top of page
hmpg.jpg
Titlej (1).jpg
phamvanRot_TrhThuKhoaNghia.JPG

NGHĨ & VIẾT trên Đất Nhà

 

PHẠM VĂN RỚT

Châu Đốc

_______________________

PVR_baolụt.jpg


Trước năm 1975, miền Trung gặp phải cơn bão lụt dữ dội hơn mọi năm. Cùng đồng bào cả nước miền Nam lúc bấy giờ, Ban Giám Đốc Trường Trung Học Thủ Khoa Nghĩa phát lời kêu gọi học sinh tham gia Lạc Quyên cứu trợ đồng bào miền Trung.


Học sinh nam, nữ chúng tôi được mặc đồng phục: áo thun có in huy hiệu, quần dài màu xanh, mang giầy “bata”, nón kết có in huy hiệu. Từng tốp học sinh –có Thầy, Cô đi kèm theo- mang thùng Lạc Quyên cứu trợ, túa ra các ngã đường tỉnh lỵ Châu Đốc, kêu gọi bà con quyên góp…


Nhóm chúng tôi-do Giáo Sư dạy Văn Diệp Thị Lẹ phụ trách trông coi- được phân công mang thùng Lạc Quyên tại khu vực Bồ Đề Đạo Tràng. Nơi đây rất đông đúc dân chúng ra vào hằng ngày. Vì hai bên là bãi đậu xe khách của Tỉnh lỵ lúc bấy giờ.


Bên phải, đối diện Ty Thông Tin, là bến xe đi Sài Gòn như: Tam Hữu, Công Tạo...v.v… Băng qua “Bồn Kèn” đối diện Cư Xá Cảnh Sát là Bến xe chạy về Long Xuyên, Cái Dầu, Châu Phú.v.v..
Bên trái, đối diện “Cô Nhi Viện” là Bến xe Châu Đốc-Tịnh Biên, Nhà Bàn, Tri Tôn…Hằng ngày, người Khmer mang thổ sản: Củi bó thành “bành” tròn, thốt nốt, gạo lúa Sóc ra bán…


Phải thú thật nhìn nhận rằng, bà con rất tốt bụng. Khi chúng tôi bưng thùng Lạc Quyên lên xe khách, chưa kịp mở lời mời mọc, nhìn đồng phục chúng tôi và Thùng Lạc Quyên có huy hiệu, là bà con nhanh nhẩu móc túi, “nhét” tiền vào thùng…

Cảm động biết bao, có Bà Cụ tay lần mò tháo cây “kim Tây” cài túi áo, lấy ra những đồng tiền gói xếp cẩn thận, lụm cụm đứng lên, đi lại thùng Lạc Quyên “nhét” vào; miệng ngoám ngoém:
“Tui mới bán được mấy con gà. “Tính” để dành mua thuốc uống. Nay Bà con ngoài đó bị bão lụt, gặp cảnh khổ! Tui xin góp hết!!!”

Có lẽ nhờ được “Lạc Quyên” ở Khu Vực đông đúc, nhộn nhịp người, mà ngày nào cũng vậy, đến khoảng 11 giờ trưa, là nhóm chúng tôi nhễ nhại mồ hôi, khệ nệ bưng các thùng Lạc Quyên đầy nhóc, lên xe lôi chở về Trường Thủ Khoa Nghĩa. Nơi đây có Ban Kiểm Tra kiểm điếm tiền…


Chiều học sinh chúng tôi tiếp tục xuống đường....


xxx


Nghe tin đồng bào miền Trung bị bão lụt. Nhà Trường tổ chức đi Lạc Quyên, học sinh chúng tôi háo hức ghi danh, tình nguyện đi, không mưu cầu tiền bạc gì cả. Mang tâm nguyện “Lá lành đùm lá rách”.


Không nệ hà khó nhọc gì. Có những buổi đứng dưới nắng chói chang, mồ hôi nhễ nhại. Nhưng mà vui…
Bạn nào không được ghi danh trên danh sách, mặt mày buồn xo. Còn trách Thầy, cô sao không cho mình đi!?! Nài nĩ, xin cho được bộ đồng phục để theo bạn bè đi Lạc quyên, cho đồng bào miền Trung…

Bồi hồi xúc động, nhớ mãi bài Học Thuộc Lòng năm Lớp Tư. Ngắn gọn, dễ hiểu, học mau thuộc:

BÀI HỌC THUỘC LÒNG:
Chiếc áo ấm

Miền Trung bị nạn lụt,
Người, vật, của tiêu hao.
Em nghe mẹ khuyên bảo:
-Con nên giúp đồng bào.


Em soạn chiếc áo ấm,
Vội-vã gởi ra Trung.
Chiếc áo KHÔNG ĐÁNG GIÁ,
GÓI GHÉM TRỌN TÌNH THƯƠNG.

Phạm Văn Rớt
Số 10, đường Lê Lai, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.VN

PVR_VuLan.jfif

                                         Mùa Vu Lan, nhớ CỐM GẠO của má...
                                                                       xXx
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều


Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta. Nhớ từ thuở: Má mình còn sống. Mỗi buổi ăn cơm xong, vét những hạt cơm còn lại trong đáy nồi, bà không bỏ vào thùng rác, mà trãi ra cái nẹt tre thưa, kêu mình đem ra ngoài trời, để trên mái nhà phơi nắng. Cho thật khô.
 

Gom những hạt cơm khô ngày qua ngày. Nhắm chừng đủ dùng, Bà bắt chảo lên, kiên nhẫn rang vàng tươm hạt cơm khô ! Rang chín xong, Bà thắng nước đường. Thắng đến độ màu nước đường sẩm màu. Lấy đôi đủa nhúng vào chảo nước đường, đưa lên nhấp đôi đủa. Thấy nước đường “ kéo chỉ”, hoặc nhểu giọt đường vào chén nước lạnh, giọt nước đường vón cục, không tan. Là nước đường “tới chỉ”.


Đổ thố cơm khô rang chín vào. Dùng đôi đủa bếp khéo léo trộn đều cơm khô với nước đường. Xong, Bà nắm vắt tròn tròn cơm khô này lại. Gọi là “Cốm gạo”. Để trong keo, đậy nấp kín, không cho không khí lọt vào.
 

Mỗi khi “trái nắng trở trời”, mưa gió sụt sùi, không ra ngoài đường được; hoăc khi không có tiền phát cho con ăn quà sáng đi học, Má tôi thường lấy “Cốm gạo” phát cho anh em tôi. Ăn lót dạ đi học.

“Cốm gạo” nhai giòn rụm, bùi bùi, ngọt ngọt…No bụng đến giờ tan trường về.

 

Thuở đó còn nhỏ, tính cũng hơi làm biếng, mỗi lần Má kêu mình đi phơi cơm, phụng phịu:
“Có mấy hột cơm. Má phơi làm chi cho mắc công! Đổ cho gà, heo ăn cho rồi!!”
Má vuốt tóc tôi, cười nhẹ:
“Con ơi! Mỗi hột cơm là mỗi hột ngọc. Bà con cực khổ lắm, dãi nắng dầm mưa, mới làm ra cho mình ăn. Bỏ đi là mang “TỘI”. Mỗi hột cơm bỏ đi, biến thành con dòi. Sau này chết xuống âm phủ, Mình phải ăn (?), như Bà Thanh Đề (mẹ của Mục Kiền Liên), nghe con!!”


Má tôi dân quê, tuy không biết chữ, nhưng thấm nhuần một nền TÔN GIÁO; một NỀN GIÁO DỤC cao thượng thuở đó. Nên dùng hình tượng bà Thanh Đề để dạy con. Có ý thức làm điều THIỆN, tránh điều ÁC.


Đầu óc trẻ con của mình lúc bấy giờ, tưởng tượng đến cảnh ăn chén dòi nhung nhúc là “ớn chè đậu”, rùng mình sợ hải. Nguyện lòng ăn cơm hằng ngày, phải vét sạch hạt cơm. Không dám bỏ sót hột cơm nào nữa! Cũng như nguyện làm điều THIỆN, tránh điều ÁC.


Có lẽ bị “nhồi sọ” nền GIÁO DỤC, TÔN GIÁO như vậy, thú thật không bao giờ “dám” ĂN “SỐ TIỀN NGƯỜI BỆNH BỊ
CHIẾM ĐOẠT LÀ HƠN 10 TỶ ĐỒNG.”
(https://thanhtra.com.vn/phap-luat/)


Bởi, lúc nào cũng ám ảnh trong TÂM THỨC; cũng nơm nớp lo sợ ĂN chén dòi như bà Thanh Đề, lúc thác xuống âm phủ ! ./.


Phạm Văn Rớt
(Vu Lan, nhớ má nhiều...)

__________________

___________________

TL_tonsutrongdao.jpg

                     MỒNG BA TẾT THẦY

                               xXx

          Trong giờ phút  đầu Xuân, xin ghi lại những kỷ niệm với Thầy, Cô…Một cách tưởng nhớ, tri ân,chúc Tết Thầy, Cô, theo cổ lệ bao đời nay: “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy

Khi đến chúc Tết, học trò chúng tôi phải ăn mặc chỉnh tề, nói năng lễ phép. Đốt nhang cúng gia tiên đầy đủ nhà của Thầy, Cô. Có nhiều bậc cha, mẹ có đi cùng con đến chúc Tết Thầy, Cô ngày mồng Ba. Phong tục chúc Tết ấy bắt nguồn sâu xa từ tinh thần trọng đạo nghĩa: “Uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo”.

Học trò tùy tấm lòng, điều kiện mà gửi lễ vật khác nhau. Thầy, Cô không gì lễ vật sang trọng hay tầm thường của học trò mà bên trọng bên khinh. Đều thương yêu, dạy dỗ học trò như nhau. 

Quà Tết thuở đó cũng đơn giản: Bánh, Mứt,Mâm trái cây ngủ quả. Cây nhà lá vườn: bánh tét, cặp gà, cá lóc tát đìa v.v…Có gì gửi tặng nấy.Của ít lòng nhiều. Quý nhau là những tấm lòng biết tôn trọng, nhớ ơn Thầy, Cô dạy dỗ nên người. 

          Nhớ năm Lớp Nhì (lớp 4 ngày nay) học với Cô Giáo Nguyễn Thị Thanh Tuyền (nhà đối diện Trường Nam Tiểu Học, con Thầy Giáo Hên. Nhà kế Thầy Phạm Ngọc Đa). Biết hoàn cảnh học trò nghèo của tôi - Một buổi đi học. Một buổi đi bán Cà rem tiếp gia đình; thường xuyên giúp đở tôi sách vở, quần áo đi học.Hiện còn giữ gìn bộ sách mà cô mua tặng “Những bài toán đố luyện thi”, “Những bài luận thi”, “Phương pháp làm văn nghị luận” của Thẩm Thệ Hà.v.v.Nhờ bộ sách này, nhất là cuốn của Thẩm Thệ Hà, mà các bài văn nghị luận của tôi trong lớp, kể cả bài thi Văn thi đệ Thất đạt điểm cao . 

Nhớ ơn Cô, năm đó, ông Ngoại tát đìa cuối năm, xin được cặp cá lóc “rộng” lại trong lu. Chiều 30 Tết, ăn mặc quần áo chỉnh tề, hồi họp đến nhà Cô ngượng nghịu nói lí nhí trong họng:

-“Con xin gửi Cô cặp cá lóc ăn lấy thảo ba ngày Tết”

 -Trò ơi! Bày vẽ làm chi cho tốn kém.Trò có lòng đem đến đây thì Cô nhận. Lần này thôi nghe! Lần nữa thì Cô không nhận đâu. Trò học giỏi là Cô mừng rồi…

          Nặng nợ ơn Cô, luôn mang tâm nguyện cố gắng học hành thành tài, có ngày đền đáp. Như Hàn Tín, tướng nhà Hán, thuở hàn vi đói khổ, nhờ bà Phiến Mẫu cho cơm ăn. Sau thành tài,  Hàn Tín đền ơn bà Phiến Mẫu. Nào ngờ mai mỉa cho tôi, ngày nhận bằng Tú Tài II năm 1975, phốc chốc trở thành Bằng Tốt Nghiệp Phổ Thông, đi làm cơ quan nhà nước, lương bổng (Mì, Bo bo,xà bông, kim,chỉ,v,v) không đủ nuôi nỗi bản thân, lấy đâu đền đáp ơn sâu, nghĩa nặng. Ân hận ngày Cô mất, lại không có mặt để tiễn đưa Cô. Đang điều trị bịnh K tại Bệnh Viện Ung Bứu Saigon. Xin đốt nén hương lòng tạ ơn Cô.

 

xXx

 

Khi có tên trên bảng đậu của Trường trung học thủ Khoa Nghĩa, cứ đinh ninh như thời tiểu học, mùa hè rong chơi. Lúc bấy giờ chưa có phong trào học thêm rầm rộ như ngày nay. Nên vào năm đầu của bậc Trung học đệ nhất cấp , lớp Đệ Thất (Lớp 6P3, Pháp văn là sinh ngữ chính, do Cô Tuyền chọn dùm) học Toán với Thầy Trần văn Hai, (tự Để), có nhiều bở ngỡ. 

 

Nhớ hôm Thầy kêu lên bảng chứng minh. Trước khi làm Toán, Thầy luôn kêu học sinh đọc lại câu mệnh đề, câu định lý dùng để chứng minh, tôi đọc vanh vách câu định lý. Nhưng làm toán sai. Bị Thầy “xáng” cho một bạt tay. “Xiểng niểng” vô bảng, “mắng” cho một câu nhớ đời: “ Đồ con vẹt. Học thuộc lòng mà không biết áp dụng”.

 

Tuy bị Thầy rầy, la…. Nhưng học sinh chúng tôi thuở đó, không dám giận hờn, oán trách . Cho đó là điều bình thường. Được giáo dục tư tưởng “Tôn Sư trọng đạo”, “Thương cho roi,cho vọt. Ghét cho ngọt cho bùi”. Sau 1975, chính quyền có lệnh: Người nào có mở hảng, xưởng sản xuất.v.v., thì không phải đi vùng kinh tế mới, thầy Để mở Trại Chăn Nuôi Heo; nhưng  bị vấn đề về Thuế.Biết mình có quen với cán bộ Thuế, thầy Để nhờ mình “lo liệu” dùm. Mình sốt sắng “chạy” lo dùm Thầy. Rồi khi Thầy qua đời, gia đình tranh chấp chia thừa kế biệt thự “Hương Giang” của Thầy. Không hiểu ai cho biết, con cháu của Thầy cũng đến mình tư vấn luật. 

 

xxx

 

Mình chuyên về môn Văn, nên nhớ nhiều Thầy, Cô dạy về Văn .Trung học đệ nhất cấp: Đệ thất, Đệ lục (cô Diệp Thị Lẹ), Đệ ngũ (Cô Thái Thị Ngọc), Đệ tứ  (Cô Tiếm, Châu Giang). Kỷ niệm còn lưu đọng trong ký ức thời Trung học đệ Nhất cấp là các bài Luận Văn của tôi đều đều được Cô Diệp Thị Lẹ, Cô Tiếm, Cô Ngọc… mang vào các lớp -do cô giảng dạy- đọc ra làm văn mẩu.Có nhiều học sinh tò mò hỏi ông Rớt là ông nào. Lúc đó cũng lấy làm hảnh diện lắm!!!.

 

Cô Diệp Thị Lẹ dạy mình nhiều điều hay về môn việt Văn. Nhờ Cô đưa ra ý tưởng kỹ thuật viết sử của người Trung Hoa dựa vào tình tiết,ly kỳ, hấp dân khiến người thích học môn Sử, mình viết bài Sử Ta, Sử Tàu, đăng trên tập san Hồng Sáng của trường Thủ Khoa Nghĩa niên khóa 1972-1973, thầy Huỳnh Ngọc Hòa, Trưởng ban biên tập tờ Hồng Sáng tắm tắc khen bài!. 

 

Bẳng đi một thời gian không được tin tức gì về cô Lẹ, bổng nhiên, một hôm, cựu phó chủ tịch Hội văn nghệ tỉnh An Giang Nguyễn Thị Lập Em nhắn tin:

 

Các bạn ơi! Hôm Chủ nhật tuần rồi, cô Lẹ (Diệp Thị Lẹ), cô dạy Việt văn cho tụi mình từ năm lớp 9 Thủ Khoa Nghĩa trước năm 1975,  có gọi điện thoại  cho mình (qua messenger, vì mình kết bạn fb với cô), thì cô nói cô bị té ngã, đôn cột sống, nằm 1 chỗ gần cả tháng rồi. 

 

Đến khi cô được đỡ ngồi được trên xe lăn, lần đầu tiên, vào hôm Chủ nhật, thì cô mới gọi được cho mình. Cô không nhớ số điện thoại của cô. Cô cho số điện thoại của Phạm Diệp Thùy Dương, là con gái của cô, Tiến sĩ bác sĩ, giảng viên trường Đại học y dược Tp  Hồ Chí Minh, đang sống chung nhà với cô và chăm sóc cô. Số điện thoại của Thùy Dương đây (0908 1432 27), cô bảo "Cứ điện thoại cho nó".

 

Cô bảo tụi mình có đi Sài Gòn, thì qua nhà cô chơi. Địa chỉ nhà cô Lẹ đây (145/5D Nguyễn Đình Chính, phường 11, quận Phú Nhuận, tp Hồ Chí Minh). Các bạn có thể thăm hỏi cô, qua thông tin địa chỉ này nha! Thân quý các bạn.

 

Bạn Rớt ơi! Hôm cô Lẹ điện thoại nói chuyện với mình, có nhắc đến bạn Rớt nữa. Cô hỏi " Rớt thế nào rồi em? Nó đang sinh sống ở đâu, làm gì?"  Mình kể, bạn Rớt sau giải phóng 30.4.75, đi học Luật (?), còn ở chỗ phía sau Tòa án Châu Đốc cũ (?), có viết văn làm thơ nữa mà thường viết các bài nghiên cứu, sưu tầm chuyện xưa, chuyện nay!

 

Nhớ Thầy Trần Văn Thuận (còn gọi là Bảy Cò-Ke). Quê Cái Răng, Cần Thơ (cùng quê với bà Nội tôi). Hoạt động kháng chiến chống Pháp bị bại lộ, về Châu Đốc làm giáo sư dạy Pháp văn.

 Thầy Thuận dạy tôi môn Pháp Văn năm Đệ Tứ=Lớp 9 P3. Lớp học này đối diện với Lớp 10 C sau này.Giờ học Pháp Văn của Thầy dễ nhớ, mau thuộc. Vì thầy thường hay kể chuyện vui có liên quan đến Pháp văn. 

…Thời gian Thầy Thuận (Bảy Cò Ke) đi học, còn học theo chương trình Pháp. Học hành, thi cử tiêu chuẩn, thể lệ  rất gắt gao… 

Năm đó, phần viết thi xong. Phần thi vấn đáp [ l’examen oral ] gặp “bà đầm” Tây, hỏi một câu về sử địa, hiểm hóc (dĩ nhiên hoàn toàn bằng tiếng Pháp): 

“Trò hảy cho biết TÊN cây cầu bắt qua sông HỒNG, nối quận HOÀN KIẾM với quận LONG BIÊN của HÀ NỘI; xây dựng vào năm 1898-1902 ?!”.

Địa danh này ở ngoài tận Hà nội nên Thầy Thuận không chú ý học kỹ ; đành phải đứng “chết trân” hồi lâu. Mồ hôi trán rịn chảy… 

Trong bụng suy nghĩ, trước sau gì mình cũng rớt. Nên muốn chưỡi thề con mụ Đầm này một câu (Đụ mẹ) . Cho hả giận.

 Nhưng chưỡi tiếng Việt, tiếng Pháp thì bà đầm này hiểu được, xử phạt.Nên chưởi thề (Đụ mẹ) qua tiếng Kamphuchia, cho nó không bắt lỗi được. Nghĩ sao là làm vậy. Liền chưỡi: 

“Đume”.!!! 

Bà đầm kêu to “ Très bien” (giỏi quá), cho “dix bon” (10 điểm). 

Thì ra, cây cầu này do Toàn Quyền Đông Dương lúc bấy giờ là PAUL DOUMER cho khởi công xây dựng.Sau khi hoàn thành, lấy tên DOUMER đặt tên cho cầu. Sau này, chính quyền đặt tên là Cầu Long Biên.

Cây cầu này hiện nay vẫn còn trơ gan cùng tuế nguyệt, dù xây dựng từ năm 1902

 

xXx

 

Học hết lớp đệ Tứ [Lớp 9], chuẩn bị lên đệ Tam [Lớp 10], Nhà trường tổ chức buổi thuyết trình về việc phân ban, chọn ban như thế nào.Còn nhớ buổi sáng hôm đó,, học sinh cấp lớp đệ Tứ  chúng tôi tề tựu trước sân trường, xung quanh bùng binh cột cờ. Các Thầy, Cô thuyết trình về việc Phân Ban cho học sinh nghe. Thầy Huỳnh Ngọc Hòa giới thiệu về Ban C hay quá. Nên chọn học ban C.

Ban C trường Trung học Thủ Khoa Nghĩa được thành lập lại vào niên khóa 1973.Sau bao năm vắng bóng. Công sức Thầy Huỳnh Ngọc Hòa diễn thuyết, hô hào… chỉ đủ sĩ số học sinh mở được một (01) lớp.Các lớp Ban B, ban A thì nhiều hơn. Có lẽ do học sinh ban C  ( chuyên về văn chương, triết học, ngoại ngữ) thi đậu xong, cánh cửa vào đại học và hành nghề  hẹp hơn các Ban A (sinh vật và lý hóa); ban B ( toán, lý, hóa;). Không hiểu ước mơ các thân hữu khác khi quyết định chọn Ban C thế nào, chớ riêng mình tuổi trẻ, mang đầy mộng mơ, lãng mạn “Thuở Mơ Làm Văn Sĩ” của nhà văn Nguyễn Thụy Long, đăng trên tuần báo Thiếu Nhi của nhà sách Khai trí.Không tính toán thiệt hơn về nghề nghiệp sau này.!!!

Nhớ ơn Thầy Hòa dạy môn Văn, đã mang hết tâm huyết truyền thụ cho chúng tôi tư tưởng giáo dục của Kant là “không chỉ giảng dạy cho sinh viên các tư tưởng mà dạy cho họ biết tư tưởng.”:  tự do phê bình các hệ tư tưởng triết học, các khuynh hướng văn học, nghệ thuật, rất sát với trào lưu quốc tế. 

Thêm vào đó, nhà nghèo, không có điều kiện học thêm, không có tiền mua sách. Nhưng may mắn nhờ đọc được bộ sách “Tự học, nhu cầu của thời đại” của Nguyễn Hiến Lê, của Thu Giang Nguyễn Duy Cần…, có câu: “Muốn học môn nào, thì học viết sách về môn đó”. Nằm lòng câu đó,suốt thời gian trung học dưới mái trường Thủ Khoa Nghĩa, tôi là hội viên thường xuyên của Thư Viện Thủ Khoa nghĩa [ nằm tầng trên của dãy lớp Đệ Tứ, giáp đường Thủ Khoa Nghĩa -nay là dãy Ban Giám Hiệu Trường Tiểu học Nguyễn Huệ- Cô Hạnh quản lý Thư Viện. Sách in ấn rất đẹp, tươm tất…] . Có lẽ nhờ miệt mài vào Thư viện của Trường mà năm đệ Tam, tôi chiếm giải văn chương hạng Nhất toàn trường với Truyện ngắn đầu đời “Mùa Xuân của Nó”. Hân hạnh được Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Thành Quang đích thân trao phần thưởng. 

Phần thưởng sách vở có giá trị cho đến ngày hôm nay-do Thầy Huỳnh Ngọc Hòa chọn lựa- :Chánh tả tự vị của Lê Ngọc trụ; Việt Ngữ tinh nghĩa Tự Điển của Long Điền Nguyễn Văn Minh ; Việt Nam Sử Lược-Trần Trọng Kim;Thi Văn hợp Tuyển của Hoài Thanh, Hoài chân; Việt Nam Văn Học Giản Yếu của Dương Quãng Hàm. Trọn bộ English for today.

Qua cơn chính biến “gom sách”. Chỉ còn sót lại bộ sách Englis fotoday – do chính phủ hoa kỳ viện trợ, sách in giấy đẹp; đến nay trên 40 năm vẫn còn bền vững, không mối mọt. Sau này,con tôi nhờ tự học với bộ sách này, thi đậu vào trường Đại học Fulbright của Hoa Kỳ, đặt tại Việt Nam. Lấy bằng thac sĩ; nhận xét rằng: Học tiếng Anh, luyện về văn viết thì chưa có sách giáo khoa nào qua mặt bộ sách Englis fotoday này. Giống như bộ Lã thị Xuân Thu đời Tần, Lã Bất Vi cho soạn xong, bèn dựng bảng ở kinh đô Hàm Dương, treo giải thưởng:ai sửa chữa được 1 chữ trong Lã thị Xuân Thu , thưởng 01 lượng vàng !!!. 

Thuở đó, Ban C chúng tôi đi thi Tú tài, thì Triết học là  môn chính: hệ số 4. Chúng tôi nỗ lực rất nhiều học môn này. Nhà Trường cũng có trách nhiệm lựa Thầy giỏi môn này dạy chúng tôi.

Triết học Phương Tây thì Thầy Vĩnh Phiếu giảng  dạy các môn  : Đạo đức học. Siêu hình học (luận về linh hồn) v.v. Thậm chí nghiên cứu cả về Triết học Kal Max, chủ nghĩa công sản. Môn học này sau ngày 30-4-1975 là dĩ nhiên, bình thường. Nhưng thời chúng tôi ,thì quả là nền tự do học thuật thật sự.

Triết học Phương Đông thì Thầy Cao Ngân Hà  giảng dạy.Chúng tôi học các môn Nho giáo, Phật Giáo, Đạo giáo, Thiên Chúa Giáo..vv…Do được hấp thụ nền giáo dục khai phóng, học các tôn giáo lớn trên thế giới, nên học trò chúng tôi có tầm nhìn bao quát, cởi mở, phóng khoáng.

Chạy theo mốt thời thượng lúc bấy giờ, kè kè bên tay cặp sách lúc nào cũng có Thiền luận của Suzuky, do Tuệ Sỹ dịch, Ý thức mới trong văn nghệ, triết học của Phạm Công Thiện.v.v.lòe mắt các bạn Ban A, Ban B, chớ thú thật, chẳng hiểu tác giả nói cái gì!!!

Thầy Cao Ngân Hà, thường được Thầy Huỳnh Ngọc Hòa  chọc vui là Tì Kheo. Xin mạn phép kể lại câu chuyện vì sao Thầy theo Phật Giáo (trước đó Thầy là tín đồ Công Giáo?), trường chay ( chung sống với Cô Quang,). Câu chuyện này, đích thân Thầy Hà kể lại cho học trò chúng tôi nghe, chứ không qua tin đồn nào hết. 

   Nhà Thầy Hà ở tại trung tâm Đô Thành Sài Gòn.Mở tiệm mua  bán vàng, ngọc…. Mẹ Thầỳ Hà có bán một số ngọc ngà cho khách hàng. Lâu quá, khách hàng không trả nợ. Mẹ Thầy Hà cho gia đình hay biết, ngày đó sẽ đến nhà khách hàng này đòi nợ.. Qua hết ngày mà không về nhà. Cả nhà  báo cảnh sát, tốc đi tìm. Đến nhà khách hàng nợ hỏi, thì họ cho biết: “ mẹ Thầy Hà không có đến đây”. Đi tìm khắp nơi, cũng không có tin tức gì. 

Đêm đó, Thầy Hà nằm mộng thấy Mẹ hiện về cho biết : “ bị giết chôn ở nhà khách hàng nợ tiền”.Là tín đồ Công Giáo, Thầy cũng không tin vụ mộng mị, bán tín bán nghi, Thầy Hà trình báo cảnh sát. Mang theo cả chó săn đánh hơi đến nhà khách hàng đó, lùng sục khắp nơi cũng không tìm ra.

Tối đêm đó, Thầy Hà đốt nhang cầu nguyện:” Mẹ có linh thiêng xin chỉ rõ chết chỗ nào, để con tìm”. Không ngờ, đêm đó, Mẹ Thầy Hà lại hiện hồn về báo rõ : “ Bị chôn trong phòng ngũ của vợ, chồng khách nợ.”. 

Thầy Hà lại báo Cảnh sát quay trở lại nhà khách hàng khám xét. Chủ nhà chống đối quyết liệt,không cho khai quật phòng ngũ. Cuối cùng Thầy Hà phải làm tờ cam đoan nếu khai quật không có gì phải bồi thường đích đáng.Thầy Hà đồng ý làm cam kết. Thầy Hà toát mồ hôi hột, khi đào xuống mấy lớp đất mà không thấy thi thể mẹ. Nhưng nhớ hồn mẹ nói rõ mồn một bị chôn tại đây. Nên khẩn khoản cảnh sát nghiệp vụ đào sâu thêm. Cuối cùng, thì tìm ra xác chết, bị đập đầu rồi chôn vào đây. Sỡ dĩ buổi ban đầu, chó săn đánh hơi tìm không ra, vì thủ phạm có hiểu biết , nên đào hố chôn thật sâu, rãi lên thi thể một lớp xà bông. Khiến chó săn đánh hơi không ra!

  Từ đó, Thầy Hà tin tưởng con người có linh hồn. Quy y Phật giáo, tu tại gia, trường chay.

  Khi Thầy Hà dạy chúng tôi môn Triết, có thuyết giảng thêm Thông Thiên Học.Có vài thân hữu Ban C nghiên cứu. Sau 30-4-1975, tôi có hỏi thăm thì Thầy vẫn hiện hữu. Tọa Thiền cả tháng mới xã Thiền. Nay thì không hiểu Thầy còn hay mất.Xin đốt nén hương lòng. Tưởng nhớ đến Thầy. 

  Ghi nhận lại đây, không phải ý xấu.Bơi móc đời tư gì. Mà tưởng nhớ một người Thầy khả kính.

Thầy Nguyễn Công Danh, người Cần Thơ, dạy tôi Anh văn năm đệ Tam, đệ Nhị. Khi làm Hiệu Trưởng Bán công Nguyễn Hữu Cảnh,có cho soạn kỹ yếu Trường Trung Học bán công Nguyễn Hữu Cảnh. Thầy Danh có tâm hồn nghệ sĩ, vừa làm thơ vừa sáng tác âm nhạc.Bút hiệu Nguyễn Cát Đông. Sau 1975, nhớ mãi hình ảnh Thầy vai mang cuốc, xếp hàng  cùng đồng nghiệp đi “lao động”. 

Sau này, tôi có gặp lại Thầy tại  bến xe Long Xuyên.Thầy trò tay bắt mặt  mừng.Sau giây phút hàn huyên tâm sự, Thầy cho biết chuẩn bị hoàn tất hồ sơ định cư tại Mỹ.Từ đó đến nay không có tin tức về Thầy…(Trời không phụ người có lòng, qua bài  đăng trên tạp chí Thatsonchaudoc.com , văn nhân Hai Trầu cho biết thầy Danh vẫn sống khỏe, có trang fb.Trần Bang Thạch. Từ đó, thầy, trò gặp nhau)

(Trong tập san Hồng Sáng của Trường Trung Học Thủ Khoa Nghĩa niên khóa 1972-1973, có in chùm thơ Lục bát của Thầy. Xin ghi lại, hoài niệm về Thầy, ảnh ở cuối bài):

Tôi luôn nguyện với lòng, mãi mãi biết ơn Thầy, Cô đã ân cần dạy dỗ, và nền giáo dục NHÂN BẢN,DÂN TÔC, KHAI PHÓNG, trước đây .Đã giúp  cho chúng tôi biết phát triển óc phán đoán,  óc sáng tạo, phát triển điều mới. Đó mới chính là động lực phát triển xã hội. Không theo lối mòn; tránh rơi vào thảm cảnh: “Đường xưa lối cũ anh đi về đâu?”. /. 

