Cần xem tiết mục nào xin click vào Trang bài / webpage trong MENU dưới đây:
TRANG CHÍNH / HOME . BÀI MỚI ĐĂNG . SINH HOẠT HOUSTON, TX . ĐH XXIII-MARYLAND 2019 . ĐH XXII-SAN JOSE 2018 . ĐH XXI-HOUSTON 2017 . SINH HOẠT CANADA . SINH HOẠT ÚC CHÂU . CÁC ĐẶC SAN ĐH . SINH HOẠT BẮC - NAM CALI - SINH HOẠT VÙNG NEW ENGLAND - SINH HOẠT VIỆT NAM - TIN SINH HOẠT CÁC NƠI . GÓC SÂN TRƯỜNG NHÀ . VĂN HỌC - NGHỆ THUẬT . VÒNG TAY NGHĨA TÌNH . CHIA BUỒN - CHUNG VUI . TÌM NGƯỜI - NHẮN TIN
Tiến Sĩ
HUỲNH LONG VÂN
Sydney, Úc Châu
Cựu HS Phan Thanh Giản Cần Thơ
______________________
Cần xem tiết mục nào
xin click vào Trang bài /
webpage trong MENU
dưới đây:
SINH HOẠT HOUSTON
TÁC GIẢ:
Chúc mừng và trân trọng GS Lưu Khôn, nhân dịp Thầy bước qua tuổi 92
chs Huỳnh Long Vân
(Bài phát biểu trong buổi Họp mặt trực tuyến 1/22/2022
Kính chào quý Thầy Cô và tất cả anh chị em chs hai trường Trung học PTG và ĐTĐ Cần Thơ.
Kình thưa Thầy, GS Lưu Khôn
* Kim Chung và Huỳnh Long Vân từ Sydney trân trọng kính chào và chúc mừng Thầy vừa bước qua tuổi 92 và cũng nhân dịp Tết Nguyên Đán sắp tới chúng em kính chúc Thầy và toàn thể gia đình dồi dào sức khỏe, vạn sự như ý trong suốt Năm Mới Nhâm Dần và an khang trong mùa đại dịch COVID-19.
Em rất hân hạnh được nghe bài tham luận của Thầy, bắt đầu từ việc một số trường Trung học từ Bắc chí Nam ở Việt Nam thay đổi tên qua năm tháng, trước khi tập trung vào phần truy tầm bản gốc của “Cái Khai Sanh” của Trường Trung học Phan Thanh Giản ở Cần Thơ.
Tâm tình của Thầy là thế ấy còn về phía chs thì sao?
* Không chỉ hân hạnh mà thiết nghĩ những cựu học sinh của Thầy rất hân hoan vì ở tuổi hơn 90 ngoài phần phát âm vẫn dõng dạc và rõ ràng như ngày xưa Thầy còn nhớ rõ chi tiết từ những tên khác nhau của từng ngôi trường ở từng địa phương cho đến những thời điểm khác nhau của các văn thư liên quan đến việc đổi tên Collège de Cần Thơ thành trường Trung học Phan Thanh Giản. Vui mừng vì đây là những chỉ dấu rất tốt đẹp về sức khỏe và đặc biệt là khối óc lành mạnh sáng suốt của Thầy.
Trình bày hôm nay của Thầy khiến em nhớ lại thời gian được Thầy hướng dẫn thảo luận các đề tài văn chương. Thật vậy hôm nay vẫn rõ ràng như ngày nào Thầy đứng trên bục giảng giửa lớp học dăn dò: tổng quát ở đoạn dẫn nhập trước khi đi sâu vào chi tiết ở phần chuyên đề và ở phần kết luận ngoài tóm tắt cần mở ra một chân trời mới.
* Phần giảng dạy của Thầy về Truyện Kiều của Nguyễn Du và Thơ Văn của Trần Tế Xương đã để lại nơi em những dấu ấn sâu đậm về đức tính hy sinh cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam dành cho gia đình: Thúy Kiều bán mình chuộc cha và bà Tú nhẫn nại quên mình tần tảo, thương chồng, thương con. Những giờ cùng Thầy thảo luận tác phẩm Đoạn Tuyệt của Nhất Linh, nhận ra nỗi bất hạnh của Loan trong cuộc sống với Thân, người chồng thất học và bà Phán Lợi, người mẹ chồng có quan điểm cổ hủ kiểu gia trưởng, buộc Loan phải chấp nhận cho chồng lấy vợ lẽ để có con nối dõi tông đường.
Đức tinh chấp nhận gian khổ và hy sinh của người phụ nữ Việt Nam dành cho sự nghiệp của gia đình còn được nhận thấy trong thời buổi đen tối của đất nước Việt Nam sau ngày 30/04/1975: những người vợ và những bà mẹ đã ngậm đắng nuốt cay và không quản ngại gian lao khổ cực đi thăm nuôi chồng, con bị giam giữ trong các trại tù Cộng Sản hay để hỗ trợ người chủ gia đình tiếp tục con đường học vấn làm lại cuộc đời nơi xứ lạ quê người.
Tất cả đem đến cho em bên cạnh sự kính phục là một ước mong được nhìn thấy nét tinh hoa cao đẹp này của người phụ nữ Việt Nam được tiếp tục gìn giữ ngay cả ở những quê hương thứ hai của chúng ta, đồng thời tập quán lạc hậu “Trọng Nam Khinh Nữ” và quan niệm cổ hủ “Chồng Chúa Vợ Tôi” không còn chỗ đứng trong gia đình người Việt.
* Không chỉ qua giảng dạy mà trong thực tế, nếp sống và cách đối xử của Thầy với Cô Hiếu Đức cũng góp phần giúp em có được quan niệm sống trên: Không sao quên được hình ảnh truyền cảm của Thầy Lưu Khôn và Cô Hiếu Đức mỗi ngày cùng ngồi trên chiếc xe đạp đến trường, một biểu tượng của tinh thần đồng kham cộng khổ, chia sẻ ngọt bùi trong cuộc sống.
Kính thưa Thầy
* Là một chs 7 năm dưới mái trường TH Phan Thanh Giản, em trân trọng công ơn giảng dạy của tất cả quý Thầy Cô nhưng Thầy Lưu Khôn là một trong những Thầy Cô (GS Lữ Thị Phước Đán, GS Lưu Khôn, GS Nguyễn Văn Bằng, GS Nguyễn Khoa Tuấn, GS Phạm Văn Đàm, GS Lê Ngọc Yến) mà hình ảnh được giữ mãi trong ký ức em với niềm kính mến và đa tạ.
* Trong suốt 3 năm học với Thầy, em không hề nghe lời nặng nhẹ hay tiếng quở trách nào của Thầy đối với bất cứ môt học sinh nào ngoài tiếng Bạn mà Thầy dùng để gọi các em học sinh của Thầy, nói lên sự gần gủi và thân thiện của tình nghĩa Thầy Trò.
Tuy nhiên phải chăng bằng ấy chuyên cần và gắn bó cũng chưa đủ để giữ Thầy ở lại trường lâu hơn 6 năm vì sau khi tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Pham, Thầy được Bộ Giáo dục bổ nhiệm về Trường Trung học Phan Thanh Giản năm 1957 và Thầy rời trường năm 1963 sau biến cố lật đổ TT Ngô Đình Diệm.
Tin Thầy không còn là Hiệu trưởng của trường Trung học Phan Thanh Giản khiến em bàng hoàng. Tuổi trẻ, bồng bột tham gia các cao trào đôi khi không tránh khỏi những khiếm khuyết để rồi dần dần theo thời gian mới nhận ra, hẳn Thầy hiểu cho.
* Thừa hưởng nền giáo dục mang triết lý khai phóng nên ý thức lịch sử phải được khách quan nhận định và không thể bị thao tác (manipulated) để phục vụ cho mục đích chánh trị nên Thầy Trò của trường Trung học Phan Thanh Giản đã đòi hỏi nhà cầm quyền CSVN:
- hủy bỏ bản án bất công kết tội cụ Phan Thanh Giản bán nước và cụ Phan phải được lịch sử tôn vinh qua những đức tính “ Liêm, Bình, Cần, Cán” và những đóng góp về mặt chánh trị, ngoại giao, văn hóa của vị đại công thần.
- hoàn trả danh xưng Phan Thanh Giản cho ngôi trường xưa của chúng ta.
Nhưng vì quê hương đã đổi chủ nên chúng ta không đạt được những điều mong muốn.
