top of page
hmpg.jpg
Titlej (1).jpg
NN_NN_Tre.jpg

THƠ

& TRUYỆN

Nguyên Nhung

NN_doi chim sao.jpg

Lời tác giả:

 

Mùa thu đã trở về, những mùa thu rất ngắn của đất trời vẫn mỗi năm một lần trở lại, nhưng những mùa thu của đời người thì mãi mãi ra đi. Khu vườn nhuốm chút heo may để giàn mướp rung rinh những bông hoa cuối mùa, bụi mía xào xạc thoảng qua hồn chút gió hắt hiu , và đôi chim sáo vẫn mải miết tìm mồi trên sân cỏ úa...

" Đôi chim sáo" là hình ảnh một đôi vợ chồng già, khi những con sáo non đã đủ lông đủ cánh để bay đi xa lìa cha mẹ, chỉ còn lại đôi sáo già buồn bã, ủ ê trong cái tổ ẩm ướt với những ngày Đông dài lê thê . . . "

Khi người hàng xóm sửa chữa lại chỗ mái hiên bị giột, là từ lúc ấy đôi vợ chồng chim bị mất tổ. Không biết đấy có phải là nỗi éo le của cuộc đời, hạnh phúc của kẻ này lại là nỗi bất hạnh của người kia, vẫn hay kề cận bên nhau, khi đời sống luôn luôn là những thay đổi. Như một thành phố được tân trang cho mới mẻ, lại cũng mất đi nét cổ kính của một vẻ đẹp yên tĩnh, rất nên thơ.

Mỗi buổi sáng, khi mặt trời vừa thức dậy, vợ chồng đôi chim sáo đã lo tần tảo kiếm ăn. Tôi không biết đó là loại chim gì, nhưng tiếng hót khá hay, với màu lông xám có một mảng phơn phớt bạc ở trên đầu. Mình to gấp hai lần chim sẻ, tôi cho chúng là một loại sáo, vì chúng hay hót, có khi hót cả ngày vì một điều gì vui trong thế giới của loài chim.

Đấy là một đôi vợ chồng chăm chỉ, còn trẻ tuổi, chưa con cái. Hôm nào mưa, anh chồng bay lên sợi dây điện, ngó quanh, hót lên mấy tiếng, có ý than thở cảnh đất trời u ám, khiến một kẻ chăm làm tham công tiếc việc phải bất đắc dĩ nghỉ ngơi. Còn lại chị vợ trong hốc tối ở mái hiên, chị cũng hay hót, như đàn bà thường lắm điều hơn đàn ông, thỉnh thoảng chị bay sà xuống cây thông đất trước cửa nhà tôi để rỉa lông, rỉa cánh.

Khoảng đầu xuân, khi vợ chồng chim đến làm tổ trên cái hốc tối con con nơi mái hiên nhà hàng xóm, tôi thấy họ bận rộn lắm. Qua khung cửa kính, tôi quan sát đôi chim như một đôi vợ chồng mới cưới, có thể cô vợ đang mang thai, và họ cần một tổ ấm cho gia đình. Vợ chồng sáo ríu rít vào ra cái hốc nhỏ, được hình thành khi mảnh ván bị mục vì nước mưa, lâu ngày đã vô tình khoét một chỗ trống , vừa vặn cho gia đình một đôi chim sáo.

Hai người trẻ tuổi yêu nhau, bước vào đời rộn ràng như thế nào thì đôi chim sáo cũng y như vậy. Từ mờ sáng, ánh đèn đường còn lung linh dưới tàn cây tối thẫm, tôi đã nghe đôi chim ríu rít, trò truyện. Họ dậy sớm lắm, sớm hơn cả lũ trẻ phải dậy đi học, nhất là những ngày vào Xuân, năm ấy đâu là mùa Xuân đầu tiên của vợ chồng sáo.

Không biết họ ở đâu đến đây, nhưng ngay những ngày đầu, tiếng hót của họ đã làm những người trong khu chung cư thức dậy, và biết là mùa xuân đã tới. Những giọt mưa xuân đêm qua còn lóng lánh trên những lá cỏ non, khi bình minh đến, chiếu những tia nắng dịu dàng lên cỏ hoa, để những giọt nước li ti ấy biến thành những viên kim cương diễm lệ.

Đúng là những người yêu đời nhất thế gian, đôi vợ chồng chim bắt tay vào việc xây dựng tổ ấm rất hăng hái, bay ra bay vào suốt ngày, mỗi lần trở về lại cắp theo một nhánh cây khô, một cọng cỏ héo, và cả những chiếc lá xanh. Họ có cái rộn ràng, tất bật khi phải cố hoàn thành cho nhanh, một cái nôi cho lũ con thơ sắp chào đời nay mai. Được một dạo, khi anh chồng đi kiếm ăn, chị vợ có vẻ mệt mỏi đậu xuống cành thông đất trước hiên nhà, chị hững hờ mổ mổ chiếc lá non, như người phụ nữ đang mang thai thèm ăn dở.

Sáng nào, tôi cũng ngồi hằng giờ ngắm nghía hạnh phúc của vợ chồng chim sáo, ngay cả khi chị sáo khẽ khàng đậu trên nhánh thông, tôi cũng không dám mở cửa, sợ kinh động cái thảnh thơi của chị. Chị sáo có cái thảnh thơi của một tâm hồn trong sáng, hình như không có gì để suy nghĩ ngoài những hạnh phúc chị đang có. Chị nhảy từ cành này sang cành kia, thỉnh thoảng lơ đãng ngó mông lên rặng cây bên đường, có thể chị đang nghĩ đến anh chồng đang luẩn quẩn đâu đó. Khi anh sáo về, chị cũng cuống quýt bay lên, đôi vợ chồng chim lại lục đục trên cái hốc tối. Ấm áp lắm, nồng nàn lắm, tôi ưa nhìn cái hạnh phúc của muôn loài, và cảm nhận được cái vui từ chút hạnh phúc nhỏ nhoi, đơn giản ấy.

Đúng là những người yêu đời nhất thế gian, đôi vợ chồng chim bắt tay vào việc xây dựng tổ ấm rất hăng hái, bay ra bay vào suốt ngày, mỗi lần trở về lại cắp theo một nhánh cây khô, một cọng cỏ héo, và cả những chiếc lá xanh. Họ có cái rộn ràng, tất bật khi phải cố hoàn thành cho nhanh, một cái nôi cho lũ con thơ sắp chào đời nay mai. Được một dạo, khi anh chồng đi kiếm ăn, chị vợ có vẻ mệt mỏi đậu xuống cành thông đất trước hiên nhà, chị hững hờ mổ mổ chiếc lá non, như người phụ nữ đang mang thai thèm ăn dở.

Đấy là những ngày đầu tiên của vợ chồng chim sáo, hạnh phúc khi có thì ở đâu cũng hạnh phúc, chưa chắc gì trong những căn phòng đẹp đẽ, tiện nghi của loài người, hạnh phúc đã thèm hiện diện.

Đôi vợ chồng chim sống thật êm đềm, đơn giản đến không còn gì đơn giản hơn. Sáng. Dậy sớm. Hỏi han nhau ba điều bốn chuyện, qua những tiếng hót làm vui tai mọi loài.

Rồi khi nắng lên, bay đi kiếm ăn. Tuy nhiên, họ lại là những kẻ rất chu đáo trong vấn đề chăm sóc gia đình, rất bận rộn cho miếng ăn hằng ngày, nhưng vẫn không bỏ bê nhà cửa. Tôi thấy vợ chồng sáo về nhà luôn luôn, tha thêm những nhánh cỏ khô, chiếc lá héo.Tôi tưởng tượng trên đống cỏ khô được khoanh tròn lại bằng những chiếc mỏ khéo léo của vợ chồng sáo, dăm chiếc trứng xinh xinh, tròn trĩnh đã được chị vợ sắp xếp gọn gàng, vừa đủ cho chị mỗi ngày ủ ấp lũ con thơ, đang hình thành trong lớp vỏ trứng.

Cái ấp yêu của vợ sáo, là cái ấp yêu của những người mẹ yêu con ngay từ lúc còn là bào thai, vừa mới tượng hình trong lòng mẹ. Tình mẫu tử đã được ràng buộc giữa mẹ và con, chị sáo cũng như bao người mẹ khác, đã nâng niu những đứa con yêu của chị trong những quả trứng mỏng manh kia. Chị sáo chắc hẳn cũng đã từng nghe ngóng, chờ đợi. Một hôm nào nghe lũ con cựa mình trong vỏ trứng, rất khẽ khàng chị dùng chiếc mỏ cứng, giúp con đẩy chiếc cửa đầu tiên vào đời. Mấy chú sáo non run rẩy, trần trụi lớp lông tơ, nếu không có tổ ấm của cha, sự săn sóc của mẹ, làm sao để sống?

Từ đấy, tôi có cái ngạc nhiên khi nhìn cuộc đời ở một khía cạnh khác, khi biết rằng trong thế giới loài người, có những người con thành đạt, lớn lên trong nỗi nhọc nhằn của cha mẹ, đã hắt hủi cái tổ ấm của mình, và nhìn nó bằng những đôi mắt ghẻ lạnh.

Khi lũ con ra đời thì vợ chồng sáo có vẻ bận rộn hơn. Ở góc cạnh này, tôi rất khâm phục anh sáo, nếu là người , anh rất xứng đáng là một người cha gương mẫu. Anh ta vốn là một người chăm chỉ, bây giờ lại càng chăm chỉ hơn, khi trên chiếc tổ chim ấy , đã vang lên tiếng liếp chiếp đòi ăn của bầy con dại. Trông chị có vẻ tất bật, không còn cái vẻ thảnh thơi của độ còn son rỗi, vì lo ngại lũ con thơ có thể lăn ra khỏi tổ lúc chị vắng nhà, rồi cứ thế lăn lông lốc xuống thềm xi măng dưới kia, thì dẫu có Trời giúp, chị vẫn không đủ sức để đem con về tổ.

Quan sát kỹ để thấy, chị luôn luôn lấp ló nơi cửa , đầu ló ra ngoài, hai con mắt trong veo như hai hạt đậu. Người mẹ ấy chăm sóc con cẩn thận lắm, lũ sáo non dường như đã được đẩy tít vào phía trong, cho dù một cơn gió lang thang, cũng không thể thổi hắt vào cái tổ nhỏ bé ấy.

Qua hết mùa hè, mải miết kiếm ăn nuôi lũ con thơ, anh sáo trông có vẻ phờ phạc hơn. Tôi rất khâm phục sự hy sinh của anh. Khoảng cách từ nhà anh ra rặng cây xanh không xa, vì anh bay khá nhanh, nhưng phải nói sự vật lộn để mưu sinh giữa chợ đời đâu phải là dễ dàng, khi trên ấy có đủ loại khác nhau như sóc, quạ, hoàng oanh, chim sẻ. . . . Anh sáo chắc có lúc cũng nhận ra cái thực tế phũ phàng và cay đắng trong việc tìm miếng cơm, manh áo, sự tranh giành giữa muôn loài với nhau, đâu có gì là dễ chịu, cho dù anh có đạt được chân lý “ăn để sống”.

Cuối hè ấy, khi lũ chim non đã đủ lông đủ cánh, tôi thấy mấy cái đầu xinh xinh ngó ngó, nghênh nghênh ngoài cửa tổ, chiêm chiếp kêu. Chị sáo cũng phục hồi sau thời gian ở cữ, tròn trịa hơn, mũm mĩm và xinh đẹp hơn, như người đàn bà sau kỳ sinh nở, những đường nét trên cơ thể nẩy nở ra như một đóa hoa thời kỳ mãn khai. Lũ con lớn hơn thì người cha càng vất vả, có vẻ như kiệt sức, bộ lông sáo không mượt mà như xưa, cái nóng của mùa hè khiến anh thêm hốc hác.

Trong nhà, người ta mở máy lạnh suốt ngày đêm, lúc cần ra đường, người ta vội vã chui ngay vào xe, rồi hối hả đi vào những căn phòng có máy lạnh khác. Chắc anh sáo cũng mệt mỏi lắm. Anh phải đi kiếm ăn, suốt ngày bay tới bay lui từ hàng hiên ra rặng cây xồi ven đường, lúc ấy râm ran những tiếng ve gọi hè, chỉ còn mẹ con nhà sáo chui rúc trong cái tổ nóng bức chật chội. Ba đứa con chưa biết bay, nhưng ăn tợn, thỉnh thoảng tôi thấy chị sáo cùng chồng bay xuống sân cỏ, nhặt nhạnh những hạt cơm, vụn bánh, hột cỏ rồi lại bay ù về tổ. Bây giờ chị cũng phải cùng chồng đi tìm mồi về nuôi lũ con háu đói kia, chiêm chiếp suốt ngày đến sốt ruột.

Sang đầu thu, mẹ sáo dạy con tập bay. Mới đầu là những khoảng ngắn từ tổ xuống hàng hiên, những cánh chim non sợ hãi, rụt rè bay xuống hiên, rồi lại bay về tổ. Những bước chân chập chững vào đời, trong nỗi buồn vui của cha mẹ. Như còn đấy, như mất đấy, một ngày nào tổ ấm sẽ yên lặng, không còn tiếng chim vui như tiếng trẻ khóc, trẻ học. Khi những đứa con lớn lên, sắp ra khỏi tầm tay cha mẹ, là lúc ấy đời dường như ngắn lại, rồi ở đâu kia đã hình dung ra màu tàn phai của những chiếc lá héo, thấy mình trong gương bỗng xa lạ với mình ngày trẻ tuổi.

Ngày hôm ấy là một sáng đẹp trời, tôi đã nhìn thấy, nghe thấy lũ sáo con ríu rít bay ra khỏi tổ. Không hiểu vợ chồng sáo buồn hay vui, khi thấy con mình đã đủ sức bay đi, rồi mấy đứa đã quay về cái nôi êm ái đó?

Lũ sáo con thật hồn nhiên khi mở to đôi mắt nhìn bầu trời khoảng khoát, rồi như kẻ đã nhìn thấy tự do, chúng bật lên những tiếng hót thánh thót, du dương như một bản nhạc vui. Cái gì cũng mới lạ, khoảng trời xanh bao la cho những cánh chim rộn ràng xoải cánh đến những vùng trời thênh thang, trên vòm cây xanh, những âm thanh mời gọi của bạn bè khiến lòng nao nức lạ. Phải nhập cuộc thôi, một khung trời mới mẻ có hoa thơm và mồi ngon, để túy lúy với men say cuộc đời. Trong những con người trẻ, tâm hồn trẻ, đâu đã biết ngậm ngùi trước cảnh chia ly với mái ấm gia đình.

Tôi đã nhìn thấy những con sáo con bay ra khỏi tổ vào đầu thu hôm ấy. Nó có trở về không nhỉ? Làm sao tôi có một câu trả lời, nhưng tôi cứ chờ đợi, như đợi những đứa con của mình đi đâu đó, sẽ trở về, sẽ mãi mãi không bao giờ quên tổ ấm.

* * *

Sang thu, có một chút heo may chợt đến vào buổi chiều, gia đình sáo có vẻ yên lặng hơn, vì những đứa con chưa trở về. Anh chị sáo buổi sáng vẫn dậy sớm từ mờ đất. Hôm ấy có thể mặt trời không lên, đám mây xám giăng ngang bầu trời, cho cơn mưa thu chợt đến và kéo dài suốt những ngày tháng tám.

Mưa kéo dài suốt một mùa thu, vài cơn bão rớt từ đâu ghé lại khiến lòng người cũng chùng xuống bao nhung nhớ. Cây cỏ ướt sũng dưới mưa, vợ chồng chim thưa thớt tiếng chim vui, những giọt mưa luồn vào tấm gỗ mục trên mái hiên, làm tổ ấm của đôi chim chừng ẩm ướt hẳn đi.

Vào mùa thu, vài tia nắng dịu dàng ươm trên hàng cây đã có nhiều lá úa, để một cơn gió tới, đã cuốn theo những chiếc lá vàng từ trên cây rớt xuống như mưa, rồiø cứ thế lăn tròn xuống cuối dốc. Mùa thu bao giờ cũng ngắn ngủi và rưng rưng buồn, giàn mướp hương còn lại những chiếc lá cuối cùng vẫn xào xạc nghe như dư âm của một cung đàn đềm êm trong quá khứ. . .

Hết mùa thu lại tới một mùa đông, không gian như càng ảm đạm và lạnh lẽo. Gã mặt trời lười biếng không thức dậy, ánh đèn vẫn tỏa sáng trong vòm cây tối. Vợ chồng sáo không hót lên câu chào hỏi mỗi ban mai, những giọt mưa mùa đông vẫn rớt trên mặt đường, loang loáng ánh đèn từ những chiếc xe qua lại vội vã.

Vợ chồng sáo như đôi vợ chồng già, lủi thủi trong chiếc tổ ẩm ướt, nùi cỏ khô như tả tơi thêm khi anh sáo già không có cái hăng hái ngày trẻ tuổi, đi tha những cọng cỏ khô về làm tổ cho lũ con. Thỉnh thoảng, vào một ngày khô ráo. vài tia nắng yếu ớt lách ra khỏi màn mây màu xám đục, tỏa xuống nhân gian một chút ấm áp. Anh chị sáo bay ra khỏi tổ, đậu trên sợi giây điện, hai cái bóng chim như hai nốt nhạc sậm màu cho một bản nhạc buồn.

Sao tôi ngậm ngùi thế. Buổi sáng, chỉ còn một mình trong căn phòng vắng, tôi nghe đôi chim sáo buông ra những tiếng kêu rời rạc, khắc khoải như tiếng ca cẩm cái chân đau, chiếc lưng mỏi cho một tuổi già lụm khụm.

Hết mùa Đông, lũ sáo con vẫn không trở về, nhưng một biến cố đã xảy ra cho đôi vợ chồng sáo. Người ta chuẩn bị sửa nhà đón mùa xuân mới, người hàng xóm đã gọi thợ đến sửa lại mái hiên bị giột, thay vào đó một tấm ván mới, bít lại cái tổ chim. Khi đám thợ mang cưa, búa, gỗ đến, tôi thấy đôi chim hoảng hốt bay ra, mắt nhớn nhác nhìn loài người như một loài quỷ dữ, nhất là khi âm thanh của tiếng cưa kèn kẹt nghiến vào tấm ván, như nhát dao cuối cùng trên cổ người tử tội, thì mới hình dung được cái hãi hùng của người sắp chết.

Chiều hôm ấy, khi mái hiên nhà hàng xóm đã được sửa chữa xong, còn nồng mùi sơn mới. Mới mẻ, cứng cát, không còn một cái hốc nào làm chỗ trú cho loài chim. Tôi thấy đôi chim sáo bay về, ngơ ngẩn đậu trên sợi giây điện như hai nốt nhạc buồn, ngơ ngẩn nhìn về tổ ấm dưới mái hiên, rồi chúng vụt bay đi. Không biết ở mắt chúng có ứa ra giọt lệ nào không? Riêng tôi, sao buồn quá, và tôi đã khóc...

NGUYÊN NHUNG

____________________________

THƠ NHẠC TƯỞNG NIỆM Nhạc Sĩ - Thi Sĩ NGUYỄN HỮU TÂN

                                                                                 1949 - 2023

             Youtube: HÒN SỎI

Sáng tác & Trình bày: Nguyễn Hữu Tân

Thơ HÒN SỎI: Nguyên Nhung

https://youtu.be/YiTLaqioeww?si=CusZZ_r2IrfJ1kC9

NN_Honsoi.JPG
NN_CuoiHa.jpg

Còn mỗi quả mướp non

Trên giàn vừa hái xuống

Rau ngót còn xanh ngọn

Được một nồi canh ngon

Hôm nay trời dìu dịu

Có lẽ sắp sang thu

Hay nhờ cơn bão rớt

Trời lất phất giọt mưa

Lại bỗng nhớ ngày xưa

Nồi canh rau mẹ nấu

Quả cà bát ngâm tương

Thế là xong một bữa

Nhờ công khó mẹ hiền

Con lớn lên như thổi

Khói lam chiều lãng đãng

Theo gió bay lên trời

Mẹ đã không còn nữa

Con gìa theo tháng năm

Mỗi khi trời trở gió

Lá khô cũng rụng dần ...

Nguyên Nhung

NguyenNhung_dunghoivisaothangtubuon.jpg

Đừng Hỏi Vì Sao Tháng Tư Buồn....
Nguyên Nhung

Đó là điều tôi muốn nói với bạn. Sau ngày tàn cuộc chỉến, hình như gia đình tôi cũng như hầu hết bao gia đình ở miền Nam trong giai đoạn ấy đều có những mất mát lớn lao. Bài thơ này được viết sau bốn mươi năm kể từ tháng Tư năm 1975, cho người anh trong gia đình, đã mất tích trên đoạn đường từ Quảng Ngãi về Qui Nhơn.

Năm vừa qua, chuyến xe đưa chúng tôi từ Đà Nẵng về Qui Nhơn, tôi mới có dịp đi qua đoạn đường "máu đổ thây phơi" của 40 năm trước. Đi qua những địa danh quen thuộc miền Trung, từ Đức Phổ, Mộ Đức, những quận lỵ xơ xác đói nghèo vì chiến tranh đã được hồi sinh. Có lẽ 40 năm sóng biển Sa Huỳnh vẫn vỗ vào bờ một nỗi buồn xa vắng. Hai bên ruộng lúa vẫn xanh rờn, xa xa dải núi mờ sương lại khiến tôi thương cảm không cầm được giọt lệ. Tôi biết anh đã yên nghỉ, nhưng nắm xương tàn nằm ở đâu thì cho đến bây giờ vẫn chưa tìm lại được.

Tháng Tư. Đốt nén hương lòng tưởng nhớ anh, một người anh hiền hoà, luôn thương yêu các em. Sau 40 năm anh đã yên nghỉ, gửi nắm xương tàn nơi rừng sâu núi thẳm, nhưng nỗi thương nhớ vẫn còn ở lại với người thân trong gia đình.

Bốn mươi năm mới viết nổi bài thơ, “Đừng Hỏi Vì Sao Tháng Tư Buồn”, hay 40 năm nhìn lại với một nỗi buồn khó nguôi.


Đừng Hỏi Vì Sao Tháng Tư Buồn

Gần bốn mươi năm, một lần về
Ngỡ ngàng cứ tưởng lạc cơn mê
Tìm lại những hình xưa bóng cũ
Đường về sao chỉ thấy buồn hơn.

Chuyến xe Quảng Ngãi về Qui Nhơn
Hai bên ruộng lúa vẫn xanh rờn
Mới nghe chị kể: “con đường máu”
Máu đổ thây phơi suốt dọc đường.

Lạc nhau trên bước đường ly loạn
Chị về thành phố với con thơ
Còn anh theo toán quân lên núi
Từ đấy người đi, kẻ ngóng chờ.

Một năm, hai năm rồi ba năm…
Rặng núi mờ sương vẫn lặng câm
Người đi, đi mãi không về nữa
Cô phụ lòng đau chỉ khóc thầm…

Qua rồi chinh chiến bốn mươi năm
Đoàn quân lên núi vẫn xa xăm…
Tháng Tư chị chọn là tháng giỗ
Đốt nén trầm hương tưởng nhớ chồng.

Tháng Tư nến thắp trên ngọn thông
Vọng hồn tử sĩ khắp non sông
Ôi toán quân xưa không trở lại
Con vẫn chờ cha, vợ ngóng chồng…

Đừng hỏi vì sao tháng Tư buồn...
Khóc người nằm lại chốn rừng sâu
Lơ lửng mây vờn quanh đỉnh núi
Nhớ người lính cũ chết từ lâu.

