Cần xem tiết mục nào xin click vào Trang bài / webpage trong MENU dưới đây:
TRANG CHÍNH / HOME . BÀI MỚI ĐĂNG . SINH HOẠT HOUSTON, TX . ĐH XXIII-MARYLAND 2019 . ĐH XXII-SAN JOSE 2018 . ĐH XXI-HOUSTON 2017 . SINH HOẠT CANADA . SINH HOẠT ÚC CHÂU . CÁC ĐẶC SAN ĐH . SINH HOẠT BẮC - NAM CALI . SINH HOẠT vùng NEW ENGLAND . TIN SINH HOẠT CÁC NƠI . GÓC SÂN TRƯỜNG NHÀ . VĂN HỌC - NGHỆ THUẬT . VÒNG TAY NGHĨA TÌNH . CHIA BUỒN - CHUNG VUI . TÌM NGƯỜI - NHẮN TIN
THƠ VĂN
Lê Cần Thơ
Huyền Vân Thanh
Châu Lê
Lê Hoàng Viện
Houston, Texas
TRƯỜNG XƯA TRONG TRÍ NHỚ
NHẮC NHỚ ĐÔI CHÚT KỶ NIỆM
VỚI THẦY TÔI
GIÁO SƯ PHÔ VĨNH ĐOÀN VĂN TRƯƠNG
bài của
LÊ HOÀNG VIỆN
(CHS. PTG thời gian 1960 - 1968)
(Houston – Texas)
Tôi trực tiếp học môn SỬ – ĐỊA với thầy Đoàn Văn Trương năm Đệ Tứ – năm phải tập trung để thi Trung Học Đệ Nhất Cấp. Thầy Trương là bậc Thầy của nhiều học sinh, nhiều thế hệ tại trường Phan Thanh Giản chớ không phải chỉ là “Thầy riêng của tôi”, nhưng tôi xin phép được gọi là “Thầy Tôi” vì một vài điểm khá đặc biệt, mãi đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ về hình ảnh của Thầy. Trước khi nhắc đôi chút kỷ niệm với thầy, tôi xin phép được “mượn” một số chi tiết mà các niên trưởng, đồng môn, đã có dịp viết về thầy. Trong những giai phẩm, đặc san của trường chúng ta xuất bản tại hải ngoại, có nhiều bài viết về Thầy Đoàn Văn Trương, mỗi tác giả có cái nhìn, sự suy nghĩ và nét phác hoạ khác nhau. Đó là điều dĩ nhiên. Vì trong cùng một bối cảnh, mỗi cá nhân có suy nghĩ và diễn đạt riêng theo cảm nhận của mình. Nhưng tất cả đều dành cho Thầy những tình cảm đặc biệt không ai trùng lắp với ai.
Chẳng hạn, bạn Phạm Phong Dinh (Phạm Quốc Thoại – CHS 1963-1971) trong bài viết “Mái trường, Thầy cô và Bạn hữu” in trong giai phẩm PTG & ĐTĐ Cần Thơ phát hành tại Toronto Canada năm 1998, trang 84 có viết: “Một vị khác là thầy Đoàn Văn Trương dạy Sử Địa cũng ra tranh cử Hội đồng tỉnh nhiều lần, nhưng cũng không thành công. Thầy Trương tánh nóng, học trò kháo nhau, “học lớp thầy Trương thà... chết sướng hơn!”. Lên trả bài chớ nên đứng gần, lắp ba lắp bắp rặn không ra đầy một cái lá mít, coi chừng chưởng phong từ bàn tay bự như cái quạt của Thầy táp một cái chát chúa vô mặt là tàn đời. Tôi nhớ có vài lần Thầy hỏi nhiều câu rất khó, ít khi trả lời được. Thí dụ như: “Các trò có biết ông... nội của tướng quân Trịnh Kiểm là ai không, hay cùng lắm là... tía của ổng?”. Thú thật hỏi thân phụ của Nguyễn Kim thì tôi biết là Nguyễn Hoằng Dụ, chớ gia tộc xa của Trịnh Kiểm thì bọn tôi ngồi đực mặt ra”.
Còn niên trưởng Trần Dương (CHS 1955-1960) tức Sáu Degaull đã quá vãng, cũng trong cuốn giai phẩm nầy, bài “Những năm tháng tôi học trường Phan” ở trang 106 – 107 – 108 đã kể (xin lược trích): “(...) Thầy dạy Sử Địa lớp chúngtôi là lớp Ban C đầu tiên của trường nên rất ít học sinh so với các ban khác. (...) vì mới bước lên Đệ Nhị Cấp nên đa số giáo sư đối với chúng tôi đều mới, chúng tôi thăm dò, tìm hiểu từng vị giáo sư sẽ dạy mình. Các bạn lớp khác đã học qua 1, 2 giờ đầu với thầy Trương cảnh báo với chúng tôi: “Coi chừng ông ấy. Nhứt là lớp nam nữ học chung, thầy thường làm quê các bạn nam, và đối với thầy thì trả bài phải thật “thuộc lòng” thầy mới chịu”. Tôi còn nhớ giờ trả bài đầu tiên của thầy là một bài Địa Lý, giờ tôi còn mang máng câu tâm đắc trong bài đối với thầy là... “Địa cầu luôn luôn thay đổi, vì mặt địa cầu tiếntriển trên con đường biến dịch bất tuyệt”...Tôi bảo các bạn là tôi sẽ tình nguyện trả bài và sẽ không trả thuộc lòng như ý thầy. Quả thật, khi tôi được thầy cho trả bài, tôi bèn cà kê
cắt nghĩa và đem quả cam ra để dẫn chứng. Thầy bèn cắt ngang tôi và bảo: “Con trả bài vậy hả con, con hãy nghe chị con trả bài nè!” Thế rồi thầy chỉ bạn Hường. Rất may cho tôi và ngược lại là không may cho thầy: Chị Hường đứng như trời trồng! Đắc ý tôi “mím chi cọp” với thầy, thầy bèn kêu chị Lan kế tiếp. Chị Lan đọc ron rót một hơi, thầy thỏa mãn quay qua tôi bảo: “Nghe chưa con, con nghe chị con trả bài không con?” Tôi nhìn thầy và thưa: “Thưa thầy con có nghe, nhưng con nghĩ, trả bài là cắt nghĩa bài lại cho anh chị em nghe chứ không phải trả như con két”.[(Thật ra câu nầy hồi ở Đệ Tứ thầy Phúdạy Công Dân đã bảo chúng tôi như vậy!)]. Thế là thầy Trương đùng đùng nổi giận với tôi, thầy hét lớn “Ai? Ai dạy mầy. Mầy ở đâu vô? (vì thầy nghĩ tôi ở trường tư mới vào). Đứng dậy! Ngồi xuống! Đứng dậy! Ngồi xuống! Tao consigne discispline mầy”. Tôi vẫn bình tĩnh làm theo lênh thầy. Sau cùng, thầy gọi tôi lên đứng cạnh bảng đen một giờ liền.
Thế mà khi chuông reo báo hiệu hết một giờ học thầy lại bảo tôi: “Sao thầy thấy con học được mà con ba gai vậy?”. Thật thà tôi thưa là tôi nghĩ sao nói vậy chứ không có ý gì hết. (....). Thế rồi từ đó về sau, không bao giờ thầy gọi tôi trả bài. Có khi thầy hỏi lại những lời giảng bài tuần trước cả lớp không ai nhớ, chỉ một mình tôi giơ tay, nhưng khi chỉ đến tôi thầy lại thôi. Không gọi. Thật lòng tôi không hiểu thầy đã nghĩ sao về tôi. Có điều, đến kỳ thi Lục Cá Nguyệt về Sử, tôi vốn ít học bài, trước giờ thi tôi xuống phòng đọcsách lướt qua, xong giờ sau thi. Tôi còn nhớ năm đó bài Sử tôi đặt tuồng trong bụng vànhứt là các năm tháng trong bài đều sai thế mà tôi được 17/20 trong khi đó bạn Phương của tôi mặc dù chép không sai dấu chấm phẩy, chỉ được 13/20. Quá tức, Phương hét lớn,
cả lớp quay lại và cả thầy Trương cũng nghe nên hỏi: “Gì đó Phương?”. Phương bảo: “Tức quá, em làm đúng 100% mà có 13 điểm. Sáu nó làm sai bét mà thầy cho nó 17 điểm!”. Thầy Trương bảo hai đứa tôi đem bài lên cho thầy xem. Tôi cảm thấy bối rối, lo âu và nghĩ chắc phen nầy “bể mánh”. Nhưng khi hai chúng tôi đưa bài cho thầy, vừa xem thầy vừa phán ngay: “Ờ phải rồi con. Sáu nó chừa cái lề lớn hơn con nên nó 17 là phải rồi!”. Cả lớp cười rần. (...). Còn với niên trưởng Ung Ngọc Đạt trong bài “Trường xưa ơi, giã biệt” đã nhắc nhớ về thầy như sau: “Thầy Ba Trương, với dáng người ốm cao, mắt mang kính già gọng đen, tóc hớt ngắn, tạo một vẻ đạo mạo của một nhà Nho hơn một nhà giáo. Phương tiện duy nhất của thầy dùng để đến trường là chiếc xe đạp cũ mèm “cổ
lỗ sĩ” của thời Pháp thuộc còn sót lại. (...). Tôi mến thầy Trương bởi cung cách giản dị và phương pháp giảng bài cũng như lời nói. Thầy thường gọi lũ học trò chúng tôi bằng hai chữ “các con” ngọt sớt nghe rất thân tình. Và thầy rất “khoái” những trò nào chép bài và vẽ hình núi non với màu mè sặc sỡ. Có một điều, các nam sinh học Sử Địa với thầy đều phải rõ một điều: “Thầy nghiện thuốc lá rất nặng”. Và thuốc lá loại đen cỡ như “Bastos
xanh” hay “Gaulois” của Tây, thầy đều chê là nhẹ.(....). Thầy có đầu óc chống Tây nên thầy chỉ hút thuốc “vấn” nội hoá “Gò Vấp”. Loại thuốc nầy màu đen sịt, lại hắc hơi, khi thầy hút thuốc, cả lớp đều bịt mũi nín thở, nhưng thầy thì vẫn tỉnh bơ! (...). Có một hôm, cả lớp im phăng phắc nghe thầy giảng bài, bỗng có một anh hỏi: “Sao thầy không bỏ thuốc thầy?”. Đang viết bảng, thầy Trương chợt quay lại nhe răng cười, nụ cười dễ dãi và hiền dịu rồi nói mà hình ảnh đó mãi đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ: “Tụi con có biết không, thầy bỏ vợ thầy được chớ thầy không thể bỏ thuốc được!”. Thế là cả lớp cười ồ lên, làm thầy Trương cũng gỡ đôi mắt kiếng cười theo đám học trò của mình.
Một bài khác in trong Đặc san Úc Châu 2005, niên trưởng Lâm Thủy Hà trong bài “Vài nét về GS Đoàn Văn Trương” có viết: “(...). Ngay từ nhỏ thầy mang tư chất thông minh đĩnh ngộ bộc lộ chí khí của người con trai hiếu học nên thầy quyết tâm theo đuổi con đường họcvấn để sau nầy mang được lợi lạc cho bản thân, gia đình và xã hội. Những ước muốn đó quả thật không phụ lòng thầy. Rất tiếc trải qua bao cuộc biến cố thăng trầm đổi dời của
lịch sử từ những năm 1945 đến 1954 rồi 1975 gia đình thầy không còn giữ lại giấy tờ chứng nhận cấp bằng hoặc học vị mà thầy đã đạt được trong những năm tháng cố gắng miệt mài ở ghế nhà trường từ Mỹ Tho đến Sài Gòn. Nhưng có một điều chắc chắn mà chúng ta dám khẳng định rằng thầy là một người thông thái với kiến thức uyên thâm hiểu biết sâu rộng về mọi vấn đề Đông Tây Kim Cổ. Bằng lối giảng bài thao thao bất tuyệt, lời nói hùng hồn, dẫn chứng xác thực đã có sức cuốn hút lôi kéo được người nghe. Tóm lại thầy là một người tận tâm yêu nghề và có đủ phẩm chất và đạo đức của một nhà sư phạm, hoạt động không mệt mỏi, cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giáo dục (...). Thầylại được các học trò gọi cho cái tên rất thân mật và gần gũi là “Ba Trương”. Bởi thầy
thường gọi học trò là con, là mầy và xưng tao. Khác với các vị giáo sư khác gọi học trò mình bằng em. Theo tôi nghĩ thầy xem học trò nhỏ chúng tôi như con đẻ và thầy ví mình như người cha, người anh cả trên trước trong một đại gia đình. Tiếng gọi là con, mầy, tiếng xưng hô là tao nghe ra bình dân mà thật là khắng khít và thâm thuý vô cùng.(...).
Mở đầu bài viết vừa trích, tác giả có ghi: “Thầy sinh năm 1914 quê tại quận Bình Đại tỉnh Bến Tre, là con út trong số bảy người con của một gia đình thân thế vọng tộc. Ông thân sinh ra thầy hàm Hội Đồng Quản Hạt và người bác là Hương Cả”. Và đoạn giữa bài, có viết: “Sau năm 1975 thầy còn tiếp tục dạy tại trường Thọ Nhơn chỉ vài năm nữa thôi.
Sang 1980 thầy trở về quê nhà Bến Tre an dưỡng tuổi già và mất ngày 23 tháng Chạp âm lịch năm 1992 hưởng thọ 92 tuổi”. (....). Mộ phần của thầy hiện toạ lạc tại ấp Phú Mỹ, xã Phú Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre”.
Với riêng mình, tôi không nhắc lại những điều mà các niên trưởng, đồng môn đã đề cập như trên, chỉ nói đôi chút kỷ niệm giữa Thầy – Trò tôi mà thôi.
Về học tập, tôi chỉ học Thầy Đoàn Văn Trương năm Đệ Tứ (1963-1964). Không hiểu các bạn học với Thầy ra sao, nhưng tôi thì học theo cách riêng của mình. Vào giờ thầy, tôi cố gắng ghi chép hầu hết những lời thầy giảng vào cuốn tập riêng (sổ tay cả hai môn) nhằm giữ lại nhiều chi tiết mà trong bài thầy đọc cho cả lớp chép (toát yếu) để học và trả bài không có đủ.
