top of page
hmpg.jpg

Cần xem tiết mục nào xin click vào Trang bài / webpage trong MENU dưới đây:

TRANG CHÍNH / HOME  . BÀI MỚI ĐĂNG SINH HOẠT HOUSTON, TX  .  ĐH XXIII-MARYLAND 2019  .  ĐH XXII-SAN JOSE 2018  .  ĐH XXI-HOUSTON 2017   .  SINH HOẠT CANADA  .  SINH HOẠT ÚC CHÂU  CÁC ĐẶC SAN ĐH  .  SINH HOẠT BẮC - NAM CALI . SINH HOẠT VÙNG NEW ENGLAND . SINH HOẠT VIỆT NAMTIN SINH HOẠT CÁC NƠI  GÓC SÂN TRƯỜNG NHÀ  .  VĂN HC - NGHỆ THUẬT  .  VÒNG TAY NGHĨA TÌNH  .  CHIA BUỒN - CHUNG VUI  TÌM NGƯỜI - NHẮN TIN

TÁC GIẢ: Anh Tú, Cao Vị KhanhChân Diện MụcDương Hồng ThủyĐan Quế PhongĐoàn Xuân ThuĐỗ Chiêu ĐứcĐỗ Mỹ ThuậtHoàng Thị Tố LangHồ NguyễnHồ Trung ThànhHương Sơn Lê Khánh DuệKim Quang, La Thanh Khải, La Tuấn DzũngLê Cần ThơLê DungLê Trúc Khanh Lương Liên HoaLương Ngọc Thành, MailocMỹ Trinh, Ngô Thị Trường XuânNguyên Nhung, Nguyễn Đấu Lộc, Nguyễn Hồng Tuyền, Nguyễn Như HùngNguyễn Ngọc Tuyết, Nguyễn Thanh BìnhNguyễn Thiên Long, Nguyễn Thị Thanh Dương, Nguyễn Trung Nam, Nguyễn Văn TrườngNguyễn Vĩnh LongNgười Ô MônPhan Thượng Hải, Phạm Khắc Trí, Phạm Khắc Trí & Các Thi Hữu, Phạm Trinh CátPhương Hà, Phượng TrắngSongquang, Thái Vĩnh Thụy Biên, Trầm Vân, Trần Bang ThạchTrần Bá Xử, Trần Cẩm Quỳnh NhưTrần Phù Thế, Trương Nhị Kiều

Titlej (1).jpg
TBT_self.jpg

 SỔ TAY

TRẦN BANG THẠCH

 Houston, Texas 

ĐIỀU CHƯA KỊP NÓI VỚI BA

 

      Sau ngày má tôi mất thì ba tôi như một cánh lá khô, chỉ chờ thêm một chút gió để lìa cành.

 

      Hơn một năm nay ba tôi cứ hết bịnh này tới bịnh khác, một phần là do hậu quả của chứng muộn phiền, của tinh thần tuột dốc; phần khác là do chứng cao huyết áp. Hai chứng bịnh này không biết đã hiện diện từ bao giờ trong cơ thể ba tôi nhưng bác sĩ chỉ mới phát hiện gần đây thôi. Một đêm đi làm về tôi thấy ba nằm bất tỉnh trong phòng tắm, đầu ngoẻo trên thành bồn cầu, áo quần chưa kịp mặc. Một bệt máu đã khô phía trước trán. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi biết thế nào là nỗi kinh hoàng . Đến ngày thứ ba sau khi được chở khẩn cấp vào bịnh viện thì ba tôi bắt đầu tỉnh được chốc lát rồi lại khi mê, lúc tỉnh. Những ống dẫn dưỡng khí, thuốc men và thực phẩm nối từ miệng mũi không biết kéo dài cái sống của ba tôi được bao lâu . Hơn bảy mươi tuổi với một cuộc đời đầy sóng gió, rày đây mai đó, bảy nổi ba chìm, rồi sẽ phải chấm dứt ở cái phòng hẹp té đầy mùi ê-te này với sự có mặt của mỗi một mình tôi là người thân duy nhất. Còn anh Trọng, người anh cùng cha khác mẹ của tôi, trước ngày ba tôi ngã bịnh đã lấy hai tuần phép, hiện anh đang ở đâu đó bên Âu châu mà tôi không liên lạc được. Điều hiện nay tôi quan tâm không phải là cái chết của ba mà là sự trở về và sự có mặt của anh Trọng trước khi các ống dẫn được tháo gỡ và tấm vải trắng được phủ lên mặt khi người ta đưa xác ba tôi xuống lầu. Tôi đang quan tâm cái quan tâm cuối cùng của ba tôi. Tôi đang ước mơ cái ước mơ độc nhất bây giờ của ba tôi. Tôi biết giờ phút này, trong trí não, trong đầu óc của ba tôi, cho dù đang dần dần chết cứng, là sự trở về của anh Trọng . Nếu có được cái khắc giây ngắn ngủi lúc ba tôi chợt ra khỏi cơn hôn mê và nhìn thấy khuôn mặt đứa con trai duy nhất của mình thì đó quả là điều vô cùng diệu kỳ, tôi nghĩ như vậy. Và lúc đó chắc chắn ba tôi sẽ ngậm cười nơi chín suối.

      Mấy hôm truóc, khi còn chút tỉnh táo, ba tôi chỉ hỏi tôi mỗi một câu này : anh con đã về chưa . Tôi cứ dối quanh, nói là đã liên lạc được với anh Trọng, nói là anh sẽ tức tốc trở về. Tôi còn dám nói láo là anh Trọng thương ba lắm , vv. . . Tôi biết là không nên nói dối trước một người sắp chết nhưng tôi không làm sao hơn . Tôi không muốn ba tôi tuyệt vọng ở những giây phút cuối cùng của một đời người . Hơn hai mươi năm là cha con mà ba tôi và anh Trọng đã có mấy lần gặp nhau trong tình cha con thân ái đậm đà như bao nhiêu những người cha con khác trên quả địa cầu này! Điều này, tôi biết, đã không làm cho ai vui hết, nhất là ba tôi, người đã gần hết một đời đứng trên sân khấu làm vui thiên hạ, mà có mấy mươi năm cuối đời không thể làm vui cho bản thân mình và cho đứa con trai duy nhất của mình.  Ba tôi, người nghệ sĩ tên H. T. đó trong suốt cuộc đời đi hát là nguòi lúc nào cũng được khán thính giả yêu thương; mỗi tâm tình, mỗi lời ca, mỗi câu nói được đón nhận tận tình. Người ta vui, buồn, cười, khóc theo ba tôi trong suốt mấy chục năm. Vậy mà đứa con trai như bịt tai, nhắm mắt trước người cha ruột đau khổ của mình. Hình như cái thảm kịch gia đình này bắt đầu từ khi tôi vừa mới được sinh ra, lúc anh Trọng bắt đầu có chút nghĩ suy trong đầu óc một đứa trẻ lên mười. Bây giờ anh Trọng đã gần ba mươi. Hơn hai mươi năm cho một vết nứt trong tình cha con không phải là dài lắm sao! Đớn đau vô cùng. Tôi biết ba tôi đã bao nhiêu năm nay âm thầm sống trong cái đớn đau đó. Và anh Trọng của tôi cũng chẳng khác gì. Vậy mà vết nứt vẫn chưa có một chút hàn gắn nào, hơn hai mươi năm! Quá dài!

 

      Bắt đầu cho cái hơn hai mươi năm đó, theo lời kể của má tôi, là cái chết của má anh Trọng, người vợ lớn của ba tôi. Sau này tôi còn nghe nhiều người trong gia đình nói rằng chính cuộc sống của một nghệ nhân thường xuyên đi lưu diễn, năm thì mười thuở mới có mặt ở nhà đã góp phần không nhỏ trong sự lạnh nhạt tình nghĩa vợ chồng và tình cha con. Người nghệ nhân đó không biết thương yêu vợ lớn của mình cỡ nào chớ những mối tình dọc đường thì không thể đếm hết được là bao nhiêu. Còn đối với má tôi, người vợ sau cùng, thì ba tôi sống thật trọn vẹn. Đó chẳng qua là do nơi thời thế đẩy đưa. Má tôi thường nói: Đi ra cái nước ngoài này đâu còn lưu với diễn, bướm với hoa, chỉ cơm nhà áo vợ mới làm trọn đạo làm chồng. Điều này thì tôi không biết có đúng hay không, nhưng tôi biết chắc một điều: Việc ba tôi trong cơn thất tán cuối tháng Tư năm 75 đã chỉ đủ thì giờ dẫn theo má tôi, người vợ nhỏ của mình, để lại người vợ lớn đang sống với đứa con trai vừa mới tập đi tập nói ở một vùng quê miền Hậu giang.

      Rồi do những ràng buộc luật pháp xứ này, lại ít hiểu biết về thủ tục, ba tôi chưa dám nghĩ đến việc bảo lãnh má con anh Trọng. Tôi dần dà biết được câu chuyện trở nên phức tạp hơn khi ba má tôi bằng cách này cách nọ giúp đỡ má con anh Trọng mà đều bị từ chối. Khi có tin má con anh Trọng không còn ở chỗ cũ và không ai biết hai mẹ con đã dời đi đâu thì coi như bặt vô âm tín. Điều này càng làm cho ba tôi sống trong tâm trạng bồn chồn lo âu, khắc khoải, đợi chờ. Nỗi ăn năn cũng theo ngày tháng mà lớn dần. Tôi biết được điều đó là do ba má tôi thầm thì những đêm khuya vắng. Thuở đó chưa có những chuyến về thăm quê hương nên ba má tôi không thể làm sao hơn được. Người nghệ sĩ trong ba tôi có lẽ đây mới chính là những tháng ngày sống thật cái niềm đau của chính mình, không thương vay khóc mướn như những ngày đứng trên một sân khấu đại ban. Niềm đau này từ mười  năm nay đã dâng lên tới tột đỉnh khi anh Trọng vượt biên bằng đường bộ đến xứ này và ngụ cùng thành phố với chúng tôi. Lần đầu tiên gặp chúng tôi tại nhà của người bảo lãnh, anh chỉ nói mỗi một câu:  “ má tôi đã chết”. Sau đó anh không nói gì thêm nữa nhưng đôi tròng mắt thì mênh mông còn đôi hốc mắt thì sâu thăm thẳm, hai tay anh nắm ghì thành cửa, nửa như  không muốn phải quị ngã trước mặt chúng tôi, nửa như muốn đè nén cơn xúc động đang chực dâng trào như thác đổ. Cũng có thể lúc ấy anh muốn nói với chúng tôi rằng: cánh cửa đang mở, các người hãy bước ra khỏi căn nhà này và đừng bao giờ trở lại. Điều này tôi chỉ suy luận được về sau khi biết anh không muốn chúng tôi, đặc biệt là ba tôi, tới nơi anh cư ngụ,  bấy giờ là căn chung cư nghèo nàn ở phía đông thành phố. Sau đó đã bao nhiêu lần ba tôi đi ngang nhà anh để thấy cánh cửa luôn đóng kín, mà anh Trọng thì rất ít khi ra đường ngoài hai lượt đi về mỗi ngày. Đã mười  năm tình trạng vẫn không khá hơn. Ba tôi có cái mặc cảm của một người chồng, người cha phạm tội, đã vô trách nhiệm đối với vợ con nên chỉ biết tối ngày ăn năn, buồn bã, khó mở lời với đứa con mà mình đã không làm tròn bổn phận của một người cha. Dù vậy cũng có lúc ba tôi càng muốn đến gần thì anh Trọng càng dang xa. Hai năm trước, lúc mẹ tôi mất, anh Trọng có đến nhà quàn và đưa linh cữu mẹ tôi đến phần mộ. Hai cha con vẫn không nói với nhau một lời vì anh Trọng cứ cố tránh cha mình. Hôm ấy trông ba tôi thật là tội nghiệp, mang quá nhiều nỗi buồn trong một ngày tang khó. Mẹ mất, trong nhà chỉ còn hai người : Ba tôi thì thường xuyên bịnh hoạn; tôi thì vừa làm vừa học nên nhiều đêm khuya khoắt mới về đến nhà. Thân nhân bây giờ không còn ai ngoài ba cha con chúng tôi. Giá mà anh Trọng về với chúng tôi thì tốt đẹp biết chừng nào. Tôi và anh Trọng, có lẽ nhờ chút huyết thống, nên chúng tôi có gặp nhau thỉnh thoảng. Những dịp này tôi cố tìm lời nói với anh tôi về cơn bịnh của ba, về cảnh cửa nhà quạnh quẽ , về cái khổ tâm của ba, về nỗi ăn năn dằn dặt trong tâm tư ba suốt từ bao nhiêu năm qua. Anh Trọng cũng có lần tiết lộ với tôi rằng anh không ghét ba nhưng anh cũng không quên được cuộc sống lầm than khốn khó, và thiếu thốn của hai mẹ con trên một vùng hoang vu nước độc đã đem đến cơn bịnh ngặt nghèo, rồi dẫn tới cái chết của mẹ. Mẹ anh với tâm trạng bị chồng bỏ rơi và với sự tự trọng tuyệt đối đã từ chối tất cả những trợ giúp từ cha mẹ tôi, bà đã ôm con trốn tất cả mọi người để không ai tìm ra tông tích. Và anh, một đứa con  bị cha bỏ rơi từ những ngày còn non dại. Anh, một thằng bé lúc mới lên mười, trong túp lều trống hoang trống hoác giữa những đêm mưa mịt mùng đã  bong gân rát họng kêu trời gọi đất, mà đất trời cũng không ngăn được những cơn đau quằn quại của mẹ. Anh đã hơn một lần cắn môi chảy máu để không được khóc như lời mẹ dặn, dù cho đó là những lúc bịnh hoạn, đói khát, dù cho đó là lần cuối cùng còn thấy mẹ trên đời. Anh, một đứa con của một người đàn bà khốn khổ, thà đem sức cùn lực kiệt mà sống, thà vắt cạn bầu sữa nuôi con hơn là nhận sự đoái hoài từ một người đàn ông vô tâm. Tôi thường nói với anh cái thảm trạng chung của đất nước dẫn tới bao nhiêu thảm trạng của mỗi gia đình, mỗi cá nhân, nếu cứ nuôi hoài niềm phẩn uất, nỗi oán hờn, nhất là đối với người thân, thì thảm trạng sẽ không bao giờ dứt được. Hệ lụy sẽ thêm chất chồng. Tình phụ tử chắc chắn là điều không có gì thay thế, càng không thể bức tử nó bằng những nghiệt oan của lịch sử. Tôi nói với anh tình trạng già yếu, bịnh hoạn của ba. Tôi cần phải có anh tiếp tay, và chỉ có anh mới làm cho ba bớt muộn phiền. Anh Trọng lắng nghe mà không nói gì, đôi mắt vẫn cứ xa xăm. Sau đó tôi nghiệm ra một điều: Ba tôi và anh Trọng, mỗi người cứ mang hoài trong tâm tư mình một điều muốn nói .

 

                                                      x X x

 

      Có thật là sức lực của tôi không còn một chút nào hết ? Tay chân tôi sao cứng đơ thế này? Miệng lưỡi cũng trơ ra như đông đá. Tôi có đang mơ hay không: hãy nhìn kìa, quí ông bà cô bác, mặt thằng con tôi đã kề sát mặt tôi, tôi nghe tiếng khóc từ trong cổ họng của nó, tiếng khóc thật nhỏ như một âm vang từ xa thăm thẳm. Tôi thấy từng phiến đau khổ hằn trên gương mặt nó. Hình như tôi còn nghe âm âm u u những tiếng  gọi  ba, ba . . . những âm thanh tôi chờ trọn một đời, đến bây giờ mới nghe được. Ôi hạnh phúc biết chừng nào. Tôi thấy đây là giờ phút sung sướng nhất đời tôi. Con trai tôi đâu còn thù ghét tôi, nó đã gọi tôi bằng ba. Phải, nó đã kêu lên nhiều tiếng ba, ba, ba . . . Tôi không lầm được đâu. Cuối cùng rồi con cũng đến với ba. Tôi biết tiếng nói của tôi không phát ra được nhưng thằng con tôi sẽ nghe từ trái tim còn ấm của tôi, nó sẽ nghe tôi nói tôi thương yêu nó, ba thương yêu con, Trọng à. Lỗi lầm của ba, ba không mong được tha thứ, nhưng được con trở về thăm và nói với ba những lời ba mong đợi thì đã quá đủ để ba giữ làm hành trang đi về cõi khác.

 

                                                  x X x

 

      Giữa hai dãy ghế thưa thớt người đứng cúi đầu tiễn đưa người quá cố là chiếc quan tài màu huyết dụ với vòng nguyệt quế đính phía trước. Vị sư tụng hồi kinh cuối cho lễ di quan. Chỉ có hai người mặc tang phục là anh Trọng và tôi. Hai tay anh Trọng cầm ngang ngực tấm ảnh bán thân của ba tôi chụp trong khi đóng vai Lử Bố với mặt mũi đầy phấn son và trên đầu là chiếc mũ nạm ngọc với cặp lông công màu cẩm thạch. Lúc sinh tiền Ba tôi thích tấm ảnh này nhất trong số các ảnh hiện còn giữ được

      Đám tang ba tôi không có nhiều người đưa tiễn, chỉ có mấy người bạn già của ba ở trong thành phố; đến từ xa thì có vài nghệ sĩ một thời đứng chung với ba trên sân khấu và vài nghệ sĩ đàn em, cùng với mấy bạn bè của tôi và của anh Trọng. Cái chết của ba thật êm như ngủ, đám tang ba cũng lặng lẽ, âm thầm, không kèn không trống. Đó là ý nguyện của ba. Lúc sinh thời ba nói cả cuộc đời ba đã bị du vào quá nhiều cơn lốc; những cơn lốc tàn nhẫn ngoài đời và những cơn lốc tự mình nhập vai trên sân khấu; gươm giáo loang xoang, trống kèn inh ỏi;  cho nên khi nhắm mắt xuôi tay xin cho ba một lần đi trong thinh lặng.

      Khi chiếc quan tài được đẩy từ từ vào cái hộc vuông của lò thiêu, anh Trọng trong giây phút xúc động tột cùng đã ôm lấy phần cuối của chiếc quan tài, nói trong tiếng khóc: “ Đứa con bất hiếu này đã không còn dịp nào nữa để nói rằng con rất thương yêu ba”.

      Tôi thì tôi tin rằng ba tôi đã thấy hết và đã nghe hết. Thấy một đứa con đã trở về và nghe những  tiếng mà lúc sanh tiền ba chưa nghe được .

      Xin ba thương yêu của anh em chúng con hãy đời đời an nghỉ.

      Tôi đã thay anh Trọng mà bấm cái nút ON khi cánh cửa lò thiêu vừa khép lại. Một cánh màn đã khép lần cuối cho cuộc đời của một nghệ sĩ về chiều.

TBT

tl_LibStaBurningBldings.jpg

TƯỢNG, THƠ

TINH THẦN NỮU ƯỚC

 

     Bạn thân,

      Trước hết mời bạn đọc nguyên văn bài thơ nầy:

Not like the brazen giant of Greek fame,

     With conquering limbs astride from land to land;

     Here at our sea-washed, sunset gates shall stand

A mighty woman with a torch, whose flame

Is the imprisoned lightning, and her name

    Mother of Exiles. From her beacon-hand

    Glows world-wide welcome; her mild eyes command

The air-bridged harbor that twin cities frame.

“Keep ancient lands, your storied pomp!” cries she

     With silent lips. “ Give me your tired, your poor,

Your huddled masses yearning to breathe free,

     The wretched refuse of your teeming shore.

Send these, the homeless, tempest-tost to me,

      I lift my lamp beside the golden door!”

        Tôi sẽ rất vô lễ với bạn và với chính tác giả nếu tôi không ghi lại nguyên văn bài thơ trên đây, một bài thơ được coi là tuyệt tác, vì nó đã nói đầy đủ ý nghĩa của pho tượng và thể hiện thật rõ tinh thần Hiệp Chủng Quốc, nên từ năm 1903 bài thơ đã được tạc trên một tấm đá đặt dưới chân tượng Nữ Thần Tự Do trên đảo Bedloe's Island, sau được đổi thành Liberty Island, ở New York . Tôi đã chép bài thơ này khi đứng dưới chân tượng đài. Bài thơ có tựa là “The New Colossus” do nữ thi sĩ Emma Lazarus (1849-1887), một New Yorker chính cống, viết năm 1883 để biểu tỏ niềm tin của mình vào một nước Hoa Kỳ tượng trưng cho thiên đường của những người bị áp chế. Bản thân của nhà thơ Lazarus cũng là một biểu tượng của tình người. Bà là người giàu tâm và giàu của, đã cống hiến những năm cuối đời mình và hầu hết tài sản của mình cho việc cứu trợ những người di dân Do Thái giáo nhập cư nước Mỹ. Họ đã từng bị đối xử tàn tệ tại nước Nga.

      Đọc những câu thơ của người xưa, rồi ngước mắt nhìn pho tượng đồng, tôi thấy mình có được một gặp gỡ vô cùng hiếm quí với hai biểu tượng của tính nhân bản cao vòi vọi.

      Trước hết là bài thơ. Kẻ hậu thế nầy hiểu thế nào thì xin được ghi ra như vậy, chớ không dám làm công việc dịch thơ:

Chẳng phải là tượng đồng của danh tướng Hy Lạp xưa,

kẻ chỉ biết vươn tay mà gồm thu đất đai thiên hạ.

Người đứng đó giữa trời mây sóng cả,

giương thật cao ngọn đuốc soi đường.

Mẹ là Mẹ hiền của người lử thứ, của kẻ tha hương,

Mẹ chong mắt, Mẹ vẫy tay mời gọi.

Hãy tụ về đây làm nên phố đông, bến mới.

Nhớ đừng quên quốc tổ ngọn nguồn.

Hãy bỏ những nhọc nhằn, nghèo đói, những dâu bể, tang thương

 Để được thở như chưa từng được thở.

Người đã bị đuổi xua nơi những bãi bờ đâu đó,

hay đang trong bão táp mịt mùng,

 Cứ theo ánh đuốc nầy mà ghé Bến Chung.

Cửa đã mở và ánh vàng đã lóe.

      Mình đã có lần mang khát vọng Tự Do lên thuyền nan vượt sóng. Biển cả thì trùng trùng mà bến đậu thì mù tăm. Hôm nay nghe ý tứ của thơ, chữ nghĩa của thơ sao thấy gần gũi quá, như có mình trong đó, và có trong đó hàng triệu triệu những di dân từ muôn phương đổ về vùng đất ghé tạm của đoàn hải hành Kha Luân Bố hồi năm 1492. Ghé tạm nhưng đã hình thành một đất nước của Tự Do, tiếp tục xây dựng một bến bờ của kẻ đi tìm Tự Do từ khắp xứ.

      Còn khối tượng đồng nặng gần nửa triệu cân, cao hơn 300 thước, người ta có thể theo 168 nấc thang bên trong tượng mà leo đến tận cái vương miện hay theo cánh tay mà leo tới ngọn đuốc; để từ đó nhìn khắp thành phố Nữu Ước. Nhìn từ xa, pho tượng như đứng trên triều sóng, trên đầu là những dãy mây xanh, khiến ta thấy pho tượng vừa uy nghi gần gũi, vừa lung linh thoát trần. Tượng thật đẹp và thật vĩ đại. Nhưng tính chất vĩ đại có lẽ ẩn tàng nơi ánh mắt của người mẹ hiền hướng về đại dương cùng với cánh tay mặt cầm ngọn đuốc chỉ đường cho những người đang lênh đênh trên biển cả, ngọn đuốc sáng rực ban đêm với 19 ngọn đèn tổng cộng 1300 watts. Cánh tay trái thì cầm phiến đá khắc ngày ra đời của Bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ, July 4, 1776, ngày sinh của một quốc gia, cũng là bước nhảy xa của một nhà vô địch hoàn cầu. Dưới chân tượng là sợi xích sắt bị bẻ gãy, tượng trưng cho sự cáo chung củạ bạo tàn. Ân cần mời gọi, soi lối chỉ đường, cưu mang, chia sẻ, dân chủ, tự do... đã thể hiện hết trên The Statue of Liberty, một quà tặng của nước Pháp cho nhân dân Hoa Kỳ nhân ngày lễ Độc Lập July 4, 1884; sau đó được dựng thành tượng đài ngày 28 tháng 10, năm 1886. Hơn trăm năm nay Tượng Đài đứng đó giữa bốn bề sóng nước phải chăng cũng đã góp phần gìn giữ tinh thần Mỹ quốc xứng đáng với tên gọi, một quốc gia lúc nào cũng thể hiện dân chủ, tự do và biết tôn trọng công bằng, bác ái.

      Cảm ơn Thơ với Tượng đồng, những sáng tạo của nghệ thuật đã nâng ý nghĩa của hai chữ Tự Do cao tới mây và sáng như sao trời.

      Quý biết bao phút gặp gỡ của tôi với cái Ý của Thơ và cái Hồn của Tượng.

      Bạn thân,

      Không nhắc chắc bạn cũng nhớ còn vài hôm nữa là tới ngày 11 tháng 9. Chắc bạn cũng không quên hai năm trước vào ngày này lương tâm nhân loại đã bị rúng động với sự sụp đổ của 2 tòa nhà chọc trời ở Nữu Ước. Gần 3000 người chết thảm, chết trong hoảng hốt cực độ. Có người chết mà điện thoại còn trên tay, có người còn cầm tách cà phê chưa uống cạn. Bao nhiêu cái chết không toàn thây. Quĩ vương đã hiện hình ngay trước mắt loài người, ngay trước mắt Tượng Thần Tự Do, trước mắt những câu thơ chứa chan tình nhân loại. Ghé lại Ground Zero để thấy đá sỏi và bốn phía rào, thấy một bãi hoang mà 2 năm trước đây là nơi tọa lạc của hai tòa cao ốc song sinh tượng trưng cho nền kinh tế đứng đầu thế giới. Người ta treo trên hàng rào tấm bảng ghi danh những nạn nhân. Có quá nhiều cái tên, tôi không đọc hết được, nhưng có một câu chữ viết tay nguệch ngoạc trên khung ván của bảng danh sách nạn nhân mà tôi đã phải đọc đi đọc lại nhiều lần, đọc mỗi lần là mỗi thấy tim mình nhói đau. Chị bạn đi chung chỉ đọc một lần mà đã thấy nghẹn thở. Ai đó đã viết như thế nầy: “You have gone, but my heart has been dying”. Người đi, người đã đi rồi, lòng tôi chết điếng theo người, người ơi. Không biết hôm đó có bao nhiêu những người đang yêu nhau phải giữa đường gãy gánh, khiến người tình  còn ở lại phải thốt lên lời thống thiết, để chúng tôi nghe hôm nay giữa vuông đất đã chôn vùi xương thịt của mấy ngàn xác thân và mấy ngàn vong linh uỗng tử.

      Bạn thân,

      Có một bài thơ tựa là IF I KNEW tôi đọc được trên net sau ngày 11 tháng 9 thảm khốc đó. Bài thơ không ghi tên tác giả, dài 13 khổ, mỗi khổ 4 câu thơ. Chữ nghĩa của mỗi câu thơ thật là đơn giản. Nhưng ý tứ của mỗi khổ thơ là một nuối tiếc, một niềm hối hận đã bỏ lỡ dịp cuối cùng để biểu lộ tình thương yêu đối với người thân vừa mới đột ngột vĩnh viễn ra đi. Ra đi mà không kịp nói một lời vĩnh biệt:

       Nếu em biết đó là lần cuối anh bước ra khỏi ngưỡng cửa này, em sẽ ôm anh, sẽ hôn anh, sẽ kêu anh bước trở lại để em ôm anh, hôn anh thêm một lần nữa.

      “If I knew it would be the last time that I see you walk out the door, I would give you a hug and kiss and call you back for one more”.

      Cho nên nếu mình đợi đến ngày mai mới nói lên tình thương yêu này, tại sao không làm ngay hôm nay để không phải hối tiếc nếu ngày mai không bao giờ đến.

      “So if you're waiting for tomorrow, why not do it today? For if tomorrow never comes, you'll surely regret the day”.

     

      Tôi nghĩ rất nhiều người đã có dịp đọc bài thơ này và đã suy nghĩ cũng rất nhiều.

      Bạn thân,

      Tôi đã mời bạn cùng tôi đi phà sang Liberty Island để thấy biểu tượng của Nữu Ước. Đã mời bạn ghé mạn Nam của Manhattan đến đứng ngoài vòng rào của Ground Zero suy nghĩ một chút về tội ác để tôi có cớ mời bạn nhìn Tinh Thần Nữu Ước. Phải, hai tòa cao ốc sụp đổ nhưng Tinh Thần Nữu Ước không phải vì vậy mà không còn. Từ hàng trăm năm nay, với đôi tay rộng mở, Nữu Ước đã là đất lành cho hàng triệu triệu lưu dân tứ xứ. Họ đến một nơi biết trọng tự do và nhân cách của con người. Họ đến để lập thân và lập nghiệp và lập chí. Từ những khổ nhục, những đàn áp, những mất mát, những đớn đau “... tại quê nhà, họ đã tạo nên Thành phố Nữu Ước giàu mạnh. Từ những ước mơ nhỏ bé của những người chỉ muốn làm Người, họ đã tạo nên Tinh Thần Nữu Ước: hòa đồng để thương yêu nhau, nắm chặt tay nhau để cùng tiến tới, tôn trọng và bình đẳng”.

      Tinh thần nầy, thưa bạn, tôi đã thấy được, mọi người đã thấy được suốt 29 tiếng đồng hồ Nữu Ước bị mất điện từ xế chiều ngày 14 tháng 8. Gần ba mươi năm, Nữu Ước mới bị mất điện lần này, và là lần dài nhất trong lịch sử Nữu Ước. Chen chân giữa lòng phố lạ với hàng trăm ngàn người, thoạt đầu tôi thấy mình kém may. Tự dưng từ một thành phố cực nam làm một chuyến du hành cực bắc để xui xẻo đi vào đêm đen của một thành phố ánh sáng được mệnh danh là Thành phố Không Ngủ (Sleepless City), là Hạt Ngọc về đêm! Nhưng thưa bạn, người xưa nói trong cái rủi có cái may. Đúng lắm. Không có cái rủi đó làm sao tôi được sống cái ngàn năm một thuở hôm ấy hỡ bạn! Nhất là làm sao tôi thấy được cái Tinh Thần Nữu Ước.

      Thành phố Nữu Ước với trên 20 triệu dân, cộng với hàng trăm ngàn du khách mỗi ngày, có một hệ thống xe điện ngầm lớn nhất thế giới. Mất điện vào giờ tan sở nên người ta phải cần hơn 3 tiếng đồng hồ để đưa 350 ngàn người ra khỏi các toa xe dài ngoằn và các trạm xe điện, chui lên mặt đất, nhập vào với hàng triệu người ra đường từ các công, tư sở. Xe cộ bị tắc nghẽn . Chỉ có các xe của nhân viên công lực luồn lách trên đường phố. Những người đang ở trong các chung cư tránh cái nóng nên cũng túa ra đường. Rừng người. Cả thế giới đã thấy rừng người đó trên TV. Thưa bạn, trong rừng người đó có tôi. Có tôi người khách lạ trên khu phố Brooklyn, lần đầu tiên đến thăm Nữu Ước. Sau hơn một tiếng đồng hồ ngồi trong lòng xe buýt không thể lăn bánh và không có máy lạnh, tôi phải bước xuống xe và  phải đi bộ hơn 4 tiếng đồng hồ, vượt hơn  8 dặm đường, tới chỗ rồi còn  phải leo 25 từng lầu, dò từng bước một như đi trong hầm tối để lên căn phòng tạm trú qua đêm. Chúng tôi đã đi như vậy trên các khu phố lạ hoắc không một ánh điện. Khu chung cư cũng tối đen. Những vệt đèn xe cảnh sát hay xe cứu thương chỉ đủ cho người ta nhìn thấy mặt nhau trong thoáng chốc. Sợ là sẽ có những kẻ lợi dụng bóng đêm để cướp bóc, giựt dọc, vv.. . Không, không có gì hết. Không một tiếng nổ. Chỉ có tiếng trực thăng nghe rõ trên bầu trời đêm.Thành phố Nữu Ước bình yên. Người Nữu Ước, có lẽ đã học thêm được bài học 11 tháng 9 từ 2 năm trước, rất bình tĩnh và rất trật tự, không sợ hãi.  Họ tình nguyện giúp nhân viên công lực hướng dẫn xe cộ lưu thông, hướng dẫn người đi bộ, họ hỏi han, chăm sóc đủ điều. Tôi thấy có những em thiếu niên để người già lên yên xe đạp rồi dẫn đi. Có những cửa hàng cho không những chai nước uống.. ..Chúng tôi đi bộ tuy có xa nhưng không thấy mệt, có lẽ nhờ tinh thần lạc quan, thái độ thân thiện, giúp đỡ của người Nữu Ước.

Sau đêm đen Nữu Ước đó trở về nhà, trong đầu tôi lúc nào cũng chập chờn câu hỏi của một em bé không quen: Are you OK? I can help. Đêm đó tôi đã lắc đầu nhưng bây giờ thì tôi thấy quả tình em bé đã nối dài thêm cánh tay của Tượng, đã ghép thêm lời cho Thơ và đã kết thêm một bông hoa vào cành hoa hồng Nữu Ước. Cũng từ hôm đó, tôi thường nghe lại tiếng hát của Frank Sinatra: “New York, New York. I want to be part of it. I wanna wake up in a city that doesn't sleep…”.

Khi cái ác vẫn còn rình rập quanh đây thì làm sao mà Nữu Ước ngủ được. Và Tượng, và Thơ cũng sẽ thức hoài với Tinh Thần Nữu Ước.

Thượng tuần tháng 9/2003

TBT

Mời đọc:

 

Từ website www.tranthinguyetmai.wordpress.com:

Trần Bang Thạch: Thêm 1 Tiếng Động đã tắt!

Click: https://tranthinguyetmai.wordpress.com/2021/05/21/them-mot-tieng-dong-da-tat/

Từ website: www.covikhanh.com:

Trần Bang Thạch: Đem theo bài vọng cổ (trên www.caovikhanh.com)

CLICK: --> http://www.caovikhanh.com/pdf/em-theo-bai-vong-co-tbt.pdf

VÀI CHUYỆN NHỎ

TRONG

MỘT NHÀ DƯỠNG LÃO

tặng các bạn già để cùng sùi sụt cho…vui.

 

    Đầu tháng Tư vừa qua tôi lại có dịp trở lại thị trấn Magnolia, chủ yếu là duyệt xét lại các hồ sơ thuế khóa hàng năm cho bà Anita trước khi bà gởi cho sở thuế Liên Bang. Mongolia là một thị trấn nhỏ, có dân số khoảng 2000 người, ở ngoại ô thành phố Houston, cách downtown độ 60 dặm về hướng Tây bắc. Từ hai, ba năm trở lại đây, Mongolia như là một cô bé nhà quê, mặt mũi, áo quần nhếch nhác, bỗng vươn vai trở thành một thiếu nữ đang xuân, quần là áo lượt, phấn son đỏng đảnh. Trong cái thay da đổi thịt của toàn thị trấn thì căn nhà dưỡng lão của bà Anita là một bước thụt lùi thấy rõ. Mỗi ngày thêm già nua, héo úa. Bên trong căn nhà thì những tuổi đời càng ngày càng chồng chất thêm cao là lẽ thường, không ai sửa đổi được. Nhưng bên ngoài căn nhà thì dù người có rời xa nó cả trăm năm thì vẫn nhận ra nó. Tấm bảng gỗ long đinh, nước sơn đã tróc gần hết, người ta phải vừa đọc vừa đoán mới nhận ra hàng chữ The First Family Health Care. Tấm bảng treo giữa một bụi cây rậm ở đầu con đường hẹp trải hắc ín dài chừng 200 thước dẫn vào cửa trước của nhà dưỡng lão. Con đường tróc lở, nhiều ổ gà, rộng vừa đủ cho một chiếc xe hơi. Như tên gọi, đây là nhà dưỡng lão đầu tiên trong vùng, có số tuổi trên năm mươi. Và đây cũng đúng là một gia đình có nhân số chưa quá mười người trong căn nhà trệt hơn 5000 feet vuông, lỗ chỗ những vết nứt trên tường vôi, lần lần bị che mất bởi những ngôi nhà cao.

