top of page
hmpg.jpg
Titlej (1).jpg

                   TÂM BÚT 

 

                    Huỳnh Minh Bích Nga

 

Sài Gòn__________________________________________

                                Huỳnh Minh Bích Nga là ái nữ của Niên Trưởng Đồng Môn                                                                    HUỲNH MINH BẢO. Niên Trưởng Bảo học PTG khoảng thời gian                                                        từ 1949 đến 1955 (cùng lớp với Niên Trưởng Trần Bá Xử, Cố                                                               GS-HT Trương Quang Minh…). Niên Trưởng Bảo tốt nghiệp kỹ                                                              sư Lâm Nghiệp khóa 1 Trường Nông Lâm Mục. Sau đó phục vụ trong QLVNCH.                                    Niên Trưởng Bảo tạ thế tại Sài Gòn ngày 12/3/2014, hưởng thọ 79 tuổi. Nhân chuyến về VN, Niên Trưởng Trần Bá Xử chỉ kịp dự đám tang người bạn cùng lớp của mình. Cũng qua Niên Trưởng Xử, cháu Bích Nga liên lạc với Trang Nhà. Đọc các bài viết của Bích Nga chúng tôi nhận thấy đây là những tác phẩm văn chương đáng được chia sẻ với bạn đọc.

Những trang viết của Huỳnh Minh Bích Nga xin được gọi là Những Dòng Tâm Bút. Tác giả đã tâm tình qua những  đoản văn viết về cha mình và những sinh hoạt rất đẹp của Văn Hóa thôn quê Miền Nam. Trong 1 email gởi cho Người Phụ Trách, cháu Bích Nga đã viết: “Cháu đã viết rất nhiều về cha của cháu trong hai năm qua. Khi ba cháu bắt đầu thực sự suy yếu. Cháu xem lại và khóc, đó như là những gì ghi chép chân thật nhất về cha của mình. Ông sống là chan hòa, yêu thương. Cháu gởi cho chú đọc, như một chia sẻ về ba cháu, một thiên thần thánh thiện đã về trời.”

Xin ân cần giới thiệu với đọc giả những dòng tâm bút này.

TBT

---------------------------------------------------------------

HMBNga_self2.jpg
HMBNga_Mar20_CHSHBao.jpg.w300h372.jpg
HMBN_lam cho sach bang truoc khi bó.JPG

Huỳnh Minh Bích Nga

Viết từ quê mình:

                                   MÙA CỎ BÀNG

Lại một mùa  thu hoạch cỏ bàng..

Mưa đang tới, những cơn mưa đông đầu mùa mang sấm chớp ì ùng. Như nồi cơm trời lục ục sôi với những dề mây xám tím, và những ánh chớp nhấp nhóa từ phía chân trời..

Cây cỏ bàng – loài cỏ dại mọc hoang trong dòng cỏ năn, gắn liền với xa xưa người Việt đi khẩn hoang. Như nhiều loài cây cỏ nước khác. Cỏ bàng thích nghi tốt nhất ở vùng đất sình lầy, phèn mặn đất chua của các vùng như Đồng Tháp. 

Theo ký ức người xưa, không nhớ cỏ bàng có từ khi nào, chỉ biết nó mọc lên tự nhiên thành từng cánh đồng ở những vùng đất chưa được khai hoang. Và người dân tận dụng nó vào cuộc sống sơ khai hồi đó như nhiều loài cây cỏ khác. 

Và cũng không hiểu sao tiền nhân gọi nó là “bàng”. Còn theo sách vở khoa học: Cây cỏ bàng có tên khoa học là Lepironia articulate, xưa có nhiều nơi vùng hoang vu sình lầy như Đồng Tháp. 

Giờ thì có nhiều ở các tỉnh như Tiền Giang (Phú Mỹ, Tân Phước), Long An (Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Lức, Thủ Thừa, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng…), An Giang, Kiên Giang… Tại các vùng nầy, những ruộng sâu, đất sình, phèn..Thì người dân không trồng lúa mà cho cỏ bàng mọc hoang. Thu hoạch nhiều khi ít cực như lúa, có khi hơn cả rau màu.

Để phân biệt cây cỏ bàng: Tuy cũng là loài thuộc thân cỏ, mình tròn, nhưng chúng thân to sẽ rỗng ruột, nhất là khi thân mình đo gần bằng đầu đũa, cao từ 1.3-2m.


Cỏ bàng cũng rể chùm, trông giống y hệt cây lác (cói) hoặc cây cỏ năn, nhưng cỏ bàng thân mình lớn, cứng, dài hơn. Bông cũng khác, và bông trổ quanh năm.

Như nhiều loài cây cỏ nước khác, cỏ bàng sống “thuận”nhất vào mùa nước nổi.


Còn vào mùa khô. Đất khô nước thì cây cũng thường khô rụi, chỉ có cái gốc rễ cắm sâu dưới đất bùn phía dưới, hút hơi ẩm ngủ yên chờ cho đến mùa mưa.

Khi những cơn mưa đầu mùa lấp ló, cùng nước lũ lầm lũi róc rách về. Những bụi cỏ bàng khô sẽ bắt đầu chu kỳ sinh trưởng mới, mầm xanh từ rể và đất nhú lên.


Rồi khi đến khi mùa nước nổi dâng cao, cũng là lúc cây bàng vừa đủ chiều cao cho một mùa thu hoạch.