Tập vở môn Sử và Địa của thầy tôi viết thật sạch và trình bày thật sáng sủa, vẽ hình đầy đủ. Thầy không gọi tôi lên trả bài, thỉnh thoảng bảo đem tập lên thầy xem, rồi trả lại cho tôi mà không nói gì. Các bài kiểm làm tại lớp, các bài thi Đệ Nhất và Đệ Nhị Lục Cá Nguyệt môn Sử và Địa của thầy, khi trả bài ra tôi đều được thầy cho điểm thật cao. Thật tình bài làm của tôi được tôi đưa vô rất nhiều chi tiết theo lời thầy giảng chớ không “rặp khuôn” theo bài “toát yếu” (tóm tắt) cuối mỗi bài học, mỗi khi thầy gọi lên bảng trả bàinhư nhiều bạn trong lớp từng làm như vậy.
Có lẽ bài làm của nhiều bạn hao hao giống nhau như bài “học thuộc lòng”, còn bài của tôi đi xa ra ngoài, nêu được nhiều chi tiết mà thầy từng giảng cho cả lớp nghe nên mới được thầy cho điểm cao, tôi nghĩ như vậy (?).
Về sinh hoạt ngoài giờ học, tôi cộng tác với các bạn tham gia thực hiện giai phẩm XuânPhan Thanh Giản vào dịp Tết hằng năm. Riêng năm 1966 khi thầy Nguyễn Văn Hường dạy Sử Địa và thầy Lê Văn Quới dạy Quốc Văn được Hội đồng giáo sư đồng ý cho xuất quỹ 10 ngàn đồng để thực hiện Nguyệt San TRIỀU SỐNG XANH của trường, đề nghị tôi làm Thư Ký toà soạn, vì thời gian đó tôi là cộng tác viên viết tin bài cho Nhật Báo Miền Tây của nhà văn An Khê (toà soạn số 3 đường Thủ Khoa Huân Cần Thơ); tôi cũng cộng tác với anh Nguyễn Tấn Thành (bút hiệu Ngũ Lang, cũng là họa sĩ Nguyễn Thanh) làm Tổng Thư ký toà soạn tạp chí Văn Nghệ Miền Tây tại Cần Thơ; sau đó nhận làm Thư ký toà soạn, phụ trách kỹ thuật cho Tuyển tập Văn học nghệ thuật Miền Tây Thăng Hoa donhà sưu khảo văn học Nguyễn Bá Thế chủ biên. Tôi cũng là thành viên trong ban sáng lập Văn Đoàn Về Nguồn – Tây Đô tại Cần Thơ từ năm 1964... mà mới đây bạn Lê Trúc Khanh muốn nhắc các bạn còn sống cùng viết tập sách “kỷ niệm 50 năm Văn Nghệ Về Nguồn”. Chính hoạt động ngoài giờ nầy, tôi mới biết và mời thầy Đoàn Văn Trương viết
bài biên khảo cho các báo kể trên. Thầy đã gởi bài với Bút Hiệu PHÔ VĨNH, mà khi in bài tôi ghi tác giả Phô Vĩnh Đoàn Văn Trương trên mỗi bài viết của thầy. Được biết Phô Vĩnh là tên đứa em trai mà Thầy yêu thương nhứt đã chết lúc còn nhỏ nên Thầy lấy tên em mình làm bút hiệu khi viết văn, viết biên khảo. Tôi còn nhớ mỗi lần thầy đưa bài cho tôi, thầy đều dặn: “Con sửa lỗi bài cho thầy, coi chỗ nào rườm rà cắt bớt cũng không sao, khỏi hỏi thầy”. Đó là chút kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên.
Về hoạt động xã hội, có hai kỷ niệm mà tôi còn nhớ. Khi tỉnh Phong Dinh tổ chức bầu cử Hội Đồng Tỉnh, có nhiều liên danh ra tranh cử, một hôm Thầy gọi tôi đến nhà gặp thầy. Nhà thầy ở đường Nguyễn Công Trứ, từ đường Quang Trung xuống tới ngã ba quẹo phải, qua khỏi sở 5 Hành Chánh Tài Chánh, nhà thầy phía trên lộ, gần nhà chị Mỹ Tuyê(sau nầy là phu nhân thầy Võ Văn Trí).. Trên tường ở phòng khách, tôi thấy Thầy có treo một bằng cao quý dành cho cuộc đời hoạt động của thầy, rất trang trọng “Chương Mỹ Bội Tinh”. Thầy nói với tôi: “Con đứng tên ứng cử với Thầy. Thầy thụ ủy lên danh, con đứng kèm với thầy. Mọi thủ tục và chi phí bầu cử thầy lo hết”. “Thưa Thầy không được đâu. Con còn đi học, đâu có uy tín gì để ra tranh cử”. “Con chỉ đứng tên với thầy thôi...”. Tôi đề nghị thầy tìm người có uy tín khác. Sau đó thầy tìm được thầy Nguyễn Văn Giỏi, dạy ở Bình Mình cùng đứng tên liên danh với thầy. Nhưng kết quả liên danh thầy bị thất cử! Cuộc bầu cử dân biểu và thượng nghị viện năm 1967, đảng Phục Hưng Miền Nam mà Thầy tham gia, có hai liên danh một và hai Người Gieo Mạ, trong số nhiều
liên danh và nhiều đảng phái khác tranh cử rầm rộ, bên cạnh hàng chục liên danh ứng cử Tổng Thống và Phó Tổng Thống. Đảng Phục Hưng Miền Nam dấu hiệu Người Gieo Mạ do hai cụ Trần Văn Hương và Mai Thọ Truyền ứng cử viên Tổng thống và Phó Tổng thống. Thầy Đoàn Văn Trương gọi một số học sinh chúng tôi tham gia vận động cho các liên danh Người Gieo Mạ của Phục Hưng Miền Nam, phát truyền đơn, biểu ngữ vận động kêu gọi cử tri đi bầu ủng hộ các liên danh Người Gieo Mạ. Ngày bầu cử được cấp giấy giới thiệu làm “Quan Sát Viên” (có tiền thù lao) tại các điểm bầu phiếu trong nội ô thị xã Cần Thơ. Thầy làm đại diện tại địa phương Phong Dinh/ Cần Thơ, lúc nầy chúng tôi mấy chục đứa tới lui và túc trực tại nhà Thầy. Thầy luôn dặn: “Các con ráng vận động cử tri ủng hộ bầu phiếu cho Người Gieo Mạ và cố tìm những gì mà các liên danh khác vận động trái luật, gian lận v.v...”. Theo luật thì đúng 12 giờ trưa thứ bảy, mọi cuộc vận động bầu cử phải chấm dứt, thì chạng vạng tối, một chiếc xe du lịch từ Sài Gòn xuống ghé sân nhà thầy Trương, đó là xe của ông Võ Long Triều. Ông vô nói chuyện với Thầy Trương xong, sau đó ra mở cóp xe sau, đề nghị chúng tôi mang vô rất nhiều truyền đơn “bươm bướm” bảo toả ra tung khắp nơi gần các khu vực có thùng phiếu, để nhắc nhở cử tri đừng quên “Người Gieo Mạ”. Tôi vô hỏi riêng Thầy: “Thầy ơi, sao kỳ vậy? giờ nầy tung truyền đơn là phạm luật thì sao?”. Thầy vỗ vai tôi: “Làm Chính Trị mà con!”.
Từ đó, trong tâm hồn non trẻ của tôi có một vết hằn với hai chữ “chính trị”cho mãi tới bâygiờ tôi vẫn còn thấy “dị ứng” với hai chữ đơn giản đó. Chút kỷ niệm mà tôi muốn kể trong liên hệ giữa tôi với thầy Trương trong sinh hoạt xã hôi là như vậy. Tôi từ trại “tù cải tạo trong rừng già Xuyên Mộc” được thả về Cần Thơ cuối năm 1980 bước sang năm 1981. Mãi đến khoảng năm 1991 tôi mới có dịp cùng với một số bạn đến thăm Thầy Đoàn Văn Trương tại một căn nhà nhỏ lụp xụp trong một con hẻm đường Tạ Thu Thâu (gần cầu Rạch Bần). Lúc đó nghe tin thầy từ Bến Tre được đưa về Cần Thơ chữa bệnh, do chị Nhung, con gái Thầy chăm sóc. Tôi được thăm thầy nhờ anh Nguyễn Thành Kiếm dẫn đi, người chánh trong cuộc thăm viếng nầy là CHS Nguyễn Văn Quyền (thế hệ học sinh trường PTG các năm 1968-1975), mang theo máy quay phim, ghi hình ảnh của thầy Trương trên giường bệnh. Tôi có bước lại nắm bàn tay “xương xẩu” của Thầy và hỏi: “Thầy ơi, Thầy còn nhớ con không?”. Thầy Trương nhướng mắt nhìn tôi giây lát rồi lắc đầu. Tôi nói tên, thầy lặp lại “Viện hả, Lê Hoàng Viện hả? Thầy nhớ con rồi! Con khoẻ không?”. “Cảm ơn Thầy, con khoẻ”. “Lâu quá thầy mới gặp lại con.... Con có gặp thằng Nghiệp em thầy Quới không?”. “Thưa thầy Nghiệp khoẻ và còn đi dạy...”. “Hồi đó thầy nhớ mấy đứa con thích làm báo lắm mà...”.
Lần thăm đó cũng là lần cuối cùng tôi gặp lại Thầy Phô Vĩnh Đoàn Văn Trương. Bàn thờ “SƯ ĐẠO TÔN” trong phòng truyền thống trường xưa, được cập nhật danh sách 110 giáo sư của trường đã quá vãng từ trước đến nay. [DS có 5 cột, mỗi cột có tên đầy đủ 22 giáo sư]. Tên thầy TRƯƠNG (1914-1993) ở cột thứ 4 (từ trái) và hàng thứ 12 từ trên xuống dưới trong bảng SƯ ĐẠO TÔN. [Ảnh: Tôi có dịp chụp lại ảnh nầy trưng bày trong phòng truyền thống “TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO” của trường xưa ngày 7 tháng 5-2014].
Giữa tháng 6 năm 1993 tôi rời khỏi Việt Nam, định cư tại HoustonTexas Hoa Kỳ theo diện HO. Mãi sau nầy có sinh hoạt gia đình PTG & ĐTĐ hải ngoại, đọc được bài viết của Lâm Thủy Hà mới biết Thầy đã qua đời tại Bến Tre ngày 23 tháng Chạp năm 1992. Nhưng mới đây đọc bài “Đám Giỗ Thầy Phô Vĩnh Đoàn Văn Trương” của học trò già Hồ Trung Thành thì thầy mất ngày 23 tháng Chạp năm 1993. Nếu đúng thời điểm Thầy Tôi qua đời như anh Hồ Trung Thành ghi và mang quà thắp nhang lễ cúng giỗ trước bàn thờ thầy nhân 100 năm ngày sinh của thầy tại nhà chị Nhung (Kim Anh) trong hẻm 1 đường Mậu Thân (Tạ Thu Thâu cũ) mà tôi có dịp đến thăm thầy... thì tôi đã không còn có mặt ở Việt Nam!
Viết những dòng nầy, tôi chợt nhiên xúc động và nhớ như in hình ảnh còm cõi ở những năm tháng cuối đời của Thầy tôi – Thầy Phô Vĩnh Đoàn Văn Trương. Xin được thành kính dâng lời cầu nguyện “bình an trong chốn vĩnh
hằng” lên hương linh một người Thầy mà đối với tôi có chút kỷ niệm, vui, buồn ... đeo đẳng mãi trong cõi nhân sinh.
Houston, Texas, 9 tháng 3 năm 2014
LÊ HOÀNG VIỆN
(CHS. PTG thời gian 1960 - 1968)
Sinh Hoạt Nam, Bắc Cali
Sinh Hoạt New England
Góc sân Trường Nhà - Sinh hoạt
TÁC GIẢ:
Hồ Trung Thành
Lê Trúc Khanh
Nguyễn Trung Nam
THƠ
HUYỀN VÂN THANH
(Văn Nghệ VỀ NGUỒN Tây Đô)
ĐÔI ĐIỀU Ở PHÚT GIAO THỪA
Pháo giao thừa giòn nổ rồi em
Đấu hẻm, cuối đường, khắp cùng phố chợ
Lân múa Tết trên màn ảnh nhỏ
Cũng rập rình thôi thúc báo thời gian.
Đúng không giờ - Tạo hoá gian ban
Tục lệ cổ xưa mãi còn diễm tuyệt
Nếu mỗi chúng ta nghe được lời muôn vật
Chắc giờ nầy hoa hé nụ chào Xuân
Lúa trên đồng mẩy hạt lao xao
Lộc mới trổ vươn cành xanh sắc lá
Đôi bồ câu kề đầu to nhỏ
"Lục cục" hát chào khúc nhạc tình yêu
Con chó vẫy đuôi đòi được nuông chiều
Gà đập ccánh cất cao tiếng gáy...
Chỉ trong thời khắcx ấy
Tạo v ật như hoá điều chung
Anh muốn được nghe lời nói đầu tiên
Của mọi thứ quanh mình đang sống.
Anh muốn nghe chính thực lời em
mà không là trong mộng
Nghĩ về tình yêu
Cay đắng, khổ đau, vui sướng... trăm chiều
Hãy nói thật như điều mình nghĩ thật
Bởi mọi thứ quanh ta bẩm sinh chân chất.
Thì lòng người hãy sáng rực vì nhau.
Anh muốn nghe ngay ở giây phút bàn giao
Những cái thực từ trong cuộc sống
Đừng khoa trương như cánh diều bay bổng
Đừng bít che như màn chắn lên tường
Hãy phónt tầm nhìn qua làn kính thủy tinh
Cái thực là điều xuyên suốt.
Anh muốn mỗi chúng ta là người trong cuộc
Có thể ngồi ngồi nghe - Có thể cùng làm
Cái đúng là kim chỉ nam
Chưa bao giờ chệch hướng
(Nghe để cân phân: đúng, sai, nhầm lẫn
Làm việc phải làm của mỗi con người)
Nhớ một điều duy nhất - chỉ một thôi
Giữ đạo nghĩa - tránh làm điều nghịch lý!
Cuộc sống chúng ta sao nhiều phiền lụy
Nhân danh đủ điều, ngôn ngữ quá kêu
Hãy bình tâm ta gạn lọc chắt chiu
Hãy dũng cảm trước bao cám dỗ
Đường ta đi luôn gặp nhiều gian khổ
Nhưng biết đi là đi trọn cuộc đời.
Hỡi em yêu thương ơi
Một năm mới bắt đầu rồi đó
Ở phút giao thừa, pháo mừng giòn nổ
Tạo vật quanh ta đã hoá điều chung
Tất cả nở bừng hạnh phúc ,ung dung...
Đi vào cuộc sống.