 

Nguyên Nhung.

_________________________

NN_Canhhoapensee.jpg

"Đời như giấc mộng, tình như ảo

Nào biết gì đâu, để đợi chờ".

Không biết tại sao tôi vẫn nhớ anh, dù thời gian trôi đi rất lâu, mỗi lần hồi tưởng lại những kỷ niệm thời đi học, tôi lại nghe trong lòng rưng rưng một nỗi buồn dìu dịu. Mỗi năm khi mùa Xuân trở lại, nhìn những đóa hoa pensée trước sân nhà, rung rinh những cánh hoa màu nâu, tím, vàng rực rỡ, dưới ánh nắng dịu dàng một sáng mùa Xuân, lòng tôi lại nao nao nhớ về những đóa pensée ngày trẻ tuổi.

Tôi gọi anh là "người anh đồng môn", chỉ vì khi tôi đang học năm cuối Trung học đệ nhất cấp, anh đã sắp sửa ra trường để lên Đại Học. Anh là bạn học của chị tôi, vì thế hai người khá thân nhau, thành ra tôi không bao giờ nghĩ thứ tình cảm đầu đời dễ thương ấy anh lại dành cho tôi, cô bé nghịch ngợm và hay tìm dịp để trêu ghẹo anh mỗi lần gặp.

Anh hiền, hiền lắm, dáng dấp thư sinh, trông chững chạc vì tính ít nói, lại thêm đôi mắt hơi buồn nên lúc nào cũng như chìm trong mộng. Mỗi lần đến thăm chị em tôi, bao giờ anh cũng mang theo cuốn sách mới. Sách vừa xuất bản còn nóng hổi, chị em tôi chuyền tay nhau đọc trước, sau mới tới lượt anh. Đó là mấy cuốn tiểu thuyết của các nhà văn nổi tiếng thời ấy, viết về chiến tranh và những câu chuyện tình tiền tuyến hậu phương đẫm đầy nước mắt. Tâm hồn chị em tôi thật đa cảm, dễ khóc dễ cười , dành nhau những cuốn tiểu thuyết anh đem tới trong khi anh chỉ cười với đôi mắt hiền khô. Để không thể ngờ, mấy chục năm sau tôi có dịp hồi tưởng kỷ niệm thời đi học, anh lại là nhân vật chính cho câu chuyện "Cánh hoa Pensée" của tôi.

Khi mùa Xuân đến, anh và người bạn cùng lớp đến rủ chị em tôi đi chợ Tết, tôi thường kéo theo một, hai đứa bạn nữa. Lúc bị vây quanh bởi một lũ con gái nghịch ngợm, tự nhiên các chàng bắt đầu khớp, vốn ít nói anh càng ít nói hơn, vẫn chỉ hay cười. Chợ hoa nằm gần bờ sông, mỗi năm người ở trong quê chở vào thành phố những chuyến đò đầy hoa, không biết bao nhiêu loại hoa đẹp. Những chậu mai vàng đầy nụ, đứng chen chân với các loài hoa cúc, thược dược, mẫu đơn nhiều màu sắc, khiến khu chợ hoa càng hấp dẫn hơn nhờ bóng dáng của các cô thiếu nữ xinh tươi, với những tà áo màu vờn bay trong gió.

Thuở ấy tâm hồn chúng tôi còn tràn ngập màu xanh biêng biếc của tuổi học trò, hình ảnh của chiến tranh mờ nhạt nơi những chiến trường xa, sự mất mát của người lính ngoài tiền tuyến chưa làm quặn lòng người hậu phương bao nhiêu, nhất là ở tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới" của đám trẻ thành phố. Chỉ vài năm sau, khi người bạn của mình lên đường nhập ngũ, rồi vĩnh viễn đi vào lòng đất, chúng tôi mới đủ lớn khôn để nghĩ về sự mất mát quá lớn lao ấy thì tất cả đã muộn màng.

Năm nào cũng vậy, mỗi khi Xuân về, anh không quên tặng tôi một tấm thiệp Xuân. Bên ngoài bao giờ cũng có hình con én ngậm thiếp chúc Xuân, bên trong dưới tấm giấy kính mờ mờ, một cành hoa pensée vàng, tím được ép khô, màu sắc vẫn tươi tắn. Tôi có cái thú từ hồi bé, hay để dành những tấm thiệp chúc Xuân làm kỷ niệm, nhìn những tấm thiệp to nhỏ bày đầy trên bàn học, tôi có cảm tưởng mùa Xuân lúc nào cũng rộn rã quanh mình.

Tấm thiệp chúc Xuân của anh rất đặc biệt, năm nào cũng gửi ngày tháng giống nhau, dù ngày Tết hằng năm có thay đổi. Mãi sau này anh không còn nữa, khi lật lại chồng thư cũ đời học sinh, vô tình tôi đã nhận ra điều đó. Cánh hoa pensée như một tín hiệu của tình yêu được lập đi lập lại nhiều lần, tiếc thay, tôi đã không hiểu hay không muốn hiểu, và khi ngồi lật lại chồng thư cũ, nhìn những tấm thiệp của người anh đồng môn năm cũ, tôi thực sự đã rơi những giọt nước mắt muộn màng cho một người đã ra đi.

Tấm thiệp Xuân năm xưa cũng kín đáo như tâm hồn anh, có lẽ vì khi anh nhập ngũ, tôi còn quá non nớt để bước chân vào cuộc đời một người lính, nên vì thế mà anh im lặng. Năm nào trong tấm thiệp Xuân cũng chỉ là hàng chữ nắn nót rất đẹp: "Gửi người một đóa pensée", chỉ thế thôi, ngày tháng của mùa Xuân và tên người gửi. Thuở ấy, nhận tấm thiệp chúc Xuân của anh tôi thích lắm, tôi thích vẻ đẹp rực rỡ của hoa pensée, nâng niu nó vì thích tấm thiệp, chứ chưa hiểu hết nỗi lòng của người tặng.

Sau này tôi có dịp đọc trong báo một bài viết về hoa Pensée, với câu chuyện tình thật đẹp và nhiều nước mắt của một đôi tình nhân. Tôi không nhớ rõ vì hoàn cảnh nào mà người con trai phải ra đi , vượt qua bao nhiêu núi non hiểm trở, để rồi cuối cùng một chiều kia, anh ta đã không bao giờ trở lại. Xác thân anh được vùi chôn nơi rừng sâu, bên một bờ suối vắng. Từ đó trên nấm mộ của người thanh niên si tình kia, mọc lên những bụi cây thấp nhỏ, nở ra nhiều đóa hoa đầy màu sắc tươi thắm, người ta đặt tên cho nó là hoa Pensée, có nghĩa là Thương Nhớ.

Năm ấy chiến tranh bùng nổ khắp nơi, chiến trường cần những người trai trẻ, lệnh tổng động viên được ban hành cho nên anh cũng phải xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ. Một số bạn cùng trường cũng phải ra đi, không khí của những buổi tiễn đưa đã gieo nỗi buồn mênh mang vào tuổi học trò hồn nhiên, vô tư lự. Chúng tôi bắt đầu cảm nhận được nỗi buồn của sự biệt ly, có những cặp tình nhân tuổi học trò đã thổn thức với nhau trước cảnh người đi kẻ ở:

"Chinh phu tử sĩ mấy người

Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn"

(Chinh Phụ Ngâm Khúc)

Trước ngày anh lên đường, chúng tôi có một buổi tiệc nhỏ, bạn bè anh dăm người, lũ con gái loi nhoi hay ríu rít nói chuyện, hôm ấy bỗng dưng cũng buồn ngơ ngẩn. Đêm ấy trời mưa, một đám bạn trẻ quây quần bên nhau trong căn phòng khách nhà anh, khói thuốc mờ với những ly cà phê đắng. Khuôn mặt ai cũng đăm chiêu lặng lẽ, nghe tiếng mưa rơi rả rích ngoài hiên, thoảng vào căn phòng ấm chút gió khuya lành lạnh. Trong không khí buồn buồn của ngày cuối cùng bên nhau, người bạn anh ôm cây đàn "guitar", đệm theo tiếng hát mượt mà của cô bạn nhỏ:

"Chỉ còn một đêm nay nữa thôi, mai chúng ta mỗi người một nơi . . . Nhìn hành trang lệ rưng cuối mi, cố nén trong tim một điều gì. . . "

Tiếng hát ngân lên âm điệu buồn buồn trước giờ ly biệt, tôi thấy anh ngồi im lặng trong góc tối, ngó mông lung vào một nơi nào đó rất xa xăm. Đôi lần ánh mắt ấy nhìn tôi thật lặng lẽ rồi quay đi, hình như có tiếng thở dài rất nhẹ khiến tôi trở nên lúng túng, cố tránh tia nhìn đằm thắm của anh.

Đêm đã khuya, mọi người phải từ giã nhau để mai anh lên đường sớm. Trên mặt bàn còn lại những mẩu thuốc cháy dở, những chiếc ly không, lúc ấy tôi mới rùng mình vì cái lạnh của cơn mưa đêm, luồn vào tâm tư nỗi buồn của sự chia ly. Ngày mai, chúng tôi đã có hai cuộc sống khác hẳn nhau, những người còn lại vẫn cắp sách đến trường, những người sắp đi vào miền gió cát. Chẳng biết những gì sẽ xảy đến với người trai thời ly loạn, khi chiến tranh vẫn giăng bủa trên mọi miền của đất nước.

Giây phút chia tay, các bạn đều lần lượt nắm lấy tay anh nói những lời chúc an lành, bởi vì từ nay anh đã thực sự rời ngưỡng cửa học đường, giã từ sách vở, giã từ mái nhà thân yêu để bước vào con đường chiến chinh gian khổ, sẽ đối mặt sống chết với hiểm nguy của chiến trường. Tôi là người cuối cùng từ biệt anh, lúc nắm tay tôi, anh xiết nhẹ, bàn tay anh nóng ấm như chuyển gửi vào đó bao yêu thương mà anh chưa dám ngỏ. Đôi mắt anh quyến luyến một tình cảm tha thiết, anh dặn tôi chăm học, khi nào được về phép anh sẽ đến thăm chị em tôi. Tự nhiên tôi lúng túng rụt tay về, trong bóng tối tôi nhìn thấy tia nhìn nồng nàn trong đôi mắt anh. Đôi mắt của người anh "đồng môn", sau này khi anh không còn nữa, mỗi lần nhớ đến anh, tôi lại thấy lòng thổn thức. . . .

Anh đi xa, nhưng mùa Xuân đầu tiên ở quân trường, anh vẫn không quên gửi về tặng tôi tấm thiệp và bản nhạc " Cánh hoa Pensée", với những lời ca mà tôi chỉ còn nhớ rất mù mờ:

" Ngày nao xa em anh gửi lại. Gửi trao cho em một cành hoa. Hoa Pensée là màu hoa yêu thương. . . ."

Lần về phép đầu tiên trong đời lính, anh ghé vào thăm chị em tôi. Trong màu áo trận, anh chững chạc hẳn ra vì nắng gió quân trường, mái tóc hớt ngắn, nước da đậm đà khỏe mạnh, nhưng đôi mắt thì vẫn buồn làm sao! Anh kể cho chị em tôi nghe về thời gian huấn nhục ở quân trường, biết bao cực nhọc với phương châm "thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu". Ngày anh ra đơn vị, thỉnh thoảng mỗi lần về phép anh lại đến thăm, lại kể chuyện chiến trường, anh nói mạng mình "lớn" lắm nên bao nhiêu lần đụng trận mà đạn không dám đụng vào anh. Tôi hết còn dám chọc ghẹo anh như ngày xưa, còn anh thì dày dạn phong trần, có làm mấy câu thơ tặng tôi trước ngày trở ra đơn vị:

"Mai về thăm lại ngôi trường cũ

Thăm bạn bè xưa tuổi học trò

Nhìn ai, chưa nói lời thương nhớ

Để lại ra đi chẳng hẹn hò."

Sau này tôi ít được gặp anh, chiến tranh đã đẩy anh đi những bước thật dài để người lính ấy càng ngày càng trưởng thành trong binh lửa. Mỗi lần nhận thư anh từ một nơi xa xôi nào đó, những địa danh xa lạ, đọc những dòng chữ thân thương của anh tôi lại nhớ đôi mắt anh trong buổi tối chia tay nhau trước ngày nhập ngũ. Sao mắt anh buồn ơi là buồn, hình như đó là dấu hiệu báo trước cuộc sống ngắn ngủi của anh trên cõi đời này, người lính trẻ tội tình của thế kỷ hai mươi, khi anh ra trường, lao vào cuộc chiến để đối đầu với lằn tên mũi đạn.

Tôi vẫn là cô nữ sinh bé bỏng, lòng đã biết xôn xao với những rung cảm đầu đời, nhưng tình yêu của anh tôi vẫn thấy xa vời lắm. Có lẽ tôi chưa yêu anh, tình cảm có một lúc nào đó đã để lại trong tôi chút bâng khuâng, nhưng để đáp lại tiếng lòng của những đóa pensée tôi vẫn ngại ngần. Những đêm dài bất chợt nhìn ánh hỏa châu bừng sáng ở một góc trời, tiếng bom đạn rền rền ở vùng xa vọng về thành phố, tôi đã nghĩ đến anh và thầm cầu nguyện cho anh được trở về bình yên.

Đã bao nhiêu năm qua đi, một khoảnh khắc của thời gian nhưng cũng là một đoạn đường dài để con người trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, đau khổ. Lần lượt những hình ảnh thân quen trong quá khứ có giây phút trở về, tôi lại nhớ đến anh, nhớ đến những đóa pensée rung rinh mỉm môi cười mỗi mùa Xuân tới. Tôi vẫn chỉ gọi anh bằng mấy chữ dễ thương: "người anh đồng môn", hình ảnh anh vẫn hiển hiện trước mắt tôi. Tôi nói "hiển hiện" là vì anh đã không về nữa, chỉ còn hình ảnh người trai trẻ năm xưa trong lòng tôi, đôi mắt dễ thương, nụ cười dễ thương, cái xiết tay ấm áp trong buổi chia tay lúc anh lên đường nhập ngũ.

Đời lính đưa anh đi xa rồi lại về gần, cuối cùng, anh đã bỏ mình trong một trận đánh bên dòng sông quê mẹ. Hôm ấy hai cánh cửa sắt nhà anh mở toang, tôi đi lại nhiều lần nhìn vào chiếc quan tài phủ cờ với những vòng hoa tang, ngọn nến bập bùng hắt lên di ảnh "người anh đồng môn " của tôi, người lính trẻ đã nằm xuống khi tuổi còn thanh xuân.

Tôi vẫn không đủ can đảm bước vào để nói lời từ biệt "người anh đồng môn" dễ thương ấy, vì tôi biết rằng thế nào mình cũng khóc, hoặc để người khác biết được nỗi buồn đã chớm nở trong trái tim, như lần đã rụt tay về vì sợ anh ngỏ với tôi nỗi niềm thương nhớ của những đóa pensée. Không biết ở bên dòng sông nơi anh nằm xuống, dòng máu đỏ của người lính đã loang chảy vào lòng đất, có mọc lên những bông hoa pensée đầy thương nhớ không nhỉ?

NGUYÊN NHUNG

______________

Nguyen nhung_miêu tiểu thư.jpg

“Miêu” Tiểu Thư

Truyện vui của Nguyên Nhung

 

Chương 1

 

“Nàng” là một trong ba con mèo con mở mắt chào đời trong hốc tối của  cái “patio” ẩm mốc , chỗ ấy chủ nhà đã chất một đống chăn cũ để dành phủ cây trong  muà đông buốt lạnh. May mà năm nay trời không có tuyết, nếu có lạnh thì chỉ là những đợt gió muà phương Bắc thổi về, sau đó tiết trời lại trở nên ấm áp với mặt trời phương Nam, nên không ai phát hiện ra trong cái góc tối ấm áp kia lại có đến ba con mèo con nằm ẩn mình trong đó.

.

Mèo mẹ đã qua thời kỳ sinh nở, lại bận bịu sinh kế tìm sữa cho con bú, cho nên sau khi làm sạch cái nhà “bảo sanh” tự nhiên thì mụ đã phải giầm mình trong mưa gió kiếm ăn, để lại ba đưá con thơ lông còn ướt nhẹp nằm ngủ vùi trong đống chăn mền cũ. Còn người cha thì cho đến bây giờ vẫn không biết “hắn” là ai, ba đưá nhỏ sau thời kỳ non nớt, độ hơn tháng đã tung tăng chạy ra chạy vào chỗ ánh nắng chiếu vào mấy chậu cây, chúng nó rỡn nắng như những đứa trẻ con trốn mẹ ra vườn bắt bướm ấy mà.

.

Mỗi đưá một màu lông chả đưá nào giống đưá nào. Hai cô mèo con mới nhìn thì tưởng giống nhau như khuôn, nhưng vẫn khác nhau ở chỗ cũng cái màu vàng mơ nhưng cô kia lông lại vằn lên như da cọp, đôi mắt sáng quắc xanh lè trông rờn rợn như một con cọp con thu nhỏ trong dáng mèo. Trông màu lông cuả cô mèo vằn vẫn còn hơi hướng vẻ hoang dã của giống linh miêu thuộc loại Felis Silvertis tại rừng già Âu Châu,Tây Á và Châu Phi từ ngàn xưa. Đây là loài thú nhỏ con chỉ thích đi săn chuột, chim hay sóc. Hình như chúng đã bị thuần hoá khoảng 10.000 năm trước đây ở vùng cận Đông, khi nền nông nghiệp phát triển hoa màu được chất vào  kho, thu hút những loại thú như mèo đến săn bắt, rồi gần gũi với loài người.

.

Còn cậu mèo mướp trông ươn ướt, bẩn bẩn chỉ hay khóc nhè, chả biết đến sự tắm rửa là gì, có thể cậu là con cuả ông mướp già vẫn lừ đừ đi theo mèo mẹ những ngày mụ không kiếm ăn được.Chỉ có mỗi  em mèo mơ thì  liếc sơ cũng biết sau này không sắc nước hương trời, cũng là một giai nhân yểu điệu. Mà em yểu điệu thật, cứ đặt cho em cái tên “Miêu Tiểu Thư” cũng không sao, cha mẹ cú đẻ con tiên là chuyện thường. Đám con ấy có thể là sự kết hợp cuả  mẹ mèo khi cợt đùa với một chàng trẻ tuổi lông nhông khoe bộ lông vàng óng bảnh bao chải chuốt (chàng ta còn trẻ nên hay lim rim nằm trên cái giàn mướp hương hóng mát và giơ chân rửa mặt suốt ngày), đuà giỡn với tình trong chốc lát để lại cho đời đưá con hoang. Nhưng mụ mèo cũng không chê ông mướp gìa tử tế hay biếu xén nhường nhịn cho cái đầu cá chiên, mẩu  xương heo quay lắm mỡ được chủ nhà vứt ra vườn cho lũ mèo hoang.

.

Lũ mèo con thành hình trong lòng mẹ sau những đêm mụ mèo đến lúc khát tình gào lên trong  đêm trường thanh vắng, khiến mấy tay hàng xóm cứ “gâu gâu” lên làm mọi người mất ngủ. Một thời gian người ta thấy mụ ốm dài người ra nhưng cái bụng thì nặng nề, nằm thưỡn ra dưới tàn cây đào ngủ li bì cả ngày. Dễ mụ chả thèm ăn uống gì, hờ hững nhìn bạn tình lượn lờ qua lại như không hề quen biết. Rồi ngày tháng thoi đưa, mụ cũng đã ngắm nghía chuẩn bị một chỗ tối tăm và an toàn cho lũ mèo con non nớt “như con mèo ướt” có chỗ an toàn chờ đến ngày khôn lớn.

 

Chương 2

.

Trong ba đưá sinh ngày hôm ấy thì Miêu tiểu thư có vẻ xinh đẹp và lanh lợi hơn cả, mới bé tý mà đã biết chạy ra chạy vào hong nắng khi mẹ vắng nhà, nhưng cứ nghe tiếng bước chân động đậy trong căn nhà là ba con mèo con cùng ù té chạy về náu trong góc tối im thin thít. 

 

Tuy con nhà nghèo nên dù xinh đẹp chúng nó vẫn mang tiếng là mèo hoang, cách nhìn cuả loài người đã tự nhiên phân biệt giai cấp ra như vậy, chứ mèo nào chả là mèo.

Khoảng hơn hai tháng sau khi sinh nở, chờ cho lũ mèo con cứng cáp đã biết chạy nhảy là mèo mẹ tìm cách để con tự lập, đó cũng là lần cuối mụ dắt theo ông mèo mướp già để giới thiệu lũ con. 

 

Ông mướp quấn quýt ngay thằng con lúc nào cũng oặt oẹo, bẩn bẩn ươn ướt, cảm nhận  được tình máu mủ vì nó giống hệt ông hồi còn trẻ. Riêng hai đưá lông màu mơ vàng, chắc chắn không phải con ông nên ông chỉ hững hờ nhìn thế thôi! Miêu tiểu thư còn bé lắm nhưng cũng cảm thấy phần nào chuyến về thăm có ý nghĩa chia biệt của mẹ mèo, khi đi theo tiếng gọi của tình yêu lần nữa. Đấy là chuyện tự nhiên của mọi loài cho nên cô cũng chả thấy buồn bao nhiêu, mặc cho hai đưá kia gào lên “meo meo” khi thấy lão mướp già dẫn mẹ mèo đi tuốt luốt, nhảy qua hàng rào phía nhà bên kia, trong khi đó mấy tay hàng xóm lại “gâu gâu” lên ỏm tỏi vang động cả xóm.

.

Từ đấy, ba chị em sống với nhau dưới mái hiên sau nhà nơi mở mắt chào đời, chấp nhận cảnh mồ côi (dù cha mẹ còn sống cả), bữa no bữa đói để chờ ngày thực sự khôn lớn. Cho đến một ngày mèo mơ thấy vắng lắm, dễ nhiều ngày hai đưá kia không về, chỉ còn mình cô lại chạy ra chạy vào sưởi nắng dưới mái hiên, khi nào buồn ngủ thì nhảy tót lên cái xích đu có nệm lơ mơ làm một giấc là quên hết sự đời. Được cái bà chủ nhà cũng tốt bụng, chút cơm thừa, cá vụn, xương xảu cũng tiếc cuả trời, đổ ra bãi cỏ góc vườn mà mấy con mèo hoang tồn tại được.

 

Chương 3

.

Cứ nhấm nháp tý đầu cá, miếng xương Miêu tiểu thư lớn như thổi lại còn xinh đẹp nữa. Một hôm cô tò mò nhìn xuyên qua cửa kính của căn nhà to mới thấy ở trong ấy cũng có một cặp uyên ương nhà mèo đang quấn quýt nhau trên bộ “sofa” bọc nhung màu rượu chát rất đẹp. Cô trố mắt nhìn và quan sát hai nhân vật, chàng thì đẹp trai râu ria cắt tiả gọn ghẽ, tướng mạo lại ung dung chững chạc của kẻ sinh ra dưới vì sao sáng, còn nàng kia thì uyển chuyển, diễm lệ và cổ còn đeo nơ hồng với chuỗi bạc nữa trời ạ! Đôi mắt trong veo của Miêu tiểu thư cứ tròn xoe thêm khi thấy cảnh sung sướng, hạnh phúc của đôi bạn tình Mèo trong căn nhà đẹp, tuy nhiên vì rất ngây thơ cho nên cô chỉ chiêm ngưỡng thế thôi, chứ không mảy may ganh tỵ.

.

