm điều trị tại Clinique của bác sĩ Tân, vị bác sĩ chuyên trị bệnh lao phổi rất nổi tiếng.

 

Em tôi tên Dính “Ứng” họ Lý, con của một người cô.

 

Em mắc bệnh lao đã từ lâu, nhưng chữa mãi vẫn không thấy thuyên giảm.

 

Mỗi lần đến thăm em, tôi đều cầm theo chai alcohol để rửa tay trước khi trở về nhà trong Chợ Lớn.

 

Một hôm, như thường lệ trước khi ra về tôi vẫn đứng bên lề đường Duy Tân để rửa tay. Khi phóng mắt nhìn về phía phòng mạch của bác sĩ, tôi chợt trông thấy cô bạn của tôi vừa đẩy cửa bước ra. Cả người tôi như rung lên, tay chân tôi bủn rủn, tôi không làm sao liên lạc được với cô bạn để hỏi rõ sự tình. Hay là…

 

Khi kể chuyện này cho thằng cháu ngoại của tôi nghe thì nó vội hỏi liệu ông ngoại có nhìn thấy rõ và có biết chắc người phụ nữ kia chính là cô bạn của ông ngoại không. 

 

Tôi từng khóc một người chú ruột đã chết vì bệnh lao phổi.

 

Tôi cũng đang có một đứa em sắp sửa ra đi vì con bệnh ác ôn này.

 

Tôi không muốn người bạn gái của tôi, người mà tôi đang hết dạ yêu thương, người mà tôi định sẽ xin cưới về làm vợ sau khi tốt nghiệp, tôi không muốn người bạn của tôi sẽ có cùng một số phận hẩm hiu như thế.

 

Và, giữa lúc tâm hồn đang bấn loạn, tôi đơn phương quyết định chúng tôi sẽ tạm sống xa nhau một thời gian, có chuyện gì sẽ tính sau. 

 

Nhân dịp nghỉ lễ cuối năm, tôi về thăm nhà với cả một nỗi buồn nặng trĩu trong lòng

 

Thấy tôi không vui, cô em út của tôi mới gạn hỏi và sau khi biết rõ sự tình, em mới khuyên tôi nên xin cưới cô giáo lớp Nhất của em.

 

Cô giáo của em và tôi nào có biết nhau bao giờ đâu, vậy mà hôn lễ rồi cũng được tiến hành.

 

Thấm thoát đã đến ngày tốt nghiệp ra trường.

 

Tôi xin về dạy tại trường Trung Học Phan Thanh Giản Cần Thơ, nơi mà trước đây vợ chồng tôi đã từng học một thời gian.

 

Không biết cô bạn của tôi được bổ đi dạy ở đâu và cô có vui nơi nhiệm sở mới hay không. Nhất là không biết cô đã có gia đình chưa và đang sinh sống như thế nào.

 

Où sont les neiges d’antan? 

 

Tuyết năm xưa nay ở đâu?

 

Xin Trời Phật phù hộ cho người con thương được bình yên vô sự. 

 

(Trích từ hồi ký Tôi Đi Học)

LƯU KHÔN

_______________

TL_HappyCanadaDay.jfif

CHÀO MỪNG QUỐC KHÁNH CANADA & HOA K​Ỳ​

Quốc ca Canada: 

https://www.youtube.com/watch?v=jXFXXeoC4k0

Quốc ca Hoa Kỳ: 

https://www.youtube.com/watch?v=ZnehG4pTtvE

 

KIM LOAN

 

Phiếm

Hồi ở trại tỵ nạn Thailand, khi đậu thanh lọc tôi chỉ mong muốn được đi Mỹ đoàn tụ đại gia đình của tôi. Chờ gần cả năm trời, lên phỏng vấn, bị phái đoàn Mỹ cho rớt cái bịch, với lời phán chắc như cua gạch của ông trưởng phái đoàn: “Bộ Nội Vụ Thailand cho cô đậu vì họ tin lời khai của cô, chớ tui… hổng có tin. (Ý ổng nói Bộ Nội Vụ Thái ngu chắc?! Đừng xúc phạm ân nhân của tôi chớ!)

 

Sau đó, theo lời khuyên của gia đình, tôi xin đi Canada, dù sao cũng là hàng xóm thân thiết của Mỹ (không phải hàng xóm môi hở răng lạnh, 16 chữ dzàng nhe!) Phải công nhận phái đoàn Canada thiệt dễ thương, nhìn qua hồ sơ của tôi có đầy đủ gia đình bên Mỹ mà vẫn nhận tôi vào Canada, không gây khó dễ gì! Tôi xúc động, cảm khái, hỏi thiết tha tận đáy lòng:

 

– Sao mấy ông tốt với tui vậy?

 

Ông ấy nhìn tôi với nụ cười ấm áp, hiền hoà và nháy mắt đầy tự hào: “It’s Canada” mà tôi xin được tạm dịch theo lối văn chương bình dân là: “Canada là… dzậy đó!”

 

Qua đến thủ đô Ottawa đúng mùa đông bão bùng, tháng 12, cao điểm tuyết trắng rơi ào ào không kịp vuốt mặt. Mỗi ngày đón xe bus đến trường với vài lớp áo quần, mang giầy boots, mang bao tay, quấn khăn đầu, khăn quàng cổ, khăn che miệng, (như phụ nữ Hồi Giáo), leo lên được xe bus, lại tháo bao tay, tháo khăn che miệng, tháo khăn quàng cổ, tháo mũ len trên đầu để tìm tiền lẻ mua vé xe, bác tài xế không đủ kiên nhẫn chờ đợi, nên có vài lần cho đi… free! Riết rồi… thân với bác tài, thỉnh thoảng bác cho đi “free”, tôi cám ơn rối rít, bác chỉ xua tay độ lượng:

 

– Canada là…dzậy đó!

 

Vào trường học, bắt đầu quen biết bạn bè Việt Nam và bạn bè bốn phương. Giờ giải lao, trước cổng trường có xe bán hàng dạo, đắt hàng nhất là món French Fries (khoai tây chiên) nóng hổi. Giữa cái lạnh giá rét, ngồi trên ghế đá, ngước mặt nhìn trời, hứng từng bông tuyết mát rượi mà nhâm nhi fries thì quả là… trên cả tuyệt vời. Lần đó, ông thầy giáo trẻ dạy môn Biology mà tôi hay nói chuyện, rủ tôi ra xe ăn trưa để giới thiệu với tôi một món ăn mới, rất đặc trưng của xứ Canada, là món Poutine (tức là khoai tây chiên giòn, trên đó rải một lớp cheese curds, rồi rưới lên gravy nóng hổi). Tôi la oai oái, vậy thì khoai hết giòn, ăn sao được! Ổng bảo tôi chớ có đỏng đảnh, cứ thử đi, rồi sẽ mê, và tôi đã mê thiệt (hổng biết mê… thầy hay mê Poutine), nhưng vẫn ngoan cố, gọi đó là “món ăn kỳ quặc nhất trần đời”. Sau đó, ông thầy có nhiều dịp hóm hỉnh cười mím chi (cọp) mỗi khi bắt quả tang tôi xếp hàng mua Poutine và tiến đến, ghé vào tai tôi chọc quê:

 

– Canada là… dzậy đó!

 

Khi gia đình tôi dọn từ Ottawa đến Edmonton (từ bờ Đông sang bờ Tây Canada), mang theo chiếc xe còn bảng số Ontario chưa kịp đổi. Một lần đi downtown, xong việc bước ra xe, tôi thấy trên cửa kính một mảnh giấy: “Bạn đã đậu xe sai chỗ quy định, nhưng chúng tôi không phạt, vì biết bạn là cư dân mới”. Đang bâng khuâng sung sướng, thì anh chàng cảnh sát oai phong như James Bond tiến tới, với nụ cười toả nắng:

– Cô lái xe về đi, lần sau cẩn thận nhé. Welcome to Edmonton!

 

Tôi run rẩy lắp bắp, không nói nên lời dù chỉ là hai tiếng cám ơn thì anh ta quay đi, phớt tỉnh Ăng-lê, sau khi để lại một câu rất đỗi… ngọt ngào:

 

– Canada là…dzậy đó!

 

Cách đây mấy năm, khi tôi phát hành cuốn sách Buồn Vui Đời Tỵ Nạn (dày 325 trang, nặng 300 gram), mang đến bưu điện gửi đi các “khách hàng” khắp nơi. Giá gửi 1 cuốn qua Mỹ là $12, và giá gửi 1 cuốn trong Canada là… $14! Tôi bèn thắc mắc, hỏi nhân viên bưu điện là tại sao lại có chuyện ngược đời, khi mà gửi trong nước lại đắt hơn gửi qua Mỹ. Cô nàng nhìn tôi như người hành tinh khác mới rớt xuống, nhún vai lắc đầu, phán một câu xanh rờn:

 

– Canada là…dzậy đó!

 

Cái câu cuối này, tôi không hài lòng lắm nha! Đến giờ cũng chưa tìm được câu trả lời thoả đáng! Nhưng mà thôi, chỉ là chuyện nhỏ, bỏ qua đi Tám (tôi là thứ tám ở trong gia đình chớ không phải là… Bà Tám) – “Canada là… dzậy đoá”!!!

 

– Kim Loan

NGUYỄN THỊ THANH DƯƠNG

TƯNG BỪNG JULY 4th

TL_usaflag.jpg

Hôm nay nước Mỹ tưng bừng chào mừng July 4. Khu phố tôi nhiều nhà treo cờ Mỹ trước cửa.

Nhà tôi cũng treo lá cờ Mỹ ngoài cửa, trong nhà thì hai vợ chồng bận rộn sửa soạn những món để chiều nướng BBQ, tôi đã ướp sẵn sườn heo cùng cánh gà và sausage, ai thích ăn gì tùy ý. Nhà chỉ có hai vợ chồng, con cái có gia đình riêng sống ở tiểu bang khác nhưng chiều nay chúng tôi có khách là vợ chồng anh Hồ, từ California đến Dallas thăm gia đình người chị họ, sẽ ghé thăm chúng tôi.

 

Vợ chồng anh Hồ là bạn hàng xóm từ hồi ở Việt Nam và cùng sang Mỹ định cư diện H.O. Thỉnh thoảng vợ chồng tôi đến California đều thăm anh chị Hồ nhưng đây là lần đầu anh chị Hồ đến Texas lại đúng vào dịp lễ độc lập Hoa Kỳ, chúng tôi sẽ có một buổi gặp mặt vui chơi ngày lễ lớn này.

 

Hôm nay thời tiết chiều lòng người, không quá nắng nóng như mấy hôm trước nên tôi đã chọn nướng BBQ ngoài trời sau vườn nhà, ăn uống trong patio có trồng cây cối hoa lá xung quanh tạo bóng mát làm dịu đi cái nóng mùa hè Texas..

 

Khi chồng quạt bếp than hồng lên thì tôi bưng mấy khay thịt ướp sẵn ra sân vườn và chuẩn bị sắp xếp mọi thứ đồ ăn trên chiếc bàn dài trong patio. Nào bún, rau sá lách rau thơm, nước mắm tỏi ớt, hoa quả bánh trái….

Đúng hẹn vợ chồng anh Hồ đến, chị Hồ mang theo mấy hộp nho và chà là bày thêm ra bàn. Hai ông ra đứng nướng thịt cho hai bà lăng xăng bày bàn.

Bia rượu khui ra, thịt nướng trên lò đang xèo xèo tỏa mùi thơm ngon, tôi và chị Hồ xong việc, trong lúc đợi thịt chín ngồi xuống bàn trò chuyện, hết chuyện gia đình tới chuyện ….quốc gia đại sự:
- Thời buổi này kinh tế Mỹ khó khăn, vật giá leo thang, stock thì cà giựt lúc lên lúc xuống chóng cả mặt.
- Nước Mỹ chắc.…hết thời rồi chị ơi, nợ công ngất ngưỡng, trộm cướp công khai và bắn súng tùm lum.
Anh Hồ kêu lên:
- Ôi trời, ai khiến hai bà lo? “nghèo” thì “nghèo” nhưng nước Mỹ vẫn là hàng đầu thế giới nhé.
Hai ông đã mang vào bàn những thành phẩm nóng hổi. Hai chúng tôi làm hai tô bún sườn nướng với rau sà lách rau thơm trong khi anh Hồ ăn một miếng sausage nướng cháy cạnh, cầm chai bia lạnh lên cụng chai với chồng tôi:
- Nào chúng ta cùng ăn miếng xúc xích này với hớp bia mừng ngày lễ độc lập Hoa Kỳ,
Tôi và chị Hồ cũng…cụng tô cụng đũa:
- Nào chúng mình cùng ăn tô bún thịt sườn nướng chan nước mắm tỏi ớt này mừng ngày lễ đôc lập Hoa Kỳ.
Chị Hồ suýt soa khen thịt nướng ngon quá, tô nước mắm tỏi ớt hấp dẫn quá. Tôi vừa khiêm nhường vừa khoe:
- Thời đại này có youtube nên món gì mình cũng biết làm. Năm nào ăn mừng lễ độc lập Mỹ nhà mình cũng nửa nọ nửa kia, món Mỹ món Việt đề huề.
Anh Hồ khen:
- Xúc xích ngon lắm, một trong những món Mỹ tôi ưa thích. Chúng ta sống ở Mỹ, là công dân Mỹ nhưng vẫn là người Việt Nam thì nửa nọ nửa kia là phải rồi. Lát nữa tôi sẽ thưởng thức bún thịt sườn nướng của chị.
Tôi gợi lại kỷ niệm:
- Hồi mới đến Mỹ còn ăn tiền trợ cấp tị nạn gia đình tôi ăn thịt gà và trứng gà kinh niên luôn, không có tiền và không biết làm món nọ món kia như bây giờ thế mà vẫn yêu đời, yêu cuộc sống Mỹ. Tuy chúng ta than thở nước Mỹ sa sút kinh tế nhưng người dân vẫn ấm no rủng rỉnh.
Chị Hồ đồng ý liền:
- Chứ còn gì nữa. Thời còn ở Việt Nam, chồng đi tù cải tạo, mình vất vả kiếm tiền bữa đói bữa no làm sao dám mơ có ngày sang Mỹ và sống đầy đủ như bây giờ nhỉ. Cứ như là chuyện cổ tích.
Tôi hãnh diện:
- Đâu ngờ mình sẽ là công dân Mỹ và đón mừng ngày lễ độc lập Hoa Kỳ như hôm nay nhỉ.
Chồng tôi cũng gợi kỷ niệm với anh Hồ:
- Nhớ ngày ở Việt Nam anh Hồ và tôi nộp giấy tờ xin xuất cảnh đi Mỹ, ngày từng ngày lân la đứng ở phòng xuất nhập cảnh đường Nguyễn Du hóng tin, chúng ta đã khao khát chờ trông phía Mỹ chấp thuận, anh Hồ xung lắm tuyên bố sẵn sàng bán nhà cửa, bán tất cả mọi thứ có thể bán được để mua vé máy bay đi Mỹ càng sớm càng tốt, ra đi với hai bàn tay trắng và bộ quần áo dính trên người anh Hồ cũng vui.
Anh Hồ cười hài lòng
- Đúng thế, nước Mỹ chu đáo tử tế cho mượn trước tiền vé máy bay, ung dung lên đường. Nhiều ông tù cải tạo về nghèo khổ thậm chí không có tiền để làm giấy tờ hồ sơ đi Mỹ chứ nói chi tiền mua vé máy bay cho cả gia đình. Nộp giấy tờ hồ sơ mà không có “thủ tục đầu tiên” không mời “cà phê cà pháo” thì hồ sơ sẽ rùa bò hay nằm ì tại chỗ luôn.
Chồng tôi bồi hồi nhắc lại:
- Tôi cũng cảm phục Mỹ điều này. Hai năm sau khi đến Mỹ tôi nhận được thư IOM đòi tiền máy bay đi Mỹ. Nhà tôi 4 người tiền vé máy bay là 2,800 đô la. Thời đó là món tiền lớn đối với tôi, tôi phải trả góp mỗi tháng một trăm, hơn 2 năm mới hết nợ và “chủ nợ” IOM còn gởi thư cám ơn mình nữa, trong khi mình là người mang ơn họ. Lịch sự từ tế đến thế.
- Nghe nói IOM cần chúng ta hoàn trả tiền máy bay để có quỹ lo cho những người tị nạn di dân khác đến sau.
Anh Hồ khẳng định:
- Tôi cũng nghĩ thế và trả tiền nợ vé máy bay sòng phẳng cho yên tâm.

Hai ông vừa hăng hái nướng thịt vừa trò chuyện cho đến khi những món thịt nướng đã xong và bày ra bàn, hai ông không phải chạy ra chạy vào nữa, bốn chúng tôi càng nói chuyện tưng bừng hơn, từ thuở bỡ ngỡ mới đến Mỹ trải qua bao nhiêu vất vả buồn vui cho đến cuộc sống ổn định hiện tại. Chị Hồ chợt nhớ ra:
- Khoe tin vui cho anh chị biết là gia đình người em út của tôi sắp qua Mỹ đoàn tụ với con.
Tôi nhớ ra ngay người em trai út của chị Hồ:
- Có phải là Dư không? Ngày xưa Dư đi vượt biên mấy lần vào tù, mấy lần thất bại tưởng dẹp mộng đi Mỹ chứ.
- Đúng là Dư, nhưng nó chưa bao giờ dẹp mộng, Dư không đi Mỹ được thì cho con đi. Sau những lần vượt biển không thành, các trại tị nạn đóng cửa Dư mới thôi. Sau này Dư lập gia đình, Dư lo cho đứa con trai duy nhất sang Mỹ du học, con học xong, có việc làm và kết hôn ở Mỹ. Nay con bảo lãnh cha mẹ sang Mỹ đoàn tụ. Coi như ông trời “đền bù” cho Dư, coi như Dư vẫn có duyên với nước Mỹ, tuy chậm còn hơn không.
- Vui thật. Thế là Dư đã toại nguyện rồi.
………………….
Ăn uống xong thì trời sắp tối, chúng tôi ra sân trước mở cửa garage ngồi uống trà ăn bánh đợi 9 giờ tối xem pháo bông. Pháo bông những địa điểm chính thức chưa có nhưng đã có pháo của hàng xóm rồi, người lớn và trẻ con đốt pháo trước cửa nhà họ hay mang ra giữa đường đủ các loại pháo, nào pháo dây, pháo chùm, pháo treo thi nhau chớp sáng cả một khu phố.
Vợ chồng anh Hồ và vợ chồng tôi giống nhau hợp nhau cùng hiểu được giá trị cuộc sống ở Mỹ. Đất nước hiệp chủng quốc này luôn là vùng đất hứa cho bao di dân trên thế giới.
9 giơ tối pháo bông ở những tụ điểm bắt đầu bắn tung những sắc màu tươi sáng rực rỡ một khoảng trời, ngồi trong garage chúng tôi vừa ngắm pháo bông vừa hào hứng chúc mừng nhau:
- Nào, chúng ta lại nâng ly …trà mừng ngày July 4 và mừng cho bao người trong đó có chúng ta giấc mơ Mỹ đã thành hiện thực.
Tôi hào hứng chúc thêm:
- Và mừng cho vợ chồng em Dư của chị Hồ sắp đến Mỹ định cư. Happy July 4th…Happy July 4th…

 

Nguyễn Thị Thanh Dương

(June 09,- 2024)

 

 

Lá Cờ Mỹ 

 

Lá cờ Mỹ treo cao

Phất phơ bay theo gió

Đất nước này tự hào

Tự do và dân chủ.

 

Cờ Mỹ cắm trên mộ

Ngày chiến sĩ trận vong

Thiên thu người nằm đó

Tưởng nhớ và tri ân.

 

Cờ Mỹ phủ quan tài

Khi người linh hy sinh

Lá cờ sẽ gấp lại

Trân trọng trao người thân.

 

Lá cờ Mỹ tung bay

Mừng vui ngày độc lập

Từ công sở, trường học

Đến nhà nhà người dân.

 

Cờ Mỹ lên mặt trăng

Apollo mười một

Lá cờ Mỹ quen thuộc

Khắp bốn biển năm châu.

 

Với 50 ngôi sao

Với 7 dòng sọc đỏ

Với 6 dòng sọc trắng

Là hình ảnh thân thương.

 

Hãnh diện lá cờ Mỹ

Stars and stripes

Máu xương bao thế hệ

Old Glory là đây.

 

Bài quốc ca cất lên

Khi ta đứng chào cờ

Bàn tay đặt lên tim

Tôn trọng và ước mơ.

 

Nguyễn Thị Thanh Dương

( June. 12, 2024)

GS NGUYỄN TRUNG QUÂN

ĐỌC THƠ HÒA THƯỢNG THÍCH TUỆ SỸ

NHÂN TƯỞNG NIỆM 6 THÁNG KỂ TỪ NGÀI VIÊN TỊCH (15/2/1943-24/11/2023) 

YOUTUBE: http://chinhnghiavietnamconghoa.com/doc-tho-hoa-thuong-thich-tue-sy-nhan-tuong-niem-6-thang-ke-tu-ngai-vien-tich/

NTQ_)DocthoTueSi.JPG

GS Nguyễn Trung Quân thuyết trình

GIÁO DỤC VNCH TRƯỚC 1975

Nghe bài thuyết trình trên YOUTUBE qua link sau đây:

https://www.youtube.com/live/yf38PVpwChI?si=hUqYteUYZmBAS_na

Nguyen Trung Quân_GDVNCH.JPG

Nghe bài thuyết trình trên YOUTUBE qua link sau đây:

https://www.youtube.com/live/yf38PVpwChI?si=hUqYteUYZmBAS_na

THT_Đêm trở lại nhà.JPG

NHÀ VĂN TRẦN HOÀI THƯ

THỦ ĐỨC GỌI TA VỀ

 

TRẦN NGUYỄN

một bút hiệu khác của LHV - LCT - HVT...

cựu SVSQ/TB THỦ ĐỨC khoá 5/68

 

                                   lược đọc

  Tháng 2/2001, Thư Ấn Quán đã xuất bản tập THỦ ĐỨC GỌI TA VỀ, tác phẩm thư 13 của nhà văn quân đội Trần Hoài Thư. Tập sách dầy 158 trang với 13 bài viết chọn lọc mà tác giả đã dành biết bao tình cảm để lý giải về "ngôi trường lính", về tác phong đạo đức, về tình chiến hữu, tình đồng đội, về sĩ khí của một sĩ quan Thủ Đức, về những tình cảm sáng trong của mỗi người lính trong cuộc chiến đầy oan khiên và máu lệ. Mười ba tựa bài đã nhắc nhở trong mỗi cựu SVSQ xuất thân từ trường Thủ Đức có thể hình dung được: Tội nghiệp những cây mạ của vùng Tràn Tiên, May mà ta có em, Viết từ đồi Tăng Nhơn Phú, Đêm di hành đầu tiên, Nguyệt san Bộ Binh, Đêm Alpha, Cám ơn Thủ Đức, Thủ Đức gọi ta về, Thư về người đàn anh Thủ Đức, Những người muôn năm cũ, Một bài thơ được viết, Ngày cuối cùng với Thủ Đức, Nén hương cho người Thủ Đức.

 

         Xin nói rõ, đây không phải là bài viết mang tính "phê bình văn học" hay "khen chê tác phẩm", đó là công việc của những người cao kiến làm công tác lý luận phê bình, mà đây chỉ với tư cách một người "bạn" lược đọc cuốn sách của một người bạn mang ý nghĩa TÂM BÚT mà thôi. Chữ "bạn" mà tôi dùng với anh Trần Hoài Thư, dù chúng tôi không cùng quê quán, không cùng kỷ niệm thời thơ trẻ và cũng chẳng có thường gần gũi để xem nhau là "bạn bè" như người đời thường nghĩ. Tôi được biết đến Trần Hoài Thư trước hết qua những truyện anh đã đăng trên tạp chí Văn, Bách Khoa, Khởi Hành... xuất bản ở Sài Gòn trước 1975 mà tôi vốn thích cách hành văn và ý tưởng của anh trên từng tác phẩm.

         [Xin mở ngoặc để nói bên lề giao tình giữa tôi và anh Trần Hoài Thư. Khoảng đầu tthập niên 1974, dịp may văn đoàn Văn Nghệ VỀ NGUỒN tại Cần Thơ của chúng tôi phối hợp tổ chức giới thiệu tác phẩm thứ tư của nhà văn Trần Hoài Thư tại quán Thằng Cuội (do anh Phan Lương Năng làm chủ quán, đường Pasteur Cần Thơ) đó là tập truyện MỘT NƠI NÀO ĐỂ NHỚ do Con Đuông xuất bản; và cũng là lần đầu được tay bắt mặt mừng với anh và còn biết được anh là chồng chị cựu học sinh PTG Nguyễn Ngọc Yến, (tức anh là con rể của thầy Huyện Dưỡng làm việc trong trường Phan Thanh Giản đã nghỉ hưu). Sau năm 1975, trình diện theo lệnh gọi "tập trung cải tạo mang theo 10 ngày ăn" vào ở chung trong trường trung học Phan Thanh Giản gần hai tháng, chứng kiến cảnh họ đập phá, kéo sập bức tượng cụ PTG mới vừa dựng lên sân trường năm 1974, rồi sau đó chuyển lên Trung tâm huấn luyện Chi Lăng (Châu Đốc) để "học tập tẩy não", tôi lại được ở cạnh phòng với anh Trần Hoài Thư. Lúc đó có anh Nguyễn Văn Đông (tức nhà thơ Đạm Thạch), vợ là chị Huỳnh Hồng Huyên có bà con bên chị Yến, định cư ở California, chung phòng đội 3 với tôi; anh Thư ở phòng đội 4 cùng khung 5. Nhắc chi tiết nầy để anh Trần Hoài Thư nhớ lại chuyện, khoảng cuối tháng 12/1975, anh Nguyễn Văn Lập (chuyên viên tháo gở mìn bẩy) ở đội 3 đã đập trái đạn 105 ly để lấy cái ly nhôm làm quà cho con, ngoài vách doanh trại, ngay trên đầu nằm của tôi. Trái đạn nổ, anh Lập văng ra tới giữa sân, hai tay lặt lìa, máu thịt vung vải trên mái nhà chỗ tôi nằm, và đã chết. Còn tôi đang chợp mắt ngủ trưa (sau giờ ăn một nhúm bo bo) bị hất tung rớt cách chỗ tôi nằm khoảng mấy thước tây, trên đầu dính nhiều màu trắng - đỏ mà anh Đông và các bạn cùng la "anh V. bị thương đầu". Lúc đó, anh Thư phòng bên chạy qua rồi cùng anh em xúm lại đở tôi lên, thật tế tôi không bị thương mà đó là do "keo đựng cơm mẻ và chai thuốc đỏ để phía trên đầu nằm bị bể" văng tung toé lên đầu tôi. Còn ca inox đựng đầy nước muối để dành ngậm răng khi bị đau nhức cũng đỗ hết nước làm ướt tóc tôi; cái ca "dẹp lép" rớt đằng xa anh em cầm lên trông dễ sợ. Tôi đã thoát chết trong đường tơ kẽ tóc như vậy. Ra hải ngoại nầy, nhờ có sinh hoạt gia đình trung học Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm... chúng tôi được gặp nhau rất thân tình. Năm, 1998 khi tôi nhận làm chủ bút tạp chí Văn Hoá Việt Nam do Phạm Quang Tân làm chủ nhiệm đã mời được anh Trần Hoài Thư vào Ban Biên Tập, thì chúng tôi liên lạc thường xuyên hơn. Tạp chí VHVN tổ chức ra mắt tập truyện RA BIỂN GỌI THẦM của anh tại Houston, anh chị từ New Jersey xa xôi đã sang gặp gỡ bạn đọc rồi sau đó dự buổi họp mặt gợi nhớ hình ảnh Quán Văn năm xưa. Tôi cũng có dịp cùng các bạn văn nghệ lái xe từ Houston sang Louisiana tham dự buổi ra mắt sách của anh và Hoàng Ngọc Liên nơi đây tình nghĩa tràn đầy. Đặc biệt năm 2007 khi anh chị Trần Hoài Thư - Nguyễn Ngọc Yến về Houston TX tham dự Đại hội thế giới lần thứ XI của gia đình CHS Phan Thanh Giản & Đoàn Thị Điểm Cần Thơ với số người đông nhất 686 người trong đó có 36 cựu Giáo Sư, chúng tôi vui vẻ với nhau suốt những ngày họp mặt (25, 26, 27 tháng 5), hậu đại hội vợ chồng tôi và vợ chồng anh cùng du hành đường biển 5 ngày đêm trong đoàn gồm 92 Giáo sư và Cựu học sinh về hướng Tây vùng biển Caribbean trên tàu Carnival (the Fun Ship từ ngày 28 tháng 5 đến ngày 2 tháng 6 năm 2007) lưu lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Với công việc Thư Ấn Quán, anh Trần Hoài Thư đã giúp in một số tập sách của tôi và vợ tôi đểgiữ kỷ niệm trong Bản Thảo Lưu Lại: Những Chặng Đường Thơ (Thơ - 2008) Trôi Ngang Phận Mình (tập Truyện - 2009), Những Bạn Văn Nghệ Ngang Qua Đời Tôi (Tâm bút - 2010 - 2016), Những Trang Viết Tản Mạn Quanh Đời Tôi (Bút ký - 2010), Nối Sợi Dây Dài và Cát Bụi Thoảng Qua (Bút ký & Truyện vừa - 2012). In tập truyện thứ hai Nắng Nhạt Hoàng Hôn của Diễm Phượng (2009), tập đầu Giữ Lại Cho Đời Một Chút Hương (do cựu Đại tá Nguyễn Đình Tuyến giao cho Đại Học Đông Nam in và phát hành năm 1998)... Xin đóng ngoặc để vào trọng tâm bài viết nầy].  