Cần Thơ, giao thừa Đinh Mão
Khai bút 29-01-1987
MÁ ƠI TẾT NẦY
* Kính tặng MÁ tôi và MÁ bạn
những bà MÁ còn diễm phúc sống bên cạnh cháu con.
Má ơi cách nửa vòng trái đất
Con biết nghìn trùng chia biệt nhau
Nhưng phải nén lòng lìa tổ quốc
Xa rời núm ruột quặn tim đau.
Phương đó quê nghèo thân một bóng
Má thường ra ra đúng tựa hiên nhà?
Trông về thành phố momg hằng bữa
Như thuở con còn dệt gấm hoa?
Để nghe tàu hụ còi inh ỏi?
Để thấy con về mái lá xưa?
Để được nhìn vóc hình con trẻ?
Để lo từng nắng sớm chiều mưa?
Má đã vì con khổ một đời
Chắt chiu năm tháng sức mòn vơi
Tám lăm năm đã trôi qua tóc
Nên trắng màu mây giữa cõi người.
Con biết lần đi là vĩnh biệt
Nhưng không dám để lệ nhoà mi
Má khuyên, "mạnh dạn và can đảm
Lưu luyến buồn thương... chẳng ích gì!"
Má muốn cho con vững bước đi
Muôn trùng xa cách chẳng sầu bi
An tâm gây dựng đời tươi sáng
Dù biết riêng mình khóc biệt ly!
Má ơi, lại một lần xuân nữa
Con đã không về mái lá xưa
Để nghe lời Má - Ôm chằm Má
Sưởi ấm yêu thương lúc tuổi già.
Tết nay con biết Má mòn trông
Ngồi ngắm dòng sông nước lớn ròng
Xin gởi Mẹ hiền lời tạ tội
Nguyện cầu sống mãi với non sông.
Houston, TX, 15-10-1998
HUYỀN VÂN THANH
(Văn Nghệ VỀ NGUỒN Tây Đô)
TẾT CỔ TRUYỀN VIỆT NAM VỚI NHỮNG NGƯỜI CON XA XỨ
Không phải ngẫu nhiên, mà là một tổng hợp tôi muốn ghi nhận ở đây - cái mốc thời gian vừa tròn 30 năm (1975 - 2005) kể từ cái ngày của tháng Tư oan nghiệt, kéo theo biết bao sự chia lìa đau xót của nhiều người Việt Nam, trong đó không biết chính xác là bao nhiêu người đã vĩnh viễn nằm xuống trong trại tù cải tạo, trong rừng sâu, dưới lòng biển cả... khi phải trả giá cho hai chữ "tự do" đúng nghĩa của nó. Bây giờ trên hai triệu người Việt Nam xa xứ, định cư rải rác trên hàng trăm quốc gia toàn thế giới đang sống với tâm trạng "lưu vong"; và cứ mỗi năm, vào dịp Tết cổ truyền, chạnh lòng khi hướng về
quê hương đã trở thành "cố xứ"; với biết bao tâm trạng khác nhau... Dĩ nhiên tâm trạng của những người xa xứ bởi biến cố đau thương của đất nước, chắc sẽ khác nhau với tâm trạng của những thế hệ sau nầy ra nước ngoài, hoặc du học, hoặc đi làm việc để tìm sự sống. Nhưng, xa đất nước với động cơ nào, "những người con xa xứ" sẽ dễ cảm thông nhau tại một giao điểm đáng nhớ, đó là "Tết Cổ Truyền Việt Nam".
Ở Việt Nam có 9 ngày lễ Tết trong năm, nhưng Tết Nguyên Đán là Tết cổ truyền được tổ chức linh đình và long trọng nhất, diễn ra suốt ba ngày, từ ngày mùng Một đến mùng Ba tháng Giêng âm lịch. Vào chiều ngày 30 tháng Chạp, người ta làm cỗ để cúng và rước Tổ Tiên về. Nửa đêm 30 rạng mùng Một, tức là đêm Trừ Tịch, người ta làm lễ cúng Trời Đất để tiễn năm cũ và đón năm mới. Việc cúng vào thời điểm nầy được gọi là cúng Trừ Tịch hay cúng Giao Thừa. Thường thì sau khi cúng giao thừa, người ta đua nhau đi lễ chùa và lễ đền miếu, hái lộc đầu năm, có người lại xin xăm, bói quẻ đầu năm; chọn giờ và chọn hướng để xuất hành cho được tốt để đem lại may mắn cho gia đình.
Vào đầu năm mới, các nhà văn nhà thơ thường "khai bút"; các vị quan xưa thì chọn ngày tốt trong đầu năm để "khai ấn". Sáng sớm mùng Một, các gia đình đều pha trà làm lễ cúng gia tiên và đốt pháo ăn mừng Tết, đi xông nhà xông đất. Các con cháu mừng tuổi cha mẹ ông bà và được cho tiền mừng tuổi. Sáng mùng Hai, gia đình đi lễ tổ tiên bên Ngoại. Mùng Ba, các gia đình đều làm hoá vàng (đồ bằng giấy giả làm vàng được đốt đi sau khi cúng lễ) để tiễn gia tiên; cũng ngày nầy, các môn sinh đi lễ nhà Thầy Cô giáo. Bởi vậy, ca dao Việt Nam có câu "Mùng một thì ở nhà cha, Mùng hai nhà vợ, mùng ba nhà thầy", hân hoan chúc cho nhau những điều tốt lành nhất cho năm mới, là khởi đầu cho niềm hy vọng mới. Tết cũng là ngày đoàn tụ, là dịp để bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên, với những bậc tiền hiền đã dày công dựng nước và giữ nước. Tết còn mang ý nghĩa đoàn kết, tha thứ, cởi mở, biết ơn và vui sống của mọi người dân Việt...
Đời sống văn hoá của dân tộc Việt trải dài hàng mấy ngàn năm văn hiến, ông cha đã tích lũy biết bao kinh nghiệm để truyền dạy cháu con và những sự truyền dạy đó trở nên những "lề thói" mãi đến bây giờ vẫn còn. Trong thời đại văn minh hiện tại, qua trao đổi và giao tiếp với trào lưu tiến hoá của loài người, dân tộc Việt cũng đã loại bỏ dần đi những điều không cần thiết, giữ lại những phong tục cổ truyền rất đẹp, vì đó là biểu tượng của một nền văn hoá tuyệt vời của dân tộc: tục lệ thờ cúng gia tiên trong những dịp
lễ tết, tục lệ kiêng cử lời ăn tiếng nói, chọn hướng xuất hành, hái lộc đầu năm, lì xì mừng tuổi v.v... Có lẽ nhờ vậy mà những tâm tình ghi nhận được vào dịp Tết Ất Dậu phản ảnh phần nào tâm lý, tình cảm và đạo đức của con dân Việt - những người con xa xứ đang hướng về quê cha đất tổ trong dịp Tết cổ truyền.
"Mùa Xuân đã đến rồi, vậy mà lòng người vẫn buồn vậy sao. Có mấy người hiểu được cảnh sống xa quê mỗi khi xuân về là thế nào không nếu như họ chưa một lần sống xa nhà. Trên đất Việt lúc này đào đang nở rộ chào đón một mùa xuân, chào đón một năm mới an lành. Trong khi đó tôi phải đón xuân tại một nơi xa quê hương tới nửa vòng trái đất (...). Mỗi khi tưởng tượng trong đầu hình ảnh cành đào nở là lòng tôi lại rạo rực nhớ về quê hương yêu dấu. Nơi gắn bó với tôi bao nhiêu kỷ niệm buồn vui, nơi đang sống và làm việc tất cả những người thân và bạn bè tôi. Ôi, hai tiếng "quê hương" sao mà thân thương là thế. Hỡi những người yêu dấu ơi, có ai hiểu lòng tôi không" (M. Đ. Thịnh -
Feb 09/2005";
"Bỗng nhiên tối nay tôi không thể nào chợp mắt được bởi tuy xa quê nhà, nhưng vẫn dõi theo giờ giấc Việt Nam và biết bây giờ nơi ấy mọi người đang rạo rực chờ đón phút thiêng liêng của năm con gà cất vang gáy đón bình minh hạnh phúc. Có tha hương mới thấu hiểu tâm tình của những đứa con luôn nhớ về nơi quê hương xứ sở, cũng bánh chưng, cũng dưa hành đầy đủ, nhưng sao không tìm được hương vị thân quen ". (Ng. T. Huỳnh - Feb 09/2005";
"Tôi đã cố gắng quên đi cái không khí Tết ở Việt Nam để khỏi phải nao lòng khi nghĩ về nó. Thế nhưng khi đọc những dòng cảm xúc của những người con xa quê hương, xa gia đình về giây phút thiêng liêng, thời khắc giao thời, tôi đã khóc rất nhiều. Tôi đã nhìn thấy tất cả những hình ảnh đón Tết của cả 27 năm qua. Tôi đã rất nhớ nhà, nhớ Mẹ, nhớ những người thân, nhớ cái se lạnh và mưa xuân. Tôi nhớ vào khoảng giao thừa thường có mưa xuân nhẹ nhàng. Tôi nhớ nồi bánh chưng bà nấu, nhớ cả nồi canh măng mẹ thường nấu cho tôi (...)". (DK. Van - Feb 09/2005)";
"Lại thêm một năm nữa tôi không được hưởng cái tết cổ truyền của Việt Nam, vậy là năm thứ 13 rồi đó. Giờ khắc nầy tôi thật nhớ đến gia đình nhiều hơn bao giờ hết, nhớ đến cái xóm nhỏ thân yêu mà thuở ấu thơ vào những ngày gần Tết, ai cũng bận rộn hết. Người sửa chữa nhà, người lại sơn cửa. Ba mẹ tôi hay bảo anh em tôi phải quét vôi lại cái nhà, lau chùi bàn thờ. Bộ lư đồng luôn được lau bóng. Sân vườn phải tươm tất, chưng bày hoa đầy lối vào nhà (..). (Helên Do - Feb 07/2005 - Pháp quốc).
Những thanh niên đi lao động nước ngoài, các du học sinh - thế hệ trẻ chỉ mới xa nhà xa quê một vài năm thì tâm tư, tình cảm có thể chia sẻ tương đối giống nhau, chẳng hạn "Ở nơi xứ người, nơi tôi sống (một thành phố của châu Âu) không khí Tết gần như không có. Nhớ gia đình, tôi chỉ biết nâng cốc chúc bố mẹ, vợ, con gái, em gái qua webcam. Như vậy cũng là tốt lắm rồi, cảm giác về không gian như gần lại, nỗi nhớ được san sẻ bớt"; (Sinh viên VN tại vương quốc Bỉ); "Ngày Tết ta ở bên Tây chỉ là ngày bình thường, lũ sinh viên chúng tôi vẫn phải đi học. Lúc này ở Việt Nam chắc mọi người đang ra đường vui lắm. Chợt nhớ ba năm về trước, cầm tay cô bạn gái đi đón xuân quanh bờ hồ giữa biển người, rồi ngắm pháo hoa, rồi hai đứa đi hái lộc mang về nhà... Thời gian trôi nhanh quá, thế là đã ba cái xuân ở Bordeaux" (Ng. Q. Toàn - sinh viên ở Bordeaux - Pháp)". Với những người con xa quê như chúng tôi, vào thời khắc thiêng liêng này, tất cả đều bồi hồi nhớ về quê hương, gia đình với bao tình cảm nhớ nhung. Càng buồn và cô đơn vì thành phố Barcelona nơi chúng tôi sinh sống và học tập không có không khí tết như những thành phố khác do cộng đồng người Việt ở đây rất ít"; (V. M. Cường - Tây Ban Nha"; Mỗi lần Tết sắp sang, mẹ lại hỏi con có về không. Con lại trả lời mẹ để con sắp xếp, rồi cuối cùng con lại không thể. Có lúc thì là kỳ thi, có lúc lại là công việc. Mẹ nói chỉ muốn biết con có về không để mẹ còn tính sẽ gói bao nhiêu bánh chưng và nấu bao nhiêu chè. Mẹ nói là mẹ gói thêm bánh chưng để con mang đi sau Tết nữa. Rồi mẹ nói nếu con bận không về được thì cũng không sao, mẹ lại đỡ thêm bao nhiêu là thứ. Mẹ biết không hai tiếng "không sao" của mẹ theo con suốt cả năm trời, bên tai con mọi nơi, khi con làm mọi việc. Để rồi mỗi khi mùa đông tới, trở về căn phòng thuê nhỏ xíu của mình bên này, con lại nhớ tới hai từ "không sao"; của mẹ. Nhiều đêm nhớ mẹ, nhớ nhà, con tự bảo mình, mẹ không sao đâu, mẹ nói mẹ không sao mà, mà nước mắt rơi lúc nào không biết nữa (...). (V. Nguyễn - London, xa quê 4 năm).
Với những người Việt định cư vĩnh viễn tại một quốc gia, chẳng hạn ở Úc, ở Canada, ở Hoa Kỳ, ở những nơi tập trung đông đảo người Việt... bà con vẫn nhớ làng quê, thôn xóm, họ hàng mỗi độ xuân về tết đến, thế nhưng sinh hoạt thường ngày đã trở nên quen thuộc gần gũi hơn, nên tâm trạng dành cho ngày Tết cổ truyền đặc biệt hơn.