Thế nhưng lòng ích kỷ lại nảy sinh ra từ cô mèo nhà được “nâng như trứng hứng như hoa” trong căn nhà sang trọng, khi một hôm cô ta tình cờ phát hiện ra con mèo mơ nằm lim rim bên cửa sổ như đợi chờ ai, rồi bắt gặp cái nhìn say đắm của anh bạn tình đang ngạc nhiên về vẻ đẹp thơ ngây, rất hoang dã của nàng mèo mơ nằm rỡn nắng thì mụ ta nổi giận. Một vẻ đẹp hồn nhiên của mùa xuân với con mèo nhỏ ngoài khung cửa, anh mèo nhà thấy lòng xôn xao vì từ khi chôn kín đời mình bên trong khung cửa của căn nhà, tuy sung sướng chẳng sợ gì gió táp mưa sa, nhưng căn nhà  như có chấn song nhà tù vây hãm tâm hồn. Anh lim rim nhìn mà lòng rộn lên hai chữ tự do ập đến một cách mới mẻ, bỗng dưng anh cảm thấy yêu say đắm cái hồn nhiên của cô mèo mơ ngoài cửa sổ. Yêu, thế nào là tình yêu thì anh chưa định nghĩa được, nhưng chắc chắn nó khác với cái tình của anh đối với cô vợ mèo loẻng xoẻng những khoen vàng vòng bạc quấn quanh cổ, suốt ngày nằm dài trên “sofa” êm ái, nhiều  lúc uốn éo nịnh nọt con người để được ban thưởng những cái vuốt ve.

.

Anh muốn bay ra ngoài kia để xem trời mưa trời nắng, để nhìn cọng lá rung rung đuà rỡn với cô mèo con dễ yêu, nhưng chưa gì thì chị mèo nhà đã nhảy tót đến bên anh. Rồi khi nhìn thấy ánh mắt anh đang ném ra bên ngoài say đắm thì đôi mắt chị long lên như toé lửa, kêu lên từng chập “meo, meo” rền rĩ như bắt được tại trận cảnh “mèo trong song cửa, mèo ngoài chân mây”, chị nhìn kẻ thù mà chỉ muốn ăn tươi nuốt sống cho hả giận. Anh mèo nhà cuống quýt quay ngay vào, nhảy tót xuống “sofa” về chỗ cũ giả vờ ngủ, cô Mèo Mơ ngoài cửa sổ cũng giật mình khi đụng phải  cặp mắt rùng rợn ác liệt của mụ mèo nhà ghen tương và khó nết, vội nhảy tót lên hàng rào và tỉnh giấc mơ hoa.

.

Lũ chó săn hàng xóm lại ủng oẳng chạy ruợt theo cô dưới chân hàng rào sủa toáng lên. Ôi chao! Sao nhiều kẻ thù thế nhỉ, đồng loại với nhau mà đã ích kỷ thế kia à, chưa kể còn mấy anh chó ỷ bự con, to mồm cũng vẫn ăn hiếp kẻ yếu đuối. Thực ra thì nhà ai nấy ở, cơm ai có nấy ăn, mấy anh chó hay mèo nhà còn hưởng mưa móc chủ nhà mà no cơm ấm cật, thân mèo hoang một mình yếu đuối sống qua ngày sao họ vẫn ganh ghét, không ban cho một chút tình thương. Mới đụng chạm chút xíu với đời mà mèo mơ đã thấy thất vọng não nề cho cái tình đời đầy ganh tỵ ích kỷ. Suy cho cùng những kẻ ấy hơn cô nhiều lắm, hạnh phúc và may mắn hơn gấp bội, niềm hạnh phúc nhỏ nhoi của cô đâu có là bao mà họ cũng ganh tỵ và lồng lộn lên như bị ai tước đoạt. Dù sao mèo mơ cũng được một buổi chiều lơ mơ nhìn trời, cảm nhận được niềm êm ái vây quanh, nhìn theo những chú chim đang tìm mồi bay lên bay xuống cây đào đã hết mùa hoa đang kết trái.

 

Chương 4

.

Trong khi đó anh mèo nhà chán nản quay về gỉa vờ ngủ trên chiếc “sofa” định làm một giấc cho quên cảnh gò bó “cá chậu chim lồng”, mụ mèo nhà sung sướng thấy mình chiến thắng địch thủ một cách dễ dàng, lại uốn éo tấm thân mềm mại trở về nằm bên cạnh người mình yêu, cọ mãi bộ lông mềm vào anh ta ra điều “em vẫn đẹp như mơ”. Anh mèo nhà nhắm tịt đôi mắt lại, trong chăn êm nệm ấm cuộc sống no đủ nhưng anh mèo vẫn cảm thấy đời thiêu thiếu một cái gì đó, sự tự do vẫn chỉ khoanh lại trong diện tích ngôi nhà, hễ ra tới cửa không bị bà chủ chận lại thì cũng bị giữ rịt lại bằng những tiếng “méo méo” của mụ vợ lắm điều nhắc nhở. Nhớ lại hình ảnh cô mèo mơ xinh xắn bên ngoài khung cửa, tự trong tim anh bật ra những vần thơ óng ả:

.

Con mèo nhỏ
Lim rim bên cửa sổ
Mắt mơ màng
Nhìn cọng lá vô tư
Đang rỡn nắng
Mùa xuân hiu hiu gió
Lá xạc xào
Vườn ngủ giấc ban trưa

 

Một bức tranh đẹp của cuộc đời gần gũi vậy mà anh mèo nhà vì sống trong nhung lụa loanh quanh cái gì cũng có lại không làm sao hưởng được. Vậy mà cô mèo mơ hưởng được cái ân sủng ấy từ trời ban cho một cách an nhiên tự tại. Anh lại nghĩ tiếp:

 

Con mèo nhỏ
Ngạc nhiên nhìn cọng lá
Lao xao
Thì thào
Đùa rỡn giấc chiêm bao
Trong tiền kiếp
Mèo chắc là thi sĩ
Nên lặng lờ
Như một gã tình si

 

Anh mèo cũng có đầu óc văn nghệ chút chút, chẳng đến nỗi thuộc loại “dài lưng tốn vải ăn no lại nằm”, lối thơ thẩn của anh không quá uỷ mị thương mây khóc gió, có lãng mạn nhưng ở mức độ có thể chấp nhận được. Ước gì anh được sống một đời tự do như cô mèo nhỏ lang thang ngoài mảnh vườn kia nhỉ? Ngày xưa tổ tiên anh cũng bắt đầu từ rừng xanh bạt ngàn hoang dã, cũng hợp quần tự mưu sinh chứ đâu có cảnh nằm khoèo ra làm kiểng đợi ngày hai bữa cơm dâng tận miệng. Cái đẹp mà anh bắt gặp là hình ảnh cô mèo nhỏ, trong dáng vẻ thảnh thơi của một buổi chiều hiu hiu gió, mặc cho thời tiết thay đổi mà vẫn giữ được vẻ bình thản ấy thì hỏi trên đời đã mấy ai có được.

 

Con mèo nhỏ
Vươn bàn chân rỡn lá
Nắng buồn hiu
Rơi xuống cuối chân trời
Từng cuộn mây đen
Kéo về
Trời buồn như sắp khóc
Con mèo khoanh tròn
Chờ đợi
Mưa rơi

.

Mùa Xuân nơi này trời cũng hay mưa, nhưng chưa bao giờ anh được hưởng cảm giác nằm nép mình vào khung cửa mà chờ mưa đến. Giống như tuổi học trò mới biết yêu, khi tan trường trời mưa phải tạt vào mái hiên nhà ai đứng chờ mưa tạnh, tha hồ mà mơ mộng, mà nghĩ tới một bóng dáng mảnh mai trên sân trường cỏ non. 

 

Chỗ ấy có một bụi mía, loại cây ngòn ngọt này mảnh dẻ nhưng sức chịu đựng như tre trúc, hữu ích chứ không lan tràn một cách bừa bãi như cỏ. Những cọng lá ẻo lả đùa với gió, vậy mà cô mèo mơ lại nhìn ra niềm vui của mọi loài chia xẻ cho nhau. Họ làm bạn với nhau dễ dàng, rất thân thiện dù cách sống và hình dạng khác hẳn nhau, nhưng cũng đâu phải vì lẽ ấy mà không đến được với nhau. Khi gió thổi cọng lá miá lại cợt đùa với cô mèo nhỏ, đôi bạn như đang chọc ghẹo nhau thật hồn nhiên vô tư lự, anh mèo lại vơ vẩn nghĩ :

.

Con mèo nhỏ
Nằm bên khung cửa sổ
Lơ mơ nhìn trời
Mặc kệ gió mưa rơi
Cọng lá ướt
Lả mình khe khẽ gọi
"Ướt hết rồi
Thi sĩ của tôi ơi!"

.

Đăm chiêu mơ mộng như một thi nhân đang đắm hồn với nàng thơ, anh triết lý rằng nếu tâm hồn khô khan quá thì chẳng khác nào chết mà biết thở. Bao nhiêu năm chung sống với nàng mèo õng ẹo xinh đẹp kia, hình như nàng chỉ biết có mỗi động tác quen thuộc là vươn người lên, cuộn mình lại, nhún nhẩy đi đi lại lại trong căn nhà này, rồi nằm dài ra ngủ. Bỏ đi ư, trốn ra khỏi căn nhà này ư? Để lang thang như cô mèo nhỏ sống kiếp không nhà bữa đói bữa no, đánh đổi cái thật để chạy theo cái ảo, thi sĩ Mèo không dám nghĩ tiếp.

 

Chương 5

.

Thế rồi cuối cùng có một ngày, “chàng Mèo” trong một phút sơ ý của bà chủ nhà cũng phiêu lưu ra khỏi cửa sau để thử tìm vài phút  lãng du. Vừa bước ra sân, mới trèo lên cái giàn mướp rậm rịt là đụng đầu ngay với một tay mèo mun chiếu tướng chàng bằng  đôi mắt xanh lè. Hơi run, chàng mèo nhà lấy hết can đảm với bộ điệu lãnh đạm mà chỉ giai cấp quý tộc mới có. Tay mèo đen lên tiếng trước, tuy chỉ là tiếng Mèo nhưng tạm hiểu như thế này:

.

“Hê! Anh từ cái nhà kia ra phải không?”

 

Anh mèo nhà định không trả lời, vì mục đích của anh hôm nay là đi tìm nàng thơ, chứ không thích dây dưa với bọn mèo hoang chả ra gì. Vì thế anh ta không trả lời và tiếp tục leo lên giàn mướp ngó trời xanh. Nhưng cuộc đời đâu giản dị thế, nhìn vẻ khinh khỉnh của anh “mèo nhà” quý tộc, gã mèo mun dở ngay thói rừng xanh ra:

 

“Ê! Chỗ này không phải chỗ của anh. Chốn giang hồ không phải để anh ra đây tìm trăng vịnh nguyệt. Ái chà! Bộ áo trắng mướt như thế kia chịu gì nổi với sương gió cuộc đời, khôn hồn thì quay về cái nhà anh ở mà xơi cao lương mỹ vị.”

.

Thấy gã ăn nói phang ngang bửa củi, anh mèo thấy cần phải dạy cho hắn một bài học tử tế:

“Anh không được nói với tôi như vậy, phải tập ăn nói cho tử tế. Trời đất là của chung, chỗ này cũng không phải của nhà anh.”

Gã mèo mun cười khinh khỉnh:

“Tuy gọi là chung mà vẫn riêng đấy, anh đừng có lý luận kiểu chả coi ai ra gì mà tan xác. Thấy anh hiền lành chúng tôi không đụng đến, nhưng nhớ một điều là anh hùng nào giang sơn nấy, trong rừng xanh cũng vẫn có luật, dù luật không văn bản nhưng ai cũng phải hiểu. Anh may mắn có một đời sung sướng, hãy hưởng lấy sự sung sướng ấy đi.”

 

Thấy gã ăn nói ngang tàng, nhưng có vẻ biết phân biệt giai cấp nên  Mèo nhà lên giọng khoe khoang:

“Tôi cũng chả thèm cái cách sống lang bạt không nhà không cửa như anh, tôi chỉ muốn thử xem cái không khí cuộc sống hoang dã của các anh như thế nào thôi, chứ trong nhà kia tôi chả thiếu gì...”

.

Gã mèo mun khục lên cười một tràng dài “méo, méo”, tức thời đã thấp thoáng thấy một đám tay chân bộ hạ từ chỗ nào chả biết chạy tới giàn trận ngay trên mặt giàn mướp, những tiếng “meo meo” vang rân một góc vườn khiến mèo nhà xanh mặt. Rồi anh ta lập tức được nghe một bài “moral” rất đáng đồng tiền bát gạo:

 

“Này, anh kia! anh nên nhớ anh xuất thân từ đâu mà ra, không phải tổ tiên anh cũng từ trong rừng xanh, phải vất vả săn bắt mới có cái bỏ vào miệng, phải tận diệt những loại động vật phá hoại như chuột bọ để làm lợi cho con người. Chúng tôi không tầm thường như anh nghĩ đâu. Anh nhìn xem trong khu vườn này có con chuột, con sóc nào dám bén mảng tới đây. Chúng tôi không phá cây trong vườn, không bẩn thỉu phóng uế bừa bãi khắp nơi như bọn chó, và cũng chỉ ăn rất ít để sống, vì không chủ trương sống để ăn ngon mặc đẹp. Anh bị ru ngủ trong cái tháp ngà ấy rồi, quên trách nhiệm cao cả của mình thì làm ơn xéo đi, xéo ngay đi kẻo chết không kịp ngáp”

Hắn nhếch mép mai mỉa nhìn mèo nhà cười khinh bỉ, nhưng lũ lâu la thì nhất định không tha và xúm vào định làm thịt anh mèo nhà ngu ngơ. May quá, khi ấy bà chủ nhà thấy vắng bóng con mèo đẹp của mình, lại nghe tiếng “meo meo, méo méo” om xòm ngoài vườn nên vội chạy ra, thế là bọn mèo hoang chạy tán loạn, và mèo nhà vội chạy về tuy chưa ôm cái đầu máu.

 

Ôi! Đây là bài học hãi hùng  in sâu vào đầu anh mèo, mặc dù anh vì hay mơ mộng lẩn thẩn mà quên hẳn cuộc đời muôn mặt như bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Quay vội vào nhà, mụ vợ tròn xoe đôi mắt ngọc ra nhìn, ngạc nhiên khi thấy vẻ mặt thất thần của anh mèo chồng. Đúng lúc ấy, bà chủ nhà đổ cái hộp thức ăn cho mèo vào cái điã không dưới gầm bàn, hai con mèo vội vã chạy đến nhấm nháp từng chút  thì anh mèo quên béng chuyện làm thơ, và chuyến giang hồ đi tìm hình bóng cô mèo mơ ngoài cửa sổ.

Nguyên Nhung

__________

NN_Dunghoivisaothanhtubuon.GIF

Năm vừa qua, chuyến xe đưa chúng tôi từ Đà Nẵng về Qui Nhơn, tôi mới có dịp đi qua đoạn đường "máu đổ thây phơi" của 40 năm trước. Đi qua những địa danh quen thuộc miền Trung, từ Đức Phổ, Mộ Đức, những quận lỵ xơ xác đói nghèo vì chiến tranh đã được hồi sinh. Có lẽ 40 năm  sóng biển Sa Huỳnh vẫn vỗ vào bờ một nỗi buồn xa vắng. Hai bên ruộng lúa vẫn xanh rờn, xa xa dải núi mờ sương lại khiến tôi thương cảm không cầm được giọt lệ. Tôi biết anh đã yên nghỉ, nhưng nắm xương tàn nằm ở đâu thì cho đến bây giờ vẫn chưa tìm lại được.


Tháng Tư. Đốt nén hương lòng tưởng nhớ anh, một người anh hiền hoà, luôn thương yêu các em. Sau 40 năm anh đã yên nghỉ , gửi nắm xương tàn nơi rừng sâu núi thẳm, nhưng nỗi thương nhớ vẫn còn ở lại với người thân trong gia đình.

 Bốn mươi năm mới viết nổi bài thơ,  "Đừng Hỏi Vì Sao Tháng Tư Buồn", hay 40 năm nhìn lại với một nỗi buồn khó nguôi.

Nguyên Nhung

NN_lich2022.JPG

                                    Chuyện Vui Cuối Năm  
                                                                 Nguyên Nhung

Mới đây lại sắp Tết rồi hén bà con? Nhớ ngày nào đời còn nhiều mộng đẹp, tóc còn xanh, môi còn tươi, bây giờ soi gương đã thấy "tóc trắng đậm đà êm ái ru tình già". Chẳng biết cái ông nhạc sĩ họ Phạm ấy già mà còn gân hay sao đó, nên đã sáng tác được những nhạc phẩm ướt át như vậy, chứ tui với bà xã tui thì  chỉ là "hai con khỉ già" nhăn nhăn, nhó nhó tối ngày.

Mà không nhăn nhó sao được khi bà xã tui lẩm cà lẩm cẩm, suốt ngày lo xa vì sợ chết hay sao đó mà nghiên cứu hết thuốc này đến thuốc khác, ai mách gì cũng nghe rồi mua về uống, gọi là "ngừa bịnh hơn chữa bịnh" đó mà. Bả ở nhà vặn "ra-dzô" nghe tối ngày, bởi vậy sinh cái bịnh "tự kỷ ám thị", nghe mấy ông thầy thuốc Tây y, Đông y nói về bịnh này bịnh kia, bả cứ tưởng tượng rằng có ngay chứng bịnh đó, rồi rầu rầu cái mặt trông mà thấy ...tội.

Bả thấy người ta kể chuyện hổng hút thuốc mà cũng bị ung thư phổi, chỉ ho hen chút chút mà khi phát giác là sắp đi về với Ông Bà rồi. Bởi vậy hễ thấy tui húng hắng ho là bả nhìn tui như sợ rằng sắp vướng bịnh nan y, bà hối tui đi nội soi, ngoại soi, X.ray rồi tối ngày kể chuyện ông A. nọ sắp đi đời nhà ma, cô Tám kia mới thấy đó mà đã ra người thiên cổ. Tui thì cho là bả bị bịnh tâm thần, ám ảnh nỗi lo vì bịnh hoạn mà không biết tận hưởng cái đẹp ngắn ngủi, bay vèo đi của kiếp người. Nhưng khổ là bả bắt tui phải nghe những cái mà tui chẳng muốn nghe, vì thực ra con người có số, Trời Kêu Ai Nấy Dạ, có chạy trốn cũng không được.

Để tui kể cho bà con nghe về cái người "đại lý bịnh" này xem có đáng ghét không? Nhà tui bây giờ chất đầy thuốc, chẳng những thuốc mua vô tội vạ ở cái quầy ngoài tiệm thuốc Tây, mà còn đi bác sĩ năn nỉ cho bằng được để mua nhiều thứ thuốc chất đó để phòng hờ nữa. Đau nhức, cao máu, hạ cholesterol, thuốc tim, thuốc bổ xương, thuốc đau bụng tiêu chảy, nhà tôi nó cũng sắp biến thành cái nhà thuốc Tây rồi. Chưa hết đâu, chỗ này là thuốc lọc gan của bác sĩ Thượng Hải, chỗ kia là thuốc bổ thận của bác sĩ Phạm hoàng Trung, chai NINO Nhàu mua đại ở một tiệm bán thực phẩm, ái chà, tùm lum mấy cọng Aloe Vera trong tủ lạnh để uống với mật ong ngừa bịnh ung thư tưởng tượng của bả nữa.

Chưa hết à nghe. Bả còn hay hơn bác sĩ nữa. Hổng cần đi đốc tờ làm gì cho tốn tiền, bả ngồi bấm huyệt mình ên, xem tim đập bao nhiêu nhịp một phút, rồi tự động đi lấy thuốc điều hòa nhịp tim uống liền vì sợ tim đập nhanh nó bể ra thì hết thuốc chữa. Bác sĩ nói mỗi ngày uống phòng ngừa 1 viên Aspirin 81 m/g thì bả uống gấp 3 lần, nói là càng nhiều càng tốt, đến nỗi đau bao tử lại phải uống thuốc bao tử. Bên bẹ sườn hơi khó chịu, bả hình dung ra bịnh gan, rồi tối ngày nghi cái bụng nó sưng. Tui nói bụng bà mà còn sưng được thì tui cũng còn xuân chán. Bả gõ bụng để thăm dò, rồi nói nó sưng chỗ này, chỗ nọ đòi tui dẫn đi bác sĩ mới nghe. Tới bác sĩ thì ổng cũng vỗ bụng đoán mò trước, rồi nói phải thử máu, chụp hình rọi kiếng, utra-sound gì đó mới dám cho thuốc uống. Bả nói ổng chỉ cần cho uống trụ sinh là hết, ui, lại cái bịnh mê trụ sinh nữa chứ, mỗi năm sơ sơ nốc cũng hằng trăm viên ampiciline. Khi bác sĩ hỏi làm sao bà biết bụng bà sưng, bà nói tui cũng khám trước ông rồi, hổng ai biết Ta bằng Ta, hễ vỗ bụng nghe bình bịch là bình thường, còn hễ sưng thì nó kêu bồm bộp. Cha mẹ ơi! Nghe cũng có lý quá chứ. . .

Sống gần một người luôn luôn bị ám ảnh bịnh tật như vậy tui cũng chán đời lắm, chưa kể bả sợ rồi ăn uống nấu nướng cho tui lạt nhách, triệt để theo lối kiêng khem của người có bịnh cao máu, tiểu đường v.v.... Đi ăn đâu với bạn bè mà có bả tui thiệt bực mình, đang cầm miếng thịt gà bả cũng dằng ngay lấy để lột da, làm như tui là dứa con nít. Ăn cái gì ngọt bà nhắc hoài, coi chừng tiểu đường nghe. Kể ra thì cũng tội nghiệp bả, dù biết bả là cái tủ thuốc biết đi, vậy mà có  bữa hai vợ chồng cãi nhau trước mặt khách làm tui xấu hổ quá, ăn chưa xong bả đã bày ra trước mặt tui thuốc này thuốc kia, bả nói uống hông thôi bữa nay ông xực nhiều lắm rồi nghe, thiệt chịu hết thấu.

Còn nói về mấy cái máy để tập thể dục thì ôi thôi nó tràn lan từ trong nhà ra tới garage, ngoài patio cũng có. Có cái rỉ sét vì lâu ngày không đụng tới, cái thì để dưới gầm giường, cứ xem TV xong là kêu con "order" tặng bố mẹ, mà  chỉ được ba bữa là thôi, ngồi thở dốc ra nhìn máy. Cái thì để trong phòng ngủ, thay vì để đi bộ thì được dùng để vắt quần áo, không tin thì bà con tới nhà tui  tham quan cho biết sự tình.

Hai năm nay khi dịch Covid từ bên Tàu tràn lan khắp nơi, nhà nhà cửa đóng then gài, chỉ còn hai vợ chồng già lủi thủi bên nhau vì đâu cũng thấy bóng cô Vi thấp thoáng rình rập. Vì vậy mà lâu rồi bằng hữu cũng không ai dám tới thăm nhau, nhà hàng ế ẩm, bạn bè thân tình hết dám tổ chức “party” như ngày xưa, bà xã tui cũng tự nhiên dễ tính, không biết làm gì cho đỡ buồn nên bày ra nấu nướng, nhờ vậy có hôm tui cũng được ăn “xả láng” vì bà nói cuộc đời sống nay chết mai, không ăn chết thành mà đói.