 

         Để nói về niềm tự hào của một sĩ quan xuất thân từ trường Bộ Binh Thủ Đức, Trần Hoài Thư viết: 

         "Chúng tôi là những người tốt nghiệp từ Thủ Đức, một quân trường đào tạo trung đội trưởng bộ binh trong vòng chín tháng. Nó là nơi mà một ngài cựu đại tá tâm sự là sợ phải đâm lưỡi lê vào tim người nên không dám đầu quân vào bộ binh. "Đầu tiên, tôi được lệnh đi khoá Một Nam Định. Nhưng nghĩ lại cái cảnh phải mang súng trường gắn lưỡi lê đâm vào tim người dù là hình nhân đi nữa, tôi phát sợ. Cuối cùng tôi đầu quân vào đơn vị khác. Dầu là hiện dịch, nhưng chắc ăn". Nó cũng là nơi mà một cựu thiếu tá phải thú thật rằng, lý do ông không vào Thủ Đức, bởi vì ông sợ chết... Thủ Đức chết nhiều quá...".  

         "Vị đại tá kia có lý của ông. Bởi tâm ông là tâm hiền. Không thể bắt ông cầm súng gắn lưỡi lê để đâm vào tim người được. Cũng như vị thiếu tá kia. Ông dám nói sự thật. Thật về cái ý nghĩ, tâm trạng thầm kín nhất giữa lúc người ta không dám nói.    

         "Và đó là lý do chúng tôi phải tự hào thêm một lần nữa. Chúng tôi đã chấp nhận đến một quân trường mà hai ông sĩ quan cấp tá đã sợ và tìm cách xa lánh. Nó là nơi mà chúng tôi, những người cùng chung số phận, chung một định mệnh, đã nương tựa lẫn nhau, đã chia xẻ cùng nhau cái nghiệp của người thanh niên trong thời loạn.

         "Nhưng ai có thể dám nói rằng, những thầy giáo, những kỹ sư, sinh viên hay những kẻ thi rớt tú tài 2 là những kẻ khi đánh giặc thì ở đàng sau, khi tan hàng thì chạy trước? Xin hãy đọc giùm những hàng sau đây viết về ngày cuối cùng ở trường Bộ Binh Thủ Đức để hiểu rõ hơn:

         "... Chiếc T54 bắn một hồi rồi di chuyển về phía cổng số 9. Nhưng cổng này đã bị 4 chiếc xe đậu chặn ngang đường. Nó lại chạy ra cổng số 1. "Nó chạy ra kìa". Một sinh viên sĩ quan la lên. Các tổ M72 thi nhau nhả đạn. Chiếc chiến xa T54 lần này cũng may mắn không bị cháy nhưng bị đứt xích, nó cố gắng lết ra đến Niệm Phật Đường Quảng Đức Chợ Nhỏ quay pháo tháp vào trong trường và nhả đạn như mưa.

         "Trước tình hình nan giải này, hai khoá sinh chưa được gắn cấp hiệu alpha, đã tình nguyện mỗi người mang 4 trái lựu đạn lân tinh bò ra tiêu diệt chiến xa địch. Họ đã bò qua mấy đường hẻm ở Chợ Nhỏ tiến về phía sau Niệm Phật Đường. Bỗng một quả cầu lửa nổ tung, tiếng nổ long trời, một cột khói đen hừng hực bốc lên như hàng chục trái mìn chống chiến xa cùng nổ một lúc. Tiếng reo hò vang lên từ những vị trí phòng thủ: Chiến xa cháy rồi. Nó cháy rồi". (trích Ngày Cuối Cùng tại trường Sĩ Quan Thủ Đức của Minh Tân Lê Quảng Trị, báo KBC số 22) [TĐGTV từ trang 38 - 41].

 

         Nói về "Ngôi trường lính", Trần Hoài Thư đã viết:

         "Nhưng với một ngôi trường chiến tranh, kỷ niệm chỉ là những mồ hôi gian khổ, những khối nặng mang trên mình thì có gì để nhắc nhở. Không phải vậy. Phải nhớ. Nhớ bởi vì, nó khởi đầu cho một cái nhìn khác, suy nghĩ khác. Ta đã từng cầm súng gác đêm tại lô cốt số 6. Đêm nay hết một năm. Lại gác đêm giao thừa. Quê hương chừng rét lắm. Lất phất dưới làn mưa... Bây giờ ta mới thấm thía được ý nghĩa của những câu thơ mà ta không nhớ hết. Thời còn dân sự ta chỉ biết thưởng ngoạn nó, nhưng không cảm nhận nó. Bây giờ ta đang ở trong cuộc, ta cũng cầm súng canh gác, trời cũng lất phất mưa. Quê hương chừng rét lắm. Tâm hồn ta bỗng nhiên lớn  hơn, bao la hơn. Ta bay bổng khắp quê hương. Ta như người phi công trong một chuyến bay đêm, hãnh diện nhìn quả đất. Bây giờ ta mới hiểu tại sao người thơ lại dùng chữ lại, thì vì chữ được. Được mang ý nghĩa của niềm hãnh diện. Lại có ý nghĩa lại sự bắt buộc, là phải tuân hành. Nhưng tuân hành không phải là không làm tròn nhiệm vụ. Có lẽ quân đội chỉ cần người tuân hành. Bởi thế kỷ luật là sức mạnh, người ta luôn luôn nhắc nhở như thế. Nhưng tuân hành không phải để trở thành nô bộc. Người ta không thể lạm dụng hai chữ kỷ luật để bắt buộc thuộc cấp trở thành nô lệ, nô bộc. Sau này tôi đã hiểu rõ hơn về cái lạm dụng này. Khi người sinh viên chúng tôi được lệnh phải đánh giày thật bóng, xếp drap xếp mền thật kỹ, dọn tủ quần áo thật ngăn nắp, có nghĩa là chúng tôi được học bài học là một người sĩ quan, trước hết anh phải làm gương cho kẻ khác. Anh phải dấn thân trước hết. Làm sao tôi có thể biết là ngoài thực tế, có một vài đơn vị trưởng được xem như một ông vua nhỏ. Ngay cả một trung đội trưởng với cấp số trên dưới hai mươi người, còn được cấp một người mang gạo, nấu ăn, chẳng khác một người hầu không công, huống hồ đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng, trung đoàn trưởng. Chẳng những cho các ông mà còn cho vợ con các ông nữa. Thiên hạ sợ các ông, bởi vì dưới trướng của ông là súng ống, và binh sĩ, là đám cận vệ luôn luôn chứng tỏ trung thành tuyệt đối. Làm sao tôi biết, những người hầu kia, đã từng bị cấp chỉ huy bạt tai, đá đít vì đã quên đánh giày, giặt tất cho ông thầy hay để xe các ông bị dơ bẩn. Làm sao tôi có thể hiểu khi trường lính huấn luyện tôi phải một mình tự lực vươn lên, đừng bê tha cẩu thả, thì ngoài đơn vị, tôi trở thành thầy chủ. Con người sinh ra đều được bình đẳng. Không thể có tớ có thầy. Có phải vậy không?

         "Chúng tôi đã được huấn luyện để làm quen với cam khổ. Từ cam khổ con người mới hiểu được cái cam khổ của người khác. Chúng tôi đã được huấn luyện để hiểu thế nào là sức mạnh của kỷ luật. Từ kỷ luật chúng tôi mới có thể làm kẻ lãnh đạo chỉ huy. Nhưng trên thực tế, kỷ luật là con dao hai lưỡi. Nó tạo nên độc tài, độc tôn. Nó không cho phép kẻ cấp dưới được quyền nói lên tiếng nói. Nó dùng lon cấp để ra lệnh, mà người thuộc lấp không cần biết cái lệnh ấy hợp lý hay không hợp lý, đúng hoặc sai. Ta phải nhắm mắt.

         "Nhưng người Thủ Đức không phải chỉ biết nhắm mắt trong mọi trường hợp. Như trường hợp sau đây của một chuẩn úy khi anh yêu cầu Đại Bàng tản thương người chết và người bị thương ra khỏi vùng để rồi sau đó nhận được những lời của vị chỉ huy mặt trận:

         "... Tôi cầm tay Thảo. Cả tay chân anh mềm nhũng, hai mắt thâm đen và anh cũng không còn thấy được nữa. Hơi thở thoi thóp, miệng lắp bắp: "Thái ơi, Thái ơi ba chết!". Tôi lắc khẽ vai anh: "Thảo, Viện đây. Anh không sao đâu, trực thăng sẽ đưa anh về quân y viện ngay. Cố gắng lên!". "Thái ơi, Thái ơi! Ba chết!". Thảo cứ gọi tên đứa con trai cưng nhất của mình, hơi thở mõn dần, và anh đã trút hơi thở sau cùng lúc 10 giờ 15 phút sáng ngày 01 thán g 3 năm 1970. 

         "Thảo chết, Trung sĩ Trai bị thương với 4 người lính khác. Tôi báo ngay về trung tâm hành quân tại chi khu và yêu cầu phương tiện tản thương. Bạch Hổ bảo đã báo tiểu khu và chờ. Mặt khác lại ra lệnh:

         "- Đại Bàng chỉ định Victor (Viện) quyền Dzũng Chinh điều động các đứa con tiến chiếm các mục tiêu còn lại. Để một chấm (tiểu đội) ở lại trông chừng số "kilo" (người chết), "whisky (người bị thương).

         "Tôi trả lời qua máy là, không đồng ý bỏ lại dọc đường Dzũng Chinh và mấy đứa con bị thương, bởi em út họ không chịu đi nếu như việc tản thương không được thực hiên nhanh chóng. Bạch Hổ thông báo với Đại Bàng. Ông Đại Bàng bay lên vùng, và liên lạc thẳng với tôi:

         " - Đ.M.., tôi ra lệnh cho Dzũng Chinh phải tiến quân. Đ.M. cứ bỏ thằng "kilo" (người chết), với đám "whisky" (người bị thương) lại đó sẽ có  chuồn chuồn đến bốc. Bây giờ đám diều hâu đã vỗ cánh lên vùng, tất cả ưu tiên cho "Delta Quebec) (đỗ quân)... Đ. M. chú thi hành hay không? Đ.M. tôi đưa ra toà án mặt trận bây giờ.

         "Tôi nóng ran cả mặt. Một tư lệnh cuộc hành quân mà giải quyết sự việc với  những tính toán và ngôn ngữ như vậy khiến tôi bất bình, và chẳng hiểu xuất phát từ đâu, tôi đã nói qua máy:

         " - Đ.M. Đại Bàng chớ Đại Bàng đừng Đ.M. tôi như vậy. Ông muốn gì tôi thách ông đó. Bây giờ tôi nói dứt khoát với ông, tôi không đi cho đến khi nào có chuồn chuồn đến bốc Dzũng Chinh và mấy đứa con whisky của tôi..." .

         "Trên đây là một đoạn trong truyện (hồi ký) Điếu Thuốc Sau Cùng của Lê Cần Thơ đi trong đặc san Thủ Đức. Chúng tôi xin lược trích lại để chứng minh về sĩ khí của kẻ sĩ cùng tinh thần đồng đội của người lính VNCH nói chung cũng như người sĩ quan Thủ Đức nói riêng. Tại sao viên chuẩn úy của chúng ta lại có thái độ ngang ngược như vậy. Tại sao anh lại bày tỏ thái độ bất chấp như vậy. Bởi vì anh không thể bỏ rơi đại đội trưởng của anh và những ngưới lính của anh. Họ phải được cứu sống. Họ phải được đền bù sau khi họ đã hy sinh tất cả. Có lẽ bản chất của viên trung tá kia là người thô lỗ, nhưng không phải vì thế mà quên đi cái tình chiến hữu, đồng đội mà ông lẽ ra phải làm gương. Nếu như không có chiếc trực thăng xa lạ nào đó bay qua, thương tình đáp xuống để cứu độ thì có lẽ một hai mạng người sẽ kết thúc vì máu mất nhiều quá. Rõ ràng ông ta đã dùng oai quyền và lạm dụng oai quyền. Nhưng ông không hiểu con tim chúng tôi, những người sĩ quan trẻ tuổi tốt nghiệp từ quân trường Thủ Đức.

         "Con tim ấy tha thiết lắm. Nó đau cái đau của đồng đội. Nó hạnh phúc cái hạnh phúc của đồng đội. Nó làm tiểu đội, trung đội trở thành một mái nhà. Con tim ấy đã khiến người chuẩn úy khác dám bắn đàn bò của tư lệnh vùng, bởi anh thấy lính của anh gian khổ quá, đói rách quá:

       

       Ngày N. cộng sáu

quân lui về Nghĩa Hưng

áo quần đầy hương máu

tóc râu đầy hương rừng.

 

Đang đi, lệnh: đóng chốt

lập vòng đai an toàn

cho đại đội trừ bị

lùa bò cho tướng Toàn.

 

Bò mập lông vàng thẫm

rộn rịp tập xếp hàng

lính than thèm thịt quá

nổi máu, ta bắn càn.

 

Lon guigoz đầy giấm

củi rừng bắt lửa nhanh

miệng nhai lòng chảy máu

tự rủa mình gian manh.

 

Tướng Toàn không ký phạt

nhưng ta chẳng tha ta

một tuần không ăn thịt

không làm thơ ngắm hoa.

                    (Luân Hoán)

 

         "Đó là lý do tại sao chúng tôi hãnh diện. Với quê hương, chúng tôi đã mang trọn vẹn trái tim của chúng tôi để dâng hiến. Với đồng đội chúng tôi đã sống chết hết lòng. Ngay cả đối với những người có liên hệ với hàng ngũ bên kia, trái tim chúng tôi vẫn nảy nở lòng thương hơn là thù hận. Chúng tôi khác với đối phương, thay vì họ được nhồi sọ bởi Bác, Đảng, còn chúng tôi được học từ Chúa và Phật..." [TĐGTV từ trang 59 - 67].

 

         Xuyên suốt tập THỦ ĐỨC GỌI TA VỀ, vẫn lối văn thuật chuyện rất gần gũi thân quen, anh đã để cái tình đồng đội, cái tình con người vượt lên tất cả, Cái tình đó, ít nhất đã được un đúc trong con người một nhà giáo dạy công dân trước khi động viên vào lính do tình hình chiến sự ngày càng gia tăng ở miền Nam. Anh viết:

         "Đồi Tăng Nhơn Phú hay đồi 4100. Ai mang ta đến chốn này? Ai mang cả ngàn người cho mỗi khoá. Năm ấy, 1967, chiến tranh đã đến hồi cao điểm. Quân số Mỹ đã lên gần con số 500.000. Năm ấy, tháng giêng ngày 6, 16 ngàn nquân Mỹ và 14 ngàn quân VNCH đồng tấn công vùng Tam Giác Sắt, một mật khu bất khả xâm phạm của quân Cộng Sản. Ngày 29 tháng giêng, trực thăng Mỹ bắn lầm, giết 32 thường dân. Ngày 15 tháng 2, 13 trực thăng Mỹ bị bắn rơi trong một ngày. Ngày 14 tháng 4, tại Mỹ 10 ngàn người biểu tình chống chiến tranh Việt Nam. 20 tháng 4, 20 phản lực Mỹ lần đầu tiên dội bom Hải Phòng. Ngày 19 tháng 5 máy bay Mỹ lần đầu tiên oanh tạc Hà Nội. 30 tháng 7, thống tướng Westmoreland tuyên bố sẽ chiến thắng nếu có thêm quân. Ngày 23 tháng 9, Nga ký thỏa ước viện trợ giúp đỡ tối đa Hà Nội. Ngày 26 tháng 9, Hà Nội bác bỏ đề  nghị Hoà Bình của Hoa Kỳ... Năm ấy, 1967. Năm mà những khí giới tối tân nhất của Mỹ, của Nga, Tàu được chuyển về miền Nam, trong khi người lính miền Nam vẫn còn thừa hưởng những khẩu súng trường bắn từng phát một từ đệ nhị thế chiến và đa số các tướng lãnh xuất thân từ quân đội Pháp. Năm mà những đứa học trò hay sinh viên ngồi trong lớp học hay giảng đường, thay vì chú tâm vào sách vở kiến thức thì phải nghĩ đến một hai thằng bạn thân đã tử trận. Năm mà cái chết không còn chừa một ai... [TĐGTV từ trang 24 - 26].

         Để rồi trong bài Ngày Cuối Cùng Với Thủ Đức, Trần Hoài Thư có đoạn đã viết:

         "Đêm cuối cùng bồng súng trước Trung Nghĩa Đài. Hai người một ca. Găng tay trắng. Dây biểu chương. Chiếc nón cat két chụp xuống mắt. Quai nón vòng quanh cằm. Đèn sáng thấy hình hai người sinh viên sĩ quan bắn cung. Tại sao ta lại muốn khóc. Không kèn, không trống, không điếu văn, không chiêu hồn tử sĩ. Chỉ có gió đêm. Gió của mùa hè năm 1967. Gió giữa vùng đồi lửa cát. Hồn tử sĩ gió vù vù thổi. Những người đàn anh của ta. Họ cũng đã một lần bồng súng đứng nghiêm như ta. Đêm mùa hè, trời trong, càng về đêm trời càng sao sáng. Ta đang đứng nghiêm nhưng con tim ta thì đang gọi. Hỡi người đàn anh, xin phù hộ cho người đàn em này. Gió càng về khuya càng lạnh. Cả một quân trường đang ngủ. Không, có những kẻ đang thức. Như ta, như khoá đàn em của ta.

         "Bởi vì họ thật sự gánh thế những tai ương mới. Họ không được may mắn. Và Trung Nghĩa Đài này, không phải được dành ra để tưởng niệm khoá đàn anh, mà cả khoá đàn em của ta. 5 sinh viên sĩ quan  khoá 25 đã chết vì bị mìn sau khi rời khỏi cổng số 9 chỉ cách đây không lâu.

         "Đêm cuối cùng, có ta là đứng canh cho người đã khuất. Trên bầu trời đen tối, giữa muôn vàn tinh tú kia, thỉnh thoảng một vài vì sao băng. Từ một chấm nào giữa cõi bao la, vì sao bỗng xẹt nhanh, từ đông sang tây từ nam qua bắc, từ cao xuống thấp. Hay là lúc này có những người đàn anh của ta đã tử trận, và linh hồn của họ đã rời khỏi vì sao định mệnh của họ rồi.

         "Ngày cuối cùng, nhét tờ sự vụ lệnh vào túi áo. Đại Đội 405 thám kích Sư đoàn 22 BB..." [TĐGTV từ trang 135 - 136]

 

         Đúng như vậy, người chuẩn úy vừa mới ra trường khoá 24 Thủ Đức ấy đã về đơn vị đầu tiên giữ chức vụ Trung đội trưởng thám kích thuộc đại đội 405, Sư đoàn 22 BB như phần tóm lược về mình ghi ở trang bìa 4 cuốn sách: "Trần Hoài Thư sinh tại Đà Lạt. Học Quốc Học Huế, Đại Học Huế và Sài Gòn. Động viên khoá 24 Thủ Đức. Giải thưởng sinh viên sĩ quan báo chí xuất sắc của khoá. Trung đội trưởng thám kích. Bị thương trận 3 lần. Bốn năm trong trại lao nhục. Cử nhân điện toán và Cao Học Toán. Hiện là chuyên viên điện toán IBM... (...).

         Và tại bìa sau của cuốn sách khác trước đó, tập Thơ QUÁN do Thư Ấn Quán ấn hành năm 2008 đã ghi:

         Trần Hoài Thư sinh 1942 tại Đà Lạt. Động viên khoá 24 Thủ Đức, phục vụ đại đội thám kích SĐ 22 BB từ năm 1967. Bị thương 3 lần. Từ 4-1975, sau 4 năm tù tội tại rừng khổ sai Trà Tiên, ông được thả về và mưu sinh bằng nghề bán cà rem dạo. Năm 1980, vượt biển và đến Hoa Kỳ. Ông trở lại trường, tốt nghiệp đại học với BS in Computer Sciences và MS in Applied Math. Và làm việc cho AT & T và IBM cho đến ngày về hưu. Trước năm 1975, ông có 4 tác phẩm truyện ngắn được xuất bản. Sau năm 1990, ông viết trở lại, và cho ra đời thêm 16 tác phẩm, trong đó có 7 tập thơ. Riêng thơ của ông thường xuất hiện trên Bách Khoa, Văn, Khởi Hành (trước 1975), và một vài tạp chí văn học ở hải ngoại sau 1975. Hiện nay ông chủ trương tạp chí Thư Quán Bản Thảo, cơ sở Thư Ấn Quán và Tủ sách Di Sản Văn Chương Miền Nam.

         Địa chỉ liên lạc: Thư Ấn Quán

                                    P.O. Box 58 South Brook, NJ 08880 USA

                                    Email: Sách Trần <tranhoaithu16@gmail.com>

 

         Cảm ơn nhà văn Trần Hoài Thư - một cựu SVSQ khoá 24 Thủ Đức, một con người xuất thân trường Bộ Binh Thủ Đức và trong lòng lúc nào cũng nghe lời thôi thúc để anh viết nên tác phẩm "THỦ ĐỨC GỌI TA VỀ", mà trong bài viết nầy, tôi đã trích dẫn rất nhiều đoạn văn anh đã viết [đặt trong dấu ngoặc kép (....)]. Nghĩ rằng anh cũng vui lòng cho tôi trích dẫn nhiều như vậy mới nêu bật được ngôn ngữ, văn phong tròn vẹn của anh, để giới thiệu trên đặc san của cựu SVSQ Thủ Đức khoá 5/68, một khoá đàn em của anh với 1752 SVSQ khắp bốn vùng chiến thuật vào trường Bộ Binh Thủ Đức theo lệnh Tổng Động Viên toàn quốc, với giấy gọi do Chuẩn tướng Bùi Đình Đạm, giám đốc Nha Động Viên ký tên tống đạt sau Tết Mậu Thân 1968. Tôi cũng nghĩ rằng, bài lược đọc nầy, anh cũng vui lòng cho phép tôi gởi đăng trên một vài báo khác viết kỷ niệm về đời quân ngũ như KBC, hay Chiến Sĩ Cộng Hoà năm xưa.

 

         Houston, ngày 20 tháng 5 năm 2009

 

           TRẦN NGUYỄN        

       một bút hiệu khác của LHV - LCT - HVT...

          cựu SVSQ/TB THỦ ĐỨC khoá 5/68

____________________

Sơ Quát về Năm Giai Vị Tu Tập trong Phật Đạo qua Duy Thức Học

Khánh Hoàng ____________________

 

Duy Thức Tam Thập Tụng, tác giả:  tổ Thế Thân (316-396), dịch giả Phạn - Hán: Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang (602-664), có tất cả 30 bài  tụng, mỗi bài  có 4 câu, mỗi câu có 5 chữ (mỗi bài có 20 chữ); trong đó có 5 bài tụng (100 chữ), thuộc phần Duy Thức Hạnh đã nêu rõ về 5 giai vị tu tập trong Phật Đạo.  Đó là 5 giai vị với tên gọi là: Tư Lương vị, Gia Hạnh vị, Thông Đạt vị, Tu Tập vị, và Cứu Cánh vị. Năm giai vị này bao quát con đường tu tập đưa đến quả vị giải thoát cứu cánh trong đạo Phật. Bài viết sau đây chỉ là sự tổng hợp, góp nhặt, cảm nhận, suy luận có khi mang tính chủ quan  từ những điều đã thu thập được nơi một số kinh luận, các bài giảng thuyết; các giai đoạn tu tập cũng chỉ được nêu ra một cách rất khái quát  …nên chỉ có tính cách dùng để tham khảo.

             Giai vị đầu tiên của Duy Thức Hạnh là Tư Lương vị. Được gọi tên là "Tư Lương" vì đây là giai đoạn xây dựng, tạo lập hành trang, vật thực cần thiết cho các giai trình tu tập sau đó. Trong giai đoạn Tư Lương,  hành giả bắt đầu tìm tòi,học hỏi, suy nghĩ, tư duy, thắc mắc, lễ lạy và cúng dường Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) cùng các Thiện Tri Thức, luận bàn về Phật pháp nơi các kinh sách, các vị tôn đức tăng ni, các vị thiện tri thức nơi các tôn tự, các chùa, ,các phương tiện truyền thông có được...  Điều này tương hợp với Tam Huệ Học (Văn- Tư- Tu) trong giáo lý đạo Phật: Tư Lương vị chính là toàn phần "Văn" (học hỏi, tìm hiểu kỹ càng, tường tận giáo pháp qua nghe giảng pháp, đọc kinh sách...);  là một phần "Tư" (bắt đầu có được suy nghĩ, phân biệt, thắc mắc, xác định, phủ định, vấn đáp về giáo pháp) ; và là một phần  “Tu” (những bước tu tập sơ khởi như qui y Tam Bảo, thọ trì 5 giới, thọ Bát Quan Trai, ăn chay, niệm Phật, ngồi Thiền...).

        Bài tụng thứ nhất (Tư Lương vị):  Duy Thức Tam Thập Tụng có 4 câu là:

             "Nãi chí vị khởi thức

            Cầu trụ Duy Thức tánh

             Ư Nhị Thủ tùy miên

             Do vị năng phục diệt"

       Tạm dịch:

             "Đến khi chưa khởi thức

              Mong  trụ tánh Duy Thức

             Còn hai Thủ tiềm ẩn

             Do chưa hàng phục, đoạn trừ"

       Ý nghĩa chi tiết 4 câu của Tư Lương vị được ghi nhận là:

       Câu 1: "Nãi chí vị khởi thức" (Đến khi chưa khởi thức): “Thức chưa khởi” ở đây chính là thức A Lại Da. Vì ở giai đoạn này, Ý thức (Thức Thứ Sáu) hiện có của hành giả cùng với Tiền Ngũ Thức (Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỹ thức, Thiệt thức, Thân thức) còn đang dong ruổi theo 6 trần cảnh (Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp) và còn bị ngăn che với A Lại Da thức (Thức Thứ Tám) bởi Mạt Na thức (Thức Thứ Bảy).

       

      Tựu trung, thức A Lại Da có 7 đặc điểm chính yếu như sau:

             1. A Lại Da thức là thể trung gian,chuyển tiếp, cầu nối giữa Chơn Tâm (Giác Thể thanh tịnh, Chơn Như, Phật Tánh,  Như Lai Tàng…) và Vọng Tâm.  Vọng Tâm chính là 8 thức Tâm Vương bao gồm A Lại Da và 7 Chuyển Thức: Mạt Na thức, Ý thức, Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỹ thức, Thiệt thức, Thân thức. Theo Đại Thừa Khởi Tín Luận (tác giả = tổ Mã Minh (80-150), Dịch giả Phạn- Hán = ngài Chơn Đế Tam Tạng(499-569), dịch giả Hán- Việt = Hòa thượng Thích Thiện Hoa(1918-1973), sự liên hệ giữa Chơn Tâm và A Lại Da thức được diễn tả như sau: "Do không thật biết pháp "Chơn Như" nên tâm Bất Giác (mê) nổi lên, liền khởi vọng niệm (sanh tướng vô minh). Song vọng niệm vì là không có thật thể, nên chẳng rời Bản Giác".

            2. Do vì từ nơi A Lại Da thức mà có ra sự lưu xuất, hình thành nên 7 Chuyển Thức nên A Lại Da còn có tên gọi khác là Căn Bản Thức. Căn Bản Thức chỉ mới có 5 tâm sở sơ khởi, sơ khai có dụng năng còn rất yếu ớt gọi là 5 Biến Hành tâm sở bao gồm: Xúc, Tác Ý, Thọ, Tưởng, và Tư. Vì thế, cảnh giới của A Lại Da thức được mô tả là "vô phú, vô ký" (không có chỗ nương tựa, chưa có phân biệt thiện ác) nên là rất nhẹ nhàng, bao la, mênh mang, hồn nhiên, không vướng mắc, không trụ chấp, không phân biệt thiện ác, dở hay, tốt xấu.

            3. Tuy nhiên, A Lại Da thức chính là cội nguồn sâu xa nhất của Vọng Tưởng vì là nơi khởi phát ra 5 tâm sở Biến Hành trong đó có tâm sở Tưởng và tâm sở Tư, bản chất cố hữu của các loại Vọng Tưởng.