Phạm văn Rớt

                     

 

 

 

 

PhamVRot_HongSang1.JPG

MINH NIÊN KHAI BÚT!

 -oOo-

Tục Minh Niên Khai Bút đã trở thành một truyền thống lâu đời của người Việt. Học giả Phan Kế Bính trong “Việt Nam phong tục” đã ghi nhận: “Mồng hai Tết Nguyên đán, những nhà buôn thấy hợp ngày thì mở hàng. Kẻ sĩ thì thường thường làm lễ khai bút.”

  Theo tục lệ  ông bà bao đời lưu truyền, gia đình tôi có tục khai bút đầu năm, cầu mong cho năm mới may mắn và thành công hơn nữa trong công việc và học tập; thể hiện tinh thần hiếu học, truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt. 

[Ảnh minh họa. Nguồn: https://lichngaytot.com/phong-tuc/ngay-dep-khai-but-dau-xuan-2019-536-195875.html ]

 

Theo thông lệ,cuối năm,học trò chúng tôi được nghĩ học chuẩn bị “ăn Tết”: sách vở, bình mực, viết, cặp học,…sắp xếp vào ngăn kéo. Trước khi chính thức bước  sang năm mới, ba tôi đã coi lịch “Tam tông Miếu” (lịch Can, Chi coi ngày lành tháng tốt thông dụng của miền Nam)- trong khoảng thời gian ba ngày Tết- có ngày nào khai trương, xuất hành…là kêu anh em tôi thức dậy sớm, ăn mặc chỉnh tề, sau khi đốt nhang cúng lạy gia tiên xong, ngồi ngay ngắn vào bàn học, lấy tập giấy trắng ra, cây viết bôm mực đầy đủ; viết câu chữ  vào đó. Câu chữ cần tránh viết sai, không bỏ dở những điều đang viết; cần có “bút sa” vào trang giấy, để đánh dấu ngày tốt khai bút  là được.

Thường là các câu ca dao, thành ngữ dễ nhớ, dễ thuộc, có ý nghĩa: Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra; Không thầy đó mầy làm nên…Xong nghi lễ khai bút đầu năm , chúng tôi xếp bút nghiên vào chỗ cũ; được  tự do theo sở thích: đứa thì lấy truyện bằng tranh ra đọc, đứa thì chạy đi chơi với bạn bè.v.v.. 

PhamVanRot_Bekhaibut.JPG

Bé khai bút đầu năm với mong muốn học giỏi và gặp nhiều điều tốt lành trong năm mới.[Nguồn:https://giadinh.net.vn/giai-thich-cho-con-ve-y-nghia-tuc-khai-but-dau-nam-172100214065333123.htm ]

 

Giới quan lại ngày xưa cũng có tục khai bút , qua lệ khai ấn đầu năm. Cuối năm nghĩ ăn Tết, quan lại rửa ấn, triện cất niêm phong cẩn mật. Qua Tết, thăng đàng làm việc, quan phải làm lễ khai ấn đầu năm.Các vị này nhân đầu năm làm lễ khai ấn, triện bằng cách đóng dấu vào những giấy tờ công văn để cầu mong cho "thiên hạ thái bình" và dân chúng được "an cư lạc nghiệp". 

xXx

Đáo lệ hằng năm, năm Giáp Thìn (2024), xin khai bút về chuyện MẠI CAM GIẢ NGÔN, của Lưu cơ tự Bá Ôn (1.311-1.375), quán tỉnh Chiết Giang. Đỗ Tiến sĩ, thông thiên văn, giỏi binh pháp. Làm quan với nhà Nguyên, nhưng không đắc dụng, bỏ về quê ở. Sau được Chu Nguyên Chương vời ra, ông giúp nhiều mưu chước, thu phục nhân dân Trung hoa:

Hàng hữu mãi quả giả, thiện tang cam:

Ở Hàng-châu có anh buôn quả cây, khéo dành-dặp cam lắm.

Thiệp hàn thử bất hội,

Qua mùa nóng lạnh , mà cam vẫn không thối nát

Xuất chi diệp nhiên, ngọc chất chi kim sắc.

 Đem bầy ra trông đẹp lắm, rõ ràng chất ngọc sắc vàng!

 Trí ư thị giá thập bội, nhân tranh dục chi

Bán tại chợ, giá rất đắt. Người ta tranh nhau mua.

Dư mậu đắc kỳ nhất,

Ta cố chuốc được một quả

Bẫu chi như hữu yên phác khẩu tị.

Bửa ra có hơi khói sặc lên mũi

Thị kỳ trung, tắc can nhược bại nhứ

Coi ở trong thời đã thối nhũn!

Dư quái nhi vấn chi viết:

Ta lấy làm lạ, hỏi người bán cam:

Nhược sở thị ư nhân giả,

Cam này đem bán cho người ta

Tương dĩ thực biển đậu, phụng tế tự,

Dùng để đơm cúng thần thánh,

cung tân khách hồ? Tương huyễn ngoại dĩ hoặc ngu cổ hồ?

Đãi đoạ tân khách ư? Hay là cố trang sức bề ngoài, bán cho đắt, để lừa dối kẻ ngu ngốc gà-mờ ư?

Thậm hĩ tai vi khi dã!”

Sao mà gian dối quá vậy?

Mãi cam giả tiếu, viết:

Người bán cam cười, đáp:

Ngô ngiệp thị hữu niên hĩ

Tôi chuyên nghề bán cam đã lâu năm lắm

Ngô lại thị dĩ tự ngô khu

Nhờ nghề này để sinh nhai (nuôi thân)

Ngô thụ chi, nhân thủ chi,
Tôi bán ra, người mua lấy

vị hữu sở ngôn, nhi độc bất túc ư tử hồ?

Chưa từng thấy ai hở môi chê trách, nay chỉ thấy có mình ông.

Thế chi vi khi giả bất quả hĩ,

Ở đời biết bao nhiêu kẻ gian dối.

Nhi độc ngã dã hồ?

Đâu có một mình tôi.

Ngô tử vị chi tư dã…

Ông nông lòng không biết nghĩ sâu.

Kim phù: bội hổ phù, toạ cao bì giả,

Kìa! Thời nay biết bao kẻ đeo ấn hổ, ngồi trên nệm da hùm

Quang quang hồ can thành chi cụ dã;

Trông rõ đường đường phương diện quốc gia.

Quả năng thụ Tôn Ngô chi lược da?

Thế mà lục thao, tam lược của Tôn Tẩn, Ngô Khởi có biết tý gì chăng?

Nga đại quan, đà trường thân giả,

Lại những kẻ mũ cao, áo dài,

Ngang ngang hồ miếu đường chi khí dã;

Nghênh ngang ra vẻ là quan cả phò vua giúp nước

quả năng kiến Y, Cao chi nghiệp da?

Thế mà, có dựng nổi nghiệp lớn như Y Doãn, Cao Dao không?

Đạo khỉ nhi bất tri ngự,

Trộm cướp nổi lên mà không biết cách ngăn ngừa!

Dân khốn nhi bất tri cứu,

Dân tình khốn khổ mà không tìm phương cứu trợ,

Lại gian nhi bất tri cấm,

Quan lại tham nhũng mà không biết cách ngăn cấm!

Pháp đố nhi bất tri lý,

Pháp độ đổ nát mà không biết cách sửa sang!

Toạ mi lẫm túc nhi bất tri sỉ.

Ngồi ôm lấy kho tàng mà không biết hổ!

Quan kỳ toạ cao đường, kỵ đại mã,

Kìa xem, ở nhà cao, cưỡi ngựa béo, 

Tuý thuần lễ nhi ứ phì tiên giả

Uống rượu tăm, ăn đồ bổ,

Thục bất nguy nguy hồ khả uý

Rõ ra vẻ uy nghiêm ,ai mà không sợ

Hách hách hồ khả tượng dã

Trông ra bộ hách dịch, ai thấy chẳng kinh.

Hựu hà vãngnhi bất kim ngọc kỳ ngoại,

Có gì đâu, chẳng qua là  : ngọc vàng màu mỡ ngoài da

Bại nhứ kỳ trung dã tai?

Mà trong dơ bẩn thối tha vô cùng!

Kim tử thị chi bất sát,nhi dĩ sát ngô cam…”

Thế mà ông ngơ đi không xử đến, lại chỉ xét nét quả cam của tôi”

Dư mặc nhiên vô dĩ ứng

Ta đớ họng ra, không nói năng gì được cả.

Thoái nhi tư kỳ ngôn.

Lui về nghĩ những lời của anh hàng cam

Loại Đông phương sinh hoạt kê chi hùng.

Hệt lời hoạt kê hùng hồn của Đông phương Sóc

Khởi kỳ phẩn thế tật tà giả da,

Phải chăng là bực tức đời, căm hờn kẻ gian nịnh

Nhi thác ư cam, dĩ phúng da?

Thác, ngụ vào chuyện quả cam để răn người đời chăng?./.

 

PHẠM VĂN RỚT

 

Tài liệu tham khảo:

[1]-Hán Văn Tinh Túy, Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, Nam chi tùng thư xuất bản 1965.

[2]-Đông Phương Sóc, danh gia trào phúng của Trung Hoa.

________________________

pvr_batcadia.jpg

BÒ BẢY MÓN, ĐẶC SẢN NÚI SAM CHÂU ĐỐC-THẤT SƠN

Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều


         Núi Sam-Châu Đốc, ngoài những thắng cảnh nổi tiếng từng làm hài lòng du khách bốn phương như: Tây An cổ tự, Chùa Bà, lăng ông Thoại Ngọc hầu…còn có một đặc sản không kém phần thú vị, nếu du khách chưa thưởng thức qua thì thật là điều còn thiếu sót. Đặc sản đó là bò bảy món.

Bò bảy món Núi Sam-Châu Đốc là đặc sản nổi tiếng, ngoài hương vị thơm ngon, hạp khẩu vị còn là món quốc hồn, quốc túy, là  hồn quê của người dân bản xứ.

Bò bảy món tuy đã nổi tiếng từ lâu, nhưng đặc biệt là không được bày bán trong nhà hàng hoặc các quán tại địa phương. Nếu có, một vài cửa hàng chỉ bán một trong bảy món là đủ nổi tiếng làm giàu rồi. Chẳng hạn, ở tại chợ Châu Đốc có quán cháo đầu bò cũng khá nổi tiếng.

Du khách muốn thưởng thức đặc sản này phải chịu khó xâm nhập thực tế vào Làng Vĩnh Tế trong dịp lễ lộc, cưới hỏi, đám giỗ…lúc bấy giờ Thợ Chính bắt đầu trổ tài nấu nướng.

Theo lời các bô lão kể lại, từ lâu đời làng Vĩnh Tế có tập tục bất thành văn là vào dịp lễ cưới, tiệc tùng đãi khách đều nấu bò 7 món, nhất là lễ cưới. Nếu gia chủ mời thợ nấu theo lối Tàu, lối Tây…thì thực khách không thích mấy. Họ dùng qua loa lấy lệ rồi “rút” về sớm. Không ở lại mãn tiệc.

Còn nếu gia chủ đãi bò 7 Món thì họ “chơi mút mùa”. Có tiệc kéo dài tới chiều. Đặc điểm nữa là hết mồi phải “châm” thêm. Nếu gia chủ không “châm” thêm mồi là bị lên án “chơi không đẹp” “hà tiện” quá…Sau này có tiệc mời nữa là bị tẩy chay. Không ai đến dự. Phần nhiều những tiệc tùng đám cưới, theo cổ lệ, thường được tổ chức tại nhà. Nên trai Làng chiêu đãi cực lắm. Người dân Vĩnh Tế không bài ngoại hay cục bộ địa phương, nhưng lâu đời do thói quen thành “gu” là vậy. Đây cũng là một nét độc đáo, cá tính người dân Vĩnh Tế còn duy trì cho đến ngày hôm nay.

Bò bảy món gồm những món như sau, mà những người thợ nấu lành nghề cũng đều biết qua: Lòng bò luộc; Bò Đun – Bánh Hỏi; Cháo Đầu Bò; Bò Kho- Bánh Mì; Bò Xào Lá Vang; Bò Bít Tết hoặc Lúc Lắc.

Những món kể trên, du khách chắc cũng từng có dịp dùng qua trong những tiệc tùng cùng bạn bè. Nhưng sở dĩ món bò 7 món của Núi Sam – Châu Đốc từng nổi  tiếng vì có những đặc điểm hương vị riêng của nó. Phải nói là cái “gu” hết sức lạ lùng, mà chỉ có người thợ Núi Sam – Châu Đốc nới nấu được.

Thật vậy, một người thợ nấu kể cho người viết nghe rằng: bò 7 món đối với người thợ nào cũng nấu được. Nhưng bò 7 món qua tay người thợ nấu chánh thống làng Vĩnh Tế nấu được nâng lên hàng nghệ thuật, thể hiện nét văn hóa độc đáo của người dân đầu nguồn châu thổ, theo phương châm bồi bổ dinh dưỡng, cân bằng âm dương và tiêu thực.

Nguyên liệu để nấu món bò 7 món dĩ nhiên là thịt bò. Nhưng người thợ nấu chánh thống làng Vĩnh Tế ít khi nào ra chợ mua thịt bò làm sẵn, mà điều kiện ắt có và đủ là mua bò còn sống và phải là bò tơ. Sau khi làm bò xong, người thợ nấu Vĩnh Tế dùng luôn da gọi là “thui bê”. Nghĩa là, dùng rơm đốt cháy xém da bò cho săn lại, khi dùng nấu nướng thì ăn luôn da. Rất ngọt và bùi miếng thịt. Trong khi da trâu, da bò được bán với giá rất đắt, thường chỗ khác dùng thịt bò, ít ai dám để lại da. Người thợ Vĩnh tế còn duy trì lối nấu ăn luôn da nên vì vậy mà bò bảy món Núi Sam - Châu Đốc khác lạ chăng?

Theo thông lệ, chúng ta ăn thịt vịt luộc phải chắm mắm gừng cho dễ tiêu, vì thịt vịt vốn tính hàn, khó tiêu, phải chấm mắm gừng cho ấm tì, dễ tiêu thực, thì trong khẩu phần bò 7 món người thợ nấu Núi Sam - Châu Đốc cũng theo nguyên tắc đó.

Món dùng đầu tiên trong bò 7 món là Lòng Bò Luộc. Lòng bò vốn tính dai và khó tiêu, nên người thợ nấu phải luộc nó với một bí quyết riêng mới đảm bảo hai đặc tính: mềm và giòn. Bà Chị tôi, con người cậu,là Thợ Nấu đám cưới nổi tiếng của Làng Núi Sam Vĩnh Tế. Hồi nhỏ, tôi hay tò mò chạy vô bếp ngồi xem chị nấu đám cưới, thỉnh thoảng chạy vặt. Còn nhớ,người chị nhờ tôi đem lòng bò vừa làm xong ngâm vào cái thố chứa dung dịch nước trong sền sền.Tôi nghịch ngợm lấy tay khuấy dung dịch này thấy rát tay, nóng rực…Hỏi ra mới biết đây là nước vôi lắng trong. Có chất “sút”,”bazờ”rất mạnh, làm cho lòng bò trở nên mềm hơn nhưng vẫn còn độ dai. Còn cách làm mềm lòng bò nữa là trộn lẫn với nước khóm. Nhưng lòng bò trở nên “bể rệp”, rã rời từng mãng. Không còn độ dai.

Người thợ nấu Vĩnh Tế sau khi luộc lòng bò mềm rồi, họ mới nhúng lòng bò vào một dung dịch giấm pha riêng thì lòng bò săn giòn lại. Cho nên món lòng bò Núi Sam - Châu Đốc nổi tiếng vì có hai đặc điểm: mềm và giòn. Dĩa nước mắm của lòng bò phải là mắm nêm có trộn với xác khóm bằm nhuyễn mới là đúng điệu theo nguyên lý âm dương: bò luộc ăn cặp với rau sống, dưa leo… khó tiêu. Phải ăn kèm với khóm cho dễ tiêu. Do trong khóm có chất Bromelin phân giải các tế bào Protein của động vật.

Sau này, đọc sách báo y học mới ra rằng từ ngàn xưa cha ông ta đã biết hòa hợp, cân bằng âm dương trong khẩu phần ăn uống hằng ngày rồi!.

Trong món bò 7 món, người thợ nấu Núi Sam – Châu Đốc còn lấy làm tự hào về món thịt bò xào lá vang. Ăn thịt bò xào lá vang vẫn phải dùng nước chấm phù hợp cho món này là tương hột (phải lên men theo lối cổ truyền) bằm nhuyễn nêm gia vị, trộn với sả bằm nhỏ, cho dễ tiêu thực. Cái cốt lõi của món này là ở lá Vang.

Cùng đồng thời là món thịt bò xào lá Vang nhưng dùng lá Vang miệt Nhà Bàn –Tịnh Biên thì khẩu vị hơi khác, và dùng lá vang miệt miền Đông: Thủ Đức – Biên Hòa xào thịt bò, lập tức người sành điệu dùng qua là biết khác nhau.

Lá Vang là loại dây leo. Lá màu xanh, hình bầu dục, thân cây loại dây leo màu xám, mọc theo vách đá ở Núi Sam. Ở miền Đông, vùng  Thủ Đức – Biên Hòa cũng có lá Vang thường mọc theo bụi, nơi có cọc rào, cây để dây leo bám vào. Lá vang có vị chua. Thân cây khi chặt đứt có nhựa màu sữa trắng chảy ra. Lợi dụng vào vị chua của lá Vang, người thợ nấu hái lá rửa sạch, xắt thành sợi, xào với thịt bò, có nước cốt dừa và đậu phộng đâm nhỏ rắc vô. Người dân Núi Sam hái lá Vang bó thành từng bó, đếm lại cho bạn hàng bày bán ở chợ Châu Đốc. Người muốn dùng mua về rửa sạch, lặt lá là sử dụng được ngay.

Trong dịp về quê dự đám giỗ ở Nhà Bàn-Tịnh Biên, theo cổ lệ gia đình, có món thịt bò xào lá vang. Một vị khách ngồi kế bên, khi dùng qua, nói khẻ với tôi: “Món thịt bò xào lá vang này, khác với món nấu ở Núi Sam Châu Đốc”. Ồ, lại thêm một “Tổ Sư Bồ Đề” về ăn uống nữa rồi! Tôi thầm nghĩ bụng, rồi tò mò hỏi chuyện. Vị khách này xin lỗi bà con Nhà Bàn-Tịnh Biên mình, không phải nói xấu gì. Bởi thói quen ẩm thực hay phân tích, so sánh vậy thôi!

Vị khách này kể lễ, cùng đồng thời là món thịt bò xào lá vang, nhưng mỗi miền có hương vị đặc trưng.Tịnh Biên cách Núi Sam-Châu Đốc không xa. Nhưng cậu để ý về Lá vang sẽ nhận ra chỗ khác nhau ngay. Nguyên do là, Lá vang mọc ở Núi Sam-Châu Đốc có vị chua, mà hậu ngọt. Lá vang ở Nhà Bàn-Tịnh Biên vị chua, hơi chát. Còn Lá vang ở miền Đông, như Thủ Đức-Biên Hòa có vị chua, hơi đắng.

Cho nên khi dùng món Lá vang xào thịt bò,nếu chúng ta chịu khó nhai kỹ, nước miếng ứa ra, thấm giọng từ từ sẽ nhận ra “hậu vị” ngay. Tôi giật mình về lối thưởng thức sành điệu của vị khách này. Nhìn vẻ mặt của tôi, vị khách có lẽ đoán được ý nghĩ phần nào, nên ông nói: “Không phải tôi tô vẽ thêm đâu. Tôi [nhà Báo] lặn lội nhiều nơi, quan sát nhiều chỗ nên rút ra được nhận xét đó. Quê hương mình có nhiều đặc sản lạ lùng. Nói ra nghe khó tin, nhưng là sự thật.

Chẳng hạn, quê cậu có món lá sầu đâu [miền Bắc gọi lá sầu Đông] trộn khô, chắm mắm me, làm nức lòng dân tứ xứ. Thế nhưng, cậu có phân biệt được sầu đâu Châu Giang- Làng Chăm  và sầu đâu Tịnh Biên-Nhà Bàn không?”

Thú thật, mặc dầu tôi là dân chôn nhau cắt rốn tại Châu Đốc hồi nào đến giờ, nhưng chưa để ý phân biệt việc này!

Nhà báo vui vẻ nói tiếp: “Nghề nghiệp mình đi đây đi đó, buộc phải quan sát thật kỹ mới được cậu ạ. Lá sầu đâu mọc ở Châu Giang- Làng Chăm vị đắng mà hậu ngọt. Còn Lá sầu đâu ởTịnh Biên-Nhà Bàn vị đắng hậu chát ngòm!. Cho nên, khi lá sầu đâu được “trụn”sơ qua  với nước sôi, trộn lẫn với khô cá sẽ cho ra món nhậu mang nhiều hương vị độc đáo của quê hương.

Viết đến đây, một lần nữa, xin lỗi bà con Nhà Bàn-Tịnh Biên, vốn là quê ngoại của mình, không có ý hạ thấp hương vị quê nhà, chỉ nêu ra đặc sản của mỗi miền cho bà con thưởng lãm. Nếu đúng như như báo nọ phân tích,thì do thổ ngơi, khí hậu mỗi nơi mỗi khác sản sinh ra mà thôi, không ai muốn chủ quan mà được.

Đặc sản, mỗi nơi mỗi có. Chính nó góp phần tạo nên một thứ giá trị tinh thần gọi là hồn quê.

Góp nhặt dài dòng, gửi đến những Ai có giây phút chạnh lòng nhớ xứ. Xin chút nghiêng mình nhớ bụi quê.

 

Nhớ nước, đau lòng con quốc quốc

Thương nhà, mỏi miệng cái gia gia (BHTQ)

 

 Phạm Văn Rớt

TrinhBuuHoai.JPG

KỶ NIỆM VỚI THI SỸ TRỊNH BỬU HOÀI

                                                     *Phạm Văn Rớt

...Cùng học chung dưới mái Trường Thủ Khoa Nghĩa, anh Hoài thuộc lớp đàn anh. Cùng đam mê văn chương, nên quen và đến với anh rất sớm. Thuở Trung học, ngưỡng mộ anh với Thi văn Đoàn KHAI PHÁ, phong trào thơ Thiền của Ngô Nguyên Nghiễm.v.v
 

...Tham gia với anh viết bài trên tờ báo Văn Nghệ địa phương [ văn nghệ châu đốc], quen biết với bậc đàn anh: Ngô Nguyên Nghiễm, Đỗ Bảng, Yến Anh, Trần Biên Thùy, Ba Nở, Tường Vân.v.v

..Thời mở cửa, nở rộ phong trào in ấn kinh doanh báo chí, anh Hoài phát hành cho mình các ấn phẩm mõng: CÁC MÓN ĂN ĐẶC SẢN CHÂU ĐỐC, VỤ ÁN THOẠI NGỌC HẦU, .v.v..Giờ nhìn lại, những ấn phẩm này, thấy nó chỉ là hạt cát trong RỪNG NHO,BIỂN THÁNH KHÔN DÒ. Nhưng mà cảm thấy an ủi, ấm lòng của kẻ lỡ mang lấy nghiệp vào thân, ...
 

Là đàn anh đi trước, có nhiều viễn kiến, thỉnh thoảng mình cũng có tham khảo anh về viết lách. Anh cũng trao đổi với mình về sức khỏe (đồng bệnh: diabetes)

Trong thời buổi văn chương hạ giới rẽ như bèo, anh đeo đuổi sống với nghề văn chương đến ngày về hưu; đáng khâm phục...
 

Vài hàng tưởng nhớ về anh. Thay cho nén hương lòng

TÔI TUY THƯƠNG, LẤY NHỚ LÀM THƯƠNG (NGUYỄN kHUYẾN khóc Dương Khuê)
PVR

TL_tonsutrongdao.jpg

TẾT THẦY, CÔ NGÀY ĐÓ…

Thế hệ học trò chúng tôi, trước 1975, không có “hưởng” ngày Tết Nhà Giáo như học trò ngày nay.


Theo cổ lệ, đến ngày Tết âm lịch thì học trò, tùy điều kiện, tấm lòng của mỗi trò mà đến kính chúc Thầy, Cô theo phong tục lúc bấy giờ: “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”.


Trong giờ phút thiêng liêng đó, đến Mồng Ba mới đi Tết Thầy, Cô.


Những năm tháng Tiểu Học, chỉ có một Thầy, Cô dạy lớp. Nên học trò chúng tôi cũng thuận tiện đi đến nhà chúc tết. Lên Trung Học, mỗi Thầy, Cô phụ trách một môn học. Nên mồng ba Tết đi chúc Tết không xuể!.

 

Nhất là các Thầy, Cô ở tỉnh xa đến dạy, như: Sài Gòn (Thầy Khương, Thầy Cao Ngân Hà, Cô Phẩm dạy Pháp
văn…), Cần thơ (Thầy dạy Anh văn Nguyễn Công Danh, Sa Đéc, Sóc trăng…Tết nhất, các Thầy, Cô này đều về quê ăn Tết, nên Mồng Ba không thể chúc tết các Thầy, Cô này được. Có chăng, những năm ở bậc Trung Học, chúng tôi quây quần các bạn đi chúc Tết các Thầy, Cô nhà ở Châu Đốc, như: Thầy Tấn, Thầy Để, Thầy Chín Nhựt, Thầy Lý Hoàng Minh, Cô Thiên Hương…Còn Thầy, Cô ở Tỉnh xa thì đợi hết Tết Thầy, Cô tề tựu về Trường…chúng tôi đến chúc Tết muộn…


Quà Tết thuở đó cũng đơn giản: Bánh, Mứt,Mâm trái cây ngủ quả. Cây nhà lá vườn: bánh tét, cặp gà, cá lóc tát đìa v.v…Có gì gửi tặng nấy. Của ít lòng nhiều. Quý nhau là những tấm lòng biết tôn trọng, nhớ ơn Thầy, Cô dạy dỗ nên người.

Khi đến chúc Tết, học trò chúng tôi phải ăn mặc chỉnh tề, nói năng lễ phép. Đốt nhang cúng gia tiên đầy đủ nhà của Thầy, Cô. Có nhiều bậc cha, mẹ có đi cùng con đến chúc Tết Thầy, Cô ngày mồng Ba. Phong tục chúc Tết ấy bắt nguồn sâu xa từ tinh thầntrọng đạo nghĩa: “Uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo”.


Nghe Ba, Má tôi kể lại, ngày xưa Thầy dạy chữ tại gia, không có thu tiền tháng học trò. Học trò đền ơn Thầy bằng cách mang lễ vật cây nhà lá vườn đến tạ ơn Thầy: thúng gạo, cặp gà, cặp vịt, nải chuối, buồng cau…
Học trò tùy tấm lòng, điều kiện mà gửi lễ vật khác nhau.
Thầy, Cô không vì lễ vật sang trọng hay tầm thường của học trò mà bên trọng bên khinh. Đều thương yêu, dạy dỗ học trò như nhau.
Nhớ năm Lớp Nhì (lớp Tư ngày nay) học với Cô Giáo Nguyễn Thị Thanh Tuyền (nhà đối diện Trường Nam Tiểu Học, con Thầy Giáo Hên. Nhà kế Thầy Phạm Ngọc Đa). Biết hoàn cảnh học trò nghèo của tôi - Một buổi đi học. Một buổi đi bán Cà rem tiếp gia đình; thường xuyên giúp đở tôi sách vở, quần áo đi học – Nhớ ơn
Cô, năm đó, ông Ngoại tát đìa cuối năm, xin được cặp cá lóc “rộng” lại trong lu. Chiều 30 Tết, ăn mặc quần  áo chỉnh tề, đến nhà Cô ngượng nghịu nói lí nhí trong họng:
“Con xin gửi Cô cặp cá lóc ăn lấy thảo ba ngày Tết”
-Trò ơi! Bày vẽ làm chi cho tốn kém. Trò có lòng đem đến đây thì Cô nhận. Lần này thôi nghe! Lần nữa thì Cô không nhận đâu. Trò học giỏi là Cô mừng rồi…
Ngày Cô mất, không có mặt để tiễn đưa Cô. Đang điều trị tại Bệnh Viện Ung Bứu Saigon. Nay xin đốt nén hương lòng tạ ơn Cô./.

Pham van Rớt

__________________________

LUẬT ATẠCH CHĂM

(Hình ảnh minh họa ở cuối bài)

Nước Chân Lạp vào năm 1947, Nặc Nguyên cầu viện binh Xiêm về đánh thắng Nặc Ông Thu, lên làm vua; thi hành chính sách hà khắc đối với người Côn Man, vốn là dân Chiêm Thành sang trú ngụ tại Chân Lạp từ 1693. Mặt khác, Nặc Nguyên bí mật thông đồng với chúa Trịnh Doanh (1740 - 1767) mưu đồ đánh chúa Nguyễn giành lại phần đất đã mất. Hay được tin này, mùa hạ năm Giáp Tuất (1754) chúa Nguyễn Phúc Khoát cử Nguyễn Cư Trinh cùng Thống Suất Trương Phúc Du tấn công Nặc Nguyên. 

Người Côn Man (Chiêm Thành) phẫn uất trước sự áp bức, nên liên hiệp với quân Việt đánh Chân Lạp . Nặc Nguyên thua trận, xin dâng đất Tầm Bôn (Tân An), Xoài Lạp (Gò Công) để chuộc tội. Chúa Nguyễn do dự, Nguyễn Cư Trinh dâng kế Tằm thực và Di Man Công Man: “Thần thấy người Côn Man đánh đường bộ rất tài. Quân Chân Lạp đã khiếp sợ. Nếu cho người Côn Man ở  đấy; sai nó ngăn chống Chân Lạp; “Di Man Công Man” cũng là kế hay”. (Nguyễn Cư Trinh, Sãi Vãi-Lê Ngọc Trụ và Phạm Văn Luật, trang 48). Chúa Nguyễn đẹp lòng, chuẩn tấu.

Đến năm Đinh Sửu (1757), Chân Lạp lại nội chiến. Con Nặc Nguyên là Nặc Tôn nhờ quân chúa Nguyễn yểm trợ giành lại ngôi vua, nên xin dâng đất Tầm Phong Long để tạ ơn. Chúa Nguyễn tiếp thu phần đất này cho lập các đồn phòng giữ biên giới. Về đường bộ, một đạo binh Côn Man đóng ở Tây Ninh và một đạo ở Hồng Ngự; liên lạc nhau do đường tắt vùng biên giới. Người Chăm ở Châu Đốc ( An Giang), Hồng Ngự (Đồng Tháp) và Bà Đen (Tây Ninh) là di tích của người Côn Man (Chiêm Thành) trong công cuộc đồn trú và di dân này. 

xXx

Dân số của người Chăm ở Châu Đốc ( An Giang) hiện có trên một vạn người, cùng ngữ hệ với người Chăm miền Trung, có một số người nói và nghe được tiếng Khơmer. Họ sống tập trung thành những Ấp (puk) hay liên Ấp; xen kẻ những Xã (pơlây) của người Kinh. Từ biên giới Việt – Campuchia rải rác chạy dài theo sông Hậu và sông Khánh Bình, chảy xuống hợp nhau ở ngã Ba Sông (Tam Giang) Châu Đốc; rồi đỗ xuống xã Khánh Hòa, Quận Châu Phú,Châu Đốc (An Giang). Phần lớn các địa danh tiếng Chăm khởi đầu bằng từ “Koh” .Có nghĩa là cù lao, cho thấy phần lớn các làng Chăm Châu Đốc đều nằm trên các cù lao trên ven sông Cửu Long.