Năm hết tết đến, nhà nhà ấp lẫm đồ ăn không hiểu bả chuẩn bị đón tết ra sao? Chắc chắn vẫn là những món ngon ngày tết như  bánh chưng, bánh tét, thịt kho tàu, thịt đông ăn với dưa chua, gà hấp bia, gà cà ri, canh khổ qua hầm, giò thủ, nem chua ... chưa gì đã chất đầy trong tủ lạnh. Để chấm dứt câu chuyện dài thường ngày ở huyện, tui kể bà con nghe chuyện này: 

“Có 2 ông bà kia số Trời định cùng quy tiên một lượt, đều được Chúa cho lên Thiên Đàng vì họ là những người tốt. Lên tới nơi, họ được dẫn vào một nhà ăn la liệt đủ món ngon vật lạ, thiên thần nói quý ông bà cứ xơi thoải mái, vì ở đây không còn sợ bịnh này bịnh kia nữa. Ông bèn hỏi thiên thần là nếu tui ăn nhiều thì có bị cao mỡ hay tiểu đường trong máu không, thiên thần nói đừng sợ  vì đằng nào cũng chết rồi mà. Ông kia bèn quay qua nói với vợ:

"Giá biết Thiên Đàng được ăn uống thoải mái như vầy, thì thà tui chết sớm để khỏi uống thuốc 10 năm nay có phải đỡ khổ không?"

Nguyên Nhung.

NN_HoaCuc.JPG

                    HOA CÚC         

 

Hoa cúc nồng nàn khoe sắc thắm

Cuối thu lạnh lắm ở ngoài sân…

Lần lượt thu tàn rồi đông tới

Buồn vui rồi cũng bước xa dần…

Có lúc lật hình tìm kỷ niệm

Dù biết hình kia chẳng nói năng

Nhưng chỉ riêng mình, mình mới biết

Hôm ấy, ngày xưa, mỗi bước chân …

Vạt nắng nghiêng vai vào cửa sổ

Từng chấm sáng buồn trên chấn song

Như đếm tháng ngày mình đã sống

Có những chiều rơi, những sáng hồng

Lãng đãng quanh ta vài chiếc bóng

Đã từng phơi phới tuổi thanh xuân

Đã từng héo hắt như chiếc lá

Theo những tàn phai của tháng năm

Thì thôi, hãy giữ buồn vui lại

Im lặng nằm trong những tấm hình

Khóc cười một thuở phù du cả

Ai cũng như ai, chẳng khác mình!

 

Nguyên Nhung

Mùa Tạ Ơn 2021

NN_santa.JPG

Câu Chuyện Nhỏ Mùa Giáng Sinh

Tôi yêu đóm lửa ngọn nến trắng từ hồi còn thơ ấu, chắc là ngọn nến sáng mùa Giáng Sinh năm xưa cũng đi theo tôi đến những chặng đường còn lại của đời người. Có một câu chuyện tôi sắp kể ra đây, đó là câu chuyện của ông cụ Rôbéctô tôi có dịp gặp ở ngôi nhà nguyện. Mỗi ngày, sau Thánh Lễ buổi sáng, mọi người đã lục tục ra về, ngôi nhà nguyện đóng kín cửa như chìm trong yên lặng và bóng tối, chỉ còn lại duy nhất một ngọn nến trắng trên bàn thờ. Ánh nến hắt lên tường những chấm sáng lung linh, soi lên bức tượng Đức Mẹ bồng con bằng thạch cao trắng toát. Nến trắng và tượng trắng, tất cả chỉ là một màu trắng nhưng nghe trong thinh lặng chút bình an tràn ngập tâm hồn.

Tôi ngồi lại một lúc giữa những hàng ghế chỏng trơ không còn ai, nhìn chăm chăm lên ngọn nến. Tôi ở lại một mình chỉ vì thích đóm lửa nhỏ nhoi của ngọn nến, say sưa nhìn đóm lửa lay lắt tỏa ánh sáng hắt hiu xuống chiếc khăn trải bàn cũng màu trắng, trong cái tĩnh lặng của tâm hồn. Tôi không cầu nguyện gì đâu, nhưng cảm giác bình yên khi nhìn ánh sáng của cây nến trắng đã rất đủ. Chắc hẳn trong mỗi đời người ai cũng có lúc thèm sự yên tĩnh của tâm hồn. À không, ở dãy ghế bên kia còn một ông già Mễ Tây Cơ, ông vẫn quỳ im lặng nhìn lên ngọn nến như tôi vậy, nhưng khác hơn là miệng ông mấp máy cầu nguyện. Mặt ông héo quắt với chòm râu bạc, đôi mắt đăm đăm nhìn lên ngon nến, nét mặt thành khẩn như đang cố bám lấy một niềm hy vọng nơi bức tượng Thánh trên bàn thờ.

Buổi sáng nay đi ngang công viên để đến nhà nguyện, tôi đã nhìn thấy mùa Đông trở về, một rừng lá vàng khô xôn xao đuổi nhau lăn xuống cuối dốc, trơ lại những nhánh cây khô, treo trên đó là những thân tầm gửi đang đong đưa theo gió sớm. Buổi sáng đầu mùa Đông mang theo chút giá buốt, khu công viên chỉ lác đác dăm người đi bộ, và những cây hoa dại có một sức chịu đựng dẻo dai, nở những bông hoa li ti trên bờ cỏ ven đường.

Khi ngọn nến tàn là lúc ấy tôi với ông già Mễ cùng ra khỏi ra nguyện. Ánh sáng leo lét của ngọn nến cháy bập bùng rồi gần như lả xuống trong lòng chiếc bình thủy tinh trong suốt, y như cái ngoẹo đầu cuối cùng của một người khi từ giã cõi đời. Ông già Mễ mỉm cười chào tôi trước sân nhà nguyện, ở đấy có một vườn hoa nhỏ và hai băng ghế dài đặt song song đối diện nhau. Có khi tôi cũng ngồi lại một chút để nhìn vẩn vơ lũ chim sẻ đang nhảy nhót trên sân tìm mồi, bỗng đồng loạt bay ào lên khi thấy có bóng người bước tới. Đôi khi tôi và ông Rôbéctô hay trao đổi vài câu chuyện nhỏ, cái miệng móm mém của ông phều phào kể cho tôi nghe những nỗi buồn nho nhỏ trong gia đình, ông hay đi nhà thờ để cầu nguyện cho đứa cháu đang đi lính ở phương xa.

Khi biết tôi ở lại một mình cũng chỉ vì thích ánh sáng lung linh của ngọn nến trắng, và câu chuyện mùa Giáng Sinh thời thơ ấu, ông RôBécTô cảm động lắm. Đôi mắt ông hấp háy, nhòa ướt qua giọng nói khàn khàn ẩm đục. Mùa Giáng Sinh đến, trời bắt đầu lạnh hơn, tôi có ý nghĩ chuẩn bị một món quà cho ông bạn già vong niên trước ngày Lễ Giáng Sinh. Có gì đâu, tôi lại nhớ đến củ khoai lang nướng bà hàng xóm tặng tôi đêm Giáng Sinh, bây giờ nghe ông Rôbéctô thích vài món ăn Việt Nam, tôi nghĩ đến chuyện tặng ông một hộp cơm rang và chục cái chả giò tôm thịt. Chẳng có gì hơn bằng một món quà đáp ứng đúng sự ưa thích của người nhận, ông Rôbéctô cảm động lắm khi nhận món quà của tôi buổi sáng trước Lễ Giáng Sinh vài hôm, tôi thấy đôi mắt ông nhòa lệ khi nắm lấy tay tôi nói phều phào những lời cảm ơn.

Tôi không nghĩ đến việc cho đi để nhận lại một món quà thật dễ thương của ông Rôbéctô vài hôm sau đó. Khi tan buổi lễ, ông gặp tôi trước sân nhà nguyện, với một gói giấy hoa thật đẹp, thì ra ông già đã nhờ cô con gái mua hộ cho tôi một món quà thật xinh: đó là chiếc áo len màu hồng nhạt. Vẫn cái giọng Mễ Tây Cơ lùng bùng những thanh âm nằng nặng, ông nói rằng món quà này thật là thích hợp cho tôi, người phụ nữ Á Đông có dáng dấp nhỏ nhắn và nước da trắng trẻo. Quả thật chiếc áo len màu hồng khi mặc vào đã làm tôi như trẻ lại hằng chục tuổi. Món quà của ông Rôbéctô đã thắp lại trong tôi ngọn nến sáng mùa Giáng Sinh năm nào, với củ khoai lang nướng khi tôi là cô bé lên mười thuở ấy. . .

Ông Rôbéctô đã qua đời vài năm nay, ông chết vì bịnh ung thư phổi. Những năm cuối của cuộc đời, ông không đến được nhà nguyện mỗi ngày, nhưng trước khi chết ông vẫn mong được gặp lần cuối khuôn mặt yêu thương của những người Việt ông quen biết. Rất tiếc là tôi không thường gặp ông sau này, nhưng tôi biết ông ra đi rất êm ả. Người ta kể rằng trong những giây phút cuối cùng của đời người, ông chỉ xin đốt lên cho mình một ngọn nến. . .


Nguyên Nhung.

 

NN_sậy.jpg

Như Là Bóng Sậy Bên Đường

 

Em chỉ là bóng sậy nhỏ nhoi

Luôn có mặt nơi đầu ghềnh cuối bãi

Trời đất mênh mông

Bạt ngàn cỏ dại

Gió bốn mùa thổi rạp cánh đồng lau

Em lả mình theo ngọn gió lao chao

Chợt đứng dậy khi bão yên gió lặng

 

Những cánh đồng xa

Tưởng chừng vô tận ...

Vẫn có em hiện diện ở nơi này

Dáng đứng gầy gò phận hèn cỏ dại

Vương chút buồn se sắt lúc hoàng hôn

Chiều phương xa khách dừng lại bên đường

Nghe lau lách thở than lời thương nhớ

 

Cây sậy dễ thương

Mọc ở ven đường

Xúm xít bên nhau để tìm nguồn sống

Biết vươn lên với trời cao đất rộng

Biết ngả mình khi gió táp mưa giông

Bên bờ sông sậy nghiêng mình soi bóng

Chờ một ngày lau lách cũng đơm bông

 

Những cánh đồng lau khi tuổi đã già

Tóc trắng đậm đà lả theo ngọn gió

Trông yếu ớt mà không hề gục ngã

Thân rất mềm mà chịu được phong ba

Nắng thiêu cháy những cánh đồng cỏ dại

Lau lách buồn hiu

Mùa sậy trổ hoa

 

Xin cảm ơn bóng sậy cánh đồng xa

Đã khai phá cho tâm hồn rộng mở

Đường đời chông gai

Bao lần đau khổ

Khác gì đâu cây sậy ở bên đường

Trên cánh đồng gom lại gió mười phương

Đất cằn khô vẫn bạt ngàn lau lách . . .

 

Nguyên Nhung

_____________________

NguyenNhung_rungThu.jpg

Chuyện Chiếc Lá Trên Rừng Thu New Hampshire...

Ngày qua Mỹ, năm 1994 tôi đã biết mùa thu Virginia, khi đến thăm thủ đô Hoa Thịnh Đốn.

Nhưng chỉ loanh quanh trong thành phố nên chưa thấy vẻ đẹp của mùa thu.

Mãi tới tháng 10 năm 2012, đi tham dự đại hội Trường tại Boston, và sau đó trường tổ chức chuyến đi ngoạn cảnh mùa thu ở White Mountain, thuộc tiểu bang New Hampshire, tôi mới ngỡ ngàng được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của rừng thu, tuyệt vời như thế nào.

Và khi trở về nhà, tôi đã làm bài thơ

Chuyện Chiếc Lá Trên Rừng Thu New Hampshire...

Tôi sẽ kể bạn nghe chuyện chiếc lá

Trên cánh rừng mùa thu New Hampshire

Tôi đã nghe như nghe chuyện đời xưa

Thì ra lá không buồn như mình nghĩ

Đời của lá không nhiều phen dâu bể

Lá chào đời vào một sáng đầu xuân

Chút lộc non màu ngọc bích xanh dần

Trong rừng vắng lá reo hòa với gió

Trời sinh lá vóc dịu hiền bé nhỏ

Không hề cô đơn vì lá gần nhau

Trong mảnh vườn hay tận chốn rừng sâu

Những chiếc lá sống một đời giản dị

Ngày và đêm không lúc nào ngưng nghỉ

Hễ gió về là rừng lá reo vui

Lá hân hoan chào đón ánh mặt trời

Khi mưa đổ lá vui đùa hớn hở

Mùa Thu về lá muôn màu rực rỡ

Trời như say mà đất cũng như say

Bao tâm hồn phải chìm đắm ngất ngây

Lá không tuổi mà vô cùng quyến rũ

Mỗi bốn mùa cũng vòng quay sinh tử

Mỗi một ngày cũng nắng sớm mưa trưa

Khi còn xanh cho đến ngày vàng úa

Rồi đến hôm nào … lặng lẽ lá rơi

Dẫu là khi thác đổ cuốn lá trôi

Suối róc rách đem lá đi muôn ngả

Gió bốn phương cuộn tròn trăm xác lá

Tấp vào nhau về nguồn cội nghỉ ngơi

Và đến một ngày mùa thu mở hội

Có bước chân người đạp lá vàng khô

Lá xạc xào hỏi ai về ngang đó?

Có thấy thu vàng đẹp tựa như mơ

Và có ai ... làm hộ một bài thơ

Câu chuyện kể về cuộc đời của lá.

Nguyên Nhung

Mùa thu New Hampshire, 2012)

_________________________

VẪN LÀ NỖI NHỚ KHÔN NGUÔI!

  

                                                                                    Truyện Nguyên-Nhung

 

(Ðể Tưởng-Niệm Những Người Ðã Chết trong cuộc chiến Việt-Nam)

 

Mùa tựu trường bắt đầu vào cuối tháng Tám, thời tiết như dịu đi chút nóng của mùa hè, buổi sáng đã có chút gió heo may thổi về trên rặng cây xồi cổ thụ quanh khu công viên! Trên các nẻo đường vào buổi sáng, đã xuất hiện những chiếc xe school-bus màu vàng đưa đón các em học sinh!!!

Năm nay, lớp học tôi phụ trách có vài em học sinh người Á-Châu, có lẽ chúng nó ở trong những chung cư phía bên kia đường đối diện với ngôi trường Tiểu Học! Thỉnh thoảng lái xe ngang đấy, tôi lại bắt gặp những khuôn mặt lạ lẫm, ngộ nghĩnh của mấy người Á-Ðông, vài phụ nữ lớn tuổi vẫn còn mặc y phục của xứ họ, trên đầu đội thêm chiếc nón lá!

Ðó là hai đứa bé trai và đứa bé gái, chúng như đôi nét chấm phá đậm nét trong lớp học giữa các học sinh bản xứ, với mái tóc đen mượt và đôi mắt cũng màu đen long lanh, hơi dài ra như một chiếc lá, nhìn chúng rất ngộ nghĩnh và dễ thương! Vì khác biệt ngôn ngữ nên chúng có vẻ e dè, tôi thấy cô bé gái vẫn đứng khoanh tay nhìn tôi bằng đôi mắt ướt, có lẽ bé vừa khóc xong vì lần đầu tiên phải xa Mẹ đến trường, xung quanh toàn là trẻ con tóc vàng, mắt xanh đang tò mò nhìn chúng!

Tôi đọc hồ sơ của học sinh, mấy đứa nhỏ này người Việt-Nam có những cái tên phát âm thật khó, nhưng chính nơi xuất xứ của chúng đã gợi lại trong tôi biết bao kỷ niệm đằm thắm của ngày trẻ tuổi, với mối tình đầu hình như vẫn bàng bạc những hình ảnh đẹp đẽ trong lòng! Davis đã viết cho tôi bao nhiêu lá thư từ miền đất xa xăm đó, ngày chàng ra đi, chúng tôi đã đắm chìm trong những giọt nước mắt chia ly, những nụ hôn cuống quýt tưởng có thể ngộp thở trong phút giây gần gũi của hai kẻ yêu nhau! Vậy mà đã hơn ba mươi năm trôi qua, những giòng chữ của Davis vẫn còn in trong lòng tôi:

     "Jane yêu quý của anh,

     Lá thư đầu tiên anh viết cho em từ miền đất nhiệt đới, trên bản đồ có lẽ em chỉ nhìn thấy một giải đất dài và hẹp nằm ven bờ Thai-Bình-Dương. Tuy mới bước vào mùa Xuân, nhưng khí hậu nóng và ẩm làm anh muốn ngộp thở! Lúc nào người anh cũng nhơm nhớp mồ hôi, thời tiết quả rất là khó chịu! Anh nhớ em vô cùng, nhớ em và nhớ cả những mùa xuân của quê nhà, bây giờ chắc cánh đồng cỏ hoa đã rộ lên những bông hoa "blue bonnet" màu xanh thật đẹp, những rừng thông bạt ngàn chắc đã xanh biêng biếc!!!

     Mùa xuân ở bên này khác hẳn mùa xuân ở xứ mình, tuy đường phố nhộn nhịp người qua lại, không vắng vẻ, yên tĩnh như thành phố của chúng mình! Từ Phillipine chuyển tiếp sang Việt-Nam, mỗi một đường bay như dài thêm nỗi xa cách giữa anh và em! Anh nhớ em vô cùng, Jane, anh mong đợi thời gian qua nhanh để trở về với em!!!""

Năm 1968, sau khi tốt nghiệp Trung học, tôi bắt đầu theo học một trường Ðại học lớn ở Houston. Vốn yêu thích trẻ em từ khi còn sinh hoạt trong một tổ chức hướng đạo của nhà thờ, tôi chọn ngành sư phạm! Cha Mẹ tôi cũng đồng ý với sự chọn lựa ấy, tôi sống với Cha Mẹ trong một căn nhà cũ kỹ ở vùng ngoại ô trong một thành phố đất rộng, người thưa có rất nhiều di dân từ Mễ-Tây-Cơ tới!

Davis là bạn trai của tôi từ thuở Trung học, chàng gia nhập Không quân Hoa-Kỳ để làm đúng nỗi ước ao được trở thành một phi công! Ðất nước tôi không có chiến tranh, nhưng nhu cầu quân đội và chiến trường lại nằm ở những quốc gia khác! Tôi thật sự lo lắng cho Davis, nhưng người Mỹ vốn vậy, thích là làm, dù yêu tôi Davis vẫn theo đuổi ý muốn được bay bổng trên không trung, dù chàng biết sẽ rất nhiều gian nan!!!

Hai đứa yêu nhau mải miết, thỉnh thoảng tôi đi quân trường thăm chàng, thỉnh thoảng chàng về thăm tôi! Gia đình hai bên đã tổ chức một lễ đính hôn nho nhỏ, cái nhẫn ấy cho đến bây giờ tôi vẫn còn giữ, như một kỷ vật khó quên trong đời!!!

Sau khi ra trường, lúc chàng báo tin được phân phối sang chiến trường Việt-Nam, tôi đã khóc biết bao nhiêu! Nhìn trên bản đồ, tôi không hình dung nổi giải đất bé nhỏ cong cong hình chữ S, nằm ven bờ đại dương xa xăm đó lại là một vùng đất đầy máu lửa!!! Ðã nhiều lần tôi tự hỏi, chàng sang đấy làm gì? Chiến đấu cho ai? Việt-Nam đâu phải quê hương tôi! Mỗi lần nhìn chiếc nhẫn đính hôn trên tay, tôi lại không ngăn được những giọt lệ nhớ nhung! Chiếc nhẫn ấy chưa đủ cột chặt đời chúng tôi bên nhau, cho nên tôi vẫn lủi thủi đếm bước trên hành lang của khu giảng đường rộng thênh thang, từng tiếng giày gõ nhịp trên nền đá hoa khô lạnh, như đếm được cả nỗi cô đơn trong lòng người con gái trẻ!!!

     "Jane yêu quý của anh,

     Không biết đây là lá thư thứ mấy anh viết cho em, từ đất nước xa xăm có những người dân dáng người bé nhỏ nhưng nhanh nhẹn, đôi mắt đen như dấu kín những tư tưởng khó hiểu khi họ nhìn anh, nhưng nụ cười của họ lại làm anh yên tâm!

     Khí hậu ở đây thật là khác biệt với quê mình! Mưa chỉ bắt đầu vào mùa hè, những cơn mưa tầm tã đổ xuống đột ngột rồi ngưng để cái nóng lại trở về, nhưng đất trời có vẻ như dịu đi! Anh đang ở căn cứ Không quân Biên- Hòa, thuộc miền Ðông của thủ đô Sài-Gòn, bay khoảng mười lăm phút! Nếu lái xe, anh có thể nhìn thấy nhiều thửa ruộng và vườn cây nằm chen lẫn nhau, vùng này lại có núi, tất cả đều có vẻ bình yên!!!

Bây giờ thì anh đã quen một phần nào với khí hậu ở đây, quanh năm giống như mùa hè ở Texas, nhưng dễ chịu hơn vì vào buổi tối trời lại trở nên mát mẻ! Anh có theo mấy người bạn ra phố, rất buồn cười khi có những đứa bé chạy theo anh và nói "OK. Salem!", chúng nó là những đứa trẻ của vỉa hè, nhìn chúng đen đủi và gầy guộc, cái miệng toác ra cười mỗi khi bày tỏ sự thân thiện! Tuy nhiên, anh cũng thấy có nhiều trường học, trẻ con mặc đồng phục đến trường, chúng được Cha Mẹ chở trên những chiếc xe đạp hoặc xe gắn máy. Anh thấy có một cái gì đó khác biệt trong cuộc sống của những đứa trẻ trên đất nước này, có cái gì đó không bình thường giữa những cái bình thường, nhưng với anh đứa bé nào cũng có nét dễ thương! Anh lại nhớ đến em mai này khi thành cô giáo trẻ, với những đứa học trò mũm mĩm, hồng hào trong một trường tiểu học!!!"

Năm nay là mùa hè thứ hai tôi xa Davis, những lá thư vẫn đều đặn gửi về, có nhiều chuyện vui vui nhưng cũng có những chuyện khá buồn, nhất là khi bạn Davis có người vĩnh viễn nằm xuống! Davis vẫn thường an ủi tôi, và cho rằng con người sống hay chết là do sự an bài của Thượng-Ðế, tôi cũng cố tin như vậy, và hy vọng chiến tranh ở đất nước xa xôi chóng đến ngày kết thúc!!!"

Davis có gửi cho tôi vài xấp lụa dệt bằng tơ tằm, đó là thứ lụa quý dùng để may áo dài cho những người phụ nữ thanh lịch! Davis kể cho tôi nghe về y phục cổ truyền của những người đàn bà Việt-Nam, khiến mỗi khi họ bước đi, hai tà áo như được bọc trong gió, và bay phất phơ như hai cánh bướm!!! Cầm tấm lụa với đường vân óng ánh, nó mềm mại và mát dịu như tình yêu của chàng đã xoa dịu phần nào nỗi buồn của sự xa cách, mặc dù tôi chưa biết sẽ may kiểu áo nào với xấp lụa mềm mà Davis gửi cho tôi! Không biết tôi có thể chờ chàng bao lâu vì tôi còn trẻ quá, tôi thèm những đêm đắm đuối bên chàng, tôi thèm nụ hôn ngọt ngào và vòng tay của Davis vào những buổi chiều như buổi chiều nay! Ôi những chiều cuối tuần mùa hè cùng chàng tung tăng bên bờ biển Galveston, đùa rỡn với những đợt sóng đẩy vào bờ, nằm phơi nắng trên bãi cát, bây giờ chỉ còn là kỷ niệm! Bạn bè tôi thật hạnh phúc với người tình của chúng nó, còn tôi sẽ đợi chàng đến bao giờ???