            4. A Lại Da thức có công năng tích chứa chủng tử nghiệp thức nên  A Lại Da còn có tên gọi khác  là “Tàng Thức” ( hay Tạng Thức, Thức Tích Chứa, Thức Kho Tàng) hoặc là "Nhất Thiết Chủng Thức" (Thức Chứa Tất Cả Chủng Tử).  Các chủng tử đã được gây tạo bởi 3 nghiệp (thân, khẩu, ý) rồi được tàng trử, tích chứa nơi A Lại Da thức thật an toàn, không bị mất mát, hư hao từ đời này qua đời khác trong vô lượng kiếp sống của tất cả chúng sinh.

           5. Với sự biến hành của kho chủng tử, thức A Lại Da còn có tên gọi là Dị Thục Thức. Do vì các chủng tử này chính là đầu mối của chu trình nhân quả luân hồi, nôm na gọi là "Quả Báo". Nhưng từ nhân đến quả có các điểm dị biệt về thời gian ("Dị Thời nhi Thục"), về hoàn cảnh ("Dị Biến nhi Thục"), và về phẩm loại ("Dị Loại nhi Thục").

           6. A Lại Da thức là tâm thức vi tế, sâu thẳm nhất, và bị ngăn che bởi 2 tầng lớp là Mạt Na thức (Thức tư lương chấp ngã) và Ý thức (Thức tư duy chấp pháp) nên rất khó nhận biết được trong đời sống thường nhật. Chỉ có các vị Thánh, từ giai vị Tu Đà Hoàn ( Thanh Văn thừa) hoặc Bồ Tát Sơ Địa ( Bồ Tát thừa) mới có thể thấy biết đươc từng phần mà thôi. Đây là các bậc Thánh đã hoàn tất giai đoạn Kiến Đạo, giai đoạn đã thấy biết rõ ràng về con đường Tu Đạo chơn chánh do đã hoàn tất đoạn trừ xong 5 Kiến Hoặc (Thân kiến, 2. Biên kiến, 3. Kiến thủ, 4. Giới cấm thủ, và 5. Tà kiến), đã ngộ nhập vào A Lại Da thức, đã mấp mé thấy được Chơn Tâm, Phật Tánh dù đây chỉ mới là từng phần, chưa là trọn vẹn. 

           7. A Lại Da thức chỉ được xả hết công năng chấp trì chủng tử nghiệp thức khi tu tập đạt đến giai vị A La Hán(Thanh Văn thừa) hoặc Bồ Tát Bát Địa (Bồ Tát thừa), các bậc đã hoàn tất tốt đẹp chặng đường Tu Đạo. Lúc này, A Lại Da thức được gọi tên là "Bạch Tịnh thức" hay là “Vô Cấu thức”.  

            

       Câu 2: "Cầu trụ Duy Thức tánh" (Mong trụ tánh Duy Thức): đây là nét đặc sắc nhưng rất quan yếu trong tu tập Phật đạo cho hành giả Tư Lương vị. Đó là hành giả cần phát tâm mong cầu thấy được, ngộ nhập được vào tánh Duy Thức, vào A Lại Da thức.  Điều này đương nhiên hàm chứa 2 ý nghĩa:  Ý nghĩa thứ nhất là hành giả cần có lòng tin chơn chánh (chánh tín) về Phật tánh và về tánh của thức A Lại Da. Hai tánh này vốn có tương quan gắn bó mật thiết với nhau như đã nêu ở phần trên. Ý nghĩa thứ hai là hành giả cần phát tâm ham thích, mong muốn, khát khao được hội nhập, an trụ vào thức A Lại Da. Tâm mong muốn, ham thích này cũng chính là bước khởi đầu của Dục Như Ý Túc, 1 trong 4 Thần Túc (Tứ Thần Túc : 1.Dục Thần Túc, 2. Tinh Tấn Thần Túc, 3.Tâm Thần Túc, 4. Quán Thần Túc), cũng là 4 trong 37 Phẩm Trợ Đạo, Đạo Đế của Tứ Diệu Đế, giáo lý căn bản của Phật Đạo.  Tâm ham thích ở đây có thể xem là một dạng thái của tâm tham nhưng  không phải là tâm tham phiền não , một trong 5 Căn Bản Phiền Não (Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Ác Kiến) của thế gian,  vốn là tâm Ý thức bôn ba bám chấp, chạy đuổi theo 6 trần cảnh (Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp) ở bên ngoài. Trái lại, nó là tâm ngược chiều với tâm tham Ý thức phiền não vì là tâm hướng nội quay về hội nhập với A Lại Da thức. Do vậy, tâm ham thích hướng nội này  được xem là một dạng thái sơ khởi của Định (Tam Ma Địa), nên còn có tên gọi là "Dục Tam Ma Địa" hoặc tên gọi đầy đủ là "Dục Tam Ma Địa Đoạn Hành Thành Tựu Thần Túc”. Có thể nói nôm na đây là Tham để nhập Định, không là Tham phiền não, khổ đau luân hồi.  Như thế, ở giai đoạn Tư Lương, hành giả ngoài sự học hỏi, hiểu biết về Phật pháp, về Duy Thức còn cần phát khởi tín tâm chân chính và phát khởi lòng ưa muốn, ham thích ngộ nhập vào A Lại Da thức nữa.

        Câu 3 và câu 4: “Ư Nhị Thủ tùy miên, Do vị năng phục diệt” (Còn hai Thủ tiềm ẩn  Do chưa hàng phục, đoạn trừ). Thủ là bám giữ (thủ chấp). Hai Thủ gồm Năng Thủ (chủ thể thủ chấp) và Sở Thủ (đối tượng bị thủ chấp). Hai Thủ này được cảm nhận là công năng và tính chất chủ yếu của Mạt Na thức. Chúng là 2 dạng thể chuyển hành tinh khôi nơi tâm thức chúng sinh: Mạt Na thức (Năng Thủ) đã chấp thủ Kiến Phần của A Lại Da thức (Sở Thủ) làm bản ngã. Từ đây bắt đầu thấy ra có cái ta (Ngã) và có những cái không phải là ta (Nhân, Chúng Sanh, Thọ Giả). Như thế, muốn trở về hội nhập vào A Lại Da thức, Ý thức cần hoàn tất 2 việc: Việc thứ nhất là xa rời sự ràng buộc, tham chấp vào cảnh trần phiền não của Ý thức; đây được xem như tương ưng với công phu "Ly Sanh Hỷ Lạc" của cảnh giới Sơ Thiền. Việc thứ hai là cần vượt qua sự cản ngại của Mạt Na thức, nghĩa là cần khắc phục và đoạn trừ 2 thủ chấp, Năng Thủ và Sở Thủ, nơi Mạt Na thức. Việc thứ nhất cần được hoàn tất ở giai vị Tư Lương. Sau đó, việc thứ hai sẽ bắt đầu được hoàn tất ở các giai vị sau.  Nên bài tụng nói là ở giai vị Tư Lương, hai Thủ còn hiện hữu ở trạng thái tiềm ẩn, do chưa được hàng phục, đoạn trừ.

 

Bài tụng thứ hai (Gia Hạnh vị):  Duy Thức Tam Thập Tụng có 4 câu là:

              "Hiện tiền lập thiểu vật

              Vị thị Duy Thức tánh

             Dĩ hữu sở đắc cố,     

            Phi thật trụ Duy Thức"

      Tạm dịch:

              "Lúc này đã tạo được chút thành tựu

              Chưa là Duy Thức tánh

             Do đã có chỗ sở đắc

             Không là thật trụ Duy Thức"

      Ý nghĩa 4 câu của Gia Hạnh vị được ghi nhận là:

            Câu 1 và câu 2: " Hiện tiền lập thiểu vật Vị thị Duy Thức tánh " (Lúc này đã tạo được chút thành tựu,  Chưa là Duy Thức tánh): Ở giai đoạn này, hành giả đã tạo thêm được một số thành tựu trên con đường tu tập. Cảm nhận theo  Biện Trung Biên Luận (Bồ Tát Di Lặc thuyết kệ, Bồ Tát Thế Thân (316-396) luận giải, ngài An Huệ (475-555) thích sớ, ngài Chân Đế (499-569) dịch Phạn sang Hán, Quảng Minh dịch Hán sang Việt),  các thành tựu tu tập này bao gồm các thành tựu công phu tu tập về 4 Niệm Xứ, 4 Chánh Cần, 4 Như Ý Túc, 5 Căn, 5 Lực, và Tứ Gia Hạnh (tổng cọng là 22 phẩm trong 37 Trợ Đạo phẩm). Theo luận Hiển Dương Thánh Giáo (Tác giả: Đại sĩ Vô Trước (310-390), Dịch giả Phạn- Hán: Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang (602-664), Dịch giả Hán- Việt: Quảng Minh), và theo Biện Trung Biên luận (Bồ Tát Di Lặc thuyết kệ, Bồ Tát Thế Thân (316-396) luận giải, ngài An Huệ (475-555) thích sớ, ngài Chân Đế (499-569) dịch Phạn sang Hán, Quảng Minh dịch Hán sang Việt) , ý nghĩa của 22 phẩm này được ghi nhận tổng quát như sau:

       1) Tứ Niệm Xứ: là 4 chỗ qui huớng, tập trung tâm thức  để giảm thiểu bớt đi tạp niệm  và để tăng cường thêm sức Định, sức Huệ.  4 chỗ đó là:

             1. Thân: tâm niệm qui hướng về nhục sắc thân, theo sát và rõ biết về thân, về hơi thở vào ra nơi thân, cảm nghiệm được sự Bất Tịnh nơi thân của chính mình.

            2.  Thọ: tâm niệm qui hướng và rõ biết về các cảm thọ nơi thân và nơi tâm của chính mình. Có 5 cảm thọ chính là Ưu thọ, Khổ thọ, Hỷ thọ, Lạc thọ, và Xả thọ, nhưng tất cả rõ ra đều chỉ là khổ đau, não phiền.

            3. Tâm : tâm niệm qui hướng và rõ biết về các hành chuyển, các trạng thái Vô Thường, các sắc thái hiện khởi ra trong tâm thức của chính mình.

           4. Pháp: tâm niệm qui hướng và rõ biết về dạng loại, hành trạng, bản chất Vô Ngã của các pháp hiện khởi ra trong tâm thức của chính mình.

     2) Tứ Chánh Cần: bao gồm 4 pháp rèn luyện tâm thức qui hướng về chỗ thiện lành, lìa xa các nẻo ác trược. 4 pháp này là:

          1. Pháp ác đã sanh thì khởi ước muốn, nỗ lực phát khởi Chánh Cần, giục tâm, giữ tâm để đoạn trừ chúng,

          2. Pháp ác chưa sanh thì khởi ước muốn, nổ lực phát khởi Chánh Cần, giục tâm, giữ tâm để giữ cho chúng không sanh,

         3. Pháp thiện chưa sanh thì khởi ước muốn, nổ lực phát khởi Chánh Cần, giục tâm, giữ tâm để phát sinh chúng,

         4. Pháp thiện đã sanh thì khởi ước muốn, nổ lực phát khởi Chánh Cần, giục tâm, giữ tâm để an trú, không quên lãng, tu viên mãn, tăng trưởng rộng lớn thêm.

     3) Tứ Như Ý Túc (còn gọi là “Tứ Thần Túc”) bao gồm 4 thứ : Dục Như Ý Túc, Cần (Tinh Tấn) Như Ý Túc, Tâm Như Ý Túc, và Quán Như Ý Túc. Ý nghĩa Tứ Như Ý Túc được ghi nhận theo Hiển Dương Thánh Giáo luận là:

          1. Dục Như Ý Túc: là Dục Tăng Thượng nên đắc Tam Ma Địa. Dục Như Ý Túc và ba Như Ý Túc còn lại đều là các loại Tam Ma Địa (Định). Dục Như Ý Túc được gọi là Dục Tăng Thượng Tam Ma Địa. Định này bắt nguồn từ công phu tu tập Tứ Chánh Cần, từ nơi tâm mong muốn các ác pháp bị trừ diệt, không còn hiện hành và mong muốn các pháp thiện được hiện hành và tăng trưởng thêm lên. Định sau đó được tiếp tục triển chuyển ra thành Tâm Trú Nhất Cảnh Tánh.

         2. Cần Như Ý Túc: là Cần Tăng Thượng nên đắc Tam Ma Địa. Đây là tinh tấn, dũng mãnh, nhiệt thành, siêng năng tu tập 8 pháp Đoạn Hành để chứng đắc Tâm Trú Nhất Cảnh Tánh. Tám pháp Đoạn Hành là pháp tu căn bản của Tứ Như Ý Túc, đặc biệt ở 3 Như Ý Túc sau (Cần Như Ý Túc, Tâm Như Ý Túc, và Quán Như Ý Túc). Tám pháp Đoạn Hành bao gồm:

        (1) Dục : là tâm mong muốn các ác pháp bị trừ diệt, không còn hiện hành và mong muốn các pháp thiện được hiện hành và tăng trưởng thêm lên.

       (2) Cần (Tinh Tấn): là siêng năng tu tập Xa Ma Tha (Chỉ) và Tỳ Bát Xá Na (Quán).           

       (3) Tín: là nhân tố để khởi Dục, là sở nhân cho Dục, do từ Tín mà có Dục sanh khởi.

      (4) An: là nhờ có Tinh Tấn mà thân tâm không còn nặng nề, thô nặng mà trở nên nhẹ nhàng, thư thái để có thể kham nhiệm.

      (5) Chánh Niệm: là phòng hộ tâm hôn trầm và trạo cử của Tùy Phiền Não khiến cho tâm ghi nhớ, không quên.

      (6) Chánh Tri: là tâm liền nhận ra, nhận thấy, nhận biết bất cứ khi nào có Tùy Phiền Não hiện hành.

      (7) Tư: là tâm tạo tác trong khi Tịnh Chỉ (tâm chán ghét các cảnh sở duyên nổi lên từ trạo cử) và khi Sách Cử (tâm phấn chấn trở lại sau khi hôn trầm).

     (8) Xả: là tâm bình đẳng, chánh trực, an trú Bất Nhiễm Ô, đã rời xa trạo cử, hôn trầm.

    3. Tâm Như Ý Túc: là Tâm Tăng Thượng nên đắc Tam Ma Địa. Đây là hành giả tu tập hạnh Xa Ma Tha, tư duy nội pháp (các Tưởng Uẩn, Hành Uẩn của 5 Uẩn), đắc Tâm Trú Nhất Cảnh Tánh mà thành tựu Tam Ma Địa.

   4. Quán Như Ý Túc: là Quán Tăng Thượng nên đắc Tam Ma Địa. Đây là do công phu tu tập quán sát mà thành tựu Tam Ma Địa: hành giả nghe học Chánh Pháp, ghi nhớ rồi dùng trí tuệ giản trạch, quán sát, biến giác quán sát mà đắc Tam Ma Địa”.

Các thành quả này là tiền đề cơ bản để xây dựng và hình thành nên hai phần tiếp theo trong tu tập 37 Trợ Đạo Phẩm là Ngũ Căn và Ngũ Lực.

      4) Ngũ Căn (Năm Căn) và Ngũ Lực (Năm Lực): bao gồm Tín Căn và , Tấn Căn và, Niệm, Căn và, Định Căn và, và Tuệ Căn và. Chữ “Căn” ở đây có thể được xem là căn nguồn, cội nguồn, căn cứ địa, căn cứ xuất phát, nơi khởi phát ra 5 Lực, 5 khả năng, 5 trạng thái hoạt dụng thiện lành của tâm thức là Tín, Tấn, Niệm, Định, và Tuệ . Ý nghĩa của 5 Căn và 5 Lực được sơ lược ghi nhận như sau:

            1. Tín Căn và Tín Lực: là do Thế Gian Đạo khiến tâm thanh tịnh, trong sáng, không dơ bẩn, lìa Tùy Phiền Não, được trú Bất Động. Rồi sau cầu Thánh Đế Hiện Quán đễ vĩnh đoạn Tùy Miên, tu tập các phương tiện đối trị, nhờ đó tăng khởi Thượng Tín Căn, Thượng Tín Lực.

           2. Tấn Căn (còn gọi là Chánh Cần Căn) và Tấn Lực: là dựa vào Tín Căn và Tín Lực, tu tăng tiến dũng mãnh, cùng hành chuyển với Tín Căn và Tín Lực.

          3. Niệm Căn và Niệm Lực: là dựa vào Tấn Căn và Tấn Lực nên trí được sáng tỏ, không quên lãng, cùng hành chuyển với Tấn Căn và Tấn Lực.

         4. Định Căn (còn gọi là Đẳng Trì Căn) và Định Lực: là dựa vào Niệm Căn và Niệm Lực, Tâm Trú Nhất Cảnh, cùng hành chuyển với Niệm Căn và Niệm Lực.

         5. Tuệ Căn và Tuệ Lực: là dựa vào Định Căn và Định Lực, Tuệ giản trạch các pháp, cùng hành chuyển với Định Căn và Định Lực.

    5) Tứ Gia Hạnh: bao gồm 4 giai vị là Noãn vị, Đảnh vị, Nhẫn vị, và Thế Đệ Nhất vị.

         1. Noãn Vị: (Noãn là ấm nóng) là giai đoạn tâm thức cảm thấy được ấm nóng do từ công phu tu tập 5 Căn, 5 Lưc. Đây là giai đoạn báo hiệu sắp có lửa, ánh sáng nơi Thánh Đạo. Ở giai vị này, hành giả quán thấy các pháp tự tướng, các pháp cộng tướng đều chỉ là ý ngôn mà hoạch đắc Trí Pháp Minh, quán sát được chân xác các cảnh sở duyên của các pháp.

         2. Đảnh Vị: (Đảnh là đỉnh đầu, đỉnh núi) là từ Noãn Vị được tăng trưởng rồi thành mãn mà chuyển lên.

         3. Nhẫn Vị: Nhẫn là xác nhận (nhẫn khả) các pháp chỉ toàn là duy tâm, nên từ đây không còn bị thoái đọa trên con đường tu tập nữa.

        4. Thế Đệ Nhất Vị: là thấy rõ cả thế gian chỉ là pháp hữu lậu. Trong các pháp hữu lậu này, pháp Hiện Quán của Bồ Tát là hơn cả nên gọi là Thế Đệ Nhất. Đến đây, Bồ Tát tu tập pháp Hiện Quán Thánh Đế, quán sát thành công nên thấu rõ được Lý Tứ Đế ở ba cõi (Dục Giới, Sắc Giới, và Vô Sắc Giới) mà có đủ được 16 Tâm (16 Trí) cần thiết để “Thấy Đạo”(Kiến Đạo), đắc Thánh vị. Bồ Tát hội nhập Cảnh Không, hòa nhập vào A Lại Da thức nên khiến 7 Chuyển Thức không còn phát sinh, làm điều kiện đưa đến Định Vô Gián để phát sinh Trí Vô Lậu, gọi là đắc nhập Kiến Đạo và Chánh Tánh Ly Sanh. Đắc nhập Kiến Đạo được gọi là đã chứng Thánh vị, đắc quả vị Tu Đà Hoàn (bên Thanh Văn thừa), tương đương với quả vị Bồ Tát Sơ Địa (quả vị đầu tiên trong 10 quả vị Bồ Tát Đăng Địa bên Bồ Tát thừa).

       Câu 3 và câu 4: “Dĩ hữu sở đắc cố, Phi thật trụ Duy Thức” (Do đã có chỗ sở đắc, Không là thật trụ Duy Thức): Chỗ thành tựu tu tập trong 24 phẩm Trợ Đạo vừa nêu trên được gọi là chỗ "Sở Đắc". Đắc chính là 1 trong 24 Tâm Bất Tương Ưng Hành, được kể đến đầu tiên trong Duy Thực 24 Tâm Bất Tương Ưng Hành bao gồm: 1. Đắc, 2. Mạng Căn, 3.Chúng Đồng Phận, 4. Dị Sanh Tánh, 5. Vô Tưởng Định, 6. Diệt Tân Định, 7. Vô Tưởng Báo, 8. Danh Thân, 9. Cú Thân, 10. Văn Thân, 11. Sinh, 12. Trụ, 13. Lão, 14. Vô Thường, 15. Lưu Chuyển, 16. Định Vị, 17. Tương Ưng, 18. Thế Tốc, 19. Thứ Đệ, 20. Thời,  20.Phương,  22. Số, 23.Hòa Hợp, 24. Bất Hòa Hợp.  Được gọi là "Bất Tương Ưng Hành" vì 24 Tâm này không tương ưng, không lệ thuộc vào bộ ba "Căn-Trần-Thức" hòa hợp mà sinh khởi.  Nói cách khác, tâm thức của hành giả đã không còn bám đuổi theo 6 trần cảnh bên ngoài, mà quay ngược vào bên trong nội tâm, hướng về Mạt Na thức và ra sức vượt qua Mạt Na thức. Tựu trung, Mạt Na thức có 6 đặc điểm chính yếu, tạm nêu như sau:

                1. Mạt Na thức là thức đầu tiên của 7 Chuyển Thức triển chuyển từ A Lại Da thức (Thức Thứ Tám) nên nó còn có tên gọi là Thức Thứ Bảy. Mạt Na thức có tánh Hữu Phú Vô Ký; gọi là Hữu Phú vì nó có chỗ nương dựa vào nơi thức A Lại Da, gọi là Vô Ký vì nó không  có công năng phân biệt thiện ác như  Ý thức.

               2. Mạt Na Thức là thức trung gian giữa A Lại Da thức và Ý thức nên nó còn được gọi là Ý Căn (Căn nguồn của Ý thức). Gọi là Căn nguồn của Ý thức, vì Mạt Na thức có công năng đem các chủng tử từ Tạng thức A Lại vào nơi Ý thức, khiến Ý thức có thêm cơ sở cho hoạt dụng phân biệt cảnh trần. Ngoài ra, cũng chính Mạt Na thức đem các pháp hiện hành từ nơi Ý thức mà truyền ngược vào Tạng thức, biến thành chủng tử thêm cho kho Tạng thức, nên nó lại còn có tên là ”Truyền Tống thức”.

              3. Mạt Na thức có tánh chấp trụ, đầu mối của tâm phan duyên và tâm phân biệt:   Mạt Na thức chấp Kiến Phần của A Lại Da làm tự ngã nên có ra Ngã Tướng đầu tiên. Rồi từ Ngã Tướng này lại có sự phân biệt ra hai bên (nhị biên) mà tiếp tục phát triển tựu thành 3 tướng còn lại là Nhân Tướng, Chúng Sanh Tướng, Thọ Giả Tướng. Sự tựu thành và phát triển ra 4 tướng (Ngã, Nhân, Chúng Sanh, Thọ Giả) được cảm nhận là ý niệm về "Chúng Sanh Trược" ở kinh Thủ Lăng Nghiêm.

            4. Dưới ảnh hưởng tác động từ vô lượng chủng tử nghiệp thức, Mạt Na thức cũng có tánh tuôn chảy không ngửng nghỉ giống như ở A Lại Da thức. Nó thường được ví như tiếng nói thầm thì liên tục đêm ngày, lúc tỉnh thức và cả lúc mộng ngủ; hoặc ví như nước liên tục rỉ chảy từ ống nước ăn thông, nối liền vào biển lớn.

           5. Mạt Na thức cũng chính cưu mang sẵn trong nó tính chất phiền não. Điều này được thể hiện qua sự hiện diện nơi Mạt Na thức của 4 tâm sở Căn Bản Phiền Não (Tham, Si, Mạn, Ác Kiến) và của 8 tâm sở Đại Tùy Phiền Não (Trạo Cử, Hôn Trầm, Bất Tín, Giải Đãi, Phóng Dật, Thất Niệm, Tán Loạn, và Bất Chính Tri). Tổng cọng là 12 tâm sở, chiếm đến 2 phần 3 trong 18 tâm sở cố hữu của Mạt Na thức (gồm 12 tâm sở Phiền não và có thêm 5 tâm sở Biến Hành cùng 1 tâm sở Biệt Cảnh Huệ).

          6. Mạt Na thức chính là lớp ngăn che ở giữa Ý thức và A Lại Da thức. Nó khiến tâm hành giả không thể cảm nhận, còn mờ mịt về A Lại Da thức và về Như Lai Tạng tâm nên nó cũng thường được nhà Thiền ví như Thùng Sơn Đen, Đầu Sào Trăm Trượng, Vô Thủy Vô Minh… Muốn cảm nhận và thể nhập vào A Lại Da thức, tâm thức hành giả cần phải vượt qua lớp rào chắn Mạt Na thức Vô Thủy Vô Minh, tức là vượt qua lớp rào chắn tư lương chấp ngã này. Khi đó, tâm hành giả không còn có chấp Ngã nữa, tâm được hòa nhập vào thức A Lại Da, trụ vào Duy Thức tánh.

       Do vậy, các thành tựu nơi Tứ Gia Hạnh vị này cũng chỉ được xem là "chút ít", chưa có thể hội nhập, thể nhập vào A Lại Da thức nên bài tụng nói " Chưa là Duy Thức tánh”. 

 

Bài tụng thứ ba (Thông Đạt vị):  Duy Thức Tam Thập Tụng có 4 câu là:

             "Nhược thời ư sở duyên

            Trí đô vô sở đắc

             Nhỉ thời trụ Duy Thức

            Ly Nhị Thủ tướng cố "

       Tạm dịch:

              "Nếu khi đối trước cảnh

            Trí đều không có chỗ đắc

            Lúc đó trụ Duy Thức

            Đã lìa tướng Hai Thủ"

       Thông Đạt vị tương ưng với quả vị Kiến Đạo nơi Bồ Tát Sơ Địa (Hoan Hỷ Địa), quả vị đầu tiên trong 10 Thánh vị Đăng Địa của Thập Địa Bồ Tát.  Bên Thanh Văn thừa, quả vị này tương ứng với Sơ Quả vị Tu Đà Hoàn. Gọi là Kiến Đạo bởi vì bắt đầu từ quả vị này, tâm Bồ Tát đã vượt qua Mạt Na thức, đã không còn có chấp Ngã nên Bồ Tát đã bắt đầu sống được với phần nào Giác Tánh, đã thấy biết  ("Kiến") rõ con đường ("Đạo") tu tập chơn chánh thâm sâu nhất trong Phật Đạo.  Bậc Sơ Quả Tu Đà Hoàn, còn gọi Nhập Lưu hay Thất Lai, nhờ vào tuệ giác có được từ 5 Căn, 5 Lực, Tứ Gia Hạnh nên đã tận diệt ba kiết sử Thân kiến, Nghi và Giới cấm thủ; nhưng các vị còn phải có bảy lần tái sanh trở lại vào Dục Giới để tiếp tục con đường tu tập tối thượng. Theo kinh Hoa Nghiêm (Dịch giả Phạn-Hán: Đại sư Thật Xoa Nan Đà (652-710), Dịch giả Hán-Việt: Hòa thượng Thích Trí Tịnh (1917-2014), Bồ Tát Sơ Địa được  goi tên là Hoan Hỷ Địa vì từ nay, Bồ Tát được vui mừng rất lớn (hỷ duyệt, hân khánh...) do đã bắt đầu khởi nhận được trí Bát Nhã, thấy rõ con đường Tu Đạo. Các Ngài mong cầu Phật Trí, luôn nghĩ tưởng về Tam Bảo, không còn tham luyến danh sắc, ưa thích thực hành Bố Thí Ba La Mật (1 trong 10 Ba La Mật), Bố Thí Nhiếp Pháp, Ái Ngữ Nhiếp Pháp (2 trong 4 Tứ Nhiếp Pháp), Tứ Vô Lượng Tâm (Từ Bi Hỷ Xả) nên tâm các Ngài được Vô Úy, không còn kinh sợ nơi thế gian, sinh tử.  Đây chính là " KIẾN ĐẠO KHỞI TU " (thấy ra con đường Đạo mà bắt đầu hành trì pháp Tu Tập tối thượng ) trong đạo Phật. Qui luật tất yếu ở đây là cần phải thấy ra con đường ("Kiến Đạo"), sau đó mới có thể bước đi trên con đường ("Tu Đạo").

 

           Qua Biện Trung Biên Luận và qua Hiển Dương Thánh Giáo Luận, giai vị Kiến Đạo Tu Đà Hoàn chuyên chú tu tập về Thất Giác Chi, 7 phẩm trong 37 Trợ Đạo phẩm sau khi đã hoàn tất tốt đẹp 22 phẩm ở các giai vị trước. Thất Giác Chi được định nghĩa là “Bảy chi hổ trợ cho Tuệ Giác”. Bảy chi này bao gồm:

                1. Niệm Giác Chi: là chi phần sở y cho Tuệ Giác, là tâm trí sáng tỏ Thánh Đế, không quên Thánh Đế. Đây là do đã có đủ thiện lực để Kiến Đạo hiện tiền, đắc nhập xuất thế Vô Công Dụng, Vô Phân Biệt.

                2. Trạch Pháp Giác Chi: là chi phần tự tánh của Tuệ Giác, là do đã có Tuệ Giác vô phân biệt, vô công dụng nên y chỉ nơi Niệm, cùng Niệm câu hành, vì thế hiểu rõ, giác ngộ Thánh Đế.