"Cộng đồng người Việt tổ chức hội chợ Tết, có múa lân, đốt pháo và những cửa hàng bán quà Tết, cũng như văn nghệ Việt Nam. Những khu chợ Việt Nam rất đông đúc. Ở đây có đủ hoa quả, kẹo, bánh chưng, bánh tét, báo Xuân". (L. U. Vy - Melbourne, Australia). Cách nửa vòng trái đất, nhưng người Việt ở Mỹ vẫn tổ chức Tết Nguyên Đán đậm nét dân tộc. Trước đó mấy ngày, các khu chợ người Việt tấp nập mua bán. Ở đây có đủ mặt hàng từ bánh, mứt kẹo, đến bánh chưng, cành đào, cây mai vàng. Các hội đồng hương người Việt tại Mỹ tổ chức đón Tết thật trang trọng vẫn theo tục cổ truyền, có múa lân, văn nghệ, phát tiền lì xì cho trẻ em. Dù lần đầu tiên hay đã nhiều năm xa quê, các gia đình cũng đều tổ chức đón Tết sum vầy tại gia. Anh T. Thắng (Lowell) cho biết: "Bà con dòng họ tề tựu tại nhà anh để cúng ông bà, lì xì cho con cháu và sau đó là tiệc tùng. Với những bà con ở xa không về chung vui cùng gia đình được thì mọi người gọi điện thoại để chúc Tết". Còn anh Ng. Ngọc (Los Angeles) nói "năm nào cũng giữ thói quen nấu bánh chưng để nhớ lại những kỷ niệm xưa kia ở quê nhà. Với anh, Tết không thể thiếu bánh chưng". Anh L. Quang sống ở San Jose viết "Không khí Tết tại đây lúc nào cũng nhộn nhịp, chắc là vì dân số người Việt Nam tại đây lúc nào cũng nhộn nhịp, chắc là vì kinh tế ở đây khá hơn. Bạn có thể thấy không khí Tết bắt đầu từ hôm 23 tháng Chạp, mọi người chuẩn bị để đưa ông Táo chầu trời. Các chợ nhộn nhịp từ 8 giờ sáng. Hoa năm nay nhiều hơn và đẹp hơn mọi năm, giá cả có phần rẻ hơn". Có lẽ hội nhập cuộc sống nơi có đông người Việt nên S.Q.H. Phạm viết "Riêng tôi, năm đầu tiên đón Tết xa quê hương cũng cảm thấy không cô đơn. Có một lý do rất đơn giản, là vì tôi đang sống trong cộng đồng người Việt đông nhất tại hải ngoại - khu Little Sài Gòn California. Trong không khí đón Tết nơi đây, thật lòng tôi muốn nói lời cảm ơn tất cả những người đã gìn giữ được cái Hồn Tết nơi xa xôi nầy. Quả thật, nơi đây không thiếu thứ gì ở Việt Nam có. Những đòn bánh tét, những cái bánh chưng gói trong lá chuối xanh, những lọ dưa món, hộp mứt, cành đào, cây mai trong chậu... mới đẹp làm sao! Vài người bạn của tôi ở những tiểu bang khác, thậm chí một chị bạn ở Los Angeles cũng thèm được xuống khu vực Phước Lộc Thọ để đi chợ hoa, để hưởng không khí Tết. Họ luôn nói với tôi may mắn khi sống ở đây. Không cần ngẫm lại tôi cũng thấy đúng. Bởi nhờ tất cả những hoạt động nhộn nhịp vào những ngày xuân nầy mà tôi thực sự không buồn và khóc nhiều khi nhớ và nghĩ về gia đình và về Tết ở Việt Nam".
Vâng, đúng như bạn S.Q.H. Phạm vừa viết. Nhưng chúng ta cũng cần nhìn lại đôi nét về Tết đang diễn ra tại quê nhà, qua hình ảnh ghi nhận mới nhất, có thể bắt gặp những sinh hoạt cổ truyền của dân tộc còn được nhắc nhở với nỗi rộn ràng chào đón giao thừa "một chiều quây quần đầm ấm với gia đình bên bữa cơm tất niên rồi cùng người yêu xúng xính trong bộ quần áo mới xuống phố đón Xuân Ất Dậu, với lời chúc một năm an khang thịnh vượng". Những hình ảnh ngọt ngào, hạnh phúc của đêm giao thừa mãi đọng lại trong lòng những người dân đất Việt. Hãy ghi thật đậm sâu các hình ảnh sau đây: Tạ ơn tổ tiên đã phù hộ một năm làm ăn bình yên khi thắp nhang cúng vái trước bàn thờ gia tiên; sau đó cả gia đình quây quần bên nhau trong bữa cơm tất niên. Xuống phố đón giao thừa. Xem pháo hoa báo hiệu thời khắc đầu tiên của năm mới, giây phút đó chính là sự giao hoà của Trời Đất. Mọi người hân hoan chào đón năm Gà. Chúc Mừng Năm Mới... và không quên vào chùa thắp nhang lạy Phật, cầu Trời Phật phù hộ cho năm mới Ất Dậu tràn đầy hạnh phúc, hái lộc đầu năm...; cũng đừng quên "lì xì" mừng tuổi con trẻ. Bởi vì "Từ ngày xa Việt Nam, tôi mới biết rằng mình yêu Việt Nam nhiều đến thế. Tôi thấy nhớ tất cả, từ những gì xấu nhất cho đến đẹp nhất của Việt Nam" (Y. Hùng - Feb 09/2005). Và, khi quý bạn đọc đến những dòng nầy thì không khí Tết cổ truyền Việt Nam đã trôi qua mất rồi. Nhịp sống bình thường đã trở lại, và chỉ còn mong đợi cái tết năm sau, nếu chúng ta còn duyên may, còn có Phước Lộc Thọ trong cuộc đời dành cho những người con mãi mãi sống xa xứ được dịp trang trải tâm tư tình cảm của mình đối với quê hương đất nước mến yêu.
LÊ CẦN THƠ
(Bài đã in trong mục SỔ TAY VĂN HỌC, tạp chí VĂN HOÁ VIỆT NAM số 28 - mùa Xuân 2005 trang 9, 10, 11, 12. Không có trong bộ TOÀN TẬP Lê Hoàng Viện. Bây giờ, đã chánh thức vào năm Giáp Thìn 2024. Bài viết nầy trước đây 19 năm rồi! )
NHẬN XÉT VỀ
TOÀN TẬP
“LANG THANG TRỌNG CÕI NHÂN SINH“
CỦA LÊ HOÀNG VIỆN
GS Nguyễn Trung Quân
Trung tuần tháng 10 năm 2023 nhà báo H’ Nguyên ghé thăm và trao cho tôi ba quyển Lang Thang Trong Cõi Nhân Sinh, một Toàn Tập văn thơ của Lê Hoàng Viện nhờ gửi tặng.
Trước đó ít lâu, trong một cuộc điện đàm thăm hỏi, cựu học sinh Trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ Lê Hoàng Viện, tức nhà thơ Huyền Vân Thanh, hay nhà văn Lê Cần Thơ có cho tôi hay việc được một thân hữu ở Orange County, Nam California giúp thực hiện một toàn tập thơ văn của một cuộc đời thiết tha với văn chương chữ nghĩa và văn hóa dân tộc của mình.
Khi được nhà báo H’ Nguyên trao bọc sách dày và nặng nói lời trao tặng ân cần, tôi hơi sửng sốt, không ngờ tác phẩm lớn và công phu như vậy. Lúc bắt tay từ giã, nhà báo H’ Nguyên đề nghị tôi viết đôi nhận xét về tác phẩm này. Dù rất ngần ngại không có thì giờ đọc trọn tác phẩm, tôi vẫn không thể từ nan vì tình nghĩa lâu năm với Lê Hoàng Viện và sự tận tình của nhà báo H’ Nguyên.
Đưa khách xong, tôi lướt qua ba quyển sách dày và nặng, bìa cứng, trình bày đẹp và trang nhã, tôi càng cảm thông sâu sắc với công trình của tác giả và nhiệt tâm của người sắp xếp ấn hành.
Ba tập sách với số trong lũy tiến: Tập I dày 730 trang, Tập II 716 trang, Tập III 752 trang, tổng cộng 2,198 trang sách khổ 6x9 cho tôi thấy nhà văn Lê Hoàng Viện và nhà báo H’ Nguyên đã đưa hết tâm lực vào công trình đồ sộ này.
Tôi đã từng có cơ hội đọc những tác phẩm văn thơ của Lê Hoàng Viện nên việc lướt qua hàng ngàn trang sách của Toàn Tập có dễ dàng hơn, nhưng có những phát hiện mới lạ trong tập sách này khiến tôi ngạc nhiên không ít. Ngoài ba bút hiệu thường dùng: Lê Hoàng Viện, Huyền Vân Thanh, Lê Cần Thơ, còn có trên dưới 30 bút hiệu khác mà Lê Hoàng viện đã dùng trên báo chí, sách vở trong nhiều thập niên cầm bút. Thêm vào đó, khi đang là học sinh Đệ Nhị Cấp của Trung học Phan Thanh Giản, Lê Hoàng Viện đã là nhà báo chuyên nghiệp có Thẻ Ký Giả của Nghiệp đoàn Ký giả Nam Việt Nam.
Lê Hoàng Viện thuộc lớp trẻ, đàn em sau tôi ở Trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ. Lúc tôi trở lại trường xưa dạy học từ niên khóa 1962-63 thì Viện học lớp Đệ Ngũ (tức Lớp 8 sau này). Toi không trực tiếp dạy Viện nhưng tôi biết em là học sinh giỏi của trường qua những lần phát phần thưởng cuối niên học. Năm nào Lê Hoàng Viện cũng được phần thưởng đầu lớp hoặc phần thưởng Danh Dự toàn trường.
Khi Lê Hoàng Viện lên học bậc Đệ Nhị Cấp thì tôi là Giám học của trường Phan Thanh Giản nên tôi biết thêm Viện còn có tài văn thơ, có khả năng báo chí, thực hiện bích báo của lớp, tham gia làm nội san, tạp chí của trường, góp sức trong Giai phẩm Xuân hàng năm phổ biến rộng rãi. Tài văn thơ của Lê Hoàng Viện phát khởi từ đó.
Trở lại Toàn Tập vừa hoàn thành của Lê Hoàng Viện, tuy nói khiêm nhường là “Lang Thang trong Cõi Nhân Sinh” nhưng tác giả đã biểu hiện được một công trình dài hơi của một chứng nhân thời đại. Tác phẩm đã ghi nhận sống động những biến chuyển của cuộc đời tác giả hòa quyện trong thân phận của đất nước và con người Việt Nam từ năm Ất Dậu 1945 (năm sinh của tác giả) cho đến ngày làm cuộc chiến 30 tháng 4-1975 dẫn tới những khổ nhọc sau cuộc đổi đời, đưa đến tù đày, bi thảm và lưu vong.
Dường như tác giả không muốn bỏ sót một nét nào của cuộc hành trình đó vì nó liên đới với bao nhiêu con người, bao nhiêu cuộc đời, dính líu với hành trình tâm thức của người văn, người thơ Lê Hoàng Viện.
Với Tập I 730 trang, sau Lời Mở Đầu trang trọng, tác giả đã lục lọi trong ký ức để kinh qua “Vùng Kỷ Niệm” thời trẻ thơ, nơi quê nghèo giữa đồng bằng sông Cửu Long của của miền Nam Việt Nam, để rồi từ đó dùng 360 trang sách nhắc nhở đến “Những Ban Văn Nghệ Ngang Qua Đời…” tác giả từ những văn thi hữu thời còn đi học cho đến những bậc đàn anh đã nổi tiếng từ lâu trên văn thi đàn Việt Nam.
Tôi đặc biệt chú ý đến mối giao tình của tác giả với nhà sưu khảo văn học Nguyễn Bá Thế, tình văn hữu không nề hà về tuổi tác và địa vị. Tôi cũng rất tán thưởng tác giả khi viết lời “Vĩnh Biệt Nhà Văn Lê Xuyên” tên thật là Lê Bình Tăng, cựu học sinh College de Can tho rồi Trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ.
Tập II 716 trang chứa đựng “Những Chặng Đường Thơ”, “Những Trang Viết Tản Mạn Quanh Đời…” tác giả, về phần “Nối Sợi Dây Dài” gồm những truyện và bút ký.
Tôi xúc độngvới bài thơ “Qua Trường Cũ Ngày Khai Học” ở trang 253 Tập II mà tác giả đã trích lại ở đoạn đầu ở trang 577 của Tập III:
“Xa tắp rồi em những tháng năm
Sân trường, lớp học đã mù tăm
Bạn bè ngày cũ giờ trôi giạt
Ai mất còn ai giữa lặng thầm?”
Câu “Ai mất còn ai giữa lặng thầm?” được dùng làm tựa một mục trong các Đặc san Phan Thanh Giản - Đoàn Thị Điểm Cần Thơ Hải Ngoại để nhắc đến thầy cũ, bạn xưa ở xa hay đã ra đi về cõi Vĩnh Hằng. Thơ văn của Lê Hoàng Viện ghi rất nhiều về những sinh ly tử biệt này.
Với 758 trang, Tập III của Toàn Tập Lê Hoàng Viện nhắc về “Quê Hương Xa Mãi Ngút Ngàn”, nhớ về thời còn nhờ “Mẹ Dắt Qua Cầu”, về những “Chùm Hoa…”, những “Bến Yêu”. Lại không thiếu thơ văn kể, nhắc lại những nhân vật lịch sử xưa về những thành phố, những thắng cảnh với đường xưa lối cũ của quê hương gấm vóc. Có cả những người lính chiến mà tác giả đã đem một phần của đời mình cùng những anh hùng đó trả nợ núi sông.
Rải rác trong tác phẩm, Lê Hoàng Viện cũng thường nhắc về nhóm Cần Thơ Phan Thanh Giản – Đoàn Thị Điểm ở Houston, Texas với thâm tình gắn bó. Tôi vẫn thường ca tụng những anh chị em này đã xây dựng cái nôi cho phong trào Phan Thanh Giản – Đoàn Thị Điểm Cần thơ nơi Hải Ngoại.
Nhưng nói về Toàn Tập Lê Hoàng Viện mà không nhắc đến tạp chí Văn Hóa Việt Nam là một thiếu sót.
Lê Cần Thơ đã là chủ bút của tạp chí này kể từ số 1 Mùa Hè năm 1998 cho đến số cuối 89 Mùa Hè 2020, đúng 20 năm trên văn đàn hải ngoại.
Với tôn chỉ “Văn Hóa Còn, Dân Tộc Còn” tạp chí đã được Lê Cần thơ chăm sóc nội dung tốt đẹp khiến cựu giáo sư Ngữ học Đại học Văn Khoa Sàigòn Nguyễn Khắc Kham đã đề nghị với Viện Việt Học mời Lê Hoàng Viện làm thành viên của Viện. Tôi nghĩ được học giả lão thành Nguyễn Khắc Kham lưu ý là một điều vinh hạnh cho Lê Hoàng Viện.
Nhiều bài viết trên Văn Hóa Việt Nam đã được Lê Cần Thơ cho in lại trong Toàn Tập Lê Hoàng Viện, nhất là các Thư Tòa Soạn do chủ bút viết.
Phải nói rõ tôi rất tán thưởng công trình dài hơi của nhà văn, nhà thơ Lê Hoàng Viện và công lao hỗ trợ sắp đặt in ấn của nhà báo H’ Nguyên.
Nhưng tôi rất tiếc là vì lý do tài chánh và e ngại phổ biến khó khăn vì sách quá dày nên tác giả chỉ yêu cầu in trên 10 bộ làm kỷ niệm cho gia đình và gửi tặng cho các người thân. Tôi hân hạnh là một trong những người nhận được sách sớm vì ở gần với nhà báo H’ Nguyên.
Trong nỗi băn khoăn đó, tôi xin mạo muội với những vị đọc được bài viết này, cùng những đồng hương Cần Thơ, đồng môn Phan Thanh Giản – Đoàn Thị Điểm muốn có được tác phẩm này nên liên lạc với tác giả Lê Hoàng Viện (điện thoại [713] 240-1656) hoặc nhà báo H’ Nguyên (điện thoại [714] 326-4947) để biết chi tiết về việc in thêm và gởi đến tận địa chỉ yêu cầu.