Đây cũng là mùa rộn rã của dân nhổ cắt bàng, mua bán bàng. Cứ xuồng ghe, xe cộ, liềm hái, phảng cắt..Thu hoạch theo nhu cầu sử dụng.

Vì cỏ bàng mọc trên ruộng lầy. Xuồng đi cắt cỏ bàng cũng phải lài, mỏng, nhẹ. Lài lài để chất cỏ bó cho dễ, mỏng để dễ nổi, nhẹ để dễ lướt trên mặt nước.


Chống xuồng chở cỏ bàng trên ruộng cần sự khéo léo. Vì dưới nước là rể cỏ, sình, bùn. Còn trên thân là những bó cỏ bàng ngậm nước nặng trĩu.


Không quen thì đẩy không nổi..
Gồng sức dữ lắm..
Quen thì dựa theo con nước, luồng gió, cứ thế chống sào mà bơi tới...

HMBN_vatbangbongbang.png

Xa xưa, cỏ bàng dùng đan, đương tấm đệm ngủ, cái nóp ngủ chống muỗi, cái đệm trải phơi, làm bạt kéo lúa, mạ trên đồng nước.
Rồi cái nón bàng, cái giỏ bàng.
Cho tới nay, đi các vùng miền Tây miền Đông , vẫn thấy mấy ông ôm giỏ bàng đựng gà. Rau củ, vật dụng các thứ có thể đựng bằng giỏ nhựa, giỏ nilong..
Nhưng tiện nhất vẫn là giỏ bàng, giỏ đệm. Vừa êm, nhẹ, vừa thoáng. Gà vịt không bị ngộp hơi, trái cây tươi ngon, không dập úng..
Dân vận chuyển gà đá, thì dứt khoát phải là giỏ bàng..

Từng có lúc, cây lúa lên ngôi. Muốn có bàng để làm ra nhiều vật phẩm… Những người nông dân không có đất, chuyên “thợ đụng” từng phải đi xa hơn, “mút chỉ cà tha” để đến những cánh đồng hoang vu, ruộng lầy đất xấu để có thể có được cỏ bàng.
Nhưng rồi, trồng lúa chuyên canh quá cực. Rồi công nhiều, huê lợi ít..
Rồi cây cỏ bàng tuy hoang dại đó, nhưng lại có giá khi dùng trong thủ công mỹ nghệ, được sáng tạo ra những sản phẩm độc đáo, từ vật dụng sinh hoạt hàng ngày với nón, với giỏ, với tấm quay, tấm trải..

HMBN_Duong_Xuong.jpg
HMBN_Tuotbang_xebang.jpg

Mà ruộng cỏ bàng thì tuy xấu, nhưng mọc xanh với mưa ngoài đồng, với nước lũ dâng. Với tự nhiên xanh tốt, không cần chăm bón. Huê lợi thì cao hơn trồng lúa.
Nên ra thêm cái nghề để ruộng “trồng’ cỏ bàng ngày càng phát triển.

Huỳnh Minh Bích Nga

_________________________

Viết từ Sài Gòn. Huỳnh Minh Bích Nga

Sài Gòn, ngày vắng tiếng rao….

HMBNga_SGvắng tiếng rao.JPG

Tụi mình rời xóm cũ trong lặng lẽ, cũng không kịp từ biệt những người quen như chị na ve chai, anh cháo, chị đậu hủ.

Cũng không tin chia tay lối xóm, vì nghĩ đi chừng đôi tháng là về.

Xóm cũ, nơi gắn bó từ lâu. Nơi khúc dưới còn là vườn rau, là chút xưa còn lại của một thời ruộng rẫy rau màu.

(giờ thành khu phố, có nhiều biệt thư, nguy nga, khang trang..)

Xóm mới, cũng là khu đang phát triển, với con kinh, bến cầu tạm bợ. Những ngôi nhà còn khuất trong vòm cây xanh, nền thấp hơn đường cả mét..

Mỗi sáng sớm, từ tầng 14- nơi bạn xã tập thể dục. Sài Gòn ban mai với nắng vừa lên, rộn ràng tiếng xe, tiếng rao (những món ăn buổi sớm..) rồi tiếng máy chạy rầm rập.

Khu đang phát triển nên kho bãi, khu sản xuất nhỏ khá nhiều. Những tiếng rầm rập ấy, thể hiện cho một nền sản xuất tư nhân sôi động.

Buổi chiều, xuống cho mèo hoang ăn, hai đứa hay gặp những công nhân đi làm về, họ ở các khu nhà trọ quanh đó.

Chưa kịp quen ai, Sài Gòn lại giãn cách.

Từ ban công nhà nhìn ra, xa xa là những sợ dây dăng, buổi tối. Đèn nhấp nháy, những ngọn đèn gắn trên thanh chắn tại những khu cách ly... Rồi tiếng loa thông báo ..

Những ngày đầu, hai đứa vẫn nhón nhìn ra trên các con đường, vẫn thấy xe máy xuôi ngược. Nhưng càng giãn cách sâu, tiếng xe càng ít đi. Thay vào đó là tiếng hụ của xe y tế.

 

Bạn xóm cũ đưa lên một cái ảnh. Đầu đường vào xóm đã lập hàng rào. Nguồn lây đến từ chợ đầu mối gần đó. 

Dây dăng dài hơn, một chiều đi vội vã trước 0h ngày 9 gần khu xóm cũ. Thấy có bàn, trên có những bọc như cơm hộp.