Chủ nhật tôi thích đi nhà thờ, sinh hoạt với nhóm Hướng-Đạo sinh ngoài trời vào những ngày trời đẹp! Tôi muốn gói nỗi nhớ chàng trong những sinh hoạt chung của xã hội, của gia đình, nhưng không đơn giản thế, lúc nào tôi cũng cảm thấy thiếu vắng, lúc nào tôi cũng cảm thấy cô đơn!!!

Davis gởi cho tôi nhiều tấm hình cảnh Việt-Nam, hầu hết là hình ảnh thành phố Sài-Gòn đông vui, người qua lại như mắc cửi! Davis nói đó chỉ là mặt nổi của đô thị, còn trong ngõ hẻm hay ở vùng quê thì lại có bao nhiêu cảnh đời khốn khổ!!! Người ta đổ dồn về thành phố, chen chúc nhau trong những khu lao động, cuộc sống thật là tăm tối! Chiến tranh có mặt ở khắp mọi nơi, sống và chết kề cận bên nhau, hạnh phúc và đau khổ như lẫn lộn đến nỗi người ta không biết thế nào để chọn lựa hoặc lẩn tránh!!!

Tuy vậy, tôi ao ước được đến đó, được gặp chàng, ôm lấy chàng, đắm đuối trong đôi mắt chàng! Chỉ thế thôi, để biết rằng đời không phải là mộng!!!

   "Jane yêu quý,

   Không biết đến bao giờ anh mới được trở về bên em, hơn một năm rồi anh xa gia đình, xa quê hương, xa người bạn tình yêu dấu đầu tiên của đời anh!

   Anh đã được thuyên chuyển đến một căn cứ khác thuộc miền Tây miền Nam Việt-Nam. Từ trên máy bay, anh nhìn thấy đồng quê Việt-Nam đẹp như một bức tranh, với những thửa ruộng nối tiếp nhau và bao nhiêu sông rạch tạo thành một bức tranh màu xanh của hy vọng! Vậy mà ngấm ngầm ở đâu đó vẫn là nỗi chết rình rập, vẫn là phân định không rõ rệt giữa bên này và bên kia!!!

Thành phố Cần-Thơ trù phú, hiền hòa nằm ven bờ Hậu-Giang của nhánh sông Mê-kông. Sông mênh mông là nước, những lượn sóng vỗ vào bờ, những thân dừa soi nghiêng trên mặt sông đục màu phù sa, anh thấy có một loại hoa màu tím lênh đênh trôi theo dòng nước, đẹp một cách kỳ lạ! Mỗi một dòng sông như chuyên chở bao sức sống của những miền đất khác nhau! Bởi vậy mà anh vẫn thấy nó khác, nó lạ vì nó buồn quá, mênh mông quá!!!

        Mùa hè nữa lại đến, thời gian qua đi nhanh quá phải không Jane, ráng chờ anh Jane nhé! Anh sẽ thất vọng vô cùng nếu ngày trở về không có em đón anh với những nụ hôn ngọt ngào và những giọt nước mắt mừng vui của ngày đoàn tụ!!!

Những cơn mưa mùa hè như tưới mát cây cỏ, cái nóng của miền Nam như dịu đi , thành phố ướt át và bóng bẩy sau cơn mưa làm sáng lên màu đỏ rực rỡ của một loại hoa mùa hè, dân địa phương gọi là hoa phượng! Chưa bao giờ anh thấy một loại hoa nào tươi thắm đến thế, bên này phố xá không nhiều cây cối như bên mình, cho nên màu đỏ của hoa như lung linh cả một góc trời, và những cô nữ sinh trong màu áo trắng đồng phục thướt tha, nhặt những chiếc hoa ấy để cài lên những chiếc nón lá dễ thương của họ! Nhìn những tà áo trắng tung bay trên đường phố, anh không biết diễn tả làm sao được vẻ đẹp rất dịu dàng của những cô gái Việt-Nam còn đang tuổi học trò! Những cô gái cũng thật lạ, anh không muốn nói đến những người đàn bà son phấn trong những quán rượu của lính Mỹ, nhưng muốn làm quen với một người con gái Việt-Nam thật không dễ! Jane đừng ghen với họ nghe, anh không bao giờ quên em đâu, anh chỉ muốn nói đến tâm hồn kỳ lạ của họ! Vài người bạn phi công Việt-Nam nói với anh, những người con gái xinh đẹp ấy, nhìn rất dễ thương, nhưng thương không phải dễ là vậy!!!"

 

 

Phong trào chống chiến tranh nổi lên khắp nơi, sinh viên bỏ học xuống đường giương cao biểu ngữ "Make love, not War" đằng sau minh tinh màn bạc Jane Fonda ở Hoa-Thịnh-Ðốn. Chiến tranh phải chấm dứt, trả lại Việt-Nam cho Việt-Nam, trên màn ảnh truyền hình, mọi người nhìn thấy những chiếc quan tài của lính Mỹ được chở về quê hương trên mỗi chuyến bay, mỗi lần nhìn những hình ảnh đó, tim tôi muốn vỡ ra làm trăm mảnh! Tôi mong Davis trở về, chứ không thì tôi cũng đã mỏi mòn trong chờ đợi! Lũ bạn chế nhạo tôi thuộc loại phụ nữ cổ điển chỉ tôn thờ những mối tình vô vọng! Làm sao tôi có thể giải bày cho họ hiểu, tình yêu của tôi dành cho Davis, chính vì cảm phục lòng can đảm và chấp nhận tất cả khó khăn, nguy hiểm khi trở thành một người lính!!!

"Jane yêu dấu của anh,

Như thư trước anh đã kể em nghe, Việt-Nam dần dần đã trở thành một miền đất dễ thương trong tâm hồn anh, dù nó bị tàn phá bởi chiến tranh! Những người bạn phi công Việt-Nam đã chiến đấu không mỏi mệt trong mọi điều kiện thiếu thốn, chắc hẳn phải có một lý do sâu xa nào đó, hẳn nhiên để bảo vệ một chính nghĩa! Ðất nước ấy như một bức tranh đẹp đẽ trong lòng dân tộc họ, có ai lại nghĩ đến chuyện gạch những nét ngang dọc lên tác phẩm quê hương, có ai lại muốn dội xuống quê hương mình hằng ngàn tấn bom đạn? Nó là khuôn mặt của Mẹ, của Cha, là sức sống mọc lên từ cây lúa, từ bờ tre, từng thân dừa để tô điểm vẻ đẹp, sức sống của cả một dân tộc!

Chiến tranh tàn nhẫn quá em ạ. Anh phải làm nhiệm vụ và cả những người phi công Việt-Nam cũng làm nhiệm vụ của họ, nhưng mỗi người mang một nỗi niềm đau xót khác nhau! Chỉ vì ý nghĩ "chậm tay thì chết" mà con người phải giết lẫn nhau, kinh khủng quá phải không em? Muốn có thỏa hiệp hòa bình mà phải trả một giá quá đắt cho cả một dân tộc khốn khổ như thế, anh ngậm ngùi lắm!!!

Chúng ta đã có bốn năm lầm lẫn cho cuộc nội chiến ngu xuẩn trong lịch sử Hoa-Kỳ, Việt-Nam cũng lại tương tàn trong một cuộc chiến tranh dai dẳng cũng chỉ bởi tham vọng kỳ cục, khi muốn đem về cho đất nước họ một triết thuyết không tưởng và một thiên đàng không làm sao có được trên mặt địa cầu!!!"

Năm 1972, xong bốn năm Ðại Học, tôi ra trường, Davis báo tin sắp trở về sau bốn năm phục vụ tại Việt-Nam! Bao nhiêu đợt lính Mỹ hồi hương được chiếu trên truyền hình mỗi buổi tối, nhìn nét mặt hân hoan của họ, tôi nôn nao chờ ngày vui của đời mình! Hòa bình đã được ký kết, chiến tranh Việt-Nam sắp kết thúc, chàng sẽ trở về và chúng tôi sẽ có một đám cưới, sau đó là những ngày trăng mật! Tôi mừng cho hạnh phúc của mình, cho hạnh phúc của cả một dân tộc khi hai miền Nam Bắc của họ được phân định rõ rệt, không còn chiến tranh, bức tranh đẹp đẽ của đất nước xa xăm kia sẽ chỉ là một màu xanh, màu xanh của hy vọng và vươn lên, để người dân Việt-Nam có một cuộc sống dễ chịu hơn!!!"

Vậy mà có một ngày, một ngày bi thảm và tàn khốc nhất đã đến với Davis, với tôi khi cả hai cùng ngây thơ tin rằng có một ngày người ta thôi không còn giết lẫn nhau! Chuyến bay đưa Davis về Sài-Gòn để lên đường trở về quê hương đã bị bắn rơi bởi những người phía bên kia! Chắc ngay cả những giây phút cuối cùng của đời mình, Davis vẫn chưa hiểu tại sao đời mình lại có một kết thúc bi thảm như vậy???

Bên này bờ đại dương, người ta đang hoan hỉ vì đã tìm ra được một giải pháp cho cuộc chiến ở Việt-Nam, họ được ban tặng giải thưởng hòa bình! Nào ai nghĩ nổi, trong khi ấy có cả một dân tộc vẫn đang quằn quại vì những vết thương chiến tranh, có cả những người như Davis đã chết vì sự bịp bợm ấy!!!

* * *

Thời gian qua đi rất nhanh, mới đó mà tôi đã trở thành người Mẹ của ba đứa con nay cũng đã lớn khôn! Không còn sống chung với Cha Mẹ, nhưng không hiểu sao tôi vẫn nhờ Mẹ tôi giữ những kỷ niệm của tôi và Davis, tôi không có can đảm tiêu hủy nó, bởi vì nó đẹp và trong sáng quá! Trong đời tôi, ít nhất đã có vài lần tìm vào căn phòng nhỏ, lật từng lá thư và những tấm ảnh đã ố vàng với thời gian, để lòng vẫn ngậm ngùi và thổn thức với những kỷ niệm của dĩ vãng!!!

Cách đây vài năm, tôi có dịp lên Washington D.C. Tôi đã đi tìm đến bức tường đá đen, đài tưởng niệm những người lính Mỹ chết ở Việt-Nam! Tôi đã tìm thấy tên chàng, William Davis, tôi đã khóc khi đặt những đóa hồng dưới chân tường, ngậm ngùi đọc tên chàng như có lần tôi đã thì thầm những lời vĩnh biệt trước nấm mộ của chàng ở nghĩa trang Arlington! Phản chiếu từ bức tường đá đen ấy, những bóng người buồn bã đi lại trên con đường xào xạc lá khô! Một ngày cuối thu có hơi gió heo may se lạnh, tôi cứ ngỡ linh hồn của Davis và của bao nhiêu người chiến binh năm xưa đang dật dờ trở về từ cõi chết!!!

Năm nay tôi đã năm mươi tuổi, cái tuổi có thể là hơn nửa đời người mà cũng có thể là cả một đời người, như Davis thì cuộc đời chàng chỉ vỏn vẹn hai mươi mấy năm! Con người vẫn không quyết định được cuộc đời mình, Thượng đế muốn lấy đi lúc nào chẳng được!!!

Mười năm rồi tôi dạy ở ngôi trường này, lớp học có thêm những đứa học trò Việt-Nam ở khu chung cư bên kia đường! Tôi có dịp tiếp xúc với những phụ huynh Việt-Nam, họ đã làm tôi cảm phục vì họ vẫn cố gắng bảo tồn nền văn hóa của họ qua sự dạy dỗ những đứa trẻ, biết trân trọng và biết ơn những người mang trách nhiệm giáo dục và khai sáng con người! Mỗi lần nghĩ đến đây, tôi đã hiểu phần nào tại sao tôi lại thông cảm với nỗi đau của những người Việt-Nam lưu vong, mỗi lần nhớ đến quê hương yêu dấu của họ bên kia bờ đại dương!!!

 

Nguyên-Nhung

(Ðể Tưởng-Niệm Những Người Ðã Chết trong cuộc chiến Việt-Nam)

____________________________________________

NN_HsĐTĐ.jpg

Viết Cho Thầy Tôi. . .

               

                   Nguyên Nhung

____________________

Chiều quê người, nhìn trời buồn hiu hắt. Trời không buồn mà chỉ tại người buồn, bao nhiêu chuyện cũ ngày xưa bất chợt trở về rồi ráp nối với hiện tại mà thành ra nhớ lung tung, nhớ người này một tý, người kia một tẹo, tôi cho rằng cũng từ cái cơ duyên như một mạng lưới chằng chịt trong đời người. Khởi đầu là một cái chấm nhỏ hiện diện trong tiềm thức cuả mỗi người, cái duyên tồn tại hay đứt khúc thì cũng từ cái chấm ban đầu ấy

 

Muà học năm ấy mấy chục năm trước, người bạn trường Phan tự nhiên hay qua ăn đá đậu trước ngôi trường Đoàn thị Điểm, vừa để chờ giờ tan trường mà cũng là để chuyện trò vài câu với cô học trò trường hàng xóm. Bỗng một hôm sau giờ nghỉ giưã giờ vì thầy cô vắng mặt, anh hốt hoảng đứng lên rồi vội vàng bảo với cô bạn nhỏ:

 

“Hôm nay có giờ ông Trí “ lọ”…

 

Thế là ba chân bốn cẳng chạy về Trường như sợ ma đuổi, để cô bạn nhỏ ngồi một mình ngẩn ngơ. Nào ai biết được những cái “nick name” mà học trò gán cho các Thầy  tuỳ theo hình dáng hay cá tính cuả từng người, nhưng câu nói của anh bạn đã in ngay vào đầu như một cái chấm nhỏ. Để đến hơn 40 năm sau mới được biết đó là  ông thầy dạy Pháp Văn trường Phan Thanh Giản, và cũng là vị hiệu trưởng nghiêm túc nổi tiếng khiến anh bạn sợ  xanh máu mặt. 

Tuy vậy thuở ấy vẫn không biết ông thầy “Trí Lọ” là ai, mặt mũi ra sao mà trị được những anh chàng tuổi học trò cứng đầu rắn mắt. Bây giờ lại phải nhắc đến chữ Duyên, nếu như thầy Phạm khắc Trí không mê thơ Đường, rồi chọn lọc một vài đồng nghiệp, vài học trò thầy biết cũng thích thơ thẩn, để Thầy Trò đối đáp chuyện thi thơ, thì giờ này cũng không được biết rõ quý Thầy Võ Văn Trí, Võ văn Vạn, Nguyễn như Hùng . . . là ai. Có đi gần hết một đời người, khi những người học trò đã trưởng thành trong mọi cảnh đời khác nhau, hình như lúc ấy Thầy và Trò không còn câu nệ bao nhiêu sự khác biệt trên đường đời, tương quan trong từng cảnh ngộ thì cái tình quý mến gần gũi hơn chút nưã.

 

Để rồi khi trưởng thành thì đây mới là thời gian hiểu được  trong tâm hồn những vị giáo sư đều ẩn dấu  chất nghệ sĩ. Thầy Vạn dạy toán làm thơ tình ướt át không ai hơn được, thơ cuả Thầy mượt mà như gấm như hoa, lúc thì giăng võng hai đầu thời gian, khi thì nhịp guốc rộn ràng hành lang vắng, khiến hồn thơ cuả Thầy liêu xiêu như lá đổ. Thầy Trí dạy Pháp Văn hồi xưa dân trường Tây mà khi  trình bày thơ lại là cả một sự giao hoà giữa Đông Tây, từ hình ảnh đến âm nhạc, là một tiết tấu quý phái mà thanh tao trong từng nét chữ bay lượn như rồng bay phượng múa.Thú vị hơn nưã là Thầy rất hiền, khác hẳn ý nghĩ về Thầy hơn 40 năm trước khi nhìn nét mặt  âu lo cuả anh bạn cũ. Nơi Thầy ở về muà Đông không còn “hét ra lửa” mà chỉ còn “thở ra khói” thôi vì rất lạnh,  khí hậu đôi khi âm mấy chục độ C. 

 

Thầy Phạm Khắc Trí áo bốn túi ngày xưa chưá đầy bụi phấn, nay bỗng dưng mà chở bốn túi thơ. Thầy yêu nét cổ xưa nên chỉ thích dịch thơ Trung Hoa, nhưng khi chuyển dịch nếu không có những điạ danh, tên tuổi cuả người xưa thì ai dám bảo là thơ Tàu. Thầy chuyển được cái tinh tuý văn học Việt vào những bài nguyên tác Trung Hoa, cũng giống như dân mình chịu hằng nghìn năm nô lệ mà không hề bị đồng hoá. Thầy Nguyễn Như Hùng cũng là một người chụp ảnh có hạng, đâu có ai biết thời thanh xuân Thầy đã từng ghi lại bao nhiêu hình ảnh về Hà Nội 36 phố phường, để mang theo một Hà Nội trong trái tim Thầy như câu hát: “Tôi xa Hà Nội năm lên 18 khi vưà biết  yêu…”. Hôm thầy qua Houston ghé thăm, được mời Thầy bữa cơm rau mùng tơi với cá kho,cà pháo, có anh Danh chị Nguyệt học trò cuả Thầy nữa, có người bạn cũ Hà Nội cuả Thầy ngày xưa cũng đến chơi, thầy vui như hồi 18 tuổi,ai cũng tở mở tâm tình rất tự nhiên, mọi người còn trêu Thầy nên tự khai về “Dáng Xưa Hà Nội” vì hôm đó không có một nửa cái xương sườn cuả thầy đi theo.

 

Nhắc đến tuổi học trò mà không nhắc đến vài khuôn mặt đáng yêu cuả thầy cô năm cũ sao được, kể cả những thầy cô từng là nạn nhân cuả đám học trò nghịch ngợm mà dễ thương. Cô Sen dạy Việt Văn có dáng và khuôn mặt đẹp như một đào cải lương trên sân khấu, cô thường mặc những chiếc áo dài màu tiá hay bông hoa rực rỡ, làm nổi bật khuôn mặt trang điểm son phấn cuả cô , như một bông hoa rực sáng giưã những bông hoa học trò đang hé nhuỵ. Kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt năm ấy, như muốn thử tài viết văn cuả đám học trò nhỏ, cô cho một đề tài thú vị: "Kể lại một câu chuyện thú vị nhất trong đời em”.

 

Đây là một đề tài tự do và cởi mở, hình như cô muốn thử xem sau những giờ Việt Văn của cô đã ảnh hưởng gì đến tâm hồn đám học trò cuả mình ra sao? Bài làm xong, vài hôm sau đến giờ trả bài thi, cô thường chọn vài  bài viết hay để đọc cho cả lớp nghe, và sau đó cô thủ thỉ nói với cô học trò non nớt cuả mình:

 

“Bài luận cuả em, nếu đem bỏ phần Mở Đề và Kết Luận thì nó đã là một truyện ngắn rất hay. Cô chúc em lớn lên sẽ trở thành văn sĩ”.

 

 Không biết bây giờ cô ở đâu, sống hay chết, ít nghe ai nhắc đến tên cô, nhưng câu nói của cô năm xưa như đã gắn bó ít nhiều với số mệnh cuả đứa học trò nhỏ, và là một lời khích lệ thật quý báu khi cô trong vị trí một người Thầy, đã không tiếc gì một câu nói để giúp học trò vươn lên trong niềm hy vọng. Những câu chuyện xoay quanh cuộc sống và đi theo dòng đời dù chẳng là tuyệt tác, nhưng vẫn phản ảnh được tâm tư tình cảm, số phận cuả đời người hay cuả dân tộc cũng nằm trong đó cả.

 

Những năm tháng tuổi học trò buồn vui đi theo biến cố cuả dòng lịch sử quê nhà, tuổi học trò chưa hẳn chỉ biết có hàng cây phượng rực đỏ khi sang hè, mà còn chuyên chở theo đó những nỗi buồn chiến tranh chất ngất. Niên học đó có thầy Phạm huy Viên hướng dẫn lớp, lại là giáo sư Việt Văn cho nên tha hồ cho Thầy thưởng thức những bài thơ, truyện ngắn cuả học trò viết trên báo tường bằng những dòng chữ nghiêng nghiêng còn xanh màu mực. Thầy hiểu thêm được những băn khoăn giao động cuả tuổi học trò thời mới lớn, đã đến tuổi biết yêu và mang nhiều trăn trở khi sống trong thời kỳ chiến tranh. 

 

Thầy Viên thể hiện tính nghệ sĩ cuả Thầy, không dấu diếm ai qua vẻ bề ngoài khá lè phè, trong cách ăn mặc cũng như giọng nói, thầy đích thực là một thi sĩ sau lớp áo trang trọng của một nhà mô phạm.Nhắc đến các vị giáo sư hồi ấy tôi nhớ thầy nhiều nhất, vì lẽ thầy là giáo sư hướng dẫn của lớp, lại cũng là vị giáo sư Việt văn trẻ tuổi, có nhiều bài thơ hay chứa đầy tình tự quê hương và tình yêu tuổi trẻ. Thầy là người đã đi qua và chúng tôi là những người sẽ bước tới, thầy đã chia xẻ cho đám học trò nhiều chuyện đời buồn vui bên ngoài khung cửa lớp. Nó như một khám phá mới lạ bên ngoài thế giới học trò, bỗng dưng tôi có cảm tưởng mình được chắp đôi cánh, bay bổng vào vùng trời của sự hiểu biết. Em cám ơn thầy nhiều lắm, nhờ vậy mà sau này em nhìn đời bằng đôi mắt thoáng đãng hơn, quảng đại hơn để dễ dàng chia xẻ với mọi người ngay trong những hoàn cảnh đớn đau nhất.

 

Đứa học trò của thầy đã ảnh hưởng nơi thầy một chút nào về sự “vô thường” của cõi nhân gian. Vốn là không lại trở về không, vốn là bụi lại trở về bụi. Những buổi học cuối năm hay những giờ học cuối cùng cuả một niên học, không còn những bài học từ chương trong những ngày cuối cùng ấy, chỉ còn tình cảm tự nhiên rất Người để linh cảm nhìn ra nỗi chia xa một ngày sẽ đến. Như một nghệ sĩ và như một cánh bướm thoát thân từ giấc mộng Hồ Điệp, thầy đọc thơ cho học trò nghe. Giọng Thầy sang sảng khi lên cao, lúc trầm xuống như một lời tỉ tê tâm sự, như tiếng khóc uất hận bởi những trăn trở nội tâm nghẹn lời khóc cho một đất nước binh đao đầy máu lửa. Nếu bảo rằng thơ là tiếng lòng của tác giả, thì thầy Viên thực sự đã gửi hết tâm sự của thầy trong thơ. Mới đầu nghe thầy say sưa đọc thơ cả lớp khúc khích cười, nhưng sau những phút giây bỡ ngỡ đó, tất cả đều im lặng khi thấy cái đam mê khác thường nơi ông thầy nghệ sĩ. Có những uẩn khúc, có những đớn đau, sau này lớn lên mới hiểu thầy cũng cần có những phút giây trang trải nỗi niềm sâu kín của con tim.

 

“Như em vậy thôi, em cũng thường say sưa đọc đi đọc lại bài viết của mình, có lúc cười như người khùng điên, có lúc buồn chứa chan nước mắt ...” 

 

Sau vài bài luận văn thường là những đề tài đầu tiên thầy thử sức năng khiếu của đám học trò yêu văn chương, hình như sau đó trong đám học trò đã có người mơ mộng sẽ trở thành thi sĩ, văn sĩ ở tương lai. Đề tài mở rộng về mọi mặt khi tâm hồn còn xanh non như mùa xuân đã biết nhìn vào cuộc chiến, khi chia tay vài người bạn trẻ rời trường lên đường nhập ngũ, để rồi lâu lâu lại nghe tin người này, người kia đã hy sinh ngoài chiến trường. Chiến tranh ảnh hưởng lên cuộc sống nên những đứa học trò đã vội già đi lúc nào chẳng biết, khi một ngày biết làm thơ:


“Khi chúng mình đối diện chiến tranh
Thì em ơi, em ơi sao đêm dài
Và ngày ngày trở trăn trong sợ hãi
Biết cuộc đời không còn có tương lai...”