               3. Tinh Tấn Giác Chi: là chi phần xuất ly của Tuệ Giác, là sanh tâm dũng mãnh nơi Thánh Đế.

                4. Hỷ Giác Chi: là chi phần lợi ích của Tuệ Giác, là có tâm hỷ duyệt nơi Thánh Đế.

                5. Khinh An Giác Chi: là chi phần Vô Nhiễm của Tuệ Giác, có thể là Tuệ tâm sở, là có thân tâm kham nhiệm ở trong Chân Đế Hiện Quán (Kiến Đạo ly Tam Giới), lấy tánh Kham Năng làm chỗ dụng công tu tập.

                6. Định (Tam Ma Địa) Giác Chi:  là chi phần Vô Nhiễm của Tuệ Giác, là chỗ sở y của Vô Nhiễm để có được Chuyển Y, là có tâm trú Nhất Cảnh Tánh ở trong Chân Đế Hiện Quán.

                7. Xả Giác Chi: cũng là chi phần Vô Nhiễm của Tuệ Giác, là tự tánh của Vô Nhiễm , là có tâm bình đẳng, tâm chánh trực, tâm không chuyển động ở trong Chân Đế Hiện Quán. Nơi Xả Giác Chi, các phiền não tạp nhiễm đều bị đoạn trừ nên hiển lộ tự tánh Vô Nhiễm .

Ý nghĩa 4 câu của Thông Đạt vị được ghi nhận là:

            Câu 1: " Nhược thời ư sở duyên " (Nếu khi đối trước cảnh): Câu này có 2 điểm quan trọng sau:

                   1. Chữ "Thời" trong câu kệ này cũng chính là một trong 24 món Tâm Bất Tương Ưng Hành pháp, giống như chữ "Đắc" đã đề cập ở phần trên: Còn có "Thời" là còn chưa vượt thoát khỏi tầm tác động, ảnh hưởng của thức A Lại Da dù trí Bát Nhã đã được hé lộ.

                  2. Cảnh sở duyên của Thông Đạt vị có thể được phân biệt ra 2 loại: Loại 1 vẫn còn là 6 cảnh trần (Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp) của phần Tư Duy nơi Ý Thức hướng ngoại; loại 2 là cảnh giới của A Lại Da thức chỉ với 5 tâm sở Biến Hành và với 1 Xả Thọ nơi Ý thức hướng nội đã vượt qua "thùng sơn đen" Tư Lương chấp ngã Mạt Na thức. Nói cách khác, Thông Đạt vị là bậc Thánh đã có thêm được Thiên Nhãn, Huệ Nhãn nhưng Nhục Nhãn vẫn không mất.

          Câu 2: " Trí đô vô sở đắc " (Trí đều không có chỗ đắc):

                 "Trí không có chỗ đắc" này được cảm nhận chính là trí Bát Nhã. Trí Bát Nhã tự hiển bày khi tâm hành giả đã có đầy đủ 5 Căn, 5 Lực, Tứ Gia Hạnh vị và khi A Lại Da không còn bị Mạt Na thức che khuất.  Tựu trung, trí Bát Nhã có 6 đặc điểm sau:

              1. Trí Bát Nhã là Trí của các bậc Thánh, của các Bồ Tát Đăng Địa (Thập Địa Bồ Tát), bắt đầu từ Bồ Tát Sơ Địa (tương đương với quả vị Tu Đà Hoàn bên Thanh Văn thừa) lên đến Bồ Tát Bát Địa (tương đương với quả vị A La Hán bên Thanh Văn thừa). Trí này vượt hẳn qua trí tuệ thế gian: phàm phu và ngay cả các nhà bác học, thông thái của thế gian cũng không thể biết được Trí Bát Nhã khi chưa Kiến Đạo. Đến giai vị Thiện Huệ (Cửu Địa), không còn gọi là trí Bát Nhã vì Bồ Tát đã được thể nhập vào Phật trí bất tư nghì.

            2. Trí Bát Nhã là Trí đã khuất phục và đã vượt qua 2 chấp trụ cơ bản nhất của tâm thức:  Hai chấp trụ này là Ý thức tư duy chấp pháp khiến có sinh khởi ra mê mờ, phiền não (Kiến Hoặc, Tư Hoặc, Căn Bản Phiền Não, Tùy Phiền Não...) và là Mạt Na thức tư lương chấp ngã khiến có ra 2 Thủ (Năng Thủ và Sở Thủ). Điều này khiến Trí Bát Nhã còn được gọi là Trí Vô Trụ, trí không có chỗ trụ (vượt qua ý niệm về không gian), trí không có lúc trụ (vượt qua ý niệm về thời gian) vì Thể và Dụng của trí Bát Nhã hằng hữu bàng bạc, mênh mang khắp không gian, khắp thời gian.

           3. Do đã vượt qua các chấp trụ nêu trên, Trí Bát Nhã là Trí sẵn có khả năng hội nhập, thể nhập vào A Lại Da thức. Nói cách khác, tầng bậc nhập Định của các bậc Thánh này có khi khiến tâm các vị chỉ còn có 5 tâm sở Biến Hành và Xả thọ của A Lại Da thức.

          4. Trí Bát Nhã là Trí thấy được Pháp thân (hay Pháp tánh, Phật tánh..) nên kinh Bát Nhã gọi Trí Bát Nhã là mẹ đẻ của chư Phật, chư Bồ Tát. Tuy nhiên, điều này còn tùy thuộc vào mức độ tu tập: Ở Sơ Địa Bồ Tát (giai vị vừa được Kiến Đạo), Bồ Tát chỉ thấy được một phần Pháp thân mà thấy không rõ ràng; còn ở Bát Địa Bồ Tát (giai vị hoàn tất Tu Đạo), Bồ Tát thấy Pháp thân được trọn vẹn, toàn phần rõ ràng hơn.

           5. Do đã thấy ra Phật tánh, trí Bát Nhã là Trí tràn đầy thiết tha với Phật tánh nên đến lúc này, tâm Bồ Tát thực thụ chỉ hướng về Phật tánh, về Như Lai,về Vô Dư Y Niết Bàn mà không còn có chỗ bám víu,  chỗ sở đắc nào khác nên bài tụng nói là “Trí đều không có chỗ đắc”.

           6. Trong tu tập, trí Bát Nhã là Trí đã đã thấu rõ các hành chuyển, qui hướng, ưa thích...của tâm chúng sinh để giúp cho Bồ Tát tu tập có hiệu quả tốt đẹp về Tứ Nhiếp Pháp  (4 pháp cấn thiết để nhiếp phục mà giáo hóa, hóa độ cho tất cả chúng sinh, bao gồm 1. Bố thí, 2. Ái ngữ, 3. Lợi hành, 4. Đồng sự);  và cũng là Trí thông thấu về 2 bờ, bờ bên này và bờ bên kia, để giúp Bồ Tát tu tập có hiệu quả tốt đẹp về 10 Ba La Mật,  10 pháp tu tập đưa qua bờ bên kia, bao gồm: 1. Bố thí, 2. Trì giới, 3. Nhẫn Nhục, 4. Tinh Tấn, 5. Thiền Định, 6. Bát Nhã, 7. Phương tiện, 8. Nguyện, 9. Lực, 10. Trí Huệ,  mà đi từ bờ bên này  (bờ khổ đau- sinh tử) qua đến bờ bên kia (bờ giải thoát- tịch diệt).

         Câu 3 và câu 4: " Nhỉ thời trụ Duy Thức ,  Ly Nhị Thủ tướng cố " (Lúc đó trụ Duy Thức,  Đã lìa tướng Hai Thủ):  "Trụ Duy Thức" là an trụ A Lại Da thức, là an trụ Duy Thức tánh vì A Lại Da chính là tánh của Duy Thức. An trụ vào A Lại Da cũng có nghĩa là tâm thức Bồ Tát đã vượt qua Mạt Na thức, vượt qua Nhị Thủ (Năng thủ, Sở thủ) của Mạt Na thức. Như thế, đến đây tâm thức Bồ Tát đã hoàn toàn rời lìa được 2 tầng lớp mê mờ quan trọng: Tầng lớp 1 là các tâm thức mê mờ của Kiến Hoặc (Thân kiến, Biên kiến, Kiến thủ, Giới Cấm thủ, Tà Kiến) từ nơi Ý thức chấp thủ, bám víu vào thân tâm 5 uẩn và vào dụng năng Thấy- Nghe- Hay- Biết (Kiến Văn Giác Tri) của thân tâm 5 uẩn; tầng lớp 2 là tâm thức bám víu chấp Ngã, tâm thức cội nguồn của Nhị Thủ (Năng thủ, Sở thủ) của Mạt Na thức.  Chỗ này cũng chính là nền tảng cần thiết để Bồ Tát có thể tiếp tục tu tập đoạn trừ Tư Hoặc và xả bỏ A Lại Da thức trong các giai vị Tu Tập tiếp theo.

 

        Bài tụng thứ tư (Tu Tập vị):  Duy Thức Tam Thập Tụng có 4 câu là:

             "Vô Đắc bất tư nghì

            Thị xuất Thế Gian Trí

            Xả nhị Thô Trọng cố

            Tiện chứng đắc Chuyển Y"

Tạm dịch:

              " Vô Đắc không thể nghĩ bàn

            Đây là trí xuất thế gian

            Xả xong hai Thô Trọng

            Liền Chuyển Y chứng đắc"

        Tu Tập vị tương ưng với quả vị Tu Đạo, bao gồm 7 quả vị của Bồ Tát Đăng Địa từ Địa 2 (Ly Cấu Địa) đến Địa 8 (Bất Động Địa). Kinh Hoa Nghiêm khai thị về các quả vị này, được ghi nhận sơ lược như sau :

               1. Bồ Tát Nhị Địa (Ly Cấu Địa): các Ngài tu tập thiên về Trì Giới (1 trong 10 Ba La Mật); về Ái Ngữ Nhiếp Pháp( 1 trong 4 Nhiếp Pháp);  các Ngài không còn có Tham, Sân, Si; xa lìa Tà Kiến cấu bẩn , nên được gọi tên là “Ly Cấu”.

               2. Bồ Tát Tam Địa (Phát Quang Địa): các Ngài tu tập thiên về Nhẫn Khả Ba La Mật (1 trong 10 Ba La Mật), về Lợi Hành Nhiếp Pháp (1 trong 4 Nhiếp Pháp); thông thạo Tứ Thiền, Bát Định, xuất nhập các Tam Muội; thành tựu vô lượng sức thần thông cùng Trí Quán Tướng, quán được tướng chơn thật của các pháp Hữu Vi, nên được gọi tên là "Phát Quang".

              3. Bồ Tát Tứ Địa (Diệm Huệ Địa):  các Ngài tu tập thiên về Tinh Tấn Ba La Mật (1 trong 10 Ba La Mật), về Đồng Sự Nhiếp Pháp (1 trong 4 Nhiếp Pháp); 10 pháp Minh Môn quán sát vào 10 Giới mà đắc được Trí Thành Thục, phát khởi Huệ phương tiện để Tu Đạo và Trợ Đạo, nên được gọi tên là "Diệm Huệ".

              4. Bồ Tát Ngũ Địa (Nan Thắng Địa):  các Ngài tu tập thiên về Thiền Định Ba La Mật (1 trong 10 Ba La Mật), về tất cả công hạnh của 4 Nhiếp Pháp; (kể từ Ngũ Địa trở lên, các Bồ Tát đều có tu tập, công hạnh đầy đủ trọn vẹn 4 Nhiếp Pháp để nhiếp hóa chúng sinh), đắc các Đế Trí,Tín Giải Trí,Phương Tiện Trí; biết như thật về Tứ Thánh Đế, thấu đạt được Tâm Bình Đẳng; là giai vị khó vượt qua, khó ngăn hoại nên được gọi tên là "Nan Thắng".

             5. Bồ Tát Lục Địa (Hiện Tiền Địa):  các Ngài tu tập thiên về Bát Nhã Ba La Mật (1 trong 10 Ba La Mật), quán thế gian sinh diệt với tâm Đại Bi, quán về Ngã chấp, về nhị biên Có- Không chấp,  thông tỏ lý Duyên Khởi cùng 12 Nhân Duyên, quán chiếu thấu suốt được 10 Pháp Bình Đẳng , nên các Ngài được Giải Thoát hiện tiền, Bát Nhã hiện tiền, Không Tam Muội hiện tiền, do vậy được gọi tên là "Hiện Tiền".

            6. Bồ Tát Thất Địa (Viễn Hành Địa):  các Ngài tu tập thiên về Phương Tiện Ba La Mật (1 trong 10 Ba La Mật),  9 phần Ba La Mật kia thì tùy sức mà tu tập, trong 1 niệm có đủ 10 Ba La Mật, thành tựu 10 môn Phương Tiện Huệ; 4 Nhiếp Pháp, 37 phẩm Trợ Đạo, 3 môn Giải Thoát; lại có thể nhập- xuất Diệt Tận Định nhưng không tác chứng, gọi là đã viễn ly Vô Hành thậm thâm nên được gọi tên là "Viễn Hành".

            7. Bồ Tát Bát Địa (Bất Động Địa):  Giai vị Bát Địa bên Bồ Tát thừa chính là A La Hán bên Thanh Văn thừa, giai vị hoàn tất giai đoạn Tu Tập Phật đạo. Các Ngài tu tập thiên về Nguyện Ba La Mật (1 trong 10 Ba La Mật), 9 phần Ba La Mật kia thì tùy sức mà tu tập, trong 1 niệm có đủ 10 Ba La Mật; đã thành tựu Phương Tiện Huệ, thành tựu về các Tánh Vô Sanh, Vô Khởi, Vô Tướng, Vô Tánh …; trong một niệm có thể dùng Trí Vô Công Dụng nhập cảnh giới Nhứt Thiết Chủng Trí.  Các Ngài đã lìa các tưởng phân biệt nơi Tâm – Ý – Ý thức, đã đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn, được hạnh Vô Tránh, Tịch Diệt hiện tiền, bình đẳng 3 thuở (Sơ–Trung-Hậu), thanh tịnh các Đạo, khéo nhiếp trì Đại Nguyện lực, được Phật Lực gia hộ ban cho Như Lai Trí, Tự Lực khéo giữ gìn, Trí Nhẫn đệ nhất, thâm tâm Tuệ Giác, có thể khởi phát vô lượng, vô biên Trí sai biệt, như thuyền vào biển lớn chỉ cần theo gió mà đi, không cần tốn hao công hạnh  nên được gọi tên là "Bất Động" hay “Vô Sở Hành”, “Vô Công Dụng”, ‘Vô Sanh Pháp Nhẫn’...

 

       Ý nghĩa 4 câu của Tu Tập vị được ghi nhận là:

              Câu 1: “ Vô Đắc bất tư nghì”  (Vô Đắc không thể nghĩ bàn):

                   “Vô Đắc” là cảnh giới đã thoát qua khỏi ảnh hưởng tác động của Mạt Na thức và của cả A Lại Da thức, cảnh giới không còn có chỗ Sở Đắc, khách thể , hay cảnh Sở Đắc; cũng không còn có Năng Đắc, chủ thể,  hay khả năng có thể có thêm, tiếp nhận thêm bất cứ sự vật gì vào trong tâm thức vốn đã quá thanh tịnh.  Vô Đắc là hệ quả tất yếu của công phu tu tập xả bỏ thức A Lại của Tu Tập vị. Công phu này được diễn đạt rõ qua 4 câu tụng trong Bát Thức Qui Củ Tụng, tác giả: ngài Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang (602-664), như sau:

                "Bất Động Địa tiền tài xả Tàng

                Kim Cang Đạo hậu Dị Thục không

                Đại Viên, Vô Cấu đồng thời phát

                 Phổ chiếu thập phương sát trần trung"

Tạm dịch:

                "Trước địa vị Bất Động  còn phải xả bỏ Tàng thức

                Sau Kim Cang Đạo, thức Dị Thục không có nữa

                Trí Đại Viên, thức Vô Cấu đồng thời phát

                Chiếu khắp mười phương vi trần quốc độ"

Cảnh giới Vô Đắc được cho là “bất tư nghì” (không thể nghĩ bàn) vì nó đã  vượt qua A Lại Da thức, vượt khỏi các tâm Bất Tương Ưng của A Lại Da thức là Danh Thân, Cú Thân, Văn Thân. Ba Thân này chính là bản thể, là chất liệu căn bản của tất cả nghĩ bàn, bao gồm ngôn ngữ, văn tự, suy tư, hiểu biết, phân biệt cho muôn loài chúng sinh.

 

             Câu 2: "Thị xuất thế gian trí” (Đây là trí xuất thế gian):

Trí thế gian là trí chỉ có thể thu nhận, quán sát, phân biệt cảnh trần (Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc,Pháp) mà không thể thấy biết thấu suốt được, không hội nhập, ứng hợp được với cảnh giới Vô Ngã, Vô Đắc. Nhưng  đây không phải là cảnh giới Vô Ngã, Vô Đắc xuất ra khỏi thế gian trí mà chính là trí thế gian do không còn có sự ứng hợp nên tự xuất ly, tự cách ly ra khỏi cảnh giới u tuyệt, huyền nhiên, bất khả tư nghì này.

            Câu 3: " Xả nhị Thô Trọng cố” (Xả xong hai Thô Trọng):

            Trong  5 thọ, A Lại Da thức chỉ có duy nhất một Xả thọ. Các Bồ Tát Đăng Địa đã thể nhập, tương ưng vào A Lại Da thức nên các Ngài ứng hợp với thọ Xả này, công phu tu tập đầy đủ về Hạnh, Nguyện, Thiền Định khiến phát sinh các Đại Tâm, các trí tuệ thanh tịnh mà xả bỏ 2 thứ Thô Trọng là Phiền Não Chướng và Sở Tri Chướng.  Đây là hai rào cản rất vi tế và thâm sâu trong tâm thức, khiến tâm thức bị ngăn ngại không được thông thấu với Phật tánh, Bồ Đề trí, nên được gọi là "Chướng".  

 

             Phiền Não Chướng chính là 6 tâm sở Căn Bản Phiền Não bao gồm: Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi và Ác Kiến; trong đó 5 tâm sở đầu (Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi ) được gọi là Tư Hoặc, còn Ác Kiến được gọi là Kiến Hoặc. Kiến Hoặc lại chia ra 5 loại là Thân Kiến, Biên Kiến, Tà Kiến, Kiến Thủ và Giới Cấm Thủ. Do vậy, 6 Căn Bản Phiền Não cũng thường được gọi là Kiến Tư Hoặc. Gọi là “Hoặc” vì đây là Bất Giác, mê mờ, vô minh khiến chúng sanh phải chịu trầm luân sanh tử. Duy Thức Học minh định lý do sâu thẳm nhất khiến có ra Bất Giác chính là do còn có sự hiện hữu của kho tàng chủng tử tập khí nghiệp thức nơi A Lại Da thức. Nên chỉ khi nào kho tàng này bị xả bỏ hoàn toàn qua tu tập tối thượng nơi các vị Bồ Tát Đăng Địa, tâm thức mới có thể trở về tương hợp, ứng nhập vào với Chơn Tâm, Chơn Như bản hữu. Do vậy, lý Tứ Đế và lý Thập Nhị Nhơn Duyên ít nhiều có liên hệ đến bóng dáng và sự biến hành, tác động của kho tàng chủng tử này. Như phải đến giai vị Hiện Tiền (Đệ Lục) Địa, Bồ Tát mới rõ thấu được Lý Duyên Khởi 12 Nhơn Duyên nhưng vẫn còn tu tập tiếp tục xả bỏ chủng tử Tàng Thức. Chỉ khi đến được giai vị Bất Động (Đệ Bát) Địa, Tàng Thức mới được xả bỏ xong; lúc này, Tàng Thức A Lại Da được đổi tên gọi là Bạch Tịnh Thức, hay Vô Cấu Thức; hành giả được xem là đã Kiến Tánh.

 

          Trong khi Phiền Não Chướng là chướng có liên hệ đến các chủng tử của 6 Căn Bản Phiền Não, thì Sở Tri Chướng được cảm nhận là chướng có liên hệ đến tất cả dạng loại chủng tử còn lại có trong A Lại Da thức. Đây là bao gồm tất cả các chủng tử có công năng tri giác, nhận biết, phân biệt vào một đối tượng nào đó; nôm na gọi là có chỗ trụ, có chỗ để tri giác, nhận biết (gọi là "Sở Tri" = "chỗ biết").  Còn có "chỗ" là còn chưa được bình đẳng, là còn trái với Giác thể Chơn Như vốn là bình đẳng, nhất như. Lý tánh bình đẳng, nhất như cao diệu này lại bị che lấp bởi các tâm thức chấp ngã và chấp pháp của chúng sinh.  Nên các Bồ Tát Đăng Địa phải tu tập đến giai vị Nan Thắng (Đệ Ngũ) Địa mới có được 10 Tâm Bình Đẳng,  rồi phải đến giai vị Hiện Tiền (Đệ Lục) Địa mới quán chiếu thấu suốt được 10 Pháp Bình Đẳng.

 

                    Câu 4: " Tiện chứng đắc Chuyển Y” (Liền Chuyển Y chứng đắc):

                  "Tiện chứng đắc" được cảm nhận là có ý nghĩa rất vi tế, sâu sắc  vì chữ "chứng đắc" ở đây không đồng nghĩa với chữ "Đắc" nơi 24 Tâm Bất Tương Ưng nơi các giai vị tu tập trước. Câu tụng này là cảnh giới của Bồ tát Bất Động (Đệ Bát) Địa: sau khi đã hoàn tất công phu xả bỏ trọn vẹn kho tàng chủng tử nghiệp thức, xả bỏ A Lại Da thức; thân tâm các vị Bồ tát Bất Động Địa (tương ưng với quả vị A La Hán bên Thanh Văn thừa) đã được hoàn toàn thanh tịnh, lìa xa các Tưởng nơi Tâm, Ý, và Ý thức; nhập Vô Sanh Pháp Nhẫn. Ngoài ra, do sức bản nguyện rộng lớn, các Ngài còn được thấy vô lượng chư Phật hiện ra và được chư Phật ban cho Như Lai Trí...Như thế "Tiện chứng đắc" có thể được tạm giải thích là "sự tương ưng, ứng hạp tự nhiên được tiếp nhận ân phước từ chư Phật", nên đây tạm gọi là sự chứng đắc mà không có thêm vào, không có bớt ra, không có dụng công như sự chứng đắc thông thường ở các giai vị trước.

          "Chuyển Y" là chuyển đổi 4 chỗ Y chỉ, là chuyển đổi từ Thức sang Trí, bao gồm 4 chuyển đổi: Chuyển Ý thức ra Diệu Quán Sát Trí, chuyển Mạt Na thức ra Bình Đẳng Tánh Trí, chuyển Tiền Ngũ thức (Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỹ thức, Thiệt thức, Thân thức) ra Thành Sở Tác Trí, và chuyểnA Lại Da thức ra "Đại Viên Cảnh Trí". Đây cũng là sự chuyển đổi tự nhiên, như nhiên, tự  hiện khởi sau khi đã Kiến Tánh mà không qua bất kỳ dụng công, tác ý nào.

 

              Bài tụng thứ năm (Cứu Cánh vị):  Duy Thức Tam Thập Tụng có 4 câu là:

                         "Thử tức Vô Lậu giới

                         Bất tư nghì Thiện Thường

                        An lạc giải thoát thân

                        Đại Mâu Ni danh pháp"

          Tạm dịch:

                       "Đây là cõi Vô Lậu

                        Thiện Thường không thể nghĩ bàn

                        Thân giải thoát, an lạc

                        Tên gọi Đại Tịch Tịnh"

 

                  Cứu Cánh vị là giai vị tu tập sau cùng của Duy Thức Học, bao gồm các địa vị từ Bồ Tát Thiện Huệ (Đệ Cửu) Địa, Bồ Tát Pháp Vân (Đệ Thập) Địa, Đẳng Giác, Diệu Giác, và Phật. Kinh Hoa Nghiêm khai thị về Thiện Huệ  Địa và Pháp Vân Địa, được ghi nhận sơ lược như sau :

                        1.     Bồ Tát Cửu Địa (Thiện Huệ Địa):  các Ngài tu tập thiên về Lực Ba La Mật (1 trong 10 Ba La Mật), 9 phần Ba La Mật kia thì tùy sức mà tu tập, trong 1 niệm có đủ 10 Ba La Mật; thâm nhập Phật Tam Muội, quán sát bất tư nghì Đại Trí tánh; tu tập 10 Lực, đức Vô Úy và 18 Bất Cộng pháp của chư Phật, theo chư Phật chuyển Pháp luân; được 4 Vô Ngại Trí, khéo diễn thuyết hóa độ, điều phục chúng sinh; thể nhập Tịch Diệt, Giải Thoát, Phật Trí bất tư nghì nên được gọi tên là "Thiện Huệ".

                       2.     Bồ Tát Thập Địa (Pháp Vân Địa):  các Ngài tu tập thiên về Trí Huệ Ba La Mật (1 trong 10 Ba La Mật), 9 phần Ba La Mật kia thì tùy sức mà tu tập, trong 1 niệm có đủ 10 Ba La Mật; các Ngài thể nhập Phật cảnh giới, được Phật quán đảnh làm bậc Thọ Chức; tùy thuận công hạnh Tịch Diệt của Như Lai, thể nhập Tam Muội tối hậu, thể hiện được các quang minh của chư Phật; Bồ Tát hạnh ví như Đại Hải, có thể an trì, nhiếp thọ vô lượng Đại pháp của Như Lai; các Ngài dùng Tự Nguyện Lực nổi mây Phước Đức Đại Bi, chấn sấm Đại Pháp, nháng chớp Trí Huệ Vô Úy, nên được gọi tên là " Pháp Vân ".

 

           Ba  giai vị sau cùng (Đẳng Giác, Diệu Giác, Phật) không còn có dụng công tu tập nữa, cảnh giới chư Phật lại quá huyền diệu, quá nhiệm mầu, quá bất khả tư nghì nên kinh luận rất ít khi đề cập đến.

 

       Ý nghĩa 4 câu của Cứu Cánh vị được ghi nhận là:

                Câu 1 và câu 2:“ Thử tức Vô Lậu Giới, Bất tư nghì Thiện Thường

                   (Đây là cõi Vô Lậu, Thiện Thường không thể nghĩ bàn)

          Cảnh giới của chư Phật là cõi Vô Lậu, không còn bị rơi rớt trở lại vào thế gian. Cảnh giới này được tạm mô tả là cảnh giới cực kỳ thanh tịnh, không còn hiện hữu bất kỳ dấu vết, bóng dáng của chủng tử, nghiệp thức nên cũng không còn có bất cứ tỳ vết nào của phiền não, khổ đau,  đã tuyệt nhiên vắng bóng tất cả phân biệt, chấp trước nên được bài tụng gọi là Bất Tư Nghì Thiện. Cảnh giới nhiệm mầu, như nhiên, tận xuất Thế Gian này lại cũng tuyệt đối thường hằng, đã siêu tuyệt, vượt thoát khỏi các chu trình biến hoại Sinh-Tử, Có-Không của thế gian nên được bài tụng gọi là Bất Tư Nghì Thường.

    Câu 3 và câu 4:“ An lạc giải thoát thân  Đại Mâu Ni danh pháp

                          (Thân giải thoát, an lạc   Tên gọi Đại Tịch Tịnh)

 

                  Thân an lạc, giải thoát tối hậu chính là pháp thân của chư Phật. Gọi là An Lạc vì đã tuyệt nhiên không có bất cứ vướng chấp phiền não, cũng là nghĩa của chữ “Tịch” (tuyệt nhiên vắng bóng);  gọi là Giải Thoát vì đã vượt thoát ra khỏi tất cả ràng buộc của kho tàng chủng tử nghiệp cảm nơi A Lại Da thức, cũng là nghĩa của chữ “Tịnh”(tuyệt nhiên trong sáng). Do từ ý nghĩa này,  2 chữ An Lạc và Giải Thoát cũng được gọi là Tịch và Tịnh. Tịch Tịnh cũng được gọi là Mâu Ni, là danh hiệu của đức Bổn Sư vậy.

 

                     Do bổn tánh Bình Đẳng và thường hằng chu biến khắp pháp giới, pháp thân an lạc và giải thoát vốn thường sẳn đủ, quang minh thường hằng biến chiếu nơi muôn loài chúng sinh. Nhưng theo Duy Thức Học, chúng sinh không thể thấy biết, thụ hưởng, sử dụng nguồn quang minh này là do còn bị ngăn che bởi 3 lớp màn che, rào ngăn chính. Lớp 1 là Tiền Lục Thức (Ý thức và Tiền Ngũ Thức: Nhãn, Nhĩ, Tỹ, Thiệt, Thân:) tư duy chấp mắc vào cảnh trần (6 trần cảnh: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) khiến không ngớt gây tạo, phát sinh biết bao chủng tử phiền não nghiệp chướng.  Lớp 2 là Mạt Na thức, cội nguồn tư lương chấp ngã, đón đưa chủng tử nghiệp thức, gây tạo ra vô lượng phiền não, nghiệp chướng mà phải đến giai vị Kiến Đạo mới vượt qua được lớp màn che Ngã chấp này và mới rõ ra được con đường tu tập tối thượng (Kiến Đạo Khởi Tu). Lớp 3 là A Lại Da thức, cội nguồn tàng trử kho tàng chủng tử nghiệp thức; kho tàng này cần được xả bỏ hoàn toàn, gọi là Kiến Tánh, để chuyển Thức thành Trí và để cảnh giới, pháp thân an lạc- giải thoát tự hiện khởi trở lại.