    Thật sự thì tôi đã từng đến đây trong 9 năm qua, mỗi năm ít nhứt là một lần vào đầu tháng Tư. Đến nhà dưỡng lão lần nầy tôi thấy có vài chuyện muốn được chia sẻ cùng quí đọc giả. Tôi biết chắc chẳng bao lâu cơ sở nầy sẽ phải đóng cửa vì thua lỗ. Sức người có hạn. Lòng người cũng có hạn. Và những người tôi sắp nhắc đến sẽ không còn. Thời gian soi mòn hết, từ vật đến người. Kể cả tình người!

 

1. Chuyện Người Giám Đốc Không Giống Ai.

 

    Tôi biết bà Anita Coleman từ hơn 15 năm nay. Lần đầu tôi gặp bà tại một văn phòng khai thuế của công ty H&R Block mà tôi là một nhân viên làm việc bán thời gian. Tôi là người phụ trách hồ sơ của bà hôm ấy. Từ đó mỗi năm cứ vào mùa thuế là tôi lại gặp bà. Sự thân thiện của chúng tôi cũng tăng hàng năm. Lúc ấy bà Anita đang làm y tá trưởng cho một bịnh viện lớn trên đường Fannin, đồng thời bà còn làm thêm tại một vài bịnh viện khác nữa. Lợi tức hàng năm của bà không năm nào là dưới trăm ngàn. Vậy mà một hôm cách đây 9 năm, bà Anita cho tôi hay bà sẽ bỏ hết công việc ở đây để về vùng Magnolia chăm sóc một nhà dưỡng lão do mẹ bà làm chủ từ mấy chục năm nay. Nay bà mẹ già yếu chính bà cũng cần được chăm sóc. Từ đó hồ sơ thuế của bà Anita và cơ sở của bà do một văn phòng dịch vụ tài chánh khác đảm trách. Có lẽ sau nhiều năm quen biết, Bà Anita dành cho tôi một chút tin tưởng nào đó nên bà chỉ yêu cầu tôi mỗi năm ghé lại nhà dưỡng lão của bà vào thượng tuần tháng Tư để lược xét hồ sơ trước khi gởi đi. Dịch vụ nầy tôi chỉ tính tiền với gía tượng trưng lần đầu, sau đó thì hoàn toàn miễn phí vì cơ sở của bà Anita càng ngày càng lỗ lã. Sự thua lỗ nầy đã có từ nhiều năm trước do mẹ bà Anita vừa là chủ vừa là quản lý. Không phải là cơ sở bất vụ lợi nên không có một trợ giúp nào về tài chánh từ chánh phủ hay từ tư nhân. Cơ sở được điều hành với tính cách gia đình, tuỳ tiện, không có những luật lệ về tài chánh bó buộc. Người già cần nơi an dưỡng thì cứ đến, sẽ được ân cần đón tiếp. Những chuyện tiền nong hay chuyện có bảo hiểm sức khỏe hay không là thứ yếu. Người ta không ngạc nhiên khi biết bà Anita đã dành phần lớn lợi tức của bà phụ với mẹ làm cho cơ sở đứng vững. Từ khi bà Anita trực tiếp quản lý cơ sở thì hàng đêm bà phải dành 4 tiếng đồng hồ làm việc tại 1 bịnh viện trong vùng để góp vào chi phí điều hành. Ban ngày thì bà túc trực đích thân lo cho bịnh nhân cùng với một y sĩ  đến khám bịnh khi cần. Cũng có vài người hưu trí thay phiên đến giúp bà từ chuyện văn phòng đến việc nấu nướng và quét dọn vệ sinh. Sở dĩ có tình trạng thua lỗ vì những người đến đây đa số là người vô gia cư hay những di dân bất hợp pháp từ vùng Nam Mỹ. Cũng có người Việt Nam lớn tuổi sang Mỹ theo diện đoàn tụ, không có một chương trình bảo hiểm nào, được con cháu đưa vào đây nhờ giúp đỡ.

    Việc làm của gia đình bà Anita quả là điều lạ trong một xã hội yêu chuộng tiền tài vật chất và trong một đất nước có chi phí y tế phi mã.

    Người ta thi nhau làm giàu qua dịch vụ y tế, sức khỏe, thì bà Giám Đốc Anita đang tiếp bước mẹ mình lội ngược dòng. Bà Anita mỗi ngày phải tốn nhiều công sức và tiền bạc của chính mình kiếm được qua những đêm mất ngủ để làm tốt dịch vụ nầy. Đấy chẳng phải là điều lạ sao? Không biết thế giới nầy có mấy người với trái tim lớn như bà Anita?

 

2. Chuyện Người Di Tản Buồn

 

    Tôi viết những dòng này vào đầu tháng Năm, vài ngày sau cái móc Ba Mươi Bảy Năm đánh dấu ngày làn sóng trên một trăm năm mươi ngàn người đầu tiên ồ ạt bỏ nước ra đi sau ngày Miền Nam đổi chủ. Dù đã ba mươi bảy năm qua, người di tản buồn thì vẫn buồn. Người di tản khỏi đất nước mình dù có bám trụ bám rễ trên đất người thì vẫn là lưu vong. Người lưu vong thì làm sao mà vui cho được, phải không? Từ cái ngày đó, người-di-tản-buồn thì ta có thể gặp bất cứ ở đâu, ở chính mình và ở những đồng hương. Cho nên viết về câu chuyện người đồng hương đang sống những ngày tàn trong một nhà dưỡng lão hẻo lánh cũng là dịp để nhắc nhở mình, rằng có những người đã ra đi, cũng như có những người vẫn đang bám đất ở quê nhà không làm sao tránh được những nỗi buồn. Cô đơn cũng là nỗi buồn. Những nỗi buồn nầy chỉ có thể đem giấu vào cái chết mà thôi.

“Đó là bác Trần. Bác vào đây được ba tháng rồi”, bà Anita chỉ người đàn ông đang ngồi trên xe lăn ở cuối hành lang, đầu ngoẹo sang một bên, miệng há hốc. Trên đoạn đường ngắn đi về phía bác Trần tôi đã gặp 3 người khác cũng ngồi xe lăn. Người mà tôi đoán là ít tuổi nhứt chắc cũng không dưới bảy mươi. Khi tôi đi ngang qua, họ quờ quạng đưa những cánh tay khẳng khiu tìm tay tôi, mắt thì mở trừng trừng mà như không thấy gì, miệng thì ú ớ những tiếng không ai hiểu được. Có một người một tay cầm dĩa thức ăn gồm có bắp hột trộn với nuôi, một tay cầm cái nĩa kiên nhẫn lùa từng hột bắp vào miệng. Cả hai tay đều run nên không có một hột bắp hay một con nuôi nào vào miệng được. Đến gần bác Trần tôi mới thấy rõ chất nước vàng vàng chảy thành dòng từ cái miệng há hốc của bác đang say ngủ. Lúc tôi sửa lại thế ngồi cho bác Trần thì bác thức giấc. Bác Trần nhìn tôi với cái nhìn mà đã gần tháng nay tôi không quên được. Cái nhìn vừa thân thiện, vừa sợ hãi, vừa vui mừng, vừa buồn bã. Tôi nhớ hình như mình đã từng gặp nhiều lần, thật nhiều lần, những tia mắt như vậy ở đâu đó quanh tôi. Thân người bác nhỏ thó ngồi thẳng dậy như cố vươn ra khỏi chiếc ghế quá rộng. Đôi mắt bác mở lớn mà hai khóe miệng thì căng ra, hơi thở dồn dập, đôi tay nắm chặt thành ghế. Mười ngón tay không khác gì mấy que cây khô, có thể gãy bất cứ lúc nào. Áng chừng mươi giây đồng hồ sau khi nghe tôi nói lời chào, bác Trần mới định thần, khẽ gục gặc đầu. Sau đó tôi nói thêm vài câu thăm hỏi rồi giả từ bác ra về. Gặp nhau lần đó bác Trần không muốn nói nhiều. Những lần sau thì khác. Gặp tôi bác vui như gặp người thân. Bà Anita nói sau lần bác gặp tôi lần đầu, bác Trần gần như  ngày nào cũng ngồi xe lăn ra cửa chánh, có ý chờ tôi đến. Lúc trước, khi mới được con cháu đưa vào đây, ngày nào bác Trần cũng mong họ đến. Họ đến thêm được một vài lần nữa rồi thôi. Biết như vậy nên bác Trần chỉ muốn ngồi ở cuối hành lang, ngủ gà ngủ gật, hay chơi với con chó Lyly để khỏi phải mong ngóng. Từ ngày gặp tôi, bác Trần có vẻ vui hơn, cởi mở hơn. Bị một lần tai biến mạch máu não, bác Trần nói năng có khó khăn nhưng tôi nghe hiểu được tâm sự của bác. Suốt những lần tâm sự, không một lần bác trách cứ một người nào, ngược lại bác đã tự trách mình là đã sang đây để làm phiền con cháu. Chỉ đôi ba lần gặp gỡ, tôi rất thông cảm cho người nông dân Miệt Thứ, cả đời chỉ biết có ruộng đồng, cá mắm; sang đây với một ý muốn độc nhứt là gần gũi con cháu; chớ bác đâu hiểu được những khó khăn, những trắc trở ngoài sự tưởng tượng của bác. Bác nhớ quá cái nón mê, cây phãng bén ngót và những cốc rượu đế cà kê dê ngỗng với thằng Ba, chú Tám…Hai cái tên của hai thằng cháu nội, dù đã méo mồm, uốn lưỡi…thiếu điều muốn trẹo bảng họng mà bác cũng chưa lần nào gọi cho trúng! Bây giờ thì quên phứt các cháu tên gì rồi. Chắc cũng chẳng đứa nào còn nhớ rằng chúng đang còn grandpa ở đâu đó!

    Bác Trần là người thứ hai tôi gặp tại nhà dưỡng lão nầy. Người thứ nhứt là bà Hai, tục gọi là bà Hai Vàm Láng, vốn là người hàng xóm của nhà tôi hồi ở vàm Láng. Năm năm trước bà rời nhà rồi quên lối về.  Cảnh sát tìm được bà sau 2 ngày đi lạc. Tuần sau sự việc lại xảy ra tương tự. Con gái khóa cửa, bà Hai ngồi trong nhà, khóc suốt ngày. Do sự hướng dẫn của tôi, chị con gái út của bà Hai đưa bà vào đây. Bà Hai có đủ quyền lợi về bảo hiểm sức khỏe của chánh phủ, các con cháu không phải trả một phí khoản nào. Bà Hai bị bịnh mất trí nhớ, và không thể tự mình lo cho mình được, mà con cháu thì “không rảnh” để lo cho bà. Có điều lạ là bà Hai không quên những chuyện lúc còn ở quê nhà. Gặp chúng tôi bà có dịp nhắc lại bao nhiêu chuyện cũ. Có chuyện vợ tôi còn nhớ nên cùng góp chuyện với bà làm bà thêm hào hứng, nói hoài không biết mệt. Cũng vẫn những chuyện ấy bà Hai cứ lặp lại mỗi lần chúng tôi đến thăm. Có một điều rất tốt cho bà Hai là hình như bà đã quên hẳn các con cháu nên bà chẳng hề nhớ rằng đã từ lâu các con cháu không đến thăm bà. Cái quên nầy thật là cần thiết, tiết kiệm được mấy giọt nước mắt già nua! Chỉ có một lần tôi thấy bà vò đầu con Lyly mà tưởng rằng mình đang vò đầu thằng cháu ngoại, bà đớt đát nói với con chó: “Sao lâu quá rồi ngoại hỗng thấy ba má con vô thăm ngoại?” Nghe thấy vậy nhà tôi phải quay mặt về hướng khác, chậm nước mắt. Sau đó chừng non một tháng thì bà Hai mất. Không biết trước khi nhắm mắt bà Hai có gặp được đứa con, đứa cháu nào không. Hay chỉ một mình con Lyly bên cạnh?

    Bà Hai đã ở đây và đã ra đi từ 4 năm trước. Bây giờ là bác Trần. Bác Trần chắc cũng không còn ở đây bao nhiêu ngày nữa. Tôi ước ao trong những ngày còn lại bác Trần sẽ như bà Hai, quên hẳn những gì bây giờ để chỉ nhớ chuyện xưa, chẳng hạn như chuyện dặm cù bắt chuột, chuyện đặt trúm giăng câu của những ngày bác còn là nông dân ở Miệt Thứ.

 

    Ba mươi bảy năm rồi vết thương cũ vẫn còn mưng mũ. Và những vết thương mới bỗng xuất hiện như một nỗi đau ngậm ngùi. One Thousand Tears Falling. Tựa 1 cuốn sách của một đồng hương Bang Thạch. Lệ vẫn rơi ngàn giọt trên phận người ly xứ! Rơi trên mặt, rơi trong lòng.

 

3. Chuyện Con Lyly

 

    Ở phần trên tôi có vài lần nói phớt qua về con chó Lyly trong nhà dưỡng lão của bà Anita bạn tôi. Thật sự thì khi nghĩ tới đề tài để viết chuyên mục Quanh Cuộc Sống Chúng Ta cho số tạp chí kỳ nầy, tôi muốn chỉ viết về con chó Lyly thật độc đáo nầy. Nhưng triều suy nghĩ của tôi bỗng gặp phải một người Mỹ tốt bụng và hai người đồng hương tội nghiệp, nên phải viết dông dài như trên. Nhân vật chánh Lyly trở thành nhân vật phụ.

    Lyly là tên của con chó lông xù mịn, mỏ bằng, mũi thấp, mắt đen, tai có hình trái tim, chân thấp, thuộc giống Pekingese, một loại chó xuất hiện tại Trung Hoa từ thế kỷ thứ 8, là loại chó quí, rất thông minh, dễ dạy và trung hậu, hay vòi vĩnh, được nuôi trong nội cung và các nhà quyền quý, nặng từ 6 pounds đến 14 pounds. Có thời những con Pekingese còn được coi là một linh thú ở Trung Hoa. Pekingese nhập vào các nước phương Tây từ những năm 1860.

    Mẹ của bà Anita nuôi con Lyly từ khi nó mới được sinh ra, đến nay con Lyly đã trên 10 tuổi. Nếu so sánh với tuổi con người thì Lyly đã là bà già bảy mươi. Bà già bảy mươi nầy đã vô hình chung ở trong nhà dưỡng lão từ khi còn thơ ấu. Có lẽ nhờ vậy mà Lyly có những nét độc đáo đến nỗi một đài phát thanh địa phương đã có lần giới thiệu cùng thính giả. Đó là việc Lyly từ nhiều năm nay đã là người bạn thân thiết của những người cao niên, bịnh tật trong nhà dưỡng lão The First Family Health Care. Lyly phụ giúp người già. Lyly làm trò vui. Lyly làm cho người già bớt cảm thấy cô đơn. Ông cụ làm rơi chiếc dép ở đâu đó, Lyly đi tìm, tha về cho ông cụ. Bà cụ bị nghẹt thở, nói không ra tiếng, Lyly chạy đi tìm bà y tá. Ông cụ buồn bã, Lyly nhảy nhót, cúp đuôi, nhăn mặt làm trò hề. Bà cụ tựa cửa ngồi chờ con cháu đến thăm, Lyly ngồi gọn trong lòng bà như một cử chỉ vừa thân mật, vừa an ủi. Bà cụ vuốt lông Lyly mà ngỡ mình đang vuốt ve đứa cháu ngoại đã bặt vô âm tín. Tôi có cảm nhận là ai trong viện dưỡng lão nầy cũng đều là bạn chí cốt của Lyly; họ nghe, hiểu và chuyện trò với nhau bằng cảm ứng giữa hai trái tim đồng cảm, đồng sàng, đồng mộng.

    Từ 10 năm nay không ai nhớ được là Lyly đã làm bao nhiêu công việc lợi ích cho những thân phận già nua, cô đơn trong nhà dưỡng lão. Nhưng có một điều mà người ta vẫn nghĩ là những người già cả tội nghiệp từ nơi đây mà ra đi thế nào cũng mang ít nhiều hình ảnh dễ thương của con chó Lyly, một người bạn thân lúc nào cũng có mặt bên cạnh họ. Thay vì họ mang theo hình ảnh các con cháu mà gần suốt một đời mình đã sanh ra, tâng tiu và nuôi nấng!

Càng nói nghe lòng càng xốn xang!!!

Không biết tôi có lầm không khi đặt tên cho vùng đất tạm dung này là Hữu Tâm. Ở xứ Hữu Tâm mà sao có những người thiếu trái tim vậy cà!?

Trần Bang Thạch

Houston, TX

 

SAU 10 NĂM, VẪN LÀ CÁI TÌNH CHỮ NGHĨA

Bạn già Trần Hoài Thư nhắc mới nhớ: Tháng 10 này là kỷ niệm năm thứ 11 THƯ QUÁN BẢN THẢO. Không phải là vô tình, nhưng thời gian sao mà nhanh quá khiến mình bắt không kịp. Mới đó mà đã một thập niên! Tự nhiên nhớ câu nói của anh nhà quê trong 1 phim truyền hình: Đời người đâu có mấy cái mười năm! Đâu có mấy nhưng TQBT đã chiếm 1 rồi. Như vậy có thể nói được không: TQBT đã là một phần đời sống của những người thực hiện, của người viết và của người đọc. Không có 3 cái này thì chắc không có cái mười năm qua, hay cái mười năm kế tiếp.

Người đọc thì không nhiều nhưng ở khắp nơi. Báo vừa ra lò ở New Jersey thì 3 hôm sau một cháu gái của PVN ở Sài Gòn đã cầm trên tay 3 tập từ NM. Người bạn thơ chăn vịt ở Tầm Vu thì nhận vài tuần sau, có khi cả 2, 3 tháng sau, có khi mất trắng. Hắn nói: càng lâu thì càng dài nhớ mong! Người ta mong nhận, rồi đọc, rồi giữ. Lâu lâu không thấy thì hỏi. Có người nhận hoài cũng thấy kỳ, muốn tiếp chút đỉnh chi phí in ấn thì bịThủ Hầm phu nhân từ chối khéo. Lúc trước nghe tin vài đọc giả còn gởi quà về cho mấy người viết trên TQBT đang gặp cảnh ngặt nghèo. Cảnh khó của bạn văn nơi quê nhà thì không biết chừng nào mới hết, nhưng người ta sẽ biết sợi dây nối giữa người đọc và người viết thì thật là thơm tho ngọt ngào qua sân chơi chữ nghĩa TQBT. TQBT còn đem đến cho người đọc của mình những món ăn tinh thần không giống ai vì không có ai làm giống như họ. Đó là các ấn phẩm qua công khó sưu tầm từ các thư viện hay từ bằng hữu tốt bụng, rồi tổng hợp, rồi ấn hành thành những tập thơ, văn thời chiến dày cộm. Thỉnh thoảng có tập truyện, tâp thơ …được Thư Ấn Quán phát hành (đa số là không được phát hành trong nước) hay tái bản gởi kèm với TQBT. Người đọc hẳn là thích lắm với những món quà văn chương bất ngờ nhưng đáng quý này.

Trộm nghe rằng rất nhiều đọc giả TQBT là những người trong giới làm VHNT ở hải ngoại và những người viết trước 75 hay những nghiên cứu sinh trong nước bây giờ.

Người đọc thì vậy, còn người viết thì sao?

Còn nhớ tập đầu tiên phát hành Tháng 10-2001dày chưa tới 140 trang với 9 tác giả. Sau đó thì tập nào cũng quá 200 trang với trên 50 tác giả. Tác giả ở đây, qua những sáng tác của họ hiện nay hay qua bề dày sinh hoạt VHNT từ trước 1975 là những Nhà văn, Nhà thơ, Nhà phê bình, Nhà nghiên cứu văn học.

Có lẽ một trong những cái thích thú của đọc giả TQBT là được tiếp tục đọc dòng văn chương tưởng đã mất, “gặp” lại một số khá đông những cây bút một thời được gọi là những cây viết trẻ thời chiến trên các tạp chí VHNT trước 1975. Thấy những cái tên bây giờ mà nhớ những trang Bách Khoa, Văn, Khởi Hành, Văn Học, Khai Phá, Ý Thức... buổi trước. Đọc thơ văn của họ trên TQBT hôm nay vẫn cảm thấy như có chất men tác động vào tâm thức mình. Thử đọc lại mấy câu của Phạm Ngọc Lư mà rùng mình: Chiến trường ném binh như vãi đậu/ đoàn quân ma bay khắp bốn phương/ Lớp lớp chồm lên đè bẹp núi/ Núi mang cao điểm ngút oan hờn/ Đá mang dáng dấp hồn chinh phụ/ Chơ vơ chóp núi đứng bồng con/ Khu chiến ngày tràn lan lửa dậy/ Đá vọng phu mọc khắp biên cương. Hay đọc Từ Thế Mộng để nhớ người lính chết trẻ Y Uyên: Mấy trùng khơi cách ngươi nằm xuống/ Nora còn chùng bông cỏ may/ Nora chùng lòng dăm đứa bạn/ Thương ngươi không thể cầm trong tay.

Phải chăng ta đang thấy lại một thời tuổi trẻ trong cơn oằn oại của lịch sử đất nước mình? Còn nữa. Nguyễn Bắc Sơn thì làm cho người đọc ngơ ngác lạc đường vào thi ca: Em ni cô ta là thi sĩ/ Có lúc thần tiên, lúc ngạ quỷ/ Cầm kinh địa tạng ở trong tay/ Mà uống rượu sầu, say bí tỉ. Nghe Hoài Ziang Duy nhắc lại mấy cái tên, như anh ròm cận thị Mạc Phong Lan ở đường Phủ Cui, như người bạn trẻ tài hoa Lưu Nhữ Thụy ở Châu Giang. Đọc Ngô Nguyên Nghiễm vẫn thấy hình dáng của một thiền sư của năm non, bảy núi. Rồi nhớ Núi Sam và chùa Cô Ba Tràng. Nhớ anh Hưng Nông với đường banh vừa chạy ngược, vừa xoáy như bông vụ trên mặt bàn pingpong. Chỉ một bài viết cũng đủ làm mình thấy lại một thời văn thơ Châu Đốc và nhớ mấy người bạn cũ. Bây giờ đọc truyện Nguyễn Lệ Uyên vẫn nghe giọng văn và chữ nghĩa thật quen; nhưng những ghi nhận qua cây bút sắt Ng~ của Xứ Bàn Chải, Xương Rồng thì bén như dao cạo và tung hoành như trường thương Triệu Tử Long phò ấu chúa vào chỗ không người. Nguyễn Minh vẫn mày mò với những truyện ngắn mà dài với nhiều tình tiết như thật khiến đã đọc thì không thể ngừng giữa truyện. Mới đây đọc chủ đề Bách Khoa thấy lại gương mặt tròn, phúc hậu của Chủ Nhiệm Lê Ngộ Châu rồi nhớ món nhuận bút đầu tiên đủ mua cái giường ngủ có nệm cho con trai đầu lòng; bây giờ nó đã trên bốn chục rồi. Tranh bìa của TQBT là những bộc phá: Lúc đầu là những tranh loại Picasso của TQT (cha làm thì con phải giúp?), mới nhất là tranh 2 chiếc ghế trống với dấu hỏi và dấu than của Du Tử Lê. Đây có phải là những ngạc nhiên thích thú?

Xin được dùng chữ vân vân ở đây vì làm sao nói hết được hàng trăm tác giả, mỗi người một vẻ, từ 10 năm nay trên TQBT với 49 số báo.

Một tạp chí văn học sanh ra giữa thời báo mạng, báo trên trời, báo chợ, thời cái gì cũng net, cũng online… mà lại không bán và không quảng cáo có thể sống tới bây giờ thì có vẻ khó hiểu, phải không? Không khó hiểu đâu khi mình có cái giao tình chữ nghĩa giữa người đọc, người viết và người làm tờ báo.

Nhớ hồi ra số báo đầu, THT phải hoản lại vài ngày để đưa vào ảnh chụp Tòa Tháp Đôi ở Nữu Ước đang bốc cháy và 4 câu thơ: Ta đứng bên này bờ Nữu Ước/ Bên kia thành phố khói che trời/ Dưới bóng hoang tàn thê thảm ấy/ Xin tìm dùm anh em mất tích Twin Towers. Cả nước Mỹ vừa làm Lễ Tưởng Niệm 10 năm Ngày11 tháng 9.  Mười năm nay, sau ngày thê thảm ấy, tinh thần dân chúng Mỹ có suy suyển chút nào đâu.

Cơn sóng dữ của tháng Tư Bảy lăm quả đã làm mất quá nhiều thứ. Người Thủ Hầm THT từ 10 năm nay cũng đứng bên này bờ Nữu Ước đi tìm dòng thơ văn mất tích bên kia trời.. Bạn già ta có thể một mình trên xa lộ dẩn đến thư viện Quốc Hội Hoa Kỳ, thư viện Cornell, Yale…hay 2, 3 giờ sáng còn ở dưới hầm nhà, nhưng cái tình chữ nghĩa chắc không làm bạn cảm thấy cô đơn, phải không Người Thủ Hầm THT?

Houston, Oct 2011

TBT

THÊM 1 TIẾNG ĐỘNG ĐÃ TẮT!

Chỉ mới gõ dòng tựa trên tôi đã muốn ngừng tay. Đã tắt một tiếng động nữa rồi. Thật sao? Không có gì thật hơn sự ra đi của người bạn thơ Triều Uyên Phượng. Và không có gì buồn hơn khi cứ lần lượt nhìn nhóm bạn mình mỗi ngày một thu nhỏ.

Còn nhớ trong một tập Thư Quán Bản Thảo đầu năm 2006 ký Nguyễn Cát Đông, tôi có viết một bài về Trần Như Liên Phượng. Trong đó tôi có nhắc đến những cây bút nồng cốt của tạp chí văn học Tiếng Động đã lần lượt ra đi, đã tắt tiếng từ lâu. Câu cuối của đoạn văn này tôi nhớ đã viết: “Hình như bây giờ còn lại chỉ có Triều Uyên Phượng và Nguyễn Cát Đông”.

Hơn 5 năm sau bài viết nầy, Triều Uyên Phượng cũng đã ra đi. Tôi hay tin rất muộn. Biết cuộc sống đầy khó khăn, vất vả của bạn mình cũng rất muộn. Ngỡ ngàng trong xúc động. Vừa ngậm ngùi âm thầm tiễn bạn, vừa mừng cho bạn đã phủi sạch nợ trần.

Nghĩ lại mà giựt mình. Tiếng Động là 1 tạp chí có mệnh yểu, chỉ sống èo uột, bất định kỳ có 8 tập. Chào đời đầu 1964, chết giữa năm 1967. Những cây viết nồng cốt ban đầu của Tiếng Động thì cũng yểu mệnh, như Trần Như Liên Phượng, Lan Sơn Đài, Lê Văn Hiến, Quách Dược Thanh, Ưu Thức,  Mai Huỳnh Văn, Kiều Tâm Khánh…

Đối với tôi, Triều Uyên Phượng chết trẻ bởi vì từ ngày biết nhau, nhất là từ khi Phượng gia nhập Tiếng Động ở tuổi 16, 17, từ tướng tá nhỏ nhắn, gầy còm với đôi kính cận dày cộm…chúng tôi coi Phượng như đứa em út của Tiếng Động. Đến bây giờ trong trí tôi Phượng vẫn là một bạn nhỏ chịu chơi của hơn bốn mươi năm trước. Phượng có người anh ruột từng làm tỉnh trưởng Sóc Trăng sau lên đến chức Tổng Ủy Trưởng Tổng Ủy Công Vụ thời Đệ Nhị Cộng Hòa nhưng cậu công tử họ Quách tên Phụng Hiếu của Sóc Trăng, bút danh Triều Uyên Phượng, sống rất bụi đời. Mỗi khi gặp chàng là y như thấy cái áo sơ mi tay ngắn màu xanh lục nhạt. Tóc không nhiều nên có lẽ chàng chưa hề cần cái lược, cứ để mấy cọng tóc nằm ngồi tự nhiên trên cái đầu hơi nhỏ so với cái cổ cao. Phượng không bao giờ nhắc tới cái “đại gia” của nhà mình ở trong khu hành chánh bên kia Cầu Bon. Chàng lãng tử ít khi có mặt ở nhà. Nhưng nhiều khi có mặt ở nhà các bạn văn thơ tại tỉnh nhà hay các tỉnh lân cận. Bạn bè nhiều nên thuốc lá, bia rượu nhập vào cái thân thể mỏng như lá cỏ nầy cũng nhiều. Thuở đó tôi không nghĩ Phượng có người yêu. Bạn bè đã chiếm hết thì giờ của Phượng. Vậy mà Phượng nổi tiếng, nhất là trong giới học trò, là nhà thơ của tình yêu. Những bài thơ tình yêu không vui. Thơ tình buồn, phần lớn là thể thơ 4, 5 chữ. Mới đầu xoàng xoàng xuất hiện trên Tiểu Thuyết Thứ Năm, Ngàn Khơi…sau leo tới Văn, Bách Khoa… với những bài thơ gọi là thơ tự do…Thơ Phượng là những ưu tư, thắc mắc, quạnh hiu, vật vã…của người tình cô đơn, hoang mang trước cuộc chiến. “Em” trong thơ Triều Uyên Phượng chắc chỉ là một cái bóng để nhà thơ gởi những ưu tư của mình:

Nhiều lúc anh tự hỏi không biết chiến tranh để làm gì
không biết để làm gì
nhưng dù không biết để làm gì đi nữa
hãy nhớ hôn anh một lần đi
em nhé.

Mà thời đó, những người gọi là cây bút trẻ, ai mà chẳng vậy. Tình yêu phải là đau khổ để có chất men mà mần thơ. Cuộc chiến, đối với một số, cũng là cái mẫu số chung để viết.
 

Còn nhớ đầu năm 1964 lúc Lan Sơn Đài dạy học tại Sóc Trăng, Đài cùng với Phượng có ý làm một tạp chí văn học. Tại quán cà phê chị Thầu bên đường Nguyễn Trường Tộ, góc Nguyễn Thái Học, Cần Thơ, chúng tôi, năm sáu người, bàn “chuyện lớn”. Thời đó chỉ có Lan Sơn Đài là có chút tiền lương giáo viên, những người còn lại là  học trò hay lính tráng. In 1 tạp chí lúc bấy giờ là chuyện lớn. Lúc đầu tạp chí mang tên Tiếng Động Mùa Hạ vì chỉ mong có khả năng tài chánh làm mỗi năm 1 số vào mùa Hè. Làm chơi thôi. Sau số 1 và 2 thì trở thành Tiếng Động vì xuất bản bất định kỳ. Bất kể Hạ hay Xuân hay Thu…kiểm duyệt xong và kiếm đủ tiền in là trình làng. Trụ sở bất thành văn của tòa soạn là quán cà phê của chị người Miên bên hông rạp chiếu bóng Nguyễn Văn Kiểng trên đường Lý Thường Kiệt ở thị xã Sóc Trăng. Hình như mỗi lần chuẩn bị bài vở hay phát hành đều xuất phát tại quán chị Thầu hay quán chị Miên. Báo in ít, tiền vốn ít nên không dám gởi nhà Tổng Phát hành Nam Cường. Mỗi đứa chia nhau đi phát hành. Năn nỉ các chủ sạp báo ở Sài Gòn, Cần Thơ, Sóc Trăng, Long Xuyên, Vĩnh Long…để gởi bán. Rất ít khi thu được tiền. Mà nếu thu được đồng nào thì gởi vào các quán cóc. Không sao. Vui là đủ rồi.

Tại Cần Thơ chúng tôi còn có 2 chỗ khác để thường xuyên gặp nhau là nhà của Kiều Tâm Khánh tại số 59 đường Cống Quỳnh tại Bến Nhị Kiều và thỉnh thoảng những khi Trần Như Liên Phượng ghé ngang thành phố Cần Thơ, chúng tôi cà phê cà pháo tại quán Thái Ký đường Ngô Quyền. Thuở đó tôi không thường xuyên đến những nơi nầy để họp với các bạn, nhưng mỗi khi tôi đến, dù ở Sóc Trăng hay ở Cần Thơ thì đều gặp Triều Uyên Phượng. Phượng như có đôi hia vạn dặm, đang ở nơi nầy, thoáng cái đã ở nơi kia. Vài bạn văn khác trong ban biên tập tôi cũng có gặp; chỉ có Quách Dược Thanh thì tôi chưa bao giờ gặp dù anh ở tại Sóc Trăng trước khi anh nhập ngũ và sau đó phục vụ tại Đà Lạt.

Phượng thích gặp bạn nhưng ít khi góp tiếng. Tại bàn cà phê, chàng cứ rít từng hơi thuốc dài, rồi hớp một tí cà phê. Hình như tôi chưa thấy tách xây chừng nào cạn trước mặt Phượng. Tôi cũng chưa nghe Phượng đọc thơ của mình lần nào; đọc thơ bạn thì có. Lan Sơn Đài cũng ít nói. Mai Huỳnh Văn, Ưu Thức cũng ít nói. Trần Như Liên Phượng lại càng ít nói hơn. Vậy mà ngồi quán mòn hết đáy quần, hết bình trà nầy xin thêm bình khác. Chủ quán nào cũng cười trừ.

Mùa Hè 1965 tôi lên Sài Gòn học, ở trong Đại Học xá Minh Mạng. Lan Sơn Đài bị động viên, đi lính công binh ở Đức Hòa, Đức Huệ. Mặc nhiên Tiếng Động đặt tòa soạn tại đại học xá Minh Mạng. Kiểu chữ tựa báo thay đổi. Nhiều cây viết nổi tiếng cộng tác. Không biết nhắn gởi thế nào mà khi Lan Sơn Đài ghé “toà soạn” ở Sài Gòn thì thường có anh chàng tong teo, mang cặp tròng kiếng dầy như hai cái khu tô tháp tùng. Tôi nhớ Phượng được hoản dịch vì do cận thị nặng (?). Thời gian nầy thơ Phượng vẫn mang tính chất tuổi trẻ lãng mạn, nhưng đã thoát ra hẳn những tình cảm riêng tư, đơn sơ của tuổi học trò. Người đọc thấy tình yêu trong thơ Phượng ẩn chứa những suy tư và có rất nhiều vấn nạn của cuộc đời trước mặt. Phượng viết những bài thơ làm theo thể thơ tự do càng nhiều ở thời gian nầy:

Chàng mãi loay hoay trí nhớ
sao bầy mối cứ đùn lên hoài
tội nghiệp cho tuổi trẻ chàng
thật tội nghiệp hết sức

Tôi không có trí nhớ tốt để nhớ thơ bạn bè hay cả thơ của mình nên rất tiếc là không ghi được nhiều thơ của Triều Uyên Phượng để thêm hoa lá cành cho bài viết.