Hẻm trong nhiều nhà trọ lắm, có nhà bán hủ tíu. Giá thường 12, đặc biệt 14 ngàn. Khách thích ăn vì có tóp mỡ phi vàng rụm, và bắp cải xắt sợi. Tô chỉ 2,3 miếng thịt mỏng, xíu da heo, nhưng ai cũng no vì độn thật nhiều rau xanh.

Lại nhớ hồi ông cẩu năm nào, làm Q1Q3 mà các quận khác “nhột”, thi nhau dẹp lòng lề đường. Xe hủ tíu khi đó, 1 tô 7 ngàn cũng phải dẹp.

Xe không bán, bao nhiêu người khuya về bối rối, anh chị công nhân VS quét đêm, đám sinh viên đi làm khuya, mấy người ca đêm. 

Tụi mình khi đó cũng rối, đi làm về cũng gần 1h, ghé ngang mua bịch hủ tíu nhiều nước lèo, về pha với mì..Giờ về nấu mì suông..

Lại trăn trở, không chỉ nhà xe hủ tíu hẻm nhỏ đó. Mà các “nhà”quen hay đi ngang, xe bắp xào trứng khoai nướng, bánh giò, xôi, các xe rau xanh...Họ liệu có nhìn dây dăng, để ngậm ngùi đẩy xe qua đường khác.

Hay là, chính họ cũng bó chân ngồi nhà, nhìn dây căng hẻm gần phất phơ…

Rồi lệnh giãn cách nghiêm hơn.

Tụi mình chỉ kịp đi mua 1 tháng thuốc đặc trị cho bạn xã. Liều vào siêu thị với dòng người xếp hàng thật dài, mua vội mì trứng rau và đồ khô.

Ngày ngày, xem thông tin qua bạn bè báo trên facebook. Canh mua online qua mạng, buồn vui với những phận người.

Rồi chính thức “bị” dăng dây khi 2 ngõ vào chính của khu cụm nhà là 2 cây cầu bị rào lại. Còn vài ngõ đi- 1 ngỏ hẻm mà shipper hay vào ra. 1 ngõ chính ra đại lộ, mà đi thì sẽ ngang qua mấy rào bên đường phong tỏa.

 

Thôi, ở nhà luôn chớ đi làm gì. 2 triệu tiền phạt đó, mua được nguyên tháng thuốc..

Cũng may là đặt được 1 số thực phẩm chức năng (thuốc bổ, vitamin...) qua online.

Rồi đếm ngày, mắc bệnh “lạ” là sát khuẩn, lau nhà, dọn dẹp.. ..ngày mấy lần.  

Trò chuyện với mấy con mèo…

 

Sài Gòn, chiều qua mưa. Cây nguyệt quế bứng về từ nhà cũ bung hoa nở, thơm ngát. Nhớ con đường đêm xóm cũ, bóng đèn vàng. Nguyệt quế các nhà mưa là trĩu bông trắng xóa, rải tỏa hương thơm..

Sáng nay, dậy sớm. Từ bang công nhìn ra, phía xa dây vẫn dăng, tiếng xe hụ vẫn rải rác. Từ mấy ngày qua đã không còn nghe tiếng rao, dù chỉ là giọng rao thu âm từ cái loa china của mấy người bán đồ ăn sáng: bánh mì sài gòn…

Hôm nay, lại vắng thêm một thứ  tiếng nữa. Tiếng máy rầm rập chạy..

Để làm tốt lệnh giãn cách, nhiều công ty, xí nghiệp, khu sản xuất... phải tổ chức nơi cho công nhân ăn ngủ nghỉ, test virus…( cái lệnh ấy trên mạng có)

Và dĩ nhiên, có rất nhiều cơ xưởng qui mô nhỏ, họ chọn ngừng công việc lại, chờ coi sao. Chứ không còn vốn để lo chuyện ăn ngủ nghỉ, test nhanh cho “lính” mỗi ngày.

Nhà tụi mình vẫn còn ít đồ hộp, 1 chút rau củ qua-mua qua mạng bằng cách “săn” trên các trang. Bắt đầu nhín hơn, vì hôm 14 sợ F0 lẩn quẩn nên không dám đi siêu thị.

Hy vọng vào 10 ngày nữa. lệnh sẽ giãn xuống đôi chút. Để đi mua thuốc cho tháng mới, đi giao những đơn hàng còn đọng .

Xa hơn, đi kiếm việc để làm, chứ đã nửa năm ngồi ngó trời đất, mong mưa xuống đất mềm, ra cạp ăn chắc sẽ dễ nuốt hơn…

Huỳnh Minh Bích Nga

Sài Gòn 15/7/2021

Những mảnh đời giấy số...

HMBNga_banveso_2.jpg
HMBNga_banveso_1.jpg
HMBNga_banveso_3.jpg
HMBNga_banveso_4.jpg

Hết “dịch” vài tuần, bạn gởi mình một ít hình. Những bức hình chụp bằng điện thoại, về 1 chút trong buổi sáng, nơi con hẻm nhỏ trước nhà.

Đó là những người nghèo bán vé số.

Những bức ảnh ấy, có thể chụp tại mọi con phố to nhỏ trong cái thành phố nầy, rất nhiều và giống nhau. Về những người đi bán niềm vui, sáng mua chiều xổ.