 

                  Trong nhà Thiền có câu chuyện kể:  Ngài Nam Nhạc Hoài Nhượng (677-744) đến Tào Khê tham yết Lục Tổ Huệ Năng (638-713).  Tổ hỏi: "Ở đâu đến?", Ngài thưa: "Ở Tung Sơn đến." Tổ lại hỏi: "Đem vật gì đến?", Ngài trả lời không được, bèn ở lại với Tổ. Sau tám năm, Ngài chợt có tỉnh, liền đến trình Tổ :"Nói một vật là không đúng". Tổ liền hỏi: "Lại có thể đạt đến chăng?" Ngài đáp: "Tu chứng tức chẳng không, nhiễm ô tức chẳng được." Tổ bèn ấn chứng:  "Chính cái không nhiễm ô này là chỗ hộ niệm của chư Phật, ngươi đã như thế, ta cũng như thế".  Và khi đã trở về được với bổn tánh Bình Đẳng, thường hằng chu biến khắp pháp giới, pháp thân tịch tịnh, an lạc và giải thoát này thì "ai ai cũng như thế" vậy.

 

 

Khánh Hoàng

Plano _ January 15, 2024

THƠ TRẦN HOẰI THƯ

MÙA LŨ

Bốn năm, làm lính, sông Côn lội

Đêm tìm mồ mã mà viếng thăm

Trời gió nổi, hú trên đồng nước ngập

Lũ quỉ hiện hồn làm những kẻ ăn sương 

Cầm cơn lạnh trùm poncho dã chiến

Thèm quá thèm , điếu thuốc cầm cơn

Vùng nẫu bên kia, Tân Dân, An Cữu

Tọa độ bản đồ kẻ khác chấm dùm

Mỗi dứa ngồi nằm giũa hàng mồ mả

Bia mộ lưu đời ghi tuổi thanh xuân

Hãy ráng thức một giờ đừng ngủ gục

Để anh em dươc một giấc qua đêm

Có chột bụng hãy đi tìm chỗ xả

Kẻo bay mùi ghê tởm đến anh em

 

Mùa lũ, có khi hành quân chân núi

Men theo bờ sông nước lũ mà đi

Cám ơn chiến tranh cho ta dược thấy

Những con người dũng liệt, Tây Sơn

 

Bây giờ nhớ lại thời trai trẻ

Khi ngựa già lên một tuổi 82

Người ta thì nhớ một thời hoa mộng

Còn ta bồi hồi mùa lũ sông Côn

THT

Trần Hoài Thư

 

TA ĐI

Ta đi, tráng sĩ hề con kẹt

Nó chửi thề bởi nó cũng run

Khi không bắt nó lên An Lão

Xa cái lồng con nhỏ dưỡng quân

Ta đi, lời kệ vang trong miểu

Ông từ già nhắm mắt tụng kinh

Ông ạ, cho tôi nằm một lát

Để tôi mơ cực lạc thiên đàng

THT

Trần Hoài Thư

THƠ VÀ CHIÊM BAO

 

Nhiều người nghĩ thơ hay là chữ phải kêu, ý phải lạ, luật phải chỉnh hay được nhiều người đọc cảm nhận.
Còn tôi, dại cuồng nghĩ thơ là chiêm bao. Ngón tay gõ co nhiệm vụ biến thơ thành chữ. Còn chiêm bao nó biến thành cái đẹp. Và ít ai biết cái dẹp ây. Cứ hô hào, mỗ xẽ thi thể chiêm bao:

oOo
Lính giữ tiền đồn, đêm đêm nằm ngoài vòng đai
Chỉ mong sáng sớm rút về, ghé quán cà phê chợ huyện
Trời cũng thương tình một thằng lính làm thơ lãng mạng
Để hắn đi tìm thêm chiêm bao…
Bởi chiêm bao không mọc lên từ chiến hào
Mà đến từ đẳng sau màn khói thuốc
Chẳng hạn, cô hàng cà phê đang lui cui nấu nồi nước
Lửa reo vui, nước sôi reo vui,
Và bên ngoài, tiếng máy nổ đầu ngày của chiếc xe lam
Và bến sông vọng về tiếng ồn ào của người đi phiên chợ sớm
Niềm vui từ ngoài lan vào trong quán
Ghế đẩu, chiếc bàn, cả khẫu súng gát vào vách tường cũng thức dậy
chiêm bao !…
Khi cô hàng còn lười biếng ủ ê
Tóc chưa chải, và ngực chưa cài nịt vú
Có đôi má đỏ rực như than hầm mới đốt
Có chiếc quần lụa vãi bóng lởn tà dâm
Khiến con thằn lằn phải nằm trên vách chết trân!
Khiến ta nhấp hớp xây chừng sao mà ngon chi lạ!
***
Bây giờ ta đang ở xứ Mỹ
Nơi mà cà phê xem như thay nước lả
Nơi mà những loại cà phê danh tiếng mỗi ngày mời mọc khách hàng
Columbia, đến Brasil, rồi đến Pháp, đến Anh
Vậy mà ta cứ dùng dằng
Ôi, bình cà phê nào còn mang cho ta giấc chiêm bao
Để ta còn làm thơ

THT

Nov. 17, 2023

THƠ HỨNG TRẦN HOÀI THƯ

 

Lục bát THT (1)

Có phải sắp biệt cõi trần
Mà sao thân thể có mầm bi quan
Ngày xưa bảo vệ Sư đoàn
4 năm không để địch quân mò rình
Bây giờ bảo vệ một mình
Mà không giữ nổi chờ ngày bàn giao

Ngày lễ cựu chiến binh và con ngựa già
Không phải tôi yêu màu áo trận
Để nhang đèn thắp lại hàng năm
thằng thất trận chỉ còn con tim nến đỏ
Em bé Hoa Kỳ, cho tôi ké được không ?

Người cựu chiến binh Hoa Kỳ râu tóc bạc phơ
Có một khoảng trời để mà hãnh diện
Tôi cũng có khoảng trời núi rừng sông biển
gõ chuông mõ mình không phải đợi đến hôm nay

 

 

Về thành

(Tặng PVN, LVT, PCS, PCH và các bạn không bao giờ quên ở khu 6, Những bạn mài quần ở quán QN)

Cả đêm hồng ngoại rình du kích( 1)
Sáng sớm Qui Nhơn súng lận quần
Bà chũ cho xin ly xí nại
Và cái bàn, một chỗ của nhà văn

Người thơ văn toàn gái với toàn em
Ông Trời cũng mặc áo lụa hà đông
Giấy hồng mực tím pha trang giấy
Chỉ có ta gái mọi đen đồng

Chủ quán đừng nhìn ta lấm lét
Ta hiền mà, tại lính râu ria
Mũ rừng chụp trán, che đầu tóc
Ngại mấy chàng quân cảnh ngoài kia

Thơ ta toàn là Văn, Bách Khoa
Vậy mà chẳng ai đọc bao giờ
Hay chờ thi sĩ nằm yên ngủ
Thương xót cho ta cột báo vĩnh hằng

 

THT

(1) UV: ống nhắm hồng ngoại. Chỉ trang bị cho các đơn vị thám kích

TranHoaiThu_in hospital.JPG

Chia sẻ trong lúc cô đơn

Rả rích trong  đêm trời gõ mõ
Kinh tàn thu, mùa ly biệt trần gian
Hôm qua có hàng hàng khất sĩ
Về đây để căng dựng lều tang

Có dựng xin chừa ta ngoài gió
Ta đang vịn càng, vịn cán: mưu sinh
Cái nhau con cáo tha biệt tích
Thì sá gì cả một cuống gan

Hai tháng, ta nằm chờ dợi chết
Nhưng mà trời hởi, nhìn qua song
Tội lắm bầy nai về như khóc
ông thầy ơi, ông bỏ, ai làm thơ


Còn nữa, lá vàng ngoài sân viện
Lá dâp dìu, lá gọi hồn ai
NChỉ trừ em, càng ngày xinh đẹp
Mái tóc càng mun càng mướt đen tuyền

Trần Hoài Thư

Nói thêm về bức ảnh:

Sáng nay nhận email, thoạt thấy tấm ảnh bạn mình chằn chịt dây nhợ! Hết hồn, nghĩ rằng Kim Mao Sư Vương lại vào bịnh viện, email liền: Đọc thơ rồi nhìn hình! Sao mà buồn quá bạn mình ơi! Nhận lại trả lời: sao lai buồn? phải mừng vì u80 tôi vẫn mưu sinh và thoát hiểm.

Thì ra đây là ảnh 2 năm trước và chàng đã thoát hiểm, vẫn an nhiên tự tại. Mừng cho bạn.

HaiTrau_cover.JPG

MỜI ĐỌC:

1. HAI TRẦU LƯƠNG THƯ TRUNG: NHỚ VỀ NHỮNG NGÀY THÁNG CŨ

https://drive.google.com/file/d/1zLBW861z3J5LsK7bxo83EKIw6kg0eiHG/view?usp=sharing_eil_se_dm&ts=646030fb

2. TRẦN BANG THẠCH đọc Nhớ về những ngày tháng cũ của anh nhà quê già Hai Trầu trên Trang Nhà Trần Thị Nguyêt Mai:

https://tranthinguyetmai.wordpress.com/2023/06/21/doc-nho-ve-nhung-ngay-thang-cu/

Đọc Nhớ về những ngày tháng cũ

Mở đầu Nhớ Về Những Ngày Tháng Cũ (NVNNTC), ta hãy nghe lời thưa trước của tác giả, tự nhận là một người đọc nhà quê già: “… Nhưng rồi, tôi lại phải đi gom góp các trang ghi chép về đời sống nơi miền quê cùng vài hồi ức về những ngày xa xưa cũ…” Rồi người làm ruộng già này bộc bạch thêm: “… vì vốn là một người làm ruộng già, nên tôi chỉ mong những gì mình ghi lại nơi đây, trước nhứt là để mình có dịp sống lại những ngày tháng cũ của mình mấy chục năm về trước thôi, chứ không dám mơ văn hay chữ tốt gì nơi tập sách quê mùa này!”.

Ối trời! Lão già khú nhà quê này khôn quá mạng nghen. Ông có cái già, cái nhà quê quý như vàng mà làm bộ hổng biết! Càng già càng có nhiều chuyện để nói. Nhờ cái gốc nhà quê mà ông kể chuyện nhà quê mới hết sẩy! Người thật việc thật mà Anh Hai!

 

Thứ nữa là ông tưởng ông viết để mình ên ông sống lại những ngày tháng cũ của riêng ông thôi sao? Đối với riêng người đọc hèn mọn này, ông lão nhà quê ơi, ông đã khuấy động một vùng ký ức thật rộng, thật sâu của tui. Từng tấm hình, từng bài viết… là kỷ niệm của ông, là bến bờ ký ức đẹp của ông cũng là của tui nữa đó. Và biết đâu cũng của một số người khác.

Đối với người xa quê hương như tui và ông thì Ông Sơn Nam đã nói từ lâu rồi mà:

Năm tháng đã trôi qua,
Ray rứt mãi đời ta
Nắng mưa miền cố thổ
Phong sương mấy độ qua đường phố
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê…

Mình là hạt bụi nhớ đất quê đó anh Hai ơi!

Lược sơ sơ nghe chơi nhen: Trường Thoại Ngọc Hầu, cầu Hoàng Diệu, Bắc Vàm Cống, Bến đò Châu Giang, Bồ đề Đạo Tràng, Lăng Thoại Ngọc Hầu, Bến Ninh Kiều, cầu khỉ, chiếc bắc, rừng Tràm, nhà lá, nhà bè cá, bầy vịt hãng… những nơi tui từng sống suốt hơn nửa đời người. Rồi những tắc ráng, xuồng, ruộng lúa, rừng tràm, đống rơm, con bò, … làm tui nhớ quá chừng thằng nhỏ nhà quê chưn phèn dính đất của mình. Ấy da! Rồi mắm Châu Đốc, xoài, cóc, ổi, mận, bông điên điển, bông súng, lục bình, tôm cá… càng nhắc càng thèm!

Cho thấy chưa đủ sao mà ông ỷ già chơi gác! Ông còn nhắc Sài Gòn, Cần Thơ, Châu Đốc, Long Xuyên của tui. Ký ức của tui đã theo chân ông bước lùi về những nơi chốn này làm nhớ ôi là nhớ. Nhớ rồi thương thêm, rồi tiếc cho một thời vàng ngọc đã qua. Và sắp lùi dần vào hốc tối của đầu óc lão lai. Là mất hết!

Nghe ông lão nhà quê kể chuyện Sài Gòn nghen: “Nhớ Sài Gòn những năm tháng ấy là nhớ những con đường rợp bóng me mát rượi với những gánh cà phê pha bằng vợt giữa trưa nắng gắt ngồi dưới gốc me nhâm nhi ly cà phê đá mới pha với mùi cà phê thơm ngào ngạt mà thấy đời sao quá sướng, quá an nhàn”. Nói thiệt với ông nhen, thuở đó chắc ông chưa biết phì phà Bastos xanh nên chưa thấy ngầu thêm với tách cà phê đen không đường và sách Phạm Công Thiện dày mo trên tay. Tui hơn ông chỗ này; có lẽ hơn luôn cái mái tóc phủ ót bít-tơn nữa. Và hơn luôn cái mục cà phê dưới gốc me với kẹp tóc. Ơ ông này, ông dám nhắc cái Đại Học xá Minh Mạng của tui, cả trường Võ Khoa Thủ Đức. Ông làm tui nhớ thêm bánh bao bà Năm Sa Đéc bên đường rầy xe lửa Chợ Lớn-Mỹ Tho, nhớ Vũ Đình Trường, đồi Tăng Nhơn Phú, đồn quân cảnh 301. Tuổi thanh xuân của tui chôn ở đó khá nhiều. Rồi mấy con đường Nguyễn Huệ, Phan Thanh Giản, Cộng Hòa, Lê Lợi, Bà Hạt… Ông nói trúng phóc: “… rồi một ngày nào đó sẽ không còn, nào ai biết được có một thời những con đường quen tên ấy có biết bao người đã bao lần đi đi về về ngược xuôi trên những con đường xưa thân ái ấy”. Nhiều tên đường cũng theo số phận Sài Gòn mà mất tên sau cơn sóng dữ. Chắc ông cũng giống tui thời học trò nghèo chỉ biết có rạp Long Vân, Vĩnh Lợi, vừa coi vừa ngủ, dám đâu vào Rex, Eden. Ông già này đáo để lắm nghen: Ông nhắc quán sách báo ngoại ngữ trên đường Ngô Đức Kế nơi ông mua bộ tự điển Encyclopaedia Britannica mà làm bộ như quên nhắc ông mua luôn cô hàng sách, gái đẹp gốc Tân Châu tên “chị Bảy Bookshop”. Từ Sài Gòn ông dẫn tui qua bắc Vàm Cống, vào trường Thoại Ngọc Hầu. Ông còn cho tui nhìn lại hình ngôi trường tôi đã ở nội trú cả năm. Cái Vàm Cống này thì quen quá với tui mỗi lần từ Sài Gòn về Long Xuyên, Châu Đốc. Vàm gì mà thấy bờ bên kia trước mặt mà bắc chạy ngược xuôi theo con nước, lâu phát ớn! Ông nhắc tên trường Thủ Khoa Nghĩa, trường Nguyễn Hữu Cảnh, kinh Lò Heo… làm tui thấy như mình đang đưa tay ra là đụng, rồi ôm vào lòng những vật thể thiết thân một thời của chàng trai mới lớn “theo nàng về xứ lạ”! Ông nhắc vài nơi ông đã đi qua, sống qua… đọc cho biết thôi chớ mình không sống qua nên không có cảm nhận gì. Chỉ một tấm hình ông chụp ngồi với nàng ở bậc thang lên chùa ở Cam Ranh, kế bên là phiến đá ghi rành rành hàng chữ: “Xin đừng hái hoa” vậy mà ông có “care” gì đâu, ông ngồi khít rịt với nàng đủ biết hoa đã bị ông cò phạm luật hái rồi!

 

 

 

 

 

 

Bậc thang lên chùa Vạn Hạnh (Cam Ranh) năm 1970.

 

Ông già này độc nhen: Ông đưa người thanh niên đi từ Sài Gòn dìa Long Xuyên, Châu Đốc, qua mấy nơi xa Sài Gòn, rối thoắt một cái ông cho tui thành thằng nhỏ ở ruộng đồng An Trạch, vườn quê Bà Vèn của tui khi ông nói về những cây cầu khỉ, cái xuồng ba lá, cái lu, cái khạp, cái rế, cái nia, cái lờ, cái lưới, cái đăng… đồ chơi mà ăn thiệt hồi nhỏ của tui đó. Tui là vua câu rê mà. Nhưng bộ ông không biết con trâu sao vậy, không nghe ông nói tới? Chắc ông không có cái thú cỡi trâu như tui. Vui lắm ông ơi! Tắm ở vũng trâu nằm giữa nắng chang chang khoái hơn tắm hồ bơi Đô Thành, chỉ thiếu mấy cái bikini rửa mắt!

Có lẽ đây là cái chiêu độc đáo của lão nhà quê trên xứ cờ hoa: Ông đem được giống điên điển từ ruộng nước Châu Đốc, Long Xuyên cắm trên vườn sau của ông, lại điểm xuyết thêm ao lục bình trổ hoa tím, bông súng, bông sen… Cái Góc Việt Nam này của ông thật đáng đồng tiền bát gạo! Cái Hồn Quê của ông đó.

Nói bây nhiêu chưa hết đâu ông ơi. Chữ nghĩa của ông làm ruột gan tui lộn tùng phèo, thương thương, nhớ nhớ, quên quên, tiếc tiếc… đủ thứ. Lại mắc bịnh làm biếng nên trước khi ngưng tui muốn mượn thơ Kiên Giang để tặng ông:

Dầu xa cách mấy trùng dương,
Ở đâu cũng có quê hương trong lòng

Mấy lời thô thiển gởi tới Anh Hai, coi như hai lão nhà quê mình một buổi rảnh rang chuyện đồng áng, ngồi trên đệm lác khề khà bên hũ nếp than cho vui vậy mà.

 

Trần Bang Thạch
Houston, ngày 17 tháng 6 năm 2023

HaiTrau_HTchiBay.jpg
DTDB_Mauhoacaiao.JPG

THÔNG BÁO TẶNG SÁCH MỚI

của Winston Phan Đào Nguyên:

 

MỐI THÂM TÌNH CỦA NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU DÀNH CHO “QUAN PHAN” PHAN THANH GIẢN

Winston PĐN_Bia sach NgĐChiểu.JPG

Nhân dịp UNESCO kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Nguyễn Đình Chiểu vào năm 2022, tác giả Winston Phan Đào Nguyên xin thân tặng tất cả các bạn đọc một nghiên cứu mới về nhà thơ, cuốn sách với tựa đề Mối Thâm Tình Của Nguyễn Đình Chiểu Dành Cho “Quan Phan” Phan Thanh Giản. 

 

Tác giả chỉ có một yêu cầu nhỏ là nhờ bạn thông báo về cuốn sách này và đường link download dưới đây cho tất cả bạn bè bà con muốn đọc:

 

 

https://app.box.com/s/p7e3mgfty0l1asrqkewxuck6bwqw7rny

 

 

Nếu bạn muốn sách giấy thì có thể order sách từ Amazon theo link này:

 

 

https://www.amazon.com/Th%C3%A2m-Nguy%E1%BB%85n-Chi%E1%BB%83u-Thanh-Vietnamese/dp/108803795X/ref=sr_1_1?crid=2K30ANBDPFUP4&keywords=moi+tham+tinh+cua&qid=1654557154&sprefix=moi+tham+tinh+c%E1%BB%A7a%2Caps%2C123&sr=8-1

 

 

"Năm 2022, nhân hai trăm năm ngày sinh của Nguyễn Đình Chiểu, UNESCO đã nhìn nhận ông như một danh nhân văn hóa của thế giới. Và lý do chính không phải vì lòng "yêu nước" của ông, mà chính vì những phương diện khác; như sự cố gắng vượt qua nghịch cảnh của ông, ý chí của ông, thi văn tài của ông. Nhưng có lẽ một phương diện tích cực khác của Nguyễn Đình Chiểu mà ta cần thấy rõ hơn là sự trung thực trong vai trò nhân chứng thời cuộc, đã được thể hiện một cách không dấu diếm trong thơ văn của ông. Là một con người của thời cuộc, của thế kỷ 19 ở xứ Nam Kỳ, là một nho sĩ trọn đời thờ vua, nhưng ông đã tạo ra một đường lối thơ văn đặc biệt của riêng mình, với một tấm lòng chân thật không chút điêu ngoa. Đối với người mà ông cũng như toàn thể dân chúng Nam Kỳ thương mến gọi là "quan Phan", Nguyễn Đình Chiểu đã bày tỏ lòng khâm phục trong hai bài thơ điếu Phan Thanh Giản, cũng như trong 10 bài thơ điếu Phan Tòng. Nhưng vì lý do chính trị, trong nhiều năm qua đã có nhiều tác giả trong nhiều bài viết cố tình bẻ cong sự thật để gán cho thi sĩ Nguyễn Đình Chiểu tức ông Đồ Chiểu một âm mưu đê tiện là ngấm ngầm chửi rủa Phan Thanh Giản; cho dù bề mặt ngợi khen. Đã đến lúc phải trả lại sự thật nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của vị danh nhân văn hóa này. Đã đến lúc phải vạch ra sự cố tình xuyên tạc Nguyễn Đình Chiểu và thơ văn cũng như con người của ông. Đã đến lúc phải nhìn nhận mà không có chút nghi ngờ nào nữa về mối thâm tình mà Nguyễn Đình Chiểu dành cho quan Phan - Phan Thanh Giản."

 

 

Trân trọng,

 

Tác giả Winston Phan Đào Nguyên

________________________________

Khanhhoang_quetla.JPG
TL_traikhoqua.JPG

KHỔ QUA
Nối thơ: Nguyễn Nam An, Trần Bang Thạch, Kim Phượng, Kim Oanh, songquang

Đến khi trái khổ qua đầu

Trên giàn kết trái tình đâu mất rồi

Anh ngồi tưới nước làm vui

Mà em như lệ khóc người đó đây .

 n g u y ễ n n a m a n
 

 Nối thơ:
 

khổ ai như nỗi khổ nầy

thì ra cái khổ đã đầy vườn tôi

khổ hoài sao chẳng chịu vơi 

chẳng ai ngoái lại để tui đỡ buồn?!

 

Nước tui cũng đã cạn nguồn

còn đâu để tưới cái buồn lỡ mang?!
Trần Bang Thạch
 

 

Khổ qua nụ trổ đầy giàn

Ới người gieo khổ chẳng màng để tâm

Sụt sùi trời đổ mưa dầm

Ới người gieo khổ trăm năm bạc lòng

Kim Phượng

Kim Oanh & songquang nối thơ Kim Phượng:

Cánh vàng nhụy điểm trắng trong 

Khổ qua kết trái đắng lòng người ơi

Oằn mình cam chịu ngậm lời

Ai hay ai hiểu cuộc đời khổ qua.

Kim Oanh

Khổ tôi lệ chảy thành dòng 

Người còn đi mãi …hết mong ngày về

Giọt buồn nỗi khổ lê thê

Tôi đâu quên được lời thề ngày xưa

Khổ qua vị đắng sao vừa

Xin người nhớ lại những mùa yêu nhau.

songquang 

20221124

(Ngày Thanksgiving 2022)

 

 

 

CÁCH VIẾT TRUYỆN NGẮN CỦA TRẦN BANG THẠCH

                                                                         

                                            Hai Trầu

LTT_QQCD.JPG

Một chút tiểu sử về nhà văn Trần Bang Thạch:

 

-Tên họ thật: Nguyễn Công Danh, 1942 sanh quán tại Cần Thơ.
-Làm thơ, văn, phóng viên...đăng trên các báo và tạp chí văn học trước 1975, bút hiệu Nguyễn Cát Đông. Từ 1980, tại Hoa Kỳ dùng bút hiệu Trần Bang Thạch.
-Trong nhóm Chủ trương Tạp chí Văn học Tiếng Động (Cần Thơ/ Sài Gòn) 1963-1965
-Tổng Thư Ký tạp chí Chỗ Đứng do Ban đại diện SV/ ĐHSP/SG chủ trương 1967-1969
-Trong BBT tạp chí VHVN, Houston Texas, từ 1998 đến nay
-Trong nhóm Chủ trương Tạp chí Văn học Thư Quán Bản Thảo từ ngày đầu, tháng 10-2001

-Tác phẩm:

Đường sang đất trích, 1966, kịch thơ, do Nhóm Nhân Văn ĐH Văn Khoa SG in ronéo (Tuyệt bản)
Tuyển Truyện Nguyễn Cát Đông, 1967, tập truyện, do Ban Đại Diện SV/ĐHSP/SG ấn hành, in ronéo. (Tuyệt bản)
Áo Mây Bay, thơ, chung với Huỳnh Phan, 1971, do nhà sách Nam Việt (Châu Đốc) xuất bản (Tuyệt bản)
Tuyển Tập Truyện 18 tác giả Miền Nam Trong & Ngoài Nước, 2003, Thư Ấn Quán xuầt bản.
Bên Trời (Tuyển tập Thơ 14 tác giả miền Nam, 2004, Thư Ấn Quán.
Tuyển Tập Thơ 7 tác giả Trong và Ngoài Nước, 2004, Thư Ấn Quán.
Quẩn Quanh Chuyện Đời, trập truyện, 2006, Thư Ấn Quán.
Truyện trước 1975 in trong Văn Miền Nam, Tập 4, Thư Ấn Quán, 2009.

​(Trích từ trang nhà : www.ptgdtdusa.com)

 

***

 

Truyện ngắn của nhà văn Trần Bang Thạch đăng rải rác trên các trang nhà “Phan Thanh Giản & Đoàn Thị Điểm” (www.ptgdtdusa.com), trang “Ái Hữu Đại Học Sư Phạm Sài Gòn”…, và đặc biệt tập truyện “Quẩn Quanh Chuyện Đời”(QQCĐ) của Trần Bang Thạch, do Thư Ấn Quán (New Jersey, Hoa Kỳ) ấn hành vào tháng 4 năm 2006, gổm 25 truyện ngắn, dày 274 trang, là những trang đời của những cảnh đời mà tác giả đã từng chứng kiến hoặc nghe thấy qua nhân vật có tên gọi như ông Phước, bác Trần Miệt Thứ, bà Hai Vàm Láng vân… vân…, hoặc có khi ngắn gọn hơn, nhân vật của Trần Bang Thạch thường xưng “tôi” ở ngôi thứ nhứt rất quen trong cách xưng hô của người Việt quê mình. Cách xưng hô với người đọc bằng “tôi” ấy nó có cái dễ mà cũng có cái khó. Dễ là ở chỗ nếu người đọc hơi lơ là một chút là sẽ bị tác giả dẫn mình đi lạc vào khu rừng với những loại dây leo như dây cổ rùa quấn chặt những thân cây cổ thụ hoặc như những loài dây bò như dây choại bò chen kín qua mấy lớp lá mục lâu năm của rừng tràm miệt Kinh Năm vùng Hỏa Lựu, Long Mỹ (Chương Thiện) thuở trước hoặc vùng U Minh vào những năm rừng chưa bị khai phá đề trồng lúa, trồng khóm…, và rồi mình lại cứ tưởng rằng câu chuyện mà nhân vật xưng “tôi” ấy đã tự thuật với mình chính lại là câu chuyện của tác giả; nhưng thiệt tình ra sự thật không phải lúc nào cũng là như vậy!

Cái khéo của Trần Bang Thạch khi chọn nhân vật ở ngôi thứ nhứt, xưng “tôi”, trong hầu hết các truyện ngắn của tác giả mà bạn nếu có dịp đọc, bạn sẽ thấy đây là một trong vài nét tiêu biểu về cách viết truyện của Trần Bang Thạch. 

 

Nét tiêu biểu kế tiếp là truyện ngắn của Trần Bang Thạch bao giờ cũng bắt đầu bằng một việc có thật hoặc được tác giả tưởng tượng giống như thật và nó đang có ngay trước mặt mình, ở thì hiện tại; để rồi từ đó tác giả mới nắm tay người đọc và dẫn bạn đi tìm căn nguyên nào mà nó lại có cái hiện tại ấy; thế rồi tác giả mới bắt đầu quay chậm lại khúc phim đời chìm nổi của nhân vật chính trong truyện của mình qua những phác thảo vừa đủ để người đọc tường lãm về một cảnh đời quanh quẩn bên mình…

 

Chẳng hạn như truyện “Thầy giáo làng” bắt đầu tác giả tả cảnh đám tang của ông thầy giáo làng; và rồi tác giả mới bắt đầu nhắc lại từ đâu mà ông thầy giáo ấy lại lưu lạc đến chốn này và vì sao ông lại làm cái nghề dạy học ở một làng quê miền sông rạch miền Tây mà không phải làng quê từ xứ sở của ông ở tuốt ngoài miền Trung và để rồi đến đổi ông giáo làng phải gởi xác thân của mình nơi xứ sở lạ hoắc lạ quơ ấy? 