Cho tới bây giờ tôi vẫn thắc mắc về cái chết của Tiếng Động. Chắc chắn không phải vì thiếu tiền. Hình như Lan Sơn Đài đổi đi xa Sài Gòn? Hay tôi đang bận với tờ Chỗ Đứng của Ban Đại Diện Sinh Viên ĐHSP/SG từ Hè 1967? Lúc nào là lần cuối tôi gặp các bạn Tiếng Động? Quá nhiều năm đã trôi qua, trí nhớ cùn hết trơn hết trọi rồi!

Nói gì thì nói, tới hôm nay thì các bạn tôi đã lần lượt ra đi gần hết cả rồi. Người ngoài mặt trận, kẻ trong tù, người bịnh lao, kẻ bịnh gan. Những người tình cờ có cái tên gần giống nhau và đã một thời tình cờ ngồi lại với nhau đã rủ nhau mà đi: Đặng Văn Hiểu (Lan Sơn Đài), Quách Phụng Hiếu (Triều Uyên Phượng), Lê Ngọc Hiến…chắc đang gặp các bạn mình bên quán cóc nào đó ở thế giới bên kia. Có lẽ ở đó cũng có quán chị Thầu, chị Miên để các bạn đấu hót? Nhớ mua bao thuốc lá hiệu Lucky cho trung úy Trần Văn Thạch (TNLP) để chàng hy vọng điều may đến trước lằn tên mũi đạn, thuốc Bastos xanh cho Hiểu và Hiếu. Kiều Tâm Khánh có tật bập bập điếu thuốc phá mồi, nhưng phải là Capstan của ông giáo Lê Ngọc Hiến mới chịu.

Các bạn đã gặp nhau rồi đó. Vui đi nhé! Phượng nhí giờ nầy cũng nhẹ tênh hình hài, dại gì mà không nhập bọn để vui lên hở bạn!

Viết về một thằng bạn mới mất mà toàn kể chuyện đâu đâu. Thật chán mớ đời!

Đầu tháng 8/2011

Trần Bang Thạch

Đọc : Giỡn bóng chiêm bao

của Trần Phù Thế

 

 

TẬP THƠ DO THƯ ẤN QUÁN IN NĂM 2003 TẠI  New Jersey, Hoa Kỳ, dày 122 trang, bìa trước tranh Trần Quí Thoại, bìa sau tiểu sử và ảnh tác giả, giá bán 9 MK.

Tập thơ gồm 51 bài thơ in trên giấy tốt, cộng phần phụ lục gồm 3 bài viết về thơ Trần Phù Thế của 3 bạn thơ lâu năm của tác giả là Nguyễn Cát Đông, Lâm Hảo Dũng và Trần Hoài Thư.

 

Trong một bài viết về thơ Trần Phù Thế trước đây, tôi có nói rằng tôi đã có dịp đọc thơ anh từ ba, bốn mươi năm trước, từ đầu thập niên 60, bây giờ đọc lại tôi thấy mình như đang đi trên một con đường làng cũ sau nhiều năm trôi giạt giang hồ. Cảnh sắc hai bên đường có cái thân quen mà cũng lắm điều lạ. Vẫn những tiếng ve râm ran, những tiếng chim véo von trong vườn cũ mà nghe sao có chút nghẹn ngào. Và tôi bỗng cảm nhận đâu đó quanh tôi đã có những mất mát đến không ngờ; ngược lại, cũng có những gặp lại đến không ngờ. Những cảnh, những người, những ve, những chim có đó mà như không, như không mà như có. Những bài thơ tình tha thiết nồng nàn của chàng trai mới lớn, những bài thơ viết về một quê hương êm đềm mà tôi có dịp đọc trước đây của anh, nay trong Giỡn Bóng Chiêm Bao đã mang một dáng hình khác. Chẳng hạn như anh viết về quê hương: sau một cơn dâu bể, quê hương bây giờ như một xa cách đớn đau:

là ta cách biệt quê nhà,

nghe mưa xót ruột đau và miếng cơm, 

 

Có quê hương ở đó mà không có bước trở về:

Phân vân không nẽo quay về,

muốn lên phía bắc lại lìa phương nam,

mỏi lòng một dấu chấm than,

bâng khuâng một góc trời tàn quê ta.

 

Không phải chỉ có Trần Phù Thế mới cảm nhận một quê hương như vậy; chắc chắn là nhiều người trong chúng ta mỗi lần và miếng cơm đều thấy một quê nhà xa cách. Cả khi có dịp bước chân trên con đường làng cũ có mấy ai không thấy cái cảm tưởng xa cách này. Từ Thức thời nầy sao mà nhiều quá vậy!

 

Bốn mươi năm dâu bể còn được tác giả thể hiện qua chính vai nữ chánh của đời mình. Người yêu của một thời nhỏ dại ở quê hương Đaiï Ngãi:

hương em chân đất dính phèn

tuổi thơ đội nắng tóc đen cháy vàng

em từ Đường Đức em sang

vắt cơm hai bữa đò ngang hai lần

nhớ từ vạt áo em nâng

bước lên bến nước mỗi lần gặp tôi

em cười nở cả đôi môi

bởi tôi húi trọc mồ hôi chảy ròng

 

hôm nay thì hình như có thiếu một chút gì tự nhiên:

này em chút xíu môi hồng

làm duyên buổi sáng cho lòng anh vui

lắm khi mắt liếc không cười

xin em cũng hãy làm tươi nét ngài

này em chút xíu đắm say

thuở như ân ái vòng tay ân tình

cũng là tóc rẻ đường xinh

cái hương bồ kết quyện mình với ta

 

Theo dòng đời trôi nổi, thêm một vài dòng thơ nữa tác giả đã nói lên một điều rất thực:

Thưa em tóc đã hai màu,

cái răng cũng rụng làm đau nụ cười,

nhìn quanh tuổi quá năm mươi

se se râu bạc cọng đời lung lay,

đưa bàn tay nắm bàn tay

thấy đâu chỉ số còn dài cuộc chơi

 

Trong Giỡn Bóng Chiêm Bao, người ta sẽ bắt gặp những ý thơ thật thênh thang mà thật là gần gũi: cảnh đời và tâm trạng của một người xa xứ, cảnh khổ của một tên tù, tình cảm đối với người bạn đời, với bạn bè, vv.. được thể hiện qua những bài thơ đủ thể loại, qua những câu chữ xuất hiện một cách độc đáo: như trong mấy đoạn trong bài Nước Lụt Ở Vườn Đào Cai Lậy:

 

Nước Lụt

ba ngàn tù cải tạo,

ngày và đêm

ăn, ngủ, ỉa

trên nóc nhà

 

Thăm Nuôi

trời mưa tầm tả

vợ thăm nuôi ngồi trên xuồng

 

đội nón lá

chồng đứng dưới nước

ở truồng

 

Cá Lòng Tong

con cá lòng tong

lội vòng vòng

rỉa đâu không rỉa

rỉa nhằm thằng con

 

Những chữ nghĩa bình thường vốn đã nằm lâu đời đâu đó trong con người bình thường Trần Phù Thế, để một hôm người tù TPT, trước cảnh đời khi vui muốn khóc buồn tênh lại cười, Trần-Phù-Thế-Nhà-Thơ tự nhiên xếp những chữ nghĩa bình thường ấy thành THƠ. Không phải ai cũng có cái phút giây chợp bắt chữ nghĩa thoải mái như vậy. Tác giả càng tự nhiên dùng chữ và hình ảnh tầm thường thì người đọc càng thấy yêu thích cái ý thơ tuy trần tục mà thật gần gũi và do đó thật dễ cảm nhận. Điều nầy ta còn thấy thêm nhiều nữa như trong đoạn thơ Nhìn Nhau:

vợ im lặng

nhìn chồng

chồng im lặng

nhìn vợ

trào máu họng

 

Ta thử nhìn tâm trạng của một người tù thuở đó: Đang là một chiến binh tuổi ngoài hai mươi, tràn đầy sức sống, bỗng chốc thành người tù đứng nhìn người vợ nhan sắc giữa bao nhiêu là cách ngăn và những đôi mắt cú vọ. Cảnh đời thường đã được nhà thơ, qua chính tâm trạng mình, qua cái ẩn ức dục tính tự nhiên của mình, làm thành một bài thơ.

 

Còn ở bài Mất Xe thì TPT đã thật sự làm cho chữ và nghĩa ăn khớp thật tài tình:

anh thường nghĩ lỡ mất xe nhiều khi hạnh phúc

chiếc xe cà tàng sẽ làm khổ kẻ tham lam

hãy bình tâm em nghĩ lại xem

mất xe cũ ta vay tiền mua xe mới

chúng ta mắc nợ rồi ta sẽ trả

kẻ cắp nợ ta trong suốt cuộc đời.

 

Cũng như trong bốn câu cuối của bài Cái Hồi:

Cái hồi hai đứa chia xa

Cắn môi bật máu làm hòa chẳng xong

tình em mây gió phiêu bồng

anh trông mút mắt đứng tròng con ngươi

 

 

Rất nhiều bài trong tập thơ tác giả đã có cách diễn tả thật mới với những cấu trúc của các câu thơ và những chữ dùng trong thơ . Có những câu thơ được ngắt bất ngờ đã làm cho ý thơ thêm cô đọng. Có những chữ nghĩa bình thường bỗng xuất hiện như là một tình cờ, vậy mà rất tự nhiên và thật đúng chỗ. Còn sự xuất hiện của các bài thơ trong suốt tập thơ cho ta cái cảm tưởng người thơ không chủ ý làm một sự sắp xếp nào cả. Đời vốn là những bất ngờ. Sắp xếp làm chi cho mệt, nhất là đối với người làm thơ. Nghĩ đến đâu thì thơ ta đến đấy. Chúng ta đọc một lượt Giỡn Bóng Chiêm Bao, từ đầu đến cuối để thấy hết tâm trạng chua xót của một người xa quê hương, đang sống và làm lại từ đầu tại đất nước người : Ta cười ta nợ núi sông, xẩ tay mất nước lưu vong xứ người. Ta thấy cái cười ngạo của tác giả với một thời tù ngục qua chuyện con cá lòng tong ở vườn Đào; thấy nỗi vương vấn của tác giả đối với bạn bè, chiến hữu đã ra đi: Hởi ơi bè bạn nay đâu vắng, mất xác rừng sâu hay biển đông, tưới ly rượu đế ta chiêu niệm, có hiển linh về chứng giám không; đặc biệt ta thấy một đoạn đường dài tình yêu mà tác giả đã sống, từ thương em trước tuổi mười ba, thương quê Vàm Tấn nước nhòa bóng trăng cho đến khi nhìn nhau không thấy rõ phải mang soi mới thấy tỏ cuộc đời. Cuối cùng tác giả đã không thiếu những dòng chữ nói về mẹ cha và về chính mình ở những ngày bóng xế. Âu đó cũng là khởi điểm và chung điểm của một kiếp người.

 

Tất cả những ý thơ trên đây đã xuất hiện trong Giỡn Bóng Chiêm Bao như là tâm trạng của một người mộng du thấy cái hồn mình ở đây mà cái hình mình thì ở đâu đó trong cõi ta bà đầy hệ lụy và phiền não: dẫu anh giỡn bóng một mình cũng không đốt nỗi cái hình nộm kia, níu chi cái bóng tàn khuya để tan theo tiếng động về rạng đông.

 

Suốt 51 bài trong Giỡn Bóng Chiêm Bao, Trần Phù Thế đã khóc cười với cuộc đời với một cõi lòng thật rộng, một cái nhìn thật khoáng và một nụ cười dung dị. Tất cả được thể hiện trong một ngôn ngữ thơ rất hiếm thấy trong các bài thơ của các tác giả khác. Ngôn ngữ của GBCB rất bình thường mà rất đạt. Từ lâu người ta đã nói tới ngôn ngữ miệt vườn trong văn chương Nam bộ. Ngôn ngữ của Giỡn Bóng Chiêm Bao phải chăng cũng là một?

 

Trần Bang Thạch

NIỀM VUI MỖI NGÀY

Trịnh nhạc sĩ chọn niềm vui mỗi ngày còn tôi thì niềm vui không cần chọn vì nó có ở đó mỗi ngày. Nó có mặt trong tư thế độc tôn, rõ ràng, nổi bật so với những niềm vui khác xảy ra với tôi mỗi ngày từ hơn hai năm nay.

Muốn cà kê kể chuyện nầy với bạn từ lâu nhưng còn ngại. Ngại thời gian chưa chín để xác quyết một niềm vui. Ngại khi nói về một cách sống của mình. Cuối cùng là ngại khó khi bắt đầu câu chuyện sống và viết nầy. Khó là phải vì chuyện mình đã ấp ủ từ hơn hai năm nay; có quá nhiều cái để nói mà không biết bắt đầu từ đâu.

Thôi thì hãy bắt đầu từ cái bắt đầu.

Mấy năm trước tôi có một chị bạn bị ung thư tử cung khá trầm trọng nhưng đã thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Chị nói mạng chị còn và khí sắc được như bây giờ vì chi dốc tâm tập thể dục sau khi giải phẫu. Để kịp giờ mở cửa tiệm hoa của chị lúc 7 giờ sáng, mỗi ngày chị phải đến phòng tập thể dục từ 4 giờ sáng. Tôi hỏi chị sao mà cực khổ quá vậy. Chị nói: “Em bị bịnh mà, không tập như vậy thì em đã chết từ lâu rồi!”. Câu nói gọn gàng nhưng đã nhúm trong đầu tôi một sự “bắt đầu”. Một chuyện khác. Tôi có ông thầy đã trải qua cuộc giải phẫu tim ở tuổi gần tám mươi. Cái rủi là cuộc giải phẫu không suông sẻ: lồng ngực mổ xong, khâu lại; vài tiếng sau mổ lại vì có hiện tượng chảy máu trong lồng ngực. Ông thầy tôi vượt qua hết cái khổ nạn này đến nổi ông bác sĩ phải tán thán: Ông đúng là ông già gân! Thầy tôi nói: nhờ chơi thể thao từ nhỏ và nhờ 108 thế tài chi đều đặn mỗi ngày từ nhièu năm nay mà ông sống. Trong đầu tôi có thêm một “bắt đầu”. Lỡ dài dòng thì xin nói luôn cái “bắt đầu” khác. Bạn tôi, anh PPL, đã qua cái bảy bó từ lâu vậy mà cơ thể rắn chắc, bắp thịt nỗi cuộn thấy mà ham. lần nào gặp nhau anh cũng kêu tôi trở lại sân tennis và hỏi tôi đã bắt đầu “work out” chưa.

Những cái gọi là “bắt đầu” này rõ ràng như vậy mà tôi cần phải viện trợ thêm một thứ khác để bắt đầu cho một sinh hoạt hàng ngày của mình. Đó là sự quyết tâm. Người Mỹ có 1 tập quán thật đẹp: Ngày đầu năm họ thường nghĩ tới một việc họ quyết tâm khắc phục mà họ gọi là New year resolution. Từ này thật đẹp, học đươc và làm được không phải là chuyện dễ. Còn nhớ hơn ba mươi năm trước, sau mấy tháng đặt chân lên đất Hoa Kỳ, tôi đã học đòi làm một loại resolution bằng cách tuyên bố với mọi người là kẻ ghiền thuốc lá nặng này sẽ bỏ thuốc từ hôm nay. Nói thì dễ mà làm thì khó quá. Phải đợi tới hơn nửa năm sau khi thằng con út lúc đó vừa hơn 4 tuổi bắt gặp bao Lucky Strikes trong túi áo “ông già nói láo”, nó quăng ra sân giữa cơn mưa mà không một chút đoái hoài tới nỗi tiếc hùi hụi của “ông già thất hứa”. Con nít nhỏ mà còn biết cái phải bỏ thì mình đâu có thể thua nó được. Nhờ vậy mà cái resolution đó tôi hoàn thành được và giữ cho tới bây giờ.

Bây giờ tôi đang đeo đuổi cái resolution mới mà tôi đã bắt đầu hơn 2 năm nay: Mỗi ngày đi tới phòng tập thể dục. Đeo đuỗi khá lâu như vậy mà tôi vẫn thiếu tự tin. Không biết mình đeo theo nó hay nó bỏ mình lúc nào đây!

TBT

LOANH QUANH CHUYỆN TẾT NHỨT

 

1. NỖI MÌNH CUỐI NĂM

 

Cuốn lịch của năm Ất Mùi đang mõng dần. Không còn bao lâu nữa tờ lịch cuối sẽ bay đi. Chợt nghĩ đến nhiều điều. Có những điều - thật nhiều điều - mơ mơ, hồ hồ, không rõ tên, không định hình, định tướng.  Nghĩ đến cuộc sống trước măt? Nghĩ tới con, tới cháu, bà con quyến thuộc, thân hữu bạn bè? Nghĩ tới một quê hương ở xa? Nghĩ tới ngày về hưu, về kinh tế thế giới? ...Tất cả những điều này mình đã nghĩ nhiều rồi, nhiều ngày, nhiều năm rồi; đâu phải đợi đến những ngày năm cùn tháng tận này, bây giờ.

Vậy thì mình đang suy nghĩ điều gì? Có phải bắt nguồn từ một bài cổ thi vừa đọc được?

 

Nhân giai dục đắc trường niên thiếu

Vô ná bài môn bạch phát thôi

Nhất hướng phá sầu, sầu bất tận

Bách phương hồi tị lão tu lai

 

Trên đây là 4 câu đầu của bài Đường thi thất ngôn bát cú Tuế Vãn Tự Cảm của nhà thơ Vương Kiến (751-835). Bài thơ do 1 vị thầy cũ của Nhóm Thơ Thẩn Cho Vui của thầy trò chúng tôi gởi tới và thầy cũng đã cắt nghĩa từng câu và dịch toàn bài, 8 câu. Cá nhân tôi trước đây có đọc vài bài thơ của Vương Kiến nhưng chưa thấy bài này; hay đã thấy nhưng đọc vào những hoàn cảnh không gian, thời gian không thích hợp để tạo nên ấn tượng, kéo theo sự suy nghĩ của mình. Thầy PKT ơi, những ngày gần cuối năm và gần cuối đời của thầy lẫn trò mình, thầy đã giương cung nhả ra mũi tên Tuế Vãn Tự Cảm và bản dịch Nỗi Mình Cuối Năm làm trúng tim nhiều người. Phải là nhiều người vì đã có thơ phụ họa từ Hoa Kỳ, Việt Nam, Pháp, Úc...

 

Nỗi Mình Cuối Năm

PKT

 

Trẻ mãi suốt đời ai chẳng muốn,

Nhưng sao ngăn được tóc sương pha.

Sầu đong vô tận bao giờ cạn,

Già tránh trăm phương vẫn cứ già.

 

Những ngày cuối năm thường khiến cho người ta đếm tuổi và có những nỗi lo bâng quơ, cả những nỗi buồn mông lung. Nỗi mình cuối năm. Phải rồi! Những ngày này mình đã nghĩ nhiều đến nỗi mình, điều mà trước đây mình chưa hề nghĩ, hay nghĩ một cách rất lờ mờ khi cái tuổi của mình còn xanh, hay ngay cả lúc nó tròm trèm, trên dưới sáu mươi. Bây giờ thì mình đang lần mò bước qua mấy chặn đường đi đến cái đích "cổ lai hi" thì những câu thơ  "Sầu đong vô tận bao giờ cạn" bay đến, ghim ngay vào cái bầu tâm sự của mình. Hỏi sao mà không suy nghĩ?

 

Cái trẻ thì không thể giữ mãi, cứ đi đi, được thôi. Vạn vật trên trái đất nầy có cái gì là không lão hóa. Nhân sinh tự cổ thùy vô tử, lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh. Tóc sương pha thì cứ pha cho bạc trắng. Tóc bạc, da mồi chỉ sự sống lâu mà! Cái già muốn đến thì cứ đến, "cổ lai hi" mà! Chỉ có cái sầu là coi mòi không ổn. Có mấy ai càng già càng vơi cái sầu? Hình như cái sầu và cái lo ở tuổi già là anh em họ. Ai cũng muốn lánh xa cặp bài trùng này mà xem ra chẳng dễ. Càng già càng lo. Càng lo càng sầu. Tâm sầu bạch phát. "Nỗi mình" là ở đây. Cái lo cho mình có đó mà như đang ở đâu đâu, mênh mang trời đất, nó chạm vào tỉ tỉ nơ-rôn của mình bất cứ lúc nào, cho nên nó vô tận, nó cứ đầy. Nhiều cái sầu không tên không tuổi, không hình không tướng là vậy. Hôm qua nhận một lá thư dài của một thầy cũ gởi từ Aulnay, Pháp quốc. Thầy viết: " Sống qua cái tuổi 60, được năm nào coi như được trời cho năm đó, kể như được thêm "bonus". Thầy đã được "bonus" hơn chục năm rồi, còn các em chắc cũng được vài ba năm. Những năm "bonus" mình chỉ cần sống lành, sống đẹp, sống an lạc, thảnh thơi...Thầy tin tưởng ở "nhân quả", mình gieo nhân tốt thì sẽ gặt hái được quả tốt". Nghĩ cho cùng cái sầu của mình là do cái lo. Lo cho mình thì ít mà lo cho người thì nhiều. Sống lành, sống đẹp là cách sống hai chiều: Lấy cái Nhân để sống lành cho người là đem về cái Quả nhãn tiền, chính là cái đẹp, cái an lạc, thảnh thơi cho mình. Sống như vậy không phải là dễ.

 

Biết là "Sầu đong vô tận bao giờ cạn" Nhưng vẫn cứ nghĩ tới cái nỗi mình. Tuổi sắp thêm, sắp thêm "bonus" mà bao nhiêu cái lành, cái đẹp mình sẽ làm được đây, trong những năm tháng tới để tạo cái nhân? Bây giờ bắt đầu thì coi như đã trễ! Trễ còn hơn không!

 

Cuối cùng, có lẽ sự lo nghĩ cuối năm - nỗi mình-  là ở đó.

Ý nghĩ nầy dẫn người viết đến 1 bài thơ của Thiền Sư Mãn Giác.

2. TRƯỚC MẮT VIỆC ĐI MÃI / TRÊN ĐẦU GIÀ ĐẾN RỒI

 

Có  một bài thơ của Thiền Sư Mãn Giác (1052-1096) từ nhiều năm nay thường được giới văn nhân và các phương tiện truyền thông đại chúng nhắc tới mỗi lần năm hết tết đến. Đó là bài thơ chữ Hán gồm 6 câu, tổng cộng 34 chữ tựa là Cáo Tật Thị Chúng. Đa số những bài viết hay bài nói thường không nhắc toàn bộ bài thơ mà chỉ nêu hai câu cuối, có lẽ vì nó có chất thơ và chất thiền, lại phù hợp cho những bài viết về Xuân:

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

mà có người dịch là:

Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua, sân trước, nở cành mai

 

Cái khám phá thích thú có lẽ là ở điểm này: bài thơ thường xuất hiện trong các bài viết về Xuân nhưng rõ ràng không phải là một bài thơ Xuân. Tứ của bài thơ (thi tứ) không phải là miêu tả cảnh sắc của mùa Xuân. Mặc dù hai câu mở đầu tác giả có nói:

Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

tức là Xuân đi có trăm hoa rụng,  Xuân sang có trăm hoa nở và hai câu kết, như đã nêu ở trên, cũng có xuân, có hoa, đặc biệt là có hoa mai; nhưng rõ ràng tứ thơ nằm ở chỗ khác. Nó nằm ở tựa bài thơ là Cáo Tật Thị Chúng tức là Có Bệnh Báo Mọi Người. Hoàn cảnh để viết bài thơ có thể tạm suy diễn thế này: Một ngày tác giả có bệnh, chắc là vào một ngày Xuân, tác giả nghĩ tới mùa Xuân rồi nghĩ tới mình cho nên viết bài thơ trên. Và tứ thơ được thể hiện rõ ở hai câu thứ 3 và thứ 4:

Sự trục nhãn tiền quá

Lão tòng đầu thượng lai

 dịch là:

Trước mắt việc đi mãi

Trên đầu già đến rồi.

 

Như vậy tác giả đã mượn mùa Xuân để nói tới một đời người. Xuân đến Xuân đi. Người đến người đi. Đi nhưng còn để lại một cái gì. Như một cành mai mới nở của một xuân qua. Như một dư âm của một hồi chuông đỗ. Như cái còn lại của những năm tháng trôi trên phận người. Cái còn lại không phải là bất kỳ một cái gì. Càng không thể là cái xấu.

Trước mắt việc đi mãi

Trên đầu già đến rồi.

Đọc 2 câu thơ được viết hơn 900 năm trước mà như nghe đâu đây tiếng lao xao của những mắc xích đời mình. Biết bao điều đã đi qua rồi. Tóc đã bạc trên đầu. Hơn bảy mươi mùa Xuân đã đi qua mà trước sân đời của nhà mình có mấy lần hoa nở? Mình đã làm được gì đâu mà tuổi đời gần cạn. Thiền sư Mãn Giác chỉ sống có 44 năm. Sống một đời đạo hạnh, thanh cao, nho nhã. Cành mai đời Người mà Người để lại chắc nhiều hoa. Bài thơ trác tuyệt Cáo Tật Thị Chúng là một.

Hiểu được lẽ sinh lẽ diệt không phải là chuyện dễ. Trước ngài Mãn Giác, Thiền Sư Vạn Hạnh cũng đã dạy:

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô

Nhâm vận thịnh suy vô bố úy

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô

Rõ ràng thân người như ánh chớp, có rồi trở lại không. Cũng như mùa xuân cây cỏ tươi tốt, đến mùa thu thì tàn tạ khô héo. Lẽ thịnh suy là vậy, hơi đâu mà lo sợ vì thịnh suy thay nhau như khoảnh khắc của hạt sương trên đầu ngọn cỏ.

Sống chân thật với mình và với người thì sá gì cái lẽ thịnh suy. Biết sống như vậy là điều không dễ. Cuộc đời cũng đâu có dễ cho người đời!

Càng không dễ cho người biết sống!

Ngày xuân tàn, đâu phải trước sân nhà ai cũng còn một đóa mai mới nở !

 

 

3. THÊM MỘT CÁI TẾT THA HƯƠNG

 

Bạn thân mến xa xôi,

Lâu lắm không có thư gởi bạn. Biết bạn trông nhưng không làm sao được. Hết việc này tới việc kia chúng bám theo mình như hình với bóng, bám hơn 40 năm qua mà chưa buông. Nhớ khi xưa, việc của sở làm thì không chạy được. Tự động bứt nó ra thì nhận giấy báo màu hồng mang đến sở xã hội xin tiền thất nghiệp. Còn vài công việc có tính cách văn hóa, xã hội mình tự góp tay vào dù có bận cách nào thì vẫn không muốn bỏ. Nó là chất bổ dưỡng, là thuốc an thần cần thiết cho cuộc sống rất ư là nhức đầu ở đây. Đi làm về khuya, ngồi gõ cho xong cái truyện, thấy hạnh phúc làm sao. Họa hoằng có một ngày nghỉ cuối tuần để có dịp tham dự một buổi thuyết trình về văn hóa, thấy một ngày có ý nghĩa. Ước chi một ngày có 36 tiếng đồng hồ chớ không phải là 24 để mình được thông thả một chút làm chuyện này chuyện nọ, và để có thể ầu ơ ví dầu với bạn cho vui. Nhiều khi tôi nghĩ có người để san xẻ, để trút bầu tâm sự cho cái đầu bớt quẩn cũng là cần thiết. Thiên hạ ở đây với những cái đầu đầy chữ nghĩa và bằng cấp chắc cần phải giải quyết mấy cái quẩn nầy trước hơn ai hết. Ở một nơi xa xôi, đèo heo hút gió ấy chắc bạn không nghe chuyện mới ràng ràng đây của một chàng địa ốc gần năm mươi tuổi, nhân đêm Giáng Sinh, chàng mặc quần áo ông Santa Claus đến nhà người vợ cũ rồi nả súng bắn chết cả chục người  kể cả cái mạng của mình. Mấy năm trước nữ phi hành gia có học vị tiến sĩ, nghề nghiệp vững vàng, chồng con đề huề, yêu ngang hông một đồng nghiệp, lại mang tội mưu sát tình địch. Cũng mấy năm trước một nữ nha sĩ cũng mang tội sát hại ông chồng nha sĩ bằng chiếc Mercedes. Trước đó đôi năm, một nữ y tá vợ một kỷ sư phục vụ tại Trung Tâm Không Gian Hoa Kỳ, gọi tắt là NASA, trấn nước giết tất cả 5 con ruột trong bồn tắm nhà mình. Cả 3 người đàn bà nầy đều thuộc giới thượng lưu trí thức và cùng cư ngụ trong vùng gia cư sang trọng Clear Lake của Houston. Tại làm sao vậy? Chất thuốc an thần nào để chữa những cái quẩn này đây? Tôi thì không lo rồi. Tôi có những bạn văn. Tôi có những sinh hoạt bổ dưỡng tinh thần. Và tôi có bạn để tâm sự mà. Phải không bạn?

Bạn thân mến xa xôi,

Hôm nay là ngày đưa ông táo về chầu Ngọc Hoàng. Bên ấy bạn cũng sắp đón Tết. Xuân là của đất trời mà. Chỉ có cái khác là bạn đón xuân trên quê hương mình. Còn tôi thì đón xuân lử thứ. Đón mấy mươi cái xuân như vậy rồi! Bạn xem có não lòng chưa? Cứ mỗi lần Tết đến là nhớ câu thơ Thế Lữ để mà buồn thêm: Rũ áo phong sương nơi gác trọ/ Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang. Còn ông Thanh Nam hơn ba mươi năm trước đã lia thêm một nhát chém vào tâm sự của người ly hương: "Một năm người có 12 tháng, ta có năm dài một tháng Tư".Tôi đã ở trên đất nước nầy dài hơn thời gian tôi sống trên đất nước mình. Và sẽ sống nơi đây cho hết đời, chắc vậy. Nhưng mà không hiểu sao mình vẫn không bỏ được cái  ý nghĩ cho rằng nơi đây vẫn là đất tạm, là một thứ quán trọ. Cho nên cái Tết nào cũng khiến mình buồn bã vu vơ vì tết nào cũng là Tết Tha Hương. Bỗng nhớ mấy câu thơ cũ của mình :

 

nên mỗi ngày qua

thêm một nỗi buồn riêng

thêm một chút ngậm ngùi cố thổ

ở ở, đi đi ta làm khách trọ

sớm nắng chiều mưa bóng nhỏ bên đường

 

để mỗi đêm dài điếm cỏ cầu sương

 ta mơ làm người Lý Bạch

đê đầu tư cố hương

để thấy hồn mình lượn lờ nơi viễn phố.

 

Hôm nào cắc cớ, bạn thử hỏi những người mà bạn quen biết đang sống xa quê hương để xem bạn có được mấy người chờ xuân, đón xuân và vui xuân với tâm trạng y chang như thời trước ở quê nhà. Lý do đơn giản là Tết ở đây là tết ly hương; ngày Tết của mình đâu có nằm trong danh sách những ngày nghỉ lễ của nhà nước. Cho nên ai cũng phải đi cày như mọi bữa. May mắn lắm có được ngày tết rơi vào cuối tuần thì đi một vòng hội chợ tết để có cảm tưởng mình cũng ăn tết như ai.

 

Nhưng bạn ạ, nhìn những em bé mình càng thương cảm chúng nó hơn. Các cháu cũng tươi cười nhìn lân, nghe pháo, cũng rối rít nhận tiền lì xì. Các cháu bây giờ ở đây đâu có biết chờ Tết. Thấy múa lân ngồ ngộ thì cười thôi. Nghe pháo nổ từng tràng dài thì thích thú; đâu biết đấy là những tập tục rất đặc thù thường chỉ xảy ra vào dịp tết đã có từ lâu đời trên quê cha và đã trở thành những sinh hoạt có tính cách văn hóa của nước mình. Điều tội nghiệp khác nữa là các cháu cũng không có cái háu hức của mình thời trẻ. Thời đó "chờ tết" hình như thú vị hơn "ăn tết", phải không bạn? Đứa trẻ thời ấy mỗi năm đón Tết từ đầu tháng Chạp, hay trước đó nữa, khi người người trong gia đình chuẩn bị ăn tết. Đón Tết qua những đêm ngủ gà ngủ gật nhìn mẹ tráng bánh phồng bánh tráng, nhìn bà gói bánh tét bánh chưng, nhìn chị làm bánh mứt. Bộ đồ mới bằng vải sọc đơn sơ, đôi guốc vông có quai bằng mũ trong vắt có vẽ mấy cánh mai vàng cũng đủ làm đứa bé thời đó sung sướng quên ăn, tối nằm ôm đôi guốc, gối đầu trên giấc mơ đẹp mà ngủ. Ngày Tết cùng các bạn nhỏ kéo nhau đi trên đường làng, trên đường phố, tay cầm cây pháo chuột, miệng cắn hạt dưa đỏ mồm miệng. Gặp người lớn khoanh tay cúi đầu mừng tuổi, đôi khi được vài cắc lì xì. Ghé nơi nầy đặt mấy xu trên trái bầu, con cua. Ghé nơi kia xào bài ba lá. Sao mà vui quá chừng. Đứa bé nơi ấy thời ấy ăn tết ăn nhứt thỏa chí thỏa tình. Thời đó đứa bé sống trong cái háu hức chờ Tết và vui Tết của cả làng, cả phố và của cả dân tộc. Cho nên người ta nói vui như tết, thật chẳng sai.

Các cháu ở đây tuy không cảm nhận được hết ý nghĩa sâu xa và tinh thần dân tộc trong 3 ngày tết, nhưng khi các cháu có dịp cùng vui chơi trong những hội tết được tổ chức hàng năm tại nhiều nơi có đông người Việt thì các cháu đã phần nào sống với văn hóa mình. Các em thấy, các em tham gia rồi dần dần các em hiểu và sẽ duy trì nó. Tôi không thể tưởng tượng ở một nơi nào đó bây giờ, hay ở những năm nào đó sau nầy không có một hội tết nào được người mình đứng ra tổ chức thì mình ăn tết ở đâu, cụ già dẩn các cháu đi đến đâu để cho ông cháu sống vài giờ với cái tết dân tộc? Không có Hội Tết hàng năm thì ngày tết sẽ âm thầm lặng lẽ trôi qua và các cháu thì không biết Tết Nguyên Đán là gì.

Bạn thân mến xa xôi,

Tết tha hương thì buồn thật, nhưng những cái tết trên quê hương đã một thời in sâu trong ký ức mình cũng phần nào làm lòng mình ấm trong cái lạnh của mùa xuân xứ người.