Mình nhớ ba mình. Ông hay dành tiền. Trưa chờ tiếng tu huýt và tiếng gậy gõ xuống đường lọc cọc của một anh mù. Ông sẽ ra mua vé số.

Ông chỉ có thể mua đôi ba tờ, có nhiều lần ông nói: Nếu trúng, việc đầu tiên là cho mẹ con. Vì sẽ làm mẹ vui.

Rồi sẽ cho em trai tôi, cho tôi.

Ông muốn chúng tôi sẽ không phải nhọc nhằn nữa. Muốn mẹ tôi cười...

Nhưng chỉ đôi lần, ông trúng chừng 2 con số trong 1 đôi tờ...

Nhưng tôi nhớ mãi lời giáo huấn của ông: Khi mua, sẽ có 2 người vui. Một là người bán vé số, vì vơi 1 tờ trên xếp vé, là thêm một chút tiền cho buổi chiều về. Hai là người mua vé số, vì họ sẽ có cái hy vọng dài từ lúc mua đến giờ xổ. Cái vui đó cũng giúp họ thư giãn trong 1 ngày.

Rồi ông nói thêm: Ví như trúng số, thì cái vui càng tột bật hơn nữa.

Tôi không quên rằng, sau khi ba tôi mất một thời gian, tôi về nhà vào buổi trưa, và nghe tiếng tu huýt của anh mù. Khi tôi bước ra, anh mù đi chậm lại. Và khi tôi hỏi mua vé số, anh đưa xếp vé và hỏi tôi: ông mất rồi hả cô.

Tôi trả lời: dạ, ba mình mất rồi.

Anh vé số thở nhẹ, mấy tháng nay, con đi qua không nghe tiếng ông. Bữa đi qua nghe nói nhà có đám ma. Con đoán ông mất.

Tiếng cô nói y chang tiếng ông..

Ba tôi mất tính nay cũng mấy năm, tôi cũng thư vắng về nhà cũ. Chỉ nghe em tôi nói là không thấy anh mù đi ngang nữa. Hy vọng anh có một chỗ bán cố định. Chứ đi như vậy, người khỏe còn đuối. Huống chi người như anh...

Quay lại những người bán vé số.

Ngay hôm vừa ngưng giãn cách. Mình thấy một chị bán vé số, chị đang bán tíu tít cho hai ông xe đạp, nhìn cũng nghèo như chị. Mình vừa hỏi ”Dạ, phát hành lại rồi ạ” thì chị cũng hối hả: "Dạ, mới có hôm nay. Phải đi lấy nhanh, bán nhanh. Vì giờ chưa ai biết để ra lấy, bán nhiều. Mai kia, ai cũng ra, bán lại khó như trước..."

Người thành phố nầy, mùa dịch vừa qua, dù khó khăn, cũng ráng nhín nhín nhường năm xẻ bảy, lá rách đùm lá rách hơn. Nắm níu dìu nhau cùng đi qua những ngày ngăn cách..

Nhưng mà, thực tế ai cũng rời rã..

Những người bán vé số cũng thấy vậy, và biết vậy.

Họ nói: Kinh tế khó mấy năm qua rồi. Làm ăn cái gì cũng khó. Hồi xưa mua 5, 7 tờ. Giờ mua 2, 3 tờ.

Dịch qua cái họ bỏ mua nhiều lắm. Thì do cái gì cũng tăng, tiền thì kiếm không ra. Ai mà lòng dạ mua vé số nữa chứ...

Một anh áo xanh dừng lại, móc tờ tiền nhỏ mua tờ vé số, góp chuyện: các công ty chế xuất gì đó đóng cửa, công nhân mất việc hàng loạt. Ngoài đường sẽ thêm ngập áo xanh, áo đỏ, áo vàng..

Người bán vé số thở dài: THì người ra đường bán vé số cũng thêm nữa. Nói sao bây giờ. Đời như tấm vé số, sáng mua, chiều xổ, giấy trật bay trắng đường...

Những phận người như tờ giấy số, nhỏ bé. Gió cứ lật bay phất phơ...

 

HUỲNH MINH BÍCH NGA

Ảnh: DUY TRÂN     

BÔNG KIẾN CÒ

HMBNga_Con cò trắng trong vườn phương Na

Cánh cò trong vườn 

phương nam

Ảnh Duy Trân

 

Năm 69, chiến tranh yên rồi. Ba tôi bắt đầu rổi việc. Ông cứ chủ nhật là đi kiếm đất, mua chậu. Để lập cái vườn bông cho má tôi.

Mà khi đó, vùng Biên Hòa bông kiểng chưa có nhiều. Biết ông ty am tường cây cỏ, nên nhiều nhân viên thuộc quyền về vườn nhà gia đình, cắt cây mang lên biếu. Một trong những loài cây được tặng sớm nhất chính là cây bông kiến cò.

Khi đó, chúng tôi phụ mẹ chăm cây, tưới lá. Chừng cây ra hoa Ba tôi chỉ: các con xem, bông hoa nó như con cò đậu phải không.

HMBNga_Con gái chụp cạnh vườn hoa của ba
HMBNga_Con gái Bích Nga trong vườn cây c
HMBNga_Bame.Giáng_sinhSaiGon_năm_1962.

            Ba Má, Giáng Sinh SG 1962                           Con gái Bích Nga trong vườn hoa của Ba

Rồi ba tôi ngó về chân trời, chắc nhớ lại về vùng quê Phú Hữu-Hậu Giang. Nơi có ông bà nội đang sinh sống. Nơi mà chiều xuống, các bụi tre sẽ đậu trắng cánh cò..