 

Theo đó, hoàn cảnh của “Thầy giáo làng” của Trần Bang Thạch nó bi thiết giống như “ngôi mộ một ông nghè giữa cánh đồng Phú Xuyên (Sơn Tây)” mà nhà văn Nguyễn Hiến Lê có lần nhắc qua:

 

“Tôi còn nhớ hồi mười sáu, mười bảy tuổi, một buổi trưa hè bác tôi dắt tôi đi thăm ngôi một một ông nghè giữa cánh đồng Phú Xuyên (Sơn Tây).

 

Mộ nằm dưới một gốc cây đa cổ thụ, giữa một cái gò rộng khoảng dăm sào, nhìn ra một cánh đồng chiêm mùa đó loang loáng nước, xa xa bên mặt là núi Hùng và bên trái là núi Tản. Ngôi miếu ở trước mộ đã thấp lại hẹp, tường và mái đen những rêu, đôi câu đối chữ còn chữ mất. Hỏi thì bác tôi đáp rằng chỉ biết cụ nghè họ Nguyễn, sống vào cuối đời Lê, ở nơi khác lại miền này dạy học, họ hàng không có ai, khi mất dân làng nhớ ơn mà lập miếu.

 

Tôi bùi ngùi. Hiển đạt như ông nghè hồi xưa là tột bực, thế thì vì lẽ gì phải bỏ quê quán, lại nơi thô lậu này để gõ đầu dăm ba đứa trẻ rồi gởi luôn tàn cốt ở nơi này!” 

(Trích lời Tưa cuốn Cổ Văn Trung Quốc của Nguyễn Hiến Lê, 2 cuốn, nhà xuất bản Tao Đàn, Sài Gòn, 1966)

 

Và đây, một chút về Thầy giáo làng của Trần Bang Thạch:


“Ngày đó, thời thập niên hai mươi, cái thôn làng An Trụ chỉ là một thỏi đất rộng không đầy hai cây số vuông. Thỏi đất như một cục u nhỏ trên con sông Bassac, cách bến bắc Cần Thơ hơn ba mươi cây số theo đường chim bay. Dân làng An Trụ không làm ruộng mà chuyên làm rẫy nhờ nguồn đất phù sa màu mỡ. Cũng có những mãnh vườn trồng cây ăn trái như mãng cầu, vú sữa. Cư dân chỉ trên dưới năm mươi người già trẻ bé lớn, tất cả đều thất học. Chỉ có một người biết chút ít chữ nho, chữ quốc ngữ và có tài hốt thuốc nam mà người làng gọi một cách thân quen là ông Huế. Ông Huế có mặt ở làng này vào giữa những năm hai mươi. Thật sự không ai biết tên thật ông ấy là gì. Người ta truyền miệng rằng ông Huế có chân trong một phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục gì đó ở ngoài Trung kỳ, bị truy nã phải bỏ làng mạc vào thỏi đất ít người lai vãng này để mai danh ẩn tích. Dân làng không nhờ cái vốn chữ nho mà nhờ thật nhiều vào các món thuốc nam gia truyền của ông Huế. Người ta nhờ ông nhưng người ta không dám giao thiệp nhiều với ông một phần vì sợ dính líu đến chánh trị, phần khác người ta thấy ông không phải là "người mình" qua tiếng nói lạ tai và khó hiểu của ông. Đến giữa thập niên 1950, ngay sau khi Hiệp định Genève vừa ký kết, làng An Trụ có thêm một người khách từ miền Trung vào An Trụ tìm anh rồi ở lại lập nghiệp. Người thanh niên trán rộng, mũi cao, mang đôi kính gọng đồi mồi tên Tư Gấm lúc đó gần ba mươi, chính là em trai ông Huế. Người làng cũng coi anh Tư Gấm không phải là "người mình", lại có lý lịch không rõ ràng. Người ta còn đồn đãi rằng anh Tư Gấm bỏ xứ, bỏ vợ con vào đây là nằm trong kế hoạch "cài người" của phía bên kia để chuẫn bị cho cuộc tổng tuyển cử 1956. Điều này đã đưa tới một thiên tình sử đầy nước mắt cả mấy chục năm sau. Nghe nói anh Gấm đã đậu bằng sơ học yếu lược. Lần đầu tiên An Trụ có người biết nhiều chữ nghĩa. Cũng là lần đầu tiên An Trụ có một mái trường sơ cấp. Đó là nhờ công lao của thầy giáo Tư Gấm. Còn nhớ những ngày đầu xây dựng trường, đa số dân làng thờ ơ, thầy giáo Tư cùng với vài em trai lớn tuổi và mạnh sức dốc công ngày đêm cất lên ngôi trường chỉ có một phòng duy nhứt. Cổng trường uy nghi bằng bê tông cốt sắt có tấm bảng tên trường bằng xi măng nằm ngang với hàng chữ nổi là do công lao và hoa tay của thầy Tư. Có người phê bình là ngôi trường thì mái lá vách ván nhỏ bằng cái chén chun mà cái cổng thì như cổng của một toà lâu đài! Thầy Tư nói ngôi trường này sẽ lớn ra, sẽ mái ngói tường vôi nền gạch, làng An Trụ này cũng sẽ đầy chữ nghĩa. Các bàn ghế, bảng đen cũng do chính tài thợ mộc của thầy Tư mà có. Trường ốc đã xong, thầy Tư đi đến từng nhà năn nỉ cha mẹ cho con đến trường. Lớp học đầu tiên khai giảng với 1 thầy và 6 trò. Thầy Giáo Tư tiếp tục đến năn nỉ từng nhà cho con em đi học. Tuần lễ thứ hai có thêm 3 trò nữa.Thầy trò chuyên cần dạy và học. Lớp học nhiều khi là lúc rãnh tay ở ngoài rẫy dưa, hay bên cái đìa vừa tát cạn. Thầy Tư cũng sinh sống bằng nghề rẫy. Thầy dùng tiền của mình mua sắm dụng cụ cho trường và mua sách vở, giấy mực giúp đỡ những học sinh nhà nghèo. Sau ba năm thì chánh quyền công nhận trường Sơ cấp An Trụ và bắt đầu trả lương cho thầy giáo với số lương thật thấp của ngạch trật giáo viên xã ấp không có bằng sư phạm. Làng An Trụ có thêm nhiều cư dân mới. Lúc đó trường đã có 3 lớp học chung một phòng do thầy Tư dạy, sĩ số có lúc lên tới trên 20 mỗi lớp. Trường ốc đã đi vào nề nếp trong hệ thống giáo dục của quốc gia.

Nhưng năm đó cũng là năm có hai người sầu khổ vì tình tại làng An Trụ.”

 

Hoặc như vào truyện “Tương Phật”, mở đầu với một thực tại là bao thơ của một đứa học trò cũ từ quê nhà trao cho “tôi”, tác giả viết:


“Khi người học trò cũ từ quê nhà trở lại Houston trao cho tôi một bao thơ, trong có lá thơ thật dài của em gái tôi và một tượng Phật Bà Quan Thế Âm, tôi thấy mình choáng váng, muốn ngã quị. Đó là ngày gia đình chúng tôi làm cái thất thứ hai cho má tôi, tức là mười bốn ngày sau khi má tôi mất. Từ ngàn trùng tôi đã âm thầm khóc và cầu nguyện cho vong linh má tôi được sớm về cõi phúc. Bất ngờ nhận được tượng Phật, tôi nghĩ ngay rằng má tôi chưa đi đâu hết mà đang đến với tôi. Má muốn đem tượng Phật, đem cái may mắn đến cho tôi dù má đã xa đời. Trời ơi, người con bất hiếu là tôi đang biền biệt phương nào trong những giờ phút cuối đời của má, để vong linh má phải đi tìm tới tận nơi nầy. Còn nhớ hồi năm 2000 chúng tôi về thăm má tại quê nhà, má đã lẫn nặng, lúc nhớ lúc quên, nói năng khó khăn, thiếu đầu thiếu đuôi. Nhưng có một câu mà má tôi cứ hỏi tôi hoài: “Không biết đến lúc má già con có về được không?”. Mỗi lần nghe câu hỏi đó tôi đã vuốt đôi vai gầy của má, thế cho câu trả lời, vì nghĩ rằng xa xôi quá chỉ sợ về không kịp. Quả thật là không kịp. Má tôi ngã bịnh nhanh quá, ra đi nhanh quá và chôn cất cũng nhanh trước khi một năm mới sắp đến. Cũng là lỗi của tôi, cứ nghĩ má còn ở với con cháu lâu hơn nữa, cứ nghĩ vài tuần lễ nữa sẽ về, như lịch trình đã xin phép ở sở làm, chắc còn kịp. Tôi đã không về kịp thì hôm nay, qua tượng Phật, má tôi đã đến với tôi. Má bao dung của tôi chắc không trách, nhưng tôi thấy cái lỗi của mình quá nặng.

    Trên mười trang giấy đầy chữ em gái tôi kể lể từng chi tiết một kể từ ngày má trở bịnh cho đến giờ má nhắm mắt. Dòng cuối, em tôi viết: “Đúng 8 giờ 15 tối ngày 28 Tết má đã bỏ anh em mình mà ra đi!”. Tôi biết em gái tôi đã không cầm được nước mắt khi viết câu nầy nên bức thư phải chấm dứt ở đó, cũng như nước mắt tôi chảy nhiều hơn mỗi lần tôi đọc câu ấy.  Từ nhỏ cho tới giờ em gái tôi chưa hề sống xa mẹ, cho nên bên nầy tôi buồn một thì bên kia em gái tôi phải buồn mười. Mỗi lần nói chuyện với tôi trên điện thoại, em tôi chỉ khóc và khóc. Trên một tờ giấy nhỏ khác em tôi cho hay đã tìm thấy trong mớ tập vở cũ của tôi cái tượng Phật đã được để trong bao thơ với tên người nhận là tôi, nên em gởi sang cho tôi. Bị run tay và mất trí nhớ từ vài năm nay, má tôi chắc phải khó khăn lắm mới nhớ được và viết ra được tên tôi với nét chữ ngoằn ngoèo và dán thơ bằng cơm nguội. Chút cơm nguội khô còn dính trên bao thơ cho biết lá thơ nầy má dán không bao lâu trước ngày má mất. Má tôi trí óc đã lú lẫn mà ở những ngày cuối đời vẫn còn nhớ tới đứa con ở xa. Còn đứa con xa xôi nầy có bao nhiêu lần tưởng nghĩ tới má? Áp tượng Phật vào tim mình, tôi nghe hơi ấm của má. Tôi chợt hiểu rằng vĩnh viễn người mẹ luôn ấp ủ con cái của mình dù mẹ có đi tới đâu, dù con đang ở một chân trời góc biển nào. Và tôi cũng chợt nhớ rằng đã từ thật lâu tôi đã quên hết những cử chỉ, lời nói thương yêu đối với má. Bây giờ cầm tượng Phật trên tay, tôi như đang thấy má, muốn nói “má ơi con thương má” thì còn má đâu để mà nghe!”

(QQCĐ, trang 243)

 

Thế rồi tác giả mới đưa người đọc đi dần về quá khứ xa xăm của “Tượng Phật”, do đâu mà có và bức tượng ấy thân thiết, quan trọng biết bao khi tác giả kết từ bằng cả một tấm lòng của đứa con thương nhớ hiền mẫu của mình:

 

“ Những năm tháng còn sống trong gia đình, cứ mỗi lần sắp đưa ông táo về trời là tôi có bổn phận đánh bóng tất cả mấy bộ lư đồng, thích nhứt là được tỉ mỉ đánh bóng tượng Phật trên sợi dây chuyền của má. Tôi tẩn mẩn dùng bông gòn hay sợi chỉ thấm dầu bóng lau từ những kẻ ngón tay nhỏ bằng sợi tóc cho tới từng nếp áo, từng giọt nước cam lồ chảy ra từ cái bình nhỏ bằng hột gạo. Mỗi khi đánh bóng xong, tôi muốn được má khen và muốn tự mình đeo tượng Phật vào cổ má, để thừa dịp má không để ý, hun má một cái chụt rồi chạy mất. Còn nhớ năm đầu vào đại học trên Sài Gòn, má tôi đeo tượng Phật vào cổ tôi, nói là để được may mắn. Tới năm sau thì tự nhiên tôi cảm thấy mắc cỡ với đám bạn bè sinh viên của Sài Gòn hoa lệ, vì nghĩ rằng đàn ông con trai mà mang dây chuyền dây cổ với cái tượng Phật sao có vẻ quê mùa tỉnh lẻ quá, nên tôi trả về cho má. Càng lớn, đi học xa, rồi đi làm xa, tôi càng ít nghĩ tới  tượng Phật. Tôi không nhớ là đã bao nhiêu năm tôi không còn nghĩ tới tượng Phật nhỏ xíu ấy nữa. Hai mươi bốn năm ở xứ người, hình như tôi đã quên phứt cái tượng Phật mà hồi nhỏ tôi gọi là Má. Cũng quên luôn mình đã từng được má thương yêu gọi là Na Tra. Có lẽ tôi cũng ít khi nghĩ tới sẽ có một ngày rất gần mình phải mồ côi mẹ.

         Hôm nay thì tượng Phật đang áp sát trên ngực trái của tôi, ướt sũng những giọt nước mắt.”

(QQCĐ, trang 252)

 

Trong truyện “Ngoại tôi và dòng sông cũ”, tác giả tả chi li về bà ngoại hai và con rạch mang tên ông Cố:

 

“Từ đó, như một định mạng, con rạch mang tên ông cố tôi bây giờ là thế giới riêng của cô con dâu khốn khó của người. Không hiểu từ đâu mà ngoại hai tôi cứ nghĩ là cái đầu của ông ngoại tôi không trôi đi đâu xa, mà đang lẩn quẩn đâu đó trên con rạch của ông cha mình, đâu đó dưới gốc bần hay đâu đó trong bụi lát. Thật sự thì con rạch không dài, không sâu mà cũng không rộng. Nó chỉ là một nhánh của con sông cái bắt đầu từ cửa sông Bassac, chạy ngòng ngoèo qua thành phố Cần Thơ, chạy tuốt vô Cái Răng mới chia thành hai nhánh: một vào miệt Phong Điền, Cầu Nhiếm, một vào Cái Chanh, Cái Muồng. Rạch Ông Thìn nằm khoảng giữa Cái Răng và Cái Chanh, là ranh giới của làng Trường Phước và làng Trường Thành. Khu vườn cây ăn trái của ngoại tôi có hình dáng một hình chữ nhựt nằm ngay vàm Ông Thìn, một mặt có chiều ngang độ một phần tư cây số chạy dọc theo con rạch; mặt kia độ nửa cây số nằm trên bờ sông cái. Nhà việc của làng nằm trên khu đất của ngoại tôi. Từ vàm, con rạch dài gần ba cây số, chảy quanh co giữa vườn tược và gần trăm căn nhà hai bên, đa số là nhà lá, rồi bị cái đập đất chận ngang. Phía bên kia đập là cánh đồng lúa bát ngát của ông ngoại tôi. Bề ngang con rạch chỉ vừa đủ cho hai chiếc ghe chài chở lúa hạng trung qua mặt. Vào mùa khô, lòng rạch cạn gần tới đáy, một đứa con nít mười tuổi đứng không ngập đầu; còn mùa nước nổi thì nước tràn hai bên bờ, có khi mấp mé những nền nhà thấp. Từ ngày ông ngoại tôi chết, nước khô hay nước nổi thì ngoại hai tôi vẫn một mình một bóng trên sông. Một bóng trắng trên sông. Có lẽ còn một giọt nước trên sông là bà còn hy vọng. Nhiều khi đứng trên bến trước nhà, tôi thấy ghe ngoại hai theo con nước trôi ngang nhà, bà ngồi phía sau ghe, ơ hờ bẻ lái, mắt thì cứ liên tục nhìn dáo dác hai bên, thấy tôi bà cũng không nói lời nào. Mấy tháng đầu có vài lần tôi xuống ghe ngoại hai ngủ qua đêm, nhưng về sau hình như tôi hơi sợ. Tôi thấy ngoại hai thay đổi quá nhiều. Bà không còn cười hay chuyện trò với tôi hay với bất cứ ai. Nét mặt bà lúc nào cũng trơ trơ như thoa sáp, ánh mắt thì bao giờ cũng xa xăm, coi như không có ai trước mặt. Nhiều khi tôi có cảm tưởng bà sợ cả tôi.”

 

Hoặc như truyện “Người Mỹ chung tình”, mở đầu tác giả viết: 

 

“Gặp một người Mỹ chung tình trong cái xã hội văn minh, tiến bộ, giàu vật chất này thì khó quá phải không? Vậy mà tôi đã gặp một người. Có thể nói là tôi đã “sống”với ông hơn mười năm nay, thời gian chắc đã đủ để xác nhận ông là người Mỹ chung tình. Tôi đã muốn viết về ông từ lâu, nhưng tôi muốn chờ thêm, vừa để có thêm thời gian thử thách cái chung tình của ông, vừa để chờ một kết cục có hậu cho câu chuyện. Đến nay thì tôi không thể chờ thêm được nữa. Bài viết phải hoàn tất để đọc cho ông nghe trước khi ông hoàn toàn mất trí.” (QQCĐ, trang 236) 

 

Sau khi mở đề như vậy, tác giả bắt đầu kể lại cái duyên nào nhân vật xưng “tôi” làm quen với ông Mỹ ấy và dần dần Trần Bang Thạch kể tiếp cho đến khi lời tự sự ấy thôi thúc nhân vật xưng “tôi” không thể chờ đợi lâu thêm được nữa:

 

“Đến nay thì tôi không thể chờ thêm được nữa. Bài viết phải hoàn tất để đọc cho ông nghe trước khi ông hoàn toàn mất trí.”

 

Dường như truyện nào của Trần Bang Thạch, dù ngắn dù dài, cũng đều có cái bố cục tương tự như vậy. Từ đó, người đọc mới nhận ra thêm một điều nữa rất là Trần Bang Thạch; đó là tác giả, không biết vô tình hay cố ý, nhưng các trang văn của tác giả chính là những bức tranh xã hội được tác giả vẽ lại một cách rất sinh động qua nhiều màu sắc về nhiều phương diện dù xã hội với những cảnh đời loạn lạc sứ quân như truyện “Ngoại tôi và dòng sông cũ”, hoặc cảnh tượng Sài Gòn những năm sinh viên rầm rộ xuống đường biểu tình qua truyện “Cuộc tình lênh đênh” đầy trắc trở; đó là các truyên mang dấu tích xa xưa, còn truyện đời nay như chuyện “Vài chuyện nhỏ trong một nhà dưỡng lão” qua ba khuôn mặt: 

  • Chuyện Người Giám Đốc Không Giống ai.

  • Chuyện Người Di Tản Buồn.

  • Chuyện Con Lyly.

 

Từ đó, người đọc nhận ra thêm rằng, bên cạnh những cảnh đời rất quen ấy nhưng thật không quen chút nào với ai còn chút lòng trắc ẩn thương tưởng tới những người cô quạnh trong một nhà dưỡng lão như Bà Hai Vàm Láng, bác Trần Miệt Thứ lúc nào cũng nhớ chuyện quê nhà,“chuyện dăm cù bắt chuột, chuyện đặt trúm giăng câu của những ngày bác còn là nông dân ở Miệt thứ…”  Rồi bên cạnh đó, với “chuyện con Lyly”, tác giả khéo ghép chung con chó nhỏ ấy vào sinh hoạt của nhà dưỡng lão là một ngụ ý vừa tinh tế, vừa đau lòng… 

 

Dù là con chó nhỏ trong một nhà dưỡng lão ở một miền quê nghèo vùng Magnolia với dân số vào khoảng 2.000 người, ở ngoại ô thành phố Houston (Texas), cách downtown độ chừng 60 dặm về hướng Tây Bắc; nhưng chính nó, chính con Lyly ấy chứ không ai khác có lúc đã mang lại niềm vui cho những người già, mà những người già ấy lại là những người có một thời có gia đình êm đềm ấm áp với con cháu hạnh phúc đầy nhà nhưng lại cô quạnh ở những ngày cuối đời của một kiếp người nơi xứ người:

 

“… Lyly Từ 10 năm nay không ai nhớ được là Lyly đã làm bao nhiêu công việc lợi ích cho những thân phận già nua, cô đơn trong nhà dưỡng lão. Nhưng có một điều mà người ta vẫn nghĩ là những người già cả tội nghiệp từ nơi đây mà ra đi thế nào cũng mang ít nhiều hình ảnh dễ thương của con chó Lyly, một người bạn thân lúc nào cũng có mặt bên cạnh họ.” (QQCĐ, trang 195)

 

Thêm nữa, Trần Bang Thạch vốn là cựu sinh viên đại học Văn Khoa (Sài Gòn) từ những năm 1963 và là cựu sinh viên đại học Sư Phạm Sài Gòn (niên khóa 1967-1970), nhưng anh có cái ưu điểm là luôn giữ trong máu mình, trong hồn mình cái hồn quê, cái gốc gác chân quê của những ngày thơ ấu nơi làng Thường Đông của vùng Cái Răng (Cần Thơ) nên khi viết văn anh viết rất bình dị, rất tận tình; và khi dùng chữ anh luôn dùng chữ thật giản dị, chính xác và nếu có pha chút dí dỏm thì cái dí dỏm ấy phải có chút duyên và chừng mực như trong đoạn giới thiệu về cậu học trò tên Từ từ nhà quê lên Cần Thơ ở trọ đi học trong truyện “Cuộc tình lênh đênh”:

 

"Nhà thầy giáo Ba đối diện nhà tôi, hai nhà cách nhau con đường tráng xi măng nhỏ, chỉ rộng vừa đủ cho hai người đi song đôi. Ngay khi thấy mặt và tình cờ biết được tên của người con trai mới đến trọ học tại nhà thầy giáo Ba, thì tôi đã linh cảm được cuộc đời tình ái của tôi sau nầy rồi. Không hiểu sao lúc đó mới mười mí mà tôi nhạy ba cái chuyện người lớn dữ như vậy. Tôi mường tượng thấy nó sẽ ba chìm bảy nổi và chín cái lênh đênh. Nguyên do là như thế này. Cái tên Ly của tôi, Trần Phương Ly, mà ghép vào với cái tên Từ của người con trai đó thì nghe sao bi đát quá chừng. Hai cái tên này mà đụng vào nhau thì không u đầu sứt trán thì cũng ruột tím gan bầm tim thổn thức. Thuở ấy tôi còn ngây thơ lắm vậy mà đã nằm lòng câu thơ: “Đưa người ta không đưa sang sông sao có tiếng sóng ở trong lòng”...  Cho nên Từ Ly hay Ly Từ thì cũng đều âm u, buồn bã, đớn đau, chua xót hết cả... Hình ảnh chàng tại Tương giang đầu thiếp tại Tương giang vĩ tuy hết sức thơ mộng trong thi ca, nhưng nếu cái đầu sông cuối sông ấy mà va vào phận số của mình thì chắc là buồn lắm. Yêu nhau thấu trời mà phải Từ với Ly thì chỉ có nước đi ... tu cho nhẹ lòng nhẹ dạ. Tên Ly của tôi thì vô phương sửa đổi rồi. Đó chắc phải là cái tên ba má tôi thích lắm; có lẽ ông bà đã nhiều đêm trong phòng vắng vừa tâm sự rả rít với nhau vừa tìm tên cho đứa con đầu lòng sắp ra đời, và lúc tôi gặp anh chàng thì cái tên Ly đó đã đi theo tôi mười ba mùa mưa nắng trên cuộc đời nầy rồi, dễ gì mà thay với đổi. Còn cái tên Từ được làm khai sanh cho thằng con út chắc ông bà ngầm thông tin với nhau rằng: Kể từ đây mình nên treo miễng chiến bài và giả từ vũ khí để còn có sức lực lo cho 8 đứa con nheo nhóc. Chớ cái điệu đầu năm sanh con trai, cuối năm đẽ con gái theo lời thiên hạ chúc ngày đám cưới thì chỉ có cách cả nhà uống nước sông cho no bụng. Cho nên cái chuyện đổi hay thay gì thì là ở cái nơi tạm cư của anh chàng đó. Thế giới này rộng thênh thang, tỉnh lỵ này cũng đâu có nhỏ, Thủ Đô Miền tây mà, tự dưng rồi Lê Văn Từ từ một làng quê nào đó chui vào con hẻm cụt nầy mà ở trọ; rồi chẳng biết ma đưa lối quĩ dẫn đường thế nào mà lại ở chường ngay trước mặt người ta. Phải chi anh chàng đến ở tại những nơi khác thì tôi đâu có quen biết gì anh chàng để mà thắc mắc và sầu đời. Phải, tôi đã sầu gần suốt cuộc đời này rồi đó quí vị ạ. Sầu quá kỹ cho nên mới trên năm mươi mà tóc bạc gần hết. Thì ai biểu quen biết với người ta làm chi để bây giờ dài dòng văn tự ?  Xin lỗi quí vị đừng phán như vậy. Quí vị đừng có binh vực người ta mà quá bất công với tui à nghen. Từ khởi thủy tui có muốn nhìn cái bản mặt cô hồn của anh ta đâu mà cho rằng tui muốn làm quen hay làm bạn; tui muốn làm lạ thì có. Nói trắng ra là những tháng đầu tôi thấy cái con người gì mà thật dễ ghét, quê một cục. Tình cờ chạm mặt người ta trên đường đến trường, cái cục quê này nào có thấy người ta đang tập mang đôi guốc cao gót Đa-kao hay cài con bướm bằng ny lông trên tóc, hay khi người ta ráng chịu đau cắn môi trên môi dưới cho môi thêm hồng thêm mọng, cái cục quê ngó lơ như bận tâm nhìn phố xá, hay cứ gầm mặt xuống mà đi, giống như người đi lượm bạc cắc ngoài đường; tui rủa anh chàng bữa nào đó đụng cây cột đèn u đầu gảy gọng để bọn con gái tụi tui cười cho đỡ buồn. Anh chàng ăn mặc còn bắt cười hơn nữa: cái áo sơ-mi trắng rộng thùng thình chồng vô thân hình ốm như cò ma, cái quần tây xanh gọi là quần dài mà cụt ngủn để lòi đôi ống chân cao lỏng nhõng, còn đóng phèn, mốc cời; bước đi thì kéo lê đôi giày săn-đan, làm như từ nhỏ đến giờ chưa từng biết mang guốc mang giày, mà chỉ biết quét đường bằng săn-đan không bằng; bước ra đường là có cái nón rơm che cái đầu hớt cua trông như trọc, nói năng chẳng biết thưa gởi là gì, phát âm thì cứ con-cá-gô-nhảy-chong-gỗ-kêu-gọt-gẹt-gọt-gẹt, tui nghe mà phát “gung” phát “ghét” phát “gầu” thúi “guột” thúi gan . Gần hết năm đầu thì tình hình có khá hơn một chút. Cái đầu hớt ca-rê phật được thay bằng cái đầu chải bảy ba tươm tất, nhiều khi có thêm chút bri-ăng-tin ba con năm và thêm cái ổ gà phía trước. Đầu năm chắc đã đếm cột đường nhiều quá rồi nên chán, giờ đây chịu ngước mặt nhìn lên tí chút. Cũng hỏng chừng chàng ta sợ cứ cuối đầu xuống hoài e rằng hột gà từ trên đầu rơi xuống lả tả thì hứng đâu kịp !!!" (Cuộc Tình Lênh Đênh)

 

Chắc chắn rằng những trang văn của Trần Bang Thạch dù muốn hay không, khi tác giả muốn đề cập đến chuyện đời quanh quẩn bên mình, tác giả đã có ý muốn vẽ lại nhiều bức tranh xã hội mà tác giả có dịp đã nhìn ngắm nó hoặc đã từng trải qua với kinh nghiệm đời, với chất liệu sống được tích lũy đầy một kho ký ức nên những trang văn của Trần Bang Thạch là loại văn vừa tả cảnh, vừa tả chân vô cùng hấp dẫn...