Tuy nhiên thưa Thầy, chúng ta vẫn nhẫn nại đòi hỏi nhà cầm quyền CSVN phải tôn trọng những công lao đóng góp to lớn của các bực công thần tiền nhân và các Vương triều của suốt chiều dài lịch sử hơn 4000 năm, trong sự nghiệp xây dựng và mở mang bờ cỏi từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau.
* Huỳnh Long Vân không chỉ có ngần ấy kỷ niệm với Thầy. Kim Chung và Huỳnh Long Vân không quên việc Thầy giúp cho Kim Chung đổi từ ban B sang ban A năm Kim Chung học lớp 11 để sau đó Kim Chung có đủ khả năng lên Đại Học Tuy không thể xem đây là việc làm của Ông Tơ nhưng em xin mượn câu nói của phi hành gia Neil Armstrong khi đặt chân lên Mặt Trăng “That’s one small step for man … one giant leap for mankind” với chút ít sửa đổi để ghi nhận giá trị của sự giúp đở này.
“Đây là bước đầu tuy nhỏ bé, nhưng quan trọng trong hôn nhân sau này của chúng em’
Trân trọng kính chào Thầy và thành thật cám ơn quý anh chị trong Ban Tổ chức buổi họp mặt trực tuyến ngày hôm nay dành cho tôi cơ hội để có vài lời trân trọng GS Lưu Khôn, người Thầy của tôi trong 3 niên khóa 57-58, 59-60 và 60-61 ở trường Trung học Phan Thanh Giản.
Sydney 21/01/2022
CHS Huỳnh Long Vân
______________________
Báo cáo của Ủy ban Liên Chánh phủ IPCC 2021 về Biến Đổi Khí Hậu
và
Việt Nam ứng phó BĐKH: Những mặt tích cực và hạn chế
Huỳnh Long Vân PhD
Nội dung
Trích yếu
1. Phát triển kinh tế của Việt Nam bị đe dọa bởi BĐKH
2. Báo cáo của Ủy ban Liên Chánh phủ IPCC 2021 về BĐKH
3. Những kế hoạch ứng phó của của Việt Nam
3.1 Quy hoạch Thủy lợi Đồng Bằng Sông Cửu Long
3.1.1 Vùng tả ngạn sông Tiền
3.1.2 Vùng giữa sông Tiền và sông Hậu
3.1.3 Vùng Tứ giác Long Xuyên
3.1.4 Bán đảo Cà Mau
3.2 Kế hoạch cắt giảm khí nhà kính phát thải của Việt Nam
3.2.1 Năng lượng
3.2.2 Nông nghiệp
3.2.3 LULUCF
3.2.4 Kỹ nghệ và Giao thông Vận tải
4. Nhận xét về Ứng phó BĐKH của Việt Nam
4.1 Mặt tích cực
4.1.1 Quy hoạch thủy lợi
4..1.2 Cắt giảm khí nhà kính phát thải
4.1.2.1 Phát triển năng lượng Hydrogen Xanh
4.1.2.2 Sử dụng năng lượng Sinh khối
4.2 Lãnh vực hạn chế và những quyết định bất nhất
4.2.1 Sản xuất nông ngư nghiệp
4.2.2 Cắt giảm khí nhà kính phát thải
4.3 Lợi ích quốc gia trong chiến lược phát triển năng lượng, xây thêm nhà máy điện than Vũng Áng 2 và những cam kết về nghĩa vụ quốc tế
4.4 Việt Nam và những “Công nghệ Thu gom Khí nhà kính phát thải” CCS, BECCS, DAC
5. Kết luận
Tài liệu tham khảo
__________________________
Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Duy Xuân
(1925-1986)
● Tùy viên báo chí Phủ Thủ Tướng Nội các Nguyễn Ngọc Thơ, kiêm Tổng Giám Đốc Việt Nam Thông Tấn Xã.
● Tổng Ủy Trưởng Phủ Tổng Ủy Hợp Tác Xã tức Tổng Giám Đốc Ngân Hàng Phát Triển Nông Nghiệp.
● Tổng Trưởng Kinh Tế Nội các Thủ Tướng Nguyễn văn Lộc.
● Cố vấn Kinh tế của Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu.
● Tổng Trưởng Giáo Dục Nội các Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn.
● Viện Trưởng Viện Đại học Cần Thơ (1972-1975)
GS Nguyễn Duy Xuân sinh năm 1925 tại Ô Môn, tỉnh Cần Thơ, cựu học sinh Collège de Cần Thơ. Sau khi đậu bằng Diplôma (Văn bằng Thành Chung), GS sang Pháp du học tốt nghiệp Cử nhân Kinh Tế. Ông tiếp tục theo học chương trình Hậu Đại học ở Anh quốc, tốt nghiệp bằng Master về Kinh tế học; tiếp đến sang Hoa kỳ theo học ở Đại học Vanderbilt, tốt nghiệp Tiến sĩ Kinh tế học và trở về Việt Nam năm 1963.
Trong khoảng thời gian trước khi đi du học hậu Đại học, GS Nguyễn Duy Xuân được Cụ Nguyễn Ngọc Thơ ưu ái tin dùng và đã làm việc với Cụ Thơ khi Ông là Tổng Trưởng Kinh Tế thời Đệ Nhứt Cộng Hoà cuối thập niên 1950’s.
۞
Trong thời gian làm việc ở Saìgòn, ngoài các chức vụ Tổng Giám Đốc Việt Tấn Xả, Tổng Ủy Trưởng Tổng Ủy Nông Nghiệp, Tổng Trưởng Kinh Tế và Cố Vấn Kinh Tế của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, GS Nguyễn Duy Xuân còn giảng dạy tại các Trường Đại học Luật khoa và Quốc Gia Hành Chánh.
۞
Trong thời gian giữ chức Viện Trưởng, GS đã nổ lực phát triển Viện Đại học trên mọi lãnh vực từ chương trình giảng dạy, đào tạo cán bộ giảng huấn, ngân sách, tài trợ, xây cất thêm giảng đường, phòng thí nghiệm đến tổ chức hành chánh, y tế sinh viên và thiết lập ký túc xá dành cho sinh viên đến từ các tỉnh miền Tây.
GS đã đẩy mạnh phát triển hai ngành Sư phạm và Nông Nghiệp với viễn kiến nhằm đào tạo:
* những giáo chức trung cấp để mở rộng mạng lưới giáo dục, nâng cao trình độ dân trí và
* những cán bộ chuyên môn với những kiến thức về khoa học và kỹ thuật nông nghiệp để gia tăng tiềm năng sản xuất của đồng bằng sông Cửu Long.
Để thực hiện kế hoạch trên GS Viện Trưởng Nguyễn Duy Xuân đã cải cách và nâng cấp trường Cao đẳng Nông Nghiệp thành phân khoa Đại học Nông Nghiệp. Đây là lần đầu tiên ở VN một trường Chuyên Nghiệp đào tạo Kỹ sư biến thành một phân khoa Nông Nghiệp của Đại học VN. Sự cải tổ này tạo nên mối hợp tác chặt chẽ giữa các phân khoa, gia tăng hiệu năng giảng dạy và Viện Đại học Cần Thơ phát huy được chương trình giáo dục cao cấp toàn diện, chú trọng đặc biệt đến sự phát triển tài nguyên và văn hoá miền Tây Nam phần Việt Nam.
GS TS Nguyễn Duy Xuân đã đóng góp, tạo dựng nền móng tốt đẹp này, và từ đó Viện Đại học Cần Thơ tiếp tục phát triển sau 1975 (tuy nhiên có phần đình trệ trong khoảng thời gian giữa 1975-1986) để ngày nay trở thành một Viện Đại học có uy tín nhứt ở Việt Nam.
Trong những ngày cuối cùng của nền Đệ Nhị Cộng Hoà, GS Nguyễn Duy Xuân tham gia Nội Các Nguyễn Bá Cẩn ở chức vụ Tổng Trưởng Văn Hoá Giáo Dục.
۞
Sau ngày mất nước 30/04/1975, GS Tiến sĩ Nguyễn Duy Xuân cũng như hằng triệu quân cán chánh phục vụ cho chế độ tự do miền Nam phải trải qua thời gian “học tập cải tạo”, đi trình diện học tập để hưởng chế độ khoan hồng của cách mạng, nhưng chua xót thay, GS không có ngày trở lại sum họp gia đình, cơ hội phục vụ tổ quốc với khả năng chuyên môn kinh tế, tài chánh, giáo dục.
GS Nguyễn duy Xuân vĩnh viễn ra đi trong trại tù Hà-Nam-Ninh ngày 10/11/1986.