Ba tôi gọi bông kiến cò, má tôi gọi là hoa bạch hạc. Vì dáng hoa như con hạc đang chuẩn bị bay lên..

Trong tủ sách của mẹ tôi, có cuốn truyện mang tên Ngàn Cánh Hạc. Và bà hình như cũng rất thích câu chuyện cổ tích Nhật về cánh hạc tiên...  Nên ba tôi trong một lần lãnh lương, đã theo xe xuống Sài Gòn rồi chở về cho mẹ tôi tấm bình phong Nhật với các bức vẽ về tùng, hạc...

Sau nầy, tôi còn biết tên chữ của kiến cò là Nam uy linh tiên, dùng trong các loại cây cỏ dành để nấu nước uống vì có vị ngọt dịu. Có tác dụng chữa các chứng ngứa da, phong thấp. Lá tươi vò sạch đắp các vết mụn lở vì có công dụng sát trùng. Rễ cây có thể rửa sạch, ngâm trong rượu, dành để làm thuốc bôi trị bệnh nấm da.

Bao nhiêu năm vùn vụt trôi qua, gia đình tôi từ Hòa Hưng(Q3 SaiGon) về Biên Hòa, rồi dọn sang Thủ Đức. Ở chưa yên lại rong rủi các vùng Banmethuoc, Nha Trang, Pleiku, Contum..Sau đó lại là Quảng Trị, Huế, Qui Nhơn, Đà Nẵng. Ở chưa ấm chỗ là lại phải đi vì công việc...Mà ở đâu, ba tôi cũng ráng kiếm chậu, kiếm đất. Gầy cho mẹ tôi mảnh vườn nho nhỏ...

Ông bà nội tôi mất rất nhiều năm trước, rồi tới ba tôi. Mất trong cái lặng lẽ dịu êm của câu chuyện ngàn cánh hạc, hay cánh đồng miền quê vàng nắng và trắng lấp lóa cánh vỗ của các con cò.

Để tưởng nhớ ông bà và cha, tôi trồng trong cái chậu nhỏ 1 nhánh cây kiến cò. Như con cò trắng về đậu cành như ký ức ngày thơ của ba tôi.  

HMBNga_ba tại Thảo Cầm Viên.jpg
HMBNga_Ba trong những ngày ờ hội hoa xuâ

Ba tại thảo cầm viên                    Ba trong những ngày Hội Hoa Xuân Tao Đàn

HUỲNH MINH BÍCH NGA

Lẩu gà miệt quê..


 

 

                                        Lẩu gà                           Món rau nỏn chuối

 

Miền quê, nhà ai cũng có đất vườn. Trừ mấy nhà nuôi gà đá ra, thì nhà nào cũng có ít con gà trống mái. Gà trống để gáy cho vui, gà mái đẻ trứng.
Mà người quê cũng ít ăn trứng gà( trứng vịt thì dịp khác viết)Để tụi nó làm ổ để cho vui, lâu lâu vắng bóng đi coi, thấy nằm ổ thì tiện tay che chắn. Rồi sau đó, có con gà mẹ dắt bầy gà con về trình diện. Mẹ con tíu tít, kêu tục tục túc túc cũng vuii.
Mà gà miền gần sông, ít còn giống mập lùn, lông vàng như ngày xưa. Giờ lai tùm lum, sắc màu đủ thứ. Con trống cũng hong còn mồng cao đỏ chót, đuôi vảnh cong, bước khoan thai oai vệ. Con mái cũng không bệ vệ, lông xù dầy.. Tụi gà thời bây giờ lông lưa thưa, lơ xơ.. Chân thì dài sọc, mồng có khi cũng hỏng có.. Lý do là chân dài, lông ít..do như vậy mới dễ chạy nước..
Miền tây, miệt gần sông. Mà giờ gần sông là đất bờ hay lở. Mưa hay dâng nước ngập, nên con gà thời .. nước đuổi giò dài( do chạy nhanh) và ít bay. Tại bởi cây bây giờ cũng ít nhánh. Nên hể nước dí nó co giò chạy rồi nhảy luôn lên chái bếp, leo tuốt lên nóc nhà..
Tía má chân dài, nên con gà con nở ra chân cũng sớm dài sọc. Dạn nước hết cỡ.
Cứ nước ròng là lội sình kiếm ăn, chỉ có hong bơi ngon lành như vịt..
Lang mang lạc đề, hihi
Ở quê, ăn gà là lành nhất.( vịt có khi nhiều người hỏng thích). Nên hể có khách là có.. cháo gà, gỏi gà. Mà nói giản dị là: Bắt con gà, làm xé phai ăn thôi..
Nên hể nhà có khách đông, có người lạ, là tụi gà xanh lè mồng, chạy trốn trối ..chết.
Năm nào, trắng đen dìa quê là lát sau có nồi.. cháo gà..
Nên có thỏ thẻ tâm sự: dạ, thôi. Dìa mà hao gà nhà quá, tội nghiệp tụi nó..
Người quê mới bảo: À, gà nuôi trong nhà, như con chó con mèo. Quen mắt mến tay mến chưng, nên hỏng có mần thịt gà trong vườn đâu.
Gà nấu thường mua ở chợ, trong nầy cứ nhắn, ngoài đó chổ bán sẽ lựa gà và mần( mầm lông mần lòng) chỉ ra lấy về nấu thôi.
Như bài trước đã viết, khách vô Bàu Bún- được đãi món bánh xèo nhưn củ hủ dừa+thịt gà.