Xóm, Ấp người Chăm thuộc Quận An Phú, Châu Đốc (trước đây): Ấp Đồng Cô Ky (Koh Kôkia=Cồn Cây sao), Xã Quốc Thái; Ấp Sabâu (Prek Sabâu=Rạch Cỏ Tranh), xã Khánh Bình; Ấp La Ma hay Cù Lao ba ((Koh plao ba=Ba Cù Lao), xã Vĩnh Trường; Ấp Phước Thành (Koh kapoak=Cồn Tơ Tằm), xã Đa Phước, Cồn Tiên.

Xóm, Ấp người Chăm thuộc Quận Tân Châu, Châu Đốc (trước đây): Ấp Phum Soài ( Put Paok=Ấp Chòm Soài), xã Châu Phong; Ấp Châu Giang (Mọot Chrut=Mỏ Con Heo).

Xóm, Ấp người Chăm thuộc Quận Châu Phú, Châu Đốc (trước đây): Ấp Khánh An (Koh  Tam bong=Cồn Cây Gậy, ngụ ý hình dáng của cù lao này giống như một cây gậy), xã Mỹ Đức-Khánh Hòa. 

Những dòng thơ sau đây,của Dorohiêm, dưới bút hiệu Chế Liêm,  minh họa các làng Chăm Châu Đốc:

 

   Lũ tràn về khổ lắm, em ơi,

   Lụt cuồn cuộn, vượt nhanh bờ thềm

   Lộ mòn xưa, hàng me nghiêng ngả

   Koh Taboong sầu, Kênh đào lênh đênh.

   Dề lục bình xanh, nhởn nhơ trôi.

   Sàn nhà cao, ngói trổ nhìn trời

   Châu Giang xưa đò ngang vắng lặng

   Thôn nữ ơi, sớm tắt nụ cười.

   Ngả tẽ Châu Phong vàm kênh thưa đò,

   Hoa vàng điên điển trổ cành khô

   La Ma xóm lưới chèo gác mái

   Tắc ráng buồn, trơ mắt đợi chờ.

   Cồn Tiên tơ lụa, lúa tiêu điều

    Hàng cây xua đủa rũ buồn hiu

    Trống chiều văng vẳng, lời tha thiết

    Ai thở than dưới hạt mưa chiều.

    Koh Goi, Tân Châu, tợ Biển Hồ

    Khung dệt gác mái, lạnh chân tơ

    Sà rông tơ lụa nằm ủ rủ,

    Chiêm nữ nép mình, bặt tiếng tơ.

    Mái lá trường làng lén nhìn trời,

    Sân nền óng ả, cá vờn mồi,

    Trẻ thơ lạnh cóng lim dim mắt

    Trông thầy, tìm bạn, sớm sầu đời.

    Xin gởi tấc lòng thăm cố hương,

    Cầu xin Allah rũ niềm thương,

    Tấc lòng xin gởi theo cánh gió,

    Sưởi ấm lòng rũ sạch tai ương.

Nguồn :http://thatsonchaudoc.com/banviet2/Dohamide_DoHaiMinh/GopNhat/BangsaChampa_Chuong2.htm 

 

xXx

Luật pháp Nhà nước điều chỉnh các mối quan hệ như hình sự, thuế, nghĩa vụ quân sự…Còn lại những lĩnh vực tập tục gia đình, hôn nhân gia đình, tang chế, tranh chấp tài sản, thừa kế…hầu hết người Chăm không đưa ra chính quyền giải quyết. Mà xử lý bằng Luật tục (Atạch Chăm), do hệ thống chức sắc tôn giáo xét xử. Hệ thống này gồm có giáo cả (hakem)- do tín đồ liên ấp bầu ra, nhiệm kỳ suốt đời trừ khi chết hoặc sai phạm nặng. Phó giáo cả (naéphakem), ủy viên thư ký (karen), thủ quỹ (pan pageh), cố vấn. Đối với vấn đề chính trị, theo ai, chống ai họ đều tuân theo sự lãnh đạo của Hakem.

Người Chăm Châu Đốc (An Giang) theo đạo hồi Islam, nghiêm chỉnh chấp hành năm tín điều: Tin tưởng tuyệt đối vào thánh Allah.

 

Hành lễ mỗi ngày năm lần. Khi trời rựng sáng, trưa ngọ, xế chiều, chạng vạng và trở về khuya. Hồi nhỏ, tôi thường thấy người Chăm Châu Giang đang chày cá trên sông; từ ngọn tháp của Giáo đường, phát ra một hồi trống, tiếp theo là lời ngân nga kêu gọi đến giờ hành lễ, họ ngưng chày cá; ngồi trên xuồng, hướng về thánh địa  Mecca, cuối đầu làm lễ. 

Chay tịnh trong tháng lễ Ramanda; 

Bố thí cho người nghèo; 

Hành hương về thánh địa Mecca. Năm học lớp Đệ Tam, học một buổi, một buổi tôi chạy xe lôi phụ tiếp gia đình, có tiền mua sách. Bến xe lôi chạy đón khách, là bến xe chạy đường Châu Đốc-Sài Gòn. Bến xe này tọa lạc tại Bùng Binh trước Ty Thông Tin, tỉnh lỵ Châu Đốc. Nằm giữa Bồ Đề Đạo Tràng với Cư Xá Cảnh Sát. Hôm đó, đang đậu xe đón khách, bổng nhìn thấy người Chăm đông đúc ngồi hai bên chờ đợi điều gì đó. Mình lúc đó không hiểu chuyện gì đang xảy ra, tại sao người Chăm tề tựu đông đúc như vậy ?!. Đến trưa, xe Sài Gòn Công Tạo, Tam Hữu… ào ào chạy vô bến. Người Chăm túa đến, đón các Bậc Trưởng Lão trên xe bước xuống. Họ thay phiên nhau, lần lượt kính cẩn hôn lên tay các Bậc Trưởng Lão. Sau này mới biết, người Chăm cử các Bậc Trưởng Lão,đại diện đi  dự thánh lễ ở Mecca. Khi người đại diện hành hương trở về, người Chăm hôn lên tay họ. Xem như mình đã hành hương đến Mecca.

Theo Luật Atạch Chăm , Người Chăm cữ ăn thịt heo, chó, khỉ…, những loài chim chân quắp mồi. Những gia súc, gia cầm được phép ăn phải đọc kinh trước khi giết. Nếu chết trước khi đọc kinh phải bỏ đi. Thời gian học trung học Đệ Nhất cấp Trường Thủ Khoa Nghĩa, tôi có người bạn học tên YaYa, người Chăm ở Châu Giang- con ông Trưởng Ty Phát Triển Sắc Tộc lúc bấy giờ. YaYa giỏi về âm nhạc, trong lớp giờ giải lao thường đề nghị YaYa lên hát, giọng hát giống Chế Linh nên cả lớp mùi mẫn khi bạn này hát; nhất là bài  “ Hận Đồ bàn”. YaYa cũng cữ ăn thịt heo, chó, không uống rượu…nhưng nghiện café. Giờ trống hoặc “cúp cua”, trầm mình quán cà phê Mây Biên Thùy, Lưu Luyến…  

 

Khi lễ Ramanda kết thúc, người giàu muốn đãi bà con thì mua con bò đến thánh đường. Con bò được trói lại cẩn thận, trên mình phủ tấm vải trắng. Mọi người đứng xung quanh con bò, im lặng nghe thầy Cả đọc kinh. Thầy Cả một tay cầm dao, một tay kéo lỗ tai con bò xuống đo cần cổ, tới đâu là cắt đến đấy.

Luật Atạch Chăm cho phép người Chăm có quyền lấy vợ, lấy chồng dân tộc khác; nhưng phải chịu gia nhập hồi giáo. Nam giới đội mũ trắng vận xà rông, từ 13-15 tuổi phải làm lễ khotanh (cắt da qui đầu). Ông Chèn – kho – tanh đọc kinh, lấy kẹp tre cặp da qui đầu, dùng dao bén cắt, rồi thoa thuốc cầm máu và sát trùng. Người Chăm miền Trung dùng dao gỗ cứng, cắt với tính cách tượng trưng. Phụ nữ Chăm Châu Đốc,An Giang không che mặt khi ra đường; nhưng choàng khăn the đủ màu trông rất đẹp. Thiếu nữ Chăm đến tuổi dậy thì từ 14-15 tuổi phải tuân thủ luật Ga-sâm (cấm cung). Gia đình khá giả thuê một bà già biết thêu, dệt giỏi để phục vụ và dạy dỗ cô gái nghề dệt. Sản phẩm của phụ nữ Chăm được dệt nên bởi chất liệu tơ, sợi. Điểm nổi bật của sản phẩm dệt Chăm là nhuộm bằng chất liệu có từ thiên nhiên như mủ cây (klék), vỏ cây (pahud) và trái cây (mặc nưa).Với lại dệt tay thì màu mè không được sắc sảo nhưng sài nó rất bền. 

Buồng của cô gái cấm cung là một giang sơn kín đáo, riêng biệt. Họ không được giáp mặt với khách, chỉ quanh quẩn trong nhà, trong buồng quay tơ, dệt vải. Đến chiều tối họ mới được đi cùng bà vú, hay mẹ hoặc chị em ruột xuống sông tắm rửa; bằng một cầu thang phụ nhỏ dẫn xuống sông. Muốn đi thăm họ hàng hoặc có việc cần thiết phải ra đường, cô gái cấm cung  đi cùng bà già hoặc thiếu phụ và phải đi vào buổi tối, để không ai nhìn rõ mặt. Cô gái cấm cung đến tuổi ba mươi mà không có ai đi cưới thì gia đình cho thông thả hơn, hiện nay tục cấm cung cũng đã không còn.

  
Nét duyên cô gái Chăm trong trang phục truyền thống. Nguồn [ http://nguoilambaotiengiang.vn/news/Nhin-ra-tinh-ban/Xuan-ve-noi-dau-nguon-song-Cuu-Long-2455/ ]

Khi có thai, sản phụ kiêng nằm võng sợ võng đứt hư thai. Không ngồi ngay cửa cái, sợ sanh con chậm. Khăn choàng không buộc chặt lấy cổ sợ sanh con bị nhau quấn cổ. Căng chiếc lưới cá trên giường hai mẹ con, để ngăn ma quỷ. Sanh xong, lá nhau rửa sạch chôn ngay dưới cầu thang. Sản phụ nằm lửa một tuần lễ, ăn cá lóc kho tiêu, uống nước muối và thuốc dân tộc điều hòa máu huyết (vỏ cây cọp cào) và lợi sữa (cây Tam rây param đoh).

Luật Atạch Chăm , Đàn ông Chăm làm chủ gia đình và xã hội. Người cha qua đời, người thay thế giải quyết mọi việc là bác, chú, anh…người nam có quyền cưới nhiều vợ, miễn có đủ khả năng nuôi sống họ. Thực tế xã hội Chăm chỉ có một vợ một chồng. Người chồng có quyền ly hôn vợ nhưng phải có hai người làm chứng rằng hành vi của chồng đúng và sáng suốt. Luật tục qui định ba trường hợp ly hôn vợ: Trường hợp Talăk Sa, Vợ chồng ly hôn rồi có quyền ở lại. Không qua một thủ tục nào, nếu ly hôn không nói rõ lý do ly hôn. Trường hợp Talăk Tùa, Vợ chồng ly hôn nhau còn trong thời hạn ba tháng, có quyền ở lại.  Không làm thủ tục nào cả. Nếu quá ba tháng, phải làm một tiệc cưới đơn giản. Trường hợp Talăk Khâu, người chồng muốn ở lại với vợ cũ, phải nhờ người bạn cưới vợ mình. Sau ba tháng, người chồng hờ này xin ly hôn. Lúc bấy giờ, người chồng mới có quyền cưới lại vợ mình.

Tuy theo chế độ phụ quyền, nam làm chủ, nhưng Luật Atạch Chăm cũng quy định những quyền lợi cho giới nữ. Đám cưới xong, người chồng phải ở rể bên vợ suốt đời. Bên nhà trai cất nhà cho chàng rể ở cạnh nhà cha mẹ vợ. Phụ nữ Chăm có quyền ly hôn chồng trong các trường hợp sau: Chồng bị bệnh bất lực hoàn toàn trước hay sau ngày cưới. Người chồng không cấp dưỡng cho vợ đủ sống. Người chồng vi phạm luật Atạch Chăm, uống rượu bia, lưu manh, trộm cắp, dâm ô, hỗn láo với người cao tuổi, người có chức sắc…Trước hết, người vợ kiện đến ông  Ahly - giáo cả ở xóm do tín đồ bầu ra .Nếu không xong, chuyển đến ông Hakem xử lý. Cuối cùng, nếu hai vợ chồng vẫn cương quyết ly hôn thì được giải quyết: Con ở với mẹ, cha có nghĩa vụ đóng góp nuôi dưỡng con cho đến tuổi trưởng thành. Tài sản chung chia đôi. Chồng làm,  vợ không làm ,tùy chồng định đoạt. Nhà của bên vợ thì không chia. Nhà do vợ chồng xây dựng chia hai. Trường hợp do chồng làm, tùy chồng quyết định.

xXx

Luật Atạch Chăm nghiêm cấm thờ cúng bụt, tin ma (Ibliss Khmốt), quỷ (Chin), đồng bóng (Arak), bói toán (Mú hồ), bùa ngải (Sanê), …Nhưng cũng có một số người Chăm còn tin tưởng những chuyện trên. Xóm tôi ở là Xóm Hầm cá Vồ (Xóm Châu Vi Cao Đài), nằm giữa đường Thủ Khoa Nghĩa và đường Trần Hưng Đạo. Cư dân phần đông là người lao động thành thị: mua gánh bán bưng, chạy xe lôi, “ vác bờ”…Làm ngày nào, ăn ngày đó. Tay làm hàm nhai, tối lai rai vài xị. Hồi nhỏ, nhớ “Ông Bảy Chà”, ở Xóm Châu Giang, tay quảy hàng: Vãi Mỹ A Tân Châu, chăn Sà rông, khăn choàng tắm, dầu nước xanh, dầu cù là Mashu hàng thủ công mỹ nghệ…vào xóm tôi rao bán hàng..

Cư dân xóm tôi xúm nhau mua hàng của ông. Hàng giao tận nơi, có quyền mua “chịu”. Đến khi nào bán heo, cuối tháng lĩnh tiền công của của chủ… trả cũng được. Đến hẹn, quá “ kẹt”, người mua hẹn tiếp. Ông Bảy Chà cười vui vẽ (nhe hàm răng bịt vàng sáng chói) đồng ý. Tò mò hỏi Má mình, “Ông Bảy Chà” bán chịu như vậy, có bị giựt không? Má tôi nghiêm sắc mặt, giải thích: “ Giựt của người ta, mang tội lắm.Kiếp sau vẫn phải trả. Với lại, không ai dám giựt. Bị ổng Thư ếm chết!”. Trẻ con như tôi, nghe qua, sợ sệt không dám lại gần ông.

 Thatsonchaudoc  đúng là vùng  đất  địa linh, nhân kiệt. Nhiều tôn giáo bản địa  xuất phát từ đây: Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật Giáo Hòa Hảo…

                                                               

Phạm Văn Rớt

 

Tài liệu tham khảo:

-E.BUSSIERE “ Rapport sur les Chams et Malias de l’arrondissemet de Chaudoc”

-Sải Vãi, Nguyễn Cư Trinh của Lê Ngọc Trụ và Phạm văn Luật

-Nghiêm Thẩm, “Các sắc tộc thiểu số ở Việt Nam”,Hội Đồng các sắc tộc, Sài Gòn 1974.

-Người Chăm An Giang, Lâm Tâm, NXB văn nghệ châu Đốc 1993 

Hình ảnh minh họa bài trên:

PVR_LangCham Da Phuoc.JPG
PVR_thanhduongHoiGiao_3.JPG
PVR_hangthucong.JPG
PVR_calinhbongdiendien.JPG

“ĂN BÔNG ĐIÊN ĐIỂN,

NGHIÊNG MÌNH NHỚ ĐẤT QUÊ…”

 

 

 

Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều

 

Châu đốc quê tôi ở đầu nguồn châu thổ. Hằng năm, cứ mỗi độ “”Tết Đoan ngọ”, mồng Năm tháng Năm” về, người  dân xứ tôi chứng kiến cảnh “ nước dậy”. Dòng sông phù sa trở ngọn nước, xoay chiều. “Nước dậy” đục phù sa. Nước tử tử dâng lên.

 

Nước dâng đến đâu, cây cỏ, thủy sản cá…sinh sôi nảy nở đến đó. Trong đó, có bông điên điển, mọc theo bờ kinh bắt đầu sinh sôi nảy nở, phát triền lảm vàng rực cánh đồng. Bông  điên điển cho hương vị rất đặc biệt, giòn, thơm, bùi, béo lại nồng đượm hương, mang lại nguồn thực phẩm đa dạng phong phú, trở thành món đặc sản không bao giờ  phai trong tâm hồn người dân bản xứ , dân miền Tây…

 

Quê Ngoại tôi ở làng Cầu Ba Nhịp, xã Vĩnh Tế, Châu Đốc,An giang, nằm trải dài theo bờ kinh Vĩnh Tế. Cuộc sống gia đình và bà con ở đây đều gắn bó với mùa nước nổi hằng năm .

Mùa nước nổi, bông điên điển nở rộ trên cánh đồng lúa sạ quê tôi. Những buổi sáng tinh mơ, Dì Út tôi cầm lái chèo xuồng , tôi ngồi trước mủi, đội nón lá. Xuồng bơi thẳng vào những cánh đồng bông điên điển mọc tràn lan trên ruộng, trên sông rạch,. Hai Dỉ cháu dùng tay “ tước” những bông điên điển vàng tươi rơi ào ào xuống khoang xuồng, nhắm chùng đủ ăn, Dì Út tôi cho lui xuồng, bơi chậm rãi về nhà.

Bông điên điển hái về nhà, với bàn tay khéo léo của Dì Út và thói quen chế biến của làng quê tôi, thường có các món như: canh chua bông điên điển với cá linh, bông điên điển xào tép, ; khi nhà có tiệc thì đổ bánh xèo bông điên điển…

Ảnh trên: Cá linh và hoa điên điển là đặc sản của mùa nước nổi ở miền Tây Nam bộ.

 

Mùa nước nổi, cùng với bông điên điển nở rộ, cá Linh cũng đua nhau sinh sôi nảy nở, làm phong phú hơn nguồn thực phẩm thiên nhiên ở miền Tây.

Ca dao có câu: “Nước không chân sao kêu nước đứng/Cá không thờ sao gọi cá linh”.Theo dân gian, tên cá Linh do vua Gia Long Nguyễn Ánh đặt cho để cảm kích về loài cá đã báo tin cho Người khi đi trên sông nước. Tương truyền, lúc Nguyễn Ánh bôn tẩu vùng này, một lần cá Linh từ đâu phóng ào ào vào thuyền, ông cho là điềm gở nên không đi theo hướng đã định và thoát nạn. Từ đó, có tên gọi cá linh.

Cá linh thuộc loài cá vảy trắng. Một mùa lũ, cá linh có hai thời kỳ. Khi mưa rả rích trên đồng, lũ bắt đầu dâng, cá từ thượng nguồn sông Mê Công xuôi về, lên đồng để đẻ, bắt đầu mùa cá linh vào cuối tháng 7 Âm lịch.

Cá linh lúc này nhỏ chỉ bằng đầu đũa, gọi là cá linh non  đầu mùa, đã trở thành món đặc sản có một không hai. là thời điểm cá ngon nhất của năm.Bởi cá chưa quá lớn nên xương chưa cứng, bụng cá lại có mỡ nên ăn thịt ngọt béo, hầu như không có xương, đậm hương vị .Người ăn không nên bỏ  xương, nhẩn nha nhai để thấy ngấm cái vị ngọt lừ, beo béo không lẫn vào đâu được..

 Còn từ cuối tháng 10 Âm lịch, lũ rút, con cá linh lớn cỡ ngón tay, vảy cứng, thân nhiều xương và đầu lại có sạn. Cá linh đã già (nhiều người gọi là cá linh rìa), lúc này thịt vẫn ngọt nhưng xương hơi nhiều, ăn được nguyên con, không cần đánh vảy. Bạn chỉ cần cắt ngang rốn cá một đoạn nhỏ rồi nặng hết ruột bên trong ra cho sạch. Cắt đuôi, sau đó rửa sạch,  làm món chiên giòn hoặc nướng là lý tưởng.

Vào thời điểm này, bắt đầu hết mùa nước nổi, khi ấy trên bờ, bông điên điển cũng kết trái, tàn một mùa hoa.

Trong các món chế biến bông điên điển vừa nêu, tôi nhớ và khoái khẩu nhất là Bông điên điển nấu canh chua cá Linh 

“Canh chua Điên điển cá Linh

Ăn chỉ một mình, nên chẳng biết ngon” 

và Bông điên điển dổ bánh xèo. Hai món này , ngoài giá trị dinh dưỡng thực phẩm đặc sản mùa nước nổi, còn có trị Dược học  theo quan điểm y học hiện đại.

 

Theo Dược sĩ Bùi Kim Tùng, cựu giảng viên các Trường Y Dược thì món ăn canh chua- bông- điên- điển- cá –Linh trị di hoạt tinh , đau lưng, mỏi gối…Ông giải phương như sau: Đông y gọi cá Linh là “Trùng thần ngư”,tên khoa học là Hemibarbus labeo, tính bình, trị đau lưng mỏi gối, nhức nhối trong xương. Còn Dược tính của bông Điên điển, Dược sĩ  Trần văn Hưng  cho rằng: Dược học dân gian tại nhiều quốc gia Phi Châu và Á châu dùng Điên Điển để trị một số bệnh như: Tại Decca (Bangladesh), nước cốt ép từ lá dùng trị giun sán. Hạt dùng trị tiêu chảy, rong kinh và sưng lá lách.Nước ép từ thân cây cũng dùng trị bệnh ngoài da. Rễ giã nát, đắp trị vết thương do bọ cạp chích.Dược học Ayurvedic (Ân Độ) dùng điên điển dể trị nhiều bệnh khác nhau: Hoa dùng trị xuất tinh sớm, quáng gà, ho cảm. Lá trị ho, lọc máu, nhức đầu, động kinh.
Tại Việt Nam: Đọt non điên điển được giả nát với muốt hột dùng đắp để trị bệnh 'giời' ăn. Hoa điên điển , bỏ cuống, hấp với đường phèn làm thuốc bổ tim.

 

Tác dụng trị liệu của  đọt non điên điển đối với bệnh “ giời” ăn quà thật hiệu quả kỳ diệu! Bản thân tôi và gia đình từng bị bệnh này, dùng thuốc Tây y xức uống dài ngày, tốn kém vô cùng, nhưng không hết. Dân gian cho rằng nếu để “ giời” ăn giáp vòng nối liền nhau, sẽ tử vong! Trong cơn đau hốt hoảng như thế, chợt nhớ lại thuở sinh tiền, Má tôi thường  chỉ cho người bị bệnh  “ giời” ăn, dùng đọt non điên điển tươi ( phải dùng đọt tươi vừa hái trên cây xuống liền, vì còn chất nhựa; tác dụng trị liệu mới hiệu quả) giả nát với muối hột đắp lên vết  “ giời” ăn thì hết bệnh. Tôi liền đi hái đọt non điên điển áp dụng thì mụn bọc  “ giời” ăn vở ra, sau đó dùng Nghệ bôi lên; không để lại vết sẹo.

 Sau này, Hàn quốc có đưa vào Việt Nam loại thuốc trị bệnh “giời”ăn, điều trị xong, để lại vết sẹo, ra nắng bị sạm đen suốt đời!Xin ghi chép lại đây phương thuốc đơn giản rẻ tiền, hiệu quả của cha ông chúng ta  trên con đường chống chọi bệnh tật./.

 

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc

          Thương nhà mỏi miệng cái gia gia (Bà Huyện Thanh Quan)

 

          PHAM VĂN RỚT

MÙA VU LAN, MÁ ƠI, XIN THA THỨ CHO CON

Phạm Văn Rớt

Trường Trung Học Thủ Khoa Nghĩa,Sáu tiếng đó là niềm mơ ước, thôi thúc những ai có một thời cấp sách đến trường học, thuộc tỉnh Châu Đốc.

Đây là trường trung học duy nhất của toàn Tỉnh Châu Đốc, lúc bấy giờ. Mỗi năm thí sinh các Quận: Tri Tôn, Tịnh Biên,Châu Đốc, Châu Phú, An Phú,Tân Châu…; sau khi học xong bậc tiểu học, muốn học cao hơn phải thi vào Trường Trung học Thủ Khoa Nghĩa.

Hàng ngìn thí sinh các Quận nêu trên thi tuyển vào Lớp Đệ Thất chỉ lấy 200 người [sau này xây dựng mở mang thêm lớp, lấy chỉ số 300]

Học sinh lớp Nhất chúng tôi phải học “chảy máu con mắt” để mong được thi đậu vào Trường Trung Học Thủ khoa Nghĩa. (Sau này vào học bậc Trung Học Đệ Nhị Cấp -năm lớp 11, 12- nam học sinh lại phải một phen học “chảy máu con mắt” để “sống còn”. Nếu học ở lại lớp, đủ tuổi, phải đi quân dịch). Có câu: “Rớt Tú tài. Anh đi Trung Sỹ”….

Học hành gay go căng thẳng như thế. Học sinh chúng tôi, không phải “bao cua”, học thêm “Lớp Luyện Thi” tràn lan như ngày nay. Học sinh chăm chỉ, nghe lời Thầy, Cô giảng trong lớp. Chịu khó rèn luyện. Cộng với trí tuệ bẩm sinh, là đủ sức “ vượt vũ môn”. Mang phù hiệu Thủ Khoa Nghĩa, đi khoe với xóm làng.

Sau này, người ta phê phán lối thi cử tuyển chọn gắt gao này. Cho rằng, lối thi cử phong kiến. Chính sách ngu dân…

Có biết đâu rằng, nền giáo dục lúc bấy giờ quan niệm rằng : NHÀ TRƯỜNG THAY MẶT XÃ HỘI. TUYỂN LƯA NH N TÀI CHO ĐẤT NƯỚC. Bằng cấp có giá trị toàn cõi Đông Dương ( “…sau này gọi là văn bằng Trung Học Đệ Nhứt Cấp,… Văn bằng Diplôme có giá trị trên toàn cõi Đông Dương (Việt Miên Lào) tương đương với văn bằng của Pháp là Brevet Élémentaire hoặc nhỉnh "hơn một chút" văn bằng Brevet Premier Cycle..”- Trích Thatsonchaudoc.com)

Nên phải tổ chức ra các kỳ thi tuyển.Tầng lớp Công Chức, Thầy Thợ…được đào tạo qua các trường lớp lúc bấy giờ rất vững chãi về chuyên môn. Đạo đức. Lương tâm trách nhiệm.

Bác Sỹ, Kỹ Sư, Kinh Tế Gia… thuở đó ra các nước u,Mỹ làm việc đều được trọng vọng. Chứ không phải bị buộc phải học lại, thi lại từ đầu; như sau 1975.

Cho nên, nhà nào có con em thi đậu vào Trường Thủ Khoa Nghĩa là niềm vinh hạnh, làm rạng rỡ tông môn, dòng họ.

Thuở nhỏ, gia đình tôi ở Xóm “Hầm cá Vồ” (Xóm Châu Vi Cao Đài). Ba tôi còm cõi chạy xe lôi, Má mua gánh bán bưng… nuôi tôi ăn học.Mong ước tôi học “thành tài”, đi “mầm việc” ngồi văn phòng. Cho đở tấm thân!

Còn nhớ mãi hình ảnh Ba tôi cầm tay chỉ về nhà anh Nguyễn văn Tư ( Nhà đối diện Nhà Phủ Vị,Xóm Châu Vi Cao Đài.) - đang mở tiệc linh đình, làm heo, đãi thực khách ăn mừng anh Tư đậu Đệ Thất.(Cả Xóm chỉ có mình anh Tư đậu Đệ Thất, nhà khá giả nên làm Heo) – dặn dò :

“Con cố gắng học hành. Thi đậu vào trường Thủ Khoa Nghĩa là ba, má mừng lắm!!.”

“Dạ.! Dạ !. Con nhớ ạ”

XXX

Năm đó tôi đang học lớp Nhất ((là lớp Năm bây giờ) Trường Nam Tiểu Học Châu Đốc, chuẩn bị cuối năm học sẽ thi vào lớp đệ Thất trường Trung Học Thủ Khoa Nghĩa. Tết Mậu Thân 1968, chiến tranh ác liệt nổ ra. Học trò chúng tôi nghỉ học dài hạn. Thầy dạy học thì lên đường“… Đi quân dịch là thương nòi giống”. Học trò chúng tôi hoang mang, hồi hộp lo sợ. Không hiểu có thi đậu nỗi hay không. Nghĩ dài hạn, bài vỡ quên hết…

Nhưng rồi ngày thi cũng phải tổ chức vào ngày 15-7-1968. Sở dĩ tôi còn nhớ ngày thi rõ ràng, là nhờ soạn lại hộc tủ bàn thờ, Ba tôi thuở sinh tiền, cẩn thận gói Giấy Khai Sinh, giấy tờ cá nhân gia đình…,trong bọc ny long; còn sót lại Giấy báo Thi ngày đó, vàng ố, mối mọt đục khoét; nhưng còn dấu vết ngày tháng…

 

XXX

Buổi sáng hôm đó, Trường Thủ Khoa Nghĩa công bố trên “haut-parleur” (loa) danh sách thí sinh thi đậu. Tôi không có mặt buổi công bố. Bận đội thau khoai lang đi bán. Nhà nghèo, một buổi đi học; một buổi đội thau khoai lang đi bán, phụ tiếp gia đình…

Trưa đi bán về, nghe bạn lối xóm cho hay: Có nghe đọc tên Rớt ...!?!?!. Bán tín bán nghi, chạy vô Trường hồi hộp dò tên. Mừng quá, quả thật có tên mình trên danh sách thi đậu.Số danh bộ còn nhớ đời : 365/68.

Ba,Má tôi mừng lắm, không có tiền làm heo cúng, như nhà anh Tư; chỉ làm mâm cơm đạm bạc, cúng tạ ơn Cửu Huyền Thất Tổ phù hộ con cháu học hành, thi cử đổ đạt vào Trường Thủ Khoa Nghĩa…

n cần dặn dò: “Rán học nghe con. “Thành tài”, đi “mần việc” ngồi văn phòng. Cho đở tấm thân!”