Trần Bang Thạch

ĐEM THEO BÀI VỌNG CỔ

Gần cuối năm 1980 trong cái lạnh cắt da, gia đình chúng tôi vừa chân ướt chân ráo rời trại tị nạn Bataan, tỉnh Morong, xứ Philippines đặt chân đến thành phố Houston, xứ cao bồi Texas. Chỗ ăn ở chưa yên thì nói chi đến cái tâm lý an bần lạc đạo. Âu lo và nhớ nhà vô kể. Cái Tết Âm Lịch lại sắp đến, càng thấy nhớ đủ mọi điều. Bây giờ không nhớ năm ấy là năm con Tí hay con Sữu, hay con gì; chỉ nhớ mình là con chim ly xứ, một loại thiên di đi trốn lạnh. Quê nhà vùng nhiệt đới thì dĩ nhiên không lạnh, nhưng 5 năm ở lại làm mình lạnh cẳng, lạnh chưn giữa cái oi bức của những ngày ngột ngạt dưới một chế độ đỏ như than hồng. Tết đầu tiên năm ấy trên xứ người, trong cái tâm trạng u ẩn buồn lo cho số phần và cho những ngày sắp tới, tôi đã nghe “Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy, sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra…chào. Cửa vườn cô đã khóa kín tự hôm nào. Tôi vác đôi chiếu bông từ dưới ghe lên xóm rẫy, chiếc áo nhuộm bùn đã lấm tấm giọt mồ hôi…” tại một buổi họp mặt tất niên của một hội đồng hương tại thành phố mới Houston. Bài hát là bài ca vọng cổ Tình anh bán chiếu của soạn giả Viễn Châu. Người hát là một anh bạn độ ấy chắc chỉ tròm trèm ba mươi. Giọng ca thật truyền cảm, ngọt ngào. Thật “mùi”! Có thể nói niềm thích thú đầu tiên của tôi trên xứ Mỹ nầy là được nghe lại bài ca vọng cổ hôm ấy. Tôi đã vừa sững sốt, ngỡ ngàng, vừa ngạc nhiên thích thú như người đi trên mây. Tiếng hát không có đờn, nhưng cần gì, âm thanh bổng trầm đã xoắn vào từng lời, từng tiếng và trong từng hơi thở của ca sĩ. Và cả trong từng mạch máu, từng nhịp tim thổn thức của người nghe. Cái Hồn Tổ Quốc có phải là đây? Có phải là đây những gì tôi vừa bỏ lại? Có phải là đây khóm tre mái lá, là cây cầu khỉ đong đưa của một xóm thôn nhỏ xíu nằm trên hai bờ rạch Bà Vèn của nhánh sông Cái Răng tuổi nhỏ? Ngả Bảy, Phụng Hiệp tôi đã từng nhiều lần đi ngang qua. Thuở ấy sao tôi đâu có chú ý, và đâu có thấy yêu mến như bây giờ. Kể cả cái anh bán chiếu cục mịch tình si, lúc ở quê nhà tôi cũng mặc kệ để anh tự do si tình. Sao bây giờ tôi thấy thương cảm cho anh quá vậy? Tưởng đã bỏ cây cầu Phụng Hiệp cho con kinh Ngả Bảy, tưởng đã bỏ anh chàng si tình cho chiếc chiếu miệt Cà Mau. Kỳ diệu thay, hôm ấy tất cả đã theo tôi, anh bán chiếu và cây cầu Phụng Hiệp đã vượt đại dương bằng mấy câu vọng cổ của quê mình nghèo khó. Người ca sĩ tài tử ấy nào tôi có quen khi ở quê nhà, cớ sao tôi dễ dàng đặt cảm tình của mình lên giọng hát ngọt như mía lùi của anh vậy?


Sau nầy tôi có nhiều dịp nghe anh hát tại những nơi họp đồng hương hay những sinh hoạt văn hóa. Bao giờ cũng là 6 câu vọng cổ. Nhiều khi không đờn, không máy vi âm, không ánh đèn màu. Nhưng bao giờ cũng “mùi”. Bao giờ tiếng vỗ tay cũng đầy hội trường. Nếu bây giờ có Giải Thanh Tâm Hải Ngoại, nhiều người sẽ đề nghị tên anh.


Tuổi nhỏ của tôi là những trưa, những chiều treo lơ lững trên nhánh sầu riêng, măng cụt của vườn nhà với những điệu Xàng Xê, Thủ Phong Nguyệt, Đão Ngủ Cung, Hướng Mã Hồi Thành, Bình Bán Vắn…bắt chước từ những tập bài ca 50 xu mỏng dánh, nhỏ như bàn tay, hình bìa lòe loẹt. Đặc biệt là 6 câu vọng cổ nhịp 16 thằng bé miệt vườn 10 tuổi là tôi cũng ca mùi rệu như ai để rót vào tai nhỏ bạn kẹp tóc kế nhà. Biết nhỏ mít ướt, thằng bé cứ Mã Chiếm Sơn, Sầu Vương Biên Ải, Tôn Tẩn Giả Điên, Đời Cô Lựu… mà gân cổ ca cho kẹp tóc chảy nước mắt chơi. “Úy trời đất ơi! Nỗi đoạn…trường…Cũng vì quá tin thằng Bàng Quyên là bạn thiết của tôi…”. Thằng bé cứ ử ư, còn con bé thì cứ sụt sùi làm ướt tay áo bà ba. Rồi lớn lên làm sinh viên Sài Thành, học đòi văn minh, bỏ rớt văn minh miệt vườn bên kia bờ sông Bassac, và tự nhiên bỏ quên cổ nhạc, chỉ thích nghe The Beattles hay Elvis Presley, Sylvie Vartan… Chỉ ghé Arc-En-Ciel nghe Joe Marcel, Mary Linh, Bích Chiêu... chớ nào có để mắt tới rạp Hưng Đạo xéo bên kia đường Trần Hưng Đạo với Thanh Nga, Ngọc Giàu, Thành Được.


Anh bạn làm rung động mãnh tim ly xứ của tôi vào cái tết con Thiên Di trốn “lạnh” năm ấy văn minh hơn chàng sinh viên Sài Thành năm xưa của tôi nhiều. Văn minh như vậy mà anh nào có quên bài ca vọng cổ! Tôi chỉ cách quê nhà một con sông nhỏ mà đã quên hết những cống, xự, xang, líu, hò. Có lúc trước mặt người đẹp trường Marie Curie còn làm bộ quên ai đã chặt chưn Tôn Tẩn! Còn anh thì cách quê hương cả một đại dương, xung quanh anh đầy những tóc vàng, tóc bạch kim, tóc đỏ.  Anh đi du học Hoa Kỳ trước 1975 và trở lại Hoa Kỳ ngay sau khi miền Nam đổi chủ. Ngoài cuộc sống nhiều năm trong cái văn minh tột đỉnh của nước ngoài, anh còn có học vị tiến sĩ trong ngành Hóa Học, đã từng giảng dạy tại Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ thuộc Viện Đại Học Sài Gòn; từ sau 1975 là chuyên viên cao cấp của City of Houston điều hành kỹ thuật hệ thống lọc nước dày như mạng nhện cho toàn vùng Houston với 2,144,491 dân theo thống kê vào cuối năm 2006.


Trước đây tại quê nhà người ta coi cổ nhạc được rộng rãi phổ biến và được ưa thích nhiều trong giới bình dân. Giới học thức lắm khi còn có cái nhìn thiếu trân trọng ngành cổ nhạc. Xưa nữa người ta còn có câu “Xướng ca vô loại”. Cái khó bước đầu là người có ăn học như anh đã chịu làm quen với những bài ca vọng cổ, rồi lần lần “thấm” mùi vọng cổ, thương yêu vọng cổ, say mê vọng cổ. Đến cái khó kế tiếp là đem vọng cổ đi theo mình suốt đời, đem khắp nơi, khắp chốn, nhứt là tại Hoa Kỳ. Chỗ nào có anh là có Tình Anh Bán Chiếu, có Thầy Tử Lộ Đội Gạo Nuôi Mẹ, có Bên Cầu Dệt Lụa, Lòng Mẹ…. Ba mươi mấy năm nay tiếng ca vọng cổ của anh đã bay khắp Houston và chắc cũng đã bay xa hơn nữa. Người trung niên năm ấy và người đang chớm lão niên bây giờ nào có khác gì đâu: Tình quê hương anh vẫn đeo mang trên người và vẫn ấp ủ trong lòng anh bài ca vọng cổ. Cái khó tột đỉnh là ý hướng đem tình quê hương vào lòng mọi người xa quê, nhứt là giới trẻ qua bộ môn cổ nhạc. Cho nên ngoài những nơi họp mặt công cộng, người ta còn nghe anh cùng các bạn trên làn sóng phát thanh hàng tuần. Các anh, các chị hát và mời thính giả nghe đài cùng hát. Hát hay, dở như thế nào cũng được. Hát hay không bằng hay hát. Có vọng cổ là có hơi hướm của quê hương, có hồn dân tộc, có tình quê, tình nước. Nghe những em bé năm bảy tuổi, nói tiếng Việt chưa thông mà xuống vọng cổ thì cũng như nghe giòng suối ngọt quê hương đang chảy êm đềm trong những con tim tuổi nhỏ. Có em còn độc tấu năm nam, sáu bắc bằng đàn độc huyền. Có em ngọng nghệu: “Từ là từ phu tướng. Bửu kiếm sắc phong lên đàng. Vào ra luống trông tình chàng. Đêm năm canh mơ màng. …”


Đẹp quá những con chim non soải cánh bay trong hồn dân tộc!

Năm nay tóc anh đã bạc nhiều, gánh càn khôn trên vai anh chứa đầy những cung thương, cung oán nghe chừng đã nặng. Nhưng bước đường anh đi hình như vẫn xanh màu lá cỏ.

Trân trọng cảm ơn anh, Giải Thanh Tâm Trọn Đời. Thân ái chúc anh thượng lộ bình an trên hành trình trở về vùng đồng cỏ quê nhà trên chiếc xuồng ba lá và trong tiếng nhạc ngũ cung trầm bổng.


Trần Bang Thạch

Tháng 3-2008

MỘT CHUYẾN ĐI DÀI

Người mình ở trong nước từ nhiều năm nay hẳn đã thấy muôn ngàn Sợi Chỉ Hồng Nhân Ái đã nối liền đôi bờ Biển Thái. Chúng ta xa đất nước, nhưng đất nước mình, dân tộc mình luôn hiện diện trong mỗi trái tim người xa xứ.

Dưới đây là thêm một Sợi Chỉ Hồng Nhân Ái.

Đến đầu tháng 8 nầy thì mục sư Nguyễn cùng vài người cộng sự sẽ thực hiện chuyến đi thứ 47, từ Quận Cam về quê nhà. Thật sự thì mỗi chuyến đi của mục sư Nguyễn không hẳn được gọi là dài dù cho được nối bằng 20 giờ đường hàng không. Hơn 15 năm trước, chuyến đi lần đầu tiên từ Sài Gòn đến trại phong cùi Bến Sắn dài chỉ hơn 40 cây số. Rồi chuyến đi thứ 37 vài năm trước đến Ninh Bình, Yên Bái có lẽ là dài nhất cho tới nay, thì cũng chỉ có trên ngàn cây số đường bộ từ Sài Gòn. Như vậy, có lẽ sự dài ngắn nhằm vào ý nghĩa  liên tục của những chuyến đi. Cũng nên kể tới tấm lòng thật dày, thật sâu và thật bao la của những người tự nguyện khăn gói lên đường. Họ cứ đi, mỗi năm ít nhất là 2, 3 lần. Họ không muốn dừng lại. Dù cho mái tóc xanh ngày nào bây giờ đã bạc gần hết, dù cho thể xác đôi khi có mệt mõi, nhưng trong lòng của họ lúc nào cũng vang lên lời cố gắng. Cứ như vậy mà những chuyến đi tiếp tục thành hình. Vậy thì, có coi là quá đáng không khi gọi đó là một chuyến đi dài? Chuyến đi bắt đầu từ một khởi điểm là nơi gặp gỡ của tình thương với những nỗi khốn cùng. Chuyến đi, qua nhiều năm nhiều tháng, đã ghé lại, đã ưu ái gởi trao ân tình, đã mang đi đôi điều bất hạnh. Chuyến đi dù chưa kết thúc nhưng điểm tới chắc cũng vẫn là tụ điểm của tình thương.


Cuộc hành trình tình thương của mục sư Nguyễn bắt đầu từ những ngày thật xa, hơn năm mươi năm trước, khi cậu bé con nhà nghèo 15 tuổi bước ra khỏi căn nhà lá, vách đất nằm dưới chân ngọn đồi nhỏ ở Tam Kỳ, Quảng Nam. Trong căn nhà đó, Nguyễn đã sống trọn thời niên thiếu của mình trong thiếu thốn, thiếu cả sự chăm sóc thương yêu của mẹ. Bạn của Nguyễn là những vệt nắng nghiêng trên hiên nhà buổi sáng, là những chú dế con buổi trưa kêu buồn bã, là những dãi mây bay lang thang trên lưng chừng núi buổi chiều, và buổi tối Nguyễn lắng hồn mình vào những trang thánh kinh nhoẹt nhòe chữ nghĩa do ông nội để lại cho đứa cháu duy nhất của mình. Chung quanh cậu bé Nguyễn thời ấy là nghèo. Người nghèo. Đất cũng nghèo. Sỏi đá mọc trên từng tấc đất. Nghèo nàn mọc trên từng thân phận con người ở đây. Hận thù có lúc đã bứng văng tình yêu thương để đâm chồi nẫy lộc ngay trên vùng đất khô cằn sỏi đá này. Và hình như cũng đã có một tia sáng nào đó đã nhiệm mầu chiếu rọi vào trí óc còn non nớt của cậu học trò vừa học hết lớp đệ ngũ trường quận. Nguyễn học được rằng con người sinh ra bình đẵng và tình thương phải được san sẽ cho mọi người. Khi được chánh thức nhập vào dòng sống của một hội thánh tại Sài Gòn thì cuộc hành trình đi về vùng tình người ấm áp của Nguyễn như được chắp thêm đôi cánh. Rồi những năm tháng du học và tu học tại Seoul đã là những hành trang quý giá cho mục sư Nguyễn đi tiếp bước đường đã chọn của mình. Mục sư Nguyễn nhớ nhất là những ngày dài của thập niên sáu mươi tại bịnh viện Cộng Hoà. Thương bệnh binh nhập viện có cả trăm mỗi ngày. Sự đau đớn hiện diện trên mỗi bệnh nhân và trên mỗi thân nhân đến thăm. Vết thương quá đau đớn làm bật dậy những tiếng rên la trên giường bệnh. Nỗi thương xót quá lớn của người vợ trẻ làm bật dậy những tiếng khóc bi ai. Niềm đau vật vã của bà mẹ già làm thoát ra những tiếng kêu thương nức nở. Mục sư Nguyễn đã cùng sống với nỗi đau của bệnh nhân, cùng sống với tiếng khóc của người mẹ già neo đơn, của người vợ sớm làm thân góa bụa. Người sứ giả của tình thương ấy đã sống hàng giờ, hàng đêm bên giường bệnh. Sống cả với niềm đau, với nỗi tuyệt vọng của đàn con nhỏ dại khi cỗ quan tài của cha mình được đưa về khu chung sự trong tiếng kèn đồng hòa trộn với tiếng khóc dưới lớp khăn sô. Nhiều năm như vậy đã khiến vị mục sư trẻ chừng như đã cạn dòng nước mắt.


Tưởng đã cạn dòng nước mắt. Tưởng đã hụt bước chân đi về vùng sương đêm tấm đẫm tình người. Vậy mà không. Những lời thánh kinh dưới chân đồi ngày nào vẫn nghe như mới. Lời trối trăn của nội vẫn còn văng vẳng bên tai: “Phải biết sống làm người, nghe con!”. Nhịp đập của trái tim đầy tình người vẫn  rộn ràng trong lòng ngực. Bước chân vẫn chưa chùn. Tình thương của đồng bào hải ngoại không thiếu. Những món quà tình nghĩa phải tới tay người thương khó ở quê nhà. Tất cả phải có người chuyển về. Hết trại cùi Bến Sắn đến các trại cùi Núi Sạn, Qui Hòa, trại cùi Đắc Kia, Đắc Kring. Hết theo chân cơn bão số 5 ra Quảng Nam, Đà Nẵng đến cơn bão số 7, số 8 ra Thanh Hóa, Yên Bái. Rồi xuôi Nam đào giếng nước, bắc những nhịp cầu xi măng cốt sắt ở miền quê Bạc Liêu, Cao Lãnh. Những chiếc xe lăn. Những xe gạo đầy ắp từ Vĩnh Long ra Trung, ra Bắc. Những mùng, mền, quần áo, thuốc thang, kẹo bánh, giấy mực, sách vở…Những chuyến xe đầy đồ cứu trợ đi trên những đoạn đường đất chuồi vòng quanh chân núi, gập ghềnh, trắc trở. Chỉ một chút xãy tay, sự rũi ro, mất mạng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Những đêm ngủ tạm bợ bên đường, dãi dầu mưa nắng. Đi. Khó khăn thế nào cũng đi. Đi làm nhiệm vụ của một nhịp cầu. Đi đến những người đang chờ đợi. Người phế binh ở Điện Thắng đã rớt nước mắt nhìn chiếc xe lắt tay mới tinh của mình trước mặt mà tưởng như mơ. Cụ già phong cùi ở Đắc Kia không tưởng được bàn tay cụt hết ngón của mình đang được vuốt ve trong đôi bàn tay của người mục sư trước mặt. Qua hai cơn bão dữ Demrey và Chamchu, bà mẹ Quảng Trung, Thanh Hóa vừa mất một lượt con trai, con dâu và hai cháu nội, đang đứng trước những người khách lạ. Họ đến với tình thương và với những sự giúp đỡ cần thiết trong cảnh khốn cùng. Bà mẹ có khóc cũng không còn đủ nước mắt, có cảm ơn cũng không đủ lời.


Một điều rất tự nhiên: Người ta, tại nhiều nơi trên đất nước, ở miền quê, ở miền núi, miền duyên hải, từ nhiều năm nay, đã coi sự có mặt của phái đoàn mục sư Nguyễn là thường kỳ. Người ta chờ ông như chờ người thân quen đi xa sắp về. Người già, người trẻ nhớ ông. Quá một thời gian hạn định nào đó, không thấy phái đoàn về làng, người ta lo ngại có điều chẳng lành bất ngờ xảy ra cho mục sư Nguyễn.


Cứ như vậy mà cuộc hành trình tiếp tục để thành một chuyến đi dài.

 tbt

THÁNG 5,

MÙA TỐT NGHIỆP, MÙA VUI


Tháng 5 nước Mỹ chưa vào Hè. Nhưng Houston đã bắt đầu nóng. Cái nóng gây khó chịu vì độ ẩm cao từ biển Galveston và vùng vịnh Mễ Tây Cơ thổi vào. Thỉnh thoảng có những cơn gió nóng từ miền Nam Mỹ đem đến những ngày nóng dữ bất ngờ. Vậy mà từ nhiều năm nay, như là một thói quen, hàng năm N. và tôi hay chờ tháng Năm đến. Tháng Năm với những buổi lễ ra trường.


Có lẽ thói quen bắt đầu từ những lễ ra trường của các con chúng tôi. Hết con ra trung học, đại học rồi tới cháu ngoại ra mẫu giáo. Hết con cháu người thân nhân nầy đến con cháu người bạn bè nọ. Riết rồi đâm ra ghiền. Nhớ tháng Năm bên nầy như nhớ Tháng Sáu bên nhà. Tháng Năm Mùa Tốt Nghiệp. Tháng Sáu Mùa Thi, mùa bãi trường, mùa của ve sầu râm ran trên cây phượng vĩ, và mùa của chia tay. Mỗi năm đến Hè lòng man mác buồn. Tháng Năm được tham dự những lễ ra trường là niềm vui rất lớn đối với chúng tôi. Bất kể là nhìn người tân khoa lạ hay quen nào thì lòng cũng vui. Quen thân với mình thì thích thú và thấy gần gũi hơn. Không quen thì vui với niềm vui của thiên hạ. Chiều Chủ Nhật 10 tháng 5 vừa qua, thấy cậu con trai út của hai em  Hoài Bảo và Kiêm Anh là Trần Đình Phi mặt non như học sinh vừa xong lớp 12  trở thành một luật khoa tiến sĩ lòng mình cũng vui như niềm vui của chính mình. Được tin con gái người thầy cũ đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành micro-technique tại Pháp và đang làm việc cho một trung tâm nghiên cứu khoa học tại Thụy Sĩ.  Nghe như nghe tin vui của gia đình mình. Đọc bản tin người học sinh già Bill Cook nhận bằng tốt nghiệp trung học ở tuổi 82 tại trường Stephen F. Austin High School ngày 31-5-2008,  mình cũng thấy vừa vui vừa thán phục ý chí có công mài sắt có ngày nên kim của người cựu chiến binh thế chiến II này. Lòng mình vô cùng hãnh diện khi các thủ khoa Việt Nam Vũ Thị Thanh Vân, Phan Hiền, Nguyễn Mai, Hồ Hồng, Lê Dạ Minh, Andy Hồ, Thái Hồng, Diệp Mỹ, Adam Nguyễn…của các trung học vùng Houston vững chãi, tự tin, đường hoàng trên khán đài đại diện cho cả ngàn học sinh của trường mình nói lời cảm tưởng. Tại vùng Houston, sĩ số học sinh gốc Việt lớp 12 chưa bằng 1% của tổng số học sinh lớp 12 toàn vùng; vậy mà đã có 22% là thủ khoa gốc Việt! Á khoa thì xấp xỉ 30%. Có phải niềm hãnh diện dân tộc đã làm thêm niềm vui của mình chăng?


Mùa tốt nghiệp năm nay chúng tôi có một sự ngạc nhiên khi biết được một lễ tốt nghiệp thật lạ, khá là bất thường. Đáng suy gẫm. Đó là lễ tốt nghiệp trung học của tân khoa tên Jeff Greenwood.

Tại một ngôi trường trung học nhỏ ở ngoại ô thành phố Great Falls, tiểu bang Montana, khoảng 10 dặm phía nam biên giới Mỹ - Canada, ông Thống đốc tiểu bang là diễn giả chánh của buổi Lễ Tốt Nghiệp Trung học. Ngồi cùng với ông trên khán đài là vị Trưởng Khu Học Chánh cũng là Hiệu Trưởng và đông đủ các giáo sư, tất cả đều mũ áo chỉnh tề. Việc tổ chức buổi lễ  không khác gì những lễ tốt nghiệp khác vào mỗi tháng 5 hàng năm trên toàn nước Mỹ. Năm nay cũng vậy, hàng ngàn lễ tốt nghiệp đang xảy ra ngay giờ phút nầy. Hàng triệu tân khoa từ các lớp mẫu giáo đến các lớp trung học, cao đẳng và đại học đang hớn hở làm Lễ Tốt Nghiệp. Diễn văn. Mũ cao, áo choàng rộng. Niềm vui. Niềm hy vọng. Niềm hãnh diện. Họ xếp thành những hàng dài lần lượt tiến lên khán đài nhận văn bằng trong tiếng vỗ tay và tiếng reo vui của cả ngàn người trong hội trường.

Tại ngôi trường biên giới nầy thì khác một chút. Cũng với khung cảnh và diễn tiến của lễ tốt nghiệp như vậy: Ông Hiệu Trưởng mở đầu chương trình trước khi ông Thống Đốc Brian Schweitzer trịnh trọng tiến đến bục giảng, đọc bài diễn văn soạn sẵn. Xong là tới phần phát biểu của Chủ Tịch Ban Đại Diện Học Sinh toàn trường: Đó là học sinh Jeff Greenwood. Rồi đến vài lời phát biểu của đại diện tân khoa: Đó là Thủ khoa Jeff Greenwood. Tiếp là phần trao văn bằng: người đầu tiên tiến đến trước mặt ông Hiệu Trưởng LeRoy Nelson để nhận văn bằng là Jeff Greenwood. Hết. Không có tân khoa kế tiếp. Nhận văn bằng rồi chụp ảnh. Bức ảnh duy nhất chụp tân khoa duy nhất Jeff Greenwood của Lễ Tốt Nghiệp ngày 18-5-2008 tại trường Opheim High School. Jeff Greenwood bước xuống hội trường, tung mũ lên không rồi ôm và cảm ơn cha mẹ. Các máy ảnh và các máy quay phim đều hướng về Jeff. Buổi lễ chấm dứt. Mọi người ra về vui vẻ.


Lễ Tốt Nghiệp khá lạ trên đây không hẳn là duy nhất: Năm ngoái cũng vị Thống Đốc nầy đã đọc diễn văn nhân buổi lễ tốt nghiệp của tân khoa duy nhất tại một vùng quê khác của tiểu bang Montana. Người Mỹ đã trân quý chữ nghĩa như vậy. Thà tốn hàng mấy chục ngàn Mỹ kim một năm cho một học sinh hơn là để  học sinh thất học, dù chỉ có một. Chính sách Giáo dục cưởng bách cho tới hết bậc trung học có từ mấy mươi năm nay. “No Child Left Behind” cũng là một chính sách giáo dục khác của chánh phủ Hoa Kỳ dưới 2 nhiệm kỳ của Tổng Thống George W. Bush.


Ba mươi ba năm qua, con em của người Việt mình đã hưởng thật đủ đầy nền giáo dục nầy. Mới chân ướt chân ráo đến Hoa Kỳ, chưa rành đường đi nước bước, cái kính cận nặng độ chưa kịp đổi tròng, chưa quen với tiếng Ăng Lê, chưa mờ trong trí nhớ cả chục năm lặn lội gian nan hành quân diệt địch, còn hằn trên thịt da những tàn tích của năm tháng dài tù tội… vậy mà người trung đội trưởng thám kích của sư đoàn 23 hăm hở trở lại giảng đường để hoàn thành văn bằng cử nhân Điện toán, rồi Cao học Toán. Tưởng chữ nghĩa đã cao chạy xa bay theo tầm đạn pháo và khói lửa chiến trường. Nguyên ký giả thao trường Huyền Vũ đậu bằng cử nhân báo chí khi đã 72 tuổi. Người cựu sinh viên tranh đấu Nguyễn Trọng Nho của thời 63-64 đã là vị chánh án tại quận Cam từ cả chục năm nay. Người-tù-cả-đời là cựu biệt kích Nguyễn Hữu Luyện sau mấy mươi năm gông cùm trong lao tù miền Bắc từ trước 1975, đã kiên nhẫn bút nghiên tại đại học Boston và đang kiên trì bảo vệ tư cách tị nạn chánh trị của người Việt hải ngoại. Nhiều, rất nhiều sinh viên già Việt Nam như vậy. Còn tân khoa trẻ Việt Nam, thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba thì có ai mà đếm cho hết. Cả con cái của các bạn thân quen mình cũng không nhớ nỗi. Chắc không phải là quá đáng nếu nói trung bình mỗi gia đình VN hải ngoại có một cử nhân hay cao học, tiến sĩ. Ngành nghề nào cũng có bóng dáng người Việt. Y, luật, khoa học, nghệ thuật, thể thao, văn chương, xã hội, cơ khí, thương mại…. Phi hành gia, chuyên viên vũ khí tối tân hiện đại, phi công phản lực chiến đấu cơ, sĩ quan hải, lục, không quân…Nói hoài cũng không hết.


Nền giáo dục nầy đã cho mình nhiều và rồi mình cũng đã trả ơn cho xã hội nầy cũng không ít.

Tháng Năm là tháng của Mùa Tốt Nghiệp, là tháng của Mùa Vui.


Houston, mùa bãi trường 2008

Trần Bang Thạch

MỖI NĂM XUÂN LẠI VỀ

Chỉ còn non mười ngày nữa là năm cũ đi, năm mới đến. Nghĩ tới 28 mùa xuân trên xứ người. Ngày nào chân ướt chân ráo tới đây, tuổi xuân còn lưng lững trong túi hành trang đời người, lòng tuy không đầy vì những tang thương dồn dập sau Tháng Tư Đen nhưng nụ xuân chưa héo để kịp hứng một giọt Xuân mới đang chờ trước mặt. Mới đó mà đã 28 năm. Ngày tháng thì trôi nhanh nhưng nghĩ tới ngần ấy năm xa quê thì nghe sao mà dài quá. Gần 30 năm! Nếu tính đời người là 60 thì đã nửa đời trên đất khách! Nếu kéo thêm mười, mười lăm năm sống nữa thì cứ thế mà cộng thêm chuỗi ngày ly xứ! Thêm một mùa Xuân là thêm một Tết ly hương. Có trách nàng Xuân như nhà thơ Chế Lan Viên:

Tôi có chờ đâu, có đợi đâu,

đem chi xuân đến gợi thêm sầu

thì nàng Xuân vẫn đến. Cũng như tuổi già: dù không chờ thì nó vẫn đến. Nhà thơ Vương Duy của thời thịnh Đường bên Tàu của hơn 1200 năm trước đã nói rồi:

Nhật nhật nhân không lão

Niên niên xuân cánh qui.

Tương hoan hữu tôn tửu

Bất dụng tích hoa phi

(Tống Xuân Từ của Vương Duy 699-759)


Bản dịch của Phạm Khắc Trí:

Thêm tuổi thêm già tự nhiên thôi,

Mỗi năm Xuân lại đâu đợi mời.

Cười chúc mừng nhau một chén rượu

Bận tâm chi nhỉ chuyện hoa rơi.


Chắc chắn như vậy rồi: Ngày qua ngày thì tuổi thêm già cũng như mùa xuân năm nào cũng vẫn đến. Luật thiên nhiên là như vậy. Nhưng mà tâm trạng con người cũng có buồn, có vui.

Xuân vẫn đến. Tâm trạng mình vui thì Xuân đẹp biết bao, dù cho Xuân chưa có mặt:

Một ít nắng, vài ba sương mỏng thắm

Mấy cành xanh, năm bảy sắc yêu yêu

Thế là Xuân. Tôi không hỏi chi nhiều

Xuân đã sẵn trong lòng tôi lai láng

(Xuân Diệu)

Hay như người bạn thơ Mường Mán vốn người Trung nhưng khi lang bạt vào Nam cũng thấy xuân qua chút duyên sau chéo khăn rằn:


Nhà ai quết bánh phòng khuya quá

Nhịp chày khoan nhặt thức cùng trăng

Môi em đỏ như là mận chín

Giấu chút duyên sau chéo khăn rằn


Và ra Bắc cũng thấy Xuân với hoa đào qua phố và hoa Quỳnh thức giấc giữa đêm:


Hoa đào qua phố rao xuân chín

Áo đào qua ngõ gọi thầm nhau

Hà Nội chừng như thôi trở rét

Đóa quỳnh chợt thức giữa chiêm bao


Còn Thế Lữ thì có khác:


Hôm nay tạm nghỉ bước gian nan

Trong lúc gần xa pháo nổ vang

Rũ áo phong sương trên gác trọ

Lặng nhìn thiên hạ đón Xuân sang

(Thế Lữ)


Người khách trọ Thế Lữ nhìn Xuân đến cảm thấy buồn dù cho khách và Xuân cùng ở trên một quê hương thân yêu, quen thuộc, có pháo có người có xuân ngoài ngõ. Nhưng so với Thế Lữ thì những người-xa-quê-nửa-vòng-trái-đất như chúng ta thì chắc buồn hơn nhiều vì Xuân chỉ có lặng lẽ ở trong lòng. Vài ba buổi tiệc tất niên, tân niên bây giờ e rằng không đủ đem lại cho mình không khí của những cái tết quê nhà. Đầu chải briantine bóng mượt, mặc một bộ đồ pijama mới tinh, mang đôi guốc vông lốc cốc ra đường đã thấy lòng vui như pháo tết. Khuya lơ ngồi ngủ gục bên vai mẹ trước nồi bánh tét nước sôi ùn ục vẫn mơ thấy bao giấy đỏ lì xì. Không pháo nổ vang, không có thiên hạ đón xuân chung quanh mình như ở quê xưa. Không có không khí Tết thì Xuân chỉ là tên gọi của một trong 4 mùa. Chẳng thế mà Nguyễn Bính đã từng than thở:


Tha hương chẳng gặp người tri kỷ

Một cánh hoa tươi đủ ấm lòng

Tết nầy chưa chắc em về được

Em gửi về đây một tấm lòng


Chén rượu tha hương, trời: đắng lắm!

Trăm hờn nghìn giận một mùa đông

(Nguyễn Bính)


Em xa chị vào dịp Tết mà đã buồn như vậy thì người ly hương xa nhà, xa xứ, xa người thân thì xuân buồn biết bao nhiêu!

Ngay thời buổi bây giờ có non hai triệu người Việt ly xứ thì tâm cảm của ngần ấy người chắc cũng gần giống nhau: Nhớ nước, thương cha, nhớ mẹ, nhớ người thân, người tình… và cả người dưng. Nhớ lắm mà biết có dìa được không!


“Em còn có mẹ già bên ấy!”

tiếng thơ buồn như một tiếng than!

anh đọc thấy hàng hàng nước mắt;

Sydney buồn mà anh lại quá xa.


Anh cũng có mẹ già bên ấy:

mẹ anh đã nằm dưới mộ sâu,

cỏ trên mồ chắc xanh thương nhớ,

mẹ chắc nhớ anh, nhớ để rầu.


Hai lăm tháng chạp về tảo mộ

hẹn lần, hẹn lữa, hẹn năm sau,

năm nào cũng vậy, tiền không có;

không tiền, không có vé máy bay!


Ngày khánh tận mà anh khánh kiệt,

chỉ biết tàng xe đến phi trường,

“ai về xứ Việt, quê hương đó

cho ké, dùm tôi, nỗi đoạn trường!”

(Lau lệ mình ên, thơ Đoàn Xuân Thu, Úc Châu)


Cho nên càng nghĩ càng thương cho Cụ Tiên Điền Nguyễn Du. Năm 1805 Cụ phải ra Lạng Sơn đón sứ thần nhà Thanh giữa một ngày Xuân. Xuân đẹp nhưng chắc Cụ Tiên Điền không thấy vui chút nào nên đã tự thán:


Nhân tự tiêu điều, Xuân tự hảo

Đoàn Thành thành hạ nhất triêm cân


Cụ đã không ngắm xuân mà ngắm hạt châu của mình đang rơi xuống dưới thành Đoàn! Thương thay cho Cụ.

Rồi cũng phải thương cho mình. Đêm Ba Mươi bấm thẻ ra khỏi sở thì đã gần nửa đêm. Về đến nhà thì không còn ai thức. Giao Thừa đâu chẳng thấy! Sáng Mùng Một đã vội vã ra đi như 365 ngày khác. Tết đâu chẳng thấy!

Tết bây giờ dù có vui chắc cũng không giống nỗi vui xưa. Nếu có vui thì là vui gượng.

Đúng là người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!


Trần Bang Thạch

Ngày đưa Ông Táo Đinh Hợi

LAN MAN ĐẦU NĂM HỌC

1.THÌ RA MÌNH ĐÃ GIÀ

Bây giờ là đầu tháng 8. Nhiều trường học ở Mỹ sẽ bắt đầu khai giảng niên học mới trong vòng hai, ba tuần nữa. Giờ này các phụ huynh đã chuẩn bị áo quần, tập vở, giấy bút…cho con em mình.

Bỗng nhận ra một điều: Không nhớ từ hồi nào mình đã không mó tay vào mấy cái việc mua sắm nầy. Chuyện này mình đã làm nhiều lắm mà. Ba chục năm trước, lúc mới đến đây thằng lớn 11, con gái 8, thằng út vừa tuổi rưỡi. Đầu năm học nào mà mình không vợ chồng con cái khuân học cụ từ Kmart? quần áo từ Goodwill? Mới đây mà đã là dĩ vãng rồi sao cà?

Thì ra từ cái “hồi nào” ấy mình đã là một ông già!

Ông già có con cái đã lớn, dù có con út đi nữa thì chúng nó đã ra trường, cùng lắm cũng là sinh viên rồi, ông già đâu còn cái dịp mua cho con cái backpack hay hộp bút chì màu. Ông già là ông nội, ông ngoại thì lại càng rảnh tay, càng mất việc, các cháu đã có cha mẹ nó lo, còn lâu mới tới ông bà già. Ông bà có ngứa tay mua cái học cụ hay áo quần, giày dép  gì đó mà thằng cháu không thích, nó sẽ cảm ơn rối rít, nhưng món đồ ấy sẽ nằm hoài ở một góc nhà nào đó. Tốt nhứt là đưa tiền cho thằng cháu, nó mua theo ý nó. Như vậy cũng tạm gọi là gián tiếp tham gia vào hành trình đi về tương lai của con cháu!