 

 

 

 

 

 

   

                                                      Gà thả vườn quê

 

Đó là thịt nạc gà. Còn đầu cổ cảnh, lòng mề.. thì cho vô cái lẩu, nước lẩu nêm chanh chua chua. Rồi bắp chuối, rồi cái lõi chuối trắng xốp, giòn giòn mát mát.. làm rau nhún..
À quên nữa, nước lẩu là nước dừa..thêm chút ớt sừng cay nhẹ..
Ngồi ăn, nghe hai nữ bếp chính; Chị Út Mãnh, chị Mỹ Nhân thiệt thà hỏi thăm: Có quá chua hong, có cay quá hong. Tại nấu hong theo sách vở, có gì nấu đó..
Như cái rau chuối, hai chỉ phải ngồi tách tuốt trong lõi. Tại sợ ngoài dính thuốc sâu..
Rồi anh út Mãnh cũng phân bua: Trong nầy vườn nhà hỏng xài thuốc sâu, nhưng gió, mưa hay đẩy thuốc sâu bay lửng lơ, rồi thấm vô cây. Hại lắm.
Nên mần gì cũng phải kỹ, phải tính..

Bài viết: Huỳnh Minh Bích Nga

Ảnh: Duy Trần

HMBNga_Mon rau nõn chuối cây.jpg
HMBNga_Món lẩu gà.jpg
HMBNga_Gà thả vườn miền quê (1).jpg
HMBNga_Gà thả vườn miền quê (2).jpg

 Tháng 4 qua                        

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tháng 4 đã trôi qua như một cái chớp mắt. Cha của tôi là người nằm trong số triệu người buồn. Nhưng có lẽ chưa bao giờ ông hối tiếc vì sự ở lại của mình. Vì ở lại, dù chịu trăm ngàn đắng cay, ông đã gặp được người chị của mình. Người chị với tấm lòng yêu nước đã từ bỏ gia đình gia nhập kháng chiến, đã ra Bắc và mất biệt tin tức. Cũng như được sống cạnh người cha già mà ông rất mực yêu thương, được chăm lo cho cha và chị đến giờ phút cuối của cuộc đời, trong cái mốc mà ai cũng phải đến: Sinh lão bệnh tử.   

Chỉ có những điều ông tiếc. Cái ngày ông ra trình diện cải tạo. Một cờ mờ ba mươi đập bàn quát ông: Anh là thành phần chạy hỏng kịp, chứ ở lại cái gì.

Học tập xong, ông đi về tìm cái bạn cờ mờ ba mươi đó: Thì ra gã đã cùng gia đình vượt biên mất tiêu....

Ông tiếc là mấy lần về Sài Gòn làm việt kìu yêu nước mắm, cái gã thúi khăn khẳn  đó đều né tránh gặp ông.

Gã sợ, nỗi sợ cùa một con chuột đen nhuộm lông để giả làm con chuột xám. Và rất sợ một gáo nước cũng làm trôi bộ lông nhuộm dối đó..

Một nhân vật khác, trước ngày ba mươi rất nhiệt tình leo lên xe jeep Mỹ, xé cờ Mỹ, đả đảo Mỹ.. vậy mà trước ngày ba mươi lai leo tàu Mỹ di tản mất tăm..

Sang Mỹ, chả biết buồn tình thế nào, lại lập ra nhóm tố cộng những người ở lại..

Rồi sau nầy, nhân vật ấy lại về Sài Gòn, mời bạn bè xưa từng bị tố ra ăn uống như để chuộc lỗi. "Ai cũng có thời vụng dại mà. Em chỉ làm thế chỉ vì không hiểu, vì nông nổi". 

Ba tôi từ chối không ra. Chỉ gởi lời cám ơn.

Người đó tìm đến nhà, trách ba nhỏ nhen. Nhưng ba tôi chỉ nói: "Tôi không ra vì muốn giữ mãi hình ảnh tốt đẹp về bạn".

 

                         Ba tôi là người ở lại.

                         Ông chỉ muốn sống ở quê hương mình, trong một đất nước                                     hòa bình, vì ông chán ghét chiến tranh. Vì không còn muốn thấy                                   con người bắn nhau, giết nhau..

                         Ông không đi theo con đường binh nghiệp, đó là vì sao ông                                         dừng lại ở mức lon đại úy.

                         Sau khi đi học tập về, ông không buồn vì thời hạn của mình chỉ có hai năm. Không đủ để đi HO...ông chỉ buồn, vì sau khi ông về, nhiều bạn bè ông đã bị chuyển đi khắp nơi...Chết nhiều hơn sống.

Ông cũng không buồn vì bị mang tiếng bảo thủ, đã không như nhiều gia đình khác: Đưa những đứa con của mình xuống tàu ra biển. Vì trẻ con khi ra đến đảo sẽ  đánh động lòng trắc ẩn của người nước ngoài, sẽ mau chóng được đi định cư...Ông đã giữ những đứa con trong vòng tay của mình, no đói có nhau. Nhưng không mất đứa con nào hết.