XXX

…Ba năm học đầu tiên, mỗi năm học sinh trúng tuyển vào lớp đệ Thất với điểm số cao (từ hạng 1 đến hạng 35) được nhận học “bổng” 1.000 đồng/năm.

Khi vào lớp, học sinh phải mặc đồng phục: Nam sinh áo sơ mi trắng, quần tây xanh, mang giày hay xăng-đan. Nữ sinh áo dài trắng, quần đen hay trắng và mang guốc, xăng-đan và cấm học sinh mang dép kẹp (dép Nhật) vào lớp.Thầy Tổng Giám Thị lúc bấy giờ là Phan văn Lượm, giáo sư dạy Pháp văn, nhà bên Xóm Châu Giang,dòng dõi của Thủ tướng Phan Khắc Sửu, nghiêm khắc phạt nặng học sinh nào không ăn mặc đúng đồng phục.Học sinh đặt tên Tổng Giám Thị Lượm là “Ba gà Mỗ”. Dáng ông gầy, đi đầu hơi cuối về trước!

Được học, mang phù hiệu Thủ Khoa Nghĩa là niềm hãnh diện lúc bấy giờ. Nam sinh ra đường mang phù hiệu Thủ Khoa Nghĩa là hình bóng thầm thương trộm nhớ của các nữ sinh Trường Bán công Nguyễn Hữu Cảnh,Tư Thục Hòa Bình…

Thế nhưng, không hiểu tại sao ,thời tôi học, một số nam học sinh sáng chế ra phù hiệu Thủ Khoa Nghĩa “dán” rời. Thay vì phù hiệu may gắn liền túi áo. Phù hiệu được để rời ra, mặt sau dán miếng băng keo gắn vào túi khi ngồi trong lớp. Tan trường, hoặc giờ “cúp cour”, ra khỏi cổng trường là các nam sinh này gỡ phù hiệu Trường Thủ Khoa Nghĩa ra, chơi Bida,ngồi Phòng trà nghe Thái Thanh ca vài câu…Có lẽ, nội quy nhà trường lúc bấy giờ nghiêm cấm học sinh không được lãng phí, la cà các bàn Bida chăng? Mà các nam học sinh này phải chế ra loại phù hiệu “dán keo” này. Dễ gở ra, khỏi ai biết mình là học sinh Thủ Khoa Nghĩa. Ôi, một thời nông nỗi tuổi học trò…

… Phương châm giáo dục lúc bấy giờ là dạy cho con người biết cách sống trong xã hội. Cách ăn uống, lễ phép, cách đối xử, các nghề nghiệp sinh sống, phong tục tập quán, v.v.. Giúp mỗi cá nhân phát triển toàn diện để trở thành những người có kỹ năng thực tiễn, có khả năng tư duy, để làm việc, sinh sống, có đạo đức, có tình người, để gây dựng hạnh phúc gia đình và hội nhập vào xã hội góp phần vào việc bảo vệ và phát triển quốc gia.

Các Cấp học đều được dạy môn Công Dân Giáo Dục. Ở bậc tiểu học học sinh được dạy về quyền và bổn phận của một công dân.

Lên Trung Học Đệ Nhất Cấp chúng tôi được học những bài học về: cá nhân và gia đình, tổ chức ở học đường, bổn phận của học sinh, đời sống xã hội và tôn giáo, quyền và bổn phận một công dân.

Bước sang Đệ Nhị Cấp nhà trường tiếp tục giáo dục về Quốc Gia (dân tộc, lãnh thổ, chánh phủ, hiến pháp, lập pháp, hành pháp, tư pháp), Liên Hiệp Quốc (tổ chức, UNESCO, các tổ chức khác), Phong Tục, Kinh Tế (các lý thuyết, sản xuất, thương mại, tiền tệ, ngân hàng), Chính Trị (dân chủ, chính đảng, chính thể,…)

Cho nên, ngay từ đầu bậc Trung học, lớp đệ Thất (lớp 6 ), nhà trường đã cho học sinh chúng tôi học “Nhị Thập Tứ Hiếu”,-gương hiếu thảo 12 người con- của Quách Cự Nghiệp đời nhà Nguyên (1271 – 1367) , được Lý Văn Phức – một bậc túc nho của triều Nguyễn (đậu cử nhân năm 1819 – triều Gia Long ) dựa theo bản chữ Hán mà diễn ra quốc âm, bằng lời ca song thất lục bát..

Nhớ mãi hình ảnh Thầy Tử Lộ thuở hàn vi đội gạo đi bán nuôi mẹ. Lớn lên thi đậu làm quan. Ngày vinh quang bái tổ về làng thì mẹ không còn nữa.Ông gục đầu khóc nức nở,than oán phải chi mẹ còn sống dể mà đội gạo đi bán,nuôi mẹ.

Nay mỗi lần nghe lại bài ca “Đội Gạo Nuôi Mẹ” - Soạn giả Kiên Giang soạn, vọng ca Minh Vương.- mà mũi lòng, rơi lệ.Vì bài hát diễn tả đúng tâm trạng, hoàn cảnh mình.

Thuở nhỏ nhà nghèo, Má tôi phải thức khuya dậy sớm, buôn tảo bán tần

“Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông” nuôi tôi ăn học.

Lớn lên thi đậu lớp 12 (=Tú tài. Thời buổi đổi thay: Gọi là Bằng Tốt Nghiệp Phổ Thông ?!!!) những ngỡ đi “Mần việc” có tiền đền đáp ơn sinh thành dưỡng dục của Ba, Má.

Nhưng chẳng may gặp phải thời bao cấp.Không trả lương bằng tiền mặt. Mà toàn nhu yếu phẩm: Khăn choàng tắm,Đường, bột ngọt, lưỡi dao cạo, kim chỉ, đá lửa…Phải mang đi bán lấy tiền mặt.Đồng tiền không đủ sống. Mẹ già phải còng lưng cưu mang thêm.Nhắc đến đây, cầm lòng không đặng. Nước mắt đoanh tròng….

Đến thời đổi mới, kinh tế thị trường “thở được” chút đỉnh, thì Má mình đã qua đời. Than ôi!!!.

Má ơi. Má ơi, xin tha thứ cho con…/.

PHẠM VĂN RỚT, Mùa Vu Lan 2022.

“ LỄ HỘI VÍA BÀ CHÚA XỨ NÚI SAM – 

ĐIỂM ĐẾN DU LỊCH AN GIANG, MIỀN TÂY NAM BỘ ”

 

 

A. ĐẶT VẤN ĐỀ: 

Để tiện cho việc khảo cứu và tên gọi, xin gộp đề tài Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ hàng năm ở Châu Đốc và các địa điểm Du lịch trong Vùng Thất Sơn, đều thuộc An Giang, gọi chung là Du Lịch vùng Thất Sơn

 

1. Giới thiệu chung về Đồng Bằng Sông Cửu Long:

Rotpham_map.JPG

Vị trí địa lý :

Phía Bắc giáp biên giới Campuchia thuộc địa bàn tỉnh An Giang và một phần tỉnh Kiên Giang.

Phía Tây giáp biển Tây (vịnh Thái Lan) thuộc địa bàn tỉnh Kiên Giang và Cà Mau.

Phía Nam và Đông Nam: giáp biển Đông thuộc địa bàn các tỉnh: Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Phía Đông Bắc giáp sông Tiền thuộc địa bàn các tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh.

Nằm liền kề với vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ.

Ngoài ra còn có đảo Phú Quốc và những hòn đảo lớn nhỏ khác trong vịnh Thái Lan thuộc địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một bộ phận của châu thổ sông Mê Kông có diện tích 39.762 km².

Các đơn vị hành chính: 

ĐBSCL bao gồm 12 tỉnh: Long An, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Kiên Giang, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau & 1 TP trực thuộc Trung ương (Tp Cần Thơ) với dân số 17,4 triệu người (số liệu 2006) và một thành phố trực thuộc Trung ương.

Đặc điểm dân số:

Tổng số dân (năm 2006): 11.253.900 người

Thành thị: 2.722.000 người chiếm tỷ lệ 24,2%

Nông thôn: 8.531.600 người chiếm tỷ lệ 75,8%

Mật độ dân số bình quân: 478 người/km2

1.1) Đặc điểm và điều kiện tự nhiên: 

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), một trong những đồng bằng châu thổ rộng và phì nhiêu với diện tích đất nông nghiệp chiếm 65%. Đây là một vùng sản xuất lương thực lớn nhất nước và là vùng có tiềm năng nuôi trồng thủy sản (diện tích nuôi trồng chiếm 53% của cả nước), vùng cây ăn trái nhiệt đới lớn của cả nước.

Rotpham_dacdiem.JPG

 ĐBSCL có bờ biển dài trên 700 km, có hải phận rất lớn và một hệ thống đảo (hơn 100 đảo lớn nhỏ, trong đó có 02 huyện đảo), tiềm năng kinh tế biển, giao thông, vận tải thuỷ và phát triển du lịch sinh thái ở đây cũng ít nơi trong nước sánh bằng. 3 vùng sinh thái rất đặc thù: sinh thái ngập lũ; sinh thái rừng ngập nội địa và sinh thái rừng ngập ven biển, sản phẩm sinh học đa dạng, ít có trên thế giới là điều kiện quan trong cho phát triển du lịch sinh thái.

Nhìn ra rộng hơn, ĐBSCL đóng vai trò rất quan trọng về an ninh quốc phòng, có vị trí thuận lợi trong giao lưu quốc tế và là vùng rất nhạy cảm với sự biến động của các nước láng giềng. Vị trí địa lý của vùng rất gần với các nước ASEAN, có thể giao lưu thương mại và du lịch bằng đường thuỷ, đường bộ và đường hàng không. Khi kênh đào Kra của Thái Lan được xây dựng và hoạt động thì vùng ĐBSCL càng gần với đường hàng hải quốc tế, đến thủ đô các nước ASEAN chỉ trên dưới một giờ bay, thuận lợi phát triển hàng không trong khu vực và quốc tế. Hệ thống sông và cửa biển, cảng sông, cảng biển tạo thế mạnh để mở rộng giao thông thuỷ nội vùng và với Campuchia. 

ĐBSCL cũng là nơi ít xảy ra thiên tai, đó là những điều kiện thuận lợi để tổ chức sản xuất và phát triển sản xuất lương thực - thực phẩm, phát triển sản xuất chế biến sản phẩm nông - thuỷ - hải sản lớn nhất cả nước.

Đồng bằng sông Cửu Long lấy nước ngọt từ sông Mêkông và nước mưa. Cả hai nguồn này đều đặc trưng theo mùa một cách rõ rệt. Lượng nước bình quân của sông Mêkông chảy qua ĐBSCL hơn 460 tỷ m3 và vận chuyển khoảng 150 - 200 triệu tấn phù sa. Chính lượng nước và khối lượng phù sa đó trong quá trình bồi bổ lâu dài đã tạo nên Đồng bằng Châu thổ phì nhiêu ngày nay, có hệ thống sông kênh rạch lớn nhỏ chi chít rất thuận lợi cung cấp nước ngọt quanh năm.

ĐBSCL cũng là vùng có tiềm năng khai thác khí, dầu mỏ với tổng trữ lượng khí có thể thu hồi tại vùng biển Tây Nam khoảng 123 -125 tỷ m3, xấp xỉ trữ lượng khí của vùng biển Nam Côn Sơn, đó là những điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp khí - điện - đạm;  trữ lượng đá vôi khoảng 130 đến 440 triệu tấn; đá Granit, Andesit có khoảng 450 triệu m3; sét gạch ngói khoảng 40 triệu m3.

1.2) Về kinh tế 

Giá trị sản lượng lương thực của ĐBSCL chiếm 33,7% tổng sản lượng nông nghiệp cả nước, trong khi dân số chiếm 21%. Phần lớn gạo xuất khẩu của cả nước là của vùng ĐBSCL chiếm trên 80%, nước ta là nước xuất khẩu gạo thứ 2 trên thế giới. Thuỷ sản là thế mạnh của vùng, tổng sản lượng đánh bắt chiếm khoảng 50% sản lượng cả nước, giá trị xuất khẩu thuỷ sản chiếm 66,5% so cả nước.

Cơ cấu kinh tế vùng ĐBSCL mang tính thuần nông. Tuy nhiên trong những năm gần đây đã có sự chuyển dịch theo hướng tiến bộ là giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Cụ thể: tính cho giai đoạn 2001-2005, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm là trên 13%, đóng góp 16,7% vào GDP của cả nước. Trong đó giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) đã tăng gấp hơn hai lần, từ 27 ngàn tỷ (năm 2001) lên 52 ngàn tỷ (năm 2005) và hơn 61 ngàn tỷ (năm 2006). Tốc độ tăng trưởng GTSXCN bình quân hàng năm giai đoạn 2001-2005 của vùng đạt 17,96%, cao hơn bình quân cả nước; cơ cấu kinh tế năm 2001 chiếm 19,63%, năm 2005 đạt trên 23% và 2006 khoảng 25% tổng giá trị sản phẩm toàn vùng; đồng thời từ 2001 đến 2005 nông nghiệp giảm từ 51% xuống 45% và dịch vụ tăng từ 29% lên 32%.

1.3) Về văn hóa xã hội

ĐBSCL là vùng có dân số đông nhất trong các vùng của cả nước, chiếm 21% dân số cả nước.

Đa dạng văn hóa dân tộc ( Kinh, Khmer, Hoa, Chăm…) và tôn giáo cùng với hệ sinh thái phong phú của vùng đã mở ra tiềm năng rất lớn cho du lịch. Người Khmer, người Hoa khá đông, sống tập trung và chiếm tỷ lệ khoảng 8% dân số vùng.

Tốc độ tăng dân số hàng năm cao và trình độ dân trí chưa cao.

1.4) Hệ thống giao thông

Hệ thống giao thông hiện chưa hoàn chỉnh do địa hình bị chia cắt bởi hệ thống sông ngòi chằng chịt. Một số tuyến giao thông chính

- QL1A nối với Tiền Giang từ Cầu Mỹ Thuận – Tx Vĩnh Long – phà Cần Thơ – Tp.Cần Thơ – Tx Sóc Trăng – Tx Bạc Liêu – Tp. Cà Mau

- QL91 nối từ Cần Thơ – Tp.Long Xuyên – Tx Châu Đốc (An Giang)

- QL80: nối từ QL91 – Tp. Rạch Giá – Kiên Lương (Kiên Giang)

- QL61: nối từ QL1 – Tx Vị Thanh (Hậu Giang) – nối vào QL 80

- QL60: từ phà Cổ Chiên – Tx Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) – huyện Duyên Hải (Trà Vinh)

- Đường Hồ Chí Minh.

Ngoài ra còn hệ thống giao thông liên huyện khá lớn và hệ thống giao thông đường thủy khá phức tạp với hàng trăm sông rạch lớn nhỏ và là hệ thống vận chuyển khá hiệu quả trong khu vực.

- Sân bay: Cần Thơ, Rạch Giá, Cà Mau, Phú Quốc

- Cảng: Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang

Bên cạnh những thế mạnh, ĐBSCL vẫn còn hạn chế và khó khăn lớn thể hiện ở các mặt như: cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn yếu và thiếu; chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực lành nghề còn thấp so với mức bình quân cả nước; phát triển chủ yếu theo chiều rộng, chưa đi vào phát triển chiều sâu; chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp trong vùng còn hạn chế; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thể hiện qua cơ cấu nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội của vùng còn hạn chế. Ngoài ra, sự phối hợp, liên kết phát triển vùng chưa tập trung.

2. Tiềm năng phát triển du lịch của vùng :

ĐBSCL với địa hình chủ yếu là sông ngòi chằng chịt, đa dạng về cây ăn quả nên rất phù hợp cho du lịch sinh thái. Là nơi sinh sống của 4 dân tộc chủ yếu là Kinh, Hoa, Khơ-me và Chăm đã hình thành nên sự đa dạng về văn hóa. Nét đặc trưng là có rất nhiều chùa với kiến trúc độc đáo, với nhiều lễ hội dân tộc đặc sắc. Ngoài ra còn có nhiều điểm du lịch nỗi tiếng ở các địa phương như:

  • Nổi bật nhất là Lễ hội Bà Chúa Xứ (Châu Đốc) tổ chức vào tháng 4 hàng năm (âm lịch), thu hút hàng chục ngàn du khách về dự lễ hàng năm.

  • Lễ Cholchnam Thmay dân tộc Khơme.

  • Vùng Thất Sơn, núi Sam, chùa Bà (An Giang)..v.v.

 Các yếu tố ảnh hưởng đến du lịch như cơ sở hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ còn yếu, các yếu tố văn hóa lịch sử phong phú; thiếu quy hoạch, chính sách phát triển du lịch. Những yếu kém này đã khiến số lượng du khách đến với vùng còn thấp so với tiềm năng, số ngày lưu trú qua đêm không cao (ước tính từ 2-3 ngày).

Thách thức đối với du lịch vùng: chưa khai thác nét độc đáo văn hóa và tiềm năng du lịch của vùng sông nước đặc biệt là hình thức du lịch trong vùng không đa dạng.

3. Xác định phạm vi đề tài:

Du lịch có thể đem lại nguồn lợi lớn, phát triển du lịch có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế. ĐBSCL có lợi thế đa dạng về loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch biển và du lich sông nước.

Điểm độc đáo là giữa vùng sông nước mênh mang lại có Miếu  Bà Chúa Xứ Núi Sam, Châu Đốc và dãy núi Thất Sơn (An Giang) hùng vĩ, nổi bật trên địa hình đồng bằng của vùng, với hàng loạt ngôi chùa san sát nhau, không khí trong lành, với hệ thực vật sinh thái phong phú.

Các di tích lịch sử văn hóa, du lịch tâm linh đã hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước đến vùng này. Lễ hội Bà Chúa Xứ hàng năm ở Châu Đốc đã thu hút hàng chục nghìn khách thập phương đến dự lễ.

Với những ưu điểm trên, Lễ hội Bà Chúa Xứ hàng năm ở Châu Đốc đã được nhóm chọn như một điểm đột phá phát triển ngành du lịch ở vùng sông nước, chứ không phải là Thành phố Cần Thơ, trung tâm kinh tế của khu vực ĐBSCL. 

 

II. NHẬN DIỆN AN GIANG VÀ VÙNG THẤT SƠN: 

Rotpham_Angiang.JPG

1. Giới thiệu đôi nét về tỉnh An Giang:

An Giang là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh 

Đồng Tháp, phía Tây Bắc giáp Vương quốc Campuchia, phía Nam và Tây Nam giáp tỉnh Kiên Giang, phía Đông Nam giáp tỉnh Cần Thơ. An giang có diện tích 3.424 km2 gồm 11 đơn vị hành chính trực thuộc bao gồm thành phố Long Xuyên, thành phố Châu Đốc và 9 huyện. Dân số ở đây trên 2 triệu dân gồm 4 dân tộc chính: Kinh; Hoa, Chăm, Khmer. (Số liệu năm 2007). 

An Giang nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình năm 27ºC, cao nhất 35ºC - 36ºC vào tháng 4 - 5, thấp nhất từ 20ºC - 21ºC vào tháng 12 và tháng 1. Lượng mưa trung bình 1400 - 1500mm, có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.

An Giang là nơi có nhiều nguồn lực phát triển: nông nghiệp, thủy sản (đứng đầu cả nước), công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch, có tài nguyên khoáng sản, sông rạch nước ngọt quanh năm, giao thông thủy bộ thuận tiện, danh lam thắng cảnh đẹp, nhiều di tích lịch sử lâu đời, lễ hội văn hóa dân tộc truyền thống, các làng nghề thủ công mỹ nghệ…

Trên cơ sở thế mạnh và nét độc đáo ấy, An Giang đã và đang khai thác những tiềm năng sẵn có của địa phương với những loại hình du lịch hấp dẫn để thu hút nhiều du khách đến với tỉnh ngày càng đông. Trong các năm qua, lượng khách đến các khu, điểm du lịch đều tăng. Lượt khách tham quan các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh ước khoảng gần 3.000.000 lượt người/năm. 

 

2. Giới thiệu vùng Thất Sơn:

2.1) Vị trí địa lý: 

Bảy Núi, còn gọi là Thất Sơn được xem là “nóc nhà” của vùng  ĐBSCL, là một quần thể núi non hùng vĩ dài 30 km, rộng 13 km  mà thiên nhiên đã ưu đãi ban tặng cho tỉnh An Giang. Bảy Núi bao gồm 7 ngọn núi tiêu biểu trong 37 ngọn núi ở hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn ở An Giang. 

Tịnh Biên là một huyện miền núi của tỉnh An Giang, có dân số  người Khmer tương đối lớn. Từ Tịnh Biên đi Phnôm Pênh theo  quốc lộ 2(CPC) khoảng 125 km. Đây là điểm thu hút của khách  du lịch nước ngoài du lịch tuyến Campuchia - Việt Nam. Tịnh Biên  có quốc lộ 91 nối dài từ của khẩu quốc tế đến thành phố Cần Thơ và quốc lộ 55A đi Hà Tiên khoảng 80 km.  

Tri Tôn là một huyện miền núi có diện tích lớn nhất và dân cư  thưa thớt nhất tỉnh An Giang, cách tỉnh lỵ (Long Xuyên) 52 km về phía Tây, cách Hà Tiên - Kiên Giang 83 km, Châu Đốc 44 km, Lâm Viên - Núi Cấm 7 km. Phía Đông giáp các huyện Châu Thành, Thoại Sơn, phía bắc giáp huyện Tịnh Biên, phía tây  bắc giáp Campuchia, phía nam giáp tỉnh Kiên Giang

Theo sổ sách ghi chép thì 7 ngọn núi tiêu biểu của Bảy Núi có lúc không giống nhau và việc chọn lựa 7 ngọn núi tiêu biểu trong  37 ngọn núi này vẫn chưa có lời giải thích thỏa đáng! Theo  Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc sử quán nhà Nguyễn,  thì 7 ngọn núi tiêu biểu được xem là bảy điểm “linh huyệt”  của vùng Thất Sơn. Tên của bảy ngọn Núi: Núi Cấm (Thiên Cấm Sơn), Núi Dài Năm Giếng (Ngũ Hồ Sơn) Núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn), Núi Dài (Ngọa Long Sơn),  Núi Tượng (Liên Hoa Sơn), Núi Két (Anh Vũ Sơn), Núi Nước (Thủy Đài Sơn). 

                           

2.2)  Điều kiện tự nhiên:

Nói về mặt tự nhiên của vùng Bảy Núi, Gia Định thành thông chí mô tả: Hang núi ngậm mây, suối cong nhả ngọc, lại có những cây giáng hương, tóc hương, cây cối xanh um, cầm thú béo mập. Phía đông có ruộng đồng bằng phẳng, phía tây có hồ nước... Ngoài ra, còn nghe gà gáy dưới bóng trăng, chó sủa trong hang động, cảnh huống yên hà ngoài thế giới vậy. (Theo Thất Sơn huyền bí –Sơn Nam)

Bảy Núi rất phong phú về khoáng sản như: đá granit, đá ốp lát, than bùn, mỏ đất sét cao lanh, đá quý và ngọc, quặng kim loại molipden, quặng mangan, nước khoáng thiên nhiên...Rừng ở đây thuộc kiểu rừng kín nửa rụng lá, ẩm nhiệt đới với cấu trúc 3 tầng rõ rệt: tầng cây gỗ như dầu, căm xe, lăng ổi, bời lời, quế, gõ mật, nính..., tầng cây bụi như sâm ngọt, sâm núi, mua lông, bưởi, chanh…, tầng thân thảo và quyết thực vật như sa nhân, gừng dại, giềng rừng… Tại vùng Bảy Núi, thuộc huyện Tịnh Biên vừa phát hiện cây chùm ngây (còn gọi là cây cải ngựa) có tên khoa học là Moringa, là một loại thảo dược quý. Động vật ở đây cũng khá phong phú với heo rừng, khỉ, nhím, rắn... 

2.3) Tình hình phát triển kinh tế-xã hội:

2.3.1) Nông nghiệp

Tịnh Biên và Tri Tôn có lợi thế về nông nghiệp. Đây là vùng nổi tiếng với cây lúa đặc sản vùng Bảy Núi có tên gọi là Nàng Nhen thơm, chỉ có thể trồng được ở vùng Bảy Núi, không thể sinh trưởng được ở đồng bằng châu thổ. Lúa đặc sản Bảy Núi có hương vị đậm đà rất riêng, giá bao giờ cũng cao hơn lúa và gạo cao sản, ngắn ngày.  

Do có ưu thế về đồng cỏ và đồi núi, Tri Tôn là huyện phát triển mạnh kinh tế trang trại, tập trung chủ yếu là chăn nuôi bò với số lượng 21.699 con, chiếm 36,4% tổng đàn bò trong tỉnh, dẫn đầu toàn tỉnh. Bên cạnh việc chăn nuôi bò, vùng còn tập trung phát triển cây điều. Huyện Tri Tôn là một trong hai huyện vùng Bảy Núi có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp với môi trường sống của cây điều. 

2.3.2) Thương mại:

Thất Sơn là vùng biên giới, có cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên là trung tâm giao thương quan trọng giữa Việt Nam với Campuchia. Khu vực cửa khẩu nằm trên trục quốc lộ 91, nối thành phố Long Xuyên, thị xã Châu Đốc với cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên và các trục giao thông quan trọng khác. Các di tích lịch sử văn hoá, các khu du lịch được đầu tư xây dựng, thu hút hàng trăm ngàn lượt khách tham quan mỗi năm. Riêng lễ hội đua bò Bảy Núi năm 2008 đã thu hút khoảng 30.000 lượt khách.

2.3.3) Cơ sở hạ tầng

Thất Sơn có các tuyến đường giao thông được thông suốt trong toàn bộ vùng và các vùng lân cận.  Tỉnh An Giang đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà máy cấp nước trên đỉnh núi Cấm, thuộc địa bàn xã An Hảo, huyện Tịnh Biên. Cuối năm 2008, huyện Tịnh Biên đã đầu tư xây dựng và hoàn thành giải phóng mặt bằng cho 19 dự án bao gồm: Trung tâm dạy nghề, đường 30-4, khu hành chính huyện, khu dân cư cao cấp Sao Mai, khu dân cư chợ Tịnh Biên, chợ Nhà Bàng, tuyến dân cư N1 An Nông, Trường tiểu học Tân Lập, đường điện núi Cấm, khu hành chính Núi Voi, đường điện 110 KV Châu Đốc - Tri Tôn, đường điện 220 KV Châu Đốc - Kiên Lương, kênh Tha La -Trà Sư …

2.3.4) Công nghiệp

Theo thống kê của tỉnh An Giang, tính từ năm 2004 đến quý I/2005, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn vùng đạt 193 tỷ 135 triệu đồng. Nhiều công ty, xí nghiệp ra đời, tập trung vào các lĩnh vực khai thác đá, chế biến hạt điều và các ngành nghề thủ công truyền thống. Đặc biệt, Tri Tôn nổi tiếng với nghề làm gốm của người Khmer.

2.4) Tổng quan về tìêm năng du lịch. 

2.4.1) Đa dạng loại hình du lịch sinh thái, du lịch rừng, du lịch tâm linh, du lịch nghĩ dưỡng, du lịch lịch sử, du lịch văn hóa và nơi có phong cảnh sơn thủy hữu tình duy nhất ở ĐBSCL

  - Về du lịch tâm linh: đây là vùng đất đang dạng về nhiều tôn giáo và sắc tộc cùng nhiều đạo phái: Phật giáo Nam Tông của người Khơ me hay Phật giáo Bắc Tông của người Kinh-Hoa, đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, đạo Hòa Hảo … cùng nhiều đền, chùa ,miếu. Đến vùng du khách có thể tham quan chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh, tượng Phật Di Lặc, Chùa Xà Tón (Tri Tôn: ngôi chùa đã có lịch sử trên 200 năm, nằm ngay trung tâm của thị trấn Tri Tôn, trong chùa còn lưu giữ được bộ kinh Slấc-rích (kinh viết trên lá thốt nốt khô) rất có giá trị về văn hóa lịch sử của người Khmer)

 

 -  Du lịch sinh thái, du lịch rừng: toàn vùng có tổng diện tích khoảng 21.000ha chiếm 6% diện tích toàn tỉnh. Hiện có trên 14.100ha rừng, trong đó rừng tự nhiên gần 600ha, rừng trồng 13.500ha. Rừng không những có ý nghĩa to lớn tạo ra các sản phẩm nuôi sống con người mà còn sản sinh ra một khối lượng lớn về lâm sản hàng hóa đóng góp cho nền kinh tế quốc dân, bảo vệ môi trường sinh thái, phòng hộ đầu nguồn, giữ đất, giữ nước, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh quốc phòng... Rừng Bảy Núi còn có tầm quan trọng lớn lao trong việc góp phần cải thiện đời sống hiện nay cho đồng bào dân tộc quanh vùng. Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư thuộc rừng đặc dụng Việt Nam, nằm ở xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, An Giang. Cách thị xã Châu Đốc khoảng 30km, từ tỉnh lộ 948 vào Trà Sư là con đường đất đỏ dài 3,5km.

 

 -  Du lịch nghỉ dưỡng: khu lâm viên núi Cấm - với khí hậu mát mẻ của núi Cấm, rất thích hợp cho loại hình du lịch này.

 

 -  Du lịch lịch sử: khu di tích cách mạng đồi Ma Thiên Lãnh, Ô Tà Sóc, đồi Túp Dụp, nhà mồ Ba Chúc, đình Thới Sơn….

 - Du lịch văn hóa: đa dạng văn hóa lịch sử và lễ hội truyền thống của nhiều dân tộc như Khmer:    Tết cổ truyền Chol- Chnăm-Thmây (tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch); Lễ cúng Trăng – Oh Om Bok; Hội đua bò Bảy Núi (tổ chức luân phiên ở hai trường đua: Chùa Tà Miệt (Tri Tôn), chùa Tha Mít (Tịnh Biên), thu hút khoảng 15 - 20 nghìn người). 

 

2.4.2) Gần các điểm du lịch nổi tiếng của vùng cũng như nước bạn Campuchia:

Khu du lịch núi Sam nổi tiếng với Miếu Bà Chúa Xứ; cách khu du lịch Hà Tiên – Kiên Giang khoảng 80km (nổi tiếng với nhiều hòn đảo nhỏ khác nhau và nhiều bãi biển đẹp). Hay đến nước bạn Campuchia đến thăm đền Angko Wat qua hai đường: Vĩnh Xương (Việt Nam) / Kaam Samnor (Campuchia) - cửa khẩu đường sông tại tỉnh An Giang, thuận tiện để đi và đến từ Phnom Penh.

Hay đường Tịnh Biên (Việt Nam) / Phnom Den, Takeo (Campuchia) - cửa khẩu đường bộ tại tỉnh An Giang, thuận tiện để đi và đến từ Phnom Penh hoặc Kam Pot.

2.4.3 Có nhiều đặc sản phong phú cùng các làng nghề truyền thống

- Cháo bò, Bò xào lá vang, Bánh bò được làm từ trái thốt nốt, khô bò, gà hấp lá trúc, canh xiêm lo,... trái cây nam bộ; bò cạp núi; rượu rết, đặc sản mắn các loại vv..

- Làng nghề làm gốm của người Khơme, các sản phẩm từ cây thốt nốt: tranh, các sản phẩm từ gỗ …

RotPham_4Pics.png

Tuy nhiên, du lịch ở đây vẫn còn bộc lộ những hạn chế như:

- Cơ sở hạ tầng chưa thuận tiện. Hệ thống đường giao thông giữa các tỉnh trong vùng chưa phát triển, thiếu hệ thống đường quốc lộ có dung lượng lưu thông lớn.