Cái chết của GS TS Nguyễn Duy Xuân trong ngục tù cải tạo là một đớn đau của gia đình GS, đồng môn PTG và đồng hương Cần Thơ, nói lên những sai lầm to lớn của chánh sách học tập cải tạo:
Một chủ trương chỉ gây thêm niềm đau cho một dân tộc, vốn đã gánh chịu vô vàng khổ đau gây nên bởi cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn và là một sự hoang phí nhân tài của đất nước, những người có thể đóng góp vô tận trong công cuộc tái thiết xứ sở thời hậu chiến.
۞
Bà Nguyễn Duy Xuân qua đời ở Pháp cách đây hơn một năm nên việc sưu tầm tài liệu về GS Nguyên Duy Xuân có phần khó khăn.
Ban biên tập Đặc san Hội Ái hữu Trường PTG-ĐTĐ & ĐH Cần Thơ thành thật cám ơn GS TS Nguyễn Viết Trương, Ông Nguyễn Viết Trưng và Bà Nguyễn Văn Kỳ Trân, người em chú bác của GS Nguyễn Duy Xuân, cung cấp một số chi tiết về GS Xuân.
Hy vọng trong tương lai chúng tôi có thể liên lạc được với hai ái nữ của GS-Cô Nga và Cô Tâm- hiện sống ở Pháp để thu thập thêm tài liệu về GS Nguyễn Duy Xuân, để chúng ta hiểu biết nhiều hơn về sự nghiệp giáo dục và những đóng góp của GS trong lãnh vực Kinh tế, Tài chánh dành cho quê hương Việt Nam và sau cùng để chúng ta tưởng nhớ và yêu quý nhiều hơn một đồng môn Phan Thanh Giản, một con dân của xứ sở Cần Thơ.
TS Huỳnh Long Vân
______________________
CẦN THƠ
và
CON CÁ KÌNTHO
TS Huỳnh Long Vân
Khô cá sặc KìnTho
Cần Thơ được xem như Thủ Đô của miền Tây Nam phần Việt Nam và địa danh Cần Thơ xuất hiện trong ca dao miền Nam như:
Cần Thơ gạo trắng nước trong,
Ai đi đến đó thời không muốn về.
Cần Thơ cũng nổi tiếng với bến Ninh Kiều và công viên thơ mộng nằm cạnh dòng Hậu giang chan chứa phù sa:
Cần Thơ có bến Ninh Kiều
Có dòng sông đẹp với nhiều giai nhân.
Giai nhân Cần Thơ cũng xuất hiện trong ca dao miền Nam với:
Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh,
Gái nào bảnh bằng gái Cần Thơ.
Và Gái Cần Thơ bảnh vì:
Bánh bò một vốn ba bốn đồng lời,
Khuyên anh ở nhà cứ việc ăn chơi.
Để em đi bán kiếm ít đồng lời,
Trước nuôi ba với má sau lại nuôi mình.
۞
Là người sinh ra, và trưởng thành trên vùng đất thân yêu tôi tự hỏi điạ danh Cần Thơ mang ý nghĩa gì và xuất xứ từ đâu?
Giới văn nghệ sĩ từng giải thích theo lối duy danh định nghĩa cốt để cho vui và nói qua cho hết chuyện: Cần Thơ là “đòi hỏi cấp bách các sáng tác thi ca “.
Do biến thể ngữ âm địa phương thư vẫn được gọi là thơ nên một số cây bút người Pháp như Aubaret từng ghi Cần Thơ là Can Thu và một số người dựa vào đó để giải thích Cần Thơ là trông ngống....... thư từ.
Trong quyển Cần Thơ xưa và nay của Huỳnh Minh 1966 có ghi một truyền thuyết mà ông cho là của các bô lảo kể lại “nơi đây khi xưa có trồng rất nhiều loại rau cần và rau thơm mỗi khi chủ vườn cắt rau đem đi bán rao cùng đường: ai mua rau cần rau thơm không?
Rau Cần rau Thơm xanh mướt
Mua mau kẻo hết chậm bước không còn.
Lâu ngày chày tháng danh từ rau Cần rau Thơm được giới bình dân phổ biến thành câu ca dao:
Rau Cần lại với rau Thơm
Phải chăng đất ấy rau thơm có nhiều.
Để rồi có người lẩm cẩm gọi quê hương tôi là xứ Cần Thơ.
Thêm một chuyện mang tính giả sử: truyền rằng thuở Nguyễn Ánh bôn tẩu vào Nam, lẩn tránh Tây Sơn, đêm nọ trên đường từ U minh Thượng đi xuống cù lao Dung (vì Ngài có lò đúc tiền kẽm và vài người tôi trung còn ở đó) theo đường sông từ Long Mỹ qua sông Hậu thuộc địa phận huyện Trấn Giang, Chúa Nguyễn Ánh nghe tiếng đàn địch và ngâm thơ văng vẳng từ các ghe thương hồ, khiến ngài xúc động ngậm ngùi bèn đặt tên khúc sông này là Cầm Thi Giang. Lần lần gọi chữ Cầm ra Cần và Thi ra Thơ và từ đó Cần Thơ xuất hiện.
Như thế hai chữ Cần Thơ xuất phát từ phương cách suy luận:
* căn cứ vào hình thức ngữ âm và chính tả hay
* truyền thuyết dân gian
để suy đoán ý nghĩa ban đầu của địa hình. Phương cách suy luận trên thường dẫn đến sai lầm mà không ít người đã gặp phải, thí dụ như Cần Giờ có ý kiến cho rằng là do Cân Giờ nói trại ra; đây là kết quả của sự suy luận chủ quan lười biếng, vì cân giờ không có trong lịch sử đo thời gian của chúng ta, và giải thích địa danh Cần Thơ theo truyền tụng, giả sử cũng rơi vào sai lầm tương tự.
۞
Toàn thể Việt Nam có 24 địa danh mang tên Cần và chữ Cần có thể có 2 nguồn gốc:
● một số thuộc gốc Hán Việt thí dụ như Cần Kiệm (một xã thuộc huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây), Cần Hãi (tên cửa biển ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An), Cần Chánh (điện trong hoàng thành Huế) và Cần Thơ không phải là danh từ Hán Việt và không mang ý nghĩa gì ngoài một tên gọi.
● Nước Việt nam là một quốc gia đa dân tộc gồm 54 sắc người và địa danh mà ngôn ngữ dân tộc thiểu số chiếm một tỷ lệ đáng kể nên thử chúng ta thử dùng phương pháp Nghiên cứu địa danh dựa vào ngôn ngữ dân tộc để tìm hiểu nguồn gốc của hai chữ Cần Thơ và địa danh của xứ này.
Bên cạnh nhiều địa danh mang tiếng Nôm và Hán Việt còn có những nơi mang tên bằng ngôn ngữ của dân tộc thiểu số và tùy vào địa bàn cư trú thí dụ như:
* Vùng Cao Bắc Lạng có nhiều tên núi, tên sông và tên huyện bằng tiếng. Hmông tiếng Mường tiếng Thái....Thí dụ: Pulông, Puxilung, Nậm Nu, Nậm Na, Na Rì, Na Hay, Mường Bo, Mường La.
* Khu vực Tây Nguyên đầy đặc địa danh bằng tiếng Êđê, Bana, Raglai, Mạ, Lạch...Thí dụ: Pleiku, Pleime, Đăk Lăk, Đăk Tô, Đăt Sut, Krông Pa, Krông Nô, Kontum, Konhok.
* Dọc theo Miền Duyên hải Trung phần, địa danh gốc Chàm không thiếu......Thí dụ: Cà Ná, Cam Ranh, Phan Thiết, Phan Rí, Phan Rang, Nha Trang, Đà Nẵng.
* Miền Đông Nam phần Việt Nam có rất nhiều địa danh gốc tiếng Stiêng Thí dụ:
Bù Đăng, Bù Đóp, Bù Gia Mập, Bù Trăng Lơ....
* Và từ miền Đông đến miền Tây Nam phần với hơn một triệu dân cư gốc Khmer thì địa danh có xuất xứ từ ngôn ngữ Môn-Khmer là điều hiển nhiên dể hiểu.
۞
Từ năm 1875, Ông Trương vĩnh Ký đã lập bản thống kê các địa danh thuộc vùng Nam phần Việt Nam có liên hệ với tiếng Khmer. Năm 1969, qua công trình Người Việt gốc Miên, Lê Hương đã điểm 212 địa danh trong vùng Nam Phần có gốc Khmer và nhóm địa danh mở đầu bằng chử Cần là một phần trong số đó.