Đến đây có người sẽ phản biện: Thì mình dẩn thằng cháu đi Walmart, hay Target, hay Sam’s…để cho nó tự chọn, mình cứ có mặt ở quầy tính tiền là đủ. Điều nầy thì hay quá rồi, khỏi cần bàn. Nhưng thực tế không biết có bao nhiêu ông bà già nào làm được. Nhiều khi già cả chậm lục, ý nghĩ đi trước hành động cả chục cây số, chưa làm thì thằng  con đã làm cho thằng cháu của mình rồi! Còn đâu tới phiên mình!

Vòng vo như vậy để thấy rằng mình không phải là nhân vật chánh trong tấn tuồng ở vào cái thời điểm nầy. Vai phụ cũng được, có sao đâu. Ngồi ở một góc nào đó trong nhà, nhìn thấy con cháu rộn rịp chuẩn bị cho ngày nhập học, chắc mình cũng vui lây cho dù thiếu cái háo hức của cậu học trò mấy mươi năm trước. Nhớ lại mấy mươi năm trước, đố ai không khỏi ngậm ngùi. Thời gian sao mà nhanh như ánh chớp. Nhớ như in đoạn văn của Thanh Tịnh: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc trôi đi, thì lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường…”. Nhớ như in ngôi trường làng bên bờ sông tuổi nhỏ có đàn dê ngang nhiên vào lớp bỏ lại mấy cái hột đen đen, tròn tròn rồi be be dẩn bầy dê cái đi mất. Nhớ những trận đá banh bưởi, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, vừa đứng trả bài vừa thở. Nhiều khi bây giờ còn làm ông già lẫm cẫm tìm hoài trong ký ức cái tên của chủ nhân một đôi mắt ướt kẹp giữa hai cái bím tóc thuở nào…

2.ĐẦU NĂM HỌC, NHÌN VỀ HAI NGÔI TRƯỜNG

Đôi mắt ướt mộng mị ấy đã mất dấu từ hồi nẫm rồi. Cái ký ức bây giờ không còn được bao nhiêu, nếu còn thì chắc cũng không lành lặn, tìm làm chi cho mất ngủ. Thôi thì xin méo mó nghề nghiệp nói chuyện bây giờ, nhân ngày nhập học sắp đến.

Mấy hôm trước, tình cờ đọc được 2 cái tin trên cùng 1 trang báo: Tin thứ nhứt là tin vui, tin thứ hai là tin buồn.

Tin vui nói về số học sinh có năng khiếu – gifted and talented students - tại khu học chánh Houston (HISD). Theo tin nầy thì tính tới mùa Xuân năm 2009 Khu học chánh đã có 28,300 học sinh năng khiếu, tăng 2000 em so với năm 2007. Tính theo tỉ lệ thì số học sinh năng khiếu này bằng 14% tổng số học sinh toàn Khu, một con số mà giới chức giáo dục cho là rất khả quan. Khắp các nơi khác trong nước, số học sinh giỏi cũng tăng tương tự như ở Khu Học Chánh Houston. Xin mở ngoặc nói một chút về học sinh VN mà không thấy báo nhắc tới: Dân số VN chỉ bằng 4% dân số Houston, nhưng các Á Khoa và Thủ Khoa VN vừa tốt nghiệp lớp 12 năm nay chiếm 21% tại các trường Trung học. Đóng ngoặc.

Và đây là tin buồn. Tin buồn này báo đăng ngay phía dưới tin vui trên đây. Đó là tin đóng cửa trường tiểu học Power Point vào tháng 7 năm tới, và dĩ nhiên Khu Học Chánh Kendleton cũng đóng cửa vì khu học chánh này chỉ có duy nhứt ngôi trường tiểu học Power Point này. Lý do: 5 năm liền, học sinh tại đây không đạt được tiêu chuẩn học tập của tiểu bang Texas. Các học sinh rồi đây sẽ phải mỗi ngày đi, về 40 dặm để tiếp tục học tại trường khác. Trường Power Point nằm ở phía tây nam, cách Houston 50 dặm, là trường có từ thời những người nô lệ bị đưa về đây trồng trọt. Dân cư là những người cố cựu đã từng là học sinh của trường, từ đời ông cố, ông sơ tới đời cháu chắt. Bao nhiêu là kỷ niệm giữa bốn bức tường này. Mai đây nó sẽ là một cơ sở khác, một siêu thị, hay một bãi đất trống, hay một công viên. Ngôi trường sẽ mất tên và mất dấu, nhưng chắc nó không mất trong máu thịt của người Kendleton.

Phá bỏ một kỷ niệm bằng xương bằng thịt nghe sao mà dễ quá. Người Kendleton làm sao quên được dãy hành lang nạm từng viên đá xanh hình chữ L, họ sẽ nhớ hoài mái ngói màu rêu cua và cái cổng trường nằm giữa hai cây xồi mấy trăm tuổi.

Bỗng nhớ tới ngôi trường trung học lớn nhứt vùng Hậu Giang đã mất tên không vì học trò dở mà vì giới chức cầm quyền không thuộc bài học lịch sử. Họ đã đánh giá sai lầm tư cách và vai trò lịch sử của một kẻ sĩ miền Nam: Tiến sĩ  Phan Thanh Giản. Ngôi trường có hơn 90 năm lịch sử đã theo cơn quốc nạn mà mất tên. Bao nhiêu kỷ niệm về ngôi trường mẹ đang trụ ở quê nhà và đang theo bước chân người viễn xứ hiện có mặt khắp quả địa cầu. Trường bị mất tên, nhưng trường vẫn đi theo họ, trường nằm âu yếm trong lòng mỗi người Phan Thanh Giản.

Người Mỹ theo chủ nghĩa thực tế - pragmatism : Phí phạm thì giờ, tiền bạc và vốn quí của con người là học vấn và kiến thức thì tốt nhứt là đừng tiếp tục công việc của một cơ sở giáo dục liên tục thất bại. Điều nầy thì dễ hiểu. Nhưng vì nhận thức sai lầm và vì định kiến mà thay tên một danh nhân tại một ngôi trường thuộc di sản văn hóa vùng đồng bằng sông Cửu Long, đến nay đã hơn ba mươi năm mà chưa chịu sửa đổi,  thì quả là điều không thể hiểu!!!

Aug.1 , 2009

tbt

MÙA THU ĐÔNG BẮC

MÙA THU TUỔI VÀNG

Tuần trước chúng tôi có dịp đi lên vùng Đông Bắc nước Mỹ. Những ngày này cây cối các nơi ấy đang đi vào Thu. Lá bắt đầu đổi từ xanh sang vàng nhạt, vàng đậm, tim tím hay hung đỏ. Những con đường dưới các gốc cây cũng đầy lá vàng. Trên đầu là tấm lụa vàng rung lung linh trong cơn gió mát rượi. Hình như tôi thấy cả ngọn gió cũng nhuộm sắc vàng. Lá phong như những bàn tay dát vàng vẩy vẩy trên cao. Dưới chân là tấm thảm màu hoàng yến, trộn lẫn với những đốm màu rượu chát. Một ngọn gió nhẹ thổi qua, lá như những cánh bướm vàng bay lẩn quẩn dưới chân. Buổi trưa, nắng vừa đủ để làm sáng thêm màu vàng óng ả, lấp lánh của rừng phong. Buổi chiều, rừng phong nhuốm lạnh để màu vàng có thêm một chút tối và một chút u buồn. Không thể có lời nào để tả hết cái đẹp của nàng Thu Đông Bắc. Nàng cao sang như vương tôn mệnh phụ và trữ tình như người nữ yêu kiều, đằm thắm, hiền dịu của thế gian. Người nhan sắc này có mặt để làm chủ một góc thiên nhiên và một góc trong trái tim người. Nàng có mặt để được ngắm nhìn và được chiêm ngưỡng. Đứng trong tấm áo lụa vàng, người ta thấy mình cũng là một thứ vương tôn công tử bên dáng ngọc lượt là. Hoàng hoa mỹ tửu chưa uống mà đã chếnh choáng say, hay ta say vì thiên nhiên ướp mật? Để rồi lúc chiều sắp tắt, khi Người Nhan Sắc phất tay áo ra đi, để lại mùi trầm hương mộng mị, người thơ bỗng thấy từ một chốn nào thơ mình chập chờn ẩn hiện trên xác lá khô. Thơ bay, hương bay hay lá bay, người thơ không biết. Cũng không biết là Nàng đã bay vút lên trăng hay trăng đang hóa ra Nàng, để đêm thu nhả xuống trần gian muôn ngàn sóng vàng, sóng bạc.


Có áo lụa vàng rắc lá trên cây

Có mắt ướt theo mưa rớt vội

Em có phải chiều qua ngõ tối

Để trăng non bỗng hóa trăng đầy


Tôi bỗng thành kẻ giữa cơn say

Nghe lướt thướt mây vờn trên tóc,

Xin hãy chậm chân, người len lối trúc

Để thiên thu còn một thu này.

(Thu, thơ TBT)


Chỗ chúng tôi đến là Richmond, thủ phủ của tiểu bang Virginia. Người ta biết được Richmond như một nơi mà bốn trăm năm trước (1607) đã đón toán di dân thứ nhì từ Anh Quốc đặt chân đến vùng Đất Mới. Được đặt tên là Richmond vì con sông James nơi nầy giống như dòng Thames tại thành phố Richmond của quê hương Anh Cát Lợi. Richmond có nhiều cái “nhứt” của nước Mỹ. Sông James cũng là một thắng cảnh của Richmond, là hệ thống kinh đào thứ nhứt của Mỹ quốc. Cũng như bịnh viện của Richmond, hay đài truyền hình của Richmond, và người thống đốc da màu của Richmond là những cái đầu tiên của nước Mỹ. Nhưng đối với tôi thì có thêm một cái nhứt mà sử sách tại đây chưa ghi. Đó là vị giáo sư của phân khoa Xã Hội thuộc Đại Học Commonwealth của Virginia (VCU). Đại học này có hơn 33 ngàn sinh viên, tọa lạc trên một khu đất mênh mông của Richmond. Tiến sĩ Ellen N. gần 20 năm nay là giáo sư của các Đại Học Xã Hội (School of Social Work), từ Arkansas đến Virginia, là giáo sư đỡ đầu cho hàng trăm luận án tiến sĩ xã hội từ trước đến nay. Bà cũng là giáo sư đỡ đầu ( mentor) cho những giáo sư mới về trường giảng dạy. Giáo Sư là tác giả của trên hai mươi bộ sách nghiên cứu, trong đó có nhiều quyển được dùng làm tài liệu giáo khoa và tham khảo tại các đại học toàn nước Mỹ và các quốc gia khác. Sách của Giáo Sư viết về những nghiên cứu tường tận những vấn đề xã hội, văn hóa…liên quan tới các lứa tuổi, đặc biệt là tuổi già, như việc chăm sóc sức khỏe căn bản cho người già, như chương trình cần có tại các địa phương nhằn giải quyết những khó khăn của người cao tuổi, v.v…


Tôi đã có dịp được gặp và đàm đạo với Tiến sĩ Ellen N. về các vấn đề của người cao tuổi. Hơn 2 tiếng đồng hồ bàn bạc về người cao tuổi Mỹ trắng, Mỹ da màu và Người Mỹ gốc Việt… đã cho tôi những bài học thật quý giá; cũng qua trao đổi, người giáo sư từng trãi và có kiến thức chuyên môn sâu rộng này đã thêm một lần nữa bổ túc nhận định của mình về người già Á Đông, nhất là người Việt Nam mà Giáo Sư chỉ vừa mới để tâm nghiên cứu từ vài năm nay. Tôi thấy mình vui khi những góp ý nhỏ nhoi, khiêm tốn của mình được giáo sư ghi nhận.


Tiếc là khuôn khổ của trang bài không cho phép tôi viết thêm về buổi mạn đàm kỳ thú và bổ ích này.


XXX


Vợ chồng chúng tôi tiễn Tiến Sĩ Ellen N. ra đến xe đậu ngoài đường. Lá vàng trên không, lá vàng dưới đất. Không hẹn mà chúng tôi cùng ngước lên cái vòng cung vàng như hoàng bào. Rồi chúng tôi cùng nhìn nhau, và mĩm cười.Tôi không biết Giáo Sư nghĩ gì, nhưng tôi nghĩ tới cái màu vàng trên cao, cái màu vàng êm ả, đằm thắm, nhẹ nhàng, không vướng bận của Mùa Thu Tuổi Vàng mà chúng tôi đang bước vào.


Richmond, VA., Oct.22-2007

Trần Bang Thạch

tl_LibStaBurningBldings.jpg
web_noplaceforhate.jpg
web_VNFlagatschool.jpg

Buổi họp Phụ Huynh Học Sinh      Lá cờ VN giữa hàng trăm lá cờ của nhiều sắc dân khác

HỒN VIỆT

Hằng năm vào những ngày cuối tháng 5 và đầu tháng 6, tôi vẫn hay đi tham dự những lễ tốt nghiệp hay những sinh hoạt cuối năm tại các trường đại học hay trung, tiểu học. Xa trường đã lâu, có dịp nhìn lại những gương mặt non đầy niềm vui, trong sáng và hy vọng mình cũng thấy vui lây.

Hôm nay thật tình cờ tôi đến dự lễ kỷ niệm 10 năm của chương trình NO PLACE FOR HATE tại trường tiểu học McDougle. Vẫn cái nắng gần trăm độ của Houston. Vẫn không khí khô khốc của vùng đất chỉ đón nhận vài giọt mưa từ năm bảy tháng nay. Vậy mà buổi sáng hôm nay nghe như có luồng gió mát, thật mát, thổi từ bãi đậu xe rộng, tuông vào mấy cánh cửa lớn rồi lan ra khắp hội trường to gần bằng sân đá banh. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy ở đó có một lá cờ nền vàng ba sọc đỏ, giữa mấy trăm lá cờ khác. Không. Gió không đến từ bên ngoài mà đến từ những cái phe phẩy của lá cờ nhỏ màu vàng bay phất phới trên 1 cánh tay nhỏ .

   

Bạn có thể tưởng tượng được không, lâu lắm rồi tôi mới thấy lại nỗi xúc động nầy của mình. Nó vừa mơ mơ hồ hồ, mênh mông, lảng đảng; vừa sâu lắng, tuyệt vời và thật, rất thật. Lần trước, cách đây đúng 32 năm, cũng vào tháng 5 nầy, trong tâm trạng hư hư thật thật, tôi tưởng mình nằm mơ khi thấy lại lá cờ vàng tại sân trại tị nạn Songkhla trên đất Thái. 32 năm qua tôi vẫn thấy lá cờ thân yêu của mình khắp nơi, kể cả những nơi có ít người mình. Nỗi xúc động theo tháng ngày cũng lắng xuống, như mỗi ngày thấy mặt người thân, bớt đi nỗi háo hức của lần gặp lại sau thời gian dài xa cách. Thường xuyên thấy cờ mình ở nhiều nơi như thấy một quê hương ở xa và thấy nhân dáng tị nạn chánh trị của mỗi một người Việt Nam, dù là người Mỹ gốc Việt, người Pháp gốc Việt, ngưởi Nigeria gốc Việt; dù là người vượt biên, người HO, người ODP, v.v… hay người ra đời sau 1975 bên ngoài VN. Mọi người đành phải sống xa quê hương mình vì một lý do chung duy nhất: lý do chánh trị.  Hôm nay lá cờ của mình tuy nhỏ bằng 2 bàn tay giữa mấy trăm lá cờ khác nhưng trước mắt tôi nó bao trùm cả hội trường. Có lẽ khung cảnh khác lạ và chủ đề của buổi sinh hoạt khiến sự xuất hiện bất ngờ của lá cờ vàng mang một ý nghĩa tuyệt vời làm mình xúc động. Giả dụ giữa khung cảnh nầy mà thiếu vắng lá cờ Việt Nam thì buồn tủi lắm.

Địa điểm là ngôi trường tiểu học McDougle thuộc khu học chánh Klein vùng Tây Bắc Houston. Chủ đề bằng Anh ngữ là NO PLACE FOR HATE. Khung cảnh khác lạ vì lần đầu tiên tôi thấy lá cờ của mình giữa một rừng cờ khác trên những cánh tay của các em bé từ 5 đến 10 tuổi. Còn ý nghĩa của ngày hội thì thật độc đáo và đáng suy gẫm. Chuyển dịch một cách nôm na thì ý nghĩa của chủ đề ngày hội là trên thế gian nầy không có chỗ cho hận thù mà chỉ có tình thương. Mọi người trên trái đất nầy chỉ có tình thương đối với nhau mà thôi. Đây là chương trình giáo dục nơi học đường bắt đầu từ năm 2001. Riêng tại Houston và vùng phụ cận đã có 193 trường tham gia từ ngày đầu. Mục đích của chương trình nầy, như tên gọi, là giúp các thầy cô giáo và học sinh thiết lập và duy trì khung cảnh học đường thành một nơi tất cả học sinh cảm nhận mình được thương yêu và được tôn trọng; mỗi một học sinh đều có cơ hội thành đạt một khi mình có tinh thần tôn trọng những dị biệt của người khác bằng cách vượt qua thành kiến và khiếm khuyết của chính mình.

Trong hội trường rộng lớn có hơn 50 giáo viên cùng với hàng trăm phụ huynh học sinh đứng chung quanh khối học sinh hơn 800 em các lớp từ mẫu giáo đến lớp 5. Trên tay mỗi em cầm 1 lá cờ. Nhiều em cầm cờ của nước mình. Cờ Nhật, Nam Hàn, Trung Quốc, Đài Loan, Mể Tây Cơ, Ba Tây, Canada, Pháp, Úc, v.v…Cờ Hoa Kỳ chiếm quá nửa. Có những em tự vẽ lấy lá cờ theo tưởng tượng, không thuộc về một nước nào hết. Việt Nam mình, như đã nói ở trên, có 1. Vâng, đó là lá Cờ vàng 3 sọc đỏ do 1 bé trai học lớp 5. Chỉ tiếc lá cờ hơi nhỏ so với những lá cờ khác. Lúc ngồi trong hàng, tay mặt bé luôn phất cờ cùng với các bạn trong hội trường. Khi cùng đứng giữa hội trường với hơn hai mươi em khác trình diễn các màn ca vũ, em bé Việt Nam nầy càng phất cao lá cờ rất nhiệt tình và háo hức. Tôi thấy nét mặt bé sáng lên, tươi lên trong ánh vàng của màu cờ Tổ Quốc. Có lẽ bé không có cùng nỗi sung sướng, vui mừng và cảm xúc như tôi, nhưng tôi có cảm tưởng khá chủ quan rằng bé vui thật vui vì biết trên tay mình có lá cờ của đất nước mình. Bé không cao hơn các bạn đồng diễn, nhưng lúc nào lá cờ vàng cũng bay cao hơn hết. Điều nầy làm tôi càng thích thú, có lẽ vì tinh thần dân tộc của tôi cũng đang dâng cao. Thật là tuyệt vời. Trước mắt tôi lúc nầy cái gì cũng bay cao, bay theo lá cờ vàng. Lời ca của bản nhạc Wave Your Flag cũng bay cao vượt qua nóc tòa nhà. When I get older I will be stronger. They’ll call me freedom, just like a wavin’ flag. So wave your flag, now wave your flag, now wave your flag…

Các học sinh  xoay vòng, nắm tay nhau và phất cao lá cờ. Các lá cờ lớn nhỏ khác nhau, màu sắc và hình thể cũng khác. Các em ăn mặc hóa trang theo nghề nghiệp ngoài xã hội: đồng phục của người thợ, áo blouse trắng của người nữ y sĩ, áo trận rằn ri của người về từ mặt trận hay quần áo bảnh bao của anh công chức…tất cả cùng nhau nắm tay vui hát, không phân biệt giàu nghèo, thợ thầy, đen, trắng. Ai cũng như ai.Tất cả nhân loại đều như nhau, vui vẻ, thương yêu nhau. Mỗi em có một tổ quốc riêng, nhưng các em có chung một quả địa cầu và quả địa cầu nầy không chứa sự thù ghét. No Place For Hate. Các bé đã học được điều nầy từ những ngày đầu vào lớp mẫu giáo. Rõ ràng trong tâm tư mấy trăm em bé có mặt hẳn đã không có bóng dáng của kỳ thị, khinh miệt hay ghét bỏ người đang hát hò quanh mình, sống quanh mình, chia xẻ buồn vui với mình. Tinh thần nầy sẽ đi theo các em mà vào đời.

Lời hát của bản nhạc Waka Waka càng đưa những cánh tay và những lá cờ lên cao thêm: When you fall, get up. Oh oh. And if you fall, get up. Eh eh. Tsamina mina eh eh. Waka waka eh eh….

Trước mắt, mong rằng hơn 800 em bé nầy càng lớn khôn càng biết trân quý lá cờ của tổ quốc mình, biết quý trọng và thương yêu nhau, biết đứng thẳng lưng để làm con người xứng đáng.

Tôi có nghe người ta phàn nàn rằng học đường Mỹ thiếu môn Đức dục. Phải chăng những sinh hoạt như chương trình No place for hate hôm nay là một? Tôi cũng biết có người mang tâm trạng lo sợ văn hóa mình dần dần sẽ mai một và lo con em mình mất gốc. Nghĩ cho cùng, bao giờ còn những em bé như em bé Việt Nam 10 tuổi tôi gặp hôm nay vẫn biết mình là ai và Tổ Quốc mình là gì thì nỗi lo của mình chắc sẽ nhẹ đi phần nào. Lá cờ vàng có mặt ở đây nào có khác gì lá cờ vàng cắm trên đỉnh Everest (cao 8848 thước) ngày 17 tháng 5 năm 2004 hay tại sân doanh trại Hoa Kỳ ở Iraq do anh lính Hoa Kỳ gốc Việt treo ngày 6 tháng 9 năm 2004. Có lẽ em bé 10 tuổi ở trường McDougle hôm nay đã vô tình góp tiếng trong những Nghị quyết Cờ vàng trên nước Mỹ, mỗi ngày càng thêm nhiều. Đến hôm nay đã có 125 địa phương tại các tiểu bang Hoa Kỳ. Nếu cộng thêm lá cờ tại trường tiểu học McDougle nầy thì con số sẽ là 126 ngày hôm nay.

Hồn Việt nơi nào cũng có. Và cũng có ở bất cứ thời nào. Khí thiêng nước non Hồng Lĩnh vẫn đang theo chân người tị nạn để nuôi lớn Hồn Việt.

TBT

May 2011

web_xichlo.jpg

NGHĨ ĐẾN NGÀY 30/4 

TỪ MỘT CHIẾC XÍCH-LÔ ĐẠP TRONG THÀNH PHỐ

Mỗi sáng tôi đi bộ vài mươi phút trong công viên gần nhà. Công viên nầy chỉ cách ngôi trường tiểu học bởi cái hàng rào song sắt vuông sơn đen. Mỗi ngày cứ khoảng 9 giờ sáng, các học sinh túa ra sân chơi. Sân xi măng liền với sân cỏ xanh mượt. Các cháu chơi đủ thứ tùy lớp tuổi. Đá banh, chọi banh, xích đu, nhảy dây, chạy thi…Các thầy cô giáo cùng chơi với các học trò mình. Tất cả đều hồn nhiên. Dĩ nhiên là tôi không biết tên hay nhớ mặt đứa nào hết; đi hết 1 vòng trở lại cũng không nhớ đứa nào mình đã gặp mấy phút trước; cũng không quen các giáo viên, nhưng nhìn sân chơi đầy sinh động, trẻ trung, ngây thơ, liếng thoắng… tôi có những phút vui mỗi ngày. Cơ thể khỏe khoắn mà trong óc cũng rộn tiếng cười!

Vậy mà có đôi khi tôi nhận ra niềm vui trên đây hình như không trọn. Các học sinh tôi gặp hôm nay đương nhiên sẽ có mặt hôm sau và hôm sau, hôm sau nữa; ngoại trừ trường hợp duy nhất là bịnh. Học sinh toàn nước Mỹ có cả cái Children’s Bill Of Rights chống lưng, có No Child Left Behind Policy từ thời Tổng Thống George W.Bush và có cả chục ngàn dollars dành cho chi phí giáo dục hàng năm cho mỗi học sinh, không phân biệt giàu, nghèo, trắng, đen, vàng, đỏ, .... Hàng năm vẫn có những nhà giáo, kể cả giám đốc sở, hiệu trưởng, tình nguyện gõ cửa từng nhà những học sinh bất ngờ nghỉ học để kéo chúng trở lại trường. Còn số đông các cháu trên quê hương tôi không có những quyền lợi và phúc lợi đương nhiên đó. Các cháu đi học hôm nay nhưng có thể nghỉ học ngày mai. Cha mẹ nghèo quá mà học phí thì cứ tăng. Nghĩ cũng ngộ: Gọi là trường nhà nước mà phải bắt buộc đóng học phí!!! Thời Pháp thuộc, chánh quyền gọi là thực dân mà chúng ta còn có những trường công khắp nơi, tuy không nhiều nhưng miễn phí. Ngôi trường tôi đã theo học bên bờ Hậu Giang có mặt từ hơn 90 năm nay với tên đầu tiên là Collège de Cantho.Thời Đệ Nhất Cộng Hòa tuy chánh quyền còn phôi thai và Đệ Nhị Cộng Hòa một số tướng tá tranh giành quyền lực, cả lô chánh khách xôi thịt và phong trào phản chiến nhiều nơi, chiến tranh cũng vào thành phố… nhưng giáo dục vẫn nở rộ tới tận xã, ấp. Cả đời một học sinh trung, tiểu học trường công lập không biết cái gì gọi là học phí hay góp tiền xây dựng trường ốc. Nếu có thì chỉ là tình nguyện. Nhà nước lo hết. Học trò chỉ biết có “Tiên học lễ, hậu học văn”. Có học phải có hạnh. Đạo đức, kiến thức đề huề. Kính thầy, mến bạn.

Sau ngày 30/4/75 nước tôi đã 36 năm hết chiến tranh rồi. Dân số đã 82 triệu. Nhà lầu mọc lên như nấm. Xe cộ chật đường. Du sinh đông đảo, khắp thế giới.Tỉ phú, triệu phú có nhiều mỗi năm nhưng Forbes Magazine không tài nào biết chính xác để báo cáo với bàng dân thiên hạ hàng năm. Của chìm, của nổi biết đâu mà rờ. Còn đại gia, đại cán, tiểu thư, công tử…thì nhiều quá, kể sao cho hết! Đã lạm phát Hắc Công Tử và Bạch Công Tử rồi.

Kính thưa chư liệt vị, ý nghĩ dẫn tôi tới mấy dòng văn tự dài dòng như trên vì nhiều nguyên nhân. Thứ nhứt là tôi thấy 2 bức ảnh trên net, rồi đọc mấy tin tức về dân Nhật sau trận thiên tai ngày 11 tháng 3 vừa qua và 1 bản tin sáng  nay (25/3) nói về ông Bill Gate. Nguyên nhân sau cùng là hình như trong đầu óc tôi bỗng có sự liên quan của 2 tấm ảnh và các bản tin vừa nói với Ngày Tháng Tư Đen của cả dân tộc mình.

Tiền đề thì như vậy nhưng đưa ngòi bút đến đâu để chư vị thông cảm cho mấy ý tưởng mộc mạc của hạ nhân nầy thì sao thấy khó quá. Bút mình vốn cùn mà đầu óc thì bắt đầu lão hóa. Thật tức cho mình!

Đầu tiên là về 2 tấm ảnh. Ảnh thứ nhất chụp chiếc xe xích-lô đạp chở 11 em bé chắc chỉ ở lớp mẫu giáo hay cao lắm là lớp 2 ngồi chen chút từ dưới lên trên trong thùng xe phía trước; còn bác tài già cong lưng ngồi đạp phía sau. Loại xe nầy bình thường chỉ chở 1 người khách, ráng lắm thì 2 người ốm yếu. Xe chạy ngang tiệm cầm đồ có tấm bảng "Dịch vụ cầm đồ" viết bằng chữ Việt nên có thể biết xe đang chạy trên 1 con phố VN nào đó.

WEB_JapaneseschoolBus.jpg

Nhật Bản: Xe buýt chuyên chở học sinh bên trong trang bị computers mỗi chỗ ngồi

Đến bức ảnh thứ hai: Hình chụp chiếc xe buýt đưa rước học sinh ở Nhật. Xe láng coóng, bên trong trang bị những chiếc bàn cho học sinh ngồi, mỗi chỗ ngồi có 1 máy computer.

Tạm kết luận: Đất nước mình nghèo đâu có thể so sánh với nước Nhật tiên tiến được! Mười một em bé nầy ráng chịu cực từ bây giờ cho quen; sẽ còn nhiều thứ để “quen” nữa theo tuổi lớn của các em. Hơn nữa cha mẹ nghèo làm gì có chuyện ngồi xe thoải mái đến trường. Ngày nào còn ngồi cá hộp như vầy là còn may đó con ạ! Ngày nào tiền trường quá cao, cộng với những chỉ tiêu kinh phí trường ốc, v.v và v.v…thường xuyên rớt trên vai các bậc cha mẹ để tay họ không vươn quá trán thì con ơi, cứ ra xã hội mà vật lộn, tranh nhau từng miếng sống và ...tha hồ buồn! Cha mẹ đã "quen" từ 36 năm nay rồi! Bây giờ truyền lần lần cái "gia tài quen" nầy cho các con. Trịnh nhạc sĩ đã nói rồi: "Để lại cho em một nước Việt buồn". Nước mình bây giờ vừa buồn vừa khô. Khô óc. Khô tim.

 Cái xã hội có hàng ngàn cảnh đời tương tự như chiếc xích-lô chuyên chở kiểu nầy nhan nhản trên đường phố là 1 xã hội như thế nào? Chỉ mới đây thôi, ai cũng nghe tin vị hiệu trưởng miền núi nọ là loại tú bà thời đại; còn những nàng kiều thời đại là học trò của trường mình! Rồi tại Quảng Ngãi, 1 băng cướp khét tiếng cầm đầu là 1 thầy giáo! Tai hại là không ai biết xã hội nầy có bao nhiêu tú bà, mã giám sinh và tướng cướp như vậy vì tất cả đều đep mày đẹp mũi, chức vị hẳn hòi, nhà cao cửa rộng, tì thiếp mệt nghỉ. 

Bây giờ xin nói chuyện về bản tin liên quan đến người giàu thứ nhì của hành tinh nầy, ông vua điện toán Bill Gate. Bản tin có in hình Bill Gate và vợ là Melinda ngồi vui vẻ thoải mái giữa những đàn bà, đàn ông và trẻ con tại quận Patna, bang Bihar nước Ấn Độ. Nước Ấn có ¾ dân nghèo trong dân số 800 triệu. Ông bà Gates trên đường vận động cho chiến dịch “Hứa Cho” (The Giving Pledge) tại nhiều nước trên thế giới, theo đó tổ chức của ông bà , hợp tác với tỉ phú Warren Buffet, thúc đẩy những cá nhân hay những tổ chức giàu có hứa đóng góp tiền bạc để cải thiện tình trạng đói nghèo, bịnh tật, thất học…trên toàn thế giới. Chỉ tính tại Mỹ, thời gian qua tổ chức nầy đã kêu gọi được 59 gia tộc giàu có nhất nước, "siêu giàu", hứa góp ít nhất là 50% gia sản cho xã hội.

Việt Nam tôi bây giờ tỉ phú đô la không phải là ít nên bần bút xin kính mời Ông Bà Gates ghé thăm 1 lần. Kết quả thế nào thì xin hồi sau phân giải.

Nhìn chiếc xích-lô rồi nhắc tới các tỉ phú và các đại gia tại nước mình không hiểu sao tôi lại nhớ đến ngày Tháng Tư Đen. Thiệt là kỳ! Làm như cái ngày oan nghiệt nầy đã sanh ra những gương mặt ngây thơ, ốm o, buồn hiu trên chiếc xích-lô và sản sinh ra nhiều tỉ phú VN vậy! Thiệt là không hiểu nổi mình!!!

Còn hơn tháng nữa mới tới ngày 30/4 vậy mà tôi đã nghĩ đến nó! Thật quá sớm! Nhưng mà có đúng là quá sớm không? Có lẽ không phải. Vì ai là những người ti nạn chánh trị thuộc thế hệ thứ nhất đang tạm dung tại các nước ngoài VN mà không thường xuyên nghĩ tới cái ngày khiến mình phải bỏ lại tất cả để ra đi, đâu phải đợi đến ngày nhìn con số 30/4 hiện trên cuốn lịch? Hơn 30 năm trước nhà văn Thanh Nam, sau những ngày: “Quê người nghĩ xót thân lưu lạc, đất lạ đâu ngờ buổi viễn du” đã viết: “Một năm người có mười hai tháng, ta trọn năm dài một Tháng Tư”.

Chung qui cũng tại mấy tấm ảnh và mấy câu chuyện như đã nói trên mà tôi lan man tâm sự.

Nhìn 11 gương mặt trẻ thơ âm thầm chịu đựng nép mình trong lòng xe xích-lô chật chội, ai không khỏi làm một so sánh khi đối chiếu với chiếc xe buýt thời đại hi-tech chở học sinh bên Nhật. Nước Nhật giàu có và có những ông thủ tướng biết từ chức vì một câu nói hớ hay vì một ông bộ trưởng đi trật đường rầy, hay vì mấy món quà biếu trị giá vài trăm đô la, nên học trò có computer trên xe buýt là điều dễ hiểu. Nhưng thật khó hiểu cho cả ông bà Gates nầy: Tại sao không du hành nước tôi 1 chuyến để đem “The Giving Pledge” program nói chuyện với hàng trăm triệu phú, tỉ phú ở Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hốc Môn, Bà Điễm…. Thắc mắc thì như vậy, nhưng làm gì được với những đại gia chỉ biết vung tiền qua cửa sổ? Hay làm sao tìm được ai là người dám nhận cái “pledge” nầy? Nhà giàu nứt đố đổ vách thì nhiều nhưng không ai dại gì mà “lạy ông con ở bụi nầy” để mất cả chài lẩn chì sao. Dấu lúc nào hay lúc ấy; khi sắp lòi ra thì…a lê hấp! Chuồn! Cứ để mặc những chiếc xích-lô chở mười mấy học sinh tha hồ lăn bánh trên đường phố. Bỗng nhớ bài thơ "Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc" thời tiền chiến. Không đi học được thì làm công nhân bãi rác. Càng ngày càng có thêm loại công nhân không cần chữ nghĩa này. Nhà nghèo không gần với chữ nghĩa được thì gần với hè phố, bụi đường, bia rượu, nắm đấm, lọc lừa…. Chữ nghĩa mất dần trong đầu. Nhân tính cũng do đó mà có thể lụn tàn theo đà đi xuống của đạo đức xã hội. Con người như vậy thì có lúc sẽ là người có đầu mà thiếu óc, có lồng ngực mà thiếu trái tim. Một xã hội có một số không ít người chỉ nghĩ tới mình, nghĩ tới tư lợi thì xã hội ấy sẽ đi về đâu? Hay sẽ tự mình bước vào con tàu đang tuột dốc lui về những năm B.C tiền-văn-minh nhân loại? Chủ trương "Khánh nho, phần thư" của Tần Thủy Hoàng cùng lắm là đốt sách, chôn sống học trò, làm tiêu ma văn hóa của 1 thế hệ con dân của 6 nước vừa bị thôn tính. Có quá trễ không khi kể cho họ nghe câu chuyện nước Nhật sau cơn thiên tai 11/3 vừa rồi? Chuyện thứ nhất nói về 1 em bé đang co ro đứng ở cuối hàng dài chờ lảnh thực phẩm cứu trợ. Em được 1 cảnh sát viên người Nhật gốc Việt nhường phần lương khô của mình vì ngại em đói trong cái lạnh rát da khi phải chờ lâu. Em bé liền mang phần thức ăn ấy đến bỏ vào thùng quà đang phân phát. Hỏi:“Tại sao em làm vậy?” Trả lời: “Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ”. Chuyện thứ hai là chuyện người phát thư vẫn đồng phục tươm tất đi làm dù đang có nỗi lo rất lớn vì chưa liên lạc được với gia đình ở vùng thiên tai Miyagi với hơn 10 ngàn người chết. Hỏi:“Sao hôm nay ông vẫn đi làm?” Trả lời: “Công việc là công việc. Xin lỗi ông, tôi rất tiếc là đã làm phiền ông với tin buồn này. Sumimasen, sumimasen”. Còn nữa. Để bảo vệ mấy nhà máy nguyên tử tại Fukushima, nước Nhật đã có những samurai thời đại, tim nóng hỗi, đầu ngẫng cao, 1 tay xăn áo, 1 tay viết sẵn tuyệt mệnh thư; mới đầu 50 bây giờ đã hơn 500 những người biết quên mình lo cho người khác. Những bài học làm người-đàng-hoàng này không phải dễ học, nhất là đối với người thiếu óc và không tim.