- Hệ thống dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu khách du lịch (nhà trọ, khu nghỉ dưỡng, các công ty du lịch lữ hành còn thiếu và yếu), nguồn nhân lực phục vụ du lịch chưa có kỹ năng.  

- Chiến lược phát triển du lịch Thất Sơn chưa được chú trọng đầu tư tương xứng với tiềm năng phát triển trong tổng thể chiến lược kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang.

- Thiếu sự liên kết du lịch giữa các tỉnh trong vùng.

- Thách thức khác do những ảnh hưởng từ môi trường văn hóa, chính trị, xã hội… quốc gia và quốc tế.

 

2.5) Những cơ hội và thách thức :

- Tiềm năng du lịch đa dạng của Thất Sơn sẽ được khai thác có hiệu quả góp phần vào tăng trưởng kinh tế của hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên nói riêng và tỉnh An Giang nói chung nếu nắm bắt được những cơ hội. Đó là khả năng liên kết, phối hợp du lịch của vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long (Cần Thơ, Tiền Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, An Giang ….); xu hướng gia tăng của khách du lịch quốc tế; có kế hoạch hợp lý khai thác tiềm năng vốn có của vùng.

- Song, vẫn còn đó những thách thức cần phải được xác định đúng và đề ra giải pháp hữu hiệu khắc phục vươn lên. Đó là 

+ Loại hình du lịch không đa dạng : các địa phương trong toàn vùng có mô hình du lịch giống nhau và nhiều lễ hội văn hóa. 

+ Phụ thuộc rất nhiều vào việc nối kết tour du dịch các công ty du lịch của TPHCM, Hà Nội và một số tỉnh khác.

+ Thách thức khác do những ảnh hưởng từ môi trường văn hóa, chính trị, xã hội… quốc gia và quốc tế. 

 

III. CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN DU LỊCH VÙNG:

Xét giá trị gia tăng của ngành  du lịch đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch văn hóa … còn nhiều tiềm năng có khả năng phát triển và mở rộng thị trường. Nhóm chúng tôi chọn mũi đột phá là du lịch ở vùng Thất Sơn là trọng điểm để kêu gọi đầu tư, đây là ngành đem lại suất sinh lợi cao và đầy hứa hẹn. Trong tương lai  người cung cấp dịch vụ du lịch, nhà đầu tư … sẽ được liên kết chặt chẽ với nhau để cùng nhau phát triển.

1/ Mục tiêu chiến lược :

Trên cơ sở đánh giá những tiềm năng phát triển du lịch của vùng, chiến lược phát triển du lịch trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của An Giang giai đoạn 2006-2010 đưa ra chiến lược khai thác lợi thế du lịch của Thất Sơn, mối liên kết du lịch với các địa phương khác. Qua đó, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh An Giang và các vùng lân cận  

2/ Nội dung chiến lược :

2.1) Nhận diện đối tượng khách hàng: 

Với những lợi thế sẵn có, nhất là về điều kiện tự nhiên, văn hoá; du lịch vùng Thất Sơn hứa hẹn đem đến cơ hội kinh doanh có hiệu quả kinh tế cao cho các nhà đầu tư, khai thác du lịch trong và ngoài tỉnh (gọi tắt nhà đầu tư); là điểm tham quan du lịch, nghĩ dưỡng lý tưởng cho du khách.

2.1.1) Hiện nay, UBND Tỉnh An Giang đã đưa khu du lịch núi Cấm vào danh mục kêu gọi đầu tư với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 100 tỷ đồng gồm dự án đầu tư khu lâm viên núi Cấm; dự án cáp treo lên núi; khu nghỉ dưỡng, khu di tích và làng văn hoá; khu du lịch hành hương. Ngoài ra, các nhà đầu tư còn có cơ hội đầu tư xây dựng và khai thác du lịch tại các địa điểm khác trong quần thể núi ở đây, nổi bật như: 

- Khu du lịch núi Cô Tô với hồ Xoài So thơ mộng, di tích đồi Tức Dụp,…

- Khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư : tổng diện tích khai thác xây dựng là 159ha cho các hạn mục khu du lịch sinh thái sông nước, nhà nghỉ,… 

Tất cả các dự án đầu tư vào địa bàn này đều được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư về thuế và các khoản thu liên quan đến lĩnh vực đất đai đối với vùng đặc biệt khó khăn, cụ thể: miễn tiền sử dụng đất, miễn tiền thuê đất 11 năm, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng mức 10% trong 15 năm, miễn thuế TNDN 04 năm đầu kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm kế tiếp.

2.1.2) Các công ty khai thác du lịch có thêm điểm đến du lịch hấp dẫn: mở thêm tour mới, khai thác tốt hơn trên cơ sở mở rộng tour hiện có,… 

2.1.3) Khách du lịch trong và ngoài nước có thêm địa điểm du lịch hấp dẫn,  kết hợp tham quan Lễ hội Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc, mua sắm hàng hoá tiêu dùng ở các chợ cửa khẩu với tham quan, nghĩ dưỡng khung cảnh hùng vĩ, thoáng đạt của “núi rừng phương Nam”.  

 

2.2) Nhận diện đối tượng hợp tác và cạnh tranh

 

 2.2.1) An Giang được mọi người biết đến với thế mạnh lâu nay là sản xuất lương thực và thuỷ sản xuất khẩu, một vùng đất đa dạng về văn hoá với nhiều tôn giáo, dân tộc bậc nhất ở đồng bằng sông Cửu Long. Nếu như du lịch ở đồng bằng sông Cửu Long được biết đến như là du lịch sinh thái với hệ thống sông ngòi chằng chịt, “trái ngon quả ngọt”; du lịch tín ngưỡng với nhiều đền, chùa độc đáo đậm đà bản sắc các dân tộc sinh sống trong vùng ; thì vùng Thất Sơn còn nổi bật lên với những dãy núi trùng điệp tạo nên sự khác biệt độc đáo. Có thể nói đó chính là sức thu hút du khách du lịch đến với Thất Sơn so với các vùng du lịch khác.

Trong bối cảnh du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và An Giang nói riêng còn manh mún, mang tính tự phát là chủ yếu, chưa có các chính sách phát triển rõ nét, đồng bộ giữa các địa phương thì du lịch Thất Sơn chỉ có thể phát triển nếu biết kết hợp khai thác thế mạnh du lịch với các vùng lân cận. 

Trong phạm vi tỉnh An Giang, đó là sự kết hợp với Lễ hội Bà Chúa xứ, thưởng ngoạn phong cảnh sông nước hữu tình và thưởng thức đặc sản mắm nổi tiếng của Châu Đốc, đó là kết hợp sở thích mua sắm hàng hoá biên giới cửa khẩu Xuân Tô, hay tham quan rừng tràm Trà Sư,…Điều lý thú về mặt vị trí địa lý là rời Thất Sơn khoảng hai giờ xe hơi, du khách đến Hà Tiên – khu du lịch biển đẹp và thơ mộng. Vì vậy, trong chiến lược phát triển du lịch cần chú trọng đặc điểm này.

  2.2.2) Trong nèn kinh tế thị trường, sự cạnh tranh thu hút khách hàng là điều tất nhiên, thậm chí là rất khắc nghiệt. Không chỉ vùng Thất Sơn (kể cả An Giang) có thế mạnh về du lịch tín ngưỡng, mà có thể nói đó là một trong những đặc trưng ở vùng đồng bằng này; thậm chí ở ngay bên cạnh là nước bạn Campuchia vốn nổi tiếng với đền, chùa linh thiêng, kiến trúc độc đáo. Tây Ninh với núi Bà Đen cũng là địa danh thu hút khách du lịch tâm linh,… 

Ngoài ra, các điểm du lịch khác đã nổi tiếng về cảnh quan, lại ở vị trí thuận lợi về giao thông, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Vì thế, để đạt được lợi thế cạnh tranh, đòi hỏi trong chiến lược phát triển du lịch phải đa dạng, phong phú về loại hình; chú trọng chất lượng phục vụ tốt và mở rộng phạm vi khách hàng,..

 

2.3)  Chiến lược phát triển:

a/ Xây dựng cụm ngành du lịch: 

Tuy vùng còn nhiều tiềm năng nhưng hiện vẫn chưa có một chiến lược phát triển tổng thể, liên kết thành cụm ngành du lịch. Nên ở đây nhóm chúng tôi xin đề xuất chuỗi giá trị cụm ngành trong phát triển du lịch của vùng Thất Sơn.

Hình mô tả cấu trúc cluster du lịch. Các thành phần cốt lõi trong cluster du lịch bao gồm các công ty: kinh doanh lữ hành, kinh doanh vận chuyển và kinh doanh lưu trú. Các liên kết bao gồm: liên kết dọc với các yếu tố đầu vào và đầu ra, liên kết ngang với các ngành bổ trợ liên quan và các liên kết với các cơ sở nền tảng quan trọng. Trong cluster này, ta thấy các công ty với nguồn đầu vào ban đầu: con người, tài nguyên, phương tiện … sẽ tổ chức cung cấp thông tin và cung ứng các dịch vụ cho du khách: tham quan, giải trí, mua sắm, …  Ngoài ra có một loạt các nhân tố khác có liên quan như: tổ chức, các cơ quan xúc tiến du lịch, các trường đào tạo và dạy nghề, cơ quan chính phủ, các ngân hàng, các dịch vụ công cộng … 

Các hoạt động hợp tác trong cluster du lịch Thất Sơn tập trung vào 5 vấn đề chính: Xây dựng sản phẩm du lịch toàn khu vực và cùng nhau khai thác các tuyến điểm du lịch. Xây dựng và khai thác tuyến hành trình dụ lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh và du lịch văn hóa. Hợp tác trong việc xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch chung của cả khu vực đối với thị trường trong nước và quốc tế. Hợp tác trong đầu tư xây dựng một số dự án du lịch trong khu vực. Hợp tác trong lĩnh vực đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. 

b/ Liên kết vùng: 

Việc phát triển du lịch của vùng hiện còn manh mún, chưa có quy hoạch phát triển nên chi phí đầu tư còn cao, khả năng sinh lợi thấp. Do đó cần có kết hợp liện kết các tour du lịch giữa vùng với các vùng xung quanh trong tỉnh như: Châu Đốc, Thoại Sơn, An Phú.  Tổ chức phối hợp liên kết du lịch giữa các tỉnh thuộc vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long (Cần Thơ, Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang ….). Hay mở các các tuyến du lịch xuyên biên giới cùng với các chính sách phát triển kinh tế cửa khẩu với nước bạn Campuchia sẽ mở ra nhiều triển vọng mới cho vùng.

2.4) Kế hoạch và biện pháp thực hiện

- Quy hoạch và xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết phát triển cụm du lịch vùng Thất Sơn, với khu du lịch núi Cấm làm trung tâm, theo hướng kết hợp du lịch tâm linh, du lịch nghĩ dưỡng, du lịch sinh thái với thúc đẩy mậu dịch thương mại vùng biên giới cửa khẩu. Kế hoạch phải là tổng hoà những kế hoạch đồng bộ từ cơ sở hạ tầng giao thông, chính sách ưu đãi đầu tư về đất đai, thuế, thủ tục cấp phép,…   tạo điều kiện thuận lợi thu hút nhà đầu tư xây dựng, khai thác dịch vụ du lịch. Chú trọng quan hệ phối hợp thúc đẩy du lịch với các tỉnh thành lân cận và các địa phương ở nước bạn.

- Hoạt động quảng bá du lịch với nhiều hình thức phong phú như xây dựng trang web, thông tin trên báo, đài, phát hành cẩm nang,..giới thiệu chủ trương, chính sách phát triển du lịch, cảnh quan, nét đặc trưng văn hoá, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng của vùng, thông tin các tour du lịch,v.v… 

- Định hướng các hoạt động lễ hội thể hiện rõ nét bản sắc văn hoá đa dạng của cộng đồng dân tộc sinh sống trong vùng kết hợp giáo dục truyền thống, tái hiện lịch sử hào hùng của con người và vùng đất Thất Sơn.

- Thực hiện xây dựng mới và trùng tu các cảnh quan, di tích phục vụ du lịch.

- Xây dựng kế hoạch đào tạo kỹ năng nghề nghiệp phù hợp phát triển du lịch cho nhân dân địa phương, giúp đỡ họ có điều kiện tham gia vào hoạt động kinh tế để giảm nghèo. 

- Xây dựng cụm ngành phục vụ phát triển du lịch ở những vùng lân cận có khả năng gắn kết với Thất Sơn.  

 

Phụ lục: 

  1. Chi tiết về vùng Bảy Núi: 

1.Núi Cấm - Núi Ông Cấm, Thiên Cấm sơn/Thiên Cẩm Sơn (với nghĩa là núi đẹp như gấm, lụa).Là ngọn núi cao nhất (716m), lớn nhất nằm trong dãy Thất Sơn hùng vĩ thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên.

Núi Cấm nơi du lịch nổi tiếng của tỉnh An Giang vì dáng vẻ hùng vĩ, khí hậu mát mẻ, phong cảnh đẹp và cây cối luôn xanh tươi. Với điều kiện tự nhiên như thế nên Núi Cám còn được mệnh danh là “Đà Lạt 2”. Trên núi có Chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn, tượng Phật Di Lặc, Cao Đài Tự... Ngoài ra, dọc theo những lối mòn từ chân lên tới đỉnh núi có nhiều điểm tham quan như: suối Thanh Long, suối Tiên, điện Cây Quế, điện Mười Ba, điện Tam Thanh, điện Huỳnh Long, hang Ông Thẻ, hang Ông Hổ, hang Bác Vật Lang, động Thủy Liêm. Dưới chân núi Cấm, về phía Đông là khu du lịch Lâm Viên, với diện tích khoảng 100 ha, có cảnh quan đẹp, có đường tráng bê tông khá rộng lên đến đỉnh. 

Tại Vồ Bò Hong-đỉnh cao nhất của Núi Cấm và cũng là đỉnh cao nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tại đây, vào ngày thời tiết không mưa, nắng đẹp bạn có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn ra tận vùng biển Hà Tiên. Bên cạnh các nguồn lợi từ du lịch, hành hương, cây trái... núi Cấm còn có các nguồn lợi khác từ tài nguyên, như đá xây dựng, cát núi, đất sét cao-lanh và nước khoáng thiên nhiên

2.Núi Dài năm Giếng - Núi Dài nhỏ hay Ngũ Hồ Sơn. Cao 265 m, chu vi 8.751 m

Là ngọn núi cao thứ tư trong Bảy Núi, thuộc thị trấn Nhà Bàng, riêng vách phía Tây và phía Đông thuộc địa phận xã An Phú, xã Văn Giáo. Tất cả đều thuộc huyện Tịnh Biên.

Sở dĩ có tên Núi Dài Năm Giếng vì trên núi có năm nơi mặt đất trũng sâu như giếng nước. Núi tuy hiểm trở nhưng có nhiều cảnh đẹp, nhiều vườn cây trĩu trái quanh năm, như: ổi, xoài, bưởi, mận, sầu riêng, thanh long v.v...Cho nên có người mô tả nhìn theo hướng mỏ Két của núi Két, phía trước mặt là dãy Ngũ Hồ Sơn, có thể ví như một hòn non bộ khổng lồ tuyệt đẹp.

Ngoài ra, núi Dài Năm Giếng còn có nguồn tài nguyên là đá xây dựng thuộc nhóm sáng màu mịn hạt và đá ốp lát dùng để trang trí...

(3) Núi Cô Tô - Phụng Hoàng Sơn, thuộc xã Núi Tô, Tri Tôn. 

Núi cao 614 m, dài 5.800m, rộng 3.700m. Dáng núi đẹp như hình chim phụng đang sải cánh, có cái đuôi - gọi là đồi gắn liền về phía tây, nổi danh là đồi Tức Dụp (tiếng Khmer: nước quanh năm). Đây là căn cứ địa dùng để chống Mỹ của một số quân và dân tỉnh An Giang. Hồ Soài So cũng là một địa điểm nổi tiếng nằm ở sườn phía Đông núi Cô Tô, là một hồ nước có vẻ đẹp hoang sơ, nước lúc nào cũng xanh biếc và phẳng lặng. Hồ rộng chừng 5 ha, có dung tích khoảng 400.000 m3, được sử dụng tưới tiêu cho hàng trăm ha ruộng rẫy và cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân vùng phụ cận 

Núi Cô Tô là một vùng bán sơn địa và do cấu tạo địa chất đặc biệt, nên nhiều nơi bên trong núi là một hệ thống hang động ngầm như tổ ong vĩ đại, rất kiên cố và vững chắc. Ngoài ra, núi Cô Tô còn có nhiều nguồn lợi khác từ tài nguyên như than bùn dạng vỉa, đá xây dựng (thuộc đá sậm màu hạt thô) đất sét cao-lanh và nhiều mội nước khoáng thiên nhiên...

4.Núi Dài: là núi dài nhất trong Bảy Núi (khoảng 8.000m), cao 580 m, nằm dọc theo tỉnh lộ 955B thuộc bốn xã Châu Lăng, Lương Phi, Ba Chúc, Lê Trì của huyện Tri Tôn

Núi Dài còn nhiều loại gỗ quý (dầu, căm xe, lăng ổi, quế...), chim muông, thú rừng và tài nguyên phong phú như: đá xây dựng, cát núi, đất sét cao-lanh, nước khoáng thiên nhiên... Ngoài ra, núi Dài còn có rất nhiều nương rẫy, vườn cây ăn trái và thắng cảnh. Nhưng đặc biệt hơn cả đó căn cứ Ô Tà Sóc, một di tích cách mạng đã được xếp hạng, là nơi thời chống Mỹ, cứu nước, Tỉnh ủy An Giang sử dụng làm căn cứ trong nhiều năm.

5.Núi Tượng còn được gọi là Liên Hoa Sơn:

Nằm tại thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, Việt Nam. Núi Tượng thấp nhỏ, chỉ cao 145 m và chu vi 3.825 m.[1] Từ xa, hình núi trông giống hình dạng con voi nên có tên là Núi Tượng. Đây là nơi mà đông đảo dân quanh vùng Ba Chúc đã tìm các hang đá sâu và hẻo lánh để ẩn nấp quân Pôn Pốt từ Campuchia tràn vào. Sau 11 ngày bị tàn sát, số người chết đã lên đến 3.157 dân thường. Hiện nay Nhà mồ Ba Chúc đang trưng bày 3.159 bộ hài cốt của nạn nhân trong cuộc tàn sát này. (2 người: bộ đội?)

 

6.Núi Két - Anh Vũ Sơn hay Núi Ông Két, ngọn núi nhỏ trong Bảy Núi, thuộc xã Thới Sơn huyện Tịnh Biên

Núi Két có hình khối tròn, cao 225m, dài và rộng hơn 1.100m. Núi ở phía đông thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, cách trung tâm thành phố Long Xuyên khoảng 70km về hướng tây theo Quốc lộ 91 rồi rẽ qua tỉnh lộ 948. Núi được bao bọc bởi những ngọn núi khác như núi Dài, núi Đất, núi Trà Sư, núi Bà Đắc.

Được gọi là Núi Két vì gần trên đỉnh có một tảng đá khổng lồ nằm nhô ra, theo sự mường tượng của nhiều người, nó gần giống mỏ chim Két (tức chim anh vũ).

Ở quanh núi có các di tích và thắng cảnh như: Bửu Sơn Linh Tự, Bửu Minh Tự, Đình Thới Sơn... Đường lên đỉnh núi Két dài khoảng 600 mét, được xây bậc thang và đều có hành lang an toàn. Đi dần lên núi có các địa điểm đáng tham quan như: Sân Tiên, Giếng Tiên, điện Chư Thần, điện Phật Thầy, điện Phật Mẫu, điện Ngọc Hoàng, điện Huỳnh Long, điện Ba Cô, điện U Minh, điện Chư Vị Năm Non Bảy Núi và tiêu biểu nhất là “mỏ ông Két” cùng với nhiều truyền thuyết dân gian... Ngoài ra, còn có một đường lên núi khác, đối diện với đình Thới Sơn...

Bên cạnh các nguồn lợi từ du lịch, hành hương, cây trái... núi Két còn có các nguồn lợi khác từ tài nguyên, như quặng kim loại molipden, đá granit sáng màu mịn hạt, đá quí (thạch anh ám khói, thạch anh tím) được tìm thấy trong các mạch pecmatic và nhiều mội nước khoáng...

7.Núi Nước còn có tên Thủy Đài Sơn, là một ngọn núi nhỏ nhất trong Thất Sơn.

Núi cao 54 mét, chu vi 1.070m, nằm giữa những cánh đồng rộng lớn, cách lộ nhựa 955b và núi Tượng khoảng 600m. Núi thuộc thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.

Khi chưa có đê bao chống lũ, vào mùa nước nổi (khoảng tháng 8 đến cuối tháng 10 âm lịch), chung quanh núi này là một biển nước mênh mông, đỏ quạch phù sa. Vì lẽ đó, núi có tên là núi Nước.

Ngay chân núi có chùa Linh Bửu, do Ngô Lợi, giáo chủ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa cho xây dựng vào ngày 9 tháng 6 năm Giáp Thân (1884).

                                               Nhóm thực hiện: Phạm Bửu Minh+Phạm Văn Rớt

TÀI LIỆU THAM KHẢO

----------------------0O0--------------------

TIẾNG VIỆT

1/ Đặng Hoài Dũng, Lê Thanh Tùng. Địa chỉ An Giang. Ubnd Tỉnh An Giang

2/ FETP  (2008-2010) . Tài  liệu giảng dạy môn marketing địa phương

3/ Lê Mạnh Hà (2007). Định hướng chiến lược marketing du lịch Đà Lạt – Lâm Đồng đến năm 2020 – luận văn thạc sĩ kinh tế. Đại học kinh tế hcm 

4/ Hồ Đức Hùng chủ biên & đtg (2005). Thực trạng và giải pháp Marketing du lịch của Bà Rịa - Vũng Tàu. 

5/ Nhóm học viên số 10 (2006). Đề án xây dựng chiến lược tiếp thị du lịch Phú Quốc. FETP

TIẾNG ANH

1/ Kotler Philip (2002). Marketing Asian places: attracting investment, industry, and tourissm to cities, states and nations. Jhon Wiley & Sons (Asia) Pte LTd.

2/ Porter Michael  E. (1990). The competitive advantage of nations The Free Press, A Division of  Macmillan  Inc

SỐ LIỆU THỐNG KÊ

1/ Cục thống kê An giang (6/2009). Niên giám thống kê An Giang 2008

2 / Phòng thống kê Thị Xã Châu Đốc (2007). Niên giám thống kê Thị Xã Châu Đốc

3/ Tổng  cục thống kê (2007). Kết quả điều tra chi tiêu của khách du lịch năm 2006. Nhà xuất bản thống kê

BÁO CHÍ

1/ Dân trí online (http://dân tri.com.vn/c21/s20-219715/bat-nhao-le-hoi-via-ba-chua-xu-nui-sam.htm)

2/ Người lao động online (http://nld.com.vn/20100201123657717Pl042C1110/roi-ren-vi-doc-quyen-roi-anh.htm)

______________________________

PVR_nuiSam.jpg

“CUỘC ĐẤU PHÉP CỦA ĐẠO LÀNH VỚI ĐẠO SĨ NÚI SAM, CHÂU ĐỐC.”

                                                          

“Mọi chuyện ở đây , tuy có vẻ kỳ lạ nhưng không hảo huyền; thần kỳ nhưng không yêu ma; hoang đường nhưng không quái đản. Dấu xưa còn đó. Tất cả chỉ cốt khuyên theo điều thiện , ngăn cấm điều ác, bỏ lòng dối trá và dưỡng tâm chân thực…Tức là, chỉ mong sao cho phong tục ngày một tốt đẹp mà thôi” (Tựa bài viết của sách Lĩnh Nam Chích Quái).

Mùa thu năm đó, Đạo Lành Trần Văn Thành, đại đệ tử trong mười hai đệ tử của Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên cùng các môn đồ về Chùa Tậy An-Núi Sam , Châu Đốc để bái vọng mộ Thầy, nhân kỷ niệm Phật Thầy viên tịch. Lúc đó, tại phía tây triền Núi Sam, Châu đốc  có một anh nông dân nghèo, mắc phải căn bệnh quái ác, hiểm nghèo: mắt trợn dọc,bụng no dẫy lên, tay chân co rút lại, hơi thở chỉ còn thoi thóp nơi ngực…Gia đình chạy thuốc nhiều nơi, nhiều ngày mà bệnh trầm trọng thêm. Tính mạng như chỉ mành treo chuông.

Thời may, bà con lối xóm đến thăm, có người biết chuyện, nên mách nước. Gia đình nạn nhân vội vã đến chùa Tây An, cầu cứu với Đạo Lành.

Mưa rơi rả rich, Đạo Lành đến nơi, bắt mạch xem xét kỹ lưỡng bệnh hồi lâu, từ tốn hỏi thân nhân người bệnh :

-Thời gian gần đây có xảy ra xích mích với ai không? Vì bệnh này không phải lẻ thường, mà do bị thư, ếm !

Gia đình bênh nhân bỗng nhớ lại, cách đây ba tháng, có xảy ra tranh chấp ranh đất với người cùng xóm; tên Châu Sơn. Nghe đồn người này có biết phép gồng, bùa Xiêm thư, ếm…học ở núi Tà Lơn. Bệnh nhân đi ăn giỗ hàng xóm, trong bàn tiệc có Châu Sơn. Từ hôm đó, về nhà phát bệnh. Gia đình ban đầu có hồ nghi Châu Sơn là thủ phạm, người vợ mang trầu rượu đến tạ lỗi, năn nỉ Châu Sơn tha mạng. Nhưng Châu Sơn lắc đầu từ chối, một mực nói rằng mình không biết chuyện đó. Người vợ đành phải gạt lệ lủi thủi trở về nhìn chồng chờ chết.

Sau khi thấu hiểu ngọn nguồn, Đạo Lành trầm tỉnh kêu gia chủ đốt nhang đèn lên bàn thờ tổ tiên. Ông lấy ba cây nhang, định thần, lâm râm trì chú Mật tông đủ một trăm lẻ tám biến, khoắn lên tờ giấy vàng ngoằn một đạo bùa, đưa cho bệnh nhân bảo đốt uống.

 Mật Chú  trong thời kỳ Đức Phật Thích Ca còn tại thế, chỉ  sử dụng để chữa bệnh là chính; trong quyển 27 “ Tứ phận luật” của Phật giáo bộ  phái, quyển 46 Thập Tụng Luật…có nói đến Đức Thế Tôn cho phép các đệ tử của mình dùng Mật chú để chữa bệnh.

“Bát-nhã ba-la-mật-đa là đại thần chú cũng đã được xác nhận rất sớm trong văn học Bát-nhã, trong Nhị vạn ngũ thiên tụng. Đại phẩm Bát-nhã nói về ý nghĩa này như sau: “Bấy giờ Thích Đề-hoàn Nhân (Śakra Devānām Indra) bạch Phật, ‘Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nghe Bát-nhã ba-la-mật thậm thâm này mà thọ trì, đọc tụng, thân cận, chính ức niệm, không rời tâm tát-bà-nhã (sarvajñā: nhất thiết trí); khi gặp chiến trận, thiện nam tử hay thiện nữ nhân ấy do vì đã đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật nên vào giữa quân trận mà không hề bị mất mạng, không bị trúng thương bởi đao, tên… Vì sao vậy? Bát-nhã ba-la-mật này là đại minh chú, là vô thượng minh chú….’”

Về sau, Tâm kinh được đưa hẳn vào hệ thống tu tập của Mật giáo. Đà-la-ni tập kinh dành một chương riêng biệt cho Tâm kinh Kinh chứa đựng 13 khế ấn và 9 chân ngôn.

Bản kinh này (Đà-la-ni) có thể được xem là dị bản được lưu truyền trong Mật giáo của Bát-nhã trong đoạn đã dẫn trên từ Đại bát-nhã của Huyền Trang hay Đại phẩm của Cưu-ma-la-thập”-[1] 

 Còn dùng Mật chú để nuôi tà bệnh thì Người phản đối: “Như những sa môn, Bà la môn kia,…hành giả đạo pháp để nuôi tà bệnh. Vời gọi quỷ thần…đọc  chú ma quỷ, hoặc đọc chú sát lợi,…Sa môn Cù Đàm ( Đức Thích ca) không có những việc như thế” (Kinh Trường Hàm, quyển 14, 21 Phạm Động Kinh).

Bệnh nhân  sau khi uống “ linh phù” được- Mật- Chú;  trùm mền nghỉ ngơi giây lát, bụng sôi ầm ầm. chạy đi đại tiện ra một nùi tóc rối hôi thúi. Bụng bệnh nhân xẹp lại như cũ, người khỏe  khắn như thường.

Nghe tin, Châu Sơn căm giận Đạo Lành lành lắm. Nhớ lại khi nhận được ấn khế và Mật Chú , hắn từ giã Thầy xuống núi Tà Lơn. Lang thang  dò dẫm mấy tháng trời, hắn mới tìm ra một bãi tha ma vừa ý, có xác chết còn trong vòng bảy ngày, nguyên khí ( prama) tử thi chưa tiêu tán đi. Tốt nhất là xác chiến binh tử trận, bị tai nạn. Còn xác người già, con nít chưa đủ hai tuổi hoặc chết vì bệnh dịch… không sử dụng được. Châu Sơn đợi đêm xuống tĩnh mịch không bóng người, quật mồ, đặt xác chết lên mặt đất, ngồi lên ngực. Đoạn, Châu Sơn  bắt ấn, niệm câu Mật Chú ( Man tra) do sư phụ truyền cho. Trãi qua thời gian tu luyện, thần thức Châu Sơn cộng với uy lực của Mật Chú, khiến cho xác chết phục tùng theo mệnh lệnh .

(Nhà văn Bình Nguyên Lộc, trong tạp chí Hương Quê của chính quyền Sài gòn phát hành, có Truyện ngắn “DẬY HỒN THƯ”. Kể chuyện tử thi vừa chết, chưa tẩm liệm,nguyên khí ( prama)  chưa tiêu tán đi.Vô tình có con mèo đen nhảy qua thi thể . Tử thi lập tức bật vậy, theo TỪ TRƯỜNG của con mèo.Tử thi cứ thế chạy rượt đưổi theo người chạy phía trước.Đến khi bị vật cản nào đó, tử thi mới chịu ngã xuống. Hồi nhỏ, ban đêm đọc xong chuyện này, sợ ma muốn chết.Ngủ phải trùm mền kín mít.Sợ ma vô hớp hồn)

  Cuộc tu luyện xem như thành tựu. Châu Sơn tiêu hủy cái xác đó, để không ai dùng đến nó nữa. Lúc bấy giờ, Châu Sơn có nhiều quyền năng- muốn hại ai- chỉ cần bện hình nhơn. Kim đâm vào nơi nào, đối phương ở cách xa vẫn bị thương nơi đó. Hoặc dùng các vật như nùi tóc rối, mảnh da trâu hay  thanh  gỗ cứng… dùng Mật Chú thu nhỏ chúng lại như hạt cát. Ai vô tình mắc phải vào bụng, vật ấy trở lại nguyên hình công phạt cho đến chết.