Cần Giuộc, theo học giả Vương hồng Sển cho biết Cần Giuộc đôi khi được ghi là Cần Giộc hay Cần Duột: Nguyên trước là một quận của hạt Chợ Lớn, sau tách qua địa hạt Tân An. Cần Giuộc đời xưa có làng Thanh Ba là nơi cụ Đồ Chiểu mở trường dạy học và cũng là quê của cụ bà”.
Trong tư liệu Le Cisbassac (Miệt Tiền Giang) là di cảo của Ông Petrus Ký có chi tiết đáng lưu ý: Cần Giuộc, ngôn ngữ Môn-Khmer gọi là Srôk Kantuôt. Chúng ta biết rằng Srôk là một đơn vị khu vực địa lý mà người Khmer thường xử dụng tương đương với làng bản và được người Việt phiên âm thành Sóc.Ví dụ như Srôk Kléang có nghĩa “Xứ Kho” chính là từ nguyên của địa danh Sóc Trăng. Còn Kantuôt là từ chỉ cái gì? Những người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long cho biết Kantuôt là cây chùm ruột. Chùm ruột có khi được gọi là chùm giuộc/tầm duột/tầm ruộc. Vậy phải chăng thuở xưa vùng Cần Giuộc là nơi có mọc rất hiều cây chùm ruột?
Vần Kan của chữ Kantuôt có thể biến thành Cần được không?
● Theo sách “Tìm hiểu nguồn gốc địa danh Nam Bộ và Tiếng Việt Văn học” Lê Trung Hoa xác nhận rằng K hay C là hai cách ghi của âm vị K nên, Hong Kong, kaki có thể viết Hong Cong, ca ki.
Ngoài ra còn có một số rất nhiều chữ Việt khởi đầu bằng mẩu tự C bắt nguồn từ tiếng Khmer với mẩu tự K đứng đầu thí dụ như:
Cà chớn bắt nguồn từ Kh-chơi, Kàm chơi, Kần chrới,
Cà nhắt bắt nguồn từ Kh-nhak
Cà na từ Kana,
Cà ròn từ Karông,
Cà ràng từ Kran
● Vần an trong tiếng Khmer chuyển thành vần ân trong tiếng Việt đã có nhiều tiền lệ”.
Ở đây chúng ta thử xét xem loạt tiền lệ đó.
Cần Chông là một nhánh nhỏ của dòng sông Hậu, theo Ông Trương vỉnh Ký thì có nguồn gốc từ ngôn ngữ Môn-Khmer là Srôk Kancon; Kancon theo Vương hồng Sển diễn đạt theo phong cách dân Nam kỳ:” Là ở xa mút tít tè ở trong hóc Bà Tơ Bà Tó”.
Cần Lố vừa chỉ sông rạch vừa chỉ mũi cù lao cũng là tên cây cầu ở tỉnh Đồng Tháp và từ nguyên gốc Khmer là Kanloh: chữ này Vương hồng Sển thú nhận không dịch nổi nhưng có thể là Chưng (chân) đèn.
Cần Thay là tên một nhánh sông ở Vĩnh Long-Bến Tre có nguyên từ Khmer là Kanthéay và có nghĩa là con rùa lớn.
Cần Giờ tên một huyện ngoại thành của Sàigòn, đồng thời cũng là một cửa biển tên sông, tên cầu tên chợ và theo tự điển địa danh TP SàiGòn-HCM của Lê trung Hoa (NXB Trẻ 2003) Cần Giờ vốn có nguồn gốc từ tiếng Khmer Kanchoeu nghĩa là cái thúng.
Cần Đước là một quận thuộc tỉnh Long An nằm kế cận huyện Cần Giuộc có con sông chảy qua và một thị trấn mang cùng tên Cần Đước.Cần Đước có gốc từ tiếng Khmer là andoek tức là con rùa dạng trung bình. Chắc hẳn thời xa xưa có rất nhiều rùa sống ở đây?
Cần Vọt là một con sông, một cửa biển thuộc vùng Hà Tiên-một tỉnh cực Tây của Nam Kỳ lục tỉnh nguyên tiếng Khmer là Kampot. Vương hồng Sển cắt nghĩa: “Là cây dài thường bằng tầm vông, tra một đầu vào trụ cho chắc, dùng cây ấy làm đòn thăng bằng, để mà đu cất đồ nặng, miền Nam thường dùng để cất nước giếng sâu”. Tự điển phương ngữ Nam Bộ do Nguyễn văn Ái chủ biên cũng giải thích:” Cần vọt: Cần buộc thùng múc nước ở các giếng sâu”.
Ca dao miền Nam có câu:
Chiều chiều xách nước tưới rau
Tay dằn cần vọt ruột đau như dần.
Qua những địa danh ở vùng đất miền Tây Nam Phần Việt Nam bao gồm Cần Vọt, Cần Giờ, Cần Giuộc, Cần Lố, Cần Chông và Cần Đước chúng ta thấy rằng chữ Cần do sự Việt hóa âm Kam, Kan, An trong tiếng Khmer và các địa danh trên đều mang ý nghĩa hoặc chỉ động vật ( con rùa) hoặc chỉ thực vật (cây chùm ruột) hoặc chỉ dụng cụ sinh hoạt (cái thúng,cây buộc gàu múc nước)....Vùng đất Đồng Nai Cửu Long hiện nay trong đó có Cần Thơ vốn là lãnh thổ của người Khmer và triển khai theo phương hướng trên chúng ta rất hy vọng có thể tìm ra nguồn gốc của hai chữ Cần Thơ.
Cần Thơ có thể có gốc từ tiếng Khmer không?
Với lý do:
* Cần Thơ trước tiên không phải là tiếng Hán Việt và không có nghĩa nên thử chúng ta tìm trong chiều hướng các địa danh do Việt hóa từ ngữ âm Khmer.
* Cần Thơ ngày xưa là vùng đất của người Khmer và có tên là Prek Reussal trong khi đó Bến Tre là Kampong Reussal hay Srôk Tréy= Xóm Cá (Xóm Tre= Bến Tre); Prek là từ được dùng để chỉ con sông Kampong là vũng nước và nếu Reussal gần nghĩa với Tréy thì hai địa danh Prek Reussal và Kampong Reussal hàm chứa ý nghĩa hai vùng đất có nhiều cá và hơn nữa,
* Trong thực tế người Khmer sống xung quanh Cần Thơ vẫn gọi xứ này là Sróc Cơn-thô
(Srôk Kìntho), nói lẹ thành Sóc ờn-thô. Ngữ âm của tiếng Khmer Kìntho chỉ một loài cá hiện nay còn khá phổ biến ở Cần Thơ, thông thường được gọi là Cá Sặc, và người dân ở quận Ba Tri tỉnh Bến Tre gọi là cá Lò Tho.
* Mẫu tự K của âm ngữ Khmer thường được Việt hóa ra mẫu tự C và việc lấy tên động thực vật tiêu biểu của một vùng để làm địa danh là một quy luật đã được nhiều nhà ngôn ngữ học thừa nhận và như đã dẫn giải ở phần trên với các địa danh khởi đầu với chữ Cần.
* Cần thêm rằng Cần Thơ thuở xa xưa là tên con rạch chảy ra sông Hậu, nằm hướng Đông Thành Phố Cần Thơ hiện nay và từng được Thư Tịch Cổ như Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc Sử Quán triều Nguyễn ghi là Cần Thơ Giang tức sông Cần Thơ:” Rộng bốn trượng (gần 19.5m), sâu hai trượng rưỡi (hơn 12m) bờ phía Tây là Thủ Sở Đạo Trấn Giang cũ phố xá trù mật buôn bán tấp nập.”
Tên sông nước, động thực vật tiêu biểu của một vùng đất chuyển hóa thành tên vùng đất, tên làng xóm, tên phố chợ tên cầu cống...hoặc ngược lại là hiện tượng vô cùng quen thuộc; hơn nữa ngữ âm lịch sử cũng từng chứng minh sự biến đổi vần in = ân và o=ơ thí dụ: nhin sâm=nhân sâm; họp=hợp, vì thế địa danh Cần Thơ bắt nguồn từ Kìntho là điều có thể chấp nhận.
* Cà Mau do đọc trại từ tiếng Khmer Tưk khmau (Tưk là nước khmau là đen. Tưk khmau ám chỉ vùng nước đọng nước đen ở U minh, Đầm Dơi) cũng như Châu Đốc từ Mott Churôuc và Sóc Trăng từ tiếng Khmer Sróc Kleang.
Người dân miệt vườn xứ tôi,
vốn quê mùa đọc trài trại
Kìntho ra Cần Thơ.