 

Về tả cảnh thì bút pháp của tác giả rất linh hoạt, trữ tình với óc liên tưởng vô cùng phong phú… Chẳng hạn như trong truyện “Tôi đi học”, tác giả bắt đầu tả cảnh trường UH (University Of Houston), nơi tác giả bắt đầu đi học lại sau nhiều năm bỏ ghế bỏ trường rồi chợt dưng ký ức của anh lại ùa về những ngày năm xưa của trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn vào những năm tác giả là sinh viên ở đó; xin mời bạn:

 

“… Toà cao ốc như một chiếc hộp khổng lồ trùm úp lên hàng trăm ngọn cây xanh trong khuôn viên trường đại học UH. Mấy mươi tòa nhà thấp hơn ẩn hiện giữa những lá, những hoa trên vuông đất rộng nhiều trăm mẫu. Đứng trên từng lầu cao nhất của đại giảng đường Holman, qua khung cửa kính tôi thấy bạt ngàn màu xanh của lá. Tôi cũng thấy màu nắng thật nhạt, thật ngọt ngào trên những dãy mây thấp. Màu chiều cũng lãng đãng quanh đây. Ngoài kia gió chiều chắc cũng đang mơn man từng cánh lá. Các sinh viên lũ lượt rời khỏi giảng đường. Bà giáo sư trẻ đang sắp xếp các giấy tờ, thu gọn các âm bản và máy chiếu. Tôi muốn đứng lại đây, một mình, giữa cái giảng đường rộng mênh mông, cao nghều nghệu như trên mấy tầng trời này. Tôi đang đứng trên màu xanh của lá. Lá. Lá.Lá. Nhìn đâu cũng thấy lá. Những dãy mây mỏng trôi chầm chậm trên đầu cho tôi cái cảm tưởng tôi cũng đang thông thả bước đi trên tấm thảm xanh của một tương lai mới chớm, một hy vọng mới hình thành. Có thật vậy sao? Có thật tôi đã trở lại giảng đường đại học ngày đầu tiên hôm nay? Có cái gì nghe quen thuộc, gần gũi quá mà cũng xa xôi quá. Ba mươi năm, một giấc mộng dài đang trở thành sự thật: Tôi đang tiếp nối những bước đi dang dở từ lứa tuổi thanh xuân. Ba mươi năm trước, tôi đã giả từ trường lớp, giả từ thầy, bạn, bước ra khỏi chiếc cổng xi măng màu gạch cua của một trường đại học nằm trên đường Cộng Hòa, đối diện với Tổng Nha Cảnh Sát Đô Thành, để “vào nơi gió cát”. Từ chiếc cổng vàng thếch, lỗ chỗ nhiều vết đạn, con đường trải đá xanh với hai hàng còng già sụ, da dẻ sần sùi dẫn vào dãy nhà trệt lợp ngói âm dương dùng làm câu lạc bộ và các phòng sinh hoạt sinh viên, rồi tới giảng đường SPCN to như một quả đồi con nổi lên giữa những gian nhà thấp. Trong cái giảng đường khổng lồ này hàng năm bảy trăm con người ngồi chen chúc trên các băng ghế được xếp thoai thỏai hình trôn ốc từ nền cho tới gần chạm trần nhà. Vị linh mục giảng dạy môn Sinh Vật với cánh áo dòng trắng tinh, một tay cầm chiếc micro không dây, một tay cầm phấn, vừa vẽ vừa giảng suốt hai tiếng đồng hồ mà không một lần nhìn vào bài soạn. Con đường trải đá xanh đó tôi đã tới tới lui lui hơn ba năm trời. Những buồn vui đã thật đầy như những chồng bài vở quay ronéo dày cộm. Hơn ba năm tôi nhìn cuộc chiến đang mỗi ngày một đến gần. Tôi nghe người ta hát Tôi có người yêu chết trận Pleime. Tôi biết có ông tướng phường tuồng mang theo cục đất khi lên máy bay rời đất nước.Tôi nhìn tôi muôn ngàn vất vả qua những kỳ thi, nhìn người-lính-tôi đang chực chờ ngoài cửa lớp, chỉ chờ một sơ xẫy của người-sinh-viên-tôi là xông vào, cuốn tôi đi theo chiều gió. Tôi nhìn em xanh xao vàng võ trong chiếc áo blouse trắng rộng thùng thình nơi phòng thí nghiệm sinh hóa. Tôi nhìn bạn bè tôi lăng xăng với những cuộc xuống đường, bãi khóa, những đả đảo, hoan hô, những hơi cay và nước mắt. Có những đêm dài tôi phải bó mình trong Đại Học Xá Minh Mạng để tránh lựu đạn cay. Các nhạc sĩ sinh viên Tôn Thất Lập, Miên Đức Thắng đi đến đâu là có dùi cui, có lựu đạn cay đến đó. Bạn bè tôi, những đầu bù, tóc rối, kiếng cận, quần loa ngồi gật gù thâu đêm bên tách cà phê đen, thuốc lá đen và đêm đen trong các quán Xuân Hương, Hầm Gió, Thằng Bờm. Tôi đã khóc trước linh cữu ông thầy dạy Cơ Thể Học bị ám sát trên đường Trần Hoàng Quân, ngay bên cạnh Đại Học xá Minh Mạng. Tin nơi nầy đánh lớn, nơi kia đánh nhỏ. Tin thằng bạn nầy ngã gục, thằng bạn kia vào Thủ Đức….

 

     Những biến động dập dồn trên cả nước đâu có dừng lại trước một cánh cổng trường nào đâu. Cho nên, giữa năm học cuối tôi đã bỏ lại tất cả để lăn vào cuộc chiến, bỏ lại tiếng vélo bình bịch của người em Sinh Hóa. Chiến cuộc và toàn thể Miền Nam bị chết tức tưỡi. Tôi cũng tức tưỡi chui vào tù; như một định mệnh đã an bày. . Cái hụt hẫng này phải đợi đến hơn hai mươi năm nơi xứ người, phải đợi đến hôm nay mới được tiếp nối.

 

    Chiều nay, đứng trên tầng cao của đại giảng đường Holman, tôi như thấy trước mắt con đường trải đá xanh với hai hàng còng già nua của ba mươi năm cũ đang lập lờ uốn lượn bên ngòai vuông cửa sổ. Và, ơ kìa, ở cuối tầm mắt, chỗ vòm cây xanh giáp với xa lộ liên bang I- 45, tôi bỗng thấy thấp thoáng một chàng thanh niên đang đứng dưới vòm cong của chiếc cổng thật quen. Chiếc cổng màu gạch cua trên đường Cộng Hòa mang nhiều thương tích. Chàng thanh niên dừng lại một chút rồi theo con đường trải đá xanh bước vào cái giảng đường to như một quả đồi non. Rồi quả đồi non ấy bỗng tan loãng vào dòng xe cộ hướng về phía Downtown.”

(Tôi đi học, QQCĐ, trang 19)

 

Thưa vâng, đó là một trong nhiều trang văn tả cảnh, còn phần tả chân trên các trang sách của Trần Bang Thạch, theo thiển ý của tôi, tác giả đã sở trường bút pháp tả chân này qua óc quan sát rất nhạy bén và qua kinh nghiệm ở trường đời rất già giặn nên tác giả có được những nét chấm phá rất xác đáng, nhưng chừng mực của mỗi cảnh đời riêng biệt, chứ anh không cường điệu quá một cảnh ngộ và anh cũng không bi thảm quá những phận người! Điều này cũng khế hợp với lời khuyên của cụ Nguyễn Hiến Lê trong bộ Luyện Văn:“Nếu tả toàn diện của một miền, một đời người, một thời đại, một xã hội thì quy tắc tả chân không cho phép ta được lựa riêng những cái đẹp hoặc những cái xấu” (Luyện Văn, quyển I, 1954, trang 167).

 

Tóm lại, qua các ghi nhận về cách viết truyện ngắn trong những trang sách của Trần Bang Thạch vừa rồi, ở đó cho người đọc nhà quê già như tôi được sanh ra rồi lớn lên ở nhà quê qua những mùa màng ngày cũ và có cùng tuổi đời với tác giả nên tôi thấy được rằng tác giả đã chọn một cách viết rất riêng của Trần Bang Thạch cốt sao ở đó tỏ lộ hết những ý tưởng, những suy nghĩ của tác giả về những cảnh đời mà tác giả đã có dịp được nhìn ngắm hoặc dự phần qua thời gian khá dài, có tới mấy mươi năm! 

 

Nghĩ thì nghĩ vậy thôi nhưng còn việc trúng hay trật, làm sao tôi dám chắc cho được! 

Phải vậy hông, thưa bạn?

 

Hai Trầu

Houston, ngày 12 tháng 8 năm 2022.

____________________________

THÔNG BÁO TẶNG SÁCH MỚI

của Winston Phan Đào Nguyên:

 

MỐI THÂM TÌNH CỦA NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU DÀNH CHO “QUAN PHAN” PHAN THANH GIẢN

Winston PĐN_Bia sach NgĐChiểu.JPG

 

 

Nhân dịp UNESCO kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Nguyễn Đình Chiểu vào năm 2022, tác giả Winston Phan Đào Nguyên xin thân tặng tất cả các bạn đọc một nghiên cứu mới về nhà thơ, cuốn sách với tựa đề Mối Thâm Tình Của Nguyễn Đình Chiểu Dành Cho “Quan Phan” Phan Thanh Giản. 

 

Tác giả chỉ có một yêu cầu nhỏ là nhờ bạn thông báo về cuốn sách này và đường link download dưới đây cho tất cả bạn bè bà con muốn đọc:

 

 

https://app.box.com/s/p7e3mgfty0l1asrqkewxuck6bwqw7rny

 

 

Nếu bạn muốn sách giấy thì có thể order sách từ Amazon theo link này:

 

 

https://www.amazon.com/Th%C3%A2m-Nguy%E1%BB%85n-Chi%E1%BB%83u-Thanh-Vietnamese/dp/108803795X/ref=sr_1_1?crid=2K30ANBDPFUP4&keywords=moi+tham+tinh+cua&qid=1654557154&sprefix=moi+tham+tinh+c%E1%BB%A7a%2Caps%2C123&sr=8-1

 

 

"Năm 2022, nhân hai trăm năm ngày sinh của Nguyễn Đình Chiểu, UNESCO đã nhìn nhận ông như một danh nhân văn hóa của thế giới. Và lý do chính không phải vì lòng "yêu nước" của ông, mà chính vì những phương diện khác; như sự cố gắng vượt qua nghịch cảnh của ông, ý chí của ông, thi văn tài của ông. Nhưng có lẽ một phương diện tích cực khác của Nguyễn Đình Chiểu mà ta cần thấy rõ hơn là sự trung thực trong vai trò nhân chứng thời cuộc, đã được thể hiện một cách không dấu diếm trong thơ văn của ông. Là một con người của thời cuộc, của thế kỷ 19 ở xứ Nam Kỳ, là một nho sĩ trọn đời thờ vua, nhưng ông đã tạo ra một đường lối thơ văn đặc biệt của riêng mình, với một tấm lòng chân thật không chút điêu ngoa. Đối với người mà ông cũng như toàn thể dân chúng Nam Kỳ thương mến gọi là "quan Phan", Nguyễn Đình Chiểu đã bày tỏ lòng khâm phục trong hai bài thơ điếu Phan Thanh Giản, cũng như trong 10 bài thơ điếu Phan Tòng. Nhưng vì lý do chính trị, trong nhiều năm qua đã có nhiều tác giả trong nhiều bài viết cố tình bẻ cong sự thật để gán cho thi sĩ Nguyễn Đình Chiểu tức ông Đồ Chiểu một âm mưu đê tiện là ngấm ngầm chửi rủa Phan Thanh Giản; cho dù bề mặt ngợi khen. Đã đến lúc phải trả lại sự thật nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của vị danh nhân văn hóa này. Đã đến lúc phải vạch ra sự cố tình xuyên tạc Nguyễn Đình Chiểu và thơ văn cũng như con người của ông. Đã đến lúc phải nhìn nhận mà không có chút nghi ngờ nào nữa về mối thâm tình mà Nguyễn Đình Chiểu dành cho quan Phan - Phan Thanh Giản."

 

 

Trân trọng,

 

Tác giả Winston Phan Đào Nguyên

tl_teardrop.jpg
TL_30thang4vaBoatPeople.jpg

Tưởng

nhớ

Nguyễn Thị Thanh Dương, Kim Loan, Cao Vị Khanh    

I'm a paragraph. Click here to add your own text and edit me. It's easy.

I'm a paragraph. Click here to add your own text and edit me. It's easy.

 

NGUYỄN THỊ THANH DƯƠNG:

 

 

 

 

 

 

Ai may mắn đi qua cầu Jetty,

Pulau Bidong làm người tị nạn,

Những người Việt Nam lìa quê vượt biển,

Đến Mã Lai chờ ngày đi định cư.

Chỉ là chiếc cầu gỗ dài đơn sơ,

Chiếc cầu lạ của người dưng xứ lạ,

Ngày đầu tiên đi qua cầu bỡ ngỡ

Ở lại đây cầu bỗng hoá thân tình..

Ai  có lúc đứng trên cầu một mình,

Biển mênh mông mà nhìn về một hướng,

Biển Bidong chân trời hoàng hôn xuống,

Nước mắt như biển mặn nhớ quê nhà.

 

Ai đã đón người qua cầu Jetty,

Thuyền nhân mới đến kẻ quen người lạ,

Chiếc cầu  chuyển thực phẩm và hàng hóa,

Chiếc cầu vui buồn đời sống tạm dung

 

Ai  đã rời cầu Jetty thân quen,

Ai đứng bên cầu Jetty bịn rịn,

Ngày đi định cư chiếc cầu đưa tiễn ,

Biển Bidong rào rạt dưới chân người.

 

Cám ơn biển đã đưa ta đến nơi,

Cám ơn đảo đã vòng tay mở rộng,

Thương chiếc cổng đơn sơ khi mới đến,

Thương: “Welcome to Pulau Bidong”.

 

Mong đi định cư sao chân ngại ngùng,

Sao bước chậm khi qua cầu đến thế,

Đến rồi đi. Chào cầu Jetty nhé,

Đến rồi đi cảm động lúc qua cầu.

 

Bao nhiêu kỷ niệm bỏ lại nơi này,

Đời tị nạn, một khoảng đời thương qúa…

Cầu tiễn ta đi về miền đất hứa,

Ta đi đâu vẫn nhớ chiếc cầu này..

    Nguyễn Thị Thanh Dương.

 

KIM LOAN

 

THÁNG TƯ CỦA NGƯỜI VƯỢT BIỂN

(Để nhớ những chuyến tàu ra khơi vì tự do)

 

Ai đã từng qua một lần vượt biển

Sau Tháng Tư, Một Chín Bảy Mươi Lăm

Tìm tự do nơi miền đất xa xăm

Trên những con thuyền với bao ước mộng?

 

Biển ban ngày dịu màu xanh hy vọng

Lòng kẻ xa nhà gợn sóng hoang mang

Bỏ lại quê hương, bỏ lại người thân

Và mẹ già đang từng ngày trông ngóng

 

Biển ban đêm, là màu đen hoang vắng

Bóng tối chập chờn nỗi sợ mênh mông

Thuyền bơ vơ trôi đi giữa biển đông

Mong trời sáng thấy bình minh ló dạng

 

Có khi biển chợt nổi cơn điên loạn

Sóng bạo tàn, gào thét khắp trùng khơi

Thuyền lênh đênh như chiếc lá chơi vơi

Biển bao la nào thấy đâu bờ bến

 

Cũng có khi biển lạnh lùng tàn nhẫn

Đồng loã cùng bọn hải tặc hung hăng

Gieo kinh hoàng và những tiếng khóc than

Trong giây phút, thuyền chao nghiêng rạn vỡ

 

Nhưng biển cũng mở lòng ra che chở

Những xác thân vừa nằm xuống đại dương

Mộng tự do mang theo cõi vô thường

Xin yên nghỉ nơi đây nghe sóng vỗ

 

Biển cũng đưa những con thuyền bé nhỏ

Vào đất liền trong bao nỗi mừng vui

Đói khát, sợ lo, hiểm nguy qua rồi

Nơi đất lạ, thắp lên niềm tin mới

 

Cám ơn Bidong, Galang, White Head

Panat, Sikiew, Palawan, Songkla…

Bỗng thân thương để ta gọi là “nhà”

Chốn tạm dung vẫn thấy lòng ấm áp

 

Cám ơn Cao Uỷ, cám ơn Red Cross

Cùng những đoàn thiện nguyện khắp năm châu

Vẫn còn đây trong cuộc sống nhiệm màu

Người với người trao nhau tình đồng loại

 

Ta nếm trải buồn vui đời tỵ nạn

Vẫn đau lòng nhớ chuyến hải hành qua

Biển hiện về, cay đắng lẫn thiết tha

Trong khuya vắng giữa những cơn mộng mị

 

Bốn mươi bảy năm! Biển mãi là kỷ niệm

Của những thuyền nhân vượt biển khi xưa

Thời gian qua, cũng chẳng thể xoá nhoà

Ký ức biển… Một thời ta đã có

 

KIMLOAN ___________________

 

CAO VỊ KHANH

Chiều tháng tư về qua sông Cổ Chiên

 

Gió quậy tư bề sóng nhọn hoắc

Thuyền quay như lá cuối mùa rơi

Người qua sông muộn tay ghìm chặt

Vực trống chìm sâu đến rụng rời

 

Nước chảy hung hăng lở sạt bờ

Tưởng ngàn vó ngựa sải qua mau

Người về từ cõi đầy xương sọ

Lòng bể trăm chiều miểng cứa đau

 

Nước vẫn tuôn tuôn, sầu cuộn cuộn

Ngó lục bình trôi tưởng rã hàng

Người xưa có đợi ? Chờ có muộn ?

Mà cứ trông chừng một bóng sang

 

Thuở nhỏ qua sông ý đã liều

Thách trời, kiêu ngạo cả hư vô

Hai mươi năm lẻ về vội vã

Nước mất, đường quê rặt bóng mồ

 

Gió đẩy thuyền đi, hận quá giang

Cồn xa bỗng lạnh rợn âm quen

Chiêng trống thời xưa gào xung trận

Trách kẻ đời nay để phận hèn

 

 CAO VỊ KHANH _____________

NGUYỄN THỊ THANH DƯƠNG:

NTTD_JettyBridge_2.png
CVK_TuyButThangTu.JPG

thơ Trần Hoài Thư                    

 

Ơn đền nợ trả
                   (trich từ Thơ làm ở tuổi 80)
1.

Ngày và đêm, đêm và ngày
Làm sao tôi biết thân này của tôi
Mẹ tôi cho tôi ra đời
Đao binh tôi xỏ đôi giày saut da
Hòa bình, đốn củi lợp nhà
Nợ nần tôi được hóa thân thú người
Tôi vay tôi trả cho đời
Giờ tôi 80 còn gì trả không?

Sao mà dạ cứ bâng khuâng
Sẹo hằn thân thể vẫn nằm ngủ yên
Này miễng lựu đạn màu đen
Này vết sẹo láng như viền album
Này đùi non, dấu chiến thương
Vậy mà vẫn sống sau mùa binh đao

Ơn này không biết trả ai ?

(thơ làm ở tuổi 80)

 

Chiêm bao

 

Bởi chiêm bao không mọc lên từ chiến hào
Mà đến từ đằng sau màn khói thuốc
Khi cô hàng cà phê má đỏ hồng trong bếp
Nồi nước sôi reo, hồn lính reo sôi
Trên vách nhà in bóng ba thằng lính phong sương
Thêm bóng khẩu súng trường lặng im,
nòng súng kề vai cùng ông thầy sống chết

Vây mà những hớp xây chừng sao mà đậm đà quá sức
Khiến ta cà đời nhớ quán sớm với bài thơ:

"Mở hàng. Súng  gát vào phên vách
Đôi giày bùn ướt còn bám đầy
Cô hàng ơi, xin ly xí nại
Mới ở mật khu về, thèm quá cà phê

Quán chật, mấy thằng ngồi cụm sát
Bỏ qua đêm trắng mắt bằng đồng
Nghe như mùi đất còn vương tóc
Lính bụi mà, em có thương không ?"

THT

YungKrall_audiobook_2.JPG
YungKrall_book.JPG

Danh sách tưa đề cho 44 chương của cuốn sách NGÀN GIỌT LỆ RƠI,

và link trên Youtube: 

 

  1. Lời giới thiệu cho cuốn sách. 

  2. Năm 1954chương 1https://www.youtube.com/watch?v=zFQePiAO1iU&t=1657s

  3. Người làm Cách Mạngchương 2Ahttps://www.youtube.com/watch?v=IiOboiAse3s

  4. Cuộc sống gia đình kháng chiến miền Namchương 2Bhttps://www.youtube.com/watch?v=6kwr7J9VaMI&t=3s

  5. Mẹ tôi và Ông Ngoại-chương 3Ahttps://www.youtube.com/watch?v=Iw7US75U81w

  6. Quyết định Chia ly-chương 3Bhttps://www.youtube.com/watch?v=HWWm_LdVk1c

  7. Giữa 2 lằn ranh-chương 4https://www.youtube.com/watch?v=uert1evHlz0

  8. Đi Saigon lần đầuchương 5https://www.youtube.com/watch?v=v7URrCzKNhU

  9. Rắc rối ở Saigonchương 6https://www.youtube.com/watch?v=ommGkoAIRZY&t=294s

  10. Tuổi thơ và Cần Thơchương 7https://www.youtube.com/watch?v=L1rRmmvFuqY

  11. Trở lai Saigon chương 8. https://www.youtube.com/watch?v=eyB15OAEjqQ

  12. Giấy khai sinh mớichương 9https://www.youtube.com/watch?v=4-PmiuGfDa8&t=131s

  13. Phải nói dốichương 10https://www.youtube.com/watch?v=alD_Qg9MkT0

  14. Tà đạo bủa vâychương 11. https://www.youtube.com/watch?v=6gKpTx_gung&t=4s

  15. Người Mỹ và làn sóng di cưchương 12https://www.youtube.com/watch?v=6LDCAJGidk0

  16. Vào Trung học Công lậpchương 13https://www.youtube.com/watch?v=79gZSuZS-Io&t=2s

  17. Nỗ lực tuyên truyềnchương 14. https://www.youtube.com/watch?v=Dj-8CzkwUHs

  18. Năm 1963- chương 15A. https://www.youtube.com/watch?v=UPaUHdpIjYM&t=3s

  19. Lý lịch và việc làmchương 15Bhttps://www.youtube.com/watch?v=XG0DfjGyFCM

  20. Biên tập viênchương 16https://www.youtube.com/watch?v=qrbwuIvDKlU&t=2s

  21. Thử tháchchương 17https://www.youtube.com/watch?v=W5tSGTm0Q-8&t=3s

  22. Phép lạchương 18https://www.youtube.com/watch?v=oZxUBEyvBzM&t=3s

  23. Người Quốc Gia - chương 19https://www.youtube.com/watch?v=NnKSmRImQFw&t=4s

  24. Gái Cần Thơ- chương 20https://www.youtube.com/watch?v=k3KXDSR89rM&t=11s

  25. Đi làm sở Mỹchương 21. https://www.youtube.com/watch?v=lrcFqyB9d_Y

  26. Cặp mắt xanh- chương 22. https://www.youtube.com/watch?v=OJmJ-09KSoY&t=32s

  27. Tết 1968chương 23https://www.youtube.com/watch?v=lvw5iqDmer4&t=27s

  28. Lấy chồng xa- chương 24. https://www.youtube.com/watch?v=ARcdX3NFmK0&t=1s

  29. Chí làm traichương 25https://www.youtube.com/watch?v=bqc-aEYz6hA&t=33s

  30. 1975- Tin dữchương 26. https://www.youtube.com/watch?v=hHDVPGVSvUs&t=366s

  31. Mạo hiểm về Saigonchương 27. https://www.youtube.com/watch?v=31dIM0_C8DY&t=66s

  32. Trùm CIAchương 28. https://www.youtube.com/watch?v=ltojyc3aYqo&t=10s

  33. Định mệnh bắt đầu- chương 29https://www.youtube.com/watch?v=95fy1EuGKVU&t=392s

  34. Đi Tokyochương 30. https://www.youtube.com/watch?v=58sYBwfbJOE&t=7s

  35. Tình Cha con- chương 31https://www.youtube.com/watch?v=F1c3SmtZnLI

  36. Lời con trẻchương 32https://www.youtube.com/watch?v=l5vABgEFois&t=2s

  37. Lá thưchương 33https://www.youtube.com/watch?v=_fLcTLmNpUM&t=2s

  38. Một chuyến đichương 34. https://www.youtube.com/watch?v=4sd4dpOofh0&t=2s

  39. Vào sứ quán giặcchương 35https://www.youtube.com/watch?v=iONNFk6XcLg&t=518s

  40. Giáp mặtchương 36https://www.youtube.com/watch?v=97iJffSYC8s&t=4s

  41. Ép buộc hồi hươngchương 37. https://www.youtube.com/watch?v=CrV1YF8m7r4&t=2s

  42. Sự lựa chọnchương 38 A. https://www.youtube.com/watch?v=yymr3LTh3pE&t=2s

  43. Đinh Bá Thichương 38Bhttps://www.youtube.com/watch?v=-_HcDLP5tNU&t=2s

  44. Huỳnh Ngọc Châuchương 39https://www.youtube.com/watch?v=f1fghFFL8_Y&t=6s

  45. Trương Đình Hùngchương 40https://www.youtube.com/watch?v=A0BrJUxJCXA&t=5s

  46. Chuyển đến Luân Đônchương 41https://www.youtube.com/watch?v=BmIupY0ruAc&t=9s

  47. Tình vợ chồngchương 42. https://www.youtube.com/watch?v=PE0-n4A7NFU&t=7s

  48. Tâm sự của Bachương 43. https://www.youtube.com/watch?v=dd9kTlrPBeU&t=3s

  49.  Viếng Thăm Chấm Dứt-chương 44Chương cuốihttps://www.youtube.com/watch?v=eL8DuNmKmBQ&t=6s

  50. Lời Bạt.(Chưa xong)

________________________________

THT_Tocboduoiga_1.jpg

Bạn bè khuyên tôi phải nghỉ ngơi, làm tuỳ sức, tuổi 80 rồi còn gì. Tôi cứ thắc mắc nghỉ ngơi nghiã là làm sao. Ngủ ? tôi rất khó ngủ, Đọc sách ? Phần lớn những sách tôi thích đều đọc trong thời tuổi trẻ. Sách bây giờ đọc càng nhức đầu thêm. Thiền ? Tụng kinh ? Gym ? đó cũng chỉ là những công việc đòi hỏi công sức. Vậy thì tôi phải làm gì đây để nghe lời khuyên của bạn bè thân mến.


Trưa nay con tôi chở tôi đến thăm mẹ nó ở Viện Dưỡng Lão. Thăm để thấy mặt, để càng đau lòng vì những con kiến càng, kiến lưả, kiến thợ của thời gian càng ngày càng đục khoét thân xác người bệnh. Vậy thì tôi phải làm gì, bạn khuyên tôi đi. Hay là tôi sẽ ngồi trưóc maý như bạn, xem youtube, hay 12 ngôi chuà đẹp nhất ở Huế... Trong khi cả thân hình tôi như xiêu đổ, tay chân tôi cuả thời mang giày saut giờ mang 2 caí cùm hay hai cục đá của thời gian. 

Bạn bè khuyên vì còn thương tôi. Có nghĩa là mấy lão trượng ấy chưa : “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Chúc mừng bạn vì bạn không bốc nhầm lá thăm xấu. Lá thăm ấy đã có kẻ khác bốc nhầm rồi.

Chỉ có một kẻ không khuyên tôi nghỉ ngơi như bạn. Kẻ đó là con trai của tôi. Thỉnh thoảng nó mang về thùng giấy nặng triủ, để tôi in ấn sách báo hay mang ra bưu điện những thùng sách báo nặng trĩu giúp tôi gởi trả lại thư viện Cornell hay những thân hữu order sách của tôi. Nó là bác sĩ chuyên khoa về cưú cấp tại một bệnh viện cách nhà tôi hai tiếng đồng hồ xe chạy. Chỉ có nó mới bắt tôi làm việc, không nghỉ ngơi. Cứ mỗi lần tôi nằm lâu trên giường, nó gọi bảo ba phải hoạt động. Đi trong nhà. In sách..

Hoạt động. Nó không phải là bác sĩ về therapy để dạy tôi hoạt động như thế nào. Phần ấy là do tôi đảm trách. Tôi tự nghĩ ra, và tự làm. Không ai có thể nghĩ như tôi. Để bây giờ dù qua phim MRI, cái cục maú như cái mô vẫn tồn tại. Nó không phát triển để làm tắt nghẻn đường dây thần kinh. Nó chừa một khoảng trống. Và dù muốn dù không, nó cũng ảnh hưởng it nhiều đến sự vận hành của trí nảo, tay chân, và cơ thể.

Cái toa thuốc ông bác sĩ cho tôi là uống baby aspirin mỗi ngày để làm loãng máu. Phòng ngừa stroke mới. Không có thuốc làm tan cục máu nghẻn. Ông nói với tôi như thế – trừ mổ. Nhưng với cục maú rất nhỏ mổ thì rất nguy hiểm. Nhân viên therapy tập tôi một tháng như tập đứa con nít. Nào là tập bước chừng 5 thước. Tập leo tam cấp. Tập mở cửa vào xe (phía hành khách). Tập ráp đồ..…

Và việc tập lâu hay mau tuỳ thuộc vào insurance. Insurance cho bao nhiêu thì còn tâp, hết cho thì tốt nghiệp.