Công phu  Châu Sơn tu luyện biết bao tháng ngày cực khổ mới thành tựu, thế mà giờ đây trong phốc chốc bị Đạo Lành phá tan thành mây khói. Hắn thề quyết trả thù.

Chờ ít lâu, nhân ngày Phật Đản, Châu Sơn trà trộn với tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương, đến chiêm bái Bửu Hương Các ở Láng Linh, Quận Châu Phú, tỉnh Châu Đốc. Nơi Đạo Lành Trần Văn Thành chuẩn bị khởi nghĩa chống thực dân Pháp. Trà trộn đến gần nơi Đạo Lành đang uống trà, đàm đạo với khách, Châu Sơn lén “thư” vào đó một miếng xác trà. Vốn là mảnh gổ căm xe ngang ba ngón tay dài hơn tấc rưỡi, được Châu Sơn niệm chú thu nhỏ lại trông giống như xác trà. Đây là phép “ thư” tối độc trong các loại “thư”. Ai mắc phải, sẽ bỏ mạng sau 24 giờ.

Ba hôm sau, Châu Sơn với tâm trạng đắc thắng, từ Núi Sam hể hả đến Láng Linh để xem tang ma Đạo Lành cử hành thế nào. Châu Sơn hoảng hồn khi thấy Đạo Lành sừng sửng đứng trước mặt hắn, ánh mắt hiền từ, thần thái ung dung tự tại không suy suyễn chút nào. Miếng gỗ căm xe nằm trơ đó!. Hồn phi phách tán, Châu Sơn trở giò tháo chạy. Đạo Lành lẹ miệng kêu nó lại, ôn tồn nói:

-Việc cứu người ở Núi Sam là tôi muốn gỡ tội, báo phước cho anh. Cớ sao anh không coi đó là ân, mà còn có ý báo oán?

Châu Sơn chợt tỉnh ngộ, trán vả mồ hôi ngồi bẹp xuống đất xá lạy Đạo lành, xin tha tôi; nguyện quy y theo Ngài. Từ đó, Châu Sơn trở thành tín đồ trung thành của Đạo lành. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp của Đạo lành ở Láng Linh- Bảy thưa, Châu Sơn là chiến sĩ chiến đấu dung cảm, hang say nhất-[2]. 

Cuộc khởi nghĩa Láng Linh- Bảy Thưa của Đạo Lành  diễn ra trong bối cảnh triều đình nhà Nguyễn đã ký hòa ước (Hòa ước Nhâm Tuất 1862) với thực dân Pháp, và các cuộc khởi nghĩa tại Nam Kỳ lúc bấy giờ bị dập tắt hay bị suy yếu. Mặc dù vậy, khởi nghĩa Bảy Thưa vẫn hình thành và kéo dài khá lâu (6 năm) ở đồng Láng Linh (Châu Phú, An Giang), và đã gây tiếng vang trong và ngoài tỉnh.

Đây là cuộc khởi nghĩa mang đậm màu sắc tôn giáo vì thủ lĩnh Thành (là một trong số đại đệ tử của Phật Thầy Tây An) và đông đảo nghĩa quân đều là người theo đạo Lành (còn có tên là đạo Bửu Sơn Kỳ Hương)

Nhà văn Sơn Nam đã viết về thủ lĩnh Thành và cuộc khởi nghĩa của ông như sau:

Trần Văn Thành ( Đạo Lành) từng tham gia những trận chống quân xâm lược Xiêm La, đời Thiệu Trị. Qua đời Tự Đức, thấy sự áp bức của vua quan, ông trở thành tín đồ của Đoàn Minh Huyên, bấy lâu nổi danh với tài trị bệnh, cải cách Phật giáo, bỏ những nghi thức rườm rà, nhằm huy động nông dân chống lại phong kiến...Với chí lớn không chút bi quan yếm thế, ngay sau khi An Giang mất, ông đưa nghĩa dân và nghĩa quân qua phía Rạch Giá, tham gia cuộc khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực, và ông trở thành nhân vật mà thực dân Pháp truy nã gắt gao, treo giải thưởng. Sau đó, ông rút lui về Láng Linh để khẩn hoang. Có thể nói, ông là người đầu tiên dám nghĩ đến việc canh tác ở vùng trũng phèn này. Từ năm 1871 đến đầu năm 1873, mật khu lần hồi thành hình...Nghĩa quân gồm quân sĩ cựu trào, thêm khá đông người yêu nước từ các tỉnh.

Khi đề cập cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa, nhiều sử gia đều đánh giá cao, vì:

-Việc tổ chức khá khoa học, với công sự, kho lương thực; đặc biệt là đúc súng ống tại chỗ, tuy súng hãy còn thô sơ, kiểu "ống lói".

-Biết dùng hình thức tôn giáo để qui tụ quần chúng và che mắt thực dân.

-Thủ lĩnh (Trần Văn Thành) thấy rõ tương lai dân tộc ở hành động cụ thể là phải chống ngoại xâm, không thể ngồi khoanh tay chờ núi Cấm nứt ra "bất chiến tự nhiên thành". Thái độ của thủ lĩnh và nghĩa quân là "chiến đấu không thỏa hiệp"

Sau trận đánh, theo Sơn Nam, viên chủ tỉnh Pếch cũng đã nhận xét rằng: cai tổng Lý Mun và phủ Trần Bá Tường, từng tham gia đánh nhiều lần, nhưng trong trận này, quả là mất tinh thần. Quân Bảy Thưa gan lỳ khi bị bao vây, hứng chịu hỏa lực mạnh, chứng tỏ uy tín của Trần Văn Thành khá lớn. Pếch cũng thú nhận là không chiến thắng hoàn toàn vì phần lớn nghĩa quân rút lui an toàn. Cánh quân do chủ tỉnh Châu Đốc hẹn hợp đồng không đến kịp để chận nút .

Năm 1909, một tu sĩ trong giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương tên là Vương Thông có viết tập thơ Nôm thể lục bát có tên là "Trần Quản Cơ dữ Gia Nghị Binh", kể về khởi nghĩa Bảy Thưa, trong đó có nhiều câu nói đến tinh thần "an bần, lạc đạo", lòng quả cảm và tiết tháo của ông, trích:

An Giang có một ông (Trần Văn Thành) đây

Chữ dạ ngay thầy ái quốc ưu dân.

Thà thua xuống láng xuống bưng,

Kéo ra đầu giặc lỗi chưng quân thần...

Hiện nay, vào các ngày 20-21-22 tháng 2 (âm lịch) hàng năm, một số nơi trong tỉnh An Giang đều có tổ chức lễ trọng thể để "Kỷ niệm ngày Quản Cơ Thành hy sinh và cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa".[3]

Trần Văn Thành được tôn thờ ở nhiều nơi, như: Đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành, Dinh Hưng Trung, Dinh Sơn Trung...Ngoài ra, tên ông còn dùng để đặt tên cho trường học và đường phố trong tỉnh An Giang.[4 ].

                                                             

Phạm Văn Rớt.

………………………..

Tài liệu tham khảo:

[1]- https://c/thich-tue-sy-dan-vao-tam-kinh-bat-nha/

-[2].Nửa tháng trong miền Thất Sơn của Nguyễn văn Hầu;

.[3].https://vi.wikipedia.org/wiki/Kh%E1%BB%9Fi_ngh%C4%A9a_B%E1%BA%A3y_Th%C6%B0a;

[4].https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%A7n_V%C4%83n_Th%C3%A0nh 

……………………………………………………………………………………………………………………………….

MÙA XUÂN CỦA NÓ

 

Rẹt! …cánh cửa sắt mở ra. Một người đàn bà đẫy đà thò mặt ra quát:

-Khốn nạn đi mau không? Giờ này là giờ nào rồi còn nằm đây?

Hốt hoảng, thằng bé lớn lồm cồm ngồi dậy.

-Mẹt, Mẹt, ngồi dậy đi cưng. Sáng rồi…

Thằng  bé bật dậy như chiếc lò xo. Nó đưa tay quệt cục ghèn bôi vào tường. Thấy vậy, bà chủ nhà cáu tiết:

-Đồ ôn binh đại càn vật bay! Nhà tao mới mướn quét lại, sao bây dám làm dơ vậy hả? Rồi, bà lấy cây chổi chà liệng vô mình hai đứa. 

Hai đứa bé hoảng sợ, lật đật lấy bao bố tời, lót làm chiếu, chạy ra khỏi vĩa hè. Thằng bé tên Mẹt hỏi anh nó:

-Có đồ ăn không anh Phước?

-Chút nữa mình đi kiếm…

-Đói quá! Chiều hôm qua anh nói có cháo ăn, em đợi hoài mà anh không đem về, em buồn ngủ quá nên ngủ luôn.

Phước nhìn em, nó đau đớn. Nó rất thương em, nhưng ba má chết đi, nó không đủ sức làm việc nuôi em. Bữa đói, bữa no, đêm đêm ngủ nhờ trên vĩa hè, trời lạnh, anh em ôm nhau ngủ. gia tài duy nhất là chiếc bao bố tời vừa làm chiếu vừa làm phương tiện mưu sinh.

Hai anh em đứng bên lề đường, nhìn thiên hạ nô nức sắm xuân. Cầm tay em thấy run run, Phước biết em mình đói lắm. Nó cũng chẳng hơn gì. Trọn ngày hôm qua, hai anh em ăn có khúc bánh mì khét – hảo tâm của bà bán bánh mì vì bán ế. Bỗng mắt Mẹt sáng rực lên, nó nhìn thấy củ khoai lang từ tay đứa học trò liệng xuống. Nó chạy vụt lại. Nhưng… củ khoai lang đã rớt xuống cống đầy bùn nhớt. Mẹt đứng lại chần chờ, nửa muốn cúi xuống lựơm, nửa muốn không. Cuối cùng, đói quá, nó cúi xuống. Củ khoai dính đầy bùn. Mẹt lấy củ khoai chùi vào áo, một vệt bùn chạy ngang. Nó đưa củ khoai lên miệng, bỗng nó nhăn mặt: củ khoai sùng. Mẹt mặc kệ, ăn nhỏm nhẻm một cách ngon lành. Đứng nhìn em, Phước lấy làm xấu hổ, nó cúi gầm mặt xuống không dám nhìn cảnh đó. Bên tai nó nghe bọn trẻ chế nhạo:

-Ê! Đồ ăn mót, ăn mót khoai sùng…

Ăn xong, Mẹt đứng nhìn thằng bé đang chơi bắn bi, nó rụt rè đưa tay sờ nhẹ chiếc áo mới sặc sỡ những màu hoa hòe. Thằng bé nghe động trên áo, xoay lại thấy một đứa dơ dáy, tiều tụy đang sờ áo của mình. Nó bịt mũi lại, bàn tay nó xô Mẹt ra:

-Ê! Đồ móc túi đi chỗ khác chơi!

Mẹt chạy ra xa xa, nó đứng nhìn thèm thuồng chiếc áo mới. Nó nhìn rất say mê. Phước đến gần bên nó hỏi:

-Em, dòm cái gì vậy?

Mẹt ngước nhìn anh nó:

-Anh mua cho em cái áo Tết giống thằng đó nhe? Phước bối rối, nó không biết nói sao. Nếu từ chối em nó sẽ đau khổ lắm. Còn chịu mua thì tiền đâu, ăn chưa no mà còn đòi gì được.

Nhưng nhìn ánh mắt ngây thơ của Mẹt, Phước không nỡ chối từ. Đã mấy cái Tết nay, anh em nó chưa lần nào có áo Tết. Bất giác, Phước nhìn lại thân hình tiều tụy  của em nó. Nói là thân hình cũng hơi quá đáng, đó chỉ là một bộ xương. Mẹt ở truồng, chỉ khoác chiếc áo rách như rổ cá. Bộ da đầy ghẻ, vết muỗi cắn đầy mình nổi lên như những mụt cóc. Chiếc áo đã rách tả tơi, lại thâm đen vì nó vừa là nùi giẻ chùi đủ mọi thứ. Sáng thì nó lấy vạt áo chùi ghèn, trưa hay chiều, chùi những nước mũi chảy thò lò, chơi dơ nó cũng chùi vào đó. Hóa ra cái áo nó là một ổ vi trùng. Tóc Mẹt cứng như rễ tre, bù xù như ổ quạ. Hai con mắt tèm nhèm như mắt bà già bảy mươi; vì ghèn đóng nơi khóe mắt chảy xuống, phù hợp với hai dòng nước mũi thò lò, thụt ra thụt vô nơi lỗ mũi. Một vài con ruồi bay vo ve nơi vết thương nhầy nhụa, vết thương do em nó đạp nhằm cây đinh của bà Bảy bán guốc, không có thuốc xức, chân lại đi trần trên đất, vết thương làm mủ lở loét.

Phước bỗng rơi nước mắt, nó thương em nó quá. Không, không, nó không có quyền từ chối:

-Ừa, để anh mua cho.

-Thiệt hả anh?

Mẹt cầm tay Phước lắc lắc,ngước mắt nhìn van lơn. Phước gật đầu:

-Ừa, anh mua thiệt.

Mẹt sung sướng, nó ca hát vu vơ. Phước nhìn mặt em sung sướng, nó cũng lâng lâng nhẹ nhàng.

-Bữa nay em chờ anh đằng quán cơm nghe?

-Thôi, ở đó tụi bán vé số nhiều lắm. Em lại ngồi đằng rạp hát chờ.

Mẹt buồn lắm, nó không muốn chờ anh nó đằng rạp hát, nơi đó không có gì ăn, đằng quán cơm nó ăn được nhiều đồ thừa. Nó đứng kế bên khách, đợi khi nào khách ăn xong, còn thừa đồ ăn, nó chạy lẹ lại giành lấy. Mẹt phải lép vế hơn mấy đứa bán vé số. Vì bọn này lanh và lớn hơn nên giành được đồ ăn ngon, còn nó chỉ được chút chút rất thừa thãi. Thỉnh thoảng gặp dịp may, bọn bán vé số lớn tuổi đi nơi khác, Mẹt tha hồ ăn nào canh thừa, cá kho dư…

Phước cũng biết điều đó, nhìn cái bụng lép xẹp đầy gân xanh của em, nó thở dài: 

-Thôi, em muốn chờ đằng quán cũng được.

Nhìn em nó ở truồng chạy bay ra đường, nó ứa nước mắt nghĩ thầm: Phải chi ba, má mình còn thì đâu có vậy! 

Nó chợt nhớ ngày ba nó chết. Ông thổ huyết nhiều quá. Máu ra xối xả không kịp chở đi nhà thương. Hậu quả của bao ngày vác gạo ở bến tàu. Khi ba nó chết, nhà nghèo quá không có tiền mua hòm, má nó phải bán nhà đi để có tiền mua hòm, trả nợ tiền thuốc… Nói là nhà, thực ra đó chỉ là một cái chòi nhỏ ở xóm Hầm Cá Vồ. Đám ma xong, mẹ con Phước ngủ đỡ vỉa hè. Ngày ngày, bà Sáu (má Phước) đi vô đồng bắt ốc, cua…về bán lấy tiền mua gạo ăn.

Một hôm, bà Bảy bán hột vịt lộn hơ hải chạy lại cho Phước hay:

-Phước ơi, má mày thọc tay vô hang cua không dè là hang rắn hổ, bị nó cắn chết rồi!

Phước bàng hoàng, nó vội cỏng Mẹt theo bà Bảy tới nhà thương. Nó đứng chết trân trước xác bà Sáu tím bầm, miệng còn sôi bọt mép. Sự việc quá bất ngờ, nó không biết tại sao nó lại không thể khóc, chỉ bất động, ngơ ngác.

…Rồi từ đó, nó dìu dắt em nó trên đường đời. Mười bốn tuổi đầu nó không biết làm nghề gì, may nhờ thằng bạn chỉ nó vác bao bố tời lên vai, lội bộ vô bãi rác, lại mấy đống rác lượm miểng ve chai bể đem bán. Nó bắt đầu kiếm ăn bằng nghề ấy.

Tiếng còi xe làm nó giật mình, trở về hiện tại. Nó vội vã đi mau vô cho sớm, mới lượm được nhiều; nếu vô trễ, mấy thằng khác lượm trước hết. Làm nghề gì cũng có cạnh tranh, đến cái nghề hèn mọn này cũng vậy. Bất giác, Phước đưa tay rờ nơi má. Vết thẹo còn lại như một di tích. Phước nhớ ngày đó vì giành giựt một miếng ve chai, nó và Tư Rỗ đánh lộn. Tư Rỗ cầm miểng ve chai nhọn hoắc đâm vào má nó, máu phun ra có vòi, nó ngất đi…

 

oOo

-Hò cái lầy lị được bao nhiêu?

Phước để bao bố đựng ve chai xuống nền gạch:

-Cỡ chừng một ký mấy…

-Đưa ngộ coi.

Lão tài phú đem bao cân. Được một ký rưỡi, nhưng lão ta chận lại như thường lệ, vì lão biết Phước rất ngờ nghệch, không biết chữ:

-Hò cái này của lị được một ký.

Phước thất vọng, nó lượm từ sáng đến chiều chỉ có một ký, thì tiền đâu mua áo cho em. Nó muốn khóc.

Chợt tim Phước đập mạnh, máu nóng lên. Nó ngó thấy mấy tờ giấy tiền lú ra khỏi két; vì lão tài phú khóa vội, bước vào trong. Mắt Phước ngó chăm chăm vào mấy tấm giấy bạc, trước mắt nó hiện ra cả vùng trời rực rỡ. Phước tính nhẩm trong bụng: “Mình sẽ mua cho em chiếc áo sọc, cái quần xà lỏn với đôi dép. Mình cũng mua… mình sẽ ăn một tô bún riêu!”. Ôi, nghĩ đến mấy miếng cà chua ửng đỏ và cọng rau muống có vài miếng ớt thì tuyệt! Phước nuốt nước bọt cái ực. Trong trí nó hiện ra biết bao nhiêu là cảnh tốt đẹp. Nó sẽ ăn Tết ngon lành…và nhiều nữa…

Nhưng hình như gương mặt của ba nó chập chờn trước mắt, nó nghe văng vẳng lời má nó:

-Thà mình chịu đói chết, chứ đừng có ăn cắp. 

Nó ngần ngại không muốn bước tới, lý trí và dục vọng đang giằng co nhau. Nó dè dặt tiến tới. Trước mắt nó hình ảnh của bọn ngưu đầu mã diện đang tra khảo nó. Nó nhớ lời má nó: “Nếu mình ăn cắp, chết xuống dưới âm phủ sẽ bị chặt tay”.

Nó rụt tay lại. Chỉ còn cách két một gang tay, nó chỉ cần dang tay là lấy được. Nhưng nó nhớ tới lời ba nó dạy, và cảnh Diêm Vương thập điện do má nó kể, nó còn do dự…

Cuối cùng, “con tim có những lý lẽ riêng của nó mà lý trí không thể hiểu được”, dục vọng đã thắng và nó bước tới…

Nó chạy vụt ra ngoài, và chạy thật nhanh, đằng sau có tiếng la:

-Bắt ló! Ối, làng lước ơi, bắt thằng ăn cắp.

Nghe la, Phước càng chạy mau hơn và rồi…Bắt nó dính rồi, dẫn nó đi !! Người ta trói gô Phước lại, lôi đi xềnh xệch... Đám đông càng lúc càng đông vây quanh.

Giờ này, có lẽ Mẹt đang chờ anh nó nơi quán cơm, với niềm hy vọng vô biên, anh nó sẽ mang về cho nó chiếc áo Tết. Nhưng nó sẽ chờ mãi mãi những mùa xuân và mùa xuân không bao giờ có thật…

PHẠM VĂN RỚT

Chú thích:

Bao bố tời: loại bao bì dệt bằng sợi đay thô (Hibiscus Canabinus), thường dùng bao đựng gạo 

___________________________

PhamVanRot_TruongNgHCanh.JPG

 NHỮNG NẼO ĐƯỜNG CHÂU ĐỐC. Phần 6

TRƯỜNG BÁN CÔNG NGUYỄN HỮU CẢNH

                                                                    Phạm Văn Rớt

Châu Đốc là tỉnh cũ ở miền Tây Nam Bộ (Đồng bằng sông Cửu Long), Việt Nam. Tỉnh Châu Đốc được thành lập vào ngày 1 tháng 1 năm 1900. Tồn tại vào thời Pháp thuộc.Chính quyền Việt Nam Cộng hòa giải thể vào cuối năm 1956.Sau đó tỉnh Châu Đốc lại được chính quyền Việt Nam Cộng hòa tái lập vào năm 1964; tiếp tục tồn tại và sát nhập vào tỉnh An Giang từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 cho đến nay. 

Địa danh Châu Đốc mang thông điệp đầy ý nghĩa là LÒNG SON KHÔNG ĐỔI. 

Xin ghi nhận những tên đường chính, gắn liền những dấu tích trong nội ô thành phố. Sau có điều kiện tiếp tục các vùng phụ cận.

Đường Louis Pasteur (Phần 1) Đường Trần Hưng Đạo (Phần 2, 3) : Qua khỏi thành PC xuống cuối góc đường Trần Hưng Đạo là đường Nguyễn Đình Chiểu. (Phần 4). Kế  trường Nam Tiểu học là Trường Trung học Thủ Khoa Nghĩa. (Phần 5).Kế “Trường Trung học Thủ Khoa Nghĩa”, là:
 

TRƯỜNG BÁN CÔNG NGUYỄN HỮU CẢNH. (PHẦN 6):

Trường Trung học Bán công Nguyễn Hữu Cảnh mang tên bậc công thần Triều Nguyễn, có công khai khẩn miền Nam Việt Nam. Trong đó, có nhiều công trạng với Châu đốc An Giang ngày nay.Ông là hậu duệ may mắn còn sót lại của  bậc đại công thần Nguyễn Trãi, khi bị tru di tam tộc. 

Nguyễn Hữu Cảnh thuộc đời thứ 9 kể từ hậu tổ Ức Trai Nguyễn Trãi. Sau vụ án Lệ Chi Viên, con cháu Nguyễn Trãi đã sống sót, ly tán nhiều nơi. Thuở nhỏ, vào lúc 10 giờ nghe Đài Phát thanh Sài Gòn phát  tuồng tích bài ca vọng cổ: “Nắm cơm chan máu” Soạn giả Bạch Diệp+Minh Nguyên, các danh ca: Út Bạch Lan, Hữu Phước,Thanh Hương, Văn Chung… kể về Hồng Quỳ, con trai Nguyễn Trãi bị rượt đuổi tru di tam tộc, trốn  vào Động Đa Thành, hai ngày đói quá. Hồng Quỳ để Đổ Lệ bị mù ở trong Động, còn mình vào Làng lén trộm chén cơm về cho người yêu Đỗ Lệ. Ăn vào cản thấy vị mằn mặn, Đỗ Lệ hỏi sao chén cơm lại có vị mặn. Hồng Quỳ nói trớ đi là có lẽ mồ hôi chảy thắm đượm vị mặn. Đỗ Lệ ngạc nhiên thắc mắc sao lại có mùi tanh? Sau này mới biết: do chạy giựt giành chén cơn bị chém, máu chảy vào chén cơm. Đó là hâu duệ còn sót lại của Nguyễn Trãi trốn đi, còn sống sót mới sản sinh ra ra Nguyễn Hữu Cảnh sau này. Tuồng tích lâm ly bi đát, với giọng ca mùi mẫn của Hữu Phước, Út Bạch Lan…tôi không cầm được nước mắt.

 

Trải nhiều lưu lạc, đến đời Triều Văn hầu Nguyễn Triều Văn [hậu duệ của Hồng Quỳ con Nguyễn Trãi chạy sống sót trong tuồng “Nắm cơm chan máu”]  do bất mãn với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài đã di chuyển gia đình định cư tại huyện Phong Lộc1, tỉnh Quảng Bình vào năm 1609. Lúc này con trai của cụ Văn, Nguyễn Hữu Dật, là bố của Nguyễn Hữu Cảnh, bấy giờ cũng mới 6 tuổi. Nhiều cứ liệu vững chắc như gia phả dòng tộc Nguyễn Hữu hiện đang sinh sống tại Quảng Bình và bảng sự tích Tôn thần Nguyễn Hữu Cảnh tại đền thờ Châu Phú (Châu Đốc, An Giang) đều khẳng định quê hương Chưởng Cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh là ở Quảng Bình và ông sinh năm 1650 tại thôn Phúc Tín, huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình. Chính nơi đây đã góp phần hình thành tài năng và nhân cách Nguyễn Hữu Cảnh-[http://kingkongtravel.com.vn/vi/news/diem-du-lich/danh-nhan-van-hoa-nguyen-huu-canh-93.html]

Theo địa chí An Giang: Nguyễn Hữu cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn dẫn quân vào Tây nam kinh lược , đã thấy có người Việt ở vùng Bình Mỹ (Châu Phú), vùng Châu Đốc và vùng cù lao Cây Sao (Cù lao Ông Chưởng).

Vùng đất Châu Đốc lúc này còn rất hoang sơ, Sách Quốc Triều Chính Biên toát yếu của Quốc Sử quán triều Nguyễn đã miêu tả về vùng Châu Đốc như sau: “…vùng đất này toàn là rừng rậm, đầm lầy lau sậy hoang vu, có nhiều thú dữ, không làng không xóm, chỉ có một cái Đồn Binh trấn giữ vùng biên. Đương thời gọi là thành Châu Phú (hoặc Châu Đốc đồn). Quan binh triều đình khoảng vài trăm người trấn thủ”.. Nhà truyền giáo Alexandre de Rhode-có công truyền bá chữ Quốc Ngữ vào Việt Nam- đã mô tả “quạnh hiu, hoang mạc” và chú thích “không có vật gì thuộc về sự sống”.

Do đây là vùng đầu nguồn, lòng sông hẹp, lượng nước phù sa không đủ sức tạo được giồng cao như sông Tiền. Chỉ có mấy khu vực cao ráo như khu chợ Châu Đốc, Mỹ Đức, Cái Dầu…Dân đến ở khá đông. Họ cất nhà sàn để ở, mùa nước lớn (nổi) khai thác cá linh,làm lúa mùa…

Khi thuyền quân xuôi dòng Cửu Long (1700), Nguyễn Hữu Cảnh ghé lại những nơi có người Việt ở, để thăm hỏi và khích lệ mọi người giữ tình thân thiện, dù không cùng chủng tộc (nên được cả người Khmer tôn kính lập miếu thờ). Ông cũng cho phép một số binh phu được ở lại nơi này tìm đất cày cấy làm ăn. Họ sống rãi rác theo ven sông ở vùng Châu Đốc, Châu Phú, Tân Châu và Chợ Mới…Họ chung lưng đấu cật, chống chọi thiên nhiên khắc nghiệt, khai khẩn đất hoang, lập làng.làm ruộng…Chẳng bao lâu, vùng đất này đã trở nên trù phú, vang danh: 

“Bao phen quạ nói với diều/ Cù lao ông Chưởng có nhiều cá tôm”-[http://vjol.info.vn/index.php/JSTD/article/viewPDFInterstitial/23951/20490]

Năm sau ông lâm bệnh tại cồn Cây Sao tức cù lao ông Chưởng, thuộc huyện Chợ Mới ngày nay. Sau đó ông lui quân về đến Rạch Gầm (Mỹ Tho) thì mất. Nguyễn Hữu Cảnh gắn với sự nghiệp mở cõi phía Nam, trong đó có vùng Châu Đốc, An Giang; định hình thể quốc gia Việt Nam. Nguyễn Hữu Cảnh với chính sách ôn hoà lấy nhân đức hướng tới hòa đồng, hòa hợp dân tộc, đoàn kết toàn dân, góp phần hình thành nên một Việt Nam thống nhất và trường tồn. Người dân An Giang ghi nhớ ơn ông nên lập nhiều đền thờ tưởng niệm như dinh Ông ở Chợ Mới, đình Châu Phú ở Châu Đốc…

Đình Châu Phú tọa lạc ngay góc đường Nguyễn Văn Thoại và Trần Hưng Đạo, bên bờ sông Châu Đốc (phường Châu Phú, thị xã Châu Đốc, An Giang). Ban đầu, đây là một ngôi đền có tên chữ là Trung Nghĩa Từ, hay là Lễ Công Từ đường (gọi tắt là đền Lễ Công), dân chúng địa phương thì gọi là đền Ông, là nơi thờ Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700), do Nguyễn Văn Thoại đứng ra xây dựng vào năm 1822, khi ông đến làm Án thủ Châu Đốc kiêm Quản vụ trấn Hà Tiên.[ https://ashui.com/mag/tuongtac/diem-den/9899-dinh-than-chau-phu-chau-doc-an-giang.html]

xXx

Khoảng năm 1955, tỉnh lỵ Châu Đốc có thêm trường Bán công Nguyễn Hữu Cảnh, kế bên trường Thủ Khoa Nghĩa, học phí nhẹ. Trường Bán công Nguyễn Hữu Cảnh thuộc đường Nguyễn Đình Chiểu. Nằm trên bờ Kinh Ông Cò.

Trên bờ kinh bên nầy, tiếp theo cửa hông dinh Trường tiền là nhà của Ông Kinh lý, nhà Thầy Ba Khải làm việc ở Ty Công Chánh, Thầy Hai Trinh làm ở Tòa Bố. Thầy Ba Khải có nhiều con gái, con trai, người nào cũng dễ coi, riêng chị Lệ Quí đẹp và giống hệt như thiếu nữ trong tranh vẽ chân dung của Họa sĩ Lê Trung. Thầy Trần Công Tuấn, giáo sư Anh văn của Trường Thủ Khoa Nghĩa có diễm phúc cưới được chị Lệ Quí.

 

Có lẽ nên dành một phút để nói về danh xưng một số công chức hồi trào Pháp. Trưởng Ty Công chánh gọi là Ông Trường Tiền; Trắc Lượng Viên đo đạc đất đai gọi là Ông Kinh Lý; kỹ sư được tôn xưng là bác vật; Tòa án gọi là Tòa Bố; thư ký Tòa án gọi là Lục Sự; thư ký là Thầy ký hay là Ký lục; thông dịch viên là Thầy thông hay Thầy Thông ngôn…v.v.

Chiều chiều Ông chánh về Tây,

Cô Ba ở lại lấy Thầy Thông ngôn,

Thông ngôn, Ký lục bạc chục không thèm,

Lấy chồng thợ bạc đeo vàng đỏ tay.

[ http://anphuchaudoc.blogspot.com/2013/09/chau-oc-xua.html

Trường Trung học Bán công Nguyễn Hữu Cảnh nằm lọt thỏm trong châu vi bao bọc của Trường Thủ Khoa Nghĩa (nay là Trường Tiểu học Nguyễn Huệ). 

Theo chương trình bậc học thời bấy giờ: hết bậc tiểu học, học sinh phải qua cuộc thi “Đệ Thất” để tiếp tục bậc Trung Học Đệ Nhất Cấp. Đủ điểm vào Trường Công Thủ Khoa Nghĩa; không phải đóng học phí hằng tháng. Số thí sinh không đủ điểm vào Trường Thủ Khoa Nghĩa có quyền chọn vào Bán công Nguyễn Hữu Cảnh hoặc vào Tư thục Hòa Bình, do Nhà Thờ Công Giáo Châu Đốc thành lập (nay là Tiểu học Lê Lợi). Học sinh các trường Bán Công hoặc Tư Thục này học hết lớp đệ Tứ (lớp 9) , có quyền vào học lớp Đệ Tam (lớp 10) Thủ Khoa Nghĩa, nếu thi đậu kỳ thi tuyển chuyển cấp.