Nhiều năm trước, khi đến ngày 30/4 mình hay nhớ cha nhớ mẹ, nhớ người tình, nhớ những chuyến vượt biên, vượt biển, rồi nhớ những ngày chân ướt chân ráo nơi xứ người. Nhưng gần đây sao những chuyện, những cảnh oái oăm ngoài xã hội, trong gia đình, nơi học đường, trên đường phố… hiện nay tại quê nhà dễ khiến mình nghĩ tới ngày oan khuất tháng Tư năm ấy? Có gì liên quan?

Mình quả là hạ nhân nhiều chuyện!

Houston, Mar 25, 2011

Trần Bang Thạch

TL_meconinheart.jpg

CÓ MỘT CÔ GIÁO TRONG ĐỜI

 

Hôm nay là ngày các học sinh trở lại trường, bắt đầu một niên học mới. Ngày mai là rằm tháng Bảy có Lễ Vu Lan Thắng Hội, cũng là ngày con cháu nhớ ơn cha mẹ hiện tiền và ông bà từ bảy đời trước.

Không nhớ từ hồi nào, tôi luôn nghĩ tới mẹ tôi mỗi mùa tựu trường dù cho ngày tựu trường và Lễ Vu Lan cách nhau cả tháng, không cận ngày như năm nay. Tôi cũng không nhớ rõ lắm thuở đó trong đầu óc trẻ thơ của tôi có cái lý do gì để mỗi khi nghĩ tới ngày tựu trường là nghĩ tới mẹ dù cho mẹ đang ở bên mình hay sau này khi mẹ đã đi thật xa. Lớn hơn một chút, và mãi cho đến bây giờ, tôi cũng chưa tìm thấy cái ràng buộc nào rõ nét giữa ngày tựu trường và mẹ. Chắc chắn là tôi không bị ảnh hưởng bởi bà mẹ ở làng Mỹ Lý của ông Thanh Tịnh khi học “Hằng năm cứ vào cuối thu lá ngoài đường rụng nhiều...” vì khi tôi biết cột chặt mẹ tôi với ngày tựu trường là lúc tôi chưa biết đọc.

Mẹ tôi không là một cô giáo, nhưng cả cuộc đời tôi, tôi đã có cô-giáo-mẹ. Cô-giáo-mẹ của tôi không có một chút chuyên môn sư phạm, không đứng lớp và không bao giờ nghỉ hưu. Thù lao suốt đời của cô-giáo-mẹ là niềm vui và nỗi buồn. Hằng ngàn, hằng triệu cô giáo này đã và đang có mặt trên đời, tiếp nối làm cô-giáo-mẹ. Có bao nhiêu người mẹ là có bấy nhiêu cô-giáo-mẹ, có phải không?

Như bao nhiêu người mẹ khác, mẹ tôi nuôi tôi lớn và dạy tôi, mong tôi nên người. Tôi lớn hay tôi bịnh hoạn, èo uột; tôi ngu dốt hay khôn ngoan; tôi nên người hay không...là do ở chính tôi. Bịnh hoạn cứ kết dính vào cơ thể tôi, bẩm chất tôi không thông minh như người, tánh tình tôi chỉ hướng theo cái xấu...thì cô-giáo-mẹ chỉ còn biết cố hết sức mình chăm lo, dạy dỗ, nhiều khi phải đau lòng mà “thương con cho roi cho vọt”. Có bao nhiêu người mẹ trên đời này mà không biết hy sinh cả niềm vui và hạnh phúc của mình, có khi hy sinh cả đời mình cho con? Con lớn khôn, mẹ vẫn lo. Con đau yếu, ngu dốt, mẹ lo nhiều hơn. Con ở gần, mẹ lo. Con ở xa, mẹ càng lo hơn. Con có danh có phận với đời mẹ vẫn khuyên dạy như ngày con còn bé. Khi lực bất tòng tâm thì người mẹ chỉ còn biết buồn, lo, rồi cầu trời khấn phật...và khóc. Cô giáo ở trường lớp cũng vậy, ai cũng muốn học trò mình giỏi, ngoan và thành công; nhưng đâu phải tất cả học trò mình đều làm được như vậy. Nỗi buồn của cô giáo chắc không quá dài và quá to bằng nỗi buồn của cô-giáo-mẹ. Cô-giáo-mẹ lo cả đời, buồn cả đời và khóc cả đời trước đứa con không nên người của mình. Chắc không cần phải nói: Một người mà “không nên người” thì vô cùng đắc tội và vô cùng bất hiếu vì không biết tới nỗi khổ quá to lớn của mẹ mình. Con hư một, mẹ khổ mười.

Mẹ tôi không có nhiều chữ nghĩa nhưng mẹ là cái gương sống bên mình tôi. Những năm tháng vất vả mẹ góa nuôi con cho tôi biết thế nào là tình thương yêu và lòng hy sinh của mẹ. Đồng tiền mẹ kiếm được qua những đêm dài mẹ thức trắng bên đèn khuya hiu hắt, còng lưng trên cái bàn máy cũ, hay những đồng tiền mẹ chắt mót từ hoa lợi của một miếng vườn nhỏ ở quê nghèo làm hiện ra trong mắt tôi những nấc thang mà tôi phải bước để đi lên, tôi phải đi ra khỏi cái cảnh sống thiếu thốn này bằng đôi tay và bằng trí óc của mình. Những tháng ngày mẹ tôi cận kề bên giường bà ngoại bị liệt chân tay nhiều năm trời đã dạy tôi thế nào là hiếu để; dạy tôi gấp ngàn lần chuyện Nhị Thập Tứ Hiếu học ở trường...Nhiều lúc tấm gương đó nhạt nhòa trước mắt tôi khi tôi nghĩ tới mẹ, nhưng trong lòng tôi không có cái gì rõ hơn hình dáng mẹ mình.

Thầy cô giáo của tôi dạy tôi chữ nghĩa và kiến thức. Dù còn sinh tiền hay khi đã quá vãng, Cô-giáo-mẹ của tôi dạy tôi ở đời từ lúc tôi chưa biết gì cho đến khi tôi đã thành ông của các cháu. Cô-giáo-mẹ của tôi đã ra đi từ lâu nhưng mẹ chính là bài học sống mà học hoài chưa chắc gì tôi đã thuộc.

Cho nên, hạnh phúc thay, tôi có một cô-giáo-suốt-đời. Chắc ai cũng vậy.

Phải chăng đó là cái lý sâu xa khiến cho tôi hễ đến ngày tựu trường là nghĩ đến Lễ Vu Lan Báo Hiếu và nghĩ đến Cô-Giáo-Mẹ.

Có lạ lắm không: Hôm nay dẩn cháu đến trường nhập học mà cứ nghĩ đến mẹ mình!

 

Trần Bang Thạch

NĂM MỚI NÓI CHUYỆN CŨ

Mấy tháng trước, lần đầu tiên tôi có dịp đi làm thiện nguyện tại một nhà kho của tổ chức FOOD BANK nằm ở mạn Đông Bắc của thành phố Houston. Ngoài những hình ảnh khá dễ thương như có những toán thiện nguyện cả đôi ba chục người trong các bộ đồng phục, mặt mày non choẹt, hay những người già cả hưu trí…tất cả tận lực làm việc suốt hơn 2 giờ liền, nghỉ giải lao mấy phút rồi làm tiếp. Người thì bê từng thùng thực phẩm, kẻ thì xếp loại hay lọc lựa hàng hóa không bị hư hao. Làm theo hệ thống dây chuyền, liền tay, chăm chú. Nhiều người trong số nầy đã có mặt thường xuyên ở đây từ nhiều năm nay.

Điều dễ thương nhất có lẽ là tinh thần san sẻ được thể hiện bằng cả một nhà kho thật lớn, chiếm cả một bloc đường chứa đầy hàng hóa đủ loại dành để phân phát cho người dân có lợi tức thấp. Những xe vận tải to, nhỏ tới lui thường trực. Có phải  tình thương cũng tấp nập vào ra từ đây?

Điều dễ thương nhất này phải chăng cũng là điều khiến mình có chút suy nghĩ? Nước Mỹ giàu mạnh đứng đầu thế giới này vẫn có nhiều người chờ để đuợc cứu trợ thực phẩm hàng ngày đến nỗi có biết bao nhiêu là FOOD BANKS mọc lên trên khắp nước Mỹ sao?

Hôm ấy tôi có thêm một suy nghĩ khác nữa khi gặp 1 việc mình chưa hề nghĩ  đến. Số là tại phòng giải lao của cơ sở FOOD BANK này tôi thấy 1 tấm bích chương khổ lớn dán trên tường. Tấm bích chương in hình 1 chú chó thật xinh, phía dưới chú chó có chua hàng chữ: “Last year he ate better than 30,000 Houstonians”.  Rõ ràng ai mà không khỏi suy nghĩ khi gặp tấm bích chương này. Diển giải một cách nôm na: Đứng hàng thứ tư về dân số trong các thành phố nước Mỹ và  được mệnh danh là Thủ Đô của Dầu Hỏa thế giới ( Oil Capital of  the World),vậy mà năm qua Houston là  một thành phố có 30,000 người ăn uống kém chất lượng hơn chú chó trên đây. Hơn nửa thế kỷ trước, nhà văn Nguyễn Vỹ nói là “Nhà văn Việt Nam khổ hơn chó”. Cái khổ này là khổ về tinh thần vì ngòi bút bị chế độ thực dân kềm kẹp hay bị kiểm duyệt, cũng có thể vì nghề cầm bút quá nghèo; hơn nữa nhà văn thời ấy không nhiều. Bây giờ, đầu thế kỷ 21, tại 1 đất nước giàu mạnh dân số hơn 300 triệu thì có hơn 49 triệu người được xếp vào loại nghèo, cần giúp đỡ thực phẩm. Houston có mức nghèo đói cao nhất nước Mỹ: Báo Houston Chronicle ngày 25 tháng 12 loan bản tin từ Trung Tâm Thực Phẩm và Hành Động ( Food Research & Action Center) thì cứ 5 gia đình có 1 gia đình không lo nỗi 1 bữa ăn bình thường mỗi ngày. Theo báo cáo của Houston Food Bank ngày 3 tháng 2 năm 2010 thì năm ngoái vùng Houston có 1.2 triệu trẻ em có được cái ăn là từ những cơ sở thực phẩm bất vụ lợi, tăng tới 85 % so với 4 năm trước. Quả là con số không ngờ! Nếu tính cho cả thế giới thì hiện có 925 triệu người nghèo đói với tỉ lệ là 1 trên 7. Nghèo đói vì thiên tai, chiến tranh, hệ thống canh nông hay khủng hoảng kinh tế, v.v…

Tệ nạn đói ăn và thiếu dinh dưỡng là cơ nguy đứng đầu cho sức khỏe người dân toàn cầu, nguy hơn cả 3 thứ bệnh AIDS, bệnh sốt rét và bệnh lao cộng lại. Thêm 1 con số để thấy điều không ngờ: Theo Website của Utah Education Network thì cứ mỗi 2 giây đồng hồ có 1 em bé chết vì các bệnh do suy dinh dưỡng! Tạm cho là quý vị mất 120 giây để đọc bài nầy từ đầu đến đây thì trên thế giới, ngay bây giờ, đã có 60 em bé ra đi!

Chuyện nghèo đói là chuyện quá cũ. Cũng như chuyện cũ tại nước mình hồi năm 1944 và 1945: Đó là nạn đói Năm Ất Dậu làm cả 2 triệu người miền Bắc chết từ tháng 10-1944 đến tháng 5-1945. Cái khổ là chuyện cũ ấy đã không giảm mà đang có chiều hướng gia tăng. Tăng đến đâu nữa khi hiện nay theo cơ quan Lương Nông LHQ thì thế giới đang có 200 triệu trẻ em dưới 5 tuổi thiếu ký vỉ suy dinh dưỡng. Còn ở Việt Nam thì có tới 45% trẻ em suy dinh dưỡng!

Chỉ nêu 1 con số nầy thôi cũng đủ thương cho trẻ con nước mình.

Nãy giờ tôi chưa nói tới tỉ lệ nghèo đói của toàn dân cả nước Việt Nam. Có lẽ không cần khi đọc vài mẫu tin sau đây.

Chắc hẳn mẫu tin gần đây nói về cụ Đặng Huyền ở xã Phú Dương ( Phú Vang, Thừa Thiên, Huế) 98 tuổi mà ngày ngày vẫn phải đạp xích lô nuôi mình và nuôi bà vợ bịnh hoạn là hình ảnh rõ nhất cho sự nghèo đói tai nước mình. Và cũng tại nước mình theo tin báo chí trong nước cho hay thì trong khoảng 5 năm trở lại đây đã có 1600 vụ buôn người, tổng cộng 4000 người,  gồm 3500 phụ nữ và 500 trẻ em vị thành niên bị bán ra nước ngoài. Thập niên 90 con số này là 22 ngàn người. Báo cáo của UNICEF đưa ra càng khủng khiếp hơn: Trong số 45 ngàn gái mãi dâm tại Campuchia hiện nay thì gái VN đủ hạng tuổi chiếm tới 60%! Còn biết bao những nàng Kiều thời đại báo hiếu cho cha mẹ bằng mấy trăm đô la để theo người gọi là chồng về xứ lạ Trung Hoa, Đại Hàn, Mã Lai…

Tin tức xấu kiểu này lượm hoài không hết.

Nạn đói Ất Dậu hơn sáu mươi năm trước ở xứ Bắc bây giờ như bóng ma đang lãng vãng khắp 3 miền Trung, Nam, Bắc. Không phải 2 triệu người mà gấp cả chục lần cái 2 triệu người nghèo đói năm ấy.

Ở nước ta còn có thêm nhiều cái đói khác ngoài cơm ăn áo mặc.  Đó là đói Tự Do, đói Dân Chủ, đói Nhân Quyền và nhiều, nhiều thứ khác...

Lan man chuyện cũ nhưng lúc nào cũng mới, gọi là một chút tâm tình ngày đầu năm. Trân trọng cảm ơn và chúc mừng Năm Mới 2011.

Houston, sau giờ Giao Thừa Dương Lịch 2011

tbt

Không muộn cho bất cứ lời cảm ơn nào

 

Tại Bắc Mỹ, Lễ Hội Thanksgiving đã qua rồi. Tại Hoa Kỳ thì vừa mới hôm qua. Tại quốc gia lân cận là Canada thì Thanksgiving đã qua hàng tháng trước. Người Canada chánh thức đón mừng ngày lễ Thanksgiving từ năm 1957. Thanksgiving tại Canada còn được goi là Jour de l’Action de grâce, xảy ra hàng năm vào ngày Thứ Hai đầu tiên của Tháng Mười để tỏ lòng cảm tạ trời đất lúc kết thúc vụ mùa.

Có phải mỗi năm chỉ 1 lần để nói lời cảm ơn, lời cảm tạ, hay lời tri ân, lời nhớ ơn, v.v… hầu biểu lộ lòng biết ơn của mình đối với Đấng Tối Cao vào dịp Thanksgiving? hay các đấng Cửu Huyền Thất Tổ trong giòng tộc cũng như các đấng cha mẹ sinh thành mỗi khi giỗ quảy hàng năm? hay quyết lòng ghi tâm khắc cốt những ân nhân trong đời mình hay những ân tình bằng hữu? Câu trả lời rõ ràng mà ai cũng thấy. Đó là tính cách liên tục và sâu thẩm của lòng biết ơn. Không phải 1 lần mà là nhiều lần. Không phải nhiều lần mà là liên tục, vĩnh viễn trang trọng giữ trong đáy tim mình lòng biết ơn dù không phải lúc nào cũng nói ra. Có những người không nói ra nhưng ơn nghĩa vẫn tràn đầy. Ơn trời đất, ơn cha mẹ ông bà, ơn sư phụ, ơn bằng hữu…làm sao mất trong lòng ta được. Có dịp nói ra là điều nên làm.

Những người vong ân, bội nghĩa thì miễn bàn! Đối với người Âu Mỹ thì không cần bàn vì tiếng cảm ơn hầu như lúc nào cũng đậu sẵn trên môi họ rồi; một chút cũng cảm ơn, hai chút cũng cảm tạ. Đó là nét văn minh lâu đời của họ rồi; ai không biết nói Thank you hay Merci, Gracias… mới là điều lạ.

Cái mình có thể lạm bàn lan man nơi đây là sự cần thiết và cách biểu lộ lòng biết ơn.

Có lẽ tôi sai khi quá chủ quan mà nhận thấy rằng trước đây tại quê nhà cá nhân mình, hay thậm chí nhiều người mình, sao ít nói lời cảm ơn quá. Nếu có thì nói trong những dịp rất đặc biệt, tự mình thấy cần phải nói hay nói để vừa lòng người khác. Cảm ơn món tiền khá lớn của ông cậu cho khi mình đậu Tú tài, nhưng không có lời cảm ơn nào cho người thầy đã dốc tâm dạy kèm mình môn toán lượng giác! Bước ra khỏi nhà thương thì đã quên ngay tên ông bác sĩ hay chị y tá tận tụy chữa trị và chăm sóc mình; coi như đó là nhiệm vụ của họ, cám ơn là thừa chăng? Mẹ mất khi vửa mới sanh ra thằng bé, bà chị cả bỗng thành người mẹ trẻ thức khuya dậy sớm săn sóc, đêm khuya ngủ gà ngủ gật giữ chai nước gạo rang giữa đôi môi ngậm chặt của thằng bé, giặt từng tấm tã lót, rồi nhai cơm đút từng miếng vào miệng thằng bé chỉ biết khóc,v.v và v.v… mà lớn lên thằng bé dù có nghe biết nhưng có bao giờ nói lời cám ơn đâu! Khi chợt nghĩ lại thì bà chị đã vĩnh viễn ra đi rồi. Chị đâu còn cơ hội để nghe dù 1 lần trong đời! Sao mà ghét ba quá và ghét luôn người đàn bà ở đâu được ba và chị rước về nhà làm bà má ngang hông trước khi chị theo chồng. Bà bắt mình phải ăn uống, giữ gìn sạch sẽ chân tay, tắm gội  mình mẩy, cắt từng cái móng tay móng chân dơ bẫn của mình, bắt kính trên nhường dưới, đi thưa về trình, lại bắt phải đi học nữa! Thuở ấy chín mười tuổi, thằng bé làm sao thấy được để cảm ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa năm ấy để miếng vườn cam của ba, sau nhiều năm thất mùa, bỗng đầy trái, đủ cho ba chi trả thầy nầy thầy nọ ở tỉnh, và trả chi phí cao như núi tại bịnh viện Grall ở Sài Gòn cho thằng con bị bịnh sốt xuất huyết cấp tính kéo dài cả tháng, mạng sống là chỉ mành treo chuông. Chợt nhớ hồi đầu năm 1980, người thuyền trưởng cao niên, râu tóc bạc phơ của chiếc ghe vượt biên HG 1071 chứa 125 người đã khéo léo đưa thuyền vượt các vùng đá ngầm ngoài khơi Rạch Giá, rồi tài tình chạy tránh hàng chục tàu cướp biển trong vịnh Thái Lan, tránh cho tất cả bảy tám chục phụ nữ và các bé gái trên thuyền không bị cưỡng hiếp. Cứ chạy tránh nhiều ngày nhiều đêm nên thuyền bị lạc vào vùng biển lạ; vậy mà cuối cùng thuyền cũng cập bến Songkhla an toàn, không thiếu người nào. Của cải còn nguyên. Người thuyền trưởng ấy hôm nay đang ở đâu? Hơn ba mươi năm rồi, nếu còn sống thì ông đã ngoài chín mươi. Bao lâu rồi mình đã không nghĩ tới vị ân nhân ấy? Mình có còn cơ hội để nói lời cảm ơn với bác thuyền trưởng TVH ấy không?

Còn, còn nhiều lắm những lời cảm ơn chưa kịp nói của cá nhân nầy. Mà khi muốn nói thì không bao giờ trễ. Càng không trễ đối với người thọ ơn. Người thi ơn thì vì không hề chờ tiếng cám ơn nên đâu có vấn đề đúng hay trễ. Nghe tiếng cám ơn thì vui mà không nghe thì cũng vui vậy.

 

Trần Bang Thạch

Greeting Season, 2010

THU ĐỜI     

            

 

Tại buổi mạn đàm văn hóa chủ đề Thu Ca tại Trung Tâm sinh hoạt Việt Mỹ, GS Nguyễn Văn Trường có nói tới 2 loại mùa thu: Thu của thiên nhiên thì khi thu sang là lúc thời gian của 1 năm đã qua một nửa; còn thu của 1 đời người mà ông gọi là “Thu Đời” là quá nửa đời người, là cuộc đời quá ngọ, đi vào xế chiều.

Diễn giả đã có 1 cuộc đời tạm gọi là phiêu lưu: Khi mới vào trung học thời thập niên bốn mươi, đứa con út mới trên 10 tuổi trong 1 gia đình đông con bình thường ở một làng quê miền Nam, phải rời Chợ Vãng đi “du học” hết Cần Thơ tới Mỹ Tho, đến cả Pháp quốc. Sau khi tốt nghiệp trở về nước, ông lần lượt phục vụ tại Viện Đại Học Huế và VĐH Sài Gòn; có 2 lần ngồi ghế cao nhất của bộ Giáo Dục thời Đệ nhị cộng hòa. Sau cơn đổi đời tháng Tư 75 ông cũng đã ngậm đắng nuốt cay suốt 17 năm tại quê nhà trước khi đoàn tụ với các con ở Houston. Bây giờ với tuổi đời vào hàng bát thập và với bề bộn những chất liệu của cuộc sống chồng chất trên đôi vai sau bao nhiêu thăng trầm, biến động, qua những giây phút tâm tình, diễn giả chắc đã tạo ra ít nhiều nghĩ ngợi cho người tham dự, nhất là đối với những người không còn trẻ, những người của độ tuổi hoàng hôn với bao nhiêu buồn vui của 1 đời người.

Ngẫm lại, mùa thu cũng có những khoảnh khắc buồn vui trong đời. Chẳng hạn như “Thu Sớm” của chàng trai ở độ tuổi mới lớn thì giấc mơ Hằng Nga, chú Cuội, thỏ bạch, ông trăng, lồng đèn, bánh mứt... đã qua từ vài năm trước, đây là giai đoạn người thiếu niên nhận thấy nhưng chưa cảm được chút heo may làm chao cánh lá úa. Đi trong rừng thu chàng còn ngơ ngác trước cái đẹp của buổi chiều thu. : “Con nai vàng ngơ ngác  đạp trên lá vàng khô” (Lưu Trọng Lư) hay khi nhìn lén một mớ tóc bên bờ rào, chàng chỉ nghĩ tới đôi má bầu bĩnh của con nhỏ hàng xóm:

nhỏ ngồi xỏa tóc bên rào,

thấy đôi má nhỏ đậm màu nắng trưa

(TBT)

Chỉ vậy thôi. Vô tư và vô tình như vậy đó. Có khi còn bị "con nhỏ" già trước tuổi cho là vô tâm! Thu sớm chắc không đẹp và vui như Xuân, như Hạ. Cái trầm lắng, u buồn của Thu làm người trẻ tuổi càng nhớ cái rực rỡ, tươi đẹp của mùa Xuân, cái nồng nàn, háo hức của mùa Hè. Ở tuổi nầy người ta có thể khổ vì hoàn cảnh nguy nan của cuộc sống nhưng ít đau buồn, chua xót cho thân phận, nhất là mặt tình cảm của mình. Một núi thử thách, hoài bảo và ước mơ trước mặt sẽ làm cho nỗi buồn rất chóng qua.

Khi Thu già hơn, “Thu Trưa”, thì chàng thiếu niên năm ấy đã thành chàng trai ít nhiều mơ mộng. Đi trong vườn Thu bây giờ chàng nghe có chút hơi lạnh, thấy lá vàng như thảm nhung vàng óng dưới chân. Đã thấy nhớ, thấy thương và biết mùi đau khổ. Chàng có thể khóc khi nghe “ ngoài hiên giọt mưa thu thảnh thót rơi” (Đặng Thế Phong). Và nếu còn mớ tóc bên kia rào thì tóc bỗng trở thành dãy mây thu để chàng sẽ tức cảnh sinh tình:

Em buồn xỏa tóc như mây,

tôi con nai nhỏ uống say giọt tình

(TBT)

Chàng nghe mùa thu sao mà đẹp lạ lùng! Mùa xuân và mùa hạ đâu có cái êm dịu, đầm ấm, ngọt ngào, trầm ngâm, ưu tư, lãng mạn, tình tứ và cái đẹp não nùng của một dáng thu thẹn thùng sau vành nón lá giữa rừng thu.

Thu sớm và Thu trưa không nằm trong nội dung của mẫu tâm tình của GS Nguyễn Văn Trường. Mùa Thu mà ông muốn nói là “Thu Đời”, tức là mùa Thu xế bóng của 1 đời người. Một thời gọi là “say tóc”, “say mây”, “say trăng”, “say tình”.... đã “mùa thu lá bay” hết rồi, từ hồi nào không nhớ. Có còn chăng là còn trong ký ức hay trong văn thơ của người trong cõi “Thu Đời”. Đây là thời gian đếm tuổi và đếm chuyện đời; đúng ra là làm 1 cuộc tính sổ đời, điểm lại những còn mất, xem lại những cái phải giữ hay phải vứt bỏ cho nhẹ nhàng:

Vàng thu mấy độ thu vàng

Gió nghiêng cánh lá để càn khôn rơi.

(TBT)

Ở độ tuổi vàng này, những đôi tay một thời xô lệch thành quách, đôi vai oằn túi càn khôn và trái tim nặng khối u tình bắt đầu nghiêng để rũ nhẹ gánh đời. Bỏ, bỏ, bỏ hết những gì bỏ được cho tuổi vàng thêm óng ánh như chiếc lá nhẹ nhàng bay trong rừng thu yên vắng. Dù có tiếc thu thì thu cũng sắp tàn rồi. Cuống lá đã hụt hơi trên cành.

Hãy uống mấy giọt mưa thu còn sót lại và hãy đẫm hồn trong hương thu của rừng thu muộn. Mưa thu và hương thu sẽ làm cho cánh lá thu dù úa vàng, tơi tả cũng thơm mát khi về với đất.

TBT

Oct.31, 2010

MỘT CHÚT THU

 

Hôm qua gặp một thoáng hơi thu qua bài Đường Thi ngũ ngôn tứ tuyệt của Thứ Sử Tô Châu đời Đường Đức Tông, Tiến sĩ Lưu Vũ Tích (772-842), một thi sĩ nổi danh, bạn thơ của Bạch Cư Dị :

Thu Phong Dẫn

Hà xứ thu phong chí?

Tiêu tiêu tống nhạn quần

Triêu lai nhập đình thụ

Cô khách tối tiên văn

Khi sáng tác bài thơ, có lẽ đó là lúc thi sĩ một mình lang thang ngoài sân vắng vào buổi sáng sớm bỗng nghe lành lạnh bờ vai, thi sĩ chợt hỏi: Từ một nơi nào mà gió thu tới đây, đem cái hiu hiu lạnh đủ làm cho những cánh nhạn vụt bay. Rồi gió cũng đã len vào hàng cây trước sân khiến người cô lữ nghe thấy tiếng thu trước mọi người.

Một bài thơ nói về thu với những những vần, những chữ mềm như tơ, thanh thoát như hơi thu và nhẹ nhàng như ý thơ chợt đến trong hồn thơ của người cô đơn trong một ngày thu mới chớm. Thơ thu thì thật nhiều, nhưng khi bắt gặp tiếng thu này nghe như đang nhìn một chút thu đọng trên từng cánh nhạn giữa khung trời mênh mông, như thấy cành lá lóng lánh sương mai lao xao ngoài ngõ và ngắm người thơ uống từng vốc thu sớm đầu ngày.

Ý, Tình của Thu Phong Dẫn khiến kẻ hậu bối này đêm qua thao thức hoài với những câu thơ đồng cảm chợt nãy trong đầu. Thơ hiện rồi thơ đi. Cuối cùng trong đầu chỉ còn chữ nghĩa của Lưu Vũ Tích. Còn chữ nghĩa của kẻ thi ưu hạ tiện thì đã bay theo bóng đêm mất rồi.

Sáng nay ngồi trên băng đá sau vườn nhà, nhâm nhi tách cà phê nóng. Không cảm thấy cái nóng của mùa hè như vài tháng nay. Có lẽ Thu Ý vẫn lãng đãng trong hồn nên thấy trước mắt một đàn kiến nối nhau thành một lằn chỉ nâu thật dài, cong queo nối từ gốc quít sang gốc hồng, vòng qua gốc anh đào rồi biến mất ở bờ rào. Không biết sợi dây nâu còn chuyển động thêm bao xa nữa; hay như đàn nhạn bay về cuối trời theo cánh gió thu. Bước đi kiên nhẫn và nhỏ nhoi của hàng ngàn con kiến nhẹ nhàng quá và âm thầm quá. Đông như vậy mà sao thấy đàn kiến như tập hợp của cả ngàn sự cô đơn để thành một sợi tơ chùng. Những mùa thu cũng đã nối nhau, âm thầm, lặng lẽ trên một kiếp người. Rồi kiếp người sẽ đi về đâu? Bỗng bắt gặp Thu Phong Dẫn trên cái khoan thai, nhẹ nhàng của đàn kiến, trên cành lá nhẹ rung và trong cái lành lạnh dưới lớp áo mõng. Và gặp Thu trong cái lặng lẽ của một tiếng thở dài. Đây có phải là Thu ta không tìm mà đến, là Thu ta không mong mà tương phùng? Đây có phải là lần đầu trong đời mình nhận biết mình đang hội ngộ với cơn gió đầu thu? Hay hơi thu từ hôm qua đẫm chữ nghĩa của Lưu Vũ Tích đã thần kỳ biến cơn gió bình thường này, cơn gió của mọi ngày trong một vuôn vườn nhỏ nhoi này, thành một chút gió thu khiến mình thấy thu vừa đến và thu đã gõ nhẹ hồn thơ cho chữ nghĩa bỗng có mặt từ một góc thu để gọi là đáp lời tri kỷ Lưu tiền bối :

CHẠM VÀO THU

Thu từ đâu trở về đây?

Nhạn theo cánh gió nhẹ bay về ngàn

Hiên ngoài mấy giọt sương tan

Mình ta nghe tiếng thu sang đầu ngày.

(TBT)

Đời mình đã mấy lượt phong ba, bao mùa gió nỗi. Cuối cùng chỉ mong được sống với mùa thu tuổi vàng êm ả. Cho nên những khắc giây được sống với  Thu qua thi ca, âm nhạc, những lúc được thu ghé qua đời bằng một luồng gió mát, hay một cánh lá lững lờ bay trong một sớm thu khiến tâm hồn lên cung bậc thì đó phải chăng là quà tặng của đất trời?

Sáng mai trở lại băng đá cũ, trong góc vườn cũ, ta có thể sẽ thấy một đàn kiến nối thành sợi dây nâu quanh vườn, sẽ nghe lành lạnh đôi bờ vai, hay sẽ có những chiếc lá chao nghiêng trước mắt, nhưng làm sao bắt được hồn thơ của Thu Phong Dẫn “Cô khách tối tiên văn”! Càng không thể nào có cảm giác “Mình ta nghe tiếng thu sang đầu ngày”. Có khi mình vẫn có Thu Ý, nhưng Thu Tình thì đâu phải dễ kiếm. Càng khó khi muốn nghe một Thu Âm của một đêm túy ngọa! Khó nhất vẫn là một Dáng Thu hồng nhan tri kỷ.

Đầu thu 2010

Trần Bang Thạch

TL_conggach.jpg

        CÙNG CỎNG TRÁI NÚI TRÊN LƯNG

     NÊN THẤM THÍA 1 NỖI BUỒN

 

Đầu tháng 6. Những ngày hè đã tới rồi. Các đại học, trung học, tiểu học đã làm lễ mãn khóa. Người sinh viên ra trường thì chờ đón tương lai đang ở trước mặt họ. Quẳng gánh lo đi và vui sống. Người chưa ra trường thì cũng tạm trút gánh nặng trên vai, vui chơi thỏa thích 3 tháng hè. Rồi sau đó tiếp tục đi tìm tương lai của mình. Đường tương lai có sáng lạng hay đen tối chủ yếu là do nơi mình. Hầu hết các quốc gia tiên tiến trên thế giới có truyền thống văn hóa lấy nhân bản, nhân vị làm gốc, dân vi quý, xã tắc thứ chi, có cơ cấu tổ chức xã hội ổn định, trật tự, dân chủ, tự do...là nền tảng cho mình làm chủ  cuộc đời mình. Mọi người có cơ hội đồng đều mưu cầu hạnh phúc, an sinh và phúc lợi cho mình. Không như ở một vài nước khác đang đi thụt lùi trên con đường văn minh thế giới của thế kỷ 21; ở đó người ta đi tìm đỏ con mắt vẫn không thấy một chút tự do, dân chủ nào. Vận mệnh con người thì thật là bấp bênh, trôi nổi trên những bãi bờ đen tối. Đường tương lai là ngỏ cụt.

Cho nên Sổ Tay mới có chuyện bé Hậu Em để thưa cùng chư liệt vị hôm nay.

Tuần rồi tôi nhận một email từ Úc Châu của 1 vị thầy cũ. Thầy chuyển cho tôi 1 bài phóng sự  vừa đăng trên 1 tờ báo tại Việt Nam.Trong thư thầy viết mấy lời về bài phóng sự: “ Theo tôi, rất buồn nhưng cần thiết! Giá mà thường có những bài như thế nầy để nỗi buồn thêm thấm thía!!!”. Lời thầy ngắn và bài phóng sự cũng ngắn, độ 400 chữ. Nhưng bỗng nhiên tôi nhận thấy hai cái ngắn này đã tạo thành 1 cái dài vô cùng. Trên đất nước tôi từ hơn ba mươi năm nay và nhiều, nhiều năm nữa sẽ còn biết bao những thảm cảnh kiểu này mỗi ngày một nối dài; và nối dài nỗi thấm thía của thầy trò tôi thành vô tận. Không phải chỉ 400 chữ và vài tấm ảnh của bài phóng sự này. Hằng triệu triệu chữ, hằng trăm ngàn hình ảnh của hằng ngàn bài phóng sự tương tợ đang in nhan nhản trên những tấm lưng trần bốc khói của đồng bào tôi ở khắp nơi trên 1 đất nước đã 35 năm gọi là hòa bình, thống nhất. Và chắc chắn không phải chỉ có hai thầy trò tôi thấm thía nỗi buồn nầy, phải không?