Với đồng môn và học trò cũ Trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ Lê Hoàng Viện, tôi thành thật chúc mừng và khen ngợi. Em đã dành ra một thời gian không ít của tuổi già để giữ lại những đứa con tinh thần suốt đời mình trân quý, thương yêu. Em đã làm được việc mà ít người làm được, đó là niềm vui cho em mà cũng là niềm vui của những người thương yêu em.
Trong tác phẩm của em, tôi thoáng nhận được nỗi buồn của em mà cũng là nỗi buồn chung của người Việt Nam trong gần một thế kỷ XX qua đầu thế kỷ XXI.
Xin gửi tặng em và những người cùng thế hệ chúng ta hai câu trong bài “Qua Hải Vân Quan” (Qua Đèo Hải Vân) của Tam Nguyên Vị Xuyên Trần Bích San để suy gẫm:
“Văn vô sơn thủy phi kỳ khí
Nhân bất phong sương vị lão tài.”
(“Văn không sông núi phi cao diệu
Người chẳng phong sương chẳng rạng tài.”
Văn thơ của em đầy khí vị của quê hương Việt, cuộc sống nhiều sương gió của em là cơ duyên đưa đến văn tài của em vậy.
NGUYỄN TRUNG QUÂN
(Cựu Học sinh, cựu Giáo sư, Giám học,
Hiệu trưởng Trung học Phan Thanh Giản)
TỰ TÌNH MÙA HỌP MẶT
* Viết để tặng Thầy Cô và bạn học vào dịp họp mặt gia đình PTG ĐTĐ hàng năm
do dịch cúm Vũ Hán nên không tổ chức được ĐH XXIV - 2020 ở Boston MA)
Biết rằng gặp lại rồi xa
Biết thời gian vẫn vượt qua tuổi đời
Nhưng làm sao khỏi gọi mời
Bởi trong tiềm thức sáng ngời tuổi tên…
Nhớ Thầy Cô, thuở hoa niên
Đứng trên bục giảng gương hiền sáng soi
Oai nghiêm, đạo đức toả ngời
Chuyền bao kiến thức, trau giồi nghĩa nhân.
Thầy Cô, dù khó vẫn gần
Nụ cười luôn nở mỗi lần gặp nhau...
Bạn bè gặp lại "mầy, tao"
Dù trên mái tóc ngả màu muối, tiêu...
Chỉ vì lưu luyến, thương yêu,
Chỉ vì kỷ niệm quá nhiều trong tim
Chỉ vì kẻ kiếm, người tìm
Chỉ vì thời cuộc gây niềm đau thương
Cách chia trăm hướng ngàn phương
Giờ đây họp mặt, vấn vương, tự tình...
Mỗi năm sinh hoạt gia đình
Thầy Cô, bè bạn... chúng mình gặp nhau
Thoả lòng mong đợi, ước ao
Môn sinh được dịp kính chào Ân Sư...
Houston, 20 tháng 7-2020
HUYỀN VÂN THANH
(Văn nghệ VỀ NGUỒN Tây Đô)
CHÂU LÊ
"HÙM CHẾT ĐỂ DA
NGƯỜI TA CHẾT ĐỂ TIẾNG"
Có lẽ ai trong cuộc sống nầy, ít nhất đã một lần nghe câu nói của người xưa "hùm chết để da, người ta chết để tiếng", nhằm để nhắc nhở về đạo lý ở đời, cố làm điều tốt, điều thiện, tránh xa cái xấu, cái ác... Chẳng hạn, vị vua cuối cùng nhà Hậu Lê là Lê Duy Khiêm (B. tuất 1766 - Q. sửu 1793) miếu hiệu Mẫn đế, vì hiệu năm là Chiêu Thống nên cũng gọi là vua Lê Chiêu Thống. Năm M. thân 1788, Tây Sơn ra Thăng Long lần II, ông bỏ ngôi chạy trốn quanh quất trong hai miền Kinh Bắc và Sơn Nam. Rồi vì ông cầu cứu với nhà Thanh, dẫn đường cho Tôn Sĩ Nghị đem quân Thanh xâm lược nước ta. Đến tháng giêng năm K. dậu 1789, Tây Sơn đánh tan quân Thanh, Chiêu Thống và đám quần thần lưu vong ở Trung Quốc, bị bạc đãi, hắt hủi, vua tôi ông xiết bao tủi nhục. Bọn quan lại nhà Thanh bắt một số tòng thần cho lên xe trâu đày ra xa ngoài 300 dặm. Tình thế ngày càng tuyệt vọng, Chiêu Thống bịnh nặng, đến ngày 16 tháng 10-1793 chết tại Yên Kinh (*). Cuộc đời Lê Chiêu Thống là một bài học xấu muôn đời trong lịch sử. Còn Trần Ích Tắc là con thứ của vua Trần Thái tông, tước Chiêu Quốc vương, khi quân Mông Nguyên sang xâm lược (Â. dậu 1285), ông ta đầu hàng quân Nguyên rồi theo chúng về Trung Quốc, ngụ ở Hán Dương (thuộc tỉnh Hồ bắc). Lúc đầu, vua Nguyên phong ông ta làm An Nam Quốc vương, định dùng ông ta làm chiêu bài để thi hành mưu chước xâm lược lần nữa, nhưng thất bại, sau chỉ làm Bình chương ở Hồ Quảng. Khi Nguyễn Đại Pháp đi sứ sang Trung Quốc có gặp Trần Ích Tắc nhưng không chào hỏi. Ông ta ngạo mạn bảo Đại Pháp: "Nhà ngươi là gia đồng của Chiêu Đạo vương ngày trước phải không?". Đại Pháp đáp: "Việc đời thay đổi, Đại Pháp tôi ngày trước là tên hầu trà của Chiêu Đạo vương, mà nay là sứ thần. Cũng như ngài, trước là con vua mà nay là tên hàng thần nước người!". (*) Câu trả lời của vị sứ thần là cái tát vào mặt Trần Ích Tắc để đời trong lịch sử.
Nhắc lại hai sự kiện trên trong lịch sử trên đây, tôi lại nhớ đến những chuyện, dù xảy ra mới hơn nửa thế kỷ mà tôi được nghe và biết liên quan đến số phận dân tộc Việt Nam ta. Tôi xin đề cập một nhân vật đi vào lịch sử, biết rằng những người thân tính, có thể gia tộc hoặc người thân của ông ấy hiện còn có mặt trong cõi nhân sinh nầy, nhưng tôi vẫn phải nói lên cảm nhận của mình: đó là tướng Dương Văn Minh. Tôi biết tên ông là một trong những quân nhân cầm đầu cuộc đảo chánh lật đổ vị Tổng thống Đệ nhất cộng hoà Ngô Đình Diệm ngày 1 tháng 11 năm 1963, nhưng khi Tổng thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu bị giết chết (rạng sáng ngày mùng 2 tháng 11-1963), ông chẳng làm nên thành tích nào để đời cả. Nền đệ nhị cộng hoà, do những phức tạp khác mà dẫn đến hệ lụy năm 1975, tôi xin nhắc đến những ngày cuối cùng có sự xuất hiện của ông lần hai (xin được giao quyền Tổng Thống) rồi để đời câu nói lịch sử "buông súng đầu hàng vô điều kiện!". Sau Hiệp định Paris ký ngày 27 tháng giêng 1973, Mỹ lần lượt rút quân ra khỏi Việt Nam, viện trợ của Hoa Kỳ đã cắt giảm nhiều, trong đó vũ khí đạn dược trang bị cho quân lực ngày càng cạn kiệt, trong khi miền Bắc Việt Nam, Nga Sô và Trung Cộng tăng cường viện trợ, trang bị vũ khí đạn dược tối tân cho bộ đội để ào ạt chuyển quân vào đánh cướp miền Nam. Trên chính trường miền Nam, những thành phần chủ hoà, thân cộng... đã gây áp lực buộc Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức, Cụ Trần Văn Hương - Phó Tổng Thống theo Hiến pháp - lên thay chức Tổng Thống. Tôi xin nhắc lại chi tiết nầy, vì nghĩ rằng ai trong chúng ta cũng xem và nghe được trên đài truyền hình Sài Gòn. Cụ Trần Văn Hương kể: "Đại tướng Dương Văn Minh nói với tôi: "Thưa Thày, suốt cuộc đời Thày đã hy sanh vì dân vì nước nhiều rồi. Bây giờ thày hy sanh một lần nữa cũng chẳng sao. Thày giao chức Tổng Thống lại cho tôi". Cụ Hương trả lời: "Xin lỗi Đại Tướng, chức Tổng Thống do dân bầu ra chớ không phải là cái khăn mu-soa, một tờ giấy bạc trong tay tôi móc ra muốn trao ai thì trao nghe Đại tướng!". Dù nói khẳng khái như vậy, nhưng do áp lực của những người làm chánh trị trong Lưỡng Viện Quốc Hội, lúc 5 giờ chiều ngày 28 tháng 4 năm 1975 tại Hội trường Diên Hồng trong Dinh Độc Lập, với sự hiện diện của khoảng 200 người gồm đại diện Thượng và Hạ Viện, Tối Cao Pháp Viện, Giám Sát Viện và một số tổng bộ trưởng trong chánh phủ Nguyễn Bá Cẩn, và hàng trăm ký giả chứng kiến buổi lễ "trao quyền". Cụ Tổng Thống Trần Văn Hương đọc bài diễn văn cuối cùng "trao quyền" cho ông Dương Văn Minh, để rồi chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, ông đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Hãy nghe nhân chứng có mặt trong Dinh Độc Lập kể:
"Sau khi cựu TT Trần Văn Hương trở về chỗ ngồi, bục diễn đàn vẫn trống trơn. Dương Văn Minh vẫn ngồi yên không hề nhúc nhích. Một người lính tiến vào dưới hàng đèn phản chiếu và gỡ hai lá cờ đem ra khỏi phòng. Sau đó anh ta trở lại tháo gỡ quốc huy cũ của Việt Nam Cộng Hoà gắn trước bục diễn
đàn rồi một người lính khác mang đến gắn huy hiệu mới của Dương Văn Minh, đó là hình hoa mai năm cánh nằm trong dấu hiệu âm dương của người Trung Hoa, tượng trưng cho hai yếu tố đối nghịch tạo thành sự đồng nhất trong vũ trụ". Ông Dương Văn Minh chỉ đọc diễn văn mà không hề tuyên thệ. Như vậy, cho tháo gỡ hai lá quốc kỳ trước khi đọc diễn văn và không thèm tuyên thệ khi nhậm chức Tổng Thống VNCH, phải chăng ông Dương Văn Minh muốn gián tiếp nói với phe Cộng sản rằng ông ta đã xé bỏ bản Hiến Pháp năm 1967 của Việt Nam Cộng Hoà, không còn liên hệ gì đến chế độ Đệ Nhị Cộng Hoà nói riêng và cả lịch sử ba mươi năm chống lại Đảng Cộng sản Việt Nam để bảo vệ tự do cho những người Việt Nam không chịu sống chung với Cộng sản từ miền Bắc cho đến miền Nam sau này nói chung?"(**).
Vào lúc 10 giờ 24 phút sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, "Tổng Thống" Dương Văn Minh đã đọc nhật lệnh trên đài phát thanh Sài Gòn ra lệnh cho tất cả mọi quân nhân thuộc Quân Lực VNCH phải buông súng đầu hàng. Ông Dương Văn Minh tuyên bố như sau:
"Đường lối, chủ trương của chúng tôi là hoà giải và hoà hợp dân tộc để cứu sinh mạng đồng bào. Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hoà giải giữa người Việt Nam để khỏi phí phạm xương máu của người Việt Nam. Vì lẽ đó, tôi yêu cầu tất cả các anh em chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà hãy bình tĩnh ngưng nổ súng và ở đâu thì ở đó.
"Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam ngưng nổ súng, vì chúng tôi ở đây đang chờ gặp Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam để cùng nhau thảo luận lễ bàn giao chính quyền trong vòng trật tự, tránh sự đổ máu vô ích cho đồng bào".(**).
Lúc 12 giờ 15 trưa ngày 30-4, khi chiến xa mang số 879 của Lữ Đoàn Thiết Giáp 203 của quân đội Cộng sản Bắc Việt ủi sập hàng rào sắt tiến thẳng vào Dinh Độc Lập, "Tổng Thống" Dương Văn Minh thấy vị sĩ quan Cộng Sản đeo đầy sao vàng trên cầu vai nền đỏ, vì không biết cấp bậc của Quân đội Nhân Dân miền Bắc nên ông Minh tưởng rằng đang đứng trước một tướng lãnh cao cấp: "Thưa Quan Sáu, tôi đã chờ ông từ ban sáng để trao quyền cho ông". Viên sĩ quan Bắc Việt chỉ huy đoàn chiến xa nầy là Thượng Tá Bùi Tùng đã dùng danh từ "mày, tao" xẳng giọng hách dịch và đanh đá lên tiếng:
"Mày dám nói trao quyền hả? Mày chỉ là một kẻ cướp quyền và một bù nhìn. Mày làm gì có quyền nào để trao cho tao? Chúng tao lấy được quyền đó bằng khẩu súng này đây. Ngoài ra tao xác nhận với mày là tao không phải là tướng mà chỉ là một trung tá ủy viên chính trị của một đơn vị chiến xa. Kể từ bây giờ tao cấm mày không được ngồi xuống!" (**). [Đoạn trích trên đây được Trần Đông Phong tác giả cuốn VNCH Mười Ngày Cuối Cùng ghi chú ở cuối trang 362: "Dương Hiếu Nghĩa: "Hồi Ký Dang Dở", kể lại theo lời của Trung Tá Nguyễn Văn Binh, cựu Quận Trưởng Gò Vấp, cựu dân biểu, có mặt tại Dinh Độc Lập vào trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975 khi quân Bắc Việt chiếm Sài Gòn. Xuân Thời Luận, California 2004, trang 141 - CL ghi thêm].
Thế nhưng, chiều hôm đó bọn chúng không cho phép Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng tại Dinh Độc Lập tức là Phủ Tổng Thống VNCH mà áp giải đến đài phát thanh Sài Gòn để đọc lời kêu gọi như sau: "Tổng Thống chính quyền Sài Gòn kêu gọi Quân lực Việt Nam Cộng Hoà hạ vũ khí, đầu hàng vô điều kiện Quân Giải Phóng Miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn, từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn. Từ trung ương đến địa phương trao lại cho Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam".