Con của ông, đứa đỏ, đứa xanh, đứa vàng.. Có đứa trách móc ông lý lịch làm cho chúng không đỏ, đứa xanh thì cho rằng vì ông mà nó bị sọc dưa. Nhưng cái đứa vàng, nó hiểu ông, đó là niềm an ủi của ông khi nhắm mắt.

Ông đã sống một cuộc sống như nhân cách sống của ông, trải qua bể dâu học tập, đổi tiền, đánh tư sản,.. Sống khoan hòa ung dung , dù có thể ăn khoai với muối, nhường cơm cho vợ cho con. Và cả cho những cơn điên cuồng tiếc nuối quá khứ của bà mẹ vợ luôn tâm thần hoang tưởng.

 

Ông có một lần nói: Đời ba hạnh phúc khi thấy các con ba trưởng thành. Mà trong đó không có đứa nào tham gia đánh tư sản, đấu tố cha mẹ. hay sau nầy quay sang trách cha sao không học tập cho đủ năm để cả nhà đi HO.

Cũng không bị đi kinh tế mới, đi thanh niên xung phong.

Trừ 1 đứa đi lính thời bình. Mà chính vì ‘đứa" đi lính nầy, ông từ chối làm hồ sơ HO lần 2, vì sợ đi sẽ bỏ con lại..

 

Chỉ có một lần, ông giận dữ. Đó là khi bà cách mạng nhà bên kiên quyết dành cái tường chung làm tường riêng của bà. Không cho ông đặt chậu xương rồng lên góc tường ( để trộm không  trèo vào). Ông chỉ mặt bà và nói: "Cả miền Nam chúng tôi đã không dành. Tôi thèm dành cái cột rào nầy sao".

 

Hôm qua, sinh nhật thứ 90 của ba. Con gái viết bài nầy như một lần thắp nến mừng sinh nhật của ba.

Huỳnh Minh Bích Nga 

 

 

Mùa củ Lùn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tháng chạp âm, đang  vào mùa củ Lùn , loại củ mà phụ nữ phương Namn thích nhất trong tất cả các giống cây có củ. Xưa, người Cần Thơ phân biệt: Củ lùn trồng ở cồn, nhiều cát, củ sẽ to hơn, da đẹp nhưng không ngọt, không bột bằng củ lùn trồng đất, dù trồng ở đất củ sẽ nhỏ, da không mượt mà cho lắm.

Ngay cả bây giờ cũng vậy, người miền Tây vẫn không ưa ăn các loại củ  củ to đẹp, vì củ sẽ không ngọt ngon bằng loại củ nhỏ. Vì thường đoan chắc là loại củ to đẹp ấy là giống ngoại  và với thời buổi phân thuốc bây giờ, không biết có đúng là trồng ở cồn hay không.

Lang thang ngoại thành, hướng Bình Chánh. Thấy một xe củ Lùn đang bốc khói. Cái loại củ be bé vỏ vàng nhạt, lấm chấm sợi gai mềm. Ghé vào mua ăn và hỏi thăm: Đặc sản Cần Thơ sao lại lưu lạc ở đây. Cô bé bán hàng cười giòn:  Giờ trồng tùm lum hết rồi. Dễ trồng lắm, giống Thái. Nên có tên nghe kêu kêu là khoai lùn Thái. Nhà con có đất, giặm nhánh như khoai lang, vô phân, làm cỏ, chờ cây kết củ thì thu hoạch. Hỏng có sâu bệnh gì hết. Ăn củ nầy giòn giòn mát mát.

Tôi quê xứ Cần Thơ, ngày xưa hay về bên ngoại vì có đất vườn rộng minh mông. Ngoài đám dong ngãi, nghệ, gừng. Bà ngoại tôi còn dành chổ cho đám năn tàu, loại cây bụi cho củ, mà nghe người xưa kể rằng: Xưa người Minh di dân, họ xuống tàu mang đủ thứ theo. Rồi đến xứ Cần Thơ thì dừng lại ngụ cư, xây nhà dăm trồng cây củ. Một trong các loại đó là cây năn tàu. Gọi là năn vì luộc lên có mùi như củ năn, ăn cũng giòn sực như củ năn. Mà của người Hoa mang tới thì cứ gọi năn tàu để phân biệt với năn xứ mình.

Cần Thơ gạo trắng nước trong. Cây gì mọc cũng tốt. Năn tàu bén rể xanh tốt, sinh sôi rồi thành cây mọc hoang khắp nơi. Mà thường để nhổ luộc ăn chơi cho mát, hay nấu chè..  Không xếp vào lại cây củ quý.

Mùa củ lùn ngon nhất, theo lời ngoại tôi là mùa cuối năm, giáp tết. Tôi cũng không hiểu lý do vì sao, vì người xưa biết nhiều đều khuất bóng. Chỉ biết là khi trường học cho nghỉ tết là tôi leo xe đò về Cần Thơ. Rồi trong khi tôi ngồi trên bộ ván uống nước trà đường, thì ngoại cùng các dì, mợ xách rổ, dao ra vườn sau đào củ lùn. Rồi chừng lát sau, từng chùm củ  vàng lúc lỉu, như chùm dâu da vàng be bé đã nằm chờ rửa rồi bỏ vào nồi luộc ở ngoài sàn nước.

Tới bây giờ, người miền Tây vẫn truyền cho nhau "bí kíp" để có một nồi củ Lùn luộc ngon ngọt. Đó là sau khi cắt rể rồi rửa sạch, để ráo. Củ lùn được cho vào nồi cùng với lá dứa xanh và một ít muối bọt. Như thế khi ăn sẽ có vị đậm đà.