Bài phóng sự kể chuyện 1 em bé con nhà nghèo 10 tuổi tên Hậu Em đang học lớp 3 ở ấp Mỹ Thạnh, xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới, Long Xuyên. Hàng ngày, ngoài giờ đến lớp, Hậu Em làm mướn cho 1 lò gạch để phụ tiền ăn cho cả nhà gồm 5 người. Mấy tấm ảnh chụp hình bé Hậu Em ốm yếu, gầy gò nặng tròm trèm 30 kg mà phải cỏng trên lưng mỗi chuyến từ 20 đến 40 viên gạch nung, mỗi viên nặng 0.8 kg, vị chi trên tấm lưng rộng độ gang tay của em có 1 khối gạch nặng  từ 16 kg đến 32 kg. Trung bình mỗi ngày bé Hậu Em cỏng gạch 50 chuyến từ lò xuống ghe; có đoạn phải đi trên những tấm ván nhỏ, gập ghềnh, dễ té.  Bé Hậu Em đã có lần bị trượt chân té xuống cầu, đầu đập vào gạch, máu chảy nhiều, còn để lại cái sẹo bên thái dương. Để có được  20 ngàn đồng, khoảng 1 US đô la, bé Hậu Em phải cỏng 2000 viên gạch mỗi ngày !

Nghe chuyện bé Hậu Em chắc chắn thế giới phải tròn xoe đôi mắt rồi liên tục nhíu mày! Họ tưởng cái ấp Mỹ Thạnh lạ hoắc kia là mảnh vụn còn sót lại của 1 làng nô lệ mấy thế kỷ trước!

Ai cũng biết ở nơi đâu thì người ta cũng phải làm việc để sinh tồn. Rất nhiều sinh viên, học sinh tại các nước tiên tiến cũng vậy. Họ cũng làm việc ngoài giờ học và đồng lương được trả theo luật lao động. Tuổi tác, điều kiện an toàn cũng theo luật lao động. Các sinh viên, học sinh mỗi ngày đi học cũng cỏng trên lưng cái backpack nặng sách vở. Người tốt nghiệp đại học cũng vậy, vừa buông cái backpack sinh viên nặng này thì mang tiếp cái backpack công, tư chức nặng khác. Nhưng những cái “khối nặng” nầy không giống như mấy mươi viên gạch vô tư, vô tâm và hút máu của bé Hậu Em. Trên lưng họ là những túi hành trang chứa đầy khả năng và trí tuệ mà đất nước đã chuẩn bị cho họ dù có nặng trình trịch nhưng là những vốn liếng vào đời, là những nấc thang để bước lên vùng trời tương lai đầy ánh sáng.

Còn bé Hậu của tôi thất thểu trên ngỏ cụt tương lai có bao giờ được buông xuống những tấn gạch trên lưng? Những nghèo đói, thất học, những bóc lột, bất công, chèn ép, vân vân và vân vân... mãi mãi sẽ là những tấn gạch nặng dán dính vào những tấm thân còm cõi của hàng triệu bé Hậu trên quê hương tôi. Những số phận bé mọn, hẩm hiu của từng người và cơn vật vã, đau thương của đất nước cũng sẽ là những hòn đá tảng trên lưng người dân quê tôi.

Sống ở xứ người, chúng ta có thể buông bỏ những túi nặng “backpacks” trên lưng bất cứ lúc nào. Trên lưng bé Hậu có một ngày cũng sẽ xa rời những viên gạch. Nhưng trên lưng của mỗi người Việt Nam mình, dù muốn hay không, dù bé dù lớn, dù sống bất cứ ở đâu cũng đều cỏng nặng một trái núi. Đó là trái núi lửa được hình thành bằng sinh mệnh bi thương của dân tộc, là oan trái của lịch sử sau trận phong ba của đất nước từ hạ bán thế kỷ trước.

Bé Hậu ơi, dù sao chúng ta cũng là người đồng hành và đồng cảnh nên dễ đồng cảm. Thương em cũng là thương chính mình. Cho nên chuyện của em làm mọi người “thấm thía” là vậy đó.

TBT

Houston, mùa nghỉ hè 2010

SỐNG NHỮNG KHẮC GIÂY BẰNG VÀNG

Chị cất cao tiếng hát: “...tóc trắng mẹ bay, như gió như mây bay qua đời con...”. Những lời ca đó tôi đã nghe nhiều lần, lần nào cũng không tránh cảm xúc khi liên tưởng tới hình ảnh mẹ mình. Hôm nay dù trên một sân khấu nhỏ, dù bài hát chỉ là một tiết mục góp vui trong một chương trình vui tất niên tại TT Việt Mỹ, nhưng những lời ca quen thuộc đó phát ra từ người ca sĩ không chuyên nghiệp đứng giữa hai mái tóc bạc trắng đã đưa cảm xúc của tôi tới một mức cao hơn. Nhiều khi sự có mặt của nghệ thuật chỉ là một cái chạm nhẹ vào cung bậc tâm hồn. Lời ca, tiếng hát và hình ảnh hai mái đầu bạc như mây đang biến thành nghệ thuật để đưa nghệ thuật vào lòng người, khiến người nghe bỗng sống với tâm trạng, với cảm xúc của mình, sống cái thổn thức của mình, sống với riêng mình một cách rất tự nhiên và bất chợt.

Trước mắt tôi tiếng hát đang quyện vào hai dãy mây trắng để tôi nghe lòng mình phát ra những dây đàn chùng mang âm hưởng của tiếng thở dài nhớ nhung, tiếc nuối. Hình ảnh thấy gần gũi quá. Mẹ tôi như đang có trước mặt mà sao thật là xa. Dãy mây trắng đang bay trên đầu, cảm nhận được sự ấm áp, nhưng làm sao với tới. Tình mẹ cho tôi suốt hơn tám mươi năm mẹ có mặt trên đời vẫn đầy dù con đã đi xa. Lòng mẹ vẫn bao la dù mẹ đã khuất bóng. Mẹ tôi vĩnh viễn ra đi vào ngày 28 Tết hơn 10 năm trước, ở tuổi 84. Tóc Mẹ tôi cũng trắng như mây. Như mây trắng, mẹ vẫn là bóng mát trên đầu con, chở che, dỗ dành, an ủi. Cảm xúc càng dâng cao khi nghĩ tới đạo làm con không tròn đối với mẹ; bây giờ có muốn cũng không được. Bây giờ muốn vuốt tóc Mẹ sao chỉ thấy toàn là mây trắng bay!

Người ca sĩ tuy không chuyên nghiệp nhưng lời hát thiết tha đầy cảm xúc của chị là một tia lửa nhỏ góp vào  vùng ánh sáng chan hòa của nghệ thuật. Bắt được những khắc giây nghệ thuật này là một hạnh phúc.

Trong thế giới nhiều bất ổn, tranh giành, đầy âu lo, tính toán hôm nay mà có được một chút thoải mái, hài lòng, vui vẻ là những giây phút quý giá. Đó là những lúc được sống những giây phút bằng vàng. Dĩ nhiên hôm ấy cũng có những giây phút bằng vàng khác, như sự trình diễn của gia đình anh chị PB-VTN, như gia đình gồm 3 thế hệ của chị PTH, mang ý nghĩa “ cả nhà cùng vui xuân đón Tết” , hay như 2 màn vũ Con Rồng Cháu Tiên và Nước Non Ngàn Dặm của Thiền Quyền Dưỡng Sinh thể hiện nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Chiều nay tôi ghé lại một trường tiểu học. Bóng dáng nghệ thuật thể hiện đầy cả một gian phòng rộng. Không có sân khấu với lóng lánh đèn màu, không có phông màn óng ánh tơ lụa và không có một nghệ sĩ chuyên nghiệp nào ở đây. Cả mấy trăm cháu bé các lớp tiền-mẫu-giáo và mẫu giáo cùng với hàng chục giáo viên và hàng trăm phụ huynh học sinh đang làm nghệ thuật. Hơn bốn mươi phút, cả trò từ 4, 5 tuổi đến thầy cô và cha mẹ, anh chị học sinh từ 2, 3 chục đến 6, 7 chục tuổi đồng loạt múa theo tiếng nhạc qua các động tác bằng cánh tay, bằng ngón tay, bằng chân, bằng nghiêng mình, ngoẹo đầu, xoay cổ. Chắc chắn là các học sinh và thầy cô giáo thì đã tập luyện thuần thục tại lớp, tại trường rồi. Còn các cha mẹ, anh chị, ông bà của học sinh thì sao? Một số đã tới trường sinh hoạt, tập luyện với con cháu mình, một số thì được chính con cháu mình tập cho ở nhà. Phải tập luyện lâu lắm mới đạt được sự thống nhất và đồng bộ như hôm nay.

Tôi vốn là người dễ tính đối với nghệ thuật, không bao giờ dám đi tìm cái toàn chân, toàn mỹ của nghệ thuật; mà cho dù có muốn cũng không tìm được, hay không có để mà tìm. Cái gì làm đẹp, làm mới, dù một chút xíu, cho tâm hồn mình, làm mình cảm xúc qua những hình thái nghệ thuật thì đó chính là nghệ thuật đối với mình. Tôi thật sự xúc động khi tiếng hát cất lên “ tóc trắng mẹ bay như gió như mây” giữa hai mái tóc bạc như nói ở trên: Đó là nghệ thuật. Và tôi cũng đã thật sự xúc động qua các động tác đồng bộ, đồng nhịp của cả một khối người già trẻ, bé lớn. Cái đẹp ở đây không chỉ có ở các điệu múa đơn sơ của cả chục bài hát từ loa phóng thanh, mà là ở tấc lòng vì con em, vì phương cách, vì hình thái giáo dục, vì sợi dây liên đới ràng buộc tấc yếu và vô cùng cần thiết giữa nhà trường và cha mẹ học sinh, là tinh thần chịu khó học ca, học múa để hân hoan cùng nắm tay con cháu mình cùng vui, cùng ca, cùng múa, cùng hồn nhiên như con trẻ. Chắc chắn những cháu bé này và cha mẹ, hay ông bà, anh chị không có một sự xa cách nào giữa họ trong thời gian cùng chơi, cùng học tập. Trong gia đình, cha mẹ, con cái không giữ được những sinh hoạt liên đới như thế nầy về lâu về dài thì đừng oán than là con cái càng lớn càng xa mình. Biết cách “chơi chung” với con cháu cũng là một nghệ thuật sống.

Và biết thưởng thức nghệ thuật theo tầm mức nhận thức của mình, biết sống với nghệ thuật theo cách riêng của mình cũng là một nghệ thuật sống của chính mình.

Sống hạnh phúc là sống những khắc giây bằng vàng.

Cuối tháng 2/2010

TBT

CHUYỆN

MẤY

CON CÁ TỘI NGHIỆP

 

Tuần trước, người bạn văn Nguyên Nhung, sau chuyến đi chơi 2 tuần lễ vùng Seattle và Alaska, vừa về nhà đã kể cho chúng tôi nghe nhiều điều lý thú. Từ chuyện người thiếu phụ ngồi hàng giờ trên băng đá cạnh ngôi mộ chàng Lý Tiểu Long ở Seattle đến chuyện ngắm cảnh đẹp như thần tiên vùng biển Alaska. Có một chuyện làm cho tôi vô cùng xúc động. Đó là chuyện con cá hồi.

Chuyện con cá hồi thì chắc không lạ gì đối với nhiều người. Thì ai cũng biết đó là cá salmon, loại cá sanh đẻ ở nước ngọt rồi sống ở biển khơi, rồi bị nướng, bị luộc, bị kho hay bị đóng hộp thành cá mòi; có con may mắn được trở về vùng nước ngọt để sanh đẻ. Tôi cũng hiểu như vậy. Nhưng qua câu chuyện kể của Nguyên Nhung, bằng những quan sát, nhận xét và cách diển đạt của một nhà văn rất tinh tế trong các đề tài mẩn cảm nội tâm, tôi bổng thấy một nỗi xúc động đã len lén đi vào lòng mình hồi nào không biết. Tôi giục Nguyên Nhung viết, viết trong lúc thân phận con cá hồi đang nằm thở phì phò trong đầu óc nhà văn và trong trái tim đang xúc động của người được nghe câu chuyện còn nóng hổi.

        Nước chảy, từ trên nguồn đổ xuống

        Cá quẫy ven bờ ngược nước lên

        Vài thân cá chết vương ghềnh đá

        Gửi nắm xương tàn trong  lãng quên

       (Chuyện Con Cá Hồi Vượt Sóng, thơ Nguyên Nhung tháng 9-2009)

Phải, tôi đã xúc động không ngờ. Hình ảnh từng đàn, từng đàn cá mái bụng mang dạ chữa rời biển mặn, mắt trợn trừng, ngoi đầu vượt ngàn dặm trùng dương với bao thác ghềnh, bão to, sóng dữ. Những con cá hồi tội nghiệp chỉ muốn về vùng nước ngọt sanh con đẻ cái tại đúng nơi chôn nhau cắt rún mấy năm trước mình đã bỏ đi. Có con chưa về đến nơi đã gởi thân tàn nơi xứ lạ. Có con trầy vi, tróc vãy về đến nơi sanh xong rồi chết. Tôi không chứng kiến cái chết của cá hồi, nhưng tôi thấy những nụ cười mãn nguyện trên từng con, từng con. Chắc vậy. Không thể nào khác được.

Cái gì đã buộc chúng phải quay về? Có phải đó là quê hương ? Là hơi hám của một bãi bờ, một ghềnh đá thân yêu ngày cũ? Quê hương của cá hồi hiền từ lắm, không có một độc tố ngoại lai hay những kẻ đồng chủng nội thù. Thiên nhiên chớ đâu phải là con người mà có hằn thù, phải không? Vùng hồ ao đó vẫn là chiếc nôi còn thơm mùi sữa mẹ cho nên cá hồi, từng đàn, từng đàn vượt sóng trở về, chết cũng trở về. Trở về để cất tiếng cười rồi chết trên quê hương.

              Tôi nhìn cá chết trong lòng suối

              Dẫu về, nhưng có sống được đâu

              Thoáng thấy bóng mình in đáy nước

              Mới đó mà nay đã bạc đầu ...

              .....................................................................

           (Chuyện Con Cá Hồi Vượt Sóng, thơ Nguyên Nhung tháng 9-2009)

Thoáng thấy bóng mình in đáy nước. Phải mà, đây chính là điều đã làm tôi xúc động, thương cá thì ít mà thương thân phận lưu vong của mình thì nhiều. Cá còn có đường về để ngửa mặt cười vang trước khi chết. Còn mình, dù có về nhưng tiếng cười chưa thấy thì đã thấy một cõi âm u nào khác.

Cả chục năm trước, một bạn thơ khác của tôi, anh Đạm Thạch viết bài thơ Con Cá Lưu Vong. Bài thơ nổi tiếng ngay sau khi xuất hiện trên báo vì nó là tâm trạng của non 2 triệu người Việt Nam lưu vong. Bài thơ kể chuyện tác giả bổng gặp con cá cháy tại 1 cửa hàng thực phẩm ở Little Saigon: Thì ra đến con cá cháy cũng lưu vong huống chi là con người Việt Nam của thời đại xã nghĩa!

Giữa chợ ABC tôi muốn la lên cho người Cần Thơ xúm lại

Để tận mặt nhìn con cá thuở nào

Con cá sống quẩn quanh giữa khúc sông Trà Ôn, Đại Ngãi

Sao bây giờ giữa chợ phơi thây?

Tôi kịp la to nhưng kịp gìm tiếng tôi khựng lại

Tự hỏi lòng cá cũng lưu vong

........................................................................

(Con Cá Lưu Vong, thơ Đạm Thạch, 2000)

Cá cháy chỉ sống ở vùng nước lợ, chỗ giáp ranh nước mặn và nước ngọt. Khi nước đã thay lòng, không giữ được mùi vị quen thuộc thì đàn cá phải ra đi hay chịu chết trên dòng sông cũ. Đã có bao nhiêu con cá cháy đã trầy vi, tróc vãy mới đến được khu chợ nào đó, như chợ ABC, chợ Hồng Kông 4? Và bao nhiêu con phơi mình trên những khúc sông không còn nước lợ hay trên vùng biển dữ Thái Lan, Indo, Mã Lai? Phải chăng đó cũng là hình ảnh của người Việt mình, những người đành cam sống lưu vong ở khắp nơi trên thế giới, hay những người không tới được bến bờ? Chết hay sống thì cũng đều là người ly xứ!

Cá với người cùng có những tâm trạng chua xót như nhau.

Theo tin báo chí: Cuối năm 1999, một con cá đuối, loại cá chỉ sống ở nước mặn, bị mắc lưới ỏ huyện Lấp Vò, Đồng Tháp, vốn là vùng nước ngọt. Thì ra cá đuối đã theo nước mặn mà xuôi Nam. Tai họa đã tới: sông rạch Miền Nam đang trở thành nước mặn và nước mặn sẽ tràn vào đồng ruộng miền Nam vào một ngày không xa. Đồng ruộng miền Nam sẽ là đồng khô cỏ cháy. Cám cảnh này, hồi năm 1999 tôi đã làm bài thơ Chuyện Con Cá Đuối Ở Huyện Lấp Vò. Con cá đuối từ bể Bắc lặn lội về Nam để báo tin tai họa đang giáng xuống đầu cổ người Phương Nam. Biết là về đó cá sẽ bị lưới, nhưng thà là làm thằng mõ báo bão còn hơn là làm người giá áo túi cơm.

Nhưng ta về phương Nam

Làm thằng mõ phương Nam

Theo biển mặn về nơi bãi thấp

Theo sóng dữ mang về tin dữ

Về phương Nam

Ta báo bão phương Nam

……………………………………….

(Chuyện Con Cá Đuối Ở Huyện Lấp Vò, thơ Trần Bang Thạch, 1999)

Thương thay mấy con cá tội nghiệp. Mỗi con mỗi cảnh, mười phân khổ cả mười!

Người ngư phủ đồng bằng quần vải áo thô

Người có thấy người đang vào trận chiến

Sông rạch miền Nam phải đâu là biển

Hà cớ chi nước mặn tràn bờ?

(Chuyện Con Cá Đuối Ở Huyện Lấp Vò, thơ Trần Bang Thạch, 1999)

Trên đây là lời báo tử cho môi sinh, đồng lúa, cây trái Miền Nam, không vài năm thì cũng vài mươi năm nữa. Qué sera, sera!

Rất mong đây không phải là lời báo tử cho cả một dân tộc, về một hay nhiều phương diện nào đó.

Người ta đã nói nhiều tới 7 con đập bậc thềm Vân Nam đã và đang được Trung Quốc xây dựng từ thập niên 80. Đáng kể nhất là đập Xiaowan trên sông Dương Tử được coi là đập cao nhất thế giới, cao 292 thước, bằng nhà chọc trời 100 tầng, xây từ năm 2001 và sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2010. Đập Xiaowan có sức chứa tới 15 tỉ mét khối nước lấy từ sông Mêkông (theo Ngô Thế Vinh). Yết hầu sông Mêkông từ phía Trung Quốc thắt hay mở đều do những ông trời con ở đó. Biển Đông sẽ dậy sóng và Cửu Long sẽ cạn dòng. Bao nhiêu triệu tấn chất thải từ những nhà máy Phương Bắc đang trôi về Phương Nam?

 

Chừng đó sẽ không còn một con cá đuối nào sống sót để về Phương Nam báo bão. Chắc vậy.

Cuối cùng, có lẽ  người Việt lưu vong chỉ còn một chỗ để về, cũng là một nơi để tâm tư nương tựa: Dòng lịch sử oai hùng dựng nước và giữ nước của tiền nhân và nền văn hóa Hòa Bình, Nhân Bản bắt nguồn từ năm 2879 trước Công Nguyên với truyền thuyết Mẹ Tiên, Cha Rồng, Nhất Bào, Bách Noãn.

 

Trần Bang Thạch

Tháng 9-2009

NĂM MỚI,

NGHĨ TỚI MỘT THẾ HỆ MỚI  

Còn vài mươi tiếng đồng hồ nữa là năm 2009 bắt đầu.

Ngày Lễ Giáng Sinh vừa mới qua. Những ngày cuối năm trời se lạnh, thường có những cơn mưa bất chợt rớt xuống thành phố. Cuối tuần ngồi nhà, nhìn hình ảnh vị Tổng Thống thứ 44 của Hoa Kỳ, sau những ngày cực lực sắp xếp nhân sự cho nội các mới, đang ung dung chơi golf ở bãi cỏ Hawaii, mặc dù tình trạng kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn. Phải chăng đó là hình ảnh của tuổi trẻ: chơi ra chơi, làm ra làm? Bỗng nghĩ đến một năm mới và một thế hệ mới. Thật sự thì lúc nào mà không có những thế hệ mới đang bước vào đời.Tổng Thống tân cử Barack Obama có lẽ là người tiêu biểu nhất cho thế hệ nầy trong nhiều năm sắp tới. Người được cả thế giới biết đến như một biểu tượng của thắng lợi và của đổi mới mà tạp chí Time đã chọn là Man of the Year. Một hí họa của họa sĩ Nick Anderson đã được bầu chọn là Year’s Best Cartoon. Bức hí họa nầy vẽ 2 người đang đứng trên quả địa cầu tại phần đất Mỹ Quốc có ghi “LAND OF OPPORTUNITY”, người thứ nhất là hình ảnh ông Obama, người thứ hai là Chú Sam đang nói tiếng “SEE?” ngầm bảo rằng mọi người hãy nhìn đi, có thấy đất nước nầy là đất của cơ hội?

 

Nhìn người rồi nhìn tranh bỗng nghĩ tới tuổi trẻ từ nhiều nước khác tới đây, đặc biệt là trẻ em Việt Nam. Sao lại không? Nhìn đấy: Cả một thế hệ trước, có ai nghĩ tới chuyện một người Mỹ gốc Phi Châu đắc cử Tổng Thống Hoa Kỳ hôm nay. Người Việt mình cũng đã leo lên từng bậc thang trong chính trường Hoa Kỳ. Những thập niên đầu là các chức vụ ủy viên hay nghị viên tại quận hạt, hay tại vài thành phố lớn. Rồi là dân biểu cấp tiểu bang. Cao nhất bây giờ là dân biểu liên bang. Thứ trưởng hay phụ tá thứ trưởng thì đã từng có rồi. Về học vấn thì khỏi phải bàn tới nữa, đã có quá nhiều con em Việt Nam mình có bằng cấp đủ bậc, đủ ngành. Chức vụ cũng đủ nghành, đủ bậc cao thấp. Tin mới nhất:  Cô Elizabeth Trần Hồng Linh, nữ sinh viên Đan Mạch gốc Việt 26 tuổi vừa đậu bằng Thạc Sĩ Luật tại Đại Học Copenhagen với số điểm cao nhất trong thang điểm của Đan Mạch. Lúc nhỏ bé Hồng Linh đã từng đoạt giải danh dự biểu diễn đàn accordeon toàn Âu Châu ở tuổi 10 và 11. Cô Hồng Linh có hoài bảo giúp trẻ em nghèo, thất học tại quê nhà sau khi có dịp cùng cha mẹ về thăm VN mới đây.

Quả nhiên cơ hội đã mở ra rồi cho người thiểu số trên nước Mỹ. Có một sự tình cờ rất thích thú: Từ trung tuần tháng 12 năm 2008, tôi có dịp cùng sống với các em nhỏ thiểu số: người Mỹ gốc Phi châu gốc Trung Hoa, Đại Hàn …và Việt Nam tại Viện Bảo Tàng Thiếu Nhi trên đường Binz. Nhìn các em nhỏ xíu học làm y tá, bác sĩ, dược sĩ… xử dụng một cách thích thú các ống nghe, ống chích, các ống thuốc, các máy đo…Em nầy đặt ống nghe khám bịnh em kia. Tất cả cười vui, thích thú. Có lẽ các em đã vẽ ra trong trí óc non nớt của mình một chân trời. Rồi tối Thứ Sáu 19 tháng 12, tôi đã vô cùng thích thú và hãnh diện khi thấy hàng trăm các em Pre-K của trường Mary Immaculate School (Trường Đức Maria Vô Nhiễm) cùng nhau biểu diễn ca, múa trong đêm Mừng Giáng Sinh của trường. Cả một hội trường chật ních người xem, đa số là phụ huynh học sinh. Phải tận mắt thấy và nghe các em 3, 4, 5 tuổi đầy tự tin và rất tự nhiên ca múa những bài hát Giáng Sinh bằng tiếng Việt hay tiếng Mỹ, biểu diễn fashion show… mới hiểu được niềm vui của các sơ, các cô giáo và của các bậc cha mẹ có mặt đêm ấy. Thật là một sự chuẩn bị vào đời mang đầy đủ tính cách văn hóa, nghệ thuật và cả niềm tin. Những tiết mục nầy chắc chắn sẽ được hoan nghinh nếu có dịp trình diễn tại những cơ sở dòng chính trong những lễ hội. Nghe một em 4 tuổi đớt đát ca:  “Noel về, Noel về, nhạc yêu thương vang réo rắt trời mơ…nguồn bình an dạt dào trên dương thế. Chúa xuống trần đem phước lành…”   ai mà không thấy thương. Ước sao nhiều sinh hoạt như vậy được tổ chức nhiều nơi trong cộng đồng mình. Các em không những có mặt trong cộng đồng mà còn có mặt ngay trong không khí vui tuơi, đầm ấm của gia đình khi ông bà, cha mẹ cùng tập dợt với con cháu tại nhà trước đêm trình diễn. Chất khằn nầy sẽ gắn mọi người với nhau dù cho gia đình đôi khi có những bất hòa nhỏ. 

VyAnh_fashionshow.jpg

       Các bé pre-K ca vũ NOEL VỀ                và bé Vy Anh với fashion show               

Trong ngày Mừng Noel tại Trung Tâm Việt Mỹ tối 23-12-2008, có cả trăm em nhỏ vui niềm vui Giáng Sinh cùng với ông bà, cha mẹ và với Ông Già Noel. Tất cả cùng sống với tập tục cổ truyền của cả thế giới. Bất cứ khi nào mà các con em có dịp cùng vui với cha mẹ ông bà đều là dịp tốt, trước khi dòng đời thò tay bốc mỗi người đi mỗi ngả. Thử tưởng tượng trong ngày cưới, cô dâu chú rể sẽ thích thú biết bao khi trên màn ảnh cái slideshow chiếu mình ngồi trong lòng Santa Claus mấy chục năm trước. 

Trong niềm mơ ước ngày đầu năm Dương Lịch, mong những con em mình vững vàng đặt chân lên Land of Opportunity và lớn mạnh, mỗi ngày một lớn mạnh, trong dòng chảy của đất nước Hoa Kỳ.

Mong lắm thay. 

Houston, 30-12-2008

Trần Bang Thạch   

THANKS & GIVING

 

Sáng sớm Thứ Sáu hôm nay, một ngày sau Lễ Thanksgiving, một mình ngồi trước máy truyền hình. Người nữ duy nhất trong nhà đã rời nhà từ sáng sớm; chắc nàng đang ở đâu đó tại Macy’s hay JCPenney với những cái nồi, cái chảo. Mong là nàng không nhìn thấy mấy cái hột lóng lánh bằng đầu ngón tay cái trong tủ kính nhấp nháy đèn màu!

Đa số các màn ảnh chiếu cảnh người ta sắp hàng dài cả mấy trăm thước trước các cơ sở thương mại lớn; có cả cảnh người ta lăng xăng bên trong tiệm, buông cái nầy, bắt cái kia rồi chất đầy lên xe đẩy. Duy nhất có 1 đài chiếu sinh hoạt của một tổ chức từ thiện. Trông thì thật lạc lõng, nhưng nghĩ thì thật thâm thúy vô cùng. Đài số 2 chiếu cảnh những người, có cả các em bé nguyên là những bịnh nhân ốm yếu, đang phân phát những túi nylon màu xanh lục in hình em bé chìa tay xin, trong có món quà nhỏ và những chi tiết về hội thiện nguyện này. Đó là sinh hoạt của những người trong Chương Trình Thanks & Giving của Bịnh Viện St.Jude Children’s Research Hospital. Chương Trình kêu gọi sự tham gia thiện nguyện và giúp đỡ tài chánh của mọi người nhằm tạo điều kiện chữa trị bịnh tật cho trẻ em kém may mắn. Hàng ngàn em còn sống được đến ngày nay cũng nhờ Chương Trình này. Điển hình là bé Alex ở Texas. Em bị bướu trong óc ngay sau một thời gian ngắn ra đời. Thanks & Giving Program đến với em đúng lúc và ở với em, nâng em đứng dậy trong cõi đời. Nay Alex là em bé 5 tuổi khỏe mạnh, thích chạy nhảy và đá banh dù đã trải qua nhiều lần giải phẫu óc và 45 tuần lễ hóa trị.

Mùa Thanskgiving làm người ta không khỏi nghĩ tới Thanks và Giving. Phải chăng là Cảm Ơn và Cho Đi cũng cùng nghĩa với Cho và Nhận, với Tương Thân Tương Ái, với Lá Lành Đùm Lá Rách…Từ khi chào đời, trong giòng sống của mình, có ai mà không NHẬN; còn CHO thì chưa chắc ai cũng có.

Một bài đồng dao mà trẻ con vài tuổi đã biết hát:

Thank you, thank you, very much

For everything that I can touch…

Thanks a lot for Nature’s food

And for when I’m feeling good

Thank you, thank you very much

For moms and dads and friends and such.

Thật ý nghĩa vô cùng: “Thanks for everything that I can touch”.

Tin tức hôm nay cho hay: Hôm Thứ Tư Nov.26, người già nhất thế giới: Đại Lão Bà Edna Parker ở Shelbyville, Indiana đã từ giã Cõi Đời, hưởng đại thọ 115 tuổi và 220 ngày. Sinh thời với 42185 ngày dưới thế, chắc hẳn bà đã NHẬN không biết là bao nhiêu và chắc đã CHO cũng không ít. Mình chỉ mới sống có phân nửa cái niên kỷ của Bà mà đã thấy đôi vai đã oằn vì NHẬN hơi nhiều mà CHO thì chẳng được bao nhiêu. Kính chúc bà Parker NHẬN một ân sũng cuối cùng: linh hồn bay thênh thang về Cõi Trời.

Nhiều năm rồi, năm nào cũng vậy, một ngày trước ngày Thanskgiving, tôi hay làm một việc rất nhỏ mọn, tạm gọi là CHO. Chẳng hạn như trao vài đồng cho người bán báo góc đường để lấy tờ nhựt báo 75 xu dù mình đã có tờ báo ấy trong xe, như mọi ngày. Năm nay, hai ngày trước, ngày Thứ Tư, trên đường đi làm về, tôi tắp xe vào tiệm fastfood ở ngả tư, băng qua lộ, nói chuyện với người Mỹ già, tay luôn cầm tấm bảng viết ngoằn ngoèo 3 chữ: VN WAR VET. Sau đó tôi nắm tay ông băng qua đường vào tiệm thưởng thức mấy cánh gà chiên. Rồi chúng tôi chia tay với lời chúc Happy Thanskgiving cho nhau.

Bắt tay từ giả ông, tôi cảm thấy mình đã NHẬN chớ không phải CHO.

Hôm qua, ngày Thanskgiving, tôi đã gọi điện thoại cảm ơn và chúc lành rất nhiều người, như hàng năm. Riêng đối với người cao niên cựu chiến binh của chiến trường Việt Nam, tôi đã lái xe trở lại cái ngả tư ấy để gặp lại ông, chỉ để nói “ Thank You”. Cảm ơn người đã CHO tôi một phút vui.

Thanksgiving 2008

Trần Bang Thạch

THÁNG 12,

MONG ƯỚC NHỮNG NIỀM VUI

Trước ngưỡng cửa của một năm mới sắp đến, những ước mong và những niềm vui mùa lễ cũng đã trở về với mọi người. Người ta gọi  đây là Greeting Season. Những cánh thiệp Thanksgiving, thiệp Giáng Sinh đã được gởi đi mang những lời chúc lành. Rồi những cánh thiệp Tết Tây, Tết Ta mang thêm những lời chúc. Thật sự những cánh thiệp trong mùa nầy còn mang ý nghĩa của sự tưởng nghĩ đến nhau.

Tháng 11 qua đi với những mất mát; không nhiều nhưng trong ý nghĩa của một đại gia đình, như Đại Gia Đình PTGĐTĐ, thì nó quá lớn. Thầy Trần Thanh Giản, Cô Lê Thị Kim Anh, Thầy Hà Ngọc Quang lần lượt ra đi chỉ trong vòng 1 tuần lễ. Trước đó 2 tuần, đồng môn Trần Ngọc Xướng và Trần Ngọc Lâm ra đi chỉ cách nhau có 4 ngày. Rồi mới 3 ngày trước, niên trưởng Lê Nguyễn Thiện Nghệ cũng đã ra đi. Biết rằng “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử” và người ra đi thì đã nhẹ gánh đời để thênh thang đi về cõi khác, hy vọng là tốt hơn chốn trần tục này. Nhưng sự mất mát nào cũng làm đau lòng và để lại bao tiếc thương cho người ở lại. Gia đình vợ con, đồng nghiệp, môn sinh…từ đây đã mất rồi một phần của đời mình.

Thay mặt BBT Trang Nhà, xin mượn nơi đây để gởi lời phân ưu cùng các tang quyến cũng là lời chia xẻ những mất mát của Gia Đình PTGĐTĐ chúng ta. Đồng nguyện cầu hương linh Quý Thầy, Quý Đồng Môn quá vãng đời đời an nghỉ trên nước Thiên Đàng, một nơi vĩnh cữu chỉ có Thiện  và Hạnh Phúc

Khi viết những dòng chữ trên, tự nhiên mình chợt nghĩ tới mình, tới những thầy, cô, những bạn bè…đa số đã qua cái vòng sáu mươi năm của cuộc đời. Rồi đây sẽ ai còn, ai  mất, ai sẽ còn có dịp gặp lại ai; hay chỉ mới nghe tiếng nói đó, mới nhận được cái email đó, mới cùng nhau nói cười đó…thì bỗng nghe tin Người đã ra đi!

Càng nghĩ càng thương hơn cuộc đời này, thương hơn những tình nghĩa đã có với nhau, thương hơn những cơ duyên gặp gỡ. Càng thương càng quí và càng trân trọng.

Tháng 12 cũng bắt đầu trên Trang Nhà này một lời kêu gọi rất cá nhân: Một chút quà Tết cho 1 đồng môn, cũng là một thương phế binh QLVNCH, đang ngày ngày với cái chân gỗ đi khắp TP.Cần Thơ bán từng tấm vé số độ nhật. Sự việc bắt đầu từ một bài viết của 1 đồng môn niên trưởng ở quê nhà, có đoạn nói về trường hợp của 1 đồng môn khác, anh Nghĩa. Bài viết đã làm nhiều người động lòng. Sáng hôm ấy, đồng môn LHViện bước qua nhà tôi chuyện trò như thường lệ, bỗng nhiên cả hai cùng có ý nghĩ nên gởi chút quà về cho anh Nghĩa. Ngay sau đó, mở email thấy một sự đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu: Đồng môn Nguyên Nhung gởi email nói là chị cùng 1 bạn học ĐTĐ, chị Lừng, muốn gởi chút quà Tết cho anh Nghĩa. Biết tình hình kinh tế khó khăn và đang là mùa mua sắm quà cáp cần thiết cho tháng này nên chúng tôi chỉ lặng lẽ nêu trên Trang Nhà, không dám làm gì để cổ động hơn nữa, tuy biết rằng nhiều tay sẽ vỗ nên bộp. Tới nay đã có nhiều tiếng bộp. Qua thông tin từ quê nhà, tôi được biết anh Nghĩa đã được cho xem mẫu tin ấy trên Trang Nhà, anh đã rơi lệ vì những tình nghĩa đến từ phương xa, từ những người anh chưa hề nghe tên và biết mặt. Tôi viết mấy lời nhắn với anh Nghĩa: “Việc chúng tôi làm quá nhỏ so với những hy sinh mất mát quá lớn của những người như các anh; làm chuyện nầy chính là làm cho chúng tôi có thêm niềm vui trong mùa lễ lạc này”.