Khác với hình ảnh và tư cách của ông Minh, tôi lại muốn đem so sánh đến hành xử và tư cách của một vị tướng khác mà tôi vừa đọc được bài viết của tác giả Lê Văn Hưởng. [xin mở ngoặc nhắc chi tiết: Sở dĩ tôi để ý đến vị tướng nầy, vì thời ông làm Tỉnh Trưởng Phong Dinh thì tôi là học sinh trường trung học Phan Thanh Giản, từng được lãnh thưởng danh sự của Tổng thống Ngô Đình Diệm và của Tỉnh trưởng tặng mỗi cuối năm học. Khi miền Nam bị cộng sản cưỡng chiếm thì ông là Thiếu Tướng, còn tôi chỉ là Trung Úy biệt phái ngoại ngạch, cùng lúc ra trình diện tại Quân trấn Cần Thơ trên đường Ngô Quyền (đối diện trường Nữ tiểu học). Tôi nhớ khoảng hơn 9 giờ sáng ngày 5 tháng 5 năm 1975, những quân nhân chúng tôi gồm Thiếu tướng Trần Bá Di (vừa mới chết tại Florida), Đại Tá Bùi Quang Hiền (phụ tá Tư lệnh Quân đoàn - đặc trách Nhân Dân Tự Vệ QĐ IV - quân khu 4 - đã chết), Thiếu Tá Nguyễn Ngọc Lựu (phụ tá Tỉnh Thị Trưởng - đặc trách Nhân Dân Tự Vệ tỉnh Phong Dinh và thị xã Cần Thơ - đã chết), Đại Úy Huỳnh Quang Toản (Trưởng Ty Nhân Dân Tự Vệ tỉnh Phong Dinh - ông là anh em bạn rể với hai tướng Đặng Văn Quang và Nguyễn Xuân Trang - đã chết trong trại tù ở Cù lao Dung), Trung Úy Huỳnh Long Nhựt (Trưởng Ban Kế hoạch phòng NDTV thị xã Cần Thơ - không biết tin), Trung Úy Lư Hinh (Trưởng Ban Tuyên Huấn phòng NDTV thị xã Cần Thơ - Calgary Canada) và tôi - Trung Úy biệt phái ngoại ngạch - phụ trách Trưởng Ban Tuyên Huấn kiêm Kế Hoạch ty NDTV tỉnh Phong Dinh. Đóng ngoặc].
Xin phép tác giả Lê Văn Hưởng cho tôi đưa trọn bài viết ngắn "Ông Lão Bán Kem" được ghi chú thời gian năm 1994 tại địa điểm khu giải trí Splendid China, Orlando để giới thiệu cùng bạn đọc trang sổ tay.
"Trời nắng chang chang, với cái nóng nung người của tiểu bang Florida vào mùa hè lối 90 độ F (32 độ C). Trước cửa tiệm bán hàng lưu niệm (Gift Shop) đông người, một ông lão người Việt Nam đứng bán kem cho du khách. Xe bán kem có hình dáng như cái thùng vuông dài, bên ngoài có sơn chữ và hình vẽ mấy bịch kem đông lạnh. Khách khá đông, ông tươi cười với mọi người. Cách đó không xa, một du khách Việt Nam khác, đứng tuổi, nhìn ông bán kem một cách chăm chú, nghĩ mình đang gặp lại một người quen biết từ khi còn ở quê nhà mấy mươi năm về trước. Khách lạ bước đến gần xe kem trong khi ông bán hàng đang bận rộn với khách. Nhìn bảng tên gắn trên áo ông lão bán kem, khách lạ mừng thầm vì đúng tên người mình quen biết. - Chà! "Tha hương ngộ cố tri", còn gì quý cho bằng? - ông suy nghĩ. Đợi đến khi xe kem vắng khách, người khách lạ lên tiếng: - Xin lỗi ông, có phải khi xưa ông làm tỉnh trưởng tỉnh Cần Thơ không? Ông bán kem giật mình, phản ứng ngay: - Không phải đâu, chắc ông lầm người rồi! Người khách lạ "cụt hứng" rồi tự trách: - Mình hấp tấp quá, không lẽ khi xưa ông làm tỉnh trưởng, giờ nầy lại đứng ở đây? Suy tới suy lui, khách lạ chưa chịu thua, nghĩ thầm: - Rõ ràng tên ông trên thẻ trước ngực, sao lầm được? Dáng vóc cũng cao ráo như xưa, nét mặt, cũng vậy, tuy phong trần hơn trước? Khách lạ trở lại ông lão bán kem: - Thưa ông, tôi không lầm đâu, tôi nhớ ơn ông lắm, nhờ ông mà anh em nhà thầu chúng tôi làm ăn rất thoải mái dưới thời ông về làm đầu tỉnh Cần Thơ. Thấy người khách lạ quả quyết, ông bán kem mỉm cười: - Đúng là tôi, nhưng đó là chuyện xa xưa rồi, nhắc làm gì? Từ đó, người khách lạ kết thân với ông bán kem, vì thương mến một công bộc liêm chính mà giờ này sa cơ thất thế. Trong mấy lần gặp gỡ sau đó tại tiệm ăn ngoài Splendid China, khách lạ tâm tình với ông bán kem: - Em thường đấu thầu xây cất cho tỉnh, đời mấy ông tỉnh trước, tụi em gặp khó khăn nhiều, nhưng từ khi ông về làm tỉnh trưởng mấy năm 63 tới 65, tụi em dễ thở hơn nhiều, người nào làm đúng luật lệ thì được trúng thầu, tụi em làm ăn thoải mái, bởi vậy, tụi em nhớ ơn ông hoài... Gặp người tri kỷ, ông lão bán kem thổ lộ: - Tôi có giúp gì ông đâu, đó chẳng qua là nhiệm vụ của tôi thôi. Tổng Thống tín nhiệm tôi, giao chức vụ tỉnh trưởng là để tôi lo an ninh cho người dân, công tác chánh của tôi là về mặt quân sự, dẹp CS quấy rối đồng bào. Dưới quyền tôi, có ông phó tỉnh trưởng dân sự, mọi việc về hành chánh, tôi giao cho ông phó làm hết, nhưng tôi có đặt tiêu chuẩn làm việc, là phải hết sức liêm chánh, không được ăn lối lộ hay có hành vi tham nhũng, v. v... thì ta mới được lòng dân. Trong thời gian ông bán kem tại khu giải trí SC, cũng có một số du khách người Việt Nam nhận ra ông, tỏ lòng thương mến, "tội nghiệp" ông. Ông khẳng khái trả lời: - Cám ơn quý vị đã còn nhớ tới tôi, có cảm tình với tôi nhưng xin quý vị đừng tỏ ra tội nghiệp cho tôi, tôi không thích như thế. Có gì đáng phải tội nghiệp đâu? cộng sản nhốt tôi, giam cầm mấy mươi năm tù, ra được xứ tự do, làm nghề gì đi nữa, miễn chính đáng, vẫn còn sướng hơn ở với CS mà! Nhắc đến việc CS giam cầm, ông nhấn mạnh: - Không nên dùng chữ "tù cải tạo" đối với chúng tôi, nhà tù CS là nơi chúng hành hạ, trả thù, hạ nhục người Quốc Gia, tù là tù chớ không có "cải tạo" gì hết. Ông bán kem trong khu giải trí Splendid China nói trên là cựu Thiếu Tướng Trần Bá Di. Vinh danh một bậc đàn anh gương mẫu.
Bài viết ngắn hôm nay chỉ nêu vài sự kiện nổi bật, chớ không thể nói lên hết sự nghiệp to lớn của ông trên chiến trường. Lúc còn là tỉnh trưởng Cần Thơ, cấp bực ông là Thiếu Tá, sau lên Trung Tá. Ông nổi tiếng trong các trận đánh như sau: - Giải tỏa tỉnh Vĩnh Long trong Tết Mậu Thân 1968. Sự việc diễn tiến như dưới đây: Gần Tết Mậu Thân, (tháng 1/1968), hai ông đầu tỉnh là Trung Tá Nguyễn Ngọc Diệp và Phụ Tá đi hành quân. Trên đường về, hai ông bị VC phục kích và bị thương, phải chở vào bệnh viện điều trị. Tỉnh Vĩnh Long như rắn không đầu. Thiếu Tướng Lâm Quang Thi, Tư Lệnh Sư Đoàn 9, chỉ định Thiếu Tá Dương Hiếu Nghĩa tạm thời phòng thủ Vĩnh Long. Khi tiếng súng Tết Mậu Thân bùng nổ, Thiếu Tá Nghĩa đã về Sài Gòn thăm gia đình và bị kẹt lại đó. Tướng Thi chỉ thị Đại Tá Trần Bá Di, đang là Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 9, vào Vĩnh Long để nghiên cứu tình hình và đối phó với Việt Cộng. Vào chiều tối, một mình với máy truyền tin trên lưng, ông được trực thăng chở đi, dự định đáp vào khuôn viên của tỉnh, nhưng trực thăng bị VC bắn rát quá, phải thả ông tại cầu tàu, rồi từ đó, ông chạy bộ vài chục bước vào được dinh tỉnh trưởng. Tại đây, ông bắt đầu liên lạc với các đơn vị chiến đấu để lo việc phòng thủ, chỉ dẫn trực thăng, pháo binh... bắn vào các điểm tập trung của VC. Nhưng VC vẫn cầm cự, quyết tâm đánh úp tỉnh lỵ, ông phải xin tướng Thi cho tăng viện, nhờ vậy, mấy ngày sau, một Trung Đoàn của ta mở đường tiến vào căn cứ của tỉnh. Sau cùng, ông chỉ huy phá tan lực lượng VC, chúng bị giết hay đầu hàng gần hết. - Trận đánh vào đất Miên, danh ông càng nổi lên năm 1970, khi ông làm Tư Lệnh Sư Đoàn 9 Bộ Binh đánh vào mật khu Ba Thu của VC trên đất Miên (tỉnh Tà Keo), phá hủy cơ sở của chúng, tịch thu vô số chiến lợi phẩm... Ngoài ra, quân ta còn tìm thấy nhiều nhà in và máy in tiền của Mặt Trận Giải Phóng, tiền này chúng tính đem ra thay thế tiền VNCH nếu chúng thắng Miền Nam năm 1968. Ông được thăng cấp đặc biệt tại mặt trận này. Anh hùng sa cơ. Đến năm 1975, khi VC vào chiếm miền Nam, chúng bắt ông và đày ải vào các trại tù trong hơn 17 năm trời. Hai năm sau khi VC thả, ông qua Mỹ năm 1993 theo diện HO (Humanitarian Operation: Chương trình định cư tại Mỹ dành cho người bị CS giam cầm sau 1975). Ba tháng sau khi hoàn tất thủ tục nhập cư, y tế, bằng lái xe, ông bắt đầu đi làm tại hãng Dobbs, hãng chuyên cung cấp thức ăn cho hành khách trên máy bay. Làm việc tại đây hơn 6 tháng, ông qua khu du lịch Splendid China như có nói trên. Thời gian sau, ông xin vào làm tại Disney World với nhiệm vụ "trưng bày hàng lên kệ" (floor stacker). Ông làm việc tại đây trong 12 năm trời, từ 1999 đến 2011, chỉ thôi việc vì bị đau nhức vào tuổi 80. Tổng cộng thời gian làm việc tại Dobbs, Splendid China và Disney World, ông đã đóng thuế Liên Bang Hoa Kỳ 18 năm, quá tiêu chuẩn 10 năm để được tiền hưu. Có lần, một giám thị ở Disney World khuyên ông: - "You" lớn tuổi rồi, sao "you" không ở nhà nghỉ cho khỏe? - Tuy tuổi đã cao nhưng sức khỏe còn tốt là tôi không nghỉ!- ông đáp ngay. Cũng có người thấy ông cao tuổi, hỏi ông: - Cụ đi làm chi cho khổ, ở nhà lãnh tiền trợ cấp có sướng hơn không? Câu trả lời: - Tôi không "chơi" mấy thứ đó. Tôi rất tự hào không "ăn" một ngày tiền an sinh xã hội, tiền già, tiền tàn tật... Đối với anh em chúng tôi ở tù CS, người Mỹ dành một chương trình đặc biệt để đem chúng tôi đến xứ tự do, hưởng được cuộc sống an toàn trong công bằng, chừng đó thôi đủ để mình biết ơn chính phủ và nhân dân Hoa kỳ rồi, vì lẽ đó, tôi không muốn ngồi chơi để lãnh tiền cấp dưỡng, tạo thêm gánh nặng xã hội cho đất nước này trong khi tay chân còn lành lặn, còn đủ sức khỏe để đi làm.
Theo trên, tướng Trần Bá Di là một người rất đặc biệt. Khi còn trong Quân Đội, ông là một công bộc liêm chính, một cấp chỉ huy tài ba, gan dạ, bình dân, yêu thương lính. Đến tuổi cao niên, ông vẫn giữ khí phách của một người hùng. Thiếu Tá Nguyễn Kim Sơn, cựu Chỉ Huy Trưởng Pháo Binh Sư Đoàn 9 Bộ Binh, từng làm việc dưới quyền của tướng Trần Bá Di, có viết trong tuyển tập "Cái Chết Của Một Dòng Sông" như sau: "Thiếu Tướng Trần Bá Di có tấm lòng hiền hòa đức độ nên được thuộc cấp kính trọng và thương mến. Ngày ông rời khỏi Sư Đoàn 9 Bộ Binh, quân dân tỉnh Vĩnh Long đã giăng biểu ngữ khắp đường phố trong tỉnh lỵ để tỏ lòng thương mến và luyến tiếc ông". Mặt khác, trong phúc trình 6 trang giấy gởi về chánh phủ Hòa Kỳ ngày 5 tháng 12 năm 1973, Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Graham Martin, có ca ngợi cuộc đời và binh nghiệp của tướng Trần Bá Di trải qua mấy mươi năm chỉ huy các đơn vị tác chiến trên chiến trường miền Nam, từ cấp Trung Đội, Đại Đội, Tiểu Đoàn, Trung Đoàn, đến Sư Đoàn... Nhắc đến sự liêm chính của tướng Di, phúc trình của Đại Sứ Martin có ghi một đoạn như sau: "Gia đình có 4 con, ba trai một gái từ 17 đến 8 tuổi. Báo cáo cho biết là gia đình ông sống bằng lương bổng nhà binh của ông và không có ghi nhận hành vi tham nhũng nào của ông hay của phu nhân ông". Nguyên văn Anh văn như sau: "They have four children, three boys and a girl from 17 to 8. The Di's reportedly live on his military income and there has been no mention of corrupt activities on his or his wife part". Tài liệu trên được chánh phủ Hoa Kỳ giải mật ngày 13 tháng 8, năm 2009. Thiếu Tướng Trần Bá Di mất ngày 23 tháng Ba, năm 2018, tại Orlando, Florida, hưởng thọ 87 tuổi. Người đời có câu: "Hùm chết để da, người ta chết để tiếng", Tướng Trần Bá Di ra đi để lại danh thơm muôn đời!