Buổi giao thời lúc vừa chuyển qua chương trình Việt, sách giáo khoa bằng Việt ngữ rất hiếm hoi và không hoàn chỉnh, quý thầy cô giáo phải tự dịch bài từ tiếng Pháp ra, thiếu giáo viên trầm trọng. Quý thầy cô giáo tốt nghiệp sư phạm, đang dạy tiểu học như Bà Nguyễn Thị Mót, Thầy Châu Văn Đồng, Thầy Thái Văn Thân, Thầy Phan Cao Nhựt…v.v. được mời lên dạy lớp đệ Thất, Đệ Lục. Quý vị là những ân sư khai trí cho chúng tôi trong những năm đầu học trung học.[ http://thatsonchaudoc.com/banviet2/DuongVanChung/HoiKy/TBDETHA.htm]

Thời đó, dù là giáo sư tư thục, bán công hay công lập, mọi giáo chức có quyền dạy học sinh theo cách thức riêng của mình, không phải tuân theo một phương pháp giảng dạy nào, miễn sao tôn trọng đúng nội dung chương trình giáo dục do Bộ Quốc gia Giáo dục soạn thảo, giúp học sinh đạt được kết quả như ý trong các kỳ thi; theo những mục tiêu chính của giáo dục:

Phát triển toàn diện mỗi cá nhân.  Tôn trọng nhân cách và giá trị của cá nhân học sinh, giáo dục hướng vào việc phát triển toàn diện mỗi cá nhân theo bản tính tự nhiên của mỗi người và theo những định luật phát triển tự nhiên về vật lý và tâm lý. Nhân cách và khả năng riêng của mỗi cá nhân học sinh phải được lưu ý đúng mức. Cung ứng cho học sinh đầy đủ tin tức, dữ kiện, để học sinh phán đoán, lựa chọn, không che dấu tin tức hay chỉ cung cấp những tin tức chọn lọc thiếu trung thực để nhồi sọ học sinh theo một chủ trương, một hướng đi định sẵn nào.

Phát triển tinh thần quốc gia ở mỗi học sinh bằng cách: giúp học sinh hiểu biết hoàn cảnh xã hội, môi trường sinh sống, và lối sống của người dân; giúp học sinh hiểu biết lịch sử nước nhà, yêu thương xứ sở mình, ca ngợi tinh thần đoàn kết, tranh đấu của người dân trong việc chống ngoại xăm bảo vệ tổ quốc, yêu thương giúp đở nhau trong tình đồng bào; giúp học sinh học tiếng Việt và xử dụng tiếng Việt một cách có hiệu quả; giúp học sinh nhận biết cái đẹp của quê hương xứ sở, những tài nguyên phong phú của quốc gia, những phẩm hạnh truyền thống của dân tộc; giúp học sinh bảo tồn những truyền thống tốt đẹp, những phong tục giá trị của quốc gia; giúp học sinh có tinh thần tự tin, tự lực, và tự lập.

Phát triển tinh thần dân chủ và tinh thần khoa học bằng cách: giúp học sinh tổ chức những nhóm tự trị với sự phát triển tinh thần cộng đồng và ý thức tập thể; giúp phát triển sự phán đoán với tinh thần trách nhiệm và kỷ luật; giúp phát triển tính tò mò và tinh thần khoa học; giúp đón nhận những giá trị văn hóa rộng rãi. [Nền giáo dục miền Nam trước 1975 (trích lược)-Nguyễn Thanh Liêm] 

Trên tinh thần giáo dục đó, các trường công hay tư, bậc trung học, đều đề ra nguyên tắc hàng đầu: Tiên học Lễ. Hậu học Văn. Cho nên, bước vào cổng trường Nguyễn Hữu Cảnh, cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt học sinh là hàng chữ ngay ngắn, to hai bên cổng trường Tiên học Lễ. Hậu học Văn.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trường Nguyễn Hữu Cảnh trước 1975

 Nguồn Văn nghệ Châu Đốc : http://vannghechaudoc.blogspot.com/2014/08/mot-so-hinh-anh-ve-chau-oc-xua-truc.html

 

xXx

Hiệu trưởng Trường Bán Công Nguyễn Hữu Cảnh qua các thời kỳ:

Ngô Văn Dư,Giáo Sư Mỹ Tho lên làm Hiệu Trưởng đầu tiên

Thầy Châu Văn Đồng: đầu tiên tiên thuê nhà ở đường Thủ Khoa Nghĩa (nay đối diện Trạm Y Tế Phường Châu Phú A,Châu Đốc).Sau dời về xóm hàng Sáo (nay là khu vực Bệnh Viện Bình An,TP.Châu Đốc, An Giang).Sau này, Thầy Đồng mua nhà chính thức đối diện bên hông rạp hát Tân Việt,nay là đường Nguyễn Văn Thoại, Phường Châu Phú A,Châu Đốc, An Giang.

Thầy Châu Văn Đồng làm hiệu trưởng, già nua nhất.Nghiêm khắc nhất. Khi tôi học lớp đệ Ngũ trường Thủ Khoa Nghĩa, còn sử dụng chung nhà vệ sinh với Bán công Nguyễn Hữu cảnh; thấy ghi vào vách tường: Đồng giỏi sao Đồng không đi giúp nước?/ Hay là Đồng sợ súng cà nông? [Thầy Tấn cho rằng chỉ có học trò ngổ nghịch mới ghi sằng bậy như vậy. Chứ Thầy Đồng rất thương yêu học trò, nghiêm khắc giảng dạy ]. 

Thầy Đồng giỏi Pháp Văn, là Thầy của các Thầy Tấn, Trần văn Hai (Để).Thương học trò , giúp đở học trò nghèo.Trong đó, có Thầy Trần văn Hai (Để) đi thi, học Collège Cần Thơ.Dạy học trò nghiêm khắc.Học trò nam ngỗ nghịch, văng tục, đánh lộn…thầy bắt nằm xắp xuống bục giảng, giữa lớp.đánh đúng 10 roi bằng cây mây. Loại roi này đánh đau da thịt, có dấu.THầy Đồng Cũng là hội viên Bồ Đề Đạo tràng cùng thời Thầy Lê Quang Điện,Lê Hữu Thời (nhà Thuốc Tây Lê Phương,giáo viên tiểu học, lên tổng giám thị Thủ Khoa Nghĩa,vơ Phạm Thiên Hương,giáo viên tiểu học)

Lê Văn PhúcPhan văn Trình làm Tổng Giám Thị. Ông Phan văn Nhàn làm giám thị, 

Nguyễn Qưới Phước [Phước Râu, Phước bást].Hiện  sống ở Sài gòn. Phu nhân là Tô Thoại Quyên,chị Tô Thoại Loan có chồng là Thầy Vĩnh Phiếu (dạy tôi môn Triết học Tây phương năm đệ Nhất (lớp 12). Cả hai Thầy: Phước, Vĩnh Phiếu đều là Rễ của ông “Siêu Liếm”, chợ Kinh Đào Vĩnh Mỹ. Thuở đó, vùng Chợ Kinh Đào Vĩnh Mỹ nức tiếng có hai gia đình danh gia vọng tộc, cho con ăn học đỗ đạt thành tài là gia đình Thầy Thuốc Bắc ba của Bác Sĩ Trần Kiên (định cư ở Mỹ), và gia đình ông “Siêu Liếm”, 

Thầy Nguyễn Công Danh, người Cần Thơ, dạy tôi Anh văn năm đệ Tam, đệ Nhị. Khi làm Hiệu Trưởng Bán công Nguyễn Hữu Cảnh, có cho soạn kỷ yếu Trường Trung Học bán công Nguyễn Hửu Cảnh. Thầy Danh có tâm hồn nghệ sĩ, vừa làm thơ vừa sáng tác âm nhạc. Bút hiệu Nguyễn Cát Đông. Sau 1975, nhớ mãi hình ảnh Thầy vai mang cuốc, xếp hàng cùng đồng nghiệp đi “lao động”. Sau tôi có gặp lại Thầy tại  bến xe Long Xuyên. Thầy trò tay bắt mặt mừng. Sau giây phút hàn huyên tâm sự, Thầy cho biết chuẩn bị 1 chuyến đi xa. Từ đó đến nay không có tin tức về Thầy…(Trong tập san Hồng Sáng của Trường Trung Học Thủ Khoa Nghĩa niên khóa 1972-1973, có in chùm thơ Lục bát của Thầy. Xin ghi lại, hoài niệm về Thầy):

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nhớ về Trường Bán Công Nguyễn Hữu Cảnh không thể nào quên những kỷ niệm, những Thầy, Cô mang tấm lòng cao cả gầy dựng một thế hệ tương lai có nhân cách, đầy tài năng, nhiệt huyết phục vụ tổ quốc, giống nòi…

Giáo Đa, giáo viên tiểu hoc,hiệu trưởng đầu tiên trường Trung Học Thủ Khoa Nghĩa Châu Đốc.

Thầy Phan Văn Nhựt (Phan Cao Nhựt tự sửa, giấy tờ là Phan Văn Nhựt) thầy của Trần văn Hai (Để), Thầy Phạm Văn Tấn…Thầy Chín Nhựt dạy học trò cũng nghiêm khắc.Chú tôi kể lại, hôm đó học bài xong, chiều cùng bè bạn thả xuống chợ Châu Đốc đi thư giản, tới Cầu Sắt An Biên, thì bất chợt gặp Thầy Nhựt từ xa lửng thửng đi đến. Cả bọn hết hồn ù té chạy trốn, thuở đó học trò sợ Thầy,Cô lắm. Sáng hôm sau vào lớp, Thầy Chín Nhựt kêu Chú tôi cùng số bạn bè chiều qua, nằm xuống, đánh vài roi; dạy rằng: giờ đó, học trò phải ở nhà học bài. Sao lại đi chơi!!

Thầy Liêm Châu, giáo sư cơ hữu, dạy văn lâu đời Nguyễn Hữu Cảnh. Còn là cây bút lâu năm của Báo Văn Nghệ Châu Đốc.

Thầy Phạm Văn Tấn, đa tài dạy Toán có khi dạy môn Pháp Văn. Môn nào Thầy dạy cũng giỏi cả.Thầy kể kỹ niệm: năm dạy lớp đệ Nhất (nay lớp 11) tại Nguyễn Hữu Cảnh, giờ Toán hình học, Thầy vẽ hình tròn toán lên bảng xong, quay xuống giảng bài. Bổng nhiên thấy lớp học xôn xao, học trò, nhất là nữ, che miệng cười khúc khích…Thầy hoang mang không hiểu vì sao. Quay lại bảng thấy hình tròn toán học vẽ chưa khép kín. Thầy từ tốn kéo hình tròn khép kín, rồi tủm tỉm cười, ngâm câu thơ: 

“Đời chỉ đẹp khi còn dang dỡ.

 Đời hết vui khi đã vẹn câu thề”.

Một tràng pháo tay nỗ vang dội, cả lớp hoan nghênh, tán thưởng câu thơ của Thầy đọc. 

Thầy Trần Văn Hai (tự Để) đậu Diplôme. Giỏi Toán, khi học ở Cần Thơ mang ơn Thầy Đồng trợ cấp. Thầy Tấn nhiều khi phải qua hỏi Thầy Hai về Toán...Thầy Hai đậu diplôme làm thư ký Ty Công Chánh Cấp Nước, đi chợ gặp ông Ngô Văn Dư, Giáo Sư,PHT TKN? Hỏi đi dạy không? Thầy Hai nói đồng ý.Thế là, Thầy Dư lo thủ tục cho Thầy Hai chuyển nghề thư ký, sang nghề dạy học. Khi thi nâng ngạch Tú Tài II, chuyển qua thi ban C (triết học) . Như vậy, Thầy Hai (Để) hành nghề sư phạm, nhưng chưa qua khóa Sư Phạm (trong đó có môn quan trọng là TÂM LÝ GIÁO DỤC). (Theo lời kể của Thầy.

Thầy Hai dạy Toán rất hay. Lớp dạy tư đông học sinh, có điều thầy hay chửi và khó khăn quá (có lẽ chưa qua môn quan trọng là TÂM LÝ GIÁO DỤC?). Năm đệ Thất, nhớ cái bạt tay của Thầy vì lên bảng chứng minh không được bài toán hình học. Dù vậy, học sinh nào dở Toán, chịu khó theo học tư với Thầy thì cũng có nhiều tiến bộ. Tôi thì học sinh nhà nghèo, không có tiền để đi học tư với Thầy. Nhưng cũng thật lòng cám ơn Thầy, vì sợ giờ Toán của Thầy mà tôi mua sách tự học-theo phương pháp tự học của Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cần…mà từ từ lĩnh hội được môn toán Hình học.

Thầy Ngô Vĩnh Nghĩa, tú tài toán, dạy toán từ Đệ Lục đến Đệ Tứ. Tôi học Toán với Thầy năm đệ Nhị, đệ Nhất. Do học Ban C, nên một tuần chỉ có vài giờ. Giờ của Thầy là khủng hoảng với học trò dỡ toán như tôi. Thầy vào lớp, giở sổ điểm danh ra dò tên, kêu lên bảng làm toán.. Rồi Thầy đưa mắt nhìn xuống lớp. Cả lớp lại một phen nín thở, im phăng phắc, hồi hộp theo dõi ánh mắt của Thầy. Bỗng, Thầy lấy ngón tay chỉ thẳng vào mặt tôi, kêu lên từ từ: “T..r…ò… này…”. Tôi muốn ngất xỉu, hồn vía lên mây. Thì Thầy mới nói dứt câu: “Lên lau bảng” Ôi, trời ơi, tôi như mới sống lại. Lật đật chạy lên lấy nùi giẻ, mau mắn lau sạch bảng. Cả lớp thở phào nhẹ nhỏm, cười một cái ồ.

Phạm Văn Rớt

______________________________

PhamVanRot_TruongNgHCanh.JPG
PhamVanRot_HongSang.JPG
PhamVanRot_LuvbatNgCDong.JPG
PVRot_CĐoc.jpg

LỆ “THÚ PHẠT”

                Chiều chiều ra đứng ngõ sau

                Ngó về quê mẹ,ruột đau chín chiều

 

Làng Nhà Neo Vĩnh Tế, nằm cách chân Núi Sam Châu Đốc dưới đồi Bạch Vân, độ khoảng tám trăm mét, về hướng Đông Bắc. Tổ tiên Làng này do Kiến họ Nguyễn từ miền Trung theo phò Nguyễn Văn Thoại, ở lại đây sinh cơ lập nghiệp. Gọi là Làng, nhưng chỉ quây quần các nóc gia của dòng họ. Hai bên đường có hàng cây trái cà na mọc ven đường, vừa che chắn bảo vệ đê đường vửa cho trái cà na làm mức đường ăn rất ngon chua chua, ngọt ngọt. Có câu: “Nhà Neo là xứ quê mùa. Đi thăm ông già vợ, cho một vùa cà na”.

Ruộng đất Kiến họ Nguyễn tạo dựng trải dài đến tận biên giới Kamphuchia. Những năm loạn lạc, thổ phỉ bên kia biên giới, tràn vào Làng Nhà Neo lùa bò…Bà Tổ phụ của Tộc họ, Mai Thị Năm (cùng gia tộc với ông Mai Văn Nhã (Sáu Nhã) –người mà ông Mai Văn Tạo nể phục văn tài, lấy bút danh họ Mai) với ngọn roi nhà võ, tả xung hữu đột, đánh giạt bọn thổ phỉ chạy về phía bên kia biên giới, giữ gìn được bầy bò, tài sản…

Trưởng tộc họ Nguyễn Làng Nhà Neo có cả thảy mười một người con. Có trai có gái. Người con gái thứ Năm, Nguyễn Thị Đẹp, là nhan sắc “gần xa nô nức yến anh”. 

Vẽ đẹp hiền hậu, tươi trẻ hương đồng cỏ nội của thiếu nữ Nguyễn Thị Đẹp đã làm rung động trái tim chàng trai trẻ Nguyễn Huy Hiển, trong dịp xem hát bội (bộ) Lễ Vía bà Chúa Xứ Núi Sam. Qua buổi đầu gặp gỡ, họ tìm hiểu, rồi thương nhau. Giữa khung cảnh thanh tịnh mát mẻ trên Đồi Bạch Vân, nàng thỏ thẻ cùng chàng: “Anh về thưa với mẹ cha. Chọn ngày lành tháng tốt…”. Chàng khẳng khái hứa hẹn.

Vào một ngày đẹp trời cuối tháng sáu, trên con đường làng rợp bóng hàng cây gáo, cà na…tươi mát, đi đầu là trưởng tộc nhà trai Nguyễn Thanh Long, chú rể tương lai Huy Hiển, áo quần phẳng phiu cùng họ hàng lễ mễ mang đồ sính lễ gồm: đồ lễ, trầu cau, “tiền-đồng”, vàng vòng…, đến nhà gái làm lễ hỏi. Giữa hai họ tộc, bàn thờ tổ tiên nhà gái lung linh ánh nến, khói hương trầm bay thoang thoảng, trưởng tộc nhà trai trân trọng trao giấy hồng cho họ tộc nhà gái định ngày 19 tháng 10 âm lịch năm…là lễ cưới, rước dâu. Ông bà, cha mẹ cô Đẹp hể hả nhận lời. Tiệc ăn mừng bày ra, hai họ vui vẻ.

Trước ngày cưới, trưởng tộc Long đến nhà gái xin bàn bạc tỉ mỉ kế hoạch rước dâu, ai dè chuyện bất thành. Tiếng là nói xem kỹ lại hai tuổi không hạp. Thực ra, tình cờ đi lễ Tết bên nhà gái, nhà trai tình cờ thấy ông Trưởng tộc họ này cúng Vật Lề gồm món cháo ám [đậu xanh, gạo trắng] nấu với cá lóc chỉ đánh vẩy, không chặt bỏ kỳ, vi, đuôi; cho nước cốt dừa vào. Một con cá lóc nướng trui để nguyên vẩy, kỳ, vi, đuôi. Có cả việc thả bè chuối. Dùng thân cây chuối kết thành chiếc ghe nhỏ. Trong ghe chuối chứa gạo, muối, giấy tiền, vàng bạc, một miếng cháo ám, với một khúc cá lóc nướng trui, làm lễ xong mang ghe chuối này xuống sông thả. 

Mang ý nghĩa nhớ Tổ tiên từ miền Trung, miền Bắc không ngại hiểm nguy vượt biển vào Nam tìm cuộc sống mới, xây dựng tương lai. Ông trưởng tộc nhà gái nhớ lại cánh họ Nguyễn nhà mình cũng có tục cúng vật lễ với đồ lễ y chang như vậy. Đặc biệt quan trọng là cũng đúng vào ngày mùng bảy tháng giêng hàng năm. Trưởng tộc nhà gái cho rằng họ Nguyễn nhà mình và họ Nguyễn nhà trai là cùng chung ông tổ, cùng dòng họ, cùng huyết thống. Không thể gả cưới cho nhau được.

 

Lệ cúng Vật Lề do điều kiện chiến tranh, loạn lạc liên miên, người miền Nam không có lệ ghi chép gia phả; như tục lệ người miền Bắc, miền Trung. Nếu chẳng may cuốn gia phả lọt vào tay đối nghịch dòng họ sẽ bị tàn sát “tru di tam tộc”. Nên họ bày ra ghi chú ám hiệu riêng. Để dòng họ nhận ra nhau là Cúng Vật Lề gồm những món gì, cùng ngày, thì đó là CÙNG DÒNG HỌ.

Trước đây, theo Quốc triều hình luật (Điều 319), Hoàng Việt luật lệ (Điều 100,101,102) chỉ quy định: KHÔNG ĐƯỢC KẾT HÔN GIỮA NHỮNG NGƯỜI HỌ HÀNG THÂN THÍCH. Ngày nay,luật pháp tiến bộ, bảo vệ những người thật sự yêu nhau, chỉ cấm những người trong họ kết hôn nhau TRONG PHẠM VI BA ĐỜI. 

Đến đời cô Đẹp và chàng Huy Hiển, xa lắc xa lơ. Trưởng tộc hai họ không còn biết, không nhìn ra nhau, chẳng qua biết nhau do tình cờ thấy cúng vật lề. ĐẸP, HIỂN CÓ QUYỀN NHỜ PHÁP LUẬT GIÚP MÌNH KẾT HÔN. 

Song đạo lý người Việt Nam mang nặng nghĩa tình. LẤY CHỮ HIẾU LÀM ĐẦU, ÁO MẶC SAO QUA KHỎI ĐẦU. Bậc bề trên đã quyết, đạo làm con tìm cách giải quyết bằng phương cách “mềm dẻo” hơn, Lệ “thú phạt”.

Cái lệ hay hay. Đôi trai gái tha thiết yêu nhau, nhưng chẳng may gặp cảnh “lừa kén sui gia”, môn đăng hộ đối, hoặc "cây oằn vì bởi trái say; xa anh vì bởi ông mai lắm lời”; hoặc vì lý do nào đó cha mẹ chẳng chịu tác thành. Van xin hoài không được, cô Đẹp buộc lòng phải theo tiếng gọi tình yêu.

Lặng lẽ “ôm quần áo” trốn sang nhà người yêu. Chòm xóm , giới bình dân, bàn tán, đàm tiếu:  Con Đẹp nó “MẮC” yêu quá. CUỐN GÓI THEO “TRAI” RỒI!!!

xXx

…Hai người âm thầm cùng nhau đi đến nơi xa làng cũ. Chí thú làm ăn sống hòa thuận hạnh phúc.

 Chờ đến ngày thấy “mòi” cha mẹ bớt giận, xiêu lòng Họ trở về nhà trai. Nhờ cha mẹ mang lễ vật cùng họ hàng đến Nhà Gái tạ lỗi cho con, xin làm lễ “thú phạt”. Tục gọi là làm đám cưới “Trễ”. Nhà trai còn sĩ diện cứng ngắc, vẫn một mực khước từ thì đôi bạn kia đành dắt nhau đi xứ khác làm ăn, chờ đợi thêm. 

Trường hợp như vậy rất ít khi xảy ra. Bởi cha mẹ nào cũng rộng lượng bao dung, không nỡ để cho con buồn khổ!

 “Trời đang chuyển.

 Đất ngoài biển đang lỡ đang bồi.

 Đôi ta  dĩ lỡ ra rồi. 

Chàng than, thiếp thở phụ mẫu ngồi sao yên”

Nhất là nhìn đứa cháu đi chập chững, mụ mẫm dễ thương. Bà Nội là người đầu tiên chạy đến ôm cháu hun hít “Chùn chụt”. Giành nuôi cháu. Chịu thương thương, chịu khó. Mến tay mến chân không chịu giao lại cho ai!

Có nhiều tình cảnh dở khóc, dở cười diễn ra: Bà Nội, Bà Ngoại tranh giành nuôi cháu . Mà xảy ra thưa kiện.

Nhà phân tâm học nổi tiếng, người Áo gốc Do Thái, Sigmund Freud (1856 – 1939) giải thích tình trạng Ông, Bà… chịu thương chịu khó nuôi cháu là  xuất phát từ nhu cầu tâm lý : 

“Hình ảnh Bé bụ bẩm, cười nói hồn nhiên…là tìm lại CHÍNH BẢN THÂN MÌNH thời trẻ thơ. Bị đánh mất đi do thời gian, do cuộc sống cơ cực đã bị “đánh mất”, bị “cướp” đi.

Gần gủi với cháu. Nghe chúng nói bi bô, cử chỉ ngây thơ mà lòng Ông, Bà mát rượi. Xua đi bao nỗi ưu phiền…Với Bé, mỗi ngày là một niềm vui.”

Hiện nay họ Tộc Làng nhà Neo, chịu cảnh vật đổi sao dời, đã chuyển về chợ Châu Đốc sinh sống, mang theo một chuyện tình đậm sắc tín ngưỡng bản địa./.

[Ghi theo lời ông Nguyễn Văn Lực, hậu duệ đời thứ nhất của họ Nguyễn ở Xóm Châu Vi Cao Đài, Xóm Hầm cá Vồ, đường Thủ Khoa Nghĩa, Phường Châu Phú A, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, Việt Nam]

Phạm Văn Rớt

__________________________

MÙA XUÂN BÀN CHUYỆN NHÂN TƯỚNG HỌC

                                    Phạm Văn Rớt

Theo quan niệm Á Đông, con người là một sinh vật, luôn luôn biến đổi, do đó các nét tướng cũng biến chuyển theo tâm hồn. Quan niệm này thực tiễn, và phù hợp với  dịch lý ( proceus dialetique) của vạn vật. Đây cũng là một ý niệm căn bản  của nhân tướng học Á Đông. Khoa này, thoạt kỳ thủy đã xuất phát từ quan sát thực nghiệm và dịch lý.

Nhân tướng học áp dụng lối quan sát trực tiếp con người, tức là dựa vào những dữ kiện thực tại và cụ thể chứ không căn cứ vào những hệ luận huyền bí và trừu tượng. Được thống kê, quy nạp từ hình dáng của khuôn mặt, đặc điểm của cơ thể, màu sắc của nước da, đặc tính của mục quang, phong thái đi đứng, nằm, ngồi, cười, nói…cho đến âm thanh, âm lượng…

Đây là quan niệm hoàn toàn nhân bản, từ người mà ra: “tướng tùy tâm sinh, tướng tùy tâm diệt” do con người mà có; và nhằm phục vụ con người trong việc “tri kỉ tri bỉ”.

Dân tộc Việt Nam sinh sống ở môi trường thiên nhiên khắc nghiệt: hằng năm hứng chịu mưa to, gió lớn, lụt lội, hạn hán, ôn dịch, ngoại xâm liên tục xâm lấn…để tồn tại và phát triển, dân tộc Việt phải có bản lĩnh vững chãi của riêng mình, phải “biết người biết ta”. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, họ đã tạo dựng, đúc kết một kho tàng “tri kỉ tri bỉ” hết sức phong phú sâu sắc, để lại cho con cháu đời sau qua ca dao, tục ngữ..

Nhân dịp đầu năm, trong không khí ấm áp của trời đất, nhấp chén trà thơm, rảnh rang, ôn lại di sản của ông bà tổ tiên để lại, cũng là một cách tưởng nhớ công lao của tổ tiên vậy.

Nguyên tắc nhân tướng học, trước tiên là quan sát một cách tổng quát, để có ý niệm sơ khởi về sự cân xứng chung về hình thể; rồi sau đó mới đi sâu vào chi tiết của từng nét, từng khúc nhỏ hơn. Dân ta phân bốn loại người sau: “nhất lé, nhì lùn, tam hô, tứ rỗ”.

Những người mắt lé, thấp quá, hô răng và nhất là rỗ mặt đều thuộc hạng tướng xấu. Nếu không xấu về cuộc đời thì ít nhất cũng xấu về phương diện thẩm mỹ. Người mặt rỗ lại càng bị thiệt thòi hơn nữa: “tóc ngắn thì tóc lại dài; ba tuồng mặt rỗ đá mài không trơn” hoặc là: “mặt rỗ như tổ ong bầu; cái răng khấp khểnh như cầu rửa chân”

Nói đến mặt thì phải nói đến đầu. Trong con người đầu ở vị trí cao hơn cả, do đó nó cũng đáng để ý trước tiên. Người ta ưa “đầu tròn, gót vuông”, mà không ưa “đầu nhọn, đít lệch”, vì những người này cuộc đời thế nào cũng long đong khổ sở.

Đầu to chưa phải là tốt, vì to đầu mà dại thì càng dễ bị chê. Trên đầu có tóc. Tóc quan hệ với đàn bà hơn đàn ông:

Đàn bà tốt tóc thì sang

Đàn ông tốt tóc chỉ mang nặng sầu

Đàn bà cần tóc để làm đẹp, vì cái răng cái tóc là gốc con người, còn đàn ông để tóc dài chẳng được cái tích sự gì cả, chỉ tốn tiền mua xà phòng thơm! Nhưng đàn bà tóc phải dài và mềm như mây thì mới tốt. Đàn ông mà tóc rễ tre, mày chổi sể (mày chổi sể là đầu mày thon gọn nhưng đuôi mày tõe ra như chiếc chổi quét nhà, các sợi lông mọc thưa dần ) là hạng cứng cỏi, ngang tàng không coi ai ra gì.

Về tướng mặt: đàn bà ai có mặt trái xoan là đẹp, đàn ông thì nên có mặt chữ đồng hoặc chữ điền: 

Mặt má bầu coi lâu muốn chửi

Mặt chữ điền tiền rưỡi muốn mua.

Điền là ruộng, mặt chữ điền là mặt vuông vức như đám ruộng (Râu hùm, hàm én, mày ngài-Kiều). Đàn bà cần tròn trịa, đàn ông cần vuông vức, đàn bà và đàn ông cái gì cũng khác xa nhau thật! Nhưng dù đàn ông và đàn bà, người nào gương mặt cũng nên thanh tao, không nên nổi thịt lên nhiều quá

Những người mặt nạc dạn dày

Mo nang trôi sấp biết ngày nào khôn?

Gặp những người mặt nạc này dù là hạng có học đi nữa, nếu ta đem chuyện văn chương nghệ thuật ra nói với họ thì đó quả là một điều lầm lẫn lớn lao trong đời vậy vì nước sa đầu vịt. (Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang/ Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa-N.D)

Về mũi, ai cũng khen chiếc mũi dọc dừa vì nó đẹp. tuy nhiên, đó chưa phải là tướng tốt

Những ai có mũi dọc dừa

Đẹp người  nhưng lại lẳng lơ rất nhiều

Lẳng lơ từ hồi mới có trái đất, đã là một chứng bệnh nan y:

Chỉ đâu mà buộc ngang trời

Thuốc đâu mà chữa được người lẳng lơ

Vì vậy, những ai hiền lành, ăn chắc mặc bền muốn tính chuyện trăm năm thì hãy tránh những chiếc mũi dọc dừa tai hại này ra (nhưng đôi khi mình lại mê người ta cũng vì chiếc mũi dọc dừa đó, thế mới khổ). Người lẳng lơ cũng có lý lẽ của mình:

Lẳng lơ cũng chẳng có mòn

Chín chuyên cũng chẳng sơn son để thờ.

Nhưng thực tế thì người ta vẫn thích: cưới vợ hiền hòa, làm nhà hướng nam

Đàn ông ai có mũi sư tử thì có quyền thế lại giàu; cái mũi diều hâu báo cho ta biết chủ nhân của nó là hạng người độc ác (như con diều hâu). Đó là hạng mọc lông trong bụng nhưng lông dài hay ngắn hay sao thì chưa ai nghe nói tới.

Môi cũng cho ta biết khá nhiều về tình cảm con người, nhất là về đàn bà. Người ta nói rằng: 

Môi dày ăn vụng đã xong,

Môi mỏng hay hớt, môi cong hay hờn

Nhưng môi dày, môi mỏng hoặc môi cong đi nữa cũng không  xấu bằng môi thâm. Cua thâm càng, nàng thâm môi là đồ vất đi không còn giá trị gì nữa. Môi thâm đi liền với mắt bạc thì lại càng đáng sợ. Cha mẹ thường khuyên con cái:

Những người bạc mắt thâm môi,

Râu rìa lông ngực chớ chơi bạn cùng

Mắt trắng, môi thâm, da thiết bì chính là tướng của hạng người gian xảo, tàn ác, vô tư cách. Người đứng đắn cũng như những bậc hiền phụ bao giờ cũng có môi hồng răng trắng cả. Đáng tiếc là dân ta hồi xưa chưa biết dùng mỹ phẩm, bây giờ ai môi thâm cứ đem son ra trát vào cho đỏ chóe là đẹp ngay!