Thú thật, có tiến bộ thật. Tiến bộ ở đây là cầm chiếc càng walker mà bước. Nhưng cầm đủa muỗng thì run. Cơm hay thức ăn thường hay vuơng vải ra ngoài. Nhiều lúc tủi thân muốn rưng rưng nước mắt.

Vậy mà bây giờ, tôi đã đánh maý xong 140 trang khi thực hiện Giai phẩm TQBT số 97. Phép lạ? Hồi phục ? Không phép lạ gì hết, Mà phải Cảm tạ ông ký giả Lô Răng vì ông viết tạp ghi quá hay. Và củng cái sáng kiến gõ thơ, gõ văn trên keyboard, đã khiến những ngón tay của tôi thuần nhuyễn diệu kỳ. Tôi có thể xỏ chỉ vào kim khi thực hiện bộ thơ 5  cuốn cho một độc giả bên Úc mới đây. Lúc naỳ tôi mới hiểu được sự mầu nhiệm do “gõ chữ” mang lại.  Cậu bác sĩ con tôi tấm tức khen. Cô nhân viên ở trung tâm Rehab cũng thú nhận: cách cuả ông tuyệt vời. Tôi nói quá lời chăng. Không. Bằng chứng là cuốn Giai phẩm TQBT 97 được hoàn tất, do một mình tôi bao dàn từ A-Z được phát hành sau khi Bộ cũ TQBT thường lệ đình bản. Bạn bè noí là tôi điên hay thêm một lần tội nghiệp cho tôi. Có người giận vì tôi không nghe lời họ. Phân trần cách mấy họ cũng không nghe. Thôi  đành chịu mất lòng bạn bè chứ sao .

Hôm qua, cha con tôi đi thăm Y.. Nhà tôi được người giúp việc đẩy xe lăn từ phòng ra ngoài phòng khách. Cha con tôi tiếp tục la gào em/mẹ biết ai không ? Stroke mới nhất đã đánh nhà tôi, lần này ác liệt. Bên ngoaì đôi mắt ấy là vô hình. Đàng sau đôi mắt ấy là vô ảnh. Tôi nói với con tôi, phải chi mẹ bị stroke lúc naỳ, ba sẽ cưú mẹ, như ba tự cưú ba.

Lợi dụng cơ hội naỳ, tôi tự tập physical therapy. Đoạn đường hành lang khá dài. Cuối hành lang là phòng Rehab (phục hồi), tôi nhìn vào. Những ngưởi đang ngồi đạp xe. Một ông giả hét tao không muốn chụp khi cô chuyên viên thảy quả bong bóng về phía ông ta. Hay trên hành lang 2 người nhân viên đang tập một bệnh nhân đi bằng walker. Tôi không cần người diù, vịn, bởi tôi có Y. , có xe tình. Tôi đẩy xe, hai chân bước thong thả. Y. đang ngủ. Tôi chợt bàng hoàng. Hôm nay người giúp việc cắc cớ cột sợi dây thun vào máí tóc, làm như kiểu đuôi gà. Tôi  nhớ lại những câu ca dao:

Một thương tóc bỏ đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.
Ba thương má lúm đồng tiền,
Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua.
Năm thương cổ yếm đeo bùa,
Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng.
Bảy thương nết ở khôn ngoan,
Tám thương ăn nói lại càng thêm xinh.
Chín thương cô ở một mình,
Mười thương con mắt có tình với ai.

Như vậy “tóc bỏ đuôi gà” được chiếm hàng đầu trong danh sách “anh thương”. Đừng chế nhaọ lão già này nhé. Cái đẹp là của chung mà. Cả một hình tượng trầm luân trước mặt bị che khuất vì tôi ở đằng sau lưng, chỉ thấy một giòng suối mun đen chảy trên lưng, óng ánh dướí ánh đèn nhiều nến. Đó là kiểu tóc bắt tôi mê mệt một thời. Nay nó đang trở lại, khiến đôi chân tôi bước mạnh thêm, con tim ấm áp thêm hơn bao giờ.

Tôi khoe với con tôi là hôm nay tôi đã đẩy xe mẹ đến 20 vòng. Tôi dấu việc máí tóc đuôi gà của mẹ đã giúp tôi đi khỏang 2 miles.

Trần Hoài Thư

KY_ChandungPTG_TVKy_2.JPG

CÁC BÀI VIẾT & TRUYỀN THANH

về CỤ PHAN THANH GIẢN và HỌC GIẢ TRƯƠNG VĨNH KÝ

nhân 1 văn bản ngày 5/1/2022 của Ban Tuyên Giáo

Nguồn: VOA & SBS

KY_banTuyenGiao_vvPTGTrVKy.JPG

BÀI # 1: LS WINSTON PHAN ĐÀO NGUYÊN

(Trích từ VOA 22/1/2022: https://www.voatiengviet.com/a/phan-thanh-gian-truong-vinh-ky-tuyen-giao-trung-uong/6407031.html

Phan Thanh Giản Và Trương Vĩnh Ký

- hai đại trí thức Nam Kỳ cùng chung số phận.

 


Phan Thanh Giản và Petrus Trương Vĩnh Ký, hai nhà đại trí thức của xứ Nam Kỳ Lục Tỉnh, tuy có xuất thân rất khác nhau, nhưng lại có rất nhiều điểm giống nhau.

Điểm giống nhau gần đây nhất là trong bản Công Văn số 2274 của Ban Tuyên Giáo Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, với chỉ thị cho các địa phương từ tỉnh đến thành phố không được dùng tên của hai nhân vật lịch sử này để đặt cho đường phố hoặc các công trình công cộng - do còn “những ý kiến trái chiều” về hai người này. Bản công văn nói trên được viết vào ngày 5 tháng 1, 2022 với chữ ký của Phó Trưởng Ban Tuyên Giáo Phan Xuân Thủy.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Công văn của Ban Tuyên giáo Trung ương ngày 5/1/2022. Photo Sachhiem.

Theo bản công văn, vì cho đến nay “các cơ quan chức năng vẫn chưa làm sáng tỏ được những vấn đề liên quan đến hai nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký đối với lịch sử Việt Nam”, và Nghị Định Chính Phủ số 91 năm 2005 đã quy định rằng với những “nhân vật lịch sử còn có ý kiến đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ ràng về mặt lịch sử”, thì không cho dùng tên để đặt cho đường phố và các công trình công cộng. Do đó, chiếu theo Nghị Định này, Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký là hai nhân vật lịch sử đã được đặc biệt nêu tên trong bản Công Văn, với chỉ thị “cụ thể” là không được dùng tên để đặt cho đường phố tại các địa phương từ tỉnh tới thành phố.

Tóm lại, vì Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký là hai nhân vật mà còn có những “ý kiến trái chiều”, hoặc “ý kiến đánh giá khác”, “chưa rõ ràng”, cho nên theo Nghị Định Chính Phủ số 91 và thực hiện bởi bản công văn này, hai nhà đại trí thức Nam Kỳ đã được Ban Tuyên Giáo Trung Ương ra lệnh đặc biệt cấm các địa phương không được dùng tên đặt cho đường phố.

Hai nhân vật lịch sử của thế kỷ 19 này đều là người sinh quán ở tỉnh Vĩnh Long thuộc Nam Kỳ, và nay lại cùng thuộc địa phận tỉnh Bến Tre. Một già một trẻ thuộc hai thế hệ khác nhau và hai xuất xứ hoàn toàn khác nhau, nếu không muốn nói là đối nghịch nhau.

Phan Thanh Giản theo cái học cử nghiệp Khổng Nho và là Tiến Sĩ đầu tiên của nhà Nguyễn xuất thân từ Nam Kỳ. Ông làm quan qua ba triều nhà Nguyễn, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Văn tài của ông đã được vua quan nhà Nguyễn khen tặng là “cổ nhã”. Sự nghiệp làm quan của ông thăng trầm lắm lúc, nhưng ông chính là rường cột và là triều thần được tin tưởng và trông cậy duy nhất của vua Tự Đức để đối phó với Pháp, khi họ tấn công nước Đại Nam của nhà Nguyễn vào thập niên 1860s.

Sau khi đại tướng Nguyễn Tri Phương đại bại tại chiến lũy Chí Hòa vào năm 1861 và Pháp lần lượt chiếm hết ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ là Gia Định, Định Tường, Biên Hòa, cộng thêm thủ phủ của ba tỉnh miền Tây là tỉnh Vĩnh Long, thì con đường chống cự bằng quân sự của nhà Nguyễn đã trở thành bất khả thi. Và vua Tự Đức lúc đó chỉ còn trông cậy vào Phan Thanh Giản với tài ngoại giao của ông để cầm chân quân Pháp tại Nam Kỳ, ngõ hầu quân Nguyễn có thể quay sang dẹp loạn Lê Duy Phụng ở Bắc Kỳ. Và Phan Thanh Giản đã thành công cho mục đích này qua việc ký kết hòa ước 1862, hợp thức hóa việc mất ba tỉnh miền Đông cho Pháp cũng như bồi thường chiến phí. Nhưng bù lại, vua Tự Đức được rảnh tay ở Nam Kỳ để quay ra Bắc Kỳ dẹp loạn. Và hơn nữa, Phan Thanh Giản còn điều đình để đòi lại được tỉnh Vĩnh Long theo điều số 11 của hòa ước 1862. Đây là một thắng lợi về ngoại giao của Phan Thanh Giản mà không một sử gia nào nhắc đến.

Và chính vì những thành công về mặt ngoại giao đó, Phan Thanh Giản đã được vua Tự Đức liên tiếp trao trọng trách qua Pháp để điều đình về hòa ước 1862 nhằm lấy lại ba tỉnh miền Đông. Mặc dù đã gần 70 tuổi, Phan Thanh Giản vẫn lãnh đạo phái đoàn nhà Nguyễn qua Pháp vào năm 1863 và đã thương thuyết có kết quả. Nhưng những điều thương thuyết tại Pháp sau đó đã không được Pháp thi hành, và người Pháp quyết định chiếm luôn ba tỉnh miền Tây. Một lần nữa, vua Tự Đức đã phải nhờ đến Phan Thanh Giản với tài ngoại giao và uy tín đặc biệt của ông đối với người Pháp khi cử ông làm Kinh Lược Sứ ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ, với hy vọng mong manh là có thể giữ được ba tỉnh. Nhưng với quyết tâm của người Pháp và thế chênh lệch của hai bên, Phan Thanh Giản biết rằng không thể chống cự được. Rồi để tránh nạn binh đao cho người dân Nam Kỳ đã bao nhiêu năm khổ sở vì chiến tranh, ông đã viết sớ nhận tội với nhà vua và uống thuốc độc tự tử.

Do đó, có thể nói rằng Phan Thanh Giản chính là một người trung quân, và do đó, ái quốc tột bậc, không còn gì để tranh cãi. Còn về mặt đạo đức của ông thì danh tiếng thanh liêm của ông, lòng thương dân của ông đã vang lừng khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Người thường dân Nam Kỳ đã có thơ để khen ngợi ông, và toàn thể nhân dân Nam Kỳ lúc đó và cho đến sau này cũng đều thương mến ông, chứ không hề có một “ý kiến trái chiều” nào khác cả.

Trong khi đó, Trương Vĩnh Ký lại có một xuất thân hoàn toàn đối nghịch với Phan Thanh Giản. Ông là người theo đạo Thiên Chúa và từ thuở nhỏ đã theo học tại các chủng viện ở Cao Miên rồi Mã Lai để trở thành linh mục. Là một chủng sinh, học vấn của ông căn bản là Tân học, là cái học của phương Tây, ngược lại với Phan Thanh Giản. Trương Vĩnh Ký nổi danh là một thiên tài về ngôn ngữ, điều mà tất cả mọi người đều phải công nhận, mặc dù những ngôn ngữ mà ông biết được phần nhiều là do tự học.

Năm 1858, khi từ Mã Lai trở về Việt Nam để chịu tang mẹ thì Trương Vĩnh Ký đã bị triều đình nhà Nguyễn đưa vào một hoàn cảnh không có sự lựa chọn: họ lùng bắt ông để bỏ tù, hoặc để xử tử, chỉ vì ông là một giáo dân và hơn nữa là một người sắp trở thành linh mục. Ông phải chạy trốn cuộc lùng bắt này từ Cái Nhum lên Sài Gòn và sau đó ra làm việc cho người Pháp trong vai trò thông dịch viên. Nghĩa là triều đình nhà Nguyễn đã không hề cho ông có một sự lựa chọn giữa họ và Pháp. Và Trương Vĩnh Ký cũng chưa bao giờ là một người theo cử nghiệp với cái quan niệm vua là con trời, cũng như chưa bao giờ nhận ân huệ của nhà Nguyễn như Tôn Thọ Tường. Có thể thấy rằng ông là một loại “du học sinh” từ nhỏ đã rời xa xứ sở, và khi mới trở về thì đã bị chính quyền lùng bắt chỉ vì tôn giáo của ông.

Nhưng mặc dầu như vậy, Trương Vĩnh Ký đã không hề oán trách nhà Nguyễn với những nỗi gian khổ mà ông trải qua. Ông tin tưởng rằng đó là những thử thách của Chúa dành cho ông. Nhưng quan trọng hơn cả, ông phản đối việc quân Pháp đã mượn cớ cứu giúp các tín đồ Thiên Chúa Giáo để xâm lăng Việt Nam. Ông luôn luôn tự hào mình là người “An Nam”, và ông chính là người Việt đầu tiên đã nêu ra, đã thấy được cái “tình cảm dân tộc” hay cái “tinh thần dân tộc” của người Việt, khi mà chủ nghĩa dân tộc hoàn toàn chưa được biết đến tại Việt Nam. Cũng vì cái tinh thần dân tộc đó, ông đã kiên quyết từ chối không vào quốc tịch Pháp, cho dù người Pháp đã lắm phen yêu cầu.

Và Trương Vĩnh Ký còn có một phương châm sống vì người khác, sống để có ích cho những người chung quanh, hay nói đúng hơn, cho đồng bào của ông, được thể hiện qua câu Latin “sic vos non vobis”. Ông là người tiên phong trong việc dùng chữ quốc ngữ để dạy cho người Việt nhằm tiếp thu cái học phương Tây được nhanh chóng hơn. Ông đã sưu tầm, khảo cứu và lưu lại những tinh hoa trong kho tàng văn chương bình dân cũng như bác học của Việt Nam. Ông là ông tổ của ngành báo chí Việt Nam. Ông cũng chính là sử gia độc lập đầu tiên của Việt Nam. Có thể nói ngắn gọn rằng ông chính là ông tổ của nền học thuật tân thời nước Việt Nam.

Tóm lại, Trương Vĩnh Ký chính là người với chủ trương “dân tộc” đầu tiên, và chính là người đã tạo dựng nên nền học thuật tân thời của Việt Nam, với những đóng góp cực kỳ đa dạng về nhiều phương diện, từ văn chương, báo chí, giáo dục, đến lịch sử, phong tục, đạo đức …

Nghĩa là cả hai nhà đại trí thức xứ Nam Kỳ, Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký, tuy có hai xuất xứ khác nhau, hai con đường tiến thân và trưởng thành khác nhau, nhưng họ lại có một điểm chung rất lớn: đó là lòng thương mến đồng bào của họ và việc họ đã làm hết sức trong khả năng để giúp đỡ và bảo vệ những người đồng bào này.

Cũng bởi điểm chung đó mà họ đã thông cảm nhau, cho dù họ thuộc về hai phe đối nghịch nhau. Cần nói cho rõ rằng hai phe nói trên là nhà Nguyễn (Phan Thanh Giản) và Pháp (Trương Vĩnh Ký), chứ không phải là “nhân dân” Việt và thực dân Pháp.

Rồi hai đối thủ Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký đã gặp nhau trong chuyến hải hành mấy tháng trời trên đường qua Pháp vào năm 1863, trong chuyến đi nhằm điều đình xin chuộc ba tỉnh miền Đông của nhà Nguyễn. Lão thần Phan Thanh Giản lúc gần 70 tuổi, với vai trò Chánh Sứ của phái đoàn Đại Nam, đã gặp thanh niên Trương Vĩnh Ký, lúc đó mới ngoài hai mươi tuổi, trong vai trò Thông Dịch Viên cho phái đoàn Soái Phủ Pháp, trên cùng chuyến tàu. Theo những tài liệu còn lưu lại, Trương Vĩnh Ký đã đích thân thông dịch nhiều lần cho Phan Thanh Giản khi ông trò chuyện với trưởng đoàn Pháp là Henri Rieunier tức Lý A Nhi. Tại Pháp, tại Tây Ban Nha, tại Ý (Vatican), Trương Vĩnh Ký đã được phái đoàn Việt tin tưởng và giao cho trách nhiệm thông dịch, cho dù ông là người làm việc cho Pháp.

Cũng bởi cái tình tri ngộ đó mà sau này Trương Vĩnh Ký đã viết như sau về cuộc đời Phan Thanh Giản:

“Thương vì làm tôi vua đã hết lòng ngay, giúp việc nước đã hết sức bền, mà già không trót đời, chết không an phận ! Vì nước vì nhà mà quên sống ! Tưởng được tử ấm thê vinh. Ai hay tội-lệ vấn-vương. Công-nghiệp bấy lâu một phút phải rồi ! Mất hết mọi sự: chức-tước, ngôi-thứ, phẩm-hàm gì đều bị lột ráo; lại còn phải mang án xử tử giam hậu nữa.

Hèn chi Trương-lương mà chẳng tính bề minh triết bảo thân?

Làm người mà ham học, ít có như ông Phan-lương-Khê,
Làm quan mà thanh-liêm, ít có như ông Phan-lương-Khê,
Làm tôi vua hết ngay, ít có như ông Phan-lương-Khê,
Làm việc nước hết sức, ít có như ông Phan-lương-Khê.

Mà tội-lụy còn dường ấy ! thật đáng thương đáng tiếc!” (1)

Không hiểu có phải vì Trương Vĩnh Ký thấy được cái gương làm quan của Phan Thanh Giản cho nên đã học theo Trương Lương mà “minh triết bảo thân”? Nhưng có một điều chắc chắn là hai nhà đại trí thức Nam Kỳ đã có một sự thông cảm cho nhau.

Và hai nhà đại trí thức này có một điểm chung nữa là cả hai đã được toàn dân Nam Kỳ thương mến, cho dù họ đứng ở hai phe đối nghịch nhau, cho dù họ đi theo hai con đường khác nhau. Bởi, đối với người thường dân Nam Kỳ, tức “nhân dân”, thì người nào có quyền chức mà thương yêu họ và lo cho họ thì họ thương mến lại. Đó là lý do mà Phan Thanh Giản được người dân Nam Kỳ làm thơ khen tặng. Đó là lý do mà Trương Vĩnh Ký được người dân lục tỉnh Nam Kỳ góp tiền đúc tượng đồng, và đến 1945 khi toàn thể các tượng Pháp ở Sài Gòn bị giật sập thì không ai đụng đến tượng của ông.

Thế nhưng cả hai đều đã bị cuốn vào một cơn bão lốc chính trị sau năm 1954, khi chế độ miền Bắc chủ trương viết lại lịch sử để lên án tất cả những điều không có lợi cho cuộc chiến tranh với miền Nam của họ. Trong đó, hai đối tượng quan trọng nhất cần phải bị hạ nhục chính là Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký, hai nhà đại trí thức miền Nam. Suốt hai năm 1963 và 1964, trong mấy chục bài viết trên tờ Nghiên Cứu Lịch Sử, cơ quan ngôn luận chính thức của Viện Sử Học miền Bắc, hai nhà đại trí thức Nam Kỳ được toàn dân Nam Kỳ ngưỡng mộ đã bị các sử gia miền Bắc đem ra đấu tố.

Và đó chính là nguồn gốc của những “ý kiến trái chiều” về hai nhà trí thức này.

Nghĩa là chúng chỉ có từ những năm 1963-1964 tại miền Bắc.

Do các “sử gia” miền Bắc chế tạo ra.

Trước nhất, với Phan Thanh Giản, vì không kiếm ra được bằng chứng nào cho việc “nhân dân” đã lên án ông, ông Trần Huy Liệu, cựu Bộ Trưởng Tuyên Truyền đầu tiên của nước VNDCCH, tức là tiền thân của Ban Tuyên Giáo Trung Ương hiện nay, đã “sáng tạo” ra câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”. Ông tuyên bố rằng câu này đã được nghĩa quân Trương Định dùng để đề lên lá cờ khởi nghĩa. Nghĩa là ông đã tạo ra cái tội “bán nước” cho Phan Thanh Giản, và tạo ra cái “ý kiến trái chiều” này về Phan Thanh Giản.

Kế đến, với Trương Vĩnh Ký, các sử gia miền Bắc đã tạo ra cái tội làm “gián điệp” cho Pháp của Trương Vĩnh Ký, qua hai chuyến đi của ông. Chuyến đi thứ nhất ra miền Bắc năm 1776 và chuyến thứ hai ra Huế năm 1886. Họ cho rằng Trương Vĩnh Ký đã sử dụng hai chuyến đi này để do thám tình hình miền Bắc cũng như tình hình triều đình nhà Nguyễn. Trong khi vào năm 1776 thì Pháp đã chiếm thành Hà Nội lần thứ nhất rồi trả lại cho nhà Nguyễn, và được quyền đặt toà lãnh sự ở đó. Tức là người Pháp đã có mặt tại Bắc Kỳ thường trực. Nhưng theo các sử gia miền Bắc thì họ phải sai Trương Vĩnh Ký làm một chuyến ra Bắc để “do thám tình hình” và báo cáo! Còn năm 1886 khi Trương Vĩnh Ký ra Huế thì kinh đô đã thất thủ và người Pháp đã lập vua Đồng Khánh lên làm ông vua bù nhìn dưới sự bảo hộ của họ. Triều đình Huế sau đó còn phong chức quan cho cả Paul Bert và Trương Vĩnh Ký để mua chuộc cảm tình. Và Trương Vĩnh Ký còn được Paul Bert cử làm thầy của vua Đồng Khánh. Tức là người Pháp đã nắm toàn bộ triều đình Huế. Họ chẳng có lý do gì mà phải cho Trương Vĩnh Ký làm “gián điệp” để do thám tình hình.

Nhưng cũng giống như cách đối xử với Phan Thanh Giản, các sử gia miền Bắc đã sáng tạo ra một tội danh nghiêm trọng để hạ nhục Trương Vĩnh Ký. Nếu như Phan Thanh Giản bị họ gán cho cái tội “bán nước” qua câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”, thì Trương Vĩnh Ký bị gán cho tội “gián điệp” qua hai chuyến đi nói trên.

Và đến khi một nhà nghiên cứu người Việt ở Mỹ là ông Vũ Ngự Chiêu tuyên bố đã tìm được một lá thư do Trương Vĩnh Ký khoảng năm 1858-9 viết và ký tên Petrus Key, kêu gọi người Pháp hãy đánh chiếm Việt Nam vì tình hình của quân đội nhà Nguyễn lúc đó rất yếu kém, lá thư này đã lập tức được nắm ngay lấy để làm bằng chứng cho tội làm “gián điệp” cho Pháp của Trương Vĩnh Ký ngay từ thời gian đó.

Thế nhưng như tác giả bài viết này đã viết nhiều bài báo và một cuốn sách để chứng minh, những tội danh “mãi quốc” và “gián điệp” nói trên chính là những sự ngụy tạo để kết tội hai nhà đại trí thức Nam Kỳ là Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký. Và hai tội danh nói trên đều có xuất xứ từ một sự cố tình sáng chế và thao túng tài liệu lịch sử, nhằm hạ thấp uy tín của hai nhân vật được kính trọng này.

Câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” chính là một sản phẩm đã được tạo ra bởi ông Trần Huy Liệu, Viện Trưởng Viện Sử Học, và cũng là cựu bộ trưởng đầu tiên của Bộ Tuyên Truyền, tiền thân của Ban Tuyên Giáo Trung Ương. Bởi một câu như vậy không thể nào lại được “nghĩa quân Trương Định” đề lên lá cờ của mình như ông Trần Huy Liệu đã viết, với những điều kiện lịch sử trong thời gian đó.

Còn hai chuyến đi của Trương Vĩnh Ký đã được tờ Nghiên Cứu Lịch Sử của ông Trần Huy Liệu bóp méo cho biến thành hai chuyến đi “do thám” của “đặc vụ” Trương Vĩnh Ký. Cũng như lá thư ký tên Petrus Key đã được gán cho Trương Vĩnh Ký làm tác giả, cho dù chữ viết và nội dung hoàn toàn trái ngược với một lá thư khác do chính tay ông viết ngay trong thời gian đó.

Nhưng chỉ với sự ngụy tạo ra hai tội danh này thì các sử gia miền Bắc mới có thể hạ thấp được uy tín của Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký. Cũng vì câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” mà mặc dù đã có hai cuộc hội thảo về Phan Thanh Giản nhưng những người dân miền Nam, thậm chí cả những cán bộ gốc miền Nam, đã không thể phục hồi danh dự lại cho Phan Thanh Giản. Bởi ở cả hai lần hội thảo, mọi cố gắng minh oan hay phục hồi đều bị dừng lại bởi cái câu được cho là “dư luận của nhân dân” nói trên. Trong khi đó, cũng vì tội danh “gián điệp” cho Pháp mà nỗi oan của Trương Vĩnh Ký vẫn tiếp tục. Một cuốn sách về ông, cuốn “Petrus Ký, Nỗi Oan Thế Kỷ” đã bị cấm không được lưu hành.

Nhưng có một điều không thể chối cãi là cho dù sau 60 năm trời ngụy tạo tài liệu sử học, bẻ cong ngòi viết để lên án hai nhân vật lịch sử Nam Kỳ nói trên, đảng CSVN vẫn không thành công trong việc bôi nhọ họ. Bởi những người miền Nam vẫn thương yêu kính trọng hai nhà đại trí thức này và đòi hỏi công lý cho họ. Những sách báo nghiên cứu về hai nhân vật này vẫn tiếp tục được viết, được in, cho dù bị cấm.

Và tên của hai nhà đại trí thức Nam Kỳ này đã được tiếp tục dùng để đặt cho trường học, đường phố tại các địa phương miền Nam. Có lẽ đó chính là nguyên nhân cho sự ra đời của bản công văn số 2274 của Ban Tuyên Giáo Trung Ương.

Nếu như 60 năm trước, vì mục đích đánh chiếm miền Nam, và khi cần phải lên án sự “chủ hòa” của Phan Thanh Giản và việc hợp tác với Pháp của Trương Vĩnh Ký, cho nên những sử gia kiêm nhiệm vụ tuyên truyền của Đảng đã phải ngụy tạo ra tài liệu để bôi nhọ hai nhà trí thức Nam Kỳ này - thì đây là điều dù không thể chấp nhận được, nhưng có thể hiểu được.

Còn bây giờ đã 60 năm sau, và sau khi đã thống nhất đất nước gần nửa thế kỷ, mà Ban Tuyên Giáo vẫn phải ra công văn cấm đặt tên đường cho hai nhân vật này, chỉ vì còn “những ý kiến trái chiều”? Những ý kiến mà do chính họ chứ không phải ai khác đã tạo ra từ mấy mươi năm trước và đem vào nhà trường để dạy cho trẻ con?

Một điều có thể thấy rõ từ văn bản này là Ban Tuyên Giáo đã nhắm chính xác đến hai nhân vật tiêu biểu cho trí thức miền Nam, một cựu học, một tân học. Hai nhân vật mà tài đức đều được người dân miền Nam công nhận từ bao đời nay. Bản công văn không nói đến bất kỳ một nhân vật lịch sử nào khác, mà chỉ nói đến hai nhân vật đại diện cho trí thức Nam Kỳ.

Phải hiểu sự việc này như thế nào đây?

Chắc rằng người dân miền Nam đã thấy ra, đã quá chán ngán với những sự giả dối ngụy tạo lịch sử kiểu như “ngọn đuốc sống” Lê Văn Tám, và họ không muốn phải chấp nhận những điều giả dối đó nữa, nên họ đòi hỏi phải được quyền đặt tên đường phố cho hai danh nhân, hai đại trí thức miền Nam là Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký. Giống như cha ông họ trược đây, người dân miền Nam không cần phân biệt giữa “ta” là bọn phong kiến thối nát hay “địch” là bọn thực dân xâm lăng. Họ chỉ biết rằng hai nhà trí thức nói trên là hai người có tài, có đức bậc nhất tại Nam Kỳ, và họ kính trọng hai người đó.

Nhưng có lẽ Ban Tuyên Giáo thì lại chỉ muốn dân miền Nam tin tưởng và sùng bái những “danh nhân” tưởng tượng như Lê Văn Tám hay thuộc giai cấp bình dân như Võ Thị Sáu mà thôi. Còn những người Nam Kỳ thuộc loại “có lý luận”, nhất là những đại học sĩ, học giả như Phan Thanh Giản, như Trương Vĩnh Ký thì không thể chấp nhận được.

Chỉ có như vậy mới hiểu được lý do cho sự ra đời của bản công văn 2274 do Ban Tuyên Giáo ký vào tháng