Tôi đã dài dòng như trên để muốn gợi lại một chi tiết quan trọng khác, mà một nhân vật cũng là tướng lãnh quân lực VNCH, theo tôi thật xứng đáng được đời đời nhắc nhở và thương kính (dù biết rằng cũng có nhiều người chỉ trích ông), đó là cố Trung Tướng - cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Câu nói để đời trong lịch sử: "Đừng tin đừng ghe những gì Cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng sản làm". Với riêng tôi, tôi rất tâm đắc câu nói nầy, và rất kính phục khi đọc lại, nghe lại bài nói chuyện của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ngày 24 tháng 10 năm 1972, trước khi Việt Nam Cộng Hoà bị áp lực buộc phải ký vào Hiệp định Paris 1973. Xin trích như sau:
"Tôi thiết tha kêu gọi những ai, ở miền Nam này, đang ăn cơm miền Nam, đang thở không khí miền Nam, đang được sự che chở của xương máu Dân Quân miền Nam, mà đến ngày nay, còn âm thầm tiếp tay với Cộng sản, còn lén lút đi đêm với Thực dân, Ngụy hòa, còn tính đâm sau lưng chiến sĩ đồng bào... Tôi kêu gọi lương tri của mấy người, vì đất nước, vì dân tộc, hãy dừng chân lại, hãy dừng tay lại, hãy từ bỏ ý định đó đi mà cùng với 17 triệu rưỡi Dân Quân miền Nam chiến đấu chống kẻ thù Cộng sản. Tôi kêu gọi mấy người hãy suy nghĩ, nếu thích Cộng sản thì hãy có can đảm ra ngoài Bắc ở với Cộng sản, như vậy Cộng sản còn ít khinh rẻ mấy người hơn là làm tay sai cho chúng ở miền Nam này.
Có thể không ai ở miền Nam tự do này giết mấy người đâu, nhưng chính Cộng sản sẽ giết mấy người.
Mấy người nếu muốn có tên trong lịch sử, thì cũng có hai lối có tên trong lịch sử. Một đàng khi nhắc đến, thì toàn dân cúi đầu khâm phục, con cháu lại ngẩng đầu lên hãnh diện. Một đàng khác, khi nhắc đến, thì toàn dân ngẩng đầu lên nguyền rủa, còn con cháu mấy người lại cúi đầu tủi nhục. Tôi chắc mấy người sẽ được lịch sử ghi tên vào hạng thứ hai này.
Nếu mấy người không cầm súng xông pha lửa đạn để chiến đấu, nếu không làm được một việc gì hữu ích cho hậu phương thì mấy người đừng làm gì hại dân bán nước.
Một hành động ngu xuẩn, phản bội Tổ Quốc, Chiến Sĩ và Nhân Dân, dù có gạt được ai 5, 3 tháng, 5, 3 năm, rồi cũng sẽ bị lịch sử lôi ra chứng minh và cũng sẽ bị trừng trị nghiêm khắc. Họ là những kẻ góp phần lớn vào sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa. Họ không ngừng cực lực lên án chính phủ Quốc gia và không ngừng xuống đường liên tục với đủ sắc áo màu cờ nhân danh phản chiến và hòa bình. Những chiến sĩ VNCH hy sinh biết bao xương máu ngoài mặt trận trong suốt 21 năm trời để bảo vệ hậu phương cho họ tự do lợi dụng và khai thác thể chế dân chủ và tự do để gây rối loạn ở hậu phương. Vô tình hay hữu ý hay thơ ngây, họ trở thành ngọn giáo nối dài của Cộng sản đâm vào hậu phương từng nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ họ và gia đình. Họ là những sinh viên, trí thức, văn nghệ sĩ, chính trị gia, tu sĩ, và thành phần thứ ba ở miền Nam.
Những kẻ phản chiến và ngụy hòa này, tức những kẻ đối lập cửa trước rước giặc cửa sau vì, xét cho cùng, trung lập trong chiến tranh chính là bạn của kẻ thù. Nhưng cuối cùng khi cuộc chiến tàn, họ bị Cộng sản bỏ rơi, coi thường, hay cả bị tù đày. Họ chính là những kẻ mà Lenin đặt tên là "những kẻ ngu xuẩn có ích" cho cộng sản. Họ hiện diện thường xuyên trên các đường phố ở miền Nam và Mỹ kêu gọi hòa bình mà thực tế mở đường cho cuộc chiến tranh mới không tiếng súng nhưng tàn ác gấp bội lần".
Cựu Tổng Thống từ chức Nguyễn Văn Thiệu đã ra người thiên cổ, nhưng qua lời phát biểu trên rất hay và chính xác; câu nói để đời của ông nhân định về cộng sản với cái nhìn cùng sự hiểu biết rất đáng khâm phục, nghĩ rằng những người viết lịch sử chân chính không nên bỏ qua. Cũng như tác giả Lê Văn Hưởng đã viết: Người đời có câu: "Hùm chết để da, người ta chết để tiếng", Tướng Trần Bá Di ra đi để lại danh thơm muôn đời! Tôi nghĩ, cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và các vị tướng lãnh, quân nhân các cấp dũng cảm tuẫn tiết khi nghe Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, dù chết đi cũng đã để lại danh thơm muôn đời.
CHÂU LÊ
[(*) Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam của Nguyễn Quyết Thắng - Nguyễn Bá Thế - NXB Khoa Học Xã Hội 1992, bản in lần thứ 2, tr 330 và tr 866)
(**) Việt Nam Cộng Hoà, Mười Ngày Cuối Cùng của Trần Đông Phong - S Nam Việt 2006
_________________________
THƠ HUYỀN VÂN THANH
BÓNG THỜI GIAN
* kính nhớ Thầy Cô và bạn học năm xưa
* riêng tặng học trò già HTT với "bộ tự điển kỷ niệm vô giá"
Đầu năm lục lại chồng ảnh cũ
Chợt thấy lòng nghe nỗi ngậm ngùi
Những bạn, những Thầy Cô buổi trước
Dậy lên thương cảm nhớ khôn nguôi.
Có thể giờ nầy nơi chụp ảnh
Còn ai chạnh nhớ chỗ ngồi xưa
Còn ai điểm lại người bên cạnh
Để nhắc nhau kỷ niệm sớm trưa.
Nhớ mặt quên tên sao tránh khỏi
Thời gian mòn xoáy trí con người
Nếu chưa lẫn lộn quanh cuộc sống
Diễm phúc nào hơn một kiếp đời.
Bao nhiêu chuyện cũ về trong trí
Thoáng hiện... dường như mới thuở nào
Cái tuổi học trò nhiều mộng mị
Xa vời như một giấc chiêm bao.
Ảnh cũ người xưa nhoà sắc nét
Thầy Cô đứng giữa học trò yêu
Bạn bè hoan hỉ vui ra mặt
Đọng lại niềm thương đẹp mỹ miều.
Nhớ lắm một thời thơ mộng cũ
Giờ đây khép chặt bóng thời gian
Kẻ còn người mất đời rêu phủ
Muôn kiếp mờ phai giữa dặm ngàn.
10-15-2013
HUYỀN VÂN THANH
(Về Nguồn - Tây Đô)
Nhân 1 bạn đồng lớp vừa mới ra đi, cùng nhìn lại những người Đệ Thất D 60-61:
LẠI NHỚ BẠN
LỚP ĐỆ THẤT "D" NĂM XƯA
Lê Hoàng Viện
(CHS PTG (1960 - 1968)
Hôm nay là ngày 31 tháng 12 năm 2006, thời hạn cuối nhận bài cho đặc san 12 PTG & ĐTĐ, nhìn số bài gởi về tôi rất vui, vì thầy cô và đồng môn đã dành nhiều tình cảm cho BBT. Nhưng có một bao thư của đồng môn ở Watertown MA gởi, tôi nhớ có 12 tấm ảnh mà bị thất lạc không có trong số bài nầy, bởi chị gởi rất sớm, gởi ngay sau khi dự đại hội X ở Hoa Thịnh Đốn về. Gần cả ngày bỏ công tìm kiếm, sau cùng mới nhớ ra là vì sợ bị mất số ảnh quý báu đó nên tôi đã cất vào hồ sơ riêng của gia đình để mang theo khi phòng chống bão lụt. Nhờ lục tìm như vậy mà chợt nhiên trong tâm trí tôi lại hiện lên hình ảnh bạn bè cùng trường rồi cùng lớp của thời Trung học Phan Thanh Giản trong một ký ức thật xa vời. Tôi nhớ Kiều Tâm Khánh Lê Công Sinh với bài thơ 16, 17, 18, 19 đăng trong giai phẩm Phan Thanh Giản số đầu tiên năm Giáp Thìn 1964 mà trong số báo đó tôi có bài viết ngắn "Nếu Tôi Còn" ký tên Huyền Vân Thanh và bài thơ Bâng Khuâng ký tên Trang Yến Linh. Anh Lê Công Sinh đã chết rồi!. Tôi nhớ Hồ Trung Thành với bài viết vui "Tự điển bỏ túi" cũng trên giai phẩm đó, rất "ăn khách" nên năm sau anh viết "Lá Số Tử Vi", để rồi anh rời trường, tôi phải mở mục "Gỡ Rối Tơ Lòng... Thòng" với tên Bác Tú Dại để các bạn "giới thiệu" khi dẫn các đoàn đi bán giai phẩm ở trường bạn. Tôi nhớ bạn Nguyên Thy, bây giờ là BS Đặng Hiếu Nghĩa ở California lúc cùng làm nguyệt san Triều Sống Xanh của trường; nhớ Phương Mai Yên với bài thơ "Lời tỏ bày của nhân chứng" bây giờ là Hàn Văn Lâm Văn Yến ở Bắc Cali; nhớ Ngô Hiếu Chí lúc cùng viết bài "Chất Dương" trong giai phẩm xuân năm Đệ Nhất B1 (1966-1967) mang tên chung là "Nhóm Đại Khoa Học Gia"; nhớ Đoàn Ngọc Tấn với bút hiệu Đoàn Kim Sắc lúc mới vô Phan Thanh Giản, chúng tôi tập tễnh làm thơ trong nhóm Ái Hữu của Lại Minh Tâm; nhớ Dương Huỳnh Long và nhóm bạn nửa đêm tụ lại "chòm mả" trong hẻm 2A Pasteur để chơi "cầu cơ" mà cầu hoài chẳng thấy tăm hơi gì! (dù đã tìm cách làm cơ bằng "ván hòm tại nghĩa địa mà người ta vừa lấy cốt".... Nhớ đủ thứ lúc ngồi soạn tìm bao thư đựng ảnh cho đặc san chẳng có lớp lang gì giống như trong một giấc mơ chập chờn. Chợt nhiên tôi lại nhớ cả nguyên một lớp Đệ Thất D niên học 1960-1961, năm đó lớp học bên khu Đệ Nhất cấp (Trường Đoàn Thị Điểm sau nầy), từ ngoài cổng nhìn vào là dãy lầu nằm ngang, bước lên nhiều bậc cầu thang bằng gỗ phía nhà vệ sinh, tới lầu rẽ phải phòng số 4. Rồi tôi lại "lẩn thẩn" làm thơ theo cách của anh Cao Thanh Tùng. Tôi viết TÊN, HỌ và CHỮ LÓT của các bạn nhưng chẳng hiểu có đầy đủ chưa đây? Bài thơ không phải đường luật, mà bài thơ có tới 12 câu như sau:
NHỚ BẠN LỚP ĐỆ THẤT "D" NĂM XƯA
* gởi các bạn thân mến của tôi
Ẩn Bảo Bằng Bình Bảy Chí (1, 2) Dung
Điền Hai Lập Nghiệp Hiếu Tăng Nhung
Nguyên Thành Tuấn Nghĩa Sanh Tâm (1)Trạng
Viện Tiếp Vinh Môn Hiệp (1, 2) Phúc Trung
Tỷ Tấn Tư Thanh Tây Trí Tỏ
Viễn Long (1) Thịnh Thiệt Thạnh Sơn Hùng (1)
Phước Long (2) Phú Lợi Tâm (2) Măng Tiễng
Ngọc Thái Quan Công Đức Hữu Trung
Minh Tấn Huỳnh Thiên Hoàng Hồng Việt
Hồng Thanh Thành Phước Hiếu Lê Hùng (2)
Lại Trương Đào Đặng Tô Huỳnh Phạm
Dương Nguyễn Trần Ngô Lý Đỗ Ung.
Xin chú thích:
-
Các chữ viết Hoa đậm nét là TÊN (51 bạn, hình như còn thiếu hai hay bốn bạn mà tôi cố nhớ mãi không ra).
-
Các chữ viết xiên là CHỮ LÓT (trong số 51 bạn trên đây chỉ có 19 chữ lót)
-
Các chữ viết Hoa thường là HỌ (trong 51 bạn lớp Đệ Thất D có 18 họ)
-
Số trong ngoặc đơn (..) là chỉ các bạn trùng tên khác họ.
CÂU 1:
Nguyễn Ngọc Ẩn (ở Cần Thơ)
Nguyễn Thái Bảo (bán tạp hoá ở Cần Thơ)
Nguyễn Văn Bằng (ở Bình Minh)
Nguyễn Trung Bình (không biết tin)
Đổ Văn Bảy (ở Cần Thơ)
Ngô Hiếu Chí (1) (ở San Jose)
Phạm Văn Chí (2) (làm ruộng ở Mỹ Khánh Cần Thơ)
Huỳnh Trung Dung (ở Canada) [ vừa qua đời 8:00 sáng ngày 9 tháng 3-2018]
CÂU 2:
Nguyễn Hữu Điền (Cầu Trắng - Phụng Hiệp)
Nguyễn Văn Hai (không biết tin)
Nguyễn Thành Lập (không biết tin)
Đào Công Nghiệp (trường Đại học Cần Thơ)
Nguyễn Văn Hiếu (Thợ May ở Rạch Gòi Cần Thơ) [đã qua đời năm 2016]
Huỳnh Phước Tăng (đi lính Quân Cảnh - chết)
Nguyễn Văn Nhung (ở chợ Ô Môn Cần Thơ)
CÂU 3:
Huỳnh Ngọc Nguyên (ở Chicago USA)
Nguyễn Văn Thành (tu ở chùa Nam Nhã ở Bình Thủy CT)
Dương Anh Tuấn (đã chết trước 1975 ở Cần Thơ)
Nguyễn Văn Nghĩa (không biết tin)
Đặng Thái Sanh (bỏ lớp Đệ Lục D theo VC - chết)
Nguyễn Văn Tâm (1) (không biết tin)
Trần Trung Trạng (tu sĩ ở Sa Đéc)
CÂU 4:
Lê Hoàng Viện (ở Houston Texas)
Trần Thanh Tiếp (ở Virgina)
Lý Vinh (không biết tin)
Nguyễn Văn Môn (chết)
Nguyễn Đức Hiệp (1) (chết); Tô Thái Hiệp (2) (bỏ lớp Đệ lục D theo VC chết)
Lại Hồng Phúc (ở Cầu Trắng Cần Thơ)
Trần Thanh Trung (ở Melbourne VIC - Úc Châu)
CÂU 5:
Trần Tỷ (ở Canberra ACT - Úc Châu)
Đoàn Ngọc Tấn (ở San Jose California)
Trương Quan Tư (Con thầy Trương Quan Liêm ở Cần Thơ ?)