Cứ thế mà viết, viết miên man khi lần đầu tiên cuống cuồng khi nghe tiếng đại bác từ xa dội về thành phố. Rồi tiễn người thân về yên nghỉ trong khu nghĩa trang:


“Có những buổi chiều đi qua nghĩa trang
Nhìn những nấm mộ bia xếp hàng im lặng
Buổi chiều có nắng vàng se sắt
Buổi chiều có lá sao khô
Trên cành những bông hoa sứ nở
Lòng tôi chợt nảy sinh bỡ ngỡ
Rồi một mai ... đời sẽ tàn như nắng quái chiều hôm
Như lá sao khô rời cành bay lả tả
Như hoa sứ rụng trên bờ cỏ úa...”

 

Tuổi học trò thường nhìn về những Thầy cô cuả mình bằng ánh mắt ngưỡng mộ và xem như thần tượng, có phải vì thế mà đôi khi các vị giáo sư thấy mình bị gò bó trong khuôn khổ, không dám nói và sống thật những điều mình nghĩ với học trò cuả mình chăng? Dĩ nhiên ngược lại thì những con tim cuả vài vị giáo sư trẻ, không khỏi rung rinh vì một vài đoá hoa học trò thơm ngát hương như hoa đào chúm chím nụ lúc sang Xuân. Viết vậy để tạ lỗi với thầy Khuyến, giáo sư Toán có dáng người nhỏ nhắn, tình tình vui vẻ dễ tha thứ cho trò nghịch ngợm của các cô nữ sinh thuở ấy. Nay Thầy đã thành người thiên cổ, thân xác đã tan thành tro bụi, chắc sẽ mỉm cười nghe lại câu chuyện bị đánh cắp quả cam mà một chị nữ sinh Thầy có cảm tình đã tặng cho Thầy hôm ấy. Đến giờ dạy chuyển lớp, Thầy mang theo quả cam của cô học trò dễ thương vừa  tặng, để trên bàn Thầy thì chỉ vài vòng đi lên đi xuống hướng dẫn bài cho học trò, quả cam đã biến mất. Thủ phạm thì chắc vẫn ngồi ngoan ngoãn hiền khô như ma sơ trong lớp học chưa biến đi đâu được, nhưng kẹt rằng Thầy không dám lên tiếng hỏi đưá nào đã chớp mất quả cam yêu dấu cuả Thầy. Băn khoăn đi lên đi xuống, hôm ấy chắc trí thầy rối bời theo từng nhịp giày và mắt thì quan sát xem quả cam…giờ này đang ở đâu, cô nữ sinh nào đã lẹ tay nâng nhẹ đi như ảo thuật. Cuối cùng, không biết đứa nào thèo lẻo mà thầy cũng biết thủ phạm ăn cắp quả cam của Thầy, nhưng lúc đó thầy chỉ nhẹ nhàng năn nỉ:

 

“Cho Thầy xin lại quả cam đi…”

 

Dĩ nhiên là trò cũng biết chắc một điều không bao giờ Thầy dám tặng cho Trò một giấy cấm túc ngày chủ nhật, để vào lớp viết hằng trăm lần “Chủ nhật này Trẫm nhớ ái khanh không?”( thơ Nhất Tuấn).

 

Nhiều năm sau khi trò khôn lớn, lại gặp Thầy trong một đêm Giáng Sinh ở sân nhà thờ Toà Giám Mục Cần Thơ, thầy đã có cô làm bạn, tay bồng tay dắt hai đưá con nhỏ. Ông anh bèn nhanh nhẩu giới thiệu:

 

“Đây là anh Khuyến, bạn cuả anh, còn đây là em tôi”

“Ai da, mô Phật, đây là thầy cuả em mà ….”

 

Hai thầy trò nhìn nhau mỉm cười ( nụ cười thật tối nghiã) mà chắc không ai hiểu, khi nhìn cô chỉ muốn hỏi Thầy một câu “Quả cam năm xưa chua hay ngọt hở Thầy?”

Chắc là cam chua rồi, vì người tặng Thầy quả cam không có Duyên với Thầy, nên chẳng phải chữ Duyên trong cuộc đời lắm khi mong manh như tơ trời đó sao?!! Hình như nếu em không lầm, người tặng Thầy quả cam, cũng như người nhận quả cam đều đã bỏ nước ra đi sau năm 1975, đều đã gửi thân vào lòng biển cả, không hiểu trong cõi thênh thang của nơi bình yên ấy, Thầy lại gặp lại cô học trò tặng Thầy quả cam năm xưa không nhỉ?

 

Bây giờ sau bao nhiêu năm sống nơi đất khách quê người, vẫn có lúc nhớ đến các Thầy cô năm cũ, những người đã ra đi và những người còn lại đã bước vào tuổi hạc từ lâu, lòng vẫn bồi hồi buồn vui lẫn lộn. Rồi lại nhớ đến thầy Phạm huy Viên, sau này ở cuối đời  thầy viết nhiều bài trăn trở với nỗi đau quê hương, một lúc nào đó sẽ dần dần lọt vào tay kẻ thù phương Bắc, đêm nghe tiếng sóng biển vọng về lòng thầy lại canh cánh nỗi buồn khôn nguôi. Từ phương trời xa nửa vòng trái đất, em tiễn thầy bằng mấy vần thơ:


”Đêm nằm thao thức nghe biển khóc
Ta hiểu rằng lòng biển rất đau
Bao người lòng cũng đau như biển
Đất nước quay cuồng cuộc bể dâu”

 

 

Nguyên Nhung

NN_traugia.JPG

Tâm Sự Con Trâu Già ...

Ta đã già không kéo nổi cái cày

Trên cánh đồng suốt một đời đã trải

Hạnh phúc nhất khi giữa trưa nóng nảy

Nằm nghỉ ngơi nhơi cỏ dưới gốc cây

Miệng thì nhai, đôi tai thì phe phẩy

Nghe gió đồng thổi mát ở trong tai

Ta ngỡ trời xanh cũng biết thở dài

Khi cám cảnh đời trâu sao vất vả

Chẳng sao đâu ... khi số phận an bài

Chỉ tại trời sinh vào thời lận đận

Bì bõm ruộng sâu cho mọi nhà no ấm

Nuôi sống con người đời sẽ an vui...

Thấm thoát thời gian lại thấy ngậm ngùi

Con trâu già giờ đây nằm nhơi cỏ

Ôn cố tri tân cuộc đời như bày tỏ

Dòng nước đục trong đã lội qua rồi...

..............

Để không ngờ một ngày ta nhìn thấy

Trên con đường bùn đất ở làng quê

Sợi dây thừng quấn cổ chú trâu gầy

Đang vất vả kéo chiếc xe khỏi bãi lầy khốn khổ

Có lẽ nào xe thời gian đi ngược

Để trở về thời khốn khổ năm xưa ...

Thật ngỡ ngàng như đang sống trong mơ

Trâu vẫn là trâu ... chuyện từ muôn thuở

Bài thơ mì ăn liền vì thấy con trâu nhà quê đang kéo chiếc xe ì ạch ra khỏi bãi cát lún.

NN

___________________

NguyenNhung_Mẹ tôi hoa tím.png

YOUTUBE: XIN MÙA THU Ở LẠI

 

Thơ: Nguyên Nhung

Nhạc: Cao Minh Hưng

Ca sĩ: Trần Ngọc và Ban Văn Nghệ CLB Tình Nghệ Sĩ

 

https://youtu.be/RKH-mS9O1Iw

Ảnh dưới: Nguyên Nhung & Cao Minh Hưng 

 

__________________________________________

 

YOUTUBE:  

Mosai Culture 2018 (Gatineau/QUÉBEC)

https://youtu.be/4104NzAd-J0

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Mùa Thu Canada

 

Mùa Thu Canada
Một lần quay trở lại
Bạn bè bao năm trước
Vẫn ấm tình phương xa

 

Những con đường ngập lá
Lặng lẽ không nguời qua
Mùa thu hiu hiu gió
Lá rớt trên mặt hồ...

Rừng lá vàng lá đỏ
Lẩn khuất trong chiều sương
Vách núi từ muôn thuở
Lặng đứng im bên đường

 

Mùa thu lòng quặn nhớ
Vài bóng hình thân quen
Thời gian như cơn gió
Đã cuốn trôi về đâu?

 

Mùa thu cơn mưa ngâu
Bên hiên nhà tí tách
Chiều mênh mang nỗi nhớ
Trong từng giọt mưa mau...


Thơ Nguyên Nhung

 

https://youtu.be/WYVOQJ9kYEI

 CANADA mùa thu 2018

youtu.be

 

 

 

 

 

Hình ảnh kỷ niệm chuyến viếng thăm Canada mùa thu 2018 qua các thành phố Montréal, Gatineau của tỉnh bang Québec và thủ đô Ottawa, tỉnh bang Ontario của Canada.

_______________________

NGUYÊN NHUNG:  

MỘNG LỆ AN một lần trở lại  

https://youtu.be/CMzp0zn2BnU

NN_Mosaic.jpg
NN_NhungDong.jpg
NN_CMHung.jpg.w300h249.jpg
NN_andFriendsin Montreal.JPG

NHỮNG CÂY THÔNG ĐÀ LẠT

NN_NhunhcaythongDalat.JPG

Nếu không tình cờ nhận được cú phôn của người bạn cũ, tôi đã không biết là Huy giờ này cũng đang có mặt trên nước Mỹ.

Ba mươi năm rồi còn gì, kể từ khi Huy rời trường mẹ Ðà Lạt, ngày ra trường anh được thuyên chuyển về một chiến trường miền Ðông, hai đứa xa nhau từ đấy. Những mối tình Ðà Lạt, như đã bị vùi chôn trong thung lũng mù sương, tự nhiên bỗng sống lại khiến lòng tôi xúc động đến ngậm ngùi. Hóa ra có những điều người ta tưởng có thể quên, mà nó vẫn còn đó, vẫn mập mờ ẩn hiện trong những cây thông, mà tôi gọi là Những Cây Thông Ðà Lạt.

Ðiều ngỡ ngàng hơn cả khi nghe người bạn kể lại, tình cờ gặp Huy trong một buổi họp mặt ở Cali, Huy đi đứng không được bình thường, hóa ra anh bị cụt bên chân phải, đã được gắn một chiếc chân giả. Ðiều này khiến thắc mắc của tôi về lá thư của chàng gần ba mươi năm trong phút chốc đã được giải đáp, chưa chắc Huy đã phụ bạc tôi như lá thư chàng viết về Ðà Lạt sau ngày chàng ra đơn vị. Lá thư như một vết dao cứa nát trái tim người con gái miền cao nguyên, khi hai đứa đã có một cuộc tình thật nên thơ suốt bốn năm chàng còn là một sinh viên trường Võ Bị.

Những lá thư nồng nàn bỗng nhiên bị cắt đứt một thời gian trong bao nhiêu hờn giận lo lắng, không hiểu Huy thời gian ấy ra sao khi những mặt trận càng ngày càng khốc liệt, từ chiến trường miền Trung tới chiến trường miền Nam. Khi ấy Huy là một đại đội trưởng, đơn vị chàng trú đóng ở vùng Long Khánh, nơi có những rừng cao su đất đỏ mà chàng bảo rằng ở đây chỉ một đoạn đường chàng có thể bay về Ðà Lạt, và cũng có thể về Sài Gòn để được gần gũi mẹ già.

Trong tôi chập chùng bao kỷ niệm của Ðà Lạt năm xưa, bốn năm có chàng ở Ðà Lạt, một thời gian hoa mộng của những chiều thứ Bảy trên đồi thông, khu rừng Ái Ân bên bờ hồ Than Thở, đã ghi lại bao nhiêu đằm thắm cuả một mối tình, chỉ có những cây thông làm chứng cho những lời hẹn thề, gắn bó. Những sáng chủ nhật Ðà Lạt nắng ấm, quanh khu Hòa Bình, ven bờ Hồ Xuân Hương mặt nước lặng lờ, Ðồi Cù bãi cỏ xanh, Lâm Viên lộng gió, nơi nào cũng có tiếng thông reo, nơi nào cũng có nắng ấm và gió lạnh, nơi nào cũng có bước chân chàng và tôi ở đó.

Vậy mà Huy đã có thể quên, khi rời xa Ðà Lạt chàng bỏ lại người yêu bé bỏng, có căn nhà gỗ xinh xinh nơi dốc hoa vàng, những cánh hoa mimosa li ti rơi kín mặt đường khuya như bài thơ chép vội vàng trong lớp học, một buổi sáng nhớ chàng đến quay quắt:

 

"Chỉ tại anh nên trời khuya trở gió,
Mimosa phủ kín mặt đường khuya,
Vương đầy tóc, em bắt đền anh đó,
Gỡ giùm đi, đứng cười mãi ô kìa!"
(Thơ Nhất Tuấn)


Thuở học trò những bài thơ chép đầy trang vở, tình yêu không chỉ những khi một mình một nơi yên lặng, nó còn xôn xao len lén vào lớp học. Bởi vậy, khi lá thư cuối cùng của Huy gửi về Ðà Lạt, như một cắt đứt mà chàng cho rằng chẳng qua định mệnh đã oái oăm chia lìa, để hai đứa phải xa nhau. Huy đã quen một người con gái nơi chàng trú quân, và cũng vì những giây phút yếu lòng của tuổi thanh niên, Huy đành phải chấp nhận người đàn bà ấy làm vợ, khi cô ta đã mang trong mình giọt máu của chàng.

Lá thư ấy đến Ðà Lạt một thời gian sau ba tháng chàng bặt tin, như tiếng sét trong cơn mưa, hầu như đã tàn phá tất cả bao hình ảnh đẹp trong lòng tôi thuở ấy. Hình như những cây thông đều rũ xuống và không còn mang theo tia nắng ấm reo vui những ngày Ðà Lạt mộng mơ. Hình như cả Ðà Lạt đều hay tin tôi bị tình phụ. Hình như trong đám bạn bè đã có những nụ cười mỉa mai giấu kín trong ánh mắt. Hình như và hình như, những con đường, những bờ cỏ, những đồi thông năm xưa có dấu tích của hai đứa, bỗng một ngày trở thành những bóng đen đè nặng trong lòng người con gái ngây thơ là tôi ngày ấy.

Nỗi đau như một cơn bão đã cuốn đi tất cả niềm vui tuổi trẻ, khiến trong mắt tôi ngày ấy, hình ảnh những chàng trai Võ Bị, không còn là thần tượng để ngưỡng mộ và say đắm. Tôi nguyền rủa chàng triền miên khi nghe tiếng thông reo và tiếng gió hú mỗi đêm Ðà Lạt mưa gió, gót giày tôi nghiến mạnh lên những bông mimosa vàng úa rớt đầy trên mặt đường khuya, như giày xéo lên những kỷ niệm của tôi và chàng, cho tan nát, cho mất hút đi theo lòng người bội bạc.

Tự ái của người con gái không cho phép tôi gậm nhấm hoài mối sầu vạn cổ, như câu chuyện một người con gái Ðà Lạt, cũng vì yêu mà hủy hoại mạng sống, để khi chết còn xin được chôn trên một ngọn đồi, quay đầu về hướng ngôi trường Võ Bị, nơi ngày xưa hai người đã quen nhau ở đó. Tôi yêu Huy thật nhiều nhưng không thể để con tim mềm yếu đến độ chết vì yêu.Tôi phải quên chàng như chàng đã quên tôi, tôi sẽ đi khỏi Ðà Lạt để tâm hồn khỏi gặm nhấm những nỗi sầu với tiếng thông reo trên ngọn đồi cỏ mượt, như tiếng gió lao xao lướt trên mặt hồ những sáng chủ nhật, như những cánh mimosa màu vàng rơi xuống phủ đầy mặt đường khuya.

Ðịnh mệnh đưa đẩy gia đình tôi rời Ðà Lạt cùng lúc với nỗi đau của cô con gái bị phụ tình. Căn nhà ở dốc hoa vàng để lại cho người cô, tôi xa Ðà Lạt như để vùi quên một nấm mộ tối. Mãi đến sau này sau nhiều năm, khi sắp sửa đi xa hẳn quê hương, tôi bỗng dưng ao ước được trở về Ðà Lạt, thăm căn nhà xưa, và để lần cuối nhìn lại những kỷ niệm cũ từ nhiều năm về trước, thấp thoáng vẫn thấy hình bóng người xưa trên những con đường cũ, và những cây thông Ðà Lạt...

 

oOo


Thế rồi tôi cũng trở về Ðà lạt một lần, trước khi đi xa, để thăm lại người cô ruột nay đã già yếu, vẫn sống trong căn nhà gỗ nơi dốc hoa vàng, gần trường Bùi thị Xuân ngày xưa.
Chuyến xe về Ðà Lạt vượt đoạn đường đèo, chênh vênh vách núi có những đoạn đường quanh co của miền Ðông nhiều đồi núi và cây rừng. Khi chuyến xe chạy ngang những khu đồi thông nối tiếp nhau để đưa về Ðà Lạt năm xưa, tôi bỗng thấy lòng rưng rưng, và giây phút đó bao nhiêu kỷ niệm về Ðà Lạt lại hiện về trong lòng tôi. Những ngọn thông xanh Ðà Lạt đã đủ sức réo gọi bao hình ảnh năm cũ, khiến tôi không khỏi thở dài nghĩ về Huy. Bây giờ tôi không còn là người con gái xinh xinh má đỏ môi hồng của Ðà Lạt năm xưa, thay vào đó là nét chững chạc của người phụ nữ khép kín, nhưng vẫn còn chút duyên dáng của một thời xuân sắc.

Ngày rời Ðà Lạt năm xưa tôi hai mươi tuổi, lần trở về tôi đã ở cái tuổi hai lần hai mươi, không còn trẻ để gậm nhấm những nỗi buồn, nhưng cũng không hẳn quên dễ dàng những kỷ niệm một thời quá đậm nét. Khi loanh quanh những con đường quen, nay đã ủ ê và tàn tạ với thời gian, và cũng vì đất nước đã trải qua bao cơn dâu bể, Ðà Lạt như một người đàn bà tàn phai nhan sắc, nét mơn mởn, vẻ xinh tươi đã không còn nguyên vẹn, tôi có cảm tưởng rằng nụ cười của Ðà Lạt không còn tươi thắm, chỉ gượng gạo như nét cười của người cô phụ.

Ðêm hôm đó, trong căn nhà gỗ và chiếc lò sưởi vẫn lách tách bay những mảnh hoa than thật mỏng, tôi và cô tôi ngồi bên nhau ôn lại chuyện cũ. Hầu như chúng tôi nhắc lại hết những khuôn mặt cũ, và khi vô tình bà cô hỏi tới Huy, tôi không sao nén được tiếng thở dài. Từ ngày ấy khi rời xa Ðà Lạt, tôi về Sài Gòn tiếp tục đi học, rồi đi làm, sau đó lấy chồng, tôi không muốn quen thêm một người lính nào nữa. Trong lòng tôi một hình ảnh Huy cũng đủ làm tôi nghĩ ngợi, khi cho rằng cuộc đời chiến chinh rày đây mai đó, giữa sự sống chết xảy ra hằng ngày, tôi khó có một đời sống bình an và hạnh phúc khi có một người chồng là quân nhân.
Bài học đầu đời vẫn còn đó. Cứ xem như là Huy không muốn phản bội tôi, nhưng cuộc sống buồn chán ở những vùng đóng quân khiến chàng chỉ một chút mà đã sa chân vào con đường không lối thoát, để cũng vì thế mà bao nhiêu tình yêu và mộng đẹp trong đời tôi đã bay đi, như những áng mây hồng trên bầu trời lúc hoàng hôn, phút chốc đã biến mất vào đêm đen vô tận.

Cô tôi ngồi trên chiếc ghế vải bọc nệm, lúc nào cô cũng đan áo. Không đan áo cho cô thì cũng đan cho cháu nội, cháu ngoại, và cả đan mướn cho những tiệm đan len trong thành phố, để bán cho khách nhàn du khi ghé thăm Ðà Lạt. Cô sống với người con gái chưa chồng, dù tuổi đã lỡ thời nhưng vẫn không dám lập gia đình vì đã nhìn thấy cuộc sống quá khó khăn, người lớn còn chật vật huống gì sinh sản thêm những đứa trẻ thơ thiếu ăn, thiếu mặc.

Buổi chiều hôm ấy tôi một mình đi xuống dốc hoa vàng, ngắm nhìn lại những căn nhà năm xưa, hỏi thăm cô tôi về những người quen trong xóm. Ðời quả là dâu bể, chỉ hai mươi năm mà bể hóa dâu hay dâu hóa bể là chuyện thường, huống gì cả nước đã chìm vào cơn dâu bể. Tuy vậy, con đường có những cây mimosa hoa vàng hình như vẫn giữ được nét riêng của nó, như chút duyên thầm Ðà Lạt. Những căn nhà màu sơn có lợt lạt đi, những bụi cúc vàng vẫn rung rinh trên lối sỏi vào nhà, và bây giờ thì những ngọn thông đã vươn cao lên trên những nóc nhà, in vào mảnh trời chiều một nỗi buồn hiu hắt. Tôi cứ men theo bờ cỏ để đi lên đi xuống con đường này, như để ghi nhận vào lòng những hình ảnh đẹp của một thời đã qua, bởi vì tôi biết khó có thể trở lại Ðà Lạt một lần nữa, khi gia đình đi định cư ở nước ngoài.
Tối hôm ấy, sau bữa cơm chiều với cái mát mẻ của rau xanh Ðà Lạt, hai cô cháu tôi ngồi bên lò sưởi, cô tôi vừa đan áo vừa rủ rỉ kể tôi nghe nhiều chuyện Ðà Lạt. Những chuyện xảy ra quanh đời sống của những người quen ở dốc hoa vàng, bây giờ thì tôi mới được biết thêm về câu chuyện của những cây thông Ðà Lạt. Nghe như chuyện hoang đường, nhưng đối với những người dân giàu tình cảm ở miền đất lạnh, Ðà Lạt vẫn là vùng đất sản sinh ra những mối tình lãng mạn và bi thương.

Ðôi tay vẫn đan thoăn thoắt, cô tôi nhìn ra khung kính cửa sổ, đêm ấy lại là một đêm trăng thật sáng, tôi có thể nhìn thấy những bóng cây thông lay động bên ngoài khu vườn mờ mờ tối. Khó tìm đâu ra cái ấm cúng gia đình như không khí Ðà Lạt, mà cũng khó tìm đâu ra cái rét mướt của những nỗi sầu cô quạnh bằng Ðà Lạt. Bên tách trà nóng, cô tôi bỗng hỏi tôi:

- "Cháu có nhớ căn nhà màu hồng ngày xưa ở cuối con dốc này không?"

Tôi cố nhớ lại tất cả những căn nhà ngày xưa ở dốc hoa vàng, hình như căn nhà ấy là của một sĩ quan làm việc trong trường Chiến Tranh Chính Trị. Tôi trả lời sau một phút hồi tưởng:

- "À, cháu nhớ rồi, căn nhà của ông M., có cô con gái xinh xinh học ở trường Bùi thị Xuân phải không cô?"