Mặc dù đến nay vẫn chưa có một dẫn chứng cụ thể vững chắc nào ghi rỏ nguồn gốc của hai chữ Cần Thơ, nhưng có điều không thể chối cải: “Nơi Cố Cựu” trước kia là vùng đất của người Khmer và Ông Cha ta đã dày công khai phá; nơi đây có nhiều loại cá Kìntho mà người Khmer Krom dùng để làm mấm bò hóc và người dân miệt vườn làm khô cá sặc hợp khẩu cho đám bộm nhậu miền Tây, lai rai với vài ba xị đế.
Huỳnh Long Vân
Tài liệu tham khảo.
1. Cần Thơ Xưa và Nay. Huỳnh Minh.
2.Tạp chí Tài hoa trẻ.
3. Ý nghĩa tên các địa danh ở miền Tây.Văn Hóa Miền Tây
__________________________________
Việt Nam giữa mùa đại dịch COVID-19
Huỳnh Long Vân
B. Pharm Saigon, APEC, MPS
MSc in Microbiolgy. UNE
PhD in Viro-Immunology. UNE
(Retired Senior Research Scientist specialised in Vaccine Technology CSIRO)
Mời vào Link sau đây để đọc trọn bài:
Nội dung
Trích yếu
I. Việt Nam giữa mùa đại dịch và những biện pháp ứng phó kiểm soát lây lan
1. Dòng thời gian của đại dịch COVID-19 tại Việt Nam
2. Những biện pháp ứng phó kiểm soát lây lan
II. Kế hoạch tiêm chủng lịch sử để đạt miễn dịch cộng đồng
1. Khái quát về hệ miễn dịch
1.1 Hệ miễn dịch bẩm sinh
1.2 Hệ miễn dịch thích nghi
2. Các loại COVID-19 vaccines được phê duyệt sử dụng ở Việt Nam và dự kiến sản xuất nội địa
2.1 Các loại COVID-19 vaccines được phê duyệt sử dụng
2.1.1 Ba nhóm COVID-19 vaccines: mRA vaccine, Vector vaccine và SARS-CoV-2 bất hoạt vaccine
2.1.2 Mức độ an toàn và hiệu quả của 3 nhóm COVID-19 vaccines đã được phê duyệt
2.2 Các loại vaccines dự kiến sản xuất của Việt Nam
2.2.1 COVID-19 vaccines đang được triển khai sản xuất
2.2.2 Mức độ an toàn và hiệu quả của Nano Covax, Covivac và sa-mRNA ARCT-154 vaccine
III. Liệu pháp chủng ngừa kết hợp các loại vaccines khác nhau
1. Trong trường hợp khan hiếm vaccine
2. Trong hoàn cảnh phải sống chung với SARS-CoV-2
IV. Quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ
-
Phát triển công nghệ mRNA
1.1 Những khó khăn cần phải vượt qua
1.2 mRNA vaccine và chiếc laptop sinh học
2. Tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ
3. VinBiocare và công nghệ self-amplifying mRNA
4. So sánh và lựa chọn trong yêu cầu chuyển giao công nghệ
V. Linh tinh
1. Tác động của Dexamethasone đối với hệ miễn dịch
1.1. “Bão Cytokines”
1. 2. Tính sinh miễn dịch của vaccine
2. SARS-CoV-2 né tránh hệ miễn dịch
3. Hộ chiếu vaccine
VI. Kết luận
Tài liệu tham khảo
Cần Thơ: Một thành phố đang sụt lún đến hồi báo động
Huỳnh Long Vân PhD
[Nội dung bài viết đã được tác giả trình bày trong buổi phỏng vấn ngày 27/04/2021 của Đài Phát Thanh Quốc tế Pháp RFI (Radio France International) ở Paris] và sẽ được đăng trọn bài trong Đặc San Đại Hội PTGĐTĐ Thế Giới 2021.
Mời Click vào link để nghe:
Khi bài hiện lên, tiếp tục bấm vào:
để nghe
ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG SỤT LÚN
DO KHAI THÁC NƯỚC NGẦM THIẾU KIỂM SOÁT
___________________________________________
Phóng viên Đài phát thanh RFI Thanh Phương
phỏng vấn TS Huỳnh Long Vân
phát thanh ngày 25 tháng 11, 2019
Một phần tỉnh An Giang bên bờ sông Cửu Long chìm trong lũ lụt. Ảnh chụp ngày 28/9/2011 REUTERS/Duc Vinh
Canh tác nông ngư nghiệp thiếu bền vững, mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu, mặn xâm thực ngày càng sâu vào nội đồng vào mùa khô, và tác động giữ lại phù sa của các đập thủy điện thượng nguồn Mekong là những tác nhân làm suy giảm đáng kể tiềm năng sản xuất của châu thổ ĐBSCL.
Ngoài ra ĐBSCL còn phải đối mặt với tình trạng sụt lún trầm trọng do nạn khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát khiến ĐBSCL chìm dần. Đó là đề tài của bài phỏng vấn tiến sĩ Huỳnh Long Vân, thuộc Nhóm Nghiên cứu Văn hóa Đồng Nai Cửu Long Úc Châu, trả lời RFI từ Sydney ngày 10/10/2019.
Khai thác nước ngầm quá mức gây sụt lún
RFI : Thưa ông Huỳnh Long Vân, trước hết xin ông cho biết là nạn khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát ở vùng đồng bằng sông Cửu Long diễn ra với tầm mức ra sao và nó đã làm sụt lún vùng này như thế nào?
TS Huỳnh Long Vân: Nước ngầm đã được người dân ở ĐBSCL, đặc biệt là ở những tỉnh ven biển như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, từ lâu sử dụng trong sinh hoạt, nhưng ở mức độ vừa phải, nên mực nước ngầm không bị hạ thấp. Tuy nhiên, kể từ khi Việt Nam theo đuổi kinh tế thị trường, gia tăng sản xuất và nguồn nước mặt bị ô nhiễm thì nước ngầm được khai thác ráo riết, tăng tốc từ 1995 đến nay, để phục vụ sản xuất thâm canh trong canh tác nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản nước ngọt ở những vùng ven biển.
Vào tháng 5/2012, theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (NN&PTNT) với Bộ Ngoại giao Na Uy, Viện Địa Kỹ thuật Hoàng gia Na Uy tiến hành dự án nghiên cứu tình trạng sụt lún đất ở bán đảo Cà Mau.
Qua nghiên cứu khảo sát thực địa kết hợp với những dữ liệu của Bộ NN&PTNT và những hình ảnh vệ tinh thu thập từ nhiều thập niên trước đây, tháng 6/2013 Viện Địa Kỹ thuật Hoàng gia Na Uy kết luận nền đất của khu vực miền Nam bị sụt lún nghiêm trọng do bơm rút nước ngầm liên tục: trong vòng 20 năm, kể từ 1995, nhiều nơi ở ĐBSCL sụt lún từ 30 đến 70cm, dẫn đến việc bờ biển bị xói mòn và chìm dần, thụt vào từ 100m đến 1.4km, làm cho châu thổ mất đi khoảng 5000ha đất.
Nếu khai thác nước ngầm không được hạn chế hoặc ngưng hẳn, thì với tốc độ sụt lún 3cm mỗi năm, Cà Mau sẽ biến mất trên bản đồ của Việt Nam trong vòng vài thập niên sắp tới.
Trong khi đó, Viện Khoa học Điạ chất và Khoáng sản thuộc Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT), Tổng cục Thủy lợi cũng phối hợp với Viện Điạ Kỹ thuật Na Uy lắp đặt thiết bị quan trắc đo đạt sụt lún ở 339 địa điểm khác nhau ở Thành Phố Hồ Chí Minh (TP HCM) và ĐBSCL. Kết quả cho thấy TP HCM và 6 tỉnh thành Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau sụt lún trầm trọng nhất, trên 10cm tính từ 2014 đến 2017 và có nơi lún hơn 6cm mỗi năm.
Tiếp đến là những kết quả nghiên cứu của nhà khoa học thuộc Đại học Stanford, bang California, Hoa Kỳ, cùng công trình nghiên cứu của nhà địa chất P. Minderhoud trong dự án “Rise and Fall” của Đại học Utrecht, Hà Lan, cũng cho thấy khai thác nước ngầm là nguyên nhân chính khiến nền đất của ĐBSCL bị sụt lún 1,6cm mỗi năm, làm cho các vùng đất ven biển, ven sông bị ngập nước, làm trầm trọng thêm tác động của hiện tượng nước biển dâng cao (2- 3mm mỗi năm).