Biết là trong nước còn rất nhiều anh Nghĩa, nhưng làm đến đâu thì hay đến đó. Không làm thì chắc là…không đến đâu.

Nhân Mùa Lễ và Năm Mới, xin kính chúc Quý Thầy Cô, Quý Niên Trưởng, Quý Đồng Môn và tất cả Bạn Đọc thêm nhiều Niềm Vui, nhiều Sức Khỏe và nhiều Hạnh Phúc suốt Năm Mới 2009.

Houston Dec. 13, 2008

TBT

TL_Vulanthuphap.jpg

BÔNG HỒNG ĐỎ,

BÔNG HỒNG TRẮNG

 

Ngày Vu Lan Báo Hiếu người ta gắn trên áo mình 1 hoa hồng đỏ hay 1 hoa hồng trắng. Màu đỏ tượng trưng cho niềm vui còn mẹ. Màu trắng nói lên nỗi buồn mất mẹ.

Trong đời tôi chưa hề nhận được 1 bông hồng đỏ hay 1 bông hồng trắng nào. Điều đó có quan trọng lắm không khi cha mẹ còn sinh tiền mình chưa lần nào cầm tay cha mẹ, âu yếm nhìn vào mắt Người mà nói rằng: Con yêu thương cha mẹ. Người ta cho mình một vật dù bình thường mình biết nói : “cám ơn”. Cha mẹ đã cho mình hình hài, trí óc và khó nhọc trăm chiều nuôi mình khôn lớn, có mấy ai, trong cử chỉ thân tình hay trang trọng, quỳ trước 2 bậc sinh thành mà nói rằng: “Con cảm ơn cha mẹ đã cho con thành người”. Tình yêu thương và lòng biết ơn cha mẹ đã có sẵn trong lòng mỗi người. Có lẽ người mình ít khi bộc lộ tình cảm của mình đối với song thân chớ không phải mình không nghĩ hay không muốn nói ra những lời ấy. Tự nghĩ nếu có thêm 1 lần làm con, chưa chắc tôi nói đuợc lời này, dù biết đó là điều nên nói, sẽ làm cha mẹ vui cả ngày đêm, vui hơn ai cho vàng cho bạc.

Tháng Bảy Âm lịch sắp đến rồi. Ngày 15 tháng Bảy là rằm Trung Ngươn , còn gọi là Trung Ngươn Thắng Hội, nguyên thủy là ngày Thánh Quân Đại Hiếu là vua Thuấn, một vị vua huyền thoại thời Trung quốc cổ đại nằm trong Ngũ Đế, nổi tiếng là minh quân, nhân từ, hiếu tử, đã thay trời xá tội cho các vong hồn nơi Địa Phủ. Vua Thuấn còn được tôn vinh là Địa Quan xá tội. Qua câu chuyện hành giả Mục Kiền Liên, chúng ta còn biết rằm tháng Bảy còn là Lễ Vu Lan Bồn. Ngày các con báo hiếu cha mẹ đời này và bảy đời trước bằng cách cúng dường chư Phật và chư Tăng để hồi hướng công đức cha mẹ hiện tiền và Cữu Huyền Thất Tổ.

Công ơn cha mẹ lớn lắm. Chúng ta đã nghe những lời ca quen thuộc từ nhạc phẩm Lòng Mẹ của Y Vân: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình” hay câu ca dao “Công cha như núi Thái Sơn” . Thử đưa ra vài con số cho vui chuyện.Thái Bình Dương rộng hơn 165 triệu cây số vuông, hay là 64 triệu miles vuông, lượng nước bằng 50% lượng nước trên toàn địa cầu, chiếm 28% bề mặt trái đất, rộng lớn hơn tất cả đất đai của trái đất gọp lại. So với nước Mỹ thì biển Thái lớn gấp 15 lần.To lớn như vậy nhưng ngày nay người ta vượt Thái Bình Dương là chuyện nhỏ. Cho nên biển Thái tuy lớn nhưng không thể vượt được lòng mẹ bao la vô bến vô bờ. Núi Thái Sơn ở trung bộ tỉnh Sơn Đông bên Trung Hoa cao chỉ có 1500 thước tây, thua xa độ cao 8850 thước của núi Everest trong dãy Hi Mã Lạp Sơn. Tưởng Thái Sơn cao lắm, nhưng chỉ cần bước lên 7000 bậc đá, trung bình mỗi bậc mất 1 giây, vừa đi vừa nghỉ thì trên dưới 2 tiếng là ta lên tới đỉnh núi Thái Sơn rồi, nào có cao lớn hùng vĩ gì đâu! Chắc chắn núi Thái cũng không thể so sánh được với công cha. Thực tế là không ai lấy thước mà đo được lòng cha mẹ. Kinh Tăng Chi I, đức Phật dạy rằng: Nếu ta suốt đời cõng mẹ 1 bên vai, cõng cha 1 bên vai, từng giây săn sóc miếng ăn, giấc ngủ, nâng niu, đấm bóp...dù cha mẹ có vãi tiểu tiện trên vai, thì nếu ta có sống tới trăm năm cũng không trả hết công ơn cha mẹ.

Có 1 người thợ điện bên Ấn Độ không biết có đọc những lời trong Kinh Tăng Chi I trên đây hay không nhưng anh đã có hành động tương tợ như vậy ở thời điểm bây giờ. Tin tức này tôi vừa đọc trên net sáng nay. Anh thợ điện ở New Delhi tên là Sanjay Kumar, 42 tuổi, đã thực hiện lời tự hứa là sẽ phụng dưỡng cha mẹ suốt quãng đời còn lại của mình. Cha 95 tuổi, mẹ 80 tuổi. Cha mẹ anh ước muốn đi tắm nước sông Hằng ở Haridwar, anh để cha mẹ nặng tổng cộng 115 kg lên 2 đầu quang gánh thực hiện chuyến hành hương đường bộ gập ghềnh, trơn trợt dài 216 cây số.

Công ơn cha mẹ vô cùng trọng đại nên thực hành chữ hiếu chính là làm điều thiện, và sự bất hiếu chính là điều ác. Kinh Nhẫn Nhục có mô tả:

"Cùng tột điều thiện, không gì hơn hiếu,
Cùng tột điều ác, không gì hơn bất hiếu".

Cũng có người dưỡng nuôi cha mẹ, nhưng tính tháng tính ngày:“ Mẹ nuôi con quản chi ngày tháng, con nuôi mẹ tính tháng tính ngày”. Vế thứ hai tưởng như là chuyện không hề có! Thật trớ trêu!

Người không biết lấy chữ hiếu làm đầu thì dù người có làm hàng trăm việc tốt thì cũng như không: “Nhơn sanh bách hạnh hiếu vi tiên”.

Nhớ ngày trước học Nhị Thập Tứ Hiếu, nghe chuyện ông Ngô Mạnh Tông thấy ông nầy thật là đại hiếu nên hâm mộ ông mà học thuộc bài này cho đến nay còn nhớ: Ngày đông tháng giá, ngài Mạnh Tông nằm trên đất khóc cho đến khi đất ấm nứt ra mụn măng non để dâng lên mẹ đang yếu đau mà thèm canh măng. Nay hiểu ra thì lòng hiếu thảo ấy cũng chưa đi đến đâu so với tình mẫu tử của Ngô lão bà:

Giữa bình địa, phút giây bổng nứt

mấy rò măng, mặt đất nõn xanh

Đem về nấu được bữa canh

Ăn rồi bệnh mẹ, lại lành như xưa

Cho hay hiếu động cao dày

Tình sâu nên khóc, cỏ cây cũng tình ...

May mà ngài Mạnh Tông còn mẹ để báo hiếu. Trên đời nầy có biết bao người đã lỡ dịp; khi nhớ lại thì đã quá muộn. Mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng, con thì mồ cô. Mồ côi tội lắm ai ơi, đói cơm, khát nước con thời cậy ai” hay: “ Còn cha gót đỏ như son, mất cha đi sớm về hôm một mình”. Ca dao đã ràng ràng như vậy. Tục ngữ cũng nói rằng: “Con có cha như nhà có nóc”. Có 1 chuyện đạo nói về công cha nghe thật thấm thía. Chuyện kể 1anh chàng thua lỗ nợ như chúa chõm, khi chết Diêm vương cho làm con trâu để trả nợ, hắn không chịu làm trâu mà muốn làm cha người chủ nợ. Diêm vương thắc mắc, hắn trả lời: Làm trâu đời sống chỉ có chín mười năm, không đủ để trả nợ. Xin để con phải làm cha ông ấy để chăm sóc ông ấy đến già, rồi tiếp tục lo từ cái ăn, cái mặc, dạy dỗ điều hay lẽ tốt cho con cháu ông ấy; cho đến hết đời cũng chưa chắc trả hết nợ. Câu chuyện cho ta thấy người cha hết lòng lo cho con rồi lo cho cháu, chắt...Công ơn ấy lấy gì mà so sánh được.

Dù có biết mà tận tụy báo hiếu cũng không khi nào đủ. Phật đã dạy:

“Có 2 người trên đời mà ta không bao giờ trả ơn được, đó là cha mẹ”. Người con hiếu chỉ có thể thi ơn nhưng không thể trả hết được. Càng nghĩ đến công ơn đấng sinh thành mà càng thương, càng nhớ:

Tám mươi năm Má sống với đời

Nhận tân khổ, dành sướng vui cho con cháu

Gang chân nứt, da nhăn nheo, rướm máu

Bàn tay chai, khô sạm, sần sùi

Lưng gập cong, da mặt trổ đồi mồi

Bao thay đổi dồn lên màu tóc Má.

(“MÁ CỦA TÔI”, Huyền Vân Thanh)

Dù Mẹ đã ra đi nhưng cái dịu dàng, đằm thắm của Mẹ vẫn ẩn tàng trong sắc hoa màu tím để mỗi lần nhìn hoa tím là thấy Mẹ đang ở bên mình:

Bao giờ trong quảng đời hiu quạnh

Bãi cỏ đời tôi lúc úa vàng

Mẹ tôi như sắc hoa màu tím

Lẩn vào vạt cỏ buồn mênh mang

("Mẹ tôi hoa tím giữa mùa Xuân",thơ Nguyên Nhung)

Không có đóa hoa hồng nào trên áo, nhưng trong lòng tôi, mỗi mùa Vu Lan, mỗi ngày Mother’s Day, hay ngày Father’s Day...tôi có cảm nghĩ hiện giờ màu đỏ, màu trắng của hoa hồng pha trộn nhau thành cầu vòng rực rỡ ẩn hiện những nụ cười, lòng thương yêu, sự hy sinh, tính cần cù, nhẫn nại, chịu khó...của cha mẹ tôi trộn lẩn với niềm hạnh phúc của tôi đã được một lần làm con của các Người. Cho nên qua thời gian, tôi đã dần dần nhạt đi nỗi buồn mất cha mẹ, nhưng lòng tiếc nuối thì không trôi đi mất vì không còn cha mẹ để phụng dưỡng. Càng đi cuối đường đời, càng thấm thía với mấy câu thơ của nhà thơ Đỗ Trung Quân:

Cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn
Con sẽ không đợi một ngày kia có người cài lên áo cho con
Một nụ hồng bạch
Mới thảng thốt nhận ra mình mất mẹ.

Mùa Vu Lan nầy, cũng xin đốt nén trầm hương nhớ ơn Cha Mẹ của mình và của người.

Trần Bang Thạch

BƯỚC CHÂN KHÔNG RỜI

Để chỉ sự quyến luyến lúc chia tay, người Mỹ có câu nói “Going but not leaving”. Đi mà không rời. Ngẫm thật chí lý. Dạ thì không muốn, nhưng chân vẫn phải bước. Bước đi mà con tim để lại. “Lên xe tiễn em đi chưa bao giờ buồn thế, trời mùa đông Paris, suốt đời làm chia ly”. Trước khi nhà thơ Cung Trầm Tưởng nghẹn ngào nói với người yêu câu trên đây tại một sân ga ở Paris, Hồng Hà Nữ Sĩ Đoàn Thị Điểm qua bản dịch tác phẩm Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn đã viết: “Cùng ngoảnh lại mà cùng chẳng thấy/ Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu/ Ngàn dâu xanh ngắt một màu/ Tình chàng ý thiếp ai sầu hơn ai”. Rõ ràng là người chinh phu với chiếc áo đỏ như ráng pha trên thân ngựa sắc trắng như là tuyết in đã mang theo ánh mắt trông theo và con tim của người chinh phụ. Còn người ở lại thì ôm mang hình ảnh chàng trong cuộc đời làm chinh phụ của mình.  Đi mà không rời. Ở cũng không nguôi.

Thử hỏi sau cơn sấm sét của một ngày 30 tháng Tư 75 có mấy ai bước đi mà không ngoảnh lại. Rồi suốt nhiều năm tiếp theo. 34 năm rồi vẫn có những cái đầu ngoảnh lại. Và vẫn có những ánh mắt trông theo. Trở lui về thời lập quốc xa xăm của 4889 năm cũ, 50 con theo cha Rồng xuống biển, 50 con theo mẹ Tiên lên ngàn, tránh sao khỏi những ánh mắt ngó mong đẫm lệ. Rồi thời Trịnh Nguyễn phân tranh với Sông Gianh làm lằn ranh chia cách, ngàn giọt lệ chắc đã đẫm ướt đôi bờ. Genève 54 chia hai đất nước, người đi kẻ ở, ruột thắt gan bầm.

Tôi thức trắng đêm sầu trắng mắt

Ngó dòng sông nhỏ hệt chỉ tay

Ai xắn lằn dao đau xé đất

Để rần rần máu chảy đêm ngày.

(Lệ Sử - Cao Vị Khanh)

Những chia cắt ấy nghĩ cho cùng là những cơn đau lịch sử. Con bịnh đã trải qua những cơn thập tử nhất sinh để vươn vai đứng dậy. Trăm con phải dằn cơn đau , chua sót chia tay để ra đi trấn giữ cõi bờ, từ núi non, đồng bằng ra đến hải đão. Vết chém Thục Vương ngang lưng Mỵ Châu từ ngàn năm vẫn là vết đau lịch sử. Bao nhiêu những vết thương ấy đã làm nên Thánh Gióng ở làng tre Phù Đỗng, làm nên tua tũa cọc nhọn trên sông Bạch Đằng, làm nên 10 năm nằm gai nếm mật trên núi Chí Linh. Nam Quốc Sơn Hà, Nam Đế cư, Tiệt nhiên định phận tại thiên thư, Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm, Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư. Rồi thì cơn đau Trịnh Nguyễn phải chăng là một định mệnh lịch sử để khiến bờ nam Sông Gianh là điểm khởi hành cho cuộc Nam Tiến để hình thành một giải giang san hình chữ S bây giờ? Tiếp theo là cơn đau Quốc, Cộng cũng là một định mệnh lịch sử để thêm một lần nữa con sông Gianh thay tên đổi họ để tiếp tục làm vết chém ngang lưng một Việt Nam sau hơn tám mươi năm bị đô hộ. Từ đó một nửa dân tộc từ bờ bắc giòng Bến Hải là con bịnh trầm kha sống mà như chết của một oái oăm lịch sử; và hơn một triệu người từ Bắc vào Nam đã thổi một luồng sinh khí mới vào một xã hội Miền Nam vừa trải qua chế độ cai trị Thuộc Địa từ chánh quyền Pháp. Tâm cảm người nửa nước bên này cũng đau nỗi đau chia cắt, nhưng lịch sử miền Nam vẫn có những bước đi dài. Văn hóa, Xã hội, Ngôn ngữ, phong tục tập quán…tại Miền Nam sau 1954 là một vườn hoa đầy hương sắc.

Thêm một bất hạnh đến với cả dân mình. Cơn đau lịch sử Tháng Tư Bảy Lăm đã viết những dòng chữ mới trên trang đời của mọi người, không phân biệt bên này hay bên kia, từ bờ đông sang bờ tây. Những dòng chữ máu bầm. 34 năm rồi vẫn không quên được một buổi chiều trong phòng làm việc tại một thị trấn miền núi, ngó quanh ngó quất  chỉ thấy ông Tổng Giám Thị già với mấy người thư ký, hầu hết bạn bè đã bay về Sài Gòn từ những ngày Ban Mê Thuột vừa mất. Trước đó tụm năm, tụm ba giữa các giờ dạy, đứng trước bản đồ nhìn bước tiến của Bắc quân, nhìn những địa phương lần lượt bị mất. Làm sao quên được những cái mốc thời gian ấy. Ngày 17/3 rút bỏ Cao Nguyên. Ngày 29/3 rút bỏ Đà Nẵng. Rồi ngày 3/4 bỏ Cam Ranh, ngày 21/4 bỏ Xuân Lộc. Làm sao không nhớ được từ ông Tổng Thống đến ông Thủ Tướng, ông đại tướng cao nhất Bộ Tổng Tham Mưu lần lượt bỏ chạy. Tưởng rằng mọi sự chấm dứt từ đó. Chấm dứt từ lúc 10 giờ 15 phút ngày 30/4 khi Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Hơn 30 năm rồi vẫn không quên được buổi tối dắt vợ con lén lút xuống chiếc ghe nhỏ đậu dưới bến vắng, không kịp ôm từ giã mẹ già. Ngoảnh nhìn lại chỉ thấy màn đêm mịt mùng. Tưởng mọi sự chấm hết từ cái đêm tối trời ấy.

Rồi những ngày đầu chân ướt chân ráo trên đất nước xa lạ, học từ cách ăn, cách nói, cách sống. Đặc biệt là phải biết quên cái vui chơi, cái hưởng thụ của cá nhân mình để chú tâm làm việc, chú tâm lo cho con cái. Hai điều nầy thì không sơ hở được. Còn việc làm thì còn cơ hội bước tới để làm lại cuộc đời. Làm sao để có những đứa con ngoan, chăm học để xứng đáng với ý nghĩa của một lần bỏ lại quê hương qua cuộc vượt thoát một sống mười chết.

Cơn bịnh lịch sử thêm một lần nữa đã không vật ngã được con bịnh mang tên Việt Nam. Ngược lại, sau cơn bịnh Tháng Tư Bảy Lăm, 34 năm qua, hàng triệu con bịnh mang dòng máu Rồng Tiên đã hiên ngang đứng dậy trên khắp hoàn cầu. Thế hệ đầu đã xứng đáng và hãnh diện làm kẻ đưa đường cho thế hệ tiếp nối.

Các thế hệ kế tiếp rồi cũng sẽ hiên ngang ngẩng mặt lên đường, chen vai cùng năm châu bốn biển. Đã lên đường những Nguyễn Hữu Xương, Dương Nguyệt Ánh, những  Eugene Trịnh, Nghiêm Đạo Đại, Nguyễn Thị Cẩm Vân, Nguyễn Tuệ, Cai Văn Khiêm... Đã và đang tiếp tục lên đường là hàng triệu thế hệ con em kế tiếp.  

 

Đi tới, nhưng mong sao đừng một ai quên những lần nhìn lại nguồn cội của mình, không một ai quên ngó về một đất nước mà cha ông đã hơn bốn ngàn năm tạo dựng bằng chính xương máu và tâm huyết của mình. Ngó lại để làm nên một lịch sử mới.

Tháng Tư 2009

Trần Bang Thạch

LẠI  NAO NỨC NHỮNG KỶ NIỆM….

 

“…thì lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường…”. Nhiều năm rồi, đoạn văn ấy của Thanh Tịnh hình như chẳng buông tha đầu óc tôi mỗi khi một năm học mới bắt đầu. Dĩ nhiên là cái khoảng thời gian mười mấy năm ngồi trên ghế nhà trường chắc tôi cũng có được những kỷ niệm vui buồn, tình tứ lãng mạn, đớn đau chua xót, thất điên bát đảo…Không như vậy thì sao gọi là kỷ niệm! Nhưng những kỷ niệm ấy hãy còn quá nóng hổi trong một tuổi trẻ Việt Nam thời chiến, thời của “rớt tú tài anh đi trung sĩ, em ở nhà rầu rĩ suốt năm canh…”, nên chưa thấy bồi hồi, xúc cảm hay luyến tiếc nhiều bằng thời gian rời trường.

Ở thời điểm nào đó trong một mảng đời tàn úa của mình, bỗng nhận ra “…thì lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường….” Thời gian rời trường càng lâu thì “nỗi nhớ” những ngày xa xưa ấy hình như mỗi ngày một mới. Kỷ niệm càng lâu thì càng sâu, chắc vậy.

Hai năm liên tục, tôi đã mất cái dịp nắm tay cháu ngoại tới trường ngày đầu năm học. Năm ngoái bận đi xa. Năm nay không nghỉ việc được. Nhớ hồi mới đến Houston, chẳng biết mô tê gì hết ở cái xứ lạ hoắc lạ huơ nầy, vậy mà cũng làm được cái việc gọi là đưa con đi nhập học; tuy đoạn đường chỉ mấy chục thước tây, từ cửa nhà tới ngả tư chỗ dừng của chiếc xe buýt vàng. Chưa kịp nhìn “lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc” của Thanh Tịnh thì đã tới cái ngả tư đường. Nhìn chiếc schoolbus nuốt chửng hai đứa nhỏ lòng cảm  thấy chút hụt hẫng, thằng bé Thanh Tịnh trong tôi bỗng nhiên đi lạc ở đâu mất tiêu. Nhưng thôi kệ, trôi dạt đến một nơi chẳng thấy một con đường làng bằng đất thì dầu sao mình và hai con cũng có dịp nắm tay nhìn cảnh, nhìn người đang náo nức đến trường. Cảnh nầy cứ như vậy mà diễn ra hàng năm, vào những ngày cuối tháng 8, cho đến khi cả 3 đứa con rời trường trung học.

                                                                                                                                  

Đưa con nhập học mà như đưa mình về với những kỷ niệm một thời. Mỗi năm được một lần thì không nhiều nhưng đầy. Đầy niềm vui và những háo hức năm xưa của mình lưng dần theo năm tháng cũng được “refilled & refreshed”.

Hôm nay là 25 tháng 8, trước giờ làm việc, tôi ngồi trong breakroom. Cái TV trước mặt vẫn chiếu những hình ảnh tựu trường hôm qua. Hôm qua, ngày tựu trường, tôi đã miễn cưỡng ngồi đây nhìn màn ảnh TV chiếu cả đoàn trẻ con ùa ra từ những chiếc buýt vàng trong sân trường. Hình ảnh nầy sao không thấy hay ho, có lẽ nó quá khác với hình ảnh ngày nhập học của trường làng Mỹ Lý đã khắc sâu trong trí óc tôi, một thằng bé Thanh Tịnh mấy mươi năm trước. Cũng có lẽ vì tôi đang ngồi đây, mất dịp nắm tay dẩn cháu tới trường trong một ngày rất mới này. Đổi đài. Màn hình hiện ra trên một đoạn đường nào đó có một bé gái đi một mình, mặt buồn so, vai mang backpack trông khá nặng. Cảnh nầy cũng không giống đoạn phim trong ký ức của mình rồi. Không thấy hình ảnh một phụ huynh nào nắm tay con nhìn lá rụng và nhìn mây bàng bạc trên không. Và cũng không có “ em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường …” Vậy thì làm sao mà những học trò nầy về sau có được “nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường?” Hay là các phụ huynh hôm nay cũng như mình, tất cả chỉ là ký ức trước cuộc sống chạy đua với thời gian và công việc? Tắt TV, vớ tờ nhật báo. Đây rồi! Mình đang có những người cùng tâm cảm về ngày nhập học. Đó là những thầy cô giáo dùng kỹ thuật hiện đại - twitter - để nói lên nỗi háo hức của mình trong ngày khai giảng đầu năm học. Thử đọc vài cái “tweets”:

Từ một giáo viên thuộc trường Pin Oak Middle School, thầy J.B: 

“Bây giờ là 4:44 a.m ngày 24/8/09 – ngày đầu năm học 2009-10, mình không thể chờ lâu hơn nữa để bắt đầu ngày hôm nay.”

Lúc 7:21 a.m. ban giám đốc trường tiểu học Janowski :

“ Mặt trời đẹp rực rỡ khi cánh cửa trường mở rộng chào đón một năm học mới! Buổi điểm tâm đầu năm đang bắt đầu.”

Từ 1 thầy giáo ở trường trung học Furr, lúc 7:46 a.m.:

“ Mình đến đây rất sớm để chờ đón học sinh mới. Không hiểu sao mình có chút hồi hộp trong ngày đầu năm học này…Mình thấy lâng lâng như bay bổng dù đã có 19 năm trong nghề! Lạ thật!”

Từ cô giáo mới ra trường, cô P.K. của trường tiểu học Klein:

“Con bé sao mà dễ thương quá! Bé cứ đứng hoài ngoài cửa lớp, cái miệng méo xẹo. Mắt ướt mà không khóc. Sao giống mình quá vậy! Lần đó mình ước có mẹ bên cạnh. Betty, cô sẽ là mẹ của con đây.”

Hôm qua, tôi không được đưa cháu tới trường, nhưng tôi được mấy phút làm người học trò trường làng Mỹ Lý, sống hàm thụ cái nao nức những kỷ niệm của buổi tựu trường.

Thực tế bây giờ có chút chua cay, nhưng những kỷ niệm tuổi nhỏ thì lúc nào cũng ngọt như đường phèn.

Houston, Aug.25 ’ 09

TBT

Không muộn cho bất cứ lời cảm ơn nào

 

Tại Bắc Mỹ, Lễ Hội Thanksgiving đã qua rồi. Tại Hoa Kỳ thì vừa mới hôm qua. Tại quốc gia lân cận là Canada thì Thanksgiving đã qua hàng tháng trước. Người Canada chánh thức đón mừng ngày lễ Thanksgiving từ năm 1957. Thanksgiving tại Canada còn được goi là Jour de l’Action de grâce, xảy ra hàng năm vào ngày Thứ Hai đầu tiên của Tháng Mười để tỏ lòng cảm tạ trời đất lúc kết thúc vụ mùa.

Có phải mỗi năm chỉ 1 lần để nói lời cảm ơn, lời cảm tạ, hay lời tri ân, lời nhớ ơn, v.v… hầu biểu lộ lòng biết ơn của mình đối với Đấng Tối Cao vào dịp Thanksgiving? hay các đấng Cửu Huyền Thất Tổ trong giòng tộc cũng như các đấng cha mẹ sinh thành mỗi khi giỗ quảy hàng năm? hay quyết lòng ghi tâm khắc cốt những ân nhân trong đời mình hay những ân tình bằng hữu? Câu trả lời rõ ràng mà ai cũng thấy. Đó là tính cách liên tục và sâu thẩm của lòng biết ơn. Không phải 1 lần mà là nhiều lần. Không phải nhiều lần mà là liên tục, vĩnh viễn trang trọng giữ trong đáy tim mình lòng biết ơn dù không phải lúc nào cũng nói ra. Có những người không nói ra nhưng ơn nghĩa vẫn tràn đầy. Ơn trời đất, ơn cha mẹ ông bà, ơn sư phụ, ơn bằng hữu…làm sao mất trong lòng ta được. Có dịp nói ra là điều nên làm.

Những người vong ân, bội nghĩa thì miễn bàn! Đối với người Âu Mỹ thì không cần bàn vì tiếng cảm ơn hầu như lúc nào cũng đậu sẵn trên môi họ rồi; một chút cũng cảm ơn, hai chút cũng cảm tạ. Đó là nét văn minh lâu đời của họ rồi; ai không biết nói Thank you hay Merci, Gracias… mới là điều lạ.

Cái mình có thể lạm bàn lan man nơi đây là sự cần thiết và cách biểu lộ lòng biết ơn.

Có lẽ tôi sai khi quá chủ quan mà nhận thấy rằng trước đây tại quê nhà cá nhân mình, hay thậm chí nhiều người mình, sao ít nói lời cảm ơn quá. Nếu có thì nói trong những dịp rất đặc biệt, tự mình thấy cần phải nói hay nói để vừa lòng người khác. Cảm ơn món tiền khá lớn của ông cậu cho khi mình đậu Tú tài, nhưng không có lời cảm ơn nào cho người thầy đã dốc tâm dạy kèm mình môn toán lượng giác! Bước ra khỏi nhà thương thì đã quên ngay tên ông bác sĩ hay chị y tá tận tụy chữa trị và chăm sóc mình; coi như đó là nhiệm vụ của họ, cám ơn là thừa chăng? Mẹ mất khi vửa mới sanh ra thằng bé, bà chị cả bỗng thành người mẹ trẻ thức khuya dậy sớm săn sóc, đêm khuya ngủ gà ngủ gật giữ chai nước gạo rang giữa đôi môi ngậm chặt của thằng bé, giặt từng tấm tã lót, rồi nhai cơm đút từng miếng vào miệng thằng bé chỉ biết khóc,v.v và v.v… mà lớn lên thằng bé dù có nghe biết nhưng có bao giờ nói lời cám ơn đâu! Khi chợt nghĩ lại thì bà chị đã vĩnh viễn ra đi rồi. Chị đâu còn cơ hội để nghe dù 1 lần trong đời! Sao mà ghét ba quá và ghét luôn người đàn bà ở đâu được ba và chị rước về nhà làm bà má ngang hông trước khi chị theo chồng. Bà bắt mình phải ăn uống, giữ gìn sạch sẽ chân tay, tắm gội  mình mẩy, cắt từng cái móng tay móng chân dơ bẫn của mình, bắt kính trên nhường dưới, đi thưa về trình, lại bắt phải đi học nữa! Thuở ấy chín mười tuổi, thằng bé làm sao thấy được để cảm ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa năm ấy để miếng vườn cam của ba, sau nhiều năm thất mùa, bỗng đầy trái, đủ cho ba chi trả thầy nầy thầy nọ ở tỉnh, và trả chi phí cao như núi tại bịnh viện Grall ở Sài Gòn cho thằng con bị bịnh sốt xuất huyết cấp tính kéo dài cả tháng, mạng sống là chỉ mành treo chuông. Chợt nhớ hồi đầu năm 1980, người thuyền trưởng cao niên, râu tóc bạc phơ của chiếc ghe vượt biên HG 1071 chứa 125 người đã khéo léo đưa thuyền vượt các vùng đá ngầm ngoài khơi Rạch Giá, rồi tài tình chạy tránh hàng chục tàu cướp biển trong vịnh Thái Lan, tránh cho tất cả bảy tám chục phụ nữ và các bé gái trên thuyền không bị cưỡng hiếp. Cứ chạy tránh nhiều ngày nhiều đêm nên thuyền bị lạc vào vùng biển lạ; vậy mà cuối cùng thuyền cũng cập bến Songkhla an toàn, không thiếu người nào. Của cải còn nguyên. Người thuyền trưởng ấy hôm nay đang ở đâu? Hơn ba mươi năm rồi, nếu còn sống thì ông đã ngoài chín mươi. Bao lâu rồi mình đã không nghĩ tới vị ân nhân ấy? Mình có còn cơ hội để nói lời cảm ơn với bác thuyền trưởng TVH ấy không?

Còn, còn nhiều lắm những lời cảm ơn chưa kịp nói của cá nhân nầy. Mà khi muốn nói thì không bao giờ trễ. Càng không trễ đối với người thọ ơn. Người thi ơn thì vì không hề chờ tiếng cám ơn nên đâu có vấn đề đúng hay trễ. Nghe tiếng cám ơn thì vui mà không nghe thì cũng vui vậy.

 

Trần Bang Thạch

Greeting Season, 2010

ĐÓN MỪNG NĂM MỚI

Ngày đầu năm Kỷ Sửu đã qua được 3 hôm rồi. Hôm nay là mùng 4 Tết. Đối với nhiều người ra đi từ tháng Tư năm Bảy Lăm, thì cái Tết Bính Thìn là cái Tết đầu tiên tại hải ngoại. Năm đó, cái Tết Ly Hương đầu tiên chắc là buồn lắm. Người mình thì chắc đâu có nhiều, nhất là ở những nơi không phải là Cali hay Houston, hay DC...Hội chợ Tết cũng chưa chắc gì có. Lân, pháo và những gói đỏ đựng tiền lì xì chắc chỉ có ở những phố Tàu. Những ngày cận Tết, bao nhiêu lá thư đã bay về quê hương kể chuyện xuân buồn. Những giọt nước mắt cũng được gởi theo và nhận về. Có cụ nhắc lại rằng năm 1976 tại thành phố Port Arthur cụ đã cùng mấy người bạn thân bày tiệc rượu mừng Xuân Bính Thìn ; những chai rượu còn nguyên đã vươn cổ nhìn những dòng nước mắt của các cụ rớt xuống mặt bàn. Bây giờ thì sau 33 lần Tết thì đã có quá nhiều cái khác vào những ngày Tết của dân mình tại hầu hết các nơi.

 

Có một cái không khác, dù trải qua 33 năm, hay 40 năm, 100 năm...đó là Tết Ly Hương. Biết rằng mỗi cái Tết Ly Hương một khác ; mức độ buồn, vui có khác, nhưng mỗi lần năm hết Tết đến làm mình không khỏi nghĩ tới cái Tết xa nhà, rồi bấm tay đếm năm, đếm tháng đã trôi qua trên cuộc đời ly hương. Người thơ Thế Lữ có những cái Tết xa nhà, tuy chân vẫn còn dẫm trên đất nước mình nhưng buồn thì vẫn buồn khi Tết đến, nên người đã « Rũ áo phong sương trên gác trọ, lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang ».

 

Những tổ chức Lễ Hội cuối năm hay đầu năm Âm Lịch, dù nhỏ, dù lớn, của nhiều năm gần đây có lẽ đã khiến cho mình tìm được chút vui 3 ngày Tết. Bây giờ chắc thật là khó kiếm những lá thơ xuân kể lể tâm trạng u buồn của mình như trong những lá thư xuân vài chục năm trước.

Nhiều khi chút vui tìm được chỉ qua những sự kiện nghe ra rất bình thường.

Những ngày cuối năm, vào khu chợ Hồng Kông, Việt Hoa...thấy người đông, bánh mứt tràn đầy lòe loẹt màu sắc, hoa kiểng tốt tươi...bổng thấy lòng vui vui, như đi...chợ Tết hồi xưa với mẹ.

Vào một hội chợ Tết rộng mênh mông, nào lân, nào pháo, ca hát, dịch vụ, thương mãi, hàng ăn, hàng uống, thả thơ, bầu cua cá cọp, thảy vòng cổ chai...bổng thấy lòng vui vui, như đi hội chợ Tết hồi xưa trong khu Chợ Lớn.

Nhìn đứa cháu say mê với con lân, với tiếng pháo...bổng thấy lòng vui vui như niềm vui của thằng bé hồi xưa tay trong tay cha.

Qua thời gian, có lẽ sóng đời đã làm lắng đọng những tâm tư u uất nên dù có ly hương thì Tết vẫn mang ý nghĩa của Năm Mới, của Niềm Vui. Nỗi buồn nếu có thì đó là nỗi buồn xa xứ luôn tiềm ẩn trong tâm thức của người ly hương.

Đầu năm Kỷ Sửu

Trần Bang Thạch

bottom of page