Lê Văn Thanh (không biết tin)
Đỗ Thành Tây (tự sát sau năn 1975)
Nguyễn Hữu Trí (không biết tin)
Trương Văn Tỏ (ở Thới Lai Cần Thơ)
CÂU 6:
Lương Minh Viễn (ở Louisiana)
Dương Huỳnh Long (1) (ở Vancouver Canada)
Trương Văn Thịnh (không biết tin)
Lê Văn Thiệt (không biết tin)
Ung Tấn Thạnh (San Jose)
Nguyễn Văn Sơn (ở Hawaii)
Hồng Việt Hùng (thương phế binh cụt chân, ở VN) [chết]
CÂU 7:
Nguyễn Hữu Phước (không biết tin)
Nguyễn Minh Long (2) (chết)
Đặng Thiên Phú (ở Nam California)
Lý Lợi (không biết tin)
Nguyễn Thành Tâm (2) (không biết tin)
Huỳnh Văn Măng (ở Cần Thơ, có lúc vấn thuốc lá lẻ vô bao để bán)
Nguyễn Thành Tiễng (chết)
CÂU 8:
Chữ lót Ngọc
Chữ lót Thái
Chữ lót Quan
Chữ lót Công
Chữ lót Đức
Chữ lót Hữu
Chữ lót Trung
CÂU 9:
Chữ lót Minh
Chữ lót Tấn
Chữ lót Huỳnh
Chữ lót Thiên
Chữ lót Hoàng
Chữ lót Hồng
Chữ lót Việt
CÂU 10:
Họ Hồng
Chữ lót Thanh
Chữ lót Thành
Chữ lót Phước
Chữ lót Hiếu
Họ Lê
Lê Văn Hùng (chạy xe lôi ở Cần Thơ)
CÂU 11:
Họ Lại
Họ Trương
Họ Đào
Họ Đặng
Họ Tô
Họ Huỳnh
Họ Phạm
CÂU 12:
Họ Dương
Họ Nguyễn
Họ Trần
Họ Ngô
Họ Lý
Họ Đỗ
Họ Ung
(thiếu 1 chữ lót Văn trong bài thơ, là chữ lót nhiều nhất trong lớp, và chữ lót Anh chỉ có 1. Mong các bạn có chữ lót nầy thông cảm tác giả, vì bài thơ chỉ có 84 chữ mà thôi. Chữ Văn, chữ Anh nếu dùng thì nó là chữ thứ 86.)
Houston, ngày 31 tháng 12 năm 2006
Cập nhật và sửa chi tiết ngày 11 tháng 3 năm 2018
LHV
_________________________________________
LÊ CẦN THƠ
(Houston - Texas)
THẦY ƠI...
XIN GỞI "LỜI XIN LỖI MUỘN"
Tôi lặng người nghe điện thoại báo tin
"Mười lăm phút nữa... Thầy Trường sẽ được rút ống"
Mười lăm phút nữa Thầy sẽ giã từ cuộc sống (*)
Sẽ xa rời mọi vướng bận kiếp nhân sinh...
Vừa đậu xe vào driveway chưa kịp tắt máy thì điện thoại reo. Bên kia đầu dây anh Trần Bang Thạch hỏi tôi "có biết tin gì chưa?". Tôi hỏi anh "tin gì?". "Mười lăm phút nữa Thầy Trường sẽ được rút ống". Tôi lặng người ngồi yên hằng mấy phút, thoáng trong đầu mấy câu chữ trên đây... rồi tắt máy xe và lầm lủi bước vào nhà định viết tiếp những dòng chữ về người Thầy (dù tôi chưa học một giờ nào trong trường học với Thầy) mà tôi hằng thương kính khi tiếp xúc ngoài đời ở hải ngoại - cụ thể từ khi được gặp Thầy trong sinh hoạt gia đình Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm tại Houston Texas khởi đầu từ những ngày gần cuối năm 1995 cho đến bây giờ. Vậy mà từ khi được tin cho đến suốt ngày hôm đó (3 tháng 01-2018) tôi không viết thêm được dòng chữ nào, bởi ngồi trước máy, trong đầu cứ dồn dập thoáng hiện hình ảnh của Thầy, hết lần họp mặt nầy đến lần họp mặt khác suốt hơn hai mươi hai năm qua, đan xen không lớp lang, không trật tự nào hết. Khi thì trong buổi họp một nhóm anh chị cựu học sinh tại nhà hàng Mekong hay nhà riêng của anh chị Lương Minh Khóa, nhà hàng Kim Sơn, Ocean Palace, tiệm ăn trong khu chợ Lê Lai, tại nhà Thầy Cô, tại nhà anh chị Đạt - Bích, anh chị Danh - Nguyệt, anh chị Trang - Hoa, anh chị Nghi - Thơ, anh chị Tuấn - Thu Nguyệt, GS Đặng Xiếu, anh chị Tước - Hương, anh chị Hạnh - Phước, anh chị Thoại - Sương v.v..., tại địa điểm họp mặt đông đảo Club House 9600 Keegan wood vùng South west Houston..., tại điểm sinh hoạt Duy Thành 8 trong khu Downtown, trong các lần đại hội thế giới khắp nơi ở hải ngoại. Đại hội lần đầu năm 1997 tại tửu lầu Kim Sơn Downtown Houston, chợt nhiên tôi nhớ rất rõ Thầy đã được Ban Tổ Chức và nhóm thực hiện giai phẩm số 2 kỷ niệm 80 năm thành lập Trường, mời lên giới thiệu phát hành cuốn báo một cách bất ngờ... khiến Thầy xúc động, vui cười giơ cao cuốn giai phẩm mà đôi mắt Thầy long lanh ngấn lệ!. Rồi có lúc nhớ hình ảnh của Thầy và Thầy Hồ Văn Chiếu phát hành đặc san số 9 trong Đại hội thứ VIII-2004 tại Phoenix Arizona và hình ảnh Thầy đang ngắm thắng cảnh du ngoạn Grand Cayon. Thấp thoáng thấy hình ảnh Thầy, đôi khi cùng Cô dự các bữa cơm hàng tháng của gia đình PTGĐTĐ Houston, lần nào không thấy hiền thê tôi, Thầy đều hỏi "Sao chị không đi? Kỳ rồi đọc bài Diễm Phượng trong Văn Hoá Việt Nam, nhà tôi nhắc chị hoài!." Mới đây hình ảnh Thầy sừng sững lên diễn đàn đọc lời chào mừng trước 756 Thầy Cô và đồng môn về tham dự Đại hội XXI-2017 tại Houston Texas... Các lần sinh hoạt của Hội Giáo Chức Houston mà tôi có dịp may tham dự, nghe Thầy thuyết trình đề tài chọn lọc cũng thoáng hiện lên trong tâm trí mình.
Ảnh: "Thầy xúc động, vui cười giơ cao cuốn giai phẩm mà đôi mắt Thầy long lanh ngấn lệ!"
Thầy Nguyễn Văn Trường cũng là một trong ba người cộng tác đặc biệt từ ban đầu với tạp chí VĂN HOÁ VIỆT NAM tại Houston Texas phát hành số đầu tiên mùa Hè 1998 cho đến hôm nay, là nhà văn Hương Giang Thái Văn Kiểm ở Pháp, BS Nguyễn Lưu Viên ở Virginia (đều đã qua đời). Tạp chí VHVN số 80 - mùa Xuân 2018 với bài viết mà tôi đã dàn trang xong trong lúc Thầy còn khoẻ mạnh, Thầy nói với tôi "bài viết nầy đã sửa chữa bổ sung đầy đủ hơn lúc nói chuyện buổi họp mặt tưởng nhớ anh Võ Văn Nghi do chị Thơ tổ chức hôm đó:"AI ĐIẾU TƯỞNG NHƠ BA NGƯỜI BẠN... ". Không ngờ đây là bài viết sau cùng mà Thầy Trường đã trao cho tôi để in trong VHVN. Có thể tôi sẽ sưu tập các bài viết mà Thầy đã đưa lên trang nhà ptgdtdusa.com trước đây để giới thiệu và gìn giữ những gì mà Thầy đã bõ công sức viết ra để lần lượt giới thiệu tiếp cùng bạn đọc trên tạp chí những số sau nầy.
Tôi biết rằng, sẽ có nhiều bài viết tưởng niệm Thầy, viết về Thầy với sự tôn kính, tiếc thương, với cái nhìn rất riêng biệt của từng cây viết về Thầy. Phần tôi, chỉ xin nhắc lại chút kỷ niệm mà mãi đến hôm nay, tôi lấy làm tiếc là... đã không trả lời sự thật một chuyện mà hơn hai mươi năm qua tôi đã "chưa nói thật" với Thầy, một câu hỏi thật đơn giản. Năm đó... lần sinh hoạt gia đình PTG & ĐTĐ Houston tại Club House 9600 Keegan wood, Thầy có nói đại ý (không nhớ đầy đủ nguyên lời của Thầy): "Tôi là Thầy giáo dạy môn TOÁN, từ thời đi học cho đến đi dạy và mãi sau nầy, tôi vốn KHÔNG ĐỌC THƠ bởi KHÔNG THÍCH THƠ. Nhưng vừa qua khi đọc cuốn giai phẩm số đầu tiên mùa Hè 1996 do nhóm thân hữu cựu học sinh trung học Phan Thanh Giản & Đoàn Thị Điểm tại Houston Texas Hoa Kỳ thực hiện, thấy trang thơ "lục bát lê thị minh trang, mang tựa NGƯỜI DƯNG"rất hay của một người con gái, tự nhiên tôi RẤT THÍCH THƠ. Các bạn chịu khó về lật trang 109 của cuốn giai phẩm số đầu tiên, sẽ thấy mấy bài thơ nầy, rất hay các bạn ơi". Sau đó, Thầy có hỏi riêng tôi "anh biết tác giả là ai không?". Tôi trả lời: "Thưa Thầy... đó là một nữ sinh đang học lớp 12 còn ở Cần Thơ". Trả lời với Thầy như vậy là tôi có lỗi rất nhiều, vì tôi đã không nói thật với thầy. Sự nói dối nầy khiến tôi bị "ray rứt" hoài, định tìm dịp để thố lộ... nhưng lần lữa cho đến khi Thầy qua đời mà tôi vẫn chưa "giải toả", khiến bây giờ tôi hối hận. Thà cứ nói thật "có sao đâu?", vậy mà tôi vẫn không làm được. Chi tiết nầy tôi đã có ghi trong tập thơ đã in "NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG THƠ" - Bản Thảo Lưu Lại - ký bút hiệu HUYỀN VÂN THANH, do Thư Ấn Quán của anh Trần Hoài Thư giúp thực hiện năm 2007. Tập thơ dầy 264 trang mà từ trang 235 đến trang 254 tôi có tiết lộ việc nầy. Bởi số lượng in không nhiều, nên tôi không phổ biến rộng rãi và chắc Thầy cũng không có dịp đọc tập thơ nầy.
Nơi trang 235, tôi có viết: CHÙM THƠ KÝ TÊN LÊ THỊ MINH TRANG "Đây là chùm bài rất đặc biệt, tôi đã viết và đã phổ biến với tên LÊ THỊ MINH TRANG (là tên thật của một đứa cháu) suốt nhiều năm. Tôi cố giữ kín chi tiết nầy, nhưng đây là BẢN THẢO LƯU LẠI của một đời người, tôi buộc phải đưa vào để lưu giữ lại chút kỷ niệm trong những ngày tôi cho là "rong chơi trong rừng chữ nghĩa". Xin nói thêm đôi điều như vậy, trước là để "minh oan" và xin lỗi cháu tôi vốn chẳng làm thơ... và dịp nầy mời quý bạn đi vào tâm sự của cô nữ sinh LÊ THỊ MINH TRANG".[sau những dòng nầy là 24 bài thơ (trong đó có 6 bài in trong cuốn giai phẩm mà Thầy đã đọc và thích), thêm một đoạn văn ngắn CHỌN LẤY NIỀM VUI thay lời bạt cho chùm thơ Lê Thị Minh Trang].
Bây giờ Thầy Nguyễn Văn Trường đã vĩnh viễn đi vào cõi vĩnh hằng. Thầy ơi..., một lần nữa, xin thầy tha thứ cho đứa học trò nầy "đã dối Thầy một sự thật" khi trả lời câu hỏi của Thầy về tác giả trang thơ NGƯỜI DƯNG mà Thầy nói là RẤT THÍCH THƠ. Em đã thắp hương quỳ lạy khi viếng linh cữu Thầy hôm qua tại nhà quàn Forest Park East Funeral Home. Và khi nhìn mặt Thầy lần sau cuối hôm nay, em có thầm nói riêng "LỜI XIN LỖI MUỘN' khi chắp tay xá vĩnh biệt Thầy với đôi mắt rưng lệ của em, hy vọng bên kia cuộc đời mới, hương linh Thầy sớm an nhiên tự tại và buông xả điều không nói thật về tác giả mấy bài thơ mà Thầy nói là RẤT THÍCH THƠ, khi biết được lời xin lỗi muộn của em,... THẦY ƠI...
LÊ CẦN THƠ
07 tháng 01-2018
(*) theo tin chánh thức của gia đình: rút ống trợ sinh đúng 12 giờ 30 trưa ngày 3 tháng 01-2018, và BS bệnh viện xác nhận tim Thầy ngừng đập lúc 1giờ 45 phút, là ngày giờ Thầy đã vĩnh biệt cõi nhân sinh. (LCT)
_______________________________________________________