Nếu tốc độ khai thác nước ngầm vẫn không thay đổi, thì đến năm 2050, toàn thể ĐBSCL sẽ sụt lún khoảng 88cm và vào thời điểm này mực nước biền dâng cao thêm 10cm, thì một số nơi ở ĐBSCL sẽ chìm sâu 1m.
Thêm vào đó là những kết quả nghiên cứu gần đây nhất của P. Minderhoud cho thấy độ cao trung bình của ĐBSCL là 82cm so với mặt biển, thấp hơn nhiều so với công bố trước đây là 2,60m. Trừ An Giang, Đồng Tháp và Long An lần lượt có độ cao 1,42m, 1,41m và 1,07m so với mặt biển, các tỉnh thành còn lại của ĐBSCL đều có độ cao dưới 1m.
Như thế, sụt lún kết hợp với mực nước biển dâng cao do tác động của BĐKH sẽ khiến cho ĐBSCL có cao độ trên dưới 1 m chìm nhanh hơn so với những công bố trước đây : khi mực nước biển dâng cao 1m, thì 75% diện tích ĐBSCL sẽ chìm trong biển nước so với 14% công bố trước đây và 70% dân cư vùng châu thổ ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng, thay vì chỉ có 29% theo dự đoán trước đây.
Cần Thơ sụt lún, đường phố nội ô ngập nước và giải pháp ứng phó
Đường phố Cần Thơ ngập lụt
RFI: Như vậy thì tình trạng sụt lún này đang gây ra những hậu quả gì ở những thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long, chẳng hạn như ở Cần Thơ, thành phố lớn nhất trong vùng?
TS Huỳnh Long Vân: Nghiên cứu của Viện Kỹ thuật Tokyo về hậu quả của khai thác nước ngầm ở TP Cần Thơ, đối với cá nhân tôi, một người được sinh ra và trưởng thành ở thủ phủ của ĐBSCL, cũng là điều đáng quan tâm. Kết quả nghiên cứu công bố vào năm 2016 cho thấy tình trạng sụt lún do khai thác nước ngầm ở Cần Thơ ngày càng trầm trọng hơn và đường phố ở Cần Thơ sẽ bị ngập sâu đến 70cm vào năm 2050, nếu nước ngầm được tiếp tục khai thác với tốc độ không thay đổi.
Năm 2017, vào mùa nước nổi kết hợp với triều cường, chỉ có một khoảng đường vài trăm thước ven sông ở quận Bình Thủy bị ngập dưới 10cm. Cùng kỳ năm 2018, các đường phố chính ở các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn bị ngập sâu khoảng 20cm. Năm nay, 2019, mặc dù mực nước ở trạm quan trắc Châu Đốc thấp hơn so với cùng kỳ 2018, nhưng nước sông Hậu ở Cần Thơ dâng đến mức kỷ lục 2,25m, tức 20cm cao hơn năm 2018 và đường phố Cần Thơ bị ngập ở mức sâu lịch sử gần 50cm.
Cần Thơ bị ngập nặng đó là do nước sông tràn bờ dưới tác động cộng hưởng của nền đất bị sụt lún 1,80cm mỗi năm, bởi khai thác nước ngầm, mức nước biển dâng cao 2-3mm mỗi năm, kết hợp với khối nước lũ đầu nguồn theo sông Hậu đổ về Cần Thơ cùng lúc với triều cường dâng cao.
RFI: Thành phố Cần Thơ đang có những dự án nào để chống tình trạng ngập nước?
TS Huỳnh Long Vân: Ứng phó với tình trạng ngập nước ở đường phố nội ô, TP Cần Thơ đang triển khai dự án tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (gọi tắt là dự án 3). Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân TP Cần Thơ Đào Anh Dũng nói rằng, hiện nay thành phố chưa có giải pháp nào hiệu quả để chống ngập và gần như “bó tay” trước các đợt triều cường và đang kỳ vọng vào dự án 3 tăng cường khả năng thích ứng của đô thị.
Dự án sẽ tập trung chống ngập khu đô thị lõi của TP Cần Thơ thuộc địa bàn hai quận Ninh Kiều và Bình Thuỷ rộng 2.675ha, bằng các giải pháp công trình như làm kè, cống, đập, âu thuyền ngăn triều cường từ sông Cần Thơ vào khu đô thị lõi; kế đến là cải tạo hệ thống thoát nước kết hợp với đầu tư hệ thống trữ và điều nước kinh rạch.
Không thiếu những chỉ trích dự án này: bảo vệ được 2 quận Ninh Kiều và Bình Thủy, nhưng sẽ chuyển tải khối nước gây ngập trước hết đến các quận huyện khác của TP Cần Thơ và tiếp theo là đến các vùng không có đê bao của các tỉnh nằm dọc theo hai bờ sông Hậu.
Các giải pháp ứng phó sụt lún ở ĐBSCL
RFI: Như vậy để hạn chế đà sụt lún của đồng bằng sông Cửu Long thì phải ngăn chận việc khai thác nước ngầm quá mức. Nhưng theo ông, có những giải pháp nào hữu hiệu để chấm dứt việc này, nhưng vẫn bảo đảm được nguồn nước cho sinh hoạt và cho sản xuất nông nghiệp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long?
TS Huỳnh Long Vân: Giảm hay ngưng khai thác nước ngầm sẽ giảm sụt lún, nhưng không chấm dứt hoàn toàn, vì sụt lún là một quá trình chậm, nhưng một khi đã xảy ra thì sẽ tiếp diễn trong nhiều năm, cho dù có giảm về tỉ lệ. Mức độ sụt lún ở mỗi địa phương khác nhau, phụ thuộc vào yếu tố địa chất và mức độ khai thác nước ngầm. Dù không biết nước ngầm đang bị khai thác thế nào, nhưng chỉ cần giảm hay ngưng khai thác thì sẽ cải thiện sụt lún.
Nước ngầm ở ĐBSCL phải được xem là nguồn dự trữ chiến lược để sử dụng trong trường hợp xảy ra hạn hán cùng cực trong tương lai do BĐKH và không phải là nguồn nước cơ bản hằng ngày.
Vì thế dứt khoát phải chấm dứt khai thác nước ngầm ở ĐBSCL. Nhưng ở đây có một thách thức không nhỏ: làm sao có nước ngọt đủ cung cấp cho các nhu cầu hiện sử dụng hơn 2 triệu m3nước ngầm mỗi ngày?
Trước hết, nhà nước phải tiến hành nghiên cứu và đầu tư xây dựng các nhà máy lọc nước và mạng lưới đường ống để cung cấp đầy đủ nước sạch cho toàn vùng châu thổ dùng trong sinh hoạt và sản xuất công nghiệp. Không thực hiện được hạng mục này, mọi kế hoạch khác chống sụt lún ĐBSCL trở nên vô nghĩa và ĐBSCL sẽ trở thành một Jakarta thứ hai.
Chính phủ phải khuyến khích từng hộ gia đình thiết kế phương tiện trữ nước mưa, nước ngọt, đồng thời dựa vào Nghị quyết 120 phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH xem nước mặn, nước lợ, cũng như nước ngọt, là tài nguyên để triển khai những giải pháp như xây dựng khung pháp lý với các biện pháp chế tài chặt chẽ, để người dân vùng ven biển chỉ được phép nuôi trồng thủy sản nước mặn và nước lợ, nhưng với tin tưởng là việc kinh doanh này cũng mang lại thu nhập ổn định và khu vực sẽ được duy trì trên mực nước biển.
Cuối cùng, phải chấm dứt canh tác lúa ở vùng ven biển và lúa vụ 3 để tiết kiệm nước ngọt và đồng thời thực hiện kế họach chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp.
Ngoài khai thác nước ngầm quá mức, phá rừng phòng hộ để làm đầm nuôi tôm, khối lượng phù sa chuyển tải xuống châu thổ ĐBSCL bị suy giảm và gần như cạn kiệt, do các đập thủy điện ở thượng nguồn ngăn giữ lại, khiến cho bờ biển ĐBSCL bị xói mòn sạt lở, do đó cần phải có những kế hoạch cấp quốc gia để thương thảo với các nước thượng nguồn xả thải phù sa.
Việc làm này đem lại lợi ích cho cả đôi bên: trước hết là làm gia tăng tuổi thọ của các đập thủy điện và kế đến với khối lượng phù sa được chuyển tải đến sẽ giúp ĐBSCL được bồi đấp cân bằng tình trạng sụt lún tự nhiên và việc tái tạo rừng phòng hộ ven biển thành công.