Nói đến môi tức là nói đến miệng. Đàn ông miệng rộng bao nhiêu tốt bấy nhiêu, còn đàn bà thì ngược lại:

Đàn ông miệng rộng có tài,

Đàn bà miệng rộng điếc tai xóm làng

Sợ chưa rõ người ta giải thích thêm:

Đàn ông miệng rộng thì sang,

Đàn bà miệng rộng tang hoang cửa nhà

Bà nào đã miệng rộng là lại còn rộng nữa thì tai họa đối với chồng con không phải là nhỏ. Bao nhiêu kinh nghiệm, tài năng học thức của ông chồng đều vô ích, vì đều thua một cái miệng của bà vợ! Chẳng trách người ta có câu lệnh ông không bằng cồng bà là vì vậy

Một cái miệng dù rộng hay hẹp có lẽ chỉ đẹp nhất lúc nó cười, đôi môi mở ra để lộ hàm răng:

Mình về mình nhớ ta chăng,

Ta về ta nhớ hàm răng mình cười

Nhưng mê mẩn ra sao đó là chuyện khác, không ăn nhập gì đến tướng số. Vả lại người ta mê nhau không phải ở cái hàm răng mà thôi. Đôi khi người hay cười còn bị chê là vô duyên nữa “vô duyên chưa nói đã cười”, ít ăn ít nói lại càng hay vì “có duyên hỏi chín mười lời chửa thưa”. Đúng là cái gì hiếm hoi mới quý, thứ mà ai cũng có được thì còn giá trị gì nữa!

Thật ra trên khuôn mặt người ta, con mắt giữ vai trò quan trọng hơn cả. Chúng ta thường nói: “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn” nghĩa là đôi mắt phản ánh tâm hồn và tấm lòng con người. Tục ngữ dân gian có câu: “Người khôn con mắt dịu hiền”, “Trán cao mắt sáng phân minh, là người học rộng, công danh tuyệt vời”. Người có tâm hồn thánh thiện thì đôi mắt bao giờ cũng đẹp; nhìn vào đôi mắt của trẻ thơ đã nói lên điều này. Mắt là cửa sổ để qua đó con người chiêm ngắm vẻ đẹp của vũ trụ vạn vật; để nhìn thấy những tấm gương những ngọn đèn soi sáng trong cuộc lữ hành trần thế. “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, câu thành ngữ đã diễn tả tầm quan trọng đặc biệt của đôi mắt. 

Như thế, cầu xin có được đôi mắt sáng là điều cần thiết, nhưng có được một tâm hồn đẹp và sáng ngời còn là điều cần thiết hơn. Xin cho mọi người biết mở mắt và mở lòng ra để thấy được nghĩa vụ mình phải làm cho người khác hạnh phúc, hơn là chỉ thấy quyền lợi và nhu cầu của mình. Mở mắt mở lòng để nhìn thấy cái đẹp, cái tốt nơi người khác; mở mắt mở lòng để sống yêu thương nhau.

Cha mẹ đi chọn vợ cho con gọi là “đi coi mắt”. Trong phép vẽ thời xưa, con mắt được vẽ sau cùng, vào lúc nào họa sĩ thấy tâm hồn thanh thản nhất người ta gọi là lúc “điểm nhãn”. Con mắt thu tóm được tinh thần của bức tranh cũng như nó biểu lộ sự sống và ý chí của một con người. Do đó, nhìn ai trước mắt ta nhìn vào con mắt của người ấy. con mắt giúp ta quan sát, phán xét mọi vật, vì con mắt là mặt đồng cân. Nhìn vào mắt, ta có thể biết một người khôn ngoan hay ngu đần, thành thật hay giả dối:

Người khôn con mắt đen sì,

Người dại con mắt nửa chì nửa thau

Mắt nên to không nên nhỏ, mắt hí là loại mắt ít được cảm tình của mọi người:

Những người ti hí mắt lươn,

Trai thì trộm cướp,gái buôn chồng người

Mắt ti hí tương tự như mắt híp là vì mặt có nhiều  thịt nổi lên che kín cả mắt. Đây là hạng người có mặt thuộc loại mặt nạc như đã nói ở trên, nên tính tình thô bỉ là đúng lắm

Những người con mắt lá răm

Đôi mày lá liễu đáng trăm quan tiền

Làm sao mắt rau răm mà lại đẹp được nhỉ? Có lẻ cái vẻ sắc sảo của nó làm nhan sắc của người phụ nữa mặn mà hơn lên chăng? Mày lá liễu thì chắc chắn thanh tao rồi, không còn ai chối cải được. Mắt ốc nhồi, mắt ếch không những đã khó coi mà lại còn yểu tướng nữa. Nhưng mắt sâu quá cũng không phải là tốt. Ai rậm râu sâu mắt là những kẻ khó lường bụng dạ, ta phải luôn đề phòng. Nếu mắt đã đen lại còn tròn trịa, kín đáo giống mắt bồ câu  hoặc mắt phượng, lại có thêm mày ngài nữa thì không còn gì quý bằng. Số không cung phi hoàng hậu thì cũng mệnh phụ phu nhân.

Các bà, các cô ai cũng có quyền tin tưởng rằng mắt của mình chính là mắt phượng hoàng đây. Công danh sự nghiệp sẽ rực rỡ mấy hồi mấy chốc! Con mắt có thể xét tổng quát về con người nên tục ngữ ta có câu tóm tắt giàu hai con mắt, khó hai bàn tay, thật là chí lý.

Ngoài một cá nhân, người ta còn nhận thấy đàn ông và đàn bà, mỗi phái phải có một nét tướng riêng thích hợp với phái của mình

Đàn ông không râu bất nghì,

Đàn bà không vú lấy gì nuôi con

Đã là thân tu mi nam tử thì phải có râu nhưng đàn ông không nên có râu rìa lông ngực; còn đàn bà thì tướng pháp không cho biết vú thế nào là tốt nhưng lại cho biết những điểm khác kỹ hơn:

Những người thắt đáy lưng ong

Vừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con

Những người béo trục béo tròn

Ăn vụng như chớp, đánh con cả ngày

Lưng ong là lưng nhỏ như lưng con ong; tức là có eo đó quý vị ạ. Ai chọn vợ cứ chọn những người có eo là ăn chắc! Những người mập thường ăn nhiều (vì ăn nghiều nên mới mập). Ăn nhiều nhưng nhà nghèo lấy đâu ra tiền để ăn, do đó có ít nên phải ăn vụng. Đã ăn vụng, con nít bắt được, nó đòi không cho thì phải đánh nó chứ làm sao bây giờ! Nhưng chưa hết! Những bà béo này lúc nổi xung lên, còn dám đánh luôn cả chồng nữa.

Đàn ông cần có thân dài vai rộng nên tránh cái tướng bụng ỏng đít teo đó là tướng của những người nghèo hèn khổ sở. Luôn cả những người:

Vai u thịt bắp mồ hôi dầu

Lông nách một nạm, chè tàu một hơi

Cũng là hạng tầm thường, suốt đời để cho người khác sai khiến vì có tiền cũng không biết hưởng. Chè tàu mà uống một hơi thì ra cái gì nữa?

Trong cơ thể con người, chân tay cũng đáng để ý lắm, khôn ngoan hiện ra mày mặt, què quặt hiện ra chân tay. Người ta vẫn thường nói: hạng vai u thịt bắp ở trên chắc chắn là có tay dùi đục, chân bàn cuốc để làm ra những việc nặng nhọc. Đàn bà ai có tay búp măng, được coi là người sang trọng sung sướng. Những ai có tướng tay dài quá gối cũng được coi là người sung sướng nốt vì thấy trên đời này không có việc gì đáng cho mình làm cả!

Ngoài những hiện tượng trên đây còn có những ẩn tướng nữa. Năm học Lớp Nhì, tập đọc Sử Ký có vẽ hình minh họa; câu chuyện Lưỡng quốc Trang Nguyên Mạc Đĩnh Chi. Ông dự khoa thi Đình, đỗ đầu, lúc vào yết kiến, vua Anh Tông thấy ông vóc người nhỏ, thấp, tướng mạo xấu xí nên tỏ ý chê bai, không muốn cho đỗ Trạng nguyên.Mạc Đĩnh Chi biết ý vua, nên làm bài phú Ngọc tỉnh liên (Hoa sen trong giếng ngọc) dâng vua. Anh Tông xem xong khen hay, liền ban áo mão võng lọng cho ông vinh quy bái tổ.Thời gian Mạc Đĩnh Chi đi sứ Trung Hoa, vua Nguyên Vũ Tông, đang cuối mùa hè oi bức, có người của Sát Hợp Đài hãn quốc dâng đôi quạt quý. Nhân có cả sứ thần Cao Ly ở đó, vua Nguyên bèn giao Mạc Đĩnh Chi và sứ thần Cao Ly mỗi người một cây quạt, làm thơ vịnh đề lên quạt của mình. Sứ thần  Cao Ly làm xong, dâng cây quạt trước, có 4 câu, 16 chữ.Cây quạt của Mạc Đĩnh Chi cũng có bài ý tương tự như của sứ Cao Ly, nhưng lại "đắt địa" ở việc trích dẫn câu trong sách Luận ngữ, có nghĩa: "Ai dùng ta thì ta làm, ai không dùng ta thì ta để đó. Điều ấy chỉ người với ta mới có được thôi".Cảm phục văn tài của Mạc Đĩnh Chi, vua Nguyên liền phê lên chiếc quạt của Mạc Đĩnh Chi bốn chữ: "Lưỡng quốc Trạng Nguyên".

Năm học lớp đệ Lục, học giờ Sử với giáo sư Trương Văn Ba, kể chuyện nguyên do dị tướng kỳ tài của Mạc Đĩnh Chi. Thầy tướng số Trung Hoa thấy Mạc Đĩnh Chi tướng xấu xí, “phá tướng’’ mà sao lại đổ đạt làm tới Lưỡng quốc Trạng nguyên?, nên âm thầm, quan sát, tìm hiểu xen có ẩn tướng nào không . Qua theo dõi ngày đêm, cả lúc Mạc Đĩnh Chi tắm rửa…cũng không tìm ra “nốt ruồi son”, ẩn tướng nào cả…! Thầy tướng số Trung Hoa băn khoăn tự hỏi, sách vở tiền nhân lưu lại chẳng lẽ vô giá trị?. Không nãn chí, thầy tướng số kiên trì theo dõi. Cho đến hôm đó, Mạc Đĩnh Chi đi đại tiện xong, hối hả đi ra, không kịp khóa nhà xí, thầy tướng số lẽn vào xem xét, tìm ra ẩn tướng của Mạc Đĩnh Chi: Người bình thường đi đại tiện phân hình tròn, hoặc dẹt. Mạc Đĩnh Chi đi đại tiện ra phân hình vuông?! 

Với đàn ông thì: quân tử lông chân, tiểu nhân lông bụng. Với đàn bà thì:  rốn lồi quả quýt.Đàn ông ai có lông nhiều ở chân là người có khí phách. Đàn bà rốn nên sâu, ai lồi ra sẽ hiếm con và cuộc đời cũng vất vả. Phép xem như vậy thì dễ rồi, nhưng làm thế nào thấy được những chỗ bí hiểm trên để mà xem, đó mới là chuyện khó. Thì ra muốn xem tướng cho đúng, có tài xem, không chưa phải là đủ! Người ta còn bàn đến tiếng nói nữa:

Đàn bà lanh lảnh tiếng đồng

Một là sát chồng , hai lại sát con

Điều này thì các ông râu quặp thấy rõ hớn ai hết, khỏi cần bàn cãi dài dòng. Nói chung, cả đàn ông lẫn đàn bà đều không ưa những kẻ:

Vô duyên chân đã đi còm

Trục mũi đã sứt, cái mồm lại sưng

Đó là những người, nếu đàn ông thì không lấy được ai, còn đàn bà thì không ai lấy được. Cho nên, một lần nữa, ta lại thấy các thẩm mỹ viện ra đời đã đem lại hạnh phúc cho nhân loại biết bao nhiêu! 

Người Việt Nam vốn thường lo lắng cho con cái hơn là lo cho thân mình; nghĩ đến kiếp sau hơn là đời sống hiện tại, thái độ hòa hoãn chừng mực trên đây, là kết quả hàng ngàn năm phải đối phó với thiên nhiên khắc nghiệt, với đất rộng đầy chướng ngại với nạn họa xâm:

Người trồng cây hạnh người chơi

Ta trồng cây đức để đời về sau

Một khi đã có thái độ hòa hoãn như vậy, người ta dễ coi thường mọi sự chung quanh: tất cả đều đem ra đùa cợt được. Người ta có thể kính cẩn nhờ một ông thầy lấy cho một là số tử vi nhưng cũng có thể buôn lời chọc ghẹo ông:

Tử vi xem tướng cho người

Tướng thầy thì để cho ruồi nó bâu!.

Hoặc để chỉ những ông thầy bói nói dựa, người ta hát cho nhau nghe nhưng cũng cốt để cho ông thầy bói nghe nữa, bài hát sau đây:

Số cô chẳng giàu thì nghèo

Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông

Số cô có vợ có chồng

Sinh con đầu lòng không gái thì trai

Thế là đúng quá rồi, không chê vào đâu được. Nhưng nếu thầy bói mà chỉ nói đúng được như thế thôi, thì nên giải nghệ là vừa. Cũng có thầy bói thâm thúy: 

Bà già đi chợ cầu đông

Bói xem một quẻ có chồng lợi chăng ?

Thầy bói xem quẻ nói rằng

Lợi thì có lợi, hàm răng không còn!

Đến đây có thể hiểu được phần cách xem tướng của dân tộc ta. Cách xem đó hoàn toàn dựa vào quan sát, chiêm nghiệm trải qua nhiều thế hệ mà đúc kết, hình thành. Có những so sánh đầy hình ảnh: mũi diều hâu,miệng thổi lửa, tay dùi đục,chân bàn cuốc, răng chuột,tóc mây, mắt ếch,mày liễu, mặt da hoa phấn…Nhưng, tướng tốt lẫn tướng xấu đều không có bên nào đi đến chỗ quá đáng, khen chê đều vừa phải.Người ta nói đến những điều trên một cách tự nhiên,không có dụng ý che trách ai. Biết tướng số, nhưng vẫn không để mình lệ thuộc vào tướng số, người ta còn muốn vươn tới một cái gì cao hơn để: Tận kỳ tính dĩ chí ư mạng (Rán hết sức mình, mới biết mệnh trời). Đó là cái nguyên lý để cho không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời. Thế cho nên,trong đời sống hằng ngày , dân ta luôn dùng tình cảm và nhân nghĩa mà cư xử với nhau. Có lẽ đó là tướng tốt chung cho người Việt vậy.

PHẠM VĂN RỚT

.

Tài liệu tham khảo:

Nho giáo của Trần Trọng Kim, Bộ Giáo dục xuất bản 1971

Việt Nam Văn học Sử Yếu, Dương Quãng Hàm,Bộ Giáo dục, trung tâm học liệu xuất bản,1968

Việt nam văn hóa sử cương-Đào Duy Anh, tái bản năm 2002

Báo Khoa học huyền bí, xuất bản trước 1975.

phamvanrot_Chiemnguyendan.jpg

     Phép dự đoán thời tiết đầu năm

Mùa Xuân lại đến. Trong không khí rộn ràng mừng Xuân, người việt có nhiều tập tục liên quan đến ngày đầu năm.

Việc làm ngày đầu năm, ảnh hưởng đến toàn cục trong năm. Cúng đón giao thừa xong, người ta có tục hái lộc đầu năm. Quê tôi có Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam nổi tiếng, ngày đầu năm, dập dìu tài tử giai nhân. Ngựa xe như nước, áo quần như nêm, chen chúc nhau đến nơi này lễ bái, cầu an, cầu tài, cầu lộc...Ông tổ ngoại tôi (ông Đạo Thạch) là một trong những đệ tử của Đức Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên [1], nên ngày đầu năm, má tôi thường dẫn tôi đi cúng, xin bùa đeo ở Chùa Hang (Phước Điền Tự) Núi Sam; do Sư ông trụ trì Chùa Hang, thuở đó, xuất thân từ Trại Ruộng (Phước Điền Tự) của Đức Phật Thầy Tây An ở Thới Sơn, Nhà Bàng, Tinh Biên, Châu Đốc. 

Ngày mồng một đầu năm, người Việt Nam thường chọn giờ đẹp, hướng đẹp để xuất hành, hi vọng có năm mới may mắn mỗi khi bước chân ra khỏi nhà. Mọi người giữ gìn lời ăn tiếng nói, ôn tồn, hòa nhã, vui vẻ với nhau; không nói, những việc làm mất hòa khí. Lũ trẻ chúng tôi nghịch ngợm, có lỡ làm việc gì sai trái cũng không bị rầy la, trách mắng…Người nhà không kêu thức dậy sớm vào mùng 1, vì quan niệm người nằm ngủ sẽ chịu sự thúc giục về công việc, cuộc sống, vất vả suốt năm. Trẻ con như tôi thích nhất ngày này, được ngủ “nướng” thoải mái, đến khi nào nghe pháo nổ mới lòm còm ngồi dậy…

Ngày đầu năm, có gia đình kiêng cử không cho quét rác ra ngoài cửa, tài lộc ra ngoài hết. Có quét thì quét vô, gom lại một chỗ, qua Tết mang đi đổ. Mồng một Tết, kiêng cử ngồi “chàng hàng” ngoài cửa, chặn “trường khí” tốt lành chúa Xuân tràn vào. Tục kiêng cử mở cửa tủ: dù là loại tủ gì, kể cả tủ quần áo, cũng không nên mở vào ngày mùng 1 Tết, bởi việc này sẽ làm thất thoát tiền tài và vận may suốt cả năm. Vì thế, người ta thường chuẩn bị quần áo ủi sẵn, treo ra ngoài trước giao thừa.

Ông ngoại tôi có tục lệ, ngày mồng 1, tổ chức gia đình ăn cơm chay để cầu phước cả năm. Ăn cơm chay trong nhà xong, con cháu đi chúc, đi chơi Tết… ; muốn ăn chay, ăn mặn gì cũng được. Ông, bà ngoại thì vẫn ăn chay suốt ngày mồng một, có ý nghĩa, giá trị suốt một năm!?! 

Nhớ lại những giờ phút Giao thừa trước đây, Má tôi thường ra sân nhà yên tĩnh nghe ngóng. Tôi lấy làm lạ tò mò hỏi. Má giải thích: đang chú ý lắng nghe  con gì “ra đời”. Bà giải thích tiếp, ngay giờ Giao thừa, con vật nào lên tiếng trước, là năm đó cầm tinh của con vật đó. Chẳng hạn chó sủa trước thì năm đó , cầm tinh con chó,; gà gáy trước thì cầm tinh con gà.v.v. Tùy theo đặc tính con vật mà luận đoán cát, hung. Lâu quá rồi, trên 50 năm, tôi không còn nhớ những quy tắc luận đoán này. Thừa hưởng truyền thống gia đình, bà tin tưởng rằng vào thời điểm hằng năm, theo lịch can chi, qua quan sát hiện tượng tự nhiên, sẽ tìm ra một số “ điềm” báo dự đoán về thời thế cả năm; để lo toan cuộc sống, xa không lo họa tới gần.

Trong chương Thiên Tượng, Binh Thư Yếu Lược - bản microfilm ký hiệu A/476 tại Viện Khảo Cổ Sài Gòn – Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã đưa ra phép dự đoán thời thế cả năm: “Chiêm nguyên đán, thiên sắc vân khí bí phép” (Phép bí mật để xem khí trời và sắc mây trong tiết Nguyên đán): “Tiết nguyên đán, đúng tháng Giêng, ngày mồng một, giờ Tý (00 giờ đêm), lên lầu mà bí mật xem bốn phương. Nếu thấy khí mây màu vàng, thì năm ấy lúa trúng mùa lớn. Khí mây có sắc màu trắng, thì năm ấy có binh dậy. Nếu có một vầng hiện ra một mình, dưới một phương nào, thì ở phương ấy có binh dậy. Bốn phương không có mây, mà chỉ thấy hai sắc đỏ trắng liền nhau, thì sắc đỏ tượng trưng cho máu, sắc trắng tượng trưng cho sắc kim khí (gươm đao); hai sắc trắng, đỏ hạ xuống phương nào, thì phương ấy bắt đầu loạn. Sắc xanh, là điềm có nạn gió bão. Sắc đen là điềm có nạn mưa lụt. Nước nào có điềm ấy phải phòng bị”.

Phép dự đoán của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn dựa trên thuật đoán “ Kỳ Môn Độn Giáp” là dự đoán ở tầng bậc cao. Dân gian cũng tổng kết được phép dự đoán, do trải qua thời gian lao động thực tiễn mà hình thành.

Ca dao có câu: “Canh Tân ngưu mã động, Nhâm Quý thủy thăng thiên, Giáp Ất tự phong niên, Bính Đinh phòng đại hạn, Mậu Kỷ tổn điền viên”. Nghĩa là, những năm âm lịch có chữ đầu là Canh, Tân (dương lịch có số sau cùng 0 hoặc 1) thì có dịch gia súc, cũng có người nói là chiến tranh; vì ngựa bị điều động cho chiến tranh. Những năm âm lịch có chữ đầu là Nhâm, Quý - dương lịch có số sau là 2 hoặc 3- thì nước lụt hoặc bảo lớn (nước lên trời). Những năm Giáp, Ất –dương lịch có số sau cùng là 4 hoặc 5 – thì được mùa. Những năm Bính, Đinh – dương lịch có số sau cùng là 6 hoặc 7 -  thì bị hạn hán. Những năm Mậu, Kỷ  - dương lịch có số sau cùng là 8 hoặc 9 – thì bị hư hại ruộng vườn, do thời tiết. 

Bảng quy luật trên đây biểu thị tính khái quát, không thể lường trước những biến động vô cùng của trời đất. Nếu theo cách tính này, những năm có Can là Giáp, Ất thì được mùa. Thế nhưng, dân miền Tây không ai là không biết trận BẢO LỤT NĂM THÌN ( năm Giáp Thìn 1904). Nhà văn Nguyễn Chánh Sắt (sinh năm 1869, ngụ ở Tân Châu) chứng kiến cảnh hãi hùng ấy đã có bài thơ như sau: Trên ngọn gió ùng nghe thất vía/Ngoài sâu, nước giẫy thấy kinh hồn/Cửa tiền hư hại hơn ngoài triệu/ Người vật điêu tàn tính quá muôn [2]. Ca dao còn lưu truyền:

“Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc
Gió nào độc bằng gió Gò Công
Nổi một trận giông lạc vợ mất chồng
Đêm nằm nghĩ lại phật phồng lá gan”

Báo L’Opinion và Le Courrier de Saigon mô tả về trận bão này: “Đến 5 giờ chiều, trận dông mưa mới thật kịch liệt cực điểm. Dông gió tung rớt mái nhà, đàn ngã cây cối, đứt mất dây điện và dây thép, nhận chìm tàu ghe, cột đèn hay cột dây thép xiêu ngã liệt địa. Đường sá vắng teo không người lai vãng, tiếng dông mưa thổi ào ào như trời than đất thở” [3] 

xXx

Kinh tế Việt Nam dựa trên nền tảng sản xuất nông nghiệp. Thời tiết rất quan trọng. Người dân đã quan sát nhiều năm tháng, đúc kết kinh nghiệm, đưa ra những dự đoán, lưu truyền cho con cháu. Người dân Đồng Bằng Sông Cửu Long đã có những tri thức quý báu, dự đoán về nước lớn, nước nhỏ hằng năm vô cùng phong phú:

Kiến đen, tha trứng lên cao

Thế nào cũng có mua rào rất to

Ông, bà ta còn căn dặn: năm nào thấy trong đám sậy có xen vào vài cây nhặt mắt, thì năm đó nước lớn. Còn đều đều thưa mắt, thường là nước nhỏ. Quy luật này cũng được áp dụng đúng với các loại cây cùng loại với cây sậy là: đế, nga, lau .v.v

Các lão nông tri điền còn có phép dự đoán: khi trời bắt đầu sa mưa, khoảng tháng năm tháng sáu, quan sát trong bụi tre, thấy có hiện tượng mục măng tre lại mọc phát triển cao hơn những nhánh tre thì chắc là năm đó có nước lớn…

Cũng dựa vào quy luật tiết khí đầu năm, người dân Đồng Bằng Sông Cửu Long còn có tục cân nước, dự đoán về nước lớn, nước nhỏ hằng năm khá độc đáo: chiều ba mươi Tết, bơi xuồng ra giữa dòng sông  múc đầy một chai nước; đóng nút cẩn thận, mang về nhà, để lên bàn cân. Ghi cẩn thận trọng lượng chai nước xong, để đó.

Đến đúng giờ khắc giao thừa, bơi xuồng ra giữa dòng sông, đúng vị trí múc nước chiều ba mươi Tết, múc một chai nước khác, mang về cũng để lên bàn cân. Cân chai nước thứ 2 được bao nhiêu trọng lượng.

Dân xứ mình mỗi năm phải sống với cơn nước lũ. Đây là cách dự đoán nước lũ mỗi năm, lớn hay nhỏ. Chai nước nước đêm giao thừa có trọng lượng lớn hơn chai nước đên ba mươi, thì cơn nước năm đó lớn hơn năm cũ. Cứ thế mà suy ra./.

Phạm Văn Rớt

  

 

Tài liêu tham khảo:

[1]-“Ngoài các bậc siêu phàm trong vùng Thất Sơn mà chúng tôi đã chép ra đây, còn nhiều vị khác nữa như :…,ông Đạo Thạch, tịch ở đình Thạnh- Mỹ, khi tịch có hào quang,…”,Thất Sơn Mầu Nhiệm, Dật Sĩ và Nguyên Văn Hầu,NXB Từ Tâm 1972, trang 180.

[2]-https://tepbac.com/tin-tuc/full/dau-xua-mua-nuoc-noi-so-con-rong-du-8594.html

 [3]-https://giaoducthoidai.vn/nhiet-ke/-quot-nam-thin-bao-lut-quot-trong-ky-uc-nguoi-nam-bo-17151.html

KHAI BÚT ĐẦU NĂM: HÀ CHÍNH MÃNH Ư HỔ GIÃ!

                                                                           Phạm Văn Rớt 

PhamVanRot_KhaiButdaunam.JPG

Là văn sĩ lẽ nào không khai bút?

Chẳng hay ho cũng nắn nót một bài 

Ngót hai năm xổng bút mỉa mai đời 

Thì Tết đến cũng phải có bài thơ…rắc rối” (Khai bút rông – Tú Mỡ). 

Tục Minh Niên Khai Bút đã trở thành một truyền thống lâu đời của người Việt. Học giả Phan Kế Bính trong “Việt Nam phong tục” đã ghi nhận: “Mồng hai Tết Nguyên đán, những nhà buôn thấy hợp ngày thì mở hàng. Kẻ sĩ thì thường thường làm lễ khai bút.”

Theo tục lệ  ông bà bao đời lưu truyền, gia đình tôi có tục khai bút đầu năm, cầu mong cho năm mới may mắn và thành công hơn nữa trong công việc và học tập; thể hiện tinh thần hiếu học, truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt. 

 

Theo thông lệ, cuối năm, học trò chúng tôi được nghĩ học chuẩn bị “ăn Tết”: sách vở, bình mực, viết, cặp học,…sắp xếp vào ngăn kéo. Trước khi chính thức bước  sang năm mới, ba tôi đã coi lịch “Tam tông Miếu” (lịch Can, Chi coi ngày lành tháng tốt thông dụng của miền Nam)- trong khoảng thời gian ba ngày Tết- có ngày nào khai trương, xuất hành…là kêu anh em tôi thức dậy sớm, ăn mặc chỉnh tề, sau khi đốt nhang cúng lạy gia tiên xong, ngồi ngay ngắn vào bàn học, lấy tập giấy trắng ra, cây viết bôm mực đầy đủ; viết câu chữ vào đó. Câu chữ cần tránh viết sai, không bỏ dở những điều đang viết; cần có “bút sa” vào trang giấy, để đánh dấu ngày tốt khai bút là được.

Thường là các câu ca dao, thành ngữ dễ nhớ, dễ thuộc, có ý nghĩa: Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra; Không thầy đó mầy làm nên…Xong nghi lễ khai bút đầu năm, chúng tôi xếp bút nghiên vào chỗ cũ; được tự do theo sở thích: đứa thì lấy truyện bằng tranh ra đọc, đứa thì chạy đi chơi với bạn bè.v.v.. 

 

Giới quan lại ngày xưa cũng có tục khai bút , qua lệ khai ấn đầu năm. Cuối năm nghỉ ăn Tết, quan lại rửa ấn, triện cất niêm phong cẩn mật. Qua Tết, thăng đàng làm việc, quan phải làm lễ khai ấn đầu năm. Các vị này nhân đầu năm làm lễ khai ấn, triện bằng cách đóng dấu vào những giấy tờ công văn để cầu mong cho "thiên hạ thái bình" và dân chúng được "an cư lạc nghiệp". 

 

xXx

 

Đầu năm Nhâm Dần (2022), xin khai bút về chuyện hổ, cọp.,. được ghi trong sách Lễ Ký (Kinh Lễ), một trong bộ Ngũ Kinh của Khổng Tử.

Khổng-tử quá Thái-sơn trắc,

(Khổng-tử đi qua bên núi Thái-sơn)

hữu phụ nhân khốc ư mộ giả nhi ai.

(Thấy một người đàn bà sụt sùi lăn khóc bên mồ, rất thảm thiết khiến ai nghe cũng sững-sờ động tâm).

Phu-tử thứ thính chi, (Phu-tử cúi đầu xuống tấm gỗ trên xe mà nghe)

Sử Tử-Lộ vấn chi viết: “Tử chi khốc dã,

(Sai Tử-Lộ hỏi thăm duyên cớ: “Tiếng khóc của bà),

Nhất tự trùng hữu ai giả”.

(dường như có nhiều nỗi đau buồn?”)

Nãi viết: “Nhiên. Tích giả ngô cữu tử ư hổ,

(Người đàn bà liền trả lời rằng: “Đúng thế. Ngày trước cha chồng tôi chết vì cọp,)

ngô phu hựu tử yên, kim ngô tử hựu tử yên”

(chồng tôi chết vì cọp, nay con tôi lại chết vì cọp”

Phu-tử viết: “Hà vi bất khứ dã ?”

(Phu-tử nói rằng: “Tại sao bà không bỏ đi? Tìm nơi xa hổ, nương thân?”

Viết: “Vô hà chính”

(Người đàn bà đáp: “Chính sách chăn dân ở đây, so với nơi khác có phần dễ hơn. Không có chính sách hà-khắc !!!”)

Phu-tử viết: “Tiểu tử chí nhi”

(Khổng-Phu-tử nói rằng: “Các trò ghi  nhớ lấy điều này,)

Hà chính mãnh ư hổ giã”

(Chính sắc hà khắc tàn bạo hơn cọp)

PHẠM VĂN RỚT

 

Tài liệu tham khảo:

[1]-Hán Văn Tinh Túy, Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, Nam chi tùng thư xuất bản 1965, trang 59-63.

bottom of page