Nói tới đây, tôi lại chạnh nhớ đến Huy, nhớ tới tôi những ngày tháng ấy. Tôi lắc đầu, không muốn bị ám ảnh vì những hình bóng cũ, nhưng đấy cũng chỉ là tự dối lòng mà thôi, vì ít nhiều gì khi trở về Ðà Lạt lần này, tôi vẫn có nghĩ tới chàng. Cô tôi lại tiếp tục câu chuyện:

- "Ông M. mất rồi, chết trong trại Cải tạo ở miền Bắc. Căn nhà ấy được bán cho người khác, cả cô con gái cũng chết trong thời gian ấy, nhưng hình như linh hồn nó không siêu thoát được, cho nên những đêm trăng như thế này, ai đi đâu về khuya, vẫn thấy dưới gốc thông trước sân có hai cái bóng trắng đứng ôm nhau ở đó, nhưng hễ lại gần là biến mất."

Không tin lắm chuyện ma quỷ, nhưng giữa một đêm Ðà Lạt trăng sáng như đêm ấy, tôi không khỏi rùng mình và cũng chợt nhìn ra khung cửa sổ. Óc tò mò khiến tôi phải tìm ra cái uẩn khúc của những hồn ma dưới gốc thông nơi con dốc hoa vàng, tôi hỏi cô tôi:

- "Nhưng sao lại có những hai chiếc bóng dưới gốc cây thông hở cô?"

Cô tôi bỏ thêm than vào lò sưởi, những chiếc hoa than lại bay lên kêu lách tách, khiến câu chuyện trong đêm vừa ly kỳ mà lại thêm điều gì u uẩn đến lạnh người. Cô tôi chậm rãi kể:

- "Con bé ấy xinh đẹp, dễ thương mà chết sớm quá, đúng là hồng nhan bạc mệnh. Cháu có nhớ sau năm 75, các sĩ quan bị đưa đi tập trung cải tạo, cha của nó cũng bị đưa ra Bắc vì ông ta là một sĩ quan cấp tá. Gia đình lâm vào cảnh cùng cực, bà vợ hồi xưa sống dựa vào chồng cho nên khi ông ta đi tù thì đời sống gia đình thê thảm lắm. Họ phải mở một cái quán nước để mẹ con bấu víu vào đấy mà sống, mấy đứa con phải nghỉ học để giúp mẹ. Cái tội nhất là cô con gái mà cháu biết. Nó thật xinh đẹp nết na, ngày xưa cũng có quen với một anh chàng bên Võ Bị, hai đứa chúng nó hứa hẹn là khi ra trường sẽ làm đám cưới, nhưng..."

Không biết tại sao tôi lại buột miệng cắt lời cô với một vẻ mỉa mai, khi nhớ tới chuyện của mình ngày xưa:

- "Có phải khi anh ta ra đi là quên mất lời thề, và cô ta đã bị bỏ rơi."

Hình như hiểu được lòng tôi, cô tôi chỉ mỉm cười

- "Không phải thế đâu cháu, đâu phải trái đất này chỉ đầy những con người phản bội. Nếu thế thì làm gì có chuyện hai hồn ma hiện về dưới bóng cây thông mỗi đêm trăng sáng."

Tôi cũng mỉm cười, trở lại với câu chuyện dang dở của hai cô cháu:

- "Vâng, có lẽ cháu nhìn đời không được bình thường thôi cô ạ. Thế chuyện làm sao nữa hả cô?"

Cô tôi nhắp một ngụm trà rồi hắng giọng kể tiếp:

- "Những năm sau cuộc chiến, bao nhiêu chuyện xảy ra thật là bi thảm cho nhiều gia đình người dân miền Nam, cho nên, nhà con bé An, cũng là một trong những cảnh đáng thương mà cô nhìn thấy. Người yêu của nó sau khi ra trường, được đổi về một đơn vị ngoài Ban mê Thuộc, chính là điểm khởi đầu cho cuộc tiến công vào miền Nam, và anh ta không bao giờ trở về nữa cháu ạ. Nghe nói khi hay tin anh ta chết, con bé An có đi tìm đến gia đình anh ta, nhưng hầu như chẳng bao giờ còn có hy vọng tìm được xác người lính ấy nữa. Thật tội nghiệp! Từ đấy, con bé như người mất hồn, bố lại bị đi cải tạo, được vài năm thì chết trong tù, gia đình ấy tan tác từ đấy. Con bé cứ buồn rầu mãi, người xanh lướt như tàu lá, vì đời sống ăn uống thiếu thốn, dồn dập bao nhiêu chuyện buồn, cho nên vào một năm trời Ðà Lạt bỗng trở lạnh hơn mọi năm, tự nhiên nó lang thang đi ra ngoài lúc ban đêm, về nhà bị cảm lạnh, sưng phổi rồi chết."

Cô tôi ngưng lại như để nén những xúc cảm đang dâng trong lòng cô. Tôi cũng im lặng mà nghe như trong bóng đêm đầy ắp một nỗi buồn. Tôi nhớ cô bé An, nhỏ hơn tôi vài tuổi, rất xinh xắn trong chiếc áo len màu xanh đồng phục của trường Bùi thị Xuân, mỗi buổi sáng vẫn hay đi ngang nhà tôi, khép nép chào bố mẹ tôi mỗi lần gặp. Bây giờ cô đã ra người thiên cổ, và gặp người yêu ở bên kia thế giới. Thế cũng là một điều vui, chẳng hơn tôi và Huy, vẫn còn ăn còn thở mà đời thì như đã nghìn trùng xa cách... Nhìn ánh trăng mờ ảo ngoài khu vườn đầy bóng cây lay động dưới gió đêm, nghe hàng thông phía sau nhà reo vi vu trong đêm tối, tôi vẫn trăn trở với hai chiếc bóng của đôi tình nhân trong ngôi nhà cuối dốc. Tôi hỏi:

- "Bây giờ gia đình An còn ở đấy không hả cô?"

Cô tôi khẽ thở dài, vẫn đưa những mũi kim nhanh thoăn thoắt dưới ánh đèn dìu dịu của căn phòng, và tiếng than hồng vẫn tí tách trong lò sưởi:

- "Không, nhưng câu chuyện chưa chấm dứt ở đây, để cháu thấy là thế giới của linh hồn có những điều kỳ diệu mà mình không hiểu được. Cô nghe kể lại rằng, hồi hai đứa nó yêu nhau, có trồng một cây thông ngay lối vào nhà, và không biết họ đã hẹn thề với nhau như thế nào, nhưng cây thông ấy thì càng ngày càng cao lên theo tình yêu của họ. Nhưng từ lúc anh chàng Sinh Viên Sĩ Quan Võ Bị ấy ra trường, rồi hy sinh ngoài mặt trận, người ta chưa nhắc tới chuyện hồn ma nơi gốc thông ấy. Chỉ đến khi con bé An chết đi, người ta vô tình mới phát hiện được hai cái bóng đứng ôm nhau dưới gốc thông mỗi đêm trăng. Từ đằng xa, rõ ràng có hai cái bóng trắng quấn quýt dưới gốc thông, người trong xóm về khuya cứ tưởng là có người đang hẹn hò tâm sự dưới đêm khuya, nhưng đến khi lại gần thì không nhìn thấy gì nữa, hai cái bóng đã biến mất. Không phải một lần mà người ta đã tin, nhưng đã có nhiều người nhìn thấy rồi, cho nên dù không tin cũng phải tin, có người còn mua cả hoa thơm và nhang đèn để cầu cho đôi bạn ấy được siêu thoát."

Nghe cô tôi kể tới đây, tự nhiên tôi cũng phải rùng mình, và càng cảm thương cho một mối tình chung thủy, đẹp tuyệt vời của đôi tình nhân, huống gì cô bé An lại là người hàng xóm của tôi ngày xưa. Cô tôi lại tiếp tục kể:

- "Thật tội nghiệp cho những người tuổi trẻ yêu nhau thời chinh chiến. Linh hồn họ bị những lời thề ràng buộc mãi vào nơi chốn trên trần gian, cho nên vẫn tìm cách đến với nhau dù đã xa lìa cõi thế. Cuối cùng, sau cái chết của chồng và cô con gái, mẹ cô An đưa các con về Ðơn Dương làm rẫy, căn nhà được bán lại cho người khác..."

Tôi tò mò ngắt lời cô:

- "Thế linh hồn đôi tình nhân còn hiện về dưới gốc thông những đêm trăng nữa không cô?"

Cô tôi gật đầu:

- "Vẫn còn, hình như khi sống họ ở đâu, đến khi chết linh hồn chưa siêu thoát, họ cứ theo lối cũ mà về. Mãi tới khi làm lại con đường cho rộng hơn theo chỉ thị của nhà nước, phải chặt cây thông vì nó nằm gần vệ rào, từ đấy đôi tình nhân mới thôi trở về với nhau. Nhưng tội lắm cháu ạ, hôm đốn cây thông cô cũng ra xem, trời cứ âm u suốt ngày hôm ấy, lúc cây thông được đốn ngã xuống những dòng nhựa tươm đầy dưới gốc thông. Nó màu đỏ cháu ạ, đỏ sậm như máu, thay vì màu nâu nâu như thứ mủ thông cháu thường thấy, mủ cây thông này lại màu đỏ. Nhìn nó cô cứ tưởng như những dòng máu đỏ của chàng trai Võ Bị năm xưa đã nằm xuống khi tuổi còn thanh xuân, và cho một lời thề còn dở dang..."

Nghe cô tôi kể tới đây, tôi rợn cả người, trong khi ấy bên ngoài khung cửa sổ, tôi nhác thấy những bóng thông oằn oại dưới ánh trăng. Ðêm Ðà Lạt rét mướt, ẩm ướt những sương khuya, tiếng thông reo như một bài tình ca bất tận, những chiếc hoa than vẫn lách tách trong lò sưởi, bỗng dưng tôi nghe như có những giọt nước mắt ngậm ngùi rơi âm thầm trong bóng tối của một đêm tôi trở về Ðà Lạt.

 

oOo


Bây giờ ở xứ người, tôi vẫn nhìn thấy bóng dáng cây thông Ðà Lạt năm xưa. Mỗi mùa Xuân sang, trời ấm áp, những chiếc hoa thông đầy phấn vàng, những bóng nắng lấp lánh trên ngọn thông, tôi vẫn nhớ về Ðà Lạt và câu chuyện tình của cô bé tên An với chàng trai Võ Bị.
Cú điện thoại của người bạn cũ và câu chuyện gặp lại Huy với chiếc chân đi khập khiễng, làm lòng tôi mơ hồ nhớ lại chuyện mình năm xưa. Và tôi cũng chợt nhớ đến thời con gái còn ngây thơ, tham gia trong một tổ chức thiện nguyện của nhà thờ, tôi và cô bạn cũ thường hay dành những chiều thứ Bảy để đi thăm những người thương binh trong quân y viện. Lần ấy, chúng tôi đã bị từ chối bởi một người sĩ quan trẻ cụt cả hai chân, mặt xanh lướt, đắp một tấm chăn mỏng trong phòng dưỡng thương của bịnh viện. Anh nằm yên lặng, đôi mắt đăm đăm nhìn lên trần nhà, tấm chăn đắp cho thấy anh chỉ còn hơn nửa phần trên của cơ thể. Khi thấy chúng tôi ngỏ ý thăm anh, anh quay mặt vào vách tường và bảo người lính đóng cửa phòng lại. Tôi còn nhìn thấy trên khuôn mặt xanh lướt ấy, đôi mắt anh như chất chứa một đám mây đen tuyệt vọng.

Bây giờ khi tôi chợt hiểu về lá thư tuyệt tình của Huy gần ba mươi năm trước, thời gian trôi đi khá lâu để tôi không còn cơ hội tìm gặp chàng, để cảm tạ ân tình cao đẹp của người trai Võ Bị năm xưa, khi anh cũng mang mặc cảm giống như người thương binh bị cụt chân nằm trong Quân Y viện, không muốn bắt người yêu hy sinh và chia xẻ gánh nặng với mình trong suốt nẻo đường trần. Anh đã chịu mọi thiệt thòi, mất mát nhất của người trai trong thời ly loạn, kể cả việc bị tôi nguyền rủa anh là kẻ bạc tình, và đã quên anh như quên một chiếc bóng bên đường.

Không biết tôi có nên tìm lại anh để nói những lời giải bày cho một chuyện tình ngày trẻ tuổi. Có lẽ cũng không nên gặp lại khi cả hai đã có một cuộc đời riêng, như định mệnh đã xô đẩy hai đứa về hai phương trời khác biệt. Nhưng tôi biết rằng từ hôm nay, tôi vẫn yêu Ðà Lạt, vẫn giữ mãi trong lòng những ngọn thông xanh Ðà Lạt năm xưa, khi ngồi với Huy dưới một gốc thông trong khu rừng Ái Ân, bên bờ hồ Than Thở.

 

 

Nguyên Nhung

PHỐ GIÓ CHICAGO...

Gió, gió, gió!

Cuối tháng Tư trời đã sang xuân, thế nhưng khi chuyến bay từ Houston vừa đáp xuống phi trường O'Hare là chúng tôi đã được những cơn gió lạnh buốt của thành phố Chicago chào đón. Lâu rồi có ai đó đi du lịch tới đây, khi về nhắc tới Chicago là đã phải nói về Gió, tuy đã chuẩn bị quần áo lạnh đầy đủ, thế mà lúc thò đầu ra ngoài để đón xe, tôi lại thụt ngay vào vì Gió.

Nếu không có "thằng út" rủ rê bố mẹ đi chơi chắc giờ này chúng tôi cũng chưa đến thăm chính thức Chicago dù đã một lần dừng lại tại phi trường O'Hare để chuyển chuyến bay, nên đâu biết rằng đây là một thành phố lớn nổi tiếng của nước Mỹ, với rất nhiều khu chung cư cũ kỹ, đa số là dân da màu sinh sống, ở đó có khu Harlem nổi tiếng nhiều dân "anh chị" mà chúng tôi đã được đọc qua trên sách vở từ hồi còn đi học.

Thành phố lạ, phương tiện giao thông tiện dụng nhất là hệ thống xe điện mà ở đây người ta gọi là "train", nối kết các ngả đường xa gần trong thành phố bằng rất nhiều chuyến xe, người ta dùng cách gọi từng trạm theo màu sắc để người đi dễ phân biệt các trạm lên xuống, và dĩ nhiên với cách này sẽ không bị lạc. Chúng tôi chọn xe điện, tuy hơi mất thì giờ ngồi trên xe nhưng bảo đảm đi đâu thì đi, xuất phát và trở về bao giờ cũng tới phi trường O'Hare.

Chicago thuộc tiểu bang Illinois, là thành phố đông dân xếp vào hàng thứ ba của nước Mỹ với dân số khoảng 2 triệu, 7 trăm ngàn người. Vào thế kỷ hai mươi, Chicago là thành phố đầu tiên có những tòa nhà chọc trời với những kiến trúc tân kỳ nổi tiếng trên thế giới.

NN_xedienChcago.JPG
NN_Chicago.JPG

Được xây dựng ngay cạnh bờ hồ Michigan, một trong Ngũ Đại Hồ nằm giữa biên giới Mỹ và Canada, với bốn mùa gió lộng nên đã được đặt biệt danh là "Thành Phố Gió" (Windy City). Năm 1871 Chicago bị thiêu hủy nhiều dặm vuông sau một trận hỏa hoạn khủng khiếp, đẩy nhiều trăm ngàn cư dân vào cảnh không nhà! Chỉ ba chục năm sau, Chicago đã được xây dựng, phục hồi nhanh chóng, dân số cũng gia tăng, đưa Chicago thành một trong năm thành phố lớn nhất hành tinh vào năm 1900. Tuy nhiên, trong hiện tại khi xe chạy qua các ngả đường từ phi trường vào thành phố, chúng tôi không khỏi nhìn thấy một mặt khác của nước Mỹ vì những khu chung cư nghèo nàn, nhếch nhác, chi chít như những cái hộp vuông với các bức tường gạch xậm màu vì mưa nắng.

Với những công trình xây dựng vô cùng đồ sộ và đẹp mắt vẫn còn đang tiếp tục dọc theo sông Chicago, du khách có thể chiêm ngưỡng và được giới thiệu tỷ mỷ khi lấy một chuyến du thuyền ngắm cảnh trên sông. Hôm ấy mưa phùn và gió lạnh, chúng tôi được thêm một buổi thưởng thức bất đắc dĩ thời tiết khắc nghiệt của thành phố này. Mỗi người phải mặc tới 4 lớp áo, 2 lớp quần mà chân tay vẫn tê cứng khi ngồi trên du thuyền chạy lòng vòng trên sông để ngắm nhìn vẻ đẹp của những toà nhà phản chiếu trong các ô cửa kính, tạo nên hình thái đặc biệt như rừng cây đang nhảy múa tít trên cao.

 

Suốt những ngày ở đây, ngày nào cũng như ngày nấy chúng tôi thường dậy sớm và đón chuyến xe của khách sạn lúc 7 giờ để ra phi trường, thay vì phải lang thang, lếch thếch ra đón xe bus giữa tiết trời buốt giá. Và cũng vì vậy mà sáng nào cũng được cuốc bộ trong phi trường tới trạm xe điện, để thấy lòng chùng xuống khi mới sớm mai, nhìn thấy những người "homeless" cũng đang lang thang trong  ngõ ngách  đường hầm xe điện, lục lạo trong thùng rác để tìm một chút thức ăn thừa đỡ dạ. Nơi đây cũng có khá nhiều nghệ sĩ lang thang, họ chơi nhạc và hát khá hay nhưng chắc vì "sinh bất phùng thời",nên đành đem giọng hát tiếng đàn để hát dạo, khách du lịch thương cảm thường bỏ vào chiếc hộp nhỏ vài, ba đồng để giúp họ độ nhật qua ngày.

 

Chicago có phi trường quốc tế O'Hare, được đánh giá là phi trường nhộn nhịp nhất nhì thế giới, chỉ sau phi trường Hartfield-Jackson của Atlanta. Vì vậy các chuyến bay phải tuân hành nghiêm nhặt lịch trình bay đã được sắp xếp. Trong chuyến bay của chúng tôi đến từ Houston, sau khi đáp an toàn, trưởng phi cơ thông báo một tin vui là do thời tiết thuận lợi, gió xuôi, nên chuyến bay đã đến Chicago sớm được 15 phút. Ngay sau đó ông ta lại loan báo một tin không vui là vì đến sớm nên không có bãi đậu và phi cơ phải nằm đợi thêm một thời gian ngoài bãi trống mới vào được trạm cho hành khách xuống , thế là... "huề vốn"!

Tuy nằm cách xa trung tâm thành phố Chicago gần hai mươi dặm nhưng O'Hare được nối liền với downtown Chicago bằng một hệ thống xe điện mà nhà ga chính nằm không xa khu lấy hành lý với nhịp độ 8 phút một chuyến suốt 24 giờ nên rất thuận lợi cho du khách. Đồng thời hệ thống khách sạn nằm trong vành đai phi trường cũng cung cấp xe buýt để đưa đón khách ra sân bay mỗi 20 phút. Vì vậy, tuy không mướn xe nhưng chúng tôi vẫn có thể dùng những phương tiện giao thông này để đi thăm khắp nơi nổi tiếng của thành phố Chicago.

Chicago cũng là thành phố đứng hàng thứ hai về số lượng du khách, nội địa cũng như quốc tế ghé thăm với 55 triệu người hàng năm, chỉ thua thành phố New York với 59 triệu người. Những địa điểm thu hút du khách nổi tiếng của Chicago có:

Millennium Park với Cloud Gate, một công trình nghệ  thuật của Sir Anish Kapoor, một nghệ sĩ  người Anh gốc Ấn Độ, với kiến trúc hình hạt đậu khổng lồ được đánh bóng như gương, nên còn được gọi là

 

"Hạt đậu của Chicago" (The bean of Chicago) phản chiếu lại phong cảnh chung quanh cũng như hình ảnh của du khách đến thăm. Tạo ra những phông ảnh đẹp và lạ mắt nên là nơi du khách chụp hình nhiều nhất.

Grant Park còn có Burkingham fountain, công trình vòi phun nước trên một kiến trúc hình dạng chiếc bánh cưới lớn nhất thế giới với nhiều tác phẩm nghệ thuật. Ban đêm cả khu vực được chiếu sáng bằng một hệ thống đèn màu rất đẹp.

Cạnh bờ hồ Michigan có Navy Pier, trong thành phố có The Art Institute of Chicago, Willis (Sears) Tower sẽ đưa du khách lên tòa nhà chọc trời cao 110 tầng. Tại tầng 103 có độ cao 1.353 feets khách sẽ bước vào một phòng kính được đưa giang ra ngoài trời khoảng một thước và nghiêng xuống 15 độ để ngắm thành phố phía dưới chân mình (những ai yếu tim thì không nên thử nhé!).

Và bạn cũng đừng lo, nếu thèm thức ăn Á Đông bạn cũng có thể tới khu phố Tàu  nằm không xa về phía nam của trung tâm thành phố, nhưng không được sầm uất, đông vui như China Town của New York hay San Francisco! Chỉ có một ít cửa hàng buôn bán khách hàng thưa thớt! Riêng các nhà hàng thì khá đông vào giờ ăn vì ở đây có tiểm xấm rất ngon và rẻ. Đặc biệt ở đây có một chi nhánh thư viện của thành phố, nơi các nghệ sĩ người Hoa thường xuyên tập họp, tổ chức các buổi trình diễn nhạc dân tộc lôi cuốn nhiều khán giả đến thưởng lãm.

Trời lạnh buốt, thêm cơn mưa chợt đến chợt đi, tôi chui vào một gian hàng bán quần áo để mua một cái mũ len đội đầu cho đỡ lạnh, lại như một chiếc khăn quấn quanh cổ, thế là tha hồ ấm. Nhờ nói chuyện với cô bán hàng, chúng tôi mới biết mình đến Chicago không đúng mùa, vì gọi là xuân sang rồi mà tiết trời có thua gì mùa đông ở miền Bắc. Muốn thưởng thức vẻ đẹp tuyệt vời của thành phố này thì nên đi vào cuối tháng Năm, lúc ấy bao nhiêu vẻ đẹp của hoa xuân sẽ mỉm cười hân hoan đón khách du lịch khắp nơi đổ về thành phố.

Lại một chuyến xe điện và 1 chuyến xe bus nữa chúng tôi tới một thành phố nhỏ khác, cũng thuộc Chicago, ở đây có Botanic Garden, một vườn hoa rộng 385 acres được chia ra thành 27 khu vườn khác nhau rất hài hòa cùng thiên nhiên với nhiều loại kỳ hoa dị thảo nhưng lại không phải trả tiền vào cửa. Hoa vẫn chưa nở, hàng liễu thướt tha thả bóng ẻo lả xuống mặt hồ, khu vườn này đến mùa xuân mới thật sự là một cảnh nhân tạo đẹp tuyệt vời mà không phải ở đâu cũng có.

NN_Chicago_2.JPG
NN_Chicago_3.JPG

Nhân dịp này,chúng tôi đến thăm anh chị Đức, đang cư ngụ tại một thành phố kế bên cách Chicago khoảng 40 phút. Đây là một thành phố tuy cũng xây dựng từ mấy chục năm trước,nhưng phố xá, nhà cửa, tiệm buôn có vẻ ngăn nắp và đời sống cư dân ở đây êm đềm hơn bên Chicago. Anh chị đón tiếp chúng tôi bằng tất cả chân tình của những người bạn cũ từ cuối thập niên 60, bữa cơm chiều  đầy hương vị Việt Nam thật ngon miệng, và trong lúc ngồi bên nhau hàn huyên chuyện cũ từ 50 năm trước, chúng tôi được biết thêm về thành phố này. Tuy xa xôi và ít người Việt, nhưng vẫn có chợ VN, quán phở, tiệm tùng do người Việt làm chủ, nhà thờ dành cho giáo dân người Việt và đặc biệt là dù ở một thành phố nhỏ, vẫn có sinh hoạt của cộng đồng người Việt Quốc Gia.