RFI: Trong việc chống sụt lún ở đồng bằng sông Cửu Long, Hà Lan, một quốc gia nằm dưới mực nước biển, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, có thể giúp được gì cho Việt Nam?
TS Huỳnh Long Vân: Rất may Việt Nam là đối tác lâu dài của Hà Lan trong lĩnh vực nước, và Hà Lan cũng là quốc gia ở vùng đồng bằng thấp có nhiều vùng đất đang bị sụt lún và đồng thời đang phát triển các giải pháp chuyên môn phù hợp với nhiều nhu cầu khác nhau trên toàn cầu.
Ngoài ra, Đại sứ quán Hà Lan tại Hà Nội và Tổng lãnh sự Hà Lan tại TP HCM dành được một phần ngân sách để hổ trợ cho việc thực hiện Nghị quyết 120 và tìm hướng giải quyết thách thức về sụt lún. Nghiên cứu của Đại học Utrecht và Viện Deltares về sụt lún đất và cao trình của ĐBSCL là một ví dụ tuyệt vời về sử dụng kiến thức chuyên môn của Hà Lan để giúp tư vấn cho chính phủ Việt Nam, từ đó làm lợi cho ĐBSCL và người dân nơi đây.
_____________________________________________
Đài phát thanh RFI phỏng vấn Tiến Sĩ HUỲNH LONG VÂN (sydney):
Những quan ngại
về dự án thủy lợi Cái Lớn Cái Bé
Thanh Phương phỏng vấn
Phát Thứ Hai, ngày 26 tháng 11 năm 2018
Click link để nghe: TẠP CHÍ VIỆT NAM - Những quan ngại về dự án thủy lợi Cái Lớn Cái Bé
Hay đọc bản văn dưới đây:
Tiến sĩ Huỳnh Long Vân, Sydney 23/11/2018
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20181126-nhung-quan-ngai-ve-du-an-thuy-loi-cai-lon-cai-be
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng hạ lưu cuối cùng của sông Mekong, thành hình hơn 3000 năm trước do bồi tụ phù sa. Đây là một đồng trũng có vùng bị ngập nước vào mùa mưa và vùng ngập mặn vào mùa khô ; đất bị nhiễm phèn, nhiễm mặn.
Hệ thống thủy lợi theo nguyên tắc trị thủy ở đồng bằng sông Hồng, được xây dựng sau năm 1975 đã giúp Việt Nam, chỉ trong vòng một thế hệ, từ một nước nghèo, nơi mà Nhà nước phải chia khẩu phần gạo theo nhân khẩu, trở thành một trong số các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới và có mức thu nhập trung bình.
Nhưng sau vài năm, lần lượt lộ ra những tác động tiêu cực trên môi trường và những bất cập của các công trình thủy lợi ở ĐBSCL. Đê bao làm ruộng đồng mất đi nguồn dinh dưỡng quan trọng. Rửa chua tháo phèn cải tạo đất đai lại làm ô nhiễm và acit hóa nguồn nước trong các sông rạch. Xây đê biển và các cống hạn chế nước mặn xâm nhập vào mùa khô để trồng lúa thì lại tạo nên mâu thuẫn mặn- ngọt, làm gián đoạn giao thông thủy nội địa ở các địa phương, làm chết các loại rừng phòng hộ ở ven biển.
Những vấn đề môi trường to lớn này đã thúc đẩy các nhà khoa học trong và ngoài nước kêu gọi chính phủ thực hiện các biện pháp hài hòa giữa lợi ich kinh tế và môi trường trong dài hạn. Nhưng bất chấp mọi quan ngại của nhiều tầng lớp trong xã hội, Bộ Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn (BNN&PTNT) vẫn tổ chức thảo luận triển khai dự án thủy lợi Cái Lớn Cái Bé (CLCB). Điều này gây lo ngại và bất đồng trong giới các nhà khoa học về những tác động môi trường và hiệu quả của dự án.
Hôm nay chúng tôi xin mời quý vị nghe ý kiến của tiến sĩ Huỳnh Long Vân, thuộc nhóm Nghiên cứu Văn Hóa Đồng Nai Cửu Long Úc Châu, trả lời phỏng vấn RFI từ Sydney.
Tiến sĩ Huỳnh Long Vân, Sydney23/11/2018Nghe
RFI : Thưa ông Huỳnh Long Vân, để thính giả hiểu rõ hơn vấn đến, trước hết xin ông nói sơ qua về Dự án thủy lợi Cái Lớn Cái Bé?
TS Huỳnh Long Vân : Vùng dự án này được giới hạn phía Bắc là kênh Cái Sắn, phía Nam và Đồng Nam là kênh Quản Lộ-Phụng Hiệp, phía Đông Bắc là sông Hậu và phía Tây là vịnh Thái Lan, trên địa bàn của 6 tỉnh thành Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang và Cần Thơ.
Các mục đích của dự án là : Kiểm soát mặn, giải quyết mâu thuẫn giữa nuôi trồng thủy sản ven biển và sản xuất nông nghiệp trong vùng ; ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo nguồn nước ngọt cho vùng ven biển vào mùa khô, phòng chống cháy rừng ; tăng cường khả năng thoát lũ, tiêu úng, tiêu chua cải tạo đất phèn ; kết hợp giao thông thủy bộ trong vùng dự án
RFI : Thưa ông Huỳnh Long Vân, vậy các nhà khoa học có những quan ngại gì về các mục tiêu của dự án này, trước hết là về mục tiêu kiểm soát mặn, giải quyết mâu thuẫn mặn - ngọt ?
TS Huỳnh Long Vân : Công trình CLCB không thể ngặn mặn cho toàn vùng của dự án, mà chỉ chận được nước biển tràn vào từ vịnh Thái Lan, vì nước mặn còn xâm nhập vào vùng dự án từ biển Đông theo hướng từ sông Hậu qua ngả sông Cái Côn, rạch Mái Dầm, hướng từ Đại Ngải Sóc Trăng theo các kênh trục và hướng Bạc Liêu đổ về Phụng Hiệp, Long Mỹ, Vị Thanh, thuộc tỉnh Hậu Giang, một đơn vị nằm trong vùng của dự án. Vì thế, mục tiêu kiểm soát mặn của dự án không đạt được, ngay cả sau khi giai đoạn 2 của công trình được hoàn tất.
Xây cống ngăn mặn không giải quyết, mà ngược lại gây ra mâu thuẫn giữa mặn và ngọt : Dự án Quản Lộ-Phụng Hiệp ngọt hoá bán đảo Cà Mau, có trị giá đầu tư gần 1400 tỉ đồng (thời giá 1990), với hàng trăm cống đập, đê biển, đê sông ngăn mặn, được xây dựng với mục đích đưa nước ngọt từ sông Hậu về bán đảo Cà Mau, cấp nước tưới ruộng lúa cho tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Tuy nhiên, sau 5 năm xây dựng đã bộc lộ những bất cập trong mục tiêu, gây bất mãn và thất vọng cho người dân địa phương. Hàng trăm nông dân đã đòi phá cống, phá đập để lấy nước mặn nuôi tôm. Để giải quyết mâu thuẫn mặn-ngọt, chính phủ đã quyết định chuyển đổi 450.000 ha đất trồng lúa sang nuôi tôm và mô hình tôm-lúa được áp dụng.
Dự án Ngọt hóa bán đảo Cà Mau xem như thất bại, phá sản, là một bài học đắt giá và một kinh nghiệm quý báu cho thấy xây công trình thủy lợi Cái Lớn Cái Bé sẽ không đem lại sự hài hòa mặn - ngọt.
RFI : Thưa ông Huỳnh Long Vân, dự án CLCB cũng tiềm ẩn những nguy cơ gì đối với các loại thủy sản nuôi trồng trong vùng ?
TS Huỳnh Long Vân : Nghêu, sò, tôm, cua biển và một số thủy sản mặn, lợ khác được nuôi trồng ở 2 huyện ven biển An Minh và An Biên nằm trong vùng của dự án. Nếu hai cống thủy lợi CLCB được thiết kế và đóng lại vào mùa khô, khối nước bên trong sẽ bị ô nhiễm do tích tụ các chất phế thải, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón v.v. và khi cống mở, nguồn nước ô nhiễm này sẽ theo nước ròng thoát ra cửa biển, làm thủy sản bên ngoài cống và ở vùng ven biển cận kề chết trắng.
Cá tép nước ngọt di chuyển từ sông rạch ra các bãi đẻ nơi cửa sông để sinh sản và các ấu trùng ngược lại theo dòng triều vào bên trong sông tìm các bãi ăn để tăng trưởng. Vì thế, khi được xây, các cống ngăn mặn CLCB sẽ làm gián đoạn chu trình sinh trưởng của thủy sản nước ngọt và lượng cá tôm trong sông sẽ giảm dần.