Với củ lùn xưa, do mọc hoang nên phần thịt xốp và cứng, không có nhiều tinh bột như củ lùn trồng sau nầy, nên ngoại tôi hay đổ nhiều nước và để lửa to. Rồi khi nước sôi lâu và đều, ngọai dùng cây trâm giắt tóc xâm thử xem củ đã chín chưa, nếu đã chín thì đổ ra rổ. Lúc đó, mùi củ Lùn hòa lẫn trong hương lá dứa bay thơm bát ngát. Chờ nguội một chút là tha hồ thưởng thức một món ăn chơi vừa mát vừa giòn.

Rồi nếu như còn nhiều nữa, các dì tôi sẽ gọt vỏ ngoài, lấy phần lõi củ trắng tinh bên trong, mang đi nấu với đậu xanh, đường cát. Rồi sau bữa trưa hay tối, tôi lại có thể ăn thêm món chè củ lùn. Cho đến bây giờ, cái cảm giác cầm một chén chè nóng ấm trên tay, dùng muỗng hớt từng miếng củ lùn xắt hột lựu trộn lẫn đậu xanh mềm, rồi cho vào miệng nhai thật chậm, để nghe răng lưỡi tận hưởng vị ngọt của đường, vị bùi của đậu xanh, và vị giòn sừn sựt của củ Lùn..

Củ lùn ăn mát, đẹp da. Tôi còn nhớ ngoại tôi nói như vậy. Mà quả thật, vào thời đó, từ ngoại tôi, đến các dì trong nhà, các chị lối xóm chung quanh. Da người nào cũng mịn màng tươi mát. Còn tính tình thì vui vẽ, mau mắn..Có thể do ăn hoài một thứ trị nóng nhiệt trong người là củ lùn chăng?.

Củ lùn hiện tại:

Cần Thơ vẫn còn là xứ chính của củ Lùn. Đi xe máy về miền Tây qua cung đường Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ.. Hai bên đường( nhất là nơi có các khu du lịch sinh thái) sẽ bắt gặp những xe đẩy hay sạp nhỏ bán củ Lùn. Cũng có khi bán chung với củ ấu, củ năng..Luộc sẵn hay để sống đều có. Càng gần về đến Cần Thơ thì bày bán càng nhiều. Củ lùn Cần Thơ là giống xưa. Ăn giòn và ít bột hơn củ Lùn giống mới( khoai lùn Thái) của vùng Tịnh Biên, An Giang.

Còn câu hỏi vì sao tháng chạp là mùa rộ của củ Lùn. Tôi chon câu giải thích của mợ tám- một người lớn tuổi nhất trong họ, còn sống ở quê, thì: Đó là mùa lúa màu gì cũng xong hết. Mọi người quay sang dọn nhà dọn vườn đón Tết. Mà dọn thì phải tém dẹp cây cỏ. Nên mấy bụi củ Lùn cũng bị nhổ dọn. Một công hai việc, vừa sạch vườn. Vừa có nồi củ ăn chơi, nấu chè. Mùa mưa củ Lùn tốt lá, mùa nắng củ lùn teo lại nhiều xơ. Nên cái mùa củ Lùn ngon nhất chính là mùa mưa vừa hết, đất vừa khô ráo. Củ lùn ngậm chất bổ từ thiên thời, địa lợi nên chùm củ cứ mập ú lại ngọt nước..

Củ lùn dễ trồng lắm. Cô bé sinh viên vùng Phong Điền khoe lên mạng những bụi củ Lùn mà cô vừa thu hoạch trong .. chậu. Như nghệ, gừng và những loài rau củ tươi sạch khác. Chỉ cần nước vừa đủ và đất tơi xốp. Cô cũng hy vọng những người trồng hoa kiểng sẽ tính tới việc đưa cây củ Lùn với bộ rể độc đáo và...ăn được nầy vào các loại cây cảnh chưng Tết..      

Ở thành phố, muốn ăn củ Lùn mùa nầy chắc không khó. Vì giao thương bây giờ nhanh và phong phú. Tôi vẫn thấy ngay đầu chợ đường Nguyễn Sơn quận Tân Phú có một chổ bày bán nồi củ lùn luộc.Bên cạnh củ năng, đậu phọng nấu, khoai lang, khoai mì hấp nước dừa..

Tra trên mạng: Củ lùn (còn có tên gọi là năn tàu), tên khoa học là Calathea allovia. Cây mọc thành bụi cao khoảng 1 mét,  lá màu xanh (giống như lá nghệ) dài khoảng 20 - 30 cm, cuống lá đứng thành bẹ bao phủ thân.

Củ lùn hình tròn, cuống dài kết thành từng chùm, vỏ mỏng màu vàng nhạt, tua tủa những rễ phụ. Ruột củ lùn màu trắng trong, phần nhân  màu trắng đục chứa nhiều tinh bột.  Củ lùn cũng có thể mài thành bột, nhưng giá trị kinh tế không cao, làm lại mắc công nên ít ai muốn làm, chỉ dành luộc ăn chơi là chính. 

 

Huỳnh Minh Bích Nga

Ảnh: Duy Trân 

HMBNga_Mar20_CHSHBao.jpg.w300h372.jpg
HMBNga_culun.jpg.w300h200.jpg
HMBNga_Ba_3.jpg
bottom of page