 

Thế rồi sau một tuần chúng tôi cũng trở về Houston, phi trường O'Hare đi lại nhiều lần nên đã trở nên quen thuộc. Nhưng trong trí tôi vẫn nhớ mùa thu 2011, từ Canada về, máy bay dừng lại để chuyển tiếp tại phi trường này, chúng tôi phải đợi đến 2 tiếng mới có chuyến bay về Houston thì trời đã khuya, nhờ vậy mới có dịp ngắm một vầng trăng bay theo suốt chuyến bay dài:

 

"Rồi tôi cũng về, về lại Houston

Chuyến bay đêm có vầng trăng đưa đón

Trời nhung thẫm bóng trăng treo lồng lộng

Theo chuyến tàu đêm trăng đón tôi về

 

Trăng lặng lẽ như muôn đời lặng lẽ

Vẫn dịu dàng tỏa sáng xuống trần gian

Những dòng sông lấp lánh ánh trăng vàng

Những thành phố, vạt rừng thêm huyền ảo

 

Khi con tàu run rẩy vút lên cao

Trăng vẫn bay theo không hề mỏi mệt

Và hình như có một mình trăng biết

Có một người đang ngắm ánh trăng khuya..."

 

Riêng lần này khi bay về Houston, một buổi sáng trời xuân chỉ có gió theo chúng tôi đến tận cửa bước vào phi cơ mới chịu ở lại. Ôi muôn đời sẽ nhớ mãi Chicago, thành phố Gió.

 

Nguyên Nhung

__________________________________________________

Để nhớ ngày chia đôi đất nước 20 tháng 7 năm 1954 
NN_dicu.JPG
NN_HoHoanKiem.JPG
NN_cuonphimbuon_2.JPG

Quê người một sớm heo may đến
Có ai gửi lại cuộn phim buồn
Nửa thế kỷ rồi sao vẫn nhớ
Nhớ ngày tất tả chạy vào Nam

Ba đứa con khờ còn ăn bám
Mẹ gánh oằn vai một núi sầu
Cha tôi vừa mất vài hôm trước
Mộ còn chưa ráo những thương đau

Lén lút mẹ con dắt díu nhau
Bỏ nhà bỏ cửa chạy đi đâu?
Ngoái trông chốn cũ sau màn lệ
Vội vã theo nhau bước xuống tàu

Nước mắt ngắn dài ai hiểu thấu
Trong lòng mẹ khổ biết bao nhiêu
Đứa lớn tuổi đời còn niên thiếu
Đứa còn bé xíu biết gì đâu

Dù vậy trong đầu cô bé thơ
Bóng dáng mẹ tôi vẫn chẳng mờ
Vai gầy nặng trĩu đôi quang gánh
Tiếng gà eo óc lúc tinh mơ

Hôm nay ai gửi cho xem lại
Những hình bóng cũ tự ngày xưa
Nước mắt rưng rưng tôi nhớ mẹ
Nỗi buồn năm cũ vẫn còn đây

Tôi cố tìm tôi mà chẳng thấy
Những ngày thơ bé, lúc vô Nam
Ai thấy xin vui lòng chỉ hộ
Trên đầu cô bé chít khăn tang...


Nguyên Nhung
Cảm tác khi xem xong cuộn phim ngày đất nước chia đôi 1954

Một Thời Chinh Chiến Điêu Linh

                                                                                                                                                                                                                                                            Nguyên Nhung

Dưới đây là truyện viết về 1 phóng viên chiến trường thuộc vùng IV chiến thuật: Phóng viên MAI HÒA. Đây là 1 nhà báo quân đội chuyên nghiệp, xuất thân từ Việt Nam Thông Tấn Xã. Khoảng thời gian của thập niên 60, ngòi bút và những hình ảnh, những thước phim tại chỗ của Mai Hòa ngự trị trên báo chí hầu như hàng ngày. Qua đó đọc giả như thấy cuộc chiến diễn ra sống động ngay trước mắt mình.

Ký giả Mai Hòa hay Giuse Nguyễn Văn Hòa chính là người anh cả của nhà văn Nguyên Nhung. Giuse đã thanh thản về với Chúa hôm 16/11/2015 tại Sài Gòn. Trang Nhà xin thành kính chia buồn cùng Đông - Nhung và Tang quyến. Nguyện cầu Hồng Ân Thiên Chúa sớm đưa linh hồn Giuse về Nước Thiên Đàng.

Trang Nhà ptgdtdusa.com____________________________

 

Anh là một phóng viên chiến trường, ngoài phần lương khô và vật dụng cá nhân trong ba lô mang trên lưng như bao nhiêu người lính khác, anh còn phải đeo lủng lẳng cái máy quay phim và caméra trước ngực. Hành trang anh chỉ có thế, mũ sắt trên đầu, cuốn sổ tay trong chiếc túi áo có nắp gắn hai chữ "Báo Chí", hai tấm thẻ bài, một bộ râu tua tuả vì đã mấy ngày anh theo đoàn quân tiến vào trận địa. Người lính ra chiến trường đã có cây súng làm bạn, riêng anh, người phóng viên chiến trường đi vào vùng lửa đạn, chỉ vỏn vẹn có chiếc máy quay phim, đã ghi lại biết bao nhiêu hình ảnh trung thực của người lính sống thời chiến chinh gian khổ, trên mọi nẻo đường  đất nước.Tiếng đạn bay líu chíu ngang đầu, anh thầm nghĩ : "Không biết sống chết lúc nào". Chiếc máy quay phim đã thu vào bao nhiêu thước phim giữa mặt trận khi nóng bỏng, lúc âm ỉ đến lạnh người. Ðoàn quân lầm lũi tiến vào rừng dừa trước mặt, phân tán mỏng theo lệnh viên sĩ quan chỉ huy. Những bóng người lầm lũi bước , đôi giày vải ướt sũng trên thửa ruộng sâm sấp nước, đói và mệt, chiếc ba lô trên vai anh như nặng trĩu xuống. Trong bóng chiều nhập nhoạng, thần chết như rập rình chiếc lưỡi hái trên thân phận người lính, cơn mưa chiều luồn những giọt tái tê vào lòng người chiến sĩ.Anh nhớ lại trận đánh ở vùng Thới Lai, Cờ Ðỏ vào mùa mưa năm trước, trong một vùng dầy đặc cỏ lác và sông rạch. Không phải lần nào quân ta cũng thắng. Ðêm ấy, anh bị mất phương hướng, giữa bóng đêm chập chùng và ánh trăng khuya mờ ảo, anh lần mò ra được đường cái, ở đấy có một ngôi chuà nằm chơ vơ ven quốc lộ. Dưới ánh trăng mờ, ngôi chùa âm u không một ánh đèn, không một tiếng chuông tiếng mõ, chỉ có mùi dìu dịu của hoa sứ phảng phất giữa đêm khuya. Ðã mấy ngày mà trận đánh chưa kết thúc, sự yên tĩnh tạm thời để chờ một cuộc đụng độ tiếp theo, dân chúng hầu như đã tản cư ra quận lỵ, hoặc chạy theo phía bên kia vào những làng mạc xa hơn.Ngôi chùa tương đối nằm ở khu khá yên tĩnh giữa hai lằn đạn, nhưng không có bóng dáng người dân nào ở đó. Trong bóng tối mờ mờ và yên lặng, anh lần mò men theo mấy bụi cây thấp trước cổng chùa, anh nhìn thấy nhiều thân người nằm la liệt trên sân, im lặng như một bãi tha ma. Họ đang ngủ, quá mệt mỏi cho nên anh chỉ kịp cởi ba lô vứt xuống đất, rồi cứ thế nằm vật xuống bên cạnh một người lính. Anh cần ngủ hơn tất cả mọi thứ trên đời, dù chưa ăn uống gì nhưng anh không cảm thấy đói, chỉ có giấc ngủ mới làm anh tạm quên đi tiếng đạn réo, tiếng bom rơi, tiếng đại bác rền rĩ trong những giờ phút căng thẳng của chiến trường. Anh thiếp đi thật mau, trong lúc ngủ mê hình như anh có đạp chân vào người lính kế bên nhưng không nghe tiếng chửi thề, hạnh phúc nhất của người lính có lẽ là những phút giây hiện tại, tạm quên đi nỗi nguy hiểm, cận kề với nỗi chết.Chưa bao giờ anh có một giấc ngủ ngon lành đến thế. Không chiêm bao mộng mị, không giường, không chiếu, chỉ có một mặt đất ẩm lạnh và bầu trời nhấp nháy sao đêm. Gió đêm như được ướp mùi hương của những bông hoa sứ làm loãng đi mùi gì tanh tanh giống như mùi máu.Sáng ra, ánh mặt trời rọi vào mặt anh khiến anh thức giấc, chim chóc hót líu lo chào một ngày vừa lên, sự sống của muôn loài vẫn diễn ra bình thường dù chiến tranh và sự chết đang hiện diện quanh quất, đó đây. Anh hoàn toàn tỉnh giấc, thèm một ly cà phê và điếu thuốc thơm buổi sáng, rồi lạ lùng ngó đám người nằm ngủ trên sân chuà, chợt một cảm giác lạnh toát chạy dài trên sống lưng người lính. Giờ thì anh đã hiểu, đêm qua anh đã ngủ một giấc ngủ tròn trịa và yên bình bên những người lính tử trận, xác họ ngày hôm nay sẽ được chở về nhà xác trên tỉnh lỵ, chờ thân nhân đến nhận." Không phải lúc nào ta cũng thắng ", anh nghĩ như vậy khi nhìn những tử thi nằm lạnh lẽo suốt đêm trên sân chùa. Chiến tranh là vậy, thắng hay thua thì bên nào cũng có người nằm xuống, có những giọt nước mắt của mẹ già, vợ dại, con thơ, chỉ có điều thật buồn khi tất cả đều là người Việt Nam. Anh nghe có tiếng bước chân nhẹ nhàng của một tà áo đà lướt bên hiên chùa, và mùi nhang thoảng bay trong gió. Một vị sư già có lẽ là người duy nhất còn lại nơi đây, đang cầm một nắm nhang ra cắm xuống trước những thây người nằm la liệt dưới sân chùa, miệng lầm rầm niệm Phật. Ðôi mắt nhà sư thoáng một vẻ ngơ ngác và sợ hãi, khi nhìn thấy một người sống đang ngồi thu lu giữa đám người chết, cả hai cùng im lặng không nói được lời nào.Năm 1969, anh theo cuộc hành quân miền biên giới giữa Campuchia và Việt Nam, Cộng quân đang cố thủ trong vùng núi Cô Tô, Châu Ðốc. Người phóng viên chiến trường hơn ba mươi tuổi, đang độ chín mùi của nghề nghiệp, hăng say lao vào vùng lửa đạn khi Cộng quân dùng Campuchia làm bàn đạp thôn tính miền Nam.Gia đình anh gốc gác miền Bắc, cả một thời ấu thơ và thanh niên anh gắn bó với quê nhà, may mà năm 1954 anh nhanh chân chạy thoát. Bố anh chết ngay năm đó, tất cả gia tài, sự nghiệp bỗng dưng mất hết trong một ngày khiến người cha phẫn chí mà chết. Mẹ anh dẫn ba đứa em dại, đầu quấn khăn tang lếch thếch lên chuyến tàu há mồm xuôi Nam. Một cuộn phim của dĩ vãng vừa hiện về trong trí anh, căn nhà gạch hai gian bề thế phố Cửa Tiền, rặng bàng trước cửa, hoa gạo đỏ mùa hè, giếng nước Tiền Hùng, cái ao sau nhà xanh um khóm chuối ngự, cả một tuổi thơ đầm ấm và mối tình đầu tuổi thanh xuân nằm lại sau lưng cho một tất tả bỏ chạy.

 

 

Từ trên máy bay trực thăng anh nhảy xuống theo gót chân người sĩ quan chỉ huy, máy quay phim chạy rè rè thâu vào hình ảnh núi non chất ngất, những người lính chạy lúp xúp nép vào những bờ đá cao tiến tới. Ðịch bắn ra như mưa, viên đạn đi ngọt như cắt từ một hốc núi bay thẳng tới ngực anh, anh chưa thấy đau vì tầm đạn đi nhanh quá khiến anh ê ẩm như bị một viên gạch ném tới đột ngột. Cho đến khi anh thấy ấm ấm và rát bỏng trên ngực áo, máu đã ướt thẫm hai chữ Báo Chí trên chiếc áo nhà binh. Anh loạng choạng ngã xuống với thước phim đang quay dở, chỉ kịp nhìn thấy loà nhoà hình ảnh người lính cứu thương bế anh lên chiếc trực thăng tải thương, đang phần phật đôi cánh quạt trên một vùng cỏ xanh.Lần ấy viên đạn đi cách tim anh khoảng hai cm, nếu không giải phẫu kịp, máu ứ đầy phổi có lẽ anh đã nằm xuống ngay tuổi ngoài ba mươi . Anh thoát chết trong đường tơ kẽ tóc, phải nằm trong Quân y viện mấy tháng trời, để được nhìn thấy sự hy sinh và đau đớn tận cùng của người lính trong thời chiến.Những hình ảnh ấy vương vấn trong hồn anh, mãi mãi về sau, tim anh vẫn thắt lại khi bất chợt hôm nào nhìn thấy trên vỉa hè, người thương binh lê đôi nạng gỗ, khập khễnh bước khi đôi mắt chất chứa nỗi bất hạnh cho cả một tương laiNăm 1972, mặt trận lại sôi động ở vùng biển Long Toàn, Trà Vinh. Bom đạn rền rền át cả tiếng sóng biển rì rào, người dân Khờ Me sống ở những làng mạc hiền hoà với chuà chiền cổ kính, lại vội vã bỏ vùng quê đi lánh bom đạn. Nhà cửa đổ nát, vườn tược tan hoang, anh ứa lệ nhìn hai đứa bé lạc mẹ, mặt mày nhem nhếch nước mắt, nước mũi giữa cảnh khói lửa tơi bời. Giữa vùng giao tranh, chỉ có lằn đạn líu chíu trên đầu người thường dân vô tội, quê hương mình sao khốn khổ đến thế.Anh nhớ lại một ngày năm 54, năm ấy anh mới mười tám tuổi và đứa em út mới lên sáu, mẹ anh trắng hai bàn tay làm lại cuộc đời trên miền Nam tự do. Những buổi chiều gió mưa, mẹ con ngậm ngùi nhớ về quê nhà. Khu phố êm ả có rặng bàng trở màu khi mùa thu đến, những buổi chợ phiên người trong các làng quê kĩu kịt gánh hàng ra chợ Nghệ.Người phóng viên chiến trường đâu phải lúc nào cũng ngồi trên máy bay, đâu phải lúc nào cũng theo đuôi Tư lệnh để quay cảnh chiến thắng, gắn huy chương lên ngực áo người chiến sĩ. Anh đã phải ngắm nhìn chiến tranh như phải xem một bức tranh vẽ bằng máu, thâu vào hình ảnh và sự chiến đấu cam go của người lính nơi vùng lửa đạn. Trong khi ấy, chiến tranh quả là khó hiểu, những bàn tay dấu mặt như mụ phù thuỷ đang vẽ vời những lời nguyền ruả sấm sét xuống quê hương anh. Chiến trường này tiếp nối đến chiến trường khác, những cuộc hành quân liên miên từ tháng này qua tháng nọ, nghĩ đến đời sống gian khổ của người lính trong vùng đóng quân đầy những rủi ro bất trắc, anh chỉ ao ước một ngày nào chiến tranh chấm dứt. Một ngày nào đó những thước phim của anh chỉ là hình ảnh nụ cười dễ thương của trẻ thơ, là nét mặt vui tươi của người lính giữa khung cảnh ấm cúng của gia đình, là đôi mắt hấp háy của mẹ già không ứa lệ, khi đêm đêm vẫn thì thầm cầu nguyện sự an bình cho những đứa con.Anh phóng viên chiến trường giơ ống kính lên, thâu bằng cận ảnh hai khuôn mặt ngây thơ, bốn con mắt ngơ ngác giữa khói lửa mịt mù của hai đứa trẻ thơ mà anh bắt gặp, khi cuộc chiến không bao giờ tính toán được sự bi thảm của nó. Những đôi mắt trẻ thơ sợ hãi, ngác ngơ khi địch quân dùng khu vực nhà dân làm bàn đạp để tiến quân, hai đứa bé còn lại khi cha mẹ chúng có thể đã ngã xuống bởi những lằn đạn vô tình.Tình cảm giữa người và người bắt anh phải quên đi những thước phim, những tấm hình giá trị khi lọt vào tay bọn thông tấn nước ngoài.Hai tay bế hai đứa bé anh băng ra khỏi khu nhà đang rần rật cháy, giờ phút ấy anh chỉ có một ý nghĩ phải mang hai đứa bé ra khỏi vùng giao tranh, dù có thể lãnh một viên đạn của đối phương.Suốt một đời làm lính và xông pha nơi những chiến trường nóng bỏng, anh phóng viên chiến trường đã bao phen đối mặt với tử thần. Anh còn bị thương một lần nữa trước khi chiến tranh kết thúc, chiếc máy bay trực thăng bị hỏa tiễn tầm nhiệt bắn trúng đằng sau đuôi, như một khối sắt khổng lồ rớt xuống cánh đồng ngập nước vùng Ðồng Tháp Mười. May là Thượng đế đã che chở anh, đã cho anh trở về với một xác thân lành lặn.Ngày chiến tranh kết thúc, một kết thúc bi thảm khiến anh hụt hẫng. Người lính bại trận trở về miền quê với những vết đau âm ỉ mỗi lần nhớ đến bạn đồng đội cũ. Trong những chiều gió mưa, lòng anh bùi ngùi khi hồi tưởng đến một khoảnh khắc nào đó, bóng dáng những người lính năm xưa giờ như những bóng ma buồn bã trong dĩ vãng, và anh lặng lẽ nghe những giọt nước mắt buồn tủi chảy ngược vào tim buốt lạnh.Từ đây cuộc đời bắt đầu là những chia xa, bạn bè anh tan tác mỗi người mỗi nơi mỗi ngả. Có những người nằm xuống trong giờ thứ 25 của cuộc chiến, đã bị quên lãng với mồ hoang mả lạc. Có những người ra đi làm  cánh chim cô đơn, gậm nhấm nỗi sầu vong quốc. Có những người đi vào chốn lao tù với đói khát triền miên, khi trở về chỉ là những chiếc bóng ngác ngơ , sợ hãi cả tiếng bước chân của chính mình.Sau ba mươi năm ngày chiến tranh kết thúc, người phóng viên chiến trường năm xưa nay đã già, ngồi bán cá kiểng, cá đá cho trẻ con trước khuôn viên một trường tiểu học, cạnh ngôi giáo đường cổ kính. Mỗi lần nghe tiếng chuông ngân ban chiều, anh lại thì thầm đọc mấy câu kinh cho những linh hồn đã khuất.Gia tài của anh chỉ có một hồ cá bằng thủy tinh với những con cá đủ màu bơi lội nhởn nhơ. Cả một xã hội cá quây quần bên nhau lượn lờ tranh sống, những cọng rong xanh, vài con lăng quăng sót lại từ bữa ăn chiều. Anh chép miệng, bầy cá đã no rồi, chứ lúc đói chúng nó cũng tranh nhau đớp mồi như đám người khốn khổ chen nhau chờ phát chẩn. Lúc này anh đâm lẩn thẩn như thế, chuyện cá chuyện người cứ lẫn lộn trong con mắt người phóng viên đã hết thờiLúc ấy trời đã về chiều, hai đứa bé đánh giày độ trên mười tuổi vào hàng, ngắm nghía mấy con cá lia thia được rọng riêng trong những chiếc keo thủy tinh trên bệ gỗ, giữa mỗi cái keo đều có một tấm giấy cứng để che cho chúng khỏi nhìn thấy mặt nhau. Mỗi đứa chọn một con, chúng thò tay vào túi lôi ra những đồng tiền nhàu nát, đưa cho người bán cá. Hai thằng nhỏ bày ra cuộc đá cá ngay cửa hàng của người bán cá, tự nhiên anh cũng cảm thấy hào hứng muốn theo giõi trận đá cá của hai đứa trẻ con. Không biết ở đâu lố nhố mấy đưá trẻ nữa quần áo bẩn thỉu, chân đi đất, xúm vào bu xung quanh hai thằng nhỏ đánh giày, khiến anh tự nhiên hồi hộp như ngày xưa mỗi lần theo đoàn quân vào vùng lửa đạn.Hai con cá trong một cái keo, không biết thù nhau tự kiếp nào xông vào nhau, hai cái thân cá mình xanh vây đỏ lúc ấy phồng lên những chiếc vảy óng ánh, mình chúng như to ra qua thành thuỷ tinh, xoắn lấy nhau đẩy ra những cú húc tơi tả. Lũ trẻ vây xung quanh nín thở, hai con cá lia thia mê mải tấn công nhau, thỉnh thoảng chiếc mỏ cá lại va vào thành keo đau điếng. Sau một lúc quần nhau dữ dội, một con như ngộp thở ngoi lên mặt nước hớp không khí, cái mình cá vẩy óng ánh màu xanh nay đã nhợt nhạt như màu miếng vỏ dưa cố chạy thoát thân, lũ trẻ đứng bên ngoài vỗ tay hét rộ lên những tràng cười khoái chí.Tan cuộc, hai thằng nhỏ đánh giày bỏ hai con cá cho người bán cá, bưng hộp đồ nghề đi về ngả thành phố, chỗ "hotel" và mấy quán rượu có đông người ngoại quốc và đám Việt kiều về thăm quê. Trời giăng giăng những đám mây đen khiến phố xá chừng như tối xầm lại, bất giác anh chợt nhớ đến cơn mưa đầu mùa của tháng tư năm nào làm lòng quặn lên một nỗi buồn. Tự nhiên, người phóng viên chiến trường năm xưa cảm thấy ngùi ngùi, tưởng mình như con cá bại trận manh giáp tả tơi, bị vứt lại bên lề đường một cách thảm thươngTội nghiệp anh, những cuộn phim của dĩ vãng như run rẩy theo làn khói thuốc, anh bập hoài điếu thuốc đen trên môi, những móng tay cáu vàng ám khói. Cơn mưa chiều đột ngột đổ xuống rơi lộp độp trên tấm poncho nhà binh che trên vỉa hè, gõ những nhịp trống vào đầu khiến anh nghĩ đến những cơn mưa nơi vùng hành quân năm xưa, khi anh còn là một người lính. Anh tưởng tượng lát nữa đây khi về nhà, với âm thanh hùng hồn của một ngày nào rất xa, anh sẽ tường thuật cho đứa cháu ngoại nghe trận đá cá chiều hôm nay trước cửa trường học. Hai con cá cùng một loại đá nhau chí tử, một con thắng nhưng cũng ê ẩm, lòng vòng trong chiếc keo thuỷ tinh chật hẹp, không hy vọng đá nổi một trận nữa, một con bại anh quăng ra mặt đường, đã nát mình dưới những vòng xe lăn.Phố đã lên đèn, anh thu dọn cửa hàng để về nhà mà lòng nặng trĩu một nỗi buồn không tên tuổi. Anh phóng viên chiến trường năm xưa thì thầm nói với mình, " Hơn ba mươi năm rồi, chẳng biết còn ai nhớ đến mình không nhỉ ? "

 

Viết cho anh tôi, 1 phóng viên chiến trường.

Nguyên Nhung

bottom of page