Như thế khó có thể đồng thuận với lập luận cho rằng dự án CLCB sẽ góp phần ổn định phát triển sản xuất thủy sản ở vùng ven biển tỉnh Kiên Giang.
RFI : Thưa ông Huỳng Long Vân, còn các mục tiêu ứng phó BĐKH, nước biển dâng, tạo nguồn nước ngọt cho vùng ven biển, phòng chống cháy rừng có còn phù hợp với tình hình của vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện nay ?
TS Huỳnh Long Vân : Những người chủ trương công trình CLCB cho rằng ĐBSCL có trọng trách đảm bảo an ninh lương thực và do tình hình hạn hán năm 2016, nước biển dâng và nguồn nước ngọt sẽ cạn kiệt do tác động từ thượng nguồn, nên cần cấp bách xây dựng công trình CLCB.
Quan niệm ĐBSCL có trọng trách đảm bảo an ninh lương là tư duy thuộc về quá khứ, vì theo tinh thần nghị quyết 120/NQ-CP phát triển bền vững ĐBSCL, chính phủ có chủ trương chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp, chú trọng đến chất lượng hơn số lượng.
Nước biển dâng do tác động của BĐKH chỉ khoảng 3mm/năm, trong khi ĐBSCL bị sụt lún trung bình khoảng 3cm/năm, tức 10 lần nhiều hơn và nguyên nhân chính là do khai thác nước ngầm để phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Xây công trình CLCB gây thêm ô nhiễm, gián tiếp tạo thêm môt động lực làm gia tăng tốc độ sụt lún và ĐBSCL sẽ chìm trong nước biển sớm hơn, không cần đến ảnh hưởng của nước biển dâng do tác động của BĐKH. Vì thế, "cấp bách xây dựng công trình CLCB để ứng phó với BĐKH và nước biển dâng" là điều không hợp lý.
Ngoài ra công trình CLCB làm gián đoạn sự trao đổi chất dinh dưỡng giữa nước sông với thủy triều, làm mất đi môi trường nước lợ, vì thế sẽ làm cho rừng ngập mặn như rừng đước, rừng nước lợ với cây dừa nước chết dần, từ đó làm suy giảm khả năng ứng phó với những tác động của BĐKH, giông bảo, sạt lở bờ biển và phá vỡ kế hoạch tái tạo rừng ngập mặn ở ven biển được một số quốc gia như Đức, Hà Lan v.v.. tài trợ.
Về mục tiêu cung cấp nước ngọt cho vùng ven biển và phòng chống cháy rừng, dự án CLCB sẽ chuyển nước sông Hậu theo ngả kênh đào Thốt Nốt và kênh trục KH6 cung cấp nước ngọt cho vùng bán đảo Cà Mau. Tuy nhiên, ở phía Tây sông Hậu có chằng chịt những kênh đào thẳng góc với nhau, có nhiều vùng giáp nước, các kênh bị bồi lấp, nên không đủ khả năng chuyển tải nước từ sông Hậu đến cuối kênh. Theo dự tính, kênh Thốt Nốt và KH6 sẽ được nạo vét, nhưng thử hỏi có bảo đảm đem được nước sông Hậu đến khu vực ven biển phía Tây không ? Vì trước đây, trong dự án Ngọt hóa bán đảo Cà Mau, có dự trù dẫn nước ngọt của sông Hậu theo ngả sông Cái Côn, kênh Quản Lộ-Phụng Hiệp tưới ruộng đất bán đảo Cà Mau, nhưng đã thất bại vì nguồn nước chỉ đến địa hạt Sóc Trăng.
RFI : Thưa ông Huỳng Long Vân, dự án CLCB cũng được cho là nhằm chống những tác động của các đập thủy điện ở thượng nguồn. Mục tiêu này có đúng không ?
TS Huỳnh Long Vân : Nói rằng vì những tác động của các đập thủy điện ở thượng nguồn khiến nguồn nước bị cạn kiệt vào mùa khô và nước biển dâng, nên phải xây dựng công trình CLCB là hoàn toàn sai, vì tác động tiêu cực của các đập thủy điện là giữ lại phù sa và ngăn trở các loài cá di chuyển đến các nơi sinh sản và tăng trưởng.
Vận hành đập thủy điện không giữ lại nước như lầm tưởng, mà có hệ quả ngược lại. Thật vậy, từ khi các đập thủy điện của Trung Quốc xây trên dòng chính sông Mêkông vận hành, lưu lượng dòng chảy của sông Mêkông đo được tại trạm quan trắc Chiang Saen, nơi biên giới Trung Quốc và Lào, đã tăng khoảng 30% vào mùa khô.
Nếu vì lo ngại việc Thái Lan và Cam Bốt chuyển nguồn nước sông Mêkông để gia tăng sản xuất nông nghiệp, làm cạn kiệt nguồn nước dòng chính sông Mekong mà xây công trình CLCB và trữ ngọt bằng cách chuyển nước sông Hậu vào vùng dự án, thì đây quả thật là một lập luận thơ ngây và đầy mâu thuẫn, vì dự kiến này không phải để ứng phó, mà thực ra đồng lõa với 2 quốc gia láng giềng làm cạn kiệt dòng nước sông Mêkông.
Trước tình huống này, đúng ra phải tiết kiệm nước ngọt bằng cách bỏ lúa vụ 3, giảm dần diện tích trồng lúa ở vùng ven biển phía Tây, hay cấy trồng các loại lúa chịu mặn sẵn có, hoặc thay vì công trình CLCB, nhà nước nên đầu tư xây dựng một nhà máy chế biến nước ngọt từ nước biển, hoàn toàn thân thiện với môi trường, để giải quyết bài toán mặn - ngọt và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm của ĐBSCL.
RFI : Các nhà khoa học có những quan ngại gì về tác động môi trường và những lợi ích không thiết thực của dự án CLCB ?
TS Huỳnh Long Vân : Bản Đánh giá Tác động Môi trường của dự án do Viện Kỹ thuật Biển-Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam thực hiện cho rằng khi vận hành, các cống chỉ đóng trong mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, mỗi tháng đóng cửa cống vài ngày, mỗi ngày đóng vài giờ để kiểm soát mặn. Tất cả thời gian còn lại cửa cống luôn mở để nước được lưu thông, do đó ô nhiễm môi trường rất ít.
Nhưng tác động của thủy triều Biển Đông, Biển Tây, và dòng nước sông Hậu trên vùng dự án rất phức tạp, nên việc vận hành các cống không hề đơn giản như tuyên bố.
Ngoài việc trấn an với tác động môi trường rất nhỏ, báo cáo còn cho rằng công trình CLCB sẽ đem lại lợi ích từ gia tăng diện tích trồng lúa 3 vụ, nhưng quên đi một hậu quả là mỗi ha lúa 3 vụ phải cần đến 7.5kg thuốc bảo vệ thực vật. Vùng dự án rộng hơn 900 ngàn ha và chỉ một phần của diện tích tự nhiên này trồng lúa 3 vụ, thì môi trường cũng sẽ bị ô nhiễm đến mức độ rất đáng ngại.
Tóm lại, dự án thủy lợi CLCB là một công trình rất tốn kém, tổn phí gần 7.000 tỷ đồng, nhưng phần tác động môi trường được đánh giá sơ sài, chủ quan, những lợi ích nêu lên trong đề cương xét ra rất mâu thuẫn, khó tin, tuy nhiên hiện đang manh nha từng bước tiến hành xây dựng.
Những nghiên cứu khoa học và tham khảo với người dân và cán bộ địa phương của một số nhà khoa học chuyên ngành ở ĐBSCL, cùng những thất bại của những công trình thủy lợi trước đây, cho thấy những mục tiêu dự án CLCB đề ra khó có thể đạt được và sẽ gây ra vô vàn hệ lụy về môi trường cho một vùng rộng lớn gần bằng ¼ diện tích ĐBSCL.
Vì thế, thay mặt Nhóm Nghiên cứu Văn hóa Đồng Nai Cửu Long Úc châu, tôi xin kiến nghị thủ tướng chính phủ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam không phê duyệt dự án thủy lợi CLCB, một công trình có khả năng phá vỡ chiến lược phát triển bền vững ĐBSCL ứng phó với BĐKH của Nghị quyết 120 /NQ-CH do chính TT phê duyệt và ban hành vào ngày 17/11/2017.
